Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

CỎ  

Nguyễn Hồng
Truyện ngắn của NGUYỄN HỒNG
“Tôi thấy mình là cỏ. Tôi được sinh ra và tôi tự lớn lên…”
1. Hành lý chẳng có gì, vài ba bộ quần áo và một mớ đồ lụn vụn, lặt vặt. Hai ngày trước tôi đã nhét vội vàng vào túi xách, lập cập kéo khóa và chực phi thẳng ra khỏi cửa nhà không thèm ngoái đầu nhìn lại. Đi. Sẽ đi. Không từ biệt. Không luyến tiếc. Tôi đang có cảm giác bị đuổi ra khỏi nhà hơn là một sự tự nguyện. Cái mặt lì lợm của tôi không biết khóc bao giờ. Từng cơn nấc nghẹn bứ nơi cổ họng nuốt không trôi được cứ đau nhưng nhức. Đau từ tim lên đỉnh đầu, đau tứ chi rồi đau toàn thân. Tôi nuốt khan. Tôi khóc khan. Ừ, đi thì đi. Phải đi thôi. Tôi giục tôi, dữ dội lắm, quyết liệt lắm. Ở nhà chỉ là một cục thịt thừa. Một cục thịt bốc mùi ôi thiu làm ngứa mắt và vướng víu những người xung quanh. Ừ. Đi thì đi. Dễ thôi. Quan trọng đi là để trở về hay là bỏ xứ, biệt xứ. Có ai cần tôi đâu.
Cha vẫn ngồi rúm ró trên tràng kỷ, dáng ngồi như bị dính bệt vào một chỗ. Từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác, vẫn là chỗ ngồi đấy, cha thi gan với thời gian. Chiếc điếu cày được nâng lên, đặt xuống,  rồi vê thuốc, rồi rít, rồi ho, rồi khạc nhổ đờm dãi bừa bãi xung quanh chỗ cha ngồi. Mấy lần tôi buồn nôn khi dẫm phải. Mấy lần tôi bảo cha đừng có nhổ ở đây nữa, cha đi xa ra ngoài bờ ngoài bụi mà nhổ cho thoáng, đỡ công người dọn lại sạch cửa sạch nhà. Cha quắc mắt, đồ mất dạy, mày không dọn tao dọn. Cái cục lỳ của tôi lại nổi lên. Không mượn thì không dọn. Ruồi xanh ruồi đen bu ken kín. Muỗi bay là là, phè phè như máy bay tập trận. Mùi tanh hôi lẫn mùi ẩm mốc. Cha vẫn ngồi nguyên đấy, kệ thây ruồi muỗi, kệ thây kiến bu. Mẹ nhìn hằn học: tao chịu đựng cha mày cả đời, bọn mày mới ngày một ngày hai ăn thua gì. Cha vẫn ngồi bất động, kệ thây những lời xỉa xói. Kiến đốt, muỗi cắn cha còn không có cảm giác, mấy lời nói nhàm tai ấy cha nghe quen lắm rồi, nghe thêm nữa cũng chẳng sao, chỉ là như gió thoảng qua tai. Thành thử mẹ nói mẹ nghe, mẹ nói cho tôi, cho thiên hạ nghe. Mà họ nghe được gì hay không tôi không biết, cũng không cần quan tâm. Có đôi người chỉ chỉ trỏ trỏ, có đôi người ậm ự ngại ngùng lướt qua tôi có vẻ như thấu hiểu, chia sẻ.
Hai anh em tôi lớn lên như thế nào tôi không nhớ, không biết, không hình dung ra được. Thực sự, tôi cũng không buồn nghĩ đến. Đôi lúc tôi cũng tò mò nhưng rồi lại chậc lưỡi, thôi kệ vậy, quan tâm đến ngày hôm qua của mình cũng chẳng để làm gì, chẳng thay đổi được gì. Biết là mình đang được tồn tại, đang được hít khí trời, thế là sung sướng lắm rồi, kêu ca nỗi gì, mà kêu phỏng có được gì.
Chán học, học mãi mà chữ không vô, anh tôi bỏ nhà đi buôn sắt vụn ở ngoại tỉnh. Một năm, hai năm anh không về. Đến năm thứ 3, anh về dắt theo người đàn bà bụng đã vượt mặt xin cưới. Cưới thì cưới. Nhà lại thêm người, thêm những lời hờn mát xót xa vào những ngày đói và cả những ngày không đói. Thi thoảng những người trong nhà tôi lại giành những xỉa xói cho nhau, cho tôi.
“Không ở nhà làm ruộng thì đi đâu được thì đi, kiếm thúng kiếm mẹt mà buôn bán”.
“Bọn cái Xuân, cái Na lên tỉnh tháng trước, tháng sau đã gửi tiền về, cùng thôn mày cũng phải mở to mắt ra mà nhìn chứ. Hay mày không biết xấu hổ”.
Vẫn là kiểu nói như tát nước vào mặt người khác của mẹ. Tôi lớn lên, ám ảnh về mẹ chỉ là những lời nhiếc móc cay nghiệt, những trận đòn roi như xé giẻ. Tôi nhìn cuộc sống chảy quanh tôi bằng ánh mắt nửa dè chừng nửa ngơ ngác, lạ lẫm. Tôi không biết đến kim chỉ để may vá, không biết thưa bẩm, vâng dạ, tôi không biết anh em họ hàng xung quanh.Tôi không biết gì hết. Chỉ biết mình là giống đàn bà, ngày có kinh đầu tiên òa khóc vì sợ hãi như vừa phạm phải một tội lỗi. Tôi lấy tay bịt lại, càng bịt càng chảy. Tôi thấy mình là cỏ. Tôi được sinh ra và tôi tự lớn lên.
Nhiều lúc tôi suy tính, rồi cũng ngẫm đi ngẫm lại ra vẻ có trách nhiệm với đời, với mình. Cha mẹ đã cho tôi sự sống thì tôi cũng phải sống cho ra sống. Mười bảy tuổi, chẳng lẽ cứ quẩn quanh với mấy sào ruộng nhận khoán, bờ thấp bờ cao, với bốn bức tường nửa gạch nửa tre có những con người lầm lì sống, lầm lì ra vào. Ngày quần quật ngoài đồng, đêm nào ngủ được thì sướng, không ngủ được nghe ếch nhái râm ran mà lòng não nề.Thời gian cho tôi thêm tuổi. Tuổi cho tôi thêm những âu lo, những thảng thốt. Tôi quýnh quáng với cái quyền sống cha mẹ ban tặng nên tôi giục tôi đi. Lần này là tự nguyện. Cháy bỏng lắm. Tâm huyết lắm. Không phải là những vùng vằng giận cá chém thớt bởi có giận thì trong nhà tôi đó cũng chỉ là một hiện tượng thừa thãi, vô bổ. Giận cũng thế mà không giận cũng thế. Có thân thì tự lo thân, ai hơi đâu quan tâm đến mà dỗ giành.
Tôi chào cha mẹ. Tôi dặn dò anh chị và các cháu. Tôi đi. Hành lý chẳng có gì. Tuổi mười bảy và một mớ những rối rắm vụn vặt. Những tiếng thở dài cứ loằng ngoẵng bám theo tôi.
2. Ai dạy cho tôi khôn? Tôi ranh? Tôi làm ra vẻ sành đời. Tháng đầu tiên bưng bê trong quan nhậu tôi đã biết lúng liếng với khách. Tôi biết tôi có gì để đong đưa. Tuổi 17 hơ hớ măng tơ. Tôi tự tạo ra những luống cuống vô tình, những va chạm vô tình với những người đàn ông thường xuyên đến đốt tiền trong quán nhậu. Những ông già trán hói, bụng xệ chỉ chực có cơ hội là ăn tươi nuốt sống tôi. Những hôn hít, những sờ nắn không giấu giếm, vụng trộm mà cứ phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi cắn răng làm thinh, rồi lại chậc lưỡi, bệnh ngoài da thôi mà. Nhưng bù lại, tôi được tiền, những đồng tiền mới có, cũ có, nguyên vẹn có, nhàu nát có cứ len lén dúi vào ngực tôi. Đêm đêm, sau những bải hoải rã rời của một ngày chạy bàn, tôi vuốt phẳng phiu những đồng tiền chẵn lẻ. Tôi  mãn nguyện cười trong cả những giấc mơ.
Ông chủ quán mò mẫm vào phòng lúc nào tôi không biết. Vội vã ném xập tiền xuống giường rồi vồ lên ôm riết lấy tôi. “Xuỵt, ngoan rồi ông thương, ông cho”. Tôi đang đồng lõa với ông hay là tôi thông minh đột xuất? Tôi đàng điếm hay tôi đang thèm khát đồng tiền? Hình như có lần bố tôi bảo mấy đời cụ kị nhà tôi cũng có người làm quan, có học hàm học vị đầy đủ, sau thất cơ lỡ vận mới ngậm ngùi làm kẻ bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cái gen thông minh từ đời cụ kỵ nhà tôi truyền chút ít sang tôi vào đúng lúc này chăng? Tôi tham lam vừa muốn giữ mình vừa muốn có tiền. Tôi dụ ông về phía cửa, luống cuống yêu đương, luống cuống mở chốt, tôi ấn ông vào khoảng giữa cánh cửa khép hờ. Ông chỉ kịp á lên còn tôi bưng mặt khóc. Tất nhiên, thân thể nung núc mỡ của ông bị một trận bầm dập từ tay vợ. Tôi bị đuổi khỏi quán sau trận nổi giận lôi đình của bà chủ. Đồ lăng loàn, đồ ăn cháo đá bát, cưu mang mày rồi để mày dụ dỗ chồng bà hả. Đồ con đĩ. Cút. Xéo. Biến nhanh khỏi mắt tao. Tóc tôi rơi lả tả theo vòng xoáy nặng nhẹ của tay bà chủ. Khuôn mặt tôi bị biến dạng bởi những cái tát nảy lửa, những cào cấu rách thịt da. Lạ lùng là tôi không thấy đau, tôi đang nghĩ đến xập tiền ông chủ để lại khi nhảy bổ lên người tôi. Tôi đi. Hành lý chẳng có thêm gì. Tuổi mười bảy cứ tưng tửng nhảy chân sáo theo tôi khe khẽ hát: “cỏ nát rồi cỏ lại sinh sôi”
3. Tôi bán tôi qua những chợ người. Chợ người không chào đón tôi, họ sợ tôi giành dật khách hàng của họ, cướp miếng cơm manh áo của con cái họ. Tôi đã mơ hồ phỏng đoán, chợ người thì không ai quản lý ai nên tôi sẽ mặc nhiên đứng xếp hàng ở đó. Nhưng tôi nhầm. Những kẻ lăm le dây điện, xích sắt như những vũ khí trang điểm cho cái gọi là quyền lực ấy là những ông chủ, bà chủ ở đây. Bảo kê đấy. Tôi lơ ngơ chen chân chờ người đến mua mình. Vút. Tôi đau điếng. “Biến, ranh con, đây không phải chỗ của mày”. “Đất có thổ công, sông có hà bá, mày nộp lệ phí chưa mà dám chen ngang hả?”
Lệ phí bao nhiêu là đủ để tôi có chân đứng ở chợ người? Một tên đầu trọc hất hàm bảo: “Mày ngon gái thế đứng đây làm gì cho phí, sang chân cầu mà đứng”. Tôi đọc được sự cợt nhả, coi thường trong điệu cười như súc ống bô của gã đầu trọc. Cái tôi có thể bán được là sức lao động của con bé quê mười bảy tuổi. Trong biển người bát nháo này có ai nghe thấy tiếng tôi đang rao bán tôi.
Có đấy. Ông đã nghe được. Ông thấy ánh mắt khẩn khoản cầu cứu của một con thú bị thương đang hết đường chạy. Gã đầu trọc vừa liếm môi, vừa dí dí chiếc roi sắt vào đầu tôi. “Hay là…”. Ánh mắt hắn quệt khắp thân thể tôi, như muốn lột hết quần áo trên người tôi. “Một đêm thôi, coi như là lệ phí tháng này”. “Không chịu hả. Biến.Vút… ”
Ông đã đỡ lằn roi ấy thay tôi. Tên đầu trọc đang hung hăng vội vã đập đầu quỳ lạy như một tội đồ dưới chân ông. “Xin ông tha mạng, con không cố ý. Tháng này con xin làm trâu làm ngựa cho ông”.
Tôi lẽo đẽo theo ông về. Đầu trọc hềnh hệch cười: “Mày sướng nhé, được hầu hạ trong nhà ông chủ là phúc tổ bảy mươi đời nhà mày đấy”. Tôi không biết ông là ai mà những tên bảo kê ở đây cứ tỏ vẻ khúm núm, sợ sệt mỗi khi gặp ông. Chiếc xe hơi sang trọng đỗ bên kia đường, ông thong dong chống ba tong đi sang, đứa nào đứa nấy vâng vâng dạ dạ rối rít. Chợ người như ngừng thở. Ông ký tá một số thứ, ông nhận từ bọn chúng một số thứ rồi ông lên xe. Chợ người lại trở về với cái bát nháo vốn có của nó.
Tôi được ông thuê dọn rác và nuôi cỏ trong khu biệt thự. Biệt thự trắng. Hàng rào sơn trắng. Bãi cỏ ngun ngút xanh và mượt như nhung. Hoa. Hoa quấn quanh bờ rào. Hoa tràn ra lối đi. Hoa kiêu hãnh tung tẩy trên cửa sổ tầng cao đùa nắng, đùa gió. Tôi như lạc vào thiên đường. Chỉ cần nhìn ngắm thôi tôi đã thấy hân hoan reo vui.
Công việc không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỷ mỉ. Trồng cỏ mới, thay cỏ cũ, tưới cỏ, cắt tỉa, tạo hình cho cỏ. Tôi chăm chỉ mỗi ngày. Bây giờ, có ai hỏi trong biệt thự của ông có mấy vuông cỏ, có những loại cỏ gì, sinh trưởng và nuôi dưỡng ra sao tôi sẽ trả lời vanh vách.Tôi nâng niu công việc tôi đang làm, nâng niu những đồng tiền tôi kiếm được bằng sức lao động của chính mình. Đêm đêm, trong giấc ngủ chập chờn tôi thấy mình đang bồng bềnh trôi trên cỏ, ấm mềm và êm như ru.
Nhìn những vuông cỏ nuột nà, căng tràn sức sống, ông không tiếc lời khen “tốt lắm, tốt lắm”. Tôi cũng thấy vui vui khi đón nhận ánh mắt ấm áp cười của ông. Ông trò chuyện với tôi nhiều hơn. Tôi thấy ông gần gũi hơn, càng tò mò hơn khi thấy ông sống một mình trong biệt thự nhung lụa với vô số người làm.
4. Những vuông cỏ sẽ xanh hơn, mượt hơn nếu như ông không gọi tôi lên thư phòng, không yêu cầu tôi bỏ cỏ đấy để ông có thêm người chuyện trò. Tôi sẽ là tôi, đứa gái quê mười bảy tuổi của hai năm về trước, giận dỗi quê hương lạ lẫm phố phường.
Những vuông cỏ ngơ ngác xanh dõi theo tôi.
Tôi trở thành đàn bà sau một đêm mưa ông gõ cửa. Ông khóc trên vai tôi. Tôi khóc cho cuộc đời mình. Ông bảo ông đang rất buồn và cô đơn. Còn tôi. Nỗi cô đơn là thường trực, là bầu bạn. Mỗi sáng, nó kéo tôi ra khỏi giấc ngủ chập chờn mệt mỏi. Mỗi tối nó xầm xập đổ ập vào người làm tôi nghẹt thở. Nó cứ bám riết lấy tôi từ khi tôi biết khóc, biết vón nỗi cô đơn ném đi chỗ khác tìm điệu cười nhợt nhạt, cho đến tận bây giờ, tôi lặng lẽ nhặt nỗi cô đơn lên ngắm nghía và cất sau ngực trái áo mình.
Tôi xót tôi bởi nỗi cô đơn đeo đẳng. Vì thế tôi thương ông. Ông bảo ông cũng thương tôi. Ông vuốt ve, dỗ dành thân thể tôi mỗi lúc tôi và ông bên nhau. Tôi thấy mình ẩm ướt hơn, mềm mại hơn. Lần đầu tiên trong đời tôi biết ôm một người thì ấm áp như thế, được chở che như thế, yếu đuối như thế, yêu thương như thế. Tôi nghĩ và nhớ đến mẹ. Mẹ có bao giờ ôm tôi. Giá như tôi có được chút ấm áp truyền từ da thịt mẹ tôi sẽ không cuống cuồng ghì chặt lấy ông như thế, không bấn loạn, khát khao ông như thế. Ông thủ thỉ: “Em sẽ là của ông nhé, sẽ ở lại đây với ông nhé”. Tôi không dám gật đầu, không dám nhìn vào mắt ông. Tôi sợ. Một nỗi sợ hãi mơ hồ nhưng rất lớn, rất thật. Tôi siết chặt vòng tay để mình được bé nhỏ trong vòng tay ông.
 Tôi thấy tôi khang khác. Những lần gặp ông, tôi đều hiến mình khát khao, mụ mị. Biện pháp tránh thai là gì tôi làm sao biết được. Trong cơ thể tôi, giọt máu ông để lại đã thành hình hài.
 “Giải quyết đi”. Ông vứt sấp tiền trước mặt tôi rồi lạnh lùng bỏ đi. Toàn thân tôi tê cóng. Cái mặt lì lợm của tôi không biết khóc bao giờ. Nước mắt đã vón lại thành cục đắng nghét, nuốt không trôi được nên cứ nghẹn bứ nơi cổ họng. Tôi gồng mình hét “Không”. Mồ hôi tãi ra như tắm. Bao nhiêu đêm tôi mộng mị, bao nhiêu lần tôi nấn ná muốn nói với ông. Liệu giấc mơ có báo ứng sau lời tôi nói. Tôi chọn cách im lặng.
5. Mẹ như phát điên lên.
- Bao nhiêu tuổi?
- 70.
- Mày bị lão già cưỡng hiếp hả?
- Không. Con tự nguyện.
- Sao còn vác xác về làm gì?
Ừ nhỉ? Sao tôi lại vác cái thân xác rệu rã này trở về? Sau đêm trốn khỏi nhà ông tôi đã dặn lòng là không được trở về nữa sao bước chân cứ dẫn dụ tôi về đây? Có ai chờ tôi đâu. Sao thế nhỉ? Tôi thất thểu bước thấp bước cao. Tôi thèm khóc quá. Sao tôi cứ trơ khấc thế này, tôi ơi. Nước mắt ơi, chảy đi. Chảy đi cho ta nhẹ nhàng một chút, rồi ta sẽ thanh thản đi tiếp. Cớ sao đời ki bo với ta cả giọt nước mắt của chính mình thế nhỉ? Mẹ có nghe thấy tiếng ta gọi mẹ không? Con nhớ mẹ, thèm được ôm mẹ quá. Lúc con ôm ông ấy là lúc con nhớ đến mẹ. Con mơ hồ đoán ôm mẹ chắc cũng yêu thương thế này. Mỗi lần gặp ông ấy con lại hào hứng, lại say mê giải mã những vòng tay ôm. Cái ôm thật chặt này là của cha. Mạnh mẽ lắm, rắn rỏi lắm. Cái ôm đằm thắm này là của mẹ, dịu dàng lắm, ấm áp lắm. Cái ôm xốc nổi, hời hợt như chạm khẽ vào da thịt này là của anh trai. Ừ, là anh em sàn sàn tuổi nhau ai ôm riết nhau thế bao giờ, kỳ lắm. Con đã tận hưởng hoan lạc từ những vòng tay ôm ma mị như thế đó mẹ ạ.
- Giải quyết đi. Mà không. Cứ để đó. Tao sẽ kiện. Sẽ kiện cho lão rũ tù ra vì tội cưỡng hiếp.
- Không. Con xin mẹ.
- Mày ngu lắm. Tao sẽ kiện. Lão có tiền, lão sẽ biết cách giải quyết.
Tiếng mẹ rít qua kẽ răng. Tôi tìm đường về nhà để được khóc. Nhưng tôi không khóc được. Mẹ cũng không níu kéo tôi. Tôi đi. Hành lý chẳng có gì.
6. Ông nháo nhác tìm tôi qua những chợ người. Đầu trọc bảo thế sau khi hắn hô hoán anh em giữ tôi lại. Hắn đẩy tôi lên xe và đưa tôi về ngôi nhà lúp xúp cuối chợ. “Mày ở đây ít hôm lấy lại tinh thần, tao về báo cáo với lão”. “Đọc thư mày để lại, lão như phát cuồng lên. Lão già thương mày thật đó. Thôi về đi để bọn tao còn đường làm ăn. Lão bảo không tìm được mày lão giải tán mấy cái chợ này luôn”.
Đầu trọc thuyết phục, giảng giải, phân tích rồi nhìn tôi tỏ vẻ thèm thuồng. “Mà mày ngu bỏ mẹ, cả một đống của, bỏ làm gì. Phí”
Lời đầu trọc cứ bùng nhùng bên tai, tôi nghe câu được câu mất. Tôi thấy mình không còn ác cảm với hắn nữa, ít ra trong lúc này hắn đang sắm vai là đứa tử tế.
7. Những vuông cỏ xanh um trước mắt tôi. Ông bảo, ông đã tự tay mình chăm cỏ để quên đi nỗi nhớ. Tôi thấy mắt mình nhòe đi, những giọt nước mắt thi nhau rơi xuống nóng hổi. Tôi đã đợi mười chín năm để được khóc. Bây giờ tôi đang khóc. Cỏ xanh thì thầm kể chuyện cổ tích về một ông già qua bao đời vợ nhưng chẳng ai chịu sinh con cho ông. Họ đến rồi đi với bản án li hôn có cái quyền được chia tài sản ở hàng thứ nhất. Chỉ còn ông và những vuông cỏ tàn úa ở lại.
Những vuông cỏ đang hồi sinh chờ đón tôi. Tôi thấy mình đang được hồi sinh từ kiếp cỏ, cứ xoắn xuýt, cứ dan díu như nợ nần nhau từ muôn kiếp trước. Ông dìu tôi qua những vuông cỏ, tôi bối rối nhìn sâu vào mắt ông: “Mưa này cỏ bật mầm nhanh lắm đấy, rồi vườn cỏ nhà mình sẽ ngút ngát xanh. Đợi em sau ngày trở dạ, em sẽ lại giúp mình…”./.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà văn - Bài học ve - Trong quán Lý Thông


NGUYỄN TRỌNG TẠO


NHÀ VĂN


Thật may, anh là người chưa nhũn não
ngày lại ngày tự múc óc nuôi mình
ộc ra con chữ
ộc ra tâm can kiến tạo sinh thành

Người đời gọi anh là nhà văn
anh vẫn gọi anh là bác thợ cày
cày trên giấy trắng
những luống chữ đen đen

Anh là chiếc hộp đen tích đầy sự sống
lai ghép những mảnh đời thành nhân vật bước ra
chân thiện mỹ thấp hèn hay độc ác
chẳng là ta mà sao vẫn là ta?

Một thế giới riêng nhà văn mang tới
cho ta yêu cho ta giận cho ta thương
cho ta thấy nhân gian buồn vô tận
những nỗi buồn chấu cắn chẳng buồn hơn

Anh báo động một ngày tình tan rữa
sói thay người thống soái cả trần gian
trong tuyệt vọng anh tin từng con chữ
sẽ cứu rỗi địa cầu dù con chữ mong manh

Bởi anh là nhà văn
anh là người chưa nhũn não…


25.9.2002



BÀI HỌC VE


Ve hát hết mình thình lình tắt tiếng
mùa nhặt xác ve xếp vào kỷ niệm

Hồn chẳng còn thơ hồn khóc lơ ngơ
ngày buồn ú ớ đêm vui lờ nhờ

Làm thơ không thành chuyển ngành làm báo
vua Thục thở than cuốc kêu tiếng sáo

Thôi đợi hè về nghe nhạc tìm ve
sao hoa phượng nhựa rơi đầy giỏ xe?…


22.8.2001

 
 
TRONG QUÁN LÝ THÔNG



Tôi hỏi công chúa: Thạch Sanh đi đâu?
Công chúa lầu bầu trả lời: Không biết!

Tôi hỏi Nguyệt Nga: Vân Tiên đi đâu?
Nguyệt Nga âu sầu: Hình như đã chết!

Tôi hỏi cave. Cave cười ngất…
Chợt nhận ra mình giữa quán Lý Thông.


23.8.2001

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thơ thời mắc dịch..

 Năng Tiến
Giữa đường gặp cảnh bất bằng chẳng tha.
Lục Vân Tiên
Thành ngữ “người trông xa ma trông gần” không hẳn lúc nào cũng đúng nhưng (chắc chắn) là không sai với trường hợp của …  Bùi Minh Quốc. Khi còn trẻ, ông thi sĩ này đã viết những câu thơ rất bốc:
Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường.
Lúc về già, chả hiểu sao, cha nội ngang nhiên (và ngang xương) chuyển hướng:
Tuổi sáu mươi khi nghĩa đời đã thấy
Thì gian nan biết mấy cũng lên phường.
Tôi càng lớn tuổi càng đâm ra sính thơ nên mỗi lúc một thêm ái mộ Bùi Minh Quốc. Sự mến mộ này – tiếc thay – tôi đã không giữ được luôn, và cũng không giữ được lâu. Chỉ cần đối ẩm với nhà thơ (đôi lần) là tôi ớn chè đậu cho tới Tết, hoặc – không chừng – dám cho tới… chết luôn. Đúng là người trông xa ma trông gần!
Vì nghe tiếng thi sĩ cũng là một tay hảo hán (và hảo tửu) nên ngay khi ông ấy vừa bước chân đến California, tôi đã lật đật mang rượu nồng thịt béo ra mời. Tưởng sao? Thằng chả lắc đầu quầy quậy:
- Tớ chỉ ăn rau, và rau muống only, chứ thịt thà cá mú thì xin miễn.
- Sao kỳ vậy cha nội. Bắc Kỳ vừa vừa thôi chớ Bắc Kỳ  dữ vậy ai chịu được?
- Vấn đề không phải là Bắc Kỳ hay Nam Kỳ mà là rau muống giồng ở Việt Nam bây giờ đều bị phun thuốc tùm lum, ăn vào chắc chết (chết chắc) mà tớ lại hẩu cái món này nên phải lặn lội sang tận  Hoa Kỳ để ăn rau muống cho nó lành, và cho nó sướng. Cậu hiểu ra chưa?
Tuy chỉ gắp rau muống (thôi) nhưng rượu thì thằng chả vẫn cứ nốc tì tì. Chai Remy Martin loại 350 ml mới đâu chừng hơn nửa tiếng đã không còn một giọt. Không mua thêm chai nữa thì kỳ mà mua xong lại tiếc. Cạn ly đầy rồi lại đầy ly cạn. Chả mấy chốc cái chai kế tiếp cũng cạn khô. Gặp “con rồng Đà Lạt” này thì e nước Hồ Xuân Hương phải biến thành rượu Cognac (chắc) mới đủ đô?
Thi sĩ uống rất đẹp, và rất ngọt nhưng lại phun ra toàn những câu thơ (vô cùng) cay đắng:
Tôi hỏi công chúa: Thạch Sanh đi đâu?
Công chúa lầu bầu trả lời: Không biết!
Tôi hỏi Nguyệt Nga: Vân Tiên đi đâu?
Nguyệt Nga âu sầu: Hình như đã chết!
Tôi hỏi cave. Cave cười ngất…
Chợt nhận ra mình giữa quán Lý Thông.
Hết thơ người rồi lại đến thơ mình:
Bao nghẹn uất Nguyệt Nga xé trời kêu chẳng thấu
Giữa chợ đời biệt dạng Lục Vân Tiên
Hảo hớn bận giang hồ quán nhậu
Thi nhau bốc phét để quên hèn.
Giời ạ, tưởng đâu gặp được người thơ để ngâm nga đôi câu:
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi…
cho thoả lòng mong ước, chứ tiếng Nguyệt Nga “xé trời kêu chẳng thấu” thì có gì hay mà bầy ra trên bàn rượu khiến cho cuộc nhậu (bỗng) hoá mất vui đi. Cái thứ  người bỏ chạy trong cơn quốc biến, nước mất thân mình yên mà suốt cả đời không làm nên trò trống gì hết trơn hết trọi, chỉ ba hoa “bốc phét để quên hèn” như tôi – tất nhiên – không ưa những câu thơ vừa ghi của Nguyễn Trọng Tạo hay Bùi Minh Quốc. Gặp gỡ giao du với mấy chả làm chi cho nó thêm phiền!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bạc Hy Lai phản cung mạnh mẽ trong phiên tòa thế kỷ


Bài đăng : Thứ năm 22 Tháng Tám 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 22 Tháng Tám 2013 
 
Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai trong phiên tòa khai mạc hôm nay 22/08/2013 tại Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông, đã mạnh mẽ phản bác cáo buộc nhận hối lộ. Vụ án này là trung tâm của xì-căng-đan đầu tiên từ ba thập kỷ qua đã làm rung chuyển đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn tiến của phiên xử được tòa án đưa lên mạng xã hội.

Chỉ có năm thành viên gia đình Bạc Hy Lai cùng với hai thân nhân khác, 19 nhà báo và 84 công dân được xem là đại diện cho các thành phần xã hội Trung Quốc được tham dự phiên tòa, các phóng viên ngoại quốc không được vào. Thời gian xét xử không được công bố, nhưng các nhà quan sát cho rằng chỉ kéo dài trong một, hai ngày.

Theo tường thuật của thông tín viên RFI Stéphane Lagarde từ Tế Nam, thì bức ảnh đầu tiên của nhà lãnh đạo thất sủng từ khi bị câu lưu cách đây 18 tháng, xuất hiện vào lúc 11 giờ 30 sáng (giờ địa phương) trên tài khoản chính thức của tòa án Tế Nam tại mạng Vi Bác. Bạc Hy Lai mặc áo sơ mi trắng, mày râu nhẵn nhụi, đứng giữa hai công an viên.


Đó là điểm mới của phiên xử : ngoài báo chí chính thức, các phóng viên không được phép tham dự, nhưng các thông tin được phổ biến qua mạng xã hội Vi Bác có gần 300 triệu thành viên. Chỉ ba tiếng đồng hồ sau khi phiên tòa khai mạc, tài khoản chính thức của tòa án đã có đến gần 200.000 người truy cập.

Nhiều cư dân mạng nhanh chóng bình luận về các hình ảnh từ tòa án, nhất là tầm vóc của các công an viên « khổng lồ » đứng cạnh ông Bạc Hy Lai cao lớn. Theo tiểu sử chính thức, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh cao đến 1,84 mét. Một người mỉa mai : « Họ phải tìm cho được mấy người công an cao ít nhất 2 mét để lấn át ông Bạc ».

Theo cáo trạng, Bạc Hy Lai đã nhận 21,79 triệu nhân dân tệ (2,67 triệu euro) từ năm 1999 đến 2012 từ hai doanh nhân Đường Tiêu Lâm (Tang Xiaolin), và Từ Minh (Xu Ming). Số tiền hối lộ này được đưa trực tiếp hoặc thông qua bà Cốc Khai Lai, hay Bạc Qua Qua. Đây là lần đầu tiên con trai của Bạc Hy Lai bị cáo buộc trực tiếp. Tuy vậy trong thông cáo báo chí vào lúc giải lao buổi trưa, phát ngôn viên tòa án nói rằng Bạc Qua Qua « không phải là đối tượng bị điều tra ».

Ông Bạc Hy Lai, 64 tuổi, bác bỏ cáo buộc đã nhận hơn một triệu nhân dân tệ (122.000 euro) từ doanh nhân Đường Tiêu Lâm (Tang Xiaolin), cho rằng các yếu tố buộc tội do kiểm sát viên đưa ra không chứng minh được gì. Bạc Hy Lai khẳng định ông Đường Tiêu Lâm là « kẻ nói láo », và nói thêm : « Ông ta muốn được giảm án, vì thế mới cắn ẩu bốn phương tám hướng như chó dại ».

Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh cũng bị cho là đã biển thủ 5 triệu nhân dân tệ (612.000 euro), và lạm dụng quyền lực để ngăn trở cuộc điều tra về vụ vợ ông là bà Cốc Khai Lai sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood. Về lời khai của bà Cốc, theo đó ông đã cất hàng chục ngàn đô la trong một két sắt, ông Bạc cho là « kỳ quặc ».

Về ngôi biệt thự sang trọng tại Cannes, miền nam nước Pháp được cho là do tỉ phú Từ Minh tặng, ông Bạc Hy Lai khẳng định « hoàn toàn không hay biết gì, đó là một vụ được dàn dựng ». Theo tài liệu mà AFP tham khảo được, thì biệt thự này là trụ sở của công ty trách nhiệm hữu hạn « Résidences Fontaine Saint Georges », mà ba người quản lý liên tiếp đều là người thân cận với gia đình Bạc Hy Lai, trong đó có doanh nhân Anh Neil Heywood.

Bên ngoài tòa án, trong số những người dân tụ tập, có những người ủng hộ ông Bạc đến từ Trùng Khánh. Người thì giơ biểu ngữ « Kinh nghiệm của Trùng Khánh rất tốt cho đất nước và nhân dân, người dân muốn thịnh vượng cho tất cả mọi người ». Một người khẳng định, nhà ở tại Trùng Khánh rẻ gấp đôi so với các địa phương khác, người khác cao giọng hát bài Đông phương hồng.

Theo một giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc của trường đại học quốc gia Singapore, thì người dân Trung Quốc cho rằng Bạc Hy Lai là nạn nhân của một cuộc đấu tranh giành quyền lực. Do các chính sách của ông mang tính tích cực ít nhất đối với cư dân Trùng Khánh và Đại Liên, nên Bạc Hy Lai vẫn được lòng một bộ phận dân chúng, vì vậy vụ án này hết sức nhạy cảm. Các tội danh được quy có khung hình phạt lên đến tử hình, tuy nhiên thường được chuyển sang chung thân đối với các vụ án kinh tế.
tags: Bạc Hy Lai - Châu Á - Chính trị - Pháp luật - Tham nhũng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hoa Kỳ hay dân Miến Điện đang thực hiện việc đó?




   * Nhìn lại vị trí của Miến Điện trên tấm bản đồ *


Có hai quốc gia Đông Nam Á mà mối quan hệ với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến cục diện lâu dài của toàn khu vực Đông Á. Đó là Việt Nam và Miến Điện....

Việt Nam hiện vẫn giữ thế "môi hở răng lạnh" với Trung Quốc. Còn Miến Điện thì lặng lẽ tự giải phóng khỏi sức hút của Trung Quốc và đang ra khỏi vòng phong toả của Hoa Kỳ. Chiều hướng ấy hiển nhiên có lợi cho người dân ở bên trong, nhưng cũng đảo lộn cái trật tự u ám của khu vực Đông Nam Á - dưới bóng rợp của Trung Quốc. Hoa Kỳ có góp phần cho sự chuyển hướng đó. Nhưng chỉ góp phần mà thôi vì động lực chính vẫn xuất phát từ dân Miến.

Bài này sẽ tìm hiểu về vai trò mà người viết nhấn mạnh là "góp phần". Nhìn từ Hoa Kỳ thì Mỹ có góp phần, nhưng nhìn từ Miến Điện thì phần chính của sự chuyển hóa này là từ dân Miến...


***


Nhìn trong viễn cảnh dài, quan hệ giữa Miến Điện với Trung Quốc và với Hoa Kỳ đã là hai vòng xoáy.... ngược.

Lãnh đạo Miến đã cải thiện quan hệ với Bắc Kinh từ hơn 30 năm trước, chính thức là từ 1988, sau khi Đặng Tiểu Bình chấm dứt yểm trợ các tổ chức phiến loạn thân Trung Quốc, thậm chí theo chủ nghĩa cực đoan của Mao Trạch Đông, các nhóm "Mao-ít" hay Maoist. Ngược lại, cũng từ 1988, Hoa Kỳ đã trừng phạt Miến Điện về tội độc tài, đàn áp tôn giáo, và hạ tầm ngoại giao từ vị trí đại sứ xuống xử lý hai đại biện.

Thật ra, Miến Điện bị nạn độc tài từ nửa thế kỷ, từ năm 1962, và lụn bại dần dưới sự cai trị của các tướng lãnh. Nhưng, Bắc Kinh chẳng mấy phiền hà về chuyện đó như Hoa Kỳ. Và Mỹ rút tới đâu thì Thiên triều đỏ lấn tới đó, để xây dựng hệ thống độc tài bản xứ của mình, cho mình. Những gì xảy ra tại Hà Nội ngày nay có thể phải được nhìn thấy từ trước tại Miến Điện.

Quả nhiên là trong ba chục năm, Miến Điện trôi vào quỹ đạo "xã hội chủ nghĩa" dưới chế độ độc tài quân phiệt làm xứ sở lụn bại tới cùng cực. Sau khi thử nghiệm giải pháp dân chủ hình thức với cuộc bầu cử năm 1990 và bị đại bại, các lãnh tụ thủ tiêu kết quả bầu cử và giam giữ đối lập. Nổi tiếng nhất trong các khuôn mặt đối lập này là bà Aung San Suy Kyi.

Mọi sự thật ra bắt đầu chuyển động từ năm 2009 với vai trò ít ai nói tới của Nghị sĩ Jim Webb. Ông là con cá dò mìn, bơi vào vùng nước đầy thủy lôi có thể nổ từ hai bờ tả hữu....

Là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái bình dương trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Jim Webb đề xướng sáng kiến giao kết - đối thoại và hợp tác - với các quốc gia Đông Nam Á như một chiến lược ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này. Tháng Tám năm đó, ông thăm viếng năm nước Đông Nam Á trong hai tuần, kể cả Việt Nam và Miến Điện.

Tại Miến Điện, hôm 14 Tháng Tám năm đó, Nghị sĩ Jim Webb gặp lãnh tụ quân phiệt là Tướng Than Swee lẫn bà Aung San Suu Kyi khi ấy còn bị quản thúc. Chuyến thăm viếng này xảy ra đúng ba tháng sau khi bà bị các tướng bắt tại nhà và đưa vào tù!

Với kinh nghiệm lâu dài về Á Châu, ông Webb đề nghị Hoa Kỳ gỡ bỏ dần lệnh cấm vận để cải thiện quan hệ với Miến Điện tùy mức độ chuyển hóa của chế độ. Ông thực tế vào tận nơi mở đường cho việc nhìn Hoa Kỳ lại cục diện Đông Nam Á trong bối cảnh Đông Á.

Sau đó mới có vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ (Hillary Clinton) chính thức thăm Miến Điện vào cuối năm 2011 - lần đầu tiên kể từ năm 1955. Bà hội kiến Tổng thống Then Sein tại thủ đô Naypyidaw rồi Aung San Suu Kyi tại (cố đô) Yangon hay Rangoon - xưa ta dịch là Ngưỡng Quang. Sau đó mới là việc Ngoại trưởng Mỹ xông thẳng vào hồ sơ Mekong, gặp riêng Bộ trưởng Ngoại giao của các nước dưới hạ nguồn con sông đã bị Trung Quốc khống chế trên thượng nguồn: Thái Lan, Việt, Miên, Lào và Miến Điện.

Rồi từ đầu năm nay, Hoa Kỳ nâng cấp bộ ngoại giao giữa hai nước lên hàng Đại sứ trong khi dân Miến chuẩn bị đi bầu.... Chi tiết lý thú và ý nghĩa là Đại sứ quán Hoa Kỳ vẫn nằm tại Rangoon, chứ không ở thủ đô giữa rừng của chế độ là Naypyidaw.


***


Miến Điện đã từng là cường quốc Đông Nam Á và thuộc loại trù phú nhất. Hơn hẳn Việt Nam rất xa – xin lỗi bà con! - mà cũng từng là quốc gia bán gạo nhiều nhất thế giới, trước Thái Lan và Việt Nam.  

Trên một lãnh thổ rộng gấp đôi Việt Nam, với dân số hiện chỉ có 60 triệu, xứ này là một kho tài nguyên gồm có dầu, khí, than, thiếc, đồng, uranium, ngọc, gỗ quý, và cả mạng lưới thủy điện dồi dào nhờ địa dư đầy núi rừng và thác nước.... Nhưng địa dư xứ này cũng đẩy dân Miến, chả mấy khác dân Việt, vào giữa hai đại cường và hai nền văn hoá Ấn Độ và Trung Hoa.

Tiếp giáp với cả Ấn Độ ở hướng Tây-Bắc và Trung Quốc ở hướng Đông-Bắc, lãnh thổ Miến nằm trên Vịnh Bengal nối liền Ấn Độ dương với Thái bình dương, qua eo biển Malacca sinh tử cho kinh tế Á Châu.

Khi lui về chế độ độc tài, Miến Điện trôi vào quỹ đạo Trung Quốc và bị bần cùng hóa với tốc độ chóng mặt. Từ một quốc gia thịnh vượng, nay Miến Điện có hệ thống y tế đứng hạng chót thế giới. Khi ra khỏi chế độ độc tài - trong một tiến trình còn bất trắc và tùy thuộc dân trí lẫn dân khí -  Miến Điện sẽ tự giải phóng khỏi bóng rợp u ám của Trung Quốc.

Hết là một nơi bị Thiên triều đỏ mặc tình bóc lột nhờ cấu kết với lãnh đạo độc tài, xứ này sẽ trở thành một trung tâm kinh tế nối liền tiểu lục địa Nam Á (Ấn Độ) với các nước Đông Nam Á bên Thái bình dương và nối liền các tỉnh Trung Quốc bị khóa trong lục địa, thí dụ như Vân Nam, với biển nóng ở bên dưới. Miến Điện sẽ không là... "tiền đồn của thế giới tự do" vây quanh Trung Quốc: bài học đáng nhớ cho nhiều xứ Đông Nam Á - lại xin lỗi bà con!

Nhưng là trung tâm giao tiếp với thế giới, nhất là với Ấn Độ.

Do di sản của Đế quốc Anh, dân Ấn tại Miến đã từng giữ vai trò trọng yếu về kinh doanh, tương tự như thành phần Hoa kiều tại nhiều xứ khác. Do vị trí địa dư, Ấn Độ và cả Bangladesh đều có lợi khi hợp tác với Miến Điện. Và mối lợi đó cũng phù hợp với quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ.


***


Hoa Kỳ đã từng lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vì những tội danh có thể làm... Hà Nội đỏ mặt  - vì độc tài chưa tới, ngay giữa thời chiến! Hoa Kỳ cũng từng bang giao rồi yểm trợ chế độ độc tài và tuyệt đối tham nhũng tại Hà Nội ngay trong thời bình. Ngoài mối lợi dù sao còn nhỏ nhoi cho doanh nghiệp Mỹ, đối sách đầy thông cảm - tới lợm giọng - của Mỹ vẫn không đạt kết quả là góp phần xây dựng một nước Việt Nam ổn định và độc lập trước đà bành trướng của Trung Quốc.

Cũng chính mối nguy bành trướng đó, từ sau Chiến tranh Cao Ly cho tới Điện Biên Phủ 1954, khiến Mỹ thục mạng nhảy vào Việt Nam mà... chẳng hiểu gì cả. Sau đó là lịch sử bi thảm, khi Hoa Kỳ nghĩ lại, giao kết với Trung Quốc từ 1972 và tiền đồn thế giới tự do trôi xuống biển....

Bây giờ, 40 năm sau, Hoa Kỳ lại nghĩ lại nữa! Là chuyện ngày nay.

Lãnh đạo Miến Điện – bên trong chế độ và bên ngoài xã hội – không thể không thấy những điều này, từ phía Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Họ dám chọn lựa và đang thử nghiệm giải pháp có vẻ rủi ro là dân chủ. Sự chọn lựa đó đang chuyển dịch cả cục diện kinh tế và chiến lược trong khu vực trải rộng từ Ấn Độ dương qua Thái bình dương. Ngần ấy quốc gia liên hệ - chứ không riêng Hoa Kỳ - cũng đều theo dõi và có khi ngầm tác động vào sự chọn lựa này. 


Khi theo dõi số phận của nhiều hợp đồng ký kết giữa Miến Điện với Bắc Kinh, ta có thể thấy ra điều ấy. Cũng như khi tìm hiểu về dự án dẫn khí đốt nối liền Calcutta ở tiểu bang Tây Bengal của Ấn qua Chittagong của Bangladesh và Rangoon của Miến (xin ngó vào tấm bản đồ), ta đoán ra triển vọng hợp tác lâu dài của Miến Điện với các lân bang khác, thay vì chỉ là một chư hầu hay vùng phiên trấn của Bắc Kinh.
Vì vậy, vấn đề không chỉ là vai trò của bà Aung San Suu Kyi hay những tính toán của Hoa Kỳ. Người dân Miến Điện, kể cả hệ thống quân đội xứ này, đang chọn lấy một định mệnh khác – mà không sợ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHỈ THẤY CÂY KHÔNG THẤY RỪNG VÀ CHỈ THẤY RỪNG KHÔNG THẤY CÂY


Người ta hay chê các nhà siêu hình là kẻ chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Không thấy mấy ai chê những người chỉ thấy rừng mà không thấy cây! Trong khi những người này không ít và nhược điểm cũng không nhỏ.
Có thể nói đó chính là các cán bộ tuyên truyền, các nhà văn nhà thơ cách mạng một thời ở nước ta, đứng đấu là nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu quả thật là con chim ca hát những bài cách mạng hay nhất, thúc giục lòng người mạnh nhất, ca ngợi chế độ đẹp nhất. Đấy là cái lúc mà ông ở trên cao, có hàng nghìn kẻ quỵ lụy ông. Đến khi không còn “trên voi” nữa, mới chỉ “xuống la” (not “xuống chó” nhé) ông đã có nhiều hậm hực. Đây mới chỉ nghe, đọc nhận định của một số nhà nghiên cứu, vài nhà văn thôi, không chính thức nhưng mà lôgíc.
Các nhà quân sự, các chính khách, các nghệ sĩ tuyên huấn cố gắng tạo nên những dòng thác người chảy theo chiều này, chiều kia. Nhưng họ coi con người cũng chỉ như quân cờ thôi. Mục đích và ý chí của họ mới là quan trọng. Nếu có nhìn thấy sự đau đớn, chết chóc của người khác, họ cũng chỉ mủi lòng thoáng chút và vẫn tiếp tục dấn quân vào, dù cho đó có là cái cối xay thịt!
Nhìn rừng không thấy cây giống như kiểu bay lượn trên không trung, chỉ  thấy bên dưới là một mầu xanh nhấp nhô, không biết rằng nhiều nhiều cây trong rừng đang bị sâu đục khoét, bị bệnh làm cho cỗi cằn… đang dần dần bị loại ra khỏi cuộc sống. Chỉ khi nào thấy từng mảng rừng bị tàn úa, có khi đã trụi lá thì họ mới hay biết. Nhưng hỡi ơi, khi đó muộn mất rồi.
Những người chăm chút cây rừng thì tiếng nói của họ không phát qua khỏi lùm cây. Chẳng ai thèm nghe họ. Các nghệ sĩ lo lắng, thương xót cho số phận con người cũng thế, tác phẩm của họ không được in, không được truyền bá. Bản thân họ cũng không thể có tiếng nói trong cộng đồng. Cuối cùng, cái cộng đồng mà từng thành viên trong đó không được quan tâm đúng cách, mỗi ngày một hư nát, bệnh hoại.

Thấy cây không thấy rừng thì không tìm ra được cái chung, cái phổ quát. Nhưng thấy rừng mà không thấy cây, về mặt xã hội, là một cái nhìn thiếu nhân bản, nhân văn!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Con cá dưới sông, công cua thầy cãi!


CÁC HỒNG VỆ BINH THỜI NAY

Ông tiến sĩ Thế Kỷ là quan chức trong ngành Văn hóa tư tưởng có lần lớn tiếng trên truyền hình quốc gia về các trang mạng cá nhân. Ông cho rằng các trang mạng ấy chỉ nên giới hạn ở các đề tài sở thích  ăn uống, tiêu dùng, sinh nhật, cưới hỏi v.v… Còn nói đến các vấn đề xã hội, động chạm đến người khác… thì phải rất thận trọng. Tất nhiên cứ theo ông thì hãy đánh vào các xác chết, những “bọn người xấu” kiểu như Đoàn Văn Vươn đã bị kết án, những quan chức đang ngồi sau song sắt hoặc như Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định (?), Lê Thị Công Nhân (?), các cựu sinh viên Uyên, Kha thôi. Còn thì luôn luôn ca ngợi Đảng ta anh minh, Bác Hồ vĩ đại, truyền thống của VN là chính nghĩa, hào hùng, nhân dân cần cù, dũng cảm, nhân nghĩa. Mỹ, ngụy ngày trước thì xấu xa, tàn bạo, ngày nay thì ngoan cố, cù nhầy, can thiệp thô bạo vào công việc nước khác.
Ôi dào, lòng vả cũng như lòng sung! Thời xưa dù dân có đói khổ cũng phải hát ca thiên hạ thái bình, dân chúng no đủ. Vì dưới ơn đức của Hoàng thượng thì sao dân chúng lại bị đói rách. Càng ngợi ca nhiều thì nô tài càng tài, càng nhiều bổng lộc. Thời nay liệu có khác không?
Vào các giờ giải lao, mình hay hỏi các cán bộ tuyên huấn có vị, có hàm, có danh, có chức. Xem ra chẳng ai trả lời được các câu hỏi của minh. Phần lớn cười trừ hoặc chặc lưỡi: trên bục phải thế chứ làm sao mà khác được!
Thế nhưng các vị này cho ra nhiều sản phẩm. Có sản phẩm ăn lương chỉ gào to trên các diễn đàn, các buổi học tập được bố trí chính thức. Ngoài bàn nhậu thì họ hì hì cười trừ, tự thưởng cho tài chém gió của mình. Chém gió chuyên nghiệp, hưởng lương kia mà? Còn thì không chối cãi được tính giả dối trong các bài diễn thuyết.
Cũng có sản phẩm không được hưởng lương, nhưng lại thấm nhuần các bài huấn thị, dạy bảo. Hạng sản phẩm này là các Hổng vệ binh loại I thời nay đang chém gió trên các diễn đàn mạng, không công khai tên tuổi của mình. Trường hợp công khai thì rất hy hữu,   Đông La là một thí dụ hiếm gặp. Dù sao cũng đáng tôn trọng.
Mình cũng không nhiều thời gian, khi tra cứu các vấn đề thì có đọc thấy Đông La, Thiếu Long texas và khá nhiều người khác trên các trang Vua làm báo, Nhân dân Việt Nam... Vua ở nước ta thời nay thì không làm báo đâu, chỉ có nô tài của Vua thì làm báo thôi. Còn “nhân dân Việt Nam” thì kinh thật! Những người chung quanh mình từ trình độ học vấn cấp hai cho đến các vị tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các ngành lý luận, văn hóa tư tưởng chẳng thấy ai có suy nghĩ như “nhân dân Việt Nam” cả, mặc dù họ cũng nói na ná thế. Nhưng họ nghĩ, họ nói thầm, nói nhỏ khác xa so với điều họ nói lớn. “Cống hiến” của các cán bộ lý luận cũng rất lớn. Họ xuất xưởng (từ cái phân xưởng nào không biết?) khá nhiều Hồng vệ binh loại I.
Những người “bất đồng chính kiến” có học cũng như các nhà báo làm công  tác tuyên truyền hưởng lương dù sao cũng giống nhau ở chỗ có cái “tone” vừa phải. Còn những người phản ứng lại chế độ bằng giọng chửi bậy, chửi thề nhưng không thể viết bài, ngại đọc dài thì có phong cách ngang tầm với các Hồng vệ binh. Các Hồng vệ binh cũng chửi rủa những người “bất đồng chính kiến” bằng giọng của những bà buôn cá, mặc dù biết  những người “bất đồng chính kiến” có tuổi đời hơn cả bố mình, có chuyên môn sâu mà cả họ nhà mình cũng không bằng. Hãi quá!
Chẳng hạn các nhà lý luận như GS. Nguyễn Đăng Mạnh, GS. Tương Lai có chương I của đời họ giống như chương I của Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ. Nhưng sự phản ứng của họ không bõ bèn gì so với phản ứng của Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ. Thế mà họ bị các Hồng vệ binh hậu thế chửi rủa, thóa mạ còn trên tài cả các nhà chửi học hạng I là Trần Mạnh Hảo, Trần Nghi Hoàng. Ơi ông Trần Mạnh Hảo tài danh một thuở. Ông ngoa ngắt có hạng, nhưng có khi nào ông dám chửi mắng người tầm tuổi cha chú mình theo kiểu: “Đất nước mày buồn nhưng đất nước bố mày vui” chưa? Đấy Hồng vệ binh Việt nam đấy. Họ chửi mắng sỉ nhục người lớn tuổi không khác nào các “nòng cốt” trong các cuộc đấu tố Cải cách ruộng đất trước đây. Chỉ có điều những “nòng cốt” cải cách ruộng đất là những người nông dân nghèo khổ, thất học. Còn Hồng vệ binh (ngoại trừ Đông La có thời nghèo khó, Đông La không sống bằng đặc quyền đặc lợi) thì chắc hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, không nghèo khó và được ăn học theo thầy, theo trường tử tế.

Hồng phúc của đất nước đâu rồi? Sao mà lắm Hồng vệ binh thế?


Kính thưa bác Nguyễn Văn Đại

Hôm nay rất tình cờ em được biết trang của bác, và biết tại đây em đã được bác phong làm Hồng vệ binh và được ví với “nòng cốt”trong các cuộc đấu tố Cải cách ruộng đất trước đây :-). Ngoài ra bác cũng xếp em vào nhóm "chửi học đời mới", trên tài cả Trần Mạnh Hảo, người đời thường gọi là Hảo Chí Phèo. Hihi, bác đánh giá em cao quá. Thực ra kiểu nói này thì các còm sỹ trái chiều trong blog em họ nói hoài, em chả mấy bận tâm. Họ bảo em là HVB, là “dư luận viên” thì em bảo họ là “rận viên”, họ nói em ăn lương để viết, em cũng bảo họ ăn lương để viết, hehe. Em cứ đốp chát thế để họ tắt đài kiểu nói đó cho nhanh, chứ thực ra cái cách nói qua nói lại thế thật chả có ý nghĩa gì, chỉ là cho vui.

Nhưng với bác thì khác, phải thưa chuyện đàng hoàng chứ không thể nói với kiểu “ba chớp ba nhoáng” như với mấy còm sỹ nói trên được. Bởi em thấy bác nói điều đó một cách nghiêm túc, em thấy bác là một người nghiêm túc và vì thế bác đáng được tôn trọng.

Thoạt đầu em chỉ định trao đổi với bác bằng một comment trong bài viết của bác thôi, nhưng xét thấy nội dung có lẽ sẽ hơi dài, nên em viết thành một entry luôn. Nhân tiện cũng là để giới thiệu blog của bác với những người có ghé qua blog em. Bởi lẽ, mặc dù bác rõ là không hài lòng về những gì em viết ở blog, nhưng em vẫn thấy blog của bác là một blog nên đọc. Giờ em xin đi vào nội dung chính.

Một ví dụ điển hình để bác đưa ra làm dẫn chứng cho những kết luận về em là “Đất nước mày buồn nhưng đất nước bố mày vui” (thừa chữ “đất”). Em chắc là bác muốn nói tới entry  “nước mày buồn nhưng nước bố mày vui”.

Thưa bác Đại, em hiểu rằng một câu văn, một bài viết sẽ nhận được những cảm nhận và phản ứng khác nhau từ những người đọc khác nhau, nên cảm nhận của bác như thế về những bài viết của em cũng không làm em ngạc nhiên.

Tương tự như vậy, với những câu “thơ” như thế này :

Bầy sói tru ý thức hệ lang băm …
… Xin cứ tự do bán lương tâm cho chó
Vãi linh hồn vào thùng rác nhân dân

bác có thể cho là “tone” vừa phải, nhưng em lại thấy nó là tận cùng của sự đểu giả, tráo trở của người viết ra chúng, em thấy nó hỗn hơn nhiều lần việc chửi 1 người tầm tuổi cha mình nhưng nhân cách tồi bác ạ. Có lẽ bác là người hơi mô phạm nên chú trọng về hình thức hơn nội dung, gặp phải ngôn từ tục tĩu một chút là bác thấy phản cảm và giảm mất phần nào sự công tâm khi đi vào nội dung chăng ?!

Trong bài bác có viết : “Tôi chỉ sợ quân đê tiện, bọn cơ hội: gió chiều nào che chiều ấy, còn chức còn quyền thì ngợi ca chế độ. Hết chức hết quyền thì phê phán hệ tư tưởng, chê bỏ đường hướng lãnh đạo, phê phán tệ hối lộ tham nhũng v.v…”. Không biết cái mà em gọi là sự đểu giả tráo trở ấy nó có trùng với cái “đê tiện” mà bác vừa đề cập không? Em nghĩ là có. Em hiểu cái “sợ” của bác ở đây đồng nghĩa với “ghê tởm”, chứ không phải “run sợ”. Ghê tởm, nhưng bác chẳng những không lên tiếng, mà có người lên tiếng trước chúng thì bác lại không hài lòng? Và dù là với “quân đê tiện” thì vẫn cần có sự tôn trọng hả bác? Em thấy hơi khó hiểu chỗ này.

Ngày em còn nhỏ tầm 10, 12 tuổi, trong xóm em ở có một sự việc rất ghê gớm xảy ra. Một ông già 70 thường dụ dỗ để sàm sỡ một bé gái lên 8. Ba mẹ cháu bé bắt quả tang, gọi người làm chứng và chửi ông ta một trận xối xả, còn ông ta thì van xin trối chết để khỏi bị kiện. Vì cháu bé chưa bị sao, và ông lão kia cũng đã già nên ba mẹ cháu cuối cùng cũng tha cho ông ta. Tuy nhiên sau đó cả xóm từ lớn đến bé nói đến ông ta đều gọi bằng “thằng”, “thằng già mắc dịch”, “thằng già dê” .... Ông ta đi ngang qua ai cũng bị nhổ nước bọt, hoặc bị chửi bóng chửi gió. Ví dụ không sát lắm, nhưng cái chính là từ đó em hiểu được một điều rằng tuổi tác không phải là yếu tố để có được sự tôn trọng ở người khác.

Hồng vệ binh chém gió trên mạng” được bác nhắc đến như một mối đe dọa với những ai đó, thực ra cũng chỉ là trong trận chiến chữ nghĩa, ngôn từ với mục tiêu cuối cùng là nhận thức thôi bác ạ. Những “kẻ bị đấu tố” chả ai bị chụp cái nia vào cổ rồi quay vòng tròn, cũng chả ai bị xử bắn, ngược lại họ còn nhơn nhơn, ngày càng hung hăng, bất chấp lý lẽ, giở đủ chiêu trò mà phổ biến là bịa đặt, ăn vạ và vu khống. Họ cũng đấu tố, kết tội không chỉ từng cá nhân cụ thể mà cả nền tảng xã hội đang cần sự ổn định, chứ đâu phải cúi đầu chịu trận đâu bác. Bác không cần phải quá lo lắng cho họ như thế.

Bác bảo “Các Hồng vệ binh cũng chửi rủa những người “bất đồng chính kiến” bằng giọng của những bà buôn cá, mặc dù biết những người “bất đồng chính kiến” có tuổi đời hơn cả bố mình, có chuyên môn sâu mà cả họ nhà mình cũng không bằng”. Chuyện giọng điệu và vấn đề tuổi tác thì em đã có nói ở trên rồi. Còn cái ý về chuyên môn sâu không hiểu bác đưa vào để làm gì. Vấn đề ở đây là “chính kiến” cơ mà bác. Còn chuyên môn sâu của em là … cờ tướng bác ạ, bác có dám chắc cả họ nhà ông Huệ Chi, hay Trần Mạnh Hảo có người chơi cờ tướng giỏi hơn em không? Hihi.

Em đánh giá cao bác ở nhận định Hồng vệ binh là “sản phẩm không được hưởng lương, nhưng lại thấm nhuần các bài huấn thị, dạy bảo”, bác đã đứng trên những kẻ hễ thấy người nói khác mình thì quy chụp là “dư luận viên”, là “bút nô”, bác hiểu được rằng có những ý kiến phản biện lại các nhà “bất đồng chính kiến” một cách tự phát, tự giác. Nhưng buộc lòng em phải đánh giá thấp bác khi bác nói họ “thấm nhuần các bài huấn thị, dạy bảo” với giọng có vẻ mỉa mai, có ý xem họ như những cái máy ghi âm rồi phát lại. Sao bác lại đánh giá thấp những Hồng vệ binh có chính kiến khác với các “nhà bất đồng chính kiến” vậy bác? Bác nghĩ sao nếu em cũng nói các nhà “bất đồng chính kiến” là sản phẩm của các bài huấn thị, dạy bảo từ những nguồn khác với nguồn của các Hồng vệ binh? Là em nói “nếu” thôi, chứ em thì chả bao giờ nói thế đâu. Em cho rằng điều quan trọng là chính kiến của họ sai-đúng thế nào chiếu theo chính kiến của em thôi. 

Ở trên bác đã biết có những người phản biện các nhà “bất đồng chính kiến” không vì ăn lương, nhưng ở dưới bác lại nói về họ với một ý có chút “họ hàng” với lương, là đoạn này : “Hồng vệ binh (ngoại trừ Đông La có thời nghèo khó, Đông La không sống bằng đặc quyền đặc lợi) thì chắc hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, không nghèo khó và được ăn học theo thầy, theo trường tử tế”. Thực ra điều đó nếu có cũng là hợp lý thôi. Ai nói gì cũng xuất phát từ lợi ích của người ta cả, trừ các bậc Thánh nhân và vĩ nhân. Nhưng nói “đặc quyền đặc lợi” thì lại không hẳn đúng. Xin nói để bác biết rằng bằng vào những gì bác Đông La kể về bác ấy thì em (chính xác là gia đình em) từng trải qua thời nghèo khó hơn cả bác Đông La, trừ phi bác ấy “kể khổ” chưa hết. Em cũng chưa từng và không có cơ hội để hưởng đặc quyền đặc lợi nào của chế độ này, trừ khi những chính sách đổi mới của nhà nước sau thời bao cấp đã cho em và nhiều người khác có cơ hội làm ăn phát đạt, đời sống khấm khá hơn cũng được xem là “đặc quyền đặc lợi” so với những người có cùng cơ hội đó nhưng khai thác kém hơn vì nhiều lý do. Bác có thể không tin điều đó, nhưng em nói thế để nhắn nhủ với bác một điều rằng khi tranh luận liên quan đến nhận thức thì đừng bao giờ đưa vấn đề “bổng lộc”, hay “đặc quyền đặc lợi” ra như là một động lực của người đối thoại. Bác thừa biết có nhiều kẻ vừa hưởng bổng lộc, hưởng đặc quyền đặc lợi của chế độ này mà vẫn ra rả chửi chế độ đấy thôi, cho nên nói như thế vừa võ đoán, vừa không làm sáng tỏ được gì thêm về mặt nhận thức cả.

Thưa bác Đạt, theo Wikipedia, Hồng Vệ Binh là các thanh thiếu niênTrung Quốc được giáo dục tôn sùng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông, bị Tứ nhân bang và Mao Trạch Đông sử dụng để thanh trừng bè phái, xúc phạm, đấu tốtra tấn, phá hoại và cướp đoạt tài sản, nhà cửa, bức tử, giết hại những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh và người dân tỏ ra thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với Mao Trạch Đông và phe trung thành với ông ta trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Như vậy dù là theo nghĩa bóng, là ví von thôi thì việc bác bảo em cùng một vài bloggers khác như bạn Thanh Tùng Nguyễn, bạn Thiếu Long Texas … là Hồng vệ binh thì đã thiếu chính xác lắm rồi, ít nhất là ở điểm chúng em không hại ai, không bị ai sử dụng cả, chúng em viết chỉ theo cảm xúc và nhận thức của chính mình. Những điểm khác biệt khác xin bác tự xem xét.

Tiện đây cũng mong bác xem lại chỗ bác xếp hai bạn Thanh Tung Nguyên với Thiếu Long Texas vào chung nhóm “chửi học đời mới” với em. Thôi thì em hay dùng từ tục tĩu, cách nói dân dã, tếu táo thì bị bác nói thế em đành phải chịu. Nhưng với hai bạn Thanh Tùng Nguyễn và bạn Thiếu Long Texas mà bác nói thế thì không đúng tẹo nào. Hai bạn đó viết bài rất hay, nghiêm túc và đầy tính trách nhiệm. Bạn Thanh Tùng Nguyễn đôi lúc còn dùng từ hơi mạnh, chứ bạn Thiếu Long Texas thì hết sức từ tốn, lý lẽ của các bạn ấy đưa ra rất thuyết phục, được nhiều người ngợi khen. Bạn Thiếu Long thậm chí còn không tán thành cách “chửi rận hơi dữ dội, gay gắt, hoặc như là vừa viết vừa cười châm biếm rận” (hình như bạn í đá xéo em hay sao ấy, hihi) và chủ trương cách vận động, cảm hóa tốt nhất là thuyết phục ôn hòa, đó là cách có hiệu quả nhất” cơ mà.

Về việc công khai hay không công khai danh tính của các blogger. Em không nghĩ việc này với bác cũng lại quan trọng đến thế. Điều quan trọng ở mỗi blog là nội dung của nó. Nếu có công khai mà toàn nói những điều xằng bậy, để bịa đặt, vu khống hại người thì có gì là hay ho. Còn không công khai mà nói điều hay lẽ phải thì cũng giống như một bài báo mà tác giả để bút danh thôi. Người ta chỉ quan tâm đến nội dung bài báo chứ đâu cần biết tác giả có bút danh kia là ai.Ngay lúc này đây khi đang thưa chuyện với bác, em cũng không hề bận tâm bác là ai, đang làm nghề gì, có học hàm, học vị, chức tước gì không. Em thưa chuyện hoàn toàn trên cơ sở những bài viết của bác, cái tên Nguyễn Văn Đại, cho dù không nhất thiết khác với tên thật thì với em vẫn chỉ như một bút danh mà thôi. Việc không công khai danh tính mà viết đàng hoàng còn thể hiện một điều là tác giả không cần sự nổi tiếng và thuyết phục người đọc bằng chính bài viết chứ cần hỗ trợ bởi danh tiếng, học hàm, học vị. Như em đây, có vài người nói em viết blog phê phán những người “nổi tiếng” để nổi tiếng theo, nhưng có ai biết Hòa Bình là ai đâu, vậy thì nổi tiếng để làm gì? Lúc đầu em không công khai danh tính chủ yếu để chọc vào cái tính tò mò của mọi người cho vui thôi, nay có thêm chuyện “viết để nổi tiếng” này nữa, đã thế em càng không công khai, hehe.

Bác kết thúc bài viết bằng một câu ta thán tưởng chừng thấu tận trời xanh : "Hồng phúc của đất nước đâu rồi? Sao mà lắm Hồng vệ binh thế?". Hehe, Hòa Bình, Thanh Tùng Nguyễn, Thiếu Long Texas ... là những phần tử nguy hiểm cho đất nước Việt Nam ta vậy sao?

Bác thử đặt vấn đề lại như thế này xem sao nhé : nếu cứ để cho các nhà “bất đồng chính kiến” như Sàm Chi Diện Lập Chênh Đằng Thụy Gió … mặc sức đấu tố mà không ai lên tiếng thì mọi sự sẽ ra sao? Em lại thấy lúc này đặt câu hỏi :  "Hồng phúc của đất nước đâu rồi?" mới là phù hợp bác ạ.  

Cuối cùng, dù sao bài viết này của bác cũng khiến em phải suy nghĩ, rằng có lẽ em nên cẩn trọng hơn, tiết chế hơn để tránh gây khó chịu cho người đọc, nhất là cho những người đồng tình với nội dung mà thấy phản cảm về hình thức diễn đạt. Nhưng thú thật với bác là nghĩ vậy chứ không biết em có làm được vậy không vì tính em vừa nóng vừa tếu, mà tếu quá, nóng quá thì đôi khi hay bị quá đà. Vì thế nên em không dám hứa. Có gì mong bác và mọi người bỏ quá cho. Hihi.

Nay kính bác.