Cập nhật: 06:15, Thứ 4, 20/05/2015
Đã 23 năm trôi qua, nhưng người dân miền Nhân Phúc (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vẫn còn nhớ như in cái ngày xảy ra vụ án kinh hoàng đó.
Cụ Trần Anh Điền (giữa) bố của nạn nhân Trần Văn Việt trong vụ án ngày 29/11/1992
Và, cũng trong suốt quãng thời gian đó, bố của nạn nhân trong vụ án đó vẫn kêu oan cho hung thủ...
Nguồn gốc của vụ án bắt nguồn từ một vụ tranh chấp đất đai. Chẳng là xã Phú Phúc có hai “miền” là miền Thanh Nga (gồm các đội 1; 2; 3) và miền Nhân Phúc (gồm các đội 4; 5; 6; 7; 8).
Cuối năm 1976, HTXNN Nhân Phúc xã Phú Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 HTXNN Thanh Nga và Nhân Phúc, có quy mô 584 ha đất canh tác, 1.222 hộ xã viên với 5.009 nhân khẩu.
Nhưng do HTX hợp nhất làm ăn không hiệu quả, nên xã viên có nguyện vọng tách HTX ra thành hai như trước. Nguyện vọng này được cấp trên chấp nhận.
Cụ Trần Anh Điền, 81 tuổi, xã viên HTX miền Nhân Phúc, cho biết: Khi tách HTX hợp nhất ra làm hai, lẽ ra đất của HTX nào góp vào HTX hợp nhất bao nhiêu, được trả lại nguyên vẹn bấy nhiêu, thì không xảy ra chuyện gì.
Đằng này huyện lại lấy 56 mẫu đất của Nhân Phúc giao cho Thanh Nga canh tác. Xã viên Nhân Phúc không chịu, vì thế mà xảy ra tranh chấp.
Vụ tranh chấp khiến cho mâu thuẫn giữa hai miền ngày càng trầm trọng. Tháng 1/1992, một số người quá khích của miền Thanh Nga đã kéo sang, đánh 7 người của Nhân Phúc bị thương phải đi viện. Đó là các ông Thông, ông Vót, bà Ngọc, ông Thân, ông Côi, ông Hải, ông Mưu, trong đó ông Vót, bí thư chi bộ đội 4 (Lý Nội) bị đánh gẫy tay.
Bà con miền Nhân Phúc đã có đơn gửi công an huyện Lý Nhân, yêu cầu phải xử lý, giải quyết dứt điểm vụ hành hung này. Tuy công an huyện có hứa, nhưng rồi cuối cùng không giải quyết gì, khiến cho mâu thuẫn ngày càng leo thang. Theo cụ Điền và một số bà con, một số phần tử quá khích người Thanh Nga càng được đà lấn tới, họ phá lúa, phá ngô, phá đay trên cả những diện tích đất canh tác của Nhân Phúc không được cắt về cho Thanh Nga.
Đỉnh điểm là vụ án khủng khiếp, xảy ra tại bãi Bạc Hà ngày 29/11/1992. Anh Trần Ngọc Chương, người Nhân Phúc, có mặt tại đó, đã ghi lại trong lời làm chứng của mình: “Khoảng 14 giờ ngày 29/11/1992, tại bãi Bạc Hà, xã viên Nhân Phúc ra trồng màu trên khu đất được quản lý và canh tác hợp pháp của mình thì xã viên Thanh Nga kéo sang, bắt máy phải ngừng cày và cản không cho xã viên Nhân Phúc sản xuất. Hai bên dùng đất ném nhau. Tôi nhìn rõ bên Thanh Nga có Cự, Toàn, Hồng…
Sau khi dùng đất ném nhau được một lúc, tôi có nghe Hồng nói: “Lý Nhân khôn hồn thì về hết đi không tao tung chết hết”. Sau lời Hồng nói, bà con Nhân Phúc yêu cầu công an sang bắt Hồng (lúc đó tại bãi có 4 cán bộ công an huyện Lý Nhân). Công an đã sang ôm Hồng, nhưng bị dân Thanh Nga ném đất và đánh, nên lại chạy về bên người Nhân Phúc.
Lúc này tôi lại nghe Cự gọi Hồng: “Lý Nội ra đây rồi”, và tôi nhìn rõ Cự, Hồng, Toàn và một số dân Thanh Nga khác chạy ngược lên phía Thanh Lan (khu ruộng xóm 4). Lúc này tôi cũng chạy lên đứng gần anh Hòa - công an huyện Lý Nhân được khoảng vài phút. Đột nhiên anh Hòa ấn tôi nằm xuống (lúc nằm xuống, hai người đều quay đầu về phía dân Thanh Nga) thì lựu đạn nổ.
Sau tiếng nổ, tôi đứng dậy, thấy mình vẫn an toàn, tôi khâm phục trước sự quan sát tinh tường và nghiệp vụ của anh Hòa công an huyện. Khi thấy nhân dân Nhân Phúc bị thương nhiều, các anh công an huyện hỏi tôi: “Có biết tên ném lựu đạn kia là ai không?
Tôi nói với công an huyện: Nó là Cự con ông Thơ ở Thanh Nga. Công an lại hỏi tôi: Có biết nó bao nhiêu tuổi không? Tôi trả lời: Nó khoảng 37 tuổi. Anh công an hỏi rồi lấy vỏ bao thuốc lá ghi tên, tuổi Cự và nói với nhân dân cứ yên chí, chúng tôi có máy ảnh, đã chụp được ảnh rồi”.
Như vậy, căn cứ vào lời của nhân chứng này, thì 4 cán bộ công an huyện Lý Nhân đã nhìn rõ người ném lựu đạn về phía xã viên Nhân Phúc, chỉ không biết tên, tuổi, nên mới hỏi anh Chương “Có biết tên ném lựu đạn kia là ai không”.
Trái lựu đạn nổ đã làm anh Trần Văn Việt (con trai cụ Trần Anh Điền) chết và 21 người (tất cả đều là người Nhân Phúc) bị thương, trong đó có những người bị thương rất nặng như anh Trần Ngọc Ngọc (SN 1973), từ một thanh niên khỏe mạnh, anh Ngọc bị thương ở chân và đầu, phải điều trị nhiều tháng ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hiện nay không đi lại được, người hóa ngơ ngẩn.
Anh Trần Ngọc Ngọc, người bị thương nặng nhất trong vụ án ngày 29/11/1992Sau buổi chiều ngày 29/11/1992, Trần Văn Cự đã bỏ trốn. Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án hình sự “giết người” và “tàng trữ vũ khí trái phép”, khởi tố bị can đối với Cự về hai hành vi trên, đồng thời ra lệnh truy nã Cự trên toàn quốc. Lệnh truy nã này được báo Nam Hà số thứ Ba, ngày 9/2/1993 đăng nguyên văn.
Thế nhưng ngày 23/2/1993, Trần Ngọc Thanh (tức Thủy), SN 1974, người xóm 4 (Lý Nội) bị bắt tại E139 Bộ Tư lệnh Thông tin và di lý về Công an tỉnh Nam Hà (sau ngày 29/11/1992, Thanh nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị trên) để điều tra về hành vi “giết người”.
Đồng thời ngày 27/5/1993, Trần Văn Vót, SN 1949, đang là Bí thư chi bộ xóm 4 (Lý Nội) cũng bị bắt tại trụ sở UBND xã Phú Phúc để phục vụ điều tra về hai hành vi “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí”.
Kết luận điều tra của Công an tỉnh Nam Hà ghi rõ: Trần Văn Vót là người đã tàng trữ, và đưa trái lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh, để Thanh ném vào đám đông bà con xã viên Nhân Phúc vào chiều 29/11/1992, gây nên cái chết cho anh Trần Văn Việt và làm bị thương 21 người (?)
Liệu có thêm hai 'ông Chấn'? - 23 năm, bị hại liên tục kêu oan cho 'hung thủ' Cập nhật: 06:15, Thứ 5, 21/05/2015
Theo gia đình Trần Văn Vót, thì từ khi phải thụ án đến nay, Trần Văn Vót vẫn liên tục kêu oan, và kiên quyết không ký vào bản nhận tội, vì cho rằng mình không có tội.../
Vụ án kinh hoàng
Chị Trần Thị Sang (áo trắng): Chiều ngày 29/11/1992, anh Vót ngồi chơi với chồng tôi. Nghe tiếng nổ anh mới chạy ra bãi
Trần Văn Vót bị VKSND tỉnh Nam Hà truy tố về các tội: “Giết người” với vai trò chủ mưu, đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh ném, và “tàng trữ trái phép vũ khí”, “phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội” “gây rối trật tự công cộng”, còn Trần Ngọc Thanh bị truy tố về hành vi “giết người”.
Ngoài ra, còn một số người khác bị VKSND tỉnh Nam Hà truy tố về các tội danh khác như “gây rối trật tự công cộng”…Trong các ngày 23-26/2/1994, TAND tỉnh Nam Hà đã đưa vụ án ra xét xử.
Cụ Trần Anh Điền tường thuật lại, thì đây là một phiên tòa khá lạ lùng: Các nhân chứng và 21 người Nhân Phúc bị thương không được triệu tập. Ngoài vợ chồng cụ là đại diện cho nạn nhân Trần Văn Việt, thì thân nhân của những bị cáo cũng không được vào tòa.
Bản án số 37 ngày 26/2/1994 của TAND tỉnh Nam Hà tuyên phạt Trần Văn Vót: Tù chung thân về tội giết người, 10 năm tù về tội phá hoại việc thực hiện chính sách xã hội, 2 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí, 3 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng, tổng hợp hình phạt chung cho cả 4 tội là tù chung thân. Phạt Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội “giết người”. Các bị cáo chống án.
Từ ngày 25-27/8/1994, tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã phúc thẩm vụ án trên. Tình hình vẫn không có gì khác trước, những người trên vẫn không được vào tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Bá Khôi viết giấy đưa cho luật sư cầm ra, yêu cầu lực lượng công an bảo vệ phiên tòa cho những người trên vào, nhưng công an không chấp hành. Thấy thế, cụ Điền đã hỏi ông Khôi:
- Ông điều hành phiên tòa hay là công an điều hành phiên tòa? Đã vậy thì tôi không dự tòa nữa.
Rồi cụ bỏ phiên tòa ra về. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh cùng các nhà báo cũng bỏ về theo. Tuy vậy, phiên tòa vẫn tiếp tục. Bản án hình sự phúc thẩm số 1030 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm.
Bản án kết tội Trần Văn Vót đã đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh để Thanh ném vào đám đông xã viên Nhân Phúc chỉ dựa hoàn toàn vào lời khai của Trần Ngọc Thanh.
Tại cả 2 phiên tòa, Thanh đều khai rằng mình không có mặt ở bãi Bạc Hà và cánh đồng Thanh Lan vào chiều 29/11/1992. Nhưng khi bị bắt về trại tạm giam của công an tỉnh, Thanh đã bị dùng nhục hình để ép phải nhận như vậy. Nhưng lời khai tại tòa này không được chấp nhận.
Kể từ sau ngày 29/11/1992, ngày xảy ra vụ ném lựu đạn khiến con trai mình là Trần Văn Việt bị chết, đến nay là 23 năm, cụ Trần Anh Điền liên tục kêu oan cho Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh, với những chứng cứ như:
-Trần Ngọc Thanh không có mặt ở hiện trường khi xảy ra vụ án.
- 4 cán bộ công an huyện Lý Nhân có mặt ở hiện trường đã nhìn rõ lựu đạn được ném từ phía người Thanh Nga sang phía người Nhân Phúc.
Rất nhiều nhân chứng khác cũng đã xác nhận tình trạng Thanh và Vót ngoại phạm khi vụ án xảy ra. Bà Trần Thị Bông, SN 1944, xóm 4 (Lý Nội) xã Phú Phúc, xác nhận: "Chiều ngày 29/11/1992, khi tôi đi về từ nhà bà Chằng, mẹ đẻ tôi, đến ngõ Hải Mạc thì gặp Trần Ngọc Thanh và Đạt đi làm đất về. Ngay sau đó thì tôi nghe tiếng nổ ở ngoài bãi”. Xin lưu ý là từ chỗ bà Bông gặp Thanh đến hiện trường vụ án, khoảng cách là hơn 1km.
Chị Trần Thị Vân, SN 1977, trú quán xóm 4 (Lý Nội) xã Phú Phúc, xác nhận: "Chiều ngày 29/11/1992, tôi đi trồng ngô ở ngoài bãi về, đến nhà chú Thu xóm 4 (Lý Nội) thì nghe tiếng nổ ngoài bãi, khi về đến ngõ nhà bà Nhiệm xóm 4 (Lý Nội) tôi gặp anh Trần Ngọc Thanh đi từ phía Tây Lang về. Anh nói là đi vác đất cho ông Tòng về. Lúc đó anh mặc quần soóc, cởi trần và tay cầm áo”.
Ông Trần Văn Thận, SN 1945, trú quán tại xóm 4 (Lý Nội) xác nhận: "Chiều ngày 29/11/1992, tôi đang lấy bùn ở ao nhà ông Quắc và ông Bàng, đều ở xóm 4 (Lý Nội) để trát lò gạch thì tôi nghe tiếng lựu đạn nổ. Ngay sau đó khoảng 5 phút tôi gặp anh Trần Ngọc Thanh mặc quần soóc, cởi trần, tay cầm áo đi về nhà. Tôi hỏi thì anh trả lời cháu đi làm đất cho ông Tòng”.
Chị Trần Thị Sang, hàng xóm nhà Trần Văn Vót, khẳng định: "Chiều ngày 29/11/1992, anh Vót ngồi chơi với chồng tôi ở nhà tôi. Nghe tiếng nổ ngoài bãi, anh Vót mới chạy ra”.
Bà con thôn Nhân Phúc kéo đến cung cấp thông tin về vụ án cho PV Báo NNVNNgày 11/12/1998, Phó chánh tòa Hình sự TANDTC Nguyễn Văn Hiện (sau là Chánh án TANDTC và hiện là Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đã ký công văn số 515/HS gửi vụ 3 VKSNDTC, có nội dung: "Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1030 ngày 25-27/8/1994, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã kết án Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội “giết người”.
Sau khi xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo có đơn khiếu nại nên ngày 10/8/1995 TANDTC đã có công văn số 263 trả lời gia đình bị cáo. Ngày 16/11/1998 ông Trần Ngọc Thông và bà Trần Thị Tân (bố và mẹ bị cáo Trần Ngọc Thanh) và đại diện gia đình, họ tộc người bị hại Trần Văn Việt tiếp tục khiếu nại và đưa ra một số chứng cứ cho rằng việc điều tra vụ án không khách quan, dẫn đến việc tòa án kết tội oan cho Trần Ngọc Thanh. Theo ý kiến của Chánh án TANDTC và căn cứ quy định tại các điều từ 260 đến 263 Bộ luật TTHS, TANDTC chuyển đơn khiếu nại đến vụ 3 VKSNDTC để giải quyết theo thẩm quyền”.
Nhưng tất cả đều chìm vào im lặng. Theo gia đình Trần Văn Vót, thì từ khi phải thụ án đến nay, Trần Văn Vót vẫn liên tục kêu oan, và kiên quyết không ký vào bản nhận tội, vì cho rằng mình không có tội
Liệu có thêm hai 'ông Chấn'? - Ai thực sự là người ném trái lựu đạn?
Cập nhật: 06:15, Thứ 6, 22/05/2015
Trong lần về xã Phú Phúc để điều tra, xác minh theo đơn của cụ Trần Anh Điền, chúng tôi đã gặp một nhân chứng vô cùng quan trọng./
23 năm, bị hại liên tục kêu oan cho 'hung thủ'
Bà Trần Thị Liên : Chính mắt tôi nhìn thấy Trần Văn Hữu ném trái lựu đạn chiều ngày 29/11/1992
Đó là bà Trần Thị Liên, SN 1951, trú quán tại xóm 3 thôn Thanh Nga, xã Phú Phúc.
Lời chứng của bà Liên như sau: "Tôi xin làm chứng rằng trong cuộc xô sát giữa thôn Thanh Nga và thôn Nhân Phúc chiều ngày 29/11/1992, ông Trần Văn Vót đã không đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh.
Trần Ngọc Thanh cũng không có mặt ở hiện trường xảy ra xô sát. Như vậy ông Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh không gây ra cái chết của Trần Văn Việt. Đồng thời tôi xin làm chứng rằng người ném lựu đạn trong cuộc xô sát này là Trần Văn Hữu, con ông Bốn ở xóm 1 Thanh Nga”.
Chúng tôi hỏi bà Liên:
- Căn cứ vào đâu mà bà khẳng định rằng Trần Văn Hữu là người đã ném trái lựu đạn trong cuộc xô sát giữa hai thôn vào chiều ngày 29/11/1992?
- Tôi biết thằng Hữu có lựu đạn. Và biết chúng nó có ý đồ xấu, nên tôi đã bí mật theo dõi nó. Chiều ngày 29/11/1992, dân Thanh Nga ra bãi, ngoài thằng Hữu với vài thằng khác, thì chỉ toàn đàn bà thôi. Chính mắt tôi nhìn thấy thằng Hữu ném.
Như vậy là ở đây có hai người đáng chú ý. Thứ nhất là Trần Văn Cự. Theo anh Trần Ngọc Chương, thì 4 cán bộ công an huyện Lý Nhân có mặt ở hiện trường chiều ngày 29/11/1992, khi đẩy anh Chương ngã xuống lúc lựu đạn nổ, họ đã nhìn rõ người ném trái lựu đạn, chỉ không biết tên tuổi, nên mới hỏi anh Chương.
Khi được anh Chương cho biết tên người đó là Trần Văn Cự, những anh công an đó đã lấy vỏ bao thuốc lá ghi tên tuổi của Cự. Và sau đó công an đã khởi tố vụ án “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí”. Rồi tiếp tục khởi tố bị can đối với Trần Văn Cự về hai hành vi trên.
Khởi tố vụ án thì đương nhiên rồi. Nhưng từ chỗ khởi tố vụ án đến khởi tố bị can, là một thời gian xác minh công phu, nghiêm túc. Và chắc chắn rằng phải có đủ căn cứ thì cơ quan điều tra mới khởi tố bị can, ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Trần Văn Cự.
Thế mà khi Cự bị bắt, thì từ chỗ bị khởi tố bị can về hai hành vi “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí”, Cự lại được chuyển tội danh thành “gây rối trật tự công cộng”. Đây quả là một điều khó hiểu. Một trong 4 công an huyện Lý Nhân có mặt tại hiện trường hôm đó là anh Hòa.
Sau đó không hiểu vì lý do gì, anh Hòa phải ra khỏi ngành công an, hiện đang sống ở Hà Nội. Chúng tôi đã liên lạc với anh bằng điện thoại, với mong muốn tìm hiểu thêm thông tin về vụ án nhưng anh từ chối.
Thứ hai, bà Trần Thị Liên thì khẳng định người ném trái lựu đạn là Trần Văn Hữu, trú quán tại xóm 1 thôn Thanh Nga. Điều này chưa hề được cơ quan điều tra xác minh làm rõ.
Vậy ai là người đã thực sự ném trái lựu đạn đó?
Nhưng theo chúng tôi, dù ai ném chăng nữa, thì cũng không phải Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh. Vì những lẽ sau đây:
- Rất nhiều nhân chứng như đã nói ở bài trước, đã khẳng định tình trạng ngoại phạm của Thanh và Vót khi vụ án xảy ra.
- Trần Văn Vót là người đã có 18 năm quân ngũ, được tặng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì; được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương chống Mỹ.
Khi rời quân ngũ, Trần Văn Vót là bệnh binh mất 71% sức khỏe. Khi vụ án xảy ra, Trần Văn Vót đang là Bí thư Chi bộ đội 4 (Lý Nội). Là một Bí thư Chi bộ, hẳn Vót có nhận thức chính trị cao hơn người thường.
Là cựu binh, Trần Văn Vót hẳn hiểu biết về mức độ nguy hiểm của trái lựu đạn khi nó nổ ở chỗ đông người. Không dại gì mà Vót lại đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh làm việc nguy hiểm đó.
- Xô sát xảy ra là giữa dân Thanh Nga và dân Nhân Phúc. Thanh và Vót đều là người Nhân Phúc. Vậy nếu giả sử có ném trái lựu đạn, thì Thanh phải ném về phía dân Thanh Nga chứ không đời nào ném về phía dân Nhân Phúc, nơi có rất nhiều người không chỉ là hàng xóm mà còn cả người thân của mình.
- Bản án của hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều dài tới 50 trang giấy khổ A4, lập luận rất dài dòng, nhưng tuyệt không đưa ra được một nhân chứng nào khẳng định đã nhìn thấy Trần Văn Vót đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh, cũng như không đưa ra được một nhân chứng nào khẳng định đã nhìn thấy Thanh, Vót có mặt ở hiện trường lúc xảy ra vụ án.
Tất cả chỉ dựa vào duy nhất lời khai của Trần Ngọc Thanh. Mà Thanh thì khai tại tòa rằng mình đã bị dùng nhục hình, bức cung. Sợ mất an toàn cho bản thân nên Thanh bắt buộc phải khai theo ý điều tra viên, chờ ra tòa sẽ nói lên sự thật. Nhưng lời khai của Thanh tại tòa không được đếm xỉa.
Vụ án này cón rất nhiều câu hỏi, chưa được làm sáng tỏ. Đã gây bức xúc cho người dân Nhân Phúc suốt 23 năm qua. Chúng tôi kiến nghị những người có trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, hãy có những biện pháp tư pháp cần thiết để xem xét lại vụ án.
Vũ Hữu Sự
Thủ tướng yêu cầu xem xét giải quyết vụ 'Liệu có thêm hai ông Chấn?' Cập nhật: 12:29, Thứ 4, 17/06/2015
Bản án hình sự phúc thẩm số 1030 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm. Suốt 23 năm qua, Trần Văn Vót và gia đình liên tục kêu oan nhưng chưa có kết quả./
23 năm, bị hại liên tục kêu oan cho 'hung thủ'
Cụ Trần Anh Điền (giữa) bố của nạn nhân Trần Văn Việt trong vụ án ngày 29/11/1992
Báo
Nông nghiệp Việt Nam số ra từ ngày 20-22/5/2015 đăng tải loạt bài điều tra về một vụ án ở huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam)
“Liệu có thêm hai “ông Chấn”?” của tác giả Vũ Hữu Sự.
Trong đó có nội dung về Bản án hình sự phúc thẩm số 1030 ngày 27/8/1994 của Tòa phúc tẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội đối với bị cáo Trần Văn Vót có dấu hiệu oan sai và kiến nghị xem xét lại bản án.
Sau khi Báo
NNVN đăng tải, GS.TS Nguyễn Lân Dũng đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ kèm theo loạt bài điều tra của nhà báo Vũ Hữu Sự. Ngày 12/6/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo số 4364 gửi Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ như sau: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Chánh án TAND tối cao chỉ đạo xem xét, giải quyết phản ánh của GS.TS Nguyễn Lân Dũng về Bản án hình sự phúc thẩm số 1030 ngày 27/8/1994 của Tòa phúc tẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội theo qui định của pháp luật và thông báo cho Thủ tướng Chính phủ biết kết quả.
Trần Văn Vót là bị cáo trong vụ án xảy ra ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vào năm 1992. Theo Bản án số 37 ngày 26/2/1994 của TAND tỉnh Nam Hà tuyên phạt Trần Văn Vót: Tù chung thân về tội giết người, 10 năm tù về tội phá hoại việc thực hiện chính sách xã hội, 2 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí, 3 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng, tổng hợp hình phạt chung cho cả 4 tội là tù chung thân...
Sau khi bị cáo chống án, từ ngày 25-27/8/1994, tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã phúc thẩm vụ án trên. Bản án hình sự phúc thẩm số 1030 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm. Suốt 23 năm qua, Trần Văn Vót và gia đình liên tục kêu oan nhưng chưa có kết quả.
Hoàng Anh
Nguồn:
Nongnghiep