Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

50 năm Vụ án “Xét lại chống Đảng” (phần 1)


Phan Ba
Bối cảnh lịch sử
Sau khi Stalin qua đời năm 1953, Nikita Khrushchev lên nắm chức vụ bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Liên xô. Tại Đại hội lần thứ 22 của Đảng, Khrushchev đọc bài diễn văn phê phán việc sùng bái cá nhân Stalin (“Về sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó”). Nguyên tắc “chung sống hòa bình” bắt đầu xuất hiện trong các bài diễn văn của Khrushchev từ 1955. Ông tuyên bố rằng, mục tiêu bây giờ là chiến thắng chủ nghĩa tư bản trước hết bằng kinh tế và rồi bắt đầu thực hiện một loạt cải cách.
Ông Hoàng Minh Chính suốt đời kêu gọi đấu tranh và đã nhiều lần bị cầm tù
Ông Hoàng Minh Chính suốt đời kêu gọi đấu tranh và đã nhiều lần bị cầm tù
Các ý tưởng mới này của Liên Xô thâm nhập về Việt Nam qua nhiều đường. Hàng trăm sinh viên Việt Nam đã được gửi qua Liên Xô học bắt đầu từ năm 1954 và ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của làn gió mới trên chính trường Xô viết. Một trong những người này là Hoàng Minh Chính, học tại trường Đảng ở Moscow từ 1957 đến 1960. Bên cạnh đó là giới trí thức trong nước ở miền Bắc. Tuy người dân miền Bắc, theo thông tín viên Đông Đức Kapfenberger, “…thuộc trong số những người dân được thông tin tồi tệ nhất…”[1], nhưng giới trí thức thông thạo tiếng Pháp và tiếng Nga vẫn còn có thể tiếp cận được với báo chí tiếng Nga và tiếng Pháp xuất bản từ Liên xô. Một nguồn thông tin khác là văn phòng của Thông tấn xã Liên xô tại Hà Nội mà người Việt vào thời gian đó vẫn còn có thể ra vào tương đối không bị cản trở. Thêm nữa, người Việt còn có thể tiếp xúc thường xuyên và tương đối tự do với một số người nước ngoài như với người Đức Erwin Bochers, người Pháp Albert Clavier. Đặc biệt Erwin Bochers và thông tín viên Đông Đức sau này Pommerening đều thường xuyên tiếp xúc với nhiều người như với Lê Liêm, Vũ Đình Huỳnh, Dương Bạch Mai và Phạm Viết. (Sau này chính Bochers cũng bị nghi ngờ là thuộc “thành phần xét lại”, Lê Liêm  bị cách chức và bị quản thúc tại gia, Dương Bạch Mai chết trong hoàn cảnh hết sức đáng ngờ năm 1964, còn Vũ Đình Huỳnh và Phạm Viết thì bị bắt năm 1967. Phạm Viết chết trong tù năm 1971.)
Những năm đầu tiên của thập niên 1960 ở miền Bắc
Qua đó, từ những năm đầu thập niên 1960, trong Đảng Lao Động và trong giới trí thức ở miền Bắc bắt đầu thành hình một nhóm người nghiên theo chính sách chung sống hòa bình và tương đối cởi mở hơn của Liên bang Xô viết. Đứng đối nghịch lại với họ là phe nhóm đứng dưới quyền Lê Duẩn, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Mao Trạch Đông, kiên quyết không chung sống hòa bình với chủ nghĩa tư bản và chủ trương tiến chiếm miền Nam thống nhất đất nước bằng bạo lực vũ trang.
Những người chống lại chính sách “chủ chiến” của phe Lê Duẩn – Lê Đức Thọ thường là giới trí thức hoặc chuyên môn, nhiều người đã từng học tại Liên Xô, đều thông thạo ngoại ngữ ví dụ như Tạ Quang Bửu và Bùi Công Trừng (cả hai người là Phó Chủ nhiệm  Ủy ban Khoa học Nhà nước), Hoàng Minh Chính (Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin), Minh Tranh (Giám đốc nhà xuất bản Sự Thật), Nguyễn Kiến Giang (Phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật) và nhiều cán bộ cao và trung cấp quanh Võ Nguyên Giáp.
Một trong những câu hỏi chính gây nhiều tranh cãi giữa hai phe phái là câu hỏi về chiến lược thống nhất đất nước. Một số trí thức ủng hộ đường lối chung sống hoà bình và phản đối việc dùng bạo lực vũ khí để thống nhất đất nước vì họ e ngại phải hy sinh quá lớn. Tuy vậy, họ không dám phản đối công khai chiến lược tiến hành chiến tranh để thống nhất đất nước của Lê Duẩn-Lê Đức Thọ-Nguyễn Chí Thanh. Lúc đó, chỉ cần đề cập đến “thống nhất trong hoà bình” là đã nguy hiểm rồi.[2] Thường thì những người này chỉ bày tỏ ý muốn đi tìm một khả năng thống nhất hai miền Nam Bắc phù hợp với chính sách chung sống hoà bình của Liên Xô. Người duy nhất công khai ủng hộ không úp mở chính sách chung sống hoà bình là Hoàng Minh Chính.
Minh Tranh, Giám đốc nhà xuất bản Sự Thật, qua một bài viết trong tháng 10 năm 1960 cũng hé lộ sự bất đồng quan điểm của mình. Ông cho rằng phải dành ưu tiên cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc trước và trong đấu tranh chống chính phủ Ngô Đình Diệm thì nhân dân miền Nam cần phải dựa trên sức lực của mình là chính. Minh Tranh đã đóng một vai trò đặc biệt trong xung đột với phe “chủ chiến” của Lê Duẩn. “Ông nổi lên như người phát ngôn chính cho những người hoài nghi chiến lược miền Nam của Lê Duẩn.”[3]
Bài viết của Trường Chinh trong tờ Học Tập tháng 4 năm 1961 cũng đi theo cùng một đường hướng. Trường Chinh nhấn mạnh rằng nhân dân miền Nam là sức mạnh đấu tranh chống chế độ Diệm và Hoa Kỳ trực tiếp, trong khi miền Bắc phải tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời ông cũng phê bình rằng có vài đồng chí vẫn còn chưa hiểu hết tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của cuộc cách mạng ở miền Nam. Sang đến năm 1962, Trường Chinh đã nhờ Trần Đĩnh viết hồi ký với ý định dùng nó để “phất cờ tập hợp” về phe ông. Nhưng sau đó, Trường Chinh không dùng đến quyển hồi ký vì biết mình đã thua phe Lê Duẩn[4].
Năm 1961 cũng là năm tác phẩm “Chiến tranh Nhân dân, Quân đội Nhân dân” của Võ Nguyên Giáp ra đời. Trong đó Giáp rút ra bài học từ cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, rằng sự chuyển tiếp từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và dài lâu. Với trọng tâm thành lập một nền tảng đấu tranh chính trị thay vì bước quá sớm vào giai đoạn tấn công quân sự, Giáp bước ra xa khỏi chiến lược thống nhất bằng vũ lực quân sự của phe Lê Duẩn. Vì thái độ cẩn trọng này này mà những năm sau đó, ông bị Lê Duẩn và phe của Lê Duẩn cho là “hèn”, “rụt rè”, thậm chí còn có tư tưởng “hữu khuynh”.[5]
Thêm vào đó, nhiều tiếng nói từ tầng lớp cán bộ trung cấp và từ giới trí thức ở miền Bắc cũng đã yêu cầu có “nhiều dân chủ hơn”. Thế nhưng đứng trước tình hình căng thẳng ở miền Bắc và trước việc đất nước bị chia cắt, những yêu cầu này của họ dễ dàng bị xem là chống lại công cuộc tái thống nhất đất nước. Thông tín viên Đông Đức Pommerening tường thuật trong tháng 11 năm 1961 về trụ sở chính của ADN (Thông tấn xã Đông Đức) rằng nhiều nhân vật trí thức Hà Nội thường hay lui tới ngôi nhà Thông Tấn Xã Đông Đức mà “đồng chí Chiến Sỹ” (tức Erwin Borchers) vẫn còn sống trong đó và biểu lộ ý muốn có nhiều nguyên tắc dân chủ hơn nữa trong Đảng. Nhưng ý muốn này rõ ràng chỉ muốn “có nhiều dân chủ” hơn trong khuôn khổ của hệ thống chính trị cộng sản , chứ không muốn phá bỏ hệ thống đó.
Bắt đầu chiến dịch chống “Chủ nghĩa Xét lại” ở miền Bắc
Từ trái sang: Thành viên của Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam Lê Đức Thọ, phi hành gia Boris Yegorov, phi hành gia Vladimir Komarov, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng, và phi hành gia Konstantin Feokistov tại Nga ngày 01/1/1964
Từ trái sang: Thành viên của Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam Lê Đức Thọ, phi hành gia Boris Yegorov, phi hành gia Vladimir Komarov, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng, và phi hành gia Konstantin Feokistov tại Nga ngày 01/1/1964
Sang năm 1963, cuộc xung đột giữa hai phe bùng nổ lớn. Mở đầu cho cuộc tranh cãi này là bài báo của Minh Tranh, giám đốc Nhà Xuất Bản Sự Thật trong tờ Học Tập tháng 2 năm 1963. Bài báo bày tỏ sự lo ngại về việc đẩy mạnh việc tái thống nhất đất nước. Hoa Kỳ là một thế lực kinh tế và quân sự mạnh hơn thực dân Pháp trước đây rất nhiều và với sự hiện diện của 10.000 cố vấn Mỹ ở miền Nam Việt Nam, tình hình đã thay đổi. Minh Tranh cũng cảnh báo không nên xem thường các “định luật khách quan” của cách mạng và không nên coi trọng ý muốn chủ quan của con người quá nhiều. Đây là một lời phê bình hướng thẳng đến Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tướng Nguyễn Chí Thanh, những người dựa vào các lập luận của Mao Trạch Đông và nhấn mạnh đến ý chí của con người trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù vượt trội về vật chất.
Tháng 4 năm 1963, tờ Học Tập in một bài diễn văn của Lê Duẩn đọc tại Trường Đảng. Trong bài diễn văn này, Lê Duẩn phát biểu chống “Chủ nghĩa Xét lại Nam Tư” và cảnh báo “chủ nghĩa đầu hàng” trước “kẻ thù giai cấp”. Theo Lê Duẩn, tin rằng có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng con đường hòa bình là sai lầm. Người ta chỉ có thể chống lại các lực lượng phản cách mạng bằng bạo lực của “chuyên chính vô sản”.
Đi theo cùng với giọng nói gay gắt hơn này là nhiều thay đổi về mặt nhân sự để làm suy yếu phe chống đối. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm bị Xuân Thủy thay thế và bị đẩy sang chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ kém quan trọng hơn. Phòng Việt Nam trong Bộ Ngoại giao của CHDC Đức thời gian này cũng nhận được những thông tin bí mật mà “…theo đó, các chức vụ lãnh đạo trong phòng báo chí của Trung ương Đảng và của Bộ Ngoại giao, trong các cơ quan báo chí, thông tấn xã, đài phát thanh và Tuyên truyền được giao về cho các đồng chí ‘theo đường lối Trung Quốc một cách cứng rắn’.”[6] Các thay đổi nhân sự này trong chính phủ và bộ máy tuyên truyền cũng nhằm phục vụ cho chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ trong tháng 5 năm 1963. Bản tuyên bố chung lên án “Chủ nghĩa Xét lại” và “Chủ nghĩa Cơ hội Hữu khuynh” như là mối nguy hiểm chính cho phong trào cộng sản quốc tế .
Hè 1963, bầu không khí chính trị ở miền Bắc càng lúc càng căng thẳng hơn. Tháng 8 năm 1963, Liên bang Xô viết ký kết hiệp định chấm dứt thử bom nguyên tử với Hoa Kỳ và Liên hiệp Anh, nước VNDCCH tiếp tục rời xa đường lối của Liên xô. Đại sứ quán CHDC Đức, thông qua thông tín viên Pommerening và Chiến Sỹ (Erwin Borchers) nhận được thông tin về một lá thư nội bộ của Trung ương Đảng Lao Động gửi cho tất cả các chi bộ mà trong đó nói rằng Đảng Lao Động chống lại hiệp định đó vì nó tạo nên ảo tưởng về chủ nghĩa tư bản ở nhân dân, làm suy yếu tính sẵn sàng tính sẵn sàng phòng thủ của phe xã hội chủ nghĩa, đào sâu sự chia cắt của phong trào công nhân cộng sản và quốc tế. Trong một cuộc họp các cán bộ cao cấp, Bí thư Đảng Lê Duẩn công khai tấn công quan điểm của Liên xô. Khi người Pháp Albert Clavier, làm việc cho tờ Le Vietnam en marche, đưa ra câu hỏi rằng phải ứng xử như thế nào khi là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp đã ủng hộ hiệp định đó, thì Lê Duẩn đã nổi giận và gọi Maurice Thorez, Chủ tịch Đảng Cộng sản Pháp, là “tên phản bội giai cấp công nhân Pháp”[7].
Tướng Nguyễn Chí Thanh, thuộc trong số những người ủng hộ đẩy mạnh thống nhất bằng một chiến lược hiếu chiến, với một bài viết trong báo Học Tập đã phản hồi trực tiếp bài viết của Minh Tranh hồi tháng 2 năm 1963. Ông cho rằng tuy Hoa Kỳ mạnh hơn “các thế lực đế quốc” khác, nhưng không phải là bất khả bại. Nỗi sợ hãi Hoa Kỳ và sợ hãi một cuộc chiến tranh hạt nhân, theo Nguyễn Chí Thanh, chỉ dẫn tới “chủ nghĩa đầu hàng” trước “đế quốc Mỹ”. Ngoài ra ông cũng phê phán việc áp dụng thuyết chung sống hòa bình vào Việt Nam, tức là ý nghĩ cho rằng vấn đề thống nhất đất nước sẽ tự nó được giải quyết khi miền Bắc phát triển về kinh tế mạnh hơn miền Nam. Những lời phê phán không che đậy này không chỉ hướng đến Minh Tranh mà đến cả toàn bộ phe chủ hòa, muốn xây dựng miền Bắc trước hết. Lời cáo buộc về “chủ nghĩa xét lại” đã nằm lơ lững trong không khí.
Minh Tranh sau đó mất chức giám đốc nhà xuất bản và bị giao cho giữ một chức vụ nhỏ ở Nam Định 12 năm. Ông là một trong những nạn nhân đầu tiên của “Vụ án Xét lại chống Đảng”.
Cũng trong mùa hè 1963, theo một báo cáo dài của Đại sứ quán Đông Đức, “các phần tử theo Liên xô” trong Đảng Lao Động bị cô lập có hệ thống. Thậm chí Võ Nguyên Giáp, theo thông tin của nhiều nguồn, cũng bị quản thúc tại gia. Lê Duẩn gây áp lực với Hồ Chí Minh rằng ông hoặc là đi cùng với Bộ Chính Trị hoặc là bước ra khỏi đó[8]. Theo Bibow, đại diện cho sứ quán Đông Đức tại Hà Nội, ngoài ra tin đồn còn được lan truyền đi trong giới đảng viên, rằng Hồ Chí Minh đã phạm phải hai sai lầm lớn, một lần năm 1945 khi ông bước vào thỏa hiệp với người Pháp và lần thứ nhì là năm 1954 khi chấp nhận Hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Thật ra, giữa tình hình căng thẳng lúc đó, những tin đồn này chỉ là công cụ tuyên truyền gây áp lực để lên án mọi chiến lược chủ hòa là “phản bội cách mạng”.
Đầu tháng 9, báo Nhân Dân đăng một bài viết của Lê Đức Thọ. Trong đó, ông yêu cầu tất cả các đảng viên phải tuyệt đối tuân theo đường lối của Đảng. Một số ít đảng viên mang tư tưởng hữu khuynh và “xét lại”, và vì vậy mà nghi ngại chiến lược thống nhất đất nước của Đảng. Họ cũng không đồng tình với tốc độ tập thể hóa nông nghiệp và tuyên truyền cho một sự hợp tác kinh tế trên bình diện quốc tế thay vì một hệ thống kinh tế tự cung tự cấp được lãnh đạo Đảng ủng hộ. Một số đảng viên thiếu tính “kỷ luật Đảng”, lan truyền những quan điểm không phù hợp với các nghị quyết của Đảng. Lê Đức Thọ nhấn mạnh rằng Đảng sẽ đấu tranh không khoan nhượng chống lại các xu hướng phi vô sản, hữu khuynh, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xét lại hiện đại. Ông yêu cầu phê bình và “giáo dục” hay thi hành kỷ luật đối với những đảng viên không tuân theo các nghị quyết của Đảng.
Số tháng 10 của tờ Học Tập đăng một bài viết của Tướng Nguyễn Chí Thanh lên án ảnh hưởng của “chủ nghĩa xét lại hiện đại” trong Đảng. Cũng như Thọ, Thanh cho rằng một vài đảng viên vẫn còn ủng hộ những ý tưởng “hữu khuynh”. Ông cũng phê phán các đảng viên mang tư tưởng “cá nhân”, “bi quan”, e ngại những hy sinh và gian khổ của một cuộc đấu tranh vũ trang nhằm thống nhất đất nước và yêu cầu phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng.
Với cuộc “đấu tranh tư tưởng” này, phe Lê Duẩn-Lê Đức Thọ muốn tấn công cả những người không đồng tình với chiến lược dùng vũ lực thống nhất đất nước lẫn những người bất đồng ý kiến với họ trong chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Đại sứ quán các nước Đông Âu ở Hà Nội đều không hài lòng với thái độ càng lúc càng hướng đến hệ tư tưởng Trung Quốc của giới lãnh đạo miền Bắc. Theo thông tin của Mieczylaw Maneli, thành viên Ba Lan trong Ủy ban Kiểm soát Quốc tế, tinh thần chung trong giới ngoại giao Đông Âu ở Hà Nội là giới lãnh đạo miền Bắc nên tập trung phát triển hòa bình đất nước trước đã và họ thấy không cần thiết phải gia tốc giải pháp dùng vũ lực để thống nhất đất nước. Cả thông tín viên Fourniau của tờ Humanité cũng tường thuật rằng nhiều người ngoại quốc ở miền Bắc e ngại việc leo thang chiến tranh ở miền Nam sẽ gây nguy hiểm cho nền hòa bình thế giới và vì vậy mà nên hướng tới một giải pháp “hòa bình thỏa hiệp” thì hơn[9]. Đại sứ quán Đông Đức ở Hà Nội và Bộ Ngoại giao Đông Đức trong thời gian này cũng đã nhiều lần phê phán giới lãnh đạo Đảng Lao Động đã không hề cân nhắc đến một giải pháp hòa bình cho việc thống nhất đất nước.
Trong tình hình căng thẳng đó, Dương Bạch Mai đưa cho Đại sứ quán Đông Đức tại Hà Nội một danh sách bí mật mà theo Bibow, bí thư thứ hai của sứ quán, thì đó là những người “ủng hộ một đường lối Mác-xít Lê-nin-nít thật sự”. Sứ quán các nước Đông Âu khác ở Hà Nội  cũng biết danh sách này. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy việc đấu tranh giữa hai phe trong Đảng đã thêm phần gay gắt trước Hội nghị Trung ương lần thứ 9. Danh sách này gồm 19 tên:Bùi Công Trừng, phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Viện trưởng Viện Kinh tế học; Lê Liêm, thứ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ nhiệm Văn phòng Văn hóa Giáo dục Phủ Thủ tướng, chủ nhiệm chính trị mặt trận Điện Biên Phủ; Ung Văn Khiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (trước đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), Tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Vũ Đình Huỳnh, thư ký của Hồ Chí Minh, trưởng ban Nghi lễ Bộ Ngoại giao; Tạ Quang Bửu và Nguyễn Khánh Toàn, cả hai đều là phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Tạ Quang Bửu đã từng học đại học ở Pháp và Anh, sau đó là bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. Nguyễn Khánh Toàn học đại học ở Moscow (1928 đến 1931), quen biết Hồ Chí Minh ngay từ thời kỳ đầu của phong trào cộng sản ở Việt Nam. Tiếp theo đó làNguyễn Đình Thi, nhà thơ và là tổng thư ký Hội Nhà văn; Lưu Trọng Lư, cũng là nhà văn và thành viên Ban Chấp hành Hội Nhà Văn,Minh Chi giảng dạy ở trường Đại học Kinh tế Tài chánh Hà Nội, một trong những người thường xuyên trao đổi với thông tín viên Đông Đức Pommerening. Sau đó là một loạt thẩm phán như Nguyễn Văn Trạch, Diệp Ba và Phạm Văn Bạch và một vài bộ trưởng, thứ trưởng như Nguyễn Đức Quý, thứ trưởng Bộ Văn hóa, Nguyễn Văn Tạo, Bộ trưởng Bộ Lao Động, Trần Hữu Dực, Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ Tướng và Song Hào, thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Những người trong danh sách này không cùng thuộc trong một “nhóm đối lập” chống lại phe Lê Duẩn – Lê Đức Thọ. Thế nhưng có thể nhìn thấy sự phản kháng tập trung trong quân đội quanh Tướng Võ Nguyên Giáp, trong nhóm giới trí thức và trong giới đảng viên lão thành đã học cùng với Dương Bạch Mai ở Moscow.
Không rõ tại sao Dương Bạch Mai lại ghi tên Nguyễn Đình Thi và Song Hào vào danh sách này. Nguyễn Đình Thi đã đóng một vai trò quan trọng bên cạnh Tố Hữu trong chiến dịch chống “Nhóm Nhân văn Giai phẩm”. Song Hào từ năm 1967 sẽ là thành viên của ủy ban xem xét “Vụ án xét lại chống Đảng”.
Việc trao ra những thông tin nhạy cảm như vậy cho Đại sứ quán Đông Đức tại Hà Nội cho thấy cuộc đấu tranh giữa hai phe phái đã leo thang cao, cái sẽ bùng nổ ra trong Hội nghị Trung ương của Đảng Lao Động vào cuối năm 1963.
Hội nghị Trung ương lần thứ 9
Ngay trước khi Hội nghị Trung ương lần thứ 9 bắt đầu vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, độ chừng 50 cán bộ trung cấp đã gửi thư về Trung ương Đảng, yêu cầu giữ đường lối trung dung giữa Liên Xô và Trung Quốc và không tiếp tục nghiên sang quan điểm của Bắc Kinh. Theo thông tin của Đại sứ quán Đông Đức và của thông tấn xã Đông Đức ADN tại Hà Nội, những yêu cầu xuất phát từ các cán bộ như Đặng Thái Mai, Tạ Quang Bửu, Bùi Công Trừng, Hoàng Minh Chính, Ung Văn Khiêm. Ngoại trừ Hoàng Minh Chính, tất cả những người còn lại đều có tên trên danh sách của Dương Bạch Mai.
Kéo dài cho tới tháng 1 năm 1964, Hội nghị Trung ương lần này đã chứng kiến những tranh cãi gay gắt giữa hai phe. Bùi Công Trừng phát biểu chống các quan điểm “theo Trung Quốc” và phê phán thái độ quay lưng lại với Liên Xô hùng hồn cho tới mức cả Hồ Chí Minh cũng không thể ngăn không cho ông nói tiếp. Tạ Quang Bửu dọa sẽ từ bỏ tất cả các chức vụ của ông và trở về làm giáo sư giảng dạy đại học bình thường nếu như giới lãnh đạo Đảng quay sang phía Trung Quốc. Lê Liêm, Ung Văn Khiêm tại đại hội là những người chống “đường lối theo Trung Quốc” kịch liệt nhất. Theo nhiều nguồn, Hồ Chí Minh đã bị bộ ba Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh đẩy ra rìa và không còn đóng một vai trò quyết định nào nữa tại hội nghị này. Số phận của Tướng Võ Nguyên Giáp cũng tương tự. Nhưng đặc trưng cho tính cách cá nhân của Giáp là việc ông không công khai chống lại đường lối chủ chiến của Lê Duẩn trong những khoảnh khắc quyết định và cũng không đứng ra che chở cho những người cộng sự thân cận như Lê Liêm, những người mà sau này sẽ phải trả giá đắt cho sự phê phán của họ.
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 cho thấy rõ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi theo đường lối của Trung Quốc. Nghị quyết, tương tự như trong bài diễn văn của Lê Duẩn, lên án rằng “Chủ nghĩa Xét lại” đã phản bội Chủ nghĩa Mác-Lênin và tuyên truyền cho mô hình chung sống hòa bình thay vì hỗ trợ cho cuộc đấu tranh cách mạng chống Chủ nghĩa Đế quốc. Nghị quyết nhấn mạnh rằng một vài cán bộ đã mang quan điểm xét lại và vì vậy mà chống lại những biện pháp nhất định nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống lại những nổ lực đấu tranh thống nhất đất nước và yêu cầu phải “giáo dục có hệ thống” các cán bộ và đảng viên về chủ nghĩa Mác-Lênin.
Trong một nghị quyết bí mật, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 quyết định tăng tốc cuộc đấu tranh ở miền Nam bằng cách đẩy mạnh sự trợ giúp về quân sự cho Mặt trận Giải phóng. Giới lãnh đạo Đảng cuối cùng đã quyết định chọn con đường quân sự để thống nhất đất nước.
Chiến dịch chống “Chủ nghĩa Xét lại hiện đại” năm 1964
Đầu năm 1964, Đại sứ quán Đông Đức tại Hà Nội báo cáo về nước rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang khởi động “một chiến dịch tư tưởng hệ nhằm đe dọa các lực lượng Mácxít-Leninít và để vượt qua sự chống đối của họ”[10].  Lê Đức Thọ viết một loạt bài trên báo Nhân Dân nhằm phát động chiến dịch và tạo áp lực lên các đối thủ trong Đảng. Lê Đức Thọ phê phán không những phê phán thái độ nghi ngại của một vài cán bộ đối với chiến lược dùng vũ lực thống nhất đất nước mà cả việc họ không đồng ý tăng cường đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Lê Đức Thọ công khai thừa nhận một nhóm nhỏ đảng viên không đi theo đường lối của Đảng, thông báo sẽ có những biện pháp chống lại các “xu hướng xét lại” và “khuynh hữu” và yêu cầu chấm dứt những “hành động bè phái, chia rẽ.
Chiến dịch chống Chủ nghĩa Xét lại có ảnh hưởng rất lớn lên bầu không khí chính trị ở miền Bắc suốt cả năm 1964 và kéo dài sang cả năm 1965. Nhiều bài báo của Phạm Hùng và Hoàng Văn Thái nhấn mạnh rằng miền Bắc phải tự lực là chính trong công cuộc đấu tranh của mình. Các yếu tố vật chất không phải là yếu tố quyết định mà con người mới là yếu tố quyết định. Nhiều bài báo cảnh cáo không nên nghĩ rằng có thể thống nhất đất nước bằng giải pháp hòa bình.
Minh Tranh, Giám đốc nhà xuất bản Sự Thật đã bị cô lập dần ngay từ năm 1963 sau bài viết của ông hồi tháng 2 năm 1963 và bị “đày” về Nam Định. Nguyễn Kiến Giang, Phó Giám đốc nhà xuất bản, đang học trường Đảng ở Moscow từ 1962 cũng bị gọi về nước sau Hội nghị Trung ương 9 như tất cả các cán bộ ở Đông Âu khác. Từ 1964 cho tới năm 1967, ông bị bắt đi “thực tế” ở Thái Bình và Quảng Bình.
Văn Doãn, tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân, vào thời điểm Hội nghị 9 đang học ở trường Đảng Liên xô, khi bị gọi trở về Hà Nội đầu năm 1964 đã xin ở lại tỵ nạn chính trị tại Liên Xô cùng với Lê Vinh Quốc, nguyên phó chính ủy Đại đoàn 308 và Nguyễn Minh Cần, thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Hà Nội. Trước đó, tờ Quân Đội Nhân Dân đã bị Tổng cục Chính trị Quân đội gọi là “lô cốt của chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Phần lớn nhân viên của tờ báo không đồng tình với các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9, nhưng chỉ dám phát biểu hết sức cẩn trọng. Sau khi Văn Doãn xin tỵ nạn chính trị ở Liên xô, Tổng cục Chính trị giao cho Bùi Tín khám xét lại nội dung những bài báo của tờ Quân Đội Nhân Dân trong vòng mấy năm qua. Tuy Bùi Tín không phát hiện ra vi phạm nghiêm trọng nào, nhưng thật ra đây chỉ là một cái cớ để thanh lọc các “phần tử xét lại” ra khỏi tòa soạn báo Quân Đội Nhân Dân. Ví dụ như Đào Duy Dếnh tức Đào Phan, em trai của Đào Duy Anh, bị đẩy sang Viện Bảo tàng Quân đội. Đào Duy Dếnh đã phê bình công khai các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 và cố gắng chứng minh rằng chúng không phù hợp với Chủ nghĩa Marx-Lênin.
Chiến dịch thanh lọc này cũng nhắm tới Ủy ban Khoa học Nhà nước. Đầu tiên, Lê Duy Vân, một cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương trực thuộc Lê Đức Thọ, được cử làm bí thư Đảng ủy. Bùi Công Trừng và Hoàng Minh Chính bị cô lập. Không một ai dám nói chuyện với họ vì sợ liên lụy.
Trong các khóa học tập được tổ chức sau Hội nghị Trung ương lần thứ 9, Liên bang Xô viết bị đả kích trực tiếp. Truyền thanh cũng được sử dụng để phát đi tuyên truyền của Trung Quốc, chửi rủa “những tên xét lại” là “những kẻ theo chủ nghĩa đầu hàng”.
Trao đổi văn hóa với Liên xô bị cắt giảm. Thậm chí các khóa dạy tiếng Nga cũng bị giải tán. Những người Việt nào tiếp xúc với người ngoại quốc và giới ngoại giao từ những nước Đông Âu đều có thể bị xếp vào “thành phần xét lại”. Cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước nhận được chỉ thị tránh tiếp xúc với người nước ngoài và phải báo cáo với cơ quan khi có trao đổi thư từ với người nước ngoài, đặc biệt là với công dân Liên bang Xô viết. Bây giờ, khi muốn vào văn phòng của các thông tấn xã nước ngoài, người ta phải cần đến một giấy giới thiệu.
Franz Farber, người năm 1954 là nhà báo Đức đầu tiên sang thăm miền Bắc theo lời mời của Hồ Chí Minh, khi sang thay thế thông tín viên Đông Đức Pommerening năm 1964 đã nhận rõ được bầu không khí căng thẳng lúc đó:
“…chúng tôi trong con mắt của Đảng và chính phủ ít nhất là những người nước ngoài gây phiền toái […]. Và ngoài ra thì cho tới nay vẫn còn chưa có người Việt nào bước vào ngôi nhà của ADN mà không có giấy phép. Ai cũng sợ người khác. Không còn ai dám tiếp xúc cá nhân với người nước ngoài nữa.”[11]
Những người nước ngoài trước đây đào ngũ chạy sang với Việt Minh như Georges Boudarel, Erwin Borchers và Albert Clavier đều bị xếp vào hàng “xét lại”. Nhân viên ngoại giao nước ngoài bị tăng cường kiểm soát và bị hạn chế đi lại.
Tìnnh hình căng thẳng này kéo dài cho tới khi Khrushchev bị lật đổ.
(Còn tiếp)
Phan Ba

[1] Die Partei und der Krieg, Martin Großheim, trang 76
[2] Email Nguyễn Minh Cẩn gửi cho Martin Großheim, 20/07/2017. Trích dẫn theo Die Partei und der Krieg
[3] Latimer, Thomas Kennedy (1972). Hanoi’s Leaders and their South Vietnam Policies: 1954-1968, trang 97, Ph. D. Diss, Georgetown University.
[4] Đèn Cù, Trần Đĩnh, trang 10, NXB Người Việt Books, 2014
[5] Martin Großheim phỏng vấn Phạm Văn Hùng, 17/09/2006.
[6] Trích dẫn theo Martin Großheim, Die Partei und der Krieg, trang 98.
[7] De l’Indochine coloniale au Vietnam libre. Je ne regretted rien. Albert Clavier, Paris: Les Indes Savantes, 2008. Trích dẫn theo Martin Großheim, Die Partei und der Krieg.
[8] Die Partei und der Krieg, Martin Großheim, trang 114-115
[9] Die Partei und der Krieg, Martin Großheim, trang 119.
[10] Báo cáo của Đại sứ quán Đông Đức tại Hà Nội. Trích dẫn theo Martin Großheim, Die Partei und der Krieg, trang 132.
[11] Trích dẫn theo Martin Großheim, Die Partei und der Krieg, trang 145.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TQ rồi đây sẽ ra sao?

Học 'tư tưởng Tập Cận Bình' lấy bằng tiến sỹ?
27/10/2017 - Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh sẽ mở trung tâm nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình và cấp bằng thạc sỹ, tiến sỹ cho ngành này. Theo các báo Trung Quốc, một trung tâm nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình và chủ nghĩa Marxist sẽ ra đời ở Đại học Nhân dân (Renmin University), một trong số các đại học hàng đầu của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ còn tiếp tục đẩy cao vai trò "tư tưởng Tập Cận Bình", và vị thế của các "mưu sỹ lý luận" nhằm đối phó với các xung lực của mâu thuẫn bên trong và bên ngoài trong nhiều năm tới.

Một kỳ thi vào Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh
Trang Nhân dân Nhật báo bản điện tử (26/10/2017) cũng trích lời một bí thư Đảng tại Đại học Nhân dân cho hay trung tâm tư tưởng Tập Cận Bình sẽ phối hợp với nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chủ nghĩa Marx, các giảng viên, giáo sư của Trường Đảng Trung ương, chuyên gia từ Đại học Thanh Hoa...để xây dựng đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy.

Đặng Tiểu Bình đã nêu ra 'chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc', và 'tư tưởng Tập Cận Bình' chỉ thêm mỗi mấy chữ 'thời đại mới' vào cụm từ đóKarisham Vaswani, BBC News

Theo BBC Tiếng Trung, một đại học ở Thiên Tân cũng có ý tưởng mở trung tâm tương tự để học về Tư tưởng của lãnh đạo Đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình.

Truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài cũng cho hay trong chương trình của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh sẽ có bằng thạc sỹ và tiến sỹ về 'tư tưởng Tập Cận Bình'.

Vì sao cần lý luận và 'tư tưởng'?

Trong tương lai, Đại học Nhân dân sẽ cấp bằng tiến sỹ và thạc sỹ môn "tư tưởng Tập Cận Bình"

Hiện ở bên ngoài Trung Quốc có hai cách giải thích và đánh giá về nhu cầu "lý luận" của Đảng Cộng sản ở quốc gia 1,4 tỷ người này.

Một phái, như bài viết của Eric Li đăng trên Washington Post (24/10) cho rằng ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc kết hợp chủ nghĩa xã hội với phát triển, tăng trưởng.

Không chỉ có vậy, Tập Cận Bình còn cổ vũ cho một mô hình mới của toàn cầu hóa mà ở đó, "tính liên kết tăng lên (interconnectedness) không làm hại gì cho chủ quyền quốc gia".

Đây là cách nhìn về một cộng đồng toàn cầu "có chung vận mệnh".

Ở phía ngược lại có quan điểm cho rằng sự tập trung quyền lực vào một Đảng và của Đảng đó vào một cá nhân là cách Trung Quốc phản ứng trước các lo ngại lớn.

Chẳng hạn cách nhìn của Phillip Orchard cho rằng những mâu thuẫn nội tại và sức ép địa chính trị khiến giới cầm quyền Trung Quốc chấp nhận "đặt cược" hoàn toàn và cá nhân Tập Cận Bình để chống đỡ lại khủng hoảng.

Ông Tập Cận Bình đọc diễn văn tại Quốc hội Việt Nam trong chuyến thăm đến Hà Nội hồi 2015

Việc kiểm soát toàn diện Đảng Cộng sản, từ lý luận đến quân đội, công an, của ông Tập tuy thế sẽ không giúp giải quyết các mâu thuẫn cơ bản mà Trung Quốc đang đối mặt, theo tác giả Orchard.

Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 26/10, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ cũng nói tư tưởng Tập Cận Bình "chỉ là một ảo tưởng" vì chủ nghĩa xã hội thì không còn gì, và những chứ gọi là "đặc sắc Trung Quốc" chỉ nhằm để giúp Trung Quốc bành trướng ra bên ngoài.

Còn phóng viên BBC News Karishma Vaswani từ Singapore, trong bài viết hôm 24/10 đã so sánh "tư tưởng Tập Cận Bình" và lý luận Đặng Tiểu Bình.

Theo phóng viên BBC, dù được đề cao, ông Tập chưa đạt được thành tích bằng ông Đặng nếu xét về các con số kinh tế cụ thể.

Trên thực tế, Đặng Tiểu Bình đã nêu ra "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", và "tư tưởng Tập Cận Bình" chỉ thêm mỗi mấy chữ "thời đại mới" vào cụm từ đó, theo nhà báo của BBC News.

Ba trên bảy ủy viên có gốc 'lý luận'

Đại học Trung Quốc đón Tổng thống Jacob Zuma của Nam Phi: Trung Quốc đang cổ vũ cho các ý tưởng chính trị riêng sang châu Phi

Sau Đại hội 19, trong bảy ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị thì có tới ba người là xuất thân từ "lý luận":

Giáo sư Vương Hộ Ninh là soạn ra các thuyết chính trị cho hai tổng bí thư Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và chấp bút cho ông Tập Cận Bình nêu ra "tư tưởng chủ nghĩa xã hội với tính đặc thù Trung Quốc trong kỷ nguyên mới.

Ông Triệu Lạc Tế cũng từng tốt nghiệm môn triết học ở Bắc Kinh trước khi đi làm quan chức bộ máy Đảng. Nay ông thay Vương Kỳ Sơn ở vị trí Trưởng ban chống tham nhũng.

Bản thân ông Tập Cận Bình từng phụ trách Trường Đảng Trung ương.

Điều cho thấy Trung Quốc sẽ còn tiếp tục đẩy cao vai trò "tư tưởng Tập Cận Bình", và vị thế của các "mưu sỹ lý luận" nhằm đối phó với các xung lực của mâu thuẫn bên trong và bên ngoài trong nhiều năm tới.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41762497

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dấu lặng cuối tuần: CÔ ẤY NGỒI ĐÂY


Lã Việt Dũng - Cô ấy ngồi đây, vỉa hè Bờ Hồ một sáng mùa đông, vì cô ấy là Nguyễn Thị Loan - mẹ của tử tù Hồ Duy Hải. Như bao người mẹ khác, cô ấy làm mọi cách để cứu con, kể cả khi chẳng còn một tia hi vọng. 
Cô ấy ngồi đây, vì con trai cô ấy bị coi là hung thủ trong một vụ án mà từ quá trình điều tra đến xét xử đều đầy rẫy những sai phạm. Họ bỏ qua những vật chứng, nhân chứng giúp chứng minh sự vô tội của Hồ Duy Hải và vội vã kết luận dựa trên những chứng cứ mập mờ. 


Cô ấy ngồi đây, vì nếu là bạn, bạn cũng sẽ ngồi đây. Một người bố, người mẹ tin làm sao được, ngủ làm sao được, chết nhắm mắt làm sao được khi chính quyền xử tử con mình mà dấu vân tay trên hiện trường không phải của con; còn con dao, cái thớt được mua từ ngoài chợ để bổ sung vào hồ sơ vụ án. Nguồn đây:
https://tuoitre.vn/lam-ro-nhan-chung-dac-biet-vu-tu-hinh-ho-duy-hai-1322151.htm
Nguồn đây: 
http://m.vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vu-ho-duy-hai-tang-vat-duoc-mua-ngoai-cho-210656.html

Cô ấy buộc phải ngồi đây, vì mọi lời kêu cứu của cô ấy và gia đình đều vô vọng. Toà sơ thẩm, phúc thẩm đều chỉ dựa vào lời khai bất nhất, có dấu hiệu bị bức cung của Hải mà bỏ mặc những nghi vấn và tình tiết quan trọng. Đến ý kiến của một số ĐBQH trong đoàn giám sát về án oan - uỷ ban tư pháp cũng bị bỏ qua . 

Nguồn đây: 
http://m.dantri.com.vn/phap-luat/vu-an-ho-duy-hai-du-ca-4-can-cu-de-khang-nghi-1427575154.htm

Cô ấy ngồi đây, vì một kẻ tên là Nguyễn Văn Nghị, nghi phạm chính trước đó có quan hệ mật thiết với nạn nhân, tối hôm đó có mặt tại hiện trường, đã được công an lấy lời khai rồi đột ngột được thả ra để bỏ trốn khỏi địa phương và sau này không hề xuất hiện trong hồ sơ vụ án. Nguyễn Văn Nghị được chính cô và người dân địa phương xác nhận là cháu của bà Trương Mỹ Hoa - nguyên phó chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam. 

Cô ấy ngồi đây, vì những kẻ được gọi là chủ tịch nước, người có quyền ân xá những vụ án tử hình, chưa bao giờ dám đối mặt với cô và gia đình để xem xét ân xá hay can đảm xác nhận tội chết cho Hồ Duy Hải.

Cô ấy ngồi đây, với lời kêu cứu khản đặc, ma mị như đến từ cõi âm: “Nhịp tim con đập cùng nhịp tim của mẹ, con mà chết thì mẹ cũng chết theo...”

Và vì mọi niềm tin về công lý, về tình người, về chính quyền và xã hội trong cô đã sụp đổ. Còn chúng ta, một ngàn lời lên tiếng, một ngàn chữ ký đề nghị chủ tịch nước ân xá hay tuyên bố huỷ bản án vì chưa đủ bằng chứng buộc tội khó lắm sao?
_________________

Nguyễn Thúy Hạnh

ĐỪNG GIẾT OAN HỒ DUY HẢI CON TÔI!
XIN HÃY CỨU MẠNG CON TÔI HỒ DUY HẢI!

Mong mọi người hãy chia sẻ, đồng hành cùng bà Loan, người mẹ đau khổ đã 10 năm lăn lộn vật vã đòi công lý cho con trai bị kết án tử hình mà bà khẳng định là con bị oan. Giờ đây con trai bà sắp bị thi hành án, mong mọi người cùng lên tiếng cứu lấy một mạng người sắp bị tử hình oan.





Buổi tối cùng ngày, Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải và Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã có mặt tại Thánh lễ cầu nguyện cho Hòa bình và Công lý, cầu nguyện có công lý và sự thật đến với phiên tòa xét xử Chị Trần Thị Nga sắp tới: 




https://xuandienhannom.blogspot.com/2017/12/me-tu-tu-ho-duy-hai-keu-oan-giua-trung.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao ông Lê Phước Hoài Bảo bị xóa tên trong danh sách đảng viên?



>> Kỳ vọng sử dụng bê tông tính năng siêu cao cho công trình trên đảo
>> Thủ tướng Úc ‘cắt’ Chủ tịch Quang khỏi ảnh selfie
>> Khi chuyện “vợ bé”, "bồ nhí" lên diễn đàn Quốc hội


XUÂN HẢI 

LĐO - Tại kỳ họp 20, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung liên quan đến một số nhân sự ở tỉnh Quảng Nam, trong đó yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên đối với ông Lê Phước Hoài Bảo.

UBKT Trung ương kết luận, đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt đảng theo quy định trong thời gian đi học thạc sĩ tại nước ngoài.

UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên đối với ông Lê Phước Hoài Bảo (ông Bảo là con trai ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam).

Theo ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, việc xóa tên đảng viên vi phạm căn cứ vào các quy định sau:

Cụ thể, Điều 8 Điều lệ Đảng quy định: Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng, hoặc đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục và định thời hạn sửa chữa mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên.

Khoản 1 Điều 8 Quy định số 45 -QĐ/TW, ngày 1.11.2011 của Ban Chấp hành Trung ương về Quy định thi hành Điều lệ Đảng nêu rõ:

Về việc xóa tên trong danh sách đảng viên đối với các trường hợp sau: Đảng viên bỏ sinh hoạt hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên tự ý trả thẻ đảng viên hoặc tự hủy thẻ đảng viên; đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không thực hiện nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục sau thời gian 12 tháng mà không tiến bộ; đảng viên 2 năm liền vi phạm tư cách đảng viên.

Quy định 102-QĐ/TW ngày 15.11.2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm nêu rõ: Hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo. Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xóa tên trong danh sách đảng viên.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chữ quốc ngữ buổi đầu: Người Nhật chê, Người Việt nhận





Anh Tú

Chữ quốc ngữ xứng đáng là một phát minh vĩ đại trong lịch sử nước ta. Nhờ chữ quốc ngữ, người Việt có hệ thống chữ viết riêng không phải phụ thuộc hệ thống chữ tượng hình phức tạp như trước. Sau khi dùng chữ quốc ngữ, chúng ta xóa tỉ lệ mù chữ rất nhanh trong thời gian ngắn. Cũng nhờ chữ quốc ngữ, Việt Nam hòa nhập với quốc tế nhanh hơn. Sẽ là không thừa nếu ôn lại sự phát triển chữ quốc ngữ. 


Khi nhắc đến chữ quốc ngữ, người ta nhắc ngay công lao của ông Alexandre de Rhodes hay còn được gọi với tên Việt là cha Đắc Lộ. Đúng là ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng công trình Tự điển Việt-Bồ-La, hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh nhưng để có được bộ chữ quốc ngữ mà chúng ta dùng thì đó là công sức của nhiều người. Bản thân cha Đắc Lộ cũng không phải là người đầu tiên tìm cách ghi tiếng của người Việt bằng hệ chữ La Tinh. Giáo sĩ đã tiên phong góp công trong việc hoàn chỉnh lối chữ này phải kể đến cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha.

Các giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam từ giữa thế kỉ 16 nhưng không có nhiều tài liệu ghi hoạt động của họ thời kì này. Đến đầu thế kỉ 17, các nhà truyền giáo Dòng Tên gồm cả người châu Âu, Nhật. Giáo sĩ De Pina đến Đàng Trong năm 1617 và là nhà truyền giáo Công giáo đầu tiên nói thông thạo tiếng Việt để giảng đạo trực tiếp bằng ngôn ngữ này. Ông hằng chỉ trích các giáo sĩ đương thời đã không nắm vững ngôn ngữ địa phương để đạt mục tiêu rao giảng Phúc Âm. Ông được cho là tác giả tập Manuductio ad Linguam Tunckinensem và là người đã giúp dạy Alexandre de Rhodes học tiếng Việt, góp phần tạo ra chữ quốc ngữ cho việc truyền giáo.

Để ghi lại tiếng của người Việt thì De Pina là người đầu tiên thực hiện bằng việc dùng kí tự La Tinh của người Bồ Đào Nha. Theo cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của ông Đỗ Quang Chính viết năm 1972 (và được Trưởng ban Sử học – Trường Đại học văn khoa Sài Gòn khi đó là GS Nguyễn Thế Anh viết lời tựa), ông Pina là giáo sĩ đầu tiên thông thạo việc giao tiếp với người Việt nên chỉ ông khi đó mới có khả năng ghi lại tiếng Việt bằng chữ La Tinh. Tuy nhiên, ý tưởng dùng chữ La Tinh để ghi chữ Việt cũng là học theo cách mà các giáo sĩ đi trước áp dụng với tiếng Nhật. Vào đầu thế kỉ 17, một số giáo sĩ Dòng Tên đã xuất bản một vài cuốn sách ngữ vựng và ngữ pháp Nhật theo mẫu tự abc. Chỉ có điều người Nhật đã không tận dụng điều này để cải biến hệ thống chữ viết của họ theo hệ La Tinh nên cho đến giờ người Nhật vẫn dùng các bảng chữ phi La Tinh.

Trong nguyệt san MISSI của các cha Dòng Tên năm 1961 cũng thừa nhận về chuyện trước đó 300 năm: “Thật vậy, giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam luôn luôn sử dụng chữ viết của người Tàu và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Triều Tiên mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì sau nhiều lần thử nghiệm, đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình biểu ý của người Tàu”.

Trong khi Nhật không tiếp nhận chữ La Tinh thì hệ thống chữ La Tinh cho người Việt lại có sự phát triển mạnh mẽ và sử dụng rất hiệu quả sau này. Nhưng buổi ban đầu thì chữ quốc ngữ chập chững những bước đi đầy gian khó để có thể hoàn hảo như hiện giờ. Năm 1620, thời điểm có các bản thảo chữ quốc ngữ đầu tiên, dù khi đó giáo sĩ Pina đã nói được tiếng Việt, nhưng khó lòng phân biệt được lối cách ngữ và các thanh trong từ như chúng ta dùng ngày nay. Dựa vào những tài liệu viết tay năm 1621- 1626, các chữ còn viết liền theo kiểu người châu Âu và chưa thấy đánh dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã) vào những chữ đó. Ví dụ khi viết An Nam thì các văn bản thời kì 1620-1626 vẫn ghi là Annam hay ghi ông nghè bằng từ Ungue. Tỉnh Quảng Nghĩa (sau đổi thành Quảng Ngãi để tránh phạm húy) lúc đó được ghi là Quamguya.

Việc khi ấy, các giáo sĩ chưa phân biệt được dấu cũng rất bình thường. Người châu Âu lần đầu khi tiếp xúc với tiếng Việt vô cùng hoang mang khi mỗi tiếng của người Việt là một từ và khi lên giọng xuống giọng lại thành một từ hoàn toàn khác. Linh mục Gio. Filippo de Marini ở Đàng Ngoài từ 1647-1658, cũng nhận rằng: “Một người sau khi đã học nói tiếng Việt kha khá thì kinh nghiệm cho họ hay rằng tiếng Việt quả là cực kì khó khăn”. Linh mục Joseph Tissanier ở Đàng Ngoài từ 1658-1663 cũng ghi lại như sau: “Tôi xin thú nhận rằng lúc đầu tiếng Việt làm tôi phát sợ vì thấy nó khác các ngôn ngữ Âu châu quá, nên hầu như tôi thất vọng trong việc học tiếng này”. Chính cha Đắc Lộ cũng thừa nhận bị choáng khi lần đầu nghe tiếng Việt. Ông viết: “Khi tôi vừa đến Nam kì và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng vì nghĩ rằng có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai cha Emmanuel Fernandez và Buzomi khi giảng phải có người thông dịch lại. Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt. Kết quả các bài giảng bằng tiếng Việt lợi ích nhiều hơn các bài giảng phải có người thông dịch lại”.

Cuối năm 1625, cha Pina qua đời nhưng việc phát triển chữ quốc ngữ không dừng lại. Cha Đắc Lộ tiếp nhận những kiến thức từ cha Pina truyền đạt trong việc ghi âm tiếng Việt bằng hệ chữ La Tinh tiếp tục phát triển để hoàn thiện tiếp. 
. ____________________

Để chữ quốc ngữ có thanh điệu,
cần ghi công một cậu bé

Trong phần trước, chúng tôi đã đề cập bước sơ khởi trong tiến trình phát triển chữ quốc ngữ. Ở giai đoạn 1620-1626, các giáo sĩ mà đi đầu là cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha đã bắt đầu thực hiện ghi âm tiếng Việt bằng kí tự La Tinh. Việc ghi của thời này khá đơn giản khi các từ ghép vẫn được viết nối nhau và không hề có vần. Phải đến sau năm 1626 thì mới bắt đầu có việc ghi cách ngữ và gắng chép có dấu để phân biệt độ lên hạ giọng trong phát âm của người Việt. Việc học cách để ghi cách ngữ chỉ cần có thời gian và chỉnh thói quen là làm được, nhưng riêng việc phân biệt dấu qua cách lên xuống giọng của người Việt là cực hình đối với người phương Tây, đó còn chưa kể đến việc một tiếng còn có nhiều nghĩa khác nhau.

Để người ngoại quốc thấy rõ hơn sự nguy hiểm trong khi phát thanh sai tiếng Việt, cha Đắc Lộ thuật lại hai câu chuyện sau đây: Một hôm linh mục bạn với Đắc Lộ muốn bảo người giúp việc đi chợ mua cá. Khi người giúp việc ở chợ về, bảo cho ông hay là đã mua như ý linh mục muốn. Ông liền xuống nhà bếp coi xem loại cá nào thì ông ngỡ ngàng vì người đi chợ lại mua một thúng đầy cà. Linh mục biết ngay là vì đã đọc trại tiếng cá thành cà nên ông xin lỗi người giúp việc. Một linh mục khác bảo người nhà đi chém tre. Đoàn trẻ em trong nhà linh mục nghe thế sợ quá, bỏ chạy tán loạn. Thì ra ông phát thanh lầm là chém trẻ nên làm cho đàn trẻ em khiếp sợ. Phải giải thích mãi trẻ em mới yên tâm và trở về nhà với linh mục.

Do vậy, để có thể truyền tải hết tiếng Việt vào chữ viết thì phải có cách chép dấu. Cuốn công trình Tự điển Việt-Bồ-La của cha Đắc Lộ ra đời năm 1651 đã giải quyết được vấn đề đó. Cha Đắc Lộ nói rằng nhờ một cậu bé 13 tuổi (sau này được đặt tên Thánh là Rafael Rhodes) mà ông mới hiểu được hệ thống thanh điệu, lên xuống giọng của người Việt (cơ sở quan trọng để đặt ra các thanh huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng). Cha Đắc Lộ viết: “Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời cậu học đọc, học viết tiếng La Tinh và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thầy và nơi Vương quốc Lào láng giềng”.

Thực ra, cha Đắc Lộ không thể một mình tự nghiên cứu ra cuốn Tự điển Việt-Bồ-La mà cần dựa vào nghiên cứu, đúc kết của nhiều giáo sĩ khác. Thời gian cha Đắc Lộ ở Việt Nam không liên tục mà bị ngắt quãng do chính sách của triều đình 2 đàng khi đó. Trước khi bị chúa Trịnh Tráng trục xuất năm 1630, cha Đắc Lộ chỉ có 57 tháng ở với người Việt (ở Đàng Trong từ tháng 12-1624 đến tháng 7-1626 và ở Đàng Ngoài từ tháng 3-1627 đến tháng 5-1630). Sau đó, ông phải ở Áo Môn (tức Macau) 10 năm rồi mới trở lại Đàng Trong năm 1640 nhưng cũng không ở liên tục mà chia làm 3 lần (lần 1: tháng 2-1640 đến tháng 9-1640, rồi về Áo Môn, lần 2: tháng 12-1640 đến tháng 7-1641, sau đó về Áo Môn, lần 3: tháng 1-1642 đến tháng 7-1643, lại về Áo Môn). Chính vì sự ngắt quãng đó cộng với công việc khá nhiều nên ông khó có thời gian chuyên tâm nghiên cứu việc phiên âm tiếng Việt. Dựa vào các văn bản có lưu dấu chữ quốc ngữ của cha Đắc Lộ viết trong thời gian đi lại giữa Việt Nam và Áo Môn, các nhà nghiên cứu nhận thấy trình viết của ông khi ấy khó sánh bằng cha Gaspar do Amaral. Cha Amaral đến Thăng Long cuối năm 1629 và trong bản tường trình gửi về Bồ Đào Nha ngày 31-12-1632, cha Amaral đã viết rất nhiều chữ quốc ngữ cách ngữ và có dấu như Kẻ Chợ (chỉ Thăng Long), yêu nhău (yêu nhau), hụyen (huyện), bà đạu (bà đạo), đàng ngoằy (đàng ngoài), nhũộn (nhuận)… Có thể thấy nhiều từ quốc ngữ được cha Amaral viết khá xa với từ hiện giờ nhưng so với cách viết của cha Đắc Lộ khi ấy thì tốt hơn rất nhiều. Cùng thời điểm và có thể muộn hơn, bản viết tay của cha Đắc Lộ vẫn ghi Ce Che (Kẻ Chợ), dau nhu (đạo Nho), huyen gna (huyện nha)…

Đến năm 1637, thư của cha Amaral đã có nhiều chữ quốc ngữ sát với bây giờ hơn khi ông dùng chính xác nhiều từ như đức, thầy, Nghệ An, đàng ngoài… Trong khi đó, cách viết từ quốc ngữ của cha Đắc Lộ cũng không tiến triển nhiều hơn, rất ít dùng chữ có dấu. Phải đến năm 1644, cách viết chữ quốc ngữ của cha Đắc Lộ mới có bước tiến rõ rệt khi trở lại Việt Nam. Thời kì đó, ông đã viết được cả câu quốc ngữ dài: “giũ nghĩ cũ đ Chúa Jesu cho đen het hoy, cho đen blon đoy” (giữ nghĩa cùng đức Chúa Jêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời).

Có thể thấy trong thời gian trước năm 1645 thì cha Amaral là người xuất sắc trong việc dùng chữ quốc ngữ và ông cũng là người soạn cuốn tự điển Việt-Bồ-La (Diccionário anamita-português-latim). Nói đến lịch sử chữ quốc ngữ trong giai đoạn này, không thể bỏ qua linh mục Antonio Barbosa (1594-1647) người Bồ Đào Nha. Cuối tháng 4-1636, Barbosa đến Đàng Ngoài nhưng rồi ông trở về Áo Môn vào tháng 5-1642 vì lí do sức khỏe. Cha Barbosa đã soạn thảo cuốn tự điển Bồ-Việt (Diccionario português-anamìta). Chính 2 cuốn tự điển Việt-Bồ-La của cha Amaral và cuốn tự điển Bồ-Việt của cha Barbosa đã đặt nền móng để cha Đắc Lộ soạn cuốn tự điển Việt-Bồ-La ra đời năm 1651. Đó là bước ngoặt rất quan trọng để một thời gian ngắn sau đó, người Việt Nam bắt đầu dùng chữ La Tinh để ghi chép. 
Nguồn: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ban-tron-lich-su-c-111/de-chu-quoc-ngu-co-thanh-dieu-can-ghi-cong-mot-cau-be-76971.html


Ngạc nhiên về trình độ viết quốc ngữ
của người Việt những ngày đầu

Như đã trình bày trong các phần trước, việc cha Đắc Lộ in được cuốn tự điển Việt-Bồ-La vào năm 1651 là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển chữ viết quốc ngữ. Công trình này được nhiều nhà truyền giáo xây dựng đặt nền móng như cha Francisco Pina, cha Gaspar do Amaral, cha Antonio Barbosa mà cha Đắc Lộ là người kế thừa, phát triển.

Tuy các giáo sĩ người châu Âu tạo ra cuốn tự điển cực kì thuận lợi cho việc ghi chép ngôn ngữ của người Việt nhưng trong các bản chép tay thời đó, ta có thể thấy các cha lại dùng không được trơn tru cho lắm. Thậm chí, nếu giờ được đọc cuốn “Phép giảng 8 ngày” in cùng năm 1651 của cha Đắc Lộ (được coi là sách văn xuôi tiếng Việt đầu tiên được in bằng chữ quốc ngữ) thì chúng ta chưa chắc đã hiểu được một cách trọn vẹn. Dẫu sao các cha cũng là người phương Tây, họ chỉ tạo ra công cụ để chuyển hóa cách ghi tiếng Việt bằng bộ chữ La Tinh còn vận dụng công cụ đó một cách hiệu quả và cải tiến để nó dần hoàn thiện là việc của chúng ta. Người Việt đã làm tốt chuyện này.

Chỉ 8 năm sau khi cuốn tự điển của cha Đắc Lộ được in, đã có những văn bản do người Việt viết chữ quốc ngữ khiến chúng ta ngày nay phải kinh ngạc. Chúng ta có thể đọc chúng một cách dễ dàng, không hề cảm thấy vấp váp chút nào. Chúng ta có thể thử đọc một bức thư của thầy giảng Igesico Văn Tín viết ngày 12-9-1659 gửi linh mục Marani, hiện lưu trữ tại Văn khố Dòng Tên La Mã được coi là văn bản quốc ngữ đầu tiên do người Việt viết. Bức thư gồm 2 trang giấy: trang nhất viết trong khổ 17*25 cm có 34 dòng chữ cỡ trung bình, trang hai trong khổ 16*9 cm có 11 dòng chữ, kể cả dòng chữ kí tên. Mời bạn đọc theo dõi bức thư của Igesico Văn Tín để biết nội dung, hiểu được trình độ chữ quốc ngữ và cách hành văn của ông.

“Lậy ơn Đức Chúa Trời phù hộ Thầy bằng an lành linh hồn và xác. Từ năm Thầy trẩy về khỏi, thì hai Thầy ở lại chịu nhiều sự khó lắm, thì rằng chẳng có trẩy về song le cũng như về vậy, mà các Thầy trẩy về đến Macao thì đã xong. Song le hai Thầy hai Thầy ở bên này thì những chịu khó liên. Năm sau Thầy cả Miguel lại đến, thì nói những sự các Thầy phải tòng chịu khó là thế nào; tôi nghe rằng, Thầy chịu khó từ Hải Nam cho đến Macao thì tôi đau đớn; mà ngờ là Thầy ở nghỉ Macao, chẳng hay ý Đức Chúa Trời cho Thầy chịu khó hơn nữa là trẩy đi đàng xa khách (1) trở, lòng tôi càng trông nhớ Thầy liên. Đoạn tầu trẩy về thì tôi ước rằng còn Thầy ở Macao, lòng tôi muốn trẩy sang mà theo Thầy. Song le Thầy đã trẩy khỏi, thì tôi bây giờ như con mất cha, mà trăm đàng thì cậy một Thầy cả ở bên này. Người bảo tôi rằng, ngày sau tầu Olan trẩy về bên ấy thì sẽ viết một lời sang hầu Thầy, ơn Thầy xưa dạy dỗ tôi nhiều đàng, cho nên thành mà ráp cậy Thầy; cho nên chẳng hay bây giờ vắng Thầy, tôi càng buồn hơn nữa, mà ao ước cho được thấy mặt Thầy như con trông mẹ về cho được bú vậy. Muốn cho người ta được ơn Thầy nữa, chẳng hay Đức Chúa Trời chẳng cho, mà mở lòng cho Thầy đi phương khác thì hầu biết làm sao được. Ơn Thầy thương lấy tôi cùng, vì là kẻ có tội nhiều, chẳng đáng ở gần Thầy, thì phải làm một lời bằng thay mặt. Tôi kính lậy Thầy vậy.

Sau nữa, sự bổn đạo bên này thì Thầy biết hết, cùng mọi sự khác đã có thư Thầy cả gưởi cho Thầy được biết, tôi hầu nói làm chi, cùng đả có thư nói trước. Sau nữa Kẻ Vó, ông Chưởng Minh nên (2) hai cái độc lắm, mà người đã biết mình chẳng đả, thì mời Thầy rửa tội cho tên là Josaphat, đoạn liền sinh thì. Mà con ông ấy tên là Vito, Đức Chúa lại cho chức cha ấy là ông Chưởng Minh. Còn sự ông Chưởng Trà thì đã có đạo cùng tên thánh ngày trước, song le chẳng giữ, nên liền phải liệt, chẳng cho bổn đạo đến cầu cho, liền mời bên đời đến chữa chẳng khỏi, mấy ngày liền chết; mà những họ hàng nhà ông ấy cùng anh em chung nhau làm quan hãy còn cầu nguyện, đến rầy chửa xong, cùng nhà thờ trong ấy thì nó làm hư hết. Ấy là sự bên này thì làm vậy.

Còn sự Thầy cả Miguel ở Roma về mà đi tìm vua Vĩnh lịch, chẳng hay có giặc hu nu (Hung Nô – ám chỉ Mãn Thanh) đến phá dấy, mà vua chạy lên len rừng mà người đi tìm chẳng được, lại trở lại đấy, giờ là Văn Hương Chu. Người có thư cho Thầy cả mà xin xuống Kẻ chợ. Thầy cả liền dõi lệnh Chúa, Đức Chúa có cho xuống chăng, song le Đức Chúa chẳng cho. Người ở đấy độc nước, phải liệt, mà lại có thư cho Thầy cả. Bây giờ Thầy đi thăm ông Già Hán, ông ấy cũng chẳng cho. Đoạn cắt hai người lên thăm trên ấy, chẳng hay người đã sinh thì khỏi. Lòng Thầy cả tiếc cùng thương lắm. Ấy là bấy nhiêu. Đức Chúa Trời trả công cho Thầy đời này và đời sau. Mười hai tháng chín Đức Chúa Jêsu ra đời một nghìn sáu trăm năm mươi chín .

Tôi là Igesico Văn Tín“.

Lá thư của thầy giảng Igesico Văn Tín - Ảnh: chụp màn hình

Ở đây chúng ta không bàn đến nội dung bức thư hay chữ viết đẹp hay xấu mà cần thấy rằng một văn bản bằng chữ quốc ngữ đã được thể hiện một cách trơn tru, liền mạch. Cả một văn bản tương đối dài như vậy mà chỉ có 2 lỗi sai chính tả. Chỗ (1) cần viết là “cách” hay “kách”, chỗ (2) cần viết là “lên” chứ không phải “nên”. Nếu so với thư dùng chữ quốc ngữ mà các giáo sĩ ban đầu dùng thì có thể thấy thư của ông Igesico Văn Tín đã có một bước tiến nhảy vọt. Chữ quốc ngữ phát huy hiệu quả tuyệt vời trong tay người Việt trong thời gian cực ngắn, đó là những điều mà có lẽ những người phát minh ban đầu cũng khó hình dung.

Bài viết có tham khảo thông tin từ cuốn “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659″ của ông Đỗ Quang Chính viết năm 1972. 

.
____________________

Hành trình chữ quốc ngữ khai tử chữ Hán
trên đất Việt 

Sau khi được các nhà truyền giáo phát minh vào đầu thế kỉ 17 mà điểm nhấn là bộ tự điển Việt-Bồ-La của cha Đắc Lộ, chữ quốc ngữ có nhiều cải biến để ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, suốt gần 3 thế kỉ, chữ quốc ngữ không được trọng dụng mà chỉ “lưu hành nội bộ” cộng đồng người theo Công giáo. Các triều đình phong kiến Việt Nam vốn ác cảm với các nhà truyền giáo phương Tây đã không tôn trọng chữ quốc ngữ. Với các nhà nho thì chữ Hán được coi là chữ thánh hiền và họ không chấp nhận chữ quốc ngữ của Tây phương. Đó là lí do chữ quốc ngữ dù ra đời từ thế kỉ 17 nhưng không được phổ biến trong thế kỉ 18, 19.

Vào thời điểm đó, ngoài chữ Hán thì ở Việt Nam còn có chữ Nôm và chữ quốc ngữ đều là văn tự ghi tiếng nói của người Việt. Nếu so sánh thì chữ quốc ngữ rất gần chữ Pháp, lại rất tiện lợi, dễ học, dễ nhớ hơn nhiều so với chữ Nôm. Chữ Nôm tuy là để ghi tiếng của người Việt nhưng lại mượn chữ Hán, thành ra có thể coi là là cách thức dùng chữ Hán giải mã tiếng Việt. Nếu chữ Hán khó một thì thì chữ Nôm khó 10 vì người giỏi chữ Nôm phải cực thạo chữ Hán và nhanh ý để nhìn hình đoán chữ. Đáng lẽ với sự tiện lợi như vậy thì chữ quốc ngữ phải được dân ta đón nhận nồng nhiệt nhưng như đã nói, giới sĩ phu Việt Nam đã cực lực chống lại các chính sách ngôn ngữ của nhà cầm quyền Pháp. Họ quan niệm chữ quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang, là công cụ truyền bá của các nhà truyền giáo. Họ muốn duy trì học chữ Hán bởi vì học chữ Hán là được giáo dục về luân lí, lịch sử còn học chữ quốc ngữ thì chỉ như một trò chơi, khi người ta biết đọc biết viết chữ quốc ngữ, người ta không biết gì cả. Ngay cả khi không thể dùng chữ Hán để ghi văn bản của người Việt, họ vẫn thà dùng chữ Nôm còn hơn dùng chữ quốc ngữ. Năm 1867, Nguyễn Trường Tộ chính thức đề nghị triều đình Huế sử dụng chữ Nôm.

Phải đến khi người Pháp dùng các biện pháp chế tài mạnh mẽ thì chữ quốc ngữ mới bắt đầu được dùng. Ngày 22-2-1869, Phó đề đốc Marie Gustave Hector Ohier kí nghị định bắt buộc dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam kì do người Pháp cai trị khi đó. Trước đó, năm 1861, một trường dạy tiếng Việt được thiết lập ở Sài Gòn để đào tạo những viên thông ngôn người Pháp. Nghị định 82 ngày 6-4-1878 do Thống đốc Nam kì Lafont kí cũng đề ra cái mốc hẹn trong 4 năm (tức năm 1882) phải chuyển hẳn sang chữ quốc ngữ: “Kể từ mùng một tháng giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị… sẽ viết, kí tên và công bố bằng chữ quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ quốc ngữ sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng”. Để khuyến khích việc truyền bá chữ quốc ngữ, nhà chức trách thuộc địa Nam kì còn ra Nghị định ngày 14-6-1880 giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho thân hào hương lí nếu họ biết viết chữ quốc ngữ.

Cũng may là người Pháp áp việc dùng chữ quốc ngữ ở Nam kì đầu tiên. Người miền Nam nhìn chung có tâm lí phóng khoáng và thực dụng nên tiếp nhận việc dùng quốc ngữ khá dễ dàng. Cuối thế kỉ 19, các trí thức Nam kì như cụ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Tống, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản… là những người đi đầu trong chủ trương truyền bá chữ quốc ngữ và phát triển tiếng Việt. Khi người Việt ở Nam kì nhận thấy sự tiện lợi của chữ quốc ngữ thì chính quyền Pháp bắt đầu tạo áp lực để dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán ở Bắc và Trung kì vào đầu thế kỉ 20. Triều đình Huế lúc này đã quá suy yếu nên đành phải nhượng bộ trước áp lực của người Pháp. Năm 1910, Chính phủ Đông Pháp mở rộng chính sách dùng chữ quốc ngữ, giao cho Nha Học chính giảng dạy ở Bắc kì. Năm 1915, kì thi Hương cuối cùng diễn ra ở Bắc kì mặc cho sự chống đối của giới sĩ phu. Ở Trung kì thì đạo dụ của vua Khải Định ngày 26-11 năm Mậu Ngọ (tức 28-12-1918) chính thức bãi bỏ khoa cử và năm 1919 là năm cuối mở khoa thi ở Huế. Thượng thư Bộ Học là Cao Xuân Dục có công văn trả lời Toàn quyền Đông Dương với ý tán đồng “cả nước cùng học chữ quốc ngữ La Tinh, tuyển chọn các vị cử nhân, tú tài, tôn sinh, ấm sinh người bản quốc sung làm giáo sư và thành lập viện dịch chữ quốc ngữ… Nay vâng mệnh Hoàng đế bản quốc lập ra trường chuyên dạy thứ chữ này chính là muốn thống nhất một lối dùng làm thứ chữ dạy học phổ thông”.

Trong việc phát triển chữ quốc ngữ, người Pháp có chủ trương và toan tính riêng phục vụ lợi ích của họ. Tuy nhiên, việc này lại mang rất nhiều tiện lợi cho người Việt Nam khi chúng ta không còn phụ thuộc hệ thống chữ Hán khó đọc, khó nhớ nữa. Các nhân sĩ tiến bộ ngoài Bắc cũng nhanh chóng nhận ra lợi ích của chữ quốc ngữ để kêu gọi mọi người hưởng ứng rộng rãi. Đầu thế kỉ 20 ở ngoài Bắc, hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) cũng đã dấy lên phong trào học chữ quốc ngữ, coi chữ quốc ngữ là phương tiện khai hoá quốc dân. Các cụ khẳng định: “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước – Phải đem ra tính trước dân ta – Sách các nước, sách Chi Na – Chữ nào chữ ấy dịch ra cho tường”. Trong Văn minh tân học sách của Đông Kinh Nghĩa Thục có đoạn viết: “Người trong nước đi học nên lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên để trong thời gian một vài tháng, đàn bà, trẻ con đều biết chữ và người ta có thể dùng quốc ngữ để ghi việc đời xưa và chép việc đời nay… Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy”.

Có lẽ điều người Pháp không thể ngờ rằng chữ quốc ngữ chính là phương tiện để người Việt phổ biến, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đòi độc lập.

Việc chúng ta chuyển từ Hán tự sang chữ quốc ngữ cũng phải trả một cái giá, đó là hầu hết người Việt Nam ta không đọc được chữ các cụ ngày xưa (nhất là khi vào đền chùa). Tuy nhiên, cái giá đó quá rẻ so với việc đại bộ phận người dân biết chữ thay vì chỉ một số nhỏ biết chữ Hán thời phong kiến.

Thế nhưng, nếu cải cách chữ theo như đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền – tác giả công trình nghiên cứu cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt – thì e rằng thế hệ sau này xa lạ với các dòng chữ mà chúng ta viết hiện giờ. Cái giá khi đó lại trở thành quá đắt.

Bài viết có tham khảo thông tin trong bài “Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử” của GS-TS Nguyễn Thiện Giáp 

A.T 
.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

VÌ SAO TẬP THƠ "TỰ DO" KHÔNG ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI NĂM 2017 ?





Sau khi Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội công bố để trống Giải thưởng Thơ năm 2017 (mặc dù trước đó Hội đồng Thơ đã đưa lên 5 tác phẩm dự giải), có một số ý kiến cho rằng: Tại sao tập thơ "Tự do" của nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền là tập thơ khá nhất trong 5 tập thơ này không được trao giải thưởng? Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội đồng Thơ cho biết: Đúng tập thơ “Tự do” của Hoàng Xuân Tuyền (do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2016) là tập thơ khá nhất và là một phát hiện mới về dòng thơ phản biện thế sự hôm nay với giọng thơ mới khá đặc biệt. Còn vì sao tập thơ “Tự do” không được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm nay thì đấy là quyền của Ban chấp hành với 8 nhà văn của Hội đồng chung khảo giải thưởng gồm: Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Sĩ Đại, Trần Quang Quý, Y Ban, Hữu Việt, Bùi Việt Mỹ, Trần Gia Thái sau khi bàn luận khá kỹ đã đi đến quyết định: Năm 2017 không trao Giải thưởng Thơ. Phải chăng việc này đồng nghĩa với việc:
“TỰ DO”-TỰ NÓ, TỰ THÂN
KHÔNG CẦN GIẢI THƯỞNG, CHỈ CẦN TỰ DO?
TỰ DO GIẢI PHÓNG CHO THƠ
THOÁT MỌI XIỀNG XÍCH MỊT MỜ VĂN CHƯƠNG?
TỰ DO KHÔNG THỂ TẦM THƯỜNG
CHO AI ĐÓ GẮN HUÂN CHƯƠNG LÊN MÌNH?
VÌ THẾ ĐỒNG THUẬN, ĐỒNG TÌNH
KHÔNG GẮN GIẢI THƯỞNG LÊN MÌNH TỰ DO?
Để bạn đọc yêu thơ hiểu thêm về tập thơ “Tự do” của nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền (người từng được nhà thơ Phạm Tiến Duật trao giải thưởng Thơ khi anh còn là du học sinh ở Liên Xô cũ và hiện nay là giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia), chúng tôi xin trích dẫn bài thơ “Lục bát tự do” trong tập thơ “Tự do” của anh, qua bài thơ này, ta có thể thấy Hoàng Xuân Tuyền ngẫm ngợi về tự do như thế nào.
HOÀNG XUÂN TUYỀN
LỤC BÁT TỰ DO
1.
Tự do nào! Tự do nào!
Tự do ta dắt ta vào miền thơ
Con đường lục bát cam go
Bao con chữ mất tự do thành vè.
2.
Tứ mờ mịt, lời lê thê
Nửa phố thị, nửa thôn quê - nửa mùa
Tưởng rằng trí tuệ có thừa
Kỳ tình lú lẫn ngu ngơ đứng đầu.
3.
Tự do? Ai bảo sao đâu!
Mỗi dòng mỗi nản, mỗi câu mỗi buồn
Tự do chấp chới cánh chuồn
Một mình một bước một đường một xa.
4.
Tự do đây. Tự do mà!
Tự do đáy giếng cũng là tự do?
Trời kia - nắp ấm tròn vo
Hé mắt ếch, cất tiếng ho: - Xin chào!
5.
Tự do nào! Tự do nào?
Tự do thét, tự do gào - tự do?
Kiếm tìm lục bát quanh co
Bước cao bước thấp lò dò ta đi.
6.
Tự do nhất, tự do nhì
Tự mình mình đã biết gì tự do.
Vần vèo thêm quẩn chân thơ
Non tay biết đến bao giờ hết non.
7.
Tự do mất, tự do còn
Tự do dựa dẫm héo mòn tự do.
Ý gầy guộc, nghĩa ốm o
Lo trâu sứt sẹo, sợ bò trắng răng.
8.
Tự do cây - ngát hương xanh
Tự do ta - ngọt đầu cành chiêm bao.
Tự do! Nào tự do nào!
Tự ta chọn, tự mình trao cho mình.
9.
Tràng giang đại hải linh tinh
Đương đà lục bát, bất thình lình ... tự do
Ta tự do - Thơ tự do!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHẬN DIỆN MỘT SỐ NGUY CƠ THAM NHŨNG TỪ QUÁ TRÌNH HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH Ở VIỆT NAM


LƯU VĂN QUẢNG /TCCS 12-12-2017

Ảnh minh họa - Nguồn: petrotimes.vn
Tham nhũng và tham nhũng từ hoạch định chính sách
Theo nghĩa rộng, tham nhũng được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi. 
Theo nghĩa hẹp, tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền lực nhà nước để trục lợi riêng. Trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, tham nhũng được hiểu là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn đó để vụ lợi. Người có chức vụ, quyền hạn chỉ giới hạn ở những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị.
Tham nhũng từ hoạch định chính sách là hiện tượng các chủ thể quyền lực nhà nước, dù vô tình hay cố ý, sử dụng quyền lực được giao để đưa ra các quyết định, chính sách đem lại lợi ích cho một nhóm, một tổ chức, hoặc các cá nhân nào đó, và gây thiệt hại cho lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. 
Khi nói đến tham nhũng nói chung và tham nhũng từ hoạch định chính sách nói riêng, có một số điểm cần lưu ý trong nhận diện là: Thứ nhất, nói tới tham nhũng chính sách là nói tới việc sử dụng quyền lực công. Theo đó, quyền lực do các cá nhân, các chủ thể nắm giữ không phải là thứ quyền lực tự thân, mà là quyền lực được ủy nhiệm bởi một tập thể (như quốc hội, hội đồng nhân dân,...), hoặc được ủy nhiệm trực tiếp bởi người dân thông qua bầu cử trực tiếp (như các đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân...). Nếu không nhận được sự ủy nhiệm quyền lực đó, một cá nhân không thể thực hiện hành vi tham nhũng. Thứ hai, nói tới tham nhũng từ hoạch định chính sách thường là nói tới tính phi pháp trong hành động. Điều này có nghĩa là, các chủ thể quyền lực lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để mưu lợi riêng, thông qua những hành động trái với quy định của pháp luật (như ra quyết định bổ nhiệm sai quy định, giao dự án không đúng quy trình, thủ tục...). Thứ ba, tham nhũng gắn với hành vi trục lợi cá nhân của những người nắm giữ quyền lực. Theo ngôn ngữ thông thường, đây là trường hợp các quan chức nhà nước “lợi dụng những khoảng trống, sơ hở của pháp luật” để đưa ra các quyết định đem lại lợi ích cho bản thân, cho các cá nhân, hoặc cho nhóm nào đó. Ở đây, trục lợi cá nhân, cũng có những hành vi được coi là hợp pháp, nhưng lại là vô đạo đức và thường là không vì lợi ích của cộng đồng, xã hội. Ở Việt Nam, mọi hành vi trục lợi cá nhân đều bị xem như là hành vi tham nhũng.
Thông thường, ở các nước có mức độ tham nhũng thấp, đối với các trường hợp tham nhũng “hợp pháp” (tức là do hệ thống pháp luật, chính sách sai, hoặc có nhiều “lỗ hổng”, để các cá nhân, các nhóm lợi dụng mưu lợi riêng, gây tổn hại đến lợi ích của nhà nước và xã hội), thì về nguyên tắc, nhà nước sẽ phải lập tức điều chỉnh, bổ sung các lỗ hổng chính sách, pháp luật, cũng như khắc phục những hạn chế, yếu kém trong năng lực xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật của mình. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được trong một hệ thống tổ chức mà quyền lực được thực thi một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao.
Những nguy cơ tham nhũng từ quá trình hoạch định chính sách ở Việt Nam hiện nay
Thông thường, chu trình chính sách của một quốc gia gồm nhiều giai đoạn, như hoạch định chính sách (gồm các khâu: xác lập nghị trình, xây dựng chính sách và thông qua chính sách), thực thi chính sách và đánh giá chính sách... Trong mỗi giai đoạn đều có nguy cơ xuất hiện tham nhũng. Đối với Việt Nam, trong giai đoạn hoạch định chính sách, có thể thấy rõ một số nguy cơ xuất hiện tham nhũng như sau:
Một là, nguy cơ các “nhóm lợi ích” vận động các nhà hoạch định chính sách đưa ra các chính sách thiên vị cho họ.
Thuật ngữ “nhóm lợi ích” (interest group) được dùng khá phổ biến ở nước ngoài. Theo đó, nhóm lợi ích là các tổ chức của công dân, những người có chung mục tiêu và muốn gây ảnh hưởng đến các chính sách của nhà nước. Về tổ chức, nhóm lợi ích là các tổ chức chính thức, hoạt động một cách công khai. Về tính chất, hoạt động của các nhóm lợi ích là hợp pháp, được điều chỉnh bởi các quy định của nhà nước, như luật về hội, luật vận động hành lang,...
Ở Việt Nam, khái niệm “nhóm lợi ích”, hoặc phổ biến hơn là khái niệm “lợi ích nhóm” thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực. “Nhóm lợi ích” (hay “lợi ích nhóm”) là một nhóm cá nhân, hoặc tổ chức tìm cách trục lợi, đem lại lợi ích cho nhóm mình thông qua việc thao túng quá trình hoạch định, hoặc thực thi chính sách của Nhà nước, bất chấp lợi ích của cộng đồng, xã hội. Về tổ chức, các cá nhân trong các “nhóm lợi ích” thường liên kết với nhau một cách chính thức, hoặc không chính thức. Về tính chất, hoạt động của “nhóm lợi ích” có thể là công khai, nhưng phổ biến hơn là các giao dịch ngầm. Do đó, trên thực tế, các hoạt động của họ ít bị kiểm soát, và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tham nhũng. 
Ở nhiều nước trên thế giới, sự vận động của các nhóm lợi ích chủ yếu hướng vào các nhà hoạch định chính sách (các nghị sĩ quốc hội, hoặc các quan chức hành pháp). Điều này phụ thuộc vào thể chế chính trị của từng quốc gia. Các nhóm lợi ích có thể tiếp cận các nhà hoạch định chính sách và vận động họ đưa ra các chính sách đem lại lợi ích cho nhóm mình. Đổi lại, các nhóm lợi ích hứa sẽ quyên tiền vào quỹ vận động tranh cử của các nhà lập pháp, hoặc tài trợ cho các chương trình nghiên cứu nào đó. Tất nhiên, các khoản tài trợ này là đối tượng giám sát của các cơ quan chức năng để bảo đảm rằng, mọi hoạt động đều diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. 
Ở Việt Nam, theo đánh giá của giới chuyên môn, vận động trong quá trình hoạch định chính sách dù chưa phải là hiện tượng phổ biến, nhưng cũng không phải là chuyện hiếm. Các “nhóm lợi ích” có thể tiếp cận với các đại biểu Quốc hội, hoặc các lãnh đạo trong Chính phủ, thậm chí các nhóm tư vấn ban hành các nghị định, thông tư, để tiến hành vận động nhằm đem lại lợi ích cho nhóm mình. Các chính sách ưu đãi được đưa ra có thể dưới các hình thức cơ bản như: 1- Trợ cấp, trợ giá cho các loại hàng hóa, dịch vụ mà nhóm đang cung cấp; 2- Áp dụng các chính sách thuế, các rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ mậu dịch đối với các hàng hóa, dịch vụ mà nhóm cung cấp trên thị trường; 3- Các quyết định nhằm duy trì địa vị độc quyền của các nhóm... Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động vận động chính sách ở nước ta hầu như chưa có. Do vậy, trong quá trình hoạch định chính sách, khả năng tham nhũng hoàn toàn có thể xảy ra. 
Hai là, nguy cơ một số bộ, ngành “cài cắm” lợi ích cục bộ của mình khi soạn thảo luật, chính sách. 
Thực tế cho thấy, quá trình hoạch định chính sách dễ bị ảnh hưởng bởi các lợi ích cục bộ (thường là của cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo chính sách). Dù không hoàn toàn xuất phát từ lợi ích cục bộ, nhưng nhìn chung, các phương án chính sách có thể được thiết kế theo hướng có lợi cho cơ quan hoạch định. Các lợi ích cục bộ này mang tính thể chế (không phải mang tính cá nhân), vì khi người lãnh đạo thể chế đó được chuyển đến một cơ quan khác, họ lại có thiên hướng bảo vệ lợi ích của cơ quan mới. Sự biến tướng của các lợi ích cục bộ này rất tinh vi và không dễ đấu tranh, do tính chất tập thể của chúng. 
Trong quá trình hoạch định chính sách ở nước ta hiện nay, hầu hết các dự thảo luật được trình Quốc hội thảo luận và thông qua là do Chính phủ đệ trình. Cơ chế một bộ đại diện cho Chính phủ và một ủy ban đại diện cho Quốc hội làm cho quyền lực của hai cơ quan này rất lớn. Nếu quá trình soạn thảo và thẩm định không được tiến hành với các thủ tục chặt chẽ, nghiêm túc, thì luật ban hành sẽ tạo nhiều “lỗ hổng” để những người thực thi chính sách trục lợi. Ở đây, cơ hội cho tham nhũng nằm trong chính các “kẽ hở” chính sách được “cài đặt” một cách có chủ ý bởi một số bộ, ngành. Sau khi luật được Quốc hội thông qua (chủ yếu là các luật khung), để đi vào cuộc sống, luật thường phải chờ nghị định của Chính phủ. Thậm chí, nghị định cũng chưa đủ cụ thể, và phải chờ thông tư hướng dẫn của bộ, ngành. Đây chính là giai đoạn mà một số bộ, ngành có cơ hội hiện thực hóa các “cài đặt’’ của mình trước đó. Nói cách khác, những người có thẩm quyền ban hành chính sách đã đưa ra các quy trình, thủ tục có lợi cho bản thân khi duy trì những đặc quyền về thông tin, sự kiểm soát, hay phân bổ nguồn lực. Quá trình này có thể tạo ra những cơ hội cho tham nhũng. 
Ba là, nguy cơ các chính sách được thiết kế với nhiều “lỗ hổng”, tạo điều kiện cho tham nhũng.
Trong nhiều trường hợp, tham nhũng có thể xuất hiện do các “lỗ hổng” không chủ ý của các nhà hoạch định chính sách. Các nhà hoạch định chính sách thường mong muốn xây dựng những chính sách tốt, đáp ứng được các đòi hỏi của người dân, giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Tuy nhiên, đôi khi do sự hạn chế về năng lực, do thiếu thông tin, hoặc do xử lý thông tin không tốt, những ý định tốt đẹp của các nhà hoạch định chính sách chưa chắc đã đem lại kết quả như mong đợi. Khi các chính sách với nhiều “lỗ hổng” được ban hành, các “nhóm lợi ích” có thể lợi dụng điều này để tham nhũng. 
Một số giải pháp phòng, chống tham nhũng trong quá trình hoạch định chính sách
Việc nhận diện các nguy cơ dẫn đến tham nhũng trong quá trình hoạch định chính sách là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cần thực hiện nhằm ngăn chặn các nguy cơ này như sau: 
1- Ban hành một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động vận động chính sách. Có thể nói, vận động chính sách là một hoạt động cần thiết trong đời sống chính trị, nhằm chuyển nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp dân cư trong xã hội vào khâu dự thảo chính sách. Để hạn chế mặt tiêu cực, hoạt động này cần được kiểm soát thông qua các quy định cụ thể. Nếu thiếu sự quản lý của Nhà nước, vận động chính sách có nguy cơ bị biến thành các quan hệ mang tính “có đi có lại” giữa nhà hoạch định chính sách và các nhóm vận động. Bởi vậy, khuôn khổ pháp lý cho vận động chính sách cần quy định rõ về các nguyên tắc, nội dung, hình thức của vận động, cũng như trách nhiệm của các chủ thể, các bên liên quan trong quá trình vận động.
2- Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong quá trình hoạch định chính sách. Trách nhiệm giải trình là khả năng giải đáp, giải thích mọi hành vi sử dụng quyền lực trong hoạch định chính sách. Nhận thức về trách nhiệm này cần được quán triệt từ các bộ, ngành của Chính phủ cho tới các ủy ban chuyên môn của Quốc hội. Hiện nay, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đã được sửa đổi nhằm minh bạch hóa quá trình hoạch định chính sách và kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình này, nhưng trên thực tế, việc minh bạch hóa với quy trình kiểm tra, kiểm soát quá trình này còn chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Nếu làm tốt việc minh bạch hóa thông tin trong quá trình hoạch định chính sách, cũng như kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình này, tự nó sẽ là một kênh quan trọng để góp phần làm giảm động cơ tham nhũng của các đối tượng. 
3- Nghiên cứu giao cho một cơ quan chuyên môn có thẩm quyền độc lập tiến hành sàng lọc toàn bộ hệ thống chính sách, pháp luật. Cơ quan này có nhiệm vụ “bịt các lỗ hổng về quy phạm pháp luật”, vô hiệu hóa, tháo gỡ các phần “cài đặt” lợi ích của các nhóm, loại bỏ các điều khoản bất hợp lý trong các chính sách mà từ đó các loại “giấy phép con”, các thủ tục “xin - cho”,... xuất hiện. Biện pháp này có thể giúp loại bỏ dần những mảnh đất màu mỡ, những cơ hội cho tham nhũng tồn tại và phát triển. Đây cần được coi là một kênh quan trọng để kiểm soát quyền lực và ngăn ngừa nguy cơ quyền lực bị lạm dụng vì lợi ích của các nhóm. 
4- Đưa ra các quy định cụ thể về cơ chế tham vấn ý kiến của người dân đối với các dự thảo chính sách trước khi ban hành. Lập luận chính của biện pháp này là, những ai bị ảnh hưởng trực tiếp của các quyết định, chính sách thì người đó sẽ sẵn sàng bỏ chi phí (thời gian, tiền bạc, nhân lực...) để giám sát các hành vi tham nhũng, lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, việc giám sát của nhân dân sẽ không hiệu quả nếu không được tổ chức tốt. Do vậy, việc xây dựng, hình thành cơ chế, thiết chế để kết nối những người có cùng mối quan tâm chung là điều cần thiết. 
Đặc biệt, cần đưa ra những quy định cụ thể về quy trình, cách thức tham gia phản biện chính sách của người dân; cơ chế tiếp nhận phản hồi của cơ quan soạn thảo và thực thi chính sách. Đồng thời, cần có chế tài xử lý trách nhiệm của cá nhân, cơ quan soạn thảo và thực thi chính sách khi không tiếp thu ý kiến phản biện chính sách của người dân. Đây là việc làm rất cần thiết, bởi trên thực tế, có không ít vấn đề được người dân phản biện, nhưng vì lợi ích cục bộ của bộ, ngành, vì bị các “nhóm lợi ích” thao túng, các nhà hoạch định chính sách có thể vẫn bỏ qua những ý kiến phản biện này. 
5- Tăng cường vai trò của báo chí trong quá trình phản biện các chính sách của Nhà nước. Báo chí là một kênh giám sát quyền lực, chống tham nhũng hiệu quả. Trên thực tế, ở Việt Nam, báo chí đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh chống tham nhũng nói chung, chống tham nhũng chính sách và “lợi ích nhóm” nói riêng. Báo chí không chỉ là một kênh đưa tin, tạo dư luận, hoặc giúp xác lập nghị trình chính sách, mà quan trọng hơn, báo chí cần tham gia quá trình phản biện chính sách, chỉ ra các hành vi có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình hoạch định chính sách. Để làm tốt điều này, báo chí cần đóng vai trò tích cực hơn trong quá trình tiếp cận, điều tra, đưa tin, tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách./.
Lưu Văn Quảng- PGS, TS, Phó Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang