Truyện ngắn HG
Trán
cao, lưỡng quyền nhô lên trên nước da xạm nắng. Một cái mũi gồ thách thức ở
quãng giữa, cụp xuống đoạn phía dưới. Kiểu mũi nhòm mồm.
Nói thực, chả ai thích, nhưng cũng không
ai khinh ghét gã. Nhưng quả thực người ta không mấy thiện cảm khi đôi mắt lồi,
vằn những tia máu đỏ xung quanh con ngươi vàng đầy vẻ khiêu khích cứ chằm chằm
nhìn người đối diện.
Đừng ai bảo những kẻ nhìn như thế là mang trong mình cái tâm thẳng thắn, bản
tính nhân hậu, chân thành!
Nhất là hai cánh tay hay khuỳnh, nom rất gây sự. Ở con người kiểu như thế, chắc
chắn “năng lượng tối” hơi bị nhiều. Đã nghiệm ra một điều không mấy chắc chắn
là: Có những người ta gặp tự nhiên thấy lòng nhẹ nhõm, đầu óc sáng láng, tinh
thần minh mẫn. Lại có những kẻ tuy chẳng gây gì cho mình, chỉ thoáng gặp nhau
thôi, tự dưng thấy nặng như chì, lạnh như đá đeo. Đầu óc bấn rộn, bứt dứt khó
chịu. Rõ ràng là mỗi người đều có “thiện quang” hoặc “ác quang” phát ra từ cơ
thể đang tồn tại của mình. Nó chỉ hết khi thân lạnh, mắt nhắm, hai tay buông
xuôi!
Nhưng gã đi đâu vào giờ này? Giữa lúc nóng oi ả, mặt đường khí bốc lên chập
chờn như ngọn lửa không màu, gà chó đều tìm bóng cây, góc tường dâm mát để trú,
gã lại lưng lững đi.
Người ta nói năm nay trở lại chu kỳ Ennino gì đó.
Nắng không như mọi năm. Nhiệt độ ngoài trời có lúc hơn bốn mươi độ. Lá cây hai
bên đường như thể bị chàm lửa, héo rũ.
Nhà nhà đóng cửa, không ai muốn ra đường. Theo dõi qua ti vi cuộc đấu tàu ngoài
biển đông, chiến thuật “voi đấu với
kiến” chưa ngã ngũ chỉ một phần. Phần thực tế hơn là sợ cái nóng phả vào nhà,
nóng bỏng như trong lò sấy, quạt chạy hết công suất vẫn không lại.
En ni nô ni niếc gì không biết, nhưng chắc chắn là một năm rất không bình
thường. Chiến loạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu một trong hai bên.ta và
“gã hàng xóm” không kiềm chế được. Một năm cái nắng, cái gió rồi mưa bão cũng
rất không tự nhiên, khiến lòng người không an, cảm thấy thời tiết dường như mỗi
lúc mỗi khắc nghiệt, quá sức chịu đựng của con người.
Khăn bông dày vắt vai. Trời nóng như thế, gã đi đâu vào giờ này?
Thuận
chiều, xuất hiện thêm một người đi xe đạp nữa. Một người đàn bà, trung trung
tuổi. Chị ta chân dài, người ngắn do cái lưng gù gù như muốn co về phía sau.
Hình dạng như thế đi xe đạp dưới cái nắng như thế này đã quá vất vả, chị ta còn
đèo bó củi gai lòe xòe phía sau, thêm đoạn tre tươi vắt qua ghi đông xe đạp.Chả
hiểu bằng cách nào đó người này vẫn đi được, thật là lạ. Thỉnh thoảng chị ta
dừng lại, chỉnh lại dây buộc bó củi, đoạn xe cho dễ đi.Nhưng chỉ được từng
đoạn.
Đi như thế này còn chậm hơn đi bộ, đến bao giờ đến nơi?
Trán Cao như nhận ra điều đó, gã dừng lại, rút cái khăn bông nơi cổ lau mặt,
đứng chờ. Giọng nam cao trong, vóng của gã cất lên:
- Có cần giúp đỡ, đây hộ một tay?
Thiếu phụ mồ hôi nhễ nhõa, mặt đỏ bừng:
- Dạ em đi được ạ..
- Được cái gì? Không cần giữ kẽ. Đây cũng đi cùng đường. Đằng ấy để đây mang hộ
đoạn tre.
Miệng nói, tay chống chân xe đạp, đỡ đoạn tre lên xe của mình, gã bảo:
- Thử xem nào, có dễ đi hơn không?
Thiếu phụ nét mặt tươi tỉnh, ánh mắt hàm ơn. Hình như chị ta định nói: “ Người
đâu mà tốt thế không biết?”.
“Lâu
rồi trên đường những việc như này kể như hiếm dần”. Nhưng chị không ra lời,
lẳng lặng đạp xe đi trước một đoạn.
Gã đạp xe theo. Hai người đi sóng hàng đôi. Buổi trưa nắng, đường vắng xe có đi
như thế cũng chẳng sao. Không ảnh hưởng đến ai.
Nếu phải lúc khác dù là đi xe đạp cũng là vi phạm giao thông vì chở hàng cồng
kềnh lại dàn hàng đôi, chiếm gần hết lòng đường bởi bó củi và đoạn tre tươi.
Người không biết sẽ tưởng họ là hai người thân thiết, hoặc hai vợ chồng cùng đi
chở củi về với nhau.
Vài ba câu chuyện không có gì đáng bận tâm. Kiểu xã giao thông thường của người
mới gặp.
Đến quãng gần chợ, thiếu phụ dừng lại xin lại đoạn tre để rẽ con đường nhỏ vào
làng.
Trán Cao đứng tần ngần nhìn theo. Lâu lắm rồi mới được giúp người lại là người
thiếu phụ này.
Gã nhớ, có lần gặp ở đâu rồi? Hình như lần ấy mình đi uống rượu ở đèo Mê về. Đi
qua con đường trước nhà người này.
Nghe
đồn con mụ lẳng lắm. Thế mà sao khi mình ghé xin nước uống, mụ lại vội chạy ra
đóng xập cổng lại như sợ cướp đến nhà?
Liệu
có phải tiếng đồn ác về mình đã lan đến tận đây, hay cho mình say rượu, mụ sợ?
Sao ban nãy gặp mình mụ ấy cứ tảng lờ đi như không?
Thì thôi cũng người gặp người, có gì đâu, chẳng có gì quan trọng.
Nếu thích, hôm nào mình sẽ lại đến.
Nhà mụ í mình nhớ rồi, ngay bên cạnh cái ao, có con trâu già gầy giơ xương buộc
dưới gốc cây khế. Sân trước nhà tráng xi măng, cửa gỗ cũ, lợp lá gồi mun mủn..
Cũng không biết có phải người thật hay không nữa? Gặp người vào giờ không vong,
người ta bảo có khi là ma quỷ hiện hình giữa ban ngày. Chắc là không phải. Nếu
ma quỷ hiện hình thường mang hình dáng đẹp đẽ, mĩ miều chứ không bao giờ có bộ
dạng như người vừa rồi.
Chắc chắn đấy là ”một con người”, nhưng chả liên quan gì đến mình, gã nghĩ vậy,
túc tắc đạp xe đi.
Buổi trưa. Những dãy phản thịt trống trơn. Một vài bà hàng rau gật gù, ngủ gà
ngủ gật. Cũng đôi ba người bán tạp hóa còn thức, nhưng không ai để ý đến gã cả.
Người ta đã quá quen sự xuất hiện của gã vào giờ này, ở đây.
Đó là giờ gã từ nhà lên, vào quán của vợ cũ. Một cái lồng bàn nhựa màu xanh xỉn
cũ kỹ úp ở góc bàn ăn. Những người khác đã ăn xong bữa lâu rồi, giờ chỉ còn
mình gã. Vợ cũ đang rửa ráy hay dọn dẹp gì đấy sau tấm tôn che làm nhà tắm. Gã
chồng mới béo ục ịch đu đưa trên võng.
Không phải chồng mới không biết gã đến, chỉ là hắn tảng lờ như không biết.
Để có cuộc chung sống hòa bình như thế này, những tháng trước đã xảy ra cuộc
quyết chiến khốc liệt giữa đôi bên.
Gã là chồng chính thức, có cưới xin hẳn hoi, nhưng hai bên đã ly dị
Chồng mới là người đất khách quê người, từng là bạn cũ của gã. Ké cẩm ở đây,
chồng mới vợ cũ đã có con với nhau. Cái lý của đôi bên thật là khó xử.
Cả
hai đều ở tầng thấp nhất của thế giới này, tiền có thì ít mà phức tạp có thì
nhiều, chả ai rỗi hơi mà can thiệp, phân xử vì chẳng có thể thu hoạch được bất
cứ thứ gì trong “Cuộc nội chiến” gia đình.
Chồng mới có sức khỏe nhưng thân cô thế lép. Chồng cũ cậy thằng con trai lớn
cũng cất quán ngay gần đấy. Nó là đứa chẳng ra gì, nhưng bố nó vẫn là bố nó,
người khác đụng vào đâu có được?
Con Tạo luôn có cách giải quyết hài hòa, thỏa đáng cho con người.
Ghét nhau người ta vẫn phải chấp nhận chung sống với nhau ở vài khía cạnh nào
đó. Với lại với chồng mới, mọi sự cũng chẳng ảnh hưởng gì!
Thằng chồng cũ bất tài không kiếm nổi miếng ăn, nó đã phải xuống xề thôi cũng
mặc kệ nó. Ăn xong nó lại cắp đít về, có tơ tình gì với vợ cũ đâu mà ghen?
Với lại chồng mới có ghen cũng vô ích. Cặp với nhau, về lý chưa phải danh chính
ngôn thuận. Hắn có vợ ở dưới quê, vợ này là “cơ sở hai”, lấy cái gì để tranh
giành?
Trán cao, mặt phễu đang ngồi uống rượu một mình. Gã cắm cúi uống rồi ăn, không
để ý đến xung quanh.
Vợ cũ trong khi đấy xếp một lô quần áo bẩn của mụ, của cháu nội, cháu ngoại vào
một cái làn. Chị ta lặng lẽ buộc sau pốc ba ga xe đạp của Trán Cao. Lát nữa ăn
xong gã ấy sẽ lẳng lặng đạp xe về để đến chiều tối gã lại đạp xe lên. Khi ấy
quần áo của chồng mới vợ cũ, của cháu nội cháu ngoại đều đã được giặt sạch, gấp
gọn ghẽ, thơm tho.
Không biết tự bao giờ, gã trở nên con người lành lành, khô khổ như thế này?
**
Đúng là không có gì tồn tại mãi mãi..
Sau lúc chồng cũ của Nụ về, hắn, chồng mới của cô dậy. Thực ra hắn
đâu có ngủ, như người ta nói nhắm mắt bỏ đấy, làm lơ như không biết mà thôi.
Chả hay ho gì hai thằng địch thù gằm gằm như muốn ăn thịt nhau mà lại không thể
làm gì được.
Có nhiều thứ để kìm hãm của cả hai bên.
Tương quan lực lượng đã đành còn miệng tiếng thiên hạ. Chỉ một xung đột nhỏ có
thể làm đề tài cho miệng lưỡi cả vùng bàn tán thêm bớt không biết điểm dừng..
Thôi thì chả hay gì chọc cái thối lên mà ngửi.. Thằng chồng mới là hắn nghĩ
vậy.
Hắn ra bàn uống trà, nhìn vu vơ ra bên ngoài. Cả khu chợ vẫn yên ắng. Thì vẫn.
Chợ chiều lấy gì mà vui?
Đúng là vật đổi sao dời. Ngót ba mươi năm trước chả ai nghĩ rằng ở chỗ này lại
thành cái chợ đông đúc, nuôi sống hàng trăm con người. Bán đủ thứ như mọi cái
chợ ở bất cứ khu thị trấn thị tứ nào.
Nó vốn là bãi đất bằng, nhỏ hẹp nằm bên dưới rừng cây lát. Khu vườn giống đặc
biệt của lâm trường.
Hồi đó chỉ cần người nào đấy chặt một cành, làm đứt một cái rễ cây của khu rừng
nhỏ xen giữa khu dân cư này đều có thể bị bắt ngay lập tức.
Thời đó chưa có lệ phạt vi cảnh bằng tiền mặt như bây giờ. Nhất nhất mọi việc,
nhẹ thì đưa ra ủy ban xã, nặng thì đưa về công an huyện.
Chỉ nghĩ đến thế thôi ai nấy cũng e sợ, chẳng dám đụng đến một cây lát nào. Khu
rừng cây lại gần bờ sông, chim chóc đủ loại dễ kiếm mồi nên về làm tổ rất đông.
Ngay cả việc trèo bắt tổ chim cũng chẳng ai dám.
Chỉ có hắn, đương vị cán bộ nhà nước là thỉnh thoảng leo lên những ngọn cây này
bắt chim non.
Hồi ấy hắn làm cán bộ của kho lương thực. Một khu kho có từ thời sơ tán phòng không
tránh máy bay. Sau hòa bình người ta không chuyển về tỉnh, xây dựng mới thêm
làm nơi thu mua, bán lương thực theo tiêu chuẩn cho người ăn lương nhà nước.
Đường xá chưa có, nhưng có con sông kế bên nên việc vận chuyển lên xuống bằng
thuyền khá thuận lợi.
Đã làm chân thủ kho rồi mà tật leo trèo bắt chim của hắn không bỏ được. Một
phần cũng bởi chỗ này khá hẻo lánh và buồn, có muốn cũng chả biết chơi đâu. Ti
vi, đài đóm không sẵn như bây giờ. Cả khu kho có mỗi cái bán dẫn “Ông đi lung
tung” cứ được vài hôm lại hỏng, chán chả muốn sửa.
Một hôm trèo bắt đàn ong mới về đậu trên bọng cây, hắn xảy chân bị ngã, bong
gân. Chỗ cổ chân sưng vù lên đi không nổi. Có người mách cho hắn là ở dưới Soi
Đủ có người chữa bồng gân, gãy xương hay lắm.
Hắn chân đau không đi được, đành phải nhờ người. Người này đi đến gần
trưa về cùng một người nữa. Chính là tay chồng cũ vừa rồi. Hai người làm quen,
thân nhau từ độ ấy.
Chồng
cũ cũng không phải người thường.
Ngoài cái nghề lấy lá cây chữa gãy xương, anh ta còn làm chân phó chủ nhiệm
nữa. Đang cuối thời bao cấp, chủ nhiệm HTX nông nghiệp không còn kiếm được như
xưa, nhưng so với xung quanh, gã còn hơn chán vạn người.
Điều này thì cán bộ thủ kho như hắn quá biết. Phàm là đi bất cứ làng nào xã
nào, vào những nhà to lợp ngói, trong nhà có tủ chè, có xe có đài.. không chủ
nhiệm cũng chủ tịch. Chẳng có ai ngạc nhiên về điều ấy cả.
Thì cán bộ có điều kiện ăn ở sinh hoạt tốt mới có điều kiện phục vụ nhân dân,
phục vụ xã hội được tốt. Không ai phàn nàn, mà có phàn nàn chỉ ì xèo đâu đấy,
cán bộ như hắn làm sao nghe thấy? Mà hắn chả quan tâm mấy cái chuyện đó làm gì.
Cùng cảnh cán bộ với nhau, tuy điều kiện mỗi người một khác, nhưng đều là những
“nhân” quan trọng trong vùng. Thắm thiết giữa họ với nhau còn hơn anh em ruột.
Cứ chiều chiều dân làng lại thấy mấy anh kho lương thực xuống Soi Đủ. Họ ở đó
chuyện trò rôm rả, đèn măng sông sáng tới khuya.
Tất nhiên không chỉ nói chuyện suông. Không gà thì cá, hoặc con cầy. Vui hết
biết. Vợ chủ nhà hơi khô chân nhưng không gân mặt như bây giờ. Chị ta vào loại
đẹp gái trong vùng thời bấy giờ. Gã lương thực có khi quá chén, bông đùa hơi
quá, chủ nhà cũng không chấp. Cả hai vẫn mặn mà chơi.
Nhưng sự đời không có gì mãi mãi đã làm cho tình bạn đôi bên thay đổi.
Xóa bỏ bao cấp là niềm vui sống với nhiều người, thì với hai “nhân” này lại coi
là tai họa.
Không còn HTX nữa, chồng cũ trở nên thất nghiệp. Gã buồn, lấy rượu làm vui rồi
nát rượu.
Cán bộ lương thực như hắn cũng không gặp may. Khu kho giải thể theo cơ chế thị
trường. Người ta san ủi nơi này làm chợ sát khu rừng lát giống của lâm trường.
Hắn khăn gói về quê.
Bẵng đi thời gian, hắn mới quay trở lại. Cái chợ sơ sài năm nào giờ đã thành
chốn đông vui. Hắn nảy ra ý định mở một tiệm hớt tóc. Cũng may cái nghề mọn này
lúc ấy chưa có mấy cô chân dài cạnh tranh như bây giờ, vẫn còn kiếm được.
Bạn
cũ dưới Soi Đủ cũng đã đổi nghề. Hai vợ chồng anh ta sắm cái thuyền máy chạy đò
dọc. Từ sáng sớm hai vợ chồng đón khách từ đây xuôi về tỉnh, đến tối mới về. Vợ
chồng chân giày chân dép, tay đeo nhẫn vàng to xù, ra dáng người ngoài tỉnh chứ
không giống người ở đây.
Cái
khoảng cách giàu nghèo được dựng lên. Thi thoảng có gặp nhau, chồng cũ, chồng
mới bây giờ khi đó chỉ chào hỏi qua loa, không thắm thiết được như trước nữa.
Chợ được mở rộng dần, rừng lát cũng mất dần cây. Không có gì mãi mãi một cách
tự nhiên, không ai để ý.
Một phần bởi xã hội ba đào. Nghe đâu bức tường Bẹc Lin sụp đổ. Không còn anh cả
Liên Xô thành trì của hòa bình thế giới. Bột mì viện trợ khan hiếm rồi biến mất
dần. Phía bắc biên giới cực kỳ căng thẳng. Chiến tranh dù to, dù nhỏ đều là
ngọn lửa thiêu đốt, hủy diệt, cuộc sống trở nên khó khăn. Đám rừng lát cũng
không còn được quan tâm như trước, vì thế cứ mất dần.
Giá
bây giờ có ai nhắc đến nó, những người chưa biết hẳn sẽ ngạc nhiên. Không ai
tin được một cái chợ đông đúc lại chính là nơi có cái vườn lát xanh um của năm
nào..
Chiến tranh thời bấy giờ kiểu như cuộc chiến quy ước, chỉ giằng co nơi biên ải.
Chỉ có tin tức và tiếng súng vọng về, mãi cũng thành quen..
Phải nói dân Việt ta khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh vào bậc nhất thế
giới. Kể cả thích nghi với mọi loại chiến tranh, trên bộ, trên không cũng”nâu”
vấn đề. Có nhẽ bọn đế quốc và mọi thế lực thù địch đều ghê dân ta ở điểm này!
Suốt
mười năm ì ùng nơi biên ải, cuộc sống các nơi khác vẫn diễn ra bình thường như
không. Vẫn cấy hái, lấy vợ làm nhà, như không có gì xảy ra. Nếu đời sống không
thiếu thốn khó khăn người ta gần như ít nghĩ cuộc chiến ấy đang tồn tại, nó
chưa xảy ra, hoặc đã chấm dứt rồi..
Hắn
vẫn ngày ngày cắt tóc, cạo râu, lấy dáy tai.
Mà chuyện gì có mở đầu đều có kết thúc. Chỉ có điều dài hay ngắn, tốt hay xấu,
lợi hay hại mà thôi.
Hắn cứ sống như thế, bảo là ba vạ cũng được, vô lo cũng được. Không còn vị trí,
nghề nghiệp thì sự lựa chọn này hợp lý hơn cả. Hắn dự định gom góp chút tiền,
làm cái nhà nho nhỏ, đón vợ con lên, thì đùng một cái, xảy ra một việc.
Đúng
là không có gì mãi mãi..
Lúc này hắn ngồi nghĩ lại mọi chuyện như nó vừa xảy ra. Hồi đó hắn đâu có nghĩ
có ngày mình lại ăn ở như vợ chồng với vợ người bạn thân như bây giờ? Có đầu óc
tưởng tượng giàu đến mấy cũng không thể nghĩ ra chuyện đó.
Không ai tin một gia đình vào hàng sung túc lúc bấy giờ lại có ngày tan vỡ.
Cũng không thể hình dung được ông cựu chủ nhiệm, từng là “dũng sĩ diệt xe cơ
giới”, võ nghệ đầy mình lại có ngày chở theo chậu quần áo đằng sau pốc ba ga xe
đạp gọi là “hàng” như bây giờ..
Tất cả như biến mất, như khu rừng lát ngày xưa, như chưa từng tồn tại, chỉ vì
những duyên cớ hết sức vớ vẩn!
***
Cái chuyện xảy ra đột ngột làm mọi người xôn xao. Bà cụ Luận trước khi chết nói
lộ ra một điều.
Điều
này làm thay đổi hẳn cuộc đời Hoàn Trán cao.
Cụ
bảo do tức giận vì nói mãi con dể không chịu nghe, cụ mới nói ra chuyện như
thế. Một chuyện ghê ghớm khiến cho vợ
chồng Hoàn không thể ở được với nhau.
Bây giờ trước khi về với tiên tổ, bà cụ ân hận vô cùng. “Không có chuyện mẹ vợ
đang tắm, con dể mở cửa nhà tắm nhảy vào vồ mẹ vợ, giở trò bỉ ổi”! Bà phải nói
thế để cô Nụ con gái bà uất ức không thể chịu hơn được nữa! Cũng chỉ vì thương
con gái cặm cụi lo làm lo ăn, thương chồng thương con hết lòng gặp phải anh
chàng chẳng ra gì. Suốt ngày anh ta rượu chè, cờ bạc số đề, coi vợ như con ở.
Hỏi tiền vợ không đưa là đánh vợ thâm tím mặt mày. Có lần thậm chí phải đi
viện. Nhưng khuyên con bỏ chỗ tối cho đỡ cực thân cô Nụ một mực không nghe. Bà
cụ luận phải dùng đến hạ sách, cuối cùng.
Người ta sống ở đời lên voi xuống chó cũng là chuyện thường. Có công danh địa
vị thì hưởng. Không có về làm người thường, chấp nhận cuộc sống lo ăn, lo cư xử
trước sau cho đúng mực.
Làm gì háo danh đến nỗi đến khi không
được toại nguyện đâm khùng liều, làm bậy làm bạ, sa sút đến không còn tính
người?
Lời nói đọi máu.
Có những câu nói thay đổi cuộc đời con người.
Lời trăng trối của cụ Luận trước lúc lâm chung đã làm thay đổi tất cả. Sau tuần
bốn chín ngày của cụ, cô Nụ về gặp chồng cũ là Hoàn trán cao nói rõ sự thể. Cô
bảo “ Dù sao người chồng cũ với tôi vẫn
nặng tình nặng nghĩa, có đủ cái con, dâu dể. Còn anh chồng mới chỉ là chồng hờ,
đến danh nghĩa chẳng có..Đời này kiếp này
sơ xuất làm dở dang nhau. Tôi không muốn để lại day dứt cho con cháu sau
này..anh nghĩ thế nào?”.
Còn
nghĩ thế nào nữa? Hoàn trán cao nghe xong bàng hoàng hết cả người. Anh không
ngờ sự việc diễn ra ngày ấy chỉ bắt đầu đơn giản như thế?
Thói ngạo mạn của kẻ “kiêu binh” khiến Hoàn mất bình tĩnh. Anh đã không chịu
tìm hiểu nguyên nhân để tháo gỡ, lại nổi xung lên, đánh đập vợ, để sự việc xảy
ra thêm trầm trọng
***
Ông chồng mới của bà chủ “quán cá bờ sông” không rõ đi đâu sau đó ít ngày.
Người ta bảo “Loại gá gởm, ngã đâu là giường” thì ở đâu chả được?
Hoàn
trán cao cũng từ đấy không thấy xuất hiện trên đường với chiếc xe đạp cà rỉ
nữa.
Anh chồng cũ ngày nào giờ có xe máy chạy đàng
hoàng. Bà chủ quán cá bờ sông đã tậu hẳn một trang trại gần rừng đầu nguồn. Chỗ
ấy nước vẫn ào ạt chảy quanh năm. Chồng cũ của bà sẽ lập trang trại nuôi lợn
rừng, trồng cây trái đặc sản. Bà đã dành riêng một đám đất để sưu tập các loại
giống lúa nương mang về trồng.
Thói
ba hoa của người “chồng mới” sau này chí
ít còn có ích trong câu chuyện này. Câu chuyện “nuôi con gì, trồng cây gì?”
Anh ta chỉ nói bỏ đấy cho vui chuyện, thì bây giờ thành sự thật.
Trong tình hình hàng năm hạn hán thường xảy ra gay go như hiện nay, biết đâu
trồng giống lúa nương chịu hạn gỏi lại mang đến hiệu quả ?
“Đến như giống lúa cũ, mới còn thay đổi
cần xem xét, huống chi chồng cũ, chồng mới của con người”.
Bà Nụ chủ quán “Cá bờ sông” nói vậy, rồi cười.
Tôi ngồi nghe câu chuyện của họ, cũ cũ, mới mới, rối tinh cả lên, Lúc đầu còn
thấy hoang mang, choáng vì quá nhiều sự kiện..
Sau rõ dần và thấy cần thiết phải ghi lại.
Ngoài kia sông Lô vẫn thanh thản trôi, như chẳng có chuyện gì.
Phần nhận xét hiển thị trên trang