Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Facebook 'đồng ý hợp tác với VN'


Có những nội dung mâu thuẫn trong tuyên bố của lãnh đạo Facebook trước Thượng viện Mỹ và với chính quyền Việt Nam. Hơn một tuần trước khi Phó chủ tịch Facebook Simon Milner gặp gỡ lãnh đạo Bộ Thông tin-Truyền thông, giám đốc phụ trách hoạt động (COO) của Facebook là Sheryl Sandberg đã có một số phát biểu đáng chú ý về Việt Nam tại buổi điều trần hôm 5/9 trước Thượng viện Hoa Kỳ.

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng chia sẻ lá thư trên điện thoại do hơn 50 nhà hoạt động và tổ chức nhân quyền viết gửi cho Mark Zuckerberg về khả năng Facebook có thể đang câu kết với chính quyền cộng sản để ngăn chặn tiếng nói của giới bất đồng chính kiến.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, khi đó, đặt câu hỏi về trường hợp khi các chính quyền "độc tài" yêu cầu Facebook ngăn chặn thông tin những chính quyền này cho là độc hại.

"Khái niệm tin tức giả mạo của họ, có thể thực ra là sự thật, khái niệm kích động bất ổn của họ, có thể là lên tiếng bảo vệ nhân quyền, và việc can thiệp vào công việc nội bộ, cũng có thể là đấu tranh cho dân chủ…," ông Rubio nói.

Bà Sheryl Sandberg tại buổi điều trần hôm 5/9

Ông cũng nhắc tới việc Việt Nam vừa thông qua Luật an mạng, dự kiến sẽ đi vào hiệu lực đầu 2019 và sẽ yêu cầu Facebook lưu trữ dữ liệu người dùng tại nước sở tại và phải giao nộp cho chính quyền dữ liệu người dùng bị nghi ngờ hoạt động chống chính quyền.

"Vậy những giá trị về dân chủ của chúng ta, có phải quý vị chỉ ủng hộ chúng ở Hoa Kỳ, hay là quý vị cũng cảm thấy phải ủng hộ chúng trên toàn thế giới?" ông Rubio hỏi.

"Chúng tôi ủng hộ những nguyên tắc này trên khắp thế giới," nhân vật quyền lực thứ hai của Facebook trả lời.

"Ông đề cập đến Việt Nam, chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam và trừ những trường hợp ngoại lệ với các mối đe dọa nghiêm trọng, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị," bà Sandberg nhấn mạnh.

"Và quý vị sẽ không bao giờ làm như vậy?" Thượng nghị sĩ Rubio hỏi. "Quý vị sẽ không đồng ý làm như vậy để được hoạt động?"

"Chúng tôi sẽ chỉ hoạt động ở một quốc gia mà chúng tôi giữ gìn được những giá trị của mình."

"Và điều này cũng sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc?"

"Điều đó cũng sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc."

Chính quyền Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Facebook ngăn chặn các thông tin được cho là "xấu và độc hại"
Facebook cam kết hợp tác với VN
Sau đó, lãnh đạo Facebook đã có các cuộc gặp gỡ với các quan chức cao cấp của Việt Nam, và được báo chí Việt Nam dẫn lời, có những phát biểu dường như khác với những gì đại diện của hãng nói trước Thượng viện Mỹ.

Phó chủ tịch Facebook Simon Milner vừa có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 13/9 và quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng 14/9, theo báo Vietnamnet.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Simon Milner đã thảo luận về "sự thịnh vượng của Facebook tại thị trường Việt Nam song hành với sự thịnh vượng chung của đất nước Việt Nam".

Ông Hùng so sánh Facebook, một doanh nghiệp nước ngoài như "con dâu về nhà chồng" và Facebook, cần phải "tiếp nhận và thích nghi với văn hóa, nếp sống hàng ngày của gia đình nhà chồng".

Có nghĩa bộ quy tắc ứng xử của Facebook "cũng phải tính đến các yếu tố về mặt văn hoá của nước sở tại".

Theo báo Vietnamnet, ông Milner nói sẽ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và chấp nhận thành lập nhóm làm việc chung giữa Facebook và chính quyền Hà Nội.

Phó chủ tịch về chính sách công khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Facebook Simon Milner (trái) tại một buổi làm việc với chính quyền Indonesia hôm 17/4, sau khi Hạ viện nước này yêu cầu Facebook chịu trách nhiệm việc làm lộ dữ liệu của 1 triệu tài khoản người dùng

"Ở một số nước chúng tôi chỉ là một trong các nàng dâu, nhưng ở đây chúng tôi là nàng dâu trưởng," ông Milner nói.

Ông Mạnh Hùng tiếp lời rằng, những yếu tố văn hóa này sẽ "khắt khe hơn" với nàng dâu trưởng, để "làm gương cho những nàng dâu đến sau."

Ông Milner nói đồng ý sẽ hình thành nhóm làm việc chung để "hiểu rõ hơn [Facebook] đã làm đúng ở điểm nào và sai ở đâu."

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp ngắn với ông Milner hôm 13/9, yêu cầu Facebook "chặn lọc các thông tin xấu độc."

Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Facebook "thực hiện xử lý các yêu cầu này sớm để thể hiện thiện chí với Chính phủ Việt Nam bằng những động thái ban đầu cụ thể."


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: