Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Bài ngâm dấm ớt. Không sợ cay thì đọc:

Lang Anh
14 giờ
Đảng cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử (Phần kết)
Trước khi viết những dòng cuối cùng trong loạt bài này, tôi muốn chia sẻ với các bạn đôi điều. Trên thực tế đối tượng chính nhắm tới của loạt bài viết này là những người cộng sản. Tôi muốn phân tích rõ thực trạng của quá khứ và hiện tại để họ thấy rõ sự ảo tưởng của những người tiền bối của họ và việc hiện nay họ đã bị tội phạm hoá và tha hoá ra sao. Đồng thời tôi cũng muốn làm rõ cho họ một thực tế: "Chế độ cái trị này không thể trường tồn". Họ phải thừa nhận thực tế đó, để hoặc cùng tham gia vào kiến tạo tương lai với phần còn lại của đất nước, khi đó họ sẽ vẫn còn chỗ trong tương lai, hoặc họ cứ tiếp tục mù quáng tiếp tục đi trên con đường tội phạm và sai lầm hiện tại. Điểm kết cuối cùng sẽ là một cuộc chiến tương tàn, ngoại bằng sẽ xâm lấn chủ quyền và bản thân họ, với tư cách những kẻ tội đồ mất khả năng cải tạo, chắc chắn sẽ bị tàn sát hàng loạt. Tôi cũng không cho rằng những kẻ độc tài chóp bu có cơ hội chạy trốn ra nước ngoài. kadafi, Saddam Husein, sau những tội ác ghê rợn gieo rắc cho người dân, dù đều sở hữu tới hàng chục và hàng trăm tỷ USD, nhưng đều bị tận diệt. Chế độ cộng sản ở TQ có lẽ sẽ tồn tại lâu hơn Việt Nam, nhưng tôi không hình dung ra viễn cảnh các tay cộng sản chóp bu sẽ chạy trốn sang TQ, vì khi đó họ chẳng qua chỉ chạy sang một địa ngục khác mà sớm muộn cũng thành biển máu mà thôi.
Tuy nhiên trong quá trình sắp xếp tư duy cho loạt bài viết này, tôi cũng mong rằng bất cứ ai khác cũng có thể tìm thấy ở đó những kiến giải khác về những sự kiện lịch sử đã, đang diễn ra. Tất nhiên, quá khứ và hiện tại sẽ là cơ sở để rọi đường cho tương lai. Qua những mất mát, cây đắng và sai lầm, chúng ta sẽ biết đâu là con đường cần đi và điều gì người Việt Nam cần hướng tới.
Tôi muốn làm rõ một thực tại cuối cùng trước khi đi vào mạch tranh luận kế tiếp. Những người cộng sản thế hệ của ông Hồ Chí Minh, khi tin vào lý thuyết cộng sản, bản chất là đã tin vào một con đường không có lối ra. Lý thuyết của Marx về một xã hội công bằng tuyệt đối, bản chất là một sự lừa bịp và ảo tưởng. Chừng nào loài người còn tồn tại thì sẽ luôn có sự khác biệt giữa người với người. Sẽ có những người có năng lực tạo ra của cải cao hơn, và do đó họ sẽ phải có quyền thụ hưởng cao hơn người khác. Sẽ là cực kỳ vô đạo đức và cực kỳ đê tiện nếu người ta bắt những người như Bill Gate hay Steve Job phải có mức thụ hưởng cào bằng như bất cứ ai, trong khi đóng góp của họ cho văn minh nhân loại là vượt trội so với đại chúng. Nếu ngay tại thời điểm này, toàn bộ của cải của thế giới được chia đều cho bất cứ ai đang tồn tại trên trái đất, thì chỉ một giây sau, sẽ lại có sự chênh lệch giữa người với người. Vì những người có năng lực sáng tạo và tài năng hơn, sẽ luôn tạo ra được của cải nhiều hơn trên những gì họ có. Một xã hội theo hình dung của Marx chỉ là một xã hội ảo tưởng và hoàn toàn lừa phỉnh. Ngay cả việc những kẻ cuồng tín cộng sản có nắm được quyền hành và chia đều tất cả của cải, thì ách cai trị của chúng sẽ chỉ dẫn tới sự triệt tiêu sáng tạo của nhân loại: "Những người tài năng hơn sẽ lười đi vì họ không thể cứ mãi làm cho người khác hưởng, còn những kẻ lười biếng sẽ càng lười hơn vì chúng sẽ trong đợi người khác tạo ra của cải để chia cho mình". Sự thất bại của Liên Xô, Việt Nam và tất cả các nước cộng sản trong quá khứ trong việc tạo ra các giá trị vật chất so với phương tây có căn nguyên gốc rễ chính từ sự ảo tưởng và bịp bợm ngay từ đầu trong lý thuyết mà họ tôn sùng. Tôi có một hình dung rất rõ ràng về tương lai nhân loại, đó sẽ là một xã hội văn minh, khuyến khích sự sáng tạo của con người. Những người tài năng và chăm chỉ sẽ vẫn luôn có sự thụ hưởng vượt trội đám đông. Ngược lại, các chính sách xã hội và tái phân phối thu nhập sẽ điều tiết một cách nhân văn, để bất cứ công dân nào của nó cũng có cơ hội có một mức sống tối thiểu, có cơ hội được học hành, được chăm sóc y tế, bình đẳng trước luật pháp, và điều quan trọng nhất là họ sẽ có cơ hội được vươn lên trong nhóm Top đầu, khi họ có tài và chăm chỉ. Hiện nay nhiều xã hội phương Tây, đều đã ngấp nghé xây dựng được những cơ sở có thể nói là bền vững cho một xã hội như vậy. Và chắc chắn đó không phải là thứ chủ nghĩa cộng sản ảo tưởng, vốn đã gây bao tai họa cho nhân loại của Marx cũng như những đệ tử của ông ta.
Quay lại Việt Nam, tôi cho rằng những người cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên là những người yêu nước và có lý tưởng. Nhưng họ chính là một đám cuồng tín luôn tin rằng mình duy nhất đúng và sẵn sàng tiêu diệt không thương tiếc những ai khác ý kiến với mình. Về mặt này, họ không khác gì nhà nước hồi giáo IS hiện nay, chúng phạm những tội ác không gớm tay nhưng vẫn luôn tin rằng mình đúng. Tôi luôn kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông ấy là một danh tướng và là một anh hùng dân tộc. Nhưng cũng chính ông Giáp là người đã tiến hành những chiến dịch tàn sát thẳng tay với những người Quốc dân đảng vào năm 1946, khi họ cũng có chân trong chính phủ lâm thời. Họ vốn là hậu duệ của anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và nhiều tiền bối khác, nhưng họ có niềm tin lý tưởng khác những người cộng sản. Lịch sử sẽ ghi công ông Giáp với tư cách một anh hùng, nhưng cũng chính niềm tin cuồng tín là thứ thúc đẩy ông ta phạm vào những tội ác ghê gớm với chính đồng bào mình. Những vụ trấn nước, thủ tiêu, ám sát của những người cộng sản cuồng tín giết hại một số lượng không nhỏ người Việt Nam, và phần lớn trong số đó cũng chính là những người yêu nước. Một lý tưởng sai lầm và sự cuồng tín mê muội chính là đặc trưng căn bản của những người cộng sản thế hệ của ông Hồ Chí Minh. Họ để lại một di sản sai lầm và những kẻ hậu duệ của họ biến đi sản ấy thành một thứ quái vật tiêu diệt mọi tiềm năng đất nước.
Khi những hậu duệ cộng sản ở Việt Nam lựa chọn nền kinh tế thị trường và cố bấu víu nền cai trị độc tài, họ đã vi phạm mọi nguyên tắc căn bản nhất để tạo ra một xã hội minh bạch, văn minh và công bằng về mặt cơ hội phát triển cho con người (tôi muốn nhấn mạnh là công bằng về cơ hội phát triển cho con người, chứ không phải công bằng về thụ hưởng). Bộ máy cai trị độc tài với quyền lực không được kiểm soát, đã nhanh chóng biến tất cả những thành phần của Đảng cộng sản Việt Nam thành một đẳng cấp ưu tiên. Sự kìm kẹp và tiêu diệt mọi tư tưởng độc lập của giới trí thức đã tạo ra một xã hội cúi đầu. Chút lý tưởng của họ không còn vì thực tại đã cho thấy lý tưởng của Marx chỉ là ảo tưởng. Khi một đám người không còn lý tưởng và nắm quyền lực tuyệt đối trong tay, chúng nhanh chóng tha hoá và biến thành tội phạm. Hiện nay bộ máy của chế độ cộng sản Việt Nam gồm hầu như toàn bộ là những kẻ tham nhũng, vô đạo đức cả về vật chất lẫn quyền lực. Sự lưu manh hoá của họ lớn dần theo thời gian và gây ra những bức xúc ngày một lớn trong xã hội. Mọi chủ trương, mọi định hướng, mọi chính sách phát triển quốc gia đều chỉ đẹp trên khẩu hiệu và bị bộ máy tham nhũng bóp méo thành những thứ đem lại lợi ích cá nhân. Các khoản đầu tư công, các chính sách phát triển... hầu như mọi thứ đều trở thành nguồn tham nhũng của bộ máy công quyền. Bộ máy ấy khiến hiệu suất vận hành của nhà nước càng ngày càng giảm, càng ngày càng tệ hại và càng ngày càng khiến những nguồn lực của quốc gia bị teo tóp, những cơ hội phát triển bị bỏ lỡ. Tất cả họ đều nhúng chàm, tất cả họ đều là tội phạm. Và mức độ thì ngày một tệ hại hơn theo thời gian cho đến khi nào quyền lực độc tài của họ bị tước bỏ. Tôi muốn dành đôi lời để nói với những đảng viên cộng sản còn có lương tâm: Liệu có ai trong các vị dám đặt tay lên ngực và thề với lương tâm của mình, với tương lai con cháu mình, rằng các vị đang sống bằng nguồn thu nhập sạch, chứ không phải là nguồn tiền phi pháp. Có lẽ cũng có những người cộng sản, những công chức cấp thấp bị gạt bên lề guồng máy ăn chia và họ phải bươn trải sống bằng những sinh kế khác có từ sức lao động của họ. Tuy nhiên số đó nếu không muốn nói là ít thì sẽ là rất ít.
Sự tồn tại của chế độ độc tài tham nhũng ở Việt Nam đang là thứ tạo ra hầu hết bất công và làm băng hoại đạo đức xã hội. Thế hệ trẻ giờ đây lớn lên không còn có niềm tin, khi họ chứng kiến những kẻ nắm vị trí cao trong xã hội lại là những kẻ vô đạo đức nhất. Chưa bao giờ đất nước mất phương hướng và mất niềm tin như hiện nay. Sự tham nhũng và bộ máy trì trệ đang tàn phá hầu hết nguồn lực và cơ hội phát triển quốc gia. Bộ máy tham nhũng và vô đạo đức hiện nay không những cản trở xã hội đi lên, mà nó còn tiếp tay cho cái xấu và gây ra tàn phá. Thảm họa Fomosa, có thể nói bản chất của nó là sự cấu kết giữa đám quan chức tham nhũng với những nhà tư bản bất lương. Ở những quốc gia mà thể chế minh bạch và phục vụ người dân, chắc chắn sẽ không có cơ hội cho những kế hoạch đầu tuệ tàn phá quốc gia, và nếu có, nó cũng sẽ bị chặn lại nhanh chóng và thủ phạm sẽ phải chịu sự trừng phạt nặng nề. Tôi rất muốn hỏi ông Nguyễn Phú Trọng đã nghĩ gì khi đến thăm Formosa giữa lúc toàn bộ biển miền Trung bị hủy diệt, và ông ta đã nghĩ gì khi sau đó ít tháng Formosa chịu khoản phạt 500 tr USD, một số tiền quá nhỏ so với những hủy diệt lâu dài mà họ gây ra đối với toàn bộ môi trường biển Việt Nam. Đây chỉ là một câu hỏi nhỏ và tôi biết chắc nó sẽ không bao giờ được trả lời.
Cuộc cách mạng Internet hiện nay đã khiến vòng kiểm tỏa của Đảng cộng sản về mặt thông tin hoàn toàn thất bại. Họ đã cố gắng hạn chế và chặn lại mạng xã hội nhưng thất bại. Trong những nỗ lực tuyệt vọng, họ thậm chí đã dùng tới giải pháp hạn chế băng thông giao lưu quốc tế khi có những sự kiện nhạy cảm diễn ra. Thuật ngữ "Cá mập cắn cáp viễn thông quốc tế" là một thuật ngữ được sáng tạo ra từ cơ quan kiểm duyệt tư tưởng của Đảng. Chế độ hiện nay không thể chặn được việc giao lưu thương mại, đầu tư, văn hoá của Việt Nam với phần còn lại của thế giới. Họ cũng không thể chặn lại sự giao lưu về tư tưởng và khao khát ngày một lớn về tự do, về quyền con người và về quyền công bằng giữa người với người trong việc có cơ hội giống nhau để vươn lên. Tôi rất buồn cười khi ông Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích những người trẻ Việt Nam khởi nghiệp, ông ta nói đến Google, đến Facebook .. trong khi những điều đó được tạo nên trên nền tảng của tự do ngôn luận, thứ mà chế độ ông ta phục vụ luôn tìm cách kiểm duyệt và bóp chết. Tôi không rõ Zukerberg sẽ làm được cái gì nếu Mỹ là một nước kiểm soát về tự do ngôn luận, chắc chắn là facebook sẽ bị bóp chết ngay từ những dòng code đầu tiên.
Những người cộng sản hiện nay hiểu rất rõ họ là ai và thực tại thế nào. Vì thế từ nhiều năm nay những khẩu hiệu minh bạch mà họ hô hào hàng năm đều chỉ là những thứ sáo rỗng và loè bịp. Họ kê khai tài sản nhưng chỉ kê cho riêng họ xem, cũng chỉ có trời mới biết lũ tội phạm ấy kê gì và dấu của cải của chúng ở đâu. Họ hô hào chống tham nhũng chỉ để cho có, vì toàn bộ họ đều nhúng chàm. Thỉnh thoảng có một kẻ kém may mắn bị loại bỏ giữa các màn đấu đá phe cách và bị lôi ra làm thịt nhằm loè bịp người dân. Gần đây tôi có đọc một phát ngôn báo chí của Bộ Tài Nguyên, theo đó bộ này 10 năm qua không có tham nhũng, trong khi bất cứ ai cũng biết rõ một trong những cái ổ tham nhũng nhức nhối nhất chính là các cơ quan công quyền quản lý đất đai. Sự vô đạo đức và gian trá đã đạt đến đỉnh cao với những kẻ cộng sản độc tài hiện tại.
Nguồn lực của đất nước đang bị đánh cắp, cơ hội phát triển của đất nước đang bị tiêu diệt, và chủ quyền của đất nước thì đang ngày càng nguy ngập, vì với một bộ máy cai trị dễ dàng mua được bằng tiền, chúng sẽ dễ dàng bán rẻ lợi ích quốc gia.
Tất cả những bất cập trên đều sẽ là những thứ khiến chế độ cộng sản hiện nay rồi sẽ phải chấm dứt. Trong nhiều năm qua, đảng cộng sản tuyên truyền về công lao của họ trong phát triển kinh tế quốc gia. Họ lờ đi thực tế là tài nguyên đất nước, môi trường sống vốn là những của cải cần được sử dụng dè xẻn và để lại cho đời sau thì nay đã bị họ đốt hầu hết cho hiện tại, mà phần lớn trong số đó đã rơi vào túi những tay tham nhũng. Và số nợ mà chế độ này đã vay thì đã vượt quá khả năng cân bằng của họ. Tất nhiên chế độ này khi kết thúc sẽ không trả nợ, người trả chính là người dân Việt Nam. Và tình trạng nợ công của Việt Nam đến nay đã cực kỳ nguy ngập. Từ năm 2016 trở về trước, người ta nói về số liệu nợ công đã vượt ngưỡng trần tính trên tỷ lệ GDP và năng lực cân đối dòng tiền của ngân sách. Từ lúc ông Nguyễn Xuân Phúc nắm quyền cho đến khoảng tháng 9/2016, chính phủ của ông ta đã vay nợ ròng thêm trên dưới 8 tỷ USD. Cái gọi là giới hạn hay trần an toàn giờ là thứ không còn ai nhắc tới. Trong vòng 5 năm tới, khả năng rất cao Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ quốc gia, khi chính phủ không thể trả nổi các khoản nợ đáo hạn. Tình trạng của Venezuela sẽ là viễn cảnh của Việt Nam.
Tuy nhiên chế độ hiện nay có thể trì hoãn cái chết bằng cách dựa dẫm vào nguồn tiền từ Trung Quốc. Và chẳng có bữa trưa nào miễn phí trên đời, đi kèm với đó sẽ là những cuộc mặc cả đen tối mà chủ quyền đất nước bị bán rẻ. Tất nhiên, khi sự thật lộ ra thì đất nước này sẽ chìm vào một biển máu mà sự phấn nộ của người dân sẽ tàn sát tất cả. Và trong tình huống nói loạn diễn ra, đất nước này sẽ bị kéo lùi lịch sử trên dưới 20 năm.
Tôi muốn tránh cái viễn cảnh bi đát ấy và bất cứ người Việt Nam nào cũng đều muốn tránh, tôi tin, bao gồm cả những người cộng sản. Đơn giản là bất cứ ai cũng sợ chết, đặc biệt là những người giàu, trong khi đó các hậu duệ cộng sản và gia đình họ thì đã quá giàu. Vì thế tôi kỳ vọng rằng những cuộc đối thoại sẽ đến để tránh một kết cục bi đát cho tất cả. Chế độ rồi sẽ đi đến điểm kết, nhưng đó có thể là một điểm kết đau đớn hoặc một sự chuyển biến sang văn minh trong hoà bình.
Người Myanmar đã làm được điều đó, khi chính phủ độc tài của tổng thống Theinsein đứng về phe dân tộc. Họ cũng đã từng đi theo con đường chủ nghĩa xã hội trong trên dưới 25 năm (1963 đến những năm 1980), họ cũng là những kẻ độc tài bị thế giới cô lập và lệ thuộc nặng nề vào trung quốc. Họ cũng có hơn 1000 km đường biên giới với Trung Quốc và có những phe nhóm lý khai gốc Hoa đang cầm súng chống lại chính quyền. Nhưng với con đường hoà giải và hợp tác, hiện nay họ đã đi trên đúng lộ trình để văn minh hoá đất nước. Con đường của Myanmar không dễ đi, nhưng họ đã thoát được khỏi màn đêm.
Tôi muốn nói rằng, đó là một tấm gương cho chế độ cộng sản Việt Nam. Họ có thể thay đổi để tiếp tục tồn tại như một lực lượng chính trị giữ vai trò quan trọng trong một tương lai không hề ngắn. Họ có thể cải cách để giữ lại quyền tồn tại của mình, và điều quan trọng nhất là điều đó sẽ mở ra cánh cửa để Việt nam đi theo đúng lộ trình văn minh hoá quốc gia.
Tất nhiên những cải cách không phải có thể đến ngay một sơms một chiều. Ngay từ lúc ngày, chế độ Việt Nam có thể tiến hành những bước đi đầu tiên:
1. Nới lỏng kiểm duyệt báo chí và mạng xã hội. Đó là cách tốt nhất để góp phần giảm tham nhũng và minh bạch quốc gia. Nó cũng là bước đi đầu tiên để cải thiện hình ảnh của chế độ trước mắt công chúng. Nới lỏng kiểm duyệt không đồng nghĩa với việc những lời chỉ trích chính phủ sẽ tăng lên, trái lại, xã hội sẽ ghi nhận và bước đầu ủng hộ khi chế độ đi trên đường đúng.
2. Sa thải và tái bố trí việc làm cho ít nhất 30% người hưởng lương ngân sách, chỉ có bằng cách đó mới đảm bảo được việc cân đối giữa nguồn thu, nguồn trả nợ và các khoản đầu tư công cần thiết phục vụ phát triển đất nước. Tăng thu nhập cho toàn bộ đội ngũ công chức còn phục vụ, đảm bảo mức thu nhập của khu vực công về mặt chính thức là ngang bằng hoặc tương ứng với 80% thu nhập của khu vực tư. Đây là cách duy nhất để giúp chặn làn sóng ăn cắp và tham nhũng bắt buộc của những công chức có thang bậc đãi ngộ thấp hiện nay.
3. Ban hành một đạo luật chống tham nhũng mới, theo đó ấn định một sắc lệnh ân xá cho tất cả các hành vi tham nhũng phát sinh trong quá khứ, đồng thời đề ra những mức án cực nặng cho các vụ việc tham nhũng mới phát sinh sau thời hạn ân xá.
4. Thành lập một cơ quan tư pháp mới, một cơ quan điều tra mới hoàn toàn tách biệt với tất cả những cơ quan tư pháp và điều tra hiện nay. Chọn lựa những người có đạo đức và lý tưởng phụng sự quốc gia vào những cơ quan này và cấp cho họ chế độ đãi ngộ đặc biệt. Những cơ quan này được trao quyền điều tra, truy tố và xét xử tất cả các vụ việc tham nhũng mới phát sinh sau thời hạn ân xá được ấn định trong luật chống tham nhũng mới.
5. Bước đầu tách biệt toàn bộ hoạt động của các cơ quan tư pháp khỏi bộ máy hành pháp.
6. Giải tán Mặt trận tổ quốc hiện tại, thành lập một mặt trận toàn dân mới theo đó các đại diện được lựa chọn thông qua bầu cử một cách công khai, minh bạch. Các đại biểu này sẽ cùng thành lập một hội đồng soạn thảo hiến pháp mới. Cần đề ra một lộ trình thay đổi hiến pháp, ấn định thời điểm chấp nhận việc thành lập tự do chính đảng (có thể là một lộ trình 5 năm). Nội dung cơ bản nhất của hiến pháp mới cần có những nhân tố căn bản của một xã hội văn minh, trong đó yếu tố nền tảng phải được xây dựng xoay quanh quyền lập chính đảng và bầu cử tự do. Để tránh các xung đột với chế độ hiện tại, có thể học theo đúng mô hình Myanmar đang thực hiện: Chế độ cũ nắm quyền chỉ định 25% số ghế nghị viện không cần bầu cử, và nắm quyền phủ quyết hiến pháp. Đây là một sự cải cách nửa vời, nhưng nó là cách tốt nhất để bắc một cái cầu giữa hiện tại với tương lai, cho đến khi đất nước đủ văn minh để có một bản hiến pháp thực sự tiến bộ.
7. Trên tất cả, cần thực sự cầu thị, cần thực sự thiện chí vì đó là cách duy nhất giúp đất nước tránh khỏi vực thẳm hoang tàn của bạo loạn và chiến tranh.
Sẽ chỉ có hai con đường với chế độ cộng sản hiện nay: Hoặc tiếp tục cố níu kéo quyền lực, vay nợ mọi thứ, bán rẻ mọi thứ cho đến ngày tàn dìm đất nước và chính chế độ này vào lò lửa chiến tranh, hoặc bắt đầu thay đổi, để tạo cơ sở cho đất nước này hướng tới tương lai trong đó bao gồm tương lai của chính đảng cộng sản.
Vài lời cuối cùng: Đây là những ý tưởng viết vội của tôi trong vài ngày nghỉ, nó được gõ và post trực tiếp ngay trên trình duyệt. Tôi biết nó sẽ vẫn có những khiếm khuyết và những hạn chế. Tôi mong rằng nó sẽ được hoàn thiện hơn qua sự chia sẻ và góp ý của tất cả mọi người. Chúng ta cần sự chia sẻ, chúng ra cần sự thiện chí và chúng ta cần sự khách quan. Bởi đó là những thứ đất nước này đang rất thiếu.
Tôi dự kiến sẽ viết một loạt phân tích về các phong trào đầu tranh cho tiến bộ xã hội ở Việt Nam kể từ năm 1975 trở lại đây, cả trong nước lẫn hải ngoại, và trình bày những kiến giải của mình về những giải pháp mà những công dân tiến bộ có thể làm để thúc đẩy lộ trình văn minh ở Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ dự án này sẽ được gác lại cho đến khi tôi hệ thống được tư duy về vấn đề này và tìm thấy thời gian rảnh.
Trân trọng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

MÙA LỄ HỘI, NHỮNG NƠI NÊN ĐẾN, NHỮNG NƠI KHÔNG NÊN ĐẾN



Miền Bắc Việt Nam, cái nôi văn hóa của cả dân tộc trong những ngày đầu uân có rất nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức để người dân vui chơi và cũng là dịp bày tỏ ước vọng mưa thuận gió hòa trong xã hội nông nghiệp của Việt Nam. 



Xin khuyến nghị chư vị không nên về đền Trần (Nam Định) vào tối 14 tháng Giêng để tham gia lễ hội ban ấn, vì đó chỉ là cái dấu ấn bịp bợm mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và tỉnh Nam Định đem ra để kiếm chác. Nếu chư vị vì tưởng nhớ công đức của các vua Trần và Đức Thánh Trần, xin tránh đến đó vào đêm 14 tháng Giêng. Tương tự lễ phát lương ở đền Trần Thương ở tỉnh Nam Hà cũng là bịa đặt, xuyên tạc lịch sử nhằm kiếm chác.  

Đầu xuân, xin ghi ra đây một số lễ hội, để chư vị đánh dấu vào lịch, sắp xếp thời gian đi dự:

1. Lễ hội Đống Đa: Mùng 5 Tết, tổ chức tại gò Đống Đa, Hà Nội. 

2. Lễ Hội Chùa Hương bắt đầu từ ngày Mùng Sáu Tết với lễ Mở Cửa Rừng, sau đó người ta đi trẩy hội lễ Phật suốt cả Mùa Xuân. 

3. Ngày 6 tháng Giêng - Hội chợ Chuộng - Thanh Hóa.Mỗi năm một lần, đến hẹn lại lên, nhân dân quanh vùng Đông Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa lại háo hức chờ đến mùng 6 tết đến phiên chợ Chuộng để được “choảng nhau”, người nào bị “choảng” nhiều thì năm đó có nhiều may mắn. 

Quần áo bê bết cà chua, trứng gà, vịt, bùn đất, khuôn mặt lấm lem, quệt vội vệt bùn trên khuôn mặt, em Lê Thị Thu (18 tuổi), trú tại xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa hồ hởi: Đây là lần đầu tiên em đến chơi chợ và bị “choảng” đủ thứ từ cà chua, trứng gà nhưng rất vui. Bởi theo bà em kể lại đi chợ bị ném càng nhiều năm đó sẽ gặp may mắn.

4. Ngày 10 tháng Giêng, Hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại mở hội rước Sắc của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng về Đại Đình. Truyền thuyết của làng kể rằng Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng từ xứ Đoài đưa quân về giải phóng thành Đại La (Hà Nội ngày nay) khỏi tay quân đô hộ nhà Đường (vào năm 791) đã từng đóng bản doanh ở chính địa điểm Gò Cây Táo này. Vì vậy dân làng Triều Khúc thờ Phùng Hưng làm thành hoàng.

Lễ hội kéo dài 3 ngày, có các nghi thức quen thuộc ở các hội làng đồng bằng Bắc bộ như rước kiệu, múa rồng, múa sư  tử...và đặc biệt nhất là nghi thức múa “con đĩ đánh bồng”(do nam thanh niên múa) mà chỉ làng này mới có.



5. Lễ hội Đền Và thuộc xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), mỗi năm người ta mở hội từ ngày 14 đến ngày  17 Tháng Giêng. Vào những nămTý, Ngọ, Mão, Dậu, người ta rước kiệu và bài vị của Thánh từ Đền Và thuộc thị xã Sơn Tây sang đến bên kia thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, và có sự tham gia của hai tỉnh, hai huyện và tám thôn xã của hai tỉnh đó.

6. Lễ hội Trò Trám - linh tinh tình Phộc: Lễ hội vào đêm 11 Tháng Giêng. Lễ hội này rất là đặc biệt, nó được mở vài ba ngày nhưng có một lễ mật rất quan trọng được tiến hành vào lúc 0 giờ ngày 11. Đó là một lễ hội phồn thực cầu mùa. Người ta dâng lên trước điện thờ một bài văn khấn và dùng một cây đàn gọi là “đàn giằng xay” để hát một bài ca ngợi linh thiêng của đức Thánh thành hoàng, ca ngợi bốn giới sĩ – nông – công – thương. Có một đôi trai gái đã chờ sẵn ở đấy với trang phục của người trai thì đóng khố và người con gái thì mặc áo "mớ bảy mớ ba". Ông thủ từ leo lên trên điện sau khi xin âm dương được thì mang xuống hai linh vật, một cái là cái , một cái là cái nường, tức là bộ phận sinh dục nam và một cái là bộ phận sinh dục nữ, trao cho người nam cái nỏ và người nữ cái nường.  Lúc bấy giờ thì đèn tắt hoàn toàn, đôi nam nữ đứng trong bóng tối như vậy thì ông thủ từ hô “linh tinh tình phộc” 3 lần thì mỗi lần hô chữ “phộc” như vậy thì đôi nam nữ đâm mạnh “nỏ nường” vào nhau. Trong đêm tối mịt mùng như thế mà đâm trúng cả 3 lần thì là năm ấy được mùa. 

7. Vào ngày 12 Tháng Giêng những người trẩy hội đã về các làng bên Bắc Ninh để tham dự Hội Lim vào ngày 13 Tháng Giêng hát quan họ. Khách thập phương các nơi kéo về đây dự lễ hội này rất là đông. 

Còn tiếp tục cập nhật ...
  

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tết buồn!


Tết buồn
rồi cũng đi qua
bạn bầu thưa vắng
như là người dưng
Sự tình vừa giận vừa thương
Bởi chưng nhút nhát nên không góp lời
mấy mươi năm
đã trải rồi:
"Trung ngôn nghịch nhĩ"
bao người lụy oan
Bạn vu vơ chuyện vui tràn,
Nhân tình thế sự
e còn né xa..
Văn nhân chẳng khác người ta!
Bưng tai bịt mắt
xem ra cũng nhiều..
Chỉ hay câu chuyện
con tiều
Một phen gặp gió như diều thêm dây
Nỗi niềm tỏ với ai đây?
Non cao
gối sách ta chơi một mình!
Khá thương bát ngát bao tình
tri âm là mấy?
Thôi đành cứ chơi!
Buồn ta không thể bảo vui!
Mây đen không thể nói chơi mây hồng
Đám đuôi chuột
không phải rồng
Mặt nạ đang rớt
lại một lòng đeo lên
Đát Kỷ không thể là tiên
Sa Tăng đâu phải người hiền thế gian?
Thôi đừng tráo trở trắng đen
Có sao nói vậy mới nên con người..
Ngày xuân ta thiếu bạn chơi
Rượu ngọn
thành đắng
phương trời càng xa..
Dẫu ta không trách bạn ta
Giận thời "quá độ"
người ta thật buồn!
Lom lom dài áo cánh chuồn
dài lưng, dài gối
chút buồn mang theo
Đành thôi chơi với bạn nghèo!
Tết đi qua một cái vèo,
tênh tênh!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

(Nhân đọc cuốn BẢN LĨNH VĂN HÓA của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, NXB Tri Thức-2014)


ToNhuanVyCách đây chừng 8 năm, phần lớn những bài viết trong tập sách “Bản lĩnh văn hóa”, ở dạng bản thảo, chúng tôi đã được tiếp cận. Thời điểm đó, chúng tôi, với tư cách bằng hữu đã đề nghị tác giả cho ấn hành. Qua trao đổi, anh Vỹ có nhiều băn khoăn.
Trước đó, với công việc tổ chức bản thảo, chúng tôi tiến hành xuất bản bộ sách khá đồ sộ “Những người lao động sáng tạo của thế kỷ XX”. Nhóm chủ biên sách gồm: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Hoàng Hưng, Nguyễn Thụy Kha. Nội dung chủ yếu của bộ sách là tôn vinh hơn 100 nghệ sỹ và nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XX. Có một nhân vật khi đưa vào bộ sách có trở ngại, đó là nhà văn Nhất Linh. Nhiều nhà xuất bản không duyệt khi đưa Nhất Linh đứng trong hàng ngũ những nhà văn hàng đầu của thế kỷ.
Chúng tôi đã trình bày ý kiến của mình với nhà văn Nguyễn Đình Thi, lúc đó là chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã nói, đại ý: Nhất Linh hoàn toàn xứng đáng. Ông là linh hồn của Tự lực văn đoàn. Và ảnh hưởng của Tự lực văn đoàn đối với sự phát triển của Văn học Việt Nam là rất lớn. Nếu Nhất Linh có sai lầm thì ông đã đổi bằng cả mạng sống của mình.
Chúng tôi đã chuyển ý kiến của ông Nguyễn Đình Thi đến Ban biên tập của Nhà xuất bản Lao Động. Lúc đó chị Hồng Hạnh trưởng ban đã nhiệt tình ủng hộ và nhà văn Nhất Linh đã có tên trong bộ sách. Bộ sách ra đời gồm 6 tập, tập đầu in năm 1999, tập cuối in năm 2002.
Chúng tôi đưa trường hợp này trao đổi với anh Vỹ như là một gợi ý về việc vận động những người có uy tín, có “tiếng nói” để cuốn “Bản lĩnh văn hóa” của anh được xuất bản. Nhưng tập sách cũng không được xuất bản vào thời điểm đó.
Nếu “Bản lĩnh văn hóa” trình làng cách đây gần một thập kỷ thì giá trị đối với cuộc sống sẽ cao hơn. Nhưng không sao, dù muộn còn hơn không.
Với 18 bài (các bài báo và tiểu luận), phần lớn là ngắn, thậm chí có bài rất ngắn, lời lẽ điềm đạm, ý rõ ràng, không có chỗ nào lắt léo, Tô Nhuận Vỹ đã thể hiện dứt khoát bản lĩnh văn hóa của mình. Văn học Việt Nam nhất thiết phải được đổi mới, nhất thiết phải được dân chủ trong sáng tạo.
Qua tập sách, người đọc thấy, ở Tô Nhuận Vỹ, ý thức đổi mới văn học, ý thức dân chủ trong văn nghệ, ý thức tôn vinh những giá trị thực của văn nghệ, ý thức ‘chiêu oan” cho những đồng nghiệp, ý thức chia sẻ với những người cùng quan điểm (về cả 2 phía), ý thức đấu tranh vì tiến bộ của văn nghệ, ý thức đấu tranh về việc chèn ép, mất dân chủ trong văn nghệ… đã thành hệ thống trong hệ tư tưởng của anh trong suốt mấy thập kỷ qua.
– “Với Phạm Quỳnh, tôi nghĩ, với nhiều lý do chính đáng, đã đến lúc nhà nước, ở đây là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, cần kết luận và vinh danh chính thức sự đóng góp lớn lao cho văn hóa dân tộc của ông.” (trang 20) 
– “Chúng tôi chỉ biết tri ân vô cùng người đã có sáng kiến học cách “đầu tư chiều sâu” của Hội văn học Liên Xô và đốc thúc quyết liệt thực hiện sáng kiến này. Người có sáng kiến và thực hiện quyết liệt sáng kiến đó là anh Trần Độ.” (trang 22)
Phạm Quỳnh là ai, Trần Độ là ai, nhà văn cả nước biết, những người hoạt động văn hóa biết, trí thức cả nước biết. Công khai ở “luồng chính thống” đề nghị vinh danh học giả Phạm Quỳnh và tri ân Trần Độ phần nào nói lên bản lĩnh của tác giả tập sách. Đó chỉ là những dẫn chứng bất kỳ, độc giả có thể thấy rất nhiều trường hợp tương tự trong tập sách: Trường hợp “bảo vệ” Phùng Quán; trường hợp chia sẻ nỗi đau của Nguyên Ngọc; muốn làm minh bạch trường hợp của Trần Dần, Lê Đạt về giải thưởng nhà nước..
Với đội ngũ đông đảo các nhà văn Việt Nam hiện nay, làm được những điều đó không chỉ có Tô Nhuận Vỹ. Một loạt những nhà văn khác như Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên, Thanh Thảo… đều có những đóng góp đáng kể trong việc giữ vững bản lĩnh văn hóa của người nghệ sỹ. Từ đó, họ có những đóng góp nhất định cho sự phát triển văn học nghệ thuật, cho cá tính sáng tạo, cho dân chủ trong sáng tạo của nghệ sỹ nước ta.
Tuy nhiên, nói một cách công bằng, Tô Nhuận Vỹ với sự kiên trì trong suốt một thời gian khá dài và rất cần mẫn “chiến đấu” cho hệ tư tưởng của mình đã tự khẳng định cái riêng của anh.
Nếu nói đến sự nổi lên hàng đầu trong mong muốn đổi mới văn nghệ, trong việc đối đầu với những trì trệ, bảo thủ, áp chế thì Tô Nhuận Vỹ không bằng một số nhà văn khác. Trong những người tử tế nổi bật có , chẳng hạn, Nguyên Ngọc. Nhưng xét về tính hiêu quả thì Tô Nhuận Vỹ là trường hợp đáng được ghi nhận.
Sở dĩ được như vậy là nhờ ông có một nét riêng để bảo vệ hệ tư tưởng của mình; đó là luôn luôn tìm cách đối thoại: “Mà trong lẽ phải có người có ta” (Nguyễn Du).
Tô Nhuận Vỹ đối thoại qua thư, đối thoại qua trao đổi, đối thoại tay đôi, đối thoại qua diễn đàn… Anh đối thoại với cả hai phía.
Trong tập sách được đề cập, độc giả có thể gặp rất nhiều những cuộc đối thoại ấy. Thế nhưng trong thực tế, rất nhiều trường hợp anh bị “đánh” từ cả hai phía.
Một lần, chúng tôi nghe một người bạn biết nhiều văn nghệ nói: “Tô Nhuận Vỹ là người của Hữu Ước!”. Ô hay, Hữu Ước thì có liên quan gì? (Ý của anh bạn ấy là Tô Nhuận Vỹ làm việc cho an ninh để theo dõi văn nghệ). Lại nữa, có một dạo Tô Nhuận Vỹ đi lại Mỹ-Việt Nam như con thoi , liền bị xì xào là người của CIA (!)
Chúng tôi biết Tô Nhuận Vỹ đã lâu, đọc những trang như là “tuyên ngôn” về bản lĩnh văn hóa của anh lại chảng thấy Hữu Ước, cũng chẳng thấy CIA!
Chỉ thấy bản lĩnh của một nhà văn đương đại Việt Nam-như nhiều bạn bè, đồng nghiệp của anh: đấu tranh cho sự đổi mới của văn nghệ. 
Tô Nhuận Vỹ hay đi Mỹ vì nhiều lý do. Do vậy, có thể nói anh là một trong ít những nhà văn trong nước sống trên đất nước Mỹ nhiều ngày. Điều kiện đó đã giúp anh tiếp xúc với nhiều nhà văn Việt Nam ở hải ngoại. Và chính ở đây, bản lĩnh văn hóa của anh được thử thách.
Nhiểu người trong chúng ta đều biết, một số nhà văn hải ngoại quyết liệt vì hận thù đã xem những nhà văn cộng sản như những tấm bia để nhả đạn.
Trong “Bản lĩnh văn hóa”, Tô Nhuận Vỹ đã kể lại một số trường hợp ghê gớm về lòng hận thù của những nhà văn đó. Đặc biệt là chuyến đi Mỹ với Nguyễn Quang Thiều, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa…(Xem bài “Con đường Văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ: con đường từ trái tim”).
Tuy nhiên, những nhà văn tử tế, lương thiện ở hải ngoại cũng không phải ít. Tô Nhuận Vỹ đã vận động bằng đối thoại thích hợp để văn học Việt Nam có thể hòa nhập. Tô Nhuận Vỹ đã cùng với nhiều nhà văn tâm huyết khác đã đưa văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ bằng con đường từ trái tim.
Nhiều năm kiên trì, Tô Nhuận Vỹ cùng với nhiều đồng nghiệp đã làm “cầu nối giữa hai bờ đối nghịch” (trang 115), cũng là góp phần vào việc giữ gìn an ninh quốc gia.
Những bài viết của Tô Nhuận Vỹ trong tập sách, một mặt khẳng định bản lĩnh văn hóa của mình, mặt khác cũng phần nào khẳng đinh bản lĩnh văn hóa của một số đồng nghiệp.
Nghệ sĩ là người của công chúng. Tác phẩm nghệ thuật nói chung có đặc trưng là sự đa biến trong tiếp nhận. Do đó, cả sản phẩm lẫn bản lĩnh văn hóa của người nghệ sỹ dù ít, dù nhiều đều có tác động đến công chúng.
Một số người cho rằng văn học nghệ thuật không đòi hỏi người nghệ sỹ phải có trách nhiệm công dân về phương diện chính trị. Sự tồn tại chủ yếu của người nghệ sỹ là tác phẩm nghệ thuật. Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều (đã trở thành “An Nam đệ nhất thư”), trong khi Nguyễn Du không phải là một “công dân tích cực” ở phương diện chính trị. Ở một thứ bậc khác, Hàn Mặc Tử, Đoàn Chuẩn … chỉ có thơ tình và tình ca, tác phẩm của họ cũng sống mãi với thời gian. Ngay cả những trường hợp như vậy thì tâm hồn của người nghệ sỹ, bản lĩnh văn hóa của người nghệ sỹ, theo thời gian, vẫn sống mãi trong lòng dân tộc mình, nhân dân mình.
Nghệ sỹ Tô Nhuận Vỹ sở dĩ được khẳng định vì tâm hồn anh luôn thuộc về dân tộc và nhân dân Việt Nam.
Với Tô Nhuận Vỹ, bản lĩnh văn hóa của anh được thể hiện chẳng những ở CÁI thể hiện mà còn ở CÁCH thể hiện.
“Tôi vừa đọc lại bài bác viết trên Talawas, thấy bác rỉ rả mưa Huế mà hay. Hay lắm. Hình như cái này là đúng cách của bác nhất đây. Nên ngoài cái sự hay, lại thấy một Tô Nhuận Vỹ rất hiện diện” – (Nguyễn Trọng Tạo).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đứng ở đàng xa :

Lãnh đạo VN chúc Tết thôi nhắc CNXH
BBC
Lời chúc Tết đăng trên báo chí Việt Nam của lãnh đạo Đảng Cộng sản, Nhà nước và Chính phủ đều nhấn mạnh đến tinh thần dân tộc, chủ đề tổ quốc chứ dường như không nhắc tới “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” nữa.
Đến chúc Tết lãnh đạo Hà Nội và xuất hiện trong bức hình chụp cùng Bí thư thủ đô Hoàng Trung Hải, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đề nghị Hà Nội xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh”.
Ngoài ra, vào sáng mùng 1 Tết, Giáo sư Trọng “đã đến dâng hương trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ và Vua Lê Thái Tổ”, rồi đi dạo và đi xe bus ở trên phố, sự kiện được báo chí Việt Nam đồng loạt mô tả.
Các lời trích cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến tính dân tộc hơn là ý thức hệ cộng sản hoặc chủ nghĩa xã hội.
Ông nói về sự “tưởng nhớ công ơn các vị tiên hiền, tiên liệt, các liệt tổ, liệt tông đã dày công xây dựng và bảo vệ non sông đất nước, Thủ đô Thăng Long-Hà Nội để con cháu ngày nay được chung hưởng thái bình, độc lập, tự do”.
Ngay cả khi gặp gỡ, chúc Tết quân đội, ông Trọng cũng không nhắc đến chủ nghĩa xã hội nữa, ít ra là theo những gì báo chí Việt Nam tường thuật.
Thăm Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trước Tết, ông nhắc họ “bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện nghiêm pháp luật về biên giới…”, theo trang Quân đội Nhân dân 20/01/2017.
Huyền thoại Rồng Tiên
Thông điệp đầu năm và lời chúc Tết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn nói rõ hơn đến huyền thoại Rồng Tiên:
Đón chào năm mới, mỗi người Việt Nam chúng ta hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, truyền thống “con Rồng, cháu Tiên”, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới, đất nước phồn vinh, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc.”
“Với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của cả dân tộc và tiền đồ tươi sáng của đất nước, chúng ta quyết tâm giành những thắng lợi mới, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng đất nước ta giàu mạnh, dân tộc ta trường tồn, sánh vai cùng bạn bè năm châu, đi tới tương lai xán lạn.”
Cụm từ ‘xã hội chủ nghĩa’ quen thuộc một thời chỉ còn trong chữ ký và chức danh của ông Trần Đại Quang là “Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cũng nhân dịp Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm đến Quảng Nam và Quảng Ngãi hôm mồng 3 Tết.
Báo chí trích lời ông Phúc “đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp, tập trung xóa đói giảm nghèo, chú ý đến phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Tây, nơi có số đông đồng bào dân tộc đang sinh sống”.
Ông Phúc cũng khen tỉnh Quảng Nam “về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cảng biển, sân bay, giao thông nông thôn, các tuyến đường lên vùng cao được quan tâm đầu tư…”
Từ một số năm qua, giới quan sát và báo chí quốc tế đã nhận định rằng kinh tế tư bản chủ nghĩa đang ‘chung sống’ với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của chính quyền.
Nhà báo kỳ cựu của BBC News, Alastair Leithead trong chuyến đến Hà Nội đưa tin về ĐH Đảng Cộng sản khóa trước (1/2011) đã đặt câu hỏi sự pha trộn ‘tư bản – cộng sản’ có kéo lùi phát triển của Việt Nam hay là không.
Gần đây, khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Kerry đã nhận định rằng ở Việt Nam “nay chỉ thấy có chủ nghĩa tư bản”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang
Bộ ảnh chứng minh có tiền là có tất cả
D.H. - Theo thegioitre.vn 
Đồng tiền nhìn mỏng manh nhưng kì thực sức mạnh của nó là rất ghê gớm.
Con đường tắt là con đường được rải bằng tiền.
Nó còn là con đường nhanh nhất và dễ dàng nhất.

Tàn tật là bất lực về trí tuệ chứ không phải thể xác.
Bạn làm từ thiện vì mục đích gì?
Rừng đang bị tàn phá dữ dội vì túi tham không đáy của con người.

Kiếm tiền bằng cách bẩn thỉu thì đồng tiền cũng bẩn thỉu theo.
Những kẻ vừa có tiền vừa có quyền lực thật ra chỉ là những con quái vật đội lốt người.
Bạn không bao giờ biết được tài sản của một người 
có được có do chính họ làm ra hay không.

Xã hội này có rất nhiều cỗ máy trá hình, chỉ hoạt động khi được nhét tiền.
Số tiền tiêu đi bao giờ cũng tỉ lệ nghịch với số tiền kiếm được.
Đồng tiền nhìn mỏng manh nhưng kì thực sức mạnh của nó là rất ghê gớm.

Trước sức mạnh của đồng tiền, người ta có thể sẵn sàng đui mù câm điếc.

Bạn sẽ rơi vào cái bẫy chết người nếu nghĩ rằng tiền có thể mang lại hạnh phúc.

Thế giới chỉ có hai loại người: những kẻ có tiền và những kẻ làm ra nó.

Họ sẽ làm mọi thứ để làm giàu cho bản thân, cho dù phải vắt kiệt cả Trái Đất này.

Sống mà chỉ thấy đồng tiền trước mắt thì chính là đang tự đào huyệt chôn mình.

Định nghĩa về cái khổ của mỗi người mỗi khác nhau.

Cùng một mục tiêu như nhau nhưng người ta thường chọn con đường xa hơn vì họ không dám phá bỏ rào cản trước mắt.


(Ảnh: Internet)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc


Tác giả: Brahma Chellaney
Dịch giả: Song Phan
Ảnh minh họa.
NEW DELHI – Nếu có một điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thật sự nổi trội thì đó là việc sử dụng các công cụ kinh tế để thúc đẩy lợi ích địa chiến lược của nước họ. Thông qua sáng kiến “một vành đai, một con đường” $1000 tỉ Mỹ kim, Trung Quốc đang trợ giúp các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nằm ở các vị trí chiến lược, thường bằng cách mở rộng các khoản vay lớn cho các chính phủ của họ. Kết quả là các nước đang bị rơi vào bẫy nợ nần khiến cho họ dễ bị Trung Quốc ảnh hưởng.
Tất nhiên, việc mở rộng các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng vốn không phải là xấu. Nhưng các dự án mà Trung Quốc đang tài trợ thường không có ý định nâng đỡ nền kinh tế địa phương, mà để tạo điều kiện cho Trung Quốc dễ dàng tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, hoặc để mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu kém chất lượng, giá thành thấp của họ. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn đưa công nhân xây dựng của chính họ làm giảm thiểu số lượng việc làm được tạo ra cho địa phương.
Một số dự án đã hoàn thành bây giờ đang chảy máu tiền. Ví dụ, Sân bay quốc tế Rajapaksa Mattala của Sri Lanka, mở cửa vào năm 2013 gần Hambantota, đã được gọi mỉa mai là sân bay vắng nhất thế giới. Tương tự như vậy, cảng Magampura Mahinda Rajapaksa ở Hambantota phần lớn vẫn để không, giống như cảng Gwadar nhiều tỉ đô la ở Pakistan. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, các dự án đang vận hành đúng như đòi hỏi: tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã hai lần cập bến Sri Lanka, và gần đây hai tàu chiến Trung Quốc đã tạm dùng sự an toàn của cảng Gwadar.
Theo một nghĩa nào đó, thậm chí sẽ là tốt hơn cho Trung Quốc khi các dự án không chạy tốt. Suy cho cùng, gánh nợ nần càng nặng cho các nước nhỏ thì đòn bẩy của chính Trung Quốc sẽ càng lớn thêm. Hiện tại, Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan ngăn chặn một ASEAN đoàn kết chống lại việc Trung Quốc hung hăng theo đuổi các yêu sách lãnh thổ của họ ở biển Đông.
Hơn nữa, một vài quốc gia bị ngợp bởi các khoản nợ của họ đối với Trung Quốc, đang bị buộc phải bán cho họ các cổ phần trong các dự án do Trung Quốc tài trợ hay trao quyền quản lý cho các xí nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Ở các nước có nhiều rủi ro về tài chính, Trung Quốc hiện nay đòi hỏi nắm đa số về sở hữu trước. Ví dụ, trong tháng này Trung Quốc đạt được một thỏa thuận với Nepal trong việc xây dựng một đập nước nữa do Trung Quốc sở hữu phần lớn ở đó, với Tập đoàn quốc doanh Tam Hiệp của Trung Quốc nắm 75% cổ phần.
Như thế vẫn chưa đủ, Trung Quốc đang thực hiện các bước để cầm chắc rằng các nước sẽ không thể thoát ra khỏi nợ nần. Để đổi lại việc gia hạn trả nợ, Trung Quốc hiện đòi hỏi các nước phải trao cho họ các hợp đồng cho các dự án bổ sung, qua đó làm cho cuộc khủng hoảng nợ của các nước này không dứt được. Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc xoá $90 triệu nợ cho Campuchia, chỉ để nắm được nhiều hợp đồng lớn mới.
Một số nền kinh tế đang phát triển đang hối hận về việc họ quyết định nhận vay nợ của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình đã nổ ra bởi tình trạng thất nghiệp tràn lan, do việc Trung Quốc chủ ý bán phá giá hàng hóa, đang giết chết sản xuất địa phương, và bị trầm trọng hơn do việc Trung Quốc nhập khẩu lao động cho các dự án của chính họ.
Chính phủ mới ở một số nước, từ Nigeria đến Sri Lanka, đã ra lệnh điều tra các cáo buộc Trung Quốc hối lộ cho các lãnh đạo cũ. Tháng trước, Zhao Lijian, quyền đại sứ Trung Quốc ở Pakistan, đã tham gia vào một vụ tranh cãi với các nhà báo Pakistan trên Twitter về những cáo buộc tham nhũng liên quan đến dự án và việc sử dụng tù nhân Trung Quốc sang làm lao động ở Pakistan (không phải là một cách làm mới đối với Trung Quốc). Zhao mô tảnhững cáo buộc trên là “vô nghĩa”.
Nhìn lại, những mưu đồ của Trung Quốc có vẻ rõ ràng. Nhưng quyết định của nhiều nước đang phát triển chấp nhận vay nợ của Trung Quốc, theo nhiều cách, là dễ hiểu. Bị các nhà đầu tư lơ là mà họ lại có những nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn chưa được đáp ứng. Vì vậy, khi Trung Quốc chường mặt ra, hứa hẹn đầu tư rộng lượng và tín dụng dễ dàng, họ đều tham gia vào. Chỉ sau đó khi rõ ra mục tiêu thực sự của Trung Quốc là để thâm nhập thương mại và nắm đòn bẫy chiến lược; đến lúc đó thì đã quá muộn, và các nước đều đã bị kẹt vào vòng luẩn quẩn.
Sri Lanka là một ví dụ điển hình. Mặc dù nhỏ nhưng nước này nằm ở vị trí chiến lược giữa các cảng phía đông của Trung Quốc và các cảng Địa Trung Hải. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi nó là vị trí trọng yếu cho việc hoàn thành con đường tơ lụa trên biển.
Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh ở Sri Lanka trong thời cầm quyền gần như độc đoán của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, và Trung Quốc đã bảo bọc Rajapaksa khỏi những cáo buộc về tội ác chiến tranh tại Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư và người cho vay đứng đầu của Sri Lanka, và là đối tác thương mại lớn thứ hai ở đây, cho Trung Quốc đòn bẫy ngoại giao đáng kể.
Mọi việc đều thuận buồm xuôi gió cho Trung Quốc, cho đến khi bất ngờ Rajapaksa bị đánh bại trong cuộc bầu cử đầu năm 2015 bởi Maithripala Sirisena, người đã vận động tranh cử với lời hứa sẽ giải thoát Sri Lanka khỏi bẫy nợ của Trung Quốc. Đúng như hứa hẹn, ông cho ngưng công việc đối với các dự án lớn của Trung Quốc.
Nhưng đã quá muộn: chính phủ Sri Lanka đã ở trên bờ vực vỡ nợ. Vì vậy, như một cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc đã quang quác, Sri Lanka không có lựa chọn nào khác ngoài việc “quay lại và ôm Trung Quốc trở lại.” Sirisena, cần nhiều thời gian hơn để hoàn trả các khoản vay cũ cũng như tín dụng mới, lẵng lặng chấp nhận một loạt các đòi hỏi của Trung Quốc , khởi động lại các sáng kiến bị đình chỉ, như dự án $1,4 tỉ cảng thành phố Colombo, và trao Trung Quốc nhiều dự án mới.
Sirisena cũng vừa đồng ý bán 80% cổ phần cảng Hambantota cho Trung Quốc với giá khoảng $ 1,1 tỉ. Theo đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka, Yi Xianliang, việc bán cổ phần trong các dự án khác cũng đang được thảo luận, để giúp Sri Lanka “giải quyết vấn đề tài chính của mình”. Bây giờ, Rajapaksa tố cáo Sirisena trao cho Trung Quốc những nhượng bộ quá mức.
Bằng cách kết hợp các chính sách an ninh, kinh tế và ngoại giao nước ngoài, Trung Quốc đang xúc tiến các mục tiêu hình thành một vùng thống trị về thương mại, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, và các liên kết an ninh. Do đó, nếu các quốc gia đang gánh chịu những mức nợ nặng nề thì nỗi lo tài chính của họ chỉ giúp cho các mưu đồ thực dân mới của Trung Quốc. Các nước chưa bị sập bẫy nợ của Trung Quốc nên lưu ý – và làm bất cứ điều gì họ có thể làm để tránh nó.

Phần nhận xét hiển thị trên trang