Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

NGƯỜI VĂN


NGUYỄN THÀNH PHONG Tặng Nguyễn Quang Lập


Ông hơn tôi một ngàn ngày tuổi
Đáng lý ra phải xưng gọi em, anh
Nhưng tôi cứ ông, tôi ù xoẹ
Là bởi nghe tiếng gọi bạn từ mình.


Đời ta hoá cũng nhiều cay đắng
Thuở sinh viên hăm hở cửa vòm xanh
Rồi lặn lội qua trường văn trận bút
Nghe nhân tình réo gọi thở than.

Ghế hội đồng, ghế quan văn ông ngự
Ngự chán rồi thì bỏ đi luôn
Chức quan báo tàng tàng tôi cũng nắm
Nắm một chút rồi thì lại phải buông

Tôi ngồi ghế thấy đít thường thon thót
Giá áo túi cơm chịu mấy cho vừa
Chốn quan trường với ta là lạc lõng
Trung nịnh dũng hèn chuyện đã từ xưa.

Thế mà đến lúc sắp già ông bị xách
Rồi bất ngờ tôi cũng đáo trại mà ngơi
Ta qua chốn ấy một vài thoáng chốc
Để ngẫm thêm những dằng dặc nỗi đời

Có kẻ qua tù xong rồi ra làm tướng
Bao đứa vênh vang lại chỗ ấy vào nằm
Chỉ chúng ta, chẳng có gì thay đổi
Vào hay ra nơi nào, thì vẫn cứ người văn!

Tháng 4/2020

Ngày 30/4 là sinh nhật ông nhà văn Nguyễn Quang Lập. Năm nay có bài thơ này thay quà gửi đến chúc mừng sinh nhật ông!Ông Lập là bạn văn đầu đời của tôi, từ ngày trẻ măng là sinh viên ĐHBK Hà Nội, cùng lập ra Nhóm thơ Vòm Cửa Xanh. Ông Lập học K20 Vô tuyến điện, trước tôi 2 khoá, tôi học K22 Hoá thực phẩm. Ông Hà Đức Hạnh (Nhà thơ, hội viên Hôi Nhà văn Việt Nam) học khoa Hoá K21, trước tôi một khoá, ngày ấy cũng thích làm thơ, hay ra quầy bưu điện trong trường đọc ké báo Văn Nghệ, gặp tôi cũng đọc ké như vậy, thế là quen quý nhau, rồi đi tìm, gặp tiếp ông Lập. Ôi giời, tri kỷ đến mê tơi... Ba thằng trai tơ mới lớn, đã tán được em yêu nào đâu mà cứ viết thơ tình, phơ phớ tưởng tượng, rồi xa xót tha thiết, rồi gom mỗi người 10 bài, đánh máy thành tập thơ chung. Phần thơ ông Lập có tiêu đề "Cô đơn bến đợi", ông Hạnh thì "Dấu bàn tay em", còn tôi là "Quả tim vết nứt". Giờ nhớ lại không khỏi cười thầm khơ khơ trong bụng...Sau rồi gặp thêm các ông: Lê Quang Sinh, Kiều Anh Hương (sau này cũng thành danh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), Đoàn Thông (là giáo viên trong trường, sau cũng thành nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội), Đan Thành, Trần Quang Bình, Nguyễn Văn Thành, Tôn Quang Minh, Hải Quang (Ngô Hồng Oai, sau viết truyện cười lấy bút danh Nguyễn Ma Lôi)... Có thêm hai em cực xinh, cũng thích làm thơ, là Hồ Kim Nga và Thủy Tiên (làm thơ ký tên là Hải Vi), tất cả 15 người. Thế là lập thành nhóm thơ Vòm Cửa Xanh (cái cổng vòm ĐHBK Hà Nội hình parabol, xanh hoá thành biểu tượng). Nhóm đã tổ chức nhiều đêm thơ, chật ních người nghe ở Hội trường lớn C2. Các nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Quang Huy, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Hoa... Các cây thơ trẻ mới nổi ngày ấy bên trường ĐH Tổng hợp như Đặng Huy Giang, Vũ Toàn... cũng sang đọc thơ giao lưu hào sảng. Tôi chủ trì, làm MC, chọn thơ và cho anh em đọc. Có người được chọn rồi nhưng đêm ấy các nhà thơ nổi tiếng nói dài hết thời gian nên tôi đành cắt, không mời lên đọc, thành chuyện "ân oán" mãi mới gỡ ra được.Chuyện thơ phú thời sinh viên thế mà rồi vận vào nghiệp đời, có khi khổ sở. Như ông Lập và tôi, cũng đến cả bị bắt vào trại giam, lý do xa gần thì cũng là từ cái nghiệp viết cả.Mà hồi ấy, đã có điềm báo rồi. Nhóm thơ sinh hoạt, bị theo dõi. Đoàn trường cử người đến gặp, bảo yêu thơ lắm, xin được tham dự, thực ra là nhằm nắm lấy tình hình tư tưởng đám viết trẻ này. Nhóm tập hợp ra một tập thơ đánh máy tên là "Lời những người yêu nhau" gồm 15 tác giả. Có ông cốp to lắm, nhắn: Cẩn thận đấy, khéo đây là 15 con rắn độc". Hồ Kim Nga viết bài thơ tả một anh đến chơi nhà, rồi em đi tiễn ra trên con đường quen và kết bài thơ: "Tôi thì thầm, đêm nay trời đầy sao" bị phụ huynh (cũng làm cán bộ to) quát cho: "Sao không thì thầm đêm nay bao anh bộ đội đang đứng gác trẻn biên giới?".Trở lại chuyện Nguyễn Quang Lập. Ông Lập cũng khởi đầu viết lách như bọn tôi. Ông làm thơ tình "cải lương", kiểu: "Em đi qua trảng cỏ/Sương tan thành bình minh/Đi qua cánh đồng xanh/Thành líu lo chim hót/Đi qua dòng suối ngọt/Suối ngọt hoá lời ca/Đi qua trái tim ta/Thành tình yêu nồng cháy". Nhưng rồi do ông tài, ông đau đời mà thành một tác giả lớn, ở cả phương diện biên kịch điện ảnh, sân khấu và nhà văn. Có lẽ sau này văn học sử viết về thời này sẽ phải tôn vinh ông rất nhiều. Tiểu thuyết mới nhất của ông "Kiến, chuột và ruồi" sẽ là một niềm tự hào đặc biệt của Văn học ViệtDịp 30/4 nào tôi cũng nhớ ông Lập không chỉ vì ông sinh trùng ngày lễ ấy mà vì cách nhìn và kiến giải luôn luôn độc đáo và sâu sắc của ông. Như ông đã từng viết về ngày 30/4: "Sài Gòn đã giải phóng tôi".Ngẫm mà xem. Miền Bắc đã giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam ở phương diện quân sự, chính trị, thể chế. Nếu trong công cuộc thống nhất này, người ta biết để Sài Gòn và miền Nam giải phóng miền Bắc ở phương diện kinh tế thì đất nước hiện nay đã phát triển rất mạnh mẽ rồi. Sẽ không có sai lầm cải tạo tư sản tư doanh, sẽ không đói kém khủng hoảng thời bao cấp, thậm chí không có di tản, thuyền nhân. Sẽ là một cuộc hoà hợp, hoà giải đẹp đẽ. Sẽ không mất bao nhiêu thời gian uổng phí và đau khổ. Thực tế, Sài Gòn và miền Nam đã góp phần quan trọng vào giải phóng tư duy kinh tế khi hình thành đường lối Đổi mới năm 1986 và đến tận sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, bây giờ người ta mới công nhận kinh tế tư nhân, mới cho đó là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Bao nhiêu thời gian đã phí hoài, còn dài hơn rất nhiều thời gian xương máu để thống nhất đất nước.Nhà văn đau cái nỗi đau ấy, đưa ra những cái nhìn và kiến giải sâu sắc ấy đã từng lên bờ xuống ruộng, thậm chí có lúc còn bị xách vào tù, bị coi là phản động. Ôi chao, cái thân phận anh nhà văn có tài năng và biết đau đời!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tin sách:


Nhà văn nữ không trẻ lắm Phan Thúy Hà (sinh năm 1979) vừa ra mắt cuốn sách mới, nóng hổi, sau một loạt cuốn để lại nhiều rung động trong đời sống xã hội và văn chương, như “Đừng kể tên tôi”, “Tôi là con gái của cha tôi”, “Qua khỏi dốc là nhà”... Với ai thế nào thì tôi không biết, chứ riêng mình, sau khi đọc xong mấy cuốn vừa kể, thầm nghĩ đã lâu lắm trên văn đàn bàng bạc nhàn nhạt xứ này, lại có cái đáng để ta bỏ thời gian và sự say mê vào mà không uổng phí. Có thể xem đây là hiện tượng, sự khởi sắc giữa buổi chợ chiều văn nghệ kéo dài đã quá lâu.

Tôi có may mắn được tác giả cho đọc sớm, khi sách đang còn trong thời gian nộp lưu chiểu, cơ quan quản lý xuất bản đang thẩm định lần cuối cùng trước khi ra đại trà. Cũng từng rụt rè góp ý với tác giả, cái tên cuốn sách hiền lành quá - “Gia đình”, dễ làm cho người mua sách lơ đễnh, lướt mắt lướt chân vụt qua, dễ gây hiểu nhầm là thứ văn chương ngôn tình đang phổ biến của bọn trẻ 8X, 9X, nhất là thời buổi vàng thau lẫn lộn khó phân biệt được giá trị “văn dĩ tải đạo”.

Vậy thì phải nói ngay, cuốn sách trang nhã, độ dày vừa phải, 274 trang, mang cái tên “Gia đình” nhẹ bẫng ấy lại chứa trong nó tấn siêu bi kịch của một thời đại bi thảm cách nay đã gần 70 năm, mang tên Cải cách ruộng đất (CCRĐ). Một cụm từ mà những người đã chứng kiến, đã trải qua, và con cháu họ, chỉ nghe lại thôi đã rùng mình khiếp sợ.

Sự có mặt của “Gia đình” khơi chuyện CCRĐ vào thời điểm này dù là chậm muộn, thậm chí cực muộn nhưng lại vô cùng cần thiết. Thông tin về CCRĐ bấy lâu nay bị nhà cầm quyền che giấu, bưng bít, cố tình lờ đi khiến tấn bi kịch thời đại rơi vào vòng mù mờ hư thực, nửa có nửa không, nửa sai nửa đúng. Dòng thời gian trôi đi cuồn cuộn, kiếp người mong manh, phận người như chiếc lá, chỉ mươi năm nữa thôi những nhân chứng, người trong cuộc sẽ rơi rụng dần, CCRĐ sẽ rơi vào quên lãng. Thế hệ trẻ lớn lên ngơ ngác không biết CCRĐ là cái gì mà sao cha ông chúng ngày xưa từng hãi hùng làm vậy.


Lại nhớ, sau khi đọc xong cuốn “Đừng kể tên tôi” của Phan Thúy Hà, tôi cảm nhận rất rõ rằng nếu nói “văn sử bất phân” (văn và sử không thể chia ra rành mạch) thì có lẽ rất đúng với Hà và tác phẩm của Hà. Cuốn đó, và cả cuốn “Gia đình” này, Phan Thúy Hà không làm văn chương, cô chỉ làm nhiệm vụ của người biên sử, chép lại những phần mà người ta cố tình chép thiếu, để làm thứ tư liệu cho mai sau những người làm sử tử tế nếu có thực hiện một cuốn toàn thư chân thật khách quan thì dựa vào đó mà bổ sung vào. Cô không viết tiểu thuyết, không một chút hư cấu, cũng không hề thấy chút nào trữ tình ngoại đề theo dòng cảm xúc. Tác giả chỉ tỉ mẩn nhặt những số phận, con người, cảnh đời, máu, nước mắt, bi kịch, những u gồ bướu cục của lịch sử chắp lại cho có hàng có lối. Tất cả đều người thực việc thực, người mà không tin thì còn có trời xanh kia chứng giám. Suốt hơn hai trăm trang chữ, nhiều khi đọc tới đoạn nào đó chỉ muốn hét lên. Ví dụ:

“Hai dân quân giải cha về. Cha không được vào nhà. Phải đứng ngoài chuồng lợn.

Cha đứng dưới mái chuồng lợn. Một sợi dây thừng nối từ chỗ trói tay buộc vào gốc cây.

Hai cánh tay trói sát sườn. Bàn tay vẫn cử động được.

Chị em tôi ra với cha. Tôi bưng bát cơm mời cha. Bàn tay cha giơ ra đón. Sợi dây trói giật mạnh. Bát cơm rơi xuống. Người dân quân đứng trong bụi cây cầm sợi dây hả hê đứng nhìn.

Cha ngồi xuống, nhặt từng hạt cơm vào miệng.

Ba năm sau, tôi cùng mẹ lên nghĩa địa trại giam đưa cốt cha về” (truyện số 3, Trần Lệ kể)

“Nhà tôi chẳng có của cải gì mà tịch thu. Trong bếp có vài cái nồi. Mở vung nồi ra thấy có cơm nguội. Là phần cơm chiều mẹ để dành cho chúng tôi, nhưng giờ là cơm của nông dân. Họ vốc ăn hết ngay trong bếp. Ngoài vườn có cái sành đựng nước tiểu, họ đổ nước tiểu, lấy sành.

Nơi bắn cha tôi là trường cơ bản ở bên Minh Sơn.

“Oan quá trời ơi”. Cha tôi kêu lên một tiếng. Một nắm giẻ nhét vào mồm. Phát súng đầu tiên không nổ. Phát thứ hai không nổ. Thứ ba không nổ.

Thay người bắn. Chỉnh lại súng.

Một cái dây tròng vào cổ. Xác cha tôi được kéo đi từ trường cơ bản xuống Bến Nại. Giữa lối trâu đi. Xác ông Long cũng nằm đó, úp mặt, trong con mương. Ông Long bị bắn vào buổi sáng. Hai người cùng làng Châu Hạ” (truyện số 5, Phan Thị Tứ kể).

Những đoạn như vậy nhiều lắm, đầy nước mắt, bi thương, căm giận. Tất cả những địa chủ ấy đều là nạn nhân của “cuộc cách mạng long trời lở đất”, bị quy đôn thành phần lên cho đủ chỉ tiêu, số lượng địa chủ mà “trên” giao. Dù sau này chính quyền có sửa sai thì thân xác họ cũng bị vùi ba thước đất mất rồi, chỉ còn nỗi uất hận căm hờn trong lòng người còn sống, khó mà sửa được.

Điều đáng mừng là Nhà xuất bản Phụ Nữ đã mạnh dạn chịu trách nhiệm ra cuốn sách như thế này. Cũng có thể do thời thế đã đổi thay, tuy nhiên sự sợ sệt, e dè, ngại ngần về tai họa giáng xuống đầu, dù vô hình vẫn còn mạnh lắm. Suốt mấy chục năm, muốn tìm hiểu về CCRĐ, người ta phải lén lút, giấu diếm tìm đọc sử của Hoàng Văn Chí, vào những tư liệu lưu truyền không chính thống của Hữu Loan, Trần Dần, Vũ Thư Hiên, Trần Đĩnh... Sau nữa, may nhờ có cái gọi là công cuộc đổi mới, có thêm những “Ba người khác” của Tô Hoài, Cuồng phong” (Nguyễn Phan Hách), “Chuyện làng Cuội” (Lê Lựu), “Thời của thánh thần” (Hoàng Minh Tường), gần đây “Kiến, chuột và ruồi” (Nguyễn Quang Lập)… Tôi không dám so “Gia đình” và Phan Thúy Hà với những danh thư và những cây đa cây đề kia, chỉ rụt rè mà rằng sự khác hẳn trong cuốn sách của Hà là sự thật lịch sử so với những điều được hư cấu, tiểu thuyết hóa, hình tượng văn chương.

Thế hệ sinh nửa cuối thập niên 50 chúng tôi vẫn còn quá nhỏ khi diễn ra CCRĐ, nhưng chuyện về trận cuồng phong điên loạn ấy thì nghe đầy tai, từ nhân chứng, từ người tai nghe mắt thấy. Nào chuyện cụ Nguyễn Khắc Niêm quan đại thần triều Nguyễn (bố ông Nguyễn Khắc Viện), tham gia kháng chiến, bị đấu tố, bị đánh chết trên đường giải giam. Chuyện cụ Phan Võ (cha giáo sư Phan Ngọc) nhân sĩ yêu nước nổi tiếng, bị quy tội trong CCRĐ, sắp bị lôi ra bắn thì may có cái thư của cụ Hồ chuyển về kịp thời cứu thoát. Chuyện bà Nguyễn Thị Năm công lao hãn mã với kháng chiến, được người cộng sản ưu tiên lôi ra bắn đầu tiên (từ năm 1953). Chuyện nhà nước sửa sai, cụ Hồ ‘lau nước mắt” hối hận, ông Võ Nguyên Giáp ra sân vận động đứng xin lỗi đồng bào (có lẽ đây là lần duy nhất chế độ này nhận lỗi về CCRĐ), ông Trường Chinh mất chức tổng bí thư để hạ nhiệt căm hận của dân… Thực ra, chế độ này còn nợ rất nhiều về CCRĐ, trong đó có lý do quan trọng là họ không muốn trả.

Nói đâu xa, ông anh rể tôi là nạn nhân CCRĐ. Bố anh là lý dịch hương thôn, chức phó lý nhưng làm cho kháng chiến. Tới khi phát động cải cách, họ lơ hết công lao, quy thành địa chủ và quốc dân đảng, bắn ngay sau khi đấu tố. Ông giời đội xử cụ chính là người từng được cụ cưu mang. Nhà cửa ruộng vườn bị tịch thu, vợ con bị đuổi ra ngoài, con cái sau này bị cấm không cho những quyền lợi như người bình thường ngoài quyền lao động khổ sai, làm công nhân cầu đường. Có những lúc, anh em ngồi trầm ngâm thế sự, tôi hỏi anh nghĩ thế nào về CCRĐ, anh chỉ gọn “thù muôn đời muôn kiếp”.

Làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi từng chứng kiến cuồng phong CCRĐ. Cụ chánh Ninh (họ Ngô Duy) là người biết chăm lo cho làng xã, không gây điều tiếng gì, con cụ là ông phán Cơ sống ngoài phố giàu có, cha con xây ở làng dinh cơ tòa ngang dãy dọc hoành tráng cho gia đình. CCRĐ, gia đình bị quy địa chủ, đội cải cách và bần cố nông vào dinh cơ ấy bậy từng hòn gạch, mấy gia đình bần cố vào chia nhau ở, khi tôi còn bé vẫn vào khu đó chơi và được nghe kể lại câu chuyện tang thương mới chỉ xảy ra vài năm trước.

Đồng môn với tôi có anh Lê Văn Sơn người Triệu Sơn, xứ Thanh. Sau khi tôi có bài viết về cải cách ruộng đất, anh điện bảo, chú viết cái ấy mà không hỏi anh, anh chính là nạn nhân của nó đây, bố anh suýt chết, mấy anh em anh suốt bao nhiêu năm phải tự cải tạo bằng cách đi lao động XHCN, đi bộ đội, TNXP rồi mới thay đổi được lý lịch để người ta xét cho đi học. Anh bảo CCRĐ là cái vết nhơ trong lịch sử hiện đại xứ này.

Nhớ những chuyện ấy, để nói với nhau rằng sách “Gia đình” của Phan Thúy Hà là tiếng nói chân thực nhất về CCRĐ, là bản án hùng hồn về trận cuồng phong được gọi mỹ miều bằng “cách mạng cho người cày có ruộng”.

Biên thêm tí chút, như để cảm ơn sự dũng cảm và công phu của tác giả: Ai muốn mua sách, chỉ cần nhắn tin địa chỉ và số điện thoại của mình cho cô Hà, điện thoại số 0904289439. Chuyển khoản: Phan Thị Thúy Hà, số tài khoản 26810000211539- BIDV Thái Hà, Hà Nội.

Nguyễn Thông 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HẬU COVID-19: CƠ HỘI KHÔNG ĐỂ MẤT CƠ HỘI


Chu Hảo
Cho đến hôm nay chúng ta có cơ sở để hy vọng đại dịch Covid-19 ở Việt Nam sẽ được khống chế một cách cơ bản vào khoảng giữa tháng 5, khi còn dưới 20 người vẫn đang phải điều trị và khoảng 30 ngày liên tục không xuất hiện ca nhiễm nào trong cộng đồng. Đó là một thành tích kỳ diệu, xứng đáng được cả thế giới ngưỡng mộ. Cũng vì vậy mà Chính phủ và các học giả đã bắt đầu bàn đến các cơ hội to lớn đang mở ra và đề xuất các giải pháp tận dụng để phát triển đất nước, như bạn đọc có thể thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng mấy ngày qua (xem các bài của Phạm Chi Lan, Trần Văn Thọ, Nguyễn Trung, Nguyễn Quang Dy, Vũ Minh Khương, Nguyễn Ngọc Chu, v.v.).
Tôi tán thành hầu hết các ý kiến ấy, sau đây chỉ xin được chia sẻ với bạn đọc ý kiến riêng của mình về một vài khía cạnh khác.
1. Theo tôi cơ hội lớn nhất đối với chúng ta lần này là Cơ hội không để tuột mất cơ hội. Chắc các bạn còn nhớ những lời nhận xét đau lòng đại thể như “Việt Nam là đất nước không muốn phát triển (?!)”, luôn đi liền với “Việt Nam là chuyên gia bỏ lỡ cơ hội”. Trong bài viết gần đây, GS Trần Văn Thọ chỉ nhắc đến hai cơ hội vào năm 1975 và 1990; nhưng cựu Đại sứ Nguyễn Trung thì thấy nhiều hơn, bắt đầu từ khi xuất bản cuốn “Thời cơ vàng” (NXB Trẻ, 2010) cho đến tận gần đây, cứ mỗi lần xuất hiện một thách thức mới là Nguyễn Trung lại đau đáu một “cơ hội vàng” cho đất nước, nhưng rồi cứ mỗi lần hy vọng lại là một lần thất vọng… “Cái dớp bỏ lỡ cơ hội” này sẽ mãi mãi ám ảnh chúng ta chừng nào cái thói “kiêu ngạo cộng sản” của các nhà lãnh đạo (như Lê-nin đã nhận ra trong nội bộ đảng của mình từ ngay từ những năm đầu của Cách mạng tháng Mười, và Lý Quang Diệu viết về các nhà lãnh đạo Việt Nam sau 1975 trong hồi ký của mình); và chừng nào dân chúng vẫn còn “tự sướng” coi Việt Nam là “lương tâm của thời đại”, là “rốn của Vũ trụ” như sau các chiến thắng năm 1954 và năm 1975. May thay lần này Covid -19 đã làm cho dân ta, nhất là tầng lớp tinh hoa, thấm thía rằng chẳng có gì là vĩ đại tuyệt đối cả, chẳng có gì là chắc chắn tuyệt đối cả; nhưng sinh mạng và quyền được sống của mỗi con người, cũng như chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia là tuyệt đối, là vĩnh cửu. Có lẽ vì vậy mà thói kiêu ngạo và ngông nghênh vỗ ngực tự hào hình như giảm hẳn. Đó là cơ sở để chúng ta tin rằng cái “dớp bỏ lỡ cơ hội” lần này sẽ được hóa giải. Mong lắm sao!
2. Cơ hội thứ hai mà Covid-19 mang lại cho chúng ta có thể là cơ hội ngàn năm có một: Cơ hội thoát Trung. Ở đây thoát Trung có ý nghĩa cụ thể là: Thoát khỏi âm mưu thâm độc và nhất quán của bè lũ cầm quyền Trung Hoa đại lục từ xưa đến nay nhằm thôn tính đất nước ta; liên tục xâm phạm không gian sinh tồn gồm lãnh thổ và lãnh hải của dân tộc ta; luôn tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế và lũng đoạn hệ thống chính trị của đất nước ta; đầu độc tinh thần và phá hoại nền văn hóa văn hóa – đạo đức của nhân dân ta. Có một bộ phận không nhỏ đồng bào ta, cả trong tầng lớp lãnh đạo và giới tinh hoa, vẫn còn mơ hồ, hoặc bị khống chế vì đã bị mua chuộc, nên không nhận ra hoặc không dám nói công khai ra sự thật kinh hoàng này; không thoát ra khỏi cái vòng kim cô “đồng ý thức hệ”, với “16 chữ vàng” và “bốn tốt” lừa mị thâm hiểm, của bọn cướp toàn cầu ngồi ở Trung Nam Hải. May thay Covid-19 làm cả thế giới bừng tỉnh, nhất là nước Mỹ, trước tham vọng của bè lũ bá quyền Bắc kinh đang vội vàng vươn lên thành bá chủ thiên hạ bằng những thủ đoạn hèn hạ nhất, độc ác nhất. Toàn thế giới giờ mới có dịp làm cho chiếc mo ô nhục che mặt bè lũ ấy rơi xuống đất, và đồng lòng lên án, tẩy chay và trừng phạt chúng. Có lẽ nào nhân dân ta lại không có cách gì tận dụng “cơ hội vàng” này để thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ không bao giờ muốn Việt Nam trở thành một nước Độc lập, Tự cường? Hình như có một nỗi sợ vô hình khi đối mặt bọn bá quyền Bắc Kinh vẫn bao trùm đâu đó. Nỗi sợ ấy hoàn toàn phi lý. Thời chống quân Nguyên, thế và lực của nước ta yếu hơn nhiều so với kẻ xâm lược, mà ông cha ta đâu có sợ? Lúc ấy chỉ có lòng dân là cứu được nước, cũng như bây giờ chỉ có trên dưới một lòng nước ta mới vượt qua Covid-19 một cách đáng ghi nhận. Nỗi sợ sẽ làm ta dễ cam chịu. Hãy nhớ lời nhắn nhủ của Winston Churchill (Thủ tướng Anh thời chiến tranh Thế giới thứ hai): “Một dân tộc tìm cách né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì dân tộc đó sẽ lãnh đủ cả hai thứ: cả chiến tranh và sự nhục nhã.” Mọi tín hiệu từ nhiều phía cho thấy đây là thời điểm thoát Trung thuận lợi nhất, chỉ cần thoát khỏi nỗi sợ hãi thôi.
3. Cơ hội thứ ba mà Covid-19 đem lại, mà chúng ta phải quyết không để tuột khỏi tầm tay, cũng rất quan trọng. Đó là, cũng như đối với các nước khác, nó làm bộc lộ một cách bất ngờ nhất những điểm yếu và mạnh trong hệ thống quản trị đất nước để tìm được “đột phát khẩu” cho phát triển. Tôi tán thành với ý kiến của GS Trần Văn Thọ cho rằng, điểm yếu nhất của nước ta hiện nay là nguy cơ tụt hậu và ông đề xuất giải pháp “Chống tụt hậu như chống giặc” để khắc phục “cái yếu nội lực Việt Nam là cơ cấu hành chánh, tinh thần trách nhiệm của quan chức, và sự tương tác không mấy thuận lợi của doanh nghiệp và dân chúng đối với các chính sách của nhà nước”. Là người am hiểu và tinh tế ông chỉ nói đến thế, nhưng có lẽ ta nên hiểu rằng ông đang đề cập đến vấn đề cải cách thể chế chính trị mà bản thân đảng cầm quyền cũng từng nói, nhưng chưa làm được nhiều. Ông cũng nhắc đến ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh trong thư gửi cho Bộ Chính trị năm 1995 rằng trong bốn nguy cơ đang phải đối mặt thì nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa là nguy cơ quan trọng nhất. 25 năm trôi qua mà nguy cơ ấy vẫn còn nguyên đó. Coi là tụt hậu là giặc thì các biện pháp thời chiến dễ được toàn dân đồng lòng và tuân thủ, thế thì biết đâu ta lại thắng to!? Tuy vậy cũng nên nhớ lời nói chân thành của Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Cơ Thạch với GS Lê Xuân Khoa tại Mỹ năm 1990: “Chúng tôi đánh nhau thì giỏi, nhưng quản trị [đất nước] thì tồi lắm! Không phát triển đất nước được”. Nếu còn sống đến tận hôm nay, liệu Ông vẫn bảo lưu ý của mình?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tòa soạn


Truyện ngắn của Ái Nữ


      Việt Nam, một năm cuối của thế kỷ hai mươi.
       Một tòa soạn báo văn nghệ giống như mọi tòa soạn tương tự nằm đây đó khắp các tỉnh, một ngày như rất nhiều ngày. Nhà văn Biển Việt, một nhà văn nổi tiếng như rất nhiều nhà văn trong nước, đang bận rộn với công việc biên tập thì phải bỏ dở giữa chừng để tiếp khách. Không chỉ là khách của tòa soạn mà còn là khách của riêng ông. Không phải khách quen, không phải bạn văn cũng không phải cộng tác viên. Một bạn đọc tên là Ba Đào.
       Cả tòa soạn ngạc nhiên. Đã lâu rồi họ không còn biết đến niềm hạnh phúc vì sự hâm mộ của độc giả. Như mọi tờ báo được bao cấp khác, báo của họ in ra hầu như chỉ để phát, văn chương đăng trên đó không được mấy ai quan tâm ngoài những người sáng tác trong cùng hội văn học nghệ thuật địa phương. Vậy mà nay có độc giả đến đây vì niềm cảm mến sau khi đọc một tác phẩm đăng trên tờ báo của họ, truyện ngắn “Chú bé đi giày một chân”* của nhà văn Biển Việt.
       Biển Việt ngắm nhìn Ba Đào, nguyên mẫu lý tưởng cho một tác phẩm tương lai. Đó là chàng trai trẻ ở độ tuổi đôi mươi, có đôi mắt sáng với ánh nhìn nồng nàn chứa đựng những điều sâu kín. Vóc người thanh, làn da sáng, gương mặt nghiêm nghị của một người nhiều suy nghĩ trước tuổi. Đôi mắt chàng trai rực lên như chiếu tỏa ngọn lửa từ bên trong.
       - Vậy là cậu thấy truyện đó hay ư? – Nhà văn hỏi sau khi rót cho bạn đọc một tách nước trà.
       - Vâng, câu chuyện ấy gợi lên nhiều tâm tư – Giọng Ba Đào xúc động – Hẳn là tác giả đã suy nghĩ rất nhiều…
       “Nhạy cảm quá!” Biển Việt thầm nghĩ.
       Những người không nghĩ nhiều thì tất nhiên không viết văn. Nhưng không phải cứ quẳng ý nghĩ lên mặt giấy là làm thành tác phẩm hay được. Những tư tưởng non trẻ hay già nua không giúp cho tác phẩm của nhà văn sống lâu. Cuộc đời của các tác phẩm văn chương không giống như cuộc đời của thân xác con người. Ở tuổi trung niên, Biển Việt không còn quá nhiều ảo tưởng. Kiếm sống bằng ngòi bút là việc nhọc nhằn. Có lẽ Ba Đào ít được đọc văn nên mới đánh giá cao truyện ngắn của ông đến thế. Trong câu chuyện ấy, dù lòng ông chân thật, nhưng ông độc đoán dùng quyền hư cấu của văn chương để nhồi nhét suy nghĩ của mình vào miệng nhân vật đứa trẻ lang thang thất học một cách thô vụng. Mọi tình tiết trong truyện đều phi lý. Hai thằng bé bụi đời chung nhau đôi giày theo cách mỗi đứa chỉ đi giày bằng một chân thôi, chúng cho là thà cả hai đều được ấm một chân còn hơn để một đứa bị lạnh cả hai chân. Đôi giày vốn là sở hữu riêng của một thằng bé, nhưng nó đã chia cho bạn một nửa trong khi đấy là toàn bộ gia tài của nó. Và bạn nó, thằng bé nhân vật chính trong truyện, phê phán những người lớn rằng họ rất tồi tệ, họ không bao giờ dám chia cho bạn mình một nửa gia tài, nếu cuộc sống không tốt đẹp thì họ luôn đổ lỗi cho nhau, vì thế nó quyết định sẽ không trở thành người lớn. Một ngày mưa lũ, dòng sông chảy qua thành phố dâng nước lên cuồn cuộn, dưới sông có một người đang bị dòng nước hung dữ cuốn trôi, trên bờ có nhiều người lớn đứng nhìn hoảng hốt nhưng không ai dám nhảy xuống sông cứu người bị nạn. Thằng bé đi giày một chân đã dũng cảm nhảy xuống nhưng không cứu được ai và mãi mãi không trở về. Nó không bao giờ trở thành người lớn nữa.
       - Một tác phẩm văn chương làm xúc động lòng người, người đọc sẽ suy nghĩ và muốn sống tốt hơn – Giọng Ba Đào trầm xuống và nhỏ lại, nhưng đôi mắt chàng trai rực sáng hơn, nhìn thẳng vào Biển Việt– Vì điều ấy mà cháu muốn viết văn. Chú sẽ ủng hộ cháu chứ?
       “Đó là động cơ viết của một nhà văn chân chính”. Biển Việt mỉm cười nghĩ. “Nhưng cần phải có tài năng nữa. Phải xem trời có ủng hộ anh không đã, anh bạn trẻ ạ!” Ông khích lệ Ba Đào với giọng hân hoan:
       - Chúng tôi luôn mong chờ những cây bút mới. Cậu hãy viết và đem đến đây, nếu hay chúng tôi sẽ đăng, nếu chưa hay thì chúng tôi sẽ góp ý.
       Ba Đào ra về trong niềm vui pha lẫn chút phấn khích của Biển Việt. Chàng trai đã đem đến những cảm xúc tươi mới cho ông. Ông sẽ chứng kiến và nâng đỡ bước đi chập chững đầu tiên của một nhà văn trẻ. Còn ông, ông là nhà văn trẻ đã quá lâu rồi. Ở đất nước này, giới trí thức vẫn giữ gìn kỹ lưỡng phong tục “kính lão đắc thọ” của cha ông, các văn nghệ sĩ cũng không ngoại lệ. Chừng nào còn có người nhiều tuổi hơn họ, chừng nào còn có người cầm bút trước họ thì họ vẫn là “nhà văn trẻ” trong cách gọi hoặc trong ý thức của chính mình hay của người khác. Năm nay Biển Việt đã ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, ông biết cái mệnh của ông là còn làm “nhà văn trẻ” rất lâu, bởi các bậc cha chú, các bậc đàn anh của ông trong giới cầm bút cỡ tuổi “bát thập” vẫn khá đông đảo mà họ sẽ còn sống lâu hơn nữa. Tuổi tác và cách xưng hô đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra vai vế trong xã hội Việt Nam và gây cho giới văn nghệ sĩ lắm phen bối rối. Ba Đào xưng hô lễ phép với Biển Việt theo một cách không thể khác. Nhiều nhà thơ khi đứng trước một cô gái đẹp đã than: “Em ơi, sao gọi anh bằng chú?” Họ không muốn từ bỏ vai trò cha chú, vai trò đàn anh của mình đồng thời khó chấp nhận sự thật là mình đã nhiều tuổi, vì ở Việt Nam “nhiều tuổi” thường được hiểu đồng nghĩa với “già”, còn “già” thì hay được hiểu là “cũ”. Mâu thuẫn ở chỗ là người ta tỏ ra kính trọng người “già” nhưng lại thích người “mới”. Cách xưng hô phân biệt tỉ mỉ của người Việt Nam không thể hiện được tính chất “vừa già vừa mới” mà những văn nghệ sĩ lãng mạn muốn được nhìn nhận. Nếu cứ như bên các nước phương Tây thì chuyện này chẳng thể là vấn đề, bởi vì họ thường chỉ dùng một từ ở ngôi thứ nhất số ít và một từ ở ngôi thứ hai số ít, không có chuyện phải băn khoăn “uốn lưỡi bẩy lần” trước khi quyết định xưng hô với một người chưa quen như thế nào. Các nhà phê bình cầu toàn hay phàn nàn về chuyện Việt Nam thiếu những nhà văn nhà thơ lớn, họ quên mất rằng người Việt Nam muốn được xem là “lớn” thì đầu tiên phải “già” trước đã. Cứ viết thường xuyên, anh sẽ được gọi là nhà văn nhà thơ, cứ in tác phẩm thật nhiều, anh sẽ được giới thiệu là “nhà văn nổi tiếng”, “nhà thơ nổi tiếng”. Người “nổi tiếng” rất sẵn, còn người “lớn” thì… Cụ Tản Đà, ấy là nhà thơ tài hoa thời trước mà người ta kính trọng nên hay gọi bằng “cụ” như thế, có câu thơ rằng: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn – Nước mấy nghìn năm vẫn trẻ con”. Thời nay số dân của Việt Nam đã tăng gấp mấy lần mà người ta vẫn trích dẫn câu thơ đó mãi. Những người “lớn” thật thì ai còn nghĩ đến tuổi tác của họ chứ! Nhiều nhà văn nhà thơ của thế giới không sống đến tuổi bốn mươi nhưng đã kịp để lại di sản lớn cho nhân loại. Họ trẻ mãi, bất diệt, không ai gọi họ bằng “cụ”.
       Ba Đào đã đem đến tòa soạn hai truyện ngắn đầu tiên. Biển Việt đọc xong thấy hài lòng vì bài viết của chàng trai không có lỗi chính tả, phần ngữ pháp cũng chuẩn mực, câu chuyện giàu cảm xúc. Sinh viên đại học y có khác, rất có triển vọng. Những truyện này của cậu ta đủ trình độ để được đăng trên những tờ báo dành cho tuổi ngây thơ như “Hoa Học Trò” hay “Áo Trắng”. Sau khi khen những ưu điểm để khích lệ, Biển Việt phân tích cho Ba Đào vài chỗ khờ khạo trong xây dựng cấu trúc truyện ngắn mà những người mới vào nghề viết thường mắc phải. Không chỉ người mới vào nghề, những nhà văn lâu năm như Biển Việt cũng vẫn dễ mắc sai lầm như thường, vì khi viết người ta không tỉnh táo được như lúc đọc tác phẩm của người khác, cho nên giới viết lách mới có câu “văn mình vợ người”. Chàng trai ngoan ngoãn lắng nghe một cách chăm chú, nhưng Biển Việt không tin là cậu ta tiếp thu ngay được. Muốn trở thành Lỗ Tấn đâu có dễ!
       Lần thứ hai, Ba Đào lại đem tác phẩm mới viết đến tòa soạn. Biển Việt đọc lướt nhanh rồi chững lại, mặt ông nghệt ra, điếu thuốc đang kẹp hờ giữa hai ngón tay suýt rớt xuống sàn. Ngoài sức tưởng tượng của ông, đây là truyện ngắn hết sức đĩnh đạc, văn phong khác hẳn những truyện lần trước. Không nghi ngờ gì nữa, ông đang đọc tác phẩm của một Sê-khốp trong tương lai. Câu chuyện nhỏ xảy ra trong bệnh viện, giản dị nhưng nhiều tầng ý nghĩa. Biển Việt ngẩng lên, bỏ kính xuống, phấn chấn nói với Ba Đào:
       - Tốt lắm, cậu cứ như thế mà viết! Chúng tôi sẽ đăng trong số báo gần nhất. Cậu quả thật có năng khiếu, tôi xin chúc mừng!
       - Thật vậy ư? Cháu rất cảm ơn chú – Ba Đào thay đổi sắc mặt nhưng không có vẻ vui mừng – Còn những khuyết điểm của tác phẩm, chú sẽ nói chứ?
       - Ồ, tất nhiên - Biển Việt vui vẻ - Tất nhiên là còn phải sửa, vì đó là công việc của tôi, song cũng nhanh thôi. Cậu xem đoạn này nhé…
       Biển Việt chỉ cho Ba Đào một đoạn trong bản thảo:
       - Nhân vật này là một thằng cha khoác lác kiêu ngạo, hãy để anh ta cao giọng lên. Chúng ta sẽ sửa thành “anh ta cao giọng…” Còn chỗ này… chỗ này… - Biển Việt dùng bút khuyên vào từng chỗ trong bản thảo một cách thành thạo, mãn nguyện nhìn Ba Đào với vẻ không còn gì để bàn cãi – Cậu thống nhất thế chứ?
       - Vâng – giọng Ba Đào hơi có vẻ dè dặt – Cháu đồng ý.
       - Khi nào đăng chúng tôi sẽ gửi báo và nhuận bút cho cậu – Biển Việt bắt tay tạm biệt chàng trai, ông thấy vẻ mặt Ba Đào thoáng buồn nhưng không hiểu vì sao.
       Hôm sau, khi Biển Việt đến tòa soạn thì thấy Ba Đào đã chờ sẵn. Ông ngạc nhiên hỏi vồn vã:
       - Cậu đã viết được truyện mới rồi à? Hãy để tôi xem!
       Ba Đào mở to mắt nhìn thẳng Biển Việt, nói chậm rãi nhưng chắc chắn:
       - Xin lỗi chú! Cháu đến để lấy lại bản thảo hôm qua. Cháu đã nghĩ kỹ và thấy là không thể đồng ý với những sửa chữa của chú.
       - Cậu ngồi xuống, ngồi xuống đã! – Biển Việt rút mấy trang bản thảo từ tập giấy trên bàn làm việc, tròn mắt nhìn chàng trai – Hôm qua cậu đã đồng ý…
       - Cháu muốn đồng ý với chú, nhưng nhân vật trong truyện không tầm thường như thế. Không thể như thế được! Chú sửa như vậy là làm tầm thường hóa nhân vật - Ba Đào đột nhiên lạc giọng đi một cách lạ lùng – Với những con người tầm thường thì không còn gì để nói. Nếu nhà văn nhìn thấy con người tầm thường thì còn có thể giúp gì cho họ nữa?
       Vẻ xúc động của chàng trai làm cho Biển Việt bối rối. Tình huống này khiến ông bất ngờ, ông không hiểu Ba Đào đang nói gì. Sao lại không có những nhân vật tầm thường? Các nhân vật phản diện vẫn thường xuyên xuất hiện trong văn học tự cổ chí kim. Cuộc sống không thể thiếu những kẻ xấu xa.
       - Thế này anh bạn ạ! – Biển Việt nhăn mặt nói – Nếu cậu không muốn người ta sửa truyện của mình thì khi gửi bài đến bất kỳ tòa soạn nào hãy ghi thêm bên lề mấy chữ: “Đề nghị không sửa bản thảo!” Ở nước ta đến lúc này mới chỉ có mỗi nhà văn Nguyễn Tuân làm như vậy thôi. Với tài năng của cậu, tôi tin rằng năm năm nữa cậu có thể xử sự như Nguyễn Tuân. Nhưng không phải bây giờ…
       Đến lượt Ba Đào không hiểu Biển Việt đang nói gì, chàng trai trân trân nhìn nhà văn trước mặt mình một cách kinh ngạc. Gương mặt đầy đặn của ông nhuộm màu mệt mỏi, dù thân hình nhỏ nhắn của ông thường di chuyển nhanh nhẹn. Tiếng nói của ông dường như không hoàn toàn thoát khỏi cuống họng, làm cho giọng nghe khàn khàn.
       Ba Đào im lặng. Biển Việt đã bình tĩnh hơn, ông bảo:
       - Thôi thế này, cậu đưa cho tôi đọc truyện khác. Có thể có truyện không cần sửa.
       Ba Đào mở chiếc cặp mang theo, rút một bản thảo khác đưa cho Biển Việt. Ông cầm lấy đọc tức khắc, chăm chú một mạch. Sau đó ông thở dài và bỗng đổi cách xưng hô:
       - Này cháu! Cháu thật sự có tài đấy, chú không nhầm đâu. Truyện rất hay. Với tư cách là bạn đọc thì chú muốn được đọc những tác phẩm như thế, nhưng với tư cách là người biên tập thì chú không thể cho xuất bản được. Truyện này “gai góc” quá, nó sẽ gây đụng chạm.
       Ba Đào không ngạc nhiên thêm nữa nhưng ra chiều suy nghĩ. Mọi học sinh trung học trên đất nước này đều được các giáo viên dạy văn nhắc cho nghe những “kỳ án” của giới văn nghệ sĩ mang chung cái tên “nhân văn giai phẩm”. Đó là lịch sử một thời đã qua, nhưng đến nay nỗi lo sợ bị “chụp mũ” vẫn ám ảnh nhiều thế hệ nhà văn, như chim phải tên sợ làn cây cong.
       - Nếu viết như thế mà sợ đụng chạm thì cháu còn biết viết gì? – Ba Đào thất vọng hỏi.
       - Thiếu gì chuyện để viết! Cứ viết về những thói xấu của dân đen, những bi kịch gia đình vì đạo đức suy đồi, những chuyện tình ái…
       - Nhưng những chuyện ấy đâu có xảy ra trên cung trăng? Ai trong chúng ta có thể vô can tuyệt đối trong các bi kịch? – Ba Đào mím môi bướng bỉnh – Nếu chỉ có thể viết những truyện “lá cải” thì cháu không viết nữa.
       - Không viết cũng không sao cháu ạ! Viết văn chỉ là việc nhỏ thôi – Biển Việt châm điếu thuốc rít một hơi dài – Nghề bác sĩ của cháu kiếm sống tốt hơn nhiều. Chú đâu có vui sướng gì, nhiều người cùng như chú, sách viết ra hầu như chỉ để “đắp chiếu” trong các thư viện hoặc đem tặng. Phải biết sống sao cho yên ổn, vì bây giờ đâu phải là thời “dùng bút làm đòn xoay chế độ”* nữa.
       Ba Đào đứng bật dậy, ánh mắt chàng trai nhìn Biển Việt đầy bi phẫn.
       - Yên ổn ư? Chú nghĩ rằng những tác phẩm của chú không đụng chạm đến ai ư? Nó đụng chạm đến cháu. Chú có hiểu tại sao thằng bé đi giày một chân nhảy xuống dòng nước lũ trong khi ai cũng biết là nó chưa đủ sức không? – Ba Đào run giọng - Nó nhảy xuống để tự tử, để khỏi phải sống trong thế giới của những người lớn như thế.
       Cầm lên tất cả các bản thảo, Ba Đào bước ra khỏi tòa soạn.
       Điếu thuốc trên tay Biển Việt rơi xuống. “Vừa rời khỏi đây chính là Chú Bé Đi Giày Một Chân?” Biển Việt bàng hoàng. Ông chưa từng nghĩ nhân vật trong truyện của ông nhảy xuống dòng nước lũ để tự tử, ông hoàn toàn tin đó là một hành động dũng cảm. Tự tử là trò điên rồ của những kẻ ngốc yếu đuối hoặc của những nhà văn lớn. Nhà văn lớn phải biết đến những đau khổ lớn, lớn đến mức họ tưởng không chịu nổi. Họ không viết vì niềm đam mê, họ viết do trời xô đẩy. Thế giới có được Mac-xim Gooc-ki là nhờ may mắn, lẽ ra ông ta đã chết rồi, vì một phát đạn xuyên thấu ngực – tự sát.
       Biển Việt đã năm mươi tuổi. Có chân trong tòa soạn này là điều may mắn với ông. Ông có thể yên tâm đau những niềm đau nho nhỏ, vui những niềm vui dịu dàng.
       Ba Đào không quay lại tòa soạn lần nào nữa. Biển Việt không biết cậu ta đi đâu. Dù sao, ông cũng không đủ sức để biết quá nhiều.

                                                                           Viết xong ngày 13 – 01 – 2014.

Chú thích:
* “Chú bé đi giày một chân” là một truyện ngắn có thật, tác giả là nhà văn Hồ Thủy Giang. 
* “Dùng bút làm đòn xoay chế độ”: Trong bài thơ “Là thi sĩ” của Sóng Hồng có hai câu nguyên văn như sau:
                   “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
                     Mỗi vần thơ:  bom đạn phá cường quyền”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRONG MỘT XÃ HỘI THƠM HƠN MÍT, NGUYỄN HUY THIỆP ƯA LÀM MỘT THẰNG PHÁ THỐI


Trần Mạnh Hảo
Trong tiểu thuyết “Ly Thân” của Trần Mạnh Hảo do nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 1989 có chương “Ngắm trăng tập thể”. Ấy là nhân một đêm rằm trung thu năm 1954, một đơn vị bộ đội trước khi về tiếp quản Hà Nội, có tay chính ủy yêu đảng đến phát hâm, thấy anh em bộ đội ra khoảng đồi trống ngắm trăng rất chi là lẻ tẻ, rất chi là cá nhân, giống sự ngắm trăng riêng tư, ngắm rất phản động của bọn địa chủ tư sản đế quốc phong kiến; chủ nghĩa xã hội là tập thể hóa cả thân xác đến tâm hồn nghe chưa, nên không có vầng trăng riêng tư, ngắm trăng cũng phải có tổ chức, có đảng lãnh đạo, ngắm trăng tập thể mới thiêng liêng ( xin trích ) :
’Đêm hôm sau, từ tám giờ tối, tiếng kẻng báo hiệu ngắm trăng vang lên giòn giã. Chúng tôi lại ra sân xếp hàng ngắm trăng tập thể. Trăng trung thu sáng rỡ như một đám cháy lớn góc rừng. Cảnh anh em trong đơn vị ngồi như những mô đất, hệt tối hôm qua, nhưng sao vẫn không thật, như là mình mắc bệnh mộng du. Trước khi vào ngắm trăng, Tràng Giang phê bình một số người hôm qua ngủ gật:
– Tối hôm qua, khi cả tập thể đang say sưa ngắm trăng một cách thiêng liêng thì một vài đồng chí lại ngồi bó gối ngủ gật. Đến nỗi tôi ngồi đằng trước mà vẫn nghe tiếng ngáy khò khò như Trương Phi ấy. Những đồng chí nào ngủ gật khi ngắm trăng tối qua yêu cầu ngày mai tự giác làm bản kiểm điểm. Tôi xin thay mặt ban lãnh đạo tờ báo biểu dương tinh thần ngắm trăng của đồng chí Hùng Thắng, mặc dù bị sốt đến liệt giường, vẫn đòi ra sân bằng được để cùng toàn đơn vị ngắm trăng. Đến nỗi, như các đồng chí thấy, đồng chí Hùng Thắng phải ngồi dựa lưng vào đồng chí chúng ta, để ngắm bằng được trăng rằm đêm nay. Tôi xin các đồng chí vỗ tay tán thưởng tinh thần của đồng chí Thắng. Nào, tất cả chúng ta cùng ngắm trăng, ngắm.
…..
Hùng Thắng ngồi dựa vào hai người, ngắm trăng cùng anh em, nhưng lên cơn sốt cao quá, ngã vật ra đành phải khiêng vào nhà. Sau sự cố này, không khí lại trở về im lặng. Trong không khí ngắm trăng tập thể nghiêm trang tới mức tôn giáo, thì không hiểu kẻ phá hoại, tên phá bĩnh nào ẩn núp như sâu bọ trong hàng ngũ, kẻ liên minh với giai cấp bóc lột như tiếng gọi thời đó, bỗng bất ngờ phóng ra một cái trung tiện kêu ngang pháo lép. Như một cơn thọc lét tập thể, ngay sau khi tiếng rắm mất lịch sự đầy chất đế quốc phong kiến kia, mọi người bỗng phá ra cười sằng sặc.
Tiếng cười nổi lên như trận bão, làm mọi người ôm bụng nghiêng ngả như vừa bị đốn sóng xoài. Hình như mặt trăng cũng cười lên hềnh hệch, cười đến méo cả miệng chị Hằng, méo cả miệng thằng Cuội. Tôi cười đến chảy nước mắt nước rãi. Như một cơn hoang tưởng tập thể, nhờ sự giận dữ gào thét lập lại trật tự của Tràng Giang và Sao Chổi, đến gần hai phút tiếng cười bản năng vô ý thức mới dứt. Cuộc ngắm trăng đang cơm lành canh ngọt, sắp tới lúc kết thúc, liền bị giải tán, tìm cho ra tên phản động đã phát tiếng rắm phá hoại phong trào ngắm trăng vừa rồi.
Suốt cả tiếng đồng hồ sau, không ai nhận là tác giả của tiếng bom láo lếu phạm thượng ấy. Cuối cùng, Tràng Giang phải cho giải tán, kêu gọi lương tâm và trách nhiệm, cố khui ra kẻ phá thối kia. Suốt ngày hôm sau, chúng tôi phải làm bản kiểm điểm vì tiếng cười vô ý thức, vô tổ chức kỷ luật bùng ra tập thể trong một không khí cực kỳ trang nghiêm. Dầu có làm gì đi nữa, cuối cùng ban lãnh đạo tờ báo cũng không tìm ra tên đế quốc ném bom đêm rằm ấy. Ban lãnh đạo quyết định đêm mười sáu âm lịch, anh em chúng tôi phải ngắm trăng đền hôm trước, thay vì ngồi dưới sương tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi được vinh dự ngắm trăng tới ba tiếng.
Nhưng oái oăm thay, đến bảy giờ tối thì trời lại giáng xuống một cơn mưa dài và dai dẳng đến quá nửa đêm, thành ra chúng tôi được thoát nạn ngắm trăng. Tràng Giang buồn và căm lão trời lắm. Không biết trong giấc mơ đêm, anh ta có leo lên trời bắt Ngọc Hoàng Thượng Đế làm bản kiểm thảo hay không?
( trích chương 5, tiểu thuyết Ly Thân của Trần Mạnh Hảo.Bạn nào muốn xem tiểu thuyết Ly Thân của tôi xin cứ vào Fây Búc TMH tìm kiếm, sẽ ra cả 24 chương)
Sau phát rắm lịch sử giải thiêng công cuộc ngắm trăng tập thể ngoạn mục của kẻ phá bĩnh giấu mặt đêm rằm ấy, nhiều năm sau, công an đã tìm ra tên đế quốc ném “bom thối” hình như có tên là… Nguyễn Huy Thiệp.
Nói rõ hơn, Nguyễn Huy Thiệp, bằng thể loại truyện ngắn, đã đánh một phát rắm văn học ngoạn mục, tuyệt vời hơn bom, một phát rắm sang trọng giải thiêng nền văn học Việt Nam vốn ưa cúng cụ, giả lả, õng ẹo, đua đòi, nghiêm trang lễ phép, cứ lừ đừ như ông từ vào đền.
Thiệp văng cả cứt lên văn học Việt Nam trong truyện ngắn “Trương Chi”. Thiệp cho người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và vua anh hùng Gia Long cùng khoái ngửi mùi thơm hoa huệ hay hoa sứ rất riêng, rất thánh rỉ ra trong khe bướm của nàng công chúa Ngọc Bình, em ruột công chúa Ngọc Hân, lúc kẻ trước người sau cùng “chơi” nàng trên long sàng.
Sau hàng chục truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cho in trên báo “Văn Nghệ” trong hai năm 1987,1988 như “Tướng về hưu”, “Không có vua”, “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”, “Những bài học nông thôn”, “Những người thợ xẻ”, “Trương Chi”…đảng ta và nhân dân ta cùng nhất trí kết luận về tên nhà văn ăn gan hùm trời đánh này, long trọng tuyên bố cùng giai cấp vô sản trên toàn thế giới :
Image may contain: 2 people, people standing
Nguyễn Huy Thiệp là một thằng phá thối.
Thiệp có lối văn cũ nhất nước ta. Văn hắn giống văn “Tam Quốc”, văn “Thủy Hử”. Thiệp viết cứ hùng hục như gã hoạn lợn làm tình. Chả có gì đáng ca ngợi. Cớ sao đám đông rách việc điên lên vì được đảng cởi trói, nhảy ra như cào cào chấu chấu, vồ lấy tên phá thối mà thơm, mà vỗ tay ngợi ca đến thế ?
Ừ nhỉ, văn của gã giật cục nhát gừng, lấc cấc, nói theo kiểu người Miền Nam là văn Thiệp cà giựt cà tang, giống người đi giật cục như chân có tật. Văn với chả vẻ, chả ra làm sao mà thiên hạ đọc mê man đến thế ?
Phải nhờ công an vào cuộc thôi. Khám xem hắn có bỏ bùa mê thuốc lú vào truyện ngắn, hay có tẩm xì ke ma túy vào văn chương hổ báo của hắn hay không mà cả nước cứ như lên đồng, vồ lấy anh Chí Phèo tân thời, thằng ú ớ A Q Việt hóa mà ôm hôn, nói như nhà cách mạng kiêm nhà văn Chu Lai, văn Nguyễn Huy Thiệp hôi như cú. Lại còn có thứ văn hôi, văn thơm sao ? Một phát hiện cần phải có nhiều luận án tiến sĩ về lối ngửi văn này !
Hồi ấy, độ năm 1987,1988, Hảo tôi cùng với ông trời gầm “Linh Nghiệm” Trần Huy Quang đến xóm Cò bên Thanh Trì thăm Nguyễn Huy Thiệp.
Thiệp xuất hiện ngay ở cổng nhà hắn đón chúng tôi với ánh mắt vô cảm và miệng thì cứ như hoa. Nhìn hắn, cứ tưởng một trung niên còn sót lại của thế kỷ Nguyễn Du. Mặt hắn cũ kỹ, hệt như vừa lấy xuống từ gác bếp. Tướng mạo âm lịch. Dáng vóc rất cổ quái. Phải gọi hắn là dị nhân.
Quần ống thấp ống cao hệt như Thiệp vừa đi hoạn lợn về. Hắn khoe khu vườn nhà mình rộng cỡ vài nghìn mét vuông. Giữa lòng Hà Nội mà nhà đất bát ngát thế này, có thể hắn là tên giàu nhất trong đám nhà văn Việt Nam.
Hai quan bác thấy nhà đất tổ tiên để lại như thế, em viết văn đâu phải vì tiền. Văn viết để mưu sinh là văn vứt. Văn viết ra để phục vụ là văn cứt. Văn mà phải phục vụ chính trị, phục vụ con người là loài văn rác rưởi. Việc chó gì phải phục vụ ai. Thích thì chơi. Thích thì viết.
Thiệp vừa dắt hai ông mẹ ranh xem vườn vừa phán. Cứ tửng từng tưng như thế, hắn khoe tượng Phật Bà cao đến 10 mét. Mặt Phật y mặt Phạm Thị Hoài.
Gương mặt Phật Bà nhà em trang nghiêm phúc hậu, thánh thiện là thế mà có thằng chó chết vừa viết bậy trên báo là gương mặt đức Phật Bà trong vườn Nguyễn Huy Thiệp hơi bị dâm. Quân đểu. Phật tại tâm. Mà dâm cũng tại tâm. Chó cũng tại tâm !
Trần Huy Quang và Trần Mạnh Hảo hết dám bình luận gì, chỉ chắp tay : A di Đà Phật !
Đột nhiên, Thiệp chỉ tay vào hai ông khách quý hóa đếch mời mà đến như công an ra lệnh bắt bớ : cấm hai bác về, cơm rượu đã !
Ừ, cơm rượu thì cơm rượu. Vẽ thì vẽ. Quan đây cóc có sợ. Hắn đè hai ông ma bùn ra vẽ. Thằng này đúng là thằng vẽ học. Bày vẽ.Vẽ chuyện.Ong vò vẽ.
Nó bắt mình ngồi im như tượng. Mình bị vẽ. Nào quay phải. Quay trái. Nào tươi như hoa lên. Nào nghiêm như mặt cán bộ xem nào. Sao mặt quan bác cứ đêu đểu thế nào ấy. Một thằng đểu khen một thằng đểu. Toàn các nhà đểu học. Nó hành mình ra bã. May mà sau một tiếng đồng hồ, nó hét lên như Trương Phi : xong !
Nó đưa bức tranh vẽ mình cho mình như đưa một con rắn hổ mang. Nhìn thoáng thì hơi hơi giống mình. Nhìn lâu tí thì thấy giống con lợn. Nhìn lâu hơn nữa thì thấy nó vẽ mình mà mặt lại là Nguyễn Huy Thiệp.
Thì ra, dưới mắt nó, tất cả chỉ là phương tiện để nó vẽ nó, viết về chính nó. Quân nham hiểm. Nó viết về Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh cũng chính là nó viết về chính nó. Anh thợ xẻ, người hâm, ông tướng, thợ săn, gái điếm, thằng lừa tình, thằng hoạn lợn, gã giết người …trong truyện của nó cũng chỉ là chính nó mà thôi.
Ban tư tưởng văn hóa và A 25 quá ngây thơ khi bảo Nguyễn Huy Thiệp “biểu tượng hai mặt”. Thiệp, đại phản động, đại ma giáo như Dotoyepxki bao giờ cũng “biểu tượng muôn mặt”. Văn Thiệp khốc liệt, tàn bạo lúc nào cũng như một tên say rượu sắp hiếp dâm mà hơi văn lại giống kẻ tu hành. Hắn như con ma vô ảnh vô hình trong văn mình, hắn thiện ngay trong cái ác và ngược lại. Bọn giáo sư tiến sĩ khờ viết bao luận án về phong cách Nguyễn Huy Thiệp. Nó đếch có phong cách nào nhá. Nó là con kỳ đà văn chương. Nó viết rất phản động mà cứ tưởng nó ca ngợi cách mạng. Bắt nó á ? Còn khuya !
Trưa nó mang cơm gà, cơm cá thịnh soạn ra mời hai chú gà con Quang và Hảo, rước hai quan anh cùng đối ẩm với con cáo già Nguyễn Huy Thiệp. Nó sống thật 100% mà lúc nào cũng ngỡ nó đang nhập vai chính nó. Mặt nó rất kịch. Mặt nó nhìn lâu thì rất thánh nhưng thoáng nhìn thì rất điếm. Giời đầy nó xuống đây làm con thò lò văn chương chăng ?
Nó chơi bọn mình bằng cơm rượu. Mới uống ba bốn cốc rượu đế mà mặt nó đã thâm như b…thằng đánh giậm. Càng uống nó càng im, khiến hai thằng khách hơi bị hãi, đòi về. Mình nghi đây là một cách nó đi thực tế. Gài cho khách uống say huyên thuyên đủ chuyện để hắn cóp ý, rồi nấu thành rượu văn chương.
Cho mình đi đai sắc cái Thiệp ơi. Ấy là lúc 10 giờ khuya, vườn nó tối ngang hũ nút. Nó dạ một cái thất kinh. Một tay cầm cái đèn Hoa Kỳ, một tay cầm cái gậy khua rắn, chỉ thiếu tiền hô hậu ủng nữa là mình thành vua, vua đi đái. Cái toilet cổ kính của nhà hắn chừng như đã có từ 200 năm trước, rất khiếp.
Hắn đứng ngoài toilet rất nghiêm, tay cầm đèn giơ lên theo phong cách Quan Vân Trường cầm ngọn đuốc đứng ngoài cửa lầu suốt đêm, canh cho Cam phu nhân và Mi phu nhân ( vợ Lưu Bị) ngủ…
Nguyễn Huy Thiệp, trời đã sai gã xuống để phá thối.
Trong một xã hội toàn kẻ bốc thơm, thì một kẻ phá thối xuất hiện có khi là sự giải thoát, là thiên sứ của sự thật.
Nguyễn Huy Thiệp – một cú phá thối rất lịch sử, phá thối rất nồng nàn, để tiếng thơm muôn đời trong tiến trình văn học nước nhà thời kỳ sau đổi mới .,.
Sài Gòn ngày 2-5-2020
Trần Mạnh Hảo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thủ tướng Angela Merkel nói Đức chịu trách nhiệm phát triển vaccine và thuốc COVID-19 cho mọi người trên thế giới.


Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP

Vaccine COVID-19 sắp được phát triển ở EU sẽ có mặt trên toàn thế giới - Sputnik dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố hôm thứ 2.5. Phát biểu của bà được đăng trên trang web của chính phủ Đức.
Ở đây nói về “cách chúng tôi phát triển vaccine, thuốc và các lựa chọn chẩn đoán tốt cho tất cả mọi người trên toàn thế giới” - bà Merkel phát biểu và lưu ý rằng Đức sẽ "đảm nhận trách nhiệm này".
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU khác đã kêu gọi gây quỹ với số tiền 7,5 tỉ euro để phát triển vaccine và thuốc điều trị COVID-19, bài viết trên nhật báo ngày thứ Bảy Frankfurter Allgemeinen Zeitung cho biết.

Theo bà Merkel, số tiền nói trên vẫn chưa đủ để phát triển vaccine. Đức "sẽ đóng góp tài chính đáng kể" cho công việc này - bà nhấn mạnh.
Thủ tướng Đức hoan nghênh việc không chỉ các cơ quan chính phủ tham gia vào hoạt động này, mà cả các cơ sở tư nhân, nhà sản xuất vaccine và thuốc, cũng như các liên minh chuyên môn như Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI). Đức cũng dự định "hợp tác chặt chẽ với WHO, tổ chức đóng vai trò chính trong vấn đề này", bà Merkel nói thêm.
Ngày mai (4.5), theo lời mời của Ủy ban Châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tham gia hội nghị các nước tài trợ cho cuộc chiến chống COVID-19, nội các Đức cho biết trước đó.
SONG MINH

Phần nhận xét hiển thị trên trang