Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

TUYÊN NGÔN CON NGƯỜI TỰ DO

Simon Soloveychik (1930 - 1996)
Nhà giáo dục và nhà triết học xã hội Nga

            Ngân Xuyên dich
Giá trị tối cao
Hệ tư tưởng trước đây đã lùi xa không phải theo ý chí của những người ác ý như đôi
khi người ta nghĩ và nói, mà do cơ sở của nó là một ước mơ tốt đẹp nhưng không thể
thực hiện được. Trên thực tế ít người tin vào nó nên công cuộc giáo dục luôn luôn là
không hiệu quả.
Lối tuyên truyền chính thống mà nhà trường thực hiện hết sức không phù hợp với
cuộc sống thực tế. Bây giờ chúng ta đang quay lại thế giới thực. Và đây là điều chủ yếu
 ở nó: nó không phải là thế giới xô viết, nó không phải là thế giới tư sản, nó là thế giới
hiện thực, thực tế - thế giới mà mọi người đang sống. Sống tốt hay xấu nhưng là mọi
người đang sống. Mỗi dân tộc có lịch sử của mình, tính cách dân tộc của mình, ngôn
ngữ của mình và những mong ước của mình – mỗi dân tộc có cái riêng, cái đặc biệt.
Nhưng nhìn chung thế giới là thống nhất, là hiện thực. Và thế giới hiện thực này có
những giá trị của mình, những mục đích cao cả của mình cho mỗi con người. Và có
một giá trị tối cao mà xoay quanh nó xây nên tất cả các mục đích và giá trị khác.
Đối với người thầy, đối với nhà giáo dục, đối với nền giáo dục điều hết sức quan trọng
là phải hiểu được giá trị tối cao đó nằm ở đâu.
Theo ý chúng tôi, giá trị tối cao đó chính là cái mà mọi người đã mơ ước và tranh cãi
suốt hàng nghìn năm, cái khó lĩnh hội nhất đối với tâm trí con người – tự do.
Người ta hỏi: bây giờ giáo dục ai?
Chúng tôi trả lời: giáo dục con người tự do.
*
Con người tự do là gì?
Để trả lời câu hỏi này hàng trăm cuốn sách đã được viết ra và điều đó là dễ hiểu: tự do
là một khái niệm có tính vô tận. Nó thuộc về những khái niệm cao cả của con người và
vì thế về nguyên tắc không thể có một định nghĩa chính xác. Cái vô tận không thể nói
được bằng lời. Nó cao hơn lời.
Chừng nào con người còn sống thì họ sẽ vẫn luôn tìm cách hiểu tự do là gì và khát
khao vươn tới nó.
Không đâu trên thế giới có sự tự do đầy đủ về mặt xã hội, sự tự do về mặt kinh tế đối
với mỗi con người cũng không có và xét chung thì cũng không thể có; nhưng con
người tự do thì lại có nhiều. Tại sao vậy?
Trong từ “tự do” có hai khái niệm rất khác biệt nhau. Thực chất đây là nói về những
điều hoàn toàn khác nhau.
Các nhà triết học khi phân tích cái từ khó này đã rút ra kết luận là có “tự do thoát”
– sự tự do thoát khỏi mọi sự áp bức và cưỡng ép từ bên ngoài – và có “tự do vì” – sự
tự do bên trong của con người vì sự tự hiện thực hóa của hắn.
Tự do bên ngoài, như đã nói, không phải là tuyệt đối. Nhưng tự do bên trong thì có thể
 là vô hạn, ngay cả trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn nhất. Ngành sư phạm từ lâu
đã thảo luận chuyện giáo dục tự do. Các giáo viên theo khuynh hướng này mong
muốn đem lại cho đứa trẻ sự tự do bên ngoài ở trường học. Chúng tôi nói về một điều
khác: về sự tự do bên trong mà con người có thể đạt được trong tất cả các hoàn cảnh,
 chứ không cần phải tạo ra những trường học đặc biệt.
Tự do bên trong không bị phụ thuộc khắt khe vào tự do bên ngoài. Trong một quốc gia
tự do nhất vẫn có thể có những người lệ thuộc, không được tự do. Trong những quốc
gia mất tự do nhất, nơi tất cả đều bị áp bức cách này hay cách khác, vẫn có thể có
những người tự do. Như vậy giáo dục những con người tự do không bao giờ là sớm
và không bao giờ là muộn. Chúng ta cần phải giáo dục những con người tự do không
 phải vì xã hội chúng ta đã có tự do – đó là vấn đề còn phải tranh luận, - mà vì sự tự do
 bên trong cần thiết cho chính nhà giáo dục của chúng ta, dù hắn sống trong xã hội nào
 đi nữa.
Con người tự do – đó là con người có tự do từ bên trong. Cũng như tất cả mọi người,
về bên ngoài hắn phụ thuộc vào xã hội. Nhưng về bên trong hắn độc lập. Xã hội có thể
được tự do về bên ngoài – thoát khỏi áp bức, nhưng nó có thể trở thành xã hội tự do
chỉ khi số đông mọi người có được sự tự do bên trong.
Đây là điều theo ý chúng tôi cần phải là mục đích của giáo dục: sự tự do bên trong của
con người. Khi giáo dục những con người có tự do bên trong chúng ta mang lại lợi ích
to lớn nhất cho chính các nhà giáo dục, cho đất nước đang vươn tới tự do. Điều này
không có gì mới cả: hãy nhớ tới những nhà giáo xuất sắc, những người thầy ưu tú
của
mình – tất cả họ đều cố gắng giáo dục con người tự do, chính vì thế họ mới được nhớ 
đến.
Thế giới được duy trì và phát triển là nhờ những con người tự do bên trong.
*
Tự do bên trong là gì?
Tự do bên trong cũng trái nghịch như tự do nói chung. Con người có tự do bên trong,
cá nhân tự do, là tự do ở cái gì đó và không tự do ở cái gì đó.
Con người tự do bên trong được tự do thoát khỏi cái gì? Trước hết là thoát khỏi nỗi sợ
trước con người và cuộc sống. Thoát khỏi dư luận chia rẽ chung. Hắn độc lập với đám
 đông. Được tự do thoát khỏi những khuôn mẫu tư duy – có khả năng đưa ra cái nhìn
cá nhân của mình. Được tự do thoát khỏi những thiên kiến. Được tự do thoát khỏi sự
ganh tị, vị lợi, thoát khỏi những ý muốn áp chế của bản thân.
Có thể nói thế này: trong hắn cái mang tính người được tự do. Con người tự do dễ
nhận ra: hắn đơn giản là sống, suy nghĩ theo cách của mình, hắn không bao giờ tỏ ra
quỵ lụy, xấc xược. Hắn quý trọng tự do của mỗi người. Hắn không phách lối bằng tự
do của mình, không tìm cách đạt được tự do bằng mọi giá, không tranh đoạt tự do cá
nhân của mình – hắn luôn có nó. Nó được đem cho hắn sở hữu vĩnh viễn. Hắn không
sống vì tự do mà sống một cách tự do. Đó là con người dễ chịu, sống với hắn dễ chịu,
hắn có hơi thở tràn đầy sự sống.
Mỗi chúng ta đều đã gặp những con người tự do. Luôn yêu mến họ. Nhưng có một 
cái 
mà con người tự do thực sự không tự do thoát khỏi được. Đây là điều rất cần phải hiểu. Con người tự do không được tự do thoát khỏi cái gì? Lương tâm.
*
Lương tâm là gì?
Nếu không hiểu lương tâm là gì thì cũng không hiểu con người tự do bên trong. Tự do
không có lương tâm là thứ tự do giả dối, đó là một trong những sự lệ thuộc trầm trọng
nhất. Dường như có tự do, nhưng không có lương tâm, thì sẽ là nô lệ cho những tham
vọng xấu xa của mình, nô lệ của những hoàn cảnh sống, và hắn sẽ dùng sự tự do bên
ngoài của mình vào cái ác. Có thể gọi con người như thế là gì cũng được, nhưng nhất
quyết không phải là con người tự do. Tự do trong nhận thức chung được xem là điều
 thiện.
Hãy chú ý đến một sự khác biệt quan trọng: ở đây không nói – không được tự do thoát
 khỏi lương tâm mình, như người ta thường nói. Bởi vì lương tâm không phải chỉ của
mình, mà còn của chung. Lương tâm là cái chung có ở mỗi người. Lương tâm là cái
thống nhất mọi người.
Lương tâm – đó là sự thật sống giữa mọi người và trong mỗi người. Nó là một cho tất
cả, chúng ta tiếp nhận nó với ngôn ngữ, với giáo dục, trong sự giao tiếp với nhau.
Không cần phải hỏi sự thật là gì, nó cũng không thể nói được bằng lời như tự do vậy.
 Nhưng chúng ta nhận biết nó qua sự công tâm mà mỗi người đều trải nghiệm khi
cuộc sống diễn ra theo sự thật. Và mỗi người sẽ đau khổ khi sự công tâm bị phá hủy,
khi sự thật bị chà đạp. Lương tâm, cái cảm giác ở bên trong nhưng đồng thời lại có
tính xã hội, nói cho ta biết đâu là sự thật và đâu là không phải sự thật. Lương tâm buộc
con người phải nắm giữ sự thật, tức là sống với sự thật, theo sự công tâm. Con người
 tự do nghiêm chỉnh lắng nghe lương tâm – và chỉ lương tâm mà thôi. Người thầy theo
đuổi mục đích giáo dục con người tự do thì phải ủng hộ sự công tâm. Đó là cái chính
 trong giáo dục. Không có chân không nào hết. Không cần đến mệnh lệnh giáo dục
nào của nhà nước hết. Mục đích giáo dục ở mọi thời đều như nhau – đó là sự tự do
bên trong của con người, tự do vì sự thật.
*
Đứa trẻ tự do
Việc giáo dục con người tự do bắt đầu từ nhỏ. Tự do bên trong là món quà tự nhiên
ban tặng, đó là một thứ tài năng đặc biệt có thể bị dập vùi cũng như mọi tài năng khác,
nhưng cũng có thể được phát triển. Tài năng này có ở mỗi người với mức độ khác
nhau giống như mỗi người đều có lương tâm – nhưng con người hoặc là biết lắng
nghe nó, gắng sống hòa điệu với lương tâm, hoặc là nó bị các hoàn cảnh cuộc sống và sự giáo dục làm tắt lặng.
Mục đích – giáo dục con người tự do – quy định tất cả các hình thức, phương pháp,
cách thức giao tiếp với trẻ. Nếu đứa trẻ không biết đến sự áp bức và học được cách
sống theo lương tâm thì tất cả các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội từng được nói đến rất
nhiều trong các lý thuyết giáo dục truyền thống sẽ tự đến với nó. Theo ý chúng tôi,
giáo dục chỉ là ở chỗ phát triển sự tự do bên trong, cái mà không có chúng ta thì cũng
 đã có ở đứa trẻ, để duy trì và bảo vệ sự tự do đó. Nhưng bọn trẻ thường là nghịch
ngợm, hiếu động, thất thường. Nhiều người lớn, các bậc cha mẹ và thầy cô cảm thấy
để trẻ tự do là nguy hiểm. Đây là ranh giới của hai phương thức giáo dục khác nhau.
Người muốn phát triển đứa trẻ tự do sẽ chấp nhận nó như nó là – yêu nó bằng tình yêu
 giải phóng, đem lại tự do. Họ tin vào đứa trẻ, niềm tin này giúp họ nhẫn nại.
Người không nghĩ đến tự do thì sẽ sợ điều đó, không tin vào đứa trẻ, họ tất yếu sẽ áp
chế tinh thần của nó và do đó giết chết và bóp nghẹt lương tâm nó. Tình yêu đối với
đứa trẻ sẽ trở thành sự áp chế. Một nền giáo dục phi tự do như thế sẽ đưa lại cho xã
hội những con người què quặt. Không có tự do thì tất cả các mục đích, ngay cả nếu
chúng có vẻ như cao cả, đều trở thành giả dối và nguy hiểm đối với trẻ em.
*
Người thầy tự do
Để phát triển con người tự do, đứa trẻ ngay từ nhỏ đã phải được ở bên cạnh những
người tự do, trước hết là bên cạnh người thầy tự do. Vì sự tự do bên trong không phụ
thuộc thẳng vào xã hội, nên chỉ người thầy mới có thể tác động mạnh mẽ đến tài năng
tự do ẩn trong mỗi đứa trẻ, như đã từng có với các tài năng thể thao, âm nhạc, nghệ
thuật.
Việc giáo dục con người tự do vừa sức mỗi chúng ta, mỗi người thầy riêng lẻ. Đấy là
trường chiến đấu, nơi một người là chiến binh, nơi một người có thể làm tất cả. Bởi vì
trẻ em được hướng đến những con người tự do, tin tưởng họ, thán phục họ, biết ơn
họ. Dù ở nhà trường có chuyện gì đi nữa, người thầy vẫn có thể là người chiến thắng.
Người thầy tự do chấp nhận đứa trẻ ngang hàng mình. Và từ đó ông/bà ta tạo ra quanh
 mình một bầu khí quyển mà chỉ trong đó con người tự do mới có thể phát triển.
Có thể, ông/bà ta đưa cho đứa trẻ một ngụm tự do – và thế là cứu vớt nó, dạy cho nó
 biết quý tự do, chỉ ra rằng có thể sống làm người tự do được.
*
Trường học tự do
Người thầy đặt bước đi đầu tiên vào việc giáo dục con người tự do, bộc lộ tài năng tự
do của mình sẽ được dễ dàng hơn rất nhiều nếu ông/bà ta làm việc trong một nhà
trường tự do.
Nhà trường tự do là nơi có những đứa trẻ tự do và những người thầy tự do.
Không có nhiều những trường học như thế trên thế giới, nhưng dù sao vẫn có, thế
nghĩa là lý tưởng này đã thành hiện thực. Cái quan trọng ở nhà trường tự do không
phải là để cho trẻ muốn làm gì thì làm, thoát khỏi kỷ luật, mà là tinh thần tự do học tập,
sự tự lập, sự kính trọng người thầy. Trên thế giới có nhiều những ngôi trường rất tinh
tuyển với những nề nếp truyền thống đã đào tạo nên những con người giá trị nhất.
 Bởi vì ở đó những con người tự do, tài năng, những người thầy trung thực miệt mài
với công việc của mình – và vì ở đó tinh thần công tâm được đề cao. Nhưng trong
những ngôi trường uy tín đó không phải tất cả mọi đứa trẻ đều lớn lên thành người tự
do. Ở những trẻ yếu đuối tài năng tự do bị bóp nghẹt, nhà trường đã bẻ gãy chúng.
Trường học tự do thực sự là nơi bọn trẻ đến trường với niềm vui. Chính ở ngôi trường
như thế bọn trẻ mới tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Chúng học được cách suy nghĩ tự do,
 cư xử tự do, sống tự do và biết quý tự do – của mình và của mỗi người.
*
Con đường giáo dục những người tự do
Tự do vừa là mục đích vừa là con đường.
Đối với người thầy điều quan trọng là bước lên con đường này và đi theo nó, không
nghiêng ngả. Con đường đến tự do rất khó nhọc, không tránh khỏi vấp ngã, nhưng ta
hãy cứ bám theo mục đích.
Câu hỏi đầu tiên của người giáo dục con người tự do là: liệu ta có áp chế bọn trẻ
không? Nếu ta áp chế chúng một việc gì đấy thì là vì cái gì? Ta nghĩ là vì lợi ích của
chúng, nhưng thế liệu ta có giết chết tài năng tự do của chúng không? Trước mặt ta là
lớp học, ta cần duy trì một trật tự nhất định để giảng dạy, nhưng thế liệu ta có bẻ gãy
đứa trẻ không, khi cứ cố bắt nó phụ thuộc vào kỷ luật chung?
Có thể không phải người thầy nào cũng tìm được câu trả lời cho từng câu hỏi, nhưng
quan trọng là tất cả các câu hỏi phải được đặt ra cho mình.
Tự do sẽ chết nơi nỗi sợ xuất hiện. Con đường giáo dục những con người tự do khởi
đi khi tránh thoát được mọi nỗi sợ hãi. Thầy không sợ trò, trò không sợ thầy – khi đó
tự do sẽ tự đến trong lớp học.
Tự do thoát khỏi nỗi sợ là bước đi đầu tiên trên con đường đến tự do trong nhà trường.
Chỉ cần nói thêm rằng con người tự do bao giờ cũng đẹp đẽ. Giáo dục những con
người kiêu hãnh, đẹp đẽ về tinh thần – há đấy chẳng phải là mơ ước của người thầy sao?
(Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: