Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Thêm một “sếp” doanh nghiệp lớn ngành Công Thương đi nước ngoài mất hút


Tác giả: Mạnh Quân- Phương Dung

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, ông Lê Trung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) – một doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã xin nghỉ phép, đi việc cá nhân ở nước ngoài hơn 3 tuần nay vẫn chưa về.
 >> Ông Vũ Đình Duy bị buộc thôi việc từ ngày 1/12
 >> Sau vụ Vũ Đình Duy, Bộ Công Thương siết quản lý lãnh đạo doanh nghiệp
 >> Từ vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy “mất tích”: Cần phải sửa luật!


Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, một công trình được cho là có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quá trình đầu tư
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, một công trình được cho là có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quá trình đầu tư
Nguồn tin trên cho biết, hiện nay Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu PVN báo cáo rõ về trường hợp này. Những thông tin ban đầu cho thấy, ông Dũng xin nghỉ phép với lý do cá nhân và đi nước ngoài bằng hộ chiếu phổ thông.
Tuy nhiên, việc ông này 3 tuần qua chưa về mà không báo cáo việc kéo dài thời gian nghỉ (ngoài chế độ) là điều rất bất thường và vi phạm quy định của Nhà nước.

“Vì ông Dũng đi nghỉ theo chế độ cá nhân mà hiện nay cũng chưa xác định rõ vụ việc nào có sai phạm mà ông này có liên quan nên cơ quản quản lý cũng không thể cấm ông Dũng xuất cảnh”, nguồn tin trên cho biết.
Hiện không còn thấy tên ông Dũng trên bảng cơ cấu lãnh đạo của PV Power trên trang web của Tổng công ty này.
Một nguồn tin khác cho biết, ông Dũng được cho là có liên quan trách nhiệm đến những sai phạm trong triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, khi ông này còn làm ở Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC), thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch và ông Vũ Đức Thuận làm Tổng giám đốc.
PV Power là Tổng công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư 100%, được thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ hiện tại là hơn 13.000 tỷ đồng. PV Power đang thực hiện một số dự án lớn như: Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy điện Cà Mau, Nhiệt điện Nhơn Trạch 1 và 2…
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, doanh thu toàn Tổng công ty nửa đầu năm ước đạt 12.398 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 897 tỷ đồng, bằng 149% kế hoạch cả năm 2016, nộp ngân sách Nhà nước đạt 563 tỷ đồng.
Liên quan đến quản lý nhân sự tại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, mới đây, một nguồn tin của Dân trí cho biết, hiện Bộ Công Thương đã có những động thái siết lại quản lý việc các lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty đi nước ngoài, công tác. Đồng thời, yêu cầu báo cáo về các trường hợp xin nghỉ ốm hay có những việc cá nhân bất thường.
“Lãnh đạo cũng có yêu cầu quản lý chặt hơn việc sử dụng hộ chiếu của lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty lớn”, nguồn tin này cho biết.
Như Dân trí đưa tin, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định ngày kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex) sau khi ông này xuất cảnh hơn 1 tháng và chưa nhập cảnh trở lại.
Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh hồi tháng 9 vừa qua bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố do tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thanh được cho là rời Việt Nam cuối tháng 7 khi gửi đơn đến Tỉnh uỷ Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25 đến 29/7. Ngày 19/8, ông gửi đơn lần 2 xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để đi nước ngoài trị bệnh và không rõ tung tích từ đó.
———–
http://dantri.com.vn/su-kien/them-mot-sep-doanh-nghiep-lon-nganh-cong-thuong-di-nuoc-ngoai-mat-hut-20161208135435826.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

MỘT CUỘC HẦU ĐỒNG.




Nhân “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào hồi 21h15 (giờ Việt Nam) ngày 1. 12. 2016, Soi xin post lại một bài viết của tác giả Peter Phó.




Vũ Thanh Nghị, “Cô Bơ Chèo Thuyền” . Sơn dầu

Mụ gặp tôi ở quán cà phê, gọi ” Em Peter ” ngọt sớt, nhưng khi biết tuổi thật của tôi hơn mụ đến 10 cái xuân thu thì mụ giật mình đánh thót.

Mụ, người đàn bà phố cổ, cũng may được trên cho ăn lộc thánh nên giàu có sung túc.

Mụ nói, mụ căn cao số nặng nên đã là thanh đồng từ vài năm trước, trong lúc bất động sản Hà Nội đang trên đà cao trào. Có lẽ mụ là một thanh đồng khác biệt với đa số thanh đồng khác, bởi mụ giàu sụ, lại buôn to bán nhớn, mụ cần có quan hệ, cần ngoại giao. Nên lâu lâu, hứng lên mụ lại mở một giá hầu, một là để trả nợ tứ phủ, hai là nhân cơ hội trong lúc mụ hầu, mụ đưa phong bì cám ơn các đối tượng cho tiện. Theo ý mụ: Lúc hầu mình chẳng biết cái đếch gì hết, các thần các thánh, các cô các cậu nhập vào mình, hành vi lúc đó cứ diễn ra tự nhiên, tỉnh lại không biết điều gì đã xảy ra.

Hôm ấy, tôi được may mắn đi theo đoàn hầu của mụ lên đến tận đền Bắc Lệ (Hữu Lũng- Lạng Sơn) để xem mụ hầu và trả nợ tứ phủ. Trong đoàn, có các doanh nhân Hà Thành, có các phu nhân của một vài vị quan chức có máu mặt, cùng một đoàn tháp tùng hoành tráng, toàn xe BMW và Mercedes, trong đó một con Rolls-Royce do thằng Hùng đệ tử mụ lái chở riêng mụ và thầy Vượng Râu chuyên phụ trách tán đàn, hát văn phối nhạc cho lễ hầu của mụ.



Vũ Thanh Nghị, “Chúa Thác Bờ”, sơn dầu

Mụ đem theo một xe tải vàng mã, ngựa giấy, hình nhân các kiểu, hoa thơm cỏ ngọt đầy ăm ắp, từng mâm, từng mâm đầy ụ.

Điều khác người, mụ còn đem theo vô số đồ trang sức bằng vàng, kim cương, ngọc ngà thứ thiệt để làm hành trang trong khi hầu các cô các cậu. Một tay giúp việc lực lưỡng giữ một cái hộp nhiều ngăn như một chiếc tủ nhỏ, mỗi ngăn là một bộ trang sức. Khi mở ra, sáng chóe, làm người xung quanh hoa cả mắt, còn tôi thì sững sờ như đang trong cuộc tham gia một hội chợ trang sức tầm cỡ của các đại gia vùng Dubai.

Bàn thờ được trang hoàng lộng lẫy, đèn nến sáng trưng, đồ lễ sắp xếp ngồn ngộn, ngựa giấy, hình nhân, vàng mã xếp từng tầng từng lớp đầy ắp, rực rỡ, uy nghi. Mụ son phấn lòe loẹt, quần áo tỏa mùi thơm ngào ngạt của nước hoa Chanel N°5. Khi đã sẵn sàng, mụ yên vị nhắm mắt khoan thai ngồi khoanh chân giữa chiếu. Xung quanh mụ, bốn chàng trai bốn góc, nghe nói là tứ trụ triều đình, bốn tay này sẽ hướng dẫn và hỗ trợ, hầu hạ mụ trong suốt cả buổi hầu. Một chàng trẻ trung, đẹp trai trắng trẻo, đeo một bông hoa tai bên tai trái, khuôn mặt khôi ngô dễ thương, nhưng nói năng ỏn ẻn kiểu đồng tính. Một chàng đen lũi, khuôn mặt chỉ nhìn thấy hai con mắt sáng như mắt mèo. Một chàng to nhớn, vai u thịt bắp, săm trổ đầy cả hai cánh tay, trông như một tên xã hội đen bên Nhật. Còn một chàng thư sinh, gầy dong dỏng, dáng đi nhẹ như sóc, nói năng thủ thỉ như mèo hen.

Bốn phụ tá mỗi người một việc, người gấp sẵn trang phục, người soạn lại đồ trang sức, người phe phẩy cái quạt cho chủ nhân và người kia đang thoa son trát phấn lên mặt bà chúa.
Ngồi bên ngoài vòng, hai bên cung văn , nhạc công tấu nhạc cùng ban phụ họa hát theo. Tiếng hát văn lanh lảnh của vị thầy hát văn “number 1″ ở Hà Thành là Mr. Vượng Râu đã cất lên, nó vút cao và bay lượn trong khoảng không gian hẹp của vòm đền, lờn vờn trên thân vài con trăn tinh đang quận tròn trên đỉnh ban thờ rồi bay ra ngoài đến với cõi hư vô.



Vũ Thanh Nghị, “Cô Bơ”, sơn dầu

Tiếng đàn, tiếng sáo rập rờn, khi xa khi gần, khi xuống thấp, khi vút cao. Thật là:

Chốn cung tiên mây lồng ánh nguyệt; Cảnh bầu trời gió quyện hương bay
Cửu trùng tọa chín tầng mây; Thiên Tiên Đệ Nhất ngự rày trung cung

Sau khi đã chuẩn bị xong, bắt đầu bước vào màn hầu đặc sắc của một thanh đồng giàu sụ đất Hà Thành

Mụ cung kính quỳ gối thỉnh Tam Tòa Quốc Mẫu, sau đấy lần lượt mụ hầu các giá: Ngũ quan – từ đệ nhất đến đệ ngũ, quan lớn tuần tranh, mười một giá chầu, từ chầu bà đệ nhất đến chầu bà Bắc Lệ, phủ quan hoàng. Mụ kiên nhẫn múa may dặn bảo các đệ tử, dân thường đang xúm quanh xem hầu. Mỗi một giá là một lần thay đồ, thay trang sức, nhiều lúc thấy mụ hơi xót xa cau mày bởi sự thu xếp cẩu thả đồ trang sức của tay phụ việc to đầu to xác nhưng ngu như lợn.



Vũ Thanh Nghị, “Chầu Bà”, sơn dầu

Kiên nhẫn mãi, mới đến giá hầu ông Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười. Đến giá ông Hoàng Bảy, mụ áo giáp chỉnh tề, uy phong lẫm liệt, mụ dương oai diễu võ, hét lớn: Ta về đây, dạy bảo cho các con các cháu, các ngươi phải nghe lời Hoàng…

Tiếng nhạc vi vu trong trẻo cùng lời văn nghe đậm sắc dân gian:

Hoàng nhắn ai lên đất Bảo Hà
Nếm mùi phong nguyệt í i ì i
Đó là tiên cảnh thần tiên
Xáng ô xáng ô lưu phàm
Ố tiên thần tiên trên Bảo Hà…



Vũ Thanh Nghị, “Ông Hoàng Bảy”

Ông (mụ) múa gươm, dậm chân, chỉa mũi kiếm ra đống hình nhân để khai quang cho lũ súc sinh và hình nhân, sau đó ông (mụ) ngồi xuống nhấm trà Ô long, uống rượu,nghe cung văn hát hầu:

Cỏ cùng cây đua chen hoa lá í i ì i
Ố ngần lần ngần hoa đào năm ngoái
Mười phần còn kém ông xa
Xáng ô xáng ô lưu phàm
Ố xang còn kém xa ông mười phần…

Ông (mụ) thanh thản vuốt râu khen ngợi, cầm một xấp bạc lẻ, ông (mụ) tung hê cho đệ tử chúng sinh, mọi người ồ lên tranh nhau nhặt những đồng tiền lã tã rơi…

Rồi, đây mới là màn đặc sắc, mụ giở trong cái túi Hermes một tập phong bì gói sẵn, đề tên sẵn, phân phát cho mọi người. Đầu tiên, mụ đưa cho các phu nhân cao cấp trước, rồi bạn bè, đệ tử. Có một chi tiết rất đáng tiếc cho mụ, mụ đưa nhầm phong bì của người này cho người khác, mụ lại bật ra tiếng người trần thay cho giọng ông Hoàng Bảy: “Ối, chị đưa lại cho em, đây mới là của chị , xin lỗi…” Tôi nghe mà hoảng hồn cho mụ, sao lại diễn nhầm một cách tệ hại. Đưa hết phong bì, mụ lại nghiễm nhiên trở thành Ông Bảy, phe phẩy quạt, lim dim đôi mắt…



Vũ Thanh Nghị, “Ông Hoàng Bảy”

Sang hầu Ông Hoàng, vì mụ có dặn tôi trước, nên tôi cũng diễn theo, lom khom cầm cái đĩa để 10 tờ 500 ngàn lê gối đến gần mụ: “Con lạy ông ạ, con xin ông ban cho con nhiều tiền nhiều bạc, làm ăn phát đạt…” Nói đến đây, thấy mụ nhìn tôi cười huyền bí, tôi chột dạ: “Mịa cái mụ này, chơi mình hay sao?”. Nhưng mụ định lại thần: “Họ Phó kia, ta ban cho ngươi phúc lộc mãn đường, buôn may bán đắt, lộc lá đầy mình…”. Tôi gật đầu lia lịa: “Dạ, con xin ông, dạ con lạy ông ạ”.

Sau đấy đến các giá của cô Bơ, cô Chín, cô Bé rồi cô Đôi Thượng Ngàn:

Ngọc điện chốn kim môn, cô ra vào ngọc điện chốn kim môn
Danh thơm ngoài cõi tiếng đồn trong í i cung.
Xinh thay một thú cô Đôi ngàn
Bầu trời cảnh phật í i ì í i phong quang bốn mùa
Trên bát ngát trăm hoa đua nở
Dưới cảnh bầy cầm thú đua chơi i ì í a ới a à ới a a…



Vũ Thanh Nghị, “Cô Chín”

Giá này trông mụ đẹp rạng ngời, mụ mặc áo dân tộc, vấn tóc choàng khăn trông đẹp khác thường, quả là:

Gió đông phong hây hây xạ nức; Bộ tiên nàng chầu chực hôm mai
Dập dìu nơi chốn trang đài; Chính cung Mẫu ngự trong ngoài sửa sang

Mụ múa rất dẻo, trên tay cắm hai ngọn nến, bước đi nhịp nhàng khoan thai, mắt mụ đưa đẩy nhìn tôi trông rất đa tình…



Vũ Thanh Nghị, “Cô Bé”

Sau khi chứng kiến đến giá cuối cùng thì trời đã về khuya…

Xe loan thánh giá hồi cung…

Bọn người lại kéo nhau lên xe thẳng về Hà Thành… Mụ lại trở về mụ, con mẹ buôn giàu sụ đất kinh thành. Mụ cho thầy Vượng đi xe khác, kéo tôi và con Thu phụ tá ngồi cùng xe. Lên xe, mụ lim dim đôi mắt nghỉ ngơi, bỗng mụ nghĩ đến một chuyện “vặt”, mụ liền quay sang nói với con Thu: “Mai bảo thằng Tuy gửi trả tao 15 tỉ, quá hạn đến một tuần rồi đấy! Mẹ, thấy mình dễ, cứ lợi dụng…”

Tôi nghe choáng luôn, những bóng cây bên đường hun hút lướt qua, tôi thấy mình nhỏ bé như bị tống trôi theo suối mơ…

*

Nguồn: Từ Fb của Peter Phó

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có TPP liệu có phải “cú giáng” với kinh tế Việt Nam?


Dân trí Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nói: “Việt Nam đã tham gia đàm phán TPP ngay từ những ngày đầu. Nhưng nếu không có TPP, Việt Nam vẫn phải mở cửa và phát triển thương mại. Đó là xu thế không ai không theo nhưng có thể chậm lại trong trường hợp TPP không được thông qua”.
 >> WB: Việt Nam sẽ không chịu tác động nhiều vì Mỹ rời bỏ TPP
 >> Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc sẽ dẫn dắt kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương?
 >> Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: “Chúng ta vẫn đang sống mà không có TPP”

Trước đó, phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc tới lo ngại chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ quay trở lại.
Trước đó, phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc tới lo ngại chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ quay trở lại.

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016 đang diễn ra tại Hà Nội đã dành riêng một phiên để thảo luận về chủ nghĩa dân tuý (quan điểm bảo hộ thị trường nội địa) trong bối cảnh chủ nghĩa này đang nổi lên tại các nước lớn, nhất là sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ.
Giống như nhiều nước ASEAN, nền kinh tế của Việt Nam được giới chuyên gia nhìn nhận là có thể gặp nhiều tác động ít thuận lợi hơn nếu ông Donald Trump theo đuổi xu hướng bảo hộ thương mại và tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thảo luận về “mối đe doạ” từ chính quyền mới của Mỹ, ông Roger Lee (CEO TAL Apparel) nói: “Chưa ai biết ông Trump sẽ làm gì ngoài việc ông ý nói muốn mang công việc trở lại Mỹ. Chính quyền Mỹ đề xuất việc xem xét đầu tư tại Mỹ nhưng liệu có tìm được lực lượng lao động tại Mỹ hay không lại không phụ thuộc vào mong muốn của chính phủ Mỹ”.
Ông Roger Lee cũng dẫn ví dụ: “Những nhà máy tại Boston và nhiều bang khác tại Mỹ chỉ có 1.000 nhân công nhưng có tới 20 quốc tịch khác nhau. Hay như tại Connecticut, chúng tôi rất khó khăn trong việc tuyển dụng. Các doanh nghiệp cũng không quan tâm đến vấn đề thương hiệu, họ không cần “Made in USA” trên sản phẩm của mình”.
“TPP không phải là quá cần và liệu có phải là “cú giáng” của Việt Nam nếu nó không được thông qua không? TPP với một quốc gia như Việt Nam khi mà chi phí lao động đang tăng thì sẽ có thêm lợi ích là miễn thuế tuy nhiên với một công ty như chúng tôi, hiện không có TPP thì đã có đủ sức cạnh tranh rồi. Việc không có TPP do đó sẽ không làm chậm quá trình chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam”, Roger Lee nói.
Ông này cũng cho biết, hiện nay TAL Apparel đang làm việc với Chính phủ Việt Nam vì chính phủ đang tạo điều kiện thuận lợi, việc xin giấy phép khá dễ dàng. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất. Dự kiến công ty này sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD cho dù có TPP hay
Ông Phạm Văn Thịnh (CEO Deloitte Việt Nam) cũng cho rằng: "Nếu không có TPP có thể là cú sốc với doanh nghiệp Việt Nam khi mà phân tích trước đó cho thấy, Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng thêm 10%/năm nếu Hiệp định được thông qua. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tập trung vào 2 khía cạnh. Một là RCEP với dân số lên tới 3,4 tỷ người, một thị trường cũng rất lớn. Hai là Việt Nam tiếp tục mở cửa hội nhập, thực hiện hiệp định thương mại song phương với các quốc gia khác".
"Nếu chúng ta nhìn vào cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ thì Việt Nam đang xuất siêu, đó là thị trường lớn của chúng tôi. Nhưng Việt Nam đã cam kết cải cách và nếu không có TPP thì có tiếp tục cải cách không? Tất nhiên, quá trình đó sẽ không dừng lại. Đó là nhu cầu nội tại của chúng tôi. Chúng tôi phải cách cách nền kinh tế và doanh nghiệp nhà nước”, ông Thịnh nói.
Một diễn giả khác là ôngChartsiti Sophonpanich, Chủ tịch Bankok Bank cũng bình luận: "Ở Thái Lan, chúng tôi không còn lao động chi phí giá rẻ và các doanh nghiệp tại đây đang chuyển sang các khu vực khác. Tuy nhiên, 1+1 không còn = 2 nếu chúng ta biết tận dụng lợi thế của nhau. Với chủ nghĩa tiêu dùng ngày càng mở rộng, nguồn lực trẻ hóa ngày càng nhiều, cho dù không có TPP, ASEAN vẫn có thể hợp tác và phát triển thịnh vượng”.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nói: “Việt Nam đã tham gia đàm phán TPP ngay từ những ngày đầu. Nhưng nếu không có TPP, Việt Nam vẫn phải mở cửa và phát triển thương mại. Đó là xu thế không ai không theo nhưng có thể chậm lại trong trường hợp TPP không được thông qua”.
Chủ tịch Tập đoàn FLC (FLC Group) Trịnh Văn Quyết thì cho rằng: "Nếu nói TPP không ảnh hưởng đến bất động sản Việt Nam thì không đúng nhưng ảnh hưởng không nhiều. Việt Nam tham gia bất động sản hội nhập với quốc tế chưa phải sâu rộng. Nếu có ảnh hưởng, chủ yếu các doanh nghiệp lĩnh vực hạ tầng, logistic, hạ tầng công nghiệp. Họ bị ảnh hưởng đáng kể, do ảnh hưởng đến luồng vốn, sự đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam".
Phương Dung

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Báo chí Mỹ : Donald Trump cố tình khiêu khích Bắc Kinh


Tú An

media
Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump liệu có cố tình chọc giận Bắc Kinh ?Reuters
Quan hệ giữa chính quyền mới tại Washington với Bắc Kinh có nguy cơ căng thẳng. Từ cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan cho đến việc tố cáo Trung Quốc « phá giá » đồng nhân dân tệ và quân sự hóa Biển Đông, tổng thống tân cử Mỹ và ban cộng sự nhắn gửi Bắc Kinh : phải chấp nhận ngôn ngữ ngoại giao mới của Mỹ.
Theo nhật báo Washington Post, quyết định công bố đoạn băng hình cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Donald Trump với lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã được cân nhắc lợi hại và sửa soạn cẩn thận. Từ Washington, thông tín viên Anne- Marie Capomaccio phân tích :
"Người ta đã tưởng rằng cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn là một hành động thiếu cẩn trọng trong khi từ năm 1979 đến nay, Mỹ chỉ công nhận có một nước Trung Hoa duy nhất. Theo giải thích của phó tổng thống tân cử Mike Pence thì ông Donald Trump không thể từ chối điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn.
Thực ra rất có thể tất cả vụ việc này đã được chuẩn bị từ lâu. Theo nhật báo Washington Post, quyết định công bố đoạn băng hình đã được cân nhắc. Những thông điệp trên mạng Twitter của Donald Trump tố cáo Trung Quốc cố ý điều chỉnh đồng nhân dân tệ (để cạnh tranh bất chính) cũng là một trong những chủ đề tâm đắc của nhà tỷ phú địa ốc lúc tranh cử. 
Nếu tất cả các hành động này là nhằm chứng tỏ một sự thay đổi trong giọng điệu ngoại giao của Mỹ thì mục tiêu đã đạt được. Bắc Kinh nổi giận và phát ngôn viên Nhà Trắng không giấu lo ngại : chúng tôi đã gọi điện cho đồng nhiệm Trung Quốc để nhắc lại cam kết chính sách một nước Trung Hoa, được thương lượng qua nhiều đời tổng thống Mỹ. Nếu tổng thống mới có mục tiêu khác thì tôi để ông ấy giải thích.
Không phải chỉ có Nhà Trắng quan ngại mà giới chuyên gia cũng kêu gọi chính quyền mới phải tỏ ra biết ngoại giao hơn. Ai cũng biết Trung Quốc là một đối tác khó tính và xung khắc tại Biển Đông là có thật nhưng không nên vì thế mà cắt đứt đối thoại. Thật ra không phải ai cũng nghĩ như thế. Trên một đài truyền hình Mỹ, một cố vấn của ông Trump tuyên bố thẳng thừng : 'Nếu Trung Quốc không thích ngôn từ của chúng ta thì họ đi chỗ khác chơi'".

Luật chính sách quốc phòng Mỹ khiến TQ quan ngại

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng.
Trung Quốc ngày 2/12 bày tỏ quan ngại về việc luật chính sách quốc phòng thường niên của Mỹ trong đó có gợi ý một kế hoạch tổ chức các cuộc trao đổi quân sự cấp cao với Đài Loan, đảo tự trị mà Bắc Kinh xem như một tỉnh tách riêng của Trung Quốc.
Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng trị giá 618.7 tỷ đôla có phần chắc sẽ được đưa ra biểu quyết tại Hạ viện Mỹ tuần này và tại Thượng viện tuần tới.
Một phần của luật tỏ ý của Quốc hội rằng Bộ Quốc phòng nên tiến hành một chương trình trao đổi quân đội cao cấp giữa Mỹ với Đài Loan.
Trung Quốc ‘quan ngại sâu sắc’ về luật này và thúc giục Mỹ tuân thủ chính sách ‘một nước Trung Hoa’ để không làm tổn hại các mối quan hệ Mỹ-Trung rộng lớn hơn, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, tuyên bố.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường lệ, ông Cảnh nói thêm rằng: “Trung Quốc cực lực phản đối Mỹ và Đài Loan tiến hành bất kỳ hình thức liên lạc chính thống hay trao đổi quân sự nào.”
Trung Quốc kêu gọi tất cả các nước công nhận chỉ có một nước Trung Hoa với chính phủ ở Bắc Kinh mà thôi, không nên xem Đài Loan là một nước tách biệt khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, Đài Bắc và Washington có quan hệ an ninh gần gũi, khiến Bắc Kinh khó chịu.
Trung Quốc hết sức nghi ngờ Tổng thống Đài Loan sẽ thúc đẩy cho Đài Loan chính thức được độc lập. Bà Thái Anh Văn vừa lên nhậm chức lãnh đạo Đài Loan trong năm nay.
Bà Thái nói bà muốn duy trì nguyên trạng với Trung Quốc và cam kết đảm bảo hòa bình.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hướng về phía TQ, tân tổng thống Mỹ ra chiêu đòn lạ




Ngay sau khi ông Donald Trump thắng cử, thế giới chứng kiến cả loạt sự kiện với những hoạt động, những phát ngôn của ông tân tổng thống Mỹ hoàn toàn khác lạ, không bình thường.

Nhanh nhảu nhất là thủ tướng Nhật "tạt" vào New York, đến tận Trump Tower để gặp người đắc cử tổng thống nước Mỹ. Sau đó là khá nhiều các cuộc điện đàm của ông Trump với lãnh đạo các nước cả Đông và Tây đã được độ ngũ giúp việc tân tổng thống Mỹ xác nhận và được thông tin rộng rãi cho truyền thông, báo chí......

Chưa hết... Mới đây ở TQ, lãnh đạo Bắc Kinh đã tiếp riêng Kissinger. Tưởng thế là "cao kiến" thì ở bên Mỹ, sau vài tiếng ông Trump có cuộc điện đàm "vô tiền khoáng hậu" với bà Thái Anh Văn, người đứng đầu của Đài Loan.


Nhìn lại, việc ông Henry Kissinger tới Bắc Kinh dự Hội thảo mà được giới chức chóp bu nước này tiếp đón riêng đủ thấy một ván bài mới mà TQ đang muốn chơi. Là thông qua nhà kiến tạo quan hệ Mỹ-Trung những năm 1971-1972 này để nhắm "làm ấm lại" quan hệ song phương 2 nước đang lạnh nhạt, căng thẳng thời ông Obama thì đến thời tổng thống vừa đắc cử Donald Trump sẽ cải thiện lên... 

Thế nhưng chính ông Trump ở bên nước Mỹ lại có phản ứng khó hiểu khi rất đường đột phá vỡ quy tắc 1 nước TQ. Ông Trump tỏ ra quan tâm và nhận nói chuyện riêng điện đàm với nhà nữ lãnh đạo mới được bầu của Đài Loan. bà này vốn không được Bắc Kinh ưa thích thì đây thật là gáo nước quá lạnh đội vào các nhà lãnh đạo bắc Kinh.

Dĩ nhiên đây là giai đoạn đang chuyển giao chính quyền cũ-mới của nước Mỹ. Chưa nên có kết luận gì về các động thái có thể mang tính chiến thuật này của những nhà lãnh đạo Mỹ và các nước liên hệ. Thậm chí đây có thể là những bước đi thăm dò, dương đông kích tây, nhận diện phản ứng mà đối tác thể hiện... Tất cả chờ sau ngày ông Trump nhậm chức chính thức, ngày 20/1/2017 tới.

Đọc thấy trên blog và mạng xã hội mấy bài viết sau, xin phép các tác giả post lên để bà con làng blog và bạn bè cùng đọc tham khảo. 

Vệ Nhi

-----

Hướng về Bắc Kinh: Tân tổng thống Mỹ ra chiêu đòn lạ
     
TQ cay cú đến thế vì ông Tập vừa vui vẻ gặp nhân vật đặc biệt thì Trump

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 2/12 đã có cuộc hội kiến cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ là người đặt nền tảng để Mỹ-Trung bình thường hóa quan hệ sau chuyến công du Trung Quốc lịch sử năm 1972. Ông Kissinger cũng trở thành khách quý của Bắc Kinh trong suốt nhiều năm qua.
Trong chuyến đi tới Trung Quốc để dự Hội thảo quan hệ Mỹ-Trung lần này, Kissinger cũng gặp gỡ với một nhân vật cấp cao khác của Trung Nam Hải là Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn.
Quy cách tiếp đón long trọng đối với một nhân vật không thuộc chính quyền Mỹ như Kissinger cho thấy Bắc Kinh kỳ vọng lớn vào những thông tin mà cựu Ngoại trưởng mang tới, liên quan đến Tổng thống đắc cử Donald Trump và cuộc chuyển giao quyền lực của ông.
Tại cuộc hội kiến, ông Tập Cận Bình ca ngợi cống hiến của Kissinger và kêu gọi hai nước hợp tác, "bảo đảm quan hệ Mỹ-Trung bình ổn trong giai đoạn quá độ, tiếp tục phát triển ổn định ở vạch xuất phát mới".
Henry Kissinger cũng nhấn mạnh hai nước xử lý ổn thỏa các bất đồng trong lập trường, đồng thời gửi thông điệp quan hệ song phương phát triển tốt hơn "cũng là kỳ vọng của chính quyền mới".
Kissinger nói với Tập Cận Bình rằng ông "đánh giá rất cao" cuộc hội kiến và kỳ vọng củng cố lòng tin giữa hai bên trong giai đoạn mới.
TQ cay cú đến thế vì ông Tập vừa vui vẻ gặp nhân vật đặc biệt thì Trump dội nước lạnh - Ảnh 1.
Ông Vương Kỳ Sơn (đứng), người lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc, gặp mặt ông Kissinger ngày 1/12 tại Bắc Kinh (Ảnh: Xinhua)
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 3/12 cho hay, trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị nhậm chức, cuộc đối thoại giữa ông Tập và Kissinger rất có khả năng cung cấp nhiều "manh mối" về phương hướng quan hệ hai nước trong tương lai.
Đáng chú ý, một thông cáo từ nhóm của ông Trump cho thấy Henry Kissinger đã gặp Trump tại New York vào 2 tuần trước khi sang Trung Quốc, và quan hệ Mỹ-Trung là một trọng điểm được bàn bạc.
Trả lời phỏng vấn đài CNN (Mỹ), Kissinger nói rằng không phải tất cả cam kết của Trump khi tranh cử đều sẽ được thực hiện, được cho là nói đến các tuyên bố cứng rắn như dọa tăng thuế lên 45% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. 
Cựu Ngoại trưởng mô tả Trump là tổng thống đắc cử "đặc biệt nhất" mà ông từng gặp gỡ.
Tuy nhiên, kết quả cuộc gặp Tập Cận Bình-Henry Kissinger nhanh chóng bị "dội nước lạnh" bởi chỉ vài tiếng sau đó, ông Trump đã phá bỏ mọi nguyên tắc ngoại giao trong quan hệ với Trung Quốc từ năm 1979 để tiếp điện thoại của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, khiến Bắc Kinh nổi giận.
Bị chính phủ Trung Quốc chỉ trích gay gắt, Trump lập tức lên Twitter - nơi mà các lãnh đạo Trung Quốc không "hiện diện" - để đáp trả:
"Trung Quốc có hỏi chúng ta hay không về việc họ phá giá đồng nội tệ (khiến các công ty Mỹ khó cạnh tranh), đánh thuế nặng các sản phẩm của chúng ta vào nước họ (Mỹ không đánh thuế họ) hay xây dựng một tổ hợp quân sự đồ sộ ở giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ là có chuyện đó".
Giới quan sát lĩnh vực ngoại giao ở Trung Quốc cho rằng, Kissinger là "cầu nối" giúp Trung Nam Hải hiểu thêm về con người ông Trump và giảm nhân tố bất ổn trong quan hệ hai nước, song chính Trump đang "bơm thêm" sự hoài nghi khiến Bắc Kinh không thể tin cậy hoàn toàn vào thông điệp của cựu Ngoại trưởng.
Trung Nam Hải dường như bối rối trong lựa chọn phương án ứng xử với "cây gậy và củ cà rốt" của Mỹ, mà Tổng thống đắc cử Mỹ đang tỏ rõ vai trò "cây gậy".
HẢI VÕ

ĐỌC BÀI CỦA LINK TRÊN:

John Kerry: Trump phớt lờ Bộ ngoại giao Mỹ khi tự ý liên hệ với các lãnh đạo quốc tế


John Kerry: Trump phớt lờ Bộ ngoại giao Mỹ khi tự ý liên hệ với các lãnh đạo quốc tế

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Trump nên tham vấn Bộ Ngoại giao trước khi liên hệ với các lãnh đạo thế giới.


Ngoại trưởng Kerry ngày 4/12 phát biểu, nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có thể nhận được những tư vấn quý báu nếu họ tham vấn Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi tổng thống đắc cử điện đàm với các lãnh đạo quốc tế.
"Việc đó [tham vấn Bộ ngoại giao Mỹ] rất có giá trị, tôi cho rằng đó là việc nên làm. Thật tiếc là nhóm chuyển giao đã không làm như vậy," ông Kerry nói.
"Chúng tôi chưa từng được liên lạc trước các cuộc hội thoại. Chúng tôi chưa từng được yêu cầu để cung cấp các quan điểm đối ngoại", người đứng đầu cơ quan Ngoại giao của Mỹ nói về các cuộc tiếp xúc của ông Trump với những lãnh đạo khác.
Ông nói thêm: "Tôi nghĩ rằng, việc nhận được những lời tham vấn, ít ra cũng có cũng có những giá trị nhất định. Còn việc bạn lựa chọn thực hiện theo những tư vấn đó hay không lại là chuyện khác.
Nói chuyện với những người "thạo việc", có kinh nghiệm luôn rất tốt. Họ sẽ chỉ ra cho bạn các thông tin về tình hình hiện tại cũng như có điều gì đặc biệt cần lưu ý hay không".
Cuộc điện đàm giữa Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày thứ Sáu (2/12) đã châm ngòi cho sự phản đối của Trung Quốc.
Cũng có phỏng đoán rằng cuộc gọi đó là một động thái có tính toán của Trump, nhằm truyền đi tín hiệu về sự thay đổi trong đường lối đối ngoại đối với Trung Quốc.
Giả thiết này đã bị Phó tổng thống đắc cử Mike Pence gạt đi vào ngày Chủ Nhật, khi ông cho rằng đó chỉ là một cuộc gọi "ngoại giao".
Kể từ khi cựu tổng thống Jimmy Carter đóng cửa đại sứ quán Mỹ tại Đài Loan năm 1979 và thừa nhận quan điểm "một Trung Quốc", Trump là lãnh đạo đầu tiên của Mỹ điện đàm với một lãnh đạo Đài Loan.
Cho đến nay, ông Trump - người chưa từng đảm nhận một chức vụ nào trong chính quyền các cấp, không có kinh nghiệm ngoại giao và quân sự - vẫn đang lựa chọn nhân sự cho vị trí Ngoại trưởng của nội các mới.
NGỌC ANH
-----

Donald Trump sẽ răn đe Trung Quốc trên Biển Đông thế nào?


donald-trump-se-ran-de-trung-quoc-tren-bien-dong-the-nao
Ảnh: Huffington Post
Từ khi bắt đầu ra tranh cử tổng thống Mỹ, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã có những tuyên bố rất cứng rắn đối với Trung Quốc. Tỷ phú bất động sản này cáo buộc Trung Quốc "thao túng đồng tiền", đồng thời tuyên bố sẽ "thay đổi luật sở hữu trí tuệ và ngăn chặn các hành vi bất công, phi pháp của công ty Trung Quốc" ở thị trường Mỹ, theo Forbes.
Về đối ngoại, tỷ phú New York cũng có những lời lẽ công kích các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo ông Trump, để có thể dồn ép, buộc Trung Quốc phải trả giá cho những hành động phiêu lưu trên biển, Mỹ phải "tăng cường sức mạnh quân sự và triển khai sức mạnh đó một cách thích hợp đến Biển Đông và Hoa Đông".
Ông Trump cho rằng những hành động này sẽ "ngăn cản chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của Mỹ ở châu Á", nhấn mạnh rằng "sự hiện diện quân sự mạnh sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho Trung Quốc và các nước châu Á cũng như toàn thế giới rằng Mỹ đã trở lại với vai trò lãnh đạo toàn cầu".
Tim Daiss, chuyên gia phân tích địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương, nhận định rằng dù có những tuyên bố đao to búa lớn như vậy, giải pháp mà ông Trump đưa ra – nếu có thể gọi đó là giải pháp – sẽ không hề dễ dàng trong việc răn đe và ngăn chặn các hành động của Trung Quốc trên những vùng biển tranh chấp tại châu Á.
Sức mạnh kiềm tỏa Trung Quốc của Mỹ
Theo giới phân tích, Mỹ hiện sở hữu sức mạnh quân sự vượt trội so với bất cứ đối thủ nào trên toàn cầu. Tại châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ có hàng loạt căn cứ quân sự ở Hàn Quốc, Nhật Bản, và sắp tới đây là ở Philippines, tất cả đều nằm xung quanh Trung Quốc.
Sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ tại các căn cứ ở Philippines, gần với những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, sẽ là quân bài quan trọng trong tay bất cứ tân tổng thổng nào của nước Mỹ nếu người này muốn "chơi rắn" với Trung Quốc, theo Daiss.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam, tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Hà Nội và thúc đẩy quan hệ hai nước trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế tới hợp tác quân sự.
Theo giới quan sát, một Việt Nam hùng mạnh với năng lực phòng thủ tốt, giữ vững chủ quyền biển đảo sẽ là điều kiện thuận lợi để Mỹ có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng nếu quan hệ hai nước tiếp tục được tăng cường, và hải quân Mỹ được phép tiếp cận với cảng Cam Ranh của Việt Nam, đây sẽ là cơ hội rất thuận lợi cho hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.
"Nếu Mỹ có thể thường xuyên được tiếp cận với vịnh Cam Ranh, đó sẽ là lợi thế rất lớn trong việc duy trì cán cân quyền lực với Trung Quốc", giáo sư Alexander Vuving, chuyên gia về Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Honolulu, nói. "Nếu không có lợi thế này, khi xảy ra chuyện ở Biển Đông, Mỹ sẽ phải mất một thời gian mới đến được đó, trong khi Trung Quốc có thể triển khai nhanh hơn".
Xa hơn, Mỹ có căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, nơi các phi đội B-52 của Mỹ thường được triển khai để thực hiện những chuyến bay thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Hoa Đông và cả Biển Đông.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, dù không còn nhiều tàu chiến như trước, nhưng cũng là công cụ đủ mạnh để có thể thực hiện bất cứ chính sách mới nào của tân tổng thống Mỹ ở Biển Đông. Hạm đội 7 đóng quân ở Nhật Bản có 60-70 tàu chiến cùng 200-300 máy bay có thể được triển khai bất cứ lúc nào.
donald-trump-se-ran-de-trung-quoc-tren-bien-dong-the-nao-1
Cụm tàu sân bay chiến đấu USS Ronald Reagan của Mỹ. Ảnh: US Navy
Nhưng ông Daiss cho rằng nếu ông Trump trở thành tổng thống Mỹ, nắm trong tay lực lượng quân sự hùng hậu như vậy, việc dồn binh lính, khí tài đến Biển Đông không phải là cách để có thể ngăn chặn được các hoạt động bồi đắp, cải tạo, quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lựa chọn hạn chế ở Biển Đông
Theo chuyên gia Daiss, về lý thuyết, khả năng đầu tiên mà ông Trump có thể làm để hiện thực hóa lời đe dọa của mình đối với Trung Quốc, là công khai đối đầu với lực lượng quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông. Thế nhưng, kịch bản này sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho cả hai bên, nên lựa chọn này nhiều khả năng sẽ không bao giờ được áp dụng.
Ở cấp độ nhẹ hơn, Mỹ có thể thực hiện một hình thức phong tỏa đường biển nào đó đối với Trung Quốc, bằng cách dàn tàu chiến của mình chặn hết các tuyến đường biển quan trọng mà hải quân Trung Quốc cần để hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề là việc phong tỏa đường biển cũng bị coi là một hành động gây chiến, và xung đột chắc chắn không thể tránh khỏi.
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy từng áp dụng chính sách phong tỏa đối với tàu chiến Liên Xô trên đường đến Cuba trong cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, và một cuộc đối đầu quân sự toàn diện rất may đã được ngăn chặn ngay sau đó. Nếu ông Trump thực hiện chính sách này với Trung Quốc, nó rất có thể là con dao hai lưỡi khiến ông bị dư luận trong nước và quốc tế chỉ trích nặng nề.
Lựa chọn khả dĩ nhất mà ông Trump có thể thực hiện trên cương vị tổng thống Mỹ là tiếp tục chỉ trích Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế, tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc bằng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của máy bay, tàu chiến gần đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
Thế nhưng lựa chọn khả thi nhất này cũng là thứ yếu nhất. Sau khi máy bay, tàu chiến Mỹ đi qua các đảo nhân tạo phi pháp, Trung Quốc vẫn sẽ không từ bỏ các tuyên bố chủ quyền phi lý của mình, trong khi Mỹ không đạt được nhiều giá trị chiến lược hữu hình.
Lựa chọn thứ tư của tân tổng thống Mỹ, theo ông Daiss, là quay sang ủng hộ các đồng minh và đối tác trong khu vực thực hiện các dự án bồi đắp, cải tạo đảo giống như những gì Trung Quốc đã và đang làm trên Biển Đông.
Hành động này sẽ là thách thức đáng kể đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng đồng thời nó cũng là động thái "vi phạm luật quốc tế" mà Mỹ đang cáo buộc Trung Quốc thực hiện.
donald-trump-se-ran-de-trung-quoc-tren-bien-dong-the-nao-2
Trung Quốc bồi lấp, xây dựng trái phép 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: US Navy
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang trong giai đoạn căng thẳng, những gì tân tổng thống sẽ làm trong năm tới mới chỉ là phỏng đoán. Các ứng viên khi tranh cử thường đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, nhưng khi đắc cử, hiếm khi những tuyên bố đó được hiện thực hóa thành chính sách. Trong khi đó, các hoạt động xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông trên thực tế đang tạo điều kiện cho Bắc Kinh kiểm soát một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.
"Việc đánh mất quyền tự do hàng hải hoặc quyền này ngày càng bị đe dọa trên tuyến đường biển có hơn 5 nghìn tỷ USD thương mại đi qua mỗi năm là điều mà không tổng thống Mỹ nào có thể chấp nhận được", chuyên gia Daiss nhấn mạnh.
Trí Dũng
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tự diễn biến, tự chuyển hóa


Hồi xưa mình đi học, nhất là khi bị học môn Mác-Lênin, luôn chịu sự nhồi sọ rằng tổng thống Mỹ dù là "đứa nào" chăng nữa thì cũng chỉ đại diện và bảo vệ quyền lợi cho bọn tư bản cá mập, chứ nó không có quyền hành gì, mà quyền là ở bọn cá mập kia. Bọn mình tin sái cổ. Mỹ nói chung là xấu, đểu, lừa đảo. Cán bộ nói mà không tin thì tin ai, tin con trâu chắc.

Sáng nay đọc báo thấy ông D.Trump kiên quyết không chấp nhận mua cái máy bay Không lực 1 cho chính ông ta, bởi quá đắt, mình đâm ra nghĩ ngợi.

-Một người cả đời làm ăn, tính toán chi li từng xu một mới giàu được tỉ phú, không bao giờ có chuyện ném tiền qua cửa sổ.

-Mua máy bay cho chính mình mà vẫn dứt khoát "nói không với đắt đỏ, lãng phí", thì còn liêm hơn hơn cả mấy ông cán bộ nhà mình lúc nào cũng ra rả về liêm chính.

-Hãng Boeing là trùm tư bản cá mập, ông Trump vẫn đá vào đít Boeing chả sợ gì, chả như anh cán bộ tuyên truyền lâu nay.

-Đã đến lúc cần rà soát lại những luận điệu tuyên truyền của cán bộ mà mình đã bị áp đặt, đời mình thôi thì cũng xong, nhưng phải nói ra cho con cháu nó biết, kẻo cứ bị mắc lừa mãi.

Ký tên: Thông.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà Khoa Học Albert Einstein Và Đạo Phật

   
Thích Nguyên Tạng.
Gần đây có nhiều độc giả thắc mắc về mối liên hệ giữa nhà khoa học thiên tài Albert Einstein (1879-1955) và Đạo Phật như thế nào? Vì họ thấy đây đó có nhiều trích dẫn lời phát biểu của ông về Đạo Phật. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến mối liên hệ ấy. Dù chưa đầy đủ lắm, nhưng hy vọng rằng nó sẽ là mấu chốt để chúng ta phăng tìm những tư liệu chi tiết về sau
Ông Albert Einstein, sinh ngày 14 tháng 03 năm 1879 tại thành phố Ulm, Đức quốc, trong một gia đình làm nghề thủ công và tiểu thương. Bố là một người giỏi về hóa học và mẹ là người có khiếu về âm nhạc. Năm 1894, gia đình ông di cư sang sống tại Ý. Ông được bố gởi đi học ở Thụy Sĩ và đã tốt nghiệp tiến sĩ triết học tại Đại học Zurich. Sau khi ra trường, ông được mời dạy toán và vật lý tại một trường bách khoa ở Thụy Sĩ, ngoài việc dạy học, ông dành hết thời gian còn lại để nghiên cứu vật lý học và ông còn làm việc tại văn phòng thẩm tra cấp bằng sáng chế ở Berne, Thụy Sĩ. Năm 1905, ông gởi đăng bài “Lý thuyết tương đối hẹp” dài 5 trang trên tờ Physics. Bài báo nhanh chóng được chú ý và nó là tiếng nổ lớn của ngành khoa học về không gian và thời gian, ông đã phá vỡ các khái niệm tuyệt đối về không gian và thời gian của nhà vật lý học và toán học vĩ đại, Issaac Newton (1642-1727). Lập tức tên tuổi của ông được nhiều người biết tới và được xem là một khoa học gia nổi tiếng nhất vào thời điểm ấy.
Năm 1911, Ông là giáo sư vật lý ở Prague. Năm 1913, ông được mời làm giám đốc Học Viện Vật Lý Hoàng Đế Wilhelm tại Berlin. Đến năm 1921, ông được trao giải thưởng Nobel về Vật lý học qua đề án nghiên cứu “Lý Thuyết Tương đối” (The Theory of Relativity). Trong thế chiến thứ nhất (1914-1918), ông từng bị tống giam vì tội “chống chiến tranh và ủng hộ hòa bình”. Sau khi Adolf Hitler (1889-1945) trở thành quốc trưởng của Đức, ông ra sức chống lại chủ nghĩa phát xít và rời bỏ nước Đức sang sống tại Hoa Kỳ.
Từ năm 1933 đến năm 1945, ông là giáo sư toán và lý tại Viện Cao học Princeton ở bang New Jersey. Phát xuất từ lòng căm thù chủ nghĩa phát xít mà ông đã giúp cho Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt (1882-1945) chế tạo bom nguyên tử và cuối cùng bị xem là “cha đẻ” của thứ vũ khí giết người này. Đây cũng là lý do mà về sau năm 1950, ông thành lập Viện Kiểm Soát Nguyên tử Quốc tế tại Hoa Kỳ.
Ba thập niên cuối đời mình, ông dành thời gian để nghiên cứu về “Lý thuyết thống nhất giữa lực hấp dẫn và hiện tượng điện quang” (The Theory of unify gravitation and eletro-magnetism).
Mặc dù bận rộn nghiên cứu và giảng dạy khoa học, nhưng ông Einstein vẫn dành thời gian nhất định để nghiên cứu triết học và tôn giáo, đặc biệt trong đó có Đạo Phật. Theo tài liệu “The World As I See It” (Trần thế khi tôi nhìn thấy nó, nhà xb Philosophical Library, New York, 1949) và quyển “Ideas and Opinions” (Những Ý Kiến và Những Quan Điểm, nhà xb Crown, NY, 1945) là hai tuyển tập những bài báo, bài tham luận về tôn giáo và khoa học mà ông Einstein viết từ đầu những năm ba mươi. Đáng chú ý trong tập này là các bài như “Religion and Science” (Tôn giáo và Khoa học), viết từ 1930; bài “Science, Philosophy & Religion, A Sumposium” (Khoa học, Triết học và Tôn giáo, một buổi hội thảo) viết năm 1941; bài “Religion and Science: Irreconcilable?” (Tôn giáo và Khoa học: không thể hòa giải được sao?) viết vào năm 1948.
Theo các tài liệu trên thì chính A. Einstein tự xem mình là một người thuộc về tôn giáo. Tôn giáo của ông được người ta biết qua lý thuyết khoa học của ông. Ông bác bỏ sự thần thánh hóa trong tôn giáo, ông quan tâm đến đời sống con người ở hiện tại và ngay cả sau khi chết. Trong các buổi hội thảo về triết học và tôn giáo, có lúc ông trích dẫn lời của Chúa, rồi có khi ông dẫn lời trong kinh Phật. Quan điểm của ông về tôn giáo chưa bao giờ có hệ thống và nhất quán. Tuy nhiên, với trí tuệ sắc bén và lòng ngưỡng mộ của ông đối với các tôn giáo đã giúp cho ông hiểu đúng và chính xác về các tôn giáo mà ông để tâm nghiên cứu. Ông vẫn thường nhắc nhở các nhà khoa học nên học hỏi ở các tôn giáo để bổ sung cho những khiếm khuyết của khoa học. Ông nói: “Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng” (Science without religion is lame. Reigion without science is blind).
Năm 1999, ông được chọn là nhân vật của thế kỷ 20
Cũng theo các tài liệu trên cho thấy, ông đã nghiên cứu Đạo Phật qua các sách báo của các học giả Phật học của người Âu Mỹ viết, đáng kể là triết gia người Đức Schopenhauer Arthur (1788-1860), tiến sĩ người Đức Paul Carus (1852-1919), viện sĩ hàn lâm người Nga Vasily Vasaliyey (1818-1900)… là những nhà Phật học nổi danh ở phương Tây. Nhờ nghiên cứu như vậy mà A. Einstein đã nhìn thấy Đạo Phật như là một triết lý phương Đông cực kỳ sống động và triết lý ấy đã đi vào cuộc đời bằng chân lý thực chứng của mình, ngỏ hầu cắt ngang sự chậm tiến, lạc hậu, mê tín, cuồng tín và kém văn minh của thời đại. Đạo Phật đã đem lại cho con người một cái nhìn mới, một lối sống mới, một sự hài hòa mới, sống với nhau như ánh sáng trong không gian, chan hòa với nhau như nước với sữa.
Chính vì thấy rõ cái độc đáo đó mà ông Einstein đã phát biểu về Đạo Phật như sau : “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó” (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description). Đồng thời, một lần khác ông cũng khẳng định rằng: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học” (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, becauseit embrances science as well as goes beyond science). (Cả hai câu trên được trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm).
Dù những lý thuyết khoa học của ông rất phức tạp và khó hiểu, nhưng tấm lòng nhân đạo và mến chuộng hòa bình của ông đã khiến cho mọi người cảm thấy gần gũi với ông. Ông đã cống hiến tất cả trí tuệ và sức lực của mình đối với sự phát triển khoa học của nhân loại. Ông làm việc không biết mệt mỏi cho đến ngày qua đời. Ông mất vào lúc 1giờ 25 phút rạng sáng ngày 19 tháng 04 năm 1955 tại Princeton, Hoa Kỳ, hưởng thọ 76 tuổi. Ngày nay, đối với mọi tín đồ Phật Giáo trên khắp năm châu đều thành kính khi nhắc đến tên tuổi của ông, người đã từng góp phần khẳng định lại giá trị vĩnh cửu đối với Giáo lý của Đạo Phật.
Thích Nguyên Tạng
Tổng hợp tài liệu theo :
– THE WORLD I SEE IT (Giáo sư Robert Topmiller tại đại học Kentucky, USA tháng 11/1997)
– ALBERT EINSTEIN, A Biography/F. Albrecht/ Viking/USA/1997

Phần nhận xét hiển thị trên trang