Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

Một số băn khoăn xung quanh vụ án Hồ Duy Hải

Một số băn khoăn xung quanh vụ án Hồ Duy Hải
(PL)- Suy đoán có tội là vi hiến và trái với nguyên tắc cơ bản của BLHS và BLTTHS nước ta.
LTS: Phán quyết giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải mới đây đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, về nhiều vấn đề liên quan đến tố tụng hình sự.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư - đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa về những vấn đề còn có cách hiểu khác nhau này.
Luật sư - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa cho rằng quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ Hồ Duy Hải đang gây ra sự lo ngạirộng rãi trong công luận.
Bản chất của vụ án không thể tồn tại ngoài chứng cứ
Phóng viên: Thưa ông, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã biểu quyết và 17/17 vị thẩm phán đã thống nhất vụ án Hồ Duy Hải đã có những sai sót về tố tụng nhưng những sai sót đó không thay đổi bản chất vụ án?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, trong một vụ án, nhất là vụ án phức tạp, phải có chứng cứ đầy đủ, gián tiếp và trực tiếp, không tranh cãi được, hay theo luật hình sự nhiều nước là “không còn một chút nghi ngờ hợp lý nào” (beyond a reasonable doubt) thì mới kết luận được bản chất vụ án. Bản chất của vụ án không thể có trước chứng cứ, tồn tại ngoài chứng cứ.
Nếu chứng cứ vừa thiếu, vừa yếu, vừa sai (thể hiện qua quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao và ý kiến của Ủy ban Tư pháp) thì phải tìm hiểu để làm rõ bản chất vụ án là thế nào. Nếu tuân thủ theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà cơ quan tố tụng chuyển thành “suy đoán có tội” là vi hiến.
Chứng cứ gián tiếp thực ra không tồn tại trong BLTTHS. Điều 86 BLTTHS 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, có những khi không có được những nguồn chứng cứ trực tiếp, cơ quan điều tra và công tố phải tìm hiểu và tái hiện sự thật từ những nguồn chứng cứ gián tiếp liên quan đến hành vi tội phạm. Từ những nguồn chứng cứ gián tiếp ấy, điều tra viên, công tố viên phải đúc kết được những chứng cứ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn về chứng cứ quy định tại BLTTHS. Nếu chứng cứ của công tố viên bảo vệ cáo trạng không đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn quy định thì không thể buộc tội.
Đó là chưa kể đối với án tử hình, dựa vào chứng cứ gián tiếp rất nguy hiểm, vì nếu sai thì không sửa được nữa. Các vụ án oan điển hình như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, bảy thanh niên ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng)… đều thiếu và yếu về chứng cứ nên buộc tội dựa vào lời nhận tội của bị cáo, sau đó đều xác định là oan.
Một số băn khoăn xung quanh vụ án Hồ Duy Hải - ảnh 1
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ thay mặt Hội đồng Thẩm phán công bố phán quyết giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: TTXVN
Một số băn khoăn xung quanh vụ án Hồ Duy Hải - ảnh 2
Luật sư Trần Hồng Phong (bìa phải) và gia đình tử tù Hồ Duy Hải. (Ảnh do LS cung cấp)
Quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao không sai về thủ tục
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao biểu quyết và cho rằng quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực nên quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao là không đúng pháp luật. Ý kiến của ông ra sao về việc này?
+ Trước hết, việc kháng nghị là nhiệm vụ và quyền hạn thuộc chức năng hiến định của VKS là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (Điều 107 Hiến pháp 2013 và các điều 2, 3, 4 Luật Tổ chức VKSND 2014).
TAND Tối cao với thẩm quyền xét xử của mình thì vẫn phải chịu sự kiểm sát tư pháp của VKSND Tối cao. Và xin lưu ý rằng viện trưởng VKSND Tối cao là do Quốc hội bầu ra tương tự như chánh án TAND Tối cao. Các chức năng, nhiệm vụ trên là nhằm thực hiện nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, quy định tại Điều 2 Hiến pháp 2013. Điều này cũng là thực hiện nghị quyết của Đảng về việc chống lạm dụng quyền lực.
. Vậy theo ông, việc kháng nghị này có trái quy định pháp luật?
+ Theo tôi, quyết định kháng nghị này không sai về thủ tục. Nếu Chủ tịch nước có chấp thuận đơn xin ân xá của tử tù thì quyết định đó cũng không có nghĩa bản án tử hình là sai mà theo tôi hiểu, để có thời gian xem xét lại án tử hình của một con người. Đây là hành động nhân đạo của nguyên thủ quốc gia khi xét đơn của tử tù. Việc xét đơn này không ảnh hưởng đến tính đúng, sai của bản án.
Cũng không có quy định khi Chủ tịch nước bác đơn hay chấp nhận đơn thì VKSND Tối cao (TAND Tối cao) sẽ không được phép kháng nghị nếu thấy cần thiết. Vì theo luật định, kháng nghị là quyền của các cơ quan ấy.
Vì vậy, khoản 2 Điều 379 BLTTHS, “việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”. Do đó, theo Điều 379, VKSND Tối cao có quyền quyết định kháng nghị thay thế quyết định không kháng nghị trước đây, kể cả khi người bị kết án đã chết.
Cấp giám đốc thẩm ra phán quyết bằng cách giơ tay, đúng hay sai?
. Việc biểu quyết (nghị án) công khai bằng cách giơ tay biểu quyết ngay tại phiên giám đốc thẩm có đúng luật không, thưa ông?
+ Theo tôi, việc này là không sai. Điều quan trọng của việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có đến 17 vị thẩm phán là để các vị thảo luận, tranh luận để cuối cùng biểu quyết trong thủ tục xét xử giám đốc thẩm. Đây không phải là cuộc họp nội bộ của ngành tòa án mà là phiên xét xử giám đốc thẩm công khai. Tại phiên xử này, mỗi vị thẩm phán không ở vị trí của một cán bộ của ngành tòa án mà là thành viên của một tổ chức tư pháp cao nhất nhân danh công lý, nhân danh hiến pháp và luật pháp của nước nhà.
Ở nhiều quốc gia, kết quả biểu quyết trong HĐXX, Hội đồng Thẩm phán không đạt được 100% là chuyện thường, bởi sinh ra các hội đồng này là để tạo điều kiện thảo luận, tranh luận những ý kiến khác biệt, từ đó tìm ra chân lý và sự thật khách quan.
Thành phần Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao gồm những vị có học vị rất cao và có thâm niên rất lâu trong nghề. Với những vụ án như thế này, các ý kiến tranh luận là có thể hiểu được. Tôi rất muốn được đọc biên bản ý kiến thảo luận, tranh luận của quý vị này để học hỏi thêm. Và nếu Quốc hội có giám sát tối cao thì đây cũng là cơ sở để rộng đường xem xét.
Quốc hội nên giám sát tối cao vụ án này
. Phóng viên: Thưa ông, ông từng tham gia cùng với Ủy ban Tư pháp giám sát về vụ án, vậy ông đánh giá sao về vụ này?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Vấn đề Ủy ban Tư pháp, trong đó có tôi và một số ĐB đặt ra không phải là “cứu Hồ Duy Hải” vì “anh ta bị oan”, như một số ý kiến trên mạng xã hội đang nêu. Điều chúng tôi hướng tới là: Cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo đảm đúng quy định của BLHS và BLTTHS khi xét xử các vụ án, quan trọng nhất là nguyên tắc “suy đoán vô tội” và xét xử phải có chứng cứ khách quan và đầy đủ.
Trong vụ Hồ Duy Hải, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Từ đó đã kết án tử hình Hải với những chứng cứ gián tiếp, mà những chứng cứ ấy lại sai, thiếu và yếu (như ý kiến của Ủy ban Tư pháp và của VKSND Tối cao). Do đó, cần tiến hành điều tra lại theo luật định.
Kết quả điều tra và tố tụng có thể lại tiếp tục khẳng định Hồ Duy Hải là thủ phạm, hoặc có thể minh oan cho anh ta nhưng điều tra và tố tụng lại sẽ thể hiện tính nghiêm minh và tính nhân văn của nền tư pháp trước một bản án tử hình có nhiều tranh cãi và ý kiến trái chiều từ các cơ quan cao cấp của nhà nước ta.
Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa rồi có những chi tiết và lập luận không đủ sức thuyết phục và có thể để lại một tiền lệ không phù hợp với nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà BLTTHS đã quy định. Do đó, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội cần  giám sát tối cao vụ án này. Tôi đồng tình với đề nghị này. 
NGÂN NGA thực hiện

ĐẠI GIAN ĐẠI ÁC TẦN CỐI VÀ CÁI BÁNH QUẨY


Trần Xuân
Bánh quẩy xuất xứ từ Trung Quốc vào đầu thế kỷ XII dưới triều Tống Cao Tông (1127-1163). Từ nguyên gọi tên bánh này là 油 炸 鬼= YÓU ZHÁ GUǐ, phiên âm Hán-Việt là DU TẠC QUỶ; DU là DẦU, TẠC là CHIÊN, QUỶ là QUỶ, nghĩa là con quỷ bị chiên trong dầu sôi. Bánh quẩy theo chân người Hoa sang nước ta kể hàng trăm năm nay, dùng ăn với phở cháo bún miến khá ngon. Lúc đầu nhại âm Quảng Đông gọi là DẦU CHÁO QUẨY, ít lâu sau giản lược CHÁO QUẨY, ngày nay gọi ngắn gọn là QUẨY.
Nhà Kim sau khi chiếm gọn Bắc Tống liền xua quân thôn tính Nam Tống nhưng đều bị danh tướng thiên tài quân sự Nhạc Phi (1103-1142) đánh bại. Năm 1136 Nhạc Phi đem quân Bắc Phạt, thu hồi vùng đất rộng lớn, từ đó quyết tâm khôi phục lại Trung Nguyên. Nhưng lúc này Triều đình Nam Tống bị phân hóa mạnh, vua nhu nhược hèn kém, Tể tướng Tần Cối thông đồng ôm chân giặc, chủ trương giảng hòa chịu cống nạp cầu an, tạo mâu thuẫn lớn với phe chủ chiến của Nhạc Phi. Cối ấp ủ âm mưu hãm hại Nhạc Phi, bí mật triệt thoái quân, tạo thế “cô quân độc tướng” đẩy Nhạc Phi vào đường chết, nhưng bất thành. Tần Cối và vợ là Vương Thị bày mưu mới, tung tin Nhạc Phi phỉ báng Triều đình, Cao Tông ngu tối tin là thực, Tần Cối nhân đó hạ độc Nhạc Phi và con trai ông là Nhạc Vân. Đó là ngày 25 tháng Chạp Âm lịch 1141.
Tin danh tướng Nhạc Phi bị Tần Cối hãm hại nhanh chóng lan truyền khắp nơi, dân chúng nghiến răng căm phẫn nguyền rủa kẻ bán nước. Một người thợ bánh ở kinh thành cho ra mẻ bánh nặn hình vợ chồng Tần Cối xoắn vào nhau chao trong chảo dầu, đặt tên là bánh DẦU CHAO QUỶ, dân chúng thấy lạ chen chúc mua.
Vì chữ QỦY (鬼) là con quỷ và chữ CỐI (檜) người Trung Quốc phát âm giống nhau (GUǐ và GUI) nên chữ DU TẠC QUỶ vừa có nghĩa DẦU CHAO QUỶ vừa có nghĩa DẦU CHAO CỐI (Tần Cối)… Chuyện đến tai Tần Cối, hắn phái lính đến bắt người thợ bánh, phá nát nhà cửa, nhưng ông này được người báo trước đã cao chạy xa bay.
Đến địa phương khác ông vẫn làm thứ bánh ấy, nhưng để che mắt bọn cầm quyền và tránh tai vạ, bánh chỉ là hai rẻo bột xoắn vào nhau, không có mặt mũi chân tay như trước, tên bánh thì vẫn như cũ…
Năm đầu Long Hưng 1163, Tống Hiếu Công hạ chiếu giải oan cho Nhạc Phi, khôi phục chức tước, dời hài cốt an táng dưới núi Thê Hà cạnh Tây Hồ, Hàng Châu. Năm đầu Nguyên Khánh 1195 Tống Ninh Tông truy phong Nhạc Phi là Nhạc Vương, xây miếu thờ.
Trước mộ danh tướng Nhạc Phi người ta đặt tượng vợ chồng Tần Cối đang quỳ đúc bằng gang có hàng rào sắt vây quanh. Tính từ năm 1475 đến 1979 tượng vợ chồng Tần Cối đã đúc đi đúc lại 13 lần đủ thấy những kẻ bán nước ôm chân giặc dù nhất thời đắc ý nhưng vẫn không thoát khỏi sự phán xét của lịch sử và búa rìu dư luận.
Tuy miếu thờ có nội quy “Không xâm phạm di tích lịch sử” nhưng đoàn người đông đúc hàng ngày đến dâng hương lên ban thờ Tướng quân Nhạc Phi lúc trở ra không ai bảo ai đều khạc nhổ lên mặt hai pho tượng vợ chồng Tần Cối.
Nghìn năm đã trôi qua chừng nào chiếc bánh quẩy còn tồn tại thì chừng ấy tội ác bán nước, giết người tài của Tần Cối còn bị phơi bày dưới ánh sáng mặt trời.
Tượng vợ chồng Tần Cối

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc cấm biển phi lý, ngư dân Việt cần đánh bắt theo tổ đội hỗ trợ nhau


TPO - Khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh bắt cá những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông là không có giá trị, Bộ NN&PTNT đề nghị ngư dân đi đánh bắt theo tổ đội, gặp sự cố có thể báo về đường dây nóng (024- 62737323) của Cục Kiểm ngư để được hỗ trợ.
Bộ NN&PTNT đề nghị ngư dân sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.
Bộ NN&PTNT đề nghị ngư dân sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.

Ngày 11/5, Bộ NN&PTNT cho biết, cơ quan quản lý nghề cá Trung Quốc thực hiện tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ 12 giờ ngày 1/5/2020 đến 12 giờ ngày 16/8/2020 trên các vùng biển trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương thông báo cho ngư dân biết về việc tạm ngừng đánh cá có thời hạn của phía Trung Quốc và khẳng định, việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá đối với những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông là không có giá trị.
Các địa phương động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.
Trong đó, Bộ NN&PTNT lưu ý, đối với tàu cá có Giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ năm 2019-2020 không sang khai thác tại vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
Bộ NN&PTN cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác hải sản của tàu cá trên các vùng biển, đặc biệt phối hợp quản lý chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này.
Khi có các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển đối với tàu cá và ngư dân, cần thông báo về về đường dây nóng của Cục Kiểm ngư, số điện thoại 024- 62737323.
Trước đó, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã lên tiếng, kịch liệt phản đối về Quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc biển Đông đến 12 độ Vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
 Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, Quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan.
 Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Con dao và câu hỏi đâu là sự thật vụ án Hồ Duy Hải?



13 tháng 1 năm 2008 tại Bưu điện Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, hai nữ nhân viên bưu điện Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân bị giết.
Tại sao một vụ án hình sự, người bị giết chỉ là nhân viên bưu điện bình thường và kẻ giết người nếu theo danh sách các nghi phạm đều là người lao động bình dân diễn ra ở ấp lẻ, tỉnh lẻ lại trở thành một vụ án gây chấn động công luận và và lôi kéo thành trận chiến các quyền lực pháp đình đến như vậy?
Vụ án rất đơn giản, mọi chứng cứ sờ sờ vì kẻ giết người chả cao tay gì, nên các nhà điều tra nhanh chóng chộp được thủ phạm. Điều này thể hiện rất rõ trên bài viết của báo Công an Nhân dân cơ quan ngôn luận của Bộ CA ngay sau vụ án dựa theo báo cáo chính thức nội bộ công an huyện Thủ Thừa và công an tỉnh Long An cung cấp.
Như vậy vụ án đã điều tra xong.
Thủ phạm đã quá rõ.
Chứng cứ cũng đã quá rõ.
Nhưng...
Một kịch bản khác đã được dựng lên. Theo đúng trình tự khớp với hiện trường đã được nghi phạm giết người khai ra, để rồi bất ngờ vì một lý do nào đó,một nghi can khác đã phải khai ra... chính mình là thủ phạm -khớp với sự thật.
Để bịt sự thật này toàn bộ lời khai và hồ sơ của nghi can Nghị đã bị bàn tay nào đó ra lệnh rút khỏi hồ sơ vụ án.
Đó là lý do 17/17 thẩm phán tối cao biểu quyết cho rằng chỉ có kẻ gây án là Hải mới biết các chi tiết xác thực của vụ án và đi đến kết luận các sai sót tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án của các quan ngài trên.
Làm sao không khớp cho được khi toàn bộ lời khai trong hồ sơ của nghi can đầu tiên bị bắt giam đã mớm ra để nghi can sau nói dập theo?
17/17 vị thẩm phán tối cao trong đó có ngài chánh án Nguyễn Hoà Bình chỉ cần buộc các nhà điều tra trình lại hồ sơ của nghi can mà chính báo CA của bộ CA đã công bố ngay sau vụ án là rõ kịch bản tráo người thế nào.
Một vụ án mà hồ sơ của nghi can số một bị rút đi cùng các chứng cứ gây ác bị tiêu huỷ thì cái phán quyết sai phạm tố tụng không thay đổi được bản chất vụ án chẳng qua chỉ vì bản chất coi thường pháp luật và chà đạp công lý
của chính các ngài không thay đổi mà thôi.
Đây là vụ án không khó để phá án. Nhưng sau 12 năm thì rất khó để phá án.
Buồn cười?
Chua xót thì đúng hơn!
Căm giận thì đúng hơn.
Chúng ta cùng lướt qua vụ án xảy ra ở Cầu Voi.
A.Những người liên quan vụ án:
1. Nguyễn Văn Thu, nam, nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án, hành nghề lái xe ôm.
2. Võ Văn Hùng, nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án.
3. Nguyễn Văn Vàng, nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án.
4. Nguyễn Tuấn Ngọc, nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án.
5.Điều tra viên: Lê Thành Trung, người khám nghiệm hiện trường vụ án và khám nghiệm tử thi vào ngày 14 tháng 1 năm 2008. Tháng 5 năm 2020, ông Trung là Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
6. Thượng tá Phạm Văn Tiến, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An, người kí lệnh bắt khẩn cấp Hồ Duy Hải vào chiều ngày 21 tháng 3 năm 2008. Phạm Văn Tiến đã qua đời.
7. Nguyễn Thanh Hải (trong bản án sơ thẩm 2008 ghi Nguyễn Văn Hải,công an viên xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, đã qua đời. Trong trang 5 bản án sơ thẩm 2008 có đoạn ghi rằng Hồ Duy Hải biết về tình tiết vụ án là do Nguyễn Văn Hải kể lại cái chết của Ánh Hồng và Thu Vân.
Chú ý!
Vì sao công an viên xã không có mặt tại vụ án lại biết về cái chết của hai cô gái thế nào? Giản đơn vì nghi can số một khả năng là kẻ giết người đã khai ra sự thật. Lời khai đó có trong hồ sơ đã bị rút ra.
8. Huỳnh Văn Minh, công an viên xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, đã qua đời.
9. Nguyễn Thanh Phong, cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản và ra quyết định tạm giam đối với Hồ Duy Hải (tháng 5 năm 2020 là Phó trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
10. Nguyễn Văn Linh, điều tra viên tham gia điều tra vụ án. Tháng 5 năm 2020 ông Linh là Phó trưởng phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (PC06), Công an tỉnh Long An).
B. Tiến trình thật lúc đầu của vụ án:
• Khoảng 7 giờ sáng ngày 14 tháng 1 năm 2008, anh Phùng Phụng Hiếu, nhân viên Bưu điện Thủ Thừa, đến Bưu điện Cầu Voi để giao báo. Anh Hiếu thấy cổng trước và sau không mở, gọi cửa nhiều lần không nghe thấy ai trả lời nên đã ra phía sau trèo qua hàng rào vào thì thấy cửa khép hờ và phát hiện thi thể cổ đầy máu của hai nữ nhân viên Hồng và Vân trên nền gạch.
• 8 giờ 30 phút sáng, điều tra viên Lê Thành Trung bắt đầu khám nghiệm hiện trường vụ án.
• 11 giờ 40 phút trưa, điều tra viên Lê Thành Trung bắt đầu thực hiện khám nghiệm tử thi nạn nhân Vân.
• 12 giờ 10 phút trưa, điều tra viên Lê Thành Trung bắt đầu thực hiện khám nghiệm tử thi nạn nhân Hồng.
• 13 giờ 10 phút, điều tra viên Lê Thành Trung kết thúc khám nghiệm hiện trường vụ án.
Chú ý!
• Theo lời khai của bốn người dọn dẹp hiện trường vụ án (Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng và Nguyễn Tuấn Ngọc) thì trong ngày 14 tháng 1 năm 2008, lúc họ dọn dẹp hiện trường thì phát hiện một con dao mới và sạch nhét sau tấm bảng treo trên tường gần chỗ nằm của hai nạn nhân Hồng và Vân. Họ đã báo cho công an xã và huyện nhưng được lệnh đốt bỏ. Họ đã dùng con dao này để cạo vết máu trên nền gạch rồi đốt bỏ nó.
Rất chú ý!
Tại sao điều tra viên Lê Thành Trung lại kết thúc điều tra mà không ra lệnh bảo vệ hiện trường và thu giữ ngay các chứng cứ cũng như lấy các dấu vân tay?
Chả lẽ điều tra viên Lê Thành Trung chỉ khám nghiệm tử thi là xong việc điều tra ư?
Tại sao lãnh đạo công an xã, huyện lại ra lệnh tiêu huỷ chứng cứ giết ngươi nếu các chứng cứ đó không được điều tra viên cẩt giữ?
Hai khả năng xảy ra:
⁃ nghiệp vụ của điều tra viên Lê Thành Trung quá kém hoặc phẩm chất quá vô trách nhiệm.
⁃ Điều tra viên có ra lệnh thu giữ vật chứng nhưng sau đó đã thông đồng để cho kịch bản vụ án chuyển qua trang khác.
Ở đây phải xem xét lời khai của bốn nhân viên dọn dẹp hiện trường về sự phát hiện con dao.
Con dao này có thể là mấu chốt loại trừ kẻ tình nghi và tìm ra thủ phạm của vụ án.
Lời khai của bốn người dọn dẹp là họ phát hiện con dao sau tấm bảng treo trên tường gần chỗ ngủ của hai nạn nhân, dao còn mới và sạch.
Nếu con dao này là công cụ mà kẻ giết người đâm chết nạn nhân Hồng sau đó được rửa sạch rồi để lại chỗ cũ thì Hồ Duy Hải hay Nguyễn Văn Nghị ai là người có thể biết chỗ để dao của chị em Hồng, Vân?
Chắc chắn không thể là Hải vì Hải không quen thân Hồng, Vân, tức là Hải không lên phòng ngủ của Hồng , Vân. Nghị là người yêu của Hồng thường xuyên ngủ với Hồng mới có thể biết con dao Hồng dùng cắt trái cây dắt ở đâu.
Nếu Nghị dùng con dao này để giết Hồng thì có nghĩa Nghị khi đến với Hồng không hề có ý giết Hồng vì không thủ theo công cụ giết Hồng.
Thước fim quay chậm lại rất có thể là:
Đêm đó sau giờ đóng cửa bưu điện 20.30 phút Nghị đến bưu điện Cầu Voi. Nghị có dụng ý đến riêng với Hồng nên phải đến lúc bưu điện đóng cửa. Vì thường xuyên ngủ đêm với Hồng Nghị biết rõ giờ đóng cửa là 8 g 30. Đó là lý do Nghị được chứng nhận 8 g20 còn có mặt ở quán cafe như một chứng cứ ngoại phạm nếu thời gian vụ án xảy ra trong thời gian Nghị uống cafe có người xác nhận.
Nghị do ghen tức Hồng vẫn đi lại với Mi Sol và vài người khác nhưng chưa bộc lộ ngay sự ghen tức này.Lúc đầu Nghị muốn quan hệ tình dục với Hồng nên đưa tiền cho Vân đi mua trái cây.
(Nhân chứng bán trái cây cho Vân, khai: Vân nói, thằng bồ người Tiền Giang cho tiền. Tại sao Vân nói vậy? Có thể Vân biết Hồng không còn tình cảm với Nghị nữa và bản thân Vân không ưa gì Nghi, một con nghiện,quê Tiền Giang nên giọng riễu cợt.)
Nghị muốn làm tình với Hồng nhưng có khả năng Hồng không còn tình cảm với Nghị nữa bằng chứng Hồng vẫn đi lại với Sol, người yêu cũ và đang tìm hiểu một kĩ sư trẻ có học vấn và không là con nghiện như Nghị.
Hồng chống cự.
Nghị cưỡng ép. Và cưỡng ép thành công.
Đó là lý do khám nghiệm tử thi chỗ kín của Hồng có dịch nhầy.
(Ở một vụ án giết người chỉ cần bằng chứng dịch nhầy này của ai là tìm ra thủ phạm ngay chứ chẳng cần cả đống lời khai nào hết.)
Do bị Hồng chống lại cuộc làm tình, sau khi xuất tinh, hai người nẩy ra cãi vã ghen tức.
Nghị đã tức giận bóp cổ Hồng. Do Hồng chống lại thậm chí Hồng lấy con dao chỗ mình dấu đe doạ Nghị, Nghị đã cướp lấy dao, Hồng bỏ chạy xuống dưới nhà như để kêu cứu, Nghị đuổi theo và đâm chết Hồng trong cơn bị kích động không kìm chế được.
Hoặc chính Nghị biết chỗ để dao, rút dao doạ Hồng bị Hồng chống cự, rồi Hồng bỏ chạy xuống sảnh bưu điện, Nghị đuổi theo lấy dao đâm Hồng.
Khi Vân về, Nghị sợ Vân phát giác nên rình Vân bước vào, lấy thớt ở bếp nấu ăn của hai chị em đập đầu Vân. Vân chưa chết ngay, Nghị
lấy dao đâm Vân chết hẳn.
Xong, Nghị rửa sạch dao để chỗ cũ.
Rửa sạch dao phải có nước. Đó là lý do các điều tra viên ban đầu đã lấy lời khai của
một nhân chứng quen biết chị em Hồng, Vân và thường xuyên đến bưu điện chứng thực bưu điện thời điểm vụ án xảy ra có nước chảy đều.
Đây có thể là một kịch bản của vụ án liên quan đến con dao bị những người dọn dẹp phát hiện.
Một vụ án đơn giản để rồi nảy sinh những câu hỏi không đơn giản là do đâu?
Chúng ta có quyền nghi ngờ sự thật về con dao này liên quan đến Hồ Duy Hải trong hồ sơ trình cho Hội đồng Thẩm phán Tối cao.
Chỉ cần làm rõ thời gian nào nhân viên dọn dẹp báo lãnh đạo công an xã, huyện và thời gian nào lãnh đạo công an xã huyện ra lệnh đốt bỏ chứng cứ, thời gian nào các chứng cứ bị đốt bỏ, và cụ thể cá nhân nào lãnh đạo công an xã, huyện nào ra lệnh đốt bỏ chứng cứ là con dao và cái thớt rồi điều tra các cá nhân đó sẽ ra ngay những kẻ nào hoặc vì kém nghiệp vụ, vì vô trách nhiệm hoặc tham gia làm thay đổi nghi can giết người.
Chú ý!
Người được bốn người dọn dẹp ở ấp Cầu Voi báo cho việc thấy con dao chắc chắn phải là công an viên của xã mà họ ở cùng xã quen biết.
Có hai công an viên xã liên quan đến vụ án đó là:
-Nguyễn Văn Hải, người có thể đã tham gia hỏi cung Nghị nên biết rõ sự thật việc giết Hồng, Vân theo trình tự thế nào nói cho Hải biết để khai theo cho trùng hợp lời khai liên quan tới các chứng cứ. Rất tiếc không hiểu vì lý do gì đã chết.
-Huỳnh Văn Minh, công an viên xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Rất tiếc không hiểu vì lý do gì cũng đã chết.
( Cái chết của Minh và Hải vẫn đang là câu hỏi chưa rõ câu trả lời.)
Không khó để điều tra bốn người dọn dẹp là họ đã báo thông tin về con dao cho ai biết. Nếu là Minh và Hải thì Minh và Hải không đủ thẩm quyền ra lệnh cho bốn người dọn dẹp đổt bỏ con dao và cái thớt. Minh hoặc Hải phải báo cho cấp trên. Và rất có thể Minh và Hải biết lệnh thủ tiêu chứng cứ là từ ai và cùng biết rõ ai đã khai ra là thủ phạm.
Việc xảy ra tiêu huỷ chứng cứ trong thời gian rất nhanh chỉ sau vụ án chưa đến một ngày. Như vậy có một đường dây nào đó lúc đầu chưa liên quan đến điều tra viên Lê Thành Trung và các điều tra viên của công an Long An đã bí mật can dự vào vụ án.
Bằng chứng : Ngày 15 tháng 1 năm 2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An tìm kiếm con dao bị nhóm bốn người dọn dẹp hiện trường (Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng và Nguyễn Tuấn Ngọc) tìm thấy và đốt bỏ nhưng không tìm được, kể cả phần lưỡi dao bằng kim loại.
Bằng chứng: Chiều cùng ngày, Nguyễn Văn Nghị, 28 tuổi, cư trú tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bị triệu tập khẩn cấp tới Cơ quan điều tra tỉnh Long An để điều tra. Các trinh sát đặt nghi vấn vì sau khi xuất hiện tại Bưu điện Cầu Voi trong đêm 13 tháng 1, Nguyễn Văn Nghị đi đâu không rõ tới chiều 14 tháng 1 mới về nhà.
Bằng chứng: Ngày 16 tháng 1 năm 2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án giết người, cướp tài sản. Ngày 17 tháng 1 năm 2008, Biên bản giám định pháp y số 21/PY.08 ghi "có ít dịch nhầy trong âm đạo" của nạn nhân Hồng. và "dạ dày có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít".( chứng tỏ vụ án phải xảy ra sau khi ăn tối khá lâu chứ không phải lúc 8 g đến 8 g 30 tối, để sau này Nghị có chứng cứ ngoại phạm là 8 g 20 còn ở quán cafe ).
Bằng chứng: người bán trái cây khai lời của Vân về thằng bồ người Tiền Giang của Hồng đưa tiền mua trái cây.
Các bằng chứng lúc đầu trên chứng tỏ các điều tra viên tuy có một số sai sót về bảo vệ hiện trường nhưng các kết quả điều tra đều không hướng tới Hải mà đều chĩa tới Nghị.
Nhưng chỉ hai tháng sau cái đường dây bí ẩn ngay sau xảy ra vụ án đã chi phối họ.
Đường dây ấy là ai?
Chắc chắn liên quan đến người cao cấp nhất ra lệnh đốt bỏ con dao và cái thởt.
Một câu hỏi nữa. Vì sao lệnh là đốt bỏ chứ không phải vứt rác? Vì sao đốt bỏ mà con dao bằng thép lại cháy thành tro? Lưỡi dao không thể thành tro! Vậy lưỡi dao ai lấy? Vì sao lại lấy?
Chả qua kẻ tham gia vụ án lo sợ bị lộ nên đã lén lấy đi lưỡi dao đã bị đốt.
Vụ án Hồ Duy Hải thực chất rất đơn giản và công an Long An lập tức phá án, tìm ra ngay thủ phạm, như báo Công an đã vạch ra ngay sau khi công an Long An tìm ra kẻ có nhiều chứng cứ nhất giết người.
Vụ án chỉ trở nên phức tạp khi sự thật bị thế lực nào đó đánh tráo để rồi từng nấc bị đẩy lên cao lôi kéo cả chuỗi vào việc bảo vệ cho việc chà đạp pháp luật và công lý.

17/17 vị thẩm phán tối cao trong đó có ngài chánh án Nguyễn Hoà Bình chỉ cần phát lệnh truy nã Nguyễn Văn Nghị để 17/17 vị đồng loạt trực tiếp xét hỏi cùng các chứng cứ và hồ sơ có sẵn lúc đầu của các điều tra viên Long An là lòi ra ngay.
Đồng thời chỉ cần điều tra nhân thân của Nghị sẽ biết kẻ nào dúng tay vào vụ án này.
Đây là lối thoát duy nhất cho uy tín của các vị. Cứ làm hết nhẽ đi. Nếu Nghị thật sự vô can thì cũng giải án oan cho Nghị và gia đình Nghị. Nếu Hải không thể chối cãi tội giết người thì nghiêm khắc trừng trị Hải và làm cho mẹ của Hải cùng dư luận tâm phục khẩu phục.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Nga : Kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức trong vòng vây của Covid-19

 

Quảng trường Đỏ, thủ đô Mátxcơva Nga, trong ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức, 09/05/2020.
Quảng trường Đỏ, thủ đô Mátxcơva Nga, trong ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức, 09/05/2020. REUTERS - MAXIM SHEMETOV
Hôm nay, 09/05/2020, ngày kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức của nước Nga. Sự kiện lớn này đã được dự trù tổ chức long trọng và hoành tráng nhưng dịch virus corona đã làm đảo lộn mọi lịch trình. Các hoạt động lễ hội phải rút gọn trong hoàn cảnh đặc biệt: Không diễu hành quần chúng, không diễu binh, chỉ có không quân biểu diễn trên Quảng trường Đỏ và tổng thống Vladimir Putin, một mình dưới chân tường điện Kremlin, đọc diễn văn gửi đến quốc dân.
Từ Mátxcơva, thông tín viên Daniel Vallot tường trình :
Lẽ ra đây phải là một trong những dịp ấn tượng nhất ở Nga trong năm nay với cuộc diễu binh hoành tráng trước đoàn khách mời danh tiếng nhất mà chính quyền Nga vẫn mong muốn, trong đó dự kiến có mặt cả tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Nhưng dịch virus corona đã làm đảo lộn tất cả lịch trình của ngày thứ Bảy này. Người Nga phải ở nhà theo dõi lễ kỷ niệm qua truyền hình hoặc internet.
Mặc dù vậy, ngày lễ vẫn được kỷ niệm. Các chiến đấu cơ, trực thăng bay trên Quảng trường Đỏ và buổi tối vẫn có màn bắn pháo hoa. Tổng thống Nga sẽ tới tưởng niệm trước tượng đài chiến sĩ vô danh trước khi phát biểu trước quốc dân. Nga phải bỏ phần chủ yếu trong các hoạt động lễ hội vẫn thường có trong ngày 09/05 hàng năm. 
Tuy vậy, trong khu vực, vẫn có hai nước quyết định duy trì các cuộc diễu binh là Turkmenistan và Bielorussia.
Quốc gia Trung Á tiếp tục khẳng định không một ca nhiễm virus corona nào được ghi nhận trên lãnh thổ. Còn tổng thống Bielorussia, Alexandre Loukachenko thì luôn giảm thiểu tính chất nghiêm trọng của bệnh dịch này. Ít nhất có 5.000 người tham gia cuộc tuần hành tại thủ đô Minsk ngày hôm nay.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

17 ông quan tà tối cao hãy đọc đi ,xem mình có xứng đáng ngồi ở ghế xử án ?


MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI
Bài viết từ Ông Võ Văn Tài- giảng viên trường đào tạo, bồi dưỡng NV Kiểm sát, nguyên phó viện trưởng TP Tây Ninh
______________
Mấy ngày nay, dư luận rất quan tâm về diễn biến của phiên toà giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải. Với những thông tin mà báo chí đăng tải, tôi dự đoán rằng Hội đồng giám đốc thẩm, TAND tối cao sẽ hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và phúc thẩm để trả hồ sơ về cấp sơ thẩm tiến hành điều tra, xét xử lại vụ án theo thủ tục chung. Nhưng không phải vậy. Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ kháng nghị giám đốc của Viện trưởng VKSND tối cao. Tôi nghĩ, quyết định trên làm không ít người phải ngỡ ngàng. Có thể tóm tắt Quyết định giám đốc thẩm gồm ba vấn đề: Tuy vụ án (chính xác là quá trình điều tra) có sai sót và vi phạm tố tụng, nhưng sai sót và vi phạm trên không làm thay đổi bản chất của vụ án; việc cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải về tội giết người (giết 02 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi) là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật; Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của bị cáo và quyết định trên đang có hiệu lực, pháp luật cũng không quy định khác nên Kháng nghị đốc thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao là trái luật.
Quyết định của Hội đồng xét xử cho thấy rất nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Tuy không được trực tiếp xem hồ sơ, nhưng qua theo dõi vụ án từ 2014 (thời điểm hoãn thi hành án tử hình bị cáo Hải) đến nay, tôi thấy khá rõ ràng sự vi phạm nghiêm trọng của CQĐT ở khâu khám nghiệm hiện trường, khâu thu giữ vật chứng, dấu vết liên quan đến việc chứng minh người phạm tội và ở các hoạt động điều tra khác như sau:
- Thứ nhất: Tại hiện trường vụ giết 02 nạn nhân có con dao và cái thớt nhưng không hiểu vì lý do gì mà người chủ trì khám nghiệm lại không thu giữ? Đấy là những vật chứng đặc biệt quan trọng, nó giúp cho CQĐT Long An kết luận chính xác là nạn nhân bị giết bởi hung khí gì, và giúp cho truy ra hung thủ dễ dàng nếu thu được mẫu vân tay trên hung khí đó. Sau khi bắt Hồ Duy Hải, CQĐT quay lại hiện trường tìm hai loại hung khí trên thì muộn màn. Để lấp liếm (vì sai sót đó là không thể khắc phục) cho sai sót “chết người”, Điều tra viên nhờ nhân chứng (tư cách nhân chứng này cũng chưa đúng, quý vị xem lại định nghĩa về nhân chứng quy định tại Điều 66 BLTTHS nhé) ra chợ mua 01 con dao, 01 cái thớt và yêu cầu bị can vẽ lại hình dáng con dao rồi cho bị cáo nhận dạng hung khí mà bị cáo sử dụng giống như đồ mua ngoài chợ về, từ đó cơ quan tố tụng kết luận hung khí mà bị cáo dùng để giết người có hình dạng như thế.
Xin thưa quý tòa, theo Điều 190 Bộ luật TTHS 2015 (BLTTHS 2003 cũng như vậy) quy định, khi cho người phạm tội tiến hành nhận dạng đồ vật thì các vị phải đưa ra ít nhất là 03 đồ vật, như vậy phải đưa ra ít nhất là 03 con dao và 03 cái thớt khác nhau mới đúng quy định nhé. CQĐT chỉ đưa ra 01 vật duy nhất là không đúng quy định. Việc tiến hành cho nhận dạng sai quy trình sẽ làm cho Biên bản nhận dạng không có giá trị chứng minh. Vì vậy, đến hôm nay, quý tòa cũng không có cở sở để kết luận nạn nhân bị giết bởi hung khí có hình dáng chính xác như thế nào.
- Thứ hai: Về mẫu máu thu tại hiện trường, nghi máu của hung thủ nhưng CQĐT không trưng cầu giám ngay, để mấy tháng sau khi mẫu máu bị hư hoại mới trưng cầu làm cho kết quả giám định không có tác dụng gì cả. Việc sai phạm này dẫn đến hệ lụy là chúng ta không loại trừ được phán đoán nghi ngờ rằng hung thủ giết hai nạn nhân là một người khác.
- Thứ ba, có nhân chứng khai trước khi hai nạn nhân bị giết, có thấy một thanh niên ngồi trong Bưu điện xem điện thoại, nhân chứng mô tả dáng người thanh niên giống như bị cáo không có nghĩa người thanh niên ấy là bị cáo. Và CQĐT không cho nhân chứng nhận dạng bị cáo Hải là một sai lầm rất nghiêm trọng nữa. Nguyên tắc tố tụng hiện đại không chấp nhận kiểu suy luận mang tính chủ quan của người tiến hành tố tụng, là chỉ cần sự mô tả của nhân chứng về tướng mạo hung thủ rồi đi tìm coi ai có đặc điểm tương tự như thế rồi suy ra người đó là hung thủ. Kiểu suy luận này không thể tồn tại ở các quan tòa thời hiện đại. Rồi quý tòa cho rằng tuy có sai phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án? Xin thưa quý tòa, không làm thay đổi bản chất vấn đề ở đây là có vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi vào ngày giờ như thế, nạn nhân là 02 nữ nhân viên Bưu điện, còn ai là hung thủ thì cơ quan tố tụng phải chứng minh với tinh thần trách nhiệm cao, thận trọng, toàn diện, khách quan và luôn tuân theo pháp luật nhé.
- Thứ tư, quý tòa cho rằng bị cáo thừa nhận đã dùng dao và thớt giết nạn nhân, người dọn dẹp Bưu điện cũng thừa nhận có con dao và cái thớt hình dáng như vậy và khám nghiêm tử thi cho thấy nạn nhân có vết thương do vật sắc và vật cứng gây ra; bị cáo khai có nhờ 01 nạn nhân đi mua trái cây, qua xác minh người bán trái cây thời điểm đó thừa nhận có chị V đến mua trái cây; và bị cáo khai có đi đến địa điểm tiêu thụ tài sản là đúng, vì chỉ bị cáo có khai nên CQĐT mới xác định được địa điểm ấy… Bị cáo khai báo “trùng khớp” với các tình tiết, chứng cứ mà CQĐT thu thập được, vậy hung thủ giết người là bị cáo. Lập luận này tôi thấy quá đơn giản, đặc biệt trong thời điểm 2010, khi mà tình trạng dùng nhục hình rất nhức nhối trong thực tế điều tra. Chắc quý tòa không quên vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long… và đặc biệt là vụ 07 người Khơ-me ở Sóc Trăng chứ? Bảy con người vô tội đó tự nhiên bị bắt và khởi tố về tội giết người (nạn nhân là anh Lý Văn Dũng), hồ sơ do Điều tra viên xây dựng “đẹp” đến không có một chỗ nào mâu thuẫn, cho đến khi 02 đứa bé gái đến tự thú mình là hung thủ mới tả hỏa ra do Điều tra viên làm sai lệch sơ vụ án. Tôi không dám nói vụ án này có vấn đề như thế. Nhưng nếu Điều tra viên muốn làm cho người đang bị bắt khai sao cho trùng khớp với các nội dung khác thì không mấy khó khăn. Đồng thời, những tình tiết mà quý tòa tin rằng hung thủ đúng là Hồ Duy Hải đều là những chứng cứ gián tiếp. Phải chi đây chỉ là vụ án ít nghiêm trọng, bị cáo chỉ bị phạt vài tháng tù, đằng này là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo bị tuyên tử hình nhưng chỉ với những chứng cứ gián tiếp như vậy thì không thể thuyết phục được dư luận và có gì đó giống như là một sự phiêu lưu không hơn, không kém?
- Thứ năm, Hội đồng xét xử cho rằng khi Quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước đối với bị cáo đang có hiệu lực thì Viện trưởng VKSTC tối cao không có quyền kháng nghị là chưa có tiền lệ và luật cũng không có quy định rõ về vấn đề này.
Để lý giải vấn đề Viện trưởng (hoặc Chánh án) tối cao có được ban hành kháng nghị giám đốc thẩm trong trường hợp như thế hay không thì phải quay về lý luận cơ bản của tố tụng hình sự. Theo Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND và Bộ luật TTHS, thì Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử đối với tất cả tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam, và cấp xét xử cao nhất là Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, cấp xét xử này có quyền xét lại tất cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật trong cả nước. Khi thực hiện nhiệm vụ, các thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử được độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật với những quyết định của mình. Như vậy, cơ quan chịu trách nhiệm xét xử đúng người, đúng tội là Tòa án, không phải Chủ tịch nước. Đối với những bị cáo bị tuyên tử hình và bản án đã có hiệu lực pháp luật, thì thủ tục bắt buộc sau đó là Viện trưởng, Chánh án tối cao phải ra quyết định không kháng nghị vụ án theo trình tự giám đốc hoặc tái thẩm, nhưng Chủ tịch nước thì không bắt buộc trong mọi trường hợp phải có Quyết định bác đơn xin ân giảm của bị cáo, và Luật thi hành án cũng không bắt buộc phải có quyết định trên của Chủ tịch nước trong hồ sơ thi hành án tử hình.
Rõ ràng thủ tục trên không thể được xem là một thủ tục trong hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động xét xử, đối với quyết định không kháng nghị của Chánh án và Viện trưởng như là một sự kiểm tra và kết luận rằng đã xét xử đúng người, đúng tội, không oan sai; còn Chủ tịch nước quyết định bác hay chấp nhận đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của bị cáo chỉ như là một hoạt động mang tính nhân đạo, quyết định của Chủ tịch nước không phải là sự đảm bảo rằng Tòa án đã xét xử có đúng đắn hay không.
Đồng thời, trong Bộ luật TTHS quy định, khi nhận thấy có sự sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật hoặc có vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự và có lợi cho bị cáo, thì Chánh án hoặc Viện trưởng tối cao phải thực hiện trách nhiệm kháng nghị giám đốc thẩm để xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật; luật tố tụng hình sự cũng không ràng buộc là có Quyết định của Chủ tịch nước thì không được kháng nghị. Vì vậy, theo tôi việc Viện trưởng tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải trong trường hợp nói trên là không vi phạm thẩm quyền trong tố tụng.
Khi pháp luật chưa quy định rõ ràng, hoạt động điều tra thì vi phạm nghiêm trọng tố tụng, chứng cứ buộc tội thì không vững chắc nhưng quý tòa suy luận và áp dụng theo hướng bất lợi và giữ nguyên bản án tử hình đối với bị cáo là vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, đặc biệt là nguyên tắc suy đoán vô tội. Tôi không hiểu quý tòa căn cứ vào điều gì để cho rằng cấp sơ thẩm, phúc thẩm xét xử đúng người, đúng tội? Phải chăng quý tòa chỉ dựa vào một loại sản phẩm tinh thần “xa xỉ” là niềm tin nội tâm?



Phần nhận xét hiển thị trên trang