Hiện tượng luận về văn học
Nhà phê bình văn học trẻ Ngô Hương Giang hiện đang công tác tại Viện Triết học, vừa xuất bản công trình “Hiện tượng luận về văn học”. Phê bình văn học trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần Dẫn nhập của cuốn sách này.
Tên sách: Hiện tượng luận về văn học
Tác giả: Ngô Hương Giang
Khổ sách: 14 x 20,5 cm
Số trang: 282 trang
Trình bày bìa: Nguyễn Anh Vũ
Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB Hội nhà văn, 2013
*
Dẫn nhập
Có lẽ chưa một khoa học nào lại có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng thế giới thế kỷ XX và XXI như Hiện tượng luận. Hiện tượng luận, như ông tổ của nó, Edmund Husserl đã chỉ ra, trước hết, nó là một môn học về bản chất các hiện tượng; và lập trường của nó kêu gọi chủ thể tính bằng phương pháp truy nguyên bản chất hãy quay về với chính sự vật. Trải qua những phê phán và không ngừng phê phán, Hiện tượng luận đã phát triển và hoàn thiện lập thuyết của Husserl, với nhiều nhánh khác nhau, mà mỗi nhánh ấy đều có ảnh hưởng nhất định tới các lý thuyết văn học “đình đám” trong 2 thế kỷ này.
Hiện tượng luận thông diễn của M. Heidegger (Hermeneutical Phenomenology) đã đặt nền cho lý thuyết thông diễn học trong văn học, với sự góp mặt của nhiều tên tuổi vĩ đại như H. Gadamer, D. Hirsch, Paul De Man, P. Ricoeur, đặc biệt là sự mở ra với thuyết Giải cấu trúc (Deconstruction) với các tên tuổi như J. Dérrida, M. Foucault, J. Habermas… Hiện tượng học tri giác của Maurice Merleau Ponty từ khi ra đời đã nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trong các khoa học nhân văn, đặc biệt là lý thuyết tiếp nhận trong văn học, ở phương pháp phê bình ấn tượng, phê bình trực giác. Những phương pháp này có sức ám ảnh lớn tới phê bình h(ậu)iện đại, mà chúng ta sẽ thấy sau này. Ở Việt Nam, trước 1975, việc tiếp nhận Hiện tượng luận chủ yếu từ Hiện tượng luận tri giác của Merleau Ponty, mà trong phần lịch sử vấn đề, chúng tôi sẽ nói rõ hơn. Hiện tượng luận hiện sinh như là sự phát triển trực tiếp trên nền tảng Hiện tượng luận tiên nghiệm của E. Husserl, có tác động trực tiếp tới lý thuyết văn học hiện sinh, lý thuyết cơ cấu luận tinh thần với các tên tuổi lớn như J. Sartre, K. Jasper, G. Marcel, J. Lancan, J. Piaget…
Sự kết hợp giữa hiện tượng luận với chủ nghĩa Marx của các triết gia lớn như L. Althusser, K. Popper và đặc biệt là Trần Đức Thảo có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tư tưởng châu Âu. Xây dựng trên nền của khoa Hiện tượng luận, P. Ricoeur đã thấy ở luận lý nơi Husserl những giới hạn cần bổ sung, đặc biệt là phép phân tích ngôn ngữ như là trung giới giữa chủ thể ý hướng tính và đối tượng mà ông kế thừa từ Hiện tượng luận thông diễn của Heidegger, đã xây dựng nên thuyết Thông diễn hiện tượng luận (Phenomenological Hermeneutics) (hay còn gọi là thông diễn học chiết trung). Trong đó, việc khai sinh vĩ đại của tư tưởng, tạo đà cho sự hiện diện chủ nghĩa Hậu hiện đại những năm 60 của thế kỷ XX, có thể xem là đóng góp lớn nhất trong lịch sử tư tưởng của Hiện tượng luận. Những lý thuyết gia kỳ cựu của Hậu hiện đại đều là những học trò ưu tú của mái trường Hiện tượng luận được khởi ra từ Husserl. F. Lyotard trước khi là vị chủ thuyết của Hậu hiện đại đã từng là người phổ biến Hiện tượng luận vào các khoa học nhân văn như thể lời “rào trước đón sau” cho sự xuất hiện của lý luận Hậu hiện đại. J. Dérrida, trước khi viết cuốn Writings and Difference đã là môn đồ xuất sắc của Hiện tượng luận qua cuốn Speech and Phenomena, Of spirit: Heidegger and the question… J. Habermas trước khi là nhà lý thuyết Hậu hiện đại từng là người ra sức khẳng định Hiện tượng luận tiên nghiệm của Husserl, chúng ta có thể thấy qua cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng Hậu hiện đại nơi Habermas của Tom Rockmore: Habermas on Historical Materialism (Studies in Phenomenology and Existential Philosophy). Các tác giả như R. Rorty, M. Foucault, J. Culler đều là những nhà nghiên cứu về Hiện tượng luận, bằng lối phân tích ngôn ngữ sử tính của Heidegger và lý thuyết tín hiệu của Husserl… Chỉ chừng đó thôi, chúng ta đã thấy sự ảnh hưởng lan rộng mạnh mẽ của Hiện tượng luận như thế nào.
Với lời đề dẫn vào căn bản Hiện tượng luận (Introduction to phenomenological basic) ở trên, chúng ta phần nào thấy được tính cấp thiết của đề tài. Vì vậy, nghiên cứu Hiện tượng luận về văn học, chúng tôi làm công việc kép của nhà nghiên cứu, giới thiệu những vấn đề căn cốt của Hiện tượng luận ở vai trò triết học, đồng thời hướng cái nhìn cụ thể ấy vào một hiện tượng cụ thể trong thế giới hiện tượng là: Văn học. Do đó, đề án này không phải là sự ứng dụng lý thuyết Hiện tượng luận vào văn học, đúng hơn là, nuôi tham vọng phát triển một nhánh độc lập Hiện tượng luận về văn học trong hệ thống Hiện tượng luận. Như vậy, đây không chỉ đơn thuần là công trình lý luận văn học, mà, nó còn là triết luận văn học trong tinh thần Hiện tượng luận, điều này sẽ giúp chúng ta tránh khỏi sự nhập nhằng trong quan điểm cũng như vướng víu vào sự độc đoán của lý thuyết, điều mà đương thời, Husserl ra sức phản đối. Hiện tượng luận về văn học sẽ đem đến cách nhìn đúng đắn về bản chất của khoa học nhân văn và lý thuyết văn học, nó tiếp nhận bình đẳng các quan niệm, các ý kiến trái chiều trong diễn giải.
Có thể khẳng định ngay rằng, đến thời điểm này, ở Việt Nam chưa có chuyên luận nào viết về Hiện tượng luận trong văn học. Các nhà nghiên cứu Hiện tượng luận ở Việt Nam, hoặc diễn giải thuần lý thuyết triết học, hoặc chỉ giới thuyết Hiện tượng luận như một phương pháp phê bình trong văn học, hoặc chỉ là những bài phê bình có tính ứng dụng lý thuyết Hiện tượng luận vào một vấn đề, một tác phẩm văn học cụ thể.
Việc tiếp nhận lý thuyết Hiện tượng luận trong vai trò triết học ở Việt Nam cũng không thực sự phổ biến. Ngoài tác phẩm lập thuyết kinh điển của Trần Đức Thảo có tên Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng, đến nay chúng ta cũng chỉ có ba chuyên luận khảo về Hiện tượng luận với vai trò là triết học, một cách chính thống (tức được in ấn và công bố). Hai tác phẩm xuất bản trước 1975 và một tác phẩm xuất bản năm 2011, ngoài ra còn có các chuyên khảo đăng tải trên mạng Inernet của Trần Văn Đoàn có tên Thông diễn học và khoa học nhân văn, trong đó, ông dành 2 chương để bàn về Hiện tượng luận.
Như chúng tôi đã chỉ ra, Trần Đức Thảo là người duy nhất ở Việt Nam đã sáng lập (chúng tôi nhấn mạnh) Hiện tượng luận duy vật ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX. Trong công trình Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng, Trần Đức Thảo đã kéo Hiện tượng luận từ Husserl đến gần với chủ nghĩa Marx, tác phẩm chứng tỏ ông đã đọc và nghiên cứu rất kỹ về những truy luận của Husserl. Tuy nhiên, với việc quá ép mình vào chủ nghĩa Duy vật, nên Trần Đức Thảo đã hiểu chưa đúng phần nào đó Husserl, đặc biệt là trong diễn giải về Subjectivity. Hơn nữa, đúng như lời tự thuật của Trần Đức Thảo, ông chưa từng đọc cuốn Cartesian meditations ( Những suy niệm trong tinh thần Descartes)nên ông đã xem hoạt động hướng về thực tiễn của chủ thể là hành vi thuần tâm lý mang tính chủ quan, trong khi đó, chính Husserl đã phê phán điều này ở Descartes, và phát triển cái Tôi suy tưởng của ông lên mức cao hơn của Tôi-tiên nghiệm, đạt tới cảnh giới cao nhất trong việc thông hiểu bản chất hiện tượng.
Trước 1975, ở miền nam Việt Nam có hai công trình biên khảo về triết học Hiện tượng luận, một của Trần Thái Đỉnh và một của Lê Thành Trị, tuy nhiên như đã nói, hai công trình này chỉ mang tính chất diễn giải, dọn chỗ cho sự dẫn nhập chứ chưa thực sự là một công trình nghiên cứu đúng nghĩa. Trần Thái Đỉnh với cuốn Hiện tượng học là gì? (Hướng Mới xuất bản 1968) là sự diễn giải 16 trang dẫn nhập cuốn Phenomenology of Perception (Hiện tượng luận về Tri giác) của Maurice Merleau Ponty, trong đó nhấn mạnh chủ yếu vào lập trường Hiện tượng học cùng những quan điểm của nó. Lê Thành Trị với Hiện tượng luận về hiện sinh là một công trình biên khảo về Chủ nghĩa hiện sinh nhưng dưới góc nhìn Hiện tượng luận, chứ không phải là công trình thuần biên khảo về Hiện tượng luận.
Năm 2011, NXB Chính trị quốc gia có cho ấn hành chuyên khảo của Nguyễn Trọng Nghĩa về Hiện tượng luận mang tên Hiện tượng học của Edmund Husserl và sự hiện diện của nó ở Việt Nam. Theo tôi, đây là công trình diễn giải lại 2 cuốn sách chính của Husserl là Ideas và Logical Investigations, cùng cuốn của Trần Đức Thảo, cho nên việc hiểu sai Husserl là điều không tránh khỏi. Đóng góp lớn nhất của cuốn biên khảo này là giới thiệu một cách dễ hiểu những vấn đề căn cốt của Hiện tượng luận tiên nghiệm mà Husserl đã tạo dựng và gây ảnh hưởng suốt hai thế kỷ XX – XXI.
Ngoài 3 công trình trên, cuốn biên khảo triết học có “tính cách” Hiện tượng luận, mà đúng hơn là tác phẩm phê phán tư tưởng Sartre nhìn từ Heidegger của Tam Ích có tên Sartre và Heidegger trên thảm xanh (Hồng Đức xuất bản 1969) có thể xem là cuốn sách đáng đọc. Tam Ích, người đã ướm bàn chân triết văn của mình vào bên trong dấu chân của Sartre, cho nên, cuộc đời ý thức ý hướng nơi ông cũng giống Sartre – “Anh hùng nạn nhân của ý thức khốn khổ” (André Niel). Song, chính Sartre và Heidegger trên thảm xanh đã “định luận” giá trị nơi con người ông, đặt ông vào thảm xanh của triết lý, tư tưởng và văn học. Tác phẩm là văn bản phê phán tư tưởng Sartre, đặc biệt là tinh thần nệ Pour Soi của ông. Tác giả cuốn sách đã đặt Sartre bên cạnh Heidegger, mà đúng hơn là đặt cái Être của Sartre bên cạnh cái Sein của Heidegger, đặt bản thể luận Pour Soi của Sartre bên cạnh Dasein của Heidegger. Từ đó để thấy, hành trình ý thức nơi Sartre là hành trình của “những thất bại”, hành trình của những đuổi bám phi giới hạn, của ý thức vượt thoát. Ý thức đó nơi Sartre luôn vượt thoát khỏi Sartre, nhưng cũng chính nó đẩy Sartre vào bi kịch của ý thức tự quy. Đặt Sartre bên cạnh Heidegger, với Tam Ích là một “ý đồ” rất rõ ràng. Tuy cùng trên thảm xanh của triết lý sự sống, nhưng người dắt bóng triết học lên tấm thảm vinh quang ấy chính là Heidegger, mà nói đúng ra, Heidegger đã “ẵm bế” “dẫn dắt” tư tưởng của Sartre lên thảm xanh. Cái bóng vinh quang của triết học thảm xanh ấy đổ từ trên đỉnh đầu Heidegger xuống bàn chân “giao động” nơi Sartre. “Vụ án” triết học Heidegger chính là phần Tam Ích dùng để “soạn diễn từ tưởng niệm” số phận “triết lý” Heidegger, chính thức quàng lên “vai” người khổng lồ về tri thức ấy vòng nguyện quế được đan cài từ muôn “lời vàng tiếng ngọc”. Đó là tác phẩm lớn đáng đọc nhất của Tam Ích.
Ngoài công trình lớn của Tam Ích, có thể kể đến một số tác giả, tác phẩm biên khảo triết học có “tính cách” Hiện tượng luận như Trần Thái Đỉnh với Triết học hiện sinh (Thời Mới in năm 1967), Lê Tôn Nghiêm với Đâu là căn nguyên tư tưởng? hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger (Trình Bày ấn hành năm 1970), Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương (Lá Bối ấn hành năm 1970), Những vấn đề triết học hiện đại (Ra Khơi ấn hành năm 1971),Nghiêm Xuân Hồng với Đi tìm một căn bản tư tưởng (Giao Điểm ấn hành năm 1967), Nguyên tử hiên sinh và hư vô(Hoàng Đông Phương ấn hành năm 1969), Ngô Trọng Anh với Đường trở về (Ca Dao ấn hành năm 1973), đặc biệt là Phạm Công Thiện với Im lặng hố thẳm (An Tiêm ấn hành năm 1967), Ý thức bùng vỡ (Đồng Nai ấn hành năm 1971), Hố Thẳm tư tưởng (Phạm Hoàng ấn hành năm 1970)…
Hiện tượng luận trong triết học ở Việt Nam còn được các tác giả nghiên cứu bàn luận trong các số của Tập san Tư tưởng, do Viện Đại học Vạn Hạnh ấn hành suốt từ 1968 trở đi, đặc biệt là trong các số 1, 2, 3, 6 với các tác giả như: Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Ngô Trọng Anh, Phạm Công Thiện, Trần Công Tiến…Tuy Hiện tượng luận đã xuất hiện khá sớm ở Việt Nam, nhưng sự hiện diện của nó chưa đủ và chưa có hệ thống cho một sự hiểu xuyên suốt. Ngoài ra, trong một số sách giới thiệu các tư tưởng hiện đại, Hiện tượng luận được đề cập cũng chỉ với tính chất dẫn nhập như Nguyễn Hào Hải với Một số học thuyết triết học phương Tây hiện đại, Phạm Minh Lăng với Mấy trào lưu triết học phương Tây …
Trong văn học, Hiện tượng luận xuất hiện chủ yếu ở lĩnh vực phê bình, khảo cứu với vai trò một phương pháp.
Trước 1975, Lê Tuyên được xem là người “nổ phát súng” tiên phong cho phương pháp phê bình Hiện tượng luận trong văn học. Qua hai công trình Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày (do Đại học Huế ấn hành 1961) và Nguyễn Bỉnh Khiêm và thảm trạng trí thức trong thân phận làm người, Lê Tuyên đã đặt nền tảng cho phê bình hiện tượng luận văn học ở Việt Nam, qua cái nhìn mơ mộng được phóng xuất ý hướng tính về đối tượng. TrongChinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày, qua “cái nhìn về cuộc đời”, “cái nhìn vào số phận” với “không gian và hiện hữu lưu đày” “không gian mơ về từ mộng”, “không gian và hiện thực li bôi”, “không gian và chủ thể yêu thương”, Lê Tuyên giải mã nguyên nhân tấm thảm trạng bi kịch lưu đầy trong tâm thức của người Chinh Phụ. Nàng đã ném cái nhìn định kiến chủ quan về phía người chồng đang biền biệt chốn biên cương. Bi kịch của nàng là bi kịch của cấp nghĩa và cho nghĩa, nhưng không phải bằng quá trình hoàn nguyên tiên nghiệm sau khi đã quy giản bản thân, mà là cái nhìn phóng chiếu theo sự mơ vềhình ảnh của người chồng sẽ trở về trong tâm thế “mũ mão cân đai đề huề”.
Nàng đã đem cái nhìn mơ mộng về sự xuất hiện của người chồng lý tưởng nhằm hướng tới, phóng xuất về phía hình ảnh người chồng đang biệt xứ. Đến khi nhận ra sự thực, chính người chồng lí tưởng ấy đã “bóp méo” ý thức tiên nghiệm mà nàng hướng về chồng mình. Chính khát vọng cuộc sống hạnh phúc đã trở thành “thiết chế thông tin” vây hãm, lấn át, che mờ con người thực, con người hoàn nguyên hiện tượng luận nơi nàng. Khi nhận ra thì mọi sự đã rồi, người ra đi kẻ ở lại, ánh trăng trên đầu không soi tỏ nỗi lòng se thắt, quặn đau của tâm thức lưu đầy tuyệt vọng ấy. Trong số những cuốn phê bình về Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, đây là cuốn đáng đọc nhất. Từng lời, từng chữ như phóng chiếu, xuất thể những tinh anh và tâm thức mơ mộng. Chủ thể tính muốn vượt thoát hoàn cảnh, nhưng đời không cho vượt thoát, quy hồi nội giới để ẩn mình, sống trong cảnh lưu vong tinh thần. Người Chinh Phụ, cũng như tác giả của cuốn Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày nhiều lúc đã vượt biên tinh thần để trốn thoát đau khổ, nhưng vượt qua lằn ranh tinh thần này thì lại vướng vào sự tuyệt vọng của lằn ranh tinh thần khác. Cả đời chỉ đuổi bắt những mộng mơ cô độc không dứt.
Các tác giả như Nguyên Sa, Nguyễn Văn Trung, Đặng Phùng Quân, Huỳnh Phan Anh là những nhà văn kiêm nhà phê bình nhà nghiên cứu triết học, đã đưa Hiện tượng luận vào văn học trong vai trò lược khảo, nhận định, dẫn nhập những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống văn học, cần phải khai thác. Nguyên Sa (Trần Bích Lan) trong cuốn Quan điểm văn học và triết học đã dành hai mục lớn ở phần 1 đểgiới thiệu về Hiện tượng luận trong sáng tạo và phê bình văn học. Nguyễn Văn Trung đã cụ thể hoá Hiện tượng luận tri giác của Merleau Ponty trong bộ đôi quan trọng của ông là Ngôn ngữ và Thân xác, Ca tụng thân xác. Ngoài ra, Nguyễn Văn Trung cũng bàn rải rác trong bộ Nhận Định 6 tập của ông (đặc biệt là trong các tập I, II, III và VI). Đặng Phùng Quân thì dành hai phần lớn trong ba phần của cuốn sách Triết học và văn chương để chỉ bàn về văn học dưới cái nhìn Hiện tượng luận của Merleau Ponty như các mục “Văn tự và siêu hình học”, “Đọc/ Viết”, “Bản văn”, “Ngợi ca viết”…Huỳnh Phan Anh trong Đi tìm tác phẩm văn chương dành hẳn một phần lớn, quan trọng để bàn về cái nhìn Hiện tượng luận trong văn học, với các mục “Hành trình tác phẩm”, “Ám ảnh của tác phẩm”, “Phê bình và chống phê bình”…Và, còn nhiều tác giả khác bàn luận trong các tạp chí đặc chuyên về văn học.
Sau 1975, Việc giới thiệu hiện tượng luận trong văn học không phổ biến, nó chỉ nằm trong các sách biên khảo về lý thuyết văn học có tính chất phác thảo, giới thuyết chứ không chuyên sâu. Phương Lựu trong cuốn Mười trường phái phê bình văn họcphương Tây đương đại đã dành một mục để giới thuyết về Hiện tượng luận từ triết học tới mỹ học và phê bình văn học. Phạm Văn Sĩ trong Về tư tưởng và Văn học phương Tây hiện đại cũng đã để một mục bàn về Hiện tượng luận của Husserl, khi tác giả nhấn mạnh tới thân phận con người trong văn học. Đặc biệt, trong cuốn Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa, Đỗ Đức Hiểu dành một phần lớn để phê phán hiện tượng luận của Husserl và Sartre. Có thể nói, phần I của cuốn sách là sự thất bại của Đỗ Đức Hiểu khi đánh giá về các tư tưởng Hiện sinh và Hiện tượng luận, cuốn sách do vậy đã suy sút nhiều so với ý tưởng ban đầu của nó.
Từ năm 2000 trở lại đây, các công trình nghiên cứu lý thuyết của Husserl trong văn học cũng không phổ biến. Trong đó, có thể nói công trình Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Đăng Dung là chuyên luận “hiếm” trong nền/hệ thống lý luận văn học ở Việt Nam. Được đào tạo bài bản trong tinh thần hiện tượng luận ở phương Tây, lại trực tiếp nghiên cứu chuyên sâu, Trương Đăng Dung có những đánh giá hợp lý về bản chất văn học cũng như những giới hạn của nó. Văn học giờ đây không phải/ không nên là tấm gương tự nhiên, mà làtấm gương của thế giới tinh thần, phản ánh trung thực thế giới ý niệm mà chủ thể thẩm mỹ có được khi hướng về đối tượng. Thành công của công trình là điều cần ghi nhận.
Ở đây, chúng tôi không đề cập đến những ấn bản dịch, vì nó thuộc về vấn đề tiếp nhận chứ không phải nghiên cứu. Thậm chí, ngay cả dịch phẩm thì các tác phẩm bàn về Hiện tượng luận cũng không xuất bản nhiều ở Việt Nam. Trước 1975, có hai tác phẩm nghiên cứu về hiện tượng học được dịch ở Việt Nam làHiện tượng học áp dụng vào các khoa học nhân văn của J. Lyotard và Hiện tượng học là gì? của P. Thevenaz, cùng tác phẩm kinh điển của M. HeideggerHữu thể và Thời gian do nhà Quê Hương ấn hành. Trong số những dịch phẩm, thì cuốn Hiện tượng học và cuộc khủng hoàng triết lý của Edmund Husserl được nhà Ca Dao dự định cho ấn hành, nhưng sau vì lí do nào đó, nó bị đình bản.
Nghiên cứu Hiện tượng luận về văn học, chúng tôi đặt giới hạn nhận thức của mình ở những vấn đề của Hiện tượng luận, trải dài từ triết học tới mỹ học, từ Husserl, Heidegger, Ponty, Sartre, Trần Đức Thảo, Ricoeur tới Gadamer, Jauss, Ise, Ingarden trong chương 1 của công trình.Từ điểm đứng Hiện tượng luận trong triết học, chúng tôi luận giải nó vào hiện tượng cụ thể là văn học, với ba phạm vi nghiên cứu lớn là: tác giả, ngôn ngữ và nhà phê bình/người đọc ở chương 2, 3 và 4 của công trình.
Theo đó, Hiện tượng luận về văn học bao gồm bốn chương:
Chương 1. Hiện tượng luận và Hiện tượng luận về văn học
Trong phần này, chúng tôi phác thảo tiểu lược đồ về sự hình thành, phát triển và đỉnh cao của Hiện tượng luận, từ người sáng lập Edmund Husserl với Hiện tượng luận tiên nghiệm (Transcendental Phenomenology), qua Hiện tượng luận thông diễn (Hermeneutical Phenomenology) của Martin Heidegger, rẽ ngoặt cùng Maurice Merleau Ponty với Hiện tượng luận về tri giác (Phenomenology of Perception), rồi trở lại Hiện tượng luận hiện sinh (Existential Phenomenology) của Jean Paul Sartre, bên cạnh Hiện tượng luận truyền thống (Traditional Phenomenology) với những “gã khổng lồ” về tri thức như G. W. F. Hégel, I. Kant, R. Descartes. Đồng thời, với chương này, chúng tôi hướng tới xác lập lập trường Hiện tượng luận và mối quan hệ mật thiết của nó với văn học trên các bình diện khác nhau của nhận thức luận.
Chương 2. Bản thể luận của tác phẩm văn học
Với việc xem tri giác như là bản thể luận của tác phẩm văn học, chúng tôi đi tìm căn nguyên hình thành ý niệm ấy. Từ việc xem tri giác như là trung giới của chủ thể tính (Subjectivity) và đối tượng tính (Objectivity), trung giới trong quan niệm của Heidegger về cái thực thể lưỡng diện (Entité bi- face) Dasein. Chương này, đồng thời hướng tới khẳng định bản thể của hoạt động Hiểu và sáng tạo văn học là tri giác. Với việc đặt lại các vấn đề then chốt trong diễn giải và kiến lập thế giới trên văn bản, chúng tôi cùng lúc làm công việc phê phán tư tưởng Sartre, khi ông xem Pour Soi như là căn bản nhận thức của sáng tạo thế giới bằng ý thức ý hướng tính. Vấn đề bản chất ngôn ngữ cũng được đặt ra trong chương này. Từ việc xem bản chất ngôn ngữ như là sự “lừa dối” đối với ý thức ý hướng tính (Intelligibilité), chúng tôi đặt ngôn ngữ trong lòng của biểu tượng, để thấy, chủ thể đọc và chủ thể viết chỉ thực sự lập thức khi họ có được tự do trong việc lựa chọn biểu tượng và xác lập khái niệm. Yếu tố quy định chủ thể tính có được quyền tự do lựa chọn biểu tượng cũng như xác lập khái niệm chính là tri giác và không đi ra ngoài tri giác tính.
Chương 3. Giảm trừ hiện tượng luận văn học
Giảm trừ hiện tượng luận văn học là chương quan trọng nhất. Từ việc đi tìm lý luận sơ khởi để chứng minh nền tảng của sự Hiểu và sáng tạo nằm ở tri giác tính, chúng tôi mở truy vấn tới vấn đề: Làm thế nào, thông qua tri giác, chủ thể tính có thể trở về chính sự vật/ đối tượng như lập trường Hiện tượng luận xác lập? Câu trả lời cho truy vấn ấy đã có ở chương này. Chỉ bằng và thông qua con đường giảm trừ/quy hồi/quy giản hiện tượng luận, chủ thể tính có thể trở về với sự vẫy gọi, chào đón từ phía đối tượng sau khi đã vượt qua tri giác tiên nghiệm về nó. Sáng tạo đi ra từ đây! Và lập thức cũng đi ra từ đây! Sự muôn màu muôn vẻ, sự tiến bộ của tri thức, sự thông tuệ, lóe chiếu của tư tưởng văn học cũng đi ra từ đây. Tất cả những vấn đề ấy được gói gọn trong định đề triết học nổi tiếng của Edmund Husserl: “Hãy trở về với chính sự vật”.
Chương 4: Vấn đề chân lí trong văn học
Với việc cung cấp một tiểu lược đồ về bản chất của diễn giải văn học, chương này nhằm hướng đến một khoa hiện tượng luận thông diễn về văn học. Trong đó, với việc xem chủ thể tính như là căn nguyên của sự sáng tạo và phá hủy “thế giới”, tạo đà cho sự phát triển một nền văn học khai phóng, ôm trọn quá trình sáng tạo và thẩm định/ phê bình văn học. Qua “khảo cổ học về tư tưởng” và “trật tự tri thức”, những phê phán về tư tưởng triết học cũng như văn học, được thực hiện cùng lúc, phác họa tương đối đầy đủ diện mạo lý thuyết triết – văn kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến hết kỷ 20, mở ra hướng nghiên cứu mở cho phân môn Triết học văn chương mà chúng tôi dự định sẽ triển khai trong các công trình kế tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét