Bích chương lớn với chân dung và lời huấn thị của chủ tịch Tập Cận Bình trên đường phố Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 26/02/2018. |
Cách đây mười năm, Đặng Tiểu Bình là khuôn mặt hàng đầu trong cuộc triển lãm của Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh, tập trung cho việc kỷ niệm 30 năm cải cách kinh tế Trung Quốc năm 1978.
Nhà lãnh đạo quá cố được coi là cha đẻ của bước ngoặt chiến lược này, giúp Trung Quốc đạt được nhiều thập niên tăng trưởng chóng mặt và trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới. Nhưng mùa hè này, tại cùng địa điểm trong dịp kỷ niệm 40 năm, Đặng Tiểu Bình đã bị đánh sụt xuống hàng thứ nhì, trong cuộc triển lãm kéo dài 12 ngày.
Những bức tranh lớn nhất được dành cho đương kim chủ tịch Tập Cận Bình và…cha của ông ta là Tập Trọng Huân, một cán bộ cộng sản lão thành từng là nạn nhân bị Mao Trạch Đông thanh trừng và được phục hồi sau khi chết. Trên bức tranh có kích thước « hoành tráng » nhất, « Tập gia gia » được một đám đông nhiệt tình bao quanh ; còn ở tít đằng xa, chỉ loáng thoáng nhận ra một bức tượng mờ mờ của ông Đặng. Tất cả mang tính biểu tượng rất lớn.
Một tác phẩm khác vẽ ông Tập (cha) đang hướng dẫn trên bản đồ cho một Đặng Tiểu Bình ngoan ngoãn chăm chú ngồi nghe, nơi nào cần tiến hành cải cách. Wall Street Journal ghi nhận, việc viết lại lịch sử này tại một viện bảo tàng ở Thâm Quyến (Shenzhen) nhằm giảm thiểu vai trò của cựu lãnh đạo và làm tăng giá trị của hai cha con ông Tập Cận Bình.
Thông điệp không thể rõ ràng hơn. Julian Gewirtz, nhà nghiên cứu ở trường đại học Havard giải thích, việc mừng giai đoạn khởi đầu tự do hóa nền kinh tế « được tổ chức để phục vụ cho lợi ích của Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay. Tất cả những diễn dịch khác đều bị bác hoặc bị cấm đoán ».
Ông chủ Bắc Kinh, vốn khẳng định Trung Quốc đang bước vào « một kỷ nguyên mới », hứa hẹn một tương lai huy hoàng cho đất nước nhằm củng cố quyền lực của mình. Tuyên truyền của nhà nước đã « tạo ra một huyền thoại » xung quanh những đóng góp của ông Tập trong việc chuyển đổi Trung Quốc.
Báo chí ca ngợi những thành tựu của Tập Cận Bình ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian), nơi ông lãnh đạo từ năm 1985 đến 2002. « Kinh nghiệm Tấn Giang (Jinjiang) », tên một thành phố tại đây được đẩy lên hàng luận thuyết để nghiên cứu và thực hiện, trong khi hồi mới được đưa ra năm 2002 không hề được chú ý. Chủ thuyết này « ngày nay vẫn đóng tiếp vai trò chỉ đạo » - Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), một trong bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị đã nhấn mạnh như thế trong một lần đi kinh lý địa phương.
Đối với Tập Cận Bình, nhân vật Đặng Tiểu Bình mà đảng đã đưa lên thành biểu tượng, đã trở nên vô dụng, thậm chí phiền hà. Nhân vật số một Trung Quốc rời xa một phần lớn di sản của Đặng, vốn muốn tránh cho đất nước phải chịu đựng một Mao Trạch Đông mới, khi thiết lập nguyên tắc lãnh đạo tập thể và thường xuyên thay đổi người đứng đầu chế độ. Đặng Tiểu Bình cũng đề cao thái độ « giấu mình chờ thời » trong đối ngoại. Tất cả những nguyên tắc này đã bị Tập Cận Bình xóa bỏ, khi đạt được việc làm chủ tịch trọn đời.
Để tăng cường tính chính danh của đảng Cộng sản, « Bác Tập » không bỏ lỡ một dịp nào để khơi dậy truyền thuyết cách mạng, theo bước Mao Trạch Đông. Nhưng ở đây quá khứ lại bị sáng tác thêm lần nữa. Chuyên gia về Trung Quốc ở trường đại học Báp-tít Hồng Kông, Jean-Pierre Cabestan cho biết : « Trong các sách giáo khoa lịch sử, tất cả những gì nói về bạo lực, tàn phá hay sai lầm của cuộc Cách mạng văn hóa đều bị xóa ». Tại Trung Quốc, lịch sử không phải là một khoa học chính xác…
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét