Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Để “thấy công ty to, dự án lớn” mà... không ngại



Nguyên Lê
(TBKTSG) - “Phát hiện 40 biệt thự ở Sơn Trà xây sai nhờ người... câu cá” - đó là lời phê bình của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đối với cấp dưới là lãnh đạo phường Thọ Quang và quận Sơn Trà trong cuộc họp ngày 19-3-2017 về vụ việc nóng hổi này tuần qua, theo báo Tuổi Trẻ.

Trong phần bình luận Online dưới bài viết này, một bạn đọc đặt câu hỏi: “Xây dựng trái phép như thế mà chỉ có ông câu cá phát hiện vậy thì Đà Nẵng lập đội thanh tra xây dựng, quản lý đô thị để làm gì?”. Một câu hỏi nhức nhối về hiệu quả, hiệu lực của cả một hệ thống cơ quan quản lý nhà nước địa phương!

Bởi lẽ, gần như cùng thời gian vụ việc này được phát hiện, vụ “khách sạn “khủng” xây không phép” ở ngay mặt tiền đường ven biển Đà Nẵng cũng được báo chí lật lại. Công trình này đã bị cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng và quận Sơn Trà nhiều lần yêu cầu dừng thi công, xử phạt vì chưa có giấy phép xây dựng từ khi nó mới được làm móng, nhưng tới giờ chủ đầu tư đã cho xây dựng đến... tầng thứ 9.

Mà không chỉ ở Đà Nẵng, tuần qua, viết về vụ một cảng cá lậu quy mô được xây chình ình trong lòng khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình, báo chí dùng những từ như “bất thường”, “cơ quan chức năng chỉ quyết liệt trên giấy”. Giống như khách sạn nói trên, chủ đầu tư cảng cá này đã bị lập biên bản, xử phạt nhiều lần, bị buộc phải tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu từ... tháng 3-2016 nhưng không chịu thực hiện, tới nay chính quyền cũng không tổ chức cưỡng chế.

Những vụ việc thời sự này khiến người dân nhớ đến vụ tòa nhà xây sai phép (vượt tầng) ở số 8B Lê Trực, Hà Nội. Hai năm nay, mặc dù cơ quản quản lý cấp cao rất kiên quyết xử lý, việc “cắt ngọn” nó để giữ nghiêm phép nước, không tạo tiền lệ xấu cũng chưa xong.

Có bao nhiêu con voi đã chui qua được lỗ kim - hàng loạt quy định pháp luật và hệ thống thực thi?

Những con voi - dự án xây dựng lộ thiên thì “người câu cá” còn có thể thấy được (tuy không dễ xác định việc có phép hay không). Nhưng có những con voi tàng hình hơn, như dự án đầu tư công ngàn tỉ kém hiệu quả hay các cán bộ cơ hội, tha hóa, trục lợi - một khi đã  lọt lỗ kim quy trình thẩm định, phê duyệt hay quy trình quy hoạch, bổ nhiệm thì mắt của dân thường, thậm chí của cả hệ thống cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát nhà nước, khó có thể thấy, đến khi thấy được thì hậu quả cũng đã phát sinh rồi.

Vấn đề không chỉ ở chỗ “con voi có chui qua lỗ kim  được thì phải bắt nó chui về được”, dù điều này hiện nay chưa phải ta đã làm nổi. Vấn đề cũng không chỉ ở chỗ tìm cho ra ai đó đã “banh lỗ kim” (nếu có) để xử lý, điều mà mới đây ông Chủ tịch thành phố Hà Nội đã tiết lộ, rằng 87% cơ sở kinh doanh bia hơi đang lấn chiếm vỉa hè đều có công an “chống lưng” hay ông Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh “kêu cứu” mà cũng là... tố cáo lên Thủ tướng, rằng có người ở cả cấp trung ương đe dọa mình và thuộc cấp liên quan đến lợi ích từ việc khai thác cát tại địa phương đã bị họ yêu cầu dừng. Vấn đề quan trọng ở chỗ, phải làm cho ai đó có muốn cũng không thể banh được lỗ kim pháp luật. Đây là điều mà trong tuần này, ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội, đã phần nào đề cập đến khi trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh chuyện thế lực ngầm, hiện tượng bảo kê hiện nay. Đó là “cần có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả...”, “các cấp cao nhất cần vạch ra được cơ chế kiểm soát quyền lực và mạnh dạn trao quyền thực sự ấy cho các tổ chức và người dân...”.

Quay lại buổi họp về việc “Phát hiện 40 biệt thự ở Sơn Trà xây sai...” nói trên, chủ tịch Đà Nẵng đã yêu cầu chính quyền cơ sở quản lý địa bàn rút kinh nghiệm, phải tiến hành kiểm tra dù cho đó là dự án của đơn vị nào. Ông nói: “Từ nay mấy anh phải vào kiểm tra hết, đừng thấy công ty to, dự án lớn mà ngại. Mình có trách nhiệm quản lý địa bàn thì mình vào kiểm tra. Cứ theo trình tự mình vào làm”.

Với những gì đang diễn ra trong thực tế xã hội hiện nay, để cán bộ, công chức có thể không “ngại” thì bản thân họ phải không có gì để ngại (vì mình trong sạch) và không có gì khiến họ phải ngại (như ngại dự án, doanh nghiệp đã được ai đó bảo kê, chẳng hạn). Mà đã là cán bộ, công chức, thì từ trên xuống dưới, đó là công vụ. Một khía cạnh của kiểm soát quyền lực mà ông Thuyết nói, cần được trao cho những “người câu cá” - người dân, không chỉ dừng lại ở quyền được phát hiện sai phạm mà còn ở quyền giám sát xử lý sai phạm và... bỏ phiếu cho quá trình đó.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Chuyện nâng tầm cao và đi vào chiều sâu


Không phải tình cờ, Việt Nam vừa có cuộc đón tiếp trọng thể, gần như cùng lúc, người đứng đầu của hai nước Israel và Singapore. Cũng giống như mọi cuộc đón khách cấp nhà nước, đủ nghi lễ trọng thị, hội đàm, hội kiến, bắt chân bắt tay, mời nhau sang thăm, nhận lời và cười vui vẻ.

Điều đáng nói, đây là hai nước nhỏ. Nhưng nhỏ mà không nhỏ, nhỏ mà có võ, bé hạt tiêu. Rất giàu và mạnh, vào loại hàng đầu thế giới, tiếng nói rất có sức nặng, giá trị. Cả hai nước được hàng trăm quốc gia trên quả địa cầu này coi là hình mẫu, đích phấn đấu của mình. Ở chừng mực nào đó, ngay cả Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, chứ chưa cần kể ra Nga, Trung Quốc, Pháp, Hàn, cũng phải học tập họ (Israel, Sing).

Để trở thành giàu có, Israel và Singapore chỉ trước sau đi theo con đường phát triển kinh tế tư bản, chưa có 1 phút vướng vào lối đi kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Hai nước này vốn cực kỳ nghèo tài nguyên. Không có rừng vàng biển bạc. Không có lợi thế núi tiền chôn dưới lòng đất. Chỉ có sa mạc, nắng cháy, cát bỏng (như Israel), đất đai chật chội, ngay cả nước cũng cực kỳ thiếu thốn, phải tiết kiệm từng giọt (cả hai nước). Dân ít, nguồn lao động không dồi dào. Luôn bị nước ngoài đe dọa đánh nhau, phải căng ra mà chống đỡ (Israel)… Có nghĩa là để đi lên được, trở thành giàu có, mạnh mẽ không dễ chút nào. So với họ, xứ này còn thuận lợi hơn nhiều.

Nay thì hai nước ấy nằm trong tốp đầu của những nước giàu có nhất thế giới, còn xứ ta thì ai cũng biết, chả cần nói ra đây.


Trước kia thì còn bảo tại chiến tranh, đổ cho chiến tranh và hậu chiến. Giờ đã qua gần nửa thế kỷ rồi, đổ vậy không ổn, bèn đổ cho… Trung Quốc. Lý do, ở bên cạnh nó, nó nham hiểm, nó phá phách, nó đạp thúng đụng nia, nó v.v.. Tức là tại khách quan hết, không phải tại mình. Mình lúc nào cũng đúng, đường mình đi chả bao giờ sai.

Tôi nhận thấy, khi khen nhau đãi bôi mấy câu vừa lòng chủ khách, ngoại trừ khách là mấy ông Trung Quốc, Lào, Cuba, Triều Tiên, thì chưa có vị khách nào đứng đầu nước khác lại khen Việt Nam thành công nhờ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ chỉ chúc mừng những thành tựu Việt Nam đã đạt được, hy vọng đạt được nhiều hơn nữa (văn mẫu nó vậy). Cứ qua hai ông Tổng thống Israel Reuven R.Rivlin và Thủ tướng Lý Hiển Long nói gì mấy ngày vừa rồi là rõ ngay.

Một quốc gia muốn độc lập, tự chủ thì quốc gia ấy phải mạnh. Muốn mạnh thì phải chọn con đường đi đúng. Nhỏ và nghèo như Israel và Singapore nhưng họ đã chọn đường đi đúng nên đã thành công. Nâng tầm cao và đi vào chiều sâu phải như thế.

Xứ này cứ miệt mài dấn bước vào con đường mịt mờ chủ nghĩa xã hội, đi mà không biết sẽ tới đâu, ru ngủ là chính, tự lừa mình, lừa nhau, lừa dân, cứ đi, đi mãi không đến đích. Dù có lý sự bảo rằng đó là áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam, mang đặc trưng, bản sắc Việt Nam, kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa… mà cứ hết thập niên này đến thập niên khác trôi đi trong vô vọng, thử hỏi được cái gì.

Một đường lối đã chọn, đi từ hết đói nghèo này đến nghèo đói khác, có đáng để tồn tại, dây dưa, dai dẳng mãi không?

Đảng muốn cầm quyền, cứ cầm quyền, nhưng lôi cả dân tộc vào cuộc thí nghiệm thế kỷ không có kết thúc thì quả thật nhẫn tâm. Xung quanh ta, thế giới tiến lên vùn vụt, còn ta cứ loay hoay với mớ bòng bong chủ nghĩa xã hội, nếu là kẻ có trí, thức thời thì chả thế bao giờ.

Muốn biết con đường các vị chọn có đúng hay không, ai hơi đâu tranh cãi làm chi, mà chả thể nào cãi nổi kẻ cai trị có vũ lực, cách đơn giản nhất là tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đàng hoàng, khách quan, tử tế để dân lựa chọn.

Dân chúng không cần đường lối chính trị này nọ. Họ thiết thực, họ chỉ cần dân giàu nước mạnh, hạnh phúc, tự do. Cái gì đem đến những điều ấy thì họ chọn. Họ muốn nó có trên đời chứ không nằm mãi trong mấy câu khẩu hiệu.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Tôi từng viết mà không được xuất bản'


Quốc Phương
BBC - Thế giới 'không còn hiền như xưa' và tất cả mọi thứ 'đã thay đổi, kể cả người đọc', nhà văn Đỗ Hoàng Diệu từ Hoa Kỳ chia sẻ với BBC hôm 11/3/2017 về sáng tác, xuất bản, văn chương và bạn đọc.

'Người đói sách đói chữ, vớ gì cũng đọc ngốn ngấu và nâng niu sách như vàng ngọc không còn nhiều', tác giả của các tác phẩm như Bóng Đè, Lam Vỹ v.v... nêu quan điểm với BBC.

Hé lộ về thế giới thầm kín 'bếp núc' về sáng tác sau những tác phẩm của mình, nhất là qua giai đoạn trên dưới một thập niên gần đây, nhà văn cho hay:

"Có "nhà phê bình mậu dịch" cứ thỉnh thoảng lại "cấu" tôi một nhát đâu đó trên truyền thông bằng cách dẫn tên tôi ra làm minh chứng cho sự chết yểu của ngòi bút. Họ đâu biết trong cả thập kỷ đó, tôi vẫn viết mà không được xuất bản."

Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc phỏng vấn của BBC Việt ngữ với nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, được thực hiện qua bút đàm, sau đây:

BBC: Được biết nhà văn đang chuẩn bị có một tác phẩm mới ra mắt, nếu có thể 'bật mí' được ít nhiều, tác phẩm này có gì đặc sắc và khác so với những tác phẩm trước của bà?

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Bóng Đè xuất bản năm 2005. Tận cuối năm ngoái, tức 11 năm sau cuốn thứ hai của tôi - tiểu thuyết Lam Vỹ mới trình làng. Đa phần cho rằng tôi đã "tịt". Thậm chí có "nhà phê bình mậu dịch" cứ thỉnh thoảng lại "cấu" tôi một nhát đâu đó trên truyền thông bằng cách dẫn tên tôi ra làm minh chứng cho sự chết yểu của ngòi bút. Họ đâu biết trong cả thập kỷ đó, tôi vẫn viết mà không được xuất bản. Nên anh hỏi về tác phẩm mới, nếu nói bản thảo thì đúng là có, còn ra mắt lại là chuyện khác. Chỉ biết nó là tập truyện ngắn, tác phẩm mà tôi muốn làm cầu nối giữa tiểu thuyết Lam Vỹ đã xuất bản và tiểu thuyết Bệnh Ngứa còn dở dang.

'Tự kìm mình khi viết'

BBC: Về tác giả, Đỗ Hoàng Diệu ở tác phẩm mới này so với chính tác giả ở những lần sáng tác trước thế nào? Sáng tác ở hải ngoại và sáng tác ở Việt Nam có khác nhau nhiều lắm không ở bà, và nếu có thì ra sao, vì sao?

NVĐHD: Tác phẩm đầu tay - Bóng Đè, tôi viết năm 26 tuổi không rào cản, không kềm hãm nên bung phá, tuôn trào. Cuốn tiểu thuyết Hầm Mộ (chưa được xuất bản) của những năm tuổi ba mươi đã va vấp, đã "nếm đòn" từ nhiều phía thành ra không còn nhiều xúc cảm khơi khơi. Tiểu thuyết Lam Vỹ ra mắt năm ngoái, tôi coi như làn khói mỏng, một nỗi buồn dài. Vì sao? Bởi viết nhanh, viết dễ dàng quá. Độc giả nói khó đọc làm tôi hơi ngạc nhiên. Cuốn tiểu thuyết đó với tôi, giống mòn gà luộc gà hấp mà bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể ăn, nhưng độc giả vẫn phê bình khó hiểu. Người viết thường có xu hướng viết thứ mình thích đọc, tôi không thể viết khác. Bởi viết suy cho cùng trước tiên là viết cho mình.

Những truyện ngắn mới, vẫn thế, vẫn là tôi. Đâu đó, người ta hay kêu nhà văn phải thường xuyên đổi mới, phải viết nhiều thể loại khác nhau, phải hiện đại hậu hiện đại để theo kịp nọ kia. Tôi nghi ngờ điều đó. Đồng ý, không chỉ viết văn mà bất cứ việc gì cũng cần làm mới. Với viết văn, theo tôi mới là tác phẩm sau viết chắc tay hơn, ngôn ngữ đẹp hơn, mổ xẻ tâm lý nhân vật sâu hơn... chứ không hẳn phải thay đổi phong cách. Vì thực chất mỗi người viết chỉ có duy nhất một phong cách nhất quán từ đầu tới cuối. Không khí trong truyện của Nguyễn Bình Phương vẫn mù đặc và buồn bã như vậy từ cuốn đầu tiên cho tới cuốn mới nhất. Và anh ta là một trong những nhà văn hiện đại xuất sắc nhất.

BBC: Nếu có ai đó cho rằng chỉ có tác giả và nhà xuất bản, những người biên tập và chịu trách nhiệm xuất bản mới biết rõ nhất 'những bí mật' giữa họ, và nếu đó là sự 'kiểm duyệt' hay 'thỏa hiệp' giữa tác giả với bên xuất bản, qua tất cả những gì mà bà đã sáng tác và xuất bản tới nay, nhà văn thấy có điều gì đáng nói nhất?

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Vấn đề này ở các nước phát triển khá đơn giản. Anh gửi bản thảo đến nhà xuất bản, một là họ từ chối, hai là họ sẽ liên hệ với anh để bắt đầu quá trình biên tập. Và những từ như nhạy cảm, húy kị, lãnh tụ, đảng, an ninh văn hóa... chắc chắn không xuất hiện trong trao đổi giữa hai bên.

Khi biết tôi đã tự kìm mình khi viết, đã tự cắt bỏ nhiều trang trước khi gửi bản thảo tiểu thuyết Lam Vỹ tới nhà xuất bản, nhiều người không bằng lòng, thậm chị tức giận. Xin lỗi đã làm ai đó buồn, nhưng viết mà tác phẩm không đến tay bạn đọc, tác phẩm im lìm trong ngăn kéo như một tử thi và tử thi giấy tử thi chữ tử thi ý nghĩ tử thi thông điệp đó sẽ từ từ mục ruỗng, chẳng phải cũng công không? Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam, sự quyết liệt của người viết nói riêng và người làm nghệ thuật nói chung nếu không khéo thành quá khích, thành con dao hai lưỡi. Bởi mục đích cuối cùng của một tác phẩm suy cho cùng vẫn là độc giả. Tôi đi giày gót vừa phải và nhích từng bước từng bước trên con đường sỏi đá lồi lõm chông gai còn hơn lênh khênh trên đôi cao gót và ngã bổ chửng ngay đoạn đầu tiên. Có thể như vậy là hèn nhưng tôi quan niệm đường nào nên ngựa nấy.

Một trong những biên tập viên số má nhất Việt Nam nói với tôi rằng nếu ông ấy kể lại "những câu chuyện biên tập", chắc chắn nhiều người sẽ không tin, sẽ cho rằng chuyện xảy ra đâu đó thời Stalin hay Mao Trạch Đông , không phải chuyện thế kỷ 21. Vậy chúng ta hãy chờ ông ấy, chắc cũng không lâu lắm nữa...

Muốn vượt thoát hay không?

BBC: Theo bà hình thức tự xuất bản trên mạng (chẳng hạn online, qua các kênh phát hành như amazon v.v...) có là một giải pháp trước những bức tường kiểm duyệt, kể cả áp lực dẫn tới tự kiểm duyệt'? Đâu là ưu và nhược của hình thức này? Có giải pháp nào khả dĩ hơn không?

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Thời đại này, anh có thể "tung" tác phẩm lên mạng chỉ vài chục giây sau khi gõ dấu chấm cuối cùng cho tác phẩm, thậm chí dấu kết thúc một chương một đoạn. Kiểu này lợi nhiều đường, và đúng là giải pháp hữu hiệu trước những bức tường kiểm duyệt nhưng để đến được với độc giả đang sống "bên trong" - những người "nên" những người "cần" đọc các tác phẩm có "vấn đề" thì không khả thi lắm. Vì tường lửa, vì dân thường có phải ai cũng dùng internet, cũng biết web này web kia. Đa phần lại vẫn người viết tự đọc lẫn nhau. Vâng, nhà văn có thể nói viết trước hết là cho mình, tự thỏa mãn mình. Vậy chức năng tố cáo hiện thực, đấu tranh cho cái này cái kia thì sao? Ai biết?

Mùa hè năm ngoái, có người nổi tiếng đã nói với tôi về việc thành lập một nhà xuất bản theo mô hình hợp tác xã toàn cầu khá thú vị. Hãy chờ xem.

BBC: Tiện thể xin hỏi từ góc độ của nhà văn, người sáng tác, bà nghĩ sao về thế giới độc giả hôm nay? Đặc biệt là độc giả trẻ và độc giả trên mạng? Có bao giờ bà nghĩ rằng độc giả thông thái và nghiêm khắc đang ngày càng thách thức người viết, hay chỉ là những người đồng hành của nhau?

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Thế giới không còn hiền như xưa. Tất cả mọi thứ đã thay đổi, kể cả người đọc. Người đói sách đói chữ, vớ gì cũng đọc ngốn ngấu và nâng niu sách như vàng ngọc không còn nhiều. Trên Facebook, một vài câu vô thưởng vô phạt có thể nhận hàng ngàn lượt thích nhưng nhiều bài viết công phu, đấy trí tuệ lại lèo tèo dăm ba. Rồi có khi bằng các từ ngữ tục tĩu, người ta dè bỉu các bài viết nghiêm túc là lên mặt dạy đời.

Thật may, mạng internet chỉ là một phần của mối tương quan người viết và người đọc rộng lớn. Tôi đã khá ngạc nhiên khi nhiều người ở độ tuổi ba mươi, thậm chí hai mươi nói rằng sách của tôi (thứ văn chương già nua, khó hiểu) là sách gối đầu giường của họ. Còn các giáo sư văn chương thì thổ lộ rằng bất chấp "định hướng" của ai đó, các thầy cô vẫn phân tích truyền dạy học trò các tác phẩm "có vấn đề".

Xã hội Việt Nam lúc này mang đặc trưng riêng nên ngay cả người đọc sách cũng khác người đọc ở các nước phát triển. Nhà văn lề trái lề phải lề trung dung, nhà phê bình chỉ điểm, độc giả phản động... Có lẽ trừ Trung Quốc, hiếm quốc gia nào có cách phân định văn chương "độc đáo" như Việt Nam.

Nhưng cũng chính nó lại là kho đề tài vô tận có một không hai cho các ngòi bút. Chỉ là người viết, anh có can đảm, có muốn vượt thoát hay không.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Luận thi ca



Nguyễn Duy Long
(TBKTSG) - Công chúng đến sau cứ ngỡ chỉ có Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan độc sáng trên nẻo đường phê bình văn học thời tiền chiến. Văn giới ít nhiều nhắc đến Đặng Thai Mai, Hải Triều, Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại... Nhưng đâu chỉ bấy nhiêu. Bên cạnh đó, còn những gương mặt chìm khuất trên hành trình tư tưởng nửa đầu thế kỷ 20. Như Lương Đức Thiệp với Việt Nam thi ca luận (Khuê văn Xuất bản cục, Hà Nội, 1942).

Một khoảng lặng ròng rã đến ba phần tư thế kỷ. Quý vật phủ lớp bụi thời gian vẫn âm thầm hướng đến đời sống hiện tại. Năm 2016, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn đưa Việt Nam thi ca luận trở lại cho độc giả thưởng ngoạn (1).

Vì sao Việt Nam thi ca luận lạc lõng bên lề sinh hoạt tri thức? Có lẽ chính là do vài uẩn khúc trong cuộc đời trầm luân của ông chưa được phép đưa ra bàn thảo và chiếu sáng. Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn lý giải ngay trên nhan đề lời bạt bản in lần này Sự thất thế của “luận”: Vì không phù hợp với khuôn thưởng thức của số đông. Phải chăng, nếp nghĩ khác lạ bị sức ỳ quán tính của xã hội nặng về cảm tính và nhẹ về lý tính trói buộc? Chữ “luận” không dừng lại ở thưởng ngoạn như chữ “bình” mà đem lý lẽ vào phân giải mọi thứ. Ưu thế là đấy và nhược điểm có khi cũng là đấy. Nghịch lý đó giảm đi phần nào ma lực và cản trở tập sách đến với công chúng.

Cảm tưởng chung là một Lương Đức Thiệp hùng hồn và thẳng băng khác hẳn một Hoài Thanh thâm trầm “lấy hồn tôi hiểu hồn người”. Âm điệu Việt Nam thi ca luận nghe cứng cỏi, ngang ngạch mà không một chút thẹn thò, diệu vợi như Thi nhân Việt Nam. Nhưng viết phê bình thì lẽ nào giọng văn cợt nhả và khinh bạc lại không thể đạt chuẩn đức hạnh nghề nghiệp?

Tiếng nói trọng yếu trong Việt Nam thi ca luận là gì? Là điểm mặt chặng đường hình thành, vận động và tiếp nối của thơ Việt xưa nay (dẫu chưa được rõ nét). Là nhận diện thực trạng phân hóa cũng như đánh giá thành tựu và hạn chế của các dòng thơ (dẫu chưa thực sự hệ thống). Là tiếp cận lộ trình hiện đại hóa nền văn hóa đất nước, vạch ra sinh khí mới cho đường lối thực hành thơ ca và hy vọng xóa mờ khoảng cách giữa ứng dụng thực tiễn với nguyên lý sáng tác. Và rồi khám phá chiều kích nghệ thuật của tác phẩm, phân tích chí hướng và phẩm cách từng nghệ sĩ.

Chẳng hạn, với phái tả chân xã hội mà Tố Hữu đại diện định thể nghiệm một con đường thơ ca khác xưa nay, nhà phê bình điểm dẫn mấy câu thơ: “(...) Em sẽ cùng tôi đi bốn phương/Lâng lâng cất giọng hát vang lừng/Ngờ đâu giông tố dường như đã/Giam hãm thân tôi giữa bốn tường (...)”. Ông “châu phê” đây chỉ là ý nghĩ nhất thời đem gửi vào dòng chữ, vần điệu chứ chưa phải là xúc cảm thuần nhiên và tạo được giá trị nghệ thuật vĩnh viễn. “Con mắt tinh đời” của người xưa đáng để người đọc hôm nay giật mình và bâng quơ tự hỏi. Đâu là cảm xúc, tình tự kín đáo trong thơ? Đâu rồi suy tư, liên tưởng xa xôi trong thơ?

Dưới nhãn quan triết thuyết Marxist, Lương Đức Thiệp ghé soi cội nguồn giai cấp (mà ông gọi là đẳng cấp) của nghệ thuật. Thi ca phải định hướng tư tưởng thẩm mỹ quần chúng. Nhà văn không thể nào thoát ly khỏi được thời đại. Văn chương không nằm ngoài đời sống xã hội, lệ thuộc vào điều kiện kinh tế sinh hoạt bởi “dân sinh có quan hệ mật thiết đến nghệ thuật, đến văn hóa”.

Nhà phê bình dừng lại ở quan niệm giai cấp chứ không tuyệt đối hóa như tính giai cấp trong đường lối văn nghệ Marxist sau này. Ông nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát về đường biên tương giao giữa nghệ thuật với chính trị. Làm gì mặc lòng, nhà văn phải có tư thế độc lập, không nên hùa theo định hướng của phe phái nào. Vì “(...) một khi xã hội đã thay đổi, ý kiến con người cũng thay đổi, các phe phái không còn đủ lẽ để tồn tại nữa”.

Không chỉ Việt Nam thi ca luận, Lương Đức Thiệp còn là chủ nhân của Văn chương và xã hội (1944) phân tích sự vận động xã hội theo quan điểm giai cấp.

Từ góc nhìn khác nhau sẽ là những đúng sai, những phải trái đôi khi mang tính quy ước mà không thể phân định thành chân lý tuyệt đối. Không có pha lê nào mà không tì vết. Kinh nghiệm thẩm mỹ năm xưa có thể phiến diện và ngộ nhận nhưng mời gọi lớp sau vươn mình tiếp cận vẻ đẹp thơ ca đích thực. Và không phải nhà phê bình nào cũng làm được điều đó.

(1) Việt Nam thi ca luận và Văn chương và xã hội (Đại học Thư xã 1944) (cũng của Lương Đức Thiệp) in chung dưới nhan đề Việt Nam thi ca luận và văn chương xã hội.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hồng Kông : Biểu tình chống Bắc Kinh trước bầu cử




Người dân Hồng Kông xuống đường chống Trung Quốc ngày 25/03/2017.

(AFP 25/03/2017) Các nhà tranh đấu dân chủ và hàng trăm người ủng hộ hôm nay xuống đường tại Hồng Kông, một ngày trước khi bầu trưởng đặc khu, một cuộc bầu cử bị tố cáo là có sự can thiệp của Bắc Kinh.

Một số người biểu tình mang theo những chiếc dù màu vàng, biểu tượng của phong trào đòi dân chủ. Họ hô vang : « Cần phải phản đối việc sắp đặt của chính quyền Trung Quốc, chúng ta chọn lựa chính quyền của chúng ta ». 

Trưởng đặc khu hành chính - được Anh quốc trao trả cho Trung Quốc năm 1997 - ngày mai, Chủ nhật sẽ được chỉ định bởi một hội đồng bầu cử gồm 1.194 thành viên, đại diện những nhóm lợi ích hầu hết thân Bắc Kinh. Chỉ có một phần tư số đại biểu này thuộc phe dân chủ. Họ đánh giá tiến trình bầu cử là trò hề, và viễn cảnh cải cách chính trị tại vùng đất bán tự trị tỏ ra ngày càng xa vời.

Nguyên phó trưởng đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) được cho là được Bắc Kinh ưu ái. Một số thành viên thân Trung Quốc cho biết đã bị áp lực để bỏ phiếu cho bà. Bà Lâm bị phe dân chủ chỉ trích vì đã ủng hộ dự án cải cách chính trị cho Bắc Kinh đưa ra khiến phong trào phản đối bùng nổ năm 2014, được mệnh danh là « Cuộc cách mạng dù ».

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), lãnh tụ sinh viên 20 tuổi nói : « Sẽ là một cơn ác mộng nếu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga được bầu lên, nhưng chúng tôi sẽ có động cơ tiếp tục cuộc đấu tranh chống sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc ».

Trong các cuộc biểu tình lớn vào mùa thu 2014, phe dân chủ đã đòi Trung Quốc thiết lập chế độ phổ thông đầu phiếu thực sự để bầu lên trưởng đại diện. Tuy nhiên Bắc Kinh không hề nhượng bộ, và nhiều người dân có cảm tưởng là vòi bạch tuộc của Trung Quốc lại vươn ra cùng khắp, từ chính trị, truyền thông cho đến giáo dục.

Đa số đại biểu dân chủ trong hội đồng bầu cử sẽ bầu cho đối thủ chính của bà Lâm là ông Tăng Tuấn Hoa (John Tsang), cựu bộ trưởng Tài chính, được coi là ôn hòa hơn. Hàng ngàn người ủng hộ ông tối thứ Sáu 24/3 đã đến dự buổi mít-tinh cuối cùng trong chiến dịch tranh cử.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thiếu kinh phí, Hội Nhà văn dừng phát báo miễn phí



 

Tuổi trẻ
22/03/2017 19:29 GMT+7 
TTO - Vì chưa nhận được kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nên từ tháng 3-2017, Hội nhà văn Việt Nam quyết định dừng phát báo, tạp chí miễn phí cho hội viên. 
Trò chuyện với PV Tuổi Trẻ chiều ngày 22-3, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết: “Năm nay, kinh phí hỗ trợ sáng tạo của Nhà nước chưa rót về cho Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (trong đó có Hội nhà văn Việt Nam) nên Hội nhà văn Việt Nam tạm thời không còn nguồn kinh phí để mua sách, báo phát miễn phí cho hội viên như trước đây. Khi nào Hội có tiền sẽ mua và phát trở lại cho các hội viên”.

Các ấn phẩm trước đây Hội nhà văn mua để phát miễn phí cho hội viên, nay phải dừng lại bao gồm: Tuần báo Văn nghệ (10.000 đồng/tờ), Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (60.000 đồng/ấn phẩm),Tạp chí Thơ (28.000 đồng/ấn phẩm) và Hồn Việt.


Mỗi số báo phát hành, Hội nhà văn mua 1000 tờ để phát cho hội viên và mỗi năm Hội tốn khá nhiều tiền mua báo, theo ông Hữu Thỉnh. Theo tính toán của nhà văn Khuất Quang Thuỵ - Tổng biên tập báo Văn nghệ, mỗi năm Hội nhà văn Việt Nam bỏ ra hơn 400 triệu đồng để mua báo Văn nghệ.


“Mua báo, tạp chí phát miễn phí cho hội viên là cách để khuyến khích hội viên sáng tạo. Các hội viên ở thành phố thì có thể mua báo dễ dàng nhưng các hội viên ở vùng sâu, vùng xa thì mua báo rất khó khăn, nên từ lâu nay Hội đứng ra mua để phát cho các hội viên” - ông Hữu Thỉnh giải thích.


Ông cũng nói thêm, số tiền mua báo mà Hội nhà văn còn nợ báo Văn nghệ đến nay đã được trả hết.


Trước thông tin này, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ: “Hội nhà văn Việt Nam dừng cấp phát 4 ấn phẩm cho hội viên thể hiện phần nào sự khó khăn về kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, tôi tin chắc không ít hội viên sẽ cảm thấy hụt hẫng, đặc biệt là các hội viên cao tuổi. Như tôi biết, có những nhà văn gạo cội, ngoài 80 mà sức đọc, sức viết vẫn bền bỉ, nghiêm túc như nhà văn Ma Văn Kháng thì sức khỏe ông đã yếu, không phải lúc nào cũng đi mua báo hay nhờ người mua báo được. Trong khi các ấn phẩm này gần như là sợi dây duy nhất kết nối hội viên cao tuổi như ông với đời sống văn học nghệ thuật đương đại”.

V.V. Tuân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hiệp sỹ trẻ Macron sẽ cứu nước Pháp?


Phạm Cao Phong
Ứng cử viên Emmanuel Macron và vợ, bà Brigitte Trogneux
 hình ảnhCHRISTOPHE PETIT TESSON/AFP/GETTY IMAGES
Ứng cử viên Emmanuel Macron và vợ, bà Brigitte Trogneux
Sau Brexit, con tàu Liên minh châu Âu nghiêng ngả. Trường hợp Pháp, một trong hai động lực còn lại chia tay Brusells, ngôi nhà chung châu Âu sụp đổ không còn là hiện thực xa vời.
Marine Le Pen, tóc vàng màu bia, khéo léo, biết buồn, biết đớn đau, 'thương' dân Pháp không thấm chân lý 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do', đang ru hơn 26 % cử tri về với Mặt trận Quốc gia.
Chiêu bài Marine Le Pen nêu rằng, EU trói chân, ép uổng, làm nước Pháp mất chủ quyền, hãy nối gót Brexit đang được chuộng.
Cơn địa chấn chính trị sẽ không còn dừng ở biên giới Pháp, trở thành vấn đề thế giới, nếu quyền lực ngày 7/5/2017 chuyển sang tay 'người đàn bà Rồng'.
Như phụ họa cho viễn cảnh u ám, đối trọng với Marine Le Pen là những con khủng long trong chính trường Pháp đều chết yểu trong cuộc đua vào Điện Elysee.
Tổng thống đương nhiệm François Holland tự thất vọng với kết quả cầm quyền, đào tẩu không ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hoà Pháp.
Thủ tướng Manuel Valls cũng bị loại ngay trong vòng sơ tuyển. Đại diện cánh tả Benoit Hamon thiếu hấp dẫn, không có được ngay sự ủng hộ trong nội bộ Đảng Xã Hội (PS). Cánh tả chia rẽ sâu sắc, không tìm ra đường lối thống nhất. Họ là những cá nhân, những ông đầu rau ba người ba góc, không tìm ra một đầu bếp tài hoa, hòng dọn cho dân Pháp một món ăn hợp khẩu vị.
Cánh hữu sau khi 'sáu chọi một', hùa nhau bới móc, cản cựu tổng thống Nicolas Sarkozy ra tranh cử, chọn ra một ứng cử viên sáng giá. Đó là cựu thủ tướng François Fillon.
Cựu thủ tướng François Fillon tại một buổi vận động tranh cử ở Maisons-Alfort, gần Paris tháng Hai 2017hình ảnhREUTERS/CHRISTIAN HARTMANN
Cựu thủ tướng François Fillon tại một buổi vận động tranh cử ở Maisons-Alfort, gần Paris tháng Hai 2017
Ai cũng chắc, ngai vàng trôi dạt sang cánh tả 5 năm trước lại về với bến sông xưa.
Ngay cái tên cũng gợi cảm hào hùng, hai tổng thống Pháp và Giáo hoàng đương nhiệm đều có cùng tên François.
Dè đâu, một con vịt bị trói chân quang quác đã đá cho công tử lịch lãm, khoác complê không dưới 6000 euro bổ chửng.
Số là tờ báo trào phúng 'Canard enchainé'-Con vịt bị trói' đã tiết lộ những con số từ công quỹ của ứng cử viên cánh hữu.

Fillon đã khai khống công việc cho vợ và hai con trai, rút ruột ngân quỹ nhà nước, thực chất là tiền thuế của dân lên đến một triệu euro.
Tư túi, lợi dụng chức quyền bị phanh phui, dẫn đến chỉ số được lòng dân của cựu thủ tướng rớt thê thảm, từ 35% xuống còn 19%.
Dự đoán Fillon gắng cũng chỉ về thứ ba trong cuộc đua chọn hai ngựa.
Ông từng tuyên bố, nếu bị khởi tố sẽ rút lui, giành chỗ cho phương án B. Phát biểu tối 20/3, truyền trực tiếp trên truyền hình ông vẫn khăng khăng 'ai nên khôn mà chẳng dại'.
Sự cố chấp và tham quyền của Fillon tước khả năng chiến thắng của đảng 'Những người Cộng hoà'.
Bất hạnh của người này là may mắn của người khác. Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ thủ tướng M.Valls đứng trước cơ hội hiếm có. Cằn cỗi, suy tàn, thoái hóa của giới chính trị Pháp đã mở ra cho Macron viễn cảnh một người không đảng phái lần đầu tiên lên làm tổng thống.
Cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp của 'Liên đoàn doanh nghiệp' tại Ille-et-Vilaine tháng 12/2016Bản  ảnhLOIC VENANCE/AFP/GETTY IMAGES
Cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp của 'Liên đoàn doanh nghiệp' tại Ille-et-Vilaine tháng 12/2016
Tương lai châu Âu đi qua Điện Elysee?
Chàng trai thanh thoát với cặp mắt xanh trong vắt, sức cuốn hút như một ngôi sao nhạc rock, vừa gần và cũng đủ xa với công chúng, nhạy cảm, chan hoà. Đó sẽ là đối thủ của bà Marie Le Pen, chủ tịch Đảng FN trong vòng hai.
Sự xuất hiện của ứng cử viên Macron vào chức tổng thống Pháp, với nhiều khả năng thắng cử đánh dấu sự cáo chung của nền chính trị truyền thống. Mọi dự đoán, ngay sau cuộc tranh luận quan trọng ngày 20/3/2017 giữa 5 ứng cử viên nặng ký giữa Benoit Hamon (PS), François Fillon (LR), Jean-Luc Mélenchon, Marine Le Pen (FN) và E.Macron ( En Marche) đều thống nhất là ứng cử viên trẻ nhất (sinh ngày 21/12/1977) sẽ là người về đích.
Khuôn mặt mới toanh
Năm năm trước Macron chẳng được biết đến trên chính trường. Hoạ chăng trong những lời đàm tiếu.
Vừa cập kê 16 tuổi, chàng trai đã đi lại với một phụ nữ ba con, đồng thời là cô giáo của mình, cứng hơn hai giáp.
Mối tình của Macron với người phụ nữ tuổi 40, có chồng gặp trắc trở ngay trong gia đình. Bố mẹ Macron phẫn nộ, ầm lên, gọi điện đến trường nơi con học, ngăn cản mối tình 'thiêu thân'.
Song họ bất lực.
Macron đã chọn cho đường đời của mình một con đường sững sờ với những thành kiến, lối suy nghĩ, đối nghịch với niềm tin tôn giáo vốn là thành trì ở tỉnh nhỏ.
Nên không lạ, khi chàng trai 39 tuổi lần này muốn thử vận may trong vòng đua dẫn đến ngai vàng nước Pháp.
Emmanuel Macron hôn vợ, bà Brigitte Trogneux, khi ông tới một cuộc vận động tranh cử ở Talence, Tây Nam nước Pháp, hôm 9/3/2017 ảnhMEHDI FEDOUACH/AFP/GETTY IMAGES
Emmanuel Macron hôn vợ, bà Brigitte Trogneux, khi ông tới một cuộc vận động tranh cử ở Talence, Tây Nam nước Pháp, hôm 9/3/2017
Con gái riêng của Brigitte Macron, đồng thời là thành viên trong Ban vận động bầu cử Tiphaine Auzière 32 tuổi bảo vệ mẹ :
"Người ta luôn luôn nói sai về mẹ tôi. Tôi không thấy giữa họ giờ có khác biệt về tuổi tác. Những gì họ cùng chia xẻ đều sáng suốt. Nếu nhìn thấy họ hạnh phúc ra sao, chắc những đàm tiếu sẽ bay biến. Gia đình chúng tôi hiện nay yên ấm như hàng triệu gia đình khác. Một tổ ấm bình thường.
Emmanuel (tên của Macron) không phải nhất nhất ăn ý với suy nghĩ của mẹ tôi. Song mẹ tôi luôn luôn ở bên cạnh, mẹ tôi không bao giờ nói 'phải làm thế này, phải làm thế nọ'."
Lên trung học, Macron từ Amien rời lên Paris, ít khi nhắc đến cha mẹ của mình. Họ đều là bác sĩ tại bệnh viện Amien.
Macron gợi hình ảnh trẻ trung, năng động của tổng thống Mỹ Kenedy. Ít vuốt ve, mỵ dân, xác định khế ước xã hội giữa người dân và lập pháp, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân như câu hỏi 'Đừng đỏi hỏi đất nước phải làm gì cho bạn', Macron đã thuyết phục được đông đảo giới tuổi từ 19-49, thành phần năng động và hăng hái nhất.
Macron cũng không xa hình ảnh một Barack Obama kéo hai phần đen, trắng của nước Mỹ lại gần nhau.
Macron có thể đã nhìn thấy yếu huyệt của hai đảng, nên khôn khéo chọn chiến thuật đi riêng, đưa vào chương trình tranh cử những ý tưởng mang tính tổng hợp của cánh hữu, cánh tả, cánh trung, và thậm chí là của đảng Cộng Sản Pháp nhằm quyến rũ mọi tầng lớp và không phật lòng bất cứ nhóm cử tri nào.
Macron đưa đề xuất mang tính 'cách tân' như trợ cấp thất nghiệp phổ quát, miễn thuế nhà ở cho 80% người dân, thanh niên tới tuổi 18 thì được cấp 500 Euros dành cho hoạt động văn hóa, mở các khóa học bổ túc trình độ cho học sinh yếu kém, giảm chi tiêu công, tuyển thêm 7.500 cảnh sát và 2.500 hiến binh cho công tác an ninh.
Áp dụng chính sách linh hoạt với thời gian làm thêm tùy theo độ tuổi. Không động tới việc cắt giảm chế độ làm việc 35 giờ/tuần vốn được các công đoàn kiên trì bảo vệ.
Với chương trình ứng cử mang màu tắc kè hoa, đủ sắc cầu vồng, Macron trên con đường đến điện Elysee như một lữ hành mua vé bình dân đi tàu cao tốc, nhưng chuyển động với tốc độ chóng mặt.
Sức hút của Emmanuel Macron, các tên tuổi lớn trong đảng Xã hội đang dần chuyển sang ủng hộ ứng viên tự do phong trào 'Tiến bước - En Marche'.
Emmanuel Macron chụp selfie với khách tại dạ tiệc hàng năm của Hội người Do thái Pháp ở Paris tháng 2/2017 ảnhREUTERS/CHRISTOPHE PETIT TESSON/POOL
Emmanuel Macron chụp selfie với khách tại dạ tiệc hàng năm của Hội người Do thái Pháp ở Paris tháng 2/2017

Liệu Macron có đến đích?

'Nền dân chủ là vô giá, nhưng cũng phải trả giá'. Một câu hỏi đặt ra là Macron lấy đâu ra tiền để rải cho chi phí tranh cử ? Con số ít ra là 20 triệu euro.
Khi làm cho ngân hàng Rothschild, Macron kiếm được 2,8 triệu. Những năm đảm đương chức Bộ trưởng Kinh tế chỉ thu về 1 triệu, một cái giá tượng trưng cho bệ phóng Macron chọn cho con đường chính trị. Một con số như muốn bỏ biển. Thực ra, Macron vẫn gánh món nợ trả góp về mua và sửa nhà là 375.000 euro.
Tháng 12, Ủy ban bầu cử 'En Marche' rời trụ sở rộng 300m2, tầng 14 Tour Montparnasse sang đường Abbé-Groult ở quận 15 với diện tích 1000m2, với giá thuê hàng tháng là 20.000 euro. Mỗi cuộc hội họp cổ động tại Strasbourg, Mans, Montpellier đều có giá là trên 300.000 euro.
Vậy đằng sau ứng cử viên tự do này phải có những sự hỗ trợ mạnh mẽ? Họ là ai ?
Macron tin tưởng vào sự giúp đỡ của Christian Dargnat, cựu chủ tịch tập đoàn ngân hàng BNP-Parisbas, hoặc Bernard Mourad cánh tay phải của tỷ phú Patrick Drahi, hay Benoit d'Angelin, người 13 năm làm cho tập đoàn Tài chính Lehman Brothers… ?
Danh sách những người đứng đằng sau Macron rất dài, toàn những tay máu mặt trong nền tài chính thế giới.
Tội nghiệp cho Fillon, chưa chắc nuốt trôi 1 triệu euro, mà tím tái với tư pháp. Anh nhà bank Macron được ăn học, rành mánh khóe vận hành trong ngành tài chính đang qua mặt ông cựu thủ tướng vẫn cho mình là già dơ.
Thậm chí Macron còn bỏ không thèm nhận 50.000 Euros nếu cứ ngoan ngoãn đi làm kiểu 'sáng cắp ô đi, tối cắp về' thêm 6 năm nữa để hưởng quyền lợi nghiễm nhiên được nhận nếu làm cho nhà nước đủ 10 năm.
Khoản ăn nói, lần đầu giáp lá cà Macron cũng được dân Pháp cho điểm thuyết phục tới 29 %, vượt các đối thủ như cái loa trong bốn năm 2008-2012 của Đảng Xã hội B.Hamon với 11%, hay Marine Le Pen 19% được thời gian nói nhiều nhất.
Bây giờ, khi đằng sau những mặt trái của cựu Bộ trưởng trẻ chưa được báo giới hay tư pháp nhòm ngó, chúng ta hãy tin câu chuyện cổ tích nước Pháp với Emmanuel Macron.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Cao Phong, nhà báo tự do tại Paris, Pháp.


Phần nhận xét hiển thị trên trang