Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Bài từ nhà nát chuyển về

AI MUA SÔNG TÔI BÁN SÔNG CHO?

Category: Thơ, Tag:
05/25/2012 06:47 am
Con gái giục bố xin việc
Con trai điện về hỏi tiền
Học hành kiểu gì không biết?
Môn nào không tiền
Không nên?

Anh Pha giờ làm thợ chữ
Chữ mang ra chợ không đành
Đời giờ cần lợi thiết thực
Mấy người khát chữ
cầu danh?

Chỉ còn trăng thanh, gió mát
Phố phường ô nhiễm cần mua?
Hay địa chủ cần mua đất?
Vì con
Vui vẻ lên chùa!

Đất đai xem chừng cũng rẻ
Hỏi mua,
Hỏi bán,
Như đùa!
Có con sông dài ra bể..
Giờ đang cần bán,Ai mua?


“Những ngã tư và những cột đèn”: đi tìm thời đang mất

Lòng ngã tư mưa lằng nhằng cột điện...
- Trần Dần -

Người ta đọc Những ngã tư và những cột đèn như một truyện tâm lý, phản gián, phiêu lưu,... Tôi đọc nó như một bài thơ, một nhật ký về nhật ký, một tiểu thuyết phản-tiểu-thuyết.

1. Một bài thơ ám ảnh
Một cái tựa có lẽ là dài nhất trong những cái tựa của Trần Dần. “Những ngã tư và những cột đèn” vang lên thật khác thường bên cạnh “Người người lớp lớp”, “Bài thơ Việt Bắc”, “Động đất tâm thần”, “Nhất định thắng”, “Đêm núm sen”, “Cổng tỉnh”, “Jờ Joạcx”, “Con trắng”, “Mùa sạch”, “Sổ bụi”, “Thơ mini”,...
Một cái tựa dài 7 âm tiết với một nhịp vừa chậm rãi vừa dồn dập. “Những ngã tư và những cột đèn” gợi một bức tranh tĩnh. “Những ngã tư và những cột đèn” cũng gợi một chuyển động, một vận tốc.
Một cái tựa chia làm hai vế, mỗi vế 3 chữ - “những ngã tư” / “những cột đèn” -, đều bắt đầu bằng “những”, nối với nhau qua chữ “và”, tạo một thế đối xứng nhưng đối lập. Đối lập về ngữ âm: âm điệu vế thứ nhất căng lên nhờ thanh ngã và thanh ngang, trong khi âm điệu vế thứ hai trầm xuống nhờ thanh nặng và thanh huyền. Đối lập về hình ảnh: “những ngã tư” là những đường thẳng cắt nhau còn “những cột đèn” gợi những đường thẳng song song.
Một cái tựa với những vang vọng và dự đoán. Trước đó và sau này, sáng tác của Trần Dần luôn có những ngã tư: “ngã tư khuya”, “ngã tư buồn”, “ngã tư xưa” của Cổng tỉnh, “ngã tư năm ngoái” của Không đề số 4, “nữ ngã tư” của Jờ Joạcx, “ngã tư vắng” của Chín bức thư mưa, “ngã tư mù” của Sổ thơ 1976, “ngã tư đen” của Thơ mini 1988-1989,...
Cột đèn cũng là một hằng số trong thế giới Trần Dần: “cột đèn mù” của Cổng tỉnh, “cột đèn câm” và “cột đèn gù” của Chiều vô lễ, “cột đèn mùa” hay “Cột đèn mưa” của Mùa sạch, “cột đèn một chân” của Con Trắng, “cột đèn lằn lằn” của Jờ Joạcx, “cột đèn cao gót” của Sổ bụi 1979,...
Cũng không phải là lần duy nhất “ngã tư” và “cột đèn” xuất hiện cùng nhau. Chúng xoắn vào nhau trongCổng tỉnh - “Lòng ngã tư mưa lằng nhằng cột điện” -, nhưng lại tách riêng rẽ trong Sổ bụi 1979 - “Vẫn ngã tư. hiệu thuốc. cột đèn mù”. Nhưng có lẽ chỉ trong cái tựa “Những ngã tư và những cột đèn”, chúng mới hiện lên thuần khiết – không tính từ không bổ ngữ – và trong một thế cân bằng – với những tỷ lệ hài hòa.
“Những ngã tư và những cột đèn” sẽ chạy xuyên qua tiểu thuyết, là cửa mở nhưng cũng là chốt khóa:“Lát sau, để phá vỡ im lặng, tôi hỏi Dưỡng muốn đặt tên sách, là gì. Dưỡng trả lời ngay, không một giây suy nghĩ. Dưỡng nói: “Những ngã tư và những cột đèn”.” Nhưng thay vì đặt dấu chấm hết, nó hướng người đọc đến một tác phẩm khác. “Những ngã tư và những cột đèn” trở thành những âm vang, những tiếng dội, ở bên trong và bên ngoài tiểu thuyết.
“Những ngã tư và những cột đèn” có cấu trúc của một bài thơ, với 9 điệp khúc:
   “Tháng sáu 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật. Những xê dịch lủng củng, lỉnh kỉnh, của các con số, làm sao giúp tôi luôn luôn 37° không lên cơn sốt? Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím. Bên kia cửa sổ tôi xanh: có sáu cây bàng lá xanh và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng và phố thời chiến vắng lặng.”(tr.13)[1]
   “Tháng sáu 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ ba hay chủ nhật. Bên ngoài cửa sổ tôi xanh lúc này, có sáu cây bàng lá xanh, và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng lặng, và phố thời chiến vắng lặng.” (tr.25)
   “Tháng bảy 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ tư hay chủ nhật. Bên này cửa sổ tôi tím, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem tím, có nhật kí, và bản sao nhật kí.” (tr.67)
   “Tháng tám 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ năm hay chủ nhật. Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím.” (tr.74)
   “Tháng mười một 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ sáu hay chủ nhật. Bên kia cửa sổ tôi xanh, có sáu cây bàng rụng lá, và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng mười một vắng lặng, và phố thời chiến vắng lặng.” (tr.110)
   “Tháng mười hai 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ bảy hay chủ nhật. Cả tuần nay, bên cửa sổ tôi tím, có nhật kí, và bản sao nhật kí, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím.” (tr.165)
   “Tháng một 1966. Tôi ngồi một ngày không rõ có phải chủ nhật. Nếu đúng chủ nhật, cửa sổ tôi thế nào cũng tím, và bên cửa sổ sẽ có nhật kí và bản sao nhật kí, sẽ có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím.” (tr.194)
   “Tháng ba 1966. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ năm hay thứ sáu, thứ bảy hay chủ nhật. Những xê dịch lủng củng, lỉnh kỉnh, của các con số, làm tôi bỗng dưng lên cơn sốt 37°. Bên cửa sổ tôi tháng ba, có nhật kí tím, và bản sao nhật kí, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím.” (tr.256)
   “Tháng sáu 1966. Tôi chờ ngày chủ nhật, để đóng cửa một nhật kí. Sáng nay, tôi ra phố lúc 6 giờ. Để ở lại hồi lâu trên hè, mà nhìn về cửa sổ. Bên này cửa sổ tôi xanh, có sáu cây bàng lá xanh, lá bàng che cửa sổ. Có nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, mui chạm tán bàng. Bên kia cửa sổ tôi tím, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím. Có nhật kí, và bản sao nhật kí.” (tr.336).
Nếu 9 điệp khúc mang một số thông tin nào đó về nhân vật “tôi”, thì rất nhanh ta nhận thấy cái mà Trần Dần tìm kiếm, trên hết vẫn là một cảm xúc mỹ học. Nằm ngoài logique kể chuyện của văn xuôi thông thường, 9 điệp khúc lôi cuốn chúng ta bởi một tiết tấu, một vận tốc, một cú pháp, một cách diễn đạt, tất cả đều khác thường. 9 điệp khúc là những cơn sóng nhỏ làm nhịp cho hơn 300 trang của tác phẩm. 9 điệp khúc như 9 bức tranh với “bên này” và “bên kia”, với những hình khối – “quyển sổ”, “lọ mực”, “cây bàng”, “căm nhông” – cùng hai gam chính là “xanh” và “tím”. Xanh và tím đã gặp trong Cổng tỉnh“Thì đi thôi! Có phố nào xanh/Hoa lay hàng dậu tím?”“Tôi cô đơn trời xanh cô đơn trời tím”. Xanh và tím cũng từng gắn với Cột đèn câm“Tôi có vệ tinh/rồi có nhà ga xanh/nhà ga tím/trong một vũ trụ/chẳng hiền lành”. 9 điệp khúc vừa lặp lại vừa biến tấu. 9 điệp khúc không tuân theo một nguyên tắc nào khác ngoài cảm hứng về cái Đẹp.
9 cũng là một con số rất Trần Dần. Trong Chín bức thư mưa, 9 là một ngẫu hứng: “Ai xui nhà ươm chín mái?/Tơ ngâm chín vại/Dâu xanh chín bãi/Tằm ngã - chín nong”. Trong Những ngã tư và những cột đèn, đoản khúc mang tên “9 giờ khói” là một ứng tấu gồm 36 từ “chết” ở đó âm thanh và ngữ nghĩa không ngừng xô đẩy nhau trong một cuộc đua khó phân thắng bại:
“Chết tươi. Chết héo. Chết đau. Chết điếng. Chết cứng. Chết đứng. Chết nằm. Chết đêm. Chết thêm. Chết khiếp. Chết dần. Chết mòn. Chết toi. Chết ngóp. Chết ngất. Chết tất. Chết cả. Chết lử. Chết lả. Chết đứ. Chết đừ. Chết ngay. Chết quay. Chết ngỏm. Chết ngoẻo. Chết thối. Chết nát. Chết hết. Chết sạch. Chết tái. Chết tím. Chết ngồi. Chết sáng. Chết chiều. Chết bỏ. Chết dở.” (tr.259-260).
Ở một đoạn khác trong Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần cắt ngang tâm sự của Dưỡng, để chạy theo tiết tấu “thu”: “Lác đác xe đạp bộ hành, là bộ hành thu, là xe đạp thu, là lác đác thu”. Và “thu” sẽ theo Trần Dần sang Mùa sạch, làm một hành trình mới:
   Mứt kẹo thu ngòn ngọt môi thu
   Tăcxi thu vòn vọt phố thu
   Mayô thu đòn đọt ngực thu
   Thể thao thu thon thót nữ thu
   Yach thu tì tọt buồm thu
   Sao thu bòn bọt chiều thu
Rõ ràng những “con chữ” (từ của chính Trần Dần) lôi cuốn ông hơn cả. Thường xuyên chúng kéo ông ra khỏi câu chuyện, làm ông quên lãng cốt truyện, để mặc ông với những thi hứng bất ngờ. Dường như ngay trong văn xuôi, con chữ bao giờ cũng là điểm xuất phát và cái đích của ông. Bất chấp các thông luật ngữ nghĩa và cú pháp, Trần Dần ghép các con chữ với nhau, tạo ra những từ hoàn toàn mới: “cột đèn lằn lằn”, “cột đèn gù”, “cột đèn mùa”, “Cột đèn mưa”,... là những từ chỉ có trong Từ-điển-Trần-Dần.
Trần Dần đối xử với Những ngã tư và những cột đèn như đối xử với thơ.

2. Nhật ký và gương
Trong nhật ký của mình, Dưỡng ghi lại những sự kiện, sự việc liên quan đến cá nhân cũng như các tâm tư tình cảm của anh ta. Có thể nói “Tôi” là chủ đề trung tâm của nhật ký này, ở đó Dưỡng luôn phân tích, hạch hỏi, ngay cả những xúc động nhỏ nhất, vô định nhất, của tâm hồn mình: “Tôi nằm, toàn thân trắng nhợt, trên chiếc chăn trắng. Những lỗ thủng bầu trời ngoài cửa sổ trắng, thêm cơn mưa trắng, không dứt từ chiều qua, bên trong tôi cũng trắng, vì tôi chẳng nghĩ được cái gì, chẳng muốn làm gì.” (tr.127). Cũng trong nhật ký, Dưỡng tiến hành nhiều cuộc phân thân: “Tôi đến trước gương, nhòm vào cái bóng mặt tôi, thấy cũng xấu xí, làm tôi chỉ muốn cho một quả đấm. Cuối cùng, không hiểu sao tôi chìa tay, để bắt tay, với bóng” (tr.147). Không phải ngẫu nhiên mà trong nhật ký của Dưỡng có nhiều gương đến thế, bởi soi gương là phương tiện hữu hiệu có lẽ bậc nhất cho quá trình tự phân. Để Dưỡng tách làm ba giữa “tôi”, “sọ” và “bóng”: “Song tôi im lặng. Sọ tôi cũng im lặng. Cái bóng tôi trong gương cũng im lặng” (tr. 171). Để Dưỡng được là “thằng một nghìn căn cước”: “Tôi đi lại trong buồng, mỗi lần đi qua gương, lại nhìn mặt tôi, một cái. Mỗi lần đi qua gương, tôi lại chửi, một câu. Tôi thằng sắp chết. Tôi thằng nhọ, thằng dằn di. Tôi thằng bị phạt, phải làm kiểm điểm. Tôi thằng câu nhái. Tôi thằng iêu ảnh truồng. Tôi thằng nghiện trinh thám. Tôi đứng lại trước gương, tôi nhìn vào mặt, thằng trong gương. Trước mặt tôi, là thằng vợ bỏ. Thằng một nghìn căn cước” (tr.149). Để Dưỡng còn được một chút hài hước trong muôn vàn tuyệt vọng: “Tôi đi lại trong buồng, tự nhủ kiếp sau, có lộn về Hà Nội, tôi sẽ làm cán bộ, để iêu quí, toàn bộ nhân loại...” (tr.149), như sau này Trần Dần thốt lên: “họ hôm nay chơi tôi 1 lít đắng. 7 kilô cay. 10 mặt trời rù. 100 hành tinh chết. tôi không trả thù lại họ 1 câu thơ?” (Sổ bụi 1980-1981).
Dưỡng hay soi gương. Ở nhà: “Trước khi ra khỏi nhà buổi sáng lúc rạng đông, tôi đều ra trước gương, để nhìn bóng tôi trong gương. Bốn mắt nhìn nhau dứt không ra” (tr.192). Ở mọi nơi: “Trong hiệu ảnh có cái gương, để tôi nhìn bóng tôi, để thấy bóng tôi áo dạ xanh công nhân, quần xanh công nhân” (tr.240). Dưỡng nhìn mọi thứ qua gương: “Vừa uống, tôi vừa đi lại, trước gương, thấy lá lả lả rơi trong gương, vườn cũng lả tả lá” (tr.288), mọi người qua gương: “Tôi nhìn anh Thái trong gương. Sau lưng anh Thái, là cửa sổ. Sau cửa sổ, là mưa. Lúc ấy là 9 giờ 20, buổi sáng” (tr.181). Cũng không phải ngẫu nhiên chụp ảnh là niềm say mê lớn của Dưỡng. Ngắm bản thân và thế giới qua gương và ống kính cho phép Dưỡng có một khoảng cách cần thiết để trở thành “kẻ lạ” với chính mình, với những gì anh ta thân quen nhất. Đó là giai đoạn tiên quyết trên con đường đi tìm bản thể, đi tìm câu trả lời cho “Tôi là ai?”.
Viết về bản thân và soi gương là hai hành động thường liên quan mật thiết với nhau. Gương dường như là một ẩn dụ không thể thiếu được trong các tác phẩm thuộc loại tự truyện. Người tình của M.Duras mở ra với hình ảnh nữ văn sĩ ngắm mình trong mắt một người đàn ông xa lạ: “Một ngày nọ, khi tôi đã lớn tuổi, trong một tiền sảnh công cộng, một người đàn ông tiến đến bên tôi. Ông ta tự giới thiệu, rồi nói: ‘Tôi biết bà từ rất lâu rồi. Ai cũng nói khi còn trẻ bà rất đẹp, nhưng tôi đến để nói với bà rằng với tôi hiện giờ bà đẹp hơn thời ấy. Tôi không thích khuôn mặt thiếu nữ của bà bằng khuôn mặt bà đang có, khuôn mặt bị tàn phá’.” Rồi bà viết tiếp: “Ngay từ lúc khởi đầu của đời tôi, mọi sự đều đã là quá muộn...” [2] .Chính cái “gương” này, qua các câu hỏi – “tôi là ai?”, “người ta nhìn tôi như thế nào?”, “tôi trong mắt kẻ khác có còn là tôi?” – đã đưa Duras trở về với quá khứ, lần tìm những mắt xích đời mình, lý giải hành trình đến với văn học bằng bi kịch với người tình Hoa Bắc.
Trong Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần có một thử nghiệm khác: ông cho Dưỡng soi mình cùng lúc trong hai cái gương, một gương thật và một gương ảo - con mắt của kẻ đối diện: “Tôi nhìn vào gương để tìm bóng tôi, như thường lệ, nhưng chỉ thấy một anh Thái đang nhìn tôi, chăm chú” (tr.181). Ngay trang sau, ý tưởng này lại được Dưỡng mô tả một lần nữa trong nhật ký, chứng tỏ vị trí đặc biệt của nó: “Trong lúc nói anh Thái vẫn nhìn tôi chăm chú. Thực ra, cũng nhiều lúc anh nhìn ra chỗ khác, để tôi lại phải bối rối, tìm mắt anh trong gương, nhiều lần như vậy” (tr.182). Ở đây, gương thật và gương ảo lồng vào nhau, để cho Dưỡng được soi mình trong một chuỗi gương. Độc giả, cũng như Dưỡng, chông chênh giữa nguyên bản và dị bản. Chân lý không tồn tại, tất cả đều chỉ là phản chiếu, là âm hưởng của những cái nhìn chủ quan?

3. Nhật ký về nhật ký
Người ta thường chỉ chú ý đến nhật ký của nhân vật Dưỡng, nhưng Những ngã tư và những cột đèn còn có một nhật ký nữa, không kém phần quan trọng: đó là nhật ký của nhân vật nhà văn.
Về mặt thẩm mỹ, hai nhật ký này là hai vật thể, hai cái “tôi”, hai giọng điệu, hai thời gian, hai cảnh trí, hai không khí, hai tiết tấu hoàn toàn khác nhau. Nhật ký của Dưỡng có một hình hài cụ thể: “ba cuốn sổ tay, khổ 20x18, loại bìa dằn di”, viết bằng “mực tím”. Nhật ký của nhân vật nhà văn, không được mô tả về mặt hình thức, nhưng nó ẩn hiện trong suốt tiểu thuyết: chính với nó, mà Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần mở ra và khép lại.
Nhật ký của Dưỡng bắt đầu một tối “không chính xác” của “Đông 1954” và kết thúc “một ngày không rõ” của “Đông 1955”. Nhật ký của nhân vật nhà văn bắt đầu “Tháng sáu 1965” và kết thúc ”Tháng sáu 1966”. Nhật ký của Dưỡng mở ra với: “Đông 1954. I như trong thánh kinh: tôi bắt đầu viết nhật kí bằng mực tím. I như trong thánh kinh: tôi chạy trốn. Và cũng i như trong thánh kinh: 24 giờ trước khi bắt đầu nhật kí, tôi tháo hết đạn, vứt xuống cống. Tôi mang súng sang nhà chị Hòa, vào một lúc do dự, giữa chiều và tối. Chị lên nhà trên tiếp tôi... (tr.15). Còn nhật ký của nhân vật nhà văn mở ra với: “Tháng sáu 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật. Những xê dịch lủng củng, lỉnh kỉnh, của các con số, làm sao giúp tôi luôn luôn 37° không lên cơn sốt? Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím. Bên kia cửa sổ tôi xanh: có sáu cây bàng lá xanh và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng và phố thời chiến vắng lặng...” (tr.13).
Nếu nhật ký của Dưỡng, như ta đã thấy, xoáy vào cuộc sống nội tâm, thì nhật ký của nhân vật nhà văn thuộc lĩnh vực công việc. Không phải nhẫu nhiên mà trong đó anh ta tự vẽ mình ngồi trước nhật ký của Dưỡng. Bức chân dung tự họa sẽ trở đi trở lại trong suốt tác phẩm, như là motif chính: “Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí...”. Ở một đoạn khác, anh ta cụ thể hơn: “Sáng nay không ra phố, tôi làm việc, trên những cuốn nhật kí, bìa dằn di. Tôi dừng lại, để đặt ở đây, một loạt câu hỏi. Nhật kí của Dưỡng, dường như, không đi theo mọi quyển lịch thân quen...” (tr.25).
Trong nhật ký của mình, Dưỡng không ngừng suy nghĩ về động tác ghi nhật ký, coi đó là một hoạt động không bột phát mà có ý thức: “Nhưng lúc này ghi nhật kí, tôi mới hiểu là...” (tr.177). Với Dưỡng, quyết định ghi nhật ký đã trở thành một cái mốc quan trọng trong đoạn đời này của mình. Nó phân ra “trước nhật kí” và “sau nhật kí”: “23 giờ trước nhật kí, tôi cải trang làm thợ...” (tr.16), “24 giờ trước nhật kí, tôi nói với chị Hòa...” (tr.19), “24 giờ sau: thế là tôi đã bắt đầu nhật kí, từ 5 giờ, bằng mực tím...” (tr.21).
Trong nhật ký của mình, nhân vật nhà văn quan sát, trình bày, mổ xẻ, phân tích nhật ký của Dưỡng để qua đó đi đến những những nhận xét tổng quát về thể loại tự truyện này, dưới khía cạnh lý thuyết. Anh ta đưa ra những câu hỏi thiết yếu: Người ta viết nhật ký nhằm mục đích gì? Nhật ký thuộc về phạm trù công hay tư? Nói cách khác, nhật ký được viết cho ai? Vì sao người ta lại quyết định xuất bản nhật ký? Khi nào nhật ký trở thành văn học? Trong nhật ký của mình, cho đến tận cùng, nhân vật nhà văn vẫn liên tục trình bày những nghi vấn:
   “Tôi không biết, có phải người ta chỉ viết, nhất là viết nhật kí, để đổ bớt bi kịch, lên giấy? Người ta cũng bắt đầu viết, khi linh cảm về một, hoặc nhiều tai họa, sẽ xảy đến? Nhưng cũng có những người, đời đầy bi kịch, chưa một lần viết, một cái gì. Rồi cũng có những người, không kinh nghiệm đau khổ, lại viết, như một lí do để sống.” (tr.337).
Nhật ký của nhân vật nhà văn, vì vậy, có thể được đọc như một “nhật ký về nhật ký”:
   “Cách đây đúng một năm, Dưỡng trao cho tôi ba cuốn nhật kí. Anh nói chiến tranh sẽ ngày một khốc liệt. Lúc ấy, tôi lí giải động tác trao nhật kí của anh, như thế này: anh muốn tâm sự với người khác. Bởi vì, ghi nhật kí thực chất không nhằm bảo vệ tính chất riêng tư. Ghi nhật kí là một động tác thỏa mãn nhu cầu đối thoại không thể, với người khác. Xuất bản nhật kí do vậy, chỉ là diễn biến tất iếu, của động tác ghi nhật kí” (tr.256).
Không ngừng lật xuôi lật ngược vấn đề, anh ta viết tiếp:
   “Một năm sau, í kiến của tôi, về động tác trao nhật kí của anh, thay đổi. Một năm sau, tôi lí giải thế này: anh muốn từ bỏ, một quãng đời. Nhật kí, thực chất là một tài sản riêng tư, dù không vì mục đích bảo vệ tính chất riêng tư. Cho nên động tác ghi nhật kí thực chất là tư hữu hóa những sự kiện. Dưỡng từ chối đọc lại nhật kí, và do vậy, sẽ từ chối không đọc 3/4 bản thảo của tôi. Nhưng anh không cất giấu, hoặc hủy bỏ toàn bộ nhật kí, bởi vì động tác hủy bỏ, chỉ khẳng định quyền sở hữu tuyệt đối của anh, và lại làm anh nhớ mãi. Cách duy nhất để quên nhật kí, là đưa nhật kí, từ sở hữu của một cá nhân anh, thành sở hữu của vô số người khác. Động tác xuất bản nhật kí của anh, chính là để anh mất đi, mọi quyền hạn với nhật kí” (tr.256).
Hai nhật ký. Một của nhân vật, một của nhà văn. Một mang tính thực tiễn, một mang tính lý thuyết. Trái ngược nhau nhưng bổ xung nhau, và nhất là không thể tách rời nhau: chúng chỉ có ý nghĩa khi được đọc song song. Chính vì thế mà Trần Dần đã phân nhỏ chúng ra, rồi đan chúng vào nhau theo lối cài răng lược. Như vậy, trong Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần đã tiến hành một nghiên cứu sâu sắc về nhật ký. Đương nhiên, về mặt hình thức, nó không thể không gợi đến Buồn nôn (1938) của Jean-Paul Sartre hay Nhật ký người điên (1918) của Lỗ Tấn, là những cuốn sách nổi tiếng dưới dạng nhật ký hư cấu mà có lẽ Trần Dần không những đã đọc mà còn lấy cảm hứng từ đó. Nhưng nếu tác phẩm của Sartre và Lỗ Tấn quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực triết học, thì Những ngã tư và những cột đèn, bằng cách lồng hai nhật ký vào nhau để trực tiếp khảo cứu những vấn đề nền tảng của lối viết nhật ký, Trần Dần đã đi rất xa trên bình diện sáng tác cũng như lý luận.[3] Trước đó và sau này, nhật ký không ngừng lôi cuốn ông, để chúng ta có GhiCổng tỉnhSổ bụi... là những sáng tạo khác nhau của loại hình văn học này.

4. Hai nhật ký và một hành trình đi tìm thời đang mất
Nhưng có lẽ điểm gặp lớn nhất của Dưỡng và nhân vật nhà văn là thời gian. Làm thế nào để níu giữ thời đang mất? Đó là câu hỏi mà cả hai cùng đặt ra. Nhật ký của họ vì vậy tràn ngập những suy nghĩ về hiện tại đang diễn ra, hoang mang vì sự ngắn ngủi, mong manh, gần như không tồn tại của nó. Hiện tại: “một cái chớp mắt” với người này, “một dấu chấm lẻ loi” với người kia. “Trong Những ngã tư và những cột đèn, “hiện tại” được nhắc đến 30 lần, “lúc này” 60 lần, “hôm nay” 85 lần, “bây giờ” 146 lần. Với hai nhân vật chính, thời gian không chỉ là ám ảnh, mà còn được đưa ra quan sát, thử nghiệm, chứng minh. Cả hai cùng loay hoay với một hình ảnh — đường tuyến tính của thời gian:
Dưỡng viết: “Tôi không nhớ đã nhìn thấy ở đâu, một bức họa đường tuyến tính của thời gian, như thế này: hai đầu của đường tuyến tính, chạy cả về hai phía vô định, và biến mất. Hóa ra quá khứ và tương lai chiếm hết cả chiều dài thời gian, hiện tại chẳng là cái gì, chỉ là một cái chớp mắt, chỉ là một phần rất nhỏ, của cái chớp mắt.” (tr.32).
Nhân vật nhà văn viết: “Hóa ra tôi và Dưỡng cùng bị ám ảnh, bởi cùng một đường tuyến tính cổ điển, của thời gian. Hiện tại, là một cái chớp mắt ngắn ngủi, nhưng nhiều í nghĩa, và nặng nề làm sao. Hiện tại, là một dấu chấm lẻ loi, vứt đi không được” (tr.67).
Ghi nhật ký thường đồng nghĩa với Viết ở thời hiện tại. Về hình thức, mỗi lần viết, công việc đầu tiên của người ghi nhật ký là đánh dấu thời gian đang diễn ra: cụ thể ngày-tháng-năm, đôi khi cả giờ-phút. Về nội dung, quan tâm lớn nhất của người ghi nhật ký là những suy nghĩ, tình cảm anh ta đang sống.[4] VớiNhững ngã tư và những cột đèn, Trần Dần sẽ cho các nhân vật của mình làm nhiều thử nghiệm khác nhau để khảo sát quyết liệt định nghĩa đó.
Với Dưỡng, thường xuyên, động tác ghi nhật ký thể hiện niềm tin “vĩnh cửu hóa hiện tại”. Trong một đoạn nhật ký dài 5 trang, Dưỡng ghi lại các sự việc và cảm xúc trong một buổi sáng, nhưng tất cả đều được coi là xảy ra cùng một lúc: 6 giờ 21. “6 giờ 21” vì thế sẽ được lặp đi lặp lại 20 lần: “6 giờ 21 tôi uống cạn cốc càphê. Không có gì xảy ra, nhưng càphê làm bụng tôi cồn cào. 6 giờ 21 tôi khóa cửa...”(tr.324). Một thử nghiệm khác: vào “một buổi chiều tháng mười nắng nhóe”, nhưng Dưỡng quyết định đi chúc Tết mẹ. Anh ta “xáo trộn lại các tờ lịch, để lúc nào (...) muốn mùa đông, là có mùa đông, để lúc nào cũng hiện tại” (tr.33). Bằng cách đó, Dưỡng hy vọng thời gian ngừng trôi, để khoảnh khắc đang sống được tồn tại mãi mãi. Nhưng khi hiện tại tồi tệ quá, thì Dưỡng lại muốn nó đi nhanh hơn. Và anh ta làm một thử nghiệm mới: không ghi ngày tháng thật trong nhật ký, mà chỉ đánh số “ngày số 1”, “ngày số 2”, v.v. Qua đó, Dưỡng mong “ngày đến sau sẽ đẩy lùi, ra xa những ngày đến trước.” (tr.112). Trong những ngày tăm tối nhất, Dưỡng muốn đứng bên ngoài thời gian, để hiện tại “là ngày không mùa, là lúc không giờ, là giờ ngoài đồng hồ, là ngày ngoài quyển lịch” (tr.104). Đây là một thử nghiệm khác để Dưỡng chạy chốn hiện tại: vứt bỏ lịch, chỉ ghi giờ, nhưng theo chiều ngược lại, và lẫn lộn sáng, tối, đêm. Kết quả là anh ta cho thời gian chạy theo thứ tự như thế này: “0 giờ đêm”, “11 giờ tối”, “10 giờ sáng”, “9 giờ tối”, “8 giờ sáng”,... (tr.195-196).
Với nhân vật nhà văn, hiện tại dường như cũng là đối tượng quan tâm hàng đầu. Nó giải thích vì sao bên cạnh việc phân tích nhật ký của Dưỡng, anh ta cảm thấy nhu cầu ghi nhật ký cho chính mình. Ghi nhật ký, sống ở thời hiện tại, giúp anh ta tạo thế cân bằng với động tác “đi ngược lại thời gian”, quay lại 11 năm trước, để viết cuốn tiểu thuyết về Dưỡng. Vì vậy, dù dành phần lớn nói về quá khứ của Dưỡng, thì trong Những ngã tư và những cột đèn hiện tại dường như vẫn là mạch chính. Thời khắc đang sống không ngừng được ghi chép, mô tả. Thường xuyên, cảnh trí bên ngoài hiện lên như bằng chứng của hiện tại đang diễn ra: “Tôi để cửa sổ mở, để nghe tiếng phản lực lên xuống, liên tiếp từ sớm đến giờ. Đấy là những cuộc tuần tra trên không. Nội thành đã đi sơ tán từ lâu” (tr.336).
Cũng thường xuyên, nhân vật nhà văn so sánh Dưỡng của thời hiện tại với Dưỡng của thời quá khứ:“Lần gặp Dưỡng tháng mười một vừa rồi, tôi thấy anh thay đổi nhiều” (tr.195), “trước mặt tôi lúc ấy, là một anh Dưỡng đã từ giã thú vui uống càphê buổi sáng, và xa lạ với những day dứt của nhật kí” (tr.75). Tương tự, khi gặp nhân chứng về quãng đời Dưỡng 11 năm trước, anh ta luôn đặt họ trong thời hiện tại:“Chị Trinh bây giờ bán hàng giải khát, ở mậu dịch phố Huế. Tóc chị bây giờ uốn cong quả dưa. Không cười, mà hai má vẫn lũm đồng tiền”.
Nhưng rất nhanh, ta hiểu rằng nhân vật nhà văn, cũng như Dưỡng, thiết lập một mối quan hệ bất thường với hiện tại. Nếu nhật ký của anh ta vừa ghi chép rõ ràng tháng và năm: “Tháng sáu 1965”“Tháng mười hai 1965”,... thì ngay sau đó anh ta lại chứng tỏ không quan tâm đến ngày: “Tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật”“Tôi ngồi một ngày không rõ có phải chủ nhật”,... Rõ ràng anh ta từ chối đưa ra một hiện tại hoàn toàn xác định: “Một ngày đầu năm, tôi ra thư viện quốc gia...”“Một ngày tháng ba tôi đến, tìm Dưỡng như đã hẹn”. Bằng cách như vậy, anh ta chuyển thời gian từ tập thể sang cá nhân. Hiện tại của anh ta không tuân theo quy luật của đồng hồ, mà hoàn toàn mang tính chủ quan. Nó là thời gian của cá nhân, với những nguyên lý riêng, bí hiểm nhất, cuồng dại nhất.
Tác phẩm của Trần Dần vì vậy là một tiểu thuyết về thời gian. Đúng hơn, qua nhật ký, ông cho các nhân vật của mình thể hiện cách ứng xử của họ với hiện tại, quá khứ và tương lai. Trong Những ngã tư và những cột đèn, không ít lần Trần Dần nhắc lại cái tựa day dứt đó, nhưng một đôi lần ông thêm chữ “ngày” để đưa nó từ phạm trù không gian sang phạm trù thời gian: “Lại những ngã tư và những cột đèn, nhưng là cột đèn ngày, là ngã tư ngày” (tr.286), “Gió lốc nhốc kéo, những vệt lá, những vệt bụi, những vệt gì nữa không biết, mà cứ tím ngắt, làm láo nháo những ngã tư và những cột đèn. Là những ngã tưngày, những cột đèn ngày” (tr.296). Ghi nhật ký hay đi tìm thời đang mất?

5. Tiểu thuyết phản-tiểu-thuyết
Trong Những ngã tư và những cột đèn, ngay từ trang đầu tiên, chúng ta được biết nhân vật nhà văn đang viết một cuốn tiểu thuyết, với nội dung và độ dày được chỉ ra khá rõ ràng: “Tôi chuẩn bị một cuốn sách, chép lại từ 250 trang nhật kí, lem nhem mực tím, xen lời kể các nhân chứng, của chiến tranh, của tình bạn, tình iêu”.
Qua nhật ký của anh ta, người đọc tham dự vào những giai đoạn khác nhau của sáng tạo, những thăng trầm của cuốn tiểu thuyết đang viết: “Hôm qua, tôi đã ghi thêm như thể cho riêng tôi, vào cuốn sách một câu ngắn...” (tr.76). “Từ nhiều ngày nay, tôi bơi trong chương kết” (tr.336).
Chưa hết, anh ta đưa bản thảo cho các nhân vật liên quan đọc - Trinh xem mất một đêm, Thái nhạc nhiên khi biết mình “là một nhân vật, của cuốn truyện” (tr.203). Thậm chí anh ta còn thay đổi theo yêu cầu của họ: Dưỡng muốn sửa “một chi tiết sơ suất” và muốn thêm một đoạn “về chị Hòa”. Ngay cả tựa sách, anh ta cũng hỏi ý kiến nhân vật chính: “...tôi hỏi Dưỡng muốn đặt tên sách, là gì.” (tr.339). Anh ta không quên ghi lại phản ứng của nhân vật khi đọc bản thảo: Trinh khóc, còn Dưỡng dấu xúc động trong im lặng.
Chưa hết, anh ta nói về cuốn sách sau khi in, về những độc giả quen biết, bằng xương bằng thịt: “Chị Trinh nói với tôi: “(...) Bao giờ sách in, anh cho em một cuốn, anh kí tên để kỉ niệm”” (tr.338), “Thái kể: “(...) Bao giờ sách ra, tôi sẽ lấy hai bản, một cho riêng tôi làm kỉ niệm, một cho thêm vào hồ sơ của Dưỡng...”” (tr.203). Anh ta cũng hình dung ra thái độ của Dưỡng khi đó và hướng tới những độc giả tương lai: “Khi sách của tôi xuất bản, thành hàng nghìn cuốn, anh sẽ bình thản đọc nó, như đọc nhật kí người không quen, từ vị trí một độc giả.” (tr.257).
Đọc tiểu thuyết của Trần Dần, người ta không ngớt hoang mang: Vậy “cuốn sách” đó đâu? Vì sao ta biết tất cả, nhưng hình như lại không biết gì, về nó? Nó chính là cuốn sách ta đang đọc? Nhân vật nhà văn có phải là Trần Dần? Thay vì trả lời, Trần Dần tung thêm hỏa mù. Đến trang chót, ông hé lộ: tiểu thuyết của nhân vật nhà văn cũng có tên như tiểu thuyết của ông - “... tôi hỏi Dưỡng muốn đặt tên sách, là gì. Dưỡng trả lời ngay, không một giây suy nghĩ. Dưỡng nói: “Những ngã tư và những cột đèn” .” Đương nhiên, những câu hỏi trên vĩnh viễn là ẩn số. Để ta được đọc một cuốn sách thật và một cuốn sách ảo. Để ta mãi mãi đi tìm cuốn sách hiện hữu nhưng vô hình ấy. Với Trần Dần, cuốn sách đẹp nhất là cuốn sách chưa bao giờ viết.
Trần Dần không phải là nhà văn đầu tiên trích nhật ký của nhân vật. Trần Dần cũng không phải là tác giả đầu tiên cho nhân vật viết một tiểu thuyết trùng tên với tiểu thuyết của mình. Trước ông, năm 1926, trongNhững kẻ làm bạc giả (Les Faux-monnayeurs), André Gide đã trích nhật ký của Edouard trong đó nhân vật này nói về cuốn sách anh ta đang viết, cũng mang tên Những kẻ làm bạc giả. Nhưng tiểu thuyết của Gide không làm chúng ta chao đảo theo kiểu Những ngã tư và những cột đèn, vì ngoài cái tựa “ảo cảnh”, cuốn sách của Edouard không có gì giống cuốn sách của Gide. Hơn nữa, nếu quả là trong khi viếtNhững kẻ làm bạc giả, Gide có viết một cuốn nhật ký mà sau này được in dưới tựa đề “Nhật ký Những kẻ làm bạc giả”,[5] thì thử nghiệm của Trần Dần có vẻ bất ngờ hơn: Gide cho ta có hai cuốn sách riêng biệt trong khi Trần Dần lồng chúng vào một cấu trúc phức tạp, để cuối cùng ta có tiểu thuyết trong tiểu thuyết, nhật ký trong nhật ký, tiểu thuyết về nhật ký, nhật ký về tiểu thuyết.
Như thế, Trần Dần, cũng như Gide, đã mở toang cánh cửa vẫn luôn đóng kín của hậu trường văn học.[6]Là những nhà văn đích thực, mối quan tâm trên hết của họ vẫn là Viết. Viết, không bổ ngữ. Viết như một ám ảnh, một thao tác, một thử nghiệm, một bí ẩn, một mục đích – cuối cùng và duy nhất.
Mặt khác, khi viết Những ngã tư và những cột đèn, dường như Trần Dần đã dự cảm được sinh mệnh bất thường của bản thảo. Hoàn thành năm 1966, nằm tại Sở công an Hà Nội suốt hai thập kỷ, được tự do năm 1988 nhưng lại lần lượt bị các nhà xuất bản từ chối, nó quay về ngăn kéo của Trần Dần tiếp tục ám ảnh ông.[7] Như vậy, tiểu thuyết phải đợi hết thảy 45 năm mới gặp được độc giả đầu tiên. Cho đến hôm nay, hai năm sau đó, vô vàn những tiếng vang từ công chúng chứng tỏ rằng nó đang bước vào một cuộc sinh tử mới, dễ chịu hơn (vì được đọc) nhưng không kém phần lý thú (vì có nhiều cách đọc). Để chúng ta thêm một lần băn khoăn: Tác phẩm, tác giả, nhân vật, ai có số phận phiêu lưu hơn? Lại một câu hỏi không lời đáp. Nhưng có lẽ vẫn chưa là câu hỏi cuối cùng.
Gần nửa thế kỷ trước, khi miền Bắc xã hội chủ nghĩa chỉ dùng văn chương mậu dịch, thì Trần Dần viết tiểu thuyết phản-tiểu-thuyết. Trong câm lặng, ông ươm những cái mầm. Cho tương lai.

Paris, tháng tư năm 2012

Không có nhận xét nào: