Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Khi V. Pu Tin tìm lối cũ cho nước Nga:

Giới doanh nhân Nga chạy ra nước ngoài

Diệu Vũ

8 tháng đầu năm nay, hơn 203.000 người đã rời khỏi nước Nga, nhiều hơn bất kỳ năm nào kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền...

Doanh nhân trẻ Artem Kulizhnikov đang chuyện rời quê hương Nga để ra nước ngoài
 tìm cơ hội - Ảnh: Bloomberg.

Gặp khó khăn trong việc huy động vốn tại thị trường trong nước, Artem Kulizhnikov, một doanh nhân trẻ người Nga trong lĩnh vực công nghệ, khăn gói chuẩn bị lên đường rời khỏi Moscow. Trò chuyện với Bloomberg, Kulizhinikov nói, anh dự định sẽ sang Dubai hoặc Singapore vào cuối năm nay để tìm vốn cho công ty thứ hai. 

Năm nay 22 tuổi, Kulizhnikov nằm trong làn sóng di cư của các doanh nhân và người tài của nước Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và phương Tây rơi xuống mức xấu nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh. Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm nay, hơn 203.000 người đã rời khỏi nước Nga, nhiều hơn bất kỳ năm nào kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền.

Lệnh trừng phát của phương Tây khiến các công ty Nga ngày càng khó tiếp cận các nguồn vốn từ bên ngoài. Chưa kể, việc Chính phủ Nga siết chặt quản lý cũng khiến nhiều doanh nhân và nhà đầu tư nước này cảm thấy “ngộp thở” và phải ra đi.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3, Pavel Durov, nhà sáng lập Vkontakte - mạng xã hội được coi là Facebook của Nga -  cũng rời quê hương để tìm đường phát triển một mạng xã hội di động. Durov tiết lộ rằng, anh không muốn tuân thủ quy định của Moscow về giao nộp thông tin cá nhân của người dùng Ukraine.

Game Insight, công ty từng được Forbes xếp hạng là công ty Internet lớn thứ 7 tại Nga, đã chuyển trụ sở từ Moscow sang Lithuania. Pavel Muntyan, nhà sáng lập hãng hoạt hình Toonbox, đã chuyển toàn bộ 15 nhân viên trong công ty từ Moscow sang đảo Cyprus.

"Nga là một trong các thị trường chính của chúng tôi, nhưng có vẻ thị trường này sẽ từ chối chúng tôi trong khoảng một đến hai năm tới. Người Nga cho rằng hoạt hình của chúng tôi không đủ chất Nga. Nhưng chúng tôi đâu chỉ muốn làm phim cho người Nga, chúng tôi muốn mình là một công ty quốc tế cơ mà? Cớ sao chúng tôi lại tự nhốt mình cơ chứ?", Muntyan nói.

Ông Herman Gref, Giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank cho biết, ngày càng có nhiều công ty Nga nộp đơn xin phép cho nhân viên định cư ở nước ngoài. "Hiện nay, đơn xin phổ biến nhất lại là rời đi, chứ không phải là thành lập công ty. Cho đến khi môi trường kinh doanh ở Nga được cải thiện, xu hướng này vẫn còn tiếp diễn”, Gref nói.

Để ngăn dòng chảy chất xám, nhà băng lớn nhì Nga là VTB đã chuyển trọng tâm đầu tư công nghệ từ Silicon Valley quay về Nga. "California có quá nhiều tiền rồi. Chúng tôi nhận thấy Nga ngày càng có nhiều doanh nhân và sẽ tập trung vào thị trường này", Alexandra Johnson, Giám đốc quỹ đầu tư Aurora của VTB tại Mỹ cho biết.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, nhiều nhà khoa học đã rời khỏi Nga. Tổng thống Putin đã đặt ưu tiên thu hút những người này trở về quê hương bằng nhiều dự án như trung tâm công nghệ theo mô hình Silicon Valley có tên Skolkovo. Với diện tích 4km2, nằm ở ngoại ô Moscow, trung tâm này dự kiến hoàn thành năm ngoái, nhưng đến nay vẫn là một công trường dở dang.

"Skolkovo là ý tưởng tốt và được đầu tư mạnh. Nhưng sản phẩm đâu? Rõ ràng Chính phủ đã bỏ quên dự án này và nguồn vốn quốc tế cũng đang tháo chạy", Pavel Cherkashin, Giám đốc quỹ đầu tư Vestor.In Partners, nhận xét.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), các công ty quản lý quỹ Tiger Global và Bessemer Venture Partners là vài trong số các nhà đầu tư đã ngừng hoặc giảm hoạt động tại Nga. Bessemer tuyên bố đầu tư 20 triệu USD vào Nga, nhưng đến nay vẫn chưa rót vốn.

"Tình hình địa chính trị  là rào cản khiến môi trường đầu tư ở Nga kém hấp dẫn", đại diện Bessemer nói.

Cherkashin, Giám đốc quỹ đầu tư Vestor.In Partners, đã rời Nga năm ngoái để tới San Francisco (Mỹ). Ông cho rằng môi trường tại quê nhà của ông ngày càng xấu đi trông thấy. "Khủng hoảng hay bất ổn đều khiến đầu tư giảm sút. Ở Nga, Ukraine và Belarus đều có nhân lực trình độ cao, nhưng họ có quá ít sự lựa chọn, và bởi thế họ muốn ra đi”, Cherkashin nhận xét.  

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Báo Hồng Kông: Trung Quốc xuống nước với Việt Nam, nhưng chỉ nói mà không làm

 

Bà Phạm Thu Hằng khẳng định Trung Quốc đang hoạt động phi pháp tại Trường Sa
PNN Phạm Thu Hằng khẳng định Trung Quốc đang hoạt động phi pháp tại Trường Sa
Trong thời gian qua, Biển Đông - khu vực giao thông hàng hải tấp nập nhất thế giới rơi vào tình trạng căng thẳng do những hành động đơn phương mang tính khiêu khích của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác. Giờ là lúc Trung Quốc muốn giảm nhiệt căng thẳng bằng ngoại giao. Một Thế Giới xin trích đăng bài viết trên South China Morning Post.
Cựu ngoại trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam vào 27.10 như một phần của nỗ lực giảm bớt căng thẳng về tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông trước khi các bên tiến hành đàm phán về quy tắc ứng xử trên vùng biển này. Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ 2 trong vòng chưa đầy nửa năm của ông Dương Khiết Trì.
Nói về chuyến thăm thứ hai, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Hai bên sẽ thảo luận về hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam". Bà Hoa cũng nói mối quan hệ (Việt Nam - Trung Quốc) đang "khó khăn tạm thời" vì tranh chấp trên biển trong năm nay. "Nhưng Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng với phía Việt Nam để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược", bà Hoa nói.
Trên thực tế, chính Trung Quốc đã đơn phương đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi tháng 5 (hoạt động phi pháp đến giữa tháng 7 mới rút về), xây dựng sân bay trái phép trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và vẫn đang cải tạo phi pháp các bãi đá và đảo của Việt Nam tại Trường Sa.
Đáng chú ý, sau chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì tới Việt Nam, đến lượt thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ​​sẽ tham dự cuộc đàm phán dự kiến kéo dài 2 ngày ở Bangkok, nơi ông sẽ thảo luận về bộ quy tắc ứng xử Biển Đông với các đối tác ASEAN.
Bà Zhang Jie, một chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và ông Dương Khiết Trì sẽ thảo luận với nhau về thương mại và hợp tác tài chính nhưng vấn đề chính vẫn là Biển Đông.
"Sẽ là tích cực đối với Trung Quốc trong cuộc đàn phán tại Bangkok ... nếu cuộc gặp gỡ giữa ông Phạm Bình Minh và ông Dương có thể mang lại một số kết quả", bà nói.  Dù vậy, bà Zhang Jie cho biết tình trạng bất ổn và tranh chấp lãnh hải sẽ khiến Trung Quốc khó lòng xây dựng lòng tin với Việt Nam. "Hai nước có thể sẽ tiếp tục đối đầu với nhau trong tranh chấp lãnh hải trong khi vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán ngoại giao", bà Zhang nói.
Còn ông Zhang Mingliang, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Quảng Châu lại cho rằng, chuyến thăm của ông Dương có thể mở đường cho một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Việt Nam bên lề hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương vào tháng tới tại Bắc Kinh. 
Nhưng các nhà quan sát cho biết mối quan hệ hai nước vẫn còn khó khăn. Cơ bản là Trung Quốc chỉ xuống nước trong lời nói chứ không có các hành động hạ nhiệt thực sự. Hôm thứ Năm, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết động thái của Trung Quốc để dọn đường xây dựng một đường băng quân sự ở quần đảo Trường Sa là "bất hợp pháp và không có giá trị khi không được phép của Việt Nam".
Anh Tú (theo SCMP)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Biết mình, biết người mới có thể thân thiết với nhau!

Bàn về “người bạn thân rất thân” của Việt Nam

Bàn về “người bạn thân rất thân” của Việt Nam
Featured Image: Peter Collingridge

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, từ quá khứ kéo dài đến hiện tại cho đến tương lai rất xa luôn phải đối mặt với một nguy cơ rất lớn. Nói đến đây chắc bạn biết được nguy cơ đó là gì và xuất phát từ đâu. Câu nói “tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng” cũng xuất phát từ chính nơi ấy, nhưng dường như nhiều lần ta đã quên đi ý nghĩa xương máu của bài học đó. Có người bảo dân tộc ta chỉ trở nên thông minh và mạnh mẽ khi phải đối mặt với những nguy cơ sống còn, tôi cũng thấy nhận định đó rất đúng. Nhưng bài này không nói về chúng ta mà nói về nơi tạo ra nguy cơ đó.
Có một điều đáng buồn là góp phần vào sự trưởng thành của tôi thì công lao của lịch sử Trung Quốc lại lớn hơn vô số lần mà lịch sử Việt Nam mang lại, trong Đông Chu Liệt Quốc tôi học được những bí quyết về quân sự cũng như chính trị, học được cách nhìn mặt mà đoán ý, học được lúc nào nên nói và lúc nào phải im lặng để khỏi mang họa sát thân, học được những nguyên nhân gây ra mất nước, học được các bài học về Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín…, với Xuân Thu Chiến Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lã Thị Xuân Thu, Sử Ký Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử tôi học được thế nào được gọi là vị minh quân, thế nào là trí thế nào là dũng, học được cách lợi dụng bản tính con người để đạt mục đích của mình.
Suốt tuổi thơ tôi là sự say mê những bộ phim dài kể về Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang, Đường Minh Hoàng, Võ Tắc Thiên, Thái Bình Công Chúa, Mãn Thanh 13 Hoàng Triều, Thái Bình Thiên Quốc… cùng các phim nhỏ lẻ khác. Không kể sao cho hết những lợi ích mà chúng mang lại. Còn với Việt Nam? Tôi chỉ học được một điều duy nhất: “Chúng ta rất giỏi, đánh đâu thắng đó.” Tất cả những điều này cho thấy rằng chúng ta đang bị đồng hóa đến tận gốc rễ, biết là bị đồng hóa đấy nhưng không có cách nào phản kháng, đơn giản vì đó là những tinh hoa mà chúng ta phải học nếu muốn trưởng thành.
Khởi nguồn của TQ là vài trăm nước nhỏ lẻ san sát nhau, quần hùng cát cứ khắp nơi. Trải qua mấy trăm năm, bằng các cuộc chiến tranh, những nước nhỏ dần dần bị diệt để hình thành 7 nước lớn và cuối cùng thống nhất vào thời Tần Thủy Hoàng. Quá trình chiến tranh liên miên này sinh ra những bài học quân sự vô cùng quý giá mà ta thấy trong Binh Pháp Tôn Tử, thế bạn có biết nội dung cốt lõi của Binh Pháp Tôn tử là gì không? Nó chỉ có 4 chữ “Bất Chấp Thủ Đoạn”.
Trong hằng hà sa số cuộc chiến ta không hề thấy 2 chữ “đạo đức”, có một câu nói mà cho đến tận ngày nay vẫn còn được dùng: “Nhân từ với kẻ địch là tàn nhẫn với bản thân.” Tôi biết có vô số người nhận đồng với câu này mà trong đó có cả tôi và điều này thật đáng sợ. Bạn biết cuộc chiến Trường Bình thời Xuân Thu Chiến Quốc? Bạch Khởi đã tàn sát 40 vạn quân đầu hàng của nước Triệu, 400.000 người đấy. Không ít lần ta thấy rằng nếu một thành trì không đầu hàng quân địch thì có khả năng cả thành bị đồ sát, một họ nếu thua một họ khác trong việc tranh dành quyền lực sẽ bị giết sạch không chừa một mống, sự tàn ác là không thể nói hết.
Vì Trung Quốc hình thành bởi sự thôn tính các quốc gia nhỏ lẻ nên trong bản thân cũng sinh ra một thứ rất nguy hiểm, đó là Chủ Nghĩa Bành Trướng, cái chủ nghĩa này thì bất cứ quốc gia nào cũng có, nhưng riêng đối với Trung Quốc thì nó trở thành một sự khát khao mãnh liệt. Các quốc gia Châu Âu với sức mạnh quân sự, họ xâm chiếm các nước khác, họ biến các nước đó thành thuộc địa nhưng trong họ thiếu cái ham muốn biến nó thành chính mình.
Trung Quốc lại khác, muốn tiêu hóa hoàn toàn quốc gia chiếm được. Điều này chúng ta dễ dàng thấy được ở thói sành ăn trong văn hóa của dân tộc Trung Quốc, cái gì cũng có thể ăn, miễn thấy có lợi là ăn hết, vấn đề này bạn có thể tìm hiểu trên internet sẽ thấy. Tính ra mà nói thì trừ một số nước lớn, những nước nhỏ vẫn còn tồn tại bên cạnh Trung Quốc là rất đáng khâm phục.
Người ta thường nói Anh là một quốc gia thực dụng, tôi thì nghĩ cương vị đó nên để Trung Quốc đảm nhận. Đọc lịch sử Trung Quốc ta thấy nổi trội nhất là điều gì? Là tranh dành quyền lực, để đạt được quyền lực thì anh em có thể giết nhau, cha con giết nhau, vợ chồng giết nhau… việc này diễn ra từ gia tộc lên đến triều đình. Cái lợi là trên hết, họ nghĩ rằng có cái lợi sẽ có tất cả, mọi thứ từ con cái cho đến người thân đều có thể trở thành công cụ để đạt mục đích.
Cái tính duy lợi này hình thành do sự tất yếu của lịch sử, kẻ thất bại chỉ có con đường chết, không có ngoại lệ. Nỗi sợ bị sát hại ám ảnh dân tộc này nên đứng trước sức mạnh vượt qua họ thì họ trở nên vô cùng yếu đuối, nhưng khi họ có sức mạnh thì họ trở thành một con hổ dữ khôn ngoan chực chờ để vồ con mồi dại dột.
Có khi nào bạn tự hỏi, tại sao nền văn hóa đồ sộ ấy lại đi sau các nền văn hóa khác ở phương Tây? Nếu bài trước tôi nhìn Việt Nam là một cậu thiếu niên chưa trưởng thành thì bài này tôi nhìn Trung Quốc như một người trưởng thành chưa lớn. Vì sao đã trưởng thành nhưng không lớn? Vì trong nó mang những khuyết điểm khiến cho không thể tiếp tục đi xa hơn đến sự lão luyện. Đó chính là tính duy lợi và sự tàn ác, nước Anh thực dụng nhưng họ thực dụng ở những lợi ích rất xa và bền vững, còn Trung Quốc thì lại mê cái lợi ở trước mắt.
Để đạt được lợi ích lớn nhất trong hiện tại, họ sẵn sàng hủy diệt những gì cản trở dù những thứ đó có thể mang đến lợi ích lâu dài về sau. Đó là việc tàn sát kẻ địch không khoan nhượng, nhưng kẻ địch đó là ai? Là những trí thức ngay trong chính quốc gia mình. Lẽ ra với một nước lớn như Trung Quốc thì có thể nói nhân tài hằng hà sa số, nhưng kẻ thống trị giết hết để dễ bề điều khiển. Hãy nhìn sự kiện Thiên An Môn bạn sẽ thấy rõ nhất.
Vấn đề này khiến tôi nghĩ đến hai quốc gia, đó là Campuchia và Mỹ, Khơ Me đỏ đã tàn sát gần như toàn bộ trí thức trong nước, biến tất cả thành nông dân để Campuchia trở lại thời kỳ vàng son của một nước nông nghiệp. Khi trí thức bị giết sạch thì lấy gì nâng cao dân trí? Hậu quả dốt nát đó hàng trăm năm nữa cũng chưa chắc khắc phục được. Còn nước Mỹ thì sao? Sau cuộc nội chiến hầu như không hề có bắt bớ tù binh, nếu có thì là những kẻ vi phạm đạo đức chiến tranh hay những sự thù hận cá nhân, không hề có chính sách trả thù từ bên chiến thắng, chính vì vậy nước Mỹ vẫn giữ được nguồn nội lực của mình để phát triển đất nước.
Sự tàn ác một cách thiển cận khiến Trung Quốc chỉ sử dụng được một phần sức mạnh của mình, còn tính duy lợi hẹp hòi lại tạo ra sự ích kỷ. Biết bao tinh hoa của cả một nền văn hóa đồ sộ phải bị chôn vùi, cái gì cũng chỉ giữ cho riêng mình, biết bao bí quyết bị thất truyền. Y học cổ truyền Trung Quốc khiến cho cả thế giới phải khâm phục, nhưng nếu không có thói quen “dấu nghề” đó thì nó còn rực rỡ đến thế nào nữa? Tôi nghĩ sẽ gấp trăm lần lúc này. Chính sự ích kỷ đó thể hiện một tầm nhìn hạn hẹp ngăn cản bước tiến của dân tộc này và vì thế tuy rộng lớn, giàu có, tràn đầy nội lực nhưng nó cũng rơi vào sự trầm luân và làm mồi cho những dân tộc lão luyện hơn.
Còn Trung Quốc bây giờ? Có vài người tin rằng một ngày không xa sẽ trở thành quốc gia số 1 thế giới. Tôi không cho là như vậy, đơn giản vì con đường mà Trung Quốc đang đi mang trong đó những nhược điểm như tôi vừa phân tích. Bao giờ những nhược điểm đó còn tồn tại thì Trung Quốc vẫn còn phải đối mặt với những bất ổn của mình. Thống trị thế giới cần ở cái đầu chứ không phải chỉ bằng một cơ thể khỏe mạnh. Với cùng những điều kiện như nhau thì dân tộc nào có tầm nhìn xa hơn sẽ đi xa hơn, huống chi “người ta” đã có thiên thời – địa lợi – nhân hòa.

Vậy tương lai Việt Nam sẽ thế nào nếu lọt vào tay Trung Quốc? Chúng ta hãy thử tưởng tượng để thấy được sự kinh hoàng đó

Lưu ý: Bài này chỉ viết về những tính cách ảnh hưởng trực tiếp đến những nguy cơ đối với Việt Nam chứ không phải cái nhìn toàn vẹn về tính cách và văn hóa của dân tộc Trung Quốc. Văn hóa Việt Nam bị sự ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc nên nếu chỉ hiểu theo những chiều hướng trong bài thì khác nào ta tự vỗ mặt mình. Với những nét đẹp trong văn hóa và tính cách của Trung Quốc thì có lẽ nói 3 ngày 3 đêm vẫn không hết, nhưng đó không phải là mục đích của bài viết nên không được đề cập.
Rất mong mọi người vào thảo luận để tôi học hỏi thêm (có ném đá mong ném nhẹ tay tí).
Mắt Đời

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sự sụt lở của một nền văn hóa


Sự sụt lở của một nền văn hóa
Featured Image: Matt Greenstreet

Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc làu câu nói: “Đất nước ta bốn ngàn năm văn hiến.” Đó là một lịch sử đáng tự hào được xây dựng và gìn giữ bằng rất nhiều công lao và xương máu của cha ông. Nhưng hôm nay, khi đang được sống và thừa hưởng nền văn hoá đáng tự hào ấy, tôi lại phải hỗn phép, bất kính với cha ông trong đau đớn mà thốt lên rằng, Việt Nam ơi! Đất nước ta nền VĂN HOÁ TRỘM CƯỚP.
Đã có một mùa hè người ta ca thán về nạn gian lận trong mùa thi. Một mùa hè khác nạn hôi của lại được lên ngôi. Mùa đông năm qua lòng người lại sục sôi, hoang mang về những xác chết dưới lòng sông Hồng. Mùa xuân năm nay là tiếng thở dài, sỉ vã về những tên quan tham, nhũng nhiễu, lộng hành và những vụ án oan. Còn trong con mắt tôi, quanh năm là một mùa thu lá rụng. Mùa của sự già cỗi, suy đồi và vàng úa, chỉ nhìn thấy đầy rẫy những cảnh giết chóc, xa xỉ, lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng…
Nói về văn hoá, tôi rất thích lối suy luận trong cách dạy con dưới đây của tác giả Khaled Hossenimi trong tác phẩm Người đua diều:
“Có duy nhất một tội, một tội thôi, đấy là tội ăn cắp, mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp, con có hiểu không? Khi con giết một con người, con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối, con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?”
Vậy văn hoá là gì, như thế nào là người có văn hoá? Theo giải thích của triết học thì người có văn hoá là có khả năng phân biệt được ai lài ai, cái gì là cái gì, mình là ai… Biết phân định đúng – sai, phải – trái, chân – giả, thiện – ác, chính – tà. Biết sống ở đời vì cái gì, có một trái tim giàu lòng trắc ẩn, biết rung động trước cái đẹp (của con người, của tự nhiên), biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, biết phẫn nộ trước cái xấu, cái sai và cái ác.
Theo cách hiểu trên thì văn hoá là phạm trù khá rộng. Bởi vậy, tôi nghĩ Văn Hóa không chỉ đơn giản là ứng xử lịch sự, là nói năng đúng lễ nghĩa… Mà nó còn là “hệ điều hành” của con người. Nó chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của chúng ta, là giá trị cốt lõi của con người và xã hội. Là thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó người ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ khác. Nói cách khác thì khi có văn hoá nghĩa là người ta có cái “chính mình” và khi có cái “chính mình” thì thứ người ta sợ hãi nhất là đánh mất chính mình. Còn ngược lại, khi chưa có cái “chính mình” thì người ta sẵn sàng bất chấp mọi thứ để có tiền, có tiếng mà chẳng sợ cái gì cả.
Với cách hiểu như vậy, tôi thường gọi văn hoá Việt Nam mình đang ở “giai đoạn” mùa thu. Đó là nền văn hoá già cỗi nhưng đã bị suy đồi, bại rụn, xấu xí và nhếch nhác… Mỗi khi mở trang báo ra ngay lập tức ta bị “tấn công” bởi hàng trăm cái NẠN. Nào là cướp bóc, giết chóc, tham nhũng, oan sai, ô nhiễm… Vì thế nên người Việt Nam mới có câu tục ngữ vượt trên mọi “văn minh” của nhân loại – “ăn vụng phải biết chùi mép”. Nghĩa là thói ăn vụng ở Việt Nam mình đã được nâng lên ở tầm “nghệ thuật”.
Điều ấy cũng tương tự như quan niệm “xấu che, tốt khoe”. Cái xấu thay vì được điều chỉnh, nắn sửa cho tốt đẹp lên thì nó lại bị “che” và “chùi” đi cho sạch dấu vết.
Chính vì tâm lý “che dấu” và hành vi “chùi sạch” ấy mà văn hoá “chịu trách nhiệm” cũng dần bị XÓA luôn. Mà khi thói vô trách nhiệm “lên ngôi” thì xem chừng văn hóa xin lỗi, văn hoá từ chức cũng dần bị cắt bỏ. Thử hỏi sao, sự HỦ BẠI lại không lên nhanh như “diều gặp gió”.
Tục ngữ có câu “nước chảy thì đá mòn” mà chảy nhiều thì sụt lở. Với tính thói bán rẻ “chính mình” trong xã hội chúng ta ngày nay thì “văn minh” sẽ mất dần chỗ đứng và sự THA HÓA sẽ có đất rộng để lộng hành. Đó cũng là lý do tội phạm ở nước ta ngày một tăng cao và dần “được trẻ hóa”. Chuyện bảo mẫu giết trẻ em và nữ sinh đánh nhau, lột đồ ở trường chẳng còn lạ nữa. Bởi khi người lớn không có cái “chính mình”, nhà giáo cũng đánh mất “chính mình” thì thử hỏi lấy tư cách gì đi dạy con trẻ, dạy học sinh?
Ngày nhỏ, khi còn đi học, tôi thường nghe cha mẹ và thầy cô khuyên nhủ rằng, “mong sao lớn lên con sẽ thành người” nhưng sao chẳng mấy ai nói cho tôi hiểu làm người là làm gì, cần học gì, và học như thế nào để thành người? Đó chính là lỗ hổng lớn nhất trong nền giáo dục của nước ta. Dường như nhà trường chỉ chú trọng “sản xuất” ra “công cụ lao động” chứ không phải đào tạo ra con người văn minh và tự chủ. Nói cách khác là người ta chỉ chú trọng nhồi nhét cái thứ được họ gọi là “trí tuệ chuyên môn” mà bỏ quên cái “trí tuệ văn hóa”. Nếu ta hình dung trí tuệ văn hóa là cái “chân thắng” còn trí tuệ chuyên môn là cái “chân ga” thì ta sẽ thấy cách giáo dục ấy nó nguy hiểm đến mức nào. Có “chân ga” ta mới leo được đèo cao, dốc cả, nhưng nếu cái “chân thắng” bị hỏng thì ngày xuống vực sâu chỉ là chuyện sớm muộn.
Người ta thường nói, mỗi công dân là một tế bào của xã hội. Để có một xã hội tốt đẹp, văn minh thì phải có những “tế bào” tốt đẹp văn minh. Đáng buồn là hai chữ “văn minh” ở xã hội ta đang ngày một xa xỉ. Thứ đắt nhất bây giờ không phải là vàng, hay kim cương mà đó là niềm tin, còn thứ rẻ nhất chính là lời hứa. Thói vô cảm len lõi vào từng khe cửa, đến từng góc nhà và thấm dần vào mỗi con tim. Nếu xã hội chúng ta cứ “phát triển” theo hướng này, nếu chúng ta vẫn giáo dục con trẻ như thế này thì tương lai VĂN HÓA CON NGƯỜI VIỆT NAM không còn sụt lở nữa, mà là sụp đổ.

Nguyễn Văn Thương

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà zăng mà biết muộn vậy là răng?


A há.
Giờ mới biết.
Khi biết tin Hà Nội cương quyết giải tán khu Zone 9 nơi tụ tập caphe chém gió của giới trẻ Hà Thành, nơi có không gian bối cảnh rất xưa và nhiều kỷ niệm của Hà Nội, mình buồn, mình nhắn tin "cầu xin" một anh to to trai đẹp cố gắng làm sao cứu Zone9, không cứu được hết thì cứu một phần, không cứu vĩnh viễn thì cứu thêm thời gian vì đây là địa chỉ rất độc đáo, không chỉ cho giới trẻ Hà Thành, mọi khách xa về Hà Nội tới đây thư giãn mà còn là địa chỉ rất ấn tượng của du khách nước ngoài khi đến Hà Nội
Chúng ta đang thừa đầy nhiều công trình bê tông mới tinh mà thiếu quá không gian xưa.
Nhưng đã nhận lại chỉ một dòng tin: Khó lắm...
Lúc đó mình nghĩ, "thằng" doanh nghiệp nào "khỏe"thế nhỉ? Hễ muốn là ôm... là Răng?
Vụ cháy ở Zone 9 có lẽ là kịch bản hoàn hảo cho việc giải tán khu buôn bán ở đây nhỉ? Là đoán mò thế.
Hóa ra, giờ mới rành, Zone9 đã rơi vào tầm ngắm của Hà Văn Thắm chủ Ocean Bank.
Hay lời Phật dạy cứ đúng theo thời gian: Nhân quả.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ nghĩa cộng sản thân hữu tại Trung Quốc


20121013_SRD005_0
Tác giả: Minxin Pei | Biên dịch: Trần Ngọc Cư
Vào thời điểm Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng ngay sau khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào cuối năm 2012, hầu hết các nhà quan sát thời sự đều nghĩ rằng ông sẽ chỉ thông qua các đề xuất, bỏ tù một số quan chức cao cấp rồi tiến hành công việc như cũ, đâu lại vào đấy thôi. Dù sao, các lãnh đạo tiền nhiệm của ông gần như đã lợi dụng các cuộc điều tra chống tham nhũng để loại bỏ các đối thủ chính trị của mình và củng cố quyền lực. Các biện pháp kỷ luật thường được tiến hành rầm rộ trong vòng một năm sau khi nhà lãnh đạo mới được chỉ định làm Tổng Bí thư và giảm dần cường độ vào năm tiếp theo.
Nhưng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã vượt quá điều mong muốn trước mắt là khẳng định địa vị chính trị tối cao của mình. Đây là một chiến dịch với tầm mức và tham vọng chưa từng có trước đây, đánh vào một tầng lớp gồm khoảng 5.000 quan chức cao cấp đang điều hành những cơ quan trọng yếu nhất của ĐCSTQ, của Chính phủ, của Quân đội và các công ty Nhà nước. Mục tiêu của chiến dịch không nằm ngoài nỗ lực xóa bỏ một hệ thống cai trị bất thành văn mà các lãnh đạo chóp bu dùng để cai trị Trung Quốc kể từ cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989: một mạng lưới tự củng cố bằng các mối quan hệ dựa vào chế độ bảo trợ và tham nhũng. Là một lãnh đạo thấy mình được thôi thúc bởi một sứ mệnh lịch sử là phải bảo vệ quyền cai trị của ĐCSTQ bằng mọi giá, ông Tập đã coi nạn tham nhũng tràn lan hiện nay như một mối đe dọa nghiêm trọng cho sự tồn tại lâu dài của chế độ.
Nhưng tham nhũng đã thấm sâu vào  nhà nước đảng trị này đến nỗi nó trở thành chất keo để giữ cho guồng máy khỏi tan rã. Và vì thế, chiến dịch bài trừ tham nhũng của ông Tập nhằm đảm bảo sự trường tồn của ĐCSTQ hình như đang đặt ra một mối đe dọa cho sự sống còn của Đảng trong ngắn hạn hoặc trung hạn.
Các số liệu đáng tin cậy đo lường nạn tham nhũng tại Trung Quốc là tương đối hiếm hoi, nhưng một số chỉ dẫn, gồm cả những số liệu được Chính phủ kiểm duyệt, đã hỗ trợ cho sự đồng thuận của những nhà quan sát tình hình Trung Quốc, rằng nạn tham những đã gia tăng đáng kể trong hai thập niên qua. Theo các vụ tham nhũng được tường trình trên các phương tiện truyền thông chính thống có thẩm quyền nhất, món tiền hối lộ trung bình đã tăng vọt từ 91.000 USD năm 2000 lên đến 225.000 USD năm 2009, nghĩa là tăng 100 phần trăm (sau khi điều chỉnh lạm phát).
Kể từ đầu thập niên 1990 đến nay, các quan tham ăn cắp công quĩ càng nhiều hơn, một phần nhờ vào sự gia tăng to lớn trong ngân sách chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Các hợp đồng béo bở về xa lộ, hải cảng và đường sắt là những cơ hội để họ làm giàu cho chính mình, cho thân nhân và bạn bè. Các đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà đất và các bất động sản khác gia tăng trung bình từ 36 phần trăm GDP trong thời kỳ 1980-1991 đến hơn 41 phần trăm GDP trong thời kỳ 1992-2011.
Dựa vào các dữ liệu của năm 2011, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiếm khoảng 1/3 tổng số đầu tư vào bất động sản. Mười sáu người đứng đầu ngành giao thông vận tải tại 11 tỉnh đã bị trừng trị nghiêm khắc (một người bị xử tử) về tội tham nhũng trong vòng hai thập kỷ qua. Năm ngoái, Bộ trưởng Đường sắt lâu năm, Lưu Chí Quân [Liu Zhijun], nhận án tử hình treo về tội đã nhận hơn 10 triệu USD tiền hối lộ.
Một nguồn lợi khác từ trên trời rơi xuống là chương trình tư hữu hóa — được gọi bằng mỹ từ “cải tổ quyền làm chủ tài sản”, chỉ vì một ái ngại ý thức hệ còn sót lại về việc biến các tài sản trên danh nghĩa là của nhà nước thành tài sản tư nhân. Từ đầu thập niên 1990, Chính phủ Trung Quốc dần dần nới lỏng quyền kiểm soát việc sử dụng các tài nguyên đất đai và hầm mỏ, chẳng hạn, cho phép các quan chức địa phương được tự do chuyển nhượng các tài sản quí giá này cho thân nhân và bạn bè — một thứ tự do chưa từng có trước đó.
Trong một vụ tai tiếng nghiêm trọng liên quan đến Chu Vĩnh Khang [Zhou Yongkang], trùm Công an vừa mới nghỉ hưu, người con trai cả của ông đã mua hai lô dầu lửa từ một đại công ty năng lượng nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc với giá gần 3,2 triệu USD rồi nhanh chóng bán lại, thu về một lợi nhuận trên 80 triệu USD. Theo một cuộc điều tra của tạp chí  doanh nghiệp Tài Tân [Caixin] rất uy tín tại Trung Quốc, Tào Vĩnh Chính [Cao Yongzheng], một thân hữu của ông Chu và là người từng khoe khoang có thể tiên đoán được tương lai, hình như đã được tặng một lô dầu lửa đã đem lại cho ông một số lợi nhuận gần 100 triệu USD một năm – rất có thể đây là một phần thưởng cho một số dịch vụ nào đó.
Căn cứ vào tin tức từ văn phòng của các công tố viên tỉnh và thành phố, khoảng từ 1/3 đến 2/3 số vụ tham nhũng tại Trung Quốc hiện nay có liên quan đến các nhóm quan chức và doanh nhân. Trong thập niên 1980, hầu hết các tội tham nhũng đều do các cá nhân tự mình gây ra. Hình thức tham nhũng cấu kết mới hiện nay độc hại hơn nhiều vì nó khó bị phát hiện và chặn đứng hơn, đồng thời nó bào mòn sự vẹn toàn cơ chế của nhà nước.
Nó cũng đe dọa quyền kiểm soát của Đảng đối với các lãnh đạo cao cấp địa phương: Các quan chức cấu kết nhau thường thăng thưởng và bao che nhau bằng một mạng lưới ô dù được tổ chức chặt chẽ. Tại thành phố Mậu Danh [Maoming], thuộc tỉnh Quảng Đông, hơn 240 viên chức địa phương, gồm ba bí thư thành ủy liên tiếp, phó chủ tịch thành phố, trưởng ban công an thành phố, trưởng ban chống tham nhũng và nhiều lãnh đạo cơ quan của thành phố, đều có dính líu vào một vụ tai tiếng tham nhũng trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2012. Trong một vụ đại tai tiếng đang diễn ra tại tỉnh Sơn Tây, nơi có trữ lượng than đá phong phú, bốn trong 13 quan chức cao cấp nhất của vùng này đã bị bắt giữ vì “các vi phạm kỷ luật và luật pháp nghiêm trọng,” một cách gọi khác của nạn tham ô, trong đó có cả trưởng ban chống tham nhũng của tỉnh này.
Nạn tham nhũng tràn lan này đã vô tình tạo một cơ hội hiếm có để ông Tập lập thành tích nhanh chóng sau khi vươn lên địa vị cao nhất tại Trung Quốc. Chống tham nhũng hiện nay là một trong ba cột trụ chính trong chiến lược đối nội của ông,  song song với cải tổ kinh tế và ngăn chặn các lực lượng dân chủ. Cuộc chiến chống tham nhũng này phục vụ một số mục tiêu cho ông. Như đã từng diễn ra trước đây, nó có thể giúp ông Tập loại bỏ các đối thủ chính trị của mình và tái áp đặt kỷ luật đã trở nên quá lỏng lẻo lên một Đảng cầm quyền. Chiến dịch này còn có thể o ép một hệ thống quan liêu miễn cưỡng phải thực hiện các cải tổ kinh tế, những cải tổ có thể xói mòn quyền lực và các đặc quyền của họ. Và nó có thể giúp ông Tập giành được hậu thuẫn của dân chúng bằng cách đi theo một số đường lối nhắm tới việc chỉnh sửa lại cái hình ảnh lem luốc của ĐCSTQ vì bị coi là một chế độ suy đồi mất hẳn quan hệ với quần chúng.
Để nhấn mạnh hữu hiệu thông điệp này, Ông Tập đang theo đuổi một đường lối có nhiều mũi nhọn. Mũi mạnh nhất là điều tra và truy tố một số rất đông đảo gồm các quan chức cao cấp, những người trên thực tế đã từng hưởng quyền bất khả xâm phạm trước đây. Trong 23 tháng qua, 50 con hổ hay cách gọi những quan chức cao cấp từ hàm thứ trưởng trở lên đã rơi vào lưới của ông Tập, so với vỏn vẹn 30 con trong vòng 5 năm trước khi ông được chỉ định làm Tổng Bí thư ĐCSTQ. Cuộc săn bắt của ông Tập đã tóm cổ được vài con mèo cỡ bự, trong đó có ông Chu, một nhân vật ngoài chức trùm công an Trung Quốc còn là cựu ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết sách cao nhất của Đảng. Một động thái chưa từng có trước đây là việc truy tố tướng cao cấp Từ Tài Hậu [Xu Caihou], một Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương mới nghỉ hưu và là cựu Ủy viên Bộ Chính trị.
Chiến dịch trong sạch hóa này đã đưa ra những thay đổi thủ tục khiến giới lãnh đạo địa phương khó che đậy nạn tham nhũng hơn trước nhiều. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan nội chính bài trừ tham nhũng của Đảng – do một đồng minh của ông Tập, là Vương Kỳ Sơn [Wang Qishan] lãnh đạo – ngày càng dựa vào các toán kiểm tra đặc biệt để thanh lọc các quan chức tham nhũng tại các tỉnh thông qua các cuộc phỏng vấn và điều tra kín được mở rộng. Các cơ quan chống tham nhũng địa phương hiện nay phải báo cáo kết quả của bất cứ một cuộc điều tra nào mà họ tiến hành lên một cơ quan chống tham nhũng cấp cao hơn.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập còn áp đặt các biện pháp khắc khổ, loại bỏ nhiều bổng lộc hậu hĩ mà giới thống trị chóp bu của Trung Quốc đã coi là quyền lợi đương nhiên. Các điều lệ mới cấm quan chức nhận những món quà xa hoa, các phương tiện đáp ứng cho nhu cầu giải trí và du lịch của họ. Hậu quả là, lượng rượu cô-nhắc của Pháp và đồng hồ Thụy Sĩ bán ra đã giảm xuống nhanh chóng, trong khi nỗi bất bình của giới quan chức diễn ra khắp nơi.
Toàn diện và táo bạo, chiến lược chống tham nhũng của ông Tập có nhiều rủi ro, chính vì nó được cần đến trong bối cảnh sau đây: Tham nhũng đã xâm nhập vào cơ cấu định chế của nhà nước đảng trị Trung Quốc; như người ta thường nói, nó là chất dầu bôi trơn bộ máy quan liêu rộng lớn của Trung Quốc. Sau biến cố Thiên An Môn và sự sụp đổ của Liên Xô, ĐCSTQ không còn sức thu hút về mặt ý thức hệ nữa, và như một chiến lược để sống còn, Đảng bắt đầu tưởng thưởng cho các đảng viên trung thành những địa vị béo bở, duy trì hậu thuẫn của họ bằng quyền lợi vật chất.
Lối ứng xử này có lợi về mặt chính trị, nhưng ĐCSTQ gần như không có biện pháp nào để hạn chế sự phóng túng của đảng viên, khiến trong họ nảy sinh ra một ý thức về quyền lợi đương nhiên [a sense of entitlement]. Họ bắt đầu tuân theo một modus vivendi [tạm ước sống chung] mới, theo đó các quan chức từ thấp đến cao trao đổi nhau đặc ân để giải quyết các bất đồng về vấn đề bổ nhiệm nhân viên hay phân phối chiến lợi phẩm kinh tế. Họ duy trì sự ổn định và tính cố kết [cohesion] trong hàng ngũ thông qua việc thương lượng mặc cả giữa các đầu sỏ.
Nhưng hiện nay cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập đang phá vỡ sự thỏa thuận ở chóp bu sau biến cố Thiên An Môn. Bằng cách áp đặt các biện pháp khắc khổ và các hình phạt về tội tham nhũng lên hệ thống quan liêu của nhà nước đảng trị Trung Quốc, ông Tập có nguy cơ gây bất bình cho một thế lực chính trị mạnh nhất nước, thậm chí biến họ thành thù địch.
Ở thời điểm này, ông Tập giành được hậu thuẫn của dân chúng và đang có đà chính trị, trong khi giới quan liêu có đủ thông minh để không tìm cách đẩy lùi bước tiến của ông. Hầu hết các quan chức đảng viên từng nếm trải đấu tranh nội bộ đang giả vờ phục tùng ông, thúc thủ để giữ an toàn bản thân. Một số viên chức địa phương đang cố tình làm trì trệ các công việc – như việc thông qua các dự án hay thực thi các nhiệm vụ hành chánh thông thường – rõ ràng là để gây áp lực khiến ông chấm dứt hay nới lỏng chiến dịch chống tham nhũng của mình. Hình như nhóm này tính toán rằng, nếu kinh tế trở nên đình đốn, ông Tập sẽ phải chuyển quan tâm của mình sang nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, vì đây cũng là một cột trụ nâng đỡ tính chính đáng của Đảng.
Muốn thắng được sự chống đối thụ động này, có thể ông Tập phải điều chỉnh chiến lược của mình. Từ trước đến nay, ông vẫn dựa vào quyền kiểm soát quân đội để chặn đứng bất cứ một thách thức nào. Nhưng trong tương lai, ông cần phải nới rộng cơ sở hậu thuẫn của mình, cả trong lẫn ngoài ĐCSTQ và trong xã hội Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là phải nhanh chóng đề cử các thành phần cải tổ trong Đảng vào các địa vị quyền lực và cho phép ngành tư pháp có nhiều độc lập hơn trước để truy tố các quan chức tham nhũng. Có lẽ điều này còn ngụ ý một cái gì cấp tiến hơn nữa: cho phép giới truyền thông và xã hội dân sự hành động như những tổ chức giám sát của công dân, mặc dù cho đến nay Chính quyền Tập Cận Bình hình như vẫn quyết hạn chế tự do của các nhóm này.
Dù ông Tập có thay đổi đường lối chống tham nhũng hay không, điều rõ ràng là ông đã thay đổi luật chơi quyền lực tại Trung Quốc, đặc biệt trong nội bộ Đảng Cộng sản. Nhưng liệu sự quan trọng của uy tín lãnh đạo rốt cuộc có làm được một chất keo gắn bó trong Đảng bền chắc hơn sự gắn bó qua những đường dây hối lộ đã giữ Đảng cho đến ngày nay hay không, đó là điều chưa ai nắm chắc.
Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) là giáo sư về Quản lý Nhà nước tại Claremont McKenna College, California.
NguồnNYT 17/10/2014
Bản tiếng Việt © Trần Ngọc Cư & pro&contra
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2014/10/27/chu-nghia-cong-san-than-huu-trung-quoc/#sthash.PNvk1YaE.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thoát bệnh Á Đông

Từ 150 năm về trước, Fukuzawa Yukichi đã nhìn ra cái không gian bí bách, “cổ lai hi” và đáng “xấu hổ” của Á Châu mà cổ vũ người Nhật thực thi tư tưởng thoát Á, nước Nhật nhờ thế cường thịnh. Còn Việt Nam? Đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn đang dằn vặt về khái niệm mang tên “thoát Trung”, thậm chí là không biết có nên "thoát Trung" hay không?


Con bệnh trăm năm
Đi qua một trăm năm mươi năm, Trung Quốc vẫn là “Đông Á bệnh phu” với đủ các giá trị của một nền chính trị chuyên chế, toàn trị; với những mỹ từ phủ lên trên nội hàm đầy trí trá và luôn đe dọa bạo lực. Trung Hoa qua 150 năm vẫn giằng xé giữa thống nhất và chia rẽ, giữa cái gọi là “đạo đức” hay “vương mệnh” Trung Hoa với văn minh đương đại.
Lời Fukuzawa Yukichi nói về Trung Quốc đến giờ còn nguyên giá trị.
Nhưng người Việt – hay quốc gia Việt Nam lại bị ràng buộc trong cái không gian u tối Đông Á bởi những câu mỹ miều: “Sơn thủy tương liên/Văn hóa tương đồng/ Lý tưởng tương thông/ Vận mệnh tương quan”. Để rồi ngay đến kẻ trí trá nói một đàng làm một nẻo chỉ chăm chăm mưu lợi riêng như Trung Hoa cộng sản còn khinh thường Việt Nam nói nước ta vong ơn bội nghĩa, trí trá, xảo thuật thì nói chi đến thế giới văn  minh?
Thế giới chỉ thương hại Việt Nam bởi chúng ta nghèo, bởi chúng ta bị một kẻ “vô trách nhiệm” áp bức và coi thường. Những cái tính tốt của người Việt nhạt nhòa đi, thế vào đó là người Việt ăn cắp vặt, người Việt làm đĩ, người Việt ham lợi vụn vặt, người Việt đến làm thuê cũng không nổi...
Việt Nam – Trung Hoa với “bốn tốt”, “bốn Tương” như tình giao hảo thắm thiết kỳ thực không khác gì “đồng bệnh tương lân/đồng mệnh tương cầu”. Càng gần, càng gắn kết sâu sắc với người láng giềng Trung Hoa chỉ càng khiến cho người Việt thêm trọng bệnh và bị coi thường.
Nỗi xấu hổ
Việt Nam là một trong những quốc gia đa dạng về mặt sinh học và địa chất, địa mạo. Việt Nam ở vào vị trí then cửa của thế giới đương đại tức là biển Đông trong không gian kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.
Nguồn lợi để thu hoạch giá trị thặng dư như vậy mà đến bây giờ Việt Nam vẫn nghèo thì thực đáng xấu hổ! Một quốc gia như vậy mà người dân không thấy xấu hổ vì sự nghèo hèn của mình thì thật đáng thương hại!
Nhưng (có lẽ) người Việt Nam không biết xấu hổ vì điều đó! Từ hàng chục năm nay, chúng ta tự ru ngủ mình trên những chiến thắng hư ảo; chúng ta mài cái truyền thống đầy rẫy sai lầm để làm giá trị tinh thần trong hiện tại và mơ tới tương lai.
Tệ hại hơn ở Việt Nam trên dưới coi quốc gia là của chung nên thờ ơ vô trách nhiệm. Cả xã hội hình thành trào lưu xâu xé lợi ích quốc gia, tương lai dân tộc cho những lợi ích cá nhân, mối lợi của tổ chức, đảng phái. Người ta trục lợi trên thân xác quốc gia được chừng nào hay chừng ấy, thậm chí còn vẻ vang chút ấy.
Người Việt, trăm miệng như một ghét cay đắng Trung Quốc, ấy là bởi chúng ta không dám nhìn trực diện tật xấu cố hữu của mình. Những cái mà ta bắt chước Trung Quốc thì đều không đến đầu đến đũa nên xấu cũng không xấu bằng người Tầu, đoàn kết cũng không bằng và tốt thì cũng không bằng nốt.
Công dân – xã hội như vậy không xứng đáng với hình thể và địa lợi quốc gia. Một dân tộc như vậy chỉ xứng đáng làm cửu vạn cho những dân tộc văn minh. Một dân tộc như vậy chỉ xứng đáng lưu vong trên chính mảnh đất của mình. Và sự thực đang diễn ra như vậy!
Tâm bệnh cố hữu
Tất nhiên chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao? Đó là bởi cốt cách của dân tộc này quá ư là bồng bột, ham cái lợi nhỏ trước mắt và sẵn sàng bán tính mạng, bán rẻ tương lai trong những cuộc chiến phá hoại.
Sau mỗi cuộc chiến người Việt chẳng còn gì ngoài thứ danh hão, lợi lộc về tay lân bang hết cả.
Vì bồng bột, sẵn sàng bán rẻ tính mạng trong những cuộc chiến phá hoại nên người Việt chối bỏ đi những cơ hội mười mươi để thoát ra khỏi cái không gian tư tưởng Đông Bắc Á chật chội và cổ lai hi. Hơn 80 năm người Pháp cai trị, họ bỏ biết bao nhiêu là công sức ra để cải cách hành chính, mở trường Tây- cải cách giáo dục, xây thành phố hiện đại, mở mang giao thông, quy hoạch các vùng kinh tế, đánh giá các giá trị văn hóa thế mà khi họ rút đi thì người Việt chữ thầy hắt trả lại trả cho thầy.
Thậm chí cái gì mà người Pháp không mang đi nổi thì người Việt làm cho nó nát bét, từng nhổ toẹt vào nó. Cái gì mà người Việt giữ lại thì cũng chỉ vì tiền – vì viện trợ chứ không phải là để bồi đắp văn minh cho dân tộc.
Và rồi người Việt tự tròng vào cổ mình cái vòng Trung Quốc trăm năm u tối, đồng bệnh tương lân, biến xấu thành tốt; biến hủ lậu, độc tài thành quy chuẩn – thành đạo đức. Xã hội như vậy, thói tính như vậy thì không có không gian cho tư tưởng khai phóng.
Mở không gian mới
Từ 150 năm trước Fukuzawa Yukichi đã thẳng thừng tuyên ngôn “môi hở răng lạnh”, quyến luyến với giá trị Đông Bắc Á chỉ khiến người Nhật Bản bị coi khinh và mang đại thảm họa đến quốc gia và dân tộc Nhật Bản. Còn Việt Nam đến ngày hôm nay vẫn: “Sơn thủy tương liên, văn hóa tương đồng, lý tưởng tương thông, vận mệnh tương quan”.
Thoát ra khỏi cái vòng u tối Việt Nam chỉ có một con đường là hợp lưu cùng các nền văn minh tiến bộ. Đó hẳn phải là tâm thế để xây dựng thế kiềng ba chân cho  sự phát triển của quốc gia: Chính trị dân chủ, khai phóng giáo dục, kinh tế hải dương.
Chính trị dân chủ là để vận dụng được ý nguyện công dân trong trị quốc, cùng hợp lưu với dòng chảy thời đại. Giáo dục khai phóng là để trọng tư duy khác biệt, khơi nguồn tự do tư tưởng làm nền giúp công dân đủ sức mạnh bảo vệ giá trị dân chủ. Kinh tế hải dương là để “hưởng lạc” trên dòng thương mại biển Đông đang phồn thịnh bậc nhất thế giới.
Thiếu một trong ba yếu tố ấy, Việt Nam vẫn sẽ là một quốc gia dễ bị tổn thương và khó có thể cường thịnh. Mối họa 1858 không bao xa chỉ khác một điều kẻ xâm lăng không hẳn là một quốc gia văn minh ưu việt mà lại là “con bệnh Á Đông”. 
Han Times
Phần nhận xét hiển thị trên trang