Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Bai Blog Phuong Anh

Đọc bài thơ của Thanh Thảo: "Ghi trong ngày 17 tháng 2"

Hôm nay là ngày 17/2. Ba mươi bốn năm trước, vào ngày này, "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới."

Lúc ấy, tôi mới chưa tròn 19 tuổi, vừa vào đại học. Những ngày ấy, tôi nhớ cả nước sôi sục trong không khí chiến tranh, khó khăn không sao kể xiết, và trên báo, đài truyền hình, phát thanh đâu đâu cũng nghe những bài ca chiến đấu. Những bài hát như "Điệp khúc tình yêu" (Nhớ, nhớ cái hôn đầu tiên anh chưa dành cho em ... nhớ cái hôn đầu tiên là hôn lên đôi mắt người bạn đã hy sinh/ nhớ bản tình ca đầu tiên là hành khúc lên đường ...), "Em vẫn đợi anh về" (Em vẫn đợi anh về như buồm căng đợi gió ... như lòng em khát anh, như đời khát hòa bình ...) là những bài hát tình yêu của lứa tuổi chúng tôi, một thế hệ khổ đau, the lost generation của Việt Nam như tôi vẫn thường nói.

Có một điều mà mọi người Việt Nam đều băn khoăn, là cuộc chiến biên giới phía Bắc với Trung Quốc vào năm 1979 rất ít được đề cập đến trong sách vở và báo chí chính thống của VN, trong khi cuộc chiến với Mỹ thì đã mấy chục năm rồi nhưng năm nào cũng vẫn được nhắc lại đầy đủ, kỹ lưỡng. Chúng ta đều hiểu những khó khăn của nhà nước Việt Nam trong mối quan hệ với người đồng chí lớn Trung Quốc, nhưng lẽ nào sự hy sinh của các chiến sĩ đã hy sinh mạng sống để bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước lại có thể bị quên đi một cách dễ dàng như vậy?

Không, thực ra không có ai quên các anh, các chị cả, dù cho truyền thông chính thống có cố tình im lặng đi nữa (xin mở ngoặc: hôm nay trên báo Thanh Niên có một bài rất hay, nhắc về cuộc chiến này http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130217/nhin-lai-chien-tranh-bien-gioi-1979.aspx
 một cách trực diện, một sự dũng cảm đến ... bất ngờ. Hoan hô báo Thanh Niên!).

Tổ quốc và toàn dân luôn ghi công các anh hùng, liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược, cho dù chỉ là lặng lẽ trong lòng, hoặc nói ra bằng lời và đưa ra đến công chúng. Như bài thơ của nhà thơ Thanh Thảo mà tôi vừa tìm thấy trên mạng hôm nay:http://thongcao55.blogspot.com/2013/02/ghi-trong-ngay-17-thang-2.html

Xin mời các bạn cùng đọc, và hãy im lặng một phút để tưởng niệm những người con của Tổ quốc  đã bảo vệ giang sơn Việt Nam của chúng ta.

I

thú thật, có một nhà lãnh đạo Việt Nam

ngày trước tôi không mấy yêu quí:

đó là Tổng bí thư Lê Duẩn

bây giờ biết những điều ngày xưa chưa biết

bỗng thấy quí Ông vô cùng

dù đời Ông không ít sai lầm

thì đó vẫn là lãnh tụ duy nhất chống Trung Quốc bành trướng từ trong máu

người đầu tiên thoát Hán

người nhìn thấy dã tâm của “anh bạn lớn” từ rất sớm

người thề quyết chiến với một triệu rưỡi quân Tàu

ngay lúc họ mới tung chiêu “nạn kiều”


II

tháng 6/1978 tôi có mặt ở bến Nhà Rồng

chờ xem chiếc tàu Trung Quốc đón “nạn kiều”

rất nhiều người đứng trên bến tàu mặt căng thẳng

không biết họ đang nghĩ gì

tôi cũng không biết mình đang nghĩ gì

chỉ biết lúc ấy

chưa ai nghĩ có một ngày 17/2/1979



Lê Duẩn đã nghĩ



vậy mà ngày 17/2/1979

Ông vẫn bất ngờ



III

những ai đã khiến Tổng bí thư ngày ấy bất ngờ ?

trả lời câu hỏi này, là tìm ra kẻ phản bội



IV

chỉ một gã thượng tá Tám Hà chiêu hồi

đủ cho cả đợt 2 Mậu Thân tơi bời



V

xưa nay, tởm nhất là bọn phản bội

nhưng đáng sợ nhất, cũng là chúng



VI

17/2/2013

những “cuộc chiến tranh mềm”

những lệnh miệng khuất lấp từ đâu đó

những ấp ứ trong cổ

báo in sợ viết hai chữ “Trung Quốc” như sợ phỏng lửa

giặc rập rình ngoài ngõ

đêm thanh vắng “người nhái Tàu” trồi lên từ chân sóng Trường Sa

cười dọa và giết

trong nhà cứ ăn nhậu vô tư

nên gọi cái này là gì nhỉ?

Nhà thơ Thanh Thảo kết thúc bài thơ bằng câu hỏi: "Nên gọi cái này là gì nhỉ?" Nhưng thực ra là ông đã trả lời rồi: Đó chính là sự phản bội.

Người Việt Nam vốn vẫn tự hào vì mình là những con người chung thủy. Chúng ta sẽ không bao giờ phản bội. Chúng ta sẽ không quên ngày 17/2.

Không có nhận xét nào: