Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

NôngDân: “Vạch váy tìm sâu” …nàng Hải Yến



NôngDân 
Hiệu Minh 

Haniyan đang tiến dọc bờ biển Đông
Cơn bão Haniyan (Hải Yến) đang tiến dọc bờ biển Đông
HM Blog. Xin giới thiệu bài viết của một bạn đọc có nick NôngDân nói về bão. Chữ NôngDân viết liền tịt, chả hiểu có nghĩa gì. Cảm ơn sự đóng góp của bác. Nghe nói lão thạo IT, biết chụp ảnh, bây giờ kèm viết báo, phân tích về bão hơn cả bên Khí tượng Thủy văn. Cảm ơn nàng Kim Dung đã biên tập, giúp cho cánh NôngDân thực tập nghề…vạch váy tìm sâu :)
Chúc các bạn vui. Enjoy your reading.
Lão NôngDân: Mỗi năm Việt Nam có trên chục cơn bão đổ bộ vào, thế mà những người làm ở ngành khí tượng thủy văn coi đó như chuyện đùa. Chỉ cần tính mấy cơn bão xảy ra gần đây mà ngành khí tượng thủy văn đã cuống quýt, giật đùng đùng như lên đồng.
Đơn cử: Bão số 08 dự báo sẽ vào, có mưa to phía Nam, làm cho cả miền Trung hỗn loạn, nhưng nó lại tự tan ở biển, sau mới bò vào bờ, mưa thì “ông trời” lại dội xuống phía Bắc. Bão số 13 dự báo di chuyển nhanh và có khả năng mạnh lên, giật tới cấp 10, cấp 11, té ra là không phải! Nó chỉ là áp thấp nhiệt đới. Đã thế lại ưỡn ẹo đi vào tận miền Nam, khiến cho Hồ Chí Minh (tên Sài Gòn cũ) cuống cuồng chạy “bão”.
Còn nàng Hải Yến di chuyển có vài ngàn cây số từ khi vào Biển Đông, mà dự báo sai vị trí đổ bộ tới trên 1500 km thì phải chắp tay lạy “các bố!”. Thể theo nguyện vọng của “trên 60 ngón cái giơ lên trời ”, Nông dân tôi viết một bài về bão theo đúng kiến thức đã học được từ phổ thông, hệ 10 năm cách đây đã tới 50 năm.
Nói đến “Bão” ở Việt Nam là muốn nói đến bão nhiệt đới, đây là hiện tượng  thời tiết có những đặc trưng là chỉ xuất hiện trên các vùng biển nhiệt đới. Khi một vùng trên đại dương có nhiệt tăng độ đột ngột, hơi nước bốc mạnh lên cao, làm xuất hiện nhanh một vùng áp thấp, tạo nên sự chênh lệch khí áp lớn so với khối không khí khác ở khu vực biển lân cận.
Khi đó lực khí áp xuất hiện làm cho không khí di chuyển từ nơi khí áp cao phía ngoài, vào vùng tâm bão có khí áp thấp hơn.
Tâm bão xoáy. Anh: Nông Dân chụp từ "vệ tinh" của Kim Dung.
Tâm bão xoáy. Ảnh: Nông Dân chụp từ “vệ tinh” Kim Dung.
Trên hình mũi tên mầu tím là lực khí áp dồn tâm tác động lên các vòng tròn nhỏ màu tối, giả định là phần tử  khí. Nhưng các phần tử chuyển động trên bề mặt trái đất đều bị ảnh hưởng một lực sinh ra do sự tự quay quanh trục của trái đất. Lực này ở bắc bán cầu sẽ làm các vật chuyển động lệch về phía phải so với phương chuyển động của nó (trong hình mũi tên mầu vàng).
Lực này kết hợp với lực hướng tâm làm cho không khí đang dồn về vùng biển có khí áp thấp, chuyển động xoay tròn xung quanh tâm bão theo ngược chiều kim đồng hồ. Nó giống như hồi còn đi chăn trâu, trẻ con chúng tôi hay ngăn những nơi nước chảy, khoét hẫng một chỗ, đặt ngầm đoạn ống đu đủ để thi nhau tạo ra những xoáy nước!
Do nhiệt độ và áp khí thấp ở tâm bão, làm cho một lượng hơi nước cực lớn bốc nên cao. Khi hơi nước lên cao gặp lạnh sẽ ngưng tụ thành các hạt băng có trọng lượng đủ lớn để lực ly tâm do chuyển động xoay tròn thắng lực hướng tâm, đẩy các hạt băng trên cao ra ngoài xa mắt bão.
Điều này tạo ra một vùng mưa rộng lớn quanh tâm bão, khí áp những vùng ngoài tâm bão lại cao lên. Mặt khác do gió xoáy rất mạnh quanh tâm bão làm cho khí áp và diện tích vùng mắt bão cân bằng hoặc mở rộng tùy theo cường độ gió quanh tâm bão (Định luật Bernoulli ). Trên đây coi như sự giải thích kỹ hơn tại sao điều kiện chính để  hình thành, phát triển các cơn bão lại là nhiệt độ và độ ẩm?
Khi bão hình thành, tạo ra một khối khí khổng lồ xoay tròn quanh tâm, nhưng do môi trường xung quanh có tác động không cân bằng, nên bão không thể đứng yên một chỗ, chắc chắn nó phải di chuyển. Với các cơn bão đổ bộ vào nước ta đều phần lớn đều hình thành từ tây Thái Bình Dương, thường vào mùa thu và đầu đông  nơi này có luồng khí áp cao phụ nhiệt đới.
Ở đó gió đông thổi mạnh tạo nên ngoại lực làm cho phần lớn cơn bão đều chuyển dịch về phía tây trong giai đoạn đầu mới hình thành. Như vậy khối không khí khổng lồ xoay tròn này đã có sự chuyển động phức tạp, đó là: Sự chuyển động xoay tròn của khối không khí nội tại. Sự dịch chuyển của cả khối theo một phương. Mỗi sự chuyển động này lại phụ thuộc vào nhiều tham biến khác, tạo ra sự “phức tạp khó lường”. (Thế mới có chuyện người ta chỉ muốn “ổn định” mà không cần sự  vận động để phát triển! )
Nhưng với những cơn bão mạnh, muốn tính toán hướng đi của chúng, ta phải quan tâm nhiều nhất tới mối quan hệ giữa các lực sinh ra do tốc độ di chuyển, cường độ của nó.
Em Hải Yên lên cơn cuồng nộ. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Em Hải Yên lên cơn cuồng nộ. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Nhìn các đường vẽ trên ảnh minh họa, trong đó: V1 là tốc độ và hướng di chuyển của bão; V2 là vận tốc gió gần tâm bão ở phía bắc; V3 là vận tốc gió gần tâm bão ở phía nam. Bão mạnh tạo thành một khối khổng lồ không khí  và các trạng thái khác nhau của nước đang quyện chặt, cùng với vận tốc di chuyển lớn, chắc chắn lực F bẻ hướng Bắc của Bão sẽ tỷ lệ thuận với vận tốc V1.
Điểm thứ hai trong chuyển động này, chúng ta cần lưu ý  V2 thuận chiều cùng V1, trong khi đó V3 ngược chiều V1, hiển nhiên V2 > V3. Sự khác nhau về vận tốc V1 và V2  rất dễ nhận biết qua thực tế với những cơn bão mạnh, thì phạm vi ảnh hưởng của gió, mưa và sóng biển khác nhau rất nhiều ở hai bên theo hướng di chuyển.
Ví dụ vừa qua “nàng Hải Âu” đi vào giữa vịnh bắc bộ theo hướng tây bắc, khi đó phía Đảo Hải Nam của Trung Quốc gió mưa, sóng biển chắc chắn sẽ dữ dội hơn so với phía bờ biển Miền Trung nước ta. Hay khi nàng tốc váy đi vào giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, thì khu vục Quảng Ninh sẽ thấy cấp gió mạnh hơn.
Trở lại việc phân tích hướng đi cơn bão mạnh di chuyển nhanh ( V1 lớn) thì lực F sẽ lớn, lực này lại được cộng thêm với lực sinh ra do sự chênh lệch của V2, V3, từ đó tạo ra lực tổng hợp tác động, nên liên tục bẻ hướng bão về phương Bắc, làm cho các  tác động khác kể cả tại thời điểm có không khí lạnh đang tràn xuống ít tác động được. Điều này giải thích tại sao những cơn bão mạnh từ biển Đông đổ bộ vào nước ta thường dịch chuyển theo hướng tây bắc.
Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp khác biệt thường xảy ra với những cơn bão cường độ nhỏ và tốc độ di chuyển thấp, đặc biệt vào đầu hoặc cuối mùa mưa bão.
Quay về với “nàng Haiyan”, “Nàng” có bất thường là ở thời gian xuất hiện, còn sự di chuyển là đúng quy luật. Phải nói đây là cơn bão cực mạnh tốc độ gió lên tới 300km/giờ, tốc độ di chuyển của “Nàng” lên tới 35 km/giờ. “Nàng” đi qua Philippines mà tốc độ di chuyển và cường độ của “Nàng” hầu như không thay đổi. Thế thì “Nàng” phải “định hướng” theo quy luật của trời đất thôi!, vì các lý do sau:
Thứ nhất, vào Biển Đông vẫn duy trì tốc độ di chuyển nhanh từ 30 đến 35 km/giờ theo hướng tây tây bắc. Điều này làm tổng hợp lực hướng bắc lớn (theo phân tích phía trên), như vậy đường đi của “Nàng” phải lệch dần về phía bắc, nhất là ở thời điểm các yếu tố thời tiết khác không có sự bất thường đáng kể.
Thứ hai với hướng đi như vậy quãng đường di chuyển trên Biển Đông dài, mà vào mùa này, đó là khu vực có nhiệt độ thấp hơn 20 độ C, làm tăng áp xuất vùng tâm, sức mạnh của “Nàng” chắc chắc phải giảm dần. Cho dù cường độ giảm, nhưng do tốc độ di chuyển theo quán tính vẫn ít thay đổi, Khi V1 không đổi “Nàng” ngày càng lệch bắc hơn do lực F xoay chậm về hướng đông bắc nước ta (xem ảnh).
Vì vậy nên “Nàng” mới đi vào giữa cửa Vịnh Bắc bộ. Đây là vùng biển gần bờ, thời điểm này nhiệt độ nước biển có nơi thấp hơn 15 độ C. Điều này đã góp phần tăng nhanh áp suất vùng tâm, năng lượng của “Nàng” giảm, theo cách nói của Tổng Cua là “Nàng” đã bị “suy thoái đạo đức nghiêm trọng”!.
Điều bực mình nhất là khi bão mới thò vào Biển Đông, thông tin về tốc độ, hướng đi, cường độ của Bão được cập nhật từng giờ ở các cơ quan khí tượng khác trên thế giới. Mấy lão nhà ta đặt thước kẻ ngay một đường thẳng chênh chếch theo hướng đi lúc đó và căn cứ vào đấy, ùn ùn kéo nhau lập tổng hành dinh tiền phương ở Bình Định, Quảng Ngãi.
Tại sao không biết rằng vì bão Haiyan quá mạnh và di chuyển cực nhanh nên trời, đất còn phải đem các quy luật ra để “định hướng” nó!. Với trình độ như thế mà “các đỉnh cao trí tuệ” của Việt Nam ta có tên lửa vượt đại châu. Muốn thử nghiệm bắn ra Thái Bình Dương, mà cứ nhằm thẳng mục tiêu để phóng, thì chắc chắn sẽ vòng bố nó xuống Úc châu!. Lúc ấy lại chữa thẹn rằng “đây chỉ là cuộc tổng diễn tập”!.
Bài này Nông dân tôi chỉ tập trung vào phân tích những cơn bão mạnh, còn những con bão to hơn áp thấp nhiệt đới một tý, thì cần phải đưa thêm vào nhiều tham biến hơn. Nhưng cũng may với những cơn bão như thế, sức tàn phá do gió chỉ như “gãi ghẻ thôi”, Việt Nam ta sợ nhất là mưa, vì có nhiều đập thủy điện lắm!, phố xá thấp lắm!. Trời bảo những thiệt hại mất mát đó là “nhân tai” chứ không phải là “thiên tai”, đừng đổ lỗi cho tao!
NôngDân. 14-11-2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đặc công người nhái Việt Nam đặc biệt tinh nhuệ

   (Sức mạnh quân sự Việt Nam) - Trong các phương án bảo vệ Cam Ranh, nhiệm vụ chống biệt kích, người nhái đối phương là một cuộc chiến không khoan nhượng dưới lòng biển cả.

Con người đặc biệt tinh nhuệ
Đặc công nước, người nhái Việt Nam ngày xưa đã đi vào huyền thoại với những lần bí mật đột nhập, tiêu diệt căn cứ hải quân Pháp, Mỹ. Ngày nay, họ vinh dự nhận một trách nhiệm ngược lại đó là ngăn chặn sự xâm nhập của biệt kích, người nhái đối phương.
Xạ kích dưới đáy biển.
Lực lượng chống biệt kích người nhái, bảo vệ căn cứ hải quân trên thế giới đã có lịch sử lâu đời. Ở đây, chúng ta xét đến lịch sử của lực lượng này trong quân đội Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Cam Ranh chủ yếu sử dụng các vũ khí và phương tiện kỹ thuật của Nga nên sẽ có mô hình bố trí tổ chức tương tự căn cứ hải quân Nga.
Lực lượng đặc nhiệm hải quân Liên Xô ra đời từ một câu chuyện. Tháng 10/1955, chiến hạm tuần dương Liên Xô mang tên Ordzhonikidze cập cảng Portsmouth của nước Anh. Tại đây, cuộc hội đàm giữa Khrushchev và thủ tướng Anh đã diễn ra. Trong thời gian tàu đỗ trên bến cảng, một thợ lặn, đại úy hải quân bậc II Hoàng gia Anh LionelCrabb đã lặn xuống dưới chiến hạm để do thám cấu trúc thiết kế của chân vịt chiến hạm. Tuy nhiên, nhiệm vụ tình báo công nghiệp này đã bị tình báo Xô viết phát hiện. Cánh quạt chân vịt chiến hạm vô tình quay vài vòng và đại úy hải quân Hoàng gia tử thương. Phía Hải quân Xô viết lấy làm rất tiếc và vô cùng xin lỗi.
Chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ.
Ngay sau đó, Liên Xô đã nhận thấy một nhu cầu bức thiết là thành lập một lực lượng đặc nhiệm hải quân chống sự xâm nhập của đối phương vào các căn cứ hải quân. Thế nhưng, do những khó khăn nhất định, đến năm 1969, lực lượng đặc nhiệm hải quân người nhái (viết tắt là PDSS) mới được thành lập. Các lực lượng chống đặc nhiệm ngầm được thành lập tại tất cả các căn cứ hải quân lớn, đặc biệt là các căn cứ tầu ngầm trang bị tên lửa và ngư lôi với các đầu đạn hạt nhân.
Đối với Việt Nam hiện nay, lực lượng đặc công người nhái chuyên trách bảo vệ căn cứ, chống sự đột nhập của biệt kích, người nhái đối phương cũng đã hiện diện.
Trang bị của một tổ Đặc công 'Người nhái'.
Với những nhiệm vụ mang tính đặc thù đó, đây là lực lượng được tuyển chọn vô cùng khắt khe và được giữ bí mật một cách tuyệt đối bởi họ là những người nắm căn cứ rõ như lòng bàn tay. Chế độ luyện tập của đặc công người nhái hết sức gian khổ. Những bài tập về thể lực, khả năng bơi lặn, võ thuật đương nhiên là món ăn hàng ngày của đặc công người nhái bảo vệ căn cứ. Trong số các lực lượng quân đội Việt Nam, đặc công người nhái được hưởng chế độ ăn cao nhất, hơn cả phi công, đặc công bộ…
Vũ khí đặc biệt hiện đại
Do nhiệm vụ đặc thù nên các vũ khí, phương tiện trang bị cho lực lượng chống biệt kích, người nhái cũng hết sức chuyên biệt.
Súng, đạn chuyên dùng cho lực lượng người nhái có cấu tạo đặc biệt.
Về vũ khí tấn công, các loại súng bắn dưới nước thường dùng đạn có hình dạng như những mũi lao để chống lại sức cản cực lớn của nước. Tầm bắn của những khẩu súng này rất ngắn, độ vài chục mét nhưng với đáy biển tối tăm, tầm bắn này vượt xa tầm quan sát, nhận biết được của con người.
Hiện nay súng tiểu liên APS-55 là loại vũ khí mà lực lượng đặc nhiệm hải quân Nga sử dụng, có đầu đạn dài tới 120 mm, hình mũi tên. Súng nặng khoảng 2,7 kg cả đạn, băng đạn có 26 viên.
Ở độ sâu 40 m, súng có thể diệt các mục tiêu cách 10m. Ở tầm 50 m dưới nước, súng không thể ngắm bắn chính xác. Trên mặt nước, súng có thể diệt mục tiêu ở khoảng cách 100 m, nhưng trên bộ, súng có tuổi thọ ngắn, chỉ bắn được không quá 180 phát.
Mặt nạ với chu trình khép kín không nổi bọt khí.
Ngoài súng tiểu liên, lực lượng chống biệt kích, người nhái còn có thể được trang bị súng phóng lựu. Hiện nay một số súng phóng lựu có thể tiêu diệt người nhái ở độ sâu 60 m nếu bắn từ trên xuống. Ở dưới nước vùng sát thương do lựu đạn sẽ lớn hơn trên bộ, bởi tốc độ và hiệu suất truyền sóng xung kích trong môi trường chất lỏng tốt hơn môi trường không khí. Vùng sát thương rộng hơn, tầm bắn lại ngắn hơn nên việc sử dụng vũ khí này đòi hỏi sự quyết đoán và dũng cảm.
Để có thể thực hiện nhiệm vụ ở dưới sâu trong thời gian dài, đặc công người nhái được trang bị những bộ quần áo đặc biệt vừa có tác dụng giữ ấm, giảm ma sát và giảm ảnh hưởng của áp lực độ sâu. Không chỉ quần áo, đặc công người nhái được trang bị mặt nạ để cấp dưỡng khí.
Các trang bị của đặc công người nhái Việt Nam.
Thiết bị thở chu trình khép kín cho phép người thợ lặn có thể hoạt động dưới nước trong nhiều giờ và không lộ bí mật do không xuất hiện các bong bóng khí. Chu trình khép kín mà không tuôn bong bóng khí được dựa trên nguyên lý carbon dioxide thải ra được tự tái chế để nuôi hệ hô hấp của người. Do vậy, khuôn mặt của các chiến sĩ người nhái luôn giấu kín dưới chiếc mặt nạ màu đen chỉ chừa khe hở cho đôi mắt.
Ngoài ra, đặc công người nhái còn được trang bị máy lặn, có cấu tạo như một ngư lôi giúp di chuyển trong lòng biển một cách nhanh chóng. Những hình ảnh về đặc công Việt Nam cho thấy người nhái Việt Nam đã được trang bị các thiết bị này. Đối với một số nước, lực lượng người nhái có thể được trang bị tàu ngầm cá nhân với khả năng chở 1-2 người.
Phao bơi dạng thủy lôi giúp cơ động dưới nước dễ dàng.
Không chỉ vậy, hiện nay lực lượng chống biệt kích, người nhái trên thế giới còn có nhiều hệ thống mang tính tự động hóa cao. Các thiết bị này gọi là robot chống biệt kích. Một thiết bị tương tự của Mỹ là USV Blackfish có kết cấu tương tự ngư lôi, di chuyển bằng chân vịt được trang bị hệ thống Sonar độ nhạy cao, camera chuyên dùng dưới nước có thể phát hiện người nhái di chuyển dưới nước.
Ngay cả khi người nhái không di chuyển, các bọt khí sinh ra do quá trình thở của người nhái cũng sẽ bị phát hiện. Khi phát hiện được, các robot này có thể truyền thông tin về trung tâm, sử dụng súng phóng lựu tiêu diệt người nhái đối phương. Thiết bị này hoạt động theo lộ trình định sẵn, bán kính kiên lạc 1 km, hoạt động liên tục 1 giờ. Việc lực lượng đặc công người nhái Việt Nam đã được trang bị những hệ thống tương tự hay chưa đến nay còn là bí ẩn.
Chuẩn bị vượt sông.
Dưới bóng tối của đáy biển, mọi thứ chỉ quan sát được mờ mờ trong một tầm rất ngắn, khả năng vận động bị triệt tiêu gần hết cùng với sức ép cực lớn do độ sâu nước và đặc biệt đối diện với kẻ thù cũng hết sức tinh nhuệ do vậy cuộc chiến dưới lòng biển thực sự rất khốc liệt.
Huấn luyện bơi chiến thuật có khí tài.

Thực hiện thao tác tiếp cận mục tiêu từ dưới nước.
Luyện tập đột kích lên đảo.
Khi phát hiện biệt kích, người nhái đối phương xâm nhập căn cứ. Đặc công người nhái lao vào trận giáp chiến dưới nước. Những khẩu tiểu liên tự động bắn ra những chiếc kim thép dài ở khoảng cách tưởng chứng như có thể sờ thấy nhau.
Đặc công hải quân Việt Nam luôn tích cực rèn luyện thể lực, võ thuật, sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.
(Trí thức trẻ)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Truyện ngắn:


NGUYỆT

          Nhà Nguyệt ở sát đường. Suốt ngày xe tải xe công nông chạy, bụi mù cả mắt. Hai bên hàng xóm sấy sắn, sấy củ ba mươi, khói lên cuồn cuộn.
Gần đấy hai giàn máy xát bột chạy mô tơ lớn, tiếng ồn thâu đêm suốt sáng chả lúc nào dừng.
Có cảm giác như đang ở dưới địa ngục chứ không phải chỗ dành cho con người lương thiện.
           Hai đứa con gái chăm thế nào cũng không chịu lớn. Nào bột cóc, bột dinh dưỡng cao cấp mua đắt lòi mắt mà chả ăn thua gì.
Trẻ con muốn lớn được, ngoài dinh dưỡng ra còn cần nhiều thứ khác, tỷ dụ như nắng, gió, không khí trong lành và cả sự yên tĩnh, sạch sẽ của môi trường nữa.
Phải đâu cứ nhồi nhét cho chúng ăn thật nhiều, đủ chất, là cứ thế lớn thuôi thuổi, béo tốt, đỏ da cả đâu?
           Mà hình như hai đứa con nàng chớm bị tâm thần rồi hay sao ấy?
Cả đêm chúng chỉ ngủ chập chờn, chả say giấc. Bốn giờ sáng mẹ dậy đặt nồi xôi, chúng đã theo dậy rồi. Tỉnh như sáo.
          Con chị dắt con em đến cái đầu DVD mở, loa kêu hết cỡ. Nguyệt ù hết cả tai, hai đứa cứ nhìn nhau, te tởn cười.
           Nàng bực nhưng không nỡ mắng con.
Con nhà nghèo nên chúng mới vậy. Chứ con nhà khác bảy tám giờ sáng vẫn nằm nguyên trên giường. Có đứa bố mẹ dỗ mãi cũng không chịu dậy, ăn sáng để còn kịp đến lớp mầm non. Đằng này con Nguyệt dậy có hôm còn sớm hơn cả mẹ.
          Công nhận chúng có bộ lỗ tai dày. Tiếng ồn đến mấy trăm đề xi ben, chúng coi như không!
           Cũng có thể chúng nghe mãi thành quen, màng tai lên chai không còn thấy đau nữa rồi sao?
          Bà ngoại lâu lâu ra thăm cháu, ở chưa hết buổi, đã phải chạy. Tiếng máy, tiếng loa như thế, lại bụi nữa.. Bà bảo ở lâu nữa chắc phát bệnh, chịu không nổi..
          Chồng Nguyệt thì đi vắng suốt ngày.
Phần vì công việc thất thường, ở nhà không có việc làm. Xe máy Tàu bán rẻ sang, như bèo, hỏng người ta mua cái khác, ít người chịu sửa. Đâu phải như xưa, có cái xe máy trong nhà như của để dành? Lau chùi, giữ như giữ sơn.
         Người ta quý cái xe của mình, tất nhiên thợ sửa chữa có công có việc.
Thời ấy phụ tùng lại hiếm, mua một, bán cho khách lời gấp đôi gấp ba. Ai có cái xe giữ như giữ ấn, hỏng một tí là sửa ngay.
       Không như bây giờ xe vất ngoài hè, thậm chí để ngoài vườn. Có sửa phụ tùng cũng không đáng bao nhiêu tiền. Đã thế các tiệm sửa xe lại nhan nhản. Quãng quãng lại có biển đề “ Viện sửa chữa tân trang xe máy”.
        Chán mớ đời. Chả nhẽ cứ cơm ngày ba bữa ngồi nhìn nhau hít bụi xe chạy qua đường à?
Phần vì chàng thần kinh không được khỏe. Hễ có người đột ngột nói to, là giật mình. Máy chạy nhức óc thế này, làm sao chịu nổi?
Có bạn đến rủ đi chơi tá lả, chơi chờ tướng là mừng như vớ được bạn vàng, lồng đi ngay.
        Đến khuya, cả xóm tắt đèn đi ngủ, máy móc đã nghỉ hết vì không thể làm liên tu ti mãi được, cần cho nó kịp nguội, lúc ấy chàng mới mò về.
Thường là say bí tỉ, chả biết giời đất là gì nữa.
Nguyệt lại bưng chậu nước, lau mặt, cởi giày cho chàng. Khổ thế mà đâu có được yên? Giống có rượu vào, lại là thứ rượu men hóa học, con người gần con thú hơn. Ngày thường chồng nàng cũng không đến nỗi. Nhưng rượu vào trở thành người khác. Điên điên, rồ rồ, tức không chịu nổi.
Đã phải thay áo cởi quần như cho con bé thì chớ, lại phải nghe chồng lẩu bẩu chửi láo chửi càn. Nỗi đau âm thầm về hoàn cảnh từ buổi ấu thơ của nàng, chàng cũng không tha. Chạm đến, Nguyệt có cảm giác thảng thốt, rã rời chân tay, không muốn sống nữa!                     Những lúc ấy Nguyệt muốn vùng bỏ chạy..


       Nhưng mà chạy đi đâu bây giờ?

( Còn nữa.. )
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhìn về cuộc sống thế kỷ... 1 của loài người


(Dân trí) - Thế kỷ thứ nhất sau công nguyên là một thời kỳ lịch sử đã quá xa xôi với chúng ta hôm nay, tuy vậy, thời ấy không hề giống như cách chúng ta từng nghĩ và lầm tưởng.

Rome là thành phố lớn nhất thế giới
Với dân số 800.000 - 1 triệu dân, Rome là thành phố lớn nhất, 
quyền lực nhất thế giới ở thời kỳ này.

Dân số thế giới vào khoảng 231 triệu người


Dân số thế giới khi đó chỉ gần bằng dân số Indonesia hiện nay. Ở thời kỳ này, đa số các cộng đồng dân cư sống tập trung xung quanh những con sông lớn với quan niệm “nhất cận thị, nhị cận giang” - sống gần sông được cho là có nhiều thuận lợi.

Những con sông nổi tiếng nhất khi đó bao gồm sông Hằng (chảy qua Ấn Độ và Bangladesh), sông Tích Giang (chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq), sông Trường Giang (Trung Quốc), sông Nin (chảy qua Ethiopia, Sudan, Ai Cập, Uganda, Congo, Kenya, Tanzania, Rwanda, Burundi, Nam Sudan), sông Po (chảy qua Ý, Thụy Sĩ, Pháp).

Phụ nữ có rất ít quyền trong lĩnh vực chính trị và kinh tế


Phụ nữ ở thời kỳ này hầu như không hề biết đến sự độc lập kinh tế. Ở những thế kỷ đầu tiên này, thái độ “trọng nam khinh nữ” thể hiện rất rõ nét. Khi một phụ nữ đi làm thuê, lương của cô ấy sẽ được chuyển đến tay cha, anh trai hoặc chồng. Ngoài ra, phụ nữ cũng không có quyền bỏ chồng, trong khi đó, đàn ông lại có quyền ruồng rẫy vợ, lấy thêm vợ hoặc thậm chí trả vợ về cho nhà đẻ.

Dân số Trung Quốc ước đạt 57.671.400 người


Được coi là một trong những quốc gia lâu đời nhất thế giới, triều đại nhà Hán ở Trung Quốc rất quan tâm việc kê khai nhân khẩu để duy trì tốt việc thu thuế và gọi nhập ngũ. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên này, Trung Quốc đã luôn chiếm một tỉ lệ lớn trong tổng dân số thế giới.

Chiếc “máy bán hàng tự động” đầu tiên bán nước thánh


Các máy bán hàng tự động thô sơ đầu tiên đã được phát minh ra từ thế kỷ thứ nhất tại thành phố Alexandria của Ai Cập. Những chiếc máy này bán nước thánh. Khi một đồng xu được bỏ vào khe đút tiền, nó sẽ làm một chiếc nút bần bật ra khỏi chai và nước thánh sẽ tự động chảy ra.

Con người bắt đầu có sách


Trước đây, con người dùng da động vật để viết nhưng bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, người ta đã nghĩ ra cách buộc những thẻ tre, thẻ gỗ lại với nhau để tạo thành những cuốn “sách tre”.

Đàn ông thường tới nhà tắm công cộng để giải trí


Nhà tắm công cộng từng là một nét văn hóa đặc biệt của người La Mã. Sau khi kết thúc một ngày làm việc, đàn ông ở mọi lứa tuổi, mọi thứ bậc trong xã hội đều đổ về các nhà tắm công cộng. Họ chuyện trò, giải trí, bàn luận… Nhà tắm công cộng thời đó thực sự là một tụ điểm văn hóa, trong đó có cả phòng chơi thể thao, phòng tập thể dục, phòng ăn.

Võ sĩ giác đấu nổi tiếng như những ngôi sao điện ảnh


Dù các cuộc chiến của võ sĩ giác đấu bạo lực, đẫm máu nhưng đây được coi là trò giải trí yêu thích nhất của người dân La Mã. Đa số võ sĩ giác đấu đều là tội phạm, nô lệ, tù nhân chiến tranh nhưng nếu những con người này chiến đấu giỏi và liên tục giành chiến thắng, họ sẽ trở nên nổi tiếng và nhận được nhiều tiền thưởng của giới thượng lưu.

Đua xe ngựa là môn thể thao phổ biến nhất


Giống như các cuộc chiến sinh tử của võ sĩ giác đấu, đua xe ngựa cũng là một môn thể thao nguy hiểm, thường dẫn tới cái chết của những người đua xe hoặc ngựa kéo khi xe ngựa bị lật nhào. Tuy vậy, tính chất khốc liệt của môn thể thao này càng khiến nó trở nên phổ biến và được yêu thích. Mỗi khi trường đua xe ngựa Circus Maximus - trường đua cổ nhất thành Rome - tổ chức thi đấu, khoảng 200.000 người sẽ đổ tới xem.

Thời này đã xuất hiện những kẻ khủng bố


Những kẻ khủng bố đầu tiên được biết tới trong lịch sử chính là những kẻ “đâm trộm” hoặc “đâm thuê chém mướn”. Ở thời kỳ này, tại các thành phố La Mã có một nhóm những người Do Thái bất đắc chí, âm thầm chống lại sự thống trị của các vị vua La Mã. Nhóm người này thường sử dụng những con dao găm, lén đâm chức sắc La Mã trên phố rồi hòa vào đám đông lẩn trốn. Người ta có hẳn một từ để gọi nhóm người này, đó là “Sicarri” - “kẻ cầm dao”.

Áo dài thắt ngang lưng rất phổ biến


Đa số đàn ông và phụ nữ La Mã cổ đại đều mặc áo dài thắt ngang lưng, chiều dài và thiết kế của những chiếc áo thể hiện đẳng cấp xã hội của người mặc. Giới thượng lưu mặc áo dài và có những dải sọc, nô lệ và người lao động mặc áo ngắn trên đầu gối để có thể di chuyển dễ dàng.


Bích Ngọc, Theo BI

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Hội đồng Nhân quyền là gì?



Lịch sử hình thành 

QĐND - Từ năm 2003, Liên hợp quốc (LHQ) đã triển khai kế hoạch cải tổ sâu rộng nhằm tăng hiệu quả, sự minh bạch và dân chủ hóa trong các hoạt động của LHQ. Đáng chú ý là các kế hoạch cải tổ Hội đồng Bảo an và các cơ chế giữ gìn hòa bình, an ninh của LHQ; cải tổ hệ thống phát triển, trong đó có mô hình "Một LHQ"; cải tổ bộ máy nhân quyền LHQ; Ban thư ký… Đến nay, có thể coi việc cải tổ bộ máy nhân quyền với việc thành lập Hội đồng nhân quyền (HĐNQ) để thay thế Ủy ban nhân quyền trước đây (UBNQ) là công tác cải tổ đạt kết quả cụ thể thực chất.

Quá trình thương lượng bắt đầu từ giữa năm 2005, chủ yếu tại Geneva; đầu năm 2006 chuyển dần sang New York và diễn ra dồn dập với nhiều cuộc họp chính thức, không chính thức, vận động hành lang. Ngày 15-3-2006, Đại hội đồng LHQ đã thông qua bằng bỏ phiếu Nghị quyết 60/251, chính thức thành lập Hội đồng nhân quyền với 170 phiếu thuận, 4 phiếu chống (Mỹ, Israel, Marshall, Palau) và 3 phiếu trắng.

Cơ cấu thành viên, tiêu chuẩn bầu chọn thành viên HĐNQ

HĐNQ bao gồm 47 nước thành viên, phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý. Cụ thể là: Nhóm châu Á được 13 ghế, Nhóm châu Phi 13 ghế, Nhóm Đông Âu 6 ghế, Nhóm Mỹ La-tinh (MLT) và Caribe 8 ghế, Nhóm Tây Bắc Âu và các nước khác (phương Tây) 7 ghế. Các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, không được tái cử nếu đã qua hai nhiệm kỳ liên tục (đây là điểm mới để hạn chế việc một số nước, nhất là các nước lớn trở thành “thành viên thường trực” trên thực tế như tại HĐBA). HĐNQ bầu Chủ tịch và 4 Phó chủ tịch nhiệm kỳ một năm dựa trên đề cử của 5 nhóm khu vực và theo nguyên tắc luân phiên giữa các nhóm khu vực. Một Phó chủ tịch sẽ đảm nhiệm vai trò Báo cáo viên của HĐNQ.

Tất cả các nước thành viên LHQ đều có quyền ứng cử vào HĐNQ. Khi bỏ phiếu, các nước thành viên LHQ cần xem xét những đóng góp của từng ứng cử viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cũng như những cam kết tự nguyện của họ trong lĩnh vực này. Đại hội đồng sẽ bầu các thành viên HĐNQ bằng bỏ phiếu kín với đa số thường, đồng thời có thể treo quyền thành viên HĐNQ đối với một nước “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hoặc có hệ thống” bằng đa số 2/3 số nước có mặt bỏ phiếu đồng ý.

Các cơ chế, bộ máy của HĐNQ (theo Nghị quyết A/HRC/5/1)

1. Cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ (UPR): Là cơ chế mới và liên chính phủ của HĐNQ, có nhiệm vụ thực hiện kiểm điểm tổng thể các vấn đề nhân quyền tại tất cả các nước thành viên LHQ, định kỳ 4 năm một lần theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và chính trị hóa. Mục đích của cơ chế này là nhằm cải thiện tình hình nhân quyền và thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền; tăng cường năng lực thực thi nhân quyền cho các quốc gia thông qua tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm.

2. Cơ chế “các thủ tục đặc biệt” (special procedures): Là hệ thống các chuyên gia của LHQ, hoạt động với tư cách cá nhân và “độc lập”, có nhiệm vụ theo dõi, đưa ra các ý kiến tư vấn và có báo cáo công khai về tình hình nhân quyền theo từng lĩnh vực hoặc tại một số nước cụ thể, nhằm hỗ trợ HĐNQ trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên thế giới. Cơ chế này đã có từ thời kỳ UBNQ trước đây và được HĐNQ tiếp tục duy trì (theo tinh thần NQ 60/251), song có một số điều chỉnh nhất định, đặc biệt trong việc bổ nhiệm và giám sát hoạt động. HĐNQ hiện có 38 thủ tục đặc biệt, gồm: 31 thủ tục theo vấn đề (thematic mandates) và 8 thủ tục về các nước cụ thể (country mandates). Việc thiết lập, gia hạn hoặc chấm dứt một “Thủ tục đặc biệt” phải được thông qua bằng một nghị quyết của HĐNQ.

Văn phòng Cao ủy có nhiệm vụ trợ giúp mandate holders thực hiện nhiệm vụ (cử người giúp việc với tư cách trợ lý, hậu cần và nghiên cứu), phối hợp với đại diện UNDP tại nước sở tại trong các chuyến thăm của mandate holders (country visit) như giúp xây dựng chương trình làm việc, tiếp xúc, lo hậu cần (xe, phiên dịch) và tổ chức họp báo khi kết thúc chuyến thăm...

3. Thủ tục khiếu nại (complaint procedures): Là cơ chế có chức năng xem xét theo quy trình kín các kháng thư của cá nhân hoặc tổ chức tố cáo một quốc gia thành viên LHQ vi phạm nhân quyền “thô bạo, có hệ thống”. Cơ chế này gồm 2 Nhóm làm việc: Nhóm làm việc về Kháng thư (WGC) gồm 5 thành viên là các chuyên gia do Ủy ban Tư vấn của HĐNQ bầu ra và Nhóm làm việc về tình hình (WGS), gồm 5 thành viên là đại diện các quốc gia thành viên HĐNQ, được bầu trên cơ sở cân bằng địa lý. Theo quy trình, khi cá nhân hoặc nhóm tự cho là nạn nhân bị vi phạm nhân quyền gửi kháng thư tới Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, WGC sẽ xem xét kháng thư theo các tiêu chí cụ thể. Các kháng thư được coi là đáp ứng đủ tiêu chí sẽ được gửi tới quốc gia liên quan. Đáng chú ý là Nghị quyết A/HRC/5/1 của HĐNQ quy định, trong thời hạn 3 tháng kể từ khi nhận được kháng thư, quốc gia liên quan cần cung cấp các thông tin trả lời cáo buộc nêu trong kháng thư. Thời hạn này có thể kéo dài thêm nếu quốc gia yêu cầu hoặc do Nhóm làm việc quyết định.

4. Ủy ban Tư vấn (Advisory Committee): Là cơ chế gồm các chuyên gia hoạt động với tư cách cá nhân, do các nước thành viên đề cử và được HĐNQ bầu bằng bỏ phiếu kín trên cơ sở cân bằng địa lý. Nhiệm vụ của Ủy ban Tư vấn là: Cung cấp ý kiến tư vấn hoặc nghiên cứu chuyên đề theo yêu cầu của HĐNQ. Ủy ban tư vấn không có chức năng ra nghị quyết, quyết định hoặc xem xét tình hình nhân quyền tại các nước cụ thể. Trong khi thực hiện chức trách của mình, Ủy ban Tư vấn có nghĩa vụ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, các cơ quan quốc gia về nhân quyền, NGOs. Các nước thành viên và quan sát viên HĐNQ, các tổ chức liên chính phủ, cơ quan nhân quyền quốc gia và NGOs có thể tham gia trực tiếp vào công việc của Ủy ban tư vấn trên cơ sở các quy định trong Nghị quyết 1996/31 của ECOSOC và các tiền lệ tại Ủy ban Nhân quyền trước đây.

5. Nhóm Tư vấn (consultative group): Theo Nghị quyết A/HRC/5/1, khi bắt đầu chu kỳ các khóa họp thường niên của HĐNQ (sau khi có Chủ tịch HĐNQ mới), mỗi Nhóm khu vực sẽ đề cử một đại diện tham gia Nhóm Tư vấn, hoạt động với tư cách cá nhân. Nhóm Tư vấn có nhiệm vụ lập danh sách và trình Chủ tịch HĐNQ các ứng cử viên “phù hợp” cho các chức danh Thủ tục đặc biệt còn trống (do mới thành lập hoặc hết nhiệm kỳ). Nhóm tư vấn sẽ chọn lựa và lập danh sách này từ các ứng cử viên được giới thiệu công khai (trong public list), có tính đến ý kiến của tất cả các bên (stakeholders), bao gồm cả các mandate holders còn tại vị hoặc sắp kết thúc nhiệm kỳ. Danh sách được trình Chủ tịch HĐNQ chậm nhất là một tháng trước khi bắt đầu khóa họp HĐNQ. Trên cơ sở khuyến nghị của Nhóm tư vấn và qua tham vấn rộng rãi, đặc biệt là với Điều phối viên các Nhóm khu vực, Chủ tịch HĐNQ sẽ chọn ứng viên phù hợp và trình HĐNQ thông qua việc bổ nhiệm.
(QĐND)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT NAM BẮT ĐẦU "TỈNH NGỘ" RỒI CHĂNG?

NHIỆT LIỆT HOAN NGHÊNH SỰ LỰA CHỌN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT NAM!
Dân ngán hàng Tàu, Móng Cái đìu hiu
13/11/2013 08:40 GMT+7
Thuyền, đò... nằm bất động, những khu trung tâm thương mại vắng bóng người. Cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh những ngày này khác hẳn với không khí sầm uất trước đây. 

Trong khoảng chục năm trở lại đây, chưa bao giờ khu vực cửa khẩu Móng Cái lại đìu hiu như hiện nay. Quốc lộ 18 - con đường độc đạo chạy từ TP. Hạ Long dẫn ra các cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái chỉ thấy lác đác xe container chạy qua.

Nếu như vài năm trước khi đến cửa khẩu Móng Cái, lượng thuyền, đò, sà lan trên sông Ka Long không đếm xuể, tấp nập hàng lên, hàng xuống từ mờ sáng đến đêm. Đến nay chỉ lác đác trong số này còn hoạt động, số còn lại nằm bất động kín đặc ở các bến sông Ka Long.

cửa khẩu Móng Cái, chi cục Hải quan, kinh doanh, vắng bóng người, sông Ka Long
Trục đường chính dẫn ra cửa khẩu Bắc Luân vắng người, phương tiện, hàng hóa qua lại.

Thực trạng trên được thể hiện rõ qua kết quả thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái - Cục Hải quan Quảng Ninh. Hoạt đông xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái phụ thuộc nhiều vào hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Theo thống kê từ 1-1 đến 30-9, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 2,31 tỷ USD. Trong số này, kim ngạch hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất đạt 706,2 triệu USD, giảm 18,21% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng số container do Chi cục giám sát thực xuất là 9.437 container, giảm 43,5% so với cùng kỳ.

Dạo quanh một vòng các trung tâm thương mại như chợ TOGI, chợ Trung tâm, hình ảnh chung là lèo tèo, thưa thớt người ra vào, thậm chí cửa đóng tĩnh lặng. Chỉ có những sập hàng đầy ắp, đa dạng các loại hàng hóa từ hàng điện tử xen lẫn dưới đống quần áo, chăn, chiếu... đến đồ gia dụng, với cùng xuất xứ “made in China”. Hàng hóa được bày bán la liệt từ bên trong chợ ra tận mặt phố... nhưng vẫn vắng người mua.

Một phần nguyên nhân, theo đánh giá của một số người dân, là do sức mua của thị trường có sự bão hòa, cùng với một số người mất lòng tin đối với hàng Trung Quốc giá rẻ. Đây cũng là tâm lý chung của khách thăm quan lẫn lái buôn nơi đây.

Phóng viên ghi lại một số hình ảnh vắng vẻ nơi đây:

cửa khẩu Móng Cái, chi cục Hải quan, kinh doanh, vắng bóng người, sông Ka Long
Thuyền, đò... nằm bất động bên bờ sông Ka Long.
cửa khẩu Móng Cái, chi cục Hải quan, kinh doanh, vắng bóng người, sông Ka Long
Từ chợ TOGI Móng Cái...
cửa khẩu Móng Cái, chi cục Hải quan, kinh doanh, vắng bóng người, sông Ka Long
... đến Trung tâm Thương mại Vinh Cơ thưa thớt người ra vào.
cửa khẩu Móng Cái, chi cục Hải quan, kinh doanh, vắng bóng người, sông Ka Long
Hàng điện tử, chăn, chiếu...
cửa khẩu Móng Cái, chi cục Hải quan, kinh doanh, vắng bóng người, sông Ka Long
... bày bán la liệt trên hè phố vẫn vắng người mua.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thư cho người ở nơi xa!



Có gì để tiếc đâu em?
Nụ cười gượng, chẳng thể đem vui về!
Đau người ở
lệ người đi
Bấy nhiêu năm ..
bước chia ly rối lòng
Thời gian sao mãi mùa đông?
Qua ngàn vạn lý ..
chút lòng nhớ nhau
Buông nỗi buồn xuống biển sâu
Ngày mai nắng ấp, mây cao lại về..
Đừng mà - lủi thui em đi
Ta luôn có bạn cả khi bão lòng..
Hãy chờ qua hết mùa đông..
Hoa ưu đàm nở, má hồng lại tươi!
Chút tình gửi tặng em tôi..
Nơi xa dặm thẳm..
một thời đã thương!


Phần nhận xét hiển thị trên trang