Sau khi sơn một thiết bị bay tự động thành màu đen và dán kín che đi các đèn, một người ở miền nam London tên Daniel Kelly tưởng rằng có thể qua mặt giới chức để đưa thiết bị bay lén lút vào sân nhà tù.
Thế là vào sáng sớm ngày 25/4 năm ngoái, ông ta thả thiết bị bay bốn động cơ rẻ tiền sản xuất từ Trung Cộng, cùng với thứ mà cảnh sát tin là một gói hàng lậu - gồm có thuốc lá và có lẽ thêm vài chất kích thích hợp pháp khác - treo ở cái móc dưới thiết bị bay, thả qua tường nhà tù Swaleside ở Đảo Sheppy thuộc tỉnh Kent.
Thật không may, ông ta đánh giá quá cao cơ hội của mình, cuối cùng phải lãnh án 14 tháng tù, và trở thành người đầu tiên ở Anh Quốc bị tù theo điều luật trừng phạt hành vi đó.
Nhưng Kelly không phải người duy nhất. Ông chỉ là một người trong số rất nhiều người khắp thế giới đã khám phá ra tiềm năng của thiết bị không người lái dân sự giá rẻ dùng cho những hoạt động phạm pháp.
Và giờ đây, các nhà điều tra đang tung ra các lực lượng tình báo giám định với thám tử để theo đuổi những tội phạm liên quan đến thiết bị bay.
Dù thiết bị bay chở theo hàng phạm pháp vào khu vực cấm, theo dõi con người, làm gián đoạn hoạt động của các dịch vụ khẩn cấp, làm thú rừng hoảng sợ hay gây lo ngại cho máy bay, thì nguy cơ của thiết bị bay giờ đây ngày càng hiện hữu.
Chẳng hạn, chỉ vài tuần trước, một thiết bị bay đã buộc năm chuyến bay tại Phi trường Gatwick của London phải chuyển hướng.
Làm sao xác định ai là tội phạm khi trên hiện trường chỉ có mỗi thiết bị bay?
Xác định người điều khiển từ xa thiết bị bay không người lái không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thiết bị bay thường có giá rẻ, dễ điều khiển, và sẵn có với người tiêu dùng ở khắp nơi. Hơn nữa, nhiều chính phủ đang phải vật lộn để thiết lập đủ nhanh các luật lệ để theo kịp khả năng phạm tội đang nảy mầm.
Đó là lý do ngày càng nhiều lực lượng cảnh sát đang hướng về đội giám định thiết bị bay: nghe có vẻ như chương trình truyền hình CSI, nhưng giờ đây ngày càng nhiều thám tử có nhiệm vụ phải theo dấu và tìm ra người điều khiển những thiết bị bay nguy hiểm.
Thám tử công nghệ nhập cuộc
Chỉ vài tháng trước, có tin công bố Cơ quan Quản lý Nhà tù Anh Quốc và cảnh sát đang đổ nhiều nguồn lực vào việc ngăn chặn các tay điều khiển thiết bị bay thả ma túy và đủ loại hàng lậu khác vào các nhà tù ở Anh , với nhiều báo cáo cho biết họ đã chi 3 triệu bảng Anh cho lực lượng mới này.
Có một lý do khiến hoạt động của các thiết bị bay khiến các lực lượng hành pháp chú ý đến vậy. Thiết bị bay đã chuyển nhiều thứ khác nhau chứ không chỉ ma túy cho các tù nhân: chúng được điều khiển để chuyển lậu điện thoại di động, lưỡi cưa, dao, thẻ sim điện thoại, thiết bị lưu trữ USB và đầu máy xem đĩa DVD. Đó là chưa kể chúng có thể bay qua tường và các hàng rào, khiến cho hoạt động của các cơ quan từ tòa nhà chính phủ đến sân bay đều gặp rắc rối.
Điều này khiến việc tìm ra người điều khiển thiết bị bay vô cùng quan trọng với các cơ quan hành pháp.
Vụ án Kelly là khá hiếm xảy ra, bởi trong vụ này cả người điều khiển, thiết bị và thiết bị điều khiển/điện thoại di động dùng điều khiển thiết bị bay đều bị bắt tại chỗ. Và thiết bị bay còn chứa dữ liệu bay chưa bị xóa bỏ hoặc bị chỉnh sửa lại.
Nhưng làm sao có thể xác định được một người điều khiển thiết bị bay phạm tội khi mà chỉ có thiết bị bay bị tóm tại hiện trường? Hoặc khi chỉ có vài mảnh của thiết bị bay còn sót lai được tìm thấy? Hay khi ta chỉ bắt được người điều khiển hoặc tìm ra chiếc điện thoại, hoặc khi nào cảnh sát có vẻ như tìm được người tình nghi mà không có thiết bị bay nào?
Đó là khi thám tử chuyên điều ra thiết bị bay nhập cuộc.
Kết hợp các yếu tố kỹ thuật số và vật lý từ một cuộc bay của thiết bị bay với người điều khiển không dễ chút này. Điều này dẫn đến một suy nghĩ là với thiết bị bay điều khiển không dây từ một khoảng cách thường không nhìn thấy được, tội phạm sẽ dễ dàng trốn thoát. Và cuối cùng, thiết bị bay thường giá rẻ và có thể vứt bỏ ngay nếu người điều khiển sợ bị bắt.
Nhưng ngay khi các nhà điều tra bắt đầu hiểu về nguồn tài nguyên giám định khổng lồ mà điện thoại di động có thể cung cấp khi chuyển giao thế kỷ, thì thách thức khó khăn hơn với việc giám định thiết bị cũng dần hiện ra.
Tất cả những vấn đề đó chất chồng khiến cần phải có thêm nhiều công cụ điều tra, James Mackler, luật sư chuyên về các vụ kiện tụng liên quan đến thiết bị bay của Hãng luật Mackler ở Nashville, Tennessee nhận định.
"Giám định thiết bị bay đang ngày càng trở nên quan trọng vì ngày càng có nhiều thiết bị bay cất cánh. Thiết bị bay dân dụng giờ đây đang được các tổ chức khủng bố sử dụng, việc chúng đang được vũ trang hóa khiến khả năng giám định ngày càng quan trọng hơn." Ông biết nguy cơ nhiều hơn hẳn đa số mọi người: ông là cựu phi công lái trực thăng của Quân lực Hoa Kỳ đã điều khiển nhiều thiết bị bay không người lái ở Iraq.
Nhu cầu phải có luật dành cho thiết bị bay đã mở rộng đến sự an toàn của người dân. Những đám đông ở các trận bóng đá, buổi hòa nhạc, các cuộc tuần hành biểu tình thường lộn xộn và cũng trở nên nguy hiểm. Tại cuộc diễn hành Pride 2016 tại Seattle, môt phụ nữ bị chấn động khi thiết bị bay va vào tòa nhà rơi xuống người bà.
Và dĩ nhiên, nguy cơ tiềm ẩn của thiết bị bay với vấn đề xâm phạm sự riêng tư quá rõ ràng, dẫn đến việc một số người bắn hạ chúng với đủ nguy cơ nổ súng ở chỗ đông người kéo theo đó.
Thật vậy, điều này đã khiến Mackler nỗ lực làm rõ điều luật về không phận dành cho thiết bị bay sau khi một khách hàng của ông bị hàng xóm bắn rơi mất thiết bị bay - và tòa án liên bang xử trắng án cho người bắn. Mackler nói luật của Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng ranh giới giữa không phận trong khu vực nhà riêng và không phận bay dân sự mà cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang (FAA) phụ trách.
Bẻ khóa hệ thống
Vậy làm cách nào nhà chức trách bắt được tội phạm dùng thiết bị bay
Bí mật không nằm trong thiết bị cồng kềnh đó, David Kovar, một nhà điều tra kỹ thuât số và nhà tư vấn an ninh mạng có trụ sở gần Boston, bang Massachusetts nói. Thực tế là nó là một phần của hệ sinh thái kỹ thuật số phức tạp.
"Hệ sinh thái" này bao gồm các thiết bị ngoại vi như điện thoại thông minh, thiết bị điều khiển, và các cảm biến thu thập dữ liệu như vị trí GPS và dữ liệu phân tích thiết bị rơi từ các máy đo gia tốc, la bàn định vị, và hình ảnh video. Siêu dữ liệu trong video sẽ tiết lộ bức ảnh chụp từ đâu, bao gồm cả độ cao mà nó đã bay.
Vì thế nhà điều tra có rất nhiều thứ phải giám định, Kovar nói, thậm chí nếu họ không có tất cả các thành phần vật lý.
Cuối cùng, một thiết bị bay có thể rơi và vỡ thành nhiều mảnh, hoặc chỉ thu được bộ phận điều khiển từ xa (remote control) ở hiện trường.
"Nhưng trong rất nhiều trong số đó, thì nguồn thông tin lớn nhất nằm trên thiết bị di động, trên điện thoại hoặc máy tính bảng," Kovar nói. Và các nhà điều tra rất có kinh nghiệm trong việc tìm ra những phần này.
Nhưng thách thức thực sự là sự đa dạng của thị trường. Mỗi thiết bị bay lại có những điểm quái chiêu riêng về kỹ thuật.
Mỗi thiết bị bay sử dụng một hệ điều hành khác nhau, vì thế người giám định cần phải rất có kinh nghiệm trong từng loại.
Vậy những thiết bị bay lưu trữ dữ liệu bay thế nào? Nó sẽ lưu trữ kinh độ và vĩ độ liên kết với địa điểm cất cánh trong bao lâu? Dữ liệu nào từ điện thoại của người điều khiển cũng được lưu trong thiết bị bay? Thêm vào đó, mỗi loại thiết bị sử dụng một hệ điều hành khác nhau, vì thế các nhà phân tích cần phải rất có kinh nghiệm với từng loại.
Đôi khi nhà sản xuất vô tình đã hợp tác với đội giám định: một mẫu thiết bị bay nạp vào thiết bị điều khiển bay thông tin đăng nhập và mật khẩu của người dùng ngay trên thiết bị - không mã hóa hay còn gọi là "rành rành" ra đó theo thuật ngữ công nghệ. Điều này nghĩa là các sĩ quan chỉ đơn giản là đăng nhập vào một bản sao của ứng dụng và xem lại video của người dùng và dữ liệu trong trường hợp thiết bị bay bị vứt lại hoặc bị rơi tại hiện trường phạm tội và không có dấu vết nào của người điều khiển.
Nhưng đôi khi cũng có trường hợp cả thiết bị bay được tìm thấy nguyên vẹn.
"Chúng tôi dã từng giám định phân tích những thiết bị bay được phục chế trong tù, hoặc cảnh sát và Bộ Quốc phòng tìm thấy chúng bị rơi," Michael May, giám đốc quản lý của Công ty FlyThru Limited of Huddersfield, một công ty vận hành thiết bị bay thương mại tại Anh Quốc cho biết. "Họ cần phải tìm ra tại sao chúng lại ở đó và chúng tôi có thể bình luận về mặt giám định hoặc bất cứ gì chúng tôi tìm thấy trên thiết bị, là dữ liệu bay trên thiết bị hay DNA và dấu vân tay trên đó."
Cánh quạt trên thiết bị bay thường khá sắc và lưu giữ lại dấu vết của tế bào da, ông nói, vì thế đôi khi họ có thể thu được mẫu DNA. Và còn nhiều phần khác như thẻ nhớ SD - để lưu trữ video - và pin, là các vị trí người dùng có thể để lại dấu vân tay khi bỏ pin vào máy.
Nghe có vẻ thật đầy đủ, nhưng một số người sử dụng thiết bị bay chuyên nghiệp thường khá rành cách che giấu dữ liệu.
Vì thế Graeme Horsman, một nhà khoa học máy tính và nhà điều tra kỹ thuật số từ Đại học Sunderland, đã tháo rời một thiết bị bay rẻ tiền và nhận thấy có một số mẹo mà người dùng có xài đến để che giấu địa điểm thiết bị được thả bay. Ông nhận thấy có thể làm giả hành trình của thiết bị bay bằng cách tắt một số hiệu chỉnh trên điện thoại. Ông cũng có thể cài đặt khiến thiết bị bay lưu trữ địa điểm giả so với vị trí cất cánh thật của người điều khiển.
Nói cách khác, rất dễ để một người dùng có ý đồ xấu có thể che giấu vị trí của mình.
Thậm chí chỉ dùng lớp giấy nhôm thực phẩm bọc quanh ăng-ten GPS, Horsman đã tạo ra một cái lồng Faraday - hay còn gọi là thiết bị chặn sóng radio - ngăn cản không cho thiết bị bay lưu trữ hành trình.
Nhưng tất cả các dữ liệu kỹ thuật số được bảo vệ ngặt nghèo đó rất dễ dàng biến mất trong không khí, thậm chí nếu thiết bị bay rơi vào tay nhà chức trách.
Tắt thiết bị bay đi, hoặc đơn giản là cắm nó vào một sợi cáp USB, có thể khiến dữ liệu bị ghi đè lên mất - và tương tự như vậy, di chuyển nó đi có thể làm dữ liệu GPS bị ghi đè lên. Tất cả điều này có nghĩa việc hiểu từng loại thiết bị bay phổ thông là cực kỳ quan trọng trước khi làm nó sai lệch đi hoặc nỗ lực giám định nó, Horseman cho biết. "Có rất nhiều loại đa dạng, vì thế mỗi cuộc điều tra thiết bị bay sẽ khác nhau."
Kovar nói về các thiết bị bay từng bị tịch thu để phân tích: "Cơ quan hành pháp tịch thu thiết bị bay của một người biểu tình tại các cuộc biểu tình về đường ống dẫn dầu ở North Dakota. Tôi không biết ai đang làm phân tích thiết bị bay đó. Thiết bị bay đã đáp trên bãi cỏ Nhà Trắng dĩ nhiên cũng phải được giám định. Và tôi biết là mọi người trong lĩnh vực tình báo đang phân tích các thiết bị bay thu được từ phía Isis [Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo] trên chiến trường."
Tuy nhiên, đâu là điểm trớ trêu nhất? Các chuyên gia đều đồng ý rằng chúng ta chưa từng chứng kiến những tội ác tồi tệ nhất mà khủng bố có thể thực hiện với thiết bị bay không người lái. Đó là lý do vì sao việc phải phát hiện ra người điều khiển đang ngày càng trở nên cấp bách.
"Điều đáng lo ngại là một số loại thiết bị bay của chúng ta có thể mang tới 15kg hàng. Đó là rất nhiều. Khủng bố có thể đổi từ việc sử dụng xe tải đánh bom thành vật thể kích hoạt từ trên cao," May cho biết. Ông cảnh báo con người thậm chí có thể thực hiện những điệp vụ quốc tế vì số lượng loại thiết bị bay đang gia tăng. Thậm chí có thể một loại vũ khí sinh học như vi khuẩn bệnh than - có thể phát tán bằng thiết bị bay.
"Đây là công nghệ mới nổi và chúng ta không thể đoán được bao nhiêu cách oái oăm có thể dùng với thiết bị bay trong tương lai," Horsman nhận định. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ không ngừng kinh ngạc với những gì con người có thể làm với chúng - đây là chỉ giới hạn tưởng tượng trong giới tội phạm thôi."
Thiết bị bay xịt sơn, dán che kín đèn có vẻ như chỉ là phần rất nhỏ của vấn đề.
Paul Marks
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét