Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Chuyện văn nghệ... Vương Trí Nhàn

19-5
        Gặp nhau tại Yug-zapatnoe , Ng Khải điểm qua tình hình văn nghệ:
         -  Lão Nguyễn Đình Thi phen này mà mất việc đi Tây, thì cứ gọi là con mẹ Tuệ Minh nó bỏ ngay. Mà không hiểu sao, xứ mình sinh ra cái lão lẩm cẩm loại đó.
      Bây giờ cứ thấy mấy người đang đứng trò chuyện là lão ấy  nhảy xổ đến, lão ấy giảng cho mình về văn học, văn học nó phải như thế này, nó phải như thế kia. Làm như là không ai đọc cả ấy. Lúc nào cũng chê anh em bây giờ nó không biết gì. Vâng, các ông được Tây nó dạy cho tí tiếng Pháp, nhưng anh em bây giờ nó đã có tiếng Nga, chắc ai đã đọc hơn ai.
     Lại còn bố Nguyễn Tuân nữa. Bố ấy cứ tưởng bố ấy là một quyền lực, ai cũng phải sợ, loại như tôi bây giờ muốn làm gì phải đến chào, đến xin ý kiến. Tôi thử không đến, xem đã chết  ai chưa nào. Trông thấy ông ấy ở đâu, mình chỉ chào bác ạ một câu, rồi chuồn ngay, chả mặn mà gì.
    Có lần, mình đang đứng đấy, bố ấy lại vươn người qua mặt mình, để bắt tay người khác. Thì mình lùi ra để cụ ấy làm việc ấy cho tự nhiên, cần gì.
- Sao ông Tuân vừa rồi lại còn nói có vẻ thân ông Tố Hữu thế?
- Nói cho sang thôi, ra điều người ta xuống, mình vẫn nể. Cũng là một cách làm phách.
        

         - Loại như Nguyễn Văn Bổng thích ra làm lại báo Văn nghệ lắm! Nhưng tôi chả dại, chả dùng làm gì, đập mình đập mẩy cũng mặc.
          - Ấy, hồi trước mình rút lui cũng không được hay lắm, nên phen này phải tính kế rút từ sớm mới được.
     Nhớ hồi  làm bản đề dẫn hội nghị Đảng viên, một hôm họp ở Đảng Đoàn, ông Hoàng Trung Nho cứ bắt nọn rằng anh Nguyên Ngọc trong sáng lắm, không thể viết như thế này được. Tôi mới phải bảo ngay là các anh ngờ cho tôi chứ gì? Nhưng khôn ngoan như tôi đời nào viết thế, để các anh bắt vạ à?
     Anh Đức với Nguyên Ngọc giống hệt nhau nhưng chính vì vậy, Anh Đức không muốn Nguyên Ngọc ra phụ trách báo Văn nghệ. Thằng ấy mà ra, tính nó là hay thù vặt lắm, sẽ rất chuyên quyền, sẽ trị bọn Nam bộ chúng tôi cho mà xem. Tôi phải nói ngay là anh cứ để nguyên, tôi đến tôi bảo anh Nguyên Ngọc. Mà này, mỗi ngày một ít, Nguyên Ngọc nó cũng nghe ra đấy. Không ra mà làm bây giờ thì ở nhà làm gì.
    - Tội nhất bây giờ là anh Tố Lành nhà ta. Từ trong Sài Gòn ra, tôi với Anh Đức bàn nhau đến chơi ngay. Cũng là để an ủi người mà cũng là để cốt xem bề trên của mình khi thất bại thì thế nào. Quả thật, cho tôi viết về hình ảnh ông ta thì cũng ra cả cuộc cách mạng của mình. Nghĩa là người vẫn béo thế, nhưng ngơ ngác, ngớ ngẩn, đúng là một đống đổ nát. Lại còn hỏi tôi là báoVăn nghệ nó dùng bài của mình viết về anh Ba, nó có cắt cái gì đi không. Rồi ra về, lại còn khuyên mình viết cẩn thận, viết không cẩn thận bây giờ là  cắt cổ.
    -- Từ hôm mới ra, tôi đã nghe ông Kim Lân kể ngay sau khi nghe tin ông Tố Hữu mất chức, mình đến chơi ngay. Ôi thôi, người anh em vừa trông thấy nhau từ xa, đã dàn dụa cả nước mắt
     Nhàn :
     -- Tôi ngờ, ông ấy còn làm thơ nữa
     --  Không, muốn làm được, phải bình thản lắm cơ. Thơ đâu phải chuyện muốn là được.
     Nhớ hồi lão còn khoẻ, có lần mình đến, lão vỗ vai mình một cái, mà sụn cả lưng. Bọn Việt kiều về, gặp lão xong, nhiều thằng nó kể rằng ông ấy cứ vuốt tay mình "yêu nước nhé" " yêu nước nhé",  dề dà như ma nói vậy.

     - Cấp trên thì có ông Lành, cấp dưới thì có ông Chí Trung. Thằng ấy cứ đâu có mặt trận thì nó phải đi bằng được. Vừa rồi lão sang C, bị thương vào tay. Đến nhà tôi chơi. Hàng xóm láng giềng nghe nói có người mới bị thương, không ai tin. Vì đối với người ta, chiến tranh đã lùi hẳn về xa rồi.
Thằng Châu nó bình luận: Đúng là người của chíến tranh, luôn luôn  muốn nộp mạng cho chiến tranh mà cái chết còn chưa nhận cho. Thật thằng này mà lại quay về sống bình thường với vợ con, thì không làm sao hiểu nổi.
    ( Hôm nọ Nguyễn Khoa Điềm kể một câu chuyện nghe được bên Nga: một nhân vật , từ chiến trường trở về, tối không nằm với vợ, mà lại  trải đệm ra nằm ở một góc nhà!)   
    
   - Ở VNQĐ bây giờ, một lũ đại tá ngồi lúc nào cũng bàn về tử vi. Ông Oánh cũng xem tử vi. Xem về tôi, rồi bảo thằng này còn lên to nữa. Còn xem chính hắn thì buồn lắm. "Số tôi là số thằng ăn mày ông ạ. Chỉ may có mấy ngôi sao văn học".
  
    Khải nói tiếp chuyện đổi mới bên nhà
    Hồi hội nghị Đảng viên, gớm, cả VNQĐ lúc nào cũng chong đèn. Nơi này nhận định Nguyễn Đình Thi cơ hội, nơi kia có ý kiến phải cảnh giác với lớp trẻ làm loạn, quay cờ v.v… Ông Nguyễn Chí Trung có lần bước ra ngoài sân, vỗ vỗ vào đầu:
   -    Trời ơi, sao tôi nhiều việc thế này.
     Làm như sẽ có một cuộc chiến đấu, mà một bên là ông Tố Hữu, một bên là ông Nguyên Ngọc, oai ra phết.
     Trong khi ấy, phía bên kia, các ông ấy chả động tĩnh gì, chỉ chờ đến ngày đến tháng là đét vào đít.
    - Lại nói về Tố Hữu. Ông ấy bảo mình. Này cậu có viết, cũng chỉ nói về tiểu thôi. Đừng viết về sư thúc, sư  bá, họ cứa cổ.
    Đối chiếu với những gì ông ta dạy mình từ trước tới nay, thấy ngược hẳn.
   - Loại người như tôi, thế hệ tôi, đáng nhẽ phải ra từ 10 nay rồi. Nhưng vì năm ấy bố Ngọc bố ấy loay hoay gỡ không ra, nên hỏng.
   Tôi nhìn việc mình làm, lại so sánh mình với cánh Anh Đức, Bằng Việt, thấy bao giờ mình cũng còn thừa một cái gì đấy.
     - Họ (lớp trẻ) nhìn mình bao giờ cũng như mình nhìn loại Nguyễn Đình Thi, tức là có gì đó văn hoa quá, không cần thiết.

    Lão Thi kỳ vừa rồi, vẫn bị ngờ. Đến là khách mời của đại hội Đảng cũng không được. "Tâm không sáng lắm". Lê Đức Thọ bảo vậy.
   Lão Chế Lan Viên tuy thế, vẫn có những việc mà không ai thay thế nổi. Nghĩa là cần nói cái gì thì cứ thế dốc tuột cả ra. Gần đây, nhiều lần, lão chỉ vào những Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh. "Thế nào, các uỷ viên thư ký này, các anh nói đi chứ? Sao lại cứ để tôi nói cả ?"
    Ngày xưa lão từng nói trước buổi họp. Anh Tô Hoài gọi tôi ra “Thằng Nguyễn Đình Thi học trò rát lắm, cho nó thôi đi, tôi với anh cùng làm". Rồi lại đến anh Nguyễn Đình Thi bảo tôi "Thằng thợ thủ công Tô Hoài khôn như ranh, tôi không thể chịu được, tôi với anh cùng làm". Có đúng thế không nào?  Các anh có coi nhau ra gì không?
    Hai lão kia phải im.
    Tôi cũng đã từng bị hố với lão một trận. Tôi cũng tâm sự thành thật: “Làm việc với Nguyên Ngọc không phải dễ đâu, nó cũng độc đoán lắm, gia trưởng lắm.” Ông ấy cũng nói tuột ra giữa đám đông, có chết mình không chứ!
    Từ nay, mới rút kinh nghiệm. Cứ muốn nói gì với mọi người, chỉ cần rót vào tai Chế Lan Viên, thế là đến với hết thảy mọi người.
    Này, phải công nhận là chúng ta chán cái đám già lắm, nhưng cũng nên biết là nhờ họ, văn học cách mạng mới còn là văn học.
    Cứ lấy thế này mà so sánh thì biết. Lão Nguyên Ngọc vừa lên một cái là lùa anh em đi thực tế. Nguyễn Đình Thi thì không, bần cùng lắm mới tổ chức một chuyến làm phép.
   Cả Tố Hữu và Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Văn Bổng , Hoàng Trung Thông và Chế Lan Viên, họ đều có quyền tự hào là họ đã giữ văn học khỏi để cho các lão cán bộ chính trị biến văn học thành tuyên truyền. Có thể là họ lươn lẹo, có lúc hèn hạ đầu hàng, nhưng mỗi người một tí, người này chán có người kia, họ có tham gia vào việc giữ gìn đó.
   Thử nhìn lại, mấy chục năm nay thì thấy,  ngoài văn học có được cái gì đâu!

    Nguyễn Khải kể mấy hôm trước, Ng Văn Hạnh lệnh Từ Sơn gọi tôi lên, hình như có việc gì quan trọng lắm. Tôi mới nghĩ, khéo mình lại biến thành mật vụ của Đảng mất.
   -- Tôi phải hỏi thẳng với các anh, thế này là thế nào? Chả gì tôi cũng là một nhà văn danh tiếng. Có việc gì riêng, các anh phải đến với tôi. Còn như công việc chung ở đây đã có anh Nguyễn Đình Thi, anh Chính Hữu. Các anh có cần gọi thì gọi cả ba chúng tôi lên, hoặc nếu không thì gọi mình anh Thi lên mới đúng. Chứ tôi đang là Phó tổng thư ký, tôi không vượt mặt cấp trên của chúng tôi được. Còn nếu như các anh không dùng anh Thi nữa, đấy lại là chuyện khác!
   Hôm sau, ông Hạnh phải xuống, sượng sùng xin lỗi.

   - Lão Tô Hoài  nửa đùa nửa thật bảo mình mà làm chủ tịch, Khải mà làm tổng thư ký, chắc rất hay. Sẽ đúng là một hội Ba Giai -Tú Xuất. Nghĩa là chả có gì quan trọng cả. Chỉ chia những chuyến đi nước ngoài cho công bằng, thế là chả ai làm gì được cả.
     Nhàn:
    -- Nhưng mà có gì gọi là quyền lợi của người phụ trách  lão ấy sẽ qươ hết.

29-5
    Lại Nguyên Ân mới sang. Về không khí chung, Ân nói mấy ý:
   - Ông Khải không sấn sổ nhảy ra làm các việc, mà có vẻ từ từ, tuyên bố để anh Thi đấy, tuyên bố đưa Điềm ra v.v
    Làm thế chẳng qua là để giữ giá. Sau này, có bầu lão chức gì, thì cũng là do tài của lão, chứ không phải do cấp trên áp đặt.
    - Chính ra, cũng có phương án lập một Ban trù bị, bên cạnh Ban thư ký (ban trù bị đại hội, gồm Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Kiên v.v..). Ban trù bị lo chung về Đại hội. Nhưng khi đưa ra hội nghị Ban chấp hành thì thấy không nên. Mà người cho ý kiến lập Ban trù bị nốc ao, đó là Bằng Việt.
    Trong buổi họp BCH, Bằng Việt bảo: 
     -- Tôi thấy ta hay tuỳ tiện lập ra những tổ chức vớ vẩn. Thế nay mai anh Nguyễn Khải lập ra tổ chức nào đấy, anh mời tôi, tôi không nhận thì sao. Tóm lại là không được.
     Thế là thôi.
    Ý Nhi giải thích Bằng Việt vẫn cay từ hồi đại hội trước. Nguyễn Khoa Điềm được vào Ban thư ký mà Bằng Việt không. Cho nên, hắn chẳng hưởng ứng gì cả .
     Tôi nghĩ: Có lẽ Bằng Việt  nghĩ  tự hắn mới thay đổi được tình hình chăng?


   Cuộc đấu tranh già trẻ, còn căng thẳng lắm.
   Ví dụ, vừa rồi có chuyện Hội đồng dịch. Ai sẽ làm? Cuối cùng là ông Nguyễn Xuân Sanh. Vì ông Sanh là ủy viên Ban chấp hành mà những người khác, không phải uỷ viên BCH.
   Phan Hồng Giang cáu lắm. Một lão Hữu Mai  bốn ngày nữa, ra khỏi Ban thư ký mà hôm nay, còn ngồi quyết định cái chuyện về hội đồng dịch, như thế nghĩa là thế nào?
    Tóm lại, không thể chơi tử tế với lớp già được!

     Còn chuyện đấu tranh cũ mới.
 Theo chữ của Nguyễn Khải ,“bọn TW” bây giờ ăn nói với nhau cứ như hàng tôm hàng cá. Hà Xuân Trường bảo báo Văn nghệ các anh phải cẩn thận. Các anh làm sao họ nói cho, họ kiện; mà họ đã kiện là chết, cóc có ai xử cho anh đâu!
   Tại hội nghị BCH, ông ta lại nói rằng chúng ta phải đề phòng, gần đây tình hình Hội, tình hình văn học, như có một luồng gió đen. Thế là Vũ Tú Nam phải đứng lên. "Tôi là bí thư Đảng uỷ ở đây, tôi không hề thấy có một luồng gió đen nào cả?”
  Ân kể: sau này, đến tai ông ông Linh, ông Linh tỏ ý không bằng lòng.

   Một ví dụ về sự tan nát của Hội Nhà văn - báo Văn nghệ:
    Ông Đào Vũ lung lay lắm rồi. Định đưa cánh Ngô Ngọc Bội lên, nhưng hỏng. Cánh Ngọc Trai, Võ Văn Trực chống lại. Nhiều tin đồn là Nguyên Ngọc sẽ về. Đào Vũ đi lên trên vận động chỗ bà Mai (vụ phó vụ báo chí ) để tại vị. Lúc đầu tưởng đã xong, ông Lê Xuân Đồng đã đồng ý. Nhưng ông Độ không chịu, Hội Nhà văn không chịu.
   Đúng lúc này, đẻ ra một tình hình mới. Báo Văn nghệ đề nghị tăng giá. Bưu điện họ không bằng lòng. Mà nếu bán theo giá cũ, thì mỗi số, báo Văn nghệ lỗ 1 triệu. Tháng lỗ 4 triệu. Thế là Đào Vũ làm đơn xin đình bản báo và  bỏ đi Sài Gòn.  Nguyên Ngọc có về, thì cũng là về trong hoàn cảnh rất khó.
     Về Tạp chí mới (Tác phẩm văn học ) ông Chính Hữu, bà Tú nhận định: Nguyễn Đình Thi thấy có thể mất tổng thư ký, nên  chạy về làm. Và ông Thi dựng ê kíp của mình, Hoàng Trung Thông, Thợ Rèn v.v..
    Bùi Bình Thi chỉ còn là người đi thu bài. Ngọc Tú không có quyền gì. Ông Thi bảo tôi ở nhà, tôi duyệt bài. Nếu tôi đi vắng, anh Thông, anh Kim Lân sẽ duyệt. Như vậy, lại khác rồi.
   Lại Nguyên Ân bình luận: Đây là một thứ tạp chí của các cựu chiến binh và trưởng lão, nó sẽ là tạp chí thương phế binh.

  Bài của tôi (VTN)  về Thời xa vắng gửi báo Văn nghệ, ông Đào Vũ không đăng, bảo chúng ta không trở lại vấn đề này nữa. Ở Tác phẩm văn học, ông Bùi Bình Thi cầm về xong cũng không đăng (chỉ giản đơn là nhắc nhiều đến Lê Lựu nhiều quá đã là không hay rồi!)
   Nhà xuất bản của tôi đang ra cuốn mới của Nguyễn Minh Châu.
   Ban đầu, ông Châu lo lên đại tá ở bộ đội, lại lo bộ đội đánh, nên phải tranh thủ đưa truyện viết về  bộ đội vào, và cuốn sách chỉ đề tên là Chiếc thuyền ngoài xa
    Bởi vậy lời giới thiệu của Lại Nguyên Ân không đăng được, cơ quan  giải thích rằng không có trang và Nguyễn Minh Châu sợ lôi thôi!
   Đến khi Nguyễn Minh Châu lên đại tá rồi, thì lại muốn đề là Truyện ngắn Nguyễn Minh Châuvà muốn dùng bài Ân - nhưng đã đưa bản thảo đi rồi.
     Ân  đưa sang báo Văn nghệ cũng không đăng.
   Tóm lại, tất cả tình hình văn học bây giờ đang loạn, và mọi sự cứ rối mù, cứ xoắn xuýt vào nhau
   Người nào cũng lo quyền lợi của mình. Lo việc trước mắt không xong còn lấy đâu mà lo làm những việc lâu dài. Không thể có đồng lòng nhất trí , cho nên chắc chả làm gì được.

18-7
   Tế Hanh bữa nọ kể về Tố Hữu nhà bây giờ vắng vẻ lắm. Ông thư ký ngồi ngáp, bảo là không có việc gì.
   Ngày trước, Tế Hanh muốn đến gặp không được. Hàng rào công việc của Tố Hữu đã ngăn cách tất cả. Lúc nào cũng có điện thoại. Bây giờ ông Tố Hữu phóng ô tô đi các nơi, đến gặp Lưu Trọng Lư, Tế Hanh. Và ông đòi đăng từng bài báo nhỏ, ở báo Văn nghệ. Nghe nói trong Sài Gòn, nó còn cắt cả bài của ông ta nữa, khi thấy có chuyện lướng vướng nào đó (chuyện bạn thơ gì đấy).
   Năm nay 1987, là kỷ niệm 50 năm tuổi đảng và tuổi thơ của Tố Hữu. Đề nghị NXB Văn họclàm cho một tuyển 50 bài, sau lại thay bằng một tuyển 100 bài. Không hiểu NXB Văn học có chịu không. Mọi khi, còn chưa có ý định, nó đã bảo ông làm rồi…
  Báo Thể Thao & Văn hóa một số giữa năm có đăng kỷ niệm về  Nazim Hikmet và mấy bản dịch mới của Tố Hữu. Cũng chẳng ra sao cả.

    Tế Hanh hé ra một việc lớn khác: Nghe nói, phen này, phe ông Thi rất muốn trì hoãn đại hội nhà văn, vì sợ sẽ bị lật nhào.

29-9
   Lê Lựu kể:
   Trong một bài viết về tình hình văn học ( có cái ý “sống bây giờ đáng ngại nhất lại là đồng chí đồng đội mình“), người đại tá mà tôi nói ở đây, chính là Tố Hữu.
Chẳng phải, tại hội nghị đảng viên, ông Tố Hữu đã sầm mặt lại, khi nghe nói đến các tiêu cực. Thế mà bây giờ, ông ta nói với ông Khải đầy giọng kích động. Khải hiểu ngay:"Lão lại muốn mình làm tên lính tiên phong trong mọi việc mà". Đáng sợ.

  Lê Lựu nói tiếp:
  - Ông Khải cư xử có mấy cái tài. Thứ nhất là đưa được Ngọc ra làm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Tại hội nghị ban thư ký, Nguyễn Khải nói như thế này: “Bạn với anh Ngọc thì tôi không bạn được. Đấy các anh xem, tôi với anh Ngọc có chơi với nhau được lâu bao giờ đâu. Nhưng làm tổng biên tập, thì lúc này, không ai bằng Nguyên Ngọc.”
  Thứ hai là đưa Hữu Mai ra khỏi Ban thư ký. Vì việc này có xong, thì việc trên mới lọt được. Bây giờ, ông Nguyễn Khải ấy cứ phất phơ như thế mới hay, làm không làm nhiều mà bỏ cũng không bỏ hẳn. Ai muốn bình luận thế nào thì bình luận. Nhưng việc chính, đừng hòng qua khỏi mắt hắn.
   
   
8-11
     Chuyện do Trần Đình Sử kể:
    Vừa rồi (7/10) cuộc họp của ông Linh với giới văn nghệ sĩ (100 người tiêu biểu). Giới phê bình chỉ có Nguyễn Đăng Mạnh được mời. Ông Mạnh nói nhiều, trong đó có cái ý sau này mọi người hay trích dẫn "Đảng không thèm nghe ai, chỉ giảng giải, coi khinh văn nghệ sĩ v.v…"
    Cuộc họp đó, không báo nào thèm nói tới, kỳ lạ thế. Nguyên Ngọc phải chạy đi hỏi, rồi cho đăng bài tường thuật, do chính Nguyên Ngọc viết (báo Văn nghệ chỉ có mình Nguyên Ngọc được mời họp).
     Từ Sơn trên Ban văn hóa văn nghệ tự thân đến báo Nhân Dân đề nghị đăng tin. Có những người như Hoàng Trung Thông, không được mời đến dự họp, tức lắm, đứng ở ngoài chửi ầm lên "Tại sao lại làm cái lối ấy?”
    Nguyễn Đình Thi có nói một câu (được Nguyên Ngọc đưa lên báo), đại ý nói có mở rộng dân chủ cũng nên mở vừa vừa thôi, kẻo rất phiền. Câu ấy đăng lên, ông Thi đâm hố, đi đâu cũng phải thanh minh (chính Nguyễn Đình Thi, trong những kỳ họp ở Hội nhà văn mấy hôm sau  cũng không nhắc gì đến buổi họp với ông Linh cả).

    Sau buổi họp với giới văn nghệ, có việc Bộ Chính trị thông qua một nghị quyết về văn nghệ. Toàn Bộ Chính trị dự và tán thành. Cả ba ông cố vấn dự cũng tán thành. Ông Trường Chinh thêm vài điểm, ông Lê Đức Thọ nói dài nhất, hơn một tiếng đồng hồ, có cái ý nói rằng chính ông ta cũng thấy thế này từ lâu rồi, nhưng Hà Xuân Trường không làm được, giờ Trần Độ mới làm được. Rồi gì gì nữa. Thế là ông Phạm Văn Đồng vặc, chúng tôi biết cả rồi, thôi anh đừng giảng nữa. Rồi ông Phạm Văn Đồng lại nói một lúc nữa, chả ai hiểu ông muốn nói gì, nhưng hình như không được ưng lắm (thì vị trí độc tôn của ông ấy trước đây mất rồi còn gì!).
     Về phản ứng của giới thủ cựu trước khi có nghị quyết, đi đâu Phan Cự Đệ cũng bảo ông Linh đang là phe thiểu số, đừng tưởng ai cũng nghĩ thế cả đâu. Có thấy người ta để Tổng bí thư ký không. Đấy là họ bắt Nguyễn Văn Linh chịu trách nhiệm.

    Liên quan đến phê bình một chút là chuyện sau đây. Một lần, tại hội nghị giới phê bình trẻ, ông Đệ cho  Phạm Xuân Nguyên lên phát biểu, đá ông Mạnh mấy câu (bài viết về phê bình ở báo Văn nghệ), đá Lại Nguyên Ân mấy câu (bài trên báo QĐND), đá Trần Đình Sử ( cuốn Thipháp thơ Tố Hữu). Xong, lại xoay ra hỏi:
  - Tôi nói thế này, có làm mếch lòng mấy vị cố vấn báo Văn nghệ.
   Rồi doạ gửi bài cho báo.
  Dĩ nhiên Sử Ân không nói gì. Tình hình căng tới mức ông Khải định dàn hoà, cho Đức Đệ  gặp Mạnh Ân nhưng Mạnh  Ân… không chịu.
    Mạnh đang thời đắc ý của mình. Vũ Trọng Phụng tuyển tập đã được in ra. Mạnh còn tự hào, hôm gặp ông Linh ở Nhà hát lớn, Mạnh ngồi ăn phở ngay trước mặt ông Linh.

   … Cuộc đời cũng chả phải là đáng vui đâu. Cái mới, không do ta mang lại, mà là do cấp trên mang lại.
     Nghe nói, Hội nhà văn+ Hội văn nghệ Hà Nội có một cuộc gặp mặt, nhân ý kiến về báo chí của ông Linh. Một số phát biểu rất hăng. Vũ Bão nói rằng sẽ đi kiện Hoàng Tùng về chuyện phê bình Sắp cưới  trước đây, bảo như thế là vu khống về chính trị (tội cũng nặng như cưỡng dâm trẻ con), không khí cứ loạn xì ngầu cả lên. Nguyễn Khải phải nhận sự việc đã  ra ngoài ý muốn của ông ấy.
   Nguyễn Khải chỉ bình luận thêm một khía cạnh về việc phục hồi hôm nay:
  - In lại tác phẩm lại là cái đáng sợ nhất. Nếu bảo Trần Dần in lại Người ngưới lớp lớp thì chính ông ta cũng bảo đừng, đừng làm thế.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

clip 10 phút về Lịch sử Việt Nam - kiwis.vn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Đối thủ (truyện ngắn Nguyễn Ngọc Chiến)


           Tôi gặp và quen ông trong một trại sáng tác.
Ông là nhà phê bình văn học mới nổi lên trong khoảng chục năm trở lại đây. Chỉ cần ngồi cạnh ông, ngắm mái tóc vuốt ngược ra đằng sau như sóng lượn của ông, nghe ông đàm đạo chuyện văn chương, cũng đủ thấy sức hấp dẫn của con người này. Khi tôi gặp ông thì tên tuổi ông đã trở nên quá quen thuộc với bạn đọc trong cả nước. Nghe đâu ông là người không thiên vị với bất cứ ai. Cái gì đáng khen, thì ông khen. Cái gì đáng chê, thì ông chê. Bất kể người đó là ai. Ông lại là người rất có tâm. Thường thì những nhà phê bình nổi tiếng như ông, mỗi khi viết bài về một tác giả nào đó, họ có “thói quen” tìm những tác giả tên tuổi để viết. Ông thì ngược lại. Rất quan tâm đến lớp trẻ. Mỗi bài viết của ông về họ, không những chỉ ra cái được và cái chưa được trong mỗi tác phẩm, mà còn định hướng cho họ, giúp họ có một cái nhìn mới mẻ hơn, lạc quan hơn, khi quyết dấn thân vào con đường văn học. Nhờ vậy mà ông rất được các bạn viết trẻ trên khắp mọi miền đất nước yêu mến. Ai cũng gọi ông là “anh” ngọt xớt, dù năm nay ông đã ngoại lục tuần.

          Nhưng đó chưa phải là điều tôi muốn nói về ông!

          Lại nghe nói, nhờ tài năng và cái tâm của người “cầm cân nảy mực”, mà khi vợ ông mất, có một cô còn rất trẻ, cứ bám riết ông, để rồi khi ông mãn tang vợ cách đây hơn chục năm, cô này đã…tình nguyện đi tiếp quãng đời còn lại với ông, để “nâng khăn sửa áo”, “cơm ngon canh ngọt” cho ông…
          Và đây cũng chưa phải là điều tôi muốn viết về ông!
          Tôi nhớ ngày đó, sau khi chia tay ông ở trại viết không lâu, đọc trên một số tờ báo văn nghệ, thấy ông và ai đó cùng viết bài phê bình công kích lẫn nhau ghê lắm! Mỗi lần báo phát hành, hễ thấy tên ông và người đó trên mặt báo là người ta chen chúc nhau mua. Có hôm cả mấy đại lý, hiệu sách, chỗ tôi ở, chỉ
loáng cái là hết sạch báo. Nhưng ngược lại, những lần báo phát hành, không có mục ấy, không có tên hai người, thường là báo rất ế ẩm, ít ai đọc.

          Tôi đọc rất kỹ các bài viết của ông và…người đó. Càng đọc, tôi càng nhận ra sự hiểu biết của ông quả là phong phú. Văn học trong nước, ngoài nước, đông tây kim cổ…đều nằm gọn trong…tầm bút của ông. Với một giọng văn chính luận sắc sảo, lúc hào sảng, lúc thâm trầm, ông phân tích, chứng minh một cách khoa học, bài bản, tất cả những gì ông đề cập đến. Lại có lúc ông sử dụng lối văn tùy bút mượt mà, sâu lắng, để làm đẹp thêm, hay thêm bài viết của mình. Qua đó, những tác giả, tác phẩm, mà ông đề cập đến, cũng như được thơm lây, trở nên sống động vô cùng.

          Còn người kia, cũng là một tay bút không vừa. Người này, bằng lối phê bình nhẹ nhàng, hấp dẫn, cuốn hút…cũng luôn dành được cảm tình mến yêu của người đọc.
Cứ thế, hai người luôn song hành cùng nhau trên các trang báo. Có những bài viết, họ cùng có chung quan điểm. Nhưng đa số là họ phản bác lại nhau. Có những lúc, những lập luận trái chiều của hai người đã trở nên…bút chiến, làm…nóng bỏng các trang báo, chả khác gì cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh” trước đây. Bạn đọc và giới văn chương là những người ở giữa, thường đưa ra chính kiến của mình qua mỗi cuộc tranh luận, nhưng kết quả thường là năm mươi trên năm mươi, vì thực ra, cả hai người, ai cũng có tình có lý…

          Cuộc…bút chiến giữa ông và…người đó, không chỉ làm nóng bỏng các trang báo, mà còn làm…sôi động các tòa soạn báo chí văn chương. Ở đâu cũng thấy người ta bàn tán. Quả là một hiện tượng văn chương độc đáo! Rồi người ta đưa ra những bình phẩm về hai người. Khen người này một tý. Chê người kia một tý. Tuy nhiên, có một điều mà tôi và mọi người ai cũng thắc mắc, ai cũng muốn biết, đó là một trong hai người tranh luận là ai? Ông thì không những tôi, mà mọi người đều đã biết. Vì ông đã quá nổi tiếng rồi. Còn người kia, đối thủ rất đáng gờm của ông là ai, ở đâu? Chẳng một ai biết một cách chính xác về người thứ hai này. Mấy nhân viên tòa soạn thì đưa ra đủ thứ tin…vỉa hè. Người thì bảo đó là nhà phê bình văn học Trần Đồng nhưng lấy bút danh khác. Người thì nói đó là một nhà văn gốc Việt nhưng hiện đang định cư ở Hoa Kỳ. Còn cô thư ký tòa soạn, không biết thu thập từ đâu, mà khẳng định như đinh đóng cột rằng, người ấy không ai khác mà chính là…nhà thơ Trần Đăng Khoa…Rút cục, đâu lại hoàn đấy, chẳng có gì làm bằng chứng. Tôi cứ tiếc ngày gặp ông ở trại viết đã không xin số điện thoại của ông để hỏi xem sao. Rồi mọi người lại hỏi nhau, không biết ông và người ấy có biết nhau không? Đã bao giờ gặp nhau chưa? Rồi họ cùng bảo, trên báo mà tranh luận chả khác gì đập vào mặt nhau như thế, sao lại gặp nhau ở ngoài đời được. Gặp nhau có mà chửi nhau ấy à? Có người còn nói, hai người ấy mà gặp nhau thì chỉ có mà vác dao, vác rựa chém nhau mới hả giận.

          Rồi mọi chuyện lại chìm vào im lặng.

          Trong khi đó thì những cuộc tranh luận giữa hai nhà phê bình văn học vẫn tiếp diễn. Xem ra, càng về sau càng nảy lửa, càng khốc liệt hơn trước rất nhiều. Còn gốc gác, tung tích của một trong hai nhà phê bình thì vẫn bặt vô âm tín…

          Mãi sau này khi có dịp vào công tác ở quê ông, tôi tìm gặp được ông thì mới sáng tỏ mọi chuyện.

          Trong câu chuyện với tôi, ông cứ túc tắc, nhẩn nha, làm tôi sốt hết cả ruột. Ông nói rằng, đối thủ của ông là một phụ nữ, còn rất trẻ. Nhưng là một tài năng trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học. Cô hiện ở rất gần ông. Không những rất gần, mà…nói đến đây, ông dừng lại, vuốt vuốt mái tóc ra đằng sau, rồi mới nói tiếp, không những rất gần, mà…cô ấy còn ở cùng ông một nhà, ăn cùng ông một mâm, ngủ cùng ông một giường.

          Thì ra, đối thủ nặng ký của ông không phải ai khác mà chính là cô gái trẻ trung, xinh đẹp ngày nào từng “tình nguyện” đi theo ông, để “nâng khăn sửa áo” cho ông từ bấy đến giờ.
Nguyễn Ngọc Chiến


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc giải cứu "họa văn chương" ngoạn mục


    TẢN MẠN VỀ CUỘC GIẢI CỨU “HỌA VĂN CHƯƠNG” NGOẠN MỤC ĐẬM CHẤT BI HÀI
     1.
        C ó thể nói là khá lâu tôi mới đọc một câu chuyện có nhan đề “Họa văn chương” trên báo Văn Nghệ Thành phố (1) mà cứ cười khoái theo giọng cười “hề hề, he he” của nhân vật không tên vì người viết truyện chỉ gọi là gã cháo lòng tiết canh. Gã không tên ấy đã giải cứu tai ách chữ nghĩa, văn chương cho một “thầy giáo – nhà văn”  ở  một “tỉnh miền núi heo hút…Nghèo thì nghèo đấy nhưng lại lắm người thích văn chương”, “ngoạn mục” và cũng lắm bi hài. Tất nhiên đây là chuyện hư cấu mà tác giả Trọng Bảo dựng lên từ những vụ việc quy chụp tư tưởng vănhọc còn khá “nóng” gần đây như “Bóng anh hùng” (Doãn Dũng),“Lời những  cây dầu…” (Đàm Chu Văn) hay xa hơn, “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư). Lôi cuốn chính là cách dẫn dắt, phát triển thắt nút truyện. Tâm nguyện của ông Diêu, chủ tịch Hội Văn Học -  nghệ thuật tỉnh được đền bù bằng việc cho ra mắt tờ báo văn chương, tiếng nói diễn đàn văn học của hội và của những người yêu văn chương trong tỉnh. Tờ báo như người tình của ông Chủ tịch hội trong những ngày cận kề nghỉ hưu. Tờ báo là một tác phẩm nghệ thuật của đời ông dù ông đến với văn chương, nghệ thuật bằng con đường âm nhạc. Trên báo là những bài viết của nhiều tác giả không thuộc dạng phải đạo thì cũng nhạt chán, đọc một câu biết cả bài…Văn, thơ  ôn lại thời trận mạc tuyên truyền nghị quyết chủ trương, đường lối! Sáng lên là một truyện ngắn hay của một giáo viên cấp ba, Lê Thi – “Cánh đồng thao thức”. Một tác giả trẻ mới tập tành viết lách nhưng đã hé lộ một tài năng văn học. Tả tâm trạng vui mừng của ông Diêu, nhà văn Trọng Bảo viết rất thực, “…Ông cảm thấy vui vui khi nghĩ đến cảnh cậu nhảy cẩng lên khi tác phẩm đầu tay của mình xuất hiện trên trang nhất của tờ báo văn chương của tỉnh”. Không sáng tạo được tác phẩm để người đọc yêu thích nhưng ở cương vị, chức trách đứng đầu hội, biên tập chọn bài ông đã làm “bà đỡ” cho tác phẩm có giá trị văn chương đến với công chúng cũng là đáng quý.
    2.
       Niềm vui nào có tày gang. Chỉ một ngày sau, giữa trời xanh yên tĩnh, ông chủ tịch hội bị “sét đánh” vì truyện “Cánh đồng thao thức” có “vấn đề”! Ở những trang này, Trọng Bảo kết cấu chặt chẽ, văn phong nghiêm chỉnh để tỏ bày đôi điều nghiêm túc. “Sét” từ “trên” không phải búa thiên lôi trời cao hay điện thiên đình chập mạch mà “ trên tỉnh – văn phòng tỉnh ủy, ủy ban” có ý  kiến chỉ đạo nhưng “nhưng không rõ là ý kiến của đồng chi lãnh đạo nào” kiểm điểm hội, người duyệt chọn với “động cơ” nàođã cho đăng tác phẩm “Cánh đồng thao thức”. Vì đây là tác phẩm mang tư tưởng xấu, chống lại chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh…bêu riếu, nói xấu cán bộ tỉnh…ám chỉ một số cán bộ đầu ngành của tỉnh ( trục lợi từ việc san ủi, chia lô bán cho cán bộ). Thực ra do vài vị chủ chốt (Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch – đầu tư) liên quan đến đất đai, nông nghiệp chột dạ, có tật giật mình, ra chiêu “cáo mượn oai hổ” trị đám văn nghệ dám lấy chuyện chữ nghĩa, văn chương nói khóe, nói cạnh nếu đến tai lãnh đạo thì mất ăn, mất ghế như chơi. Đúng là “tai họa văn chương” mà Trọng Bảo đặt tên cho truyện ngắn của mình. Đón nhận hung tin với tâm trạng hoảng loạn, ông Diêu chấp hành làm kiểm thảo nhận hết trách nhiệm nhưng cũng rất tỉnh táo và bản lĩnh viết cả một “bài phê bình văn học khá hoàn chỉnh” ngay sau phần kiểm điểm trên “phủ nhận hoàn toàn những điều đơm đặt không đúng mà người ta gán cho truyện ngắn” của tác giả Lê Thi. Chính bản lĩnh ấy, gợi người đọc suy gẫm. Trước sự tấn công ác ý của “nhóm lợi ích” nào đó mượn danh cấp trên, tổ chức quy chụp người cầm bút diễn ra (dù không nhiều) trong đời sống văn hóa, văn nghệ rất cần những người có cái tâm, am hiểu thấu đáo giá trị thẩm mỹ văn chương và cả lòng dũng cảm để bảo vệ những tác giả, tác phẩm văn học chân chính như nhân vật chủ tịch hội văn nghệ của một tỉnh miền núi xa xôi kia. Đương nhiên tội ông Diêu thêm nặng nhưng làm ông sụp đổ hoàn toàn chính là sự xúc phạm của người vợ ham hố chức quyền với tiếng “quát”, tiếng gầm sư tử “…ông là kẻ xướng ca vô loài…già lõi đời mà còn dại, mắc mưu một thằng trẻ ranh, đăng giúp nó một bài viết phản động lên báo…đồ bám váy đàn bà…”. Ông nhập viện vì xúc động cực mạnh, nguyên cớ chính lại là từ “họa văn chương” giáng xuống.
   3.
      Như đã nói nhà văn Trọng Bảo thành công trong việc phát triển cốt truyện, thắt gút điểm: họa văn chương gây ra bi kịch cho những số phận, người chọn đăng bài (ông Diêu) và người viết tác phẩm (tác giả Lê Thi).
Là giáo viên tốt nghiệp Đại học Văn, dạy Văn và yêu mến văn chương mới trình làng truyện ngắn đầu tay đã gặp nạn, phạm tội “tày đình” dám viết bài “vu khống lãnh đạo tỉnh”(?). Hoang mang có. Nhưng tác giả - thầy giáo trẻ Lê Thi “ vẫn kiên quyết không nhận đã phạm khuyết điểm nghiêm trọng mà người ta muốn gán cho anh”. Thế là anh “mất dạy”, mất liên lạc với bạn gái. Con đường phía trước mù xám, “khả năng buộc thôi việc” đến rất gần. Đau nhất là đồng nghệp, học trò không dám tiếp xúc ngay cả bảo vệ trường cũng gọi (dù sau lưng) anh là “quân phản động”!  Mang “cái mũ” to đùng người khác chụp lên cho, nhà văn trẻ bước lang thang vô định giữa chiều Thị Trấn miền núi với tâm trạng chán chường, hụt hẩng. Mở gút cũng không ai khác cũng chính tác giả Trọng Bảo qua những trang văn trào lộng: “nhóm lợi ích” lợi dụng danh nghĩa “trên” để “gây án văn chương”, tháo gỡ “án” cũng phải từ “trên”. Có điều những người làm cuộc giải cứu “ngoạn mục” này lại từ bàn rượu quán cháo lòng tiết canh xập xệ, từ gã bán cháo, bán rượu có lý lịch đen đã hoàn lương. Biết được tác giả/ thầy giáo từng giúp con trai mình lêu lổng, ngổ ngáo thành con ngoan trò giỏi đang lận đận vì án văn chương thì gã ra tay trả ơn thông qua người em kết nghĩa đang làm tài xế cho sếp đầu tỉnh. Thẩm định giá trị một tác phẩm văn học đang vướng “sự cố” tất nhiên phải cần đến vai trò của ban Tuyên giáo nhiều cấp, có khi Hội đồng Lí Luận Trung ương phải vào cuộc… Đàng này lại là gã cháo lòng tiết canh và một anh lái xe! Ta thử nghe họ bình, họ luận xem sao: “…một truyện ngắn hay, nói lên được những khó khăn, trăn trở trên con đường đổi mới, phát triển của một vùng quê vốn dĩ thuần nông như tỉnh ta…”. Hóa ra chính  những con người của đời thường này từng khắc giờ va đập với hiện thực cuộc sống mới đồng cảm, thấu hiểu tiếng lòng của người cầm bút. Rồi bước hai của cuộc giải cứu theo đó mà trơn tru. Dẫn thông tin vòng vèo từ thế giới rồi trở lại trong trong nước, tỉnh nhà anh Sang tài xế giúp sếp “nắm”  thời sự đầu ngày, khéo léo đưa về nạn tai chữ nghĩa của thầy giáo Lê Thi. Cũng may vị đầu tỉnh này chịu tiếp thu. Sau khi đọc tác phẩm đã có ý kiến chỉ đạo kịp thời cho Hội văn nghệ “…Cánh đồng thao thức là một truyện ngắn hay, mạnh dạn, có cách nhìn mới, rất đáng được trân trọng, biểu dương. Ký tên…”.  Số phận của tác giả và sản phẩm tinh thần làm ra xoay ngược vị thế  180 độ ngay tắp lự. Truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” được trao thưởng giải cao nhất kèm theo phong bì hai triệu đồng. Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh trường nơi tác giả đứng lớp suýt bị đưổi việc giờ chào đón anh như người “anh hùng”!
     4.
       Kết truyện xem ra có hậu với nhà văn – thầy giáo Lê Thi nhưng với ông Chủ tịch hội văn nghệ lại đầy vị đắng. Sau mấy ngày hôn mê, ông Diêu rơi vào tình cảnh bi thảm, tâm thần điên loạn. Nửa đêm, về sáng chợt tỉnh là cất tiếng hát say sưa ca khúc của một thời lửa đạn xông pha do ông sáng tác. Bị cách li biệt lập, ông vẫn hát “mỗi ngày một tha thiết và hay hơn”. Lê Thi đến thăm, ông quát hỏi thúc giục, “Thanh niên là phải dũng cảm tiến lên, dù khó khăn gian khổ, hiểm nguy đến mấy cũng vẫn phải tiến lên…”. Ông Diêu tỉnh hay điên? Tôi cho là dụng ý của nhà văn Trọng Bảo.Và tôi nghĩ rằng, ông tỉnh sáo và tinh tường quá đi chứ ! Văn phong lâu nay của Trọng Bảo được bạn đọc yêu thích qua tập truyện cười mới cho in, như nhận xét của  một bạn văn hài hước, thâm thúy và sâu cay (Đỗ Xuân Thu) 2thì ở truyện ngắn này pha thêm chất bi lệ và chứa đựng nhiều gởi gắm. Trên con đường sáng tạo văn học nào chỉ có rải thảm hoa hồng mà cũng lắm chông gai. Người cầm bút không chỉ có niềm đam mê bằng tài năng, văn hóa học thuật gởi đến đời tác phẩm hay, mới còn phải có lòng tin vào chính mình, bản lĩnh đấu tranh bảo vệ mình và bảo vệ sự trong sáng, lành mạnh đời sống văn hóa, văn nghệ. Như một sự tương cầu. Âm vang của 6 kỳ hội thảo “Bàn tròn văn học”  (về truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng – Phú Yên) trên trang Web Hội. NVTP.HCM do nhà thơ Phan Hoàng 3 chủ xướng vẫn còn nóng ấm nhiệt tình của gần 40 nhà thơ, nhà văn, nhà lí luận văn học tên tuổi, lớp trước, lớp trẻ trãi rộng nhiều tỉnh, vùng sôi nổi tham gia. Anh chốt lại vụ quy chụp văn chương ở quê mình không “yên” cũng chẳng “ổn” chút nào, với mong ước chân thành đó là câu chuyện buồn cuối cùng!
       “Họa văn chương”, viết về loại đề tài không mới - án văn chương, văn tự - nhưng vẫn tạo hiệu ứng khá tốt với người đọc. Bởi lẽ khoảng trắng lạnh tình người, không một ai ở  “trên” nào  đến thăm hỏi vị Chủ tịch hội đã từng bị kẻ xấu lợi dụng quy chụp, dồn ép đến nước cùng. Người đã có “con mắt xanh”  dũng cảm cùng bước chân của Lê Thi “…bước đi mà lòng nặng trĩu” cả những giọt cô đơn từ khóe mắt “…có giọt lệ tràn ra lăn xuống gò má” lẫn hòa trong tiếng hát mê sảng, nhiệt tình “Cuộc đời chúng ta/ Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà…Đối mặt quân thù/ Chiến đấu không lui…” của ông làm xốn xang lòng người khi tác giả trãi tình ở những trang dòng cuối.
     “Họa văn chương”, một truyện ngắn đáng đọc của nhà nhà văn Trọng Bảo trào lộng chứa nhiều ngẫm ngợi về cuộc giải cứu văn chương “ngoạn mục”, chiến thắng trong khúc dư ba bi lệ.
                                                     TP.HCM, 12/6/2013
                                       NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG
1. Truyện ngắn “Họa văn chương” của Trọng Bảo, Văn Nghệ TP.HCM số 257, ngày 6/6/2013.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bùi Văn Bồng1: NÊN GIẢI TÁN các “Trung tâm phát triển Quỹ đất”

Bùi Văn Bồng1: NÊN GIẢI TÁN các “Trung tâm phát triển Quỹ đất”: * BÙI VĂN BỒNG Mới đây, vụ công dân Đặng Ngọc Việt xả súng bắn 5 cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Phát triển Quỹ đất T.p Thái Bình đã gâ... Phần nhận xét hiển thị trên trang

Qua miền Tây bắc Ký sự nhiều kỳ.. ( Tiếp theo )

...- Vậy cứ đến nơi, tìm hiểu sẽ biết. Trên xe nói không tiện, ông thông cảm!
Có tiếng chuông điện thoại. Viên nọ vội xin lỗi nghe máy..
Không rõ đầu bên kia nói gì?
- Sắp đến nơi. Em cứ yên tâm. Sao? Sao?
- Gửi tiền về à? Anh đã rút được đâu? Trên này không có điểm ATM. Với lại súng của anh hết đạn rồi. Chưa biết ngày nay, ngày mai sống bằng cách gì? Em xem có ai ở gần chỗ anh trên này bảo “khâu tạm cho anh mấy mũi”? Thế nào? Không được à?
“Bảo an viên” cau có ngồi phịch xuống ghế. Mặt cau có. Ông Triệu ngờ ngợ điều gì quay sang hỏi:
- Hết tiền thật à?
- Đi gấp quá không kịp gặp thủ quỹ. Cứ nghĩ lên trên này chuyển qua tài khoản, rút thẻ.. Ai ngờ đâu..
Mặt anh ta điêu điêu. Chỉ nghe mấy lời trên đã thấy đầy rẫy rối trá. Cái này là “Ngửi” thấy mùi sự thật. Nhưng mình vẫn thấy băn khoăn. Nào đã lên tới nơi đâu mà biết không chuyển được tiền? Hay là năm ngoái lên rồi năm nay sực nhớ? Mâu thuẫn và nhiều vô lý quá?
Lại gọi điện thoại. Lần này không biết đầu kia nói gì. Thấy “nhân” ấy bảo:
- Thế thì được, đến “khu Gốc Đào” bảo nó mang ra nhớ!

Chúng tôi xuống ở ngã ba Cò Nòi nơi có tượng đài chiến thắng hồi chín năm. Viên “Bảo an” cũng xuống.
Lại phải chuyển xe một lần nữa mới về đến Mộc Châu.
Tôi bảo ông Trần và ông Triệu đứng cho “Chộp” một pô làm kỷ niệm. Hàng năm hàng đời các ông ấy mới lên đến đây, chẳng phải như mình “đi lên, đi xuống” năm ba bận.
Không ai mời, viên kia cũng ghé vào đòi chụp. Đúng là đồ dở hơi con dơi dơi bay loạng quạng, thích chụp ảnh! Nhưng đuổi y ra khỏi khung hình không nỡ, đành “Chộp”! ( Thêm đoạn chú thích dưới bức ảnh như sau: “Nhân viên công vụ đang gọi về trung tâm”. Mà có có công vụ mẹ gì? Đùa tý như mọi sự đùa đang xảy ra. Ai không thích thì thôi, nhóa)

Vào quán gọi nước uống, viên cũng thản nhiên bóc một lon nước, như cùng đoàn. Mình đã cảm thấy khó chịu. Không phải vì tiếc lon nước, vì cái gì đó không rõ rệt ề con người này. Nhìn kỹ anh ta chả có đồ đoàn gì ngoài bộ quần áo mặc trên người. Ngay đến cái nón đội đầu cũng không luôn. Chả nhẽ lại có “công ty vệ sĩ” nào có loại nhân viên bụi bặm kiểu này sao? Lúc ở trên xe mình nghe rõ y khoe với ông Triệu “lương tháng mười lăm trệu”. Sao lại đi đôi giày như vừa nhặt được ở đâu thế này?
Thực ra anh ta là hạng người nào? Trộm cắp, lừa đảo, nạn nhân của đợt suy thoái trầm trọng, kéo dài? Có hàng ngàn doanh nghiệp sụp tiệm, hàng trăm kiểu giám đốc công ty vỡ nợ đang lẩn trốn con nợ đến kỳ? Hay chỉ đơn giản là một gã dở hơi lang bang nay đây mai đó, ăn chực ngủ nhờ?
Chưa có thời kỳ nào ngoài đường gặp nhiều nhân vật như ngày nay. Nếu là người cầm bút, khỏi phải mất thời gian “đi tìm nhân vật”. Hàng ngày hàng giờ “Nhân vật” lù lù ngay trước mũi mình.
Lạ một cái văn đàn vẫn phẳng như tờ, không một chút áy náy nhân duyên. Chưa thấy nỗi đau thổ lộ đúng tiếng kêu của nó? “ Chuyện lạ phố phường” của Thiệp chưa là cái gì. Thời ông ấy viết, diễn tiến câu chuyện còn chậm, chưa nhanh, chưa chóng mặt như bây giờ! Có lẽ cái tâm, cái tài của người cầm bút thời nay hạn chế. Hoặc “các anh ta” hoang mang bối rối trước các câu chuyện đời sống mỗi ngày!
MÌnh không cần đoán nữa. Lên chuyến xe xuống Mộc Châu được một quãng, “Bảo an viên” lộ rõ nguyên hình khi anh lơ xe hỏi tiền vé?
Viên bảo xuống đến khu “Gốc đào” sẽ có người ra trả tiền! Lơ xe không nghe, viên ấy rút trong túi ra đưa cho anh cái thẻ ATM nói là sẽ chuộc lại vào ngày hôm sau, ngay trên đường này.  Lơ bực:
- Không! Tôi chỉ nhận tiền mặt. Ai biết thẻ của ông thật giả thế nào, còn nhiều ít bao nhiêu tiền?
Lại bốc máy. Lại gọi. Đầu kia không có tín hiệu.
Ông Trần từ đầu nghe rõ câu chuyện, hỏi lơ tiền của tay kia bao nhiêu? “Tám mươi ngàn đồng”. Ông lẳng lặng đưa cho lơ, không quên đòi cái vé.
Yên ổn rồi.
“Bảo an viên” cứ ôm lấy ông chồng khóc như cha chết. “Đời này kiếp này, con biết lấy gì trả nghĩa bố ơi”. Ông Trần chả biết vì giận hay vì ngượng trước của chỉ của viên, gạt tay y ra: “Mày đúng là thằng điên. Không có tiền mà dám lên xe của người ta. Bận sau đừng có dại thế nhé”!
Mình quên, không nói rõ ngay từ đầu: Ông Trần là một nhà thơ. Thế mà có kẻ bảo: “ Phàm là bọn nhà thơ chỉ vần vè, vớ vẩn, vô tích sự. Thường là lũ ích kỷ chỉ biết yêu mình và bủn xỉn hạng nặng”.
Đúng là thiên hạ có một số kẻ nhầm, đáng lên án! Nhà thơ Việt Nam đâu có như vậy?
Nếu họ không có lòng trắc ẩn, chút từ tâm, có gì để viết? Và họ còn viết lách gì được nữa? Phải không bạn?


( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thơ một người quen

tấu khúc cho những bước lạc

1
Lần trí nhớ 
tôi bước theo mùi hương thiên lý 
men góc tường vôi trắng 
giàn hoa giấy mầu hồng
tôi đẩy cửa 
a, nhà tôi đây 
căn phòng lầu hai bỏ trống 
chiếc bàn học gầy gò 
trên mặt bàn ngày xưa tôi khắc trái tim và mũi tên xuyên ngang 
đánh dấu một cuộc tình thơ dại

2
Tôi cứ tưởng yêu nhau 
tôi nói em yêu 
em nói anh yêu 
là đủ 
cho đàn sẻ trên sợi dây điện chùng chình 
bay lên 
bắc cầu 
cho chúng mình bước từng bước chông chênh 
gặp nhau ôm nhau hôn nhau 
không sợ ngã 
và quên cho bằng hết những mai sau
tôi cứ tưởng theo đúng bảng chỉ đường 
chỗ rẽ trái, tôi rẽ 
chỗ rẽ phải, tôi rẽ 
bảng stop, tôi ngừng 
bảng báo có trường học, tôi giảm tốc  độ 
bảng bảo hãy coi chừng, tôi trương mắt 
cẩn trọng với mọi cuộc đời 
như chính cuộc đời tôi

3
Thế nhưng sao 
tôi vẫn nói em yêu nghe em đáp anh yêu 
đàn sẻ bây giờ lại nhớn nhác 
cầu năm xưa rụng 
như những quả sung 
chân tôi đạp hụt—dưới là khoảng không 
tôi cũng rơi như một lần quá lứa
thế nhưng sao 
trong căn phòng trống 
tôi thấy trên mặt chiếc bàn vẫn còn trái tim 
với mũi tên xuyên ngang 
máu bây giờ nhỏ thật

4
Bảng rẽ trái, tôi rẽ phải 
và ngược lại 
Bảng bảo stop, tôi đi 
bảng bảo coi chừng—tôi nhắm mắt đạp ga 
cho xe chồm lên 
trên vực bờ 
bước lạc
  

Phần nhận xét hiển thị trên trang