Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong hơn 3 thập kỷ qua, Trung Quốc tưởng rằng họ có thể bỏ tiền ra mua được sự “kính trọng” của thế giới. Nhưng không, họ đang đón nhận điều ngược lại.

Mai Phương

Tiền không mua được sự hấp dẫn

Khi Trung Quốc trỗi dậy và tự đặt mục tiêu trở thành cường quốc mới của thế giới, nước này bắt đầu nhận ra tầm quan trọng về hình ảnh của mình trên toàn cầu và nhận thấy cần phải tăng cường “sức mạnh mềm”.
Bắc Kinh bỏ công thăm dò dư luận trên khắp thế giới về mình, đổ ra một lượng tiền lớn để mở rộng dấu ấn văn hóa trên toàn cầu, tuyên truyền ra bên ngoài và thúc đẩy ngoại giao công. Năm 2009, Trung Quốc tuyên bố đưa ra kế hoạch chi tiêu hàng tỷ USD để phát triển các tập đoàn truyền thông khổng lồ nhằm cạnh tranh với Bloomberg, Time Warner và Viacom. Họ cũng đã đầu tư 8,9 tỷ USD vào ngoại giao công, trong đó có kênh truyền hình cáp Xinhua phát sóng 24/24 giờ.
Một học viện Khổng Tử của Trung Quốc tại trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore
Một học viện Khổng Tử của Trung Quốc tại trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore
Trung Quốc rất trau chuốt cho các động thái phô trương như xây dựng lại tòa nhà Quốc hội cho Campuchia hay văn phòng Bộ ngoại giao Mozambique. Nước này cũng không ngần ngại đổ tiền phát triển hàng trăm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới để truyền bá ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng thật không may, bất chấp những nỗ lực to lớn đó, cái mà Trung Quốc nhận về so với các khoản đầu tư bỏ ra thật không tương xứng.
Thực vậy, theo thảo sát của Dự án Thái độ toàn cầu (Global Attitudes Project) thuộc Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) và tập đoàn truyền thông BBC, trong gần một thập kỷ qua, thái độ của người dân châu Âu đối với Trung Quốc được liệt vào dạng tiêu cực nhất thế giới. Và giờ đây, ngay cả ở châu Mỹ và châu Á cũng có thái độ như vậy.
Tại Mỹ, quan điểm tích cực của công chúng đối với Trung Quốc đã giảm từ mức 51% năm 2011 xuống 40% năm 2012. Trong khi đó tại Nhật Bản, con số này còn tệ hại hơn với mức giảm từ 34% năm 2011 xuống chỉ còn 15% năm 2012.
Quyền lực mềm Trung Quốc sẽ đi về đâu?
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối thủ có tiềm năng nhất thách thức vị trí siêu cường của Mỹ. Tuy nhiên, Giáo sư David Shambaugh giảng viên môn khoa học chính trị và ngoại giao quốc tế ở trường Đại học George Washington lại cho rằng các yếu tố cấu thành sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc trên thực tế là khá yếu và thậm chí không đồng đều.
Giáo sư David Shambaugh và cuốn sách “China Goes Global: The Partial Power”
Giáo sư David Shambaugh và cuốn sách “China Goes Global: The Partial Power”
Về mặt địa chính trị, giới hạn quyền lực của Trung Quốc sẽ là một trở ngại nghiêm trọng. Một cách tự nhiên, nước Mỹ được ban phước khi ở cạnh các nước láng giềng yếu hơn, trong khi Trung Quốc phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh mẽ ở khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản và Nga. Thậm chí, ngay cả các quốc gia láng giềng tầm trung như Hàn Quốc, Indonesia cũng không phải là những nước dễ lợi dụng.
Do hệ lụy từ đối trọng địa chính trị như vậy nên Trung Quốc sẽ không thể bá chủ ở châu Á, tức đạt được sức mạnh chi phối hoàn toàn các đối thủ khu vực. Một quốc gia không thể trở thành cường quốc toàn cầu nếu chưa là cường quốc khu vực. Bị bao bọc bởi các nước láng giềng hùng mạnh và cẩn trọng, Trung Quốc phải luôn “nhìn trước, ngó sau” khi cố gắng khuyếch trương sức mạnh và ảnh hưởng ra phạm vi toàn cầu.
Trên Tạp chí Foreign Policy ngày 29/4/2013, cha đẻ của học thuyết “Quyền lực mềm”, giáo sư Đại học Harvard Joseph S. Nye viết: “Quyền lực mềm của một nước cơ bản nằm ở ba nguồn: văn hóa (hấp dẫn được những người khác), các giá trị về mặt chính trị (khi nước đó duy trì được những giá trị này ở cả trong và ngoài nước) và chính sách đối ngoại (khi được xem là chính danh và có giá trị đạo đức). Nhưng liên kết những nguồn lực này thành một khối không phải luôn là công việc dễ dàng”.
Thực tế, các quốc gia không thể trở thành những siêu cường đơn giản chỉ vì họ đạt được “quyền lực cứng”. Nước Mỹ vẫn chưa trở thành siêu cường thực sự cho tới khi bước vào Chiến tranh thế giới lần thứ hai dù trước Trận Trân Châu Cảng từ lâu họ đã sở hữu tất cả các yếu tố tiên quyết của một siêu cường. Việc thực thi quyền lực phải được lan truyền bằng những tư tưởng và tầm nhìn có tính phổ quát toàn cầu. Trong khi đó Trung Quốc lại đang thiếu hụt những yếu tố này.
Một sự thực rõ ràng rằng sức mạnh kinh tế không tự nhiên chuyển đổi thành sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao và văn hóa tương ứng. Vì vậy, theo một số đánh giá, dù Trung Quốc khả năng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, có thể vào 2025, nhưng không có nghĩa nước này sẽ trở thành một cường quốc thực sự. Phần lớn các nhà quan sát đều nhận thấy rất ít khả năng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề toàn cầu.
Trong cuốn sách “China Goes Global: The Partial Power” (Tạm dịch: Trung Quốc vươn ra toàn cầu: Một nước lớn nửa vời), bằng những phân tích sắc sảo, giáo sư Shambaugh đã kết luận rằng: Trung Quốc còn lâu mới trở thành một cường quốc toàn cầu thực sự và nước này sẽ không bao giờ cai trị thế giới. Họ chỉ là “cường quốc nửa vời”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bùi Giáng và những câu chuyện chưa biết


 nhagomlabang

Đêm về, ngồi viết chuyện Bùi Giáng
Muỗi cắn sưng chân, gió lạnh lùng
Khói thuốc bay lên, sầu nhân thế
Mãi bóng hồng: mê, không vẫn không!
Một chiều nọ, được một người bạn gọi đi nhậu, tôi đến một nhà hàng. Rồi đến 9g tối, tôi… xỉn, nhưng cũng đủ còn tỉnh để xuống tầng hầm dắt xe máy ra.
Về đến cổng, tôi mới biết là có một người (trong nhóm nhậu) đã âm thầm ‘bảo vệ’ tôi về đến nhà. Được anh ta dìu vào nhà, tôi liền rơi xuống cái ghế sa-lông, với hai mắt mỏi rừ, và… ngồi ngủ lúc nào không hay, còn anh ta cứ ngồi bên tôi rù rì rủ rỉ kể chuyện… Bùi Giáng, đến 1-2g sáng gì đó.
7g sáng hôm sau, khi tôi thức dậy: anh ta đã ra đi lúc nào không biết!
--------
Nhân tiện đây, để làm sáng tỏ hơn mục tiêu của bài viết, tôi xin có một số giải thích:
-Bài này dùng phương pháp tiếp cận là ‘nói về A, nhưng không phải là nói về A’, có nghĩa là gì? Có nghĩa là viết về ông Bùi Giáng, nhưng không phải chủ yếu là nói về ông Bùi Giáng, mà mượn ông làm một chiếc ‘lá bàng’ để nói lên một số triết lý Việt, một khát vọng Việt, và một minh luận rằng người Việt nên sống ‘thật’, theo đúng nghĩa của từ này.
-Trí tuệ là gì? Có thể ví ‘trí’ như chiếc bóng đèn, còn ‘tuệ’ như năng lượng làm cho chiếc đèn phát sáng, dĩ nhiên là ‘chiếc bóng đèn’ và ‘chiếc bóng đèn phát sáng’ đều có khối lượng như sau, vì khối lượng của ánh sáng bằng 0, nhưng chúng vô cùng khác biệt. ‘Trí’ rất khác với ‘tuệ’, người có trí/kiến thức hay chém gió thì có vô số, còn người có 'tuệ' thì rất hiếm, vô cùng hiếm.
-Tư tưởng là gì? Không phải bất cứ ý tưởng (hay ‘lý sự chổi cùn’) nào của ai đó cũng có thể được ‘thổi’ lên thành tư tưởng. ‘Thuyết tương đối’, ‘Thuyết vạn vật hấp dẫn’, ‘Phép biện chứng’, ‘Thuyết tiến hóa’, ‘Thuyết lượng tử’, ‘Triết học hiện sinh’, ‘Chủ nghĩa thực dụng’ (thực lợi), ‘Vũ trụ học/Thiên văn học’, ‘Thiền học’, ‘Đạo đức kinh’, ‘Kinh Dịch’, ‘Nam hoa kinh’, ‘Phật học’, ‘Thần học’… là các loại tư tưởng/nội dung của tư tưởng/hàm chứa các tư tưởng, mà thiết nghĩ, người Việt không có đóng góp gì (nhiều) trong đó, hay nói một cách khác là người Việt chưa có (nhiều) tư tưởng!, dĩ nhiên là dưới một góc độ nào đó.
Còn ‘TÔI’ dưới đây là ai? Tôi không biết, chỉ biết là anh ta đang lưu lạc ở một phương trời xa lạ nào đó ở bên Pháp. Sau đây là câu chuyện của anh ta - với tên là ‘tôi’.
*
‘Dường như’ với một số phận ‘không kiếp’ (ý nói về người mà có một số phận gắn liền với một cuộc đời luôn thất bại, có vô số việc làm được 99,9% rồi mà vẫn thất bại, và hầu như không có ai thông cảm và giúp đỡ người đó, chỉ trừ… ‘thượng đế’, nếu đột nhiên ngài cảm thấy có chút hứng thú!), để học hết cấp 3 - người ta học có 3 năm, mà do ‘Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972’, ‘Tổng động viên’, ‘Giải phóng miền Nam’, TÔI phải học đi học lại mất… 6-7 năm mới tốt nghiệp cấp 3!
Trong thời gian này, là một người có năng khiếu, tôi đam mê Toán học, mà bắt đầu từ nghiên cứu về ‘Tam giác Pythagore, ‘Đường tròn Archimède’, tôi tiến đến ‘Lý thuyết về dãy số’… Một ngày nọ, đi xem phim tài liệu của Hội Việt-Mỹ (ở Đà Nẵng) nói về phi thuyền Apollo, thấy người Mỹ có nhắc sự đóng góp một người Việt Nam tên là Nguyễn Xuân Vinh, tôi rất lấy làm tò mò, nên tiến đến nghiên cứu về ‘Các đường Conic’ (là môn Hình học nghiên cứu về parabol, elip và hiberbol), rồi tôi dần đi đến ‘Lý thuyết xoắn’, rồi ‘Lý thuyết dây’... Việc tự nghiên cứu này làm tôi có quan hệ với Viện Toán học Việt Nam, và quen biết với ông Nguyễn Cảnh Toàn (Tổng biên tập tạp chí ‘Toán học và tuổi trẻ’, Thứ trưởng Bộ Giáo dục) mà dự định là sẽ điều tôi ra làm ở Viện này!…
*
…Sau một thời gian lưu lạc giang hồ ở đất Quảng, tôi vào Sài Gòn vào ngày 3/9/1985, đúng một ngày trước khi nhà nước ‘đổi tiền’, mà lúc đó trong túi tôi chỉ có vài chục đồng, nên không lo.
Trong quãng thời gian này, ở VN (và Liên-Xô) đang ngấm ngầm rộ lên một phong trào nghiên cứu về Trường sinh học (‘Hiện tượng vô tuyến sinh học’, đại diện!: Nguyễn Hoàng Phương) - đây cũng là một ‘cơ duyên’ mà làm tôi thiên dần vào việc tìm hiểu về ‘Trường sinh học’, rồi về ‘Tâm linh’.
Ở đây, tôi tự kiếm sống bằng nghề ‘mánh mung’ - lúc đó ở trên thị trường SG, người ta đổ xô nhau vào việc chạy mánh, bằng cách làm ‘cò’ tiêu thụ ốc vít, đồ nhựa gia đình/xe máy… mà sản xuất bởi người Tàu với cái mác là ‘made in Cho Lon’.
Rồi tôi lần mò đến số 43, đường Nguyễn Thông, nơi mà người ta hay tổ chức thuyết trình các chuyên đề khoa học/kỹ thuật, ở đó, tôi gặp được các thầy như Nguyễn Chung Tú, Chu Phạm Ngọc Sơn… Rồi tôi gọi điện cho thầy Nguyễn Cảnh Toàn, nói là ‘tôi không muốn ra làm ở Viện Toán học nữa, mà muốn ở lại SG để học đại học’, thầy Toàn bèn gọi và gửi gắm tôi cho thầy Nguyễn Chung Tú. Sau đó, tôi thi đậu vào Trường đại học tổng hợp TP HCM, và vì lý lịch không được tốt lắm, tôi bị chuyển vào học ở Khoa địa chất - mà đối với tôi là không quan trọng, tôi chỉ cần kiến thức đại học, còn việc tự học cái gì là do tôi (và lại số phận ‘không kiếp’!).
Trong thời gian học đại học, tôi có biết là ở miền Nam có bốn nhân vật nổi tiếng sau là Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn, Phạm Thiên Thư, và có hai người theo đạo Phật là Lê Mạnh Thác và Tuệ Sỹ.
*
Tất nhiên là tôi có biết chuyện cha ông Bùi Giáng là ông Cửu Ty (Bùi Thuyên)… Bùi Giáng có học ở trường Viên Minh, Hội An, mà nghe nói ông rất thông minh: ‘thầy làm 1 câu lục bát thì ông làm 10 câu lục bát’… Ở đấy (trước 1945!, vì gia đình bà Ninh sau đó tản cư lên Trung Phước - Quảng Nam năm 1945), ông lấy vợ, tên bà là Phạm Thị Ninh - người mà ông rất mực yêu thương và thường gọi là ‘con mọi nhỏ’, rồi họ chuyển về sống ở Trung Phước, và ở đấy, ông làm nghề… chăn dê, mà em vợ ông nói: ‘Ông anh rể tôi kỳ lạ lắm. Hồi đó, ổng mua một đàn dê khoảng 100 con và rủ tôi đi chăn cùng. Buổi sáng ổng thường lùa dê vào Giáp Nam, Gò Om... sau đó hai anh em rủ nhau xuống khe (suối) Le ngồi dưới bóng các lùm tre và... đọc thơ suốt buổi… Tôi chẳng hiểu hồi đó ổng có tâm sự gì nhưng chỉ biết ổng nuôi dê để chơi thôi, không thấy bán (vì nhà rất giàu, đâu cần tiền), cũng không thấy giết thịt vì ổng rất yêu những con dê. Mỗi con ổng đặt cho một cái tên rất kỳ lạ!’. (poem.tkaraoke.com)
Tương truyền rằng, thuở đó, ông đã rất là ngông, đó là khi ông đang chăn dê, có mấy thằng Tây ghé qua, ông bèn bốc cức dê (giống như viên thuốc tể), bỏ vào mồm ăn và nói ‘ngon lắm, ngon lắm’ (!).
Chăn dê 3 năm, và mới sau khi ông vừa thi đậu ‘Tú tài toàn’ năm 1952, thì vợ ông bất thình lình qua đời, ông đau lòng mà và viết nên khúc ‘Nỗi lòng Tô Vũ’, rồi từ bỏ cảnh ‘hương đồng gió nội’ để lên chốn ‘hội chợ phù hoa’…
*
Ở Sài Gòn, tôi có nghe một câu chuyện như sau:
Số là ông có vào học Đại học Văn khoa SG, nhưng chê thầy ‘dốt’, nên bỏ học… Rồi mặc dù chỉ học hết ‘Tú tài toàn’, nhưng do nổi tiếng, ông vẫn được mời dạy ở trường Đại học Vạn Hạnh SG (cũng như trường hợp của Phạm Công Thiện, phải chăng ‘chế độ miền Nam’ thời đó đã coi trọng thực tài hơn bằng cấp!)… Ở đấy, có một lần ông đã ra đề đại khái như sau:
-Các em hãy bình luận về tư tưởng của Nguyễn Du qua Kiều.
Thế là các sinh viên cắm đầu cắm cổ, hí hoáy viết. Khi chúng nộp bài lên, ông mới lấy một cái thước, bài nào ngắn thì cho một con số 0, bài nào dài thì cho nhiều con số 0, bài càng dài thì càng nhiểu con số 0 hơn (bài ngắn thì số 0 nhỏ, bài dài thì số 0 to). Dư luận chấn động, Ban giám hiệu/Phòng giáo vụ gọi ông lên làm việc và hỏi tại sao, ông nói:
-Chúng biết gì về ‘tư tưởng’ của Nguyễn Du mà viết, làm lạc đề thì bị điểm 0 là đúng rồi.
Chuyện này làm ông nổi tiếng ở cả trường đại học Vạn Hạnh, lẫn Sài Gòn!
Lúc đó, tôi nghĩ là ông nói có lý, vì các nhà phê bình văn học thường gán ghép ‘ý tưởng’/suy luận của mình vào các tác phẩm của các nhà văn/nhà thơ, rồi cho đó là ‘tư tưởng’ của các nhà văn/nhà thơ đó!!!
Để kiểm chứng điều này, tôi có hỏi 2 người (đã tốt nghiệp đại học) là: ‘Ai biết tư tưởng HCM?’, cả hai người đều nói ‘Thực tình, chúng tôi không biết’, và dĩ nhiên đây chỉ là kiểm chứng thôi.
*
Sau đây là một số thông tin 'sống' từ các blogger.
-Một câu chuyện có thật 100%: Chuyện xảy ra vào khoảng năm 1997, cô ấy có một người bạn gọi Bùi Giáng là cậu. Cô là con một cán bộ tập kết, mới từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn, mặc dù cô có biết danh Bùi Giáng và thầm phục thơ của ông, nhưng chưa biết mặt ông. Một hôm, cô đang dạy học ở nhà người bạn đó ở đường Nguyễn Đình Chiểu, thình lình nghe tiếng huyên náo ở dưới. Cô bèn ra ngoài xem thì thấy một ông già, già lắm rồi, trên đầu, tóc lưa thưa, đang quấn trên người những xâu chuỗi lon bia, được xâu với nhau bằng những sợi dây. Hỏi ra, té ra đó là ‘cậu’ Bùi Giáng, cô bèn bảo các cháu không được chọc phá ‘cậu’ nữa, và sau đó được biết là ‘cậu’ muốn các lon bia lập thành âm thanh ‘leng keng’ để mọi người không đụng vào ‘cậu’! Cô vừa kể chuyện, vừa cười, và gọi ông là ‘Bang chủ Cái Bang’… (theo blogger Chiều Tím, quán cà phê, sáng ngày 4/8/2012, xem đường dẫn bên dưới).
-Tôi từng có kỷ niệm xa với ông khi năm ấy ông giật phăng ổ bánh mì nghèo tôi đang gặm dỡ trong một quán trà đá bên cầu Trương Minh Giảng. Giật xong ông chỉ ngửi ngửi qua rồi hồi nhiên vừa múa may vừa đọc thơ, quên mất ổ bánh. Mấy xâu dép ông đeo trên người lắc lư trông rất ngộ… (theo blogger Vườn của Đạt, lời bình, chiều ngày 13/3/2015)
-Đóm đã gặp được ông ngoài đời thực (1976-1977). Lúc đó Đóm còn quá trẻ nên chưa nghe nói gì về ông. Chỉ thấy ông hay mặc quần áo te tua, tóc dể dài, đi chân đất và cột theo mấy cái lon kêu leng keng, có đeo một cái túi vải cũ trong đựng gì không biết. Ông hay đi lang thang trên đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu, quanh khu vực trường Đại học Kinh tế và Đại học Kiến trúc (TP HCM). Lúc ấy nhiều người nói "ông điên", riêng Đóm nghĩ ông già này không điên nhưng hơi lập dị, có lẽ vì ông không có gia đình nên phải sống bụi đời, thậm chí ông rất khôn vì tạo ra tiếng kêu khi di chuyển để xe cộ tránh... (theo blogger Đom Đóm, lời bình, chiều ngày 15/3/2015), v..v...
*
Như đã nói ở trên, vì có ấn tượng nhất với ông Bùi Giáng, nên năm 1987, tôi lần mò đến Trường đại học Vạn Hạnh (cũ) và các chùa để tìm ông ta, nhưng không tìm ra. May thay, có một người quen biết với ông, nên dẫn tôi đến nhà ông ta, nhưng có nói rằng:
-Ông Bùi Giáng không có tiếp ai hết, nếu đến thì ông ta sẽ đuổi ra, anh hãy liệu cách nhé, tùy anh.
Biết rằng Bùi Giáng là kẻ ‘đại ngông’, hơn nữa lại coi thiên hạ không ra gì (ý tôi không phải là nói ông tự cao, mà vì họ không hiểu ông), mà nếu tiếp cận với ông theo cách bình thường của nhiều người xưa nay - đến hỏi han chuyện thơ/văn/triết học, đời tư của ông, rồi chụp hình chụp ảnh gì đó - thì sẽ bị ông đuổi ra ngay, nên tôi mới về nhà bắt tay lên trán, suy nghĩ 1-2 ngày, rồi ra chợ trời, tìm mua một số sách của Bùi Giáng như ‘Mưa nguồn’, ‘Tư tưởng hiện đại’, ‘Thi ca tư tưởng’ và vài cuốn sách dịch của ông… để đọc trước, quả thật là ông rất trí tuệ, viết rất cao siêu/có ngòi bút ‘lô hỏa thuần thanh’ (xem chú thích bên dưới) như thiên hạ đồn.
(Đề cập đến từ ‘cao siêu’ này, tôi cũng xin trích ra sau đây 2 câu đối của ông Vũ Khiêu cho Hoa-hậu-2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên, và thơ của ông Bùi Giáng tặng cho Hoa-hậu-1955 Công Thị Nghĩa! - xem thêm chú thích bên dưới):
Trí như bạch tuyết tâm như ngọc
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung (Vũ Khiêu)

‘Không biết nữa trời tròn hay méo
Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay
Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay
Trời bên kia - nhan sắc ở bên này’ (Bùi Giáng)

để các blogger tự có các nhận xét về phong cách sử dụng ‘chữ Quốc ngữ’ của mỗi người!)
*
Và dưới đây là cách ‘lừa’ của tôi để gặp được ông Bùi Giáng.
Từ Đà Nẵng đi Sài Gòn, đến ga Hòa Hưng vào lúc 10g đêm, tôi liền bắt một chiếc xe ôm và trực chỉ đến nhà ông. Số là ông không có nhà!, mà ở nhà của một người cháu, ở chùa Liên Hoa!, đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp).
Khi đến, tôi gõ cửa ‘cốc cốc cốc’ đến 3 lần, thì ông ra hỏi:
-Ai đó, có việc gì không?
-Dạ, em mới ở quê ‘dô’, đến thăm thầy, thử thầy có khỏe không.
Thấy không có ‘vấn đề’ gì, ông mới bảo:
-Mi rút cái chốt cửa ở phía dưới.
Tôi bèn cúi xuống, thò ngón tay vào sau cánh cửa, rút cái chốt ra, rồi bước vào nhà. Lúc đó, ông đang nằm hút thuốc trên một cái võng, không biết là đang suy nghĩ về cái gì, ông hỏi:
-Mi ‘dô’ đây có chuyện chi?
Tôi bèn kể sơ sơ vài chuyện có liên quan xảy ra ở Hội An, Đà Nẵng, chủ yếu là nhấn mạnh vào việc ‘bà con ở quê hỏi thăm sức khỏe của ông’.
Sau khi hỏi thăm qua lại mấy câu, ông bảo:
-Mi ngồi đó, tau đi tắm cái đã.
Rồi ông cởi… truồng ra, đi ra sau tắm, lúc tắm xong, đi vào, ông vẫn tổng hổng như vậy (‘tổng hổng’ hay ‘tồng hổng’ là từ của một số người Quảng, thường dùng để chỉ một người không mặc quần áo, phơi thân thể ra giữa trời một cách rất… tự nhiên), nhưng tôi không quan tâm, mà cho đó là chuyện bình thường.
*
Rồi ông bảo:
-Mi ra ngoài mua cho tau gói thuốc và xị rượu.
Tôi mới ra ngoài mua một gói ‘Vàm Cỏ Đông’ (lúc đó, ở các quầy/quán bán thuốc lá lẻ ở SG chỉ có thuốc lá ‘Vàm Cỏ Đông’ và ‘Lao Động’) và một xị rượu đế… Ông ngồi trên võng, vừa nhâm nhi rượu, vừa hút thuốc liên tục.
Rồi dường như thấy ‘trường sinh học’ giữa hai người có vẻ gần gũi hơn, ông ta dần dần cởi mở và… chém gió với tôi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nào là Heidegger, J.P. Satre, Nietzsche, Camus, nào là Lão, Trang, Khổng, Mạnh, nào là Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Tagore, Shakepeare, Dostoievski, Kim Dung, Einstein, thậm chí là Karl Marx nữa…, rồi hỏi:
-Tau nói mi có hiểu gì không?
-Dạ, cháu không hiểu hết, nhưng có vài chỗ cháu hiểu được một ít.
Rồi ông hỏi:
-Mi có vợ chưa?
-Dạ có rồi.
-Vậy ở nhà mi có cái chi?
-Dạ, có câu ‘trăm năm hạnh phúc’.
-Mi xé nó vứt đi, tau tặng cho mi 4 câu đem về mà dán ở trên tường.
Tôi bèn lấy ra một cuốn sổ tay và một cây bút bi, ông mới tiến lại cái bàn và viết ra không phải là 4 câu, mà những… 6 câu thơ sau đây (tôi chép theo nguyên bản thơ gốc của ông):
Ngày mai cá sóng phiêu bồng
Ngần trăng ngậm bóng sương đồng ra đi
Đi về với gió phù du
Mở trang trí huệ cho mù sa bay

Chiêm bao hội thoại ngân dài
Ý trong tờ mộng nhớ ngày yêu nhau. (‘Trăm năm hạnh phúc’, Bùi Giáng)

Lưu ý là Bùi Giáng có 'tuyệt nghệ' về thơ lục bát, mà hễ mở miệng ra là ông phóng ra thơ lục bát được ngay. Rồi ông hỏi:
-Mi có hiểu không?
-Dạ, có hiểu nhưng hiểu không hết ý. Hình như là ‘cá sống’…
Bùi Giáng ‘nộ’ (nạt nộ, hiểu theo nghĩa nhẹ, từ Quảng):
-‘Cá sóng’ chứ không phải ‘cá sống’, là cá theo sóng, bập bềnh, trôi nổi, lên xuống, nên đời nó mới phiêu bồng, mới phù du, và vô định xứ…
-‘Ngàn trăng’ chứ không phải ‘ngần trăng’…
Bùi Giáng nộ tiếp:
-‘Ngần trăng’, ‘ngần’ là sáng miên viễn (theo ông), là cái trăng sáng luôn ôm cái bóng của nó…
-Em nghĩ là ‘trí tuệ’…
Bùi Giáng nộ tiếp:
-‘Trí huệ’, huệ là ‘sáng’ (do cảm nhận sự vật bằng 'tâm nhãn', tôi tạm nhớ vậy), người ta có trí chứ có sáng đâu!, thôi, mi đem về mà treo ở nhà.
Rồi ông lấy bút và ký tên vào dưới bài thơ trong cuốn số tay của tôi.
(Khi về trường, tôi đưa cuốn sổ tay có chữ ký của Bùi Giáng, mấy đứa bạn của tôi đều bị ‘choáng’, hihi…)
*
Rồi ông chỉ vào các tủ sách ở góc phòng, bảo tôi đọc đi!
Ối trời ơi, sách quá trời là sách, chất từ trên xuống dưới, ngổn ngang, chật cứng, mà cái tủ sách lại để gần cái chuồng gà mới lạ chứ, mùi cức gà bay ra hơi bị hôi, thế mà ổng cũng không sao!, nhưng tôi không quan tâm, vì tôi hiểu lối sống của ông như thế là bình thường…
Nhân thấy ông cũng vui vui và có vẻ hơi phấn khích, tôi mới rụt rè nói:
-Nghe người ta nói thầy… điên điên khùng khùng, nhưng em không có tin (tôi nói vớt vát, ngoài ra, tôi còn nghe sinh viên đồn chuyện ‘Bùi Giáng làm cảnh sát giao thông’, ‘Bùi Giáng bóp 'dú' Liên-Xô’ gì gì đó, nhưng tôi bỏ qua), em muốn… biết…
Bùi Giáng hơi nổi cáu, bèn nộ:
-Bọn họ điên chứ tau đâu có điên…
-Chứ em nghe nói thầy ‘hưởi’ (ngửi) cái đống rác…
-Mi nghĩ thử xem, cây có mấy chiếc lá rơi, làm sao mà thành một đống rác to như thế được, đống rác đó là của con người, do con người, con người ăn ỉa ra đó mà không biết thúi (thối), tau biết thúi nên tau hưởi thử…
Tới đây, tôi mới bàng hoàng, quả là ông không có điên, mà con người mới điên, vâng, chính con người mới điên: ‘con người ăn ỉa ra đó mà không biết thúi’, con người đã làm ‘thúi’ đi cái xã hội này!, nhưng họ lại không bao giờ thừa nhận cái sự thật ‘thối tha’ đó, và do đó, những người dám sống với sự thật thường bị con người xa lánh, ruồng bỏ, mà phải sống lầm lũi trong cô đơn, thậm chí tuyệt đối cô đơn (tôi cũng nghĩ đến trường hợp của ông Phạm Thiên Thư hay ông Hạ Đình Quốc Huy… hiện nay).
Vâng, tôi cũng hiểu được cái nguồn gốc ‘đại ngông’ (hay ‘đại kiêu’ của Phạm Công Thiện - mà tôi sẽ kể sau, nếu có dịp, nhưng hai ông này lại có cùng ‘sóng’ với nhau, nên chơi thân; ngoài ra, ông còn chơi rất thân với Trịnh Công Sơn) của ông, vì ông có một số phận ‘không kiếp’! - trên đời này không có một cái ‘thiên đường’ rộng mở cho ông, nên ông đã tự mở ra một cái ‘thiên đường’ riêng cho mình, mà ngoài việc yêu say đắm Kim Cương trong 40 năm - người luôn luôn thông cảm và giúp đỡ ông (hay Hoa hậu Công Thị Nghĩa, một thời gian ngắn, trước khi nàng sang Pháp vào năm 1961), quan trọng hơn, ông còn đùa nghịch như Lão ngoan đồng Chu Bá Thông, sống thui thủi một mình (mà cũng vì thế, sau tập ‘Mưa nguồn’, thơ của ông ngày càng đưa vào nhiều nét khó hiểu!)… Và có phải chăng, thượng đế đã âm thầm ban tặng cho ông một ‘đối tác ảo’ - đó là nữ sĩ Kim Cương, mà tôi cho là yêu về thể xác cũng… có! (ông cũng chỉ là con người), nhưng rộng hơn, là để ông có thể trải hồn mây gió, và do đó, có những thời khắc sống ‘vô ưu’: âu đó cũng là một quy luật bù trừ của tạo hóa vậy!
Cũng vào lúc này, tôi nảy sinh ra một lòng ái mộ ông mãnh liệt, và sự ái mộ này đối với tôi cho đến bây giờ vẫn không thay đổi.
*
Tôi ở lại tâm sự với ông cả đêm, ông đã trải lòng ra và nói hết những uẩn tâm/bí mật của đời mình cho tôi nghe, đến khoảng 4-5g sáng, tiếng còi xe lửa từ ga Hòa Hưng hú vang lên đến tận căn nhà mà chúng tôi đang hàn huyên tâm sự, tôi bèn đứng dậy và xin phép ra về.
-Ủa, mi đi xe lửa về quê hử?
-Dạ, em còn đi lòng vòng Sài Gòn thăm bà con và mấy đứa bạn, 1-2 ngày nữa em mới về (thực ra, tôi đâu có về quê, tôi vẫn ở SG mà!, mà tôi đạo diễn như vậy để ông ‘không đuổi tôi’).
-Mi về mạnh giỏi.
*
…Sau này, tôi sang Pháp. Đến năm 1998, có đứa bạn gọi điện sang Pháp cho tôi vào báo tin ông đã chết (Bùi Giáng mất vào lúc 2g chiều, ngày 7/10/1998, tại Bệnh viện Chợ Rẫy), tôi nói:
-Khi chụp hình ông, mầy nhớ chụp hình hai cái bàn chân, chứ đừng chụp hình cái đầu nghe.
-Ủa, sao vậy?
-Ông là triết gia thi sĩ duy nhất ở VN đi bằng hai bàn chân không (ông không mang giép hay giày) để trực tiếp cảm nhận được cái ‘mạch sống’ thật của cuộc đời này, khi ông chết đi thì cái đầu ông/trí tuệ sẽ hết, nhưng cái ‘mạch sống’ mà ông để lại cho đời vẫn còn mãi mãi.
Tiếc thay, khi tôi từ bên Pháp về lại VN, đến thắp hương mộ ông, ở nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức), tôi mới biết là bạn ấy đã quên chụp hình hai cái bàn chân của ông, nhưng hai chân tôi vẫn bước đi lầm lũi, mãi miết trên cuộc đời mà có thể là cô đơn và xa lạ này, với đôi khi tôi cất lên những tiếng cười vừa đau khổ, vừa ngạo nghễ: cái mạch sống của ông vẫn còn tiếp diễn trong tôi.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Viết riêng cho một độc giả

Ái Nữ
       Tôi là một ngọn gió. Hãy cho tôi biết bạn mong muốn những gì ở cuộc đời này, tôi sẽ ca hát về ước mơ của bạn và bài ca này sẽ vang xa. Cuộc đời sẽ trả lời chúng ta.
*
       Nguyễn Thanh Sơn, anh nghĩ sao? Liệu các học viên của học viện SAGE có thống nhất nổi bài giảng về “bí quyết rán trứng” của anh với cái status mà tôi tagvào timeline của anh ngày Cá tháng Tư vừa rồi không?
       Chúng ta có một điểm chung, đó là cùng yêu thích món trứng. Tôi có thể theo anh vào bếp để học chiêu tung trứng trên chảo, nhưng đến học viện SAGE để học các chiêu “PR” thì không đâu. Nếu họ nghĩ rằng tôi cần mượn người thầy của họ để “PR” cho cuốn tiểu thuyết của mình thì anh quả là một người cô đơn.
       Trong văn giới, anh chỉ là một kẻ “vô danh tiểu tốt”. Người ta đều nói như vậy. Chưa từng có tác phẩm văn chương nào nhờ vào uy tín của anh mà trở nên nổi tiếng. Anh chỉ thành thạo trong vai trò “bắn tỉa” hay “ném đá”. Có lẽ người ta đã khuyên nhau rằng để quảng bá một tác phẩm văn chương thì đừng nhờ đến Nguyễn Thanh Sơn, không những không được việc mà có khi lại còn phải nghe những lời xỏ xiên. Anh đúng là một kẻ chẳng ra gì.
       Nhưng anh lại là một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của Thượng Đế, nên tôi cần phải “PR” anh với các độc giả. Anh xem đoạn văn sau đây có dưới tầm tài năng của các nhà văn trên Facebook hiện tại không nhé:
       “Tại sao Nguyễn Thanh Sơn lại tự nhận mình là “người chênh vênh”? Lý do nào khiến anh ta muốn làm nhà phê bình văn học nhưng lại suốt ngày “chạy sô” trên những chuyến bay, bay khắp nơi trên thế giới nhưng chỉ để nói khản cổ về “thương hiệu” chứ không phải là để trò chuyện về văn chương? Bài báo trên Vnexpress năm nào viết rằng: “Sự sắc sảo trong văn chương bổ sung cho công việc kinh doanh, giúp Nguyễn Thanh Sơn có thể đạt tới sự thấu hiểu trong việc đoán định tâm lý của khách hàng và thị trường”. Nhưng bài báo ấy không có dòng nào nói về chuyện sự sắc sảo trong kinh doanh giúp ích gì Nguyễn Thanh Sơn trong lĩnh vực văn chương cả. Trong bài báo có nhiều ảnh đẹp về những phút giây của một người đàn ông thành đạt hạnh phúc, không có chỗ nào trưng bày sự đau buồn của một nhà văn bất lực”.
       Tôi cho là viết như thế không xứng tầm với độc giả của Facebook, vì họ luôn tỏ ra thông minh và có khiếu hài hước. Anh xem viết thế này có dễ đọc hơn không:
       Nguyễn Thanh Sơn ư? Để tương xứng với việc anh ta hình dung ra các nhà văn như những con mèo, chúng ta hãy hình dung ra anh ta như một con chim cú. Mặc dù người Việt Nam chưa để ý nhiều đến vẻ đẹp của loài cú, nhưng với văn hóa phương Tây, chim cú là biểu tượng cho sự minh triết, là “nữ thần trí tuệ”. Để thêm phần lịch sự, tôi gọi anh ta là Ngài Cú Thông Thái.
       Ngài Cú Thông Thái thể hiện thái độ của mình trên Facebook rất ngắn gọn theo kiểu này: Đăng hình một chú chó trắng kèm lời bình: “Càng đọc tút và còm của nhiều người, mình càng thấy yêu chó hơn”. Hoặc đăng hình một chú mèo con màu vàng đang ngước mắt nhìn kèm lời càu nhàu: “Đang đi bán mình đây, nhìn cái x gì?”
       Tại sao Ngài Cú Thông Thái lại tỏ ra bất mãn? Ấy là vì ngài ta đang lo lắng về tình trạng “chênh vênh” của mình. Ngài Cú Thông Thái yêu văn chương, nhưng trên thực tế cuộc đời ngài ấy đang cứ như một cái xe liên tục tăng ga lao đến đích vinh quang của sự nghiệp kinh doanh. Dường như sự thông thái của Ngài Cú đang phản bội chính tình yêu của ngài. Ngài Cú Thông Thái không đủ thông thái để minh định được rằng ngài ta có sai không, nếu sai thì sai ở chỗ nào.
       Chim cú được thán phục ở tầm nhìn xa trông rộng chứ không phải là ở khả năng nhìn được chính mình. Trong ngôn ngữ Phần Lan, một nước có thành tựu lớn về giáo dục, “con cú” và “thằng ngốc” được dùng chung một từ.
       Thật ra thì Ngài Cú Thông Thái không sai, hoặc nếu có sai thì sai theo cách nghĩ của ngài ta hoặc ai đó chứ không sai với Thượng Đế. Đấng Tối Cao đã sắp đặt cho ngài ta luôn làm công việc tiếp theo công việc của Các Ngài Mèo Nhà Văn, giống như công việc của thợ may đi sau công việc của thợ dệt. Nếu Các Ngài Mèo Nhà Văn dệt được những tấm vải thì Ngài Cú Thông Thái sẽ mải miết may áo. Còn trong trường hợp Các Ngài Mèo Nhà Văn không dệt vải mà chỉ tha những cuốn sợi giăng mắc lung tung kéo đổ đồ đạc, thì bấy giờ Ngài Cú Thông Thái sẽ tập trung vào việc “làm nín xủng xoảng thùng tôn”, à không, phải gọi là “quản lý khủng hoảng truyền thông” chứ.
       Cái cụm từ “quản lý khủng hoảng truyền thông” nghe nó hàn lâm bác học quá nên chưa chắc những người nông dân vừa nghe đã hiểu ngay được, song nếu đem thực tế sinh động ra làm ví dụ thì họ sẽ hiểu nhanh hơn các nhà bác học. Một thí dụ trong lĩnh vực chuyên ngành của Ngài Cú Thông Thái là như thế này: Vừa qua có một Ngài Ruồi, nhờ tu đắc đạo trong kiếp ruồi nên chết vào giờ thiêng, được ướp xác long trọng trong chai nước ngọt của một công ty nước giải khát có cái tên mà mỗi từ đều nghe như một tiếng nổ vang. Cái chết đắc đạo nào cũng tỏa hào quang, nên đám tang của Ngài Ruồi là một đám tang danh giá, và Ngài Ruồi được truy tặng học vị Tiến Sĩ. Nhưng thời buổi này ai cũng biết tiền bạc là quý, và lãnh đạo công ty nước giải khát nọ không hài lòng nếu việc tổ chức đám tang cho Ngài Ruồi tiêu mất nhiều tiền quá. Trong sự vụ này, các chuyên gia quản lý khủng hoảng truyền thông thoải mái chê lãnh đạo công ty nước giải khát kia là dốt nát vì đã không biết thuê họ, nếu thuê những người tài giỏi như họ thì việc tang ma sẽ ít tốn kém hơn. Để chứng minh cho sự thông thái, có chuyên gia đã đem cả những nghiên cứu về chiến tranh Việt-Mỹ để đưa ra kết luận là những tốn kém quá đáng của đám tang Ngài Ruồi là do lãnh đạo của công ty nước giải khát kia không khôn ngoan hơn lãnh đạo nước Mỹ năm xưa. Kết quả cuối cùng: Mặc cho các chuyên gia quản lý khủng hoảng truyền thông bàn ra tán vào, đám tang của Ngài Ruồi càng ngày càng linh đình tốn kém, vì Thượng Đế đã quyết rằng với việc hoàn thành sứ mệnh vĩ đại của Ngài Ruồi, ngài ấy xứng đáng được đưa tiễn bằng những loạt đạn đại bác.
       Đấy, quản lý được một “thương hiệu” trong thế giới ngày nay là điều vô cùng khó, cho nên chúng ta có thể hiểu tại sao cái học viện mà Ngài Cú Thông Thái sáng lập ra lại có tên là “SAGE”.
       Để không bị chóng mặt với tín hiệu đa chiều từ nhiều thế giới trên mạng Facebook, người ta phải có bản lĩnh của một triết gia. Chim cú là biểu tượng cho các triết gia, có lẽ vì nó có cái cổ có thể xoay bốn phương tám hướng. Nó không bị chóng mặt. Ngài Cú Thông Thái không sợ bị chóng mặt. Ngài ấy thoải mái trong việc hôm trước thì tỏ ra căm phẫn với việc Trung Quốc đang ngang nhiên xâm lấn biển Đông, hôm sau thì đùa bỡn khoe rằng vì ngài ấy không “dài mỏ” ra chê kiểu áo dài mới của hãng hàng không Vietnam Airline mà họ đã update vé bay của ngài lên hạng thương gia.
       Ngài Cú Thông Thái có khả năng bình luận về mọi thứ, tất nhiên không trừ chiến tranh và thời trang. Tuy nhiên, Thượng Đế không có ý định dùng ngài ấy vào việc canh giữ các mốc địa giới, mà chỉ dùng ngài ta vào việc canh giữ những vẻ đẹp. Khi một kênh truyền hình của Bộ Quốc Phòng mời Ngài Cú Thông Thái đến ghế quay, họ không hỏi ý kiến ngài ấy về chiến lược chiến thuật trên biển Đông mà hỏi về chuyện đồng phục tiếp viên của Vietnam Airline chuyển từ màu đỏ sang màu xanh da trời. Ngài Cú Thông Thái đã trả lời họ với phong thái đúng mực của một nhà hiền triết: “Sự thay đổi hình thức bên ngoài chưa nói lên được điều gì”. Thật duyên dáng và... tinh vi.
*
       Nguyễn Thanh Sơn, anh nghĩ sao? Sự thật nào đằng sau chuyện một con ruồi chết gây ngộ độc cho cả thế giới?
       Tôi biết “người thực việc thực” là điều mà giới văn nghệ sĩ rất dị ứng. Trong bài “Nhà văn và sự thật” anh đã viết: “Mức độ giác ngộ chân lý của người nghệ sĩ phụ thuộc rất nhiều vào tri thức, tài năng của chính anh ta. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chính những nhà văn thường xuyên hô to rằng những gì họ viết ra là sự thật, chỉ sự thật và sự thật mà thôi lại chính là những người mang đến cho độc giả những tác phẩm tẻ nhạt nhất”.
       Chúng ta chẳng cần phải khó chịu với “người thực việc thực”. Với những nghệ sĩ tài năng của học viện SAGE, một con ruồi chết không thể là một sự thật tẻ nhạt. Bây giờ thì người Việt Nam không cần đem tên truyện “Giá như không có ruồi” của một ông nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ ra để cười mình nữa, vì các triết gia của học viện SAGE không thể phủ nhận sự thật là ruồi đã chết rồi. Đã đến lúc chúng ta đọc xem tác phẩm cuộc đời của những người dân Việt Nam giá trị đến đâu.
*
       Anh không phải là nhà phê bình văn học đầu tiên trở thành nhân vật trong blog “Hơi Thở Của Vũ Trụ”. Trước anh, có Gió Phương Bắc và Acemediavn Trẻ Trâu đã qua đây, bản lĩnh của họ chẳng kém gì anh vậy. Họ cùng chung với anh một tình yêu thiêng liêng với văn chương. Dường như họ đã đọc hết tất cả những gì mà các nhà văn nhà thơ từng viết ra trên thế giới, nhưng họ vẫn chưa thôi khao khát. Họ không hình dung nổi tôi là người vừa đến từ thế giới khác, không phải thế giới của những trang sách. Lần đầu tiên gặp họ cách đây hai năm, kiến thức văn chương của tôi vẫn là kiến thức từ sách giáo khoa dành cho học sinh phổ thông Việt Nam cuối thế kỷ trước. Nếu không có Gió Phương Bắc, tôi còn chưa biết đến Phạm Thị Hoài. Nếu không có Acemediavn Trẻ Trâu, tôi còn chưa biết đến Nguyễn Huy Thiệp. Tôi chưa từng biết rằng tôi sống chung thế giới với những nhà văn ấy trước khi gặp hai nhà phê bình nọ. Vì thế, ngay lúc bấy giờ có lẽ tôi chưa hiểu và thông cảm hết với họ về ước mơ có một tác phẩm văn chương mới cho người Việt Nam.
       Acemediavn Trẻ Trâu phàn nàn là một tác phẩm viết khó hiểu quá thì không thể đến được với đại chúng. Cậu ấy muốn một tác phẩm có giá trị tư tưởng lớn mà nhiều người cùng đọc được. Tôi bèn nói với cậu ấy rằng tôi sẽ viết một tiểu thuyết có tên là “Bí mật ngày tận thế”. Chắc nghe chán tai quá nên Acemediavn chả thèm có ý kiến gì. Nhưng tôi đã lừa dối Acemediavn Trẻ Trâu và độc giả, vì tôi không viết ra được cái gì giống như thế. Nếu có một tiểu thuyết mang tên “Bí mật ngày tận thế” mà nhiều người đọc được một cách thích thú thì tác giả của nó là ai? Là Dan Brown. Trên thực tế ông ấy đã viết ra những cuốn tiểu thuyết như vậy rồi và không ai có thể làm tốt hơn. Trong tác phẩm của ông ấy có tư tưởng lớn đấy chứ, dù chỉ là truyện giả tưởng. Nhưng mọi tư tưởng trên đời đều là giả. Tôi hâm mộ Dan Brown như đã hâm mộ Alexandre Dumas. Những lâu đài giả tưởng tráng lệ của họ đủ làm tắt ngấm ước mơ của những nhà văn bất tài mà lại còn muốn làm thay đổi thế giới chỉ bằng câu chữ.
       Gió Phương Bắc muốn các nhà văn Việt Nam có được một tác phẩm văn chương vĩ đại đem đến sự giác ngộ và hạnh phúc đích thực cho độc giả. Nhưng một tác phẩm như thế thì người phàm trần như chúng ta không thể làm được, mà chỉ có thể là tác phẩm của Thượng Đế. Một nhà văn phàm trần chẳng biết được gì nhiều mà viết. Thà cứ để người Việt Nam đọc những truyện giả tưởng vui vẻ còn hơn bắt họ phải đọc những truyện nói lên sự thật nhưng lại là những sự thật tối tăm. Những sự thật tối tăm không phải là sự thật, vì chân lý là ánh sáng, chân lý là Thượng Đế.
       Những ai được đọc tác phẩm của Thượng Đế? Những độc giả nào xứng đáng?
       Một bạn đọc có sự quan tâm thiết thực đã giới thiệu tôi đọc cuốn “Mùi chữ” của Nguyễn Hoài Nam ngay khi nó vừa được xuất bản. Với một kẻ ít tiếp xúc văn giới như tôi thì việc tham khảo những cuốn sách như thế là cần thiết. Tác giả “Mùi chữ” tự tin, tươi mới, đĩnh đạc và hấp dẫn, mỗi tội là ngốc. Sao anh ta lại nói rằng Việt Nam thiếu “công chúng tinh hoa”?
       Tôi biết rằng các độc giả luôn xứng đáng với nhà văn. Tác phẩm dù chỉ một người đọc vẫn là tác phẩm có độc giả. Ngày tận thế là đề tài mà bao năm nay các nghệ sĩ đã khai thác đến nát nhừ, nên “Ngày Tận Thế Huyền Bí” không phải là một cái tên “câu khách”. Thượng Đế huyền bí nhưng không bí mật, Ngài luôn chờ đợi chúng ta đến gần và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Ngài. Với tác phẩm huyền diệu này, tôi chỉ còn là một độc giả kiêm diễn viên mà thôi.
*
       Gió Phương Bắc và Acemediavn Trẻ Trâu đã biến mất rồi, nên những độc giả sau này có thể nghi ngờ rằng tôi đã tự sáng tạo ra những nhân vật ấy. Nhưng nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn thì chưa thể biến mất. Không ai có thể nghi ngờ rằng tôi đã hư cấu ra anh. Chính là anh, nhà văn thiên tài, anh đã sáng tạo ra tôi, một chú mèo nhỏ chạy theo cuộn len đùa nghịch.
       Làm sao tôi có thể nói dối độc giả về đoạn văn này của anh: “Những người viết vội vàng cũng giống như chú mèo con bị cuộn len ý tưởng hấp dẫn. Trò chơi nhiều màu sắc kia trông quả thật thú vị, chú mèo nhẩy cẫng lên, lao qua lao lại bên cạnh cuộn len, vung bàn chân ra vả vào những sợi len để tìm cách kéo nó ra. Không có đủ sự kiên nhẫn cần thiết, sợi len đầu tiên quấn lấy chân chú, và chẳng mấy chốc chú đã quay cuồng trong đám len, làm rối tung các ý nghĩ, cho đến khi những sợi len cuộn chặt lấy chân làm chú ngã xuống, hoặc có ai đó lôi chú ra khỏi đám hỗn độn mà chú vừa tạo nên”.
       Đúng, tôi là chú mèo ấy, và cuộn len kia là Thiên Ý.
       Tôi rất vội vàng, vì bản giao hưởng mới của Thượng Đế đã cất lên. Tôi đang đứng giữa sân khấu với cây vĩ cầm chỉ còn lại một dây, mà sợi dây này có lẽ cũng sắp đứt.
*
       Tôi từng ngã xuống, nhưng rồi đã không chết. Vì ở đâu đó anh đang mơ ước.
       Anh có biết bằng cách nào tôi tìm ra anh không? Sau khi Gió Phương Bắc ra đi, cậu ấy cho blog về chế độ ẩn, nhưng trên cùng vẫn còn bức ảnh chụp bìa một cuốn sách cũ. Tôi đọc nhan đề cuốn sách ấy và gõ lên Google: “Thiên Sứ”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hương lá

BH

Hinh như đấy là tên một cuốn sách tôi đọc hồi nhỏ, cuốn sách in bằng thứ giấy xấu. Hình như nó là cả tập truyện ngắn thì phải. Có rất nhiều truyện trong đó, kể về muôn thứ trong cuộc sống. Tất cả những gì tôi nhớ được đến giờ trong hai tập truyện ấy là chi tiết món ăn và cây.

Sở dĩ nhớ vì nó ấn tượng nhất lúc đấy. Hồi đói khổ vậy, trang sách lại tả món ăn. Tả những kẻ con buôn, phe phảy, mánh mối sáng ra chúng ăn bát xôi trắng ấp miếng giò, rồi  bát phở gà đập trứng, bát phở bò xin chan thêm ít nước béo...khỏi nói thì các hình ảnh ấy ấn tượng thế nào đến bộ não trẻ thơ của tôi. 

Tôi không biết kể thế nào để các bạn trẻ hiểu được miếng ăn lúc đó khiến tôi thèm khát thế nào. Có lẽ chẳng phải tôi mà còn bao người khác  hồi ấy cũng thèm, có khi ngay cả cái ông viết truyện đó cũng thèm. Đói, thiếu thốn, thèm từ một lát dừa kho với chút xì dầu, cho thìa mỡ dính loáng bóng là ăn trôi được cả bát cơm rồi. Huống chi là khoanh giò lụa với bát xôi trắng, bát phở gà thơm phức.

Tuổi thơ tôi đói, lớn lên đi bộ đội cũng đói. Mỗi bữa ở đơn vị chỉ được hơn bát cơm là cái chậu cơm hết sạch, chỉ một chút rau, một miếng thịt lợn bằng nửa ngón tay út. Ngày tập lăn lê bò toài, đội ngũ, leo trèo, hành quân. Tối đến nằm quằn quại chống cự cơn đói trong tấm chăn chiên mỏng giữa mùa đông. Rồi hết bộ đội, đi tù lại càng đói hơn, hầu như chỉ có cơm với muối.

Chẳng phải tôi kể khổ, khổ như vậy khối người Việt Nam thời bao cấp cũng khổ, cũng đói, cùng thèm khát những vật chất tầm thường như miếng ăn giống tôi.

Người ta bảo có thực mới vực được đạo, người ta lại nói cơm no , áo ấm. Chúng tôi được dạy thế, thực tế của chúng tôi cũng nói thế. Cái ăn cứ phải trước đã, vật chất trước đã, cái bỏ vào mồm trước đã rồi mới đến tinh thần.

Thế nhưng tôi vẫn nhớ chi tiết thứ hai mà tôi ấn tượng trong quyển sách, cùng với những món ăn khiến tôi thèm khát, đó là những cái cây. Câu truyện kể về một gã rất cơ hội, gã làm ở công ty cây xanh. Một hôm cây ở công viên đổ, hắn đến cưa cắt dọn đi. Tình cờ hắn nghĩ ra người làm mộc đóng bàn ghế, hắn tìm đến gạ mua. Thế là hắn bán được cái cây đổ. Có tiền hắn mua chai rượu Lúa Mới, bao thuốc Thăng Long đến biếu nhà ông giám đốc công viên. Từ đó cứ mỗi năm đến mùa mưa bão, thế nào cũng có vài cái cây đổ mặc dù cơn bão chả là cái gì với chúng. Được vài mùa, nhân vật chính bắt mối thịt cây đường phố....sau đó hắn có vốn buôn gì đó nữa...cái này tôi không nhớ.

Đôi khi tôi hoài nghi một điều, không phải lúc đói khát người ta chỉ nghĩ đến miếng ăn. Dù đúng là người ta nghĩ đến miếng ăn thât khi đói khát, thiêú thốn , nhưng có thể con người vẫn nghĩ đến một thứ gì đó mơ mộng, dù thứ đó chả ăn được.

Tôi vẫn hay xem xét lại những ấn tượng của mình về điều gì. Ví dụ về chi tiết miếng giò, bát phở..tôi nhớ được vì tôi quá đói. Thế còn chi tiết cây xanh bị tên gian manh kia chặt...tại vì sao tôi nhớ. Trong khi cả tập truyện còn bao nhiêu thứ nữa tôi chả thể nhớ nổi.

 Mẹ tôi bán dép rong, hay bán ở khu vực xung quanh Cung thiếu nhi, các phố Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, vườn hoa Chí Linh ( bây giờ là vườn hoa Lý Thái Tổ, hình như lúc trước còn đổi tên là vườn hoa India Ganđi gì đó thì phải). Mùa hè tôi đi theo phụ mẹ bán hàng. Những gốc cây là nơi trú nắng và bán hàng lý tưởng. Hồi ấy chim sâu, chim khuyên nhiều lắm, cả sáo, chào mào, chèo bẻo cũng về Hà Nội ríu rít trên cành cây. Mỗi sáng ra dưới đám đất sát gốc cây lại có những ụ đất đùn lên, đó là tổ dế. Còn tối muộn dưới gốc cây là những con ve sầu lột xác. Cả một thế giới kỳ thú ở một cái cây, có tán lá xanh che bóng mát, có chim đủ thứ hót, có ve sầu, dế mèn và có cả những vẻ đẹp thanh bình, lao xao những giai điệu âm thanh báo hiệu gió mát trong buổi trưa hè.

Vậy tôi có tâm hồn yêu thiên nhiên từ bé, bởi thế tôi mới nhớ được đến chi tiết kẻ chặt cây trong truyện.

Tâm hồn yêu thiên nhiên là cái mẹ gì ở thời đại xã hội này, sến bỏ mẹ. Tiền, quan trọng là tiền, tiền để sắm xe đẹp, nhà đẹp, ăn nhậu, quần áo hàng hiệu, đi du lịch...cái đó mới là quan trọng. Tâm hồn là thứ đã sến, lại còn thứ tâm hồn yêu thiên nhiên nữa thì càng sến và dở hơi.

Nhà tôi có khoảng sân thượng nhỏ, tôi thích cây lắm. Tôi xin những bình ắc quy cũ về, ra sông Hồng lấy đất thịt. Rồi xin tiền mẹ nhảy tàu điện xuống phiên chơ Mơ mua được cây nho. Bố làm cho tôi cái giàn, cây nho lớn dần phủ kín giàn. Mẹ tôi đưa tôi đi tàu điện đến phiên chợ Bưởi mua cây thiên lý. Khoảnh sân thượng nhà tôi nhỏ có giàn nho và thiên lý cuốn nhau. Rồi bố lại mua cây hoa giấy hai màu, mẹ mua cây hoa đại. Tôi dặm thêm mấy nhánh cây vạn niên thanh để nó rủ xuống trước hiên nhà. Hàng chiều tôi xách xô nước lên trên sân thượng tưới cây.  Nhà tôi phủ bóng xanh của nhiều loại cây.

 Bây giờ thì hình như chả còn cây nào, nhưng cái cây nhà hàng xóm đã lớn mang màu xanh lại cho cái sân thượng nhỏ bé của nhà tôi. Ngôi nhà ấy để cho em trai tôi ở, và nó thì chả thích cây, nó thích tiền mặt, tiền tươi, ăn nhậu, cờ bạc hơn.


Tôi đi tù, ở đội rau. Trong tù thì làm gì có chỗ nào dành cho tình cảm lãng mạn như yêu cây với cối. Chỉ có đâm chém, thủ đoạn, tàn bạo, hối lộ và nịnh nọt để tồn tại . Có vị trí để cướp đoạt miếng ăn của người khác. Thế nhưng một điều lạ lùng là chỉ vì thứ tâm hồn yếu đuối, lãng mạn yêu cây cối mà người quản giáo cho tôi làm đội trưởng. Một cái vị trí lẽ ra phải mua bằng rất nhiều tiền.

''Hắn đến ngồi bên rẻo đất nhỏ sát bờ rào và hàng tre, nơi hắn trồng sả, tía tô, ngải cứu… những thứ lá dùng trong nồi lá xông. Chỉ thiếu một hai thứ như lá bưởi có thể vào nhà dân xin. Quản giáo và bạn tù vẫn trêu hắn là mày có thịt chó hay thịt gà hay sao mà trồng những thứ linh tinh thế. Hắn chỉ cười nói trồng cho đỡ buồn.
Mà đúng hắn đỡ buồn thật khi trồng, khi nhìn những thứ lá dùng trong bó lá xông. Hắn lại thấy sự an ủi, thấy được tình cảm của người thân, thấy tuổi ấu thơ, thấy mái nhà của mình… Những tình cảm đó khiên hắn không bị sa ngã, bị cuốn theo lối sống bi quan như nhiều phạm nhân khác. Chúng là bạn của hắn trong những năm tháng đọa đày.
Mỗi khi rảnh rỗi chăm sóc chúng, hắn thường nói chuyện thầm thì với từng khóm cây. Hắn yêu nhất cây tía tô lá hình răng cưa mặt màu tím, mặt màu xanh. Vì hồi ở nhà, khi nào mẹ hắn ốm, mẹ sẽ bảo hắn nấu cháo trứng gà với nhiều lá tiá tô. Lá tía tô hắn trồng dày và mượt mà, giá như gửi về cho mẹ được một ít nhỉ. Hắn tự hỏi từng ấy năm hắn đi tù, ở nhà mẹ ốm ai nấu cho mẹ cháo trứng gà với lá tía tô…''

Mấy chục năm lăn lộn với cuôc đời, sự thăng trầm không biết kể thế nào cho hết. Nhưng chỉ có điều này tôi muốn nói cho các bạn. Đừng nghĩ sự yêu mến cây cối là thứ tình cảm phù du, sến, vô tích sự.  Những tình cảm ấy nếu còn sống  ở trong bạn, lúc bạn lầm lỡ, sa ngã nó là vị thuốc để chữa cho bạn vượt qua. Những vị thuốc vô giá mà không có đồng tiền nào mua được.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sửa luật, giữ nguyên tội lợi dụng quyền tự do dân chủ



Dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi giữ nguyên tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", vốn là điều 258, nay trong dự thảo là điều 342.

Suy thoái đạo đức có phải tội hình sự?

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đặt câu hỏi trong phiên họp của UB Thường vụ QH về dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi sáng nay: Có một số tội mới phát sinh rất nguy hiểm cho xã hội, như tự chuyển hóa, lợi ích nhóm, suy thoái đạo đức lối sống... có thể cấu thành tội phạm hình sự không?

tự do ngôn luận, án tử hình, biểu tình, điều 258, trưng cầu ý dân, Hà Hùng Cường, Huỳnh Ngọc Sơn, tự chuyển hóa, lợi ích nhóm, suy thoái, bộ luật Hình sự, hối lộ, tham nhũng 
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời, các tội tự chuyển hóa đã có một chương riêng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, đủ để xử lý.

"Về suy thoái về đạo đức, bộ luật Hình sự đã có khá đầy đủ các quy định, nhưng cụ thể là các tội gì thì sẽ báo cáo Phó Chủ tịch QH. Lợi ích nhóm có thể là nguyên nhân dẫn đến hối lộ, tham nhũng thì đã có các quy định trong trong phần các tội về kinh tế. Và để xử lý các vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, cơ quan soạn thảo lần này mạnh dạn đề nghị QH cho hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân", ông Hà Hùng Cường giải trình.

Cũng quan tâm đến các loại hình tội phạm mới phát sinh sau khi sửa bộ luật Hình sự năm 2009 là Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước. Theo Bộ trưởng Tư pháp, một trong nhiều tội phạm mới có liên quan đến các quyền tự do dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp.

"Chúng tôi đã mạnh dạn quy định tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, biểu tình của người dân. Sau này khi có luật Trưng cầu ý dân, Biểu tình, Báo chí sửa đổi..., ai cản trở những quyền này của người dân sẽ bị xử lý", ông Hà Hùng Cường nói.

"Như vậy là lạm dụng quyền tự do ngôn luận, biểu tình cũng bị trừng trị, mà cản trở người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận, biểu tình đúng pháp luật, cũng bị trừng trị".

Cụ thể, dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung một tội mới "xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân", đồng thời giữ nguyên tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", vốn là điều 258, nay trong dự thảo là điều 342.

tự do ngôn luận, án tử hình, biểu tình, điều 258, trưng cầu ý dân, Hà Hùng Cường, Huỳnh Ngọc Sơn, tự chuyển hóa, lợi ích nhóm, suy thoái, bộ luật Hình sự, hối lộ, tham nhũng 
 Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Minh Quang

Ngoài ra còn có các tội mới trong lĩnh vực trật tự, giao thông như rải đinh trên mặt đường, trộm chó; trong lĩnh vực kinh tế như ngân hàng, chứng khoán, tiền tệ, đặc biệt là tội cố tình dây dưa không đóng BHXH cho người lao động...

Tránh dùng tiền để thoát án tử

Dự thảo cũng đưa ra một số chính sách mới cho những tội danh cũ. Đa số ý kiến đồng tình với chính sách tăng phạt tiền với tính cách là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, nhưng riêng với quy định sau lại có nhiều ý kiến khác nhau:

"Người bị kết án tử hình nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn", thì có thể chuyển thành tù chung thân.

Cơ quan thẩm tra, UB Tư pháp QH nhấn mạnh cần cân nhắc kỹ: Nếu cần bổ sung điều kiện này để giảm án tử hình trên thực tế thì cần có sự phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể dùng tiền để thoát án tử hình.

UB này đề nghị cân nhắc loại trừ các nhóm đối tượng sau: Người đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, các tội phạm về ma túy; Người phạm tội là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.

Dự thảo cũng đề nghị không tiếp tục duy trì tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

"Dự thảo đã cập nhật, bổ sung thêm một số loại vi phạm mới mang tính chất 'cố ý làm trái' trong thời gian vừa qua, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Chương các tội phạm về chức vụ cũng quy định một số tội danh chung liên quan đến hành vi 'cố ý làm trái' của người có chức vụ, quyền hạn", Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Đa số ý kiến trong UB Tư pháp đồng tình xác định rõ các hành vi phạm tội, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng. Nhưng cũng có ý kiến muốn duy trì tội danh này vì không thể dự liệu và cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ tội danh này sẽ bỏ lọt tội phạm.

Phó Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh phân tích: "Hiện nhóm tội chức vụ, tham nhũng không bao quát hết được những tội cố ý làm trái, còn rất nhiều lĩnh vực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều tội phạm tham nhũng ẩn trong tội cố ý làm trái, ta không chứng minh được yếu tố vụ lợi và không làm rõ được hậu quả nên không xử lý họ được tội tham nhũng".

Theo ông Khánh, nếu bỏ tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng thì trong thực tế nhiều tội về chức vụ, trong đó có nhóm tội tham nhũng sẽ do những hạn chế trong quá trình điều tra làm rõ mà bị bỏ lọt tội phạm.

Chung Hoàng

Phần nhận xét hiển thị trên trang