VTH – Ngày 22/4/2018, Hội VHNT Tỉnh BRVT có cuộc tọa đàm về “Thơ Lục Bát xưa và nay” với các nhà thơ BRVT. Xin giới thiệu bài tham luận của VTH về cảm nghĩ và con đường đến với Thơ Lục Bát của mình, cũng như nguyên cớ xuất bản tập thơ “Lục Bát Phố” , mời các bạn yêu thơ đọc trên vuthanhhoa.net:
DUYÊN NỢ CỦA TÔI VỚI THƠ LỤC BÁT
Tôi đến với Thơ tự do trước rồi mới bắt đầu làm quen thơ Lục Bát. Có một vài lí do khiến trước đây tôi luôn cảm thấy có một chút áp lực với Thơ Lục Bát. Đầu tiên, phải kể đến tính chặt chẽ của niêm luật: Thơ Lục bát chỉ có cặp 2 câu; một câu lục, một câu bát, 14 tiếng, với sự đối ứng giữa các thanh bằng – trắc khắt khe, dẫn đến gò bó trong việc diễn tả trạng thái, cảm xúc, lựa chọn ngôn từ. Mà quan điểm của riêng tôi, Thơ luôn là cánh cửa để dẫn bạn đọc về thế giới tự do bao la của xúc cảm, thẩm mĩ và phát triển tư duy trừu tượng, cởi bỏ mọi khuôn phép, gợi mở sáng tạo, thách thức phản biện.
Áp lực nữa trước Lục Bát là cả một kho tàng đồ sộ của dòng Thơ này đã được các bậc tiền bối phát triển từ các câu ca dao dân dã nhẩn nha tình tứ, bay bổng, rồi sâu cay, thấm thía đủ hương vị Việt: “Ba đồng một mớ trầu cay/Sao anh không hỏi những ngày còn không?/Bây giờ em đã có chồng/Như chim vào lồng như cá cắn câu…”những thi phẩm kinh điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, cho đến những thi nhân như Tú Xương, Tản Đà, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Trần Đăng Khoa…
“Anh xa để lạnh đôi bờ/Đò em cứ chảy lơ thơ giữa dòng/Đừng buông giọt mắt xuống sông/Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm…” (Đêm Sông Cầu- thơ Đồng Đức Bốn)
“Ai nhân ra giống vải thiều/vòm xanh lấp ló bao nhiêu má hồng/Ai làm ra lúng liếng sông/để đưa tu hú sổ chồng sang ngang” (Vải Thiều – Nguyễn Duy)
“Bác Giun đào đất suốt ngày/Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà/Họ hàng nhà kiến kéo ra/Kiến con đi trước, kiến già theo sau…”( Đám Ma Bác Giun – Trần Đăng Khoa viết khi 9 tuổi, năm 1967)
Càng đọc nhiều, tôi càng thấy làm Thơ Lục Bát không dễ. Không thể bắt chước tiền bối làm ra những câu thơ nhang nhác bóng dáng xưa một cách vụng về, ngô nghê, tạo ra những tác phẩm mòn cũ, nhạt nhẽo, đơn điệu.
Và không thể không kể đến một thực tế là, từ thế hệ chúng tôi cho đến những thế hệ trẻ hơn sau này, Lục Bát đã dần vắng bóng trong các cuộc thi Thơ, các diễn đàn Thơ và nhất là những tác phẩm thơ trên các hiệu sách.
Nhưng một ngày, khi đọc Thơ Lục Bát của Nguyệt Thảo trên trang Vnweblogs, tôi bắt đầu có hứng thú với thể thơ này. Nguyệt Thảo là một nữ nhà thơ trẻ hồng nhan bạc mệnh, sinh năm 1979 – mất năm 2008. Thơ Nguyệt Thảo thản nhiên, đầy cá tính, truyền tải được tâm trạng phức tạp của cô ấy trước tình yêu và số phận. Nguyệt Thảo đã cho tôi thấy Thơ Lục Bát không gò bó, khuôn phép, nhàm chán như tôi nghĩ:
“Hở cho lưng thấy mặt trời/hai dây áo, một vai người biệt ly/mảnh khăn hồng phấn lau đi/dấu tay còn triệu con vi khuẩn sầu/nhắc ngày chia thịt da nhau/đói đuôi mắt ngọt, no đầu lưỡi thơm…” (Tấm Lưng Trần Ở Tân Sơn Nhất – Thơ Nguyệt Thảo)
Tôi nhận thấy sự chuẩn mực trong niêm luật, cách ứng đối bằng trắc lại chính là một thách thức thú vị cho mỗi tác giả, đòi hỏi sự sáng tạo biến hóa tài hoa trên mỗi câu chữ và thi ảnh. Hiểu rằng mỗi thế hệ, mỗi thân phận sẽ có cách diễn đạt Lục Bát riêng biệt tới vô cùng. Và có lẽ điều quan trọng nhất mà tôi nhận ra: Trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, ai cũng sẵn có những câu thơ Lục bát của riêng mình, và bạn sẽ đánh thức nó dậy vào lúc nào mà thôi. Thơ Lục Bát không nhàm chán. Có thể nói vui rằng, đọc thơ Lục Bát, làm thơ Lục Bát, mới hiểu ra người Việt Nam “lách luật” tài tình đến cỡ nào!
Nói đến đây, có lẽ phải nhắc đến một thi sĩ Miền Nam – Hà Liên Tử, như Nhà thơ Đông Hồ nhận xét: “ Thơ Hà Liên Tử rất tân kỳ: nắn thơ lục bát để kiến trúc theo lối tự do rất hay”:
“Con anh và con em/Mai sau khi chúng lớn/Cùng vui đùa nô giỡn/Cùng học chung một trường/Đón đưa hai kẻ chung đường/Đừng chào nhau nhé, như tuồng không quen…/Kẻo chồng em lại trách ghen/Vợ anh lầm tưởng, thêm ren rối đời!” (Đến Đây Là Chỗ Rẽ Lòng – Thơ Hà Liên Tử)
Nhưng để có một bài thơ lục bát hay là rất khó, bởi không có tài năng văn chương rất dễ biến một bài thơ lục bát thành một bài vè, bài văn vần. Mặt khác, với việc các trường phái thơ ca phát triển “trăm hoa đua nở” hiện nay, thu hút người làm thơ thử nghiệm, tay ngang nên dường như không có nhiều bài thơ lục bát hay như các giai đoạn trước đây.
Từ đọc nghiền ngẫm các thi phẩm Lục Bát của các tác giả khác, tôi cũng bắt đầu làm Lục Bát của riêng mình. Tôi cũng cố gắng đưa cá tính của Vũ Thanh Hoa vào từng câu 6-8 với mong muốn có một giọng điệu khác và cả những tìm tòi, phá cách thầm lặng. Tôi không muốn làm mới con chữ chỉ bằng hình thức xuống dòng, đổi vần bằng – trắc mà muốn đưa một hơi thở mới của phố thị vào từng câu chữ. Và rồi cũng bất ngờ khi thấy gia tài thơ Lục Bát của mình đã ngót nghét gần trăm bài. Tôi cũng đắn đo lắm mới tập hợp lại và in thành một tập với Tựa đề “Lục Bát Phố” là tên một bài thơ, mà cũng là hồn cốt của tập thơ. Tôi cũng xin trích dẫn 2 bài thơ của mình trong tập thơ này:
(TÔ SON NỖI BUỒN) cuối thu cúc dửng dưng vàng/nắng neo góc phố lan man ngọn buồn/lá rơi từng lá rưng rưng/heo may ngơ ngẩn ngập ngừng trở đông/gió về gõ cửa hư không/ngỏ vào thinh lặng niêm phong bóng mùa/mưa ngày xưa đã Giao thừa/nỗi buồn năm cũ cũng vừa tô son/giữa mây vẽ một vòng tròn/vờ như mất mất còn còn ung dung/đáy ly rót ngập hoàng hôn/em ngồi lặng lẽ tô son nỗi buồn….
(TẮM) mở vòi sen/mở vòi sen/tay anh xoa hết lấm lem bụi trần/thịt da nà nõn hồng ân/nằm bên em nhé anh/nằm bên em/nước dâng tới đỉnh khát thèm/cuốn vào đắm đuối một phen tận đời/tình bay trên sóng chơi vơi/trôi về khởi thủy bời bời tên nhau/chẳng cần biết sẽ về đâu/cứ vui như thể hôm sau tử hình/vui như phút cuối hòa bình/nhỡ mai thế giới thình lình chiến tranh/xà phòng bong bóng tan tành/nhớ quên li biệt mỏng manh kiếp người/đặt môi anh một nụ cười/nằm bên em nhé/đất trời/xoay nghiêng
Thơ Lục Bát Việt đã trở thành Quốc hồn, Quốc túy của dân tộc Việt, như nhà phê bình Chu Văn Sơn nhận định: “Người Âu Tây tự hào về thể thơ Sonnê, người Trung Quốc tự hào về thơ Đường luật, người Nhật Bản tự hào về thơ Haiku…, thì người Việt Nam có quyền tự hào về thể Lục bát”. So với thơ Đường Luật, Lục bát không đòi hỏi tuân thủ nhiều niêm luật, người Việt Nam nào cũng có thể sáng tác vài ba câu lục bát trong đời mình.
Các cuộc thi Lục Bát gần đây của Tạp Chí Sông Hương, của Công ty Cổ phần Văn hóa Sách Sài Gòn với giải thưởng “Lục bát Tết”, các tác giả đoạt giải tuổi đời còn khá trẻ, có bạn là sinh viên Đại học. Và phải kể đến trang website lucbat.com vẫn cập nhật giới thiệu, tôn vinh các tác giả và thi phẩm thơ Lục Bát góp phần duy trì và lan tỏa những vần thơ của dân tộc đến gần hơn với bạn đọc. Hi vọng Thơ Lục Bát sống mãi trong trái tim những người yêu thơ Việt, sẽ có những tác phẩm đặc sắc đầy sáng tạo mang tính kế thừa và phát huy những thành tựu rất đỗi tự hào mà chúng ta đã có.
VŨ THANH HOA
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét