Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

GS Hồ Ngọc Đại đã phải im bặt trước cô nữ sinh trẻ phản biện đầy sức thuyết phục


 0
Mấy điều trao đổi cùng GS Hồ Ngọc Đại trong buổi thuyết trình
– “Lĩnh vực giáo dục nói riêng và xã hội nói chung chỉ phát triển khi sự khác biệt được tôn trọng”, PGS Ngôn ngữ Bùi Mạnh Hùng cho biết như vậy khi trao đổi về một số vấn đề từ “cơn bão sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” thời gian qua.
PGS Bùi Mạnh Hùng là điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới và là Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục (Bộ GD-ĐT). Dưới đây, VietNamNet xin giới thiệu bài viết của PGS Bùi Mạnh Hùng.
Sáng 8/9 GS Hồ Ngọc Đại đã có buổi thuyết trình chuyên đề “Công nghệ giáo dục trong kỉ nguyên 4.0”. Phát biểu của GS. Đại có những nội dung đáng chú ý và chúng tôi muốn trao đổi để làm rõ.
1. “Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn”.
Có một sự mơ hồ trong cách dùng cụm từ “công nghệ giáo dục”. Khái niệm “công nghệ giáo dục” của GS Đại khác hẳn với việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục.
Nó không ăn nhập gì với “kỉ nguyên công nghệ số”. Nó cũng không liên quan nhiều lắm đến những thành công của Trung tâm Thực nghiệm Công nghệ Giáo dục được thành lập cuối những năm 70 của thế kỉ trước.
Việc đưa những tư tưởng như “lấy học sinh làm trung tâm”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”,… vào nhà trường Việt Nam vào những năm đó là một đóng góp có ý nghĩa.
Tuy không phải là điều gì mới mẻ đối với các nền giáo dục phát triển, nhưng nó đã thổi một luồng gió mới vào môi trường giáo dục Việt Nam.
Cùng với cơ sở vật chất tốt và nhiều điều kiện thuận lợi khác, chắc hẳn nó có góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh có chất lượng cao, mang nhiều kí ức tốt đẹp về nơi mình được giáo dục và trưởng thành.
Tuy nhiên, “công nghệ giáo dục” được hiểu như một quy trình dạy học được thiết kế một cách tỉ mỉ, GV và HS cần tuân thủ theo từng bước đến từng chi tiết gần như máy móc, khi ứng dụng vào một cuốn sách giáo khoa cụ thể thì lại có vấn đề.
TV1-CNGD được coi là thể hiện thành công của ứng dụng “công nghệ giáo dục”. Nhưng như chúng tôi đã nêu trong kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia (ngày 15/5/ 2017): “Việc thiết kế quy trình chi tiết, ràng buộc quá chặt chẽ đối với cả giáo viên và HS có thể hạn chế sự sáng tạo của giáo viên và hứng thú của HS. Hoạt động dạy học lặp đi lặp lại, nếu tiếp tục trong khoảng thời gian dài sẽ làm cho hoạt động dạy học trở nên đơn điệu”. “Việc rèn luyện cho HS kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với HS bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp dạy học bản ngữ. Hiện nay, ngay cả khi dạy học ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ, phương pháp phân tích cấu trúc ngữ âm như cách của Tài liệu TV1-CNGD cũng ít khi được sử dụng.”
XEM CLIP
TV1-CNGD chỉ được phép thử nghiệm cho đến khi có chương trình và SGK mới (dự kiến năm 2019 hoặc 2020 có SGK lớp 1).TV1-CNGD cần khắc phục hay điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng dạy học ngôn ngữ theo quan điểm giao tiếp. Nói cho công bằng thì quy trình thiết kế này có tác dụng phần nào khi dạy học đánh vần, giai đoạn mà HS cần phải bắt chước nhiều. Nhưng lên các lớp trên thì có thể khẳng định là không phù hợp và không hiệu quả. Nó trái ngược với chính những tư tưởng cơ bản về giáo dục mà GS. Đại nhiều lần phát biểu: lấy HS làm trung tâm, mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Nếu những điểm “cực đoan” trong phương pháp dạy học của TV1-CNGD không được khắc phục thì không có gì bảo đảm “công nghệ giáo dục” sẽ tồn tại vĩnh viễn. Quy định của chương trình GDPT mới mở ra cơ hội cho nhiều phương pháp dạy học. Nhưng những cách tiếp cận cực đoan chắc là khó được chấp nhận.
2. HS học TV1-CNGD không để ý đến nghĩa mà chỉ đến âm. Chủ trương “chân không về nghĩa”.
Kết luận của Hội đồng thẩm định ghi rõ: “Quan điểm “chân không về nghĩa” không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp”.
Sau 2 lần thẩm định, quan điểm “chân không về nghĩa” về cơ bản đã được tác giả điều chỉnh. Hầu hết, những từ ngữ khó, từ ngữ địa phương, vốn được sử dụng trong tài liệu TV1-CNGD trước thẩm định dựa trên quan điểm “chân không về nghĩa” đã được thay thế.
Như vậy, ý kiến của GS. Đại trong bài thuyết trình không thể hiện đúng những gì mà tác giả đã tiếp thu và chỉnh sửa theo đề nghị của Hội đồng thẩm định.
Cái gọi là “chân không về nghĩa” chỉ có thể áp dụng khi HS luyện tập đánh vần, vận dụng mẫu đã học để đọc những âm tiết mới, có thể không có trong ngôn ngữ. Nhưng dùng nó để biện minh cho việc bất chấp ý nghĩa khi dùng ngữ liệu để dạy thì hoàn toàn không ổn.
Việc dùng nhiều từ ngữ địa phương, từ ngữ khó, từ ngữ có ý nghĩa chưa phù hợp với HS lớp 1 có phần bị chi phối bởi quan điểm “chân không về nghĩa” này.
Clip cô giáo Phạm Thị Khánh, chủ nhiệm lớp 1B Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Trà, tỉnh Quảng Ngãi đang hướng dẫn học sinh ghép vần học tiếng Việt ghép vần theo sách “Công nghệ giáo dục” trong buổi học sáng 30/3/2018. Clip: Hạ Anh.
3. Khi 100% dân cư đi học thì ngôn ngữ ấy phải là ngôn ngữ hàng ngày, chứ không phải ngôn ngữ sách vở.
Không phải chỉ có khi 100% dân cư đi học mà dạy học ngôn ngữ nói chung thì đều phải cho HS được học ngôn ngữ thuộc nhiều phong cách và sử dụng trong nhiều môi trường giao tiếp đa dạng. Ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ sách vở HS đều cần được học.
Tuy nhiên, không thể lấy lí do HS cần được học ngôn ngữ hàng ngày để đưa những ngữ liệu “thô ráp” của đời thường, không phù hợp vào sách dạy tiếng cho HS lớp 1.
4. Vật thật và vật thay thế
Vật thật là tiếng nói, âm nghe. Chữ chỉ là vật thay thế. Trong ngôn ngữ học, nhất là từ F. de Saussure trở về sau, thì không mấy ai còn nhầm lẫn giữa âm và chữ viết. Hiện nay, sự phân biệt này cũng đã thuộc về hiểu biết phổ thông.
Âm là bộ phận cấu thành của ngôn ngữ. Từ khi có ngôn ngữ thì đã có âm thanh của ngôn ngữ, được các nhà chuyên môn phân tích thành các âm vị (phoneme), làm cơ sở cho việc tạo ra hệ thống chữ viết.
Chữ viết (ghi âm, không nói hệ thống chữ viết khác như chữ viết tiếng Hán) là hệ thống kí hiệu ghi lại âm thanh của một ngôn ngữ dựa trên một giải thuyết âm vị học (phonology), được dùng để chuyển ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ viết.
Việc dùng khái niệm “vật thật” và “vật thay thế” thực ra chỉ dựa trên một sự phân biệt có tính chất phổ biến đó.
Tuy nhiên, nó có vẻ làm phức tạp hóa vấn đề khi vận dụng vào dạy ngôn ngữ.
Hiệu quả của cách phân biệt “vật thật” và “vật thay thế” đối với nhận thức và thực hành ngôn ngữ của HS lớp 1 khó có thể có bằng chứng rõ ràng.
Đó là chưa kể, xét cho cùng thì bản thân âm thanh cũng chỉ là vật thay thế, là “kí hiệu” cho một cái khác, chẳng hạn khái niệm mà nó biểu thị.
5. GS. Đại cho rằng ông dành nhiều tâm huyết và công phu nhất cho TV1-CNGD. Trẻ con rất hồn nhiên và tin vào người lớn, lớp 1 phải đưa những thứ tốt đẹp vào đó.
Tâm huyết và công phu của GS. Đại dành cho TV1-CNGD là điều không thể nghi ngờ.
Đó là một trong những lí do quan trọng để Hội đồng thẩm định quốc gia đọc kĩ, chắt lọc và trân trọng từng đóng góp của tác giả thể hiện qua tài liệu và đề nghị Bộ GD và ĐT cho phép tiếp tục được thử nghiệm cho đến khi có CT GDPT và SGK mới để tác giả có cơ hội hoàn thiện thêm.
Nếu phù hợp với yêu cầu của CT GDPT mới và được Hội đồng thẩm định quốc gia SGK mới thông qua thì GV, HS và cha mẹ HS có thêm một lựa chọn.
Nhưng có thể nói TV1-CNGD không chỉ có những điều tốt đẹp. Nó đã phải chỉnh sửa rất nhiều và sẽ còn phải tiếp tục chỉnh sửa mới có thể trở thành tài liệu dạy học có chất lượng.
6. Học chữ với TV1-CNGD là không thể tái mù. CT không bao giờ ôn tập (lặp lại thời gian). Một lí thuyết giáo dục phải có công nghệ thực thi. TV1-CNGD có công nghệ giáo dục. Học TV1-CNGD dù ở bất cứ đâu trên đất nước này, chỉ một năm là đọc thông viết thạo, đúng chính tả và không thể tái mù.
Ôn tập là hoạt động quen thuộc trong dạy học. Tuy nhiên, nếu tác giả TV1-CNGD lựa chọn cách “không bao giờ ôn tập” thì cũng nên coi là một phương án chấp nhận được miễn là việc dạy học bảo đảm HS đạt được yêu cầu của chương trình.
Nói “không thể tái mù” khi học TV1-CNGD thì cần làm rõ khái niệm “tái mù” và có kiểm chứng.
Chúng tôi chỉ nhận thấy TV1-CNGD khá hiệu quả trong việc giúp HS đọc thành tiếng và viết chính tả thể hiện qua đánh giá của GV sử dụng tài liệu này.
Qua so sánh thì chúng tôi cũng thấy trong cùng một thời điểm học thì số chữ trong văn bản đọc và số chữ viết chính tả của TV1-CNGD nhiều hơn so với SGK Tiếng Việt 1 đại trà.
Sự khác biệt này cũng thể hiện qua các đề kiểm tra học kì.
Tuy nhiên, theo những gì mà chúng tôi khảo sát được thì thời gian và công sức mà GV và HS học TV1-CNGD phải bỏ ra rất nhiều.
Điều đáng nói hơn là do ưu tiên kĩ năng đọc thành tiếng và viết chính tả, nên các hoạt động giúp HS phát triển kĩ năng đọc hiểu và nói nghe không được thể hiện rõ trong tài liệu TV1-CNGD trước khi thẩm định.
Và trên thực tế dạy học TV1-CNGD, GV cũng ít chú ý đến các kĩ năng này.
“Mù chữ” và “tái mù” không chỉ liên quan đến chuyện đọc thành tiếng một văn bản hay nghe người khác đọc và ghi lại được thành chữ viết.
Vấn đề quan trọng hơn là HS có thể hiểu được những gì đã đọc. TV1-CNGD chưa chú ý đến khía cạnh này.
7. Người lớn không được phép lấy mình làm chuẩn cho trẻ con. “Cần phải cho trẻ em được những thành tựu mới nhất, chưa từng có, thừa hưởng và tận dụng những thành tựu đã có”. “Người lớn không nên lấy mình là khuôn mẫu cho trẻ con. Bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con”. Nền giáo dục hiện đại là nền giáo dục chưa từng có, để cho mỗi cá nhân trong xã hội trở thành chính nó, chứ không phải là bản sao của riêng ai”.
Nhận định này nếu hiểu theo hướng “giáo dục không cần nêu gương” thì không đúng.
Nhưng theo tôi hiểu thì GS. Đại chỉ muốn nhấn mạnh người lớn không được áp đặt trẻ em.
Đây là một quan điểm giáo dục tiến bộ. CT GDPT mới cũng chú trọng phát triển cá tính và nhân cách của người học.
Việc nhiều người phê phán cách dạy đánh vần mới chỉ vì nó khác với cách đánh vần mà họ đã từng học (được gọi là “truyền thống”, thật ra cái gọi là “truyền thống” bao gồm rất nhiều thứ, nhiều khi khác hẳn nhau) cho thấy quan điểm áp đặt trong giáo dục của nhiều bậc cha mẹ hiện nay.
Lĩnh vực giáo dục nói riêng và xã hội nói chung chỉ phát triển khi sự khác biệt được tôn trọng. Các quan điểm cần được trao đổi với tinh thần tương kính. Việc dùng những lời lẽ miệt thị khi tranh luận dù đến từ phía nào thì cũng đều không nên được cổ vũ.
PGS Bùi Mạnh Hùng
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/may-dieu-trao-doi-cung-gs-ho-ngoc-dai-trong-buoi-thuyet-trinh-475930.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: