Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Truyện cực ngắn của Trần Kỳ Trung:

NGƯỜI CA SỸ GIÀ


      …Hồi ấy, ông là ca sỹ nổi tiếng. Những bài hát kích động lòng yêu nước ,giọng ông cất lên cứ như tiếng kèn xung trận, ai ngồi nghe cũng thấy lòng rạo rực. Rồi những bài hát tình yêu, giọng ông trầm ấm, như một lời thủ thỉ…người nghe, nghe ông hát những bài hát ấy ,thấy yêu đời hơn. Còn khi lạc quan, thấy cuộc đời này quá tốt đẹp, giọng ông như hòa vào với ánh bình minh, tia nắng chói, người nghe, nghe ông hát,  thấy tương lai sáng lạng như đang hiện về trước mắt…
         Nhắc lại quá khứ huy hoàng, nhất là giọng hát., ông tự hào.
        Bây giờ, điều ông sợ nhất là người ta quên ông!
        Về già, sứ khỏe không tốt, dù không còn biểu diễn nhiều như trước đây, nhưng mỗi lần hội thảo, mít tinh kỷ niệm một sự kiện lớn hay đón khách quý…ông lại được mời ra biểu diễn, hát những bài hát hào hùng…
        Mỗi lần được như vậy, ông vui lắm, có cảm giác người đời vẫn nhớ ,vẫn cần đến ông!
        Riêng con trai cả, hình như… không coi chuyện đó là chuyện “vui”, cứ thấy ai mời ông đi biểu diễn, anh lại ra can, nhưng ông cương quyết không nghe.
      …Ông ốm một trận “ Thập tử, nhất sinh”, tưởng “đi”, cả nhà lo cuồng, sợ cuống! Ở tuổi này, bạn bè thân thiết của ông, nhiều người đã lấy “Bia làm mặt tiền”. May cho ông, thế nào, có lẽ trời còn phù hộ, ông sống lại, phục hồi…
         Khi sức khỏe hơi “vượng”, ông lại đứng một mình trong phòng cầm micro, tưởng tượng như cả ngàn người đang ngồi nghe ông hát, cho khỏi quên giọng…
         Tối đó ông được mời đi biểu diễn trước một hội trại của đoàn thanh niên. Con trai cả lại can, nhưng ông không nghe, cương quyết đi biểu diễn. Anh ấy phải phân tích:
       - Bố vừa mới ốm dậy, giọng không được như xưa, đầu óc không tỉnh táo…thế mà bố cứ cố…không được bố ạ!
       - Bố không hát, con biết không! Người ta sẽ quên bố, nhất là thế hệ thanh niên hiện nay…
     Mấy người trong ban tổ chức hội trại đến mời ông, trấn an:
     - Anh nên tôn trọng bác …với lại anh yên tâm, chúng tôi biết sức khỏe của bác, sẽ có cách  bảo vệ, quan trọng không phải là bác ấy hát mà bác đến để các em ấy thấy mặt, cùng giao lưu…hiểu thêm sự cống hiến của những bậc lão thành cách mạng…hình ảnh của bác là “đinh” của đêm dạ hội này…
      …Tối ấy, sâu khấu sáng choang, lồng thêm những ánh đèn la de đủ màu quét qua, quét lại…dưới sân khấu cơ man là người, đại bộ phận là thanh niên, tiếng cười, tiếng hét trộn lẫn, vang vọng. Đến tiết mục của ông, MC ra giới thiệu:
      - Xin giới thiệu với các bạn, giọng ca của nghệ sỹ nhân dân Phú Nguyễn, người nghệ sỹ đã đi qua nhiều cuộc trường chinh, vẫn giữ được giọng hát mà nhiều thế hệ nhớ, đặc biệt tối nay, trước khi giao lưu giữa nghệ sỹ với thế hệ chúng ta, nghệ sỹ sẽ hát bài hát : “ Miền nam nhớ mãi tên người”, làm nên tên tuổi của ông…
          Khi thấy hai người dìu ông ra sân khấu, bên dưới đã nổi lên nhiều tiếng cười. Ấy vậy, khi giọng ông cất lên…Ôi! Thật da diết , thật mặn mà, thật thân thương…đi thẳng vào cõi lòng…bên dưới im bặt, lắng nghe…! Nhưng… sao thế kia…mọi người phát hiện ông cầm ngược micro…té ra …ông đang hát nhép…Tiếng la ó, cuồng nộ nổi lên:
     - Hát nhép… hát nhép… không nghe nữa!Giả dối…
     - Về nhà đi… già rồi… hát thế làm gì…ai nghe…
     - Thôi, ông ơi đừng cố…xấu hổ lắm!




QUÁ DÃ MAN !
               …Về hưu, ông chăm làm từ thiện, ai khổ, là ông đến…Tên ông được báo chí, đài ti vi…nhắc nhiều. Ông tự hào với điều đó!
                - Ông ơi! Vợ con lại đẻ  – Tiếng người đàn ông ấy lại sụt sịt trong điện thoại - Nhưng thằng bé, cũng giống như mấy thằng anh, con chị của nó,   chết rồi…
                - Lại đẻ nữa à! Chết tôi rồi – Ông lại tất tả đến khổ sở đi xin tiền, thức ăn… để làm từ thiện cho gia đình người đàn ông này.
        … Vợ anh ta đẻ đến bốn bận, toàn ra quái thai, mấy đứa con chỉ tồn tại trên đời vài ngày rồi chết. Nguyên nhân, có người nói ,do người đàn ông này bị nhiễm chất độc màu da cam. Cũng vì vậy, gia đình anh ta vô cùng cực khổ, khổ hơn cả chữ “mạt”. Nhà trống hơ, trống hoác, không có đồ vật nào gọi là giá trị. Mái nhà lợp tôn, thủng lỗ chỗ, nhìn sao còn rõ hơn nhìn trăng, vợ chồng đầu tắt, mặt tối, vẫn không đủ ăn, đủ mặc…
        Nhìn nét mặt già trước tuổi của người đàn ông, bộ quần áo tưa như sơ mướp mà anh ta đang mặc, ông nghẹn lòng, đưa cho phong bì tiền, một bọc quần áo, ít thuốc bổ, rồi dặn:
         - Tôi không có gì, chỉ có bấy nhiêu vì anh gọi đột xuất quá, để lần sau tôi vận động quyên góp thêm…sẽ có nhiều hơn. Anh chị cố giữ sức khỏe, kiếm thêm việc làm, cải thiện đời sống. Có khó khăn, cứ gọi cho tôi…
          … Thằng cháu ông ở nước ngoài về, ông động viên nó đóng góp tiền làm từ thiện. Khi nghe ông kể về hoàn cảnh quá cơ cực của người đàn ông bị nhiễm chất độc màu da cam, đẻ nhiều nhưng không nuôi được, thằng cháu  phản đối:
          - Con sẽ không đưa tiền cho những vợ chồng như vậy!
          - Vì sao con nói thế? – Ông nhìn nó ngạc nhiên.
          - Lẽ ra…không thể nhân danh “ vì hậu quả chất độc màu da cam” mà lấy tiền…
         - Con nói,  bác không hiểu!
         Nó giải  thích:
         - Họ cố đẻ…để lấy tiền của bác đó !
        - Con nó tầm bậy! Đẻ toàn quái thai, sung sướng gì mà con nói: “cố đẻ”?
        - Bên nước con đang học, sức khỏe của con người cực kỳ coi trọng. Nếu như phát hiện sức khỏe của vợ chồng có triệu chứng không bình thường, y tế yêu cầu khoan đẻ hoặc không nên đẻ. Còn nếu như …như trường hợp của vơ chồng anh kia, đẻ đứa đầu tiên là quái thai…nhà nước, y tế động viên nên triệt sản. Vì đẻ ra ,cũng sẽ là quái thai, không nuôi được, làm khổ cộng đồng, xã hội, khổ cả chính gia đình đó về sức khỏe, về kinh tế, về giáo dục…một gánh nặng khủng khiếp, lẽ ra tránh được…
        - Ai dạy con điều đó! – Ông nghiêm nét mặt, hỏi thằng cháu.
        - Con học trong trường thôi! – Thằng cháu ông trả lời.
        - Người ta không có con, thì phải đẻ. Đẻ không nuôi được, thì có xã hội giúp đỡ, đó là ưu việt của chế độ ta, cũng là trách nhiệm của bác. Chỉ có chế độ tư bản mới khuyết khích chuyện cai đẻ như vậy, không có lương tâm, phản khoa học. Đó là việc làm quá dã man , con hiểu chưa!
       … Nghe thằng cháu nói vậy ông càng khinh chế độ tư bản!
       Đúng lúc ấy có tiếng chuông điện thoại, ông nghe, tiếng người đàn ông: “ … Vợ con lại đẻ, cũng quái thai, cháu chết rồi. Vợ chồng con khổ quá…Ông ơi!” (1)
---------------
(1) Đọc báo, tôi được biết, có gia đình ở Quảng Bình, bố bị nhiễm chất độc màu da cam mà vợ chồng anh này vẫn đẻ , đẻ đến…11 lần, chết cả. Gia cảnh rất khổ, phải cứu trợ thường xuyên…

NỊNH !

…Không hiểu sao, sếp của nó mê mệt đội bóng đá “ Hoa Đào”. Cứ có đội “ Hoa Đào” đá, thì dù đang họp khẩn, cũng bỏ, sếp huy động toàn bộ cơ quan, một, ra sân vận động giơ cờ phướng, khẩu hiệu, mặc áo đồng màu với cầu thủ độ “ Hoa Đào”…hò hét ủng hộ. Hai, nếu đội “Hoa Đào” đá ở nước ngoài được truyền hình trực tiếp, sếp cho cả cơ quan nghỉ, mọi người được chúi mũi vào ti vi, xem... Với cương vị phó giám đốc, tay phải của sếp, nó hiểu tác phong đi đứng, cách làm việc, đặc tính ăn chơi, cả sở thích thể thao mà sếp có…nên tất nhiên, nó cũng ủng hộ đội “ Hoa Đào”.
Chiều chủ nhật, đội bóng đá “ Hoa Đào” sẽ đá với đội “ Hoa Mai” trên sân vận động. Sát ngày thi đấu của hai đội bóng, tranh thủ sếp đi vắng, nó gọi các trưởng phòng, ban đến, giao nhiệm vụ:
- Đến ngày thi đấu của hai đội bóng, các đồng chí phải huy động toàn bộ anh chị em trong phòng,ban tới sân vận động để ủng hộ đội bóng đá “Hoa Đào”. Đây là nhiệm vụ chính trị, chúng ta phải làm tròn, cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, ham thể thao của cơ quan ta…
Nó dặn chi tiết cờ quạt mang theo phải thế nào ? Các khẩu hiêu sơn kẻ phải đẹp ra làm sao? Treo ở vị trí nào cho bắt mắt? Còn hô ủng hộ đội “Hoa Đào” phải tập cho thật đều, thật to. Áo đồng màu với cầu thủ đội “Hoa Đào” nó yêu cầu thằng thư ký công đoàn trích trong quỹ phúc lợi xã hội của cơ quan ra mua cho anh em…
... Muốn gây bất ngờ cho sếp, nó yêu cầu mọi người giữ bí mật chuyện này, sát giờ trọng tài nổi còi bắt đầu trận đấu, mới đồng loạt mặc áo màu đỏ, đồng màu với cầu thủ đội bóng đá “Hoa Đào”, cùng lúc đó giơ cờ phướng, khẩu hiệu lên, hô ủng hộ… 
Nó tin, với “màn kịch” quá hoàn hảo này, sếp sẽ rất ngạc nhiên, khen nó hết lời…
...Đến giờ chuẩn bị xem trận đấu, bên này khán đài A nó ngồi cạnh sếp, háo hức chờ đợi… 
Trọng tài dẫn hai đội ra sân, đội trưởng hai đội trao cờ, bắt tay nhau. Trọng tài tung đồng xu cho hai đội chọn sân, chọn bóng…cầu thủ hai đội triển khai đội hình trên sân…
Tiếng còi nổi lên, trận đấu bắt đầu…
Bên khán đài B, đối diện khán đài A đồng loạt cờ phướng, khẩu hiệu: “ Hoa Đào vô địch!”. “ Hoa Đào chiến thắng! Hoa Mai đại bại!”... được giương cao. Rồi một góc khán đài B bất ngờ xuất hiện cả một đám đông, cực lớn mặc áo đồng phục màu đỏ, đỏ rực như màu áo của các cầu thủ đội “ Hoa Đào”…tiếng hô đều, vang to, cả bốn góc sân đều nghe thấy : “ Hoa Đào vô địch…Hoa Đào vô địch…vô địch …vô địch…”.
Dưới sân, các cầu thủ đội “ Hoa Đào”, thấy vậy, đá cứ như lên đồng…
…Sếp nhìn thấy cảnh ấy hỏi nhỏ nó:
- Chỗ mọi người mặc áo đỏ bên khán đài B ủng hộ đội “Hoa Đào” là ai vậy?
Nó ngồi, mà vẫn ưỡn được ngực, đầu ngẩn cao như chuẩn bị nhận huân chương:
- Dạ, toàn bộ anh chị em trong cơ quan mình, thưa anh !
- Ai đứng ra tổ chức việc này!
Lại một lần ưỡn ngực nữa, nó nói rất tự hào:
- Chính em!
- Anh hại tôi ! – Giọng sếp rên rỉ, mặt tái dại – Lẽ ra phải cho anh chị em mặc đồng phục áo vàng, áo của đội “ Hoa Mai”. Đội bóng đó, thằng đội trưởng là con của sếp lớn trên tôi, bà vợ ông ấy là cổ đông chính của đội bóng…- Sếp lấy tay, bí mật chỉ cho nó thấy một ông “hộ pháp” đang mặc áo vàng ngồi hàng ghế trên– Ông ấy ngồi kia kìa! Anh ngu quá! Giết tôi rồi!
Lúc này nó mới để ý, áo phông mặc trên người của sếp là màu vàng, mũ đội của sếp cũng màu vàng…
Hãi nhất, tất cả người xem ngồi trên khán đài A, ai cũng mặc áo màu vàng…riêng nó, mặc áo đỏ.
    

Phần nhận xét hiển thị trên trang

2016: Năm của mọi sự bất ngờ





  Một trong những bất ngờ lớn trong năm 2016: Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa KỳREUTERS/Shannon Stapleton
Có lẽ sẽ không ngoa chút nào khi đánh giá năm 2016 là « năm kinh khủng », như Victor Hugo đã từng ví cho năm 1871, năm mang đậm dấu ấn của cuộc xâm lăng Đức và thời kỳ Công Xã Paris. Nhưng năm 2016 cũng phong phú những sự kiện ngoài dự đoán mà chúng ta có thể xem đấy như là năm của mọi sự bất ngờ. Vì sao ?




Ông Renaud Giraud trên mục Ý kiến độc giả của báo Le Figaro ngày 20/12/2016 điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong năm qua và đề xuất hai hướng đi cho ngành ngoại giao Pháp.
Brexit khai màn
Bất ngờ thứ nhất chính là Brexit. Thông qua lá phiếu cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, cử tri Anh quốc đã quyết định chấm dứt 43 năm chung sống với Liên Hiệp Châu Âu. Mối họa tan rã dần dần Liên Hiệp Châu Âu lăm le xuất hiện. Kết quả của cuộc bỏ phiếu này trước hết thể hiện sự nổi dậy của người dân Anh chống lại tầng lớp lãnh đạo. Hiện tượng bất mãn này giờ trở nên phổ biến ở khắp các quốc gia phương Tây.
Đúng như mô tả của nhà địa lý học Christophe Guilluy, toàn cầu hóa làm gia tăng sự bất bình đẳng và tạo ra một sự chia rẽ xã hội và lãnh thổ ngay trong lòng xã hội phương Tây, giữa một bên là vài khu đô thị hội nhập tốt với toàn cầu hóa và bên kia là những vùng phụ cận rộng lớn, những vùng thiệt thòi của sự toàn cầu hóa. Về mặt chính trị, những khu vực này bỗng trở nên náo nhiệt do một cơn phẫn nộ chống lại tầng lớp ưu tú, bằng cách chỉ dựa vào đòi hỏi một chính sách bảo hộ và đường biên giới.
Donald Trump và chính sách đối ngoại với Nga và Trung Quốc
Cũng chính cơn phẫn nộ đó là nguyên nhân của một sự bất ngờ thứ hai trong thế giới Anglo-Saxon : Thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016. Người ta đã lầm khi nghĩ rằng chiến thắng của ông Trump sẽ là sự khởi đầu của một bước ngoặt chuyên chế của Hoa Kỳ.
Nhưng sự gắn kết vào quyền và tự do chính là nền tảng về bản sắc chính trị người Anglo-Saxon. Khi bỏ phiếu chọn Trump, cử tri Mỹ không mong muốn đoạn tuyệt với nền dân chủ, mà chối bỏ tầng lớp lãnh đạo của họ nhưng vẫn ở lại trong cái khung nền dân chủ.
Trong chính sách đối ngoại, cũng chính làn gió thực tiễn đó đang thổi qua ba cường quốc quân sự phương Tây. Theresa May (Anh), Donald Trump (Mỹ) và Franҫois Fillon (Pháp) chia sẻ ý tưởng là đã đến lúc nối lại quan hệ ngoại giao với Matxcơva.
Mặt khác, một sơ đồ ngược so với tình hình năm 1972 đang được thiết lập tại Washington : Vào đầu những năm 1970, Nixon và Kissinger xích lại gần với Trung Quốc để chống Liên Xô, thì ngày nay, Trump sẽ tìm cách xích lại gần Nga, để chia rẽ nước này với Trung Quốc.
Rodrigo Duterte, bất ngờ lớn thứ ba
Việc Mỹ xích lại gần Nga trở nên khẩn cấp cũng do một bất ngờ lớn thứ ba trong năm 2016 : Tiến triển chính trị của Philippines hướng đến sự chuyên chế. Tháng 5/2016, Rodrigo Duterte có xu hướng dân túy đã đắc cử tổng thống và tung ra một chiến dịch bài trừ ma túy ngoạn mục. Một chiến dịch chà đạp lên tất cả các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.
Những người tiêu thụ chất gây nghiện bình thường tại các khu ổ chuột đã bị các biệt đội tử thần bắn hạ một cách lạnh lùng. Bề ngoài, ông Duterte đang dẫn đất nước đi đến sự sụp đổ. Hoa Kỳ đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ chống lại chính sách được cho là phản tác dụng. Nhưng những lời chỉ trích này chẳng mang lại một chút tự do nào cho người Philippines, mà còn dẫn đến việc định hướng lại chính sách đối ngoại của Manila.
Trên thực tế, Philippines vẫn nằm dưới sự bảo hộ của Hoa Kỳ kể từ khi giành được độc lập, nay ông Duterte đã quyết định chấm dứt mối quan hệ đặc quyền này và xích lại gần với Trung Quốc. Việc mất đồng minh Philippines đã gây chao đảo thế cờ tại vùng Đông Nam Á.
Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ hạ màn
Bất ngờ thứ tư, tấm bản đồ Trung Đông đang được nắn lại do sự lật ngược ngoạn mục tình hình Syria theo hướng có lợi cho chế độ Bachar al Assad. Tháng 9/2015, quân nổi dậy Syria, được phương Tây, các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đã tưởng có thể chiếm được Damas. Nhưng chính sự can thiệp của Nga đã cứu chế độ trong đường tơ kẽ tóc và cho phép tái chinh phục Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Giờ thì Nga đang thay thế Hoa Kỳ đóng vai quốc mẫu trong khu vực.
Cũng trong vùng này, cú đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 do một nhóm binh sĩ quân đội, có liên hệ với giáo phái Gulen thực hiện đã tạo nên mối bất ngờ lớn thứ năm. Thất bại của cuộc đảo chính này đã tạo cơ hội cho tổng thống Erdogan củng cố quyền lực và dẫn đến một chiến dịch thanh trừng lớn chưa từng có, vượt ra khỏi phạm vi giáo phái Gulen.
Được củng cố ở trong nước và mong muốn giữ khoảng cách với Hoa Kỳ, ông Erdogan với cái nhìn thực dụng đã thực hiện thành công một cú hòa giải ngoạn mục với Nga, khép lại trang quan hệ song phương năm 2015 do vụ không quân Thổ bắn hạ chiến đấu cơ Nga. Vụ ám sát đại sứ Nga tại Ankara hôm thứ Hai 19/12/2016 có lẽ chẳng làm thay đổi tình thế.
Bài học nào cho ngoại giao Pháp ?
Bài học nào cần được rút ra từ một năm như thế cho nền ngoại giao Pháp ? Tác giả cho rằng có hai hướng chủ đạo.
Thứ nhất là phải có óc thực tiễn. Trước sự bất ngờ, cần có sự mềm mỏng và thực dụng, như hình ảnh của những con báo. Hãy xem xét thực tế như chính bản thân nó : chúng ta không nên tự khép mình trong một khuôn khổ cứng nhắc, từ bỏ việc lên lớp đạo đức để chỉ tỏa sáng bằng chính tấm gương của mình, hãy xem xét vấn đề trên phương diện tính hiệu quả và bảo tồn các lợi ích của Pháp.
Thứ hai là độc lập quốc gia. Trong một thế giới ngày càng bấp bênh, nơi mà sự bất ngờ và ngẫu nhiên làm chủ, ngay chính những đồng minh lâu đời nhất, họ cũng chỉ có thể sống sót, đối phó được với những điều bất ngờ bằng cách dựa vào chính sức lực của mình.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện ông bạn định mua ô tô


Tôi có ông bạn, đồng tuế đồng môn, dành dụm cả đời, lại được 2 đứa con hỗ trợ, định thực hiện phương thức "cha (nhà nước) và con (nhân dân) cùng làm", mua cái ô tô cũ để chạy cuối đời cho nó sướng. Lão bảo đội nắng đội mưa mãi rồi, nhìn "chúng nó" vênh vang xế hộp, tức lắm. Được cái may là bà vợ cũng đồng ý, có vẻ mụ cũng mót xe. Còn sống được mấy nữa, bọn giặc ung thư chúng đang hoành hành chả chừa ai, sống chậm thì biết đến bao giờ mới được đặt đít lên ô tô nhà mình, dù xe cũ.

Tôi đến chơi, lão khoe, hỏi có rảnh hôm nào đi coi mua ô tô. Cứ nghiêm trọng như đi xem chương trình Duyên Dáng VN không bằng. Bà vợ lão nướng cho hai thằng mấy con mực khô, vừa nhâm nhi bia, vừa trò chuyện.

Tôi nhắc lại chuyện mua xe máy. Thế là lão hồ hởi kể đầu những năm 90 xe máy quá hiếm, chủ yếu chỉ có hàng secondhand của bọn VOSCO đem từ Nhật về. Một con xe có khi lên tới 5-7 cây vàng. Chính lão năm 1997 mua chiếc Đờ rem Vĩnh Phú lắp ráp nội địa mới ra lò những 2.100 đô, tình giá vàng lúc đó là hơn 6 cây. Kinh. Với số tiền ấy, mua được miếng đất kha khá. Nhưng cứ chơi xe máy cho oách. Bây giờ, sau gần 20 năm, cũng con xe Đờ rem Vĩnh Phú chỉ có 17 triệu, quy thành vàng chưa được 5 chỉ. Lão than ối giời ôi, rẻ gấp mười mấy lần.

Tôi cười, dại chửa, nhưng thôi, đến cái xe máy mà không có đi thì cũng không được, nhưng giờ sao không ráng nín nhịn tí nữa, lại mót ô tô làm gì. Bài học xe máy còn sờ sờ ra đó, đừng dại.
Tôi bảo lão, thời xưa nhà nước này nó độc quyền, vụ xe máy ông có muốn rẻ hơn cũng không được. Nhưng giờ thì khác. Nó đã ký kết các hiệp định thương mại, nó đã có lịch trình cắt giảm thuế thỏa thuận với quốc tế, áp ta áp tiếc (AFTA)..., không còn một mình một chợ nữa. Năm tới 2017 nó giảm thuế nhập khẩu, năm 2018 nó phải đưa về bằng 0%, rồi xe ASEAN, xe các nước tràn vào, cũng chả khác gì xe máy down giá như dạo nọ đâu. Ông đã ráng chờ được đến giờ thì ráng thêm chút nữa, đừng mắc mưu chúng nó. Bọn lợi ích nhóm (nhà nước và doanh nghiệp lắp ráp ô tô) lâu nay ăn quá dày rồi, chúng muốn hốt cú hụi chót, chúng mua bọn báo chí, chúng làm nóng thị trường bằng đủ mưu mẹo, để cho mấy ông mót xe nhào vào, chúng kiếm thêm một mớ trước khi xe phải về đúng giá.

À, ra thế, đèo mẹ chúng nó. Lão văng xong, rồi nói với tôi, bọn chúng khốn nạn thật. Suốt bao năm nay, dân các nước Indonesia, Ấn Độ, Lào, cả Campuchia nữa, mua xe rẻ thối, vậy chỉ có xứ ta xe đắt, tiền tuồn hết vào túi chúng nó. Bọn khốn nạn. Phen này thì ông không mắc lừa chúng mày nữa. Ông ráng nhịn, ông nín tí nữa, chúng mày không bán được cho ai, chết cha chúng mày. Cho chôn vốn như bọn bất động sản kia kìa, xem có móc túi được dân cần lao nữa hay không.

Tôi bảo, đúng đúng, ai cũng như ông, bọn cá mập xe lại không hạ giá cái đùng thì chớ kể. Điều mà ta biết chắc chắn là nhóm cai trị nước này không muốn người dân được mua xe hơi rẻ. Họ có trăm phương nghìn kế để móc túi người dân, nếu phải giảm thuế thì lại sinh ra đủ thứ phí. Cái đó tính sau. Bọn nhóm lợi ích chỉ còn cơ hội hơn 1 năm nữa thôi, đừng để chúng móc túi mình, ta phải tiêu diệt chúng.

Đi xe máy thêm 1 năm nữa chính là để đồng tiền mồ hôi nước mắt của ta được sử dụng đúng giá trị thực. Còn bác nào máu quá, nhà cháu không có ý kiến gì.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

sinh ra từ trứng-..


Bố tôi
Xa cha mẹ từ khi còn trứng nước, hơn nữa, người mà tôi gọi bằng bố vốn không sinh không dưỡng tôi ngày nào, nên việc tôi không biết gì về ông cũng là đương nhiên. Nhưng sẽ không công bằng nếu tôi chẳng kể gì về ông bố đó.
Lần đầu về Bắc tìm gia đình sau ngày đất nước thống nhất, cũng là lần đầu tôi biết mặt cha mẹ và chị em mình. Tôi rất đau buồn khi biết mình có một gia đình khác gia đình ông chú. Không bao giờ tôi nguôi trông ngóng có ngày được gặp mặt những người thân yêu. Và tôi càng đau buồn hơn khi cả gần một năm sau hai miền thông thương mà không một ai trong gia đình đi tìm tôi. Nhưng không phải vì thế mà tôi nguôi mong chờ ngày đoàn tụ. Tôi đã xin được giấy giới thiệu đi đường của hãng phim để ra Bắc. Dù thế nào, tôi cũng muốn gặp họ ít nhất một lần. Và tôi lên đường.
Ông bố, không tỏ ra úy kỵ gì tôi, chỉ có vẻ đãi bôi. Ít nhất ông cũng hồ hởi phấn khởi với đôi giày tôi lột từ chân ra biếu ông. Ông nói: “Chúng tôi vẫn có ý chờ anh ra. Chúng tôi thật sự không biết anh ở đâu để tìm. Mong anh hiểu cho, không phải chúng tôi tệ bạc với anh. Cứ hỏi mẹ anh xem, bà ấy đứt ruột vì anh đấy.”
Trong bữa ăn, ông rót rượu cho tôi. Ông nói: “Trong ấy, chắc các anh chỉ uống rượu Tây thôi nhỉ.”
Tôi cười: “Thật ra, rượu nào cũng uống. Riêng thịt cầy thì cũng uống rượu đế thôi.”
Ông nói nhỏ: “Mẹ nó, cứ thịt cầy rượu đế với nhau thì chiến tranh làm gì cho phí xương máu nhỉ.”
Tôi nhìn ông: “Nói thế, bố không sợ à?”
Ông bố cười: “Sợ chứ. Nhưng tôi tin anh. Người miền Nam thì không sợ.”
Ái chà. Tôi thấy ông bố này được. Tôi cầm ly rượu lên bảo: “Cốc này con mời bố. Bố thật xứng đáng là bố con.”
Ông quay sang mẹ tôi: “Bà nghe con bà nói chưa? Nó khen bố xứng đáng như thể nó là ông nội bố vậy.”
Mẹ tôi đỡ lời: “Ấy là nó thành thật mới nói thế. Ông bắt bẻ nó làm gì.”
Ông nâng ly bảo: “Tôi cũng mong anh coi tôi là bố.”
Tôi nói: “Cám ơn bố. Con lúc nào cũng coi bố là bố của con.”

Kiếm cơm
Kịch bản hoàn tất sau ba tháng lao động miệt mài, tôi giao cho gã đạo diễn đã đặt hàng tôi.
“Hy vọng ông sẽ chào hàng được”, tôi nói.
“Tôi cũng mong vậy.” Hắn nói. “Về số tiền nhuận bút còn lại, ông ráng chờ khi tôi bán được kịch bản cho nhà sản xuất.”
Tôi nhảy nhổm: “Làm sao tôi sống?”
Gã đạo diễn bình thản bảo:”Đấy là việc của ông. Không lẽ ông viết gì tôi cũng phải trả tiền ông sao? Ứng trước cho ông như thế là tôi đã tử tế quá rồi.”
Gã nói cũng có lý. Tôi chưa phải là tác giả đáng tin cậy.
Quả đúng như gã nói, không một hãng phim nào trong nước chịu mua kịch bản của tôi. Nhưng gã không chịu thất bại, vì tiếc số tiền đã bỏ ra. Gã giới thiệu dự án làm phim cho các tổ chức phi chính phủ và các trung tâm văn hóa nước ngoài để xin tài trợ.
Cuối cùng một tổ chức chuyên giới thiệu các tác giả mới của Pháp đồng ý tài trợ. Việc ấy kéo dài gần ba năm. Phải mất hai năm nữa, tác phẩm điện ảnh mới ra đời. Tuy nhiên, nó cũng không được phép công chiếu ở trong nước cho đến khi đã tạo được ít tiếng vang ở nước ngoài.
Trong suốt thời gian ấy, tôi và cô vừa viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập vừa mua bán hầm bà lằng mọi thứ trên mạng để kiếm cơm. Ơn trời, chúng tôi vẫn chưa chết đói.

Chị tôi
Không biết bằng cách nào chị tôi đã trở thành một đại gia. Tất nhiên, tôi không tin một cán bộ quản lý thị trường dù tham nhũng cướp bóc đến đâu có thể trở thành đại gia được. Có thể chị đã gặp may. Miếng đất được nhà nước cấp của chị đột nhiên có giá, nhưng đấy cũng chưa phải là cách chị ăn may, nhưng nó đã có giá trị như một cơn thức tỉnh.
Người miền Bắc tràn vào miền Nam ngày càng đông, và họ dễ dàng tìm kiếm cho mình những khu đất đắc địa. Cũng như họ, chị nhìn ra ngay những vùng đất tiềm năng. Có hai khu vực mà quĩ đất có thể nói là mênh mông mà giá cả thì rẻ mạt. Một là quĩ đất nông nghiệp, hai là quĩ đất quốc phòng. Công nghiệp hóa hoặc thành thị hóa đất nông nghiệp là tiếng gọi của thời đại. Các căn cứ quân sự trong nội thành cần được giải tỏa để kiến tạo một bộ mặt hòa bình đáp ứng cho sự phát triển. Chưa bao giờ cái từ “dự án” lại trở nên đẹp đẽ thơm tho đến thế trong thời kỳ lịch sử được gọi là “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”, nó là chìa khóa vạn năng mở ra những điều kỳ diệu, biến tấc đất thành tấc vàng, thay ngôi đổi chủ, kẻ khóc người cười. Dự án nào cũng hoành tráng và góp phần phát triển đất nước. Chị tôi lúc nào cũng có công với cách mạng.
Như mọi đại gia khác, chị tôi cũng có một chút ngông cuồng rất thời thượng. Một ít, chị làm cái quĩ từ thiện để tích đức. Nhiều hơn, chị phóng tay tài trợ cho thú vui của muôn nhà, xây dựng nền bóng đá xã hội chủ nghĩa. Mỗi năm gần trăm tỉ. Đẹp lòng Đảng, hợp lòng dân.
Tôi nói với chị: “Chỉ cần chị giao em 1% cái thú vui của chị, em sẽ làm cho chị sáng danh đến muôn đời sau.”
Chị cười: “Cậu muốn làm gì?”
Tôi nói nghiêm túc: “Một giải văn học nghệ thuật mang tên chị. Cả Đông Nam Á sẽ phải ngước nhìn.”
Chị cười lớn: “Cậu tấu hài được đấy.”

Hồi đó
Là tất cả những thăng trầm trong một khoảng thời gian rất ngắn, chưa tới một thế kỷ, những biến chuyển thời cuộc và cuộc sống xã hội điên đảo đến từng thân phận người dân. Những biến chuyển ấy dường như có một gia tốc từ những năm đầu thế kỷ 20 vắt qua thế kỷ 21, càng lúc càng dồn dập. Lẫn lộn bạn – thù. Giai đoạn lịch sử đặc biệt sinh ra những con người đặc biệt, hoặc ngược lại. Bạn có thể bị dốc ngược hay dựng đứng. Dù trong tư thế nào, thực phẩm bạn ăn vào hay được tháo đáy vẫn luôn luôn được định vị theo đúng qui luật của nó. Trọng lực của cuộc sống hay ý nghĩa sinh tồn. Và bạn sẽ không ngừng truy vấn về tự do cũng như tính đạo đức của con người. Thật ra điều ấy cũng chẳng để làm gì ngoài việc bạn muốn được quyết định tự dốc ngược hay dựng đứng. Tuy nhiên, có một ý lực bên ngoài bạn, sẵn sàng treo bạn lên. Bạn có thể gọi đó là thánh giá hay cái xích đu. Lúc nào bạn cũng là người thua cuộc. Vì thế, bạn tha hồ ca cẩm hay chửi thề. Đó là khe hở của sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ dân tộc này có một niềm vui lớn vì tất cả sinh lực và sinh mệnh của các bạn chỉ dành để đấu đá nhau.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao người Mỹ vẫn cần Việt Nam và người Việt cần họ?

  Christopher Goscha – History News Network   
Dịch giả: Bình Yên Đông
Chuyến công du Việt Nam rất được nhiều người biết đến của Tổng thống (TT) Obama vào tháng 5/2016 nhắc cho chúng ta vai trò quan trọng mà quốc gia nhỏ bé nầy tiếp tục đóng trong địa chánh trị toàn cầu. Vì người Trung Hoa (người Hoa) trực tiếp thách thức ưu thế của hải quân Mỹ trên Thái Bình và Ấn Độ Dương, các chiến lược gia Việt và Mỹ đã càng ngày càng bỏ qua những khác biệt trong quá khứ để chú trọng vào việc làm thế nào đối phó với những luận điệu gây hấn ngày càng tăng của Trung Hoa đối với vùng biển, nhiều hòn đảo, và thủy đạo.

Nhiều quan sát viên, nhất là những người chống đối sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Việt Nam vào giữa thế kỷ 20th, có khuynh hướng xem nhẹ tầm quan trọng địa chánh trị của Việt Nam. Mỹ không có quyền can dự vào Việt Nam ngay từ lúc đầu. “Thuyết domino” nổi tiếng biện minh cho sự can thiệp của Mỹ là sai lầm. Ngay từ đầu, đe dọa cộng sản đã được thổi phồng quá đáng. Nhưng người ta không cần phải tin vào “thuyết domino,” đứng về phía đó, hay chống lại sự can thiệp của Mỹ ở Viêt Nam để nhận ra rằng Việt Nam vẫn là một trong những vùng đất thèm thuồng từ ngàn xưa của thế giới mà nhiều đế quốc muốn đặt chân đến.
Người Mỹ không phải là người đầu tiên và cũng không phải là người cuối cùng can thiệp vào Việt Nam vì lý do địa chánh trị. Vì sự nối kết đất liền với Đông Nam Á và hàng hải mở ra Thái Bình và Ấn Độ Dương, Việt Nam luôn luôn quyến rũ sự can thiệp của các thế lực lớn hơn. Đế quốc Trung Hoa cai trị bắc Việt Nam gần 1.000 năm bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Vào lúc đó, Việt Nam, như một tỉnh cực nam của đế quốc, là cửa thông thương thương mại của Trung Hoa với các thị trường Ấn Độ Dương, kéo dài đến Ấn Độ và Trung Đông. Thật vậy, nếu Con đường Tơ lụa kéo đế quốc Trung Hoa vào nội địa Âu Á (Eurasia) thì các thị trường Ấn Độ Dương kéo nó vào phía nam. Thương mại của người Hoa với đế quốc lớn khác của thế giới vào lúc đó, La Mã, đi qua Con đường Tơ lụa và Ấn Độ Dương. Không phải tự nhiên mà ngày nay những đồng tiền La Mã được tìm thấy ở miền nam Việt Nam.
h1
Đường thương mại của Trung Hoa ngày xưa. Nguồn: History News Network
Người Việt giành lại độc lập vào năm 939, nhưng một lần nữa, lại rơi vào tay người Hoa trong một thời gian ngắn vào đầu thế kỷ 15th khi triều đại nhà Minh (1368-1644) tái chiếm Việt Nam làm thuộc địa như là một phần của sự bành trướng đế quốc rộng lớn hơn, đưa các hạm đội Trung Hoa xuyên Ấn Độ Dương đến tận đông Phi Châu và Hồng Hải. Người Mông Cổ cũng đã cố gắng đi ngang Việt Nam trong thế kỷ 13th để kiểm soát Quần đảo Gia vị (Spice Islands) mà nay là Indonesia. Người Việt đẩy lui họ trên bộ trong khi người Nhật Bản (người Nhật) và Java đẩy lui họ trên biển. Và dù người Việt đã lấy lại nền độc lập từ người Hoa nhà Minh vào năm 1427, chúng ta thường quên rằng họ mở rộng đế quốc của chính họ về phía nam để được lợi trong việc thương mại với thế giới Ấn Độ Dương mà người Chăm và Khmer chiếm ưu thế.
Sau khi Trung Hoa triệu hồi hải quân khỏi vùng biển quốc tế vào năm 1434, một tập họp mới của các thế lưc đế quốc Âu châu bành trướng vào vùng nầy qua Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và sau đó người Anh, Pháp và Hòa Lan. Các thế lực đế quốc Tây Phương nầy càng ngày càng chọn những chánh sách xâm lăng đối với Á châu trong thế kỷ 19th khi người Pháp biến Việt Nam thành thuộc địa và người Anh, tịch thu Singapore, Burma, và Malaya. Cùng lúc đó, người Mỹ băng qua Thái Bình Dương để lấy Philippines từ người Tây Ban Nha trong khi người Nhật chĩa tầm ngắm thuộc địa của họ vào Triều Tiên và Đài Loan. Người Mỹ là một phần của cuộc đột kích thuộc địa rộng lớn hơn vào Á châu vào thế kỷ 19th.
Người Pháp biết tầm quan trọng chiến lược của thuộc địa Việt Nam trong việc tranh giành thuộc địa rộng hơn nầy. Vào đầu thế kỷ 20th, họ hoàn tất việc xây cất cảng nước sâu ở Vịnh Cam Ranh trên bờ biển tây nam của Việt Nam. Các chiến hạm Nga phát xuất từ Baltic, để ngăn chận sự bành trướng thuộc địa của người Nhật vào Trung Hoa và Triều Tiên, đã tập họp ở đó trước khi bị người Nhật đánh bại ở Tsushima vào năm 1905. Sau khi người Nhật xâm chiếm Trung Hoa năm 1937, TT Franklin Roosevelt theo dõi sát những hành động của người Nhật ở vùng ven biển Trung Hoa và cấm vận Tokyo vì quân đội thiên hoàng Nhật bắt đầu chiếm đóng Việt Nam vào năm 1940. Những mối lo sợ của ông về một cuộc tấn công mạnh của người Nhật vào Ấn Độ Dương qua ngã Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Đầu năm 1942, chỉ vài tuần sau khi tấn công Trân Châu Cảng, người Nhật hoàn toàn chiếm đóng Việt Nam và rồi tập trung chiến hạm của họ ở Vịnh Cam Ranh trước khi tấn công Đông Nam Á và tập kích xa đến Quần đảo Andaman và Nicobar. Cùng năm đó, ở Australia, Hạm đội 7th của Mỹ tấn công và bắt đầu đẩy lui đế quốc Nhật cho đến khi chiến tranh kết thúc vào tháng 8/1945. Hải quân Mỹ thay thế hải quân Nhật để kiểm soát Thái Bình và Ấn Độ Dương từ đó cho đến nay.

Khi người Pháp rút khỏi cuộc chiến tranh với Hồ Chí Minh và đồng ý chia Việt Nam, giống như Triều Tiên, thành một miền bắc cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo và một miền nam không cộng sản, người Mỹ chấp nhận nhưng chuyển sự ủng hộ vào lãnh tụ chống cộng của miền Nam là Ngô Đình Diệm. Chừng nào mà nhân vật nầy không làm phương hại đến mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của người Mỹ là ngăn chận chủ nghĩa cộng sản Âu – Á, mọi việc có thể tiếp tục như họ có được với người Pháp. Nhưng họ không có và khi những chánh sách khắc nghiệt [?] của ông Diệm ở nông thôn (cải cách điền địa, ấp chiến lược, và trấn áp) dường như giúp cho những tay cộng sản, người Mỹ ủng hộ việc lật đổ ông vào năm 1963. Tuy nhiên, khi sự ổn định vẫn chưa được thực hiện, TT Lyndon Johnson phải quyết định rút khỏi Việt Nam vĩnh viễn hay can thiệp trực tiếp. Ông đã gởi bộ binh Hoa Kỳ vào đầu năm 1965 trong khi hải quân Mỹ dồn phần lớn lực lượng ở Vịnh Cam Ranh.
Mỉa mai thay, sự rút lui của Mỹ ra khỏi quốc gia nầy vào tháng 4/1975 hoàn toàn không làm suy giảm tầm quan trọng địa chánh trị của nó vì một tập hợp của “các thế lực lớn” đang tranh nhau ảnh hưởng trên thế giới – Liên Sô và Trung Hoa. Tách khỏi Liên Sô một cách mạnh mẽ từ thập niên 1960s, người Hoa lo ngại rằng đồng chí của họ ở Hà Nội sẽ giúp Liên Sô bao vây họ từ phía nam (quân đội Liên Sô xâm chiếm Afghanistan năm 1979 và gia tăng sự bành trướng hải quân vào Thái Bình Dương qua Vladivostok). Người Hoa hỗ trợ Khmer Đỏ diệt chủng ở Cambodia, với cấp lãnh đạo – cộng sản hay không cộng sản – chống lại người Việt một cách độc ác. Người Việt quay sang Liên Sô, ký một hiệp ước an ninh năm 1978, gồm một hợp đồng cho Liên Sô thuê Vịnh Cam Ranh, trước khi lật đổ Khmer Đỏ vào cuối năm đó. Lãnh tụ Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình, công du sang Hoa Kỳ với mục đích tìm sự ủng hộ của Mỹ cho dự án dạy Việt Nam một bài học cho “sự phản bội” nầy. Đầu năm 1979, người Hoa đưa bộ binh vào Việt Nam trong cuộc chiến tranh đầu tiên giữa những người cộng sản trong lịch sử thế giới. Điều đáng chú ý, nhờ có Vịnh Cam Ranh, Liên Sô – lần đầu tiên trong lịch sử thế giới – đã phóng lực lượng hải quân của họ vào Đông Nam Á.
Sự sụp đổ của đế quốc Liên Sô và chư hầu của nó ở Âu Châu vào năm 1991 đã thay đổi sâu đậm hệ thống địa chánh trị, nhưng không thay đổi tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam. Không còn Liên Sô và hải quân của nó, lần đầu tiên kể từ khi triệu hồi hạm đội vào năm 1434, người Hoa bắt đầu tái khẳng định ảnh hưởng của họ ở Ấn Độ Dương, chiếm đóng, mạo nhận, và ngay cả việc xây các hòn đảo. Qua đó, chiến tranh giữa những người cộng sản Á châu vào cuối thập niên 1970s đã chấm dứt cái khái niệm về một khối cộng sản khắng khít hay đồng minh, người cộng sản Việt nay phải thương thảo với người Mỹ, Nhật, Âu Châu và bất cứ ai khác có thể giúp họ đối phó với sự hồi sinh của lực lượng hải quân Trung Hoa, dù vẫn tùy thuộc vào những mô hình cộng sản của họ trong việc đổi mới kinh tế và tiếp tục cai trị độc đảng.
Người Mỹ chia sẻ lòng khát khao của người Việt để ngăn chận sự bành trướng của hải quân Trung Hoa vào Thái Bình và Ấn Độ Dương. Và đây là lý do tại sao TT Obama, giống như các TT Bill Clinton và George W. Bush trước đây, công du sang Việt Nam. Người Mỹ vẫn “cần” Việt Nam và người Việt cần họ. Tại sao? Tại vì Việt Nam nằm giữa khu vực nơi mà việc kiểm soát Thái Bình và Ấn Độ Dương của Mỹ từ Thế Chiến II đã gia tăng để đối lại với lục địa Âu Á và một đế quốc Trung Hoa càng ngày càng sẵn sàng để thách thức việc kiểm soát các vùng biển Á châu của hải quân Mỹ. Việt Nam tiếp tục tự thấy mình đứng chót vót trên một trong những đường nứt địa chất (fault lines) địa chánh trị nguy hiểm nhất trên trái đất.
Christopher Goscha – History News Network   
Dịch giả: Bình Yên Đông
* Christopher Goscha là phó giáo sư lịch sử tại Đại học Québec ở Montréal, Canada. Tác giả là chủ bút của nhiều quyển sách về Việt Nam, Đông Nam Á, và bang giao quốc tế bằng Anh và Pháp ngữ. Ông sống ở Montréal, Canada. Sách mới nhất có tựa đề Vietnam: A New History (Basic Books, 2016).




Phần nhận xét hiển thị trên trang


  Qua việc chọn đội ngũ giúp việc có thể thấy D. Trump đang tiến tới thực hiện chính sách mà ông đã tuyên bố trong quá trình tranh cử. 

Cố vấn hàng đầu của Trump là tác giả cuốn sách ‘Chết bởi Trung Quốc’



Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã lựa chọn ông Peter Navarro, một nhà kinh tế có đường lối cứng rắn về Trung Quốc, làm đứng đầu cơ quan mới thành lập mang tên Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng.
Ông Navarro là một nhà tư vấn đầu tư và là tác giả của một số cuốn sách nổi tiếng, bao gồm “Chết bởi Trung Quốc” (Death by China) và“Ngọa hổ: Chủ nghĩa quân phiệt của Trung Quốc có nghĩa gì với thế giới” (Crouching Tiger: What China’s Militarism Means for the World). 
Cuốn sách ‘Chết bởi Trung Quốc’ đã được chuyển thể thành một bộ phim tài liệu sống động mô tả mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra đối với nền kinh tế Mỹ cũng như tham vọng của Bắc Kinh trong việc trở thành cường quốc kinh tế – quân sự áp đảo tại Châu Á.

Ông Peter Navarro, tác giả cuốn ‘Chết bởi Trung Quốc’ (Ảnh: UCI)
Theo Reuters, nhóm của ông Trump ca ngợi ông Navarro là một nhà kinh tế “nhìn xa trông rộng”, người sẽ “xây dựng các chính sách thương mại mà có thể rút ngắn lại thâm hụt thương mại của chúng ta, mở rộng sức tăng trưởng của chúng ta, và giúp ngăn chặn việc làm di cư khỏi đất nước chúng ta.”
Trong bản thông cáo của nhóm chuyển giao vào hôm 21/12, ông Trump cho biết: “Tôi đã đọc một cuốn sách của Peter về các vấn đề thương mại của Mỹ vài năm trước và tôi rất ấn tượng trước những lập luận rõ ràng và sự kỹ lưỡng trong bài nghiên cứu của ông ấy”.
“Ông ấy đã tiên đoán những tác hại gây ra bởi toàn cầu hóa đối với người lao động Mỹ và đã đưa ra một con đường tiến về phía trước để phục hồi tầng lớp trung lưu của chúng ta. Ông ấy sẽ đảm đương một vai trò thiết yếu trong chính quyền của tôi với tư cách là một cố vấn thương mại.”

Ông Navarro cầm một cuốn ‘Chết bởi Trung Quốc’ (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
Bản thông cáo cho biết Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng được thành lập với mục đích tư vấn cho Tổng thống Trump về hoạt động đàm phán thương mại, có chức năng điều phối các cơ quan khác, hỗ trợ lao động thất nghiệp, đồng thời dẫn dắt chương trình“Mua hàng Mỹ, Thuê người Mỹ” của ông Trump.
Hội đồng này sẽ làm việc với Hội đồng An ninh Quốc gia, Hội đồng Kinh tế Quốc gia và Hội đồng Chính sách Nội địa.
Ông Navarro, 67 tuổi, là một giảng viên tại Đại học California và đã tư vấn cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử.
“Tôi rất vinh dự khi có nhận cơ hội phục vụ tổng thống đắc cử và quốc gia này, tư vấn về chính sách tái cân bằng thương mại của chúng ta, tái xây dựng cơ sở công nghiệp của chúng ta, và khôi phục lại sức mạnh quốc gia toàn diện của Mỹ bằng cách làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” ông Navarro cho biết trong bản công bố, theo Business Insider.
Ông Navarro cũng từng đề xuất một hoạt động hợp tác với Đài Loan, trong đó có việc hỗ trợ chương trình phát triển tàu ngầm, theo Reuters. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và có thể lấy lại bằng vũ lực.

Tổng thống đắc cử Donald Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn 
Theo Reuters, ông lập luận rằng Washington nên ngừng đề cập đến chính sách “một Trung Quốc”, nhưng ông đã ngừng gợi ý rằng Washington nên công nhận Đài Bắc, nói rằng: “Không cần thiết phải chọc tay vào chú gấu Panda”.
Tổng thống đắc cử Trump gần đây đã khiến Trung Quốc nóng mặt khi ông nhận cuộc điện đàm từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, một điều không có tiền lệ trong gần 4 thập kỷ qua. Không lâu sau, ông lại khiến Bắc Kinh bất bình khi chất vấn về chính sách “một Trung Quốc”.
                                                                           Mai Lan

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"CÓ GÌ MỚI KHÔNG"?

Bộ Công an lên tiếng vụ việc Trịnh Xuân Thanh




VƯƠNG TRẦN-CAO NGUYÊN
LĐO - Chiều 21.12, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông tin tình hình, kết quả công tác công an năm 2016. Vụ việc Trịnh Xuân Thanh đã được cơ quan công an thông tin tới cơ quan báo chí.

Thông tin về vụ việc Trịnh Xuân Thanh tại buổi họp báo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Thiếu tướng Phạm Văn Các cho biết, vụ việc Trịnh Xuân Thanh được Chính phủ giao cơ quan điều tra tìm hiểu nguyên nhân để xảy ra việc thua lỗ 3.300 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu thập được nhiều tư liệu, chứng cứ và hoàn thiện hồ sơ để có thể khởi tố ông Thanh. Tuy nhiên, trước đó ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn đi nước ngoài với lý do chữa bệnh. Đơn vị lực lượng công an đã xác định Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn.

Lực lượng công an cũng đã phối hợp để kiểm tra tất cả các đường chính ngạch để kiểm tra nhưng không có dấu vết gì của ông Thanh. Cơ quan công an đã phát lệnh truy nã đối với Trịnh Xuân Thanh trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cơ quan này đã phối hợp với cảnh sát hình sự quốc tế phát lệnh truy nã trên Intepool.

“Với quyết tâm của lực lượng công an cùng với nhiều biện pháp để truy bắt Trịnh Xuân Thanh, tôi tin rằng Trịnh Xuân Thanh không thể trốn thoát được”- Thiếu tướng Phạm Văn Các nhấn mạnh.

Trả lời thông tin báo chí, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định các vụ việc điều tra, cơ quan công an tuyệt đối không để lộ bí mật, lộ, lọt thông tin. Tuy nhiên đối tượng tội phạm rất nhạy cảm, cơ quản lý đôi khi còn sơ hở do đó để xảy ra tình trạng các đối tượng vi phạm pháp luật bỏ trốn ra nước ngoài.

Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm trong thời gian tới sẽ có những báo cáo bổ sung hoàn chỉnh công tác thể chế, quản lý cán bộ, quan hệ với nước ngoài. Một khó khăn khác đó là trong quá trình điều tra, mặc dù đã nắm hết vấn đề nhưng việc quản lý đối tượng tiền khởi tố còn cần phải được hoàn thiện về thể chế, chính sách. Bên cạnh đó cần có những quy định khắt khe hơn trong vấn đề này để đấu tranh ngăn chặn tội phạm có hiệu quả.

Ngày 9.6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao 9 cơ quan kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung báo chí nêu liên quan đến Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.

Có 3 vấn đề được đề cập, thứ nhất ông Trịnh Xuân Thanh được đưa đón bằng xe Lexus LX570 là xe tư, nhưng gắn biển xanh; thứ hai là tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC), nơi ông Thanh giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 và cuối cùng dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ ông Thanh vẫn được luân chuyển nhiều vị trí quan trọng ở Bộ Công Thương rồi được bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh.


Phần nhận xét hiển thị trên trang