Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

ĐỒNG BÀO ƠI LÀ ĐỒNG BÀO!


    Dương Đình Giao
    Người Việt Nam, hầu như không ai  không biết truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần trăm cái trứng nở ra được 100 người con trai. Lạc Long Quân là dòng dõi Rồng sống dưới nước còn Âu Cơ là dòng dõi Tiên sống trên cạn. Do ăn ở với nhau lâu mà không hợp nên họ chia 50 con theo cha xuống bể Nam Hải, 50 con theo mẹ lên núi. Người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Từ truyền thuyết ấy, tiếng Việt mới có từ “đồng bào”.  Theo nghĩa đen, “đồng bào” (同胞) có nghĩa là “cùng một bọc” hay là “cùng một bào thai” và chỉ anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ. Theo quan niệm của người xưa, người trong một nước dù trên rừng hay dưới biển, ngoài Bắc hay trong Nam cũng đều là anh em ruột thịt, cùng đều là máu đỏ da vàng, con Rồng cháu Tiên.
    Trong cả cuộc đời mình, tôi đã được chứng kiến cái tình “đồng bào” vô cùng thiêng liêng ấy. Những năm kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi đi “tản cư là yêu nước”, biết bao những gia đình ở Hà Nội hay các thành phố lớn đã bỏ tất cả nhà cửa, tài sản lên Việt  Bắc, vào Khu 4 thể hiện tấm lòng tin tưởng vào chế độ mới. Trong cảnh “xảy nhà ra thất nghiệp”, chúng tôi đã được những người dân địa phương mặc dù cũng trong cảnh nghèo nàn thiếu thốn đủ đường, đã cưu mang, đùm bọc. Những căn nhà tranh vách nứa có ba gian (khoảng chừng 20 m2), thì một gian được chủ nhà nhường cho người tản cư. Đâu chỉ cần chỗ ở, người tản cư còn cần chuyện nấu nướng, củi lửa, còn những khi “trái gió trở trời” và biết bao nhu cầu khác của đời sống đều được những “người dưng nước lã” bao bọc, chở che.
    Rồi đến thời chống Mỹ, biết bao cán bộ viên chức nhà nước sơ tán theo cơ quan, bao gia đình tạm biệt các thành phố lớn, các khu công nghiệp, các cháu nhỏ theo các nhà trẻ, trường học sơ tán về khắp các miền quê còn nghèo nàn khốn khó vẫn được “chia cửa sẻ nhà”, đùm bọc cưu mang. Dù trước đó hoàn toàn xa lạ, người dân ở nông thôn khắp nơi vẫn một lòng coi những người chưa hề gặp mặt như  ruột thịt.  Chỉ có thể  cảm nhận những tấm lòng rộng mở ấy đáng trân trọng dường nào khi mỗi người hãy tưởng tượng căn nhà ta ở hiện nay, dù rộng rãi, tiện nghi gấp trăm ngàn lần những căn nhà tranh vách nứa trước kia bỗng nhiên có không chỉ một người đến ăn ở hết ngày này đến tháng khác. Và thực tế, không ít gia đình hiện nay, mỗi khi có người từ quê ra chơi hay bạn bè từ xa tới thăm viếng đều tìm cách đối đãi: sau một bữa ăn thịnh soạn, các vị khách quý được mời ra những nhà nghỉ, khách sạn để tránh xáo trộn nếp sinh hoạt quen thuộc dù chỉ vài ba ngày.
    Ấy thế mà, không biết từ bao giờ, những người vốn coi nhau là đồng bào, là anh em ruột thịt đang tìm cách hãm hại lẫn nhau chỉ để có những mối lợi riêng, mặc dù đời sống phần lớn đã có cửa cao nhà rộng, không còn đói rách.
    Từ những cách kiếm sống hàng ngày, người nông dân trồng rau, trồng chè, … để chừa ra một khoảnh dành cho gia đình mình những hoa màu đảm bảo an toàn, còn phần bán ra thị trường, kể cả cho những người hàng xóm đều tha hồ phun thuốc kích thích, xịt thuốc trừ sâu, bón phân hóa học,… dù biết sự độc hại miễn là có năng suất cao để đảm bảo lợi nhuận tối đa.
    Nhưng chuyện đó cũng có thể coi là vặt vãnh. Ở phạm vi rộng lớn hơn, người ta nhập khẩu không biết bao nhiêu hoa quả, thực phẩm, … nhiễm độc trên quy mô lớn để “phục vụ” cho các loại đồng bào trên phạm vi cả nước. Hôm sang Trung Quốc, tôi có hỏi người dân sở tại vì sao người Trung Quốc bán cho Việt Nam những hoa quả được bảo quản bằng những chất độc hại đến mức những quả cam, quả táo trông ngon lành, hấp dẫn mà có thể để tới cả năm trời không bị hư hỏng? Họ bảo tôi: Ông xem thử hoa quả bán ở đây (chỉ tay vào các hàng bán hoa quả ngay tại chợ) có chất bảo quản độc hại không? Hoa quả bán sang Việt Nam nhiều chất độc hại là do chính những người Việt Nam sang mua hàng yêu cầu người Trung Quốc phải làm sao để hoa quả dù có tiêu thụ chậm, để lâu ngày vẫn không bị hư hỏng
    Thế là không chỉ người nông dân ít học, các đồng bào ở tầm cao hơn lại cam tâm ngấm ngầm hại các đồng bào khác để có lợi nhuận tối đa.
    Những vụ việc như thế thường xuyên được nói tới trên các cơ quan thông tin đại chúng: “chà bông làm từ thịt gà thối”, “nhúng thịt gà vào dầu hôi để làm đẹp”, “măng độc ngâm hóa chất để hai năm không hư”, “chuối ngâm trong thuốc diệt cỏ”…
    Tưởng  rằng như thế đã là táng tận lương tâm không còn gì để nói, thì mới đây, người ta lại còn thấy hành động trục lợi đáng nguyền rủa được thực hiện trên phạm vi cả nước bởi các “đồng bào” ở đỉnh cao quyền lực với các học hàm học vị đầy mình: Hàng năm, cả nước chỉ cần 10 kg sabutamol để làm thuốc chữa bệnh (trị giãn phế quản, hen suyễn). Thế mà, Bộ Y tế trong thời gian vừa qua đã cấp phép cho nhập khẩu tới hơn 9 tấn chất này để những người vô lương tâm trộn vào thức ăn cho lợn. Với lượng sabutamol ấy, 6 triệu con lợn đã nhiễm độc trở thành thực phẩm cho toàn thể đồng bào khắp cả nước để tha hồ gieo rắc bệnh ung thư. Bộ Y tế chắc chắn thừa biết tính chất độc hại của sabutamol, nhưng vì sao vẫn cho phép nhập khẩu tới hơn 900 lần số lượng cần thiết. Một tờ báo đã cho ta lời giải: 1 kg chất độc này giá nhập khẩu có 15 triệu, nhưng sau khi được lưu hành hợp pháp trên thị trường Việt Nam, nó được bán với giá 150 triệu.
    Gần hai thế kỷ trước, nói về thái độ của các nhà tư bản với lợi nhuận, Mac đã trích dẫn lời một nhà kinh tế học:
    Khi lợi nhuận “được 20% thì nó hăng máu lên, bảo đảm được 30% thì nó không biết sợ là gì, bào đảm được 100% thì nó chà đạp lên tất cả luật lệ của loài người, bảo đảm được 300% thì nó chẳng từ một tội ác nào mà không dám, thậm chí có thể bị treo cổ, nó cũng không sợ…”.
    Thế mà lợi nhuận trong vụ nhập khẩu sabutamol này là bao nhiêu phần trăm? Chắc chắn nó đã khiến những người có liên quan không nỡ chối từ, nhất là khi họ chẳng mảy may bị động tới cái lông chân!
    Trước sự phản đối của dư luận, ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã không nỡ để Bộ Y tế “bơ vơ”, ra tuyên bố đại ý rằng dân ta đã quá lo xa!
    Chẳng hiểu những lời tuyên bố ấy có liên quan đến cái lợi nhuận gấp 10 lần kia?
    Và trước mối lợi khổng lồ, tình đồng bào được hình thành từ bốn nghìn năm trước, đã được thử thách qua thời gian liệu có còn ý nghĩa?
    Đồng bào ơi là đồng bào!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị


media
Sau nhiều năm im lặng, mãi đến những năm gần đây, chính quyền Việt Nam mới lên tiếng giải thích về công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, nhưng lần đầu tiên, Hà Nội vừa chính thức tuyên bố công hàm đó là vô giá trị, tức là không hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Công hàm Phạm Văn Đồng, mà nhiều người gọi là « công hàm bán nước », đã được đưa ra trong bối cảnh như thế nào ? Ngày 04/09/1958, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố với quốc tế quyết định của chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam). 
Sau đó, ngày 14/09/1958, Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng đã gởi cho Thủ tướng Chu Ân Lai bức công hàm ghi rõ: “Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành” tuyên bố nói trên của chính phủ Trung Quốc và “sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”. 
Từ đó cho đến nay, đối với Bắc Kinh, bức công hàm nói trên của Thủ tướng Việt Nam là đồng nghĩa với việc Hà Nội thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
Thật ra, từ lâu, nhiều chuyên gia đã phân tích rõ là công hàm Phạm Văn Đồng chẳng có giá trị nào về mặt pháp lý trên vấn đề chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, bởi một lý do đơn giản là hai quần đảo này vào thời đó thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. 
Trong bài báo ngày 20/07/2011, tờ Đại Đoàn Kết cũng đã công nhận rằng vào thời điểm năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa “tạm thời thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa” và chính phủ này “đã liên tục thực thi” chủ quyền trên hai quần đảo đó và đặc biệt đã quyết liệt chống trả sự xâm lược của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Hơn nữa, vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền trên hai quần đảo này. 
Nhưng đó chỉ mới là ý kiến của một tờ báo chính thức, được đăng tải vào lúc đó để xoa dịu dư luận, không chỉ đang phẫn nộ về những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, mà còn rất bất bình trước hành động đàn áp người biểu tình phản đối Trung Quốc. Nay, trong bối cảnh Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, lần đầu tiên chính phủ Hà Nội chính thức tuyên bố công hàm đó là không hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
Trong cuộc họp báo quốc tế hôm qua, 23/05/2014 ( lần thứ ba kể từ đầu vụ giàn khoan HD-981 ), phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải đã nhắc lại lập luận rằng công hàm ( mà ông gọi là công thư ) Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi lẽ hai quần đảo này lúc đó nằm dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa, được Pháp giao lại vào năm 1956, phù hợp với Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc có tham gia. 
Việt Nam đã phải chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị trong bối cảnh mà chính phủ Hà Nội đang cố vận động sự ủng hộ của quốc tế bằng cách nêu rõ những cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
Hà Nội cũng đang xem xét việc khởi kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế. Trong cuộc họp báo quốc tế hôm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, cho biết, với tư cách thành viên của Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS), Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mình.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bộ tranh gây sốc lột tả mảng tối của xã hội hiện đại


Họa sĩ người Ba Lan Igor Morski vừa cho ra mắt bộ tranh siêu thực, đề cập những vấn đề tồn tại của cuộc sống hiện đại.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 1
Thời gian bòn rút sự sống và sắc đẹp.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 2
Con người đang tự đầu độc mình vì thói ăn uống vô độ.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 3
Con cái phải lớn lên theo chiếc khuôn cha mẹ định sẵn.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 4
Công nghệ như loài ký sinh trong cuộc sống giới trẻ.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 5
Con người luôn bị điều khiển bởi những thứ nhỏ nhen, đen tối.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 6
Những công trình đồ sộ được xây dựng trên mồ hôi xương máu của những người khốn khổ.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 7
Con người đang tự hủy hoại nguồn nuôi dưỡng mình.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 8
Chúng ta chỉ là con rối của thời gian.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 9
Trong guồng quay không ngừng nghỉ của xã hội hiện đại, chỉ cần ngơi tay đôi chút, bạn sẽ rơi tự do.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 10
Tham vọng tiền bạc sẽ cản bước đến thành công.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 11
Dưới lớp vỏ lão hóa ẩn giấu vẻ đẹp của trí tuệ.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 12
Luôn có những kẻ không quản ngày đêm soi mói đời sống riêng tư của người khác.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 13
Chúng ta ai cũng khao khát thoát ra khỏi những rào cản cuộc sống để hướng tới tự do.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 14
Thời đại e-book lên ngôi.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 15
Người Ba Lan có câu: “Ai đó đang vắt nước từ não bạn kìa” để ám chỉ bạn đang bị lợi dụng.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 16
Cuộc đời là vòng xoáy nghiệt ngã.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 17
Cuộc sống nhiều màu, con người nhiều mặt.
Bo tranh lot ta mang toi cua xa hoi hien dai hinh anh 18
Bộ não giống như mạng lưới giao thông – rối rắm và không ngừng vận hành.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Mỹ-Trung Quốc: Có phải đây là cuộc chiến tranh lạnh mới? (Kỳ 1)


Trong bài viết sau đây, Geoff Dyer nhận định rằng kỷ nguyên mới về cạnh tranh quân sự ở Thái Bình Dương sẽ trở thành cuộc đối đầu địa chính trị đặc trưng của thế kỷ 21. Geoff Dyer là ký giả chuyên viết về chính sách đối ngoại của Mỹ, và nguyên là trưởng văn phòng tại Bắc Kinh của báo Financial Times (Anh). Cuốn sách mới của ông “Cuộc giao tranh của thế kỷ: Kỷ nguyên cạnh tranh mới với Trung Quốc” (The Contest of the Century: The New Era of Competition with China) được nhà Knopf (Mỹ) và Penguin (Anh) xuất bản trong tháng 2/2014.

Mỹ-Trung Quốc: Có phải đây là cuộc chiến tranh lạnh mới?

Geoff Dyer
Trung Quốc hạ thủy một tàu khu trục tên lửa ở Chiết Giang hồi năm ngoái (AP)
Trung Quốc hạ thủy một tàu khu trục tên lửa ở Chiết Giang hồi năm ngoái (AP)
Trong danh sách những ngành Trung Quốc hiện thống lĩnh, có thêm một cái tên mới đáng ngạc nhiên: Hoa hậu Thế giới. Thi hoa hậu bị Mao Trạch Đông cấm ở Trung Quốc vì bị xem là một trong những hình thức xấu xa nhất của thói đồi trụy phương tây, nhưng tính quốc tế vô vị của chúng lại rất hợp với ước nguyện của nước Trung Quốc hiện đại muốn được thế giới đoái hoài. Năm trong 10 cuộc thi Hoa hậu Thế giới gần đây nhất được tổ chức ở khu du lịch ven biển Tam Á (Sanya), trên đảo cận nhiệt đới Hải Nam (Hainan) ở ngoài khơi vùng biển phía nam Trung Quốc. Mỗi khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới tổ chức ở đây, những đợt chụp ảnh áo tắm diễn ra ở bên kia đường, tại Sheraton Sanya Resort nhìn ra những bãi cát trắng của Vịnh Á Long (Yalong), một vịnh nhỏ hình lưỡi liềm rợp bóng cọ. Với khách sạn Ritz-Carlton một bên và khách sạn Marriott bên kia, Vịnh Á Long là một hình mẫu sao chép của du lịch đa quốc gia ở điểm cực nam của Trung Quốc. Các gia đình giàu có ở Trung Quốc rất mê khu resort này, và hôm tôi đến thăm, khách sạn này đang tổ chức cuộc họp mặt doanh nghiệp cho chi nhánh Trung Quốc của Syngenta, công ty Thụy Sĩ chuyên bán hạt giống biến đổi gien. Buổi chiều, chừng trăm nhân viên Trung Quốc chơi các trò trên bãi biển. Lúc mải vui chơi, họ chẳng ngước nhìn khi một tàu khu trục Hạng 054 của Trung Quốc tình cờ chạy ngang vịnh, ngay trước mặt du khách. Hóa ra Vịnh Á Long có một cuộc sống hai mặt. Những khách sạn danh tiếng chỉ chiếm một nửa bãi biển; ở phía bên kia là căn cứ hải quân mới nhất và tân tiến nhất của Trung Quốc.
Du khách ở Tam Á, Hải Nam, cũng là nơi đặt một trong những căn cứ hải quân của Trung Quốc (Zhang Yongfeng)
Du khách ở Tam Á, Hải Nam, cũng là nơi đặt một trong những căn cứ hải quân của Trung Quốc (Zhang Yongfeng)
Vịnh Á Long là nơi giao thoa hai mặt của sự vươn lên của Trung Quốc: nền kinh tế kết nối chặt chẽ với thế giới và bản năng cố hữu muốn thách thức Mỹ – một Trung Quốc toàn cầu hóa và một Trung Quốc siêu cường giành chỗ trên bãi biển này. Ăn mừng thành công của mình tại thị trường Trung Quốc, nhân viên Syngenta ở khách sạn Sheraton đều mặc áo thun in khẩu hiệu bằng tiếng Anh cho buổi lễ “Step Up Together” (Cùng tiến lên”). Tuy nhiên ngay bên cạnh nơi tổ chức buổi tiệc của họ là một trong những biểu tượng nổi bật nhất của các tham vọng siêu cường của Trung Quốc. Nằm ở vị trí lý tưởng để nhanh chóng hòa vào những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp của vùng Nam Hải [cách Trung Quốc gọi Biển Đông, N.D.], căn cứ ở Hải Nam là một trong nền tảng chính để phô trương thanh thế quốc gia theo kiểu cũ: một lực lượng hải quân có có tầm hoạt động vượt hẳn ra ngoài những vùng biển của quốc gia. Trong mấy thập niên vừa qua, kiểu chính trị giễu võ dương oai như vậy dường như đã lỗi thời do thế giới phẳng, không xung đột của sự toàn cầu hóa. Vịnh Á Long thể hiện một thực tế khác hẳn. Đó là một trong những bệ phóng của cuộc đối đầu địa chính trị chủ yếu trong thế kỷ 21: kỷ nguyên mới của cạnh tranh quân sự ở Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ.
. . .
Cuộc gặp lịch sử giữa Richard Nixon và Mao Trạch Đông năm 1972, đánh dấu việc nối lại quan hệ giữa hai cường quốc
Cuộc gặp lịch sử giữa Richard Nixon và Mao Trạch Đông năm 1972, đánh dấu việc nối lại quan hệ giữa hai cường quốc
Các vùng biển của Châu Á đã trở thành những huyết mạch chủ đạo của nền kinh tế toàn cầu, nhưng hiện có hai tầm nhìn khác hẳn nhau về tương lai của Châu Á. Kể từ khi Nhật bại trận năm 1945 – và đặc biệt từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh – Hải quân Mỹ đã xem Thái Bình Dương gần như hồ riêng của mình. Hải quân Mỹ đã dùng sức mạnh đó để thực hiện một hệ thống quốc tế mang hình ảnh của chính mình, một trật tự dựa trên quy tắc về tự do thương mại, tự do đi lại [trên biển] và, nếu có thể, chính quyền dân chủ. Nền hòa bình thế giới với Mỹ ở vị thế thống lĩnh (Pax Americana) được củng cố khi Mỹ và Trung Quốc nối lại quan hệ năm 1972. Bốn thập niên kể từ khi Richard Nixon gặp Mao Trạch Đông là giai đoạn ổn định và thịnh vượng nhất trong lịch sử hiện đại của Châu Á. Theo thỏa thuận đó, Mỹ ủng hộ Trung Quốc trở lại với gia đình các quốc gia và Trung Quốc ngầm chấp nhận sự thống lĩnh quân sự của Mỹ ở Châu Á.
Thỏa thuận bất thành văn này giữa Bắc Kinh và Washington về vai trò của Mỹ ở Châu Á đang vỡ vụn. Nay Trung Quốc muốn tái định hình thế lực quân sự và chính trị ở khu vực này để phản ánh vai trò trung tâm truyền thống của chính mình. Các siêu cường quốc vừa có sự tự tin vừa có tâm lý bất an. Trung Quốc muốn trở lại vị thế lãnh đạo mà họ đã quá nhiều lần chiếm lĩnh trong lịch sử Châu Á. Trung Quốc cũng lo lắng về an ninh của hoạt động thương mại đường biển, đặc biệt ở vùng mà họ gọi là “Cận Hải” (Near Seas) – các vùng biển gồm Hoàng Hải, Hoa Đông, Hoa Nam. Căn cứ hải quân Vịnh Á Long trên đảo Hải Nam là một phần trong chiến lược mà Trung Quốc đang bắt đầu thực hiện để nắm quyền kiểm soát các vùng biển Cận Hải, đẩy Hải quân Mỹ ra càng xa hơn về phía tây Thái Bình Dương. Trong quá trình này, Trung Quốc đang thách thức mạnh mẽ cái trật tự do Mỹ dẫn đầu vốn đã là xương sống của phép màu kinh tế Châu Á.
Trong hai mươi năm qua, Trung Quốc đã liên tục tăng cường quân sự nhanh chóng, và hải quân được trao vị trí quan trọng nhất. Quan trọng hơn nữa, Trung Quốc đã liên tục đầu tư vào hải quân theo một cách rất cụ thể. Những nhà chiến lược của Mỹ đôi khi nói đến “phản hải quân” của Trung Quốc – một loạt các tàu chiến, tàu ngầm chống bị radar và sonar phát hiện và các tên lửa chính xác – có cái đặt trên đất liền, có cái đặt ngoài khơi – với mục đích cụ thể là đẩy hải quân đối phương càng xa đại lục càng tốt. Ý nghĩa của kế hoạch đầu tư này là Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn Hải quân Mỹ hoạt động ở những vùng rộng lớn ở phía tây Thái Bình Dương. Theo Dennis Blair, cựu tư lệnh Thái Bình Dương từng là đứng đầu ngành tình báo Mỹ trong giai đoạn đầu của chính quyền Obama: “Họ dành chín mươi chín phần trăm thời gian nghĩ về những cách mới và lý thú để đánh chìm tàu và bắn hạ máy bay của chúng ta.”
Hải quân mới của Trung Quốc vừa cách bày tỏ sức mạnh và một phương tiện để đạt được mục đích ngoại giao. Bằng cách làm suy yếu sự hiện diện hải quân của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương, Trung Quốc hy vọng dần dần sẽ phá hoại các liên minh của Mỹ với các nước Châu Á khác, đặc biệt là Nam Hàn, Philippines và thậm chí cả Nhật. Nếu ảnh hưởng của Mỹ giảm đi, Trung Quốc sẽ có cơ hội lặng lẽ chiếm vị thế lãnh đạo ở Châu Á, giúp Trung Quốc có thế lực hơn về các quy tắc và cách hành xử trong nền kinh tế toàn cầu. Bằng hải quân của mình, Trung Quốc hy vọng sẽ tái định hình cán cân quyền lực ở Châu Á. Sự cạnh tranh hải quân ở phía tây Thái Bình Dương sẽ định hướng phần lớn chính trị toàn cầu trong những thập niên sắp tới.
Tàu Nhật và tàu Trung Quốc đi ngang nhau ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi năm ngoái (Reuters)
Tàu Nhật và tàu Trung Quốc đi ngang nhau ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi năm ngoái (Reuters)
Tuy những áp lực này đã lặng lẽ dồn nén trong vài năm qua, chúng đã bùng phát mạnh mẽ trong những tháng gần đây, đặc biệt với sự đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật về quần đảo đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông – mà Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Gần như hàng ngày, máy bay Trung Quốc bay gần quần đảo này, khiến Nhật cũng cho máy bay quần thảo, trong khi tàu Trung Quốc cũng tuần tra gần quần đảo này hiện đang do Nhật quản lý. Các nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba thế giới đang chơi trò đối đầu quân sự xem ai nhượng bộ trước, trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ – do hiệp ước nên quyết tâm bảo vệ Nhật. Việc Trung Quốc mạnh miệng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này là một phần trong nỗ lực chiếm quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các vùng biển xung quanh, mà cũng là một phần quan trọng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ngày càng quyết liệt với Mỹ.
Việc Trung Quốc chuyển sang các vùng biển này có nguồn gốc từ lịch sử và địa lý vượt ra ngoài khuôn khổ của hệ thống chính trị hiện nay của nước này. Chính từ biển mà Trung Quốc bị quấy nhiễu trong “thế kỷ ô nhục” dưới tay phương tây. Trung Quốc là một trong những nạn nhân đáng chú ý nhất của đường lối ngoại giao tàu chiến hồi thế kỷ 19, khi Anh, Pháp và các cường quốc thực dân khác dùng ưu thế hải quân của họ để kiểm soát Thượng Hải và cả chục cảng khác trên khắp Trung Quốc. Bản năng muốn kiểm soát các vùng biển xung quanh một phần có nguồn gốc từ ước nguyện phổ biến là không bao giờ để Trung Quốc rơi vào thế yếu nữa. “Không ngó ngàng đến các đại dương là một sai lầm lịch sử mà chúng tôi đã mắc phải,” Yang Yong, một nhà sử học Trung Quốc, nói. “Và hiện nay thậm chí trong tương lai chúng tôi sẽ phải trả giá cho sai lầm này.”
Sự bao vây này nhìn trên bản đồ còn tệ hại hơn. Trung Quốc bàn về “chuỗi đảo đầu tiên”, một vành đai trải dọc theo phía tây Thái Bình Dường từ Nhật ở đông bắc, qua Đài Loan, xuống đến Philippines ở phía nam – tất cả đều là đồng minh hoặc bạn bè của Mỹ. Đây vừa là một rào chắn địa lý, ở chỗ nó tạo ra một loạt kênh mà một đối thủ mạnh hơn có thể chặn để làm kiềm chế hải quân Trung Quốc, vừa là một rào chắn chính trị thuộc quyền kiểm soát của các nước thân Washington. Các nhà chiến lược Trung Quốc bàn về việc “vượt qua bụi cây”: phát triển năng lực hải quân để có thể hoạt động bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên.
Khi hướng ra biển, Trung Quốc cũng thấy ngay sự hiện diện của Mỹ. Trong những thập niên khi Trung Quốc chẳng có gì ngoài lực lượng tuần tiễu hải dương, họ gần như chẳng biết rằng Hải quân Mỹ đang tuần tra các vùng biển gần bờ biển Trung Quốc. Nhưng nay khi năng lực của Trung Quốc đã tân tiến hơn, hàng ngày Trung Quốc thấy rằng hải quân Mỹ ưu việt và hoạt động chỉ cách nhiều thành phố lớn của Trung Quốc chỉ vài dặm. “Với họ, đây là một nỗi ô nhục mà họ nếm trải mỗi ngày,” Sở Thụ Long, một học giả tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh từng có nhiều năm kinh nghiệm trong quân đội Trung Quốc, nói. “Quả là ô nhục khi một nước khác có thể tập trận ở quá gần bờ biển Trung Quốc, quá gần với căn cứ ở Hải Nam. Đó là lý do khiến hải quân muốn làm gì đó để thách thức Mỹ.”
Những nỗi lo về lịch sử và địa lý đã hòa lẫn với những mối quan ngại rộng lớn hơn về an ninh kinh tế. Một trong những bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực hướng ra biển khơi của Trung Quốc đã diễn ra khi Trung Quốc bắt đầu nhập dầu lần đầu tiên, vào năm 1993. Đến năm 2010, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ dầu lớn thứ nhì, một nửa trong đó hiện nay phải nhập khẩu. Các siêu cường quốc mới thường lo ngại rằng các đối thủ có thể gây hại cho nền kinh tế của họ bằng một đợt phong tỏa. Cứ 10 thùng dầu Trung Quốc nhập về, có hơn tám thùng được chuyên chở bằng tàu thủy qua Eo biển Malacca, một eo biển hẹp giữa Indonesia, Malaysia và Singapore, được các tàu Mỹ tuần tra bảo vệ. Người Venice ở thế kỷ 15 thường cảnh báo, “Ai làm Chúa tể Malacca thì nắm yết hầu Venice.” Hồ Cẩm Đào lặp lại những cảm nghĩ này khi ông cảnh báo trong một bài phát biểu năm 2003 rằng “một số cường quốc” quyết tâm kiểm soát tuyến đường biển hệ trọng này. Cho đến nay, an ninh hàng hải của Trung Quốc được bảo đảm chủ yếu nhờ Hải quân Mỹ. Nhưng, giống như các quốc gia muốn vươn lên thành siêu cường trước mình, Trung Quốc buộc phải đối mặt với một thế lưỡng nan về địa chính trị: liệu họ có thể trông cậy vào một đối thủ để bảo vệ vận mệnh kinh tế của đất nước hay không?
. . .
Nguồn: Geoff Dyer, US v China: is this the new cold war?, Financial Times, 20/2/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài dịch, ký tên Khương An, đã đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 26/2 & 5/3/2014.)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

một truyện ngắn viết lại

Tặng Yên Thao, người nữ tuyệt vời…
Một truyện ngắn viết lại vì truyện ngắn ấy đã viết ra, đã đăng trên báo mạng X lâu rồi. Cớ sao viết lại? Ấy là vì… 
Tất nhiên ít nhất phải rút gọn truyện ngắn đã viết và đã đăng ấy chứ… 
* 
Tôi ngồi sau xe scooter người bạn lái trong cơn say. Tôi không say nhiều dù uống không ít rượu đế ngâm chín con rắn hổ mang tại nhà một người em họ. Người bạn hiển nhiên say hơn tôi, anh lái xe chạy băng băng lên xuống đường đồi, đọc những câu thơ nghe quen lắm: Trái tim tôi không ở đây / Trái tim tôi trên cao nguyên / Đang chạy theo những hươu nai… “Nghe như thơ Robert Burns?” “Chứ ai nữa!… Mà tôi không bảo đảm trúng trật, trong cơn túy lúy này.” Không phải như vậy, tôi nghĩ, say hay không say, nhớ trúng là nhớ trúng, nhớ trật là nhớ trật. Tôi nghe bạn hỏi: “Thế lão trưởng phòng giáo dục có vui lòng thấy tôi đi cùng ông tới dự tiệc?” “Làm sao tôi biết lão sẽ như thế nào. Tốt hơn cả là không cần biết.” Chạy băng băng một hồi nữa, người bạn dừng xe: “Chiều đẹp thế này, ngồi đây chơi khoái hơn.” Vừa dựng xe xong, thay vì ngồi xuống, bạn nằm dài trên nền cỏ úa mòn, nói đúng là nền đất lơ thơ cỏ. Tôi không đủ say để nằm xuống như bạn, ngồi bó gối nhìn mặt trời đỏ gần đụng viền núi xanh thẫm phía xa, xem chừng chỉ cao ngang tầm mắt. 
Người bạn nói: “Lão trưởng phòng có vẻ quan liêu lắm, tôi không thích gặp lão. Mà thôi ông ạ, tụi mình nên tới dự bữa tiệc này, lão trưởng phòng đã mời ông thật trịnh trọng, còn tôi thì ăn theo ông. Nên tới vì mấy cô gái Thái trong ban văn nghệ của phòng giáo dục sẽ hát hò gì đấy… Mấy cô gái Thái ở đây rất sính nhạc Trịnh Công Sơn mà các cô ấy gọi là ‘nhạc Trịnh’, có một cô hát rất giống Khánh Ly, nghe giọng mà không thấy mặt, tưởng Khánh Ly. Tối nay còn một cô gái Thái là Việt Kiều ở Mỹ về nữa, rất đẹp, Ava Gardner hồi trẻ mới là giống như vậy.” 
Tôi ngạc nhiên sao người bạn rành chuyện, quay nhìn bạn, đôi mắt anh nhắm lại như say ngủ: “Ngủ đấy à?” “Ngủ gì! Nghĩ tới mấy cô gái Thái thôi!” “Bạn nói có cô giống Ava Gardner, biết tên cô ấy không?” Bạn vùng ngồi dậy: “Một người tên Uyên. Có một người tên như vậy trong bữa tiệc tối nay. Tôi chỉ biết có một người tên như vậy, có một người nghe nói giống Ava Gardner, và có một hoa khôi giọng hát Khánh Ly.” “Ai cung cấp cho bạn nguồn thông tin ấy?” “Bảo đảm không phải đài BBC. Lát nữa ông sẽ thấy.” 
Chiếc xe scooter lại chồm lên lao xuống thêm vài cây số đường đồi, tới phố huyện, tới cơ quan phòng giáo dục. Trưởng phòng giáo dục huyện Đức Nghĩa trước “giải phóng” đã là nhà thơ nổi tiếng, chúng tôi biết nhau trên những trang báo văn nghệ Sài Gòn. Mấy bữa trước, nghe tin qua một người bạn, biết tôi từ Sài-Gòn-mất-tên trở về cố quận Đơn Dương, anh mời tôi ghé Đức Nghĩa nhân dịp anh tổ chức bữa tiệc để phổ biến một album nhạc mới của chính anh. Hóa ra bây giờ nhà thơ sáng tác thêm ca khúc; tôi sẽ biết rằng, ngoài danh vị nhà thơ, anh còn là nhạc sĩ, một thành viên của nền nhạc Việt đáng tự hào. 
Trưởng phòng giáo dục huyện Đức Nghĩa đứng chờ tôi trước cửa căn phòng rộng, dáng cao lớn uy nghi lại phủ thêm áo blouson to xù, cái bắt tay nồng nhiệt. Nhưng quả thật, tôi nhìn thấy cái nhìn lãnh đạm của anh trước người bạn đồng hành của tôi, dù sao người bạn này đã chuẩn bị tinh thần từ trước, và dù sao bạn đã đủ say để bất cần. 
Tất cả đám đông chỉ chờ có thế, chúng tôi ngồi vào hai trong ba chiếc ghế trống. Tôi vừa an vị vừa tiếc nuối, ngồi cùng phía thì làm sao nhìn rõ mặt các cô gái Thái. Dĩ nhiên bắt đầu buổi tiệc là tuyên bố lý do, ông trưởng phòng giáo dục nói liền: đây là buổi họp mặt văn nghệ. Và liền sau đó, nhà thơ kiêm khúc tác gia giới thiệu có giọng hát tuyệt vời của cô Thanh Liên, có ca khúc mới của chính đương sự. Và tất cả đám đông chỉ chờ có thế để vỗ tay vang căn phòng rộng, hiển nhiên là vang vọng ra ngoài những khung cửa sổ. 
Không lâu sau, lúc mọi người nâng ly bia lên cao, rất may là chỉ cần nâng ly bia lên cao, bỏ qua thủ tục cụng những ly đó vào nhau, rồi uống; người bạn tôi đặt ly và đặt cả mái đầu trên mặt bàn đầy tô, dĩa các thức ăn, cùng chai, ly thức uống. 
Và không lâu sau đó, trong lúc vài người đã bắt đầu mạnh dạn ăn uống, tiếng nói rổn rảng nhưng có âm lượng của lớp ngói ẩm rêu mùa mưa bị vỡ, ông trưởng phòng giáo dục đầy tính văn nghệ thuyết trình về đợt sáng tác ca khúc mới của mình, và tất nhiên giọng hát Khánh Ly sẽ không cần hát “nhạc Trịnh” làm gì. Ngay từ khởi đầu buổi tiệc, tôi chỉ một tâm trạng xốn xang chờ thấy mặt cô gái Thái là Việt kiều ở Mỹ về, Uyên, Ava Gardner của dĩ vãng tôi. 
Dù sao giọng hát của cô Thanh Liên cũng vẫn giống giọng hát của danh ca Khánh Ly, và nếu những bài cô Thanh Liên hát là “nhạc Trịnh” thì hiển nhiên buổi hát của cô sẽ thành công, nếu không hơn thì cũng ngang bằng bất cứ buổi hát nào của danh ca Khánh Ly. Ông trưởng phòng giáo dục dù sao cũng phải cố kềm chế cơn khát vọng văn nghệ để đồng tình với một vài người trong bàn tiệc, tạm chuyển chương trình giới thiệu những ca khúc mới của mình, còn đâu hơn một nửa số lượng nữa. 
Tôi giật bắn cả thân mình khi nghe chính người chủ tọa buổi tiệc giới thiệu : “Tôi trân trọng giới thiệu nhà thơ hiện đại nhất hôm nay, đọc một sáng tác thi ca hiện đại mới nhất.” Ông trưởng phòng giáo dục vừa nói vậy, vừa đưa cả hai tay trịnh trọng ra dấu cho tôi đứng dậy, cũng may là không nói tên tuổi mắc dịch của tôi. Cùng cơn say, cùng một chút căm thù, vì dù say tôi cũng nhận rõ trong ý nghĩa thật sự của lời giới thiệu, không nhiều thì ít những gì là mỉa mai, ghét bỏ cái mà ông trưởng phòng giáo dục gọi là sáng tác thi ca mới nhất của một nhà thơ hiện đại nhất hôm nay, tôi vụt lên tiếng khước từ chát chúa: “Tôi không có gì để đáp ứng thịnh tình của nhà thơ – khúc tác gia Y, vì tôi đã từ khuya chuyển đổi việc viết và lách, chẳng còn làm được những gì được gọi là thi ca hiện đại… Không lẽ bây giờ tôi làm phiền lỗ tai của tất cả quý vị khả kính ở đây, bằng cách đọc một truyện ngắn hiện đại?… Nhân đây tôi cũng xin xưng tội: tôi còn tập tành viết lách truyện ngắn hậu hiện đại, nghĩa là cái thứ còn gớm ghiếc hơn cả hiện đại nữa.” 
Sau giây phút bặt thinh của sự kinh ngạc và sự khủng khiếp, buổi tiệc tìm lại hưng phấn của cuộc liên hoan văn nghệ đờn ca. “Thôi, bây giờ tôi tự trình bày ca khúc số… trong album Những Ca Khúc Viết Cho Nỗi Hắt Hiu, vì thấy những ca khúc này hơi khó cho cô Thanh Liên chưa tập thử qua nhiều lần,” ông trưởng phòng giáo dục vừa nói vừa vặn chỉnh những nút dây đàn Tây Ban Cầm, rồi những vẻ mặt lắng nghe tiếng đàn mạnh bạo của sự hắt hiu, tiếng hát rổn rảng của lớp ngói rêu mùa mưa bị vỡ… 
Tôi bất chợt nhận ra sự vắng mặt của người bạn đồng hành, nỗi ngạc nhiên của tôi trôi tuột trong cơn mong ngóng cơ hội nhìn thấy Uyên, cái nhìn của tôi nghiêng lách, len lỏi qua nhiều che khuất của những người ngồi lân cận. Cùng với cơn say gia tăng, tôi lại đứng lên, ngật ngưỡng chỉ vì men bia lộng hành, có thể vì vậy tôi bắt gặp đâu đó quanh bàn tiệc, ánh nhìn của những người nghĩ rằng họ đứng đắn, phải tỏ rõ thái độ, rằng sự ngạo mạn của tôi là thậm đáng trách. 
Tôi sẵn lòng trả giá để thấy chân dung của linh hồn dĩ vãng tôi, quả thật Uyên có mặt ở đây như lời người bạn vừa mất tích đã nói. Quả thật đấy là khuôn mặt song trùng, thuở Ava Gardner uống rượu còn chừng mực, trong quán rượu của những tay đấu bò chưa sa đọa ở Madrid; và quả thật Ernest Hemingway có tới uống rượu ở đây để nhìn chân tướng của sự dũng cảm, ông cùng lúc nhận ra ngay lập tức khuôn diện của người đàn bà đích thực là đẹp. 
Tất nhiên ngay sau đó tôi lại ngồi xuống chỗ của mình, nghe một người nói: “Vậy là chàng râu ngô không tới được rồi.” Vài ba người nói vài ba chuyện về người vừa được nhắc tới là “chàng râu ngô.” “Tôi liên tưởngChàng Râu Ngô giống Chàng Đỏ, các chị có đọc truyện The Red của nhà văn Somerset Maugham rồi chứ?” 
Không phải cô gái Thái nào trả lời Uyên, mà chính ông trưởng phòng giáo dục trả lời, vì ông trưởng phòng giáo dục vừa rất văn nghệ vừa giỏi tiếng Anh: “Tôi cho rằng Somerset Maugham hư cấu quá nhiều. Làm sao người ta từng sống với nhau mà không nhận ra nhau, sau một thời gian xa cách?!” 
Tiếng Uyên vẫn như ngày nào, cách đây gần ba mươi năm: “Somerset Maugham đi đây đi đó rất nhiều, ông từng trải, nhưng khi viết truyện thì ông có toàn quyền hư cấu theo ý mình. Có lẽ ông giả định một ngày nào đó sẽ có chuyện thật xảy ra như vậy.” Tiếng cười đây đó, tiếng nói: “Vậy là chị Uyên cũng nhận định như tôi về chuyện The Red.” 
Uyên chỉ nói mỗi chuyện ấy, tôi đoán chừng Uyên là cô giáo dạy môn Văn ở một trường trung học hay đại học nào đấy bên Mỹ. Cho tới lúc mãn tiệc ra về, tôi chỉ nghe giọng Uyên qua mỗi chuyện ấy. 
Uyên cùng ra về một lượt với các cô gái Thái. Trên lối hành lang dài, tôi bước vội theo. Một bàn tay giá lạnh nắm lấy tay tôi, trì níu lại: “Chờ tôi với chứ… nhưng ông chở tôi… mà ông có biết đi xe Spacy không?” Tôi tuyệt vọng nhìn Uyên lên xe hơi cùng các cô gái Thái. 
Về nhà người bạn, rất may bạn lăn ra ngủ, tôi được một mình ngồi hút thuốc lá liên miên trên chiếc ghế đặt ngoài trời khuya giá buốt. Khuya lắm, Uyên tới tìm tôi, dáng Uyên vẫn hơi cao và hơi gầy, khuôn mặt vẫn hơi say rượu những đêm Madrid, tiếng nói vẫn nhỏ nhẹ, hơi đau ốm: “Anh thì chắc tin rằng cặp tình nhân Chàng Đỏ có thật trong cuộc đời?” 
Nhưng đấy là tôi mơ ngủ thấy Uyên mà thôi. Tiếng người bạn chợt thức giấc sao đó, từ trong căn nhà vọng ra: “Chưa đi ngủ sao, chàng Werther lão niên thi sĩ!” 
*
Câu chuyện của cái truyện ngắn ở trên, tóm lại là như vậy. Tôi chẳng thắc mắc, nghĩ ngợi gì nữa, về những cái tôi đã viết ra, đã đăng trên báo in hay báo mạng. Chúng là những tử thi, như nhà thơ Nguyễn Đăng Thường nói vậy, về những gì ông đã phổ biến đăng tải trên báo in hay báo mạng, hoặc cả trong ấn phẩm sách quý nữa. 
Ấy tuy nhiên một lần gặp người đồng-phụ-trách báo mạng X, từ Úc-đại-lợi về thăm quê hương khốn khổ, chúng tôi chuyện trò lan man các thứ, trong đó có cái chuyện về truyện ngắn này. “Nhân vật trưởng phòng giáo dục trong truyện ngắn… đang sống ở hải ngoại phải không? Cái truyện ngắn ấy đăng được khoảng một tháng, ban biên tập chúng tôi nhận được e-mail dài cỡ trang giấy A4, của một người xưng là độc giả của nhà thơ – nhạc sĩ Y, tức nhân vật trưởng phòng giáo dục trong truyện ngắn. Nội dung e-mail, một nửa là những lời thóa mạ kịch liệt tác giả truyện ngắn, nửa còn lại tán tụng hết mức tài năng thi ca của nhà thơ – nhạc sĩ Y. Kèm theo là một chùm thơ năm sáu bài gì đấy của nhà thơ – nhạc sĩ. Ban biên tập chúng tôi biết tỏng đây là e-mail của chính nhân vật trưởng phòng giáo dục trong truyện ngắn của anh. Làm gì có độc giả nào, dù là nữ, cô ấy hay chị ấy hay bà ấy có mê say thi ca của nhà thơ – nhạc sĩ Y đến đâu, cũng không tận tụy miệt mài viết cái e-mail hừng hực lửa lòng như vậy, còn kèm theo cả một chùm thơ về nỗi hắt hiu hoành tráng của nhà thơ thần tượng ấy nữa! 
“Thế các anh có đăng chùm thơ ấy không?” Tôi hỏi người đồng-phụ-trách báo mạng X. Anh lắc đầu: “Toàn là những cảm xúc mưa phùn, nỗi hắt hiu sáo mòn giả tạo, chùm thơ vô thưởng vô phạt, chúng tôi không thể đăng được.” 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

viết thêm quanh chuyện tác giả của “giáp ngọ niên bình nam đồ”


Tâp San Su Dia 29
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Man Nhiên vừa cho chúng ta biết nhà nghiên cứu sử Tạ Chí Đại Trường không phải là người nhận thấy và lên tiếng sớm nhất đính chính sự sai lầm của nhóm phiên dịch và giới thiệu sách Hồng Đức Bản Đồ năm 1962 về tác giả của “Giáp ngọ niên Bình Nam đồ.” Trong bài “Quần đảo Hoàng Sa,” đăng trong tập san Sử Địa số 29 với chủ đề “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa,” phát hành từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1975 tại Sài Gòn, học giả Hoàng Xuân Hãn đã viết:
“Nhân tiện, xin mách một sự lầm trong sách ấy về tên vị đốc suất Đoan quận-công sai vẽ bản Giáp ngọ niên Bình Nam đồ. Đó không phải là Nguyễn Hoàng như chú thích ở trang 139 đã ghi. Ấy là Bùi Thế Đạt, làm đốc suất coi trấn Nghệ An năm Giáp Ngọ 1774 (Đại Việt Sử kí tục biên)…”
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Man Nhiên hoàn toàn đúng. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã lên tiếng về điều ấy từ đầu năm 1975. Tôi thành thật cám ơn ông Nguyễn Man Nhiên đã nhắc cho biết như thế. Phía sau là bản chụp những lời của Gs. Hoàng Xuân Hãn ở trang 14 của tập san Sử Địa số 29 (tháng 1 đến tháng 3 năm 1975):
clip_image002
(Tập san Sử Địa số 29. Bản do nhà xuất bản Văn Nghệ và Khai Trí chụp in lại ở hải ngoại năm 1992. Bài của Gs. Hoàng Xuân Hãn ở các trang 11-22 của số tập san này)
Tạ Chí Đại Trường là một trong những người đóng góp bài cho tập san Sử Địa. Qua những câu anh viết trongThần, người và đất Việt (Westminster, CA : Văn Nghệ, 1989), ta không thấy dấu hiệu chứng tỏ anh đã đọc bài viết của Gs. Hoàng Xuân Hãn (hoặc đã đọc nhưng có thể chưa chú ý đúng mức tới chuyện giáo sư “mách một sự lầm”):
“Thực ra nỗi phân vân trong lập luận của ông (chỉ Gs. Trương Bửu Lâm) là do ông tưởng rằng chữ ‘đốc suất Đoan quận công họa tiến’ trên ‘Giáp ngọ niên Bình nam đồ’ đó là của Nguyễn Hoàng. Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn …. ghi: ‘Giáp ngọ 1774, trấn thủ Nghệ An là Đoan quận công Bùi Thế Đạt dâng sớ xin đánh phương nam, được chấp nhận và được phong kiêm chức đốc suất Bình nam Đại tướng quân dưới quyền Hoàng Ngũ Phúc.’ Như thế năm Giáp ngọ ghi trên bản đồ là năm 1774, thực hiện cho mục đích chinh nam nên có lời chú thêm là ‘Tự Đồng Hới chí Cao Miên giới’…” (Tạ Chí Đại Trường. Thần, người và đất Việt. Westminster, CA : Văn Nghệ, 1989. Chú thích số 10, trang 214). Chỉ dùng Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn để biện minh cho kiến giải của mình, Tạ Chí Đại Trường không hề nhắc tới những lời của Gs. Hoàng Xuân Hãn.
Trong những trang di bút được phổ biến gần đây, anh nhắc lại:
“Trở lại với Bình Nam đồ …Chúng tôi là người đi sau – không ‘sau’ lắm – nên quả quyết đó là bản đồ của Đoan quận công Bùi Thế Đạt vẽ dâng lên Trịnh Sâm, sử dụng cho chiến dịch Bình Nam 1774, chiếm kinh thành Huế. Điều này được ghi trong Thần, người và đất Việt, viết trước năm 1988, in ở Mĩ 1989, Nxb Văn Nghệ. Và dám quả quyết điều xác định này là tuyệt đối.” Tuy “quả quyết” về điều xác định của mình, Tạ Chí Đại Trường vẫn không hề nhắc tới những lời Gs. Hoàng Xuân Hãn viết ra đầu năm 1975.
Các tháng 3 và 4 năm 1975 là những tháng “dầu sôi lửa bỏng” ở miền Nam Việt Nam. Với sự “tổng tấn công” của quân đội miền Bắc, toàn vùng cao nguyên rồi tới Huế, Đà Nẵng … và các tỉnh miền Trung lần lượt thất thủ, đưa tới việc cầm cự ở Xuân Lộc, giao tranh ở Biên Hòa, rồi vòng vây quanh Sàigòn… Trong hoàn cảnh ấy, mấy ai còn tâm trí đọc tập san Sử Địa! Sau ngày 30-4, cùng với nhiều văn hóa phẩm khác của miền Nam, nhiều số đặc san ấy bị tịch thu, thiêu hủy… Mãi 17 năm sau (1992) mới được nhà xuất bản Văn Nghệ và Khai Trí tìm ra một bản cũ, chụp in lại ở quốc ngoại, phẩm chất yếu kém, nhiều trang chữ rất mờ. Tạ Chí Đại Trường bị bắt đi “học tập cải tạo” từ 1975 tới 1981. Tuy từng đóng góp bài cho nhiều số trước của tập sanSử Địa, việc anh không được đọc số 29 là một điều rất có thể xảy ra. Một phần vì những lời “mách” của Gs. Hoàng Xuân Hãn chỉ được đưa ra qua 6 dòng trong một bài khá dài (12 trang), về một đề tài quan trọng và cấp thiết hơn rất nhiều: quần đảo Hoàng Sa.
Người viết những dòng này cũng là một trong những người truy tìm rồi may mắn có được tập san Sử Địa số 29, và đã đọc bài của Gs. Hoàng Xuân Hãn cùng nhiều bài khác trong đó. Xin thú thật là cũng chỉ chuyên tâm tới những chứng cớ về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, không chú ý đúng mức tới câu chuyện về tác giả của bộ “Bình Nam đồ.” Thành thật cám ơn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Man Nhiên đã có nhã ý mách cho biết.
Trong các sử liệu thời Lê hoặc viết về thời Lê, tôi chưa có Lê Quý Dật Sử. Tán đồng nhận thức của Tạ Chí Đại Trường về nhân vật “Đoan quận công” chỉ hoàn toàn dựa theo Đại Việt Sử Ký Tục Biên và Phủ Biên Tạp Lục. Sau khi đọc những hàng “Góp ý” của nhà nghiên cứu Nguyễn Man Nhiên, tôi coi lại thiên “Nhân vật chí” trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, và thấy chuyện Bùi Thế Đạt có tước phong Đoan quận công được nói rất rõ trong đó (Tập I, trang 361, bản in của Nxb Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội năm 1992).
Qua các sự kiện trên, xin được ghi lại những bài học sau:
1) Biển học mênh mông, khó ai có khả năng đọc tất cả những tài liệu cần thiết. Tạ Chí Đại Trường đọc rất nhiều, rất kỹ, nhưng cũng không biết đến những hàng “mách một sự lầm” Gs. Hoàng Xuân Hãn viết ra đầu năm 1975. Trước đó, tuy cũng nhận thấy “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” không thể là tác phẩm của Nguyễn Hoàng, Gs. Trương Bửu Lâm cùng các học giả cộng tác trong ban phiên dịch và chú giải Hồng Đức Bản Đồnăm 1962 vẫn ghi “Đoan Quận công là Nguyễn Hoàng,” không biết có một “Đoan Quận công” khác là Bùi Thế Đạt. Sự kiện Bùi Thế Đạt có tước phong “Đoan Quận công” được chép trong Đại Việt Sử Ký Tục Biên, Phủ Biên Tạp Lục, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (và Lê Quý Dật Sử theo nhà nghiên cứu Nguyễn Man Nhiên), vậy mà các nhà phiên dịch và chú giải Hồng Đức Bản Đồ năm 1962 cùng không biết chuyện ấy. Tôi có tập san Sử Địa số 29 và đã đọc bài “Quần đảo Hoàng Sa” của Gs. Hoàng Xuân Hãn, nhưng đã sót 6 hàng “mách một sự lầm” nằm trong bài, tưởng lầm rằng Tạ Chí Đại Trường là người đầu tiên biết tới vai trò của Bùi Thế Đạt. Trong việc học hỏi, tất cả chúng ta cần hết sức thận trọng mỗi khi đưa ra những lời nói, bài viết mang tính cách “xác quyết.”
2) Các bậc có thực học thường vẫn thận trọng và khiêm tốn. Khi cho in Hồng Đức bản đồ năm 1962, Gs. Trương Bửu Lâm đã viết: "Chúng tôi đã cố gắng … nhưng vẫn không bao giờ quên là tác phẩm còn rất nhiều khuyết điểm hay lỗi lầm," "Mong các độc giả vui lòng chỉ dẫn trong những khuyết điểm cũng như sửa chữa những lầm lỗi." Trong”Lời giới thiệu” bản dịch Đại Việt Sử Ký Tục Biên (dịch và khảo chứng: Ngô Thế Long, Nguyễn Kim Hưng; hiệu đính: Nguyễn Đổng Chi), viết tại Hà Nội ngày 1-7-1981, bổ sung 9 năm sau ngày 12-12-1990, dịch giả Nguyễn Kim Hưng đã viết: “Mặc dù người dịch cũng như người duyệt đã cố gắng hết sức mình, nhưng chắc chắn rằng bản dịch vẫn không tránh được còn nhiều sai sót… Rất mong bạn đọc, đặc biệt là giới nghiên cứu Sử học và giới Hán Nôm vui lòng chỉ bảo cho …” Khi góp ý về chuyện “Tạ Chí Đại Trường và Bình Nam đồ,” nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Man Nhiên cũng viết, Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, có lẽ người phát hiện và lên tiếng sớm nhất đính chính sự sai lầm của nhóm phiên dịch và giới thiệu sách HĐBĐ khi cho rằng tác giả của GNNBNĐ là Đoan quận công Nguyễn Hoàng … là học giả Hoàng Xuân Hãn.” Những thái độ thận trọng và khiêm tốn như thế thật đáng kính trọng.
Thành thật cám ơn nhà thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Man Nhiên đã nhắc tôi đọc kỹ lại một số tập san vẫn được giữ để đọc từ trên 20 năm nay. Trong niềm xúc động khi nghe tin nhà nghiên cứu sử Tạ Chí Đại Trường vừa qua đời, cũng như nhiều thân hữu khác, tôi có ý muốn “vinh danh” anh, nên đã không kiểm chứng lại một cách đúng mức tất cả những tài liệu hiện có. Tuy đọc sót bài viết về Hoàng Sa của Gs. Hoàng Xuân Hãn, chỉ với Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Tạ Chí Đại Trường vẫn mạnh dạn nói lên sự không đồng ý của anh đối với các nhà phiên dịch và chú giải cuốn Hồng Đức Bản Đồ về nhân vật Đoan quận công. Dù không là người đầu tiên phát hiện và lên tiếng về vai trò của Bùi Thế Đạt, Tạ Chí Đại Trường vẫn tự có những nhận xét độc lập mang tính cách khám phá, và mạnh dạn nói lên những nhận xét ấy.
Trần Huy Bích
(14 tháng 4-2016)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

trang sức lạ * trong hẻm cụt, ngõ cụt, con đường cụt


Trang Sức Lạ


Hạt giống đã vùi quên hàng trăm năm 
Hôm xưa vươn mình đâm chồi trổ lá 
Kết thành chiếc nậm xinh xinh
Chiếc nậm người bạn núi từng đựng cháo chua 
Trưa khát nốc thèm còn liếm mép
Chiếc nậm cô sơn nữ gùi những hoàng hôn 
Chiều chiều ngâm mình dưới bến
Chiếc nậm nhỏ nhắn 
Ủ men 
Rót một thứ tình dẻo keo sóng sánh 
Sưởi nồng hơn lửa
Sưởi đến vụn vỡ 
Sưởi đến ngộ ra
Chiếc nậm từ hạt giống trăm năm 
Là chiếc nậm chữ
Nhà văn uống vào đẻ ra văn 
Người ngu ngơ uống vào thành thông thái
Kẻ khom lưng uống vào đi ngay thẳng 
Gã ác uống vào thành hiền nhân
Già uống vào hóa thanh xuân 
Lời nói luôn ngát hương, thơm tràn trên cõi đất
Người đẹp càng thêm đẹp 
Thế giới trong veo như lòng trẻ con
Hạt giống kẹt trong kẽ đá hàng trăm năm, ngàn năm 
Đang trở mình trổ lá
Mai kia loài người thêm trang sức lạ 
Mang bên mình chiếc nậm con con…

Trong Hẻm Cụt, Ngõ Cụt, Con Đường Cụt

    
        * Tặng Chuột Hoàng – nhân đọc bài “Ngõ Cụt Đông Người” của Chuột!   
Ở ngõ cụt, hẻm cụt, con đường cụt 
Ta và em giung giăng
Giung giăng trước vạc dầu 
Giung giăng trước những trò xẻo tai xẻo mắt
Giung giăng trước tiếng rên 
Sau tiếng khóc 
Bên tiếng gào la
Trong ngõ cụt, hẻm cụt, con đường cụt 
Kiếp trước ta chưa gặp, kiếp này ta đã gặp 
Ta giung giăng
Một ngày trên dương gian 
Ba vạn ngày trên dương gian 
Em đã bao nhiêu lần cười, bao nhiêu lần khóc?
Tình yêu nào là giả, tình yêu nào là thật 
Đã cho em?
Thức ăn ngày ngày ta ăn 
Đều nhiễm độc
Miếng thịt tươi 
Mớ rau xanh 
Cả câu thơ ngòn ngọt
Những lời chối tai rát buốt 
Những đêm không ngủ tuột chăn
Trong ngõ cụt, hẻm cụt, con đường cụt 
Lành như đôi ta 
Giung Giăng, Giung Giăng…
Phần nhận xét hiển thị trên trang