Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Trích TT:

....Anh chạy. Ngã rồi lại dậy. Lại chạy, cho đến khi vấp phải cái bừa ai đó dựng đầu bờ ruộng, đầu đạp vào cán bừa đau điếng. Cú va đập ấy làm anh tỉnh lại. Tũn thấy mình vô lý khi phía sau chẳng có ai đuổi mình. Anh thấy nhớ đến công việc mình đang phải làm và ân hận.
Ngày mai, ngày kia nếu ai đó biết chuyện này mình sẽ ra sao? Người ta sẽ lại cười vào mũi mình. Cái thân xác vạm vỡ, gồ gề luôn làm cái cớ để kẻ khác trêu trọc sẽ có thêm chuyện này.
Những kẻ xấu bụng sẽ đồn vống lên. Rằng Tũn sợ ma, chạy đái cả ra quần.. Nhưng cái đó không đáng sợ bằng con vợ tướng khí đàn ông cứ choang choác xỉa xói mỗi lúc ngồi vào mâm.
Tũn thấy tốt nhất là nên quay trở lại. Ma, nếu là có thật thì đâu đã làm được gì mình? Có gì đáng sợ kia chứ?
Đứng suy nghĩ một lúc, Tũn vén quần lên, đái vào lòng bàn tay, xoa lên đầu, lên mặt. Đây là cách đối phó với ma từ hồi bà cụ còng bán quán ngoài bến sông còn sống truyền cho. Bà cụ bảo ma sợ nhất cứt lợn, thứ hai là nước đát. Ma ác đến đâu gặp hai thứ này cũng phải cắm cổ bỏ chạy!
Quả nhiên Tũn thấy bình tĩnh trở lại, tự tin vào bản thân hơn. Anh dò đường quay trở lại.
Phía đằng đình bấy giờ đèn đuốc sáng choang. Tiếng người hô hoán, la hét rượt đuổi vang động góc trời.
Tũn chột dạ nhận ra chỗ ấy chính là nơi anh vừa bỏ chạy đến đây.
Không kịp suy nghĩ nhiều, anh cắm cổ chạy ngược trở lại.
Lúc Tũn gần đến nơi, có tiếng quát:
- Ai? Đứng lại, không tôi bắn!
Tũn khựng lại sau tiếng quát đó. Không chủ ý, hai tay tự dưng đưa cao lên trời như kiểu giơ tay hàng.
- Nhà anh kia! Đi đâu để phạm trốn?
Tũn cứng lưỡi không nói được câu nào, chỉ ụ ợ trong cổ họng.
Một người quát:
- Đưa luôn nó lại chỗ hai thằng kia. Chắc nó ăn tiền của bọn phản động, đánh tháo cho bọn Việt gian, phản động đây!
Tũn thực sự chưa hiểu duyên cớ ra làm sao?
       Vốn dĩ anh chậm hiểu từ bé, việc này càng khó hiểu là đương nhiên. Cho đến lúc này Tũn vẫn chưa biết đã xảy ra chuyện gì?
Người ta đẩy Tũn vào góc đình. Đã có hai anh em thằng câm ngồi thu lu ở đó. Ngay bên cạnh nó là mảnh buồm cũ màu trăng trắng. Y như cái màu Tũn nhìn thấy tưởng ma gần cây mít sau đình.
Chả nhẽ hình người đu đưa lại chính là miếng buồm cũ này? Chẳng nhẽ anh em thằng câm bày ra cái trò quái quỷ, chết người này?
Tũn nghe rõ người ta nói với nhau rằng có hai kẻ bị giam ở đây vừa bỏ trốn. Hẳn là có tay trong làm nội ứng chúng mới được cởi trói, thoát ra ngoài cánh đồng.
Lực lượng dân quân đang được huy động lùng bắt. Không biết có bắt lại được chúng không?
 Tũn bàng hoàng lo sợ. Dù có chậm hiểu hay đần độn đến đâu, anh cũng biết hậu quả của chuyện này. Bởi chính anh được cắt cử canh gác. Giờ can phạm trốn mất rồi, cái tội của anh đã rõ ràng!
Không thể nói sợ ma bỏ chạy để xảy ra chuyện này. Càng không thể nói mình vẫn đứng gác ở đây mà không biết gì. Nói thế thì súng đâu? Đèn đâu? Khi hai thứ đó chưa kịp tìm lại, mình đã bị giữ ở đây?
Tội to rồi, không phải chơi!
Tũn định quay sang hỏi anh em thằng câm, nhưng lại nhớ là chúng không nói được, tay đang bị trói không thể ra hiệu, có hỏi cũng bằng thừa!
 Không biết vì quá sợ hay quá buồn, hai dòng nước mắt cứ ầng ậc tứa ra..

Cả bác Hai Hìu lẫn bố tôi không ai biết vì sao đêm hôm đó anh em thằng câm liều thân cứu mình?
Vì thỉnh thoảng cho nó vài đồng tiền, bát gạo hay chữa bệnh sâu quảng ăn chân khỏi cho bố nó? Hay vì chẳng biết gì, nghịch dại? Đã câm hẳn là phải điếc. Câm điếc thì không ai bắt bẻ được tội gì!
Về sau bố tôi kể, cả hai anh em nó chỉ bị giam mấy ngày rồi được thả. Anh cu Tũn cũng chẳng làm sao. Người ta chỉ khai trừ anh ra khỏi đội du kích. Thế lại nhàn. Anh lại quay về đánh gốc bốc chà, đào ao bổ củi. Rượu say rồi hát ngêu ngao. Chị vợ chán, ra xã làm đơn tuyệt tình. Chị công tác mỗi ngày mỗi tiến bộ.Về sau được điều lên huyện làm cán bộ phụ nữ.
Sự đời được cái nọ mất cái kia. Bỏ mất anh chồng khờ lại có tí danh. Chị ít khi về làng. Chỉ khi nào có họp hành dưới xã chị bần cùng mới về.
Có gặp anh cu Tũn cũng như người không quen biết. Sau này chị lấy một ông người Quảng Nam, Quảng Ngãi gì đấy tập kết. Ông này tôi có gặp một đôi lần. Tiếng nằng nặng, khó nghe.
Nếu không được anh em thằng câm giải thoát đêm hôm đấy, chả biết bố tôi và bác Hai Hìu sẽ ra sao vào cái thời quá là kinh, khủng khiếp ấy?

Thoát được ra ngoài, hai người cứ dọc sông đi ngược lên miền thượng du. Bác Hai Hìu nhờ cậy được người quen làm cho cái giấy thông hành, thứ giấy mà đi bất cứ đâu cũng không sợ ai hỏi. May mà thời đấy công văn giấy tờ còn quá khó khăn, thiếu thốn và thường rất chậm. Không có lệnh truy nã rắc rối như thời bây giờ. Điện tín, điện thoại cũng chẳng có nốt. Nhà chức trách thôi thì thây kệ, chả ai truy sát nữa làm gì!
Bác Hai Hìu biết nghề đóng cối xay. Hai người sắm bộ cưa, đục, chút dăm cối, sống bằng nghề này, nay đây mai đó.
Lúc có lệnh sửa sai, bố tôi và bác Hai Hìu đẫ lênh đênh lên mãi trên Phong Thổ, Lai Châu.
Gặp được người quen báo cho biết tin, cả hai mới quay về. Bố tôi lại bốc thuốc, coi nhà cho mẹ tôi chợ búa. Còn bác Hai Hìu lại về huyện. Cán bộ vừa là nghiệp vừa là nghề của bác ấy. Có tự ái cũng không được. Mà tự ái với ai?
Bố tôi bảo thế, rồi mủm mỉm cười!

( Còn nữa..)








Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nếu không thể trở thành thi sĩ, hãy là bài thơ.

If you cannot be a poet, be the poem. 
David Carradine
carradine-in-kung-fu2
Tài tử David Carradine (1936-2009) trong phim Kung Fu


Nếu không thể trở thành thi sĩ, hãy là bài thơ. Câu nói của David Carradine đã mở ra một chân trời rộng cho người thưởng ngoạn và đời sống như thơ. Chính bản thân của thi sĩ cũng là người thưởng ngoạn. Đối với thi sĩ, câu nói của Carradine có thể hiểu rằng, những lúc không làm thơ, hãy là bài thơ.
Nói một cách khác, thưởng ngoạn thơ là một cách sống yêu chuộng cái đẹp đa dạng đang hiện diện trên mặt cũng như ẩn dưới lòng sâu của cuộc đời. Làm thơ là một cách sống với cái đẹp đa dạng nhưng đam mê đi tìm cái đẹp duy nhất và tinh ròng dù chưa hề thấy nhưng biết nó hiện hữu và không bao giờ đến được nơi đó.
Nếu bản chất hoặc số mệnh của một người là thi sĩ thì sức hút của thơ cũng giống như hấp lực của tình yêu sẽ lôi cuốn con người đang lớn lên này, dang tay ôm lấy tình nhân cho dù nhân quả ra sao. Rồi điều khó hiểu nhất là tình nhân lại không phải là tình yêu.
Bất cứ một người nào đều có thể là người thưởng ngoạn thơ và đem cái đẹp, cái thơ (không phải là thi ca) vào đời sống hàng ngày. Ít đẹp nhiều đẹp, thơ cao thơ thấp, là tùy vào duyên sống và trình độ thu thập.
Lúc còn học lớp nhì, lớp nhất trường tiểu học Giu Se ở Xóm Mới Nha Trang, tôi thường lang thang những ngày cuối tuần, đi sâu vào sau lưng nhà thờ Qui Hải. Lúc bây giờ, nhà thờ này là điểm cuối của đường cái Nguyễn Hoàng. Tiếp theo là vài đường con, chạy xa lắc về những chốn thôn quê. Dọc con đường đất có nhiều hoa cỏ dại, hoa Trang, hoa Mồng Gà, hoa Vạn Thọ, hoa Lài, hoa Lý . . . và trên hàng rào có đủ hoa Kèn, hoa Bông Giấy, hoa Sứ, hoa Dâm Bụt, hoa Bìm, hoa Bầu, hoa Bí, hoa Ti Gôn, hoa Tường Vi . . . Tôi thường dừng chân trước nhiều loại hoa để ngắm nghía cách tạo dựng của thiên nhiên và màu sắc buồn vui của hoa. Cảm giác lạ lùng, tò mò, thán phục về hoa mãi mãi là cảm nghiệm về tài năng sáng tạo của thiêng liêng. Dấu ấn mạnh nhất trong tôi là hoa Cứt Chó. Không biết có phải là hoa Cứt Lợn không? Tôi không rõ. Nghe người xóm gọi tên Cứt Chó, tôi rất hiếu kỳ để ngắm nghía. Gọi là cứt nhưng không có mùi. Bụi hoa dại thấp. Cao nhất là đến vai cậu bé. Hoa màu xanh dương lợt có xen lẫn màu trắng, mọc chùm. Bẻ chảy nhiều mủ trắng đục. Lạ lùng nhất là trong nhụy hoa: năm con chó ngồi vòng tròn, chụm mặt vào nhau, xoay lưng ra ngoài. Nhìn thấy mỗi con có hai tai, cái lưng và cái đuôi cong lên của con chó lông xù. Sao không gọi là hoa Ngũ Cẩu, hoa Năm Chó mà gọi là Cứt Chó?
Những thao thức vụn vặt của thời niên thiếu đã có một hôm đưa trung niên trở về. Đường Nguyễn Hoàng thay tên, kéo dài mút chỉ, đi bộ không hết. Những con đường nhỏ biến dạng, mập mạp, phấn son. Không còn biết đâu là Lài là Lý là Trang là Vạn Thọ là Sứ là Dâm Bụt . . . Hoa Cứt Chó biến mất, cứt chó thì nhiều.
Đứng giữa cảnh ngổn ngang xe cộ, còi kèn dọa nhau, người hò kẻ hét . . . tưng bừng phố chợ, cái gọi là tang điền bể dâu nào có ăn thua gì. Cảm giác lạc lõng, một chút bỡ ngỡ, một chút bùi ngùi, một chút chấp nhận, một chút xâu xé, trung niên tận hưởng cơn mưa rào kéo qua. Nhanh mà đủ ướt nhẹp quần áo. Tôi chợt hiểu ra cái đẹp của sự đổi thay, cái hay của qui luật thiên nhiên. Cái đẹp xưa phải ra đi, không phải vì hết đẹp. Cái đẹp nay phải đến, không phải là không đẹp. Chẳng đẹp nào đẹp hơn đẹp nào. Cái đẹp đã định phải theo cái đẹp đổi thay để trở thành cái đẹp xác định. Đổi thay là thời gian. Đẹp xưa của người này là đẹp mới của người kia hoặc ngược lại. Tùy vào vị trí của người đó trong thời gian. Còn không gian thì sao? Hoa Cứt Chó không tìm thấy ở vùng nhiệt đới Costa Rica mà chỉ thấy hoa Cứt Chuột, một chùm tim tím, đen đen. Đẹp ở nơi này, đẹp ở nơi kia, chưa thấy, làm sao biết. Đố các nhà trồng hoa chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ biết được hoa Cứt Chó?
Thơ đã dẫn tôi vào thú vị với cuộc đời. Gặp cái đẹp đa dạng của đời thì thơ không còn nữa. Như một người bạn thiếu thời đã dẫn tôi đến gặp em trên Đà lạt năm Đệ Tứ. Sau đó, bạn tôi đi đâu? Về đâu? Thỉnh thoảng gặp nhau, đôi khi nghe tin nhau. Nhưng em đã là vợ của tôi 37 năm rồi. Thưởng ngoạn thơ là để thơ giới thiệu, dẫn đưa hồn người đến cái đẹp, cái hay. Khác với mỹ nhân, gặp cái đẹp từ thơ, thích cái nào thì cặp cái đó. Yêu quá thì cưới bao nhiêu cũng được. Không có giới hạn. Không bị ghen tuông. Không bị nguyền rủa. Đặc biệt là li dị lúc nào cũng không bị oán hận, không bị chê bai.
- Đó là vì sao “hãy là bài thơ”.
- Thưa, chưa được rõ lắm. Cách trình bày của nghệ thuật tuy hay mà mơ màng. Thiếu căn bản xác thực của khoa lý luận.
Thôi thì bắt đầu bằng luận lý toán triết học, phương pháp lý luận của các triết gia và các nhà toán học. Nếu đã là A thì không thể là B, không là C, không là D . . . Nếu đã là nghệ thuật thì không thể là khoa học, không là việc làm, không là giao tế, không là . . . E, không là F . . . Nhưng nếu A = X + Y + Z còn B = X thì A = + Y + Z. Nếu C = Y thì A = + Z . . . Nếu A là nghệ thuật, thì rõ ràng con người đã có: Nghệ thuật khoa học, nghệ thuật giao tế, nghệ thuật làm việc, nghệ thuật Kama Sutra, nghệ thuật giải phẫu, nghệ thuật . . . cuối cùng là nghệ thuật sống đẹp. Chẳng phải nhà văn Trung quốc Lâm Ngữ Đường đã ca tụng đẹp là một cách sống?
Bản thân của thơ cưu mang nhiều cấp bậc và trình độ nghệ thuật và tri thức khác nhau. Từ trình độ bình dân lên đến trình độ bác học. Bất cứ ở cấp bậc văn hóa, văn chương nào, cũng có thơ tương ứng. Nói một cách khác, thơ có khả năng rộng lớn chia sẻ với người đọc đủ hạng đủ loại đủ tầng lớp.
Như bữa cơm, có người ăn cơm với canh rau đã thấy ngon. Có người ăn cơm với sơn hào hải vị mới thấy ngon. Ăn món ăn rẻ tiền cũng ngon. Ăn món đắt tiền cũng ngon. Tựu trung là cơm cộng với . . . ? Còn khẩu vị thì tùy mỗi người. Thơ mang cơm tới còn những món đẹp khác sẽ được cộng hưởng để đời sống là những bài thơ hoặc là một trường ca thú vị.
Thưởng ngoạn thơ là dễ nhất vì thơ ở đâu cũng có. Trong báo chí, sách vở, trên internet, gần kề và thuận tiện. Không phải đi bảo tàng viện, phòng trưng bày. Không phải mua vé tốn tiền. Không cần phải sắp đặt trước nhiều thời giờ . . . Và người thưởng ngoạn thơ thông thái là người biết quên thơ, chỉ giữa cái đẹp, cái hay để mang vào đời sống hàng ngày. Nói chung, nếu có thể dùng nghệ thuật như một phương tiện thu hút Đẹp và Hay để sử dụng trong thực tế là một cách sống đẹp. Đó cũng là một lý do mà chúng ta thấy được sự khác biệt của người sống chung quanh. Cùng một ngôi nhà, người chủ ở trước trông rất đẹp, mỹ nghệ cao. Trong khi người mua lại, dọn vào trang trí quê mùa và bừa bãi. Cùng là người đẹp, sao có người hợp thời trang, có người càng làm đẹp trông càng sến. Trình độ thẩm mỹ do đâu mà có?
Có thể nói rằng cái Đẹp và cái Hay trong lòng của mỗi người sẽ hiện ra trong quan niệm, tiêu chuẩn và khả năng làm đẹp làm hay trong hành vi hoặc công việc hàng ngày của họ. Nếu là người nghệ sĩ, có thể nhìn vào những đẹp những hay trong đời sống của họ như nhìn một “nghệ bản,” thì có thể biết được trình độ và bản lãnh nghệ thuật của họ ở mức độ nào.
Nhưng nếu đã làm được thi sĩ thì có cần là bài thơ không?
Câu trả lời này thuộc về vế trước, tức là “If you cannot be a poet.”
Cách sống đẹp hay là phần thưởng cho người nghệ sĩ. Cho dù có sáng tác hay không thì cuộc sống thú vị như một bài thơ hay là điều mong ước. Vì mỗi nghệ sĩ đều là người thưởng ngoạn, e rằng còn bị đòi hỏi cao cấp hơn, kỹ lưỡng hơn, thâm thúy hơn, thường xuyên hơn là người không nghệ sĩ.
Người nghệ sĩ tiếp xúc, cận kề, thao thức, yêu mến nghệ thuật do đó họ thể hiện cái đẹp cái hay vào đời sống như một bài thơ khác hơn người thưởng ngoạn bình thường. Đời sống như thơ của họ cần phải nhìn từ một góc độ “khác thường” hơn. Thơ chỉ là một trong nhiều con đường sáng tác dẫn đưa nghệ sĩ đến giá trị của hành trạng sống. Đời sống như tranh họa đẹp cho họa sĩ. Đời sống như bức tượng đẹp cho nghệ sĩ tạo hình. Đẹp như tấm ảnh chụp cho nhiếp ảnh gia. Đẹp như . . . tác phẩm của người sáng tạo. Những đời sống này chỉ đúng cho những nghệ sĩ thật.
Nhận định này đưa ra một câu hỏi liên hệ:
- Có nghệ sĩ giả sao?
- Dù biết hay không biết; dù tự biết hay cảm nhận mơ hồ, có những người nghệ sĩ không thật.
- Không thật ở đây có nghĩa nào? Hoặc là tác phẩm không thật? Hoặc là tâm sự và ý thức của tác giả không thật khi sáng tác tác phẩm?
Hai phần nêu trên đều thứ yếu. Thật hay không thật ở đây, chủ yếu là phần tâm lý. Có thể gọi là tâm lý sáng tác. Qua mấu chốt này, phân tích và phê bình có thể nhìn thấy rõ hơn những tác phẩm, những chi tiết trong tác phẩm; những bài thơ, những câu thơ trống rỗng và kêu to, phát ngôn cho những giá trị khác không phải là nghệ thuật.
Khi một người vợ nghi ngờ lòng chung thủy của chồng, hỏi rằng: Anh có phản bội em không? Hoặc, anh có yêu ai khác không? . . . Một trăm người chồng, sẽ có 99 câu trả lời rằng: KHÔNG. Câu trả lời này không mấy liên quan đến lòng chung thủy mà tương quan mật hệ với sự lợi hại sau khi trả lời.
Về một người nhận CÓ, hoặc anh ta thuộc về nhóm người hiếm hoi bảo vệ sự thật hoặc anh ta đang muốn xác nhận con đường để cao bay xa chạy về một chân trời mới. 99 người KHÔNG, có lẽ theo chủ thuyết tâm lý phụ nữ: Nếu nói CÓ, có thể được tha thứ (forgive) nhưng án tội này sẽ không bao giờ được xóa bỏ (forget). Khi trời trở, khi giông bão, bản án này sẽ được tái xử và người chồng thất thế này mãi mãi mang tội treo, không phải là tội đồ thiên cổ mà là tội nhân tình sự. Nếu nói rằng KHÔNG, sẽ bị nghi ngờ. Khi bị nghi ngờ, quyền lợi dành cho người bị tình nghi (benefit of doubt). Câu chuyện tiếp theo không quan trọng cho nội dung bài viết. Câu hỏi cần thiết là chuyện này liên quan gì đến thơ, nói riêng và nghệ thuật, nói chung?
Như một người yêu vợ, yêu chồng, người làm thơ vì yêu thơ nhưng thường “không thật” với thơ. Rất nhiều bài thơ ra đời không vì giá trị nghệ thuật hoặc giá trị nhân sinh mà vì những lợi ích khác. Một trong những lợi ích có hấp lực mạnh chính là danh tiếng.
Trước khi bước lên con đường say mê một người khác, ít ai cho rằng mình không chung thủy. Đặt câu hỏi lúc này sẽ có nhiều câu trả lợi biện bác cho lợi ích của tình ái bên lề. Hãy đợi sau khi có chiến lợi phẩm, có bằng cớ rồi hãy hỏi. Miễn là chiến lợi phẩm đừng quá lớn. Hãy đợi sau khi làm xong bài thơ. Từ chứng cớ này, hãy tự hỏi mình, có nhu cầu để viết bài này không? Có đạt đủ mức độ nghệ thuật diễn đạt không? Nhu cầu ở đây không phải là điều gì hệ trọng, lớn lao, có khi chỉ là một nỗi buồn lan man. Nếu không hội đủ hai đòi hỏi này, hãy tự hủy bỏ bài thơ. Nếu không thật sự có nhu cầu yêu và sống với người tình khác, nếu không có đủ điều kiện “nghệ thuật, kỹ thuật” với người mới để làm đẹp cuộc đời thì hãy nhanh chóng hủy bỏ và quay về. Ta về ta tắm ao ta, nhờ em lượng thứ, ao nhà dễ bơi.
Cho dù đã có nhiều lần tôi tự trả lời nhưng hình như chưa thỏa mãn. Vì đâu thiên nhiên lại tạo ra năm con chó ngồi quanh bàn tròn trong một nhụy hoa? Ngẫu nhiên chăng? Hoặc sắp xếp một thông điệp gì? Bao nhiêu năm tôi vẫn không quên năm con chó ngồi chấu mặt vào nhau, xoay lưng ra ngoài, đuôi cong lên, năm cái đầu đội một chiếc mâm năm cạnh. Trên mặt mâm, năm chấm đen rải ra năm góc. Tôi tạm cho là năm cái ly. Đều đặn và như tượng có công phu điêu khắc. Có người cho rằng thiên nhiên là một nghệ sĩ tài ba, quả không sai.
Nhưng năm con chó bị nhốt vào nhụy hoa và năm con chó chạy nhảy, tung tăng, sủa lớn, cảnh ngộ nào hay hơn? Phải chăng đây là một câu hỏi của sáng tác?
Nghệ thuật khởi thủy phát xuất từ thiên nhiên. Bước đầu tiên là bắt chước thiên nhiên. Bước thứ hai là phối hợp thiên nhiên. Bước thứ ba, áp dụng những qui tắc đã khám phá từ thiên nhiên. Bước tiếp theo chưa phải là bước cuối là sử dụng tùy nghi những gì đã thu thập từ cái đẹp của thiên nhiên để biến thành cái đẹp của cá tính.
Nghệ sĩ giả chỉ biết chép lại sẽ khó mà nghĩ ra phương pháp nhốt năm con chó vào nhụy hoa. Nghệ sĩ bảo thủ sẽ cho năm con chó ngồi đội mâm một cách hoàn hảo theo qui tắc học hỏi từ thiên nhiên. Nghệ sĩ đương đại sẽ cho năm con chó chạy nhảy tùy nghi trong nhụy hoa.
Nếu không quan tâm đến người không phải là nghệ sĩ, để xác định là nhân vật thật hay nhân vật giả, thì đa số người làm nghệ thuật, dọc đường sáng tác có lúc là nghệ sĩ thật, có lúc là nghệ sĩ không thật, có lúc là nghệ sĩ giả. Vì vậy, những lúc không là thi sĩ thật, hãy  bài thơ hay, đời sẽ thú vị hơn. If you cannot be a real poet, be the good poem. 
 



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Triết lý…quả mít




Nhiều gai không có mũi nhọn. Ảnh: Internet
Trong một comment, anh Hồ Thơm trích báo cáo chính trị  nói tràng giang đại hải các ưu tiên “Đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất.”

Đọc xong đoạn trên, đố bạn đọc tìm ra tác giả nói về ưu tiên nào là hàng đầu. Chỉ biết chữ XHCN nhắc lại tới 3 lần trong 1 câu.

Một độc giả có nick Dân Gian bình loạn, cái gì cũng là mũi nhọn, hóa ra là quả mít.
Vì khó đạt được tất cả mọi thứ một lúc, các nước phương tây thường đặt ra vài ba ưu tiên và cố đạt bằng được. Đầu óc thực tế rất quan trọng trong phát triển.
Tháng 3 (19-3), cựu Thủ tướng Tony Blair đến Hà Nội trong vòng 16 tiếng. Người ta không rõ Tony bàn gì với Thủ tướng NT Dũng vì báo chí không đưa rõ. Nhưng có thể đoán, phát triển giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của cựu thủ tướng Anh.
Tháng 5, Tony lại đến WB nói chuyện, đưa ra lời khuyên đơn giản “y tế, giáo dục và hạ tầng” rất quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia.
Giáo sư Michael Dukakis – cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, cựu Thống đốc bang Massachusetts, và hiện là Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston, chia sẻ nhiều kinh nghiệm về giải pháp điều hành của nhà lãnh đạo để phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Giáo sư cũng cho rằng, có hai trụ cột quan trọng tạo nên sự thành công của bang Masachusetts, đó là đầu tư cho hạ tầng và đầu tư cho giáo dục.
“Xét về mặt chính trị, tôi đã phải đưa ra một số quyết định rất khó khăn. Nhưng một trong những điểm sáng quan trọng nhất để có thể vực dậy nền kinh tế của bang Massachusetts, cũng như việc “biến” Massachusetts thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học của Mỹ, đó chính là nhờ vào hệ thống các trường đại học, cao đẳng”- GS  Michael Dukakis nhấn mạnh.
Cả hai chính khách nổi tiếng này đều nói về giáo dục – hạ tầng về tri thức và giao thông, và kiến trúc đô thị, nền tảng cho phát triển. Ngành này hỗ trợ cho ngành kia, kiềng ba chân bao giờ cũng vững.
Ai từng đến London của Tony Blair và Boston của Michael Dudakis sẽ thừa nhận hai ông này rất có lý khi khuyên bảo các nước nghèo như vậy.
Không đủ nhân lực, vật lực, tiền của như nước mình thì cũng nên tập trung vài mũi nhọn, liệu cơm mà gắp mắm.
Ví dụ, nông nghiệp là mũi nhọn của nước mình. Năm 1986, sau vài năm chia ruộng đất cho nông dân, VN từ một quốc gia nhập khẩu gạo, thành nước xuất khẩu. Mấy năm trước có bàn về IT cũng là thế mạnh.
Bàn mãi bàn mãi, cuối cùng IT chẳng đến đâu. Lúa gạo cũng xuất kha khá nhất nhì thế giới, nhưng được đồng nào, đem nướng vào Vinashin, Vinalines, Bauxite và hàng trăm công trình “thế kỷ” trong 1000 năm Thăng Long, chỉ vì chiến lược “cái gì cũng một tý” như báo cáo Chính trị nói trên.
Cho đến giờ, tôi vẫn nghĩ Nông nghiệp và Tin học là ngành mũi nhọn của nước mình. Trong vài entry tới, Hang Cua sẽ cùng các bạn đọc bàn về vấn đề này đến nơi đến chốn. Bạn đọc nào có cao kiến, xin gửi bài về Hang Cua để chúng ta bàn thử xem sao.
Trái mít trong Paris Deli (HN). Ảnh: HM
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay. Ảnh chụp ở quán Paris Deli (HN): HM
Mấy tuần qua, liên tục có các chuyến thăm của các quan chức cao cấp đi Trung Quốc, đến Mỹ, sang Thái, rồi Indonesia … Chỗ nào cũng là đối tác chiến lược, đa phương hóa, đa diện hóa. Quốc tế chẳng hiểu VN là bạn thân nhất của nước nào.
Làm ăn trong hội nhập phải có sự tin cậy nhất định, quan hệ lâu dài theo kiểu đồng minh, win-win cùng chiến thắng. Sao không chọn lấy vài người bạn hay đồng minh mũi nhọn cho chắc ăn, ai cũng chiến lược, cuối cùng chẳng có ai đến thực tâm với mình.
Nghĩ đi nghĩ lại, thấy chiến lược phát triển và ngoại giao nhà mình sao mà giống quả mít, chỗ nào cũng mũi nhọn.
Nhớ câu thơ của Hồ Xuân Hương
Thân em như quả mít trên cây 
Da nó xù xì, múi nó dầy 
Quân tử có thương thì đóng cọc, 
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay
Thương thì thương cho chót, đóng phát cọc cho chắc mà làm ăn, lo phát triển cho mạnh lên đã.
Cử lửng lơ con cá vàng, sờ soạng bên ngoài quả mít, nhựa dính chỉ tổ bẩn tay.
HM. 12-04-2013


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thằng Phẹt nói: Không có lá cải, có lá ngón - Đúng sai tùy bạn đọc!


THỜI BÁO LÁ NGÓN



Chào các tình yêu, bọn con bò. Lốc photphet.info đã đóng, đương nhiên rồi. Đóng cũng là để mở ra thôi. Anh mở ra một cuộc chơi mới ở tầm tinh túy và hào hoa hơn, đó là THỜI BÁO LÁ NGÓN - THE LANGON TIMES.

Photphet.info là của anh, nó mang tính cá nhân, còn THỜI BÁO LÁ NGÓN - THE LANGON TIMES là trang của đại chúng, hay chính xác hơn là trang của các tình yêu, bọn con bò. Tất nhiên anh là người khởi xướng cuộc chơi thì phải nắm quyền...chủ bút. Tổng biên tập nghe nó cách mạng và đéo nhân văn nên anh dí dái ưa dùng.

Vì là cái chuồng chung cho lũ con bò, các tình yêu của anh nên chúng mày phải toàn tâm, tử tế và hết sức có trách nhiệm với những gì anh nêu ra dưới đây.

1- Sứ mệnh - Giáo chã, chăn bò. Đương nhiên.
2- Triết lý - Cái đcm hehe.
3- Tầm nhìn - Xuyên háng.
4- Mục tiêu - Sánh ngang với Nĩu - ước thời báo hoặc Điện tín Hoa Thịnh Đốn.
5- Các cái tào lao xịt bộp khác...Nhớn nhao nhất vẫn là - An-nam không có lá cải, nhưng chúng ta có...LÁ NGÓN.

Mọi ý tưởng, trương mục anh đã có. Và trong khi chờ con Gà mái con, quản trị thời báo này đoạt tên, chiếm họ và thiết kế đề - co, anh đưa tin này lên. Mưu cầu;

1- Bọn con bò, các tình yêu của anh thảo luận và cho thêm ý kiến. Mọi nhẽ...
2- Bọn có khả năng biên lách thì theo đó mà hãy tập tành  câu chữ nhằm phụng sự cho cuộc chơi chung mang tính đại chúng.
3- Bọn đéo biết làm gì, trừ hóng thì kin kín cái mồm.
4- Bọn lãnh tụ đàn bò chả có lý do đéo gì để phá đám cuộc chơi.

Mọi nhẽ, đại khái thế.

Anh bận rộn nhưng vẫn đau đáu sự nghiệp chăn bò giáo chã. Ngặt nỗi sức anh có hạn, nên thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào sự kéo cày, tháo ách của lũ con bò, các tình yêu của anh.

Mọi đóng góp anh đều trân quý và nghi nhận. Hợp lý sẽ sửa đổi nếu tốt hơn so với trù liệu ban đầu của anh. Và nếu không gì thay đổi, THỜI BÁO LÁ NGÓN - THE LANGON TIMES sẽ tưng bừng ra mắt nhằm ngày 17/07/2013 Tây lịch.

Xin chào các tình yêu, bọn con bò. Và hẹn gặp lại.

Cẩn báo.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đọc cho biết:

Làn sóng phi Stalin hóa

thứ ba ở Nga

The Third Wave of Russian De-Stalinization, MASHA LIPMAN, Foreign Policy
Hiếu Tân dịch.
Russian De-Stalinization
Phải chăng Kremlin cuối cùng đã thừa nhận lịch sử đen tối của nó?
Tội ác Katyn[1] phạm theo lệnh trực tiếp của Stalin và những nhà lãnh đạo khác của Liên xô”
Dòng trên đây, từ một tuyên bố chính thức phát đi từ Nghị viện Nga ngày 26 tháng 11, đánh dấu một bước đột phá quan trọng. Cuộc hành hình khoảng 22.000 người Ba lan năm 1940 bởi an ninh Liên xô có thể là một sự kiện lịch sử được ghi lại đầy đủ và biết đến rộng rãi, nhưng đây là lần đầu tiên viện Duma chính thức thừa nhận rằng Stalin và chính phủ của ông ta phạm tội tàn sát này. Và Tổng thống Nga Medvedev nay cũng vào cuộc, nói với truyền thông Ba lan trước một cuộc viếng thăm Warsaw tháng này rằng “Stalin và tay sai của ông ta phải chịu trách nhiệm về tội ác này.”
Hai tuyên bố chính thức trên đây là những ví dụ gần đây nhất về chuyển biến đáng ngạc nhiên của chính phủ Nga: Dưới thời Vladimir Putin, lập trường của điện Kremlin về Stalin khá lắm là lẩn tránh, dẫn đến việc từ từ khôi phục lại tiếng tăm của Stalin vào đầu những năm 2000. Nhưng trong năm qua chính phủ Nga đã bắt tay vào một vòng mới những lời lẽ hùng hồn và những sáng kiến chống Stalin, công khai thừa nhận một số tội ác của Liên xô “bị lãng quên” mà trước đây được tiết lộ vào thời Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin.
Cái dường như là động cơ thúc đẩy chiến dịch phi Stalin hóa hiện nay trước hết là sự xích lại gần với Phương Tây, là nơi đang thôi thúc Nga thừa nhận một số tội ác của chế độ toàn trị Xô viết. Nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là sự thay đổi trong chính sách ngoại giao sẽ đi kèm với quá trình tự do hóa chính trị trong nước; cách nào đó, trật tự chính trị hiện hành ở bên trong nước Nga không khác mấy với thời dưới chế độ Stalin. Nước Nga, dù có tệ sùng bái Stalin hay không, vẫn nằm trong truyền thống lâu dài hàng thế kỷ cho phép những lãnh đạo chóp bu của nó độc quyền quyết định, coi sự thống trị của nhà nước trên xã hội là điều thiêng liêng, và dựa vào cảnh sát an ninh nhà nước như một công cụ chủ yếu để cai trị.
Tuy nhiên, chiến dịch chống Stalin mới này là thật, và đã phát triển lên từ cuối năm 2009, khi vào ngày 30 tháng Mười – ngày truyền thống của Nga kỷ niệm những nạn nhân của sự đàn áp Xô viết – Medvedev đưa lên một videoblog lên án “những tội ác của Stalin” bằng những thuật ngữ khá xác đáng và than rằng công chúng ít được biết về điều khủng khiếp mà ông nhắc đến như “một trong những thảm kịch lớn nhất trong lịch sử nước Nga.”
Rồi đến tháng Hai 2010, Putin mời người đồng cấp của ông là Donald Tusk sang thăm Katyn đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 70 cuộc thảm sát đó. Trong diễn văn ở Katyn ngày 7 tháng Tư, Putin nói: “những cuộc đàn áp chà nát nhân dân bất kể quốc tịch nào, tôn giáo nào, hay tín ngưỡng nào..Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng những gì chúng ta có thể làm là giữ gìn hay khôi phục lại sự thật và điều này có nghĩa là khôi phục lại sự công bằng lịch sử.”
Chỉ ba ngày sau, tổng thống Ba lan Lech Kaczynski và gần 100 quan chức Ba lan khác bị chết trong một vụ tai nạn máy bay thảm khốc trên đường bay đến lễ kỷ niệm Katyn. Lãnh đạo Nga bày tỏ đồng cảm sâu sắc với Ba lan và làm hết sức để giúp đỡ các gia đình nạn nhân. Katyn, một bộ phim Ba lan về vụ thảm sát đó về cơ bản đã bị chặn không cho phân phối ở Nga, và được chiếu hai lần trong khoảng một tuần, kể cả trên hai kênh truyền hình lớn nhất do nhà nước quản lý. Cơ quan lưu trữ quốc gia Nga đưa lên website của họ những hồ sơ lưu về vụ thảm sát. Sau đó, vào tháng Năm và tháng Mười, Nga trao cho các quan chức Ba lan một phần những hồ sơ Katyn từ một cuộc điều tra của công tố quân đội; cuộc điều tra đã hoàn thành vào năm 2004, nhưng việc chuyển giao bị hoãn lại với những cái cớ gượng gạo.
Tháng Năm, Kremlin hủy bỏ một kế hoạch của chính quyền thành phố Moscow định trang hoàng Moscow bằng những hình ảnh của Stalin nhân dịp kỷ niệm lần thứ 65 chiến thắng phát xít Đức. Medvedev đã giải thích tại sao trong cuộc trả lời phỏng vấn của Izvestia, trong đó ông nói rằng “đánh giá của nhà nước” về Stalin là ông ta đã “phạm nhiều tội ác chống nhân dân mình. Và mặc dầu đất nước giành được thắng lợi dưới sự lãnh đạo của ông, những gì ông ta đã làm chống lại nhân dân là không thể tha thứ.”
Mùa thu này, một phiên bản phỏng theo Quần đảo ngục tù (Gulag Archipelago) của Aleksandr Solzhenitsyn được xuất bản theo điều được báo cáo là sáng kiến cá nhân của Putin; sau cuộc tiếp kiến của ông với bà quả phụ Solzhenitsyn vào năm ngoái để thảo luận làm cách nào tốt nhất để giảng dạy thiên sử thi bốn tập của chồng bà về sự đàn áp cộng sản.
Và mới chỉ gần đây thôi, Mikhail Fedotov, chủ tịch hội đồng của tổng thống về nhân quyền và xã hội công dân đã tuyên bố rằng hội đồng đã chọn phi Stalin hóa là một trong những chủ đề hàng đầu của nó. Đầu năm ngoái các thành viên hội đồng này mong muốn trình lên tổng thống những đề nghị của họ về một chương trình của chính phủ nhằm giải thoát cho nước Nga khỏi di sản Stalin. Chương trình bao gồm những đánh giá về mặt luật pháp và chính trị chủ nghĩa Stalin, và tưởng nhớ những nạn nhân của chế độ toàn trị. Thậm chí họ đã hợp sức trên dự án Hiệp hội Tưởng niệm, một tổ chức phi chính phủ kỳ cựu nghiên cứu chủ nghĩa Stalin và tưởng niệm các nạn nhân của nó./.
2
Sau cái chết của Stalin, năm 1956 Nikita Khrushchev tìm cách tháo gỡ ách thống trị kinh hoàng khiến cho mọi người, từ người dân thường đến giới chính khách tinh hoa, sống trong nỗi lo sợ thường trực bị bắt và bị khép vào các tội chính trị. Chiến dịch của ông tập trung vào việc lên án Stalin (một số trong những tên đao phủ ghê tởm nhất của ông ta đã bị truy tố) tố cáo việc đàn áp vô pháp luật và phục hồi cho những nạn nhân vô tội. Mặc dầu ông không động đến cội rễ của chủ nghĩa toàn trị cộng sản, các thành viên khác của bộ máy lãnh đạo ngày càng lo ngại rằng sự sốt sắng chống Stalin của ông đe dọa phá hủy chế độ chính trị Xô viết. Chẳng bao lâu Khrushchev bị lật đổ, và chiến dịch chống Stalin của ông nhanh chóng bị che đậy. Giới lãnh đạo Liên xô hậu-Khruschev ngừng việc lên án Stalin nhưng cũng không giải tội cho ông ta. Tên của Stalin chỉ đơn giản bị xóa khỏi diễn ngôn chính thức. Một chút ít đóng góp quý báu của xã hội cho chiến dịch phi Stalin hóa dù trong nghệ thuật, văn chương hay tư tưởng xã hội, bị bịt miệng hoặc phải rút vào bí mật.
Chiến dịch phi Stalin hóa lần thứ hai là một phần của công cuộc cải tổ (perestroika) của Mikhail Gorbachev nhằm tái cấu trúc nhà nước Xô viết. Vào cuối những năm 1980, perestroika phát triển sâu rộng, lôi cuốn một khối cử tri lớn và cuối cùng dẫn đến sự suy sụp của chủ nghĩa cộng sản và tan rã Liên Xô. Dưới thời tổng thống Nga Boris Yeltsin, người dần dần trở nên ghét cay ghét đắng đảng cộng sản, diễn ngôn chính trị và lịch sử tràn ngập hùng biện chống cộng, việc lên án Stalin và những kẻ chủ chốt của chế độ cộng sản bạo ngược diễn ra như một sự đương nhiên. Nước Nga hậu-Sô viêt hoàn toàn vứt bỏ hệ thống toàn trị và áp dụng một cách hình thức mô hình Phương Tây về điều hành xã hội bằng một tập hợp hoàn chỉnh các thiết chế dân chủ.
Nhưng mô hình này không duy trì được lâu. Trong thời kỳ làm tổng thống của mình, Putin thực tế đã đưa trở lại và củng cố lại mô hình cai trị tập quyền và độc quyền truyền thống, về thực chất hầu như tước mất sự tham gia của công chúng vào chính trị và lập chính sách. Sự trở lại của quyền lực nhà nước vô hạn độ này và việc dựa vào cơ quan an ninh trong nước như một cây cột trụ của nhà nước, tuyên truyền mập mờ ủng hộ Stalin, là những gì một lần nữa đưa Stalin trở lại vị trí nổi bật trong nước Nga của Putin – lần này, hình ảnh Stalin như là hiện thân của nhà nước đứng ở đỉnh cao quyền lực của nó, cũng quan trọng như là lãnh tụ Liên xô đã đánh bại phát xít Đức. Với nước Nga không còn là một siêu cường nữa, Stalin nhất thời có ích như một biểu tượng bù trừ cho một đất nước đang phải chịu hội chứng thất thế. Dưới thời Putin, bộ máy quan liêu ngày càng lẩn tránh và mơ hồ về những vấn đề khủng bố của Stalin, và những cuộc thảo luận công khai về di sản Stalin bị đẩy ra bên lề.
Nhưng nếu diễn ngôn chống Stalin bị đẩy ra ngoài lề, thì nó vẫn chưa bị cấm đoán. Không giống như Liên xô, nước Nga ngày nay là một mảnh đất rộng lớn của tự do phát biểu. Quần đảo ngục tù và những tác phẩm văn chương khác, hư cấu và không hư cấu, về nạn khủng bố Stalin dễ dàng tìm thấy trong các hiệu sách và các thư viện, những nghiên cứu chuyên sâu không bị hạn chế. Môi trường dưới thời Putin có thể là xấu cho những tổ chức như Hiệp hội Tưởng niệm, nhưng hiệp hội này cũng như nhiều chi nhánh của nó ở các địa phương đã tiếp tục những cố gắng để kỷ niệm và nghiên cứu. Truyền thông phi chính phủ đã công bố và quảng bá một số lớn tài liệu, có cả những loạt bài kéo dài cả năm về gulag (hệ thống các trại tập trung thời Stalin). Ngay cả các kênh truyền hình do nhà nước quản lý cũng đã chiếu những tác phẩm dựa trên tiểu thuyết của Solzhenitsyn, Varlam Shalamov, và các phóng viên thời sự khác về sự khủng khiếp của nạn đàn áp của Stalin.
Đồng thời vẫn không thiếu các ấn phẩm và các tiết mục truyền hình ca ngợi Stalin và thời đại ông ta; rõ ràng là, những dự án như thế được khuyến khích bởi lập trường nước đôi của nhà nước, và tính nước đôi này được khuyến khích bởi chính Putin.
Ngày 30 tháng Mười, 2007, Putin đến thăm Butovo, địa điểm xảy ra cuộc hành hình tập thể hơn 20.000 người bị giết trong cao trào khủng bố của Stalin trong các năm 1937, 1938.
“Điên rồ” ông nói, người ta thấy ông run lên. “Thật không thể tin được. Tại sao [họ đã giết]?…Chúng ta cần làm mọi việc để những thảm kịch như thế này không bao giờ rơi vào quên lãng. Hàng trăm ngàn, hàng triệu người đã bị tiêu diệt, bị đẩy đến các trại tập trung, bị bắn chết, bị tra tấn.”
Nhưng không đầy hai tháng sau, Putin chào mừng kỷ niệm lần thứ 90 của FSB, cục an ninh liên bang Nga. Các sĩ quan và các cựu binh FSB ngày nay không một chút rụt rè e ngại tự gọi bản thân họ là những chekisty, những kẻ kế tục của CheKa xưa, lực lượng trừng phạt tàn nhẫn được nhà nước Bolchevik thời kỳ đầu giao phó tiêu diệt các kẻ thù giai cấp. Trong dịp lễ kỉ niệm lớn tại điện Kremlin do Putin chủ trì, tất nhiên sẽ là không đúng chỗ nếu nhớ đến “những thảm kịch không bao giờ nên quên lãng” mà Putin đã nói trong bài diễn văn xúc động tại Butovo. Và tất nhiên ông ta cũng không hề nhắc đến những thập kỷ khi công an mật Liên xô đích thị là những thủ phạm của những cuộc khủng bố quy mô lớn, như những cuộc hành hình ở Butovo hay cuộc thảm sát ở Katyn. Ông cũng không hề nhớ đến những thập kỷ sau đó khi kẻ kế tục nó, KGB, khủng bố những nhà bất đồng chính kiến và nhốt họ trong những trại tập trung và các bệnh viện tâm thần – chính những năm mà bản thân Putin là một sĩ quan KGB./.
3
Điều mà Putin chọn để nhớ thay vào đó, là cái mà ông mô tả là “những trang anh hùng trong lịch sử của lực lượng đặc biệt của chúng ta.” Trụ sở của FSB ngày nay vẫn đặt tại tòa nhà Lubyanka nơi các tiền nhiệm thời Liên xô sử dụng và tầng hầm của nó là nơi tra tấn và hành hình.
Tính nước đôi ở thượng đỉnh trùng hợp với sự chia rẽ trong nhận thức của công chúng về Stalin. Nhân dân Nga nói chung biết tương đối rõ về nạn khủng bố Stalin và quy mô của nó, đa số người Nga ước lượng đúng số lượng những nạn nhân vô tội lên đến hàng triệu. Trong một cuộc điều tra ý kiến năm 2007, khi được yêu cầu đánh giá những sự kiện năm 1937, 1938, 72 phần trăm người Nga mô tả chúng như “những tội ác chính trị không thể bào chữa được.” Trong diễn ngôn thông thường con số “37” ám chỉ sự bức hại man rợ và vo pháp luật.
Vẫn còn một thiểu số đáng kể ngưỡng mộ Stalin. Khoảng một phần ba số người có xu hướng nghĩ về ông ta như “một lãnh tụ khôn ngoan đã dẫn dắt Liên xô thành một cường quốc giàu mạnh.” Trong một cuộc điều tra ý kiến tiến hành đầu năm nay, 32 phần trăm số người Nga được hỏi đã nhất trí với đánh giá Stalin như một tội phạm, nhưng khoảng một nửa từ chối coi ông ta như thế.
Tại sao lại có những hoài niệm dai dẳng hay ít nhất là thông cảm, đối với một người có thể được coi là một trong những quái vật lớn nhất trong lịch sử? Nhận thức về Stalin có liên hệ nhiều với bản chất nhà nước Nga hơn là với kẻ bạo chúa thực. Ông ta được coi là một mẫu mực của quyền lực nhà nước, một biểu tượng hơn là một nhân vật lịch sử. Và do thiếu những biểu tượng mới, hậu – cộng sản, của nhà nước Nga, Stalin vẫn còn quan trọng đối với các lãnh đạo, cho dù có đôi lúc họ lên án ông về những cuộc đàn áp trong quá khứ.
Cả hai cố gắng phi Stalin hóa trước đây được nói cho nhân dân nói chung, nhằm lay động họ và động viên họ thông qua một diễn ngôn cải cách. Cả hai báo hiệu những chuyển biến chính trị lớn. Chiến dịch phi Stalin hóa hiện nay của chính phủ mở ra một môi trường tự do hơn về cơ bản. Giàn lãnh đạo ngày nay không tìm cách áp đặt một cách nghĩ “đúng đắn”: diễn ngôn chống Stalin không bị buộc phải bí mật, và người ta được tự do như thế bày tỏ các quan điệm ủng hộ Stalin. Và những vận động và hùng biện chống Stalin không tìm cách kích động hay động viên nhân dân. Đúng hơn, chúng có thể được coi như một phần của chính sách đối ngoại thực tế và xích lại gần hơn với phương Tây, nó bao hàm ở một mức độ nhất định sự phù hợp với quan điểm của phương Tây về chế độ toàn trị Xô viết và các chính sách đối nội và đối ngoại của nó.
Tuy nhiên, dù chiến dịch phi Stalin hóa hiện nay có động cơ gì, thì sự chính thức công nhận những tội ác của Stalin chắc chắn là một bước tiến tích cực. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho những cố gắng của các tổ chức xã hội và các nhà hoạt động như Hội Tưởng niệm và nhiều hội khác, đã nhiều năm theo đuổi sự nghiệp phi Stalin hóa. Nó có thể định hướng cho những người Nga, đặc biệt alf giới trẻ, những người chưa đủ dứt khoát đứng về bên này hay bên kia. Quả thật, những cuộc điều tra ý kiến cho thấy sự thờ ơ đối với vấn đề Stalin ngày càng tăng trong mấy năm gần đây.
Nhưng sự quan tâm của chính phủ trong cuộc phi Stalin hóa hiện nay là không đủ. Khi những lãnh đạo cao nhất của nước Nga quỳ ở Katyn để tưởng nhớ những người bị chế độ Stalin sát hại, hay khi họ gọi ông ta là tội phạm, họ vẫn còn lo lắng để đừng phá hỏng đi chức năng biểu tượng của Stalin, và, với ý nghĩa đó, đừng làm hại đến sự độc chiếm quyền lực của chính họ. Họ cũng không muốn sự phi Stalin hóa làm tổn hại đến các cơ quan an ninh nhà nước, vốn được hưởng sự miễn tội tuyệt đối ở Nga và đã là nguồn chủ yếu cung cấp các quan chức cao cấp nhất của chính phủ trong những năm Putin nắm quyền. Ngay cả Medvedev (mặc dầu ông không giống Putin, không có nền tảng cá nhân trong KGB) chúc mừng theo nghĩa vụ FSB trong dịp lễ đặc biệt vào những ngày 20 tháng Mười Hai, cả năm 2008 và 2009. Và có vẻ chắc chắn năm nay ông sẽ làm lại như thế.
Đối với nước Nga để cắt đứt thật sự với di sản Stalin, giải phóng cho nghị lực của công chúng, tăng trưởng, phát triển và hiện đại hóa, cần nhiều hơn là nhận thức về các tội ác của Stalin. Công cuộc phi Stalin hóa thật sự không cần gì hơn là vứt bỏ cái khái niệm truyền thống của Nga về nhà nước, và chấm dứt sự miễn trừ chính trị và lịch sử của an ninh nhà nước, sáng tạo lại tính cách quốc gia Nga. Cho đến nay, trong chương trình chưa có điều này./.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Anh ngắm cũng không chán, cứ gì Kim!


Mỹ nhân mà Kim Jong Il "ngắm mãi không chán"

Mỹ nhân này có gương mặt rất trong sáng và nụ cười tỏa nắng, càng nhìn càng thấy bị thu hút. Chính vì thế mà khi gặp Jung Mi Hyang, ông Kim Jong Il từng thốt lên rằng "đúng là nhan sắc ngắm mãi không chán"
Tứ đại mỹ nhân Triều Tiên: Người đẹp mà Kim Jong Il 'ngắm mãi không chán'
Tứ đại mỹ nhân Triều Tiên: Người đẹp mà Kim Jong Il 'ngắm mãi không chán'
Tứ đại mỹ nhân Triều Tiên: Người đẹp mà Kim Jong Il 'ngắm mãi không chán'
Tứ đại mỹ nhân Triều Tiên: Người đẹp mà Kim Jong Il 'ngắm mãi không chán'
Tứ đại mỹ nhân Triều Tiên: Người đẹp mà Kim Jong Il 'ngắm mãi không chán'
Tứ đại mỹ nhân Triều Tiên: Người đẹp mà Kim Jong Il 'ngắm mãi không chán'
Tứ đại mỹ nhân Triều Tiên: Người đẹp mà Kim Jong Il 'ngắm mãi không chán'
Tứ đại mỹ nhân Triều Tiên: Người đẹp mà Kim Jong Il 'ngắm mãi không chán'

Mỹ nhân mà Kim Jong Il "ngắm không chán" là ai?

Cô gái được mệnh danh là "Mỹ nữ quốc dân" này là người đẹp được chính cố lãnh tụ Kim Jong Il chọn lựa làm đội trưởng của tất cả các đội cổ vũ thể thao ở Triều Tiên.

Tứ đại mỹ nhân Triều Tiên: Người đẹp mà Kim Jong Il 'ngắm mãi không chán'
 
Người ta có thể thấy cô xuất hiện ở trung tâm các sự kiện có sự tham gia của đoàn thể thao Triều Tiên. Mỹ nhân này có gương mặt rất trong sáng và nụ cười tỏa nắng, càng nhìn càng thấy bị thu hút. Chính vì thế mà khi gặp Jung Mi Hyang, ông Kim Jong Il từng thốt lên rằng "đúng là nhan sắc ngắm mãi không chán".
Ở World Cup 2010 tổ chức ở Nam Phi, Jung Mi Hyang là nhân vật chính trên khán đài nơi có hẳn một "đội quân mỹ nhân" đi theo cổ vũ cho đội tuyển Triều Tiên. Mỗi sự kiện thể thao lớn quốc tế, Triều Tiên luôn phái đội cổ vũ có khi lên tới hàng trăm người để khích lệ tinh thần vận động viên.
Để được trở thành một thành viên đội cổ vũ Triều Tiên, trước hết các cô gái phải có lý lịch trong sạch, gia đình cách mạng và học ở các trường nổi tiếng tại Bình Nhưỡng. Chiều cao tất cả đều phải trên 1m65, khuôn mặt ưa nhìn, không được có sẹo hay thậm chí nốt ruồi.
Các cô gái được huấn luyện khép kín hàng tháng trời, và trong thời gian đó được chăm sóc đặc biệt để ngoại hình càng rạng rỡ.
Ngoài nhan sắc, yêu cầu quan trọng nhất đối với các mỹ nhân như Jung Mi Hyang là phải biết kín miệng. Mỗi lần đi theo các đội cổ vũ, họ phải tuyệt đối im lặng trước báo giới quốc tế, và khi trở về cũng không được kể lại những gì mình đã thấy ở nước ngoài.
Cũng chính vì vậy, chỉ có rất ít thông tin về người đẹp được mệnh danh "Đại sứ hình ảnh Triều Tiên" này lọt ra ngoài.
Theo Sohanews

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trích TT:


Tiếng súng nổ chát chúa đập vào đêm tối như bưng. Tiếng hô hoán àm ĩ bên ngoài. Đèn đuốc sáng rực hắt qua ô cửa nhỏ sát trần nhà. Cả phòng tôi nhốn nháo không biết đang xảy ra chuyện gì?
Tiếng ổ khóa mở lách cách. Tôi bị chói mắt khi cánh cửa phòng bất chợt mở ra bởi ánh đèn măng sông. Định thần, tôi nhìn thấy lố nhố những bóng người đeo súng, cầm mã tấu bước vào. Người ta bắt chúng tôi đứng dậy, quay mặt vào tường. Điểm danh.Từng người đứng ra xếp thành một hàng dọc. “Đủ”. Một người cao lớn nói như vậy. Cửa lại đóng như cũ.
Gian phòng trở nên im ắng lạ thường. Một ai đó nói trong bóng tối có thể sắn ra được:
- Chắc có người bỏ trốn?
Không ai nói gì. Dù sao đó cũng chỉ là lời phỏng đoán. Người hỏi cũng như người nghe tất cả đều mù tịt. Nào ai biết chuyện gì? Sáng hôm sau mới vỡ lẽ tối hôm đó có người bỏ trốn. Hai người chạy được còn tất cả đều bị bắt trở lại. Ngày mai phiên tòa sẽ được mở ngoài sân đình, nơi có cái kỳ đài mới làm tôi nhìn thấy hôm mới về..

16.
Về sau bố tôi kể lại câu chuyện, hầu hết người ngoài cuộc đều không tin. Người ta cho rằng một người cù mì như bố tôi, cả đời tay quen bốc thuốc ít khi phải làm việc nặng, chưa từng qua cảnh ba đào lại có khả năng đào tẩu ở một nơi giam cầm như thế. Ông không chỉ thoát một mình, còn giải thoát cho một người nữa cùng phòng giam với mình. Người này là cán bộ kháng chiến thời bí mật, một “huyện ủy viên”. Không biết kẻ đấu tố nào đã báo cáo lên trên ông ta là thành phần phản cách mạng, tay chân “Quốc Dân Đảng”chui vào hàng ngũ của ta? Cha tôi và ông ấy là phần tử nguy hiểm nên bị giam riêng một nơi. Đó là gian nhà có hàng cột gỗ đỡ xà mái, phía bên trong. Hai người không những bị nhốt, còn bị trói hai tay vòng phía sau cột mỗi buổi tối. Có lẽ người ta sợ hai người bỏ trốn nên mới buộc cẩn thận như vậy. Bên ngoài cửa khóa, kê một chiếc ghế băng dài cho dân quân thay nhau ngồi gác suốt đêm.
Phiên gác đêm hôm đó là anh cu Tũn người xóm Sen. Anh này ăn khỏe, làm tài chỉ mỗi tội nhát ma, ở nhà chuyên bị vợ bắt nạt.
Chị vợ hồi còn làm ở nhà tôi biết, cao lớn như hộ pháp, nói giọng ồm ồm như đàn ông. Chị có chân trong ban cải cách hồi đó. Anh cu Tũn vốn sợ tối, ít khi ra khỏi nhà khi màn đêm buông xuống.
Cực chẳng đã, vì giữ thể diện cho vợ mới ôm súng ngồi đây.
Thành phần cốt cán, không đảm đương nhiệm vụ này thì ai làm? Chị vợ nói thế sau khi quệt quết trầu tứa ra hai bên mép, mắt nhìn như đóng đinh vào người chồng.
“Làm gì có ma nào? Thời dân chủ này còn nói chuyện ma mãnh người ta cười cho. Mình cứ cố gắng, trên sẽ cất nhắc, nay mai mình lên làm cán bộ!” Chị nói vậy sau khi bàn giao cho anh cu canh gác cha tôi. Chị còn cẩn thận treo thêm cây đèn ba dây dưới mái hiên cho anh đỡ sợ.
Anh Tũn thấy sự cũng thường, bớt lo lắng. Đời anh đánh gốc bốc chà anh chả coi là cái đinh gì. Cả đám gốc tre to bằng cái nia, anh quai búa một buổi, là tan. Đất đấu bằng nửa cái hòm anh lên vai như bẫng, đâu có là cái gì?
Nhưng mà sao cái việc canh gác chẳng nặng nhọc gì, anh lại thấy nặng nề, bứt dứt khó chịu như thế?
Anh chỉ mơ hồ nó là việc gì đó không phải. Đúng sai anh chưa tự giải thích được rành rẽ như vợ mình.
“Đánh đổ giai cấp địa chủ bóc lột, giành lại cơm no áo ấm, ruộng đất cho dân nghèo”, dĩ nhiên là việc chính đáng quá đi rồi, có việc gì phải bàn?
       Nhưng buộc phải quay mặt như không hề quen biết, thậm chí phải lạnh nhạt, phải làm ác hoặc cố làm ra vẻ ác với người từng cưu mang giúp đỡ mình, anh cứ thấy bứt dứt ra làm sao?
Lần anh bị rắn cắn, nếu không có cha tôi lấy thuốc anh đã chết ngẻo tự bao giờ rồi. lại còn lần năm đói ngã người.. Chính mẹ tôi mang đến nhà cho vợ chồng anh mấy đấu gạo.
Con anh nghịch lửa cháy nhà, bố tôi cho người mang tre, mang rạ đến giúp lợp lại chỗ chui ra chui vào.. Bây giờ muối mặt như thế này, dù có chậm hiểu, gỗ đá đến đâu cũng thấy áy náy trong lòng!
 Cường hào ác bá ở đâu không nói, ở làng Xốm này hình như có điều không ổn. Dưng mà trên đã quy định thế rồi, cứ theo tỷ lệ mà làm. Người như anh cũng chỉ biết lấn cấn trong đầu như thế chứ ai dám nói ra?
Cái thân hình kềnh cang như anh Tũn ngồi dáng nào cũng khó. Bộ quần áo gụ rung rúc chỉ rình đứt chỉ, nứt ra. Anh co chân, anh ruỗi chân, tư thế nào cũng chẳng được lâu. Chán.
Anh khoác súng lên vai đi đi lại lại. Có lẽ như thế này ổn hơn?  Anh tự an ủi mình như thế, cố cho hết phiên trực của mình.
Chốc nữa là đến phiên người khác, Tũn sẽ đi như chạy, chui vào căn nhà tối thui, hôi rình và quen thuộc của mình, quờ tay ôm vợ, ôm con..
Hình như có tiếng động, cành cây gẫy ai đó vừa dẫm lên?
         Anh với tay lấy cây đèn quang ba dây treo ở đầu kèo xuống soi đường đi ra phía có tiếng động vừa rồi.
Bất chợt có làn gió nhẹ từ phía sau lưng thổi tới. Tũn quay lại theo phản xạ tự nhiên. Anh chưa kịp nhìn thấy gì thì cây đèn ba dây bốc hỏa. Ánh lửa đỏ đục màu cà chua cuồn cuộn phía bên trong thông phong đèn một lúc, đèn phụt tắt.
Tũn luống cuống chưa biết xử trí ra sao? Diêm bật lửa là thứ của hiếm thời anh đang đứng gác. Là thứ hàng hóa hiếm, nếu không nói là xa xỉ đối với nhiều người. Anh nào khá mới có cái bật lửa in hình chiếc xe tăng từ thời Bảo Đại, hoặc bao diêm in hình con chim hòa bình.
Những người thường như anh chả bao giờ có được những thứ quý giá đó. Ở nhà cứ đến bữa thổi cơm là con anh lại lấy mảnh dẻ rách quấn lại thành cái bùi nhùi sang hàng xóm xin lửa, nếu như lửa úm mùn trong bếp bị tắt.
Ban đêm phải khêu nhỏ ngọn đèn Hoa Kỳ bằng hạt đỗ. Hoặc phải lấy dây vải tết lại, kiểu dây cháy chậm để giữ lửa.
Mỗi lần lấy lửa như thế thật cực kỳ vất vả. Thổi mỏi cả mồm, rát cả họng, bùi nhùi mới chịu cháy cho!
Bây giờ, ở đây, kể cả những thứ quái quỷ ấy cũng chẳng lấy đâu ra!
Anh sợ đêm tối như người ta sợ rắn độc, sợ hố sâu. Một thứ sợ hãi định mệnh có từ tiền kiếp. Sợ mà không hiểu vì sao phải sợ? Đã vậy, nó lại xảy ra ngay vào lúc này. Lúc anh đang mang trên vai trách nhiệm được giao phó quá nặng nề!
Anh định mò đi vòng qua dãy cây mít um tùm sang phía bên kia đầu đình. Nơi ấy có một tổ khác đang trực gác ở đấy, gần ngay chỗ người ta tạm thời nhốt giữ tôi.
Bất chợt Tũn thấy trước mặt có vật gì trăng trắng đu đưa. Hình như có người treo cổ  hay là một con ma nào đó đang leo trèo lên ngọn cây. Tũn đứng sững lại. Mồ hôi anh túa ra lạnh hết sống lưng. Hai chân như chì đổ lỗ không nhấc lên được.
Tũn cố sức định thần, vật trăng trắng lại càng đung đưa. Nó như mỗi lúc tiến lại phía anh mỗi lúc một gần. Anh không nhớ mình nghĩ gì lúc ấy, không chủ định,quăng cả đèn, cả súng, cắm đầu chạy thục mạng ra phía cánh đồng. Nơi nước sau mấy trận mưa mênh mang, trắng xóa.


( Còn nữa..)


Phần nhận xét hiển thị trên trang