Thằng bạn đối diện giường nằm của tôi trong ký túc xá, có thói quen đi chùa vào mỗi chiều chủ nhật. Sự thực hắn chẳng lễ bái gì cả, chỉ chọn những chùa vắng, cắp theo cuốn sách, vào đó ngồi trầm tư cho đến giờ ăn tối thì về. Một ý thích lạ lùng, đôi khi tôi cũng thấy hay hay. Nhưng tính cách của hắn, thực sự mà nói, tôi không sao ngửi nổi!
Lần ấy, khi mới đặt chân vào phòng, số sinh viên cũ vỏn vẹn vài tên, còn lại là đám “tân binh” chúng tôi, ồn ào, náo nức, hẳn nhiên không thiếu một chút lạ lẫm, ngu ngơ. Ngay chiều ấy thì xảy ra chuyện. Hắn đi tắm về, thấy cái rương bị mở banh ra. Toàn bộ số tiền cha mẹ cho mang theo đóng học phí đầu năm và chi dụng sinh hoạt đã biến mất. Phòng chỉ có một tên, sinh viên cũ, mặt mũi lừ đừ, khó ưa. Thấy sự việc, gã ngồi nhìn đám đàn em chúng tôi, miệng nhếch một nụ cười khinh khỉnh. Tôi lao lên giường tầng, chộp cổ lôi gã xuống đất:
- Phòng chỉ có mình mày, tiền bạn tao ai lấy?
Gã hơi sững người, cả đám ùa vào vây lấy gã. Tôi kê nắm đấm ngang mũi thằng “đàn anh”:
- Mày mở rương mày ra tao coi?!
Thằng đàn “đàn anh” mặt mày xanh ngắt, lũ “tân bình” ùa quanh. Gần chục nắm đấm chờ chực táng xuống đỉnh mũi kẻ bị nghi vấn. Biết sự việc không thể trì hoãn, gã lập cập leo lên giường. Chiếc rương được mở ra. Mớ tiền nằm cuộn tròn trong một cái quần ka ki nhàu nát. Đúng lúc ấy thì có tiếng òa khóc, là của hắn, thằng bạn đối diện giường tôi:
- Không, không phải tiền tao, không phải tiền tao! Chúng mày thả anh ấy ra...
Gần chục nắm đấm hạ xuống. Hẫng. Ai về giường đó. Thằng “đàn anh” ráng ở thêm mấy bữa thì vác rương hòm ra ngoài thuê phòng trọ.
Về sau chúng tôi biết sự thực, mớ tiền ấy là của hắn, thằng bạn tôi. Trước đó hắn đã đếm đi đếm lại hàng trăm lượt, nhớ mùi đến từng tờ bạc. Nhưng nếu bảo thực cho chúng tôi biết vào lúc đó, thằng “đàn anh” kia sẽ nhừ tử, thế là hắn nghiến răng chịu đựng. Tôi ghét hắn từ đấy.
Chiều nay tôi tựa tường hút thuốc lá vặt. Tàn bay trắng xung quanh. Hắn dòm tôi:
- Phòng chỉ còn tao với mày...
- Ừ...
- Đi chùa với tao không?
- Cái gì?!
- Không, chỉ là vào đấy ngồi cho mát thôi. Trong ấy nhiều cây lắm. Nếu buồn ngủ mày có thể nằm ngủ cũng được!
- OK.
Tôi xỏ áo quần. Mấy lần tính cởi ra lại, nhưng nhìn quang cảnh xung quanh ngán quá, thì đi vậy. Ở lại phòng tôi sẽ biết làm gì với cả buổi chiều?
Chùa vắng ngắt. Lá rơi lác đác. Có tiếng mõ gõ đều. Lâu lâu lại nghe một cái boong. Hắn lựa thảm cỏ dưới một gốc sứ bảo tôi:
- Ngồi đây đi. Ăn bánh ngọt nhé. Tao đem cả nước nữa...
Tôi thở dài:
- Có rượu thì hay!
Hắn trợn mắt:
- Đừng giỡn bồ- Rồi hắn bày bánh ngọt, nước... ra thảm cỏ.
Tôi nhúp một cái bánh:
- Mày thường ra đây làm gì?
- Tao ngồi... tĩnh tại.
- Ngồi thiền hả?
- Không hẳn. Chỉ là khép mắt lại, cho đến khi đầu rỗng tuếch ra.
- Thế là thiền chứ còn gì nữa.
- Mày biết thiền à?
- Chỉ nghe nói vậy. Tao mà thiền cái con khỉ mốc!
Hắn ngồi thật. Hai mắt nhắm nghiền. Tôi chán, lại móc thuốc ra hút. Trời nóng. Mồ hôi chảy dài xuống cổ tôi. Tôi hỏi:
- Mày nóng không?
- Mát lắm!
Tôi búng mẩu thuốc. Đi loanh quanh. Thấy mấy bóng áo nâu. Ngại. Lại trở về ngồi trên thảm cỏ. Một đàn kiến bò dài dưới chân tôi. Tôi nhìn đàn kiến. Con nào con ấy nhẫn nại, vô tư lự, ngoan ngoãn với công việc đã được tạo hóa lập trình. Đi, cụng đầu nhau, nghiêng ngó, rồi tiếp tục lon xon trên những cẳng chân nhỏ xíu. Có lẽ với chúng, tôi có quyền năng ngang với thượng đế. Gí tay một cái là vài chục sinh mệnh nát nhừ. Bỗng có tiếng xe máy ồn lên trước cổng chùa. Mấy cái bóng thấp thoáng. Tôi nhổm dậy.
- Anh ra đây làm người ta kiếm muốn chết!
Tôi mừng rơn:
- Sao bảo chiều nay em thi cơ mà?
- Thi xong rồi.
- Sao lẹ vậy?
- Làm cho có. Chán. Đi thôi!
Tất nhiên kéo theo em vẫn là nhóm bạn tôi. Lũ chúng nó cùng thi vào chiều nay, bỏ tôi ngồi một mình chỏng chơ trong ký túc xá.
Em trao tay lái cho tôi, ngồi sau ghì chặt ngang eo. Tôi nghe bầu ngực căng cứng quen thuộc ập vào lưng mình.
- Đi đâu?
- Ra bờ sông.
- Em đã mua rượu chưa?
- Chúng nó mua rồi.
- Đủ không?
- Mười chai sáu đứa. Hết tính tiếp.
Tôi gật:
- Vậy chắc đủ. À, mà còn thuốc lá? Gói của anh gần hết rồi đấy.
- Yên tâm đi ông nội.
Tôi kéo ga. Cả lũ băng theo. Thằng chạy kế đột nhiên gào lên sằng sặc. Nó tên T. Anh đầu trong một gia đình chỉ có hai anh em trai. Thằng em đã thay nó làm anh. Nó- ba mẹ coi như đồ hư hỏng. Chỉ suốt ngày làm thơ, sưu tầm đĩa rock. Mê Pink Floyd. Khi nghe David Gilmour “phiêu” guitar, nó hóp má rít một điếu thuốc vấn bằng giấy báo. Mùi thuốc khét như người ta đốt giẻ rách.
Chiều buông chậm. Gió ập vào mát tận sống lưng. Khu đất đang quy hoạch giáp mé sông. Nhìn xa thấy thành phố và những bóng xe- bò trên cầu, nhỏ xíu như một bày kiến.
Em nằm kềnh trên đùi tôi. Ba cặp, ba kiểu, ập vào nhau. Hôn hít, bẹo má, cười ré lên... Rượu, cũng là whisky, tép dẹp, nhưng sản xuất trong nước, mùi cồn nồng nặc. Được cái rẻ tiền, lại nặng đô. Mỗi đứa một chai đủ tống thức ăn ra khỏi lỗ mũi. Hai chai thì vừa lả.
Em đột nhiên bật dậy:
- À, cái tranh anh vẽ xong chưa?
- Giao rồi.
- Chúng nó trả tiền chưa?
- Chưa thấy nói gì...
- F...!- Em văng tục, bằng tiếng Anh. Kề cái chai vào miệng tôi, mấy ngón tay em trắng xanh, thơm dìu dịu. Tôi cắn nhẹ vào ngón út. Em la lên:
- Khùng, chưa tới lúc đâu!
Cả bọn cười ha hả.
Đã thấy mấy ngôi sao trên đỉnh trời lồng lộng. T lên dây đàn. Pựt, đứt luôn dây một:
- Xui rồi!- Tiếng một đứa trong bọn.
- Kệ mẹ nó! Cùng lắm lát nữa một cặp ủi đầu xe tải... Là lá la...
- Giờ hát nhạc “sến” mới hay- Tiếng một đứa khác.
- “Sến” để đêm, lê về hông chợ mà nghe mới thấm. Mấy đêm mưa, tao thường ngồi đó, uống một mình. Nghe “sến”, thấm không chịu nổi!
T khơi mào một câu: Darling, darling, stand by me! Cả bọn gào toang lồng ngực. Một cặp ngồi ôm nhau trên yên xe gần đó, tuột xuống, đạp máy, bỏ đi.
- Biến! Biến hết!- Thằng K gào.
Gã thanh niên đột nhiên thắng xe, ngoảnh đầu lại. Sự việc có thể dẫn đến căng thẳng. Thằng K bật dậy:
- Mày dòm gì chớ hả?
Cả lũ ái ngại kéo thằng K ngồi xuống. Cặp kia bỏ đi.
Rượu gần hết vòng chai đầu. Em ghì lấy tôi, người cả hai nóng ran. Dưới ánh sao mờ, mắt em ướt kì lạ. Vầng trán cao, trắng lênh đênh. Môi hé, ướt, loang loang mùi rượu. Tôi ập xuống mặt em. Nuốt gọn cặp môi. Em ườn lên.
- Chưa đến lúc nghe!- Tiếng một đứa nhắc nhở.
Em ngồi dậy kéo lại áo.
- Làm nốt chai đi.
Vòng chai đầu tiên dốc ngược.
Bỗng có một tiếng roác của nhựa vỡ. Cốp của một chiếc xe trong nhóm vừa lãnh trọn một tảng đá to chừng nắm tay. Một nhóm người hằm hằm tiến lại. Trên tay mỗi kẻ một cây gậy. Tôi chỉ kịp ghì lấy em:
- Chạy! Chạy tụi bay!
Rượu đổ tung tóe. Những tảng đá bay bình bịch xung quanh. Tôi chìa lưng đỡ. Một tảng lao trúng bả vai, nhưng phút ấy tôi không còn biết đau là gì nữa. Cuộc chạy trốn đầy bất ngờ và nhục nhã. Tôi chỉ kịp thấy thằng K mặt lòe máu. Cặp T cũng rũ rượi. Những gương mặt méo xệch vì đau đớn. Bóng người, bước chân, hỗn loạn, lảo đảo. Cả bọn cúi rạp, vừa tránh đá, vừa đạp máy xe. May cho chúng tôi, nhóm người kia tấn công mở màn từ xa bằng đá. Một đống đá xây dựng đổ sẵn gần đấy. Nếu chúng “giáp lá cà” với những thanh gậy kia trên tay, không biết điều gì sẽ xảy ra.
Em ngồi sau lưng tôi, gào lên:
- Anh chảy máu rồi nè! Vô nhà thương mau!
Tôi ráng cắn răng:
- Không đến nỗi thế đâu. Anh chịu được. Coi tụi nó sao rồi?
Cả ba thằng con trai đầy mình máu me, thương tích. Hai cô gái còn lại cũng nghe đau nhức đâu đó, nhưng không biết vị trí cụ thể. Chỉ có em tương đối lành lặn. Lời đề nghị vào nhà thương bị cả đám bác bỏ. Chỉ còn địa điểm duy nhất là nhà thằng T. Nó mướn riêng một căn nhà làm chỗ trọ. Không thể ở được với ông bà già- Nó bảo vậy hôm chính thức dọn “ra riêng”. Từ đó, căn nhà thành địa điểm tá túc của bất cứ kẻ nào nhậu say, đêm không thể leo tường vào ký túc xá. Cả lũ bàn nhau kéo về đấy.
Thằng K, rũ rượi. Nó cảm thấy mình có lỗi vì chuyện vừa xảy ra. Chính gã thanh niên đã chở bồ về, kéo thêm đồng bọn quay lại, tập kích chúng tôi.
- Tao về ký túc!
- Giờ này sao vô?
- Leo tường. Tao xin lỗi tụi bay.
Không ai muốn níu nó nữa. Một chiếc xe tách đàn. Còn lại bốn đứa chơ vơ đứng giữa một ngã tư. Chẳng biết nơi ấy là đâu.
Đêm ấy em cởi giặt chiếc áo thấm máu của tôi. Một vết thương làm toạc da đầu. Em làm mọi việc lặng lẽ, rửa vết thương, thoa cồn lên chỗ rỉ máu. Xong đâu đó, em nằm áp tai lên lồng ngực còm cõi của tôi:
- Mình còn sống như vậy đến bao giờ nữa?
- Có thể khi ra trường mọi việc sẽ khác...
- Bao giờ ra? Em không nghĩ là mình qua được năm nay.
- Thì năm sau làm lại.
- Để kết cục là gì?
Tôi nghe vết thương nhức buốt. Đầu ong ong. Hình như sắc trời đã rạng. Cặp thằng T nằm kế bên, cuộn tròn nhau như hai cái xác bị ném chung một huyệt.
Ngồi dậy mồi một điếu thuốc, tôi chuyền nó qua môi em. Vài phút sau căn phòng đầy khói. Em cắn răng. Tôi không bao giờ tin là em có thể khóc. Phút ấy cũng vậy.
*
Mấy hôm sau thì nghe tin thằng K đã bị nhà trường đuổi học. Hôm ấy nó leo tường vào ký túc xá. Bảo vệ bắt được. Nó tấn công, khiến ông bảo vệ phải chui vào cố thủ trong chòi gác. Lên đến phòng, nó lôi chiếu và vạt giường ra hành lang đốt. Rồi cứ thế ngồi nhìn ngọn lửa, nó khóc. Không ai dám lại gần.
Thằng K mang rương hòm, quần áo đến trọ cùng thằng T. Hôm ấy tôi được trả tiền bức tranh. Thay mặt cả nhóm, thêm mấy đứa nữa, tôi “làm lễ” cho thằng K về phòng thằng T ở. Học đến ba giờ chiều, từng đứa theo cửa sau rút khỏi giảng đường. Tôi là đứa duy nhất học trên một lớp. Đã qua giai đoạn một. Nghĩa là có thể tự do nghỉ học bất cứ lúc nào. Và nghỉ học nghiễm nhiên là tự do hơn. Người ta luôn chọn tự do.
Chiều ngả. Cả lũ kéo nhau lên sân thượng. Nền xi măng còn hập nóng. Em ngồi cạnh tôi, má ửng lên vì sức nóng ấy. Trời mang em cho tôi. Cô gái làm choáng váng đám sinh viên năm hai là chúng tôi khi đó. Khai giảng, em vào trường bằng xe gắn máy đời mới. Hai vai để trần. Chân dài bất tận.
Học được vài tháng. Tôi lãnh một giải thưởng sáng tác sinh viên, do hãng nước ngoài tổ chức. Buổi triển lãm báo cáo, em lại, làm quen. Đêm ấy tiệc tàn, tiệc từ tiền vừa lãnh giải, tôi ôm em và ọe vào cặp đùi trắng ngần ấy toàn bộ số bia cùng thức ăn bị chuốc hồi chiều. Em đè tôi ra cạo gió. Cái muỗng đầy ghét trộn cùng mồ hôi, em quẳng lại bên giường, trở thành chứng tích cho ngày đầu tiên em là của tôi- chí ít là cho đến phút này. Tôi nghe loáng thoáng đâu đó bảo, cặp chúng tôi trai tài- gái sắc.
- Đừng buồn mày!- Tôi vịn vai thằng K.
Nó cười ha hả:
- Buồn là cái con chuồn chuồn, khi... ăn nó đậu, khi... lên giường nó bay!
- Vậy mày bắt đầu như thế nào từ ngày mai?
- Chẳng thế nào cả. Mày đem cái ngày mai của mày đặt trước mặt tao coi. Ừ ề ề ề...
Thằng T ôm đàn:
- Mười hai thằng trên hòm người chết. Í a ì a be rượu rum say bét say be. Biết bài này đâu ra không? Trong “Đảo giấu vàng” của Stevenson. Tao đọc từ nhỏ, chẳng nhớ nhiều. Duy có câu hát này, không hiểu sao bữa nay còn thuộc!
- Nào vô, mừng bài hát hai chục năm còn thuộc!
Đồ uống chính là bia. Thêm số rượu thằng T luôn trữ sẵn trong phòng. Uống trộn. Cả lũ mau chóng mềm ra.
- Làm gì với những ngày tới tụi bay?- Một ý kiến có thể coi như lời đề nghị.
- Mình thi hết tất cả các môn chưa nhỉ?
- Rồi. Sao nghe trống rỗng quá!
- Giá có tiền vù đi đâu một chuyến.
Em ngước mắt nhìn tôi:
- Lâu lắm rồi em chưa ra biển.
Tôi hơi cúi đầu. Em lùa tay vào đám tóc trên trán tôi, đẩy ngược nó lên:
- Nhưng chẳng sao đâu...
- Sao là sao em?
- Biển ấy. Nói thì nói vậy...
Em biết, những đồng tiền cuối cùng của tôi đã ném hết vào chiếu nhậu này. Luôn luôn là như vậy. Nhưng em vui lòng cuốn theo nó. Chủ động cuốn theo nó. Trời sinh em nhan sắc mà cá tính làm chi? Cá tính luôn làm người ta khổ. Nhất là với phụ nữ.
Thằng K vịn vách đứng lên:
- Tụi bay chờ tao!
- Thêm bia hả! Hay đấy!
Thằng T móc túi:
- Mày làm gì còn đồng nào. Lấy đây nè!
- Đừng khinh tao chớ.
Thằng K đi. Nó đi rất lâu. Cả lũ ngồi ngáp dài bên đống ngổn ngang. Có đứa bàn chuyện đi kiếm. Đã quá mười một giờ khuya. Nó lại say. Tâm trạng đang lúc thiếu ổn định. Nhưng biết tìm nó ở đâu giữa thành phố rộng lớn này? Rõ ràng không phải nó đã đi mua bia, để có thể ghé tìm nơi mấy quán nhậu gần đó.
Đang lúc ấy thì thằng K về. Nó đã tỉnh hẳn:
- Đi tụi bay! Lên đường!
- Đi đâu chớ hả?
- Ra biển. Có điều tình hình này một xe phải tống ba.
- Đủ xe mà.
Thằng K lắc đầu:
- Xe tao cho đi rồi!
Cô bạn gái thằng K hơi nhỏm dậy:
- Trời đất!
- Trời nằm đây nè- Thằng K chỉ ngực- Rồi anh sẽ mua lại!
Cả đám bốc mình bật dậy:
- Lên đường! Lên đường!
Duy nhất bạn gái thằng K không hưởng ứng. Cô quơ cái giỏ, rung vai bước ra thềm nhà. Thằng K chặn cả đám lại:
- Không tiễn khách!
Em trừng mắt:
- Ông đừng làm vậy!
Thằng K ngửa cổ, giang tay:
- Em cứ việc về, cô cứ việc đi! Tôi tay trắng! Ta trắng tay! Ta tay trắng ta giữ làm gì em?
Bóng cô gái lao vụt vào màn đêm. Không ai ngăn kịp.
*
Tôi không nhớ là chúng tôi đã ra đến biển như thế nào. Tất cả trôi qua loang loáng. Nhận phòng xong thì trời mờ sáng. Ba phòng. Nhưng tất cả nhập chung vào một. Chia cặp, ghì nhau ngủ cho đến tận trưa hôm sau.
Em dậy trước. Tôi biết em ngồi cạnh, nhìn vào gương mặt say ngủ của tôi. Kì thực tôi đã thức, chỉ khép mắt, nằm nghe cái lênh đênh, êm đềm, dịu nhẹ. Bất ngờ tôi chồm dậy, áp cả cái miệng hôi gắt vào miệng em. Vít tay quanh eo, tôi đè nghiến em sang bên cạnh. Cả lũ đã dậy ngồi gần đó vỗ tay ầm ầm. Đứa thức gào đứa ngủ:
- Dậy coi phim, dậy coi phim tụi bay.
Em cười ngặt. Mấy sợi tóc vương bết quanh gò má. Bầu ngực đội lên qua khe áo hở. Tôi đặt nhẹ một cái hôn vào đấy rồi ngồi dậy:
- Thôi đi kiếm cái gì ăn. Còn ra biển tắm.
Biển ngay trước cửa phòng. Đêm qua sóng đã vỗ đầy giấc ngủ. Rửa mặt xong, cả lũ ra hiên đứng. Đã thấy bóng thằng K ngồi một mình trên tảng đá nơi bờ sóng. Tôi hiểu nó buồn. Ai mà không buồn trong hoàn cảnh ấy. Nhưng với nó, hay với cả bọn chúng tôi, nỗi buồn chỉ là một con sóng trỗi lên trên mặt u uất trải dài. Đôi khi buồn được còn là sung sướng. Kinh khủng hơn nỗi buồn là sự trống rỗng. Chán chường vô căn cứ. Không vùi vào rượu được. Không gào thét lên được. Không điên loạn được...
- Hú ê ê. Đi kiếm cái gì ăn sáng.
Thằng K quay mặt lại. Một bên trán vẫn sưng lên sau đêm hoảng loạn hôm nào. Nó đột nhiên cười. Cái cười khi gương mặt chẳng còn biết chọn một sắc thái biểu cảm nào khác ngoài cười.
Bữa sáng, khi đã quá trưa, làm chúng tôi hồi lại một chút sức lực. Chiều cả lũ đi lòng vòng. Thằng T rủ vào xem chơi một làng cá nằm gần bãi du lịch.
Bước chân qua cổng làng đã là một thế giới khác. Hình ảnh, mùi, âm thanh đều quá ư xa lạ. Triều đang dềnh. Nước cuốn sâu vào một con lạch nhỏ. Mùi bùn biển thốc lên khăn khẳn. Một người đàn ông đang quăng chài trong con lạch. Tấm lưng gồ ghề như một tảng khô cá đuối. Bất chợt người đàn ông chững lại. Khi ông ta nhấc chân lên, nguyên một cây đinh thuyền đã xuyên từ lòng bàn chân, thò lên đến tận mu.
Em ôm mặt ối lên một tiếng. Người đàn ông cười. Hình như chửi một câu gì đó. Ông ta rút cây đinh, ném vèo lên bờ cát, nơi có một thằng nhỏ đang đứng. Thằng nhỏ lượm cây đinh. Nó đã có một món đồ chơi mới. Người đàn ông thả chân xuống nước, tiếp tục công việc.
Em kéo tay tôi:
- Về anh! Khủng khiếp quá!
- Có gì đâu. Em không thấy ông ta vẫn bình thản như không à?
- Em có cảm giác ông ấy không phải là... người nữa!
- Mà chắc chắn cũng chẳng phải là thánh.
Cả đám lục tục kéo về. Cây đinh thuyền đã xuyên vào tâm trí chúng tôi. Nhưng với người đàn ông, nó là một cái gai nhỏ. Và với con ông ta, thế đấy, đó là một món đồ chơi.
Em không xuống biển, ngồi trên bờ cát, nhìn chúng tôi giỡn sóng. Hình như em chưa gỡ được cây đinh ra khỏi đầu mình. Nó đã gợi lên một điều gì đó trong vô thức em chăng? Yêu em chừng ấy tháng ngày, tôi chưa bao giờ có ý định bước sâu hơn vào tâm trí em. Hợp ý thích, chơi chung, nhậu say khướt, làm tình... chúng tôi chỉ là của nhau đến thế. Muốn một điều gì đó khác đi, tôi e rằng sẽ làm tuột mất những gì đang có. Chỉ có thực tại, khoảnh khắc này là bắt buộc phải mang một ý nghĩa nào đó. Hôm qua, ngày mai, chẳng là gì cả.
Tôi lên bờ. Thân hình lướt thướt. Ngồi ốp sau lưng, tôi ôm em. Để mặc dòng nước thấm qua lần áo em đang mặc. Hai ánh mắt nhìn ra biển. Một dải mờ xám. Chiều ấy không có nắng. Tôi hơi lạnh. Em mân mê cùi chỏ tôi. Nó nhọn hoắt. Tôi cao mét sáu bảy, nghĩa là thấp hơn em gần một tấc, thời điểm ấy chỉ còn nặng xấp xỉ bốn mươi kí lô. Một cơn sóng đánh vào có thể cuốn theo cả những chiếc xương sườn của tôi ra biển.
Đêm ấy có đồ nhậu là cua và mực nướng. Chẳng biết thằng K đã cầm hay bán đứt chiếc xe, nhưng nó bảo, cứ vô tư vụ tiền bạc, hãy biết lúc này cái đã. Bia đựng trong can. Cả đám khệ nệ khiêng ra bờ cát. Biển ì ầm một âm bất tận. Nếu chỉ có lúc này, và chỉ lúc này thôi, cuộc sống sao mà đáng sống. Chí ít là tôi đã từng có lúc yêu đời.
Nhậu vài vòng, thằng K gợi ý đốt một đống lửa. Hình như thằng này mê lửa. Cái đêm cuối cùng ở ký túc, nó đã chẳng đem cả giường nằm ra làm mồi lửa đó thôi.
- Ý kiến hay nhất trong ngày!- Cả bọn đồng thanh ré.
Chúng tôi đi dọc bờ cát, tìm những cành củi bị sóng ném dạt vào bờ. Thanh ướt kèm lẫn thanh khô, cũng đủ một đống lớn.
Ngọn lửa vừa được dựng lên, soi tỏ mấy gương mặt phừng phừng thì có ánh đèn pin lia lại:
- Tắt ngay! Dập lửa đi ngay!
- Chuyện gì nữa đây?- Thằng K điên tiết.
Một ông già mặc đồ bảo vệ, tay cầm đèn pin, tay cầm cây gậy chạy lại:
- Mấy đứa bay làm gì vậy hả?
- Ông không thấy sao? Tụi tui nhậu, đốt lửa ngó chơi!
Ông già cầm ngang cây gậy trên tay, không hề nao núng:
- Mấy cô cậu rảnh quá ra đây mà quậy. Có biết ghe thuyền ngoài kia, tưởng đốt lửa báo bão, sẽ kéo hết vào bờ không? Mấy cô cậu ăn rồi rửng mỡ. Còn người ta khổ.
Tôi đứng dậy xin lỗi ông già. Đống lửa bị dập tắt. Khi ông già đi rồi, cả lũ ngồi im, chẳng ai khơi lại tiếng nào. Cuộc nhậu vì thế sớm tàn. Mấy cô gái ngáp, tỏ vẻ mệt mỏi, bảo về phòng ngủ sớm.
Tôi kéo tay em ngồi lại. Biển đêm đen tuyền, huyền bí. Sóng liếm vào tận chỗ chúng tôi ngồi. Nếu là một con sóng lớn, như sóng thần chẳng hạn, hai đứa sẽ như hai hòn cuội, biến hẳn vào trùng khơi, chẳng để lại một dấu tích nào.
Tôi ngả mình em trên cát ướt. Lặng lẽ tìm đôi môi. Một con sóng ập vào. Tóc em dạt quanh vành tai. Cả hai ướt sũng. Chúng tôi cuộn tròn, lăn trên bờ sóng. Quần áo nổi dập dềnh. Cát lạo xạo trong những nụ hôn dài đến ngợp thở. Ngực em thơm mùi biển. Mặt em ướt nhòe. Em đừng bảo với tôi là em đang khóc phải không?
Biển sâu vào đêm. Vẫn gầm gừ bất tận. Hai đứa nằm song song. Không một mảnh áo quần. Những cái run rẩy đã tan theo vào sóng. Sóng vỗ man man dưới bụng chân trần. Chúng tôi đã trở thành hai sinh vật máu lạnh, có thân nhiệt thay đổi theo môi trường.
- Ngày mai chúng ta chưa về phải không em?
- Anh đừng nói nữa được không?
- Sao lại vậy?
- Anh cũng đừng hỏi nữa.
Tôi im lặng. Lăn lăn mấy ngón tay em. Bầu trời không một đốm sao. Ánh sáng từ thành phố hắt lên quầng mây nặng. Đủ để tôi thấy mắt em đầy nước, khi nghiêng mình nhìn xuống. Nhưng tôi không hỏi nữa. Đã quá nhiều câu hỏi rồi. Nhưng có bao giờ chúng tôi trả lời được bất kì câu nào trong số ấy đâu? Giá mà chúng chỉ là những câu hỏi giản đơn, cơm bao nhiêu một dĩa, xăng phải đổ mấy ngàn. Chúng tôi cứ húc đầu vào những câu hỏi mà biết chắc, chẳng bao giờ giải được. Âëy thế nhưng chúng lại là những câu hỏi hết sức vớ vẩn, vớ vẩn đến độ bất kì ai cũng phải bịt mũi, cười ngất khi bất ngờ nghe thấy.
Mờ sáng hôm sau. Em đập nhẹ lưng tôi:
- Mình phải về anh ạ.
Tôi mở mắt. Mất vài giây để xác định lại không- thời gian. Một điều gì thật đẹp đã không còn.
- Tại sao? Tại sao ta phải về cơ chứ?
- Anh lại hỏi nữa rồi...
Em vào buồng tắm. Tôi nằm nghe tiếng nước, đốt thuốc, đầu váng vất. Em bước ra, đặt nhẹ một nụ hôn lên môi tôi. Tôi nghe mắt mình ứa nước. Biết đâu, ngay cả nụ hôn này cũng sẽ là nụ hôn cuối cùng mà em dành nó cho tôi...
*
Một tuần trôi qua, em không lên lớp. Tôi điện thoại đến nhà, chỉ nghe chuông đổ những hồi dài. Đôi khi là giọng một người đàn bà bắt máy, tôi nghĩ đó là mẹ em:
- Nó đi chơi rồi.
Tôi chưa một lần đến nhà em, đó là sự thực. Hình như có lúc nào đó tôi đã đề nghị, em chỉ khẽ lắc đầu: Anh không cần phải đến. Tôi đồng tình, cho đó là một ý hay. Và cũng chỉ nghe loáng thoáng bạn bè bảo nhà em ở khu vực đó. Em nhất định không dùng điện thoại di động. Chỉ thế thôi, rất đơn giản, tưởng như cực kì vô lí mà lại chẳng có gì vô lí, em không còn trên cõi đời này nữa, đối với riêng tôi.
Mùa hè trôi qua với những cơn mưa dài vật vã. Đột nhiên thằng T thốc tháo chạy tới tìm tôi. Nó đưa một tờ báo. Em choán cả trang bìa, mắt tô quầng tím đẫm, môi trề ra nũng nịu, óng nhẫy màu son. Tôi đã từng nuốt gọn đôi môi này trong cái miệng đầy mùi bia hôi hám của mình ư?
Một chiến dịch săn tìm em được bè bạn hoạch định. Tôi lắc đầu:
- Tất cả qua rồi! Tụi mày chẳng việc gì phải cố gắng nữa!
- Nhưng hai đứa bay yêu nhau đã bao năm. Chấm dứt đơn giản vậy sao?
- Vậy chứ tụi bay muốn gì nữa? Một cái kết thật đẹp ư? Hay ngược lại, phải bi hơn nữa? Tao không muốn tất cả trở thành một câu chuyện nặng mùi “sến”! Mà thế nào là đẹp? Thế nào là bi? Thế nào là “sến”?
Rượu vẫn được mua về. Căn nhà thằng T thuê sau chừng đó tháng ngày đã bốc lên một mùi tanh tưởi. Những bữa nhậu không hề được dọn dẹp. Những bãi nôn mửa chỉ được cào vét qua loa. Chúng tôi vùi mình nằm trong mớ rác rưởi đang từng ngày chuyển hóa, cùng thể xác mỗi đứa, cùng linh hồn mỗi đứa.
Lại một chiều chủ nhật, tôi bị dựng dậy bất ngờ. Thằng T thò mặt lên giường tầng chỗ tôi nằm:
- Mày lên tao, lên gấp, có độ đặc biệt!
- Mẹ kiếp, còn cái gì đặc biệt trên cõi đời này ư?
Thằng T chở tôi sau chiếc xe, khói tỏa ra xung quanh như một cái “làng nướng”.
- Em mày vừa gọi cho tao!
Tin ấy đối với tôi chẳng còn mới nữa, nhưng vẫn đủ nhói lên trong lòng bởi một thứ bản năng khó triệt tiêu.
- Thì sao?
- Tao nói mày đừng buồn. Chuyện của mày đã đi theo một “mô típ” rất “sến”.
- Nghĩa là cô ấy bỏ tao, theo một gã nhà giàu, đầu hói, đít sệ, bụng bập bềnh, đã có vợ già cú đế và bầy con thua cả tuổi cô ấy...
Thằng T úp mở:
- Có lẽ như vậy đấy.
Em ngồi trên nền phòng. Đôi chân “dài bất tận” quặp chéo về một bên vì cái váy quá bó và ngắn. Tôi chủ động đưa tay khi bước vào:
- Chào em. Hồi này em khỏe không?
- Cảm ơn anh. Em khỏe!- Em siết tay tôi, lắc lắc vài cái.
Hình như thằng K đang nghiến răng để kềm một cú đấm vào mặt em. Tôi bấm nhẹ tay nó.
- Em không mang thiệp cưới đến mời tụi anh đấy chứ?- Nói xong câu ấy, tự nhiên tôi thấy mình có vẻ trẻ con, tuy chỉ là nói đùa, cho mọi thứ nhẹ đi.
Em phá lên cười:
- Em bồ một gã đầu hói, có con vợ ghen và dữ như chằn. Ngủ với nhau còn bị nó kéo tới uýnh ghen. Lấy gì dám làm đám cưới!
- Sao hôm nay em ghé được đây?
- Em ghé, vì... chẳng còn nhớ ai nữa cả!- Câu nói tưng tửng, nhưng lại lộ rõ sự yếu đuối của em.
- Ông ấy làm nghề gì?
- Nhiếp ảnh. Chính gã chụp hình em, đưa lên bìa báo đó!- Em nói tên gã nhiếp ảnh gia. Tôi có nghe loáng thoáng cái tên này trên báo.
Em nhấp một ngụm bia, nhìn thẳng mọi người:
- Nói thì nói vậy, bữa nay em ghé đây là để xin lỗi mọi người! Xin lỗi anh yêu một thời của em- Em nhìn tôi, đá lông nheo một cái- Nhưng em không thể nào sống thêm như những ngày qua được nữa!
Cả bọn lặng yên. Có lẽ là điếng đi với lối nói thẳng thừng, như xưa giờ của em. Em đã chọn cách chơi bài ngửa để kết thúc một vấn đề, mà với nhiều người là không thể tìm ra giải pháp kết thúc. Em nâng ly bia:
- Nào mọi người, vô với tôi nốt ly cuối cùng này. Các bạn có thể năm mươi, riêng anh hãy trăm phần trăm cùng em nhé!
Tôi cạn. Em cạn. Em vín cạnh bàn ráng đứng dậy. Cái váy quá bó khiến em nghiêng ngả, không giữ được thăng bằng.
- Cho tôi đỡ em lần chót- Tôi chìa tay, em nắm tay tôi. Vẫn những ngón trắng xanh. Giờ mười móng để dài, sơn nhiều màu vui mắt.
Em một mình ra cửa. Đôi giày cao né những vũng bùn, mưa tháng mười một. Tôi tự dưng ứa nước mắt. Không hẳn vì em. Chẳng qua tôi chợt nhớ một ca khúc của Guns and Roses, những giai điệu của một thời mê mệt: November rain. Hốt nhiên, tôi thoáng rùng mình... Bữa nhậu kéo dài cho đến khuya. Không ai nhắc về em nữa. Có lẽ vì tôi.
*
Em nằm trong quan tài. Có một ô kính nhỏ phía trên cho mọi người nhìn mặt, chào em lần cuối. Hình như đã có sự bàn cãi trong gia đình về chi tiết này, nhưng em chết quá đột ngột, nhiều thân nhân ở xa chưa về kịp, đành để vậy, cho họ thấy mặt em.
Tôi nhìn lại một phần đời xa lắc. Đôi môi ấy, đôi môi trề ra nũng nịu, óng nhẫy màu son trên trang bìa tạp chí. Đôi môi tôi đã bứt ra khỏi miệng em không biết bao lần trong những đêm dài say mề mệt. Đôi môi ấy giờ giập nát, há ra, lộ rõ những chiếc răng không còn đầy đủ. Máu dường như vẫn ứa trên từng kẽ răng còn lại...
Em rơi xuống từ cửa sổ tầng ba một khách sạn. Cảnh sát điều tra chưa thể kết luận đó là một vụ tự tử, đánh ghen, hay “sát nhân diệt khẩu”... Trừ đi số năm tử năm sinh trên mảnh giấy báo tang, năm ấy em vừa 21.
Chúng tôi chia nhau ngồi suốt ba đêm ở nhà tang lễ. Em không chết ở nhà, nên vì một phong tục nào đó, cũng không được phép mang về nhà làm đám. Mưa tháng mười một kéo dài, ba ngày không có nổi một vạt nắng loe hoe. Nghe mưa vỡ bên hành lang bệnh viện, tôi nhớ tiếng guitar giật từng cơn trên nền giàn dây vật vã, trong đoạn cuối bài hát November rain. Có một sợi dây tiên cảm nào đó giữa hôm nay và bài hát xa xưa ấy. Tôi không nhớ ca từ cụ thể vì không nghe được lời bài hát, dù rất thích giai điệu, cách hòa âm của nó, chỉ đọng lại trong ký ức đoạn video clip, cô dâu chết giữa đám cưới trong nhà thờ, một bó hoa rụng xuống, gương mặt thanh tân trong chiếc quan tài... Chỉ khác rằng, em chưa thành cô dâu, em chưa hề đám cưới, gương mặt em cũng chẳng còn lành lặn...
*
Chỉ còn năm cuối của chương trình 5 năm đại học. Tôi hay cùng thằng bạn lên chùa. Nhiều lúc đi một mình, tay kẹp theo cuốn sách. Đám bạn xưa giờ tan tác cả, sau cái chết của em. Những u uất không còn được hòa thanh, tan ra thành từng con sóng nhỏ rồi chìm khuất giữa dòng trôi vội vã.
Câu chuyện này, tôi đã muốn quên đi, hay chí ít cũng đã từng tỏ ra như vậy. Bởi nó là một kịch bản tồi, hình thức cũ kĩ, nội dung quá u sầu, tiêu cực- dưới cái nhìn của những nhà giáo dục. Cái chết của em, những người lên án thì vẫn hoài lên án, những người thấu hiểu cũng không còn đủ ẩn ức, để đứng ra gào lên những đồng cảm của mình. Nhưng trong số sách từng kẹp nách lên chùa, tôi đã gặp nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Kí ức tôi lật vỉa. Tôi có riêng một câu chuyện của mình. Mượn cách ông, tôi đặt cho nó cái tên, cũng theo tựa đề một bài hát. Và bài hát ấy cũng là kỉ niệm của riêng tôi- Mưa tháng mười một.
Sg 7.2006
N.D.L