Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Người trí thức và tai họa tháng tư…2016


Tác giả: Chanh Nguyen· 1 Tháng 5 2016
.
KD: Ôi trời, ngoại trừ một số trí thức Việt thực sự chân chính, có khí phách, phẩm cách, số đông trí thức Việt nước mình còn… ươn hơn cá. Đọc bài này thấy nẫu ruột!
—————
.
Đứng trước một thảm họa môi trường, quan điểm chính trị trở thành vô nghĩa. Độc tố, ung thư… cái chết không phân biệt lý lịch, không chia phe phái. Không có thế lực thù địch nào, không có câu hỏi nào tổn hại cho đất nước lúc này. Người dân phẫn nộ vì họ cảm nhận sự vô trách nhiệm của chính quyền.
Tôi thách thức tư duy khoa học của những vị trí thức bảo dân phải bình tĩnh chờ kết quả nghiên cứu của chuyên gia và tuyên bố chính thức của chính quyền. Tôi phê phán họ đã đánh lận sự cẩn trọng trong khoa học với sự bất tài hoặc vô lương tâm của chuyên gia hữu trách. Tôi không biết họ đang sống ở đâu, Los Angeles, Paris, hay Hà Nội, nhưng tôi dám chắc họ sẽ không ăn một miếng cá nào từ miền Trung trong những ngày này. Tôi lên án cái quý phái rỡm của họ trong những lời họ miệt thị dân nghèo đang phẫn nộ vì mất đường mưu sinh.
Đây là một trong những lúc ta phải gạt bỏ cái lăng kính của ý thức hệ để nhìn nhau bằng lương tâm và trí tuệ. Tôi nghi ngờ tâm trí của quan chức, chuyên gia chính quyền Việt Nam và những người đang biện hộ cho họ, đang chờ có “thông tin rõ ràng” trước khi lên tiếng. Thái độ của tôi quá khích, phản khoa học ư? Không, đây chỉ là thái độ của một người thành thật, có đôi chút kiến thức phổ thông và biết suy nghĩ.
 
Chính quyền có thể dễ dàng chon cách đối phó minh bạch vì dân, để mọi nguời có hảo tâm cùng chung sức. Nhưng họ đã không làm thế. Hãy đối chiếu lời nói và hành động của chính quyền trong hơn 20 ngày vừa qua với cách ứng xử trong câu chuyện tưởng tượng sau đây về cùng một tai họa môi trường với một nguyên nhân khác, khi quyền lợi của dân không mâu thuẩn với ý đồ của quan chức.
 
Nhà máy luyện thép Formosa vừa mới khởi công đặt đá xây dựng ở Vũng Áng. Đột nhiên bờ biển miền Trung xuất hiện nhiều xác cá. Chim và người ăn cá đều bị ngộ độc. Mạng Facebook rộn lên với hình ảnh cá chết và những giả thuyết khác nhau, từ tảo độc, thủy triều đỏ, đến Trung quốc thả độc. Truyền thông báo chí đều đưa tin dữ, lo ngại cho kinh tế và đời sống của dân miền Trung, của người nghèo trong cả nước. Một tai họa môi trường chưa giải thích được.
Chỉ trong vòng một ngày, Thủ tướng chính phủ trực tiếp đi thị sát cùng với các chuyên gia khoa học. Những giả thuyết về địa chấn, tảo độc đều bị gạt bỏ. Các mẩu cá, mẩu nước được cấp tốc xét nghiệm tại nhiều trường đại học và phòng thí nghiệm quốc gia. Quang phổ kế trở nên một danh từ quen thuộc như iPhone với quần chúng.
Sáng ngày thứ hai, có kết quả là cá nhiễm độc nặng, hàm lượng kim loại có độc tính cao như thủy ngân, crom, chì…, và độc tố trong nước biển cao hơn mức an toàn rất nhiều. Trưa hôm ấy, Quốc Hội họp khẩn. Các kênh truyền hình tối hôm ấy ngưng mọi chương trình ca nhạc để chiếu trực tiếp cuộc họp báo của chính phủ do Chủ tịch nước chủ trì. Sau khi vắn tắc tuyên bố kết quả thử nghiệm và xác nhận biển nhiễm độc, nguyên nhân hiện chưa rõ, Chủ tịch tuyên bố hai nghị quyết của chính phủ: 1/ Tạm thời ngăn cấm mọi hình thức kinh doanh, biến chế hải sản trong khu vực bị nhiễm độc, 2/ Ngân sách cứu trợ những ngư dân nghèo trong khu vực. Sau khi kết thúc với đôi lời về nhân dân anh hùng, cả nước đồng lòng, đoàn kết tương trợ vân vân, Chủ tịch nhường lời cho các bộ trưởng trả lời phóng viên.
Nghi vấn về tàu Trung quốc rải độc được Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định là hoàn toàn không có chứng cớ cũng như không có động lực gì để một cường quốc gây ra một tội ác như thế. Nhà nước đang hợp tác điều tra với các bạn nước bạn và sẽ cập nhật thông tin với toàn dân.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về ảnh hưởng của độc tố, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh là rất nguy hiểm, tác hại lâu dài, không thể coi thường. Một bộ trưởng khác trình bày kế hoạch nhanh chóng thiết lập các trạm quan trắc để thường xuyên lấy mẩu và đo lường sự thay đổi về hàm lượng của các độc tố trong nước và trong xác cá vẫn trôi vào bờ. Bà tin tưởng các chuyên gia sẽ có đủ dữ liệu để dự đoán mức độ lan rộng cũng như thời gian để các độc tố phân tán dưới mức an toàn.
Kết quả sẽ được cập nhật mỗi ngày qua truyền thông.
Câu hỏi sau cùng của buổi họp báo hôm ấy là nguyên nhân khả dĩ nhất gây ra hiện tượng này. Người trả lời là Bộ trưởng Đại học. Ông cho biết là gần đây có rất nhiều hiện tượng cá chết hàng loạt trên thế giới, nhưng đủ loại cá, sống ở nhiều độ sâu khác nhau cùng chết một lúc với độc tố cao như thế trong xác thì chưa từng thấy. Hàm lượng kim loại nặng và một số độc tố là một dấu hiệu nhân tạo nhưng từ đâu và thế nào thì vẫn chưa có giả thuyết khả kiểm nào. Ông nói thêm là nhiều giáo sư và chuyên gia đã được phép liên lạc với đồng nghiệp nước ngoài của họ để cùng hợp tác điều tra và nghiên cứu.
Mấy ngàn giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài nước cùng lăn lóc, đo đo thử thử. Ai cũng muốn lập công đầu, được danh là người đã khám phá ra nguyên nhân. Một tuần, hai tuần, ba tuần… thời gian trôi qua. Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng hơn. Các thuyết âm mưu, mê tín dị đoan lan tràn trên mạng. Nhưng những cuộc họp báo thường xuyên, cập nhật thông tin của những cán bộ, chuyên gia, có cả người nước ngoài tham dự đã gây được niềm tin trong dân vào sự trung thực và nổ lực của nhà nước.
Tuy đời sống kinh tế, nhất là dân nghèo miền Trung, càng lúc càng khó khăn hơn trước nhưng những biện pháp cứu trợ của chính quyền với sự trợ giúp quốc tề và nhất là ấn tượng trung thực của chính quyền đã giữ vững dân tình. Ngư dân miền Trung đã trở thành chuyên gia theo dõi và đọc kết quả thử nghiệm được công bố mỗi ngày
Hai tháng sau, tuy nguyên nhân nhiễm độc vẫn chưa được tìm ra, nhưng không còn xác cá mới, hàm lượng độc tố trong nước đã xuống đủ chuẩn nước sạch. Ngư dân lại dong buồm ra khơi. Toàn bộ Trung Ương Đảng đến thăm Vũng Áng, cùng bơi một vòng dưới biển và lên ăn cá nướng mới đánh ngoài khơi vào. Khúc phim Tổng bí thư bơi chó lõm bõm và bà chủ tịch Quốc hội nhồm nhoàm nhai cá bị nhiều người giễu cợt, nhưng người dân địa phương nhớ mãi cảnh này với lòng quý mến. Đời sống trở lại tương đối bình thường, khó khăn hơn, cá tôm ít hơn, nhưng không có những tiếng mắng trách chính quyền thiếu trách nhiệm, vô lương tâm.
Tại sao cá chết vẫn là một bí ẩn.
Hơn bốn mươi mốt năm trước, một kiện hàng rất lớn đã được đưa xuống một chiếc tàu ngầm để bí mật đưa về Mỹ. Kiện hàng tuyệt mật này là kết quả của một công trình tốn kém dùng quỹ đen của CIA, ngoài tầm kiểm soát của Quốc hội Mỹ. Đây là một vũ khí hoá học bí mật, bất hợp pháp, có thể phá hoại môi trường biển và nguồn thực phẩm của một quốc gia để tạo điều kiện lật đổ chính quyền. Vũ khí này đã được nghiên cứu và chế tạo tại một cơ sở bí mật trong vịnh Cam Ranh.
Mùa xuân 1975, các chính khách náo loạn trước cảnh Việt Nam Cộng Hòa sẽ sụp đổ, Đệ thất hạm đội Mỹ kéo vào để chuẩn bị di tản. Chiến hạm và tàu ngầm trinh sát của Liên Xô kéo vào để theo dõi hải quân Mỹ. Các khoa học gia bí mật của CIA đã lặng lẽ triệt hạ cơ sở nghiên cứu tại Cam Ranh và đem thứ vũ khí tối mật, tối độc này xuống tàu ngầm về Mỹ theo lệnh từ sâu trong lòng tổng hành dinh CIA ở Langley. Để tránh bị hải quân Liên-xô phát hiện và theo dõi, tàu ngầm bí mật của Mỹ đã đi ngược về phiá Bắc vào sâu trong hải phận Bắc Việt trước khi vòng ra Thái Bình Dương. Langley đã suy tính rằng hải quân Việt, Trung không đủ thực lực để phát hiện tàu ngầm.
Hệ thống siêu âm bị hỏng bất ngờ lúc tàu ngầm đang chạy nhanh ngoài cửa biển Vũng Áng và bị kẹt cứng trong một khe đá. Thuyền trưởng hạ lệnh bắn một quả bóng nhỏ lên mặt nước để phát sóng qua vệ tinh về Langley. Bức điện trên tần số cao tối mật báo cáo tọa độ tàu và 3 chữ SOS. Vì sợ chương trình bất hợp pháp này sẽ bị lộ, từ sâu trong lòng CIA đã có quyết định lặng lẽ để các thủy thủ, khoa học gia bí mật cùng kiện hàng tai quái vĩnh viễn nằm ở đáy biển. Nhưng nước biển và thời gian…
Trong câu chuyện tưởng tượng này có một vài điểm không đúng với thực tế về địa lý cũng như kỹ thuật. Với khả năng định vị nguồn phát độc bằng cách trắc giác (triangulate) sự thay đổi nồng độ (concentration gradient) của độc tố cùng các thiết bị dò tìm của công nghệ hiện đại thì tìm ra nguồn phát độc trong một vùng biển không sâu hơn 1000 m là chuyện khá dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng nếu người đọc bỏ qua những sơ hở không quan trọng này thì sẽ thấy điều tôi muốn minh họa hoàn toàn hợp lý, cả vật lý và tâm lý.
Chính quyền hoàn toàn có đủ phương tiện và biết phương pháp (hiển nhiên đến nhàm) để đối phó một cách hợp lý. Khi nguyên nhân quả thật là bí ẩn, khi kết quả điều tra và cách đối phó không những sẽ giúp dân mà còn chứng tỏ sự hữu hiệu của chính quyền thì tất nhiên họ sẽ nhanh chóng làm tất cả những điều cần làm và nên làm như trong tình cảnh tưởng tượng này.
Trong thực trạng hiện nay, cùng một tai họa do một nguyên nhân khác, chính quyền đã hành động, phát ngôn ngớ ngẩn với sự im lặng hay tệ hơn nữa, sự biện hộ của những người trí thức vẫn được ăn trên ngồi trước quần chúng. Tại sao thế?
Xin thưa, theo tôi, vì từ giờ phút đầu, họ đã nghi ngờ và càng lúc càng biết chắc nguyên nhân chính là chất độc Formosa thải vào biển. Họ không dám thử, nếu thử cũng không dám công bố kết quả thử nghiệm. Họ đành phải tung ra một chiến dịch mị dân với những lời hoàn toàn rỗng tuếch như “tích cực điều tra”, “nghiêm khắc xử lý theo pháp luật”. Họ có một đạo quân, hoặc thành thật ngu muội hoặc tinh ranh gian trá, kêu gọi chờ thông tin chính thức, “chưa có chứng cớ” vân vân nhân danh tư duy khoa học.
Họ không hiểu hay cố tình lừa gạt dân về “tư duy khoa học”? Trước khi đi đến đáp số của một bài toán, em học sinh trung học nào cũng phải trình bày phương pháp giải toán. Phương pháp khoa học chỉ là sự phỏng đoán theo suy luận và kiểm chứng bằng thực nghiệm một cách minh bạch công khai. Một điều sơ đẳng mà họ không làm, hay không dám làm. Họ chỉ đưa ra những giả thuyết để kết luận “chưa rõ, chưa biết” một cách vu vơ. Họ mong rằng, với thời gian, vụ việc sẽ trôi qua trong nghi vấn, quần chúng sẽ bị cuốn hút vào những chuyện khác. Có lẽ họ không sai về điểm này.
Vâng, tôi đã tưởng tượng ra câu chuyện này để nói rằng một đội ngũ mũ cao áo dài mang danh trí thức chuyên gia đã thiếu lương tâm và tri thức trung thực. Nhưng có thể tôi sai, có thể họ không bất lương mà bất trí, đã quen với những giáo điều xơ cứng, quan liêu trong thái độ, nô lệ trong tư duy. Có thể họ không hiểu cần phải làm gì, và cảnh tượng tôi trình bày trong câu chuyện trên không phù hợp với trình độ của quan chức ngày nay.
Ôi, những người mũ cao áo dài, chuyên gia, quan chức, giáo sư, tiến sĩ. Bất lương hay bất trí? Đâu còn cách giải thích hợp lý nào khác nữa. Chọn cái nào, hay chọn cả hai cũng được. Họ không có đủ tư cách để chê dân ngu khu đen.
————–

Blog Kim Dung/Kỳ Duyên

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Cách mạng Văn hóa và món nợ sự thật lịch sử


_63290681_glizhensheng

Nguồn: Liu Xiaobo, “The Cultural Revolution at 40”, Project Syndicate, 26/05/2006.
Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Cuộc Đại Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng đến tháng này (5/2006) là  tròn 40 năm, nhưng dù cho đã qua 20 năm tự do hóa kinh tế, vết thương của nó vẫn còn là chủ đề cấm kị. Nhà cầm quyền ngày nay vẫn chưa dám đối mặt với quá khứ cũng như trách nhiệm đạo đức của mình. Do đó, ba mươi năm sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, cuộc tự đánh giá cần thiết ở cấp độ quốc gia về sự kiện này vẫn chưa bắt đầu.
Tất nhiên, Đảng Cộng sản đã coi cuộc Cách mạng Văn hóa là một “thảm họa”, một đánh giá được ủng hộ bởi quan điểm chính thống. Nhưng chính quyền Trung Quốc chỉ cho phép thảo luận về cuộc Cách mạng Văn hóa trong khuôn khổ chính thống này, đàn áp mọi sự phê phán không chính thức khác. Các nhận định chính thức nói chung, và việc sử dụng Lâm Bưu (từng là Phó Chủ tịch và là người được chọn kế vị Mao Trạch Đông, nhưng sau này đã nổi dậy chống lại ông) và “Tứ nhân bang” như kẻ chịu trách nhiệm chính, đang che lấp đi lỗi lầm của Mao và Đảng, cũng như các khiếm khuyết cố hữu của hệ thống.
Nhân vật chính của Cách mạng Văn hóa, những người đã thực hiện quá nhiều hành động bạo lực một cách thiếu suy xét, vì thế đã giữ im lặng hoặc đưa ra những lời bào chữa không trung thực. Hầu hết các nạn nhân cũng sử dụng các lý do khác nhau để kìm nén kí ức của họ. Cả những người đi bức hại và bị bức hại đều chỉ sẵn sàng nói về việc họ đều là những nạn nhân.
Ví như Phong trào Hồng vệ binh cuồng tín đã nuốt chửng hầu hết thanh thiếu niên ở độ tuổi tốt đẹp nhất của đời họ. Mặc dù vậy, một vài cựu Hồng vệ binh vẫn giữ im lặng, cho rằng, “việc này không đáng để nhớ đến”. Trong những ngày đầu của Cách mạng Văn hóa, Phong trào Liên minh (Allied Movement) tại Bắc Kinh, được hình thành bởi con của các cán bộ cao cấp trong Đảng, đã thực hiện các hành vi bạo lực khủng bố, hoạt động với khẩu hiệu, “Nếu cha là anh hùng con sẽ là hảo hán, nếu cha là phản động con sẽ là trứng thối.”
Nhưng các hồi ký của đội quân tiên phong nổi loạn về những năm tháng đó chỉ nêu rõ sự đam mê và chủ nghĩa lý tưởng thuần khiết của tuổi trẻ, hay đau khổ của bản thân và của cha mẹ họ. Họ không hề đề cập đến các cuộc tấn công dã man, phá hoại và cướp bóc hoặc những phiên tòa xét xử không luật lệ của mình. Những người từng tham gia cuộc cách mạng từ chối thảo luận về sự kiêu ngạo kiểu “Đỏ bẩm sinh” của họ hoặc đề cập đến việc họ đã nổi loạn vì muốn có quyền lực. Tồi tệ hơn, họ không thể hiện sự hối hận gì đối với những nạn nhân của mình.
Cách mạng Văn hóa đã càn quét khắp Trung Quốc. Có quá nhiều người phải chịu đựng đến nỗi khó mà thống kê được chính xác con số nạn nhân. Điều này càng đúng hơn đối với những kẻ tham gia bức hại. Tuy nhiên cũng có một số ít người sám hối và xin lỗi. Sự khủng bố của Hồng vệ binh, những cuộc đấu tranh vũ trang giữa các bên nổi loạn, các đội hình được thiết lập để “thanh lọc” các giai cấp xã hội, và tất cả các vụ thảm sát đẫm máu đơn giản đã bị để cho lãng quên trong ký ức của người Trung Quốc. Đúng là lệnh cấm chính thức đang ngăn chặn việc nhìn nhận lại sự kiện này, nhưng chính sự yếu đuối của con người và lợi ích ích kỷ của những kẻ tham vọng sự nghiệp trong số những người tham gia Cách mạng Văn hóa đã làm bệ đỡ cho những lệnh cấm đó.
Hãy xem trường hợp của Diệp Hướng Chân (Ye Xiangzhen), con gái Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, người từng thảo luận các trải nghiệm thời Cách mạng Văn hóa của gia đình mình trên truyền hình. Trong giai đoạn đầu của Cách mạng Văn hóa, bà đóng vai trò kép: con gái của một nguyên soái Trung Quốc và thủ lĩnh phong trào nổi loạn tại Trường Đại học Nghệ thuật ở thủ đô. Bà phàn nàn rằng bà đã “quá nổi tiếng”, “quá tích cực”, và “quá căng thẳng” vào thời điểm đó, và bà kể lại những chi tiết cụ thể về cách mà vợ của Mao là Giang Thanh đã bức hại gia đình ông Diệp và những đứa con họ Diệp đã phải vào tù như thế nào. Tuy nhiên bà chỉ có 58 từ nói về vai trò thủ lĩnh Hồng vệ binh của mình – không có chi tiết hay lời giải thích về việc bà gia nhập như thế nào, các hoạt động mà bà tham gia, hay bà có liên quan đến các “tra tấn thể xác” hay bức hại những người khác hay không.
Việc kêu gọi những người sử dụng bạo lực và bức hại người khác xem xét bản thân và ăn năn không phải nhằm mục đích thực thi nghĩa vụ pháp lý và phán xét đạo đức. Nhưng ít nhất nó sẽ khôi phục sự thật về Đại Cách mạng Văn hóa, tổng kết các bài học kinh nghiệm để tránh lặp lại sai lầm. Tích cực hơn, việc phục hồi sự thật sẽ chống lại bản năng truyền thống của Trung Quốc là đổ nguyên nhân thảm họa cho các thế lực bên ngoài, và có thể dẫn tới sự khai sáng tinh thần cho một dân tộc đang đấu tranh tìm kiếm giá trị trong một đất nước Trung Quốc mới đang nổi lên.
Tất nhiên, người có trách nhiệm lớn nhất trong thảm họa Cách mạng Văn hóa là Mao, nhưng ông vẫn là “vị cứu tinh” của Trung Quốc. Những đứa con của các cán bộ cao cấp dưới thời Mao, những người hưởng ánh hào quang lớn nhất trong Cách mạng Văn hóa, giờ đây lại là những người hưởng lợi nhiều nhất từ cải cách kinh tế ngày nay.
Nhưng sự im lặng kéo dài của những người từng phạm phải sai trái này chỉ mang đến thiệt hại cho toàn thể xã hội, với việc cuộc sống của người Trung Quốc bị bóp méo bởi sức nặng của những dối trá và sự lảng tránh. Vì các thế hệ nối tiếp nhau sống mà phủ nhận thực tế, những lời nói dối sẽ làm lệch lạc tất cả những gì họ chạm vào. Người Trung Quốc sẽ không biết đến sự trung thực cá nhân hay sự thật lịch sử, và họ sẽ lại liên tục lạm dụng, bỏ qua hoặc từ bỏ các cơ hội lịch sử
Một khi cuộc Cách mạng Văn hóa vẫn chưa được giải thích rõ ràng, nó sẽ không bao giờ kết thúc. Nếu sự thật lịch sử không được khôi phục, người ta sẽ không thu được bài học nào cả. Không của cải vật chất nào có thể khiến Trung Quốc trở thành một xã hội lành mạnh nếu thiếu đi sự phán xét cần thiết này đối với quá khứ.
Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) là nhà phê bình văn học và chính trị, đồng thời là Chủ tịch của Trung tâm Văn bút quốc tế Trung Quốc (PEN).
Hình: Một vụ xét xử thời Cách mạng văn hóa. Nguồn:  Li Zhensheng và BBC.
Copyright: Project Syndicate 2006 – The Cultural Revolution at 40
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/05/17/cach-mang-van-hoa-su-that-lich-su/#sthash.tQJjlxx5.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đang mùa gà chết dịch chả cứ ăn cá. Các bác có thì giờ thì nên xác minh các thứ khác. Để ý mấy con gà làm gì, mất thời giờ?

Đà Nẵng xác minh thông tin gà ăn cá biển lăn ra chết

VNExpress
Thứ hai, 16/5/2016 | 14:20 GMT+7

Người dân có gà bị chết cho rằng do ăn cá biển, tuy nhiên chính quyền sở tại nói qua xác minh những con gà này chết vì "ăn quá no".

Trao đổi với VnExpress trưa 16/5, ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), xác nhận một hộ dân trên địa bàn sau khi mua cá biển ở chợ về cho gà ăn thì gần nửa trong đàn gà 15 con lăn ra chết.

"Chúng tôi đã xuống xác minh, thấy gà ăn quá no nên chết, nhưng người dân lại phao tin là do ăn cá biển. Thú y cũng lên kiểm tra rồi, nguyên nhân không phải do ăn cá", ông Việt nói. 

Hôm 1/5, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã xuống biển Mỹ Khê tắm 
để khẳng định nước biển an toàn. Ảnh: Ngọc Trường.

Theo Chủ tịch phường, hộ gia đình này nuôi gà trong vườn, số lượng nhỏ, lâu lâu mới cho ăn mồi nên những con gà thấy cá đã ăn no. "Do số lượng gà chết ít nên chúng tôi không lấy mẫu kiểm tra", ông Việt nói thêm. 


Trong khi đó, ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đà Nẵng, cho biết đã cho cán bộ lên kiểm tra để thông tin rộng rãi đến dư luận. "Gà ăn cá rồi chết thì hy hữu, nhưng mọi thứ phải kiểm tra lại", ông nói.

Trước đó hồi cuối tháng 4, bờ biển Đà Nẵng xuất hiện cá chết rải rác. Nhà chức trách vào cuộc, thông báo 'có 17 con cá chết dạt vào bờ biển'. Sau đó, cá chết rải rác vẫn xuất hiện ở Đà Nẵng.

Kết quả kiểm tra mẫu nước biển ở Đà Nẵng cho thấy biển an toàn. Các lãnh đạo sở, ngành cùng Chủ tịch thành phố và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã xuống biển tắm, ăn hải sản để động viên tâm lý người dân và du khách. Các điểm bán cá sạch cũng được phân bổ ở các chợ trên địa bàn.

Trong tháng 4, tình trạng cá biển chết dạt vào bờ biển nặng nhất từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Các địa phương này đều khẳng định nước biển qua kiểm tra, phân tích mẫu đều đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nguyên nhân cá chết vẫn chưa được công bố. 
Ngọc Trường
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giám đốc ôm tỷ đồng lương công nhân bỏ trốn


Nhận số tiền 2 tỷ của công ty để để trả tiền tạm ứng cho công nhân, vật tư, máy móc... thế nhưng ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc chi nhánh Thanh Oai bỗng nhiên mất tích.
Liên quan đến vụ việc một nhóm công nhân từ Hà Tĩnh, Ninh Bình... vạ vật bám trụ tại Công ty CP COMA 18 có trụ sở tại 135, đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội để đòi lương. Họ là nhưng công nhân có HĐLĐ ngắn hạn với Chi nhánh Thanh Oai của Cty CP COMA 18, thi công tại công trường Formosa (Hà Tĩnh) trước đây, nhưng đang bị nợ lương.
Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Công ty CP COMA 18 để làm rõ thông tin về vụ việc này.
Trao đổi với phóng viên, bà Dương Thị Thu Hà, Trưởng phòng tổ chức Công ty COMA18 cho biết, những người này không ký hợp đồng lao động với công ty COMA18, mà đây là hợp đồng lao động thời vụ.
Formosa, Giám đốc chi nhánh Thanh Oai, Công ty CP COMA 18, giám đốc thi công bỏ trốn
Công nhân vạ vật đợi công ty trả lương.
“Công ty CP COMA 18 có các chi nhánh trực thuộc và trong đó có chi nhánh Thanh Oai và có bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nam làm giám đốc chi nhánh. Sau đó, công ty có ký hợp đồng giao khoán với chi nhánh Thanh Oai, đương nhiên chi nhánh Thanh Oai sẽ bố trí nhân lực và vật lực để thực hiện dự án đó. Công ty chỉ biết khoán cho chi nhánh và chi nhánh sẽ nộp tiền về. Như vậy là công ty và chi nhánh làm hợp đồng kinh tế giao khoán và quan hệ dân sự”, bà Hà cho biết.
Thông tin tiếp với phóng viên bà Hà cho rằng, việc ông Nam có ký hợp đồng lao động với nhóm công nhân đó không hay chỉ giao dịch bằng lời nói thì Công ty CP COMA 18 không hề hay biết.
“Tháng 4/2015, ông Nguyễn Văn Nam có nhận hơn 2 tỷ của công ty để trả tiền tạm ứng cho công nhân, vật tư, máy móc… thế nhưng ông Nam đi mất. Và sau đó, công ty phải đưa người khác vào thay thế ông Nam để tiếp tục thi công dự án”, bà Hà thông tin.
Formosa, Giám đốc chi nhánh Thanh Oai, Công ty CP COMA 18, giám đốc thi công bỏ trốn
Công ty CP COMA 18, nơi công nhân đang vạ vậy đòi lương.
Khi được đề cập tới việc công ty sẽ giải quyết thế nào trước việc nhóm công nhân gửi đơn đề nghị thanh toán tiền lương, bà Hà cho rằng, về hợp đồng lao động giữa công ty COMA18 với những người này là không có nên công ty không có nghĩa vụ và trách nhiệm trả tiền lương cho những công nhân này. Thế nhưng, về tình người thì công ty đang giải quyết cho công nhân bằng cách ứng tạm tiền cho chi nhánh vay, sau đấy đợi khi nào công trình hoàn thiện thì mới làm thanh quyết toán.
“Trước đó, nhóm công nhân này đã ra đòi thì công ty cũng đã tạm ứng, lần thì 3 triệu đồng, lần thì 5 triệu đồng và lần này là 4 triệu đồng. Còn số nợ thì công ty không thể hẹn ngày nào được vì công trình chưa hoàn thiện chưa thể thanh quyết toán được. Phía công ty đang truy tìm ông Nam để quay về có nghĩa vụ thanh toán cho công ty và đồng thời phía công ty đã có trách nhiệm báo cáo lên Tổng công ty, Bộ xây dựng. Bây giờ cơ quan chức năng bắt được ông Nam về bồi thường cho công ty thì công ty sẽ thanh toán hết cho công nhân”, bà Hà cho hay.
Như vậy, dư luận đặt ra câu hỏi khi nào những công nhân này mới thanh toán hết số tiền lương của mình dù nhiều lần từ Hà Tĩnh ra tận ngoài này để đề nghị thanh toán.
Ngày 12/5, hơn chục công nhân vạ vật bám trụ tại Công ty CP COMA 18 có trụ sở tại 135, đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội để đòi lương. Họ là nhưng công nhân có HĐLĐ ngắn hạn với Chi nhánh Thanh Oai của Cty CP COMA 18, thi công tại công trường Formosa (Hà Tĩnh) trước đây, nhưng đang bị nợ lương. Theo các công nhân cho biết, họ làm việc đến tháng 8/2015 thì nghỉ do hết công trình nhưng Công ty CP COMa 18 mới chỉ thanh toán tiền lương tháng 3 và cho tạm ứng đến tháng 4/2015. Cho đến nay, nhiều lần làm đơn đề nghị thanh toán, thế nhưng công ty chỉ cho tạm ứng mỗi người một ít.
(Theo ĐS&PL)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khi có những người Trung Quốc đang đi rất nhanh

Người Việt có quyền chỉ trích, lên án những mảng tồi tệ của người hàng xóm khó chịu, và chủ đề này sẽ không bao giờ kết thúc. Nhưng thật đáng tiếc nếu chỉ có thế. Chỉ thế thôi thì dân tộc Việt cũng không tốt hơn được.
Một giáo sư Nhật vừa sang Việt Nam hỗ trợ tuyển sinh cho một trường đại học lớn chia sẻ thông tin: các trường đại học Nhật đang có nhiều học sinh Trung Quốc theo học, và xu hướng tiếp tục tăng mạnh.
Các học sinh này nói tiếng Nhật thông thạo, thậm chí ở một số môn học ngành tài chính, kinh doanh, họ học vượt trội cả sinh viên Nhật. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ là đối thủ cạnh tranh của chính các bạn trẻ Nhật trong thị trường việc làm tại các công ty giao thương giữa hai nước.
“That’s terrify. But they’re our customers anyway” (Thật đáng lo sợ. Nhưng dẫu sao họ cũng là khách hàng của chúng tôi) - ông giáo nói. Những thanh niên Trung Quốc này đang cạnh tranh “sòng phẳng” trên đất Nhật, với luật chơi của Nhật, bằng năng lực và ưu thế riêng của họ.
Trên bản đồ đánh dấu vị trí người học của một khóa học online về công nghệ thông tin của Trường UC San Diego trên Coursera, Ấn Độ dẫn đầu về số lượng học sinh trong khu vực châu Á với 409 học viên, tiếp sau là Trung Quốc với 70 người, cả mấy nước Asean gộp lại chỉ có vẻn vẹn 13 chấm đỏ.
Tương tự, ở một số môn học khác trên các khóa học online, học viên Trung Quốc cũng nhiều áp đảo so với cả mấy nước Đông Nam Á gộp lại. Coursera là một hệ thống giáo dục online lớn với hàng trăm trường đại học hàng đầu thế giới về hầu hết các ngành học.
Cùng các hệ thống khác như EDX, Open Campus của một số trường đại học, Coursera mở ra cơ hội học tập cho hàng triệu người trên thế giới về nhiều chủ đề khác nhau. Học viên từ các nước nghèo có thể đăng ký học bổng để được miễn học phí. Tất cả những gì còn lại là ý chí “muốn học” hay không. Người Trung Quốc có vẻ khôn ngoan tận dụng cơ hội này.
Bản thân tôi từng học cùng nhiều học viên Trung Quốc. Tôi cố tỏ ra khách quan nhất có thể để hiểu tại sao họ lại có thành tích cao và được nhiều người “nể”. Ai đó có thể phê phán động cơ học tập của họ là quá thực dụng - như phải đạt được điểm cao để vào công ty nọ, hoặc cho rằng họ không học cân bằng, ít chú trọng đến các môn xã hội, luật... mà chỉ chăm chăm vào các môn học kinh tế, thống kê, kế toán.
Cũng có người chê họ lập luận phi logic trong các lớp học về khoa học chính trị... Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận: họ học giỏi trong những môn mà họ định sẽ học giỏi. Năm tôi tốt nghiệp, một học viên Trung Quốc được chọn làm đại diện cả khóa lên phát biểu thay mặt các học sinh quốc tế.
Người bạn làm kinh doanh phần mềm đến Bắc Kinh để gặp gỡ một số quan chức và “thiết lập mối quan hệ” để mở rộng cơ hội làm ăn. Anh cảm thấy thật khó khăn. Anh di chuyển tiếp đến Thượng Hải và dường như được sang hẳn một đất nước khác dù vẫn dùng chung tấm visa.
Khách hàng ở Thượng Hải nghe câu chuyện khó khăn của anh ở Bắc Kinh rồi nói: “Beijing? Let them do the talk. Here we do the work” (Bắc Kinh à? Để họ nói, còn chúng tôi ở Thượng Hải đây thì làm).
Trong lúc Trung Quốc bị phê phán về vi phạm bản quyền nghiêm trọng, họ cũng lại đang được khích lệ vì đổ tiền vào nghiên cứu và phát triển. Trong lúc khách du lịch Trung Quốc bị chê là “trọc phú” tiêu tiền, ở Trung Quốc lại cũng đang có nhiều triển lãm, giáo dục âm nhạc, hội họa để vực dậy văn hóa của họ.
Người Trung Quốc viết nhiều chuyện tiếu lâm về các thói hư tật xấu của mình. Người Việt cũng có thể dành nhiều giờ để nói về các tật xấu của người Trung Quốc. Ta chê họ nói to nơi công cộng, không xếp hàng, không logic trong lập luận. Ta phê phán họ dân tộc tính phi lý, đòi hỏi các quyền lợi vô lý.
Ta có thể công kích sự tham lam vô lối của Trung Quốc qua rất nhiều ví dụ kinh tế, chính trị. Nhưng cũng phải tỉnh táo nhận ra rằng ở nước Trung Quốc hiện đại vẫn đang có rất nhiều người làm việc, nhiều người sáng tạo. Nhận ra để làm gì? Để thấy rằng những người này đang đi nhanh, họ đang kéo cả dân tộc đó đi, và không khéo thì chúng ta đi rất chậm so với họ.
Người Việt có quyền chỉ trích, lên án những mảng tồi tệ của người hàng xóm khó chịu, và chủ đề này sẽ không bao giờ kết thúc. Nhưng thật đáng tiếc nếu chỉ có thế. Chỉ thế thôi thì dân tộc Việt cũng không tốt hơn được.
Để thật sự thay đổi thế so sánh, các cá nhân người Việt phải nhìn vào những cá nhân người Trung Quốc đang chạy rất nhanh, rất xa, và đúng đường về mặt giáo dục, khoa học kỹ thuật, kinh tế.
Có lẽ, những cá nhân Việt, chứ không phải đám đông chung chung mơ hồ, cần phải đặt mình vào thế tương quan với những cá nhân Trung Quốc đang học tập, đang làm ăn, đang đi theo hướng phát triển văn minh để nỗ lực vượt lên. Dường như đó là một cách bền vững để ta có đủ bản lĩnh đường hoàng đối mặt với những thách thức mà sự chênh lệch và cả tương đồng giữa hai bên đang mang lại.
Theo TUỔI TRẺ ONLINE
Phần nhận xét hiển thị trên trang

đừng đụng vào ta!


 
Ba điều ước...
Có một quý cô cực kỳ xinh đẹp ,cha mẹ cô mất đi để lại một gia tài khổng lồ . Cô chỉ việc hưởng thụ bên chú mèo tam thể mà không lúc nào rời cô nửa bước.
Bao nhiêu chàng trai đến dụ tình rồi dụ tiền chẳng bao lâu nhan sắc phai tàn , gia tài khánh kiệt. Cô hận đàn ông lắm...
Cô quỳ gối trước mẹ quan thế âm bồ tát cứu khổ cứu nạn cầu xin. Phật Bà nói : ta thấy lâu nay con thành tâm lễ Phật ta sẽ ban cho con 3 điều ước nhưng nói trước để con biết 3 điều ước nay Vĩnh viễn không thay đổi khi đã ứng nhiệm.
Quý co không suy nghĩ nói: Mô phật cho con được giàu có và xinh đẹp như xưa!!!

Phật Bà từ tốn cầm cành trúc vẫy một cái quý co trở nên xinh đẹp bội phần và giàu có như xưa. Còn điều ước thứ 3 co suy đi nghĩ lại mãi vì thế giới đàn ông lừa tiền đoạt tình cô mối hận đó không bao giờ thay đổi. Chợt thấy chú mèo tam thể đang quanh quẩn bên chân... Đúng rồi chỉ có mày là chung Thuỷ với tao nhất.
Mô Phật xin Đức Phật hãy biến con mèo của con thành một chàng hoàng tử Tuấn tú , thông minh...
Phật bà cầm cành trúc vẫy một cái lập tức chú mèo biến thành một hoàng tử khỏi ngô Tuấn tú như trong truyện cổ tích hiện ra.
Ôi... Chàng ơi... Niềm mong ước của em nay đã thành hiên thực... Chằng bỏ công em ngày đêm cầu nguyện!!! Hãy ôm em vào lòng ta sẽ động phòng hoa chúc...
Đừng xin đừng đụng vào ta...
Ôi sao vậy chàng. ?
Nàng không nhớ sao , cách đây 3 tháng nàng đã THIẾN ta rồi ta làm gì có khả năng đàn ông nữa...!!!
Trời ...!!!
P/S: Khả năng sáng tạo cũng có thể gặp điều tương tự !
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bài học Minamata



Nguyên Mẫn
Bà mẹ của Uemoko Tomura, bênh nhân Minamata, đang tắm cho con. Ảnh: Eugene Smith (3)
Ngày chủ nhật, 1 tháng 5 năm 2016, thành phố Minamata đã làm lễ tưởng niệm các nạn nhân của chứng bệnh nhiễm độc thủy ngân Minamata, và kỷ niệm 60 năm ngày chứng bệnh này được chính thức công nhận (1).
Minamata nguyên là một làng nhỏ, thành lập vào cuối thế kỷ 19, cạnh vịnh Minamata, phía tây của đảo Kyushu, miền nam nước Nhật.  Dân chúng sinh sống bằng nghề nông và đánh cá.  Đến năm 1907, dân làng với hy vọng được hòa nhập vào tiến trình phát triển công nghiêp của nước Nhật vào thời kỳ ấy, đã thuyết phục công ty Chisso lập nhà máy tại làng. Chisso, thoạt đầu, là một công ty chuyên sản xuất phân bón và carbide, dần dần phát triển thành một công ty hóa dầu và plastic.
Ngay từ đầu Chisso đã không xử lý chất thải công nghiệp xả vào vịnh Minamata, gây thiệt hại cho khu vực đánh cá. Cá chết nổi trên vịnh Minamata ngày càng nhiều và lượng cá đánh bắt giảm đi rõ rệt. Nhưng chủ trương của Chisso là thà bồi thường cho ngư dân Minamata vẫn có lợi hơn là áp dụng các kỹ thuật bảo vệ môi sinh. Từ năm 1932, Chisso bắt đầu chế tạo hóa chất acetaldehyde để sản xuất plastics. Hóa chất này được chế tạo với hợp chất trong đó có thủy ngân (mercury), và thủy ngân cũng được Chisso thải vào vịnh Minamata. Sau thế chiến thứ hai, Chisso nhanh chóng khôi phục lại khu nhà máy ở Minamata, tiếp tục sản xuất acetaldehyde. Đến năm 1953 Chisso đã thành công chế tạo DOP, một chất dẻo dùng cho việc sản xuất PVC.  Số lượng mercury dùng trong qui trình sản xuất PVC ngày càng tăng, hệ quả là vịnh Minamata bị ô nhiễm bởi hợp chất này ngày càng nặng nề.
Thủy ngân khi ở trong môi trường sông nước đã dần dà biến thành hợp chất hữu cơ vô cùng độc hại: methylmercury. Chất hữu cơ này khi được hấp thụ đã tích lũy dần trong các lớp trong hệ sinh vật.  Sinh vật càng cao trong hệ thì lượng methylmercury tích lũy càng nhiều.  Sau cùng, sinh vật cao nhất trong hệ, con người, khi tiêu thụ cá tôm đánh bắt trong vịnh, đã tích lũy trong cơ thể một lượng lớn methylmercury.
Mehtylmercury, một khi được hấp thụ, dễ dàng vượt các tuyến phòng thủ của cơ thể để tấn công bộ não, hủy hoại hệ thần kinh. Đến năm 1956 tác hại của methylmercury mới được dân Minamata phát hiện.
Đầu tiên là hiện tượng nhiều con mèo trong thành phố đột nhiên “nhảy múa” (2) một cách điên dại rồi lao mình xuống vịnh. Tháng năm 1956, bốn nạn nhân của một chứng bệnh lạ lùng được đưa đến bệnh viện thành phố. Họ có cùng những triệu chứng như co giật dữ dội, tay chân và môi bị tê dại, liên tục rơi vào tình trạng điên dại, rồi bị hôn mê vĩnh viễn. Cuối cùng, sau một cơn sốt cao, họ chết. Giới y tế thành phố khám phá ra rằng, đây không phải là những nạn nhân đầu tiên mà đã có gần 20 người ở các làng chài quanh vịnh đã chết với những triệu chứng tương tự.  Nhiều trẻ sơ sinh khi ra đời sau đó đã nhiễm chứng bệnh này, chân tay co quắp, hệ thân kinh bị hủy hoại từ khi còn trong bụng mẹ. Mẫu số chung của những nạn nhân này, và kể cả những con mèo đã tự tử, là đã ăn cá đánh bắt trong vịnh.
Dựa vào đó, những nhà điều tra đã suy ra rằng, cá bị nhiễm độc từ chất thải của Chisso xả vào vịnh. Lẽ dĩ nhiên Chisso chối bỏ lời kết tội này và tiếp tục công việc sản xuất. Đến năm 1958 Chisso lại chuyển địa điểm xả chất thải từ vịnh Minamata sang sông Minamata. Sông này chảy ngang thị trấn Hachimon. Chỉ vài tháng sau những triệu chứng của căn bệnh lạ lùng lại xuất hiện ở vùng Hachimon. Cứ thế chứng bệnh Minamata đã lan truyền đến những vùng lân cận một cách nhanh chóng (4).
Mặc dầu Chisso luôn luôn chối bỏ là đã thải mercury vào sông nước và từ chối hợp tác với các nhà điều tra, nhóm điều tra y học thuộc đại học Kumamoto ở Kyushu, vào tháng 7 năm 1959, đã đưa ra kết luận tạm thời là cá vùng vịnh Minamata đã nhiễm methylmercury (thủy ngân hữu cơ) từ chất thải của nhà máy Chisso. Phân tích chất thải ra vịnh của Chisso cũng như kết quả giảo nghiệm các nạn nhân chứng bệnh Minamata đều cho thấy sự hiện diện của methylmercury ở nồng độ cao.
Chisso phản ứng dữ dội, đưa ra bản báo cáo riêng phủ nhận những kết luận của nhóm đại hoc Kumamoto. Chính quyền Nhật bản cắt đứt tài trợ cho nhóm nghiên cứu y học đại học Kumamoto. Bộ trưởng Công Nghiệp và Thương Mại Quốc Tế, Ikeda Hayato (Thủ tướng Nhật, 1960-1964), chỉ trích việc công bố kết luận về chất thủy ngân hữu cơ của nhóm nghiên cứu đại học Kumamoto, cho rằng đó là nguyên do gây ra xung đột xã hội.
Không còn có thể đánh cá để bán hay để ăn, mất đi cơ sở kinh tế của cuộc sống, một số dân chài đã phải bỏ xứ tha phương cầu thực. Năm 1959 ngư dân Minamata bắt đầu phản đối Chisso, đòi bồi thường thiệt hại. Chisso từ chối bồi thường, viện lý là không có chứng cớ liên kết chứng bệnh với hoạt động sản xuất của nhà máy, chỉ đồng ý cho các nạn nhân còn sống sót một số tiền nhỏ gọi là để cảm thông.
Tháng 11 năm 1959, 4,000 ngư dân vùng vịnh tụ họp đòi quốc hội Nhật kiểm tra vùng bị ô nhiễm. Trên đường về, họ xông vào trụ sở công ty, đập phá dụng cụ văn phòng. Mặc dầu cuộc nỗi loạn của ngư dân bị chỉ trích nhưng chính sự kiện này đã lôi cuốn được sự chú ý của giới truyền thông khắp nước. Sau hơn ba năm, kể từ ngày được phát hiện, chứng bệnh Minamata đã được dân chúng khắp nước Nhật biết đến. Chisso đồng ý bồi thường cho các nạn nhân còn sống hay đã chết với số tiền nhỏ bé (5).  Và Chisso tiếp tục thải thủy ngân vào vùng vịnh cho đến năm 1968 thì ngưng, lý do là thủy ngân không còn cần cho qui trình sản xuất acetaldehyde nữa!
Nhưng cuộc đấu tranh của nạn nhân chứng bệnh Minamata vẫn tiếp tục. Năm 1969 bệnh nhân kiện Chisso đòi bồi thường. Các bệnh nhân và những người ủng hộ họ đã dấy lên phong trào mỗi người mua một cổ phiếu duy nhất để tham gia các cuộc họp thường niên của Chisso. Chisso đối phó bằng cách thuê yakuza (mafia Nhật) để hù dọa, trấn áp các cổ đông này. Trong kỳ họp thường niên ngày 28 tháng 11 năm 1970, Chisso đã ngăn không cho hàng ngàn cổ đông này vào phòng họp bằng cách cho yakuza làm cổ đông và chiếm phòng họp. Cuộc họp kết thúc sau 5 phút, các dự thảo đều được chấp thuận nhanh chóng.
Sau đó các nạn nhân vẫn tiếp tục kiện Chisso và cả chính quyền trung ương và địa phương. Năm 2010 chính quyền Nhật Bản buộc phải can dự, sắp xếp cho những nạn nhân, không được xác nhận mắc bênh Minamata (6) và không nằm trong các vụ kiện chính quyền và Chisso, được bồi thường.  Năm 2014, tòa án khu Kunamoto ra lệnh cho nhà nước, chính quyện Kunamoto và Chisso bồi thường cho ba nạn nhân, không có xác nhận bệnh Minamata, đã kiện họ.  Các bị cáo chối bỏ trách nhiệm về luận cứ là nguyên đơn đã mắc bệnh Minamata do nhiễm thủy ngân.
Minamata là trường hợp ô nhiễm công nghiệp đầu tiên được biết đến. Chứng bệnh Minamata là chứng bệnh do ô nhiễm môi trường đầu tiên được công nhận. Cho đến thế kỷ 21, bài học Minamata cho thấy, ở Minamata cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, người ta vẫn còn sẵn sàng hy sinh quyền lợi con ngưởi để đổi lấy lợi ích kinh tế.  Tuy nhiên, qua kinh nghiệm đắng cay của Minamata, nước Nhật đã học được nhiều bài học bổ ích. Các tổ chức xã hội dân sự gây áp lực buộc chính quyền Nhật lập các cơ quan bảo vệ môi trường, thông qua nhiều đạo luật bảo vệ môi sinh. Các tổ chức thương mại và kỹ nghệ đổ vốn đầu tư vào kỹ thuật sạch (clean technology).  Nhật bản được công nhận là quốc gia có nhiều biện pháp chống ô nhiễm chặt chẽ nhất thế giới.
Bây giờ thành phố Minamata là niềm hãnh diện chung của dân cư trong vùng. Năm 1997 Vịnh Minamata được công nhận là vùng môi sinh an toàn, mọi lệnh cấm đánh bắt và tiêu thụ cá được bãi bỏ. Năm 1999 Minamata được chứng nhận tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001. Đầu thế kỷ 21, năm 2001, Minamata được công nhận là thành phố Sinh Thái (Eco-Town) của Nhật bản. Năm 2008 chính phủ trung ương Nhật bản chỉ định Minamata là thành phô sinh thái kiểu mẫu. Tháng 10 năm 2013, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, một qui ước nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường đối với  hiểm họa của thủy ngân và hợp chất thủy ngân đã được trên 140 nước ký kết, trong đó có Việt Nam.  Qui ước này mang tên “Qui Ước Minamata về Thủy Ngân”.
Như đã đề cập ở đầu bài, Minamata vừa kỷ niệm 60 năm ngày chứng bệnh Minamata được công nhận. 60 năm sau, năm 2076, mong ước chúng ta không phải làm lễ tưởng niệm cho nạn nhân của vụ ô nhiễm Vũng Áng!
___
Chú thích
  1. Ngày 1 tháng 5 năm 1956 đánh dấu ngày cơ quan y tế địa phương công nhận bệnh Minamata là do ô nhiễm từ chất thải công nghiệp. Mãi đến năm 1968, 12 năm sau ngày bệnh được phát hiện, chính phủ Nhật mới công nhận chứng bệnh này là do sự hủy diệt môi trường.
  2. Dân chúng thoạt đầu, khi chỉ quan sát được triệu chứng kỳ lạ của mèo, đã gọi đây là căn bệnh “sốt mèo-nhảy-múa”.
  3. William Eugene Smith (1918-1978), phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng của Hoa Kỳ chuyên về các đề tài nhân bản. Tháng 6 năm 1972 tạp chí Life đã đăng bộ ảnh nạn nhân Minamata, trong đó bức ảnh trên được xem đã góp phần không nhỏ trong việc phổ biến thảm họa ô nhiễm môi trường đến toàn thế giới. Công ty Chisso, muốn Smith ngưng phổ biến bộ ảnh này, đã thuệ Yakuza, giả dạng làm nhân viên công ty, hành hung ông này. Ông bị thương nặng, thị giác của một mắt bị suy giảm hẳn.
  4. Năm 1965 bệnh Minamata lại xuất hiện tại Niigata dọc theo sông Agano. Thủ phạm lần này là một công ty của Showa Denko, cũng dùng thủy ngân trong qui trình sản xuất.
  5. Năm 1959 Chisso trả cho mỗi nạn nhân đã tử vong 300,000 yen (US$ 830) 100,000 yen (US$ 278) cho nạn nhân còn sống sót.
  6. Có hơn 17,000 người trong vùng Kumamoto và Kagoshima đã nộp đơn xin chứng nhận nhiễm bệnh Minamata. Chỉ có 2,264 người được chính quyền công nhận, 10,353 người khác được xem đủ tư cách để nhận tiền bồi thường của công ty Chisso.
Tài liệu tham khảo
1/ Jun Ui, Jun  “Chapter- 4 Minamata Disease”
2/ Minamata Disease Municipal Museum “Ten Things To Know About Minamata Disese”, translated by Timothy S. Geotge and Jane George.
3/ Allchin, Douglas “The Poisoning of Minamata”, https://www1.umn.edu/ships/ethics/minamata.htm.