Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Tin lẽ ra phải đăng sớm hơn:

TƯNG BỪNG KỈ NIỆM 10 NĂM TRANNHUONGCOM VÀ TRAO GIẢI VĂN CHƯƠNG TRANNHUONGCOM

TN
Thứ ba ngày 27 tháng 12 năm 2016 4:47 PM




TNc: sáng nay 27-12-2016, tại Hội trường Hội Nhà Văn Việt Nam trang trannhuongcom đã tưng bừng kỉ niệm 10 năm và trao Giải văn chương trannhuongcom lần thứ 2. Rất đông các nhà văn, các trí thức, bầu bạn và bạn đọc đã đến dự. Thật cảm động khi các bạn Vũ Xuân Tửu từ Tuyên Quang, Phạm Xuân Trường từ Hải Phòng, nhà thơ Thế Dũng từ Liên bang Đức, họa sĩ Đỗ Ngọc từ Canada cũng có mặt. Nhà váo nguyên TBT báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa, sau vận hạn cũng đến chia vui.
Hai tác giả nhà văn Nguyễn Hiếu với tiểu thuyết Con Ngố, nhà văn Vũ Ngọc Tiến với tiểu thuyết Quỷ Vương đã được trao giải Văn chương trannhuongcom lần thứ 2.
Chủ trang xin chân thành biết ơn BCH Hội Nhà văn VN, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Báo Người cao tuổi, Quỹ Hỗ trợ văn chương và cuộc sống, Hội Nhà văn Hà Nội và các tổ chức cá nhân đã tặng hoa tặng quà nhân ngày vui này. Xin đưa một chùm ảnh trước khi có bài kĩ hơn.


Các văn nhân và bạn đọc đến dự




Nhà văn Vũ Ngọc Tiến và Nguyễn Hiếu được chủ trang TNC tặng chân dung do chính chủ trang vẽ



Phó Tổng Biên tập báo Người cao tuổi Kim Thoa tặng hoa Trần Nhương




Nhà thơ Hữu Thỉnh do bận đã gửi lẵng hoa chúc mừng


Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu chúc mừng trannhuongcom

Phần nhận xét hiển thị trên trang

3650 NGÀY HAM VUI CỦA TRẦN NHƯƠNG


Xuân Ba



Nhà báo, nhà văn Xuân Ba, cây bút sừng sỏ của báo Tiền Phong, ông viết bài này nhân 10 năm trannhuong.com. Nghe lỏm rằng bài đã lên mạng báo nhưng bị gỡ xuống trưa 25-12-2016. Cảm ơn Xuân Ba về bài viết rất hóm nên cho lên trang nhà giới thiệu cùng các bạn

Cứ lẩn thẩn nghĩ, nếu những cuộc tụ của giới văn bút Việt mà vắng đi một Trần Nhương thì sẽ thưa vắng đi những xôm tụ này khác? Mà cũng chả phải mình có tý tình riêng mới nói thế. Ối người cũng đều có cái tí thiện cảm yêu mến với Trần Nhương đều nghĩ vậy.
Những cuộc tụ ấy thế nào nhỉ? Nhà thơ, nhà văn họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia kiêm họa sĩ Trần Nhương dong dỏng manh mảnh luôn hồ hởi cái cười hóm lành thường trực, nom trẻ lệch hẳn so với cái tuổi 76 nếu không bươn bả với việc ghi hình thì nhoay nhoáy ký- hí họa đồng nghiệp. Trần Nhương ở đâu thì chỗ đó luôn dậy lên những cung bậc cười lành.
Lắm tài nhưng tóm lại có một Trần Nhương 3 trong 1. Ấy là văn, thơ, họa sĩ. Chả phải mang cái danh hão cho vui mà ra tấm món cả. Từng đoạt giải thưởng quốc gia văn chương và thơ. Từng bầy riêng hoặc can dụ vào các cuộc triển lãm tranh. Lão hiện có chân trong 6 cái Hội. Nhưng 10 năm nay lão nổi trội danh tiếng bởi tự mình coi sóc điều hành một chủ sạp trannhuong.com.
Lão tự vịnh thế này.
Có lão già hâm hơi/10 năm nuôi con web/ Nghĩ ngợi và khơi khơi/ Người yêu và kẻ ghét /Không có người tài trợ /Không yếu tố nước ngoài /Móc tiền túi của vợ /Duy trì con website /ngoại bảy mươi vẫn bước/ như người lính xông pha/ thấy những điều ngang trái/ Là phang cho bỏ bà.
B ây giờ đã chẵn 10 năm trang nhà Trần Nhương. Mười năm? Trông lão chả khác bao nhiêu so với thời điểm cuối năm 2006, tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, chủ trang nhà thơ-họa sĩ Trần Nhương đã bấm enter tung tên miền trannhuong.com vào thế giới mạng.
Chao ôi cái thứ muối bỏ biển cái việc ném đá ao bèo phỏng có ích gì và được bao lăm khi mà thường nhật thiên hạ ào ạt tung ra hàng triệu triệu nhữngWebsite cùng vạn vạn các chấm côm như thế?
Mặc! Lão cứ tưng tửng bầy riêng cho mình một cuộc chơi. Và cứ tưng tửng căm cụi lặng lẽ việc điều hành nuôi nấng trannhuong.com. Khác với đám viết lách chuyên nghiệp, lão mày mò rồi làu làu các thủ thuật quản trị mạng. Lại biết mở mang cải tiến giao diện này khác. Nhưng cái ấy chỉ là phụ mà lão biết rủ rê câu kéo sao đó để dân mạng đủ hạng người mò vào nhà lão. Mò vào thử thôi nhưng khi bập vô trannhuong.com thì tình thế có vẻ như khó thoát?
Trang mạng xếp hạng Website toàn cầu có tên trannhuong.com hẳn hoi. Lão bộc bạch rằng, mỗi sáng mai nhìn vào bảng thống kê người đọc tự động mà hớn hở cứ như gặp cố tri!
Cứ ngờ ngợ sợ lão có nói quá lên, bốc lên cho vui? Nhưng khi nhờ một cháu chuyên gia tin học thẩm tra mới ớ người trước một con số ngạc nhiên. Số lượng truy cập đến 12-2016 của trannhuong.com suốt 10 năm qua là 25 triệu lượt! (Mặc dù nhiều thời gian bị tin tặc tấn công, gián đoạn nhiều lần)
Và chẳng thể biên ra đây con số. Số bài, tranh ảnh lưu trữ gồm 20.100 trang. Mỗi trang trên web chứa chừng 10 bài vị chi có 201. 000 bài viết. Nếu tính trung bình mỗi bài chừng 2 trang A4 thì có tới 402.000 trang. Và nếu in toàn bộ mỗi tập sách 1000 trang A4 thì sẽ có 402 tập sách.
Đó là số lượng. Còn chất lượng?
... Năm đã xa. Dạo nhà thơ nhà báo Nguyễn Việt Chiến gặp nạn, chưa kịp ai lên tiếng thì Trần Nhương đã có ngay những dòng mộc mạc tức thì của mình trên trannhuong.com Ôi cái nghề tưởng như có hào quang/ Thực ra với không ít người nó là cái nghiệp/ Không vì lợi quyền chỉ mong được đi và viết/ Chỉ mong được đồng hành cùng chân lý với nhân dân...
Những ai thường ghé sạp hàng của trannhuong.com hẳn còn nhớ phóng sự Thành hoàng làng mũ cối của nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết về cái chết của gần 300 lính trẻ sinh viên các trường ĐH Xây dựng, Bách khoa, Thủy lợi...thuộc E207 ở ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Mộc Hóa tỉnh Kiến Tường cũ (nay là huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) năm 1973. Các em đều bỏ xác trên mênh mông Đồng Tháp. Bài viết lên trannhuong.com không bao lâu, Ngân hàng Viettinbank đã tài trợ 5 tỷ đồng để xây đền thờ các liệt sĩ tại ấp Đá Biên. Hiện nay tại đây có đền thờ khá to đẹp, xung quanh là vườn cây của khắp vùng miền mang đến trồng, trong đó có cả hoa sữa Hà Nội. Trần Nhương vinh dự được mời 2 lần vào viếng các liệt sĩ và dự lễ khánh thành.
Tháng 10 năm 2010, kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đúng lúc đó cơn lũ miền Trung gây thiệt hại nặng nề. Trần Nhương viết thư ngỏ gửi lãnh đạo Hà Nội cho lên web của mình đề nghị giảm điểm bắn pháo hoa lấy tiền giúp miền Trung. Hình như thời điểm ấy lọt thỏm mỗi một ý kiến của Trần Nhương chứ nào ai dám nói năng cụng cựa gì? Thêm nữa, không ít những lắc đầu chép miệng rằng cái sạp web bé tý trannhuong.com ai mà để ý nữa là lọt đến tai lãnh đạo? Nhưng điều lạ hay kỳ diệu đã xảy ra. Bức thư ngỏ của Trần Nhương không rõ lãnh đạo Hà Nội có động lòng không mà sau đó giảm điểm bắn pháo hoa từ 29 xuống còn 9 điểm và Hà Nội đã ủng hộ các tỉnh miền Trung 6 tỷ đồng.
Rồi lần ấy, trannhuong.com lên tiếng bênh vực nhà văn Y Ban khi bị cơ quan X. trù dập, có tới hơn 40 cuộc họp kiểm điểm nhà văn liễu yếu đào tơ này. Cơ quan X. tức khí làm công văn lên A25 đề nghị đóng cửa trannhuong.com, đòi lôi cổ chủ trang ra kiểm điểm nhưng các đồng chí A 25 không nói gì. Thế là vô sự.
trannhuong.com mở cuộc vận động tặng quà cho nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khi bị vướng lao lí. Lập quỹ hỗ trợ nhà văn Nguyễn Khắc Phục chữa bệnh. Chỉ sau 1 tuần thu được hơn 40 triệu. Khi nhà văn qua đời thì quỹ ngừng ngay.
trannhuong.com còn tổ chức hai cuộc thi câu đối, cuộc thi thơ trào phúng 10 câu khúc khích. Có một hoạt động hơi bị lạ là Trao Giải thưởng văn chương trannhuongcom năm 2011 cho hai tác giả Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần và tác giả Hoàng Minh Tường với tiểu thuyết Thời của thánh thần. Giải thưởng này có tiếng vang đến nỗi nhiều báo đài trong nước và quốc tế đưa tin và phỏng vấn.
Một điều độc đáo là từ trang web của mình, Trần Nhương đã cho ra đời tiểu thuyết KIM KỔ KÌ KUẶC KÍ và 2 tập chân dung 200 văn nhân có thi và họa KHÚC KHÍCH VỚI VĂN NHÂN. Một tờ báo khi ấy viết về trannhuong.com đã tung ra một cái tít Trần Nhương cho các nhà văn lên thớt không biết vô tình hay hữu ý cứ như nhằm… quảng cáo cho con web của Trần Nhương! Cái tít gây tai tiếng ấy khiến thiên hạ nhất là dân viết tò mò tự nguyện mò đến trannhuong.com. Rồi Trần Nhương cũng bật mí rằng Xuân Sách có một trăm chân dung thơ. Tớ có hai trăm thậm chí nhiều hơn mà thêm họa kèm ảnh nữa. Của đáng tội, thang trật Trần Nhương thì so đọ chi với Xuân Sách? Nhưng khối vị cũng giật thột và khiến người ngoài cuộc thú vị. Cái lãi cái hòa khí Trần Nhương mang đến cho bạn bè là ở tiếng cười!
Phần liệt kê dưới đây là của Nguyễn Chính Viễn ở Hòn Gai, một fan của Trần Nhương.
Với nhà thơ Bùi Hoàng Tám : “ Thái Bình có gã Bùi Hoàng / Tám bán quán thịt… chó biết làm thơ hay”
Với Chu Lai : “Lên ti vi chém gió/Lại về viết “dâm thư”/ Tên cứ như thủ tướng ( Tên khai sinh của Chu Lai là Chu Lai).
Với Đỗ Thị Tấc : “Tên thì ngắn người thì dài/ Thuốc lào thuốc lá chị xài…như anh” ( Nhà thơ Đỗ Thi Tấc cao 1,70m)
Với Dương Hướng : “ Chót vì cái nghiệp văn chương/ Thì đành nghỉ chẳng ăn lương mà mần” ( Nhà văn Dương Hướng xin nghỉ không lương để viết tiểu thuyết Dưới chín tầng trời)
Với Hoàng Cát : “Thơ thì chân thẳng, chân què/ Văn một “Cây Táo” nó đè suýt toi”
Với Ma Văn Kháng : “Tưởng Ma mà lại là Đinh/ Đinh văn, Đinh Võ, Đinh Tình, Đinh Yêu ( Tên thật của ông là Đinh Trọng Đoàn)
Với Nguyễn Khắc Phục : “ Gặp Trang Thanh điện chập/ Nở thắm một bông hoa “ ( Cuối đời Nguyễn Khắc Phục và Trang Thanh sinh cậu con trai)
Với Nguyễn Thị Hồng Ngát và Phan Hồng Giang : “Hồng Ngát cộng với Hồng Giang /chỉ hai người đó cả làng đều thâm/ Dịch thuật , “ní nuận” ( Nối ngọng) vân vân/ Cho vào thơ thẩn mà ngâm tuyệt vời” ( Tập một)
Với Nguyễn Văn Thọ : “ Bây giờ ru điệu à ơi/ Đầu trọc lông lốc bố thời như con “ ( Nhà thơ Thọ mới sinh quý tử ở tuổi sau hưu)
Với Nguyễn Hiếu : “ Viết như bổ củi một thời nuôi con/ Còn trời còn nước còn non/ Còn món giải thưởng ta còn vô vi ( Ông được đề nghị trao giải thưởng nhiều lần mà vẫn không được)
Với Nguyên Ngọc : Anh hùng lỡ bước một khi / Thì làm “Cát Cháy” đốt đi nỗi buồn”
Với Nguyễn Quang Lập : “Trời cho hay nói hay cười/ Lắm khi vạ miệng ăn mươi củ…từ”
Với Nguyễn Việt Chiến : “ Quê Anh Thạch Thất Hà Tây cũ/ Cóc mất xu nào vẫn thủ đô/ Ngọn sóng thời gian ngày lao lý” ( Nguyễn Việt Chiến bị tù 6 tháng vì vụ PMU)
Với Sơn Nam : “ Ông già Nam Bộ long đong/ Cái giải Nhà Nước nó không tìm ngài/ ( Ông được đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT nhưng vẫn trượt)
Với Trần Huy Quang : “ Trần Huy Quang, Trần Huy Quang/ Có cái Linh Nghiệm làm sang cho mình” ( Truyện Linh Nghiệm rất linh nghiệm làm ông lao đao một thời)
Với Trần Mạnh Hảo : “ Búa phải lớn, đao phải to/ Bao nhiêu sư phụ ông cho cù nèo”
Với Trần Nhương – chính ông- : “Thi ca toàn là gió/ Hội họa toàn là mông”( Ông có các tập thơ : Gió quê, Gió tháng Ba vẫn thổi/ Gió bát ngát đổng rừng, Gió đang xoan…)
Với Văn Chinh : “ Nhờ giời vốn số đa thê/ Xem ra còn muốn ngứa nghề chưa thôi” ( Ông Văn Chinh hơi bị tốn vợ)
Với Vũ Quần Phương : “Khổ vì lòng ruột phổi phèo/ Cắt đi cả mét núi đèo vẫn qua…”( Ông vừa bị cắt hơn mét ruột)
Với Y Phương : “Làm thơ, buôn lậu ngày thêm giỏi” ( Ông trả lời phỏng vấn báo VHTT : Ngoài làm thơ tôi đã từng buôn lậu”
Và v.v..
Chớ tưởng cúc cung nhiệt thành mang tiếng cười cho thiên hạ là vô hại? trannhuong.com từng bị tin tặng tấn công nhiều lần. Lần bị đánh liên tục 5 lần là vào tháng 9 năm 2012 sau vụ hội thảo thơ Thiền hình như có đụng chạm ai đó? Tới mức chủ trang không thể khôi phục được nên phải thiết kế lại.
Chẵn 10 năm với 3650 ngày đêm sinh sắc cùng là tươi mới với một chút… nhơn nhơn trannhuong.com. Thêm cụm từ ham vui nữa. Bởi liên lạc hay gửi bài cho trannhuong.com theo thông lệ phải theo cái còm này tranhamvui@gmail.com

Ảnh: Xuân Ba thì thầm với Trần Nhương

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kiều hối năm 2016: 9 tỷ USD so với hy vọng 12 tỷ


Chủ nghĩa lạc quan kiều hối của giới quan chức Việt Nam đã bị giáng một đòn mạnh khi lượng kiều hối thực về VN năm 2016 bị sụt giảm mạnh hiếm thấy. Thông tin từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết khoảng 50% lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tập trung vào thành phố này. Thông thường lượng kiều hối dồn về nhiều nhất vào quý cuối năm, chiếm hơn 40% tổng lượng kiều hối cả năm. 

Tuy nhiên đến hết tháng 11-2016, lượng kiều hối chuyển về thành phố chỉ đạt khoảng 4.3 tỷ USD, thấp hơn dự kiến khoảng 10%. Vì vậy, lượng kiều hối năm 2016 của cả nước chỉ vào khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn tới 25% so với dự báo là khoảng 12 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là sự sụt giảm của lượng kiều hối sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Cũng thông tin trên cho biết hơn 23 năm qua, dòng kiều hối về nước đã tăng khoảng gần 100 lần, từ mức 0.14 tỷ USD năm 1993 lên 10 tỷ USD năm 2012; 11 tỷ USD năm 2013; 12 tỷ USD năm 2014 và hơn 13,2 tỷ USD năm 2015, đưa Việt Nam đứng thứ ba tại châu Á, và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. Giai đoạn 2002-2015, kiều hối chiếm khoảng 6.0% GDP, trong khi vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7.7% và 3.0% GDP. Mức tăng trung bình liên tục của lượng kiều hối những năm gần đây là 10 đến 15%/năm.

Kiều hối của Việt Nam giai đoạn 1994-2014. Ảnh doanhnhansaigon

Nhưng sau nhiều năm tăng liên tục, năm 2016, lần đầu dòng kiều hối bị khựng lại, suy giảm và có thể đảo chiều.

Nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ lại chiếm khoảng 60% tổng kiều hối từ hơn bốn triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại 187 quốc gia trên thế giới. Khi kiều hối từ thị trường này giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng lượng kiều hối về Việt Nam.

Một nguyên nhân giảm kiều hối được nêu ra là những tháng gần đây, hành động tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong tháng 12-2016 và cả việc bỏ ngỏ khả năng sẽ tăng liên tiếp lãi suất USD ba lần tới trong năm 2017 đã, đang và sẽ tạo động lực giữ chân đồng USD kiều hối từ Mỹ chuyển về Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là sự sụt giảm của lượng kiều hối sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Nếu vào thời hoàng kim của kinh tế Việt Nam vào những năm 2006-2007, kiều hối có giảm cũng khó có tác động tiêu cực đến nền kinh tế này. Nhưng khi kinh tế Việt Nam đã trải qua 8 năm suy thoái liên tiếp tính từ năm 2008, bất cứ một sự giảm sút nào về luồng tài chính cũng khiến nền kinh tế phải chịu thêm áp lực khủng hoảng.

Với 3 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 1.5% trong năm 2016. Đây cũng là bối cảnh mà toàn bộ kế hoạch phát hành “trái phiếu quốc tế” của Chính phủ Việt Nam ra quốc tế bị phá sản, với lý do đơn giản là… không có người mua.

Trong khi đó, từ tháng 7/2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi những vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây.

Thậm chí cho tới nay, tiến độ giải ngân các dự án đã ký kết vay ODA vẫn “chậm như rùa”, trong đó có một nguyên nhân chính là ngân sách Việt Nam không đủ để cung ứng vốn đối ứng – thường chiếm khảng 15-20% tổng vốn vay – theo điều kiện của hợp đồng vay vốn ODA.

Việc kiều hối năm 2016 bị “đảo chiều” còn có thể báo hiệu trước một thời kỳ giảm liên tiếp kiều hối chảy về Việt Nam, càng khiến nền kinh tế Việt Nam thiếu hẳn sức sống.

Lê Dung

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhân việc ông Kim Quốc Hoa được miễn trách nhiệm hình sự


XUÂN BA (nhà báo)

Tin các báo
Ngày 22.12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Kim Quốc Hoa, nguyên Tổng biên tập báo Người cao tuổi. Viện KSND tối cao đã mời ông Kim Quốc Hoa đến để trao quyết định đình chỉ điều tra (Quyết định số 01/QĐ-VKSTC-V1 đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Kim Quốc Hoa bị khởi tố theo điều 258 Bộ luật Hình sự, do ông Nguyễn Tố Toàn, Vụ trưởng Vụ 1 thừa ủy quyền Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ký ngày 21.12).

Theo nội dung quyết định này, cơ quan tố tụng quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với nguyên Tổng biên tập Báo Người cao tuổi.

Quyết định nêu rõ, đình chỉ điều tra vụ án là do xét thấy ông Kim Quốc Hoa đã nhận rõ được một số sai phạm, trong quá trình công tác được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, được tặng bằng khen của của Chính phủ và nhiều danh hiệu khác.

Trước đó, đầu tháng 5.2015, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tống đạt lệnh khởi tố bị can đối với ông Kim Quốc Hoa để điều tra về tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân".

Nhân sự kiện này, tôi lẩn mẩn nhớ đến 2 việc. Tạm gọi là sự kiện về ông vị nguyên Tổng biên tập Báo Người cao tuổi này.

Nhớ cũng là để gẫm, để thấm thêm cái câu của Nguyễn Trãi họa phúc hữu môi phi nhất nhật (ý là cái họa cái phúc, cái hay điều dở không phải đến ngay một lúc một buổi mà nó có nguyên nhân sâu xa trước đó).

Một cuộc họp báo bất thành

Có lẽ, qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người đã tường về ông Tổng biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa. Ông từng là Tổng biên tập của 6 tờ báo. Hơn hai chục năm nay, ông được coi là khắc tinh của bọn sâu mọt, nhũng lạm. Chả thiếu những vô số đe nẹt dọa dẫm. Điện thoại của ông luôn có những cuộc dọa giết, dọa đặt mìn...
Duyên cớ, khúc nhôi dẫn đến cuộc họp báo ấy, xin vắn tắt thế này. Công ty Sông Lô ở Hà Giang do ông Lê Duy Hảo làm giám đốc, với những quyết định sai lầm độc đoán quan liêu của UBND tỉnh Hà Giang mà ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô trực tiếp chỉ đạo điều hành đã khiến Sông Lô lâm vào cảnh nợ nần và đứng trên miệng vực phá sản...  Sông Lô liên tục khiếu nại và sau đó đã khởi kiện ra tòa.

Những lá đơn kêu cứu của Sông Lô cùng vụ án hành chính, Báo Người cao tuổi là tờ báo phản ánh đầu tiên, tích cực nhất. Sau đó thêm hàng chục cơ quan báo chí vào cuộc. Báo Người cao tuổi vẫn là dai dẳng, quyết liệt hơn cả. Hàng chục phóng sự đeo bám sát sao, cụ thể chi tiết.

Khoảng giữa năm 2008, nhiều cơ quan thông tin đại chúng nhận được giấy mời của Chủ tịch Hà Giang với nội dung thông báo chính thức của UBND Hà Giang về Công ty Sông Lô...

Điện hỏi ông Hoa, nhưng biết Người cao tuổi không có giấy mời.

Ba chiếc ô tô khá sang mang biển số Hà Giang sáng đó xuất phát từ Hà Nội (xe về Hà Nội từ chiều hôm trước). Đếm thoáng thấy đại diện của 28 cơ quan báo đài Trung ương. Hơn 3 giờ chiều thì lên đến Hà Giang. Chủ nhà bố trí nơi ở, cơm rượu tươm tất.

Cứ ngờ ngợ, biết đâu TBT Kim Quốc Hoa có mặt? Nhưng ngó quanh không thấy sếp cùng lính lác của ông TBT Người cao tuổi đâu cả?

Sáng sau, một cuộc họp báo hơi bị hoành tráng do đích thân ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô chủ trì. Cũng hiện diện đông đủ chủ chốt các sở, ngành, huyện, thị... của Hà Giang.

Một chồng báo địa phương chất ngất được đặt ngay chỗ cửa ra vào, phát miễn phí. Lật nhanh trong đó có đến mấy bài dài với nội dung phản bác lại quan điểm báoNgười cao tuổi về Sông Lô.

Cũng nhanh, ngay lúc đó, thoáng thấy người của Công ty Sông Lô xuất hiện với tập báo Người cao tuổi cũng phát không cho các đại biểu. Nhưng cũng nhanh, bất ngờ năm sáu anh bảo vệ lực lưỡng ào đến cản lại thô bạo và tịch thu báo đã phát!

Đèn đóm được tắt bớt. Trên màn hình là oang oang một phóng sự hơn nửa giờ đồng hồ lần lượt hiển hiện nội dung về Sông Lô về chỉ đạo của UBND tỉnh và người đứng đầu ngược lại với những thông tin trước đó của nhiều báo. Lời thuyết minh liên tục cụm từ Báo Người cao tuổi những là một chiều, sai lạc không khách quan không đúng sự thật, v.v...

Đèn bật sáng. Ông Nguyễn Trường Tô âu phục chỉnh tề, văn bản trong tay, chất giọng vang, rõ pha chút hùng hồn nói về những thành tích vượt trội của tỉnh nhà trong thời gian qua. Phần thứ hai là nội dung kết tội Công ty Sông Lô “thiếu trung thực, sai lệch, phiến diện…” và phê phán báo Người cao tuổi đưa tin sai sự thật, thiếu khách quan, “bôi nhọ” Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang!

Ngó thoáng phía ngoài, từ cổng xa, bên các cánh cửa sổ phòng họp thấy rất nhiều người túm tụm hướng về hệ thống loa công suất lớn được truyền ra...

Giờ giải lao, ông chủ tịch Nguyễn Trường Tô hồ hởi ghé hết đám đông, chỗ này chỗ khác.

Giờ giải lao cũng dứt. Ông Chủ tịch hào phóng khoát tay nào xin kính mời các nhà báo trên tinh thần khách quan tôn trọng sự thật và công tâm cứ thành thực phát biểu cho...

Một vị từ ngoài cửa, chừng như vào muộn, thoăn thoắt bước vào...

Trời đất ơi, cái người tầm thước mái tóc chải lật, y phục chỉnh tề đang hiện diện trước đông đảo kia chính là Tổng biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa!

Tổng biên tập Kim Quốc Hoa mỉm cười đến bên micro. Chất giọng bình thản. Ông kính thưa ông chủ tịch tỉnh, các đại biểu và các đồng nghiệp vì sự xuất hiện đột ngột này và mong cho phép nói lên những thông tin cần thiết...

Ông Chủ tịch Nguyễn Trường Tô có vẻ đột ngột, bất ngờ, định nói điều gì đó... Nhưng đối diện với vẻ nhã nhặn lịch sự của người tự dưng lù lù xuất hiện, trước vẻ khuyến khích của nhiều nhà báo, ông Nguyễn Trường Tô đành đồng ý!

Thế là gần như độc chiếm diễn đàn, chất giọng lúc thong thả khi gấp gáp của TBT Kim Quốc Hoa vang lên những điểm cốt yếu nhất, cần phải nói...

Ban nãy thì oang oang, vang vang lời của Chủ tịch Nguyễn Trường Tô truyền ra hệ thống loa công cộng. Nhưng khi TBT Kim Quốc Hoa nói được một lúc thì hệ thống loa kia đột ngột bị cắt.

Xôn xao một lúc. Nhưng trật tự được vãn hồi. Hội trường vẫn nghe rõ lời ông TBT Kim Quốc Hoa...

Rộ lên hai tràng pháo tay trong lúc ông Hoa phát biểu.

Sau đó bao trùm một không khí như là rã đám? Chủ lẫn khách hơi bị gượng gạo? Để ý nhiều đại biểu báo chí không ở lại dùng bữa trưa mà ra ăn ngoài. Hầu hết phới thẳng về Hà Nội.

Một ngày, hai hôm rồi một tuần, một tháng sau... Các đại diện cơ quan báo chí được mời bữa ấy không có dòng nào viết hay nói hoặc có hình ảnh về Sông Lô và cuộc họp báo độc đáo ấy? Như người ta vẫn nói, im lặng là cái cách bày tỏ thái độ?

Việc làm trái khoáy cùng nỗi oan ức của Sông Lô đã đến tai chính phủ.

Qua điều tra xác minh, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đề nghị UBND Hà Giang thực hiện nghiêm túc phán quyết của Tòa án. Nhưng lạ thay, mặc cho Chính phủ liên tiếp chỉ đạo nhiều lần, Chủ tịch tỉnh Hà Giang vẫn im lặng.

Việc chỉ bùng to và gây xôn xao khi đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông dõng dạc trên các phiên chất vấn tại diễn đàn Quốc hội "Tại sao Chủ tịch tỉnh Hà Giang phớt lờ chỉ thị của Thủ tướng?". Tôi nhớ ngày 2.4.2010, đến lần thứ 8, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẩn trương xử lý giải quyết dứt điểm khiếu nại của Công ty Sông Lô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 4.2010.” Rồi tiếp đó, Văn phòng Chính phủ thêm một lần nữa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành vào cuộc để giải quyết dứt điểm các khiếu nại của Công ty Sông Lô.

Lại nhớ đêm làm việc tại huyện Mèo Vạc đầu năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với cán bộ chủ chốt của tỉnh Hà Giang, giữa bao bộn bề cần phải lo toan cho đời sống đang còn gặp nhiều khó khăn của bà con các dân tộc vùng cao Hà Giang, ông chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô đã không quên việc của mình! Ấy là ông đã kính đề nghị Thủ tướng có biện pháp bảo vệ danh dự cho ông khi hàng chục tờ báo cứ xúm vào đánh ông trong vụ Sông Lô như thế? Trong đó ông nhấn mạnh phải nghiêm khắc xử lý Báo Người cao tuổi...

Mọi người có mặt khi đó đều chứng kiến, Thủ tướng có nghe lời đề nghị khẩn thiết ấy, nhưng... không nói gì!

Nếu có nói thì hơn nửa năm sau, trong Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 21.7.2010 đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đối với ông Nguyễn Trường Tô là một cách trả lời hữu hiệu.

Chắc mọi người tường thêm, quyết định ấy hàm cả việc vi phạm của ông Nguyễn Trường Tô với Công ty Sông Lô chứ không chỉ mỗi khuyết điểm "tô hô" trong sinh hoạt của ông Tô.

Một quyết định kịp thời

Hồi tháng 2, tháng 3 năm 2014 thiên hạ râm ran sự kiện Báo Người cao tuổi có hàng loạt bài viết về hàng loạt sai phạm cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền...

Mặc dù sau loạt bài viết về những sai phạm ấy, ông TBT Kim Quốc Hoa (không phải nói mồm, mà khẳng định trên tờ báo Người cao tuổi rằng "Chúng tôi hoàn toàn có đủ chứng cứ về những sai phạm ấy!", nhưng cánh báo chí vẫn ngại ngần cùng lo thay cho sự mạnh miệng của ông. Thời gian cứ dằng dặc trôi trong thấp thỏm.

Nhưng may mắn, cuối năm 2014 đó đã nhanh chóng loang ra cái tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có quyết định.

"Chúng tôi hoàn toàn có đủ chứng cứ về những sai phạm ấy". Có phải từ những chứng cớ ấy mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải ra tay?

Xin trích Công văn số 9161-CV/VPTW, ngày 20-11-2014 của Văn phòng Trung ương Đảng, theo đó Ban Bí thư yêu cầu:

- Đối với đồng chí Trần Văn Truyền

+ Kiểm điểm trách nhiệm theo quy trình về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

+ Yêu cầu các thành viên trong gia đình thực hiện nghiêm các quyết định xử lý về nhà, đất của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

+ Thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đồng chí Trần Văn Truyền về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

+ Chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi dứt điểm thửa đất tại số 598 B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre theo quy định của pháp luật.

+ Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi thửa đất nói trên và việc cải tạo, sửa chữa, bán nhà số 6 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre.

- Đối với Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh

+ Chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận theo hướng đề xuất của UBND TP.Hồ Chí Minh tại Công văn số 685/UBND-ĐTMT-M, ngày 30-9-2014.

v.v… và v.v…

Chuyện về cái ông Kim Quốc Hoa ấy, lẩn mẩn ra cũng hơi bị nhiều nhiều…

Xuân Ba

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngôi làng vẫn coi Gorbachev là anh hùng



Sarah Rainsford
BBC News, Privolnoye, Nga.
Vào năm 1987, ông Gorbachev và Tổng thống Mỹ lúc đó là Reagan đã ký hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân. Ảnh: AFP
Bao phủ bởi những lớp tuyết dày, ngôi làng Privolnoye là một nơi yên tĩnh xa rời trung tâm quyền lực.
Nhưng đây chính là nơi Mikhail Gorbachev, lãnh đạo cuối cùng của Liên bang Xô Viết, từng sinh sống. 25 năm sau ngày Xô Viết sụp đổ, di sản do ông để lại vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.
“Thật xấu hổ cho Privolnoye khi là nơi đã sản sinh ra người đàn ông đó”, tài xế taxi Andrei càu nhàu khi được chúng tôi yêu cầu đưa đến làng Privolnoye.
Như nhiều người Nga, Andrei cho rằng Gorbachev là người phải chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết.
Nhưng ở làng Privolnoye, nhiều người vẫn dành những lời trìu mến cho ông, người được phương Tây ngưỡng mộ vì đã kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh mà không cần đổ máu.
“Chúng tôi tự hào vì biết ông ấy
h1Raisa Kopeykina còn nhớ người từng học cùng trường với bà, nhân vật sau này leo lên hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của chính quyền Xô Viết.
Tôi gặp Raisa Kopeykina khi bà đang gạt tuyết khỏi căn nhà xây bằng đá của mình, ngay trên con phố có ngôi trường tiểu học mà chính bà và Mikhail Gorbachev cùng theo học.
Raisa sau này trở thành giáo viên môn hóa học, trong khi cậu bé xuất thân từ nhà nông mà bà biết dưới cái tên Misha, đã leo lên hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô.
“Cậu ấy là một người đơn giản và dễ gần, sinh ra từ một ngôi làng bình thường. Và rồi cậu ta trở thành Tổng bí thư ngay trước mắt chúng tôi,” Raisa hào hứng cho tôi xem rất nhiều bức ảnh từ thời niên thiếu của mình để trên bàn.
“Cậu ấy là người rất thông minh và chúng tôi tự hào vì từng sống và làm việc cùng Gorbachev”, bà nói.
Vào ngày 25/12/1991, Raisa còn nhớ mình đã lo lắng rất nhiều khi thấy người bạn học cũ tuyên bố từ nhiệm trên vô tuyến truyền hình.
Liên bang Xô Viết chính thức tan rã vào ngày hôm sau.
h1Ông Gorbachev tuyên bố trên truyền hình quốc gia hệ thống chuyên chế bị xóa bỏ. Ảnh: AFP
h1Mikhail Gorbachev (người đứng bên trái lá cờ), lớn lên trong một gia đình nhà nông ở Privolnoye, và được chọn tham gia đại hội Đảng Cộng sản năm 30 tuổi
Vẫn còn nhiều kỉ vật thời kỳ Xô Viết hiện hữu tại ngôi làng Privolnoye.
Một bức tượng Lenin bằng đá dựng ngay bên ngoài Nhà Văn hóa. Nhưng bên cạnh đó là một nhà thờ Chính thống Nga, do chính Gorbachev tài trợ mặc dù ông từng lãnh đạo một đất nước theo đường lối vô thần.
h1Tượng Lenin bên cạnh Nhà Văn hóa ở làng Privolnoye

Tự do tôn giáo

Bên trong nhà thờ là tranh thờ Đức mẹ Kazan, cũng do Gorbachev đóng góp cho làng.
“Tôi đã được rửa tội một cách bí mật, không ai biết điều này,” người trông nom nhà thờ, ông Viktor Kudrin nhớ lại, trước khi kể lại quá trình thay đổi sau này.
“Lý do thầy tu không còn ở đây nữa là vì đã có các nhà thờ mới ở ngôi làng bên cạnh và cả ngôi làng kế đó nữa,” ông Kudrin nói với tôi.
h1Viktor Kudrin nói ông Gorbachev đã đóng góp nhiều cho nhà thờ Chính thống giáo ở ngôi làng này
“Thực sự là có nhiều nhu cầu, song chúng tôi không kịp đào tạo thêm các thày tu”.
Bên trong Nhà Văn hóa, một vài người dân làng lớn tuổi cũng rất vui vẻ vì giờ đây họ có thể tự do thờ cúng.
Một người phụ nữ nhớ rõ ngày một người Mỹ đầu tiên đến thăm nhà thờ, mang theo quyển Kinh thánh.

Anh hùng bất đắc dĩ

Phần lớn người dân làng Privolnoye ủng hộ việc cải tổ kinh tế do ông Gorbachev khởi xướng, mà nhờ có những chính sách đó, nông trại của họ trở nên năng suất và sinh lời nhiều hơn.
Tuy nhiên, khi nhắc đến việc Liên Xô tan rã, đến những người trung thành nhất ở làng Privolnoye cũng có những cảm xúc lẫn lộn.
“Dĩ nhiên là Mikhail Gorbachev đã làm rất nhiều điều cho ngôi làng này”, một người đàn ông nói với tôi khi uống trà và ăn bánh.
“Nhưng về việc Liên bang Xô Viết sụp đổ, thì chúng tôi rất thất vọng”.
Ở ngôi làng này còn có một viện bảo tàng nho nhỏ, nơi người đàn ông nổi tiếng nhất Privolnoye được vinh danh.
Trong bảo tàng, bên dưới bức ảnh của Mikhail Gorbachev có dòng ghi chú, ông là người lãnh đạo đầu tiên mà người Nga có thể công khai phản đối.
“Suy nghĩ khác biệt chấm dứt tội ác,” dòng chữ chú thích và cũng đề cập đến việc phục hồi cho tù chính trị.
h1Cùng với các quyển sách và tập thơ, trẻ em địa phương được giáo dục về những bài học lịch sử tại viện bảo tàng

Nuối tiếc quá khứ vàng son

Tuy nhiên, chính sách cải tổ sâu sắc do Gorbachev đề ra, cuối cùng đã phá đổ nền tảng Liên bang Xô Viết, và ngày càng có nhiều người Nga cảm thấy hối tiếc về điều đó.
Một cuộc điều tra vào tháng này của viện nghiên cứu độc lập Levada, đã đưa ra con số 56% số người nuối tiếc Liên bang Xô Viết.
Vào đầu tuần này, người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin cũng nói, Tổng thống vẫn cho rằng việc Liên Xô sụp đổ là một thảm họa.
Đây là sự kết thúc của một siêu cường, và nhiều người Nga vẫn cảm thấy khó khăn khi đối diện việc mất đi danh nghĩa này kể từ đó.
“Nước Đức đã thống nhất, trong khi đất nước chúng tôi lại tan rã,” một người về hưu có tên Nikolai nói với tôi.
“Đó là sai lầm của những người lãnh đạo. Đáng ra họ phải cứu vãn tình thế.”

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TIN MỚI- Báo Cáo "TỐI MẬT" của PWC Về Chiến Tranh sắp Tới ở Biển Đông.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHỮNG CHUYỆN MÀ NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN KHÔNG NÓI…


Xuân Ba
Lời dẫn của Phạm Tôn: Sắp đến Tết Đinh Dậu rồi, chúng tôi mời các bạn đọc một bài báo Tết Bính Thân của nhà báo quen thuộc Xuân Ba, người nặng lòng với Nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình học giả Phạm Quỳnh từ nhiều năm nay.
—o0o—
Chất giọng khàn trầm nhưng âm sắc khá vang và đanh của nhạc sĩ (NS) Phạm Tuyên trong máy khiến tôi thở phào và có ngay cảm giác an lành. Thoạt ngó số máy của NS trên màn hình điện thoại đã hơi hoảng nhỡ có mệnh hệ gì? Cái tuổi 85 của NS, ai dám chắc điều gì… May quá, NS nhắn qua nhà có việc.nhac-si-pham-tuyen-va-vo
Quen biết gia đình NS Phạm Tuyên cũng đã lâu, có lẽ từ dạo tôi viết loạt bài về nhà văn hóa Phạm Quỳnh, thân phụ NS. Căn hộ trên tầng 3 một khu tập thể xây theo kiểu của những năm bảy mươi đã xập xệ dành cho gia đình NS Phạm Tuyên cũng khiêm tốn…
Đã mấy bận qua lại nơi này chứng kiến bản sao bức hoành bốn chữ Thổ nạp Á Âu nói lên chí hướng của tờ Nam Phong một thuở cụ Phạm Quỳnh làm chủ bút… Mà nhà văn Vũ Ngọc Phan từng lý giải rốt ráo 4 chữ ấy như thế này Ông (Phạm Quỳnh) chủ trương cái thuyết đọc sách Tây để thâu thái lấy tư tưởng tinh thần văn hóa Âu Tây để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết để chọn lọc lấy cái hay của người mà dung hòa với cái hay của mình… Và kia, chiếc đàn piano đen bóng lặng lẽ góc nhà, bộ bàn ghế tầm tầm… Tất cả như chưa, như không có gì thay đổi kể từ khi người vợ của NS biệt với dương thế đã sáu năm…
Thì ra NS nhắn tôi qua là có quà. Tôi khẽ khàng đỡ lấy cuốn sách bìa trắng mà NXB Tri thức vừa mới in. Cuốn Chúng tôi đã sống như thế của vợ NS, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Thoáng thêm chút rờn rợn lẫn bâng khuâng, vóc dáng, hình hài thanh thoát cùng chất giọng hơi thoảng chút miền Trung phu nhân của NS ngày nào bây giờ chỉ còn lại cuốn di cảo này?
NS Phạm Tuyên chất giọng như trầm khàn hơn nhiều người khuyên mình viết hồi ký. Nhưng mình thấy cũng không cần thiết phải viết. Điều gì cần nói thì mình cũng đã nói trong hơn 700 ca khúc rồi. Nhiều bài viết xong rồi quên. Thế mà bà ấy nhớ. Nhớ rồi ghi chép lại rất tỉ mỉ… Mình đọc cảm động quá…
Một cuốn sách, một hồi ký vợ viết về chồng. Cũng là chuyện thường. Nhưng cầm cuốn sách về nhà đã choán của tôi quá nửa phần đêm.
Cái thực lẫn cái tình bện quện với dung lượng vừa phải. Một tuổi thơ không mấy phẳng lặng. Những năm học tập ở khu học xá Nam Ninh cô sinh viên Ánh Tuyết và anh giáo sinh âm nhạc Phạm Tuyên đã đến với nhau… Rồi cả hai cùng vượt thoát sức nặng cùng nỗi ám ảnh lý lịch để giữ được giữ bền tình yêu và gây dựng sự nghiệp…
Nếu chỉ bình bình có vậy thì chỉ là sự râu ria chi tiết thêm của một thứ lý lịch trích ngang với mô típ đầu tiên là trục trặc và sau là may mắn nhan nhản của các cặp vợ chồng và những thân phận thành danh. Nhưng càng đọc càng thấp thoáng lời bộc bạch của NS Phạm Tuyên đại ý, vợ ông đã âm thầm làm cuốn hồi ký gần 10 năm trời mà ông không biết! Việc chỉ phát lộ khi nó đã hoàn tất. Không có gì cũ hơn và mới hơn gia đình?
Cũng tương tự như vậy, còn gì cũ hơn… vợ? Thế nhưng NS Phạm Tuyên thú nhận rằng ông đã rất ngạc nhiên khi đọc vợ. Ngạc nhiên không phải những chi tiết những việc, những ca khúc ông vô tình quên? Càng đọc càng vỡ vạc ra cái điều ngạc nhiên của NS, có vẻ như bà đã đọc được ông đã nhìn thấy ông ở nhiều chiều kích? Bà như đã vượt thoát được những sự kể lể và thứ mặc định như thiên kiến rằng vợ bao giờ chả nói tốt cho chồng? Và nữa, như ngạn ngữ nước ngoài chả có ai vĩ đại trong con mắt người hầu phòng, huống hồ gần gũi sát sạt bên mình, cùng mình là vợ!
PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết ít hơn NS Phạm Tuyên 6 tuổi là chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Giáo dục mầm non Đại học SP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng giáo dục mầm non, người từng đào tạo hướng dẫn nhiều cử nhân thạc sĩ tiến sĩ về tâm lý học và giáo dục mầm non, là tác giả và đồng tác giả của 34 cuốn sách về tâm lý học, giáo dục mầm non, giáo dục cái đẹp trong gia đình của các nhà xuất bản Giáo dục, Phụ Nữ, Sự thật…
Phải vậy không mà đời sống sáng tác cùng những ca khúc của NS Phạm Tuyên bà dẫn ra trong cuốn hồi ký đã mang một sắc thái hiệu ứng bất ngờ? Không phải là nhạc sĩ và chuyên nghiên cứu âm nhạc, nhưng nhà sư phạm Nguyễn Ánh Tuyết, có lẽ bằng cảm quan của một người mẹ, người vợ, hơn thế là một phụ nữ đã rất tinh tường khi giải mã một NS Phạm Tuyên tài năng, tinh tế…
Nhờ có bà Ánh Tuyết mà chúng ta biết được NS Phạm Tuyên với vẻ ngoài lặng lẽ và dịu dàng, nho nhã là thế nhưng cương cường tiết tháo.
Chuyện dạo nọ người ta làm một tổng tập đại thành hoành tráng tập hợp những ca khúc quân hành có tên Những khúc quân hành vượt thời gian. Người ta không thể không nhắm đến bài Chiến đấu vì độc lập tự do của NS Phạm Tuyên viết ngay ngày 17-2 Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới gọi dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất tiền phương lửa đã cháy và máu đã đổ… Ca khúc ấy tưởng như chắc khừ và tất yếu phải vào tập đại thành đồ sộ nọ!
Nhưng những người có trách nhiệm đã đến gặp NS Phạm Tuyên. Không phải một lần mà tới năm, bảy bận. Lần nào cũng với một nội dung thưa NS ông có thể thay cụm từ quân xâm lược bành trướng dã man bằng ca từ nào khác được không ạ. Nếu bài này không vào được tuyển thì tiếc lắm ạ!
Nhưng NS,  những tưởng nụ cười lặng lẽ thường trực ấy sẽ dễ dãi này khác nhưng đã đột ngột tắt cùng với động thái kiên quyết lắc đầu.
Tập tuyển đồ sộ ấy đã không có bài Chiến đấu vì độc lập tự do!
Dạo cả nước sôi lên vì phong trào thi quốc ca mới. Bao nhiêu là vận động khuyến khích này khác, trực tiếp có, gián tiếp có. Nhưng NS Phạm Tuyên vẫn lặng lẽ… Nhiều người muốn ông giúp đỡ để viết quốc ca. Người thì gửi thơ đến nhờ ông phổ nhạc người thì mang bản quốc ca mới viết để ông góp ý. Nhưng ông khéo léo chối từ rằng đây là việc làm quá sức mình.
Một trưa bà Tuyết về nhà thấy chồng đương có khách. Khách là một lão nông rinh theo bó mía và bịch sắn nói là để bồi dưỡng cho NS để NS hướng dẫn ông viết quốc ca dự thi. Ông chồng bà đã ôn tồn mà rằng thưa cụ viết quốc ca là việc quá sức với tôi và việc ấy cũng quá sức với cụ. Mãi rồi cụ già kia cũng nghe ra.
Rồi Trung tâm tiểu sử Quốc tế IBC (Internationnal Biographical Centre) của Anh và Viện Nghiên cứu tiểu sử của Mỹ ABI (Americal Biographical Institus) đã gửi đến NS Phạm Tuyên hơn 100 (xin nhắc lại là hơn một trăm) lá thư cái thì phong tặng Giải thưởng Hòa bình quốc tế, thứ thì phong tặng Giải thưởng vì sự nghiệp suốt đời hoặc phong là một trong 500 người nổi tiếng nhất thế giới!
Hoặc mời NS giữ chức vụ lãnh đạo của những tổ chức quốc tế hoặc khu vực. Lời mời mới nhất của IBC (16-8-2008) sẽ trao tặng NS mề đay Bắc đẩu bội tinh và mời đi dự hội thảo quốc tế vv… Không phải những tổ chức danh tiếng ấy là rởm này khác nhưng với bản tính khiêm nhường, NS đã lặng lẽ chối từ.
Nhưng NS Phạm Tuyên lại có lúc dễ tính đến không ngờ. Ấy là năm 1974, gia đình NS Phạm Tuyên chuyển về khu tập thể Khương Thượng, Đống Đa. Cô con gái NS đã lên lớp mẫu giáo lớn. Bà Tuyết tìm được Trường Mẫu giáo Mầm non Đống Đa gần nhà rất tiện để gửi con. Cô giáo Hiệu trưởng tên là Bắc cười, sẽ nhận cháu vào học với điều kiện bố cháu là NS Phạm Tuyên phải không ạ. Thế thì bố cháu phải viết cho trường một bài hát! NS Phạm Tuyên chấp thuận.
Và rồi ca từ Trường của cháu đây là trường mầm non như chất giọng reo vui của con trẻ làm câu kết cho ca khúc nổi tiếng. Để rồi hàng triệu, hàng triệu cô cùng trò cả nước hát câu ấy mãi tới hôm nay! Và có lẽ mai sau nữa?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần đã nói về sức làm việc của NS Phạm Tuyên qua hình ảnh cái lưng rất thẳng của NS… Trần Đăng Khoa nói đó là cái lưng của người vượt núi.
Núi, tôi hiểu, có thể là những dấu mốc những ca khúc nổi tiếng mà ông phải vượt qua để không lặp lại cái cũ cái mòn, sáo? Núi có thể là một lần NS bộc bạch, việc chiêu tuyết cho nhà văn hóa Phạm Quỳnh hàng bao năm nay vẫn để ngỏ đấy mà sức ông, mà vị thế của một mình NS Phạm Tuyên khó làm nổi đòi hỏi sự xúm tay của văn hóa cùng lịch sử nước nhà?
Như là hậu thế phải có trách nhiệm thực thi, phải giải mã câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 khi nghe tin nhà văn hóa Phạm Quỳnh bị sát hại Cụ Phạm là người của lịch sử sau này lịch sử sẽ phải đánh giá lại. Còn bây giờ gia đình cứ yên tâm gắn bó với đất nước với cách mạng không phải lo lắng gì cả.
Có điều bâng khuâng, sáu năm nay, kể từ lúc bà vợ mất, NS Phạm Tuyên đang phải vượt núi một mình? Nhưng có lẽ không nhiều lắm những tài danh đất Việt có được người vợ đằm thắm  tinh tường cùng tinh tế về đức ông chồng lại hào phóng sẻ chia những tinh tế ấy cùng thiên hạ? Những sẻ chia ấy không còn là chuyện riêng mà là trữ lượng cho NS Phạm Tuyên tiếp thêm năng lượng để vượt thoát cái cõi vô thường này?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vụ lãnh đạo Yên Bái bị sát hại: Vì sao khẩu súng gây án nằm trong tủ của nạn nhân?



Tiến Nguyên
Dân Trí - Quá trình khám nghiệm hiện trường vụ hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái bị sát hại, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ khẩu súng gây án trong ngăn tủ làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn, một trong hai nạn nhân. Chi tiết khiến dư luận đặt nghi vấn này được cơ quan điều tra lý giải.

Chiều 26/12, Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái bị sát hại.

Theo công bố của Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Yên Bái, căn cứ vào kết quả điều tra và các tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Yên Bái kết luận, Đỗ Cường Minh là thủ phạm duy nhất đã dùng súng K59 bắn chết ông Phạm Duy Cường (thời điểm đó là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) và ông Ngô Ngọc Tuấn (thời điểm đó là Chủ tịch HĐND, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái), sau đó tự sát.

Với những tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Yên Bái kết luận và ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án theo quy định của pháp luật (lý do đình chỉ: người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là Đỗ Cường Minh đã chết).

Theo tài liệu công bố của cơ quan điều tra, khoảng 6h30 ngày 18/8/2016, Đỗ Cường Minh (SN 1963), thời điểm đó là Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, điều khiển xe ô tô đến Văn phòng Tỉnh ủy. Minh đợi ông Phạm Duy Cường đến phòng làm việc thì đi vào theo. Sau đó, Minh dùng súng K59 bắn ông Cường.

Sau đó, Minh tiếp tục đến phòng ông Ngô Ngọc Tuấn, dùng súng K59 bắn ông Tuấn rồi tự bắn 1 viên đạn vào đầu mình để tự sát.

Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ tại phòng làm việc của ông Phạm Duy Cường 4 vỏ đạn và 2 đầu đạn. Tại phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ 4 vỏ đạn và 4 đầu đạn; 1 súng quân dụng K59 để trong ngăn tủ làm việc của ông Tuấn, súng ở tình trạng đã bắn hết đạn (nòng súng thò ra ngoài).

Chi tiết khẩu súng K59, hung khí gây án, nằm trong ngăn tủ làm việc của ông Tuấn khiến dư luận băn khoăn. Lý giải về việc này, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Yên Bái cho biết, sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã lấy lời khai của anh Âu Văn H., lái xe của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đồng thời là người phát hiện sự việc.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT xác định, khoảng 7h25 ngày 18/8, Đỗ Cường Minh xách chiếc cặp màu đen đi một mình đến phòng ông Ngô Ngọc Tuấn thì gặp anh H. ở ngoài cửa. Anh H. nói trong phòng đang có khách nên Minh đứng chờ và nói chuyện với anh H. tại hành lang ngoài cửa. Minh hỏi thăm anh H. về công việc và gia đình, sau đó bảo anh H. làm gì cứ làm, đi đâu thì cứ đi để Minh ở đây. Anh H. trả lời rằng mình phải đứng bên ngoài chờ, khi sếp gọi là có mặt ngay.

Khoảng 3 phút sau, đoàn khách ra về thì Minh đi vào phòng ông Tuấn và khép cửa lại, anh H. đứng ở bên ngoài chờ. Hơn một phút sau, anh H. nghe tiếng súng nổ phát ra từ phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn và nghe thấy tiếng gọi “anh H. ơi”.

Anh H. vội chạy vào phòng thì thấy ông Ngô Ngọc Tuấn ngồi dựa lưng vào tường, người có nhiều vết máu; còn Đỗ Cường Minh nằm ở giữa phòng, xung quanh chảy nhiều máu, tay phải áp lên trên khẩu súng. Do thấy Minh vẫn đang thở dốc, sợ Minh bắn tiếp nên anh H. đã cầm khẩu súng cất vào tủ phòng làm việc của ông Tuấn. Sau đó, anh H. đỡ ông Tuấn nằm xuống rồi chạy ra ngoài cửa hô hoán mọi người.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hình mẫu nào cũng có những ưu điểm và cả những điều tồi tệ:

Liên Xô đứng trước cơ hội hồi sinh sau 25 năm!
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump được cho là đang tìm cách vận dụng những nguyên tắc của kinh tế Xô viết vào việc bảo vệ lợi ích cho người dân Mỹ, cho kinh tế Mỹ. Đây là những thực tế không thể phủ nhận về tính ưu việt của nền kinh tế kế hoạch mà Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác đã kế thừa của nhà nước Xô viết, dù Liên Xô đã không còn tồn tại 1/4 thế kỷ. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản – một trong hai thần kỳ kinh tế thời hậu Thế chiến II – suy thoái kéo dài đã 1/4 thế kỷ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
 
VBF-Có thể nói lúc Liên Xô tan rã đã khiến cho con người trên cả TG phải nuối tiếc nhưng cũng không ít người cảm thấy vui mừng vì điều này. Và cho tới nay đã 25 năm chuyện này vẫn chưa 1 ai quyên nhất là các lãnh đạo hàng đầu TG. Rất có thể những nguyên lý mà trước đây Liên Xô đã áp dụng sẽ được hồi sinh trở lại.

Khi Liên Xô tan rã, phương Tây tôn vinh tuyệt đối giá trị của nền kinh tế thị trường tự do. Song trước hàng loạt những “lợi bất cập hại” của việc nền kinh tế được quyết định hoàn toàn bởi quy luật của thị trường tự do, thì giới lãnh đạo, giới đầu tư, giới phân tích và giới nghiên cứu phương Tây đã và đang bắt đầu tìm cách khôi phục những giá trị tích cực của kinh tế Xô viết.

Ngày 26.12.1991 là ngày đầu tiên người dân thế giới dùng từ “Liên Xô cũ” để gọi tên Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết - 1 trong 5 cường quốc vĩ đại nhất mọi thời đại, theo Tạp chí The National Interest của Mỹ - một ngày sau khi nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô và cũng chính thức kết thúc sự tồn tại của nhà nước Xô viết.

The New York Times ngày 25.12.1991 đã cho biết, lúc 7 giờ 32 phút tối hôm đó,chứng kiến cảnh quốc kỳ Liên Xô trên Quảng trường Đỏ bị hạ xuống, một người đàn ông Nga đã nói với những người nước ngoài rằng “đừng vội cười vào di sản của Lênin”, rằng nước Nga sẽ tái sinh – Liên Xô sẽ tái sinh. Trong khoảnh khắc đặc biệt ấy, lời nói của người đàn ông đó bị xem như lời của một gã say rượu.

Tuy nhiên, đến nay sau khi Liên Xô biến mất tròn 1/4 thế kỷ, với những gì đang diễn ra trên thế giới và tại nước Nga thời hậu Xô viết thì “lời của gã say rượu” năm nào dường như đang trở thành hiện thực. Tại sao lại đưa ra nhận định như vậy?

Liên Xô ran rã chỉ là kết quả của một cuộc khủng hoảng lịch sử

Sau khi Liên Xô tan rã đã có rất nhiều nhận định cho rằng sự ra đời và tồn tại của chế độ Xô viết là một sai lầm của lịch sử, do vậy sự tan rã của nhà nước Xô viết là tất yếu – là sự khắc phục sai lầm của lịch sử. Tuy nhiên, quan điểm này ngày càng bị phủ định bởi thực tế và quan điểm cho rằng Liên Xô tan rã chỉ là kết quả của một cuộc khủng hoảng lịch sử ngày càng được củng cố.

Thực ra, ngay trước khi nhà nước Xô viết tan rã thì việc nhìn nhận sự khủng hoảng tại Liên Xô là thể hiện của một cuộc khủng hoảng lịch sử đã được nhiều người khẳng định, trong số đó có ông Zbigniew Brzezinski, nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới chính quyền của cựu Tổng thống Jimmy Carter.

Nhà chính trị Mỹ cho biết: “Theo tôi, cuộc khủng hoảng sâu sắc tại Liên Xô không phải là một cuộc khủng hoảng chuyển đổi mà là một cuộc khủng hoảng lịch sử. Khủng hoảng của Liên Xô có thể giống như khủng hoảng của Đế chế Ottoman. Đó là cuộc khủng hoảng trì trệ, suy yếu dần, mất tinh thần, phân rã và có nguy cơ nổ ra bạo lực”.

Khi Liên Xô tan rã chỉ là kết quả cuộc một cuộc khủng hoảng lịch sử thì ngay trong nguyên nhân tan rã đã có lý do cho nó tái sinh, ngay khi Liên Xô sụp đổ thì cũng là lúc phôi thai sự hồi sinh của chế độ Xô viết. Bởi lẽ sau bất cứ một cuộc khủng hoảng nào, dù là khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng chính trị, thì việc khắc phục hậu quả của nó luôn tạo ra lực hút hướng tâm với mọi nguồn lực xã hội.

Và khi tiến hành khắc phục hậu quả của một cuộc khủng hoảng thì lịch sử cũng đồng thời làm hồi sinh, tái sinh giá trị tiến bộ đã bị vùi lấp trong cuộc khủng hoảng đó. Do vậy, có thể nhà nước Xô viết hồi sinh không phải với tư cách là một cường quốc mang tên Liên Xô ngày nào, song những gì được xem là có giá trị với nền văn minh nhân loại thì chắc chắn sẽ được khôi phục và vận dụng để thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Ngày 18.3.2014 khi tuyên bố xác lập chủ quyền của nước Nga với bán đảo Crimea, Tổng thống Putin đã miêu tả sự tan rã của Liên Xô là “bi kịch địa chiến lược vĩ đại nhất của thế kỷ 20”. Có thể nhận diện lời nhận định đó là thể hiện rõ nhất quan điểm của người đứng đầu nhà nước Nga trong việc làm hồi sinh nhà nước Xô viết phù hợp với thực tế phát triển của lịch sử.

Những giá trị tích cực không thể phủ nhận của chế độ Xô viết

Tháng 11.1991, cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người cùng với cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đi tiên phong trong việc bảo vệ tự do tuyệt đối cho kinh tế thị trường - trong một lần phát biểu tại thành phố Houston, bang Texas của nước Mỹ đã cho biết, phương Tây luôn coi Liên Xô là một nguy cơ nghiêm trọng đối với họ.

Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Anh không xem nguy cơ nghiêm trọng đó là mối đe doạ quân sự từ Liên Xô, mà đó lại là mối đe doạ về kinh tế. Theo quan điểm của bà Thatcher thì những ưu việt của nền kinh tế kế hoạch – biểu hiện rõ nét nhất của chế độ Xô viết – là mối đe doạ lớn nhất với phương Tây.

Bà Thatcher lý giải rằng, thực ra phương Tây chưa bao giờ lo sợ một cuộc tấn công quân sự từ Liên Xô cả, bởi lẽ điều đó không thể xảy ra vì Liên Xô sẽ không lựa chọn thực hiện một cuộc tấn công để rồi kích hoạt một cuộc chiến tranh mà không có kẻ thắng, người thua khi vũ khí hạt nhân được sử dụng.

Bà đầm thép của nước Anh đã cảnh báo rằng, với một nền kinh tế kế hoạch cùng sự kết hợp đặc biệt giữa động viên tinh thần và khuyến khích bằng vật chất, Liên Xô có khả năng đạt được những thành tích kinh tế cao. Kết hợp với nguồn tài nguyên khổng lồ, nếu có cơ chế quản lý tốt, Liên Xô sẽ có khả năng giáng một đòn nặng vào vị thế của phương Tây trên thị trường toàn cầu.

Trước đó, nhà kinh tế học Mỹ Wassily Leontief - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1973 và là thầy của Paul Samuelson đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1970, Robert Solow đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1987 và Vernon L.Smith đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002 – từng ca ngợi nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô vì đã đạt được bước đại nhảy vọt về công nghiệp trong những năm 1930.

Cũng theo ông Leontief thì vì có nền kinh tế kế hoạch mà Liên Xô đã nhanh chóng phục hồi sau Thế chiến II. Nhà Nobel Kinh tế năm 1973 cũng cho rằng nhờ nền kinh tế kế hoạch tập trung đã giúp Liên Xô đạt được tốc độ tăng trưởng tương đương với Mỹ, thậm chí còn vượt cả Tây Âu vào thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.

Ông Leontief cho biết nhược điểm của nền kinh tế Xô viết chỉ nằm ở chỗ nhà nước can thiệp quá sâu vào việc điều tiết cơ chế vận hành của nền kinh tế. Ngược lại, ông Leontief chỉ ra nhiều khiếm khuyết của nền kinh tế Mỹ, nhất là hệ thống tài chính của Mỹ - vốn không bị chính phủ kiểm soát.

Ông Leontief đã ví kinh tế thị trường tự do của Mỹ như con thuyền ra khơi mà không có bản đồ và la bàn, còn nền kinh tế Liên Xô thì như con thuyền ra khơi nhưng không thể đón gió bởi sự can thiệp và điều tiết thái quá của chính quyền. Do vậy, cả hai hệ thống kinh tế của Liên Xô và Mỹ đều cần phải có những hiệu chỉnh để có thể phát triển ổn định.

Những thua kém của cơ chế kinh tế thị trường tự do so với cơ chế kinh tế kế hoạch

Kể từ khi Liên Xô tan rã đến nay, trên thế giới đã xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, cả toàn diện và cục bộ, song có thể thấy rằng cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á năm 1997 và cuộc khủng khoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 là có ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế thế giới. Các cuộc khủng hoảng này đã gây ra hậu quả rất lớn cho nhiều nền kinh tế.

Cho đến nay cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã trôi qua gần 20 năm và di chứng của nó cũng đã dần nhạt nhoà trong ký ức của người dân châu Á, còn hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 cũng đang được các quốc gia dần khắc phục. Thậm chí có nhiều nền kinh tế đã đi qua cuộc đại khủng hoảng ấy một cách kỳ diệu, trong số đó đáng kể nhất là kinh tế Nga và kinh tế Trung Quốc.

The New York Times ngày 4.12.2015 đã nhận định rằng: “Đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008, nền kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua rất tốt, từ đó tạo ra một sức mạnh đảm bảo ổn định cho kinh tế thế giới, trong khi đó kinh tế nước Mỹ thì lại đứng trên bờ vực của sự sụp đổ. Chính điều đó giúp cho kinh tế Trung Quốc nhanh chóng vượt qua kinh tế Nhật Bản, trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới”.

Còn trang tin Euromoney ngày 10.10.2010 đã nhận xét: “Chính phủ Nga đã trả gần hết các khoản nợ nước ngoài của những năm 1990, từ đó đưa kinh tế nước Nga vào số các nền kinh tế lớn có tỷ lệ nợ nước ngoài thấp nhất thế giới. Phần lớn doanh thu từ xuất khẩu hình thành nên Quỹ bình ổn đã giúp kinh tế Nga vượt khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 một cách tuyệt vời nhất, nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia”.

Hiện nay, kinh tế nước Nga đang bị hai gọng kìm nguy hại là “lệnh cấm vận và giá dầu thô giảm” bao vây, thậm chí hậu quả của nó khiến cho có nhiều dự báo kinh tế Nga sẽ sụp đổ vào năm 2017. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này – trong Thông điệp Liên bang năm 2017 và trong cuộc họp báo cuối năm 2016 – Tổng thống Putin đã lạc quan nhận định kinh tế Nga sẽ không còn tăng trưởng âm vào năm 2017.

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump được cho là đang tìm cách vận dụng những nguyên tắc của kinh tế Xô viết vào việc bảo vệ lợi ích cho người dân Mỹ, cho kinh tế Mỹ. Đây là những thực tế không thể phủ nhận về tính ưu việt của nền kinh tế kế hoạch mà Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác đã kế thừa của nhà nước Xô viết, dù Liên Xô đã không còn tồn tại 1/4 thế kỷ. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản – một trong hai thần kỳ kinh tế thời hậu Thế chiến II – suy thoái kéo dài đã 1/4 thế kỷ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Khi Liên Xô tan rã, phương Tây tôn vinh tuyệt đối giá trị của nền kinh tế thị trường tự do. Song trước hàng loạt những “lợi bất cập hại” của việc nền kinh tế được quyết định hoàn toàn bởi quy luật của thị trường tự do, thì giới lãnh đạo, giới đầu tư, giới phân tích và giới nghiên cứu phương Tây đã và đang bắt đầu tìm cách khôi phục những giá trị tích cực của kinh tế Xô viết.

Đó là trong nhiều trường hợp, nhà nước phải can thiệp để bảo vệ lợi ích quốc gia, chứ không thể để cho những kẻ đầu cơ lợi dụng cơ chế của thị trường tự do mà làm hại người dân, làm thiệt hại cho đất nước như tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng lên án.

Như vậy, Liên Xô tái sinh không chỉ bởi sức mạnh của nước Nga được Tổng thống Putin làm hồi sinh, mà còn cả bởi việc thế giới phương Tây khôi phục và vận dụng những di sản có giá trị của Liên Xô.

http://vietbf.com/forum/showthread.php?t=1033149

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái nhà đó vô phúc, ngu thì cho nó chết...


FB Phuoc M Nguyen
Hai cô cháu ruột đưa nhau ra tòa vì miếng đất của ông bà, bản chất thằng cháu lưu manh chạy chọt đủ kiểu hợp thức hóa cái sổ đỏ, người cô bực mình quyết làm cho ra lẽ phải...

Tòa và luật sư nhận hồ sơ, hai cô cháu phong bì đều đặn cho bọn họ, thế là vụ án dân sự kéo dài gần mười năm vẫn chưa kết thúc, lúc bên này thắng, lúc bên kia thắng...

Thỉnh thoảng, tòa và luật sư ngồi nhậu với nhau, chúng lại phá lên cười:

- Cái nhà đó vô phúc, ngu thì cho nó chết, tao với mày cứ có tiền lai rai như vậy là thoải mái rồi!

Ngẫm mà buồn, một nền tư pháp buồn, nhưng trình độ dân trí như vậy thì đáng buồn hơn, điều buồn cười duy nhất còn sót lại là... cả hai cô cháu vẫn tưởng mình "chơi được" và ai cũng hy vọng... cuối cùng mình sẽ thắng kiện!?

MP

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuba cấm sử dụng tên Fidel Castro đặt cho các loại danh hiệu, huân chương


HOÀNG DUY LONG
TTO - Luật cấm sử dụng tên Fidel Castro để đặt cho các tổ chức, quảng trường, công viên, đại lộ, đường phố và nơi công cộng khác, cũng như bất kỳ loại huân chương, vinh danh hay danh hiệu cao quý nào.

Theo Reuters, ngày 27-12, Quốc hội Cuba đã thông qua dự luật cấm sử dụng tên của lãnh tụ Fidel Castro để đặt cho các công trình xây dựng công cộng hay dựng đài tưởng niệm vị lãnh tụ lịch sử của cuộc Cách mạng Cuba, thể theo mong muốn của nhà lãnh đạo này trước khi qua đời. 

Hãng tin Reuters cho biết khi còn sống, nhà lãnh đạo lừng lẫy của Cuba vẫn thường nhắc rằng ông không hề muốn kiểu sùng bái cá nhân ông.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội Cuba ngày 27-12, Chủ tịch Raul Castro, em trai của Fidel, nhấn mạnh: "Tinh thần chiến đấu của Fidel sẽ sống mãi trong tâm thức của mọi chiến sĩ cách mạng Cuba, ngày hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau. Cách hay nhất để tưởng nhớ 'El Comandante' (Tổng tư lệnh) là theo đuổi quan điểm cách mạng của Fidel".

Theo luật đã được thông qua, chính quyền Havana cấm việc sử dụng tên Fidel Castro để đặt cho các tổ chức, quảng trường, công viên, đại lộ, đường phố và nơi công cộng khác, cũng như bất kỳ loại huân chương, vinh danh hay danh hiệu cao quý nào. 

Ngoài ra, dự luật này cũng không cho phép việc sử dụng hình ảnh của lãnh tụ Fidel Castro để xây dựng đài tưởng niệm, tượng, biển hiệu tưởng nhớ cũng như tất cả các hình thức tưởng niệm tương tự khác tại các địa điểm công cộng. 

Tuy nhiên, dự luật trên cho phép các nghệ sĩ sử dụng hình ảnh và tên của lãnh tụ Fidel Castro trong các sáng tác của mình như trong văn học, âm nhạc, khiêu vũ hay mỹ thuật. Đồng thời, việc sử dụng ảnh của vị lãnh tụ cách mạng Cuba hay những hình ảnh liên quan tới sự nghiệp cách mạng của ông tại các sự kiện mang tính công cộng cũng không bị giới hạn.

Nhà lãnh đạo huyền thoại Fidel Castro đã qua đời ngày 25-11 ở tuổi 90 trong niềm tiếc thương của hàng triệu người dân Cuba và thế giới.

Hàng trăm ngàn người dân Cuba đã tham dự đoàn xe tang đưa di hài (hộp gỗ đựng tro cốt) lãnh tụ Fidel Castro từ thủ đô Havana về nơi an nghỉ cuối cùng ở thành phố Santiago de Cuba, với hành trình dài 1.000 km trong vòng ba ngày. Lễ an táng đã diễn ra vào sáng 4-12 tại Santiago de Cuba.

Đoàn xe tang đã di chuyển đúng hành trình mà các chiến sĩ cách mạng dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Fidel Castro tiến vào thủ đô Havana năm 1959, đánh dấu chiến thắng của cuộc Cách mạng Cuba lật đổ chế độ độc tài Batista.

Phần nhận xét hiển thị trên trang