Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Chị này nói chơi đấy phỏng? Công cụ tuyên huyền của người ta vì mục đích định sẵn rùi, chứ đâu như nhà chị nói, thế nên chuyện có hai phe cãi nhau là phải!

Báo chí - bài học sinh động và cay đắng

Cù Thị Thanh Huyền
TNO - Báo chí không vì cộng đồng, vì nhân dân, vì những người bỏ tiền ra mua sản phẩm báo chí mỗi ngày, thì còn vì ai khác?

Cách đây vài tuần, tôi đứng lớp ở một trường đại học, nói với sinh viên về nghiệp vụ truyền thông.

Hôm đó, tôi đã nói với các bạn về truyền thông và báo chí, về sự khác biệt giữa hai khái niệm này, về tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, về chuyện báo chí hoạt động vì lợi ích của ai…

Cộng đồng, nhân dân, người đóng thuế, độc giả, người trả tiền… là những từ xuất hiện nhiều trong phần giảng này.

Báo chí không vì cộng đồng, vì nhân dân, vì những người bỏ tiền ra mua sản phẩm báo chí mỗi ngày, thì còn vì ai khác?

Nói như thế là mặc định các cơ quan báo chí cùng chung nhiệm vụ, cùng chung chiến hào - nhiệm vụ vì nhân dân và chiến hào chiến đấu bảo vệ người dân.

Ấy thế mà chỉ ít hôm sau, những cô cậu học trò đang còn trong sáng và hừng hực lửa ấy, lại ngỡ ngàng trước một thực tế mà với các em là vô cùng kỳ lạ. Thực tế ấy khác xa với bài giảng của tôi hôm trước.

Họ thấy cả một đội quân báo chí với sự giúp sức của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và rất nhiều người dân rùng rùng lên tiếng đòi giữ nguyên trạng một khúc sông. Nhưng họ cũng mục kích một lực lượng báo chí khác kiên quyết giữ quan điểm phải lấn, nắn dòng và tận “khai thác” khúc sông ấy.

Cả hai hoặc ngấm ngầm hoặc công khai gây áp lực lên nhau. Nhưng, cả hai đều nhân danh vì cộng đồng, vì nhân dân cả.

Mùa này, có nhiều bạn sinh viên báo chí đang đi thực tập. Mùa này cũng có những bạn vừa mới ra trường, đang chân ướt chân ráo theo các đàn anh, đàn chị học nghề.

Họ thấy gì?

Hẳn là họ không thể không thấy những đồng nghiệp sôi sục tình yêu với từng gốc cây, từng giọt nước từ dòng sông hiền hòa. Hẳn họ cũng nhìn thấy hàng chục phóng viên ngày ngày đeo bám hiện trường, đeo bám các nhà khoa học, các nhà quản lý, đi tìm các tàng thư… để cập nhật tin tức, để mong chặn đứng phi vụ lấn sông này.

Họ nhìn thấy gì nữa? Hẳn không có gì có thể ngăn họ nhìn vào một phía khác, một khoảng lặng mênh mông của báo chí, khoảng lặng mà ở đó nhà báo "đi nhẹ, nói khẽ" đến ngỡ ngàng!

Ngày hôm ấy, tôi cũng nói với các bạn trẻ về mối quan hệ và lằn ranh giữa báo chí và truyền thông xã hội. Rồi đây, bài học tiếp theo của các bạn sẽ là những lằn ranh trong chính nội bộ làng báo. Bài học này những ngày qua đang diễn ra quá sinh động mà dù cay đắng tôi cũng không thể không cùng các bạn luận bàn.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Rắc rối quá, đại gì thì đại, các ngài rút hết khỏi Trường Sa, Hoàng Sa thì sẽ thành Đại hỉ, không lo Đại họa nữa thui mờ!

"Đại cục" và "tồn dị" : giải nghĩa những từ mới sẽ xuất hiện nhiều từ năm 2015

Khoảng thời gian gần đây thì chữ được đặc biệt chú ý trên không gian thông tin là ĐẠI CỤC大局. Bên cạnh đó, là TỒN DỊ 存异 .

Chữ đầu, trực dịch là CỤC LỚN. Nghĩa thực là gì phải đọc tiếp.

Chữ sau thì có nghĩa là BẢO LƯU NHỮNG GÌ KHÁC NHAU. Cái chữ TỒN này, ngày xưa, các triều đại phong kiến Trung Hoa cũng hay sử dụng cho Đại Việt. Ở một chỗ nào đó, trong một bài học thuật đã in, tôi đã bàn về chữ TỒN này rồi.

Phải đợi đến hôm qua, khi hai bên đưa văn bản chính thức gồm cả tiếng Trung và tiếng Việt (lưu ở đây), thì đã rõ. Nguyên văn của ĐẠI CỤC và TỒN DI là nằm ở những đoạn dưới đây. Cũng rõ thêm nghĩa của các chữ này.

Đại ý thì là: muốn ĐẠI CỤC (tức Biển Đông) thì phải TỒN DỊ. Nhờ TỒN DỊ, rồi cứ dần dần CẦU ĐỒNG, thì thành ra ĐẠI CỤC.

Tức là sẽ thành vòng tuần hoàn: Đại Cục - Tồn Di - Cầu Đồng - Đại Cục - Tồn Di - Cầu Đồng - Đại Cục,... Tư duy triết học của dân tộc Trung Hoa. Đại Việt nếu bị cuốn theo cái vòng này, thì từng bước từng bước là ra mất luôn ĐẠI CỤC. 

Ý của người Trung Hoa ngầm ngầm thế. Dĩ nhiên, Đại Việt từ ngàn năm trước cũng đã hiểu rồi.

1. ĐẠI CỤC là muốn dùng cho Biển Đông. Vì:

Bản tiếng Trung:
"五、双方就海上问题坦诚交换意见,强调恪守两党两国领导人达成的重要共识,认真落实《关于指导解决中越海上问题基本原则协议》,用好中越政府边界谈判机制,坚持通过友好协商和谈判,寻求双方均能接受的基本和长久解决办法,积极探讨不影响各自立场主张的过渡性解决办法,包括积极研究和商谈共同开发问题。共同管控好海上分歧,全面有效落实《南海各方行为宣言》(DOC),并在协商一致的基础上早日达成“南海行为准则”(COC),不采取使争议复杂化、扩大化的行动,及时、妥善处理出现的问题,维护中越关系大局以及南海和平稳定"

Bản tiếng Việt:
"5Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC) và sớm đạt được "Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông" (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông."



2. TỒN DỊ là đi theo cả cụm CẦU ĐỒNG TỒN DỊ 求同存异Đây là phương thức để duy trì ĐẠI CỤC ở trên.

Bản tiếng Trung:
"双方总结了中越关系发展的重要经验和启示:中越传统友谊由毛泽东主席和胡志明主席等双方老一辈领导人亲手缔造,是两党两国和两国人民的宝贵财富,应珍惜、维护并发扬光大;中越两国拥有广泛共同利益,这是两国关系的大局所在,双方应始终坚持相互尊重、坦诚协商、求同存异、管控分歧;中越政治互信是双边关系健康稳定发展的基础,双方应加强高层交往与沟通,从战略高度引领双边关系向前发展;中越互利合作给两国人民带来实实在在的利益,有助于促进地区的和平、发展与繁荣,应予全面深化和加强。"

Bản tiếng Việt:

"Hai bên đã tổng kết những kinh nghiệm và gợi mở quan trọng về sự phát triển của quan hệ Việt - Trung: tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước đích thân vun đắp là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được quý trọng, gìn giữ và phát huy; hai nước Việt Nam - Trung Quốc có lợi ích chung rộng rãi làm cơ sở cho đại cục quan hệ hai nước, hai bên cần luôn kiên trì tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương chân thành, cầu đồng tồn dị, kiểm soát bất đồng; tin cậy chính trị Việt - Trung là cơ sở cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định, hai bên cần tăng cường thăm viếng và trao đổi cấp cao, từ tầm cao chiến lược, đưa quan hệ song phương phát triển về phía trước; hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy hòa bình, phát triển và phồn vinh của khu vực, cần tăng cường và làm sâu sắc toàn diện."

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TT - Ngày 6-4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật an toàn thông tin.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Chúng ta không cấm được thông tin, cái mồm người ta sao mà cấm người ta mở mồm được" - Ảnh: TTXVN
“Các cá nhân, tổ chức luôn phải đối mặt với nhiều loại hình tấn công trên mạng với mức độ ngày càng thường xuyên hơn như làm biến dạng trang tin, lừa đảo trên mạng, tấn công từ chối dịch vụ, phát tán mã độc hại và virút máy tính, thư rác, đánh cắp thông tin, phá hoại dữ liệu, làm gián đoạn, phá rối hoạt động thay đổi cấu hình của các hệ thống thông tin, phần mềm gián điệp, tấn công hệ thống ngân hàng và mạng lưới bán hàng trực tuyến, tin nhắn lừa đảo...
Các nhóm tội phạm khác nhau như: khủng bố, tình báo nước ngoài và quân đội của một số nước đang hoạt động hiện nay nhằm mục đích xâm hại lợi ích của Việt Nam trên mạng” - ông Son nêu thực trạng.
Ông cho rằng “tất cả vấn đề trên đã đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin cần phải giải quyết để bảo đảm một môi trường phát triển ổn định”.
Không có nhiều quy định cụ thể, dự luật 56 điều đưa ra các nguyên tắc chung về đảm bảo an toàn thông tin; các hành vi bị nghiêm cấm; giám sát an toàn hệ thống thông tin; phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại; nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân...
Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn ngay từ cái tên luật và e ngại về sự tương thích các quy định của dự luật này với Hiến pháp và các đạo luật khác.
“Quyền được tiếp cận thông tin, quyền được thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người. Vì vậy, đặt ra yêu cầu phải quản lý nhưng không được cản trở quyền thông tin của tổ chức, cá nhân” - Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý. Đồng thời bà Phóng gợi ý luật này “chỉ nên tập trung việc đảm bảo an ninh mạng”.
Trong khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu nội dung luật phải rõ ràng.
“An toàn thông tin thì các đồng chí muốn điều chỉnh cái gì đây? Nói về thông tin thì có người sản xuất thông tin, người cung cấp thông tin và người nhận tin, vậy các đồng chí muốn điều chỉnh ai đây? Một người nói cho một người nghe cũng là thông tin, một người nói cho nhiều người nghe cũng là thông tin.
Báo là thông tin, đài là thông tin, mạng là thông tin, blog cá nhân cũng là thông tin. Đấy là tôi chưa nói an toàn thông tin và an ninh thông tin khác nhau rất nhiều” - Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Ông cho rằng: “Chúng ta không cấm được thông tin, cái mồm người ta sao mà cấm người ta mở mồm được. Người ta nói A, mình thấy không đúng thì mình phải nói B chứ không thể cấm người ta”.
Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục chỉnh lý dự án luật này.
LÊ KIÊN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Dân hai lăm triệu ai người nhớn? - Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con"..

Người dân có nên quan tâm đến chính trị hay không?

Posted on  by gocomay10846283_880974438603263_2331074068298314940_n
Xin chép lại đây câu chuyện của người bạn già vừa gửi cho GCM!
 *  *  *
Cách đây hơn năm, ông chủ tịch Câu lạc bộ (Sức khoẻ ngoài trời) của tôi gặp và nhắc nhở thế này:
– CLB Sức khoẻ ngoài trời mọc ra chỉ để tập thể dục buổi sáng; tham quan thăm viếng và sinh hoạt thơ phú thôi, vậy mà có người phản ảnh rằng cụ lại đưa một số tin và hình ảnh có tính “nhạy cảm“ lên Phây cá nhân để làm gì, khiến họ thắc mắc cho rằng như thế là trái với điều lệ của CLB ta là không làm chính trị chính em đấy cụ ơi!
– Tôi hỏi: Vậy cụ chủ tịch hiểu như thế nào về hai chữ chính trị?
– Ông ta bảo: Chính trị bẩn thỉu lắm cụ ơi. Chỉ có tụi phản động mới hay quan tâm thôi. Các anh an ninh Quận và Phường luôn nhắc nhở tôi rằng CLB của chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của đảng. Mọi việc quốc gia đại sự đã có đảng và nhà nước lo. Tuổi già mình chỉ động viên con cháu chấp hành mọi chủ trương chính sách và tiếp nhận thông tin theo đúng định hướng của đảng và nhà nước. Chớ nghe thông tin xuyên tạc của các thế lực phản động trong nước và quốc tế nhằm “diễn biến hòa bình“ chia rẽ quần chúng với đảng, gây bất ổn, kích động bạo lực hòng xóa bỏ các thành qủa cách mạng và lật đổ chế độ như các cuộc CM màu đã từng diễn ra ở Đông Âu và Bắc Phi…

– Thưa cụ Chủ tịch thế cụ hiểu thế nào là nhà nước của dân, do dân và vì dân như loa Phường ra rả bấy nay? Thế nào là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra như các vị lãnh đạo nhiều lẩn cổ súy trên TV? Thế nào là hào khí Diên Hồng trước họa ngoại xâm của các cụ bô lão?…
– Những điều này cụ phải kiến nghị lên cơ quan chức năng như Ban Tuyên giáo chứ tôi chỉ biết truyền đạt ý kiến của phản ảnh của nhân dân để cụ quán triệt để đừng làm mất điểm thi đua và ảnh hưởng tới uy tín của CLB đối với Quận và Thành phố thôi, thế nhá, thế nhá….
Để cho hết nhẽ, suốt năm qua, tôi đã 3 lần viết các bản kiến nghị gửi lên Bí thư cùng BTG Quận và Thành Ủy. Nhưng suốt cả năm nay chả thấy nơi nào hồi âm. Chán chường chưa thưa bà con?
Nay vào mạng tìm hiểu xem cái gọi là “Chính trị bẩn thỉu…. Chỉ có tụi phản động hay quan tâm“ mới vỡ lẽ ra nhiều điều khá lý thú!
• Theo định nghĩa của Từ Điển Bách Khoa Việt Nam: Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước.
• Hiện nay, trên thế giới đã hình thành 4 cách hiểu khác nhau về chính trị:
1) nghệ thuật của phép cai trị
2) những công việc của chung
3) sự thỏa hiệp và đồng thuận
4) quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lợi ích
Nếu quan niệm rằng chính trị chỉ là những hoạt động xoay quanh vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước thì, theo lý luận của chủ nghĩa Marx, trong xã hội cộng sản tương lai sẽ không có chính trị bởi vì lúc đó nhà nước đã tiêu vong. Nói cách khác, chính trị sẽ dần dần trở nên thừa thãi và mất hẳn trong xã hội lý tưởng của nhân loại – xã hội cộng sản.
Chính trị theo nghĩa rộng hơn là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó. Với cách hiểu như thế này thì dù trong xã hội cộng sản, chính trị vẫn còn tồn tại và vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng đối với từng con người cũng như toàn xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào thì cũng cần những luật lệ chung để hoạt động nhịp nhàng và khoa học, tránh tình trạng vô tình hay cố ý xâm phạm quyền lợi, lợi ích, tài sản, sức khỏe hay thậm chí tính mạng của người khác hay của cộng đồng. Một ví dụ đơn giản, xã hội dù có phát triển đến đâu thì cũng cần có luật giao thông để con người có thể lưu thông một cách trật tự và hiệu quả. Hay, con người không thể sống trong một xã hội mà tình trạng an ninh không đảm bảo (cướp bóc, khủng bố chẳng hạn) do thiếu luật lệ.
Thử ngược thời gian xem thời thượng cổ người ta hiểu như thế nào về hai từ chính trị?
• Theo người Trung Hoa cổ, chữ chính trị (政治) được cấu tạo như sau:
– Chữ chính gồm có hai phần: Bên trái là chữ chính có nghĩa là ngay thẳng, bên phải là bộ pháchám ý hành động. Vậy theo từ nguyên, chính có nghiã: làm cho ngay thẳng
– Chữ trị cũng gồm hai phần: Bên trái là bộ thủy là nước bên phải là phần âm để đọc là trị. Theo nghĩa đen, trị có nghĩa dùng thuốc chữa bệnh và chữ trị thuộc bộ thủy là vì lúc ban sơ, người Trung Hoa đã dùng thuốc làm bằng các loại thảo mộc nấu trong nước để uống chữa bệnh. Về sau chữ trị được mở rộng ra và mang nội hàm trừng phạt để loại bỏ những cái xấu xa, hủ bại làm lành mạnh xã hội.
Như thế theo nghiã gốc, chính trị nói chung là việc làm cho xã hội ngay thẳng lành mạnh.
• Theo từ ngữ Tây Phương tương ứng với chính trị là PoliticsPolitique. Có gốc gác từ địa danh thị trấn có tên Polis ở Hy Lạp thời cổ. Đây là thị trấn độc lập và có chủ quyền như một quốc gia hiện nay. Nên người Tây Phương lấy từ nguyên trong ngôn ngữ Hy Lạp (Politicos – nếu dùng ngôi số ít; hayPolitica – nếu dùng ngôi số nhiều) để định nghiã về chính trị là “khoa học hoặc nghệ thuật về việc điều khiển quốc gia“
Đến đây thì ai cũng thấy, hai chữ chính trị có nội hàm và dung mạo khá rõ ràng. Chứ không hề mù mờ hay trừu tượng “bẩn thỉu“ cần tránh xa như giọng điệu tuyên truyền của đám chính giới không tử tế mỗi khi dùng hai từ này như con ngáo ộp để doạ dẫm người đời.
Vậy nên, dù ta không làm chính trị hay không tham gia vào một tổ chức chính trị cụ thể nào không có nghĩa chúng ta trùm chăn và bàng quan với tất cả những sinh hoạt chính trị thiết yếu của quốc gia dân tộc mà trong đó có ta và người thân của ta đang sống. Cũng không ai có thể ngăn cấm hay phỉ báng cái quyền bày tỏ thái độ chính trị trước một hiện tượng tốt, xấu của xã hội.
Thay cho lời kết xin dẫn lại lời của nhà quân sự – chính trị kiệt xuất của Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp như sau:
“Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” – (Napoléon Bonaparte).
Gocomay
__________

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

" Không có cái đẹp của sự thông thái" VN tìm đâu ra triết gia? ( Bài tồng chí NGLB, tít mình giật dây )

Việt Nam không có triết gia! (Phần 1)


LTS: Tôi phải viết cho kịp với tiến độ giao lưu tư tưởng hiện nay, nếu không thì sẽ bị mất những dữ kiện lịch sử ‘sống’, vì tôi bị mất trí nhớ, xin các bạn đọc thông cảm.
 

Trong bài này, bằng cách lập luận rằng ông Trần Đức Thảo hay Bùi Văn Nam Sơn có phải là triết gia hay không? 
(việc tôi nêu ví dụ điển hình ở đây là không quan trọng, vì tôi có thể chọn các ông khác), với việc nói qua một ít về Bùi Giáng, Đỗ Long Vân, Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Văn Trung, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Mạnh Thác, Tuệ Sỹ, Nguyễn Hoàng Phương, Lê Khánh Trường, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Hoàng Đức… và một số blogger như Ái Nữ, Cuồng Từ, Giáo Làng, Hai Rạch Giá, Hồ Điệp (Trang Chu), Lộc Vừng, Trần Minh Châu, Trần Mạnh Hảo…, tôi sẽ mở rộng là ‘tại sao nước ta lại không có triết gia?’.

Lưu ý rằng đây chỉ là quan điểm cá nhân, và xin đừng gắn chữ ‘triết’ vào người tôi (cười), vì tôi không phải là triết gia hay nhà triết học gì đâu, mà đơn giản, tôi chỉ là ‘Nhà gom lá bàng’. Và lưu ý rằng, chúng ta chớ có nhầm lẫn giữa ‘nhà triết học’ và ‘nhà học triết’, giữa ‘học giả’ và ‘nhà giả học’, giữa ‘sử gia’ và ‘giả sư’… Ngoài ra, tôi cũng mong ông Bùi Văn Nam Sơn, các 'fan' của ông Trần Đức Thảo và các nhân vật có liên quan nói trên thông cảm nếu có gì mạo phạm, vì tôi chỉ ghi nhận (một phần) các dữ kiện thực tế.

Thế thì chắc cũng có kẻ hỏi là tôi biết gì về triết mà lại đi nói về triết? Vâng, ở trên đời này mà tôi được gặp các nhà chính trị, nhà chế tạo, nhà công nghệ thông tin… thì ít, nhưng số tôi… xui hay sao ấy!, mà ‘thượng đế’ cứ bố trí tôi cho gặp mấy ông ‘triết’ suốt đời à, thậm chí là thường ngày nào cũng có mấy ông/bà triết đến nhà tôi chơi, hay có không ít sinh viên khoa triết cứ nhắn tin (qua Facebook chẳng hạn) để hỏi tôi về triết... Vâng, nếu ‘ngài’ muốn tôi nói về ‘triết’ thì tôi cứ nói, nếu không thì tôi sẽ bị xuống địa ngục thì làm sao, ai sẽ xuống địa ngục để cứu tôi?, hihi...
*
Triết học là cái gì nhỉ? Tôi không định nghĩa, mà để các blogger dễ tiếp cận, tôi chỉ ghi lại lời giải thích của một nhà nghiên cứu triết, nó xuất phát từ chữ ‘philosophy’, mà philo = tình yêu, còn sophy = sự thông thái, vậy triết học là tình yêu đối với sự thông thái.
Là khoa học của mọi khoa học, và là nghệ thuật của mọi nghệ thuật, triết học không hề đơn giản tí nào, nó rất trừu tượng và rất khó hiểu, vì thế không nhầm khi có người nói là ‘dân Trung Quốc, Việt Nam, nói chung là dân Á Đông rất ngại học/đọc triết’, ngoài ra, ‘một dân tộc hùng mạnh thì sẽ có một nền triết học hùng mạnh’, vì thế, để trở thành một triết gia cũng không hề đơn giản tí nào. Một triết gia phải thỏa những tiêu chí nào? Tôi chỉ tạm đưa ra là triết gia là người mà: 1) đưa ra một (hoặc nhiều) chuẩn mực lý trí cho nhân loại, 2) làm thay đổi ít nhiều thế giới tư duy của nhân loại, 3) được đại bộ phận nhân loại thừa nhận (chẳng hạn, có tên trong ‘Từ điển triết học’ quốc tế, chứ không phải nước nào muốn tự phong ai làm triết gia cũng được)…
Căn cứ theo một số... tiên đề trên, tôi mới suy nghĩ như sau.
*
Năm ngoái, do tò mò khi bên ‘lề trái’ cho rằng ông Trần Đức Thảo khi còn học triết bên Pháp - học giỏi hơn và có uy tín hơn ông J.P. Sartre!, là một triết gia (!), thậm chí nói là ‘Trần Đĩnh không ăn thua gì so với Trần Đức Thảo’ (!)…, tôi mới gối đầu giường cuốn ‘Những lời trăng trối’ mà đọc đi đọc lại, nhưng sau đó, chán quá, vì:
-Chả thấy có cái gì sâu sắc lắm để đọc, hơn nữa, nhóm biên tập ghi lại tâm sự/phát biểu của Trần Đức Thảo lại viết theo chiều hướng chính trị/nói xấu chế độ (không hẳn là sai), nhưng việc này làm giảm đi ‘tầm’ của ông - nếu là một triết gia.
Chắc các bạn đọc sẽ không mấy tin vào cảm nhận của tôi, nhưng tôi có thảo luận với A.N. (một blogger nổi tiếng bên blog Tiếng Việt, xin giấu tên), đại khái là nàng cũng nói rằng ‘Trần Đức Thảo chả có gì để đọc’.
May thay, tôi vừa mới bắt gặp một phát biểu của ông Bùi Văn Nam Sơn như sau: ‘Đó là một trong những người Việt hiếm hoi được học hành đến nơi đến chốn về triết học và cho thấy người Việt mình cũng có thể tiếp cận rất gần với triết học thế giới. Đi cụ thể vào tư tưởng, thành tựu của Trần Đức Thảo thì khác. Có lẽ do bối cảnh đặc thù, không có điều kiện tiếp thu với bên ngoài cộng hưởng nhiều yếu tố dị biệt của thời cuộc đã khiến cho Trần Đức Thảo không còn thấy những chân trời của cụ. Cụ không còn mở cửa đối thoại mà tự giao cho mình trách nhiệm phòng vệ: bảo vệ cái có sẵn, cái gì xa lạ là bác bỏ thay vì tiếp thu cái mới để có thể phê phán hay không đồng ý nhưng sẽ phát triển. Mà điều này không đúng với tinh thần của một triết gia. Triết gia là phải tranh luận để tiếp tục, để mở thêm những chân trời chứ không phải để khép lại các chân trời. Không ai dám phủ nhận chất lượng triết học của bản thân Trần Đức Thảo, nhưng đáng tiếc, có thể nói Trần Đức Thảo là tù nhân của bản thân.’ (wikipedia): xin cám ơn ông Sơn.
*
Cũng năm ngoái, vì nghe có vài blogger trong Bog Tiếng Việt hâm mộ ông Bùi Văn Nam Sơn, tôi cũng bỏ một ít thời gian ra tìm hiểu. May thay, trên bàn của bác tôi lại xuất hiện cuốn tạp chí ‘Người đô thị’, trong đó có đăng một bài của ông, đại khái là nói về ‘triết lý giáo dục phương Tây’ mà có nhắc đến Rousseau (xem dưới) và Dante, Voltaire, hay Hegel gì gì đó (lâu rồi, tôi không nhớ rõ lắm). Đọc một hồi, tôi mới nghĩ là:
-Ông ta lại tiếp tục bê mấy cái tượng nước ngoài - mà đã được phương Tây cho vào viện bảo tàng - về thờ, (tôi nghĩ như vậy, thiệt), không lẽ cái dân tộc Việt Nam này trong mấy ngàn năm nay, đặc biệt là vào thời đại @ này, lại không nghĩ ra được ‘triết lý giáo dục’, mà phải học từ phương Tây cách đây đến trên 250 năm, và nếu nay ta học được cái triết lý ‘viện bảo tàng’ này thì phương Tây đã tiến hơn ta đến 500 năm rồi!
Và để chắc chắn cho cảm nhận của mình, tôi mới hỏi bác tôi (cũng là nhà nghiên cứu triết), ông ấy bảo ‘ông Sơn thuộc loại ‘kinh viện’ chứ không phải là nhà tư tưởng/triết gia, chỉ là nhà nghiên cứu triết, tuy nhiên, những nghiên cứu của ông là chi tiết, chuẩn mực và cần thiết cho sinh viên hiện nay’, tôi cũng nghĩ vậy.
Rồi sau đó, ngày 29/4/2014, tôi có đi gặp ông Bùi Văn Nam Sơn ở quán cà phê Dương Thụ, Sài Gòn (mà làm tôi bị mang tiếng là quen nhiều người nổi tiếng!, hehe…, có gì đâu mà nổi tiếng với không nổi tiếng), tại đó, tôi chỉ lắng nghe ông ta phát biểu về ‘chủ nghĩa tự do’ mà không nói một lời nào, quả nhiên, ông Sơn có kiến thức rất rộng, nhưng tôi cho rằng ông vẫn bị ‘quyền lực mềm’ quá nặng mà không ‘thoát’: đây cũng là một hiện tượng phổ biến ở VN xưa nay, bình thường thôi.

(xem tiếp Phần 2)
---------
Ghi chú:
- Jean-Jacques Rousseau: 1712-1778, sinh tại Geneva, là một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng 1789, sự phát triển của lý thuyết xã hội, và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc. (wikipedia)
-Trần Đức Thảo: 1917-1993, quê Bắc Ninh… Ông là người Việt Nam đầu tiên trúng tuyển kỳ thi thạc sĩ triết học tại Pháp lúc mới 26 tuổi (1942)… Năm 1955, ông trở thành giáo sư Triết học Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội… Ông bị quy tội dính líu đến phong trào Nhân văn Giai phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ…, bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, phải bán dần bán mòn những bộ từ điển để ăn… Năm 1985, sau khi đi Cộng hòa dân chủ Đức vừa chữa bệnh, vừa làm việc với Viện hàn lâm khoa học của CHDC Đức, ông có sang làm việc với Viện hàn lâm khoa học Liên Xô… Năm 1991, ông sang Pháp chữa bệnh và mất tại Paris vào năm 1992. (wikipedia)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thận Nhiên - Làm thế nào để sống sót trong một thế giới có quá nhiều thơ?

buổi tối, không muốn ăn cơm nguội một mình
tôi đánh tiếng trên Facebook
“giang hồ có gì vui không?
nếu quý vị nào hảo ý bày trò, vui lòng nhắn tin gấp!”
rồi ngồi chờ
 
tôi ngồi chờ một giờ
có 4 người bấm like
nhưng không một ai quan tâm đến lời nhắn
không một ai rủ rê la cà
trời sụp tối, mọi chuyện lỡ làng
tôi đi luộc quả trứng và mở lon cá hộp
 
một giờ trên Facebook
tôi phải đọc khoảng 10 bài thơ
thơ tình, thơ thời sự (chống Cộng, chống Mỹ, chống Tàu), thơ thiền, thơ siêu hình, thơ tán gái (trai), thơ vịnh cảnh, thơ chơi chữ, thơ lục bát (thứ này nhiều nhất), thơ ngũ ngôn, thơ tân hình thức, thơ chống thơ...
nhắm mắt lại tưởng tượng
tôi thấy trên một sân đấu sáng đèn
hàng ngàn thi sĩ
uỵch đụi, uỵch đụi, uỵch đụi...
đang vật nhau với du, với quát, với khiêm, với trãi, với hương,
với tuyền, với dần, với chế...
với giáng
(ừ, nhiều nhất là vật nhau với giáng!)
thiệt là đông vui!
 
tôi gọt trái dưa leo
xắt lát trái cà chua
chế chút xì-dầu ra chén
xúc một tô cơm
rồi bắt đầu xới vật của mình
 
uỵch đụi, uỵch đụi, uỵch đụi...!
 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Ký kết TPP còn quan trọng hơn 1 tàu sân bay mới


(GDVN) - Nền kinh tế Trung Quốc sau 3 thập kỷ đã gây ra một cảm giác cấp bách, ông Carter gạt sang một bên quan điểm cho rằng Bắc Kinh sẽ thay thế Washington..

.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: Japan Times.
Japan Times ngày 7/4 dẫn nguồn Bloomberg cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã "lấn sân" sang chính sách kinh tế khi ông lên tiếng thúc giục Quốc hội Hoa Kỳ trao quyền cho Tổng thống Barack Obama để đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). "Thời gian không còn nhiều", ông Carter nói với các thính giả tại đại học bang Arizona ở Tempe.
Mỹ và 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương từ Nhật Bản đến Mexico đang trong giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán TPP. Trong khi các cuộc đàm phán TPP mà Washington hy vọng kết thúc một lần vào cuối năm 2013 vẫn đang kéo dài, thì Trung Quốc và các nước khác đã theo đuổi mục tiêu một hiệp ước thương mại đối thủ.
"Điều đó gây ra nguy cơ đối với Mỹ trong việc tiếp cận các thị trường phát triển, và nó có nguy cơ gây mất ổn định khu vực. Thông qua TPP đối với tôi quan trọng như (có thêm) một tàu sân bay khác", ông chủ Lầu Năm Góc bình luận. Nhận xét được ông Ash Carter đưa ra khi đang trên đường đến Tokyo và Seoul để hội đàm với các đồng minh của Mỹ.
Ông cho rằng chính sách của Mỹ đã tạo điều kiện cho châu Á phát triển từ nghèo nàn lạc hậu đến thịnh vượng. "Tất cả sự tăng trưởng này là kết quả của một môi trường an ninh hòa bình. Chúng tôi đã giúp tạo ra sự ổn định để người dân, nền kinh tế các quốc gia trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc".
Carter cũng nói rằng tính ưu việt của quân đội Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế nước này, trong đó nó sẽ được củng cố bởi TPP. Hiệp định này sẽ giảm thiểu các rào cản thương mại, trong khi thiết lập các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Sáng kiến của Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 123,5 tỉ USD trong thập kỷ tới.
Quan hệ thương mại rộng hơn với khu vực sẽ chiếm 60% mức tiêu thụ trung lưu toàn cầu vào năm 2030 là rất cần thiết đối với Mỹ. Trên khắp châu Á, 525 triệu người tiêu dùng trung lưu ngày hôm nay sẽ tăng lên 3,2 tỉ trong vòng 15 năm tới. TPP là trọng tâm của chiến lược xoay trục sang châu Á để nhấn mạnh mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với khu vực này sau hơn một thập kỷ tham chiến ở Iraq và Afghanistan.
Tổng thống Obama đang yêu cầu Quốc hội cấp cho ông quyền xúc tiến thương mại mà hiện nay bất cứ hiệp định nào cũng phải thông qua bởi một cuộc bỏ phiếu. Yêu cầu này đang gây tranh cãi trong chính đảng Dân chủ của Tổng thống.
Mặc dù sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc sau 3 thập kỷ đã gây ra một cảm giác cấp bách, ông Carter gạt sang một bên quan điểm cho rằng Bắc Kinh sẽ thay thế Washington trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bởi sẽ mất hàng thập kỷ để bất cứ nước nào muốn cạnh tranh với sức mạnh quân sự hiện nay của Mỹ.
Nhờ nền kinh tế đã phục hồi từ cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, Hoa Kỳ đang đầu tư tốn kém cho một loạt máy bay ném bom tàng hình, tên lửa tàng hình chống tàu mới và súng điện từ Railgun. Tuy nhiên ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định rằng Mỹ đang quan tâm sâu sắc đến ngân sách quốc phòng của Trung Quốc và hành vi leo thang trên Biển Đông.



















































































Phần nhận xét hiển thị trên trang