Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Những người thầy chân chính trong ngành GD bây giờ phải làm gì?

Vì sao luôn luôn có những làn sóng chửi rủa ngành giáo dục?
Từ nhiều năm nay, nhất là từ thời Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển trở đi, cứ động đến ngành Giáo dục (GD) là từ người dân thường đến trí thức, quan chức, đại biểu Quốc hội, đều buông lời phê phán, công kích, chửi rủa. Hình ảnh các ông bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, Phạm Vũ Luận,… ra trước Quốc hội thường là rất thảm hại.

Học sinh một trường tiểu học trong một lễ khai giảng
Dù nhiều cái lỗi không thuộc về các ông, về Bộ GD, nhưng các ông cũng không cãi. Không rõ là vì không biết cãi, hay là biết có cãi mấy cũng không ai nghe, nên các ông thường dùng phương pháp “nhận lỗi”. Nhận hết. Sự việc gần đây nhất, khi có người chất vấn vấn đề sinh viên thất nghiệp, ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhận lỗi là do ngành GD đào tạo nhân lực chưa tốt. (Khổ, có tốt đi chăng nữa, nhưng không ô dù, không chạy tiền, thậm chí không đánh đổi thân xác, liệu có được tuyển dụng hay không?)

Một lần đi nghe một vị nữ phó giáo sư thuyết trình về chương trình giáo dục nhằm vào phát triển năng lực, tôi hỏi: “Nếu một sinh viên (hay thạc sỹ, tiến sỹ cũng vậy) tốt nghiệp, được hoàn hảo các năng lực như mục tiêu chị vừa trình bày thì số phận của nó có sáng sủa hơn các sinh viên (thạc sỹ, tiến sỹ) hiện giờ không?” Hỏi nhưng tôi trả lời luôn: “Chắc chắn là không”. Nó kiếm được một việc làm rẻ mạt có khi còn chật vật, nói chi đến cơ hội thăng tiến. Vì xã hội (XH) ta hiện thời mẫu người trẻ “thành đạt” không phải cần những năng lực như chị nói (cũng là của thế giới nói chung). Nó cần những năng lực khác (mà chắc ai cũng hiểu).

Tuần trước, khi vụ TV1 – CNGD đang rộ lên, chú em họ ở quê có cháu nội năm nay vào lớp 1 gọi điện hỏi tôi rất nhiều thứ. Trong lúc nói chuyện, chú ấy bảo: “Ngành GD thật nhiều chuyện quá”. Tôi điên tiết mắng luôn một hồi: “Này, chú thấy có ngành nào không ‘lắm chuyện’ không? Sao cái gì cũng đổ tội cho GD là thế nào? Mà nếu gọi là ‘lắm chuyện’, thì ngành Đảng, ngành Công an, ngành Quân đội là ba ngành đứng đầu, chứ không phải ngành GD đâu nhé”.

Nhiều người kêu Bộ GD không có người đứng đầu có đủ tâm và tài. Ừ, có lẽ như vậy. Nhưng cứ giả sử là có thì thế nào, chắc cũng không hơn là mấy.

Hôm nọ GS. Nguyễn Minh Thuyết trả lời báo VietNamNet có nói, đại ý, chừng nào XH còn nhìn GD với đầy thành kiến như bây giờ thì ngành GD cũng khó làm nổi điều gì. Tại sao có thành kiến ấy? Có nhiều nguyên nhân lắm, nhưng hôm nay tôi chỉ đề cập một nguyên nhân – mà có lẽ là nguyên nhân hàng đầu: nhà nước rót ngân sách quốc gia cho GD không đủ, phần còn lại dân phải gánh quá nhiều, và từ đấy phát sinh đủ chuyện.

Giả sử như ngành khác, nhà nước rót đến đâu thì làm đến đấy, đã chết ai đâu, nhưng GD không thể thế. Cũng như ngành y tế, người ta không thể không chữa bệnh, thì trong XH hiện đại, người ta không thể không đi học. Vậy nên bao nhiêu phần không đủ của nhà nước đều dồn cả lên đầu người dân. Phần đóng góp của dân là quá lớn. Quá lớn mà hiệu quả thì cũng không thành vấn đề lắm. Thế nhưng đồng tiền xương máu mà người dân trực tiếp bỏ ra để nuôi GD lại không hiệu quả, và nhất là họ không được quyền kiểm soát. Nó rơi vào tham nhũng, thất thoát, vào đâu nữa không ai biết, không ai có quyền được biết.

Nói ra thì sợ con em mình bị trù dập. Đó là cội nguồn để người dân ấm ức. Sự ấm ức bị dồn nén, chỉ cần có cơ hội là bộc phát. Họ ném đá vào bất cứ chỗ nào của GD một khi có người khơi lên. Và đó cũng là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ cơ hội, dốt nát nhưng thừa “năng lực” trí trá, đánh tráo khái niệm, to mồm nhân danh này nọ, mặc sức chửi rủa ngành GD, nhân thể chửi rủa, mạt sát bất cứ ai mà họ cho là đối thủ của mình, để vừa đánh bóng tên tuổi, vừa quảng cáo cho sản phẩm của họ (nếu có). Họ đánh lừa được biết bao nhiêu người nhẹ dạ cả tin, kể cả trí thức, nhất là những người mất niềm tin và đang phẫn nộ nói trên.

Những người thầy chân chính trong ngành GD bây giờ phải làm gì? Có lẽ bó tay chăng? Cách đây vài tháng, trong một hội thảo khoa học, tôi gặp một vị giáo sư già, trước dạy ở Đại học Y Hà Nội, ông thốt lên một câu rất là đau đớn: “Hai cái nghề bây giờ chịu chửi rủa nhiều nhất là thầy giáo và thầy thuốc thì trớ trêu thay, tôi dính vào cả hai, anh ạ!”.

Đào Tiến Thi



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: