Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Tu Lieu

NHÀ PBVH NGÔ THẢO: ĐÔI LÚC, BÀI THƠ CÓ SỨC MẠNH NHƯ MỘT SƯ ĐOÀN



Mặc dù phải trải qua một cơn trọng bệnh nhưng nhà phê bình Ngô Thảo ở tuổi thất thập vẫn cho ra mắt bạn đọc một cuốn sách rất có giá trị với những ai muốn hiểu rõ hơn về một thời văn nghệ còn chưa xa. Tác phẩm mang tên “Dĩ vãng phía trước” gồm những tư liệu gốc và những ký ức của chính Ngô Thảo.
Nhận xét về cuốn sách, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhấn mạnh: “Làm lý luận phê bình, Ngô Thảo luôn luôn có ý thức sưu tầm tư liệu, đặc biệt là làm tư liệu về một số nhà văn cụ thể. Đó là một công việc thiết thực giúp cho các thế hệ độc giả nhận diện chân dung văn học của một thời. Công việc nhọc nhằn này đã bộc lộ đức tính cần cù, tận tụy, vô tư như anh từng sống với bạn bè, tự nó nói lên tấm lòng của anh một cách khiêm nhường đầy trách nhiệm…”.


- PV: Nói thật là tôi rất thích tên tác phẩm mà anh xuất bản gần đây nhất, “Dĩ vãng phía trước”. Nhưng tôi lại hiểu theo nghĩa là, thực sự tương lai của chúng ta đã được định hình bởi những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Đối với anh, quãng đời trải nghiệm trong chiến tranh đã mang lại cho anh những gì để anh có thể an tâm hơn với tương lai?
- Nhà phê bình văn học Ngô Thảo: Cảm ơn bạn đã biết đến cuốn sách. Đó là tập tư liệu văn học chủ yếu của các nhà văn quân đội sống và làm việc ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, nơi tôi có 15 năm làm biên tập viên. Thế hệ chúng tôi ra trận khi miền Bắc đã có 10 năm xây dựng trong hòa bình.
Một lớp trẻ quê ở nông thôn như chúng tôi đã được đi học, kịp tốt nghiệp đại học. Chỉ có điều, đón chúng tôi trên chặng đầu vào đời là một cuộc chiến tranh nhằm giải phóng miền Nam để thống nhất đất nước. Mọi ước mơ, dự định riêng tư đành gác lại. Những năm tháng gian khổ, ác liệt ở chiến trường luôn mơ có ngày về lại với thế giới xưa.
Với chúng tôi, để về lại chốn xưa, chỉ có một con đường là đạp lên chông gai, chiến thắng kẻ thù. Dĩ vãng phía trước là lời động viên người chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng như anh nói, một nhà triết học từng nhận xét: Tương lai là quá khứ quay trở lại theo một mặt phẳng khác. Ngày trước thường nghĩ đó là một ý nghĩ tiêu cực.
Nhưng nhìn vào sự phát triển của thế giới hiện tại, hình như họ đã nói đúng. Đối với riêng tôi, những năm mặc áo lính, đặc biệt những năm ở mặt trận B4, trực tiếp tham gia các trận đánh, chia sẻ vui buồn với đồng đội, những phẩm chất cơ bản làm nên hình ảnh ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ đã tập nhiễm tự nhiên vào chúng tôi. Là người may mắn còn trở về, còn tiếp tục thực hiện ước mơ xưa, câu hát trong hàng quân vẫn luôn ngân lên trong cuộc sống ngày thường hôm nay “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”...
Máy móc, khô cứng quá phải không? Có thể. Nhưng không hề giả dối đâu. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều những người lính đã qua chiến tranh như chúng tôi, cùng chung tâm trạng về lẽ sống giản dị đó.
- Anh đã nhiều năm làm việc ở nhà số 4 Lý Nam Đế, từng có nhiều cơ hội để hiểu hơn về những tên tuổi mà bây giờ đã trở thành biểu tượng của nền văn học mang quân phục của chúng ta. Nếu mà nói một cách ngắn gọn, liệu có thể đưa ra một nhận định chung nào về đội ngũ những người cầm bút trong quân đội giai đoạn chiến tranh hay không?
- Tôi nghĩ, họ đã sống và viết với tư cách những sĩ quan quân đội mẫu mực. Đó không chỉ là những nhà văn mặc áo lính mà thực sự là những người lính với vũ khí lợi hại là cây bút. Trước khi cầm bút, họ đều đã là những người lính trực tiếp chiến đấu và trưởng thành từ các đơn vị. Khi đã là nhà văn, họ vẫn thường xuyên bám sát các nơi xảy ra chiến sự ác liệt.
Tác phẩm của họ đã có sức cổ vũ, động viên các chiến sĩ ở chiến trường, hàng vạn thanh niên xung phong ra mặt trận. Mấy cán bộ cao cấp ở chiến trường Khu Năm, trong các bài phát biểu khi nhà thơ Thu Bồn mất gần mười năm trước, hơn một lần khẳng định, trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, nhiều bài thơ của Thu Bồn có sức mạnh như một sư đoàn. Mà không chỉ Thu Bồn…
Theo anh, đâu là lý do giúp các nhà văn ở số 4 Lý Nam Đế suốt những tháng năm dài đằng đẵng trong chiến tranh đã kìm tỏa được tất cả những suy tư rất điển hình của kẻ sĩ nói chung để thực hiện một cách chỉn chu, ít ra là ở mức độ có thể chấp nhận được thời đó, những nhiệm vụ người lính?
- Lý do quan trọng nhất, như tôi đã nói, vì trước hết, trên hết, bao giờ họ cũng có ý thức rõ ràng và dứt khoát rằng, họ là những người lính, những ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ. Lại xin lưu ý, đội ngũ nhà văn quân đội trong thời kỳ chống Mỹ là một lớp người còn lại sau những năm tháng có nhiều biến động về lực lượng trong các cuộc đấu tranh về tư tưởng.
Bài học của những người tài năng đi trước giúp họ có ý thức tự khép mình vào những khuôn khổ có phần nghiêm khắc của kỷ luật quân đội thời chiến. Đó là nói về kỷ luật sinh hoạt và sáng tác. Còn trong trao đổi nghề nghiệp và thế sự, họ vẫn có một không gian rộng rãi, thoải mái của những đồng nghiệp đã sống lâu bên nhau, hiểu rõ những mặt hay dở của nhau.
Cũng không thể không nhắc đến những người lãnh đạo thời đó: nhà thơ Thanh Tịnh, Vũ Cao, nhà văn Từ Bích Hoàng, với phương châm mà nhà thơ Vũ Cao nói đùa là lãnh đạo văn nghệ sĩ có nghĩa là không lãnh đạo gì cả. Bởi ông biết, họ đều là những nhà văn đã có ý thức đầy đủ về vị thế và trách nhiệm của mình. Gửi gắm niềm tin là tạo nguồn năng lượng tinh thần cho họ được tự do sáng tạo.
Anh nghĩ thế nào về những giai đoạn khác nhau của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn mà theo tôi, là người rất tiêu biểu cho những phát triển biến đổi trong tâm thế nhà văn ở số 4 Lý Nam Đế?
- Nguyễn Minh Châu được xem như là nhà văn có công đầu trong mảng văn học viết về người lính, với nhiều tác phẩm đặc sắc. Ông cũng là nhà văn đi đầu trong thời kỳ văn học đổi mới. Thật ra, về nhận thức, tư tưởng, hai giai đoạn này chỉ là sự kế tiếp nhau của một quá trình, theo sự phát triển của đất nước. Mà không chỉ riêng ông nhận ra điều đó.
Hầu hết các nhà văn đều có chung tâm trạng và suy nghĩ. Nhưng tài năng Nguyễn Minh Châu là thể hiện được những điều nhiều người nhận biết trong những tác phẩm cụ thể. Nếu Nguyễn Khải luôn mượn nhân vật làm người phát ngôn cho các tư tưởng của nhà văn, thì Nguyễn Minh Châu lại thông qua số phận các nhân vật để thể hiện những quan sát nhân thế của mình. Cũng như những thời kỳ trước, không phải mọi cái mới xuất hiện đã được công nhận ngay.
Sự phản ứng từ nhiều phía cũng có lúc làm nhà văn nao núng. Ông từng viết: “Xưa ở chiến trường sống bên cạnh cái chết nhưng khi ngồi viết thì thanh thản, còn về sau này, nhất là những năm 1983-1984, có đôi khi mình cầm bút mà cảm giác y như đứng giữa  trận tiền”. Là nói vậy, kể cả tự nhận mình là “người nhát gan” nhưng trong từng tác phẩm càng gần về cuối đời, ông vẫn giữ được khí phách của một nhà văn chiến sĩ. Chính sự đổi mới của đất nước có sự góp sức bằng những tác phẩm được viết với sự mẫn cảm của một số nhà văn như Nguyễn Minh Châu.
Theo anh, đâu là những bài học cuộc đời mà nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi lại cho lớp đồng nghiệp đi sau?
- Ngoài tác phẩm, nhà văn cũng viết một số bài lý luận, trao đổi về văn học. Trong bài cuối viết trên giường bệnh, ông có nói một ý mà tôi nghĩ đến giờ vẫn còn tính thời sự: “Tôi nghĩ thời nào và ở đâu cũng vậy, các nhà văn chỉ có một công việc chính và duy nhất là viết cho hay, ngoài ra, bằng uy tín của mình anh phải tham gia tiếng nói vào những vấn đề của con người trước những bất công, trước cái ác, anh không có quyền dửng dưng thây kệ khi con người bị đày đọa và chà đạp, và công việc đó nó phải là phản ứng tự nhiên của nhà văn. Nhưng với các nhà văn nước ta, có vẻ hình như vì mang tư tưởng tự ti do tiếng nói bé bỏng, đôi khi chúng ta y như những kẻ bàng quan trước những vấn đề cấp bách của con người. (Dĩ vãng phía trước trang 165).
Tôi biết anh là người được coi là đầu tiên đã đưa câu nói nổi tiếng của một nhà văn Xôviết vào nước ta: “Một nửa cái bánh mì là bánh mì nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Nhưng tôi lại cho rằng, trong những điều kiện thời chiến, nếu chúng ta tư duy theo kiểu tuyệt đối ấy thì rất lợi bất cấp hại, thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ có hại cho cuộc chiến đấu chung. Anh nghĩ thế nào?
- Tôi không biết tiếng Nga, nên câu này tôi đọc trong một bài viết trước đó. Họ nói đây là một câu ngạn ngữ Nga. Nguyên văn là: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật đã là sự giả dối”. Tôi trích dẫn câu này vào năm 1984, trong tham luận tại hội nghị bàn về văn học sau chiến tranh.
Khi nói về mức độ chân thực của những tác phẩm viết trong chiến tranh, do kỷ luật nghiêm ngặt về bí mật trong thời chiến, cũng như mọi mục tiêu phải che mắt kẻ địch. Văn học cũng phải biết tuân theo nguyên tắc ngụy trang. Vì thế không thể đòi hỏi văn học trong chiến tranh phải nói hết sự thật như nó vốn có. Và đó sẽ là điểm khác nhau của văn học viết về chiến tranh sau chiến tranh.
Đề phòng mọi sự hiểu lầm tôi đã nói, không vì thế mà đánh giá văn học viết trong chiến tranh không chân thực. Đáng tiếc, do nhiều lý do, có thể có cả những người không đọc kỹ bài viết, họ đã ghép tôi vào những người phủ định thành tựu văn học cách mạng. Thời gian đã trả lời.
- “Dĩ vãng phía trước”, nếu ta nhìn không đúng về dĩ vãng sẽ có hại cho việc tạo dựng tương lai. Nhưng theo anh, liệu có nên nhìn về dĩ vãng và phán định một cách chủ quan và phiến diện, không đếm xỉa gì tới những điều kiện khách quan cụ thể của một thời mà nói theo chữ của nhà văn Lê Lựu là “xa vắng” không?
- Dĩ vãng là lịch sử. Và văn học viết về lịch sử còn là một câu chuyện dài kỳ. Giỏi lắm một nhà văn trong tác phẩm của mình chỉ có thể đưa ra một cách nhìn riêng của họ. Và đó là một dấu hiệu sự phát triển của văn học nước ta những năm sau đổi mới: Những cách nhìn cá nhân được tôn trọng. Nhưng đồng tình hay không lại là một vấn đề khác.
Tôi tôn trọng các tác giả có cái nhìn riêng về các thời kỳ, các sự kiện, các nhân vật trong quá khứ. Nhưng tôi không thấy mình trong những trang viết của Lê Lựu cũng như một số cây bút khác. Có thể vì họ là những người bị ngọn triều lịch sử cuốn đi, nên có vai trò bị động trong mọi hoàn cảnh. Còn tôi, luôn thấy mình là đồng tác giả của cuộc chiến, những hay dở của nó mình đều can dự và chịu trách nhiệm, nên không thể đứng bên lề để phán xét, phân xử.
Và tôi tự hào nhưng cũng thấy đau buồn về một thực tế không như mình từng tưởng tượng, hy vọng và mong ước. Và đó là điều tôi luôn thấy mình đã không làm tròn được lời hứa với những đồng đội đã hy sinh mà nhiều lần tôi đã thay mặt đơn vị hứa trong các điếu văn đọc ở chiến trường, trong đó có phần hứa sẽ thay họ tổ chức thật tốt đời sống cho những người thân của họ. Hàng triệu người lính trở về có lẽ cũng đang ngày đêm thao thức vì điều đó, bởi trong họ vẫn luôn khắc ghi lời bài hát VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH. Nhà văn viết về người lính hôm nay có lẽ không nên quên phẩm chất CAO THƯỢNG đó.
Xin cảm ơn anh!
HUYỀN ANH

CU Y NGUYỄN




Ngay từ năm 1873 Vua Thiệu Trị của nước Phù Tang đã khuyến cáo dân chúng nên ăn tết theo Dương lịch. Ngày Nô En là ngày đón năm mới sang và tết chỉ vẻn vẹn có một ngày. Đó là một quyết định khôn ngoan và sáng suốt. Vừa đúng với tinh thần khoa học chung phần còn lại của thế giới, vừa tránh cái ảnh hưởng phong kiến bá quyền của Trung Hoa đại lục. Bắt đầu từ đó dân xứ này có cái nhìn khác hướng ra bên ngoài, điều chỉnh ý thức, xác định đường đi nước bước, đưa nước Nhật thoát ra khỏi mớ bùng nhùng lệ thuộc hàng ngàn năm. Một nước Á châu mới mẻ ra đời, nếu không mắc sai lầm tham gia phe trục thời thế chiến thứ hai, không biết nước Nhật ngày nay sẽ như thế nào?
Một đất nước hầu như tài nguyên thiên nhiên không có gì đáng nói, động đất sóng thần  luôn luôn đe dọa cùng với những tai nạn khủng khiếp. Lại là nước thua trận phải chịu bồi thường chiến tranh, người Nhật xây dựng đất nước mình trên nền đổ nát và di họa của mấy trái bom nguyên tử kéo dài cho đến tận bây giờ.
Vậy cái gì đã làm nên một nước Nhật trở thành cường quốc? Phải chăng đó là tinh thần và ý trí sáng suốt, văn hóa Nhật đã giúp họ thành công dù gặp muôn vàn trở ngại?
Một nước Nhật hiện đại mà vẫn giữ được nét văn hóa gốc rễ của mình. Hòa nhập với thế giới văn minh vẫn giữ được cốt cách riêng biệt, giữ được phong tục tập quán quý báu.
Đó là sự lựa chọn đúng đắn, cái gì cần giữ thì giữ, lạc hậu thì bỏ. Cái gì phù hợp với sự tiến bộ, thuận theo tự nhiên thì theo và ngược lại. Không bảo tồn một cách luộm thuộm, lôi thôi, vớ vẩn như xứ ta. Ở xứ họ không có “lễ hội chọi trâu”xem rất tội, “ Hội linh tinh phộc” hay “Chợ tình Khâu Vai” tùy tiện như ở xứ ta.
Nghe nói cùng thời vời Nhật hoàng Thiệu Trị, ở ta cũng có nhà cải cách thời bấy giờ là cụ Nguyễn Trường Tộ. Cụ cũng có nhiều ý kiến đóng góp với triều đình lúc bây giờ, nhưng những đề xuất ấy như rơi vào khoảng trống im lặng. Đoàn hải hành viễn dương của cụ mới chỉ khởi đầu một giấc mơ mà chưa đi đến đâu, đất nước vẫn triền miên nằm trong vòng tăm tối của lệ thuộc. Dân trí, dân khí, dân đức ngày càng hao hụt dần.
 Kết thúc thế chiến thứ hai là cơ hội lớn của dân tộc. Chúng ta đã may mắn gặp được vận hội cho đất nước. Tiếp đó là mùa xuân 1975. Tuy muôn vàn khó khăn, vận nước đã sang trang mới, bắt đầu kỷ nguyên độc lập, tự do. Nếu có tầm nhìn, cách nghĩ đúng đắn không lúc thì tự hào quá đỗi, lúc tự ti không thể chấp nhận được, thì nước nhà hôm nay không còn là một quốc gia đói nghèo gần như đội sổ trong danh sách những quốc gia nghèo đói. Đạo đức và kỉ cương không suy đồi như ngày hôm nay. Nếu không được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, khoáng sản không biết chừng còn tệ đến đâu?
Có lẽ không có quốc gia nào đã nghèo lại ăn tết, lễ hội linh đình, tượng đài tưởng niệm dồi dào, xây la liệt khắp cả nước như ở ta. Trong lúc vốn đầu tư ta vẫn còn phải khó khăn lắm mới vay được nước ngoài, rất cần thắt lưng buộc bụng. Để người lao động có việc làm, sinh viên học sinh có thêm bát cơm, chỗ ở cùng thiết bị học tập. Người bệnh không phải nằm ngoài hành lang hay nằm chung giường, hoặc chết vì không có tiền mua thuốc! Còn rất nhiều việc cần và thiếu tiền đầu tư.
Đành rằng quốc gia nào cũng vậy, thời nào cũng cần vui chơi giải trí, ngày tết cổ truyền không thể bỏ, nhưng chẳng nên quá đà như tết vừa rồi. Nghỉ tết đến chín ngày là một con số kỉ lục có lẽ chỉ có ở nước ta. Chưa kể trước tết sau tết còn bao thứ phải lo liên quan đến nó..

Một số bạn hỏi sao tết này không đi chơi đâu? Không gọi điện chúc mừng năm mới?
Cá nhân mình không có gì đáng nói. Còn có phần đầy đủ hơn mấy năm trước. Nhưng thâm tâm cứ lẩn cấn những chuyện vừa nêu mà chán không muốn đi đâu. Buồn thương cho những chú trâu là đầu cơ nghiệp sắp bị giảo hình nay mai sau dịp tết này. ( Con nào trúng giải đồng nghĩa với án tử hình). Buồn cho cái văn hóa “linh tinh phộc” nhăng nhố và cả cái “chợ tình khâu vai” nữa. Thiên hạ người ta sẽ nghĩ thế nào về “nét văn hóa” ấy của người Việt Nam mình? Hay là chúng ta đang khuyến khích tình yêu ngoài hôn nhân? Giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người bằng cách xây rõ lắm tượng đài?
Chả nhẽ những nhà hoạch định chính sách chưa bao giờ nghe nói về cách ăn tết, cách suy nghĩ và cách làm của nước Nhật chẳng đáng bao xa?
Sau tết này còn cả một cuộc vận động lớn về góp ý sửa đổi hiến pháp. Theo ý mình cứ dùng ngay bản năm 1946 của ông cụ đã tương đối hoàn thiện. Cần thì bổ sung một số điều cập nhật với tình hình và tình trạng hiện nay. Đa số người dân đâu có hiểu biết gì nhiều mà ý kiến, ý cò?
 Ngay đến luật giao thông có điều nhiều người còn chưa thuộc, nói gì đến hiến pháp bao nhiêu chương với lại bấy nhiêu điều?
Đúng là “quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách”. Nhưng không phải việc gì người dân hạn chế về trình độ, thiếu kiến thức, nhất là kiến thức về pháp luật, cũng có thể lạm bàn.
Việc này cần có những nhà trí thức lớn, những chuyên gia, học giả am tường cổ kim đông tây, có hiểu biết về xã hội pháp quyền, có nhiều dẫn chứng để so sánh lo mới được. Ngay đến mình lõm bõm mấy chục năm chỉ nghe mỗi một tai, thì góp ý nỗi gì?
Thấy bảo các vị ấy cũng ý kiến rồi, chả biết có người nghe không. Lời nói thẳng, nói thật thường vẫn khó nghe hơn lời lẽ xuôi chiều a dua mà!
Chả biết cái điều rõ ràng như vậy mấy ông trên có để ý không? Hay lại thêm tốn thời gian và tiền bạc, khổ cho dân, để rồi CU Y NGUYỄN?



Lấy ý kiến nhân dân và trưng cầu dân ý

 Nguyễn Quang A
Ngày 2-1-2013 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được công bố để lấy ý kiến nhân dân trong ba tháng. Nhiều người lẫn giữa việc lấy ý kiến của nhân dân và việc trưng cầu dân ý. Hãy thử làm rõ sự khác biệt này.
Hiến pháp là của ai? Ai là người quyết định về Hiến pháp và họ quyết định thế nào? Đáng tiếc những vấn đề cơ bản như vậy từ rất lâu vẫn bị hiểu nhầm.
Từ điển Tiếng Việt (NXB Đà Nẵng 2011 và các từ điển trước đó khá lâu) vẫn định nghĩa hiến pháp là “đạo luật cơ bản của nhà nước, quy định chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, quyền và nghĩa vụ công dân, tổ chức bộ máy nhà nước”. Có lẽ những người soạn dự thảo lần này cũng vẫn hiểu lầm như thế.
Nếu muốn xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì mọi quyền lực phải thuộc về nhân dân. Hiến pháp không phải là của nhà nước, mà là của nhân dân. Trong Hiến pháp nhân dân là chủ thể, là người quyết định, là những người trao quyền cho nhà nước (phân quyền cho các nhánh nhà nước như lập pháp, hành pháp và tư pháp) đến mức nào và như thế nào để bảo vệ các quyền tự do và sự hạnh phúc của người dân. Đấy là quyền tối cao của nhân dân. Như thế nhân dân là người quyết định Hiến pháp. Đối tượng của Hiến pháp (đối tượng phải thi hành, phải tuân thủ Hiến pháp và bị hạn chế quyền lực bởi Hiến pháp)  chính là nhà nước chứ không phải người dân.
Tất nhiên, việc đòi hỏi tất cả nhân dân cùng tham gia vào soạn ra Hiến pháp là việc bất khả thi.
Nhân dân có thể ủy thác cho các nhóm không quá đông người (có thể là một Quốc hội lập hiến hay các nhóm có chức năng như vậy) để soạn ra (các) dự thảo Hiến pháp.
(Các) dự thảo đó phải được công bố công khai để nhân dân góp ý và thảo luận trong một thời gian đủ dài.
Trên cơ sở góp ý và thảo luận công khai đó (các) dự thảo cuối cùng được hoàn thiện (tốt nhất là: (a) chỉ có 2 dự thảo hoàn chỉnh cuối cùng; hay (b) có 1 dự thảo với một số điều cốt lõi mà mỗi điều có 2 lựa chọn khác nhau; hoặc (c) có 1 dự thảo hoàn chỉnh duy nhất) để đưa ra trưng cầu dân ý.
Trong trưng cầu dân ý tất cả các công dân bằng lá phiếu của mình đều có quyền lựa chọn: (a) tán thành (một trong 2) bản dự thảo; hoặc (b) tán thành từng lựa chọn của các điều cơ bản của một dự thảo; hay (c) tán thành hoặc bác bỏ một dự thảo hoàn chỉnh duy nhất.
Việc bỏ phiếu phải được diễn ra một cách tự do và việc kiểm phiếu phải được giám sát chặt chẽ (bởi người dân, báo chí, đại diện của các tổ chức quốc tế) để tránh sự gian lận. Kết quả Hiến pháp được thông qua sẽ là: (a) bản dự thảo nào được đa số cử tri tán thành; hay (b) dự thảo Hiến pháp với các điều khoản cơ bản theo đúng lựa chọn của đa số; hoặc (c) dự thảo duy nhất được đa số cử tri tán thành hay Hiến pháp cũ (nếu dự thảo duy nhất này bị đa số bác bỏ).
Chỉ với việc quyết định của nhân dân, thông qua trưng cầu dân ý như trên, thì Hiến pháp mới thực sự là Hiến pháp.
Như thế có thể thấy hai khâu “lấy ý kiến của dân” và “trưng cầu dân ý” là 2 khâu tách biệt và đều rất quan trọng.
Không có lấy ý kiến của nhân dân, không có thảo luận công khai hay không có đủ thời gian để thảo luận công khai về (các) dự thảo, để hình thành (các) dự thảo cuối cùng sẽ dẫn đến một Hiến pháp không tốt, không tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân và như thế có thể gây chia rẽ, có hại cho sự phát triển của đất nước.
Việc thông qua Hiến pháp bằng trưng cầu dân ý ở Ai cập vừa qua là một thí dụ như vậy. Tại Ai Cập đã có trưng cầu dân ý, nhưng đã không có sự tham gia, lấy ý kiến, thảo luận của nhân dân (hay các nhóm khác nhau) để hình thành bản dự thảo cuối cùng đưa ra trưng cầu dân ý. Khi không có sự thảo luận công khai để cho các ý kiến khác nhau đối chọi với nhau, thì người dân thiếu thông tin và rất dễ nhầm trong lựa chọn (tán thành hay bác bỏ) của mình.
Chúng ta để 3 tháng lấy ý kiến nhân dân. Để cho việc lấy ý kiến được hiệu quả thì việc khuyến khích thảo luận, tranh luận công khai về nội dung của dự thảo là hết sức quan trọng.
Nếu không có thảo luận, tranh luận mà mỗi người chỉ viết ra ý kiến của mình và gửi cho ban soạn thảo thì việc lấy ý kiến rất dễ biến thành hình thức. Không có sự cọ xát, thậm chí sự đối đầu kịch liệt của các ý kiến khác nhau thì không thể hình thành các nhóm ý kiến chính được phản ánh trong 2 lựa chọn của bản dự thảo cuối cùng, khiến cho việc tiếp thu ý kiến là không thể. Ban soạn thảo dẫu có 5 đầu 6 tai cũng không thể đánh giá, phân loại ý kiến của hàng triệu người. Thiếu thảo luận, thiếu tranh luận tự do và công khai hay cản trở việc hình thành các nhóm khác nhau có các ý kiến khác nhau để giúp cho quá trình lấy ý kiến được hiệu quả thể hiện trong các dự thảo cuối cùng, thì việc lấy ý kiến của nhân dân dễ trở thành hình thức, tốn tiền của, công sức và vô ích.
Sau khi đã có thảo luận, tranh luận để hình thành (các) dự thảo cuối cùng mà nhân dân không được quyết định thông qua lá phiếu của mình, thì Hiến pháp, dẫu có được 100% “đại biểu” thông qua, cũng không phải là Hiến pháp thực sự để tạo ra một nhà nước của dân, do dân, vì dân nhằm hạn chế quyền lực của nhà nước và bảo vệ các quyền tự do của người dân.
Việc khuyến khích nhân dân góp ý, thảo luận, tranh luận là rất đáng hoan nghênh. Sau ba tháng nên hoàn chỉnh (các) dự thảo và đưa ra cho toàn dân quyết định. Làm được vậy là một bước tiến lớn để xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân và  góp phần hết sức quan trọng để làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
 Ghi chú: Bài đã được đăng trên Lao động Cuối tuần, Số 1, thứ Năm, 3/1/2013, hầu như không thay đổi với bản gốc ở trên.




Thưa chư vị,
Đây là một phim tư liệu đặc sắc về lễ mật trong ngôi đền thiêng thôn Miếu Trò (Miếu Đụ Đị), xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Sau khi hát thờ trước điện, xin âm dương, cụ thủ từ trèo lên khám thờ lấy ra cặp dương vật, âm vật bằng gỗ (sơn màu đỏ, tả thực) đưa cho một cặp trai gái. Khi ấy đèn nến đã tắt hoàn toàn. Cụ thủ từ hô "Linh tinh tình ...Phộc" 3 lần. Mỗi lần như vậy, trong đêm tối mịt mùng và trong im lặng, người đàn ông cầm dương vật gỗ đâm vào lỗ âm vật gỗ trên tay người phụ nữ. Nếu đâm trúng cả 3 lần thì cả năm đó làng được nhân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt. Nếu đâm trượt thì năm đó coi như mùa màng thất bát, người vật đều không thịnh.

Sau lễ mật, một cụ già trong làng hô "Tháo khoán", thì trai tân gái tân và dân làng đổ ra khu vườn đằng sau miếu thờ trêu ghẹo sàm sỡ với nhau để cầu mùa. Sau đêm tháo khoán, những đôi trai gái nghèo chỉ cần đem cơi trầu trình với các cụ là có thể về ở với nhau làm vợ chồng.

Lễ hội chỉ diễn ra 1 lần vào đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng hàng năm.

Đây là một nghi lễ phồn thực, cầu mùa của cư dân Việt cổ.

Phim này quay bằng một máy quay đặc biệt của bác Vũ Hoàng Liên (Tổng Giám đốc VDC), lúc 12 đêm 11 tháng Giêng năm Mậu Tý (2008) khi đèn nến bị tắt hoàn toàn. Đài TH Phú Thọ cũng không ghi được cảnh này, nên đã về Hà Nội để xin coppy lại, đưa lên sóng cho bà con trong tỉnh được chiêm ngưỡng.

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

CÒN GÌ ĐỂ NÓI?

                              Truyện ngắn

Bạn. Mấy chục năm mới gặp.. Chỉ thiếu nước chưa ôm chầm lấy như trong phim, trong truyện bọn bốc phét vẫn thường hay tả. Nhưng bắt tay là có thật. Cái bắt tay đau nhói đến tận xương, hàm nhiều ý nghĩa.
Bạn gã vẫn vậy, da sát xương, môi mỏng, mép sắc, mắt lồi và to trên ống mũi hơi gồ lên ở đoạn giữa. Nói chung là vẫn nhận ra, mặc cho tháng năm làm khuôn mặt của cả hai có chút phôi phai, lợt lạt. Trên đầu đứa nào cũng loáng thoáng có sợi tóc đổi màu.Chưa đến độ muối tiêu, nhưng không thể giấu được nếu không “đảo mái” bằng thứ thuốc nhuộm rẻ tiền. Nghe bảo thứ ấy có nguồn gốc từ bên Tàu, dùng đến đâu biết đến đấy. Nghĩa là chỉ đôi ba lần sơ qua là mụn mọc, ngứa nấm da đầu. Lúc đó tha hồ mà gãi. Được cái may cả hai vốn dĩ thật thà giản dị, không ưa sơn quết, việc ấy không xảy ra.
Bạn cùng lớp mấy chục đứa cả trai lẫn gái, giờ chết mất quá nửa. Mấy đứa hồi chống giặc phương bắc không về. Đứa ung thư, đứa ết, đứa sập hầm vàng.. Cả những đứa chết vì những cớ ái oăm không ra sao cả. Chung quy nguyên nhân cuối cũng chỉ vì danh, tham vọng hão huyền, vì tiền vì gái, vì cả những cái không đáng chết!
Sống được là may quá rồi. Qua cái thời mịt mờ sương khói, quá nhiều ảo tưởng, quá nhiều nạn tai từ trời, từ người mang lại. Còn được đến bây giờ lẽ nào không mừng, không vui? Gã nghẹn ngào suýt trào nước mắt. Hai thằng lặng nhìn nhau mất đến mấy giây đồng hồ. Thằng bạn lặng lẽ đi pha ấm trà. Có lẽ nó đang cố nhớ điều gì đó chìm vào dĩ vãng đã lâu. Còn nó cố gắng quan sát, đây là thói quen cố hữu của nó đúng ra không nên dùng vào lúc này.
Bà cụ mẹ bạn từ lúc gã vào đã ngồi dậy. Hình như bà bây giờ bà nặng tai. Gã chào, bà lại: “Không dám, tôi ăn rồi”. Có lẽ người già chỉ còn nhớ được vài thứ, đó là chuyện ăn, chuyện ngủ. Bà hỏi đến mấy lần: “ Mấy giờ rồi?” Chả biết là hỏi để định đi đâu? Lúc tối qua ghé bà bác rồi ngủ lại, gã cũng gặp trường hợp tương tự thế. Nhưng bà khác ở chỗ ban ngày ngủ nhiều, đêm đến kể lể khóc lóc những chuyện từ bao giở bao giờ. Nào “làm dâu năm mới mười hai tuổi. Hết nuôi bố mẹ chồng lại đến anh em nhà chồng”.. Tủi thân thế nào, khóc rưng rức như bị ma hành. Cả đêm bà làm mấy giấc như vậy, con cháu trong nhà bà đã quen, còn nó không sao ngủ được.
Cái làng quê nó bao đời như cõi u ti quốc, mòn mỏi, trì trệ. Chả xa kinh thành là bao mà tối tăm u ám, bao chuyện người, chuyện đời khốn nạn.
Đời mang gã “đi chơi”, va đập chỗ này chỗ khác. Về đến làng thấy nhà xây cao mấy tầng, cửa ngõ cổng gang đúc theo lối dinh thự, tưởng thay đổi nhiều rồi, hóa ra u ti quốc vẫn là u ti quốc. Buồn và thấy chông chênh không rõ vì cái gì?
Đang nghĩ linh tinh như thế bạn nó hỏi:
- Lâu mày có gặp con “Y cơ lét” không?
Gã thành thực:
- Không.
- Trước mày chả suýt lấy nó kia mà? Sao bây giờ lại dửng dưng đến thế?
- Ồi, chuyện hồi trẻ con nhắc đến làm gì? Nó giờ đã đi lấy chồng, chả biết đã chuyển đi đâu, mà tao có mấy khi về làng? Biền biệt từ đấy đến giờ..
- Hồi ấy bọn tao chắc mẩm thế nào chúng mày cũng lấy nhau. Đến bây giờ tao vẫn chưa hiểu vì lí do gì mà chúng mày lại bỏ nhau, nó lại lấy thằng Tờ oan đấy?
- Đời trai, mày bảo thằng nào chẳng có mấy mảnh tình rách vắt vai? Từ yêu đến nên vợ nên chồng là cả khoảng cách không phải thằng nào cũng vượt qua được. Nhưng mày nhắc đến chuyện này làm gì? Thú thật ba cái chuyện ấy giờ tao không quan tâm mấy..
Nói thì nói vậy, nhưng sao gã nghe nhói trong lòng..

Đời gã khốn nạn bởi tính ham vui và cả tin bạn bè. Giá năm ấy gã không dẫn thằng khốn, sau này là chồng của nàng đến nhà Y cờ lếch, mọi chuyện đã khác!
Thằng này chỉ được cái to xác, hơi trắng trẻo đẹp trai một tẹo, dưng đầu óc nó không có gì đáng kể. Nó dòng dõi họ “bò lai lừa”, thực dụng ham ăn no vác nặng là tính “đặc thù”. Kéo lại được cái miệng xoen xoét bánh mì quẹt bơ. Nó tới đâu là tưng bừng tươi vui đến đấy vì các câu chuyện nhả, chả như gã tẩm ngẩm tầm ngầm. Nghĩ thì nghĩ được, lại ngại nói ra lời. Có một thời gã cứ nghi nghi hoặc hoặc, không chắc có hẳn bởi như thế không, tính ưa dung tục và thích cợt nhả của phái bên kia? Nhưng mấy thứ đấy lại cũng không hẳn là nguyên nhân chính. Đằng sau cái vẻ bề ngoài xuề xòa dễ gần của kẻ cạnh tranh là con người đầy ắp thủ đoạn. Nó lại có chỗ dựa hơn người bởi có ông anh sau giải phóng chuyển ngành sang làm nghề kín, chuyên điều tra theo dõi. Cái nghề phần lớn chìm trong bóng tối không ai hay biết.Với gã nghề đó gã không quan tâm vì nghĩ chả liên quan quái gì đến mình..
Bây giờ bạn cũ nhắc lại, gã mới nhớ ra rằng mọi sự từ người anh họ của tên này mà nên chuyện. Chuyện đau lòng chứ không phải chuyện vui..
Gã nhớ như in buổi chiều hôm đó gã về làng. Hôm ấy cũng mưa phùn gió bấc như hôm nay. Định ăn cơm xong là ngủ lấy sức để sớm mai về cơ quan sớm. Chợt mẹ gã bảo Y cờ lếch cũng về. Hồi đó đâu đã có điện thoại di động dùng tràn lan như bây giờ? Người ta cả khi đang yêu, có khi hàng tháng mới gặp. Cách liên lạc thường xuyên nhờ vào những lá thư tay. Anh nào cầu kì thì viết trên giấy pơ luya, thứ giấy mỏng tang dùng cho máy chữ. Mỏng đến nỗi có thể thay giấy cuộn thốc lá. Anh nào xuê xoa, chỉ trọng cái tình, ít quan tâm đến hình thức thì viết trên giấy phê đúp trang rộng gần bằng khổ A4 bây giờ.. Anh cẩu thả hoặc tình cảnh khó khăn viết bằng tờ giấy xé ra từ quyển sổ tay. Nói chung muôn hình vạn trạng khác nhau của thời thổ tả ấy. Phong thư gấp cũng đủ kiểu cách. Có thư còn xức nước hoa ( đương nhiên là thứ nước hoa rẻ tiền, hàng lậu từ Lạng Sơn về ).Thư rơi vào đáy thùng rồi, nhanh cũng mất cả tuần mới tới tay người nhận. Cách nhau năm chục cây số mà cứ như ngàn trùng. Không như bây giờ muốn tỉ tê, ò e bất cứ lúc nào, cũng chỉ mất mấy ngàn đồng tiền cước. Nếu đăng ký có thể chuyện trò nửa tiếng đồng giờ.

Gã đâu biết hôm nay nàng cũng về?  Lại chủ động đến thăm mẹ gã?
Bao nhiêu mệt nhọc trôi tuột ra sông ra bể, như chưa từng xảy ra. Gã và vội mấy lưng cơm, sửa soạn áo quần.
Khốn nạn, thằng sinh viên mới ra trường như gã áo quần có gì đáng kể? Nhưng cũng phải ngay ngắn gọn gàng. Gã mượn cây đèn pin của mẹ. Quê gã vẫn còn thắp đèn dầu. Ngoài đường vẫn tối thui. Dẫu là “mắt con trai” cũng chả nhìn thấy gì. Hồi gã còn ở nhà gã vẫn có thói quen đi đêm ngửa mặt lên trờiđám ngọn tre và khoảng nền trời làm chuẩn mà đi trúng đường. Ra đời phố xá, ăn học mấy năm, thói quen ấy không còn. Với lại lũy tre người ta đã đốn dần, không còn theo hàng lối như trước. Đi đêm là chuyện khó khăn. Điện vẫn tận đẩu đâu, chưa có ở làng này.
Gã ra đến ngõ thì gặp thằng “rách việc”. (Tên này thực ra mãi sau này gã mới đặt cho đối thủ của mình). Thằng rách việc hỏi gã đi đâu? Gã thực thà có sao nói vậy. Mà có gì phải dấu cơ chứ?
Đến nhà Y cờ lếch rồi gã mới thấy mình dở hơi. Đáng lẽ chỉ có hai đứa với nhau. Gã còn biết bao chuyện để nói và muốn nói với nàng. Tự dưng tự lành thêm thằng người thứ ba! Câu chuyện trở nên gượng gạo. Gã định cắt đuôi nhưng không tìm ra cớ gì. Bụng bảo dạ: “Cuộc đời còn dài, mình với em còn khối lúc gặp nhau, đằng nào cũng lỡ rồi, ngồi một lát rồi về”.
Gã đâu biết được tình trường cũng cần bí mật, kín đáo, bất ngờ như vào trận đánh. Hở lộ ra để đối phương biết được sẽ vô cùng bất lợi. Đến khi hiểu ra bài xương máu này việc đã lỡ mất rồi! Lúc đó thằng rách việc cứ thản nhiên như không.
Gã hoàn toàn không biết  ngay từ hôm đó tên này đã nảy sẵn âm mưu. Người ta bảo:
“ Con thầy vợ bạn là nơi phải tôn trọng”, nhưng đấy là những kẻ có đọc sách thánh hiền. Còn thằng rách việc này nó đâu có khái niệm? Cả đời cho đến lúc chết nó có đọc sách bao giờ đâu? Có chăng đọc là đọc sách “công cụ” bắt buộc phải đọc để kiếm ăn, hay sách giải trí rẻ tiền. Sách dạy làm người hắn đâu cần đọc?

Cũng phải công bằng mà nói, dù thằng rách việc có âm mưu đến mấy mà cái duyên của gã bền, số phận hắn không đen đủi, nó có giỏi âm mưu đến mấy cũng đành chịu.
Và đâu có câu chuyện để nói hôm nay, khi đã qua hàng chục năm trời?
**
Gã có việc gấp ở cơ quan, phải đi ngay, còn thằng khốn chưa hết phép. Thằng này học không tới đâu, nhưng trời ỉa vào nồi nhà nó. Với lại xưa nay ở đời có phải cứ hay, cứ giỏi là gặp may cả đâu? 
Ối thằng văn dốt, võ dát mà vẫn lên ầm ầm. Càng thời độc tôn, chuyên chế bọn ấy càng dễ leo cao. Những kẻ có đầu gối dày và mỏng liêm sỉ càng có cơ hội để thi tài nịnh nọt, nâng bi, thổi hơi. Bọn đấy càng ngày càng khá cho đến tận thời bây giờ. Nhưng có một đặc điểm mà ít người chú ý đến. Bọn ấy vượng số bao nhiêu thì xã hội trì trẹt, suy tàn bấy nhiêu. Người ta gọi thời kì này là thời kì xã hội thân tộc, "Nhất quen, nhì biết", cao hơn nữa là chỗ máu mủ ruột thịt. Truyền thống ưa ỉ eo tình cảm của người Việt mình có cơ được phát triển tối đa.
Chả biết nó nói những gì với nàng những ngày gã đi rồi? Tuần sau gã về, nàng lạnh lùng ra mặt. Nàng cứ mải mốt đan len làm như chả có việc gì đáng để tâm đến. Gã hỏi câu nào nàng miễn cưỡng nhát gừng, nhấm nhẳn câu ấy. Lúc gã ra về, nàng khác hẳn mọi khi, không tiễn nửa bước chân. Tệ hơn mấy món quà nho nhỏ của gã tặng mọi khi nàng nâng niu, nàng gói cả vào cái khăn đưa trả gã. Gã không cầm, nàng cũng chẳng nói chẳng rằng gài ra bên ngoài cánh cửa, như thể đó là những vật thừa, hay một túm rác sắp đem đi vất. Trăng sáng vằng vặc trên đầu mà sao gã thấy u ám tái tê đến vậy.
Lần đầu tiên trong đời, gã trở thành tên vô tổ chức. Công việc cơ quan cũng không là cái đinh gì. Hẳn ở nhà thêm mấy ngày nữa để buổi tối có cơ hội gặp nàng vì ban ngày nàng bận công việc. Nhưng mà càng gặp lại càng xa, càng khó hiểu nhau. Như thể hai đứa chưa có bao giờ có chút tình cảm nào. Còn đâu những ngày hè gã và nàng dọc theo con đê dài, nói mải với nhau bao nhiêu câu chuyện, đến khuya chưa muốn rời nhau? Còn đâu những ngày hội tưng bừng gã cùng nàng trong đám bạn bè vui chơi thỏa thích bên hồ Suối Hai, Đền Và, chùa Thày, chùa Trăm gian? Những ngày bên nhau xuôi Hải Phòng, lên đỉnh núi Ba Vì, Tam Đảo? Dĩ vãng ấy giờ đây như chưa từng xảy ra, chưa từng là của gã. Chỉ còn sự nhầm lẫn của kí ức mong manh xa thật xa mất rồi!
Gã không hiểu chuyện gì đã xảy ra?
Nàng tránh không gặp gã. Khi gã tìm nàng cau có bực dọc ra mặt. Nàng làm gã mất thể diện trước mọi người. Gã còn tìm và đến với nàng làm gì nữa? Gã chua chát nhận ra điều này mà thấy lòng nhức nhối. Gã đã làm gì để nàng quay ngoắt như vậy?
Gã tan nát cõi lòng. Cuộc đời gã từ nay về sau chả còn gì vui sướng nữa. Thậm chí nó bẽ bàng thê thảm không biết để đâu cho hết. Tự dưng gã không muốn gặp bất cứ người nào có quen biết và liên quan đến nàng. Gã muốn đi thật xa. Muốn quên hết tất cả. Khốn nỗi tâm tư là cái gì ngang bướng và gai ngạnh cứ làm trái ý gã, muốn quên mà quên có được đâu?

Một lần gã tình cờ gặp thằng khốn đó đi cùng với nàng. Hôm đó nàng mặc cái áo màu lá mạ, màu áo lần đầu tiên gã gặp nàng. Sao lại có chuyện trùng lặp này? Lòng gã nói đau.. Đám cưới một người bạn, gã không thể không đến. Gã nhìn thấy nàng đang cười nói vui vẻ bên cạnh người mới của nàng. Bắt gặp cái nhìn của gã, nàng biến sắc mặt một thoáng rồi lấy vẻ điềm nhiên như không. Gã cũng quay sang phía khác như không nhìn thấy gì. Có kẻ nào đó huých vào sườn gã. Kẻ đó nói gì đấy gã nghe không rõ. Hình như hắn ta tưởng gã chưa nhìn thấy nên đánh động. Gã vội vã nghĩ ra một lí do nói với đôi uyên ương đang cực kì hạnh phúc, gã phải đi. Ra đến đường cái quan, suýt nữa gã đầm xầm vào chiếc xe tải ngược chiều. Thằng lái xe thò đầu ra quát, chửi lầu bầu gì đó những gã mặc kệ nó. Với gã bây giờ chả có gì quan trọng, đi càng xa chỗ này càng tốt. May mà hôm đó tai nạn không xảy ra. Nếu không miệng lưỡi người đời thế nào chả bảo gã chủ động chết vì tình?

Mãi sau này gã mới biết nàng rời gã vì chuyện gì? Đó là khi đám cưới của nàng đã tổ chức thật linh đình. Vết thương trong lòng gã đã nguôi ngoai. Không phải ai khác, chính anh thằng rách việc ấy là nguyên nhân. Hắn nói với bố nàng đang làm cán bộ tổ chức một huyện rằng gã có vấn đề. Một buổi tranh luận của đám bạn trẻ về sự khác biệt “Duy vật biện chứng và duy tâm”. “ Có hay không chủ nghĩa X hay là Y gì đó? Gã là kẻ dại mồm chót nói ra những câu dại dột. Tỷ như “ Làm gì có cái xã hội mơ tưởng hão huyền ấy? Chẳng qua nó chỉ là cơn sốt của thời đại. Một thời đại có quá nhiều áp lực chiến tranh, tăm tối về tinh thần cộng với sự đòi hỏi gấp gáp của cái dạ dày, nó như thứ thuốc giảm đau chứ đâu tác dụng cụ thể nào?”
Người ta bảo lời nói gió bay, thực ra không phải. Không biết bằng cách nào đó, ông anh thằng rách việc nắm được câu này. Thời giữa phản biện và phản động đánh đồng một nghĩa với nhau, câu này nguy hiểm không biết chừng nào!
Chuyện tình của gã với nàng coi như xong vì một cái cớ vu vơ như thế. Đúng là chuyện hàng chài về con cá dưới sông. Một người luôn đề cao tính vững vàng lập trường tư tưởng, ý thức hệ không thay đổi như bố nàng đấy là núi Thái Sơn chứ không phải chuyện đùa!

Hàng chục năm sau gã mới quên được chuyện này. Bây giờ nghe tên bạn nhắc lại gã cứ như nghe chuyện người khác.
Bạn gã đột ngột chuyển đề tài:
-         Giới các ông chắc thời điểm này lắm ý kiến lắm?
-         Về chuyện gì?
-         Sửa đổi hiến pháp ấy, ông không nghe thấy à?
Gã lặng đi một lúc. Với gã chuyện này hình như cách làm không phải như vậy. Đó là công việc của các nhà chuyên gia về luật. Họ có kiến thức chuyên môn, có hiểu biết sâu sắc về pháp chế, đọc nhiều, tham khảo nhiều biết cái hay cái dở trong hiến pháp của nhiều nước khác nhau. Như vậy họ mới có cái để mà so sánh, lựa chọn.. Còn hạng cồ lồ mồ như mình, hiểu chút lỗ mỗ biết gì mà tham gia ý kiến. Giả hoặc có ý kiến đi nữa chắc gì có người bỏ vào tai, hay lại mang họa như cái cuộc tranh luận phản biện năm nào?
Gã đã tự nguyền với mình là sẽ không tranh luận về bất cứ điều gì, với bất cứ ai. Gã yên tâm bấy lâu nay yên ổn là nhờ chủ trương như thế.
- Nói thì nói vậy, việc đấy có người lo. Đừng có gái góa lo việc triều đình.
- Còn việc biển đảo theo quan điểm của ông thế nào?
- Cũng rứa cả thôi? Ông hỏi tôi, tôi hỏi ai bây giờ?
Bạn gã trố mắt ra nhìn gã. Sao lại có kẻ thờ ơ, vô cảm đến thế nhỉ? Một thằng vốn hăng hái tranh luận, luôn tò mò tìm hiểu học hỏi như nó sao bỗng dưng lại đâm ra an phận thủ thường đến như vậy?
Cuối cùng bạn gã bảo:
- Chả trách mấy buổi họp rồi mà chả ai có ý kiến gì. Có chăng sửa chỗ này tí ti, chỗ kia tí tẹo. vớ vẩn hết. Chả có nước nào luật lệ co giãn, mơ hồ như thể nước ta. Tỉ như chuyện tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, hay các khung hình phạt từ a đến z. Sao không rõ ràng cụ thể? Thưởng phạt công minh, cái nào đi cái đấy?
- Thôi gác chuyện đó lại đi. Mày đang nói về Y cơ lếch cơ mà.
- Chuyện này có gì để nói? Mày không biết chuyện thật à?
-..
- Thằng bỏ mẹ ấy giờ lên chức phó cục trưởng rồi. Nó vừa cưới vợ khác hồi đầu năm.
- Còn nàng?
- Nghe bảo nàng xuất gia vào chùa rôi. Ở đâu tao cũng không rõ. Hay là..
Nó nhìn gã tinh quái:
- Mày định làm theo tích Lan Và Điệp phải không? Đúng là dớ dẩn. Người ta đặt ra bài hát là vậy. Ai biết đâu thực hư thế nào? Ngoài đời khác, sao cứ lẫn lộn giữa mộng và đời?
Gã im lặng. “Giả dụ có đi tìm nàng bây giờ ngoài thỏa tính tò mò, liệu còn ích lợi gì? Tuổi gã bây giờ đâu còn lãng mạn, hăng hái, bồng bột như xưa. Người ta nói cái gì cũ cũng kém giá trị. Nhưng bạn cũ, tình cũ, thậm chí những đồ vật cổ vượt được thử thách thời gian thực là vô giá hình như là một khái niệm chưa đủ..” Gã đang lan man như thế, bạn hắn chuyển hướng câu chuyện:
- Mày không sợ sau này con cháu mày nó bảo : Cụ nhà mình hồi ấy lành quá. Bao nhiêu chuyện trái tai, gai mắt đau lòng như thế mà cụ vẫn như chả thấy gì? Chỉ thiếu nó nói toạc ra là cụ thời ấy ngu thôi mày ạ.

Muốn sao cũng được. Dân mình thế nào, nước mình thế nào, tầm tuổi này gã biết. Việc cần bàn hãy bàn. Cầm đèn chạy trước công nông họa có ngày. Bầm dập nhiều, oan trái không ít, đủ để gã lựa ra chút kinh nghiệm đường đời. Một kinh nghiệm sống hèn hèn, đêu đểu và khốn nạn..
Nhưng còn cách nào khác đâu?
Cả gã và Y cờ lếch không có cách nào làm lại một cuộc tình. Gã cũng không thay đổi thái độ trước hiện tại muôn vàn rắc rối này.

Gặp bạn bao nhiêu chuyện. Rút cục còn chuyện gì có thể nói mà không đau lòng??

======




HỌ Ở ĐÂU?




Nhà thám hiểm thường khi đơn độc
Rất ít khi có mặt chốn đông người
Trong cuộc phiêu lưu
kiếm tìm kể như vô vọng
Bạn quanh năm với nắng gió mây trời

Bản hợp đồng kí với thượng đế không bao giờ thay đổi
Không thể bổ sung
hay thêm bớt điều nào
Đường sinh tử mặc định từ kiếp trước
Dẫu có luân hồi cũng chỉ vậy thôi!

Họ chẳng có gì ngoài trái tim nhạy bén
Đôi mắt nâu chan chứa nhân tình
Hành trang mang theo là những nỗi lo ám ảnh
Không phải cho mình
Mà cho mai sau

Lạ một nỗi vua chúa thường không thích
Với đám người kia
tệ hơn gái chung chồng
Vua chúa sợ những tìm tòi một buổi chiều nào đó
Làm nghiêng đi chao đảo ngai vàng

Nhà thám hiểm trở thành tội nhân gớm giếc
Dù anh ta chẳng thủ đoạn âm mưu
Không gài bom,
chẳng hề mang độc dược
Đánh cắp niềm tin hay định thoán ngôi cao..

Nỗi cô đơn của họ làm người đời e sợ
dù cũng không may
Không hạnh phúc bao giờ
Hình như bây giờ họ xa lắm..nơi nào trong vũ trụ?
Trên mặt đất này thành thử lắm hoang vu..


Kẻ sáng tạo
 
Gửi Phan Quỳnh Trâm và Thận Nhiên
 
Kẻ sáng tạo tự giết mình xong, hắn bước qua xác của hắn và hỏi: ‘Xác của ai đấy nhỉ?’
 
Kẻ sáng tạo thích làm những điều mọi người nghĩ rằng hắn không thể nào làm được.
 
Kẻ sáng tạo di chuyển bằng một chân và một cánh. Hắn không hẳn đi và cũng không hẳn bay. Hắn đi bay. Hắn bay đi.
 
Kẻ sáng tạo nhắm mắt lại và thấy mọi điều rõ ràng hơn thay vì nhìn bằng đôi mắt mở.
 
Kẻ sáng tạo thích đứng trần truồng dưới mưa bão và hát những bài ca về tình yêu.
 
Kẻ sáng tạo có lần quên mất tên của mình. Hắn cố nhớ lại khi có người hỏi tên của hắn, nhưng hắn không thể nào nhớ nổi. Hắn đành xin lỗi và nói rằng hắn không có tên.
 
Kẻ sáng tạo thường vụng về và ngu ngốc một cách khó hiểu.
 
Kẻ sáng tạo thường thích đứng một mình giữa đám đông.
 
Sydney Tết Quý Tỵ 2013
 



Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Cái gì đây?


“Không phục vụ người Nhật Bản, Philipine, Việt Nam và chó”


237
Biển hiệu này ở trước của một nhà hàng mang tên “Snacks Bắc Kinh” hoặc “百年 卤煮 gần Prince Gong’s Mansions (恭王府), một địa điểm du lịch nổi tiếng nằm về phía Bắc của Tử Cấm Thành. Ảnh này  chụp vào ngày 21 tháng 2 năm 2013. ( Theo NLGChủ nghĩa dân tộc cực đoan không chỉ có ở TQ, ở đâu cũng có. Vấn  đề là  ĐCSTQ, ông bạn vàng của ĐCSVN, đã dạy dỗ dân họ thế nào để ra nông nổi này.


Việt Nam mua tàu ngầm Kilo: Báo Trung Quốc vừa xuyên tạc vừa hăm doạ

Thứ bảy 23/02/2013 08:56
(GDVN) - Bài viết cố tình bịa đặt nói sai mục đích mua tàu ngầm của Việt Nam, đồng thời tỏ rõ giọng điệu hăm dọa, nhưng tác giả bài viết đã sai lầm.
Tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo do Nga chế tạo

Tờ “China News” Trung Quốc vừa có bài viết mang tên “Tàu ngầm tiên tiến Việt Nam sẽ bàn giao, tàu ngầm cùng loại của Trung Quốc tham gia diễn tập săn ngầm”. Sau đây là nội dung của bài viết.
Bài viết tiết lộ, trong thời gian Tết Nguyên Đán vừa qua, Hải quân Trung Quốc vẫn không nghỉ ngơi, vẫn tiến hành “huấn luyện” cường độ lớn. Trong đó, Hạm đội Nam Hải đã tiến hành “cuộc diễn tập săn ngầm, quét mìn” sát với chiến đấu thực tế, hơn nữa báo chí đã công khai chi tiết về cuộc diễn tập này – đây là một điều ít thấy.
Đồng thời, báo chí nước này cũng dẫn lời truyền thông Nga cho biết, chiếc tàu ngầm lớp Kilo kiểu mới nhất thứ hai mà Nga chế tạo cho Việt Nam đang tiến hành chạy thử trên biển, trong năm sẽ bàn giao cho Hải quân Việt Nam. Hai thông tin này hầu như xuất hiện cùng lúc báo hiệu điều gì? - báo TQ đặt câu hỏi.
Theo bài viết, hợp đồng mua tàu ngầm Nga của Việt Nam được ký kết từ cuối năm 2009, được chính thức tuyên bố vào năm 2011, chiếc tàu ngầm đầu tiên được hạ thủy vào tháng 9/2012, và đến nay lại chuẩn bị chính thức bàn giao, sự kiện Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga đã kéo dài mấy năm. Trong mấy năm qua, dư luận đã bàn luận nhiều về mục đích và tác động ảnh hưởng mua tàu ngầm của Việt Nam.
Tàu ngầm động cơ thông thường lớp Kilo hiện có của Hải quân Nga
Bài viết nhận định, ở biển Đông, Việt Nam có mâu thuẫn sâu sắc nhất với Trung Quốc, thậm chí bài  trắng trợn vu cáo Việt Nam cái gọi là “xâm chiếm nhiều đảo đá nhất của Trung Quốc” (trên thực tế là chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam) và do đó đạt được lợi ích kinh tế lớn nhất.

Bài báo tuyên truyền rằng Việt Nam đã hợp tác với các tập đoàn nước ngoài, giá trị sản lượng tài nguyên dầu khí mà Việt Nam khai thác được đã chiếm 30% GDP của Việt Nam, đưa Việt Nam từ nước nhập khẩu dầu mỏ trở thành một nước xuất khẩu dầu mỏ.
Theo bài viết thì do giành được lợi ích kinh tế to lớn như vậy, nên Việt Nam đã “không hợp tác với đề nghị ‘gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác’ của Trung Quốc”. Trên thực tế, những nơi Việt Nam khai thác là thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam. Trung Quốc đề nghị “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, nhưng Trung Quốc luôn đòi hỏi tiền đề là “chủ quyền thuộc về Trung Quốc” (bất hợp pháp) thì không có nước nào chấp nhận.
Theo bài viết, những năm gần đây, Việt Nam tăng cường xây dựng quân đội, đặc biệt là xây dựng hải quân, thông qua sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích của mình (báo Trung Quốc trắng trợn gọi là ‘lợi ích giành được bất hợp pháp’, vì họ tham lam muốn hiện thực hóa ‘đường lưỡi bò’).
Tàu ngầm lớp Kilo Type 636
Báo Trung Quốc đánh giá, sức mạnh tổng hợp của Hải quân Việt Nam “kém xa” Trung Quốc, và cho rằng, Việt Nam lấy lượng nhỏ tàu ngầm tiên tiến này làm lá chắn để “kiềm chế” Trung Quốc, coi đây là “quan điểm chủ yếu” của Hải quân Việt Nam.
Bài viết cho rằng, tàu ngầm động cơ thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo là một trong những tàu ngầm chạy êm nhất thế giới, tuy ra đời đã hơn 30 năm, nhưng phiên bản cải tiến mới nhất của nó – Type 636M vẫn rất tiên tiến, phù hợp với yêu cầu của Việt Nam. Việt Nam mua tổng cộng 6 tàu ngầm lớp Kilo và Nga có kế hoạch bàn giao toàn bộ trước năm 2016.
Báo Trung Quốc không dẫn nguồn tin, xuyên tạc trắng trợn cho rằng, năm 2011, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, đại diện Quân đội Việt Nam nói là Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo để “nhằm vào Hải quân Trung Quốc”.

Cũng báo chí Trung Quốc tuyên truyền sai lệch nói rằng truyền thông Nhật Bản đưa tin, Việt Nam có thể sử dụng tàu ngầm lớp Kilo để phục kích Hải quân Trung Quốc, thực hiện có hiệu quả chiến lược “chống can dự”.
“Chạy đua tàu ngầm ở biển Đông”
Theo bài viết, Việt Nam mua tàu ngầm tiên tiến, tăng cường khả năng của hải quân không chỉ ảnh hưởng tới Trung Quốc, mà còn tác động tới “tất cả các nước khác ở biển Đông”.

Bài viết rất có “ý đồ” khi tìm cách nhấn mạnh đến những “mâu thuẫn” còn tồn tại trong tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với các nước ASEAN còn lại, và với Đài Loan; đồng thời cho rằng, việc Việt Nam sắm tàu ngầm tiên tiến đã “phá vỡ thế cân bằng sức mạnh” ở toàn bộ biển Đông, “đe dọa” các nước khác, đồng thời bài viết yêu cầu các nước khác phải phản ứng (có lẽ bài viết tìm cách “chia để trị”, hòng có lợi cho Trung Quốc).
Tàu ngầm AIP lớp Archer do Thụy Điển chế tạo
Bài viết cho rằng, trong cùng thời gian Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga, các nước Đông Nam Á khác cũng tới tấp mua sắm tàu ngầm tiên tiến, một “cuộc chạy đua tàu ngầm” đang lặng lẽ diễn ra ở biển Đông.
Theo bài viết, trong các nước Đông Nam Á, trong năm 2009 và 2010, Hải quân Singapore trước sau đã mua 2 tàu ngầm AIP lớp Archer của Thụy Điển, trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sở hữu tàu ngầm AIP. Hải quân Malaysia đã biên chế 2 tàu ngầm lớp Scorpene mua của Pháp, thậm chí còn tiến hành phóng thử tên lửa chống hạm ở biển Đông vào tháng 7/2012.
Năm 2012, Hải quân Indonesia đã chính thức mua 3 tàu ngầm của Hàn Quốc. Quân đội Thái Lan có khả năng mua tàu ngầm từ Trung Quốc hoặc Đức. Còn Quân đội Philippines vừa công khai cho biết muốn mua chiếc tàu ngầm đầu tiên. Nếu những tàu ngầm này cuối cùng đều được được triển khai thì biển Đông sẽ trở thành nơi diễn ra “cuộc chiến tàu ngầm” giữa bên (?).
Hăm doạ
Theo bài báo, dư luận cho rằng, việc Việt Nam sở hữu tàu ngầm tiên tiến sẽ có khả năng ngăn chặn đối thủ. Nhưng, bài báo lại nhấn mạnh, Trung Quốc tiến hành diễn tập săn ngầm, quét mìn ngay trong Tết Nguyên Đán cho thấy là họ “đã có đối sách”.
Tàu ngầm lớp Kilo Type 636M của Hải quân Trung Quốc, mua của Nga
Theo bài báo, Trung Quốc là nước có kinh nghiệm phong phú nhất trong việc sử dụng tàu ngầm lớp Kilo Type 636M. Năm 1998, Trung Quốc đã trang bị 2 tàu ngầm lớp Kilo loại này do Nga chế tạo, sau đó lần lượt mua 10 chiếc. Trải qua hơn 10 năm sử dụng, nên theo bài báo, Trung Quốc “hiểu rất rõ” tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua của Nga.
Theo bài báo, trong cuộc diễn tập săn ngầm vừa qua ở biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng tàu ngầm lớp Kilo, bắt đầu diễn tập chiến thuật săn ngầm mang tính đối đầu ngay từ khi Việt Nam còn chưa trang bị loại tàu này. Bài báo hăm dọa cho rằng, đây là hành động chuẩn bị sớm, sẵn sàng của phía Trung Quốc.
Báo Trung Quốc còn răn đe, trong những năm qua, nước này đã có sách lược đấu tranh quân sự mới, đã đẩy mạnh “minh bạch hóa” quân sự, thậm chí liên tục công khai các loại vũ khí trang bị mới, các cuộc diễn tập và huấn luyện. Đó là sự “tự tin” dựa trên sức mạnh quân sự của họ được tăng cường liên tục. Theo bài báo thì Trung Quốc “bộc lộ một cách thích hợp sức mạnh” của quân đội nước họ để tạo sự “đe dọa”, đạt mục đích “không đánh mà có thể khuất phục nước khác”.
Như vậy, rõ ràng, bài viết đã nhận thức sai lầm về đường lối quốc phòng tự vệ, tôn trọng và yên mến hoà bình của Việt Nam, đồng thời tiếp tục sử dụng “hỏa lực mồm” như nhiều người đã nói để hăm dọa nước khác.

Điều này chẳng có tác dụng gì đối với một dân tộc có lòng tự trọng, tự tôn và luôn giàu lòng yêu nước, luôn biết giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc như Việt Nam.