Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Ngôi làng nguy hiểm nhất thế giới, cảnh tượng khiến du khách không thốt nên lời by anle20


Thế gian không thiếu những phong cảnh làm say đắm lòng người. Nhưng có một nơi sơn thủy hữu tình, cảnh sắc tuyệt đẹp đến nỗi người ta sẵn sàng mạo hiểm để được chiêm ngưỡng. Đó chính là làng Quách Lượng, nằm tại huyện Huy, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Người ta vẫn nói rằng, để đi lên làng Quách Lượng được đã khó, nhưng chiêm ngưỡng nó còn cần phải có đủ dũng khí và lòng can đảm. Hãy cùng khám phá xem nơi đây có đúng như lời đồn đại đó không?
lang-nguy-hiem1
Ngôi làng được bao quanh bởi những ngọn núi lớn, thế núi dựng thẳng đứng, cao ngút ngàn tầm mắt. Trải qua niên đại 600 năm, Mẹ Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây một kiệt tác giống như những “bậc thang dẫn lên Trời”, cấu thành từ 720 bậc đá cheo leo. Ngôi làng nằm trong “rãnh trời” tự nhiên này chỉ cách núi Tích huyện Lăng Xuyên (Trung Quốc) không quá 10 km.
lang-nguy-hiem2
Ngôi làng cao 1700 m so với mực nước biển, vậy nên vốn trời sinh đã có cái khí thế sừng sững, oai nghiêm.
lang-nguy-hiem3
Chỉ nhìn thôi cũng khiến người xem phải “thót tim”. Nếu thực sự đứng từ trên cao nhìn xuống, chắc hẳn không ít người sẽ cảm thấy nôn nao, chếnh choáng.
lang-nguy-hiem4
Anh chàng này chắc cũng đã phải trang bị một “tinh thần thép”!
lang-nguy-hiem5
Lý Bạch có bài thơ “Thục đạo nan”, nói rằng: “Đường đến nước Thục khó, khó hơn lên trời xanh”. Nhưng xem ra vẫn không thấm gì với đường lên ngôi làng này.
lang-nguy-hiem6
Có thể nói, sự can đảm của những thôn dân nơi đây còn cao hơn… độ cao của ngôi làng.
lang-nguy-hiem7
Nhiều năm trước đây, 13 thanh niên trai tráng đã mất 5 năm để hoàn thành con đường dài 1250 m, nối liền từ mặt đất lên đỉnh núi, phá vỡ thế cô lập của ngôi làng.
lang-nguy-hiem8
Để xuống núi, người dân chỉ có thể đi bằng “độc đạo” này…
lang-nguy-hiem9
Không có điện, cũng không có đồ cơ khí, 13 thanh niên đã dùng chính mồ hôi công sức của mình để khai phá con đường.
lang-nguy-hiem10
Người nơi đây mỗi ngày tiêu hết 1 hào (khoảng 350 VND), họ sống bằng nghề bán dê, bán thảo dược và cây chặt được trên núi.
lang-nguy-hiem11
Cây lê già đầu làng không biết đã ở đây bao nhiêu năm? Chứng kiến bao nhiêu vui buồn của làng Quách Lượng?
lang-nguy-hiem12
Một trong 13 chàng thanh niên năm xưa giờ cũng đã già, làm nghề buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày.
lang-nguy-hiem13
Kiến trúc của những ngôi nhà ở đây cũng mang phong cách rất mộc mạc, khoẻ khoắn.
lang-nguy-hiem14
Một góc sân của ngôi nhà. Chẳng ai có thể tưởng tượng được nơi đây cách mặt đất hơn 1000 m.
lang-nguy-hiem15
Phải khó khăn lắm khách tham quan mới tìm được một chút gì đó của nền công nghiệp hiện đại.
lang-nguy-hiem16
Người ngoài khó có thể biết được đây là vật gì? Một đầu to, một đầu nhỏ, ở tách biệt 1 khu đất…
lang-nguy-hiem17
Đứng từ trên cầu, người ta có cảm giác như đang cách biệt cõi hồng trần xô bồ và chật hẹp.
lang-nguy-hiem18
Con đường hình chữ “Chi” (之) là lối đi duy nhất lên núi.
lang-nguy-hiem19
Bức tranh sinh động này có lẽ sẽ khiến nhiều người cảm thấy nao lòng…
lang-nguy-hiem20
Hãy giữ lại trong tâm trí cảnh tượng hùng vĩ, nơi sơn cùng thủy tận…
lang-nguy-hiem21
Ngôi làng Quách Lượng nằm lọt thỏm trong vùng núi Thái Hàng, thuộc hệ thống núi tiếp giáp giữa 2 huyện Sơn Tây và Hà Nam, Trung Quốc. Trong hơn 10 năm trở lại đây, khu vực này mới có người biết đến.
lang-nguy-hiem22
Điều đặc biệt nhất của ngôi làng này, đó là con đường duy nhất đi lên đây có nhiều đoạn hầm được đào xuyên qua núi hoàn toàn bằng thủ công.
lang-nguy-hiem23
Đây được cho là con đường đáng sợ nhất thế giới.
lang-nguy-hiem24
Vượt qua những hầm đá này, bạn có thể được chiêm ngưỡng kỳ quan tuyệt đẹp được mệnh danh là “Kỳ quan thứ 9 của Thế giới”.
lang-nguy-hiem25
Năm 1972, 13 chàng thanh niên không chút phương tiện hiện đại nào trong tay, đã mất 5 năm để khai phá con đường núi dài 1250 m, rộng 6 m, cao 4 m để thông ra bên ngoài.
lang-nuy-hiem26
Điều đáng nói ở đây là đá tại vùng núi này thuộc loại đá trầm tích, có độ cứng cấp 8,3, vậy mà họ lại có thể đào thủ công hoàn toàn như vậy. Thật đáng khâm phục!
lang-nguy-hiem27
Cả đoạn đường uốn lượn, gấp khúc liên tục.
lang-nguy-hiem28
Có đoạn đường thì bằng phẳng, có đoạn thì khúc khuỷu gập ghềnh.
lang-nguy-hiem29
Cứ cách một đoạn lại có một hầm nhỏ xuyên qua vách núi như thế này, người đi đường có cảm giác như được mở ra một cảnh sắc mới.
lang-nguy-hiem30
Nơi đây thực sự vẫn còn rất thô sơ, dường như nền văn minh bên ngoài khó có thể ảnh hưởng quá nhiều…
lang-nguy-hiem31
Vài chục hộ gia đình sống trong những ngôi nhà có tường được xây bằng đá núi, dính bằng vôi, cửa làm bằng gỗ…
lang-nguy-hiem32
lang-nguy-hiem33
lang-nguy-hiem34
lang-nguy-hiem35
Đặc biệt nhất là mái ngói được làm bằng những phiến đá ngọc tìm thấy trong núi, dưới làn sương mỏng, hiện lên trông vô cùng tinh tế.
lang-nguy-hiem36
Ngôi làng có tổng cộng 83 hộ dân, gồm 329 người, đa số đều là người Sơn Tây di cư lên.
lang-nguy-hiem37
lang-nguy-hiem38
Làng Quách Lượng còn có tên gọi khác là Ao Trời. Năm 1975, người dân nơi đây đã cải tạo lại con đập, tạo thành 1 hồ nước nằm ngay giữa Thiên – Địa – Nhân. Thật quả đúng như tên gọi!
Minh Xuân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Ảo tưởng Trung Quốc"

Các nhà lãnh đạo Mỹ phản ứng quá đà bằng cách quyết định tránh né bất kỳ hành động mạnh mẽ nào nhằm hỗ trợ nhân quyền ở Trung Quốc. Thay vào đó, họ đề nghị một "Ảo tưởng Trung Quốc": nghĩ rằng sự thay đổi thế nào cũng sẽ xảy ra.


Trong suốt những năm của thập niên 1990 và đầu những năm 2000, các nhà lãnh đạo kinh tế của Mỹ quốc, các lãnh đạo chính trị của cả hai đảng ở Mỹ đều liên tục đưa ra những quan điểm mà tôi gọi là "Ảo tưởng Trung Quốc": quan điểm cho rằng thương mại, đầu tư nước ngoài và sự gia tăng thịnh vượng sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Tổng thống George W. Bush từng nói: "Hãy buôn bán tự do với Trung Quốc, và thời gian sẽ đứng về phía chúng ta". TT Bush chỉ lập lại quan điểm của vị TT tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ, Bill Clinton, người đã tuyên bố sự cởi mở của hệ thống chính trị Trung Quốc là "không thể tránh khỏi, cũng giống như bức tường Bá Linh sụp đổ là điều không thể tránh khỏi."

Ít nhất giờ đây chúng ta có thể nói rằng tình hình ở Trung Quốc đã không xảy ra như ý muốn.

Trong vài năm qua, chính quyền Trung Quốc càng trở nên khắt khe hơn với những người bất đồng quan điểm chính trị - đến mức độ mà giờ đây các nhà lãnh đạo Mỹ đã trở nên rất miễn cưỡng khi tuyên bố về tương lai chính trị của Trung Quốc hoặc về tác động của thương mại và đầu tư vào tình hình chính trị Trung Quốc. "Ảo tưởng Trung Quốc" đã hoàn toàn sai về biến chuyển và hậu quả của vấn đề: phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư đã làm gia tăng sự trấn áp chính trị và làm cho hệ thống chính trị ở Trung Quốc trở nên khép kín hơn.

Rốt cuộc điều này dẫn đến một mô hình Trung Quốc mới: một nhà nước độc đảng có tầm ảnh hưởng quốc tế mạnh mẽ nhưng cũng là một nhà nước độc tài đàn áp dữ dội. Trung Quốc cung cấp một mô hình mà các chế độ độc tài khác, từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ đến Ai Cập, có thể tìm cách bắt chước. Kết quả là, Hoa Kỳ sẽ thấy chính nó phải tiếp tục chật vật đối phó với mô hình Trung Quốc mới này trong những năm tới.

Khi dùng từ "đàn áp", tôi muốn nói về những hoạt động chính trị có tổ chức, không phải việc phát ngôn cá nhân riêng lẻ. Khách du lịch đến Trung Quốc đôi khi ngạc nhiên khi thấy rằng tài xế taxi, hướng dẫn viên du lịch hoặc những người bạn cũ có thể nói chuyện với họ một cách thẳng thắn, thậm chí về các chủ đề chính trị. Tuy nhiên, điều mà những người này không thể làm là hình thành một tổ chức độc lập với đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc có hành động độc lập để cố gắng thay đổi bất cứ điều gì.

Thật vậy, trong hai năm qua, chính phủ Trung Quốc đã chuyển qua những cách thức mới đối phó với người dân và các tổ chức có thể, trực tiếp hay gián tiếp, cung cấp hỗ trợ cho các hoạt động chính trị độc lập. TQ đã thắt chặt luật lệ về những tổ chức phi chính phủ. Gần đây, nhà cầm quyền TQ đã bắt giữ nhiều luật sư trong nước. Nhiều màn thú tội trên đài truyền hình được dàn dựng, một hoạt động làm gợi nhớ đến các phiên xử thời Stalin.

Tại sao thương mại và đầu tư với Tây phương đã dẫn đến một chế độ ở Trung Quốc đàn áp bất đồng chính kiến nhiều hơn 5, 10 hay 20 năm trước? Câu trả lời đơn giản là chế độ đó nghĩ rằng nó cần phải làm như vậy, có thể làm như vậy và càng lúc càng ít có hơn những yếu tố bên ngoài có thể ngăn cản nó làm như vậy.

Đầu tiên, nhà cầm quyền TQ nghĩ rằng cần đàn áp nhiều hơn vì khi nền kinh tế phát triển và trở nên phức tạp hơn, người dân Trung Quốc có những bất bình mới cần phải ngăn chận nếu không sẽ dẫn đến các hoạt động chính trị có tổ chức. Vấn đề môi trường ô nhiễm càng ngày càng nhiều. Người tiêu dùng lo lắng về an toàn sản phẩm (chẳng hạn như sữa nhiễm độc) và tai nạn (như lật tàu xe lửa). Và ít nhất đối với giới trí thức Trung Quốc, vấn đề kiểm duyệt internet có thể làm phiền toái, nếu không muốn nói là một sự xúc phạm.

Thứ hai, bộ máy an ninh của Trung Quốc có khả năng đàn áp bất đồng chính kiến nhiều ​​hơn so với quá khứ. Kỹ thuật mới cung cấp cho bộ máy an ninh nhiều khả năng kiểm soát cả không gian vật lý (các đường phố) và không gian mạng (internet).

Cuối cùng, việc thế giới càng lúc càng buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn trong hai thập kỷ qua đã làm cho các nhà lãnh đạo nước ngoài do dự hơn khi phải có biện pháp gì để đối phó với những đàn áp nhân quyền của Trung Quốc, vì sợ rằng chính quyền Trung Quốc trả đũa. Phần lớn đây là một vấn đề của nhận thức: Trong thực tế, chính quyền Trung Quốc quan tâm đến vị thế của mình trên thế giới và sẽ tìm cách tránh việc bị quốc tế lên án nếu các nhà lãnh đạo thế giới tỏ ra mạnh mẽ hơn và cộng tác với nhau.
Một sự kiện mà bây giờ hầu như bị lãng quên là vào những năm của thập niên 1990, Hoa Kỳ lúc đó có thế mạnh kinh tế lớn hơn nhiều so với bây giờ trong việc đối phó với Trung Quốc, đã đe dọa hạn chế thương mại nếu Bắc Kinh không cải thiện môi trường nhân quyền. Sau nhiều cuộc tranh luận gay gắt, chính quyền Clinton cuối cùng bỏ qua, không theo đuổi các biện pháp đe dọa hạn chế thương mại với Trung Quốc.

Hậu quả của cuộc tranh luận đó thật là một thảm họa. Các nhà lãnh đạo Mỹ phản ứng quá đà bằng cách quyết định tránh né bất kỳ hành động mạnh mẽ nào nhằm hỗ trợ nhân quyền ở Trung Quốc. Thay vào đó, họ đề nghị một "Ảo tưởng Trung Quốc": nghĩ rằng sự thay đổi thế nào cũng sẽ xảy ra.

Có lúc Tổng thống Clinton, góp tiếng với những người lạc quan và những giả định sai rằng thương mại sẽ tự do hóa Trung Quốc, đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại một cuộc họp báo ở Washington, "Quý vị đang đứng ở phía sai trái của lịch sử." Tuy nhiên lịch sử có sự phán xét của riêng nó - rằng sự tự tin của Mỹ về ảnh hưởng của thương mãi sẽ tác động lên chính trị của Trung Quốc là sai lầm một cách đáng thương.

Nhìn về tương lai, chúng ta buộc phải đối phó với một Trung Quốc có khả năng đàn áp liên tục, không bị gián đoạn bởi các hòa hoãn thỉnh thoảng xảy ra hay thời kỳ "Mùa Xuân Bắc Kinh"* của quá khứ. Trung Quốc sẽ là một đất nước khác, trong đó giai cấp trung lưu có học có thể ít trung thành, nhưng quan điểm của họ sẽ ít có ảnh hưởng.

Những gì chúng ta có thể làm là tiếp tục thể hiện một cách mạnh mẽ nhất các giá trị của tự do chính trị và quyền đối lập. Các chính phủ dân chủ trên thế giới cần phải cộng tác thường xuyên hơn trong việc lên án sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc - không chỉ trong các cuộc gặp riêng mà cả ở những nơi công cộng. Chúng ta cũng nên tìm những cách thức mới để phát hiện và trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan trong những vụ đàn áp. Tại sao lại có con đường một chiều, trong đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc gửi con em của mình đến các trường học tốt nhất ở Mỹ, và tại xứ sở của họ thì lại bắt nhốt các luật sư?

Chế độ ở Trung Quốc sẽ không cởi mở chỉ vì buôn bán với chúng ta. "Ảo tưởng Trung Quốc" là một sự thất bại về khái niệm và một sai lầm chiến lược. Tổng thống nhiệm kỳ sắp đến cần phải bắt đầu lại từ đầu.

James Mann 

Đỗ Tùng dịch 

--------------------------
Nguồn: Thời báo New York - 28 tháng 10, 2016

Ghi chú (*): "Mùa Xuân Bắc-Kinh" là giai đoạn cởi mở chính trị vào những năm 1978-1979 và 1997-1998

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ai trả lời cho người dân Việt câu hỏi đắng cay này?


DẠ NGÂN (nhà văn)
















TT - Chúng ta đã đánh mất nhiều thứ và giờ định đánh mất luôn môn sử trong nhà trường nữa hay sao? Vì đâu nên nỗi, ai trả lời cho người dân Việt câu hỏi đắng cay này? 

Đầu tiên phải nói qua một chút về môn văn trước đã. Vì sao? Vì văn - sử có liên quan mật thiết với nhau, một đằng là tiếng - tiếng Việt, một đằng là sử - sử Việt.

Nói hơi hình tượng, hai môn học ấy giống như đôi chân của một cơ thể, chúng khiến con người vững vàng cất bước với tâm hồn và trái tim yêu thương ở bên trong.

Môn văn đã bị chán từ lâu rồi, từ khi giáo khoa thư bị gò vào một định hướng hẹp và khi học sinh thực hành bằng văn mẫu nữa thì chao ơi, sự phản văn đã rành rành.

Trong khi môn văn bị đối tượng tiếp nhận nó lắc đầu thì môn sử cũng cùng chung số phận. Chúng ta đã đưa cho học sinh thứ sử gì vậy? Vì sao có tình trạng học sinh ngấy sử và không chọn nó làm môn thi bắt buộc?

Nguyên do rất nhiều, nhưng tựu trung sử trong giáo khoa thư cho cấp II và cấp III cũng với nguy cơ phản sử. Sử mà các em phải học đậm nhất từ sau nước Việt Nam đánh đổ phong kiến và giành độc lập, rồi cứ thế là liên hồi chiến công, hết chiến dịch này đến trận đánh khác.

Các em phải thuộc những thắng lợi luôn luôn là vẻ vang ấy và không chỉ có vậy, còn phải thuộc những liệt kê trong đó mà chúng tôi gọi là cách học sử đếm xác và đếm súng.

Tai hại rõ ràng, môn sử bị chính đối tượng tiếp nhận đẩy ra như một thứ bánh đã bị áp đặt vào khẩu phần ăn mỗi ngày cho những người đang lớn lên. Ai mà không ngấy, và khi đã ngấy rồi thì sẽ chán lẫn sợ.

Nhưng nỗi chán và ngán môn sử của học sinh có đủ là lý do để chúng ta khước từ nó? Chúng ta - cụ thể là các nhà hoạch định, nhà sư phạm, nhà làm sách giáo khoa - đã làm gì với môn sử, với lịch sử của chính dân tộc mình?

Lịch sử là môn xã hội bắt buộc trong giáo dục phổ thông của mọi quốc gia. Địa chính trị của Việt Nam nói riêng, môn lịch sử thiết nghĩ càng phải thấu đáo, khoa học, sâu sắc và dậy hương nữa mới phải.

Nói như một danh nhân của nước Việt: “Học sử để làm gì? Học sử để sống với người đã chết”. Người Việt ta phải thấm sử để mài gươm, để khôn ngoan lên, rốt cùng là để tự tin với máu xương ngàn đời của ông cha đã dựng nên non sông đất nước này.

Vậy mà người ta còn định thủ tiêu môn sử, ngụy biện rằng sử sẽ tan vào an ninh quốc phòng và giáo dục công dân... Mới nghe qua mà ai ai đều thấy rùng mình, thấy sử Việt bị tổn thương, bị xé vụn!

Môn văn và môn sử chừng như đang bị “làm thịt”. Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn, một danh nhân khác nữa đã nói đại ý như vậy đó. Chúng ta đã đi qua biển dâu với hình ảnh “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo”, ấy vậy mà giờ đây có không ít học sinh phổ thông không biết Nguyễn Du là ai, Trần Hưng Đạo oai phong lẫm liệt thế nào.

Chúng ta đã đánh mất nhiều thứ và giờ định đánh mất luôn môn sử trong nhà trường nữa hay sao? Vì đâu nên nỗi, ai trả lời cho người dân Việt câu hỏi đắng cay này?

Lịch sử là lịch sử, xin thưa, dù nó có thể biến tướng hoặc biến mất trong giáo dục. Nhưng dân tộc này đã chứng minh bằng hàng ngàn năm dựng và giữ nước của mình, rằng lịch sử Việt Nam nằm trong máu thịt và tâm thức của người Việt, niềm kiêu hãnh của dân mình sẽ làm nó sáng lên dù có lúc nó phải sáng lên trong bóng tối.

Và lịch sử cũng là thời gian, thời gian sẽ đặt mọi thứ vào đúng chỗ. Tôi tin môn văn rồi sẽ hấp dẫn như bản thân tiếng Việt và văn học.

Song song đó, môn sử cũng được hồi sinh bằng mùi hương của ký ức và sức sống của một môn học xác thực có khái niệm quốc tế chung là khoa học lịch sử.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tin VHNT:

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

DỰ THẢO “LUẬT VỀ HỘI” ĐƯỢC ĐƯA RA TẠI QUỐC HỘI KỲ NÀY“KHÔNG ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU ỔN ĐỊNH XÃ HỘI VÀ QUYỀN DÂN CHỦ CỦA NHÂN DÂN”;
“KHÔNG ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU ỔN ĐỊNH XÃ HỘI VÀ QUYỀN DÂN CHỦ CỦA NHÂN DÂN”, “VI PHẠM LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN PHÁP LUẬT”
                                    
Đó là một trong những quan điểm của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đưa ra trong công văn báo cáo số 375/CV-LH ngày 24/10/2016 của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gửi đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam; các Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội và các UVBCT. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ đưa “Luật về hội” ra để các đại biểu Quốc hội thảo luận và thông qua.
Công văn 375/CV –LH nêu rõ: Sáng 24/10/2016, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội đã có buổi làm việc với “Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội” do đồng chí Vũ Mão (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH) phụ trách với sự tham gia của các cựu đại biểu Quốc hội như: Vũ Đức Khiển (nguyên Phó chủ tịch QH), Nguyễn Lân Dũng, Bùi Ngọc Thanh (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH), Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa xã hội của QH), trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trần Thế Vượng (nguyên Phó chủ nhiệm UB Luật pháp của QH), các cựu đại biểu QH Chu Thúy Quỳnh, Đỗ Hồng Quân, Hữu Thỉnh…
 Với tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng và Nhà nước, Quốc hội, các đại biểu tham gia Hội nghị nói trên đã nghiên cứu, thảo luận kỹ bản dự thảo “Luật về Hội” và báo cáo giải trình dự thảo “Luật về Hội” do Ủy ban Thường vụ QH trình. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng cho bản dự thảo “Luật về Hội”. Trong đó, một số đại biểu cho rằng dự thảo “Luật về Hội” đã không thể hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật đều coi các Hội VHNT từ trung ương tới địa phương là các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo; Căn cứ vào tình hình hình chính trị, kinh tế, an ninh, xã hội của nước ta hiện nay và ý kiến bức xúc của đông đảo văn nghệ sĩ; Căn cứ vào quá trình phát triển của các Hội VHNT Việt Nam trong hơn 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Các đại biểu tại buổi họp sáng 24/10/2016 đều thống nhất cho rằng: Dự thảo “Luật về Hội” chưa thể thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này với các lý do sau:
-Một là: Không đáp ứng được yêu cầu ổn định xã hội và quyền dân chủ của nhân dân. Mỗi Hội ra đời với chức năng, nhiệm vụ của mình được luật pháp cho phép đều nhằm góp phần ổn định xã hội, thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao cho góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ và văn minh” nhưng mục đích, ý nghĩa  của bản dự thảo “Luật về Hội” đã không đạt được mục đích đó.
-Hai là: Vi phạm luật ban hành văn bản pháp luật. Các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh không được hỏi ý kiến; mặt khác, luật sau luật lại luật hóa cái khác của luật trước, gây rối loạn và mâu thuẫn. Đáng lẽ ra phải làm luật khung rồi mới làm luật cụ thể nhưng đây lại làm ngược lại, không thể chấp nhận được. “Luật về Hội” lẽ  ra cần ra đời sớm để định hướng, làm khung cho các luật khác nhưng sự có mặt của một số luật đã được Quốc hội các khóa trước thông qua, dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp.
- Ba là: Kỹ thuật văn bản còn nhiều chỗ mâu thuẫn, thiếu chuẩn xác, không phù hợp với tình hình hiện nay.
-Bốn là: Can thiệp quá sâu vào điều lệ của Hội, gây rối loạn, không phù hợp.
-Năm là: Nhận thức của những thành viên tham gia soạn thảo dự thảo “Luật về Hội” chưa có thông tin đầy đủ, chưa hiểu biết cặn kẽ về chức năng, nhiệm vụ cũng như quá trình hình thành và phát triển của các hội, trong đó có Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gắn với các giá trị văn hóa, truyền thống và lịch sử đất nước.
 Trên đây là những kiến nghị tại công văn 375/CV-LH ngày 24/10/2016 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gửi tới các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để có tiếng nói với kỳ họp Quốc hội lần này.
VANVN.NET

Kết quả hình ảnh cho đại hội hội nhà văn hà nội


ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI (ngành thơ)
TN
Chủ nhật ngày 30 tháng 10 năm 2016 5:57 AM


TNc: Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội kì này hóa ra sướng, có tới 3 cuộc họp để gặp nhau tay bắt mặt mừng (Thơ, Văn xuôi và Đại hội toàn thể) . Không tiệc tùng, chỉ có cái phong bì 100k cho đại biểu đi taxi.
Sáng nay (29-10) tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đại hội ngành Thơ đã nhóm họp. Số hội viên hơn 300 thì chỉ có gần 200 người dự. Thông lệ đại hội ở xứ ta đều có báo cáo kiểm điểm nhiệm kì, báo cáo kiểm tra, báo cáo tài chính. Công bằng mà nói nhiệm kì này BCH hoạt động tốt, tổ chức nghe chuyên đề hàng 100 cuộc, đi thực tế các vùng nhiều cuộc...Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên năng nổ sáng kiến nên hoạt động của Hội khá phong phú. Giải thưởng hàng năm có tiếng vang.
Cũng còn khuyết điểm nhất là giải thưởng năm qua và chưa làm được website của Hội nhà văn Thủ đô.
Hội trường nóng rừng rực khi nhà thơ Hương Mộc chất vấn Bằng Việt về việc Phạm Xuân Nguyên tham gia Văn đoàn độc lập. Ý kiến có vẻ gay gắt như quả điểm huyệt với Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Hương Mộc cho rằng Chủ tịch Hội Phạm Xuân Nguyên tham gia Văn đoàn là không chấp nhận được. Vậy Bằng Việt xử lí ra sao xin được trả lời.
Phạm Xuân Nguyên trả lời đại ý: Tôi tham gia Ban vận động VĐĐL chứ chưa là một hội, chỉ là Ban vận động. Tôi là đảng viên, trưởng phòng của Viện Văn học. Tôi chưa nhận một lời nào yêu cầu tôi rời văn đoàn, nhà nước và các cơ quan hữu quan chưa có chỉ thị hay thông báo về Ban vận động này. Vừa rồi nhà thơ Thái Kế Toại người có chân trong Ban vận động VDĐL vẫn được bầu vào BCH Hội Điện ảnh thành phố. Sao với tôi thì có ý kiến nọ kia. Nhà thơ Hương Mộc yêu cầu nhà thơ Bằng Việt trả lời. Bằng Việt nói đại ý :Ban vận đông VDĐL có nhiều người tài danh, nhiều người là bạn tôi. Trong chỉ đạo của thành phố cũng nhắc rằng không được đẩy họ sang phía thù địch, đều là anh em mình cả. Nhưng nhiều lần tôi nói với Phạm Xuân Nguyên rằng ông có vợ lại có một cô bồ xinh đẹp, thế là bắt cá hai tay. BVĐ Văn đoàn tuyên bố độc lập nghĩa là không nằm trong hệ thống của Nhà nước, cho nên một chủ tịch Hội Nhà văn thì không nên tham gia...Tóm lại vấn đề này vẫn là cái cấn cái của Hà Nội.
Trần Nhương xin được phát biểu để ĐH không sa đà vào Văn đoàn. Tôi nói đừng phong thánh cho Văn đoàn, mới chỉ là Ban vận động thì biết hình hài sẽ ra sao. Nước ta đã có Tự lực văn đoàn làm rạng danh văn học Việt, biết đâu trong mươi năm nữa đúng sai thế nào. Ta rất hay chỉ mình đúng còn người khác sai. Trong tình hình cởi mở và Luật về Hội sắp ban hành thì tôi cho rằng không nên quá lo lắng cho những hội đoàn khác. Ta đang thực hiện Hiến pháp tự do lập hội, tự do tư tưởng, tự do bày tỏ ý kiến. Hội trường vỗ tay rào rào...
Thế là Đại hội bỏ lại chuyện Văn đoàn mà bàn về công việc của nhà văn. Cuối cùng là giới thiệu nhân sự BCH khóa mới. BCH cũ giới thiệu 11 nhân sự gồm 5 chấp hành cũ và thêm 6 người như Hữu Việt, Lưu Khánh Thơ, Đỗ Bích Thúy...Cuối cùng để cử lên tới 32 vị. lại rút, bất ngờ Nguyễn Sỹ Đại phó CT khóa cũ xin rút...

Hơn 12 giờ chưa xong, tôi đói quá và phóng xe về nhà làm bát cơm sau khi đã làm xong nghĩa vụ hội viên...
 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Khi thơ còn rác!

Kết quả hình ảnh cho Biếm họa thơ văn?
       
          ( Thư trả lời bạn )

Đôi lúc
Tự hỏi mình :
Có thể nhận mình là nhà thơ chưa ?
Hay chỉ là anh thợ chữ ?
Viết những lời dông dài
Con cá , củ khoai
Con tườu , con vượn ..

Ngỡ mình đi trên mây
Bay theo khói
Mà thực ra đường đời ..
Hèn nhát và e ngại
Thích ăn theo
Nói leo
Thảm hại !
Nhai lại lời của ai kia đã nói !

Khác nào đống mùn rơm ủ khói
Ngỡ mình làm nên mây
Ngỡ mình góp sức
Cho cuộc đời thêm vui !

May còn có một ngày
Ta sang sông
Thấy bóng mình trên sóng
Thảm thay
Sao mang dáng vẻ con người
Khát vọng sống trong mắt ta ngơ ngác ?
Yêu thì nhạt..
Ghét thì chua !

Điêu tàn và hoang vu
Khật khưỡng qua nhiều bất trắc ..
Giận mình không sao nói được !
Có đáng gọi là người làm thơ không ?
Đám ngôn từ lắm rác ?

Thực ra
Ta là tên thất nghiệp
Tháng ngày lê chân
Hờ hừng bên đời !
Chẳng có ích cho ai
Thì cần chi giấy mực ?
Ai cần những lời phỉnh phờ thời nay ?

Thôi nhà cũ
 ta về
Ngắm nhìn
và nghĩ suy
Nếu có thể thì ..
 quên đi
Những gì đã viết ..

Xin đừng ai gọi là nhà thơ
Khi thơ
còn  rác !





Phần nhận xét hiển thị trên trang

KHÔNG SĂN CHIM CHÓC TRÊN RỪNG

                                                       
                                                      Truyện ngắn của Hồng Giang

Thoạt đầu mở quán lòng lợn tiết canh, cháo lòng. Chọn mua từ thằng bạn cùng học thời phổ thông. Nghĩa là lòng sạch, trắng tinh, nhất là nó ưu tiên cho thêm nhiều món cổ hũ, dạ dày. Phải dậy từ lúc bốn giờ sáng, nhóm lò, băm, thái.. Tiết canh để sẵn tủ lạnh. Hôm nào nhỡ tay, nó vẫn đông. Đây là cái nghề học mót được hồi mình giải nghệ làm “Nhân viên” cho nhà hàng trên thành phố. Tưởng tượng công việc này rồi ra sẽ phát tài, kiếm được ăn. Thôi thì làm gì cũng là làm, bắt mũi bỏ miệng, nào có ai nghĩ thành ông nọ bà kia, vương tướng gì? Lấy lại cái danh cái giá mà một lúc tính nhầm, lỡ bị rơi vãi nơi thị thành..
Buổi đầu tiên năm sáu con bạc đi ăn đêm về vào quán mở hàng. Chúng vừa kiếm được một mớ, ăn xong trả tiền. Thừa hai chục bạc, thằng cao như sào chọc ổi cười hơ hơ:
“ Còn đâu bo luôn cho em đấy!”. Tiên sư ông, “bo” thì “bo” hẳn vài trăm. “Bo” đ. gì hai chục bọ? Nhưng mà chẳng sao, nghề làm ăn chân chính, kiếm ít một tý, nhưng mà lành. Kiểu người ta bảo “ăn cơm với cáy thì ngáy o o” Chả phải lo lắng gì!
Ngày thứ hai có cuộc tập huấn tập hiếc gì đó gần nhà. Món choai choai thằng nào thằng nấy đồng phục, Ak khoác sát đít, dựng một đống chiếm gần nửa gian quán. Chúng nó phải chờ mới đến lượt. Một số nóng vội, quay ra mua bánh mì của một lão ất ơ vừa đi vừa bấm kiểu còi chẳng giống ai, rao bán inh ỏi.
Nghe bảo tình hình dạo này không như mọi khi. Súng ống phải sẵn sàng, tập tành cho hẳn hoi. Các em chăm chỉ, chị cũng được nhờ. Mạnh dạn nới tay một tý. Tiền vẫn thế, nhưng đĩa lòng đầy hơn, thêm cho các em mấy dóng hành tươi cho nó “hoành”. Chị nghèo, tình quân dân cũng chỉ cố được đến thế thôi. Đứa nào phàn nàn chị chịu!
Có con em họ học gì không học, lại học báo chí, nhân văn nhân vẻ gì đấy ế chổng cờ. Không xin nổi việc, đến cậy nhờ chị. Chị ok liền. Cùng cảnh chị em với nhau, mày lại có tý học chắc là biết điều, chị không giúp em còn giúp ai? Đừng có mà xem thường cái nghề của chị.Chẳng qua là bần cùng, số kiếp kém. Trời mà để ra chị kém gì Tăng Th. H., Th. k ? Hát chèo, cải lương, nhạc mới nhạc miếc.. chị chơi được tuốt. Giọng mật ong rừng hẳn hoi chứ chả phải giọng mía lùi đâu nhé! Chỉ tội chả ma nào giới thiệu, Pờ rồ, nên chị cam tâm làm cái nghề mọn này thôi. Kiên nhẫn, chờ đợi, trồng tre uốn gậy, chả bao giờ là muộn!
Được cái em gái ngoan. Chả xinh mấy nhưng mà nhanh nhẹn. Có thêm mày chị cứ như rồng thêm vây. Quán cháo của chị sinh động hẳn lên.
Lão hàng xóm hay rượu, đông con, chả có tiền, sang gạ. Chị ừ luôn. Không phải ừ cái vớ vẩn kia. Cái đấy chị không thèm. Bây giờ món đó chị khinh, không muốn nhắc đến nữa.. Chị ừ là ừ cho lão giúp chị cơi nới cái quán thêm rộng ra một chút. Thêm mấy cây keo đểu người ta mua về làm củi bớt lại cho, mấy tấm pờ lô, quán rộng hẳn ra. Lão ý còn bảo sơn hay đánh vẹc ni mấy cái cột nữa. Chị bảo thôi. Mình làm lấn ra hành lang giao thông, mấy bác coi đường chửa biết bắt dỡ đi lúc nào. Sơn xiếc làm gì cho phí tiền, thêm ngứa mắt, chọc gai vào các bác ấy?
Tự hôm có quán cháo lòng, quãng đường xa vắng này nhộn nhịp hẳn lên. Có thêm tiếng nhạc, lời ca từ đôi loa thùng thằng anh rể cho mượn. Chòm dân bấy lâu như kẻ ngủ đứng, bỗng tỉnh táo hẳn.
Con em họ bảo :
- Hay là bán thêm phục vụ cho khách ăn đêm hở chị?
- Chỉ sợ không có khách, làm thêm thì làm. Chị sợ mày kêu mệt. Cơ hội đến không chộp lấy có mà ngu à?
Hôm đầu chưa ai biết, thức mờ cả mắt. May mà có cái tủ lạnh mua lại của tay đồng nát, còn dùng tạm nên chả sợ ôi thiu. Lòng lợn để hôm sau vẫn bán được.
Nhanh chân nhất về khoản ăn uống vẫn là tụi cờ bạc. Chỗ này lại khuất, ít người qua lại dòm nom, đêm sau chúng đã có mặt. Món xe chuyên chạy về đêm cũng mò vào. Cứ mười một mười hai giờ đỗ trước cửa, bạt trùm kín mít. Chẳng biết trên xe chở gì, gỗ lậu, quặng hay thứ phải gió gì không cần biết.. Miễn là nhà các anh sòng phẳng. Cũng có thằng bảo ghi sổ? “Quán em nghèo, mới mở, vốn liếng chả có, anh thông cảm cho”. Ngọt nhạt thế. Nó bảo: “Bọn anh đùa vui thế thôi. Thiếu tiền tỷ chứ thiếu đếch gì vài đồng rượu!”. “ Em cũng biết thế. Lái xe các anh tính nghệ sĩ, hay đùa vui thế thôi chứ nỡ lòng nào”. Tụi này đi, con em cười bảo: “Em chết cười vì chị?” Cười gì? “Cười cái chuyện lái xe nghệ sĩ nghệ thuật của chị ấy!” Chuyện. Đời thằng nào chả thích nịnh? Chả thích một lần gọi là  “nghệ sĩ”? Mất cái gì nào? Em lại bảo : “Mới có mấy ngày, em học được ở chị bao nhiêu thứ. Ở Hà Lội bốn năm năm toàn học chữ, chả học được bao nhiêu cái khôn làm người!” Lại mày! Cũng định nịnh thối chị nữa phải không? Con em cười hí hí, chạy đi rửa bát..
**
Mọi việc cứ tưởng thế là ổn. Cứ thế mà đi lên.
Một buổi sáng lão thuế vụ đến. Quán cháu làm ăn thuế má gì hả bác? Lão bảo : Nhà nước quy định rồi, kinh doanh là phải thuế. Chiếu cố mới mở cho lui lại cái môn bài làm sau là tốt rồi. Kêu ca cái gì nữa? Dưng mà mức cao quá, thế này chúng cháu làm gì còn có lãi nữa, vào thuế đã gần hết rồi, sống bằng cách gì? Lão nói: “ Cái đấy tôi không biết, quy định thế nào tôi làm đúng thế thôi, tôi đâu có đặt ra? Thắc mắc cô cứ lên trên mà hỏi!” Vật nài mãi cũng chẳng ăn thua. Lão làm nghề này nghe quen những lời kêu rêu, phàn nàn như thế, đâu có động lòng? Có lẽ phải tính cách khác để đối phó với lão, họa may mới xong. Bao giờ chả vậy, máy móc nào chả phải bôi trơn? Đành là thế vậy, lo dần dần.. Trước mắt phải cân đối thu chi cho nó ồn cái đã. Cũng phải từ từ kẻo mất khách. Chưa làm quan đã học ăn bớt là không hay!
Đám tập huấn cũng đã xong đợt. Sân vận động vắng tanh vắng ngắt. Họa hoằn quán mới có một vài ông vãng lai. Bọn cờ bạc vừa bị dẹp, giờ nằm im, chả thấy đứa nào ngo ngoe. Đám lái xe cũng biệt tăm tích. Người ta bảo độ này “ông trên” quản lý rừng gắt lắm. Gỗ không anh nào dám làm thì chớ, ngay quặng cũng không dám moi móc đào bới như thời gian trước đây vì đào quặng cũng là xâm phạm tài nghuyên quốc gia, cũng là phá hoại rừng! Cái tin tốt ấy, xem ra với quán của Huyền lại bất lợi. Hai chị em ngu ngơ nhìn nhau. Nó là đứa biết ý, bảo: “ Không có khứa, thôi để mình chị, em làm việc khác chứ hai chị em ngày ba bữa ăn xong ngắm nhau thế này thì gay”. Ừ chứ biết bao sao? Con bé cũng là vất vả mới gặp mình. Chưa được mấy ngày đã chia tay đôi ngả. Đã hứa với nó, dù có thua lỗ, chị cũng trả đủ, em đừng lo. Nó cầm nắm giấy bạc trong tay mà rân rấn nước mắt..
**
Nghe bảo đến năm hai ngàn..mấy mấy, “Nông nghiệp chỉ chiếm ba mươi phần trăm cơ cấu kinh tế”. Mình không nhớ năm ấy là năm nào, nhưng biết rằng tương lai của ngành dịch vụ là rất sáng sủa, rất vui. Nhất định là mình không “chuyển ngành”, chỉ chuyển nghề thôi. Không lòng lợn tiết canh nữa mà quay sang giải khát. Hai việc này vốn là bà con gần với nhau, chỉ hơi có chút khác biệt. Cần thay đổi, thu nhập có thể không bằng, kéo lại cái rất an toàn. Bao giờ và ở đâu an toàn chả là “bạn”?
Dẹp bỏ dao thớt, Huyền trưng lên cái biển rõ là “hoành”: BIA LẠNH – GIẢI KHÁT SINH TỐ. Treo thêm mấy dây “thịt bò khô”, “ngô cay” thế là thành. Đúng là “cùng thì biến, biến tự khắc thông”. Quán mở buổi sáng, đến chiều thấy rầm rộ xe, máy kéo về, đỗ chật hai bên đường. Sắp có đợt cơi nới, mở rộng đường. Con đường cái quan bấy lâu nay chỉ là tỉnh lộ, nay lên đường “quốc gia”. Ít năm nữa lên “quốc tế” chưa biết chừng. Việc đấy còn hơi xa, chỉ biết đã bắt đầu một cơ trời mới. Lúc ý, Huyền lại thoáng băn khoăn, chuyển sang làm giải khát chả biết có trúng không mà bỏ mất cái “Ngành” cháo lòng tiết canh? Sự đoạn rồi, chả hơi đâu mà lôi thôi xôi chè cho nó mệt. Giải khát là giải khát, chắc ăn hơn và đỡ mệt người. Cũng đã sang hè rồi, nhầm là nhầm thế ấy nào được? Rõ là vớ vẩn..
Huyền đang linh tinh nghĩ như thế thì có khách. Anh ta có cái khẩu trang chẳng giống ai, úp xùm sụp che kín gần hết mặt. Ừ thì vì đường quá bụi, không khí phải cỡ đến ba mươi phần trăm thành phần là bụi chứ không phải ít. Đeo khẩu trang đi đường là cần thiết và mặc nhiên, không có gì lạ. Nhưng khẩu trang như người này thì cực kỳ khó hiểu. Nó giống như cái mặt nạ chứ không phải khẩu trang khẩu chót gì. Chỉ hở có mỗi hai con mắt, hai cái tai và một tý thịt trên trán. Có khi bọn khủng bố cũng chỉ che kín mặt đến thế này là cùng. Người khách vào, không gọi đồ uống. Khẩu trang mặt nạ cũng không chịu cởi. Nếu uống hoặc ăn thì phải cởi ra chứ? Giữ gìn vệ sinh chăng nữa, vào quán cũng phải tháo cái che mồm che mặt ra. Đàn bà con gái che mặt giữ da đã đành. Đàn ông con trai cần gì phải giữ gìn đến thế? Hẳn đây là một “mĩ nam” quá cầu kì! Chả trách ngày nào ti vi cũng quảng cáo “Dầu gội đầu, mĩ phẩm dành riêng cho nam phái”!
Khách gọi:
- Này cô chủ, quán mới mở có cần lấy hàng bán bọn anh bỏ mối cho?
-  Anh ở đâu? Có những hàng gì?
- Công ty bọn anh ở ngoài thành phố. Em cần gì cũng có. Bia lon, bia chai, nước trái cây các loại.. Anh đi tiếp thị, quán mình cần em cứ kê ra đây, ngày mai sẽ có xe mang đến. Mỗi tháng em thanh toán một lần. Lần đầu “cọc” cho công ty một chút để “bảo tín”.
-  Tiền cọc có nhiều lắm không ạ?
- Có năm triệu thôi, lấy gì mà nhiều? Thời bây giờ làm ăn người ta “bảo tín” hàng chục, hàng trăm triệu ấy chứ. Có giấy tờ, hợp đồng hẳn hoi, em lo gì?
- Quán em như cái mắt muỗi, chưa biết có chạy hàng hay không. Việc này để em sau sẽ tính. Mua bán cò con, hết đến đâu lấy hàng đến đấy thôi. Anh thông cảm!
- Nói thế là em không tin anh rồi. Em bỏ mất cơ hội kinh doanh rồi đấy. Không có gan thì khó mà làm nên giàu. Nếu em làm đại lý cho công ty, chắc chắn có thêm nhiều ưu đãi đặc biệt về giá cả, về thiết bị nhà hàng.. Những là..Những là..
Người này còn nói một thôi một hồi nữa rồi mới chịu đi. Mình đã bảo không là không. Chẳng ai tự nhiên tốt với ai thế bao giờ. Cái công ty anh ta nói, mình đã biết nó ngang dọc, mục đích kinh doanh của nó là gì đâu? Dứt khoát ngay từ đầu là cái nên làm. Có cả tỷ chuyện “công ty công toi” ngày nay bất khả tín. Chưa được việc gì đã yêu cầu đóng tiền! Gã nào nghĩ ra cái chiêu này xem ra cũng xoàng. Dân trí bây giờ lên chót vót rồi. Đâu có dẽ gạ gẫm như xưa?
Người chào hàng thấy không ăn giải rút gì, bỏ đi. Sao mà nom cái dáng đi của gã quen quen thế nhỉ? Hình như mình đã gặp ở đâu rồi? Cả cái giọng nói cũng rất khả nghi? Hay là người quen cũ chăng? Anh ta bịt mặt như thế chẳng lẽ vì vậy sao?
Cuộc gặp tình cờ khiến cô chợt nhớ lại một chuyện. Đã lâu rồi.. Huyền tái mặt. Cô thấy nhoi nhói, tưng tức nơi lồng ngực..

***
Đang ngồi nẫu, buồn chảy nước ra thì con em lại đến. Nhìn cái mặt hơn hớn của nó, biết ngay nó đến không phải xin làm tiếp khi hay tin mình đổi nghề. Mắt nó lấp la lấp lánh, hai gò má phơn phơn hồng. Dấu hiệu của kẻ đang yêu và được yêu chả dấu ai được! Tay năm, tay mười nó thu vỏ chai, dọn cốc khách để lại trên bàn đem rửa. Xong rồi nó úp úp mở mở khoe:
-Em sắp phải xa chị rồi? Chị đoán thử xem em sẽ đi đâu?
Cấu cho mày một cái, cấu yêu thôi, Huyền bảo:
- Con nỡm. Có gì nói toạc ra đi. Đố mới đoán mệt bỏ xừ. Chị ghét nhất là cái trò đoán điếc, “Đấu trường một trăm, Ai là triệu phú?” Mày hiểu không?
- Thôi em nói luôn kẻo chị sốt ruột: Em sắp về Hà thành rồi!
Nghĩ bụng, chắc có tờ lá cải, hay báo ngành gì đấy nhận nó vào hợp đồng. Đang lúc vận động học hỏi, tuyên truyền cần nhiều nhân viên thế này, báo nào cũng kêu thiếu bài, không có đủ người viết. Nhưng đừng có mừng vội, chỉ là hợp đồng thôi. Từ nay đến đến biên chế chính thức “Còn lâu dài và gian khổ” lắm. Con gái có thì, liệu em có bề bỉ được không? Hay lại như con bé xóm trên làm được mấy tháng, lương lĩnh không đủ tiền ăn, thuê nhà trọ lại bỏ về chăn lợn? Mới chỉ nghĩ thế thôi, Huyền chưa dám nói gì, sợ nó mất hứng. Ai chả vậy? Đang vui mà nói ngang vào là điều tối kỵ. Thấy Huyền im im, cô chàng lại tiếp:
- Em có ông anh kết nghĩa mới chuyển trong Sài ra. ( Ý nó nói là Sài Gòn chứ không phải Sài Sơn, Sài Đồng).. Ông ý xin việc cho em được rồi chị ạ. Không phải làm báo làm biếc đâu. Mình không có năng khiếu, văn vẻ tò te, viết lách chưa chắc đã tốt. Nghề ấy cần người có tài, hồi mới lớn nông nổi, mới xin theo học, giờ em nghĩ lại rồi. Việc em xin được bây giờ chả dính dáng gì đến ngành học trước đây. Miễn là có việc làm, thất nghiệp mãi đâm tự ty, cứ y như con dở, con mất trí ấy phải không chị?
 Chị cũng mừng cho mày. Nghề báo ngày nay cực kỳ nguy hiểm. Viết dở chả ma nào đọc. Viết hay là dễ đụng chạm chỗ này chỗ kia. Thôi, “giã từ vũ khí”, đi làm việc khác cho nó lành.
Nó khoe “anh ý tốt lắm, lo cho em từ a đến z chả phải mất đồng nào chạy chọt. Lại còn hứa mua cho cái xe để lấy cái đi làm. Tất nhiên là anh ấy cho vay. Đi làm có tiền nhính ra trả dần, cũng tốt phải không chị?”
Huyền đã a, suýt nữa kêu trời. Sao chuyện của mày giống chị trước đây thế hả em? Tên anh kết nghĩa của mày sao nói cứ như ông anh “Kết nghĩa” của chị. Giống cái tên có dáng người hệt lão chào hàng bịt mặt vừa khi sáng mò vào quán này. Chẳng biết người ngày xưa của chị với người ngày nay của em có cùng một lò chui ra không? Giống thế không biết! Toan nói ra, lại sợ em ý buồn. Việc đời xưa nay mấy khi cái nào giống cái nào? Tình cảm trong sáng, tốt đẹp mà bị ngờ oan là điều không bao giờ nên. Huống chi bây giờ nó đang vui, mình nói vậy có khác nào dội cho nó gáo nước sôi như Tấm gội đầu cho Cám? Chả hay tỵ nào!
Huyền chỉ bảo:
-Ai giúp cũng phải tự mình. Tự tin và tự tìm hiểu cho chắc chắn em ạ! Con gái là dễ khôn ba năm dại một giờ.. Đừng có quá tin người vội..    
Nó “Vâng” rồi ngoay ngoáy về. Dặn đi dặn lại: “ Bao giờ chị về Hà lội, chị phải ghé em chơi đấy”! May thật, nó thôi không theo nghề. Suýt nữa thành nhà báo rồi mà vẫn còn nói ngọng. Nếu đi phỏng vấn phỏng véo, nói ngọng như nó chắc buồn cười lắm!
Con em đi rồi..Cái chuyện năm xưa đang nghĩ dở lại hiện ra trong đầu. Muốn quên đi mà không được..
***
Người đưa em vào một ngõ nhỏ thuộc ô Cầu Giấy có cái tên rất kêu. Đầu ngõ đối diện với một trường đại học. Em có con bạn đang học năm cuối ở đó. Có một hai lần em đến chơi với nó, nhưng lại chẳng để ý gì đến con ngõ này. Nó như muôn vàn con ngõ chật chội, lem nhem của thủ đô. Không mấy người biết dù tên nó rất hay. Như tên một cô gái “Kiều Mơ”!  Em không ngờ cuộc đời em lại bắt đầu bi kịch và chấm dứt đời sinh viên ở đấy.
Người bảo:
- Huyền ạ, em cứ ở đây, khi nào xin được việc cho em, anh sẽ tìm một chỗ ở khác, tốt hơn. Tạm thời em cứ nghỉ ngơi, thư giãn chút đi. Mọi việc để anh lo.
Em nói:
- Nếu phải chờ đợi có khi em về trên nhà, khi nào có quyết định chính thức, anh báo em sẽ xuống. Ở đây sinh hoạt đắt đỏ mà em chưa có việc làm, khổ cho anh..
Người lại nói:
- Chuyện ấy em không phải lo. Có một mình em anh không lo được, còn nói gì nữa? Chỉ cần em làm theo lời anh dặn là được rồi..
- Sao hả anh?
- Thành phố phức tạp, em biết rồi. Đừng quan hệ linh tinh, làm quen dễ dãi là rất không hay. Thành phố rất nhiều thợ săn nai đấy, con nai bé bỏng của anh ạ!
- Cái đấy thì em biết, anh không tin em à?
- Anh tin, nhưng việc nhắc em vẫn phải nhắc.

Em nghĩ có thể  Người lo xa, có thể Người ghen. Chừng ấy thời gian Người vẫn chưa tin em ư? Em sẽ chứng minh cho Người thấy. Em hơi bực Người, sau rồi lại thấy thinh thích. Hóa ra Người rất sợ tuột mất con bé nhà quê đồng rừng là mình.
Đã ở ngõ rồi lại sâu mãi trong hẻm. Phòng trọ phía trong cùng. Bên ngoài một hàng nước. Phải đi qua mấy chỗ chứa đồ phế liệu. Sắt gỉ, bìa cạc tông chất cao từng đống. Em nghĩ giá có nói địa chỉ cho người nhà trên quê xuống chưa chắc đã tìm được mình! Chính em ở mấy ngày rồi mà vẫn bị lạc. May có số điện thoại của cô bán hàng nước chè chén ngồi phía ngoài mới biết đường về. Em như lạc vào một thế giới khác. Thế giới em chưa từng nghĩ đến bao giờ, chưa từng biết nó có thể có trên thế gian này..
Em muốn người đưa em về nhà. Ít ra cũng phải biết gia cảnh người thế nào chứ? Người bảo lúc này chưa tiện. Có gì mà không tiện nhỉ? Người nói “Ông bà già chưa muốn cho anh lấy vợ bây giờ. Phải khó khăn lắm mới chạy được một công việc như anh may mắn được nhận. Phải phấn đấu một hai năm cho vững chân đã, rồi mới tính chuyện hôn nhân”. Hỏi việc gì? Người bảo “một công việc không được phép nói rộng ra bên ngoài. Ngay người thân cũng không tiết lộ”. Người làm phản gián hay là tình báo, hay ma phia? Chịu, không thể biết được. Như thế thì đừng có mơ lúc này Người dẫn đến cơ quan, giới thiệu với sếp, với đồng nghiệp. Công việc Người hứa lo cho, làm hồ sơ chả thiếu gì vẫn dài người ra mà đợi. Việc quan nóng như nước đá mà. Biết làm sao?
Hai ba ngày một bận Người đến một lần. Trước còn mau, sau thưa dần, thưa dần. Thức ăn vật dùng người mang đến đủ cho đến kỳ gặp lần sau. Nhưng tiền thì người không đưa. Có lẽ Người nghĩ có tiền em sẽ ra ngoài mua sắm, có khi buồn chán muốn về quê. Em cũng không muốn hỏi. Mình có quyền gì mà đòi hỏi tiền bạc cơ chứ? Với lại em không muốn Người nghĩ xấu về mình. Em đến với Người là niềm tin tưởng, đâu phải vì tiền?
Nhưng hàng ngày như bị giam lỏng, bức bối vô cùng. Dù có thiện ý đến đâu em cũng phải có dấu hỏi? Thực ra Người là ai? Vì sao khi nào đến Người cũng đến rất muộn, lúc đi lại vội vội vàng vàng, thường là lúc chưa tỏ mặt người, hàng phố còn chưa ai dậy?
Em không phải chờ lâu. Em đã có đáp án câu hỏi của mình. Một đáp án buồn, bi thương.
Tối hôm đó, cả con hẻm mất điện. Mưa lay phay, tối như bưng lấy mắt. Em và Người đang ngồi ôm nhau trên giường. Bất chợt cánh cửa hé mở, có ánh đèn pin chiếu vào. Em giật mình nghĩ là công an hộ khẩu kiểm tra, vội vơ cái áo mặc vào người. Người cũng cuống quýt chưa biết đổi phó ra sao. Em chỉ thoáng nhìn thấy hai người mặc bộ đồ đi mưa. Một người trong số họ vung tay về phía em đang ở bên người.. Rồi Người rú lên hãi hùng.. Em thấy xót, bỏng rát bên vai.. Hai kẻ lạ vùng chạy phóng xe  ra ngoài đường.  Khi mọi người xung quanh chạy đến cũng là lúc đèn bật sáng trở lại. Người đang còn lăn lộn, hai tay bưng lấy mặt. Em cũng đau, nhức bên vai như có lưỡi bào đang cắt da thịt mình. Người ta đưa cả hai đi viện..
Đến thăm bệnh nhân đầu tiên là một bà cao lớn, nét mặt đanh ác nhưng ăn mặc cực sang. Tay bà ta đeo những vòng ngọc lớn. Em không biết giá trị châu báu, nhưng đoán những chiếc vòng ấy không thể rẻ. Đi cùng bà ta một gã đầu trọc, u thịt nổi nần nẫn, là vệ sĩ hay là gia nhân. Đứng nhìn Người một chặp, bà này cười khẩy:
- Tôi chỉ định cảnh cáo con hồ ly kia. Anh thương nó, “lấy thân mình lấp lỗ châu mai” thì thây xác anh. Đừng có oán con này ác nha!
Xong, không nói thêm câu nào, bà cùng gã đầy tớ đi ra ngoài không cả cái nhìn lần cuối khuôn mặt đẹp như Châu Khanh, Tuấn Ngọc giờ đã thành dị dạng!
Em đã hiểu ra chuyện gì. Mình vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân của một pha đánh ghen ngoạn mục. Ngay đêm hôm đó em mò về chỗ trọ, thu vén tư trang. Dù vết thương chỗ vai còn đau cũng không thể ở lại. Nhục nhã. Ê chề.. Không còn gì hơn để nói! Còn nấn ná ở đây với Người, chuyện gì sẽ xảy ra?

Sau này em được biết, Người cũng là một gã thợ săn. Không phải săn nai trong thành phố này. Người săn sư tử và đã thành công. Quý phu nhân của Người là con một ông nhớn đầy quyền uy, một “nhân” quan trọng, giàu sang ngất ngưởng, nhưng nàng cực kỳ xấu xí. Người tìm đến em như một sự bù đắp lại cho thua thiệt của mình!
Sao cái gã chào hàng bữa trước nom từ phía sau giống Người trộn không lẫn được? Liệu có phải con người ấy không?
Mình sẽ phải xử trí ra sao đây nếu lần sau anh ta trở lại, gã thợ săn “Không săn chim chóc trên rừng”? Chuyện của con em họ, mình có vẻ thấu đáo, sáng suốt thế, mà sao chuyện của mình lại tối như bưng? Tối như cái đêm mất điện, mưa lay phay mình cùng bị săn tìm, bị tạ át xít với gã thợ săn thành phố?
Huyền thừ người ra suy nghĩ.. Mười mấy năm trời ăn học, cha mẹ vén vun, đến giờ này mình vẫn như con thuyền không lái. Không đâu vào đâu. Một công việc nuôi sống bản thân cũng còn bấp bênh, chật vật. Mình sẽ phải liệu tính sao đây?
 Cái xe lu chậm chạp lăn qua lăn lại trước mặt Huyền. Tiếng đá vỡ lạo xạo. Mùi nhựa đường khét lẹt. Gió thốc bụi từng đám chỗ người ta đang đổ đá xay làm lớp chống dính. Tất cả làm Huyền choáng váng, nôn nao..
============







Phần nhận xét hiển thị trên trang