Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

CU Y NGUYỄN




Ngay từ năm 1873 Vua Thiệu Trị của nước Phù Tang đã khuyến cáo dân chúng nên ăn tết theo Dương lịch. Ngày Nô En là ngày đón năm mới sang và tết chỉ vẻn vẹn có một ngày. Đó là một quyết định khôn ngoan và sáng suốt. Vừa đúng với tinh thần khoa học chung phần còn lại của thế giới, vừa tránh cái ảnh hưởng phong kiến bá quyền của Trung Hoa đại lục. Bắt đầu từ đó dân xứ này có cái nhìn khác hướng ra bên ngoài, điều chỉnh ý thức, xác định đường đi nước bước, đưa nước Nhật thoát ra khỏi mớ bùng nhùng lệ thuộc hàng ngàn năm. Một nước Á châu mới mẻ ra đời, nếu không mắc sai lầm tham gia phe trục thời thế chiến thứ hai, không biết nước Nhật ngày nay sẽ như thế nào?
Một đất nước hầu như tài nguyên thiên nhiên không có gì đáng nói, động đất sóng thần  luôn luôn đe dọa cùng với những tai nạn khủng khiếp. Lại là nước thua trận phải chịu bồi thường chiến tranh, người Nhật xây dựng đất nước mình trên nền đổ nát và di họa của mấy trái bom nguyên tử kéo dài cho đến tận bây giờ.
Vậy cái gì đã làm nên một nước Nhật trở thành cường quốc? Phải chăng đó là tinh thần và ý trí sáng suốt, văn hóa Nhật đã giúp họ thành công dù gặp muôn vàn trở ngại?
Một nước Nhật hiện đại mà vẫn giữ được nét văn hóa gốc rễ của mình. Hòa nhập với thế giới văn minh vẫn giữ được cốt cách riêng biệt, giữ được phong tục tập quán quý báu.
Đó là sự lựa chọn đúng đắn, cái gì cần giữ thì giữ, lạc hậu thì bỏ. Cái gì phù hợp với sự tiến bộ, thuận theo tự nhiên thì theo và ngược lại. Không bảo tồn một cách luộm thuộm, lôi thôi, vớ vẩn như xứ ta. Ở xứ họ không có “lễ hội chọi trâu”xem rất tội, “ Hội linh tinh phộc” hay “Chợ tình Khâu Vai” tùy tiện như ở xứ ta.
Nghe nói cùng thời vời Nhật hoàng Thiệu Trị, ở ta cũng có nhà cải cách thời bấy giờ là cụ Nguyễn Trường Tộ. Cụ cũng có nhiều ý kiến đóng góp với triều đình lúc bây giờ, nhưng những đề xuất ấy như rơi vào khoảng trống im lặng. Đoàn hải hành viễn dương của cụ mới chỉ khởi đầu một giấc mơ mà chưa đi đến đâu, đất nước vẫn triền miên nằm trong vòng tăm tối của lệ thuộc. Dân trí, dân khí, dân đức ngày càng hao hụt dần.
 Kết thúc thế chiến thứ hai là cơ hội lớn của dân tộc. Chúng ta đã may mắn gặp được vận hội cho đất nước. Tiếp đó là mùa xuân 1975. Tuy muôn vàn khó khăn, vận nước đã sang trang mới, bắt đầu kỷ nguyên độc lập, tự do. Nếu có tầm nhìn, cách nghĩ đúng đắn không lúc thì tự hào quá đỗi, lúc tự ti không thể chấp nhận được, thì nước nhà hôm nay không còn là một quốc gia đói nghèo gần như đội sổ trong danh sách những quốc gia nghèo đói. Đạo đức và kỉ cương không suy đồi như ngày hôm nay. Nếu không được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, khoáng sản không biết chừng còn tệ đến đâu?
Có lẽ không có quốc gia nào đã nghèo lại ăn tết, lễ hội linh đình, tượng đài tưởng niệm dồi dào, xây la liệt khắp cả nước như ở ta. Trong lúc vốn đầu tư ta vẫn còn phải khó khăn lắm mới vay được nước ngoài, rất cần thắt lưng buộc bụng. Để người lao động có việc làm, sinh viên học sinh có thêm bát cơm, chỗ ở cùng thiết bị học tập. Người bệnh không phải nằm ngoài hành lang hay nằm chung giường, hoặc chết vì không có tiền mua thuốc! Còn rất nhiều việc cần và thiếu tiền đầu tư.
Đành rằng quốc gia nào cũng vậy, thời nào cũng cần vui chơi giải trí, ngày tết cổ truyền không thể bỏ, nhưng chẳng nên quá đà như tết vừa rồi. Nghỉ tết đến chín ngày là một con số kỉ lục có lẽ chỉ có ở nước ta. Chưa kể trước tết sau tết còn bao thứ phải lo liên quan đến nó..

Một số bạn hỏi sao tết này không đi chơi đâu? Không gọi điện chúc mừng năm mới?
Cá nhân mình không có gì đáng nói. Còn có phần đầy đủ hơn mấy năm trước. Nhưng thâm tâm cứ lẩn cấn những chuyện vừa nêu mà chán không muốn đi đâu. Buồn thương cho những chú trâu là đầu cơ nghiệp sắp bị giảo hình nay mai sau dịp tết này. ( Con nào trúng giải đồng nghĩa với án tử hình). Buồn cho cái văn hóa “linh tinh phộc” nhăng nhố và cả cái “chợ tình khâu vai” nữa. Thiên hạ người ta sẽ nghĩ thế nào về “nét văn hóa” ấy của người Việt Nam mình? Hay là chúng ta đang khuyến khích tình yêu ngoài hôn nhân? Giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người bằng cách xây rõ lắm tượng đài?
Chả nhẽ những nhà hoạch định chính sách chưa bao giờ nghe nói về cách ăn tết, cách suy nghĩ và cách làm của nước Nhật chẳng đáng bao xa?
Sau tết này còn cả một cuộc vận động lớn về góp ý sửa đổi hiến pháp. Theo ý mình cứ dùng ngay bản năm 1946 của ông cụ đã tương đối hoàn thiện. Cần thì bổ sung một số điều cập nhật với tình hình và tình trạng hiện nay. Đa số người dân đâu có hiểu biết gì nhiều mà ý kiến, ý cò?
 Ngay đến luật giao thông có điều nhiều người còn chưa thuộc, nói gì đến hiến pháp bao nhiêu chương với lại bấy nhiêu điều?
Đúng là “quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách”. Nhưng không phải việc gì người dân hạn chế về trình độ, thiếu kiến thức, nhất là kiến thức về pháp luật, cũng có thể lạm bàn.
Việc này cần có những nhà trí thức lớn, những chuyên gia, học giả am tường cổ kim đông tây, có hiểu biết về xã hội pháp quyền, có nhiều dẫn chứng để so sánh lo mới được. Ngay đến mình lõm bõm mấy chục năm chỉ nghe mỗi một tai, thì góp ý nỗi gì?
Thấy bảo các vị ấy cũng ý kiến rồi, chả biết có người nghe không. Lời nói thẳng, nói thật thường vẫn khó nghe hơn lời lẽ xuôi chiều a dua mà!
Chả biết cái điều rõ ràng như vậy mấy ông trên có để ý không? Hay lại thêm tốn thời gian và tiền bạc, khổ cho dân, để rồi CU Y NGUYỄN?



Lấy ý kiến nhân dân và trưng cầu dân ý

 Nguyễn Quang A
Ngày 2-1-2013 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được công bố để lấy ý kiến nhân dân trong ba tháng. Nhiều người lẫn giữa việc lấy ý kiến của nhân dân và việc trưng cầu dân ý. Hãy thử làm rõ sự khác biệt này.
Hiến pháp là của ai? Ai là người quyết định về Hiến pháp và họ quyết định thế nào? Đáng tiếc những vấn đề cơ bản như vậy từ rất lâu vẫn bị hiểu nhầm.
Từ điển Tiếng Việt (NXB Đà Nẵng 2011 và các từ điển trước đó khá lâu) vẫn định nghĩa hiến pháp là “đạo luật cơ bản của nhà nước, quy định chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, quyền và nghĩa vụ công dân, tổ chức bộ máy nhà nước”. Có lẽ những người soạn dự thảo lần này cũng vẫn hiểu lầm như thế.
Nếu muốn xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì mọi quyền lực phải thuộc về nhân dân. Hiến pháp không phải là của nhà nước, mà là của nhân dân. Trong Hiến pháp nhân dân là chủ thể, là người quyết định, là những người trao quyền cho nhà nước (phân quyền cho các nhánh nhà nước như lập pháp, hành pháp và tư pháp) đến mức nào và như thế nào để bảo vệ các quyền tự do và sự hạnh phúc của người dân. Đấy là quyền tối cao của nhân dân. Như thế nhân dân là người quyết định Hiến pháp. Đối tượng của Hiến pháp (đối tượng phải thi hành, phải tuân thủ Hiến pháp và bị hạn chế quyền lực bởi Hiến pháp)  chính là nhà nước chứ không phải người dân.
Tất nhiên, việc đòi hỏi tất cả nhân dân cùng tham gia vào soạn ra Hiến pháp là việc bất khả thi.
Nhân dân có thể ủy thác cho các nhóm không quá đông người (có thể là một Quốc hội lập hiến hay các nhóm có chức năng như vậy) để soạn ra (các) dự thảo Hiến pháp.
(Các) dự thảo đó phải được công bố công khai để nhân dân góp ý và thảo luận trong một thời gian đủ dài.
Trên cơ sở góp ý và thảo luận công khai đó (các) dự thảo cuối cùng được hoàn thiện (tốt nhất là: (a) chỉ có 2 dự thảo hoàn chỉnh cuối cùng; hay (b) có 1 dự thảo với một số điều cốt lõi mà mỗi điều có 2 lựa chọn khác nhau; hoặc (c) có 1 dự thảo hoàn chỉnh duy nhất) để đưa ra trưng cầu dân ý.
Trong trưng cầu dân ý tất cả các công dân bằng lá phiếu của mình đều có quyền lựa chọn: (a) tán thành (một trong 2) bản dự thảo; hoặc (b) tán thành từng lựa chọn của các điều cơ bản của một dự thảo; hay (c) tán thành hoặc bác bỏ một dự thảo hoàn chỉnh duy nhất.
Việc bỏ phiếu phải được diễn ra một cách tự do và việc kiểm phiếu phải được giám sát chặt chẽ (bởi người dân, báo chí, đại diện của các tổ chức quốc tế) để tránh sự gian lận. Kết quả Hiến pháp được thông qua sẽ là: (a) bản dự thảo nào được đa số cử tri tán thành; hay (b) dự thảo Hiến pháp với các điều khoản cơ bản theo đúng lựa chọn của đa số; hoặc (c) dự thảo duy nhất được đa số cử tri tán thành hay Hiến pháp cũ (nếu dự thảo duy nhất này bị đa số bác bỏ).
Chỉ với việc quyết định của nhân dân, thông qua trưng cầu dân ý như trên, thì Hiến pháp mới thực sự là Hiến pháp.
Như thế có thể thấy hai khâu “lấy ý kiến của dân” và “trưng cầu dân ý” là 2 khâu tách biệt và đều rất quan trọng.
Không có lấy ý kiến của nhân dân, không có thảo luận công khai hay không có đủ thời gian để thảo luận công khai về (các) dự thảo, để hình thành (các) dự thảo cuối cùng sẽ dẫn đến một Hiến pháp không tốt, không tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân và như thế có thể gây chia rẽ, có hại cho sự phát triển của đất nước.
Việc thông qua Hiến pháp bằng trưng cầu dân ý ở Ai cập vừa qua là một thí dụ như vậy. Tại Ai Cập đã có trưng cầu dân ý, nhưng đã không có sự tham gia, lấy ý kiến, thảo luận của nhân dân (hay các nhóm khác nhau) để hình thành bản dự thảo cuối cùng đưa ra trưng cầu dân ý. Khi không có sự thảo luận công khai để cho các ý kiến khác nhau đối chọi với nhau, thì người dân thiếu thông tin và rất dễ nhầm trong lựa chọn (tán thành hay bác bỏ) của mình.
Chúng ta để 3 tháng lấy ý kiến nhân dân. Để cho việc lấy ý kiến được hiệu quả thì việc khuyến khích thảo luận, tranh luận công khai về nội dung của dự thảo là hết sức quan trọng.
Nếu không có thảo luận, tranh luận mà mỗi người chỉ viết ra ý kiến của mình và gửi cho ban soạn thảo thì việc lấy ý kiến rất dễ biến thành hình thức. Không có sự cọ xát, thậm chí sự đối đầu kịch liệt của các ý kiến khác nhau thì không thể hình thành các nhóm ý kiến chính được phản ánh trong 2 lựa chọn của bản dự thảo cuối cùng, khiến cho việc tiếp thu ý kiến là không thể. Ban soạn thảo dẫu có 5 đầu 6 tai cũng không thể đánh giá, phân loại ý kiến của hàng triệu người. Thiếu thảo luận, thiếu tranh luận tự do và công khai hay cản trở việc hình thành các nhóm khác nhau có các ý kiến khác nhau để giúp cho quá trình lấy ý kiến được hiệu quả thể hiện trong các dự thảo cuối cùng, thì việc lấy ý kiến của nhân dân dễ trở thành hình thức, tốn tiền của, công sức và vô ích.
Sau khi đã có thảo luận, tranh luận để hình thành (các) dự thảo cuối cùng mà nhân dân không được quyết định thông qua lá phiếu của mình, thì Hiến pháp, dẫu có được 100% “đại biểu” thông qua, cũng không phải là Hiến pháp thực sự để tạo ra một nhà nước của dân, do dân, vì dân nhằm hạn chế quyền lực của nhà nước và bảo vệ các quyền tự do của người dân.
Việc khuyến khích nhân dân góp ý, thảo luận, tranh luận là rất đáng hoan nghênh. Sau ba tháng nên hoàn chỉnh (các) dự thảo và đưa ra cho toàn dân quyết định. Làm được vậy là một bước tiến lớn để xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân và  góp phần hết sức quan trọng để làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
 Ghi chú: Bài đã được đăng trên Lao động Cuối tuần, Số 1, thứ Năm, 3/1/2013, hầu như không thay đổi với bản gốc ở trên.




Thưa chư vị,
Đây là một phim tư liệu đặc sắc về lễ mật trong ngôi đền thiêng thôn Miếu Trò (Miếu Đụ Đị), xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Sau khi hát thờ trước điện, xin âm dương, cụ thủ từ trèo lên khám thờ lấy ra cặp dương vật, âm vật bằng gỗ (sơn màu đỏ, tả thực) đưa cho một cặp trai gái. Khi ấy đèn nến đã tắt hoàn toàn. Cụ thủ từ hô "Linh tinh tình ...Phộc" 3 lần. Mỗi lần như vậy, trong đêm tối mịt mùng và trong im lặng, người đàn ông cầm dương vật gỗ đâm vào lỗ âm vật gỗ trên tay người phụ nữ. Nếu đâm trúng cả 3 lần thì cả năm đó làng được nhân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt. Nếu đâm trượt thì năm đó coi như mùa màng thất bát, người vật đều không thịnh.

Sau lễ mật, một cụ già trong làng hô "Tháo khoán", thì trai tân gái tân và dân làng đổ ra khu vườn đằng sau miếu thờ trêu ghẹo sàm sỡ với nhau để cầu mùa. Sau đêm tháo khoán, những đôi trai gái nghèo chỉ cần đem cơi trầu trình với các cụ là có thể về ở với nhau làm vợ chồng.

Lễ hội chỉ diễn ra 1 lần vào đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng hàng năm.

Đây là một nghi lễ phồn thực, cầu mùa của cư dân Việt cổ.

Phim này quay bằng một máy quay đặc biệt của bác Vũ Hoàng Liên (Tổng Giám đốc VDC), lúc 12 đêm 11 tháng Giêng năm Mậu Tý (2008) khi đèn nến bị tắt hoàn toàn. Đài TH Phú Thọ cũng không ghi được cảnh này, nên đã về Hà Nội để xin coppy lại, đưa lên sóng cho bà con trong tỉnh được chiêm ngưỡng.

Không có nhận xét nào: