Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Tác giả ĐẠI GIA từng được nhạc sĩ Văn Cao khen là thằng bé có tuệ căn (bài trên CAND)

Lời dẫn: Thiên Sơn vốn bắt đầu công việc viết lách là bằng những bài thơ học trò. Anh cũng say mê với bình thơ. Chẳng hạn, gần đây, anh có viết về thơ của Văn Cao.

Văn Cao là họa sĩ vẽ bìa cho tác phẩm Búp sen xanh của Sơn Tùng - ở lần in đầu tiên. Ở khoảng những năm tháng đó, Văn Cao cũng đã khen Thiên Sơn là thằng bé có tuệ căn. Chi tiết này, tôi chưa từng nghe trực tiếp bao giờ, gần đây mới thấy trong một bài về Thiên Sơn trên CAND (từ đây trở xuống).


3:40, 26/08/2013

Thiên Sơn là nhà văn thuộc thế hệ 7X. Nhưng anh già hơn tuổi từ trong đời thường đến trang viết. Anh rất chán khi ai đó cầm bút lại quan niệm văn chương là cuộc chơi. Đối với anh, văn chương là máu, là khổ công lao động, là không ngừng đọc, không ngừng suy ngẫm. Người cầm bút nếu đã chọn con đường văn chương để đi, là phải xác định sống cùng những nghiệt ngã. Vì không sự dấn thân nào mà không phải trả giá.



Thiên Sơn có người bác họ là nhà văn Sơn Tùng. Suốt thời thơ bé và cả những năm tuổi trẻ, đối với anh, bác Tùng như một người thầy, một người bạn. Bác Tùng cũng là người gieo vào anh những trìu mến đầu tiên dành cho công việc sáng tác. “Bác Sơn Tùng đối với tôi là một người rất quan trọng. Bác lịch lãm, nhân hậu và sinh động. Bác thường nói văn là đạo. Người viết văn phải lo thành nhân trước khi thành tác giả. Và việc viết, nó giống như việc hành đạo vậy. Luôn luôn phải vì con người. Tôi đã nghe những lời bác Sơn Tùng nói và đã chứng kiến bác ứng xử với cuộc đời, tôi rất nể phục. Những người đến với bác, dù là người quyền cao chức trọng, hay một bạn đọc bình thường bác đều xem như bạn quý. Và luôn luôn được đối thoại bình đẳng với bác. Sau này khi bác ốm và mệt, tôi có cảm giác như cả nền văn chương không còn có người để mình đối thoại nữa. Ở nơi nào tôi cũng gặp những người cầm bút vướng vào quá nhiều thứ như tiền bạc và quyền lực. Họ không nhìn bạn viết, nhất là những người trẻ tuổi hơn họ, bằng cặp mắt bình đẳng”.

Từ khi bắt đầu cầm bút tới nay, Thiên Sơn đã xuất bản gần chục đầu sách, trong đó có thơ, truyện ngắn, và phần lớn là tiểu thuyết. Một gia tài văn chương không hề nhỏ, dù cho tên tuổi của anh không phải thuộc diện hot trên các diễn đàn của người cầm bút. Thiên Sơn sống có phần khép kín, đôi khi là già hơn tuổi, rất ít tuyên ngôn, chỉ cặm cụi với công việc của mình.

Anh cũng quan niệm rất rõ, người cầm bút phải có ý thức đi vào những vấn đề trung tâm của đời sống, và quan tâm đến số phận con người. Từng trang viết phải bắt đầu từ tấm lòng, từ thái độ sống tích cực của nhà văn. Những sáng tạo, tìm tòi sẽ chẳng đi đến đâu nếu không vì mục đích nâng đỡ đời sống con người, giải quyết những vấn đề mà con người đang gặp phải.




Con người đang mất nhau - đó là cảm nhận của tôi khi đọc phần lớn những trang viết của Thiên Sơn. Năm 2010, Thiên Sơn dành giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam với cuốn sách Dòng sông chết. Tôi bị ám ảnh bởi số phận con người trong tác phẩm, những người đang quẫy đạp tìm kiếm đổi thay trong thế giới đã bị hoang tàn, biến đổi. Cuốn sách không viết cho số đông bạn đọc hiếu kỳ, mà viết cho những ai thực sự quan tâm đến những giá trị đẹp trong đời sống đang dần mất đi, muốn cứu chuộc lại những gì đã trở thành tàn tro, chỉ còn hắt bóng trong hiện tại.

Văn của Thiên Sơn có thiên hướng buồn. Lý giải điều này anh chia sẻ, đó chính là dấu ấn vương trong tâm hồn anh từ thủa ấu thơ. Sinh ra ở vùng quê xứ Nghệ, những năm đất nước còn chiến tranh. Ký ức tuổi thơ của Thiên Sơn là nước mắt, là khăn tang trong những ngày người ta làm lễ truy điệu cho người đã chết trong chiến trận.

Cả làng quê anh ở vùng Diễn Châu, đi đâu cũng gặp hình ảnh ấy. Mùa bão gió ở vùng quê ven biển, nghe sóng gào dữ dội ngoài khơi xa. Sau một đêm bão lớn, rất nhiều xác người chết từ đâu trôi dạt vào phía cửa biển của làng. Rồi cha mẹ anh phải xa nhau mỗi người một ngả. Anh theo cha vào Đồng Nai, đi xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước. Bóng mẹ khuất dần sau chất ngất đồ đạc trên chuyến tàu chật chội. Nhớ mẹ, chỉ biết khóc, nhìn về phía chân trời. An ủi cậu bé con Thiên Sơn khi đó chỉ là chiếc radio nhỏ xíu, với những câu chuyện được kể qua giọng của người phát thanh viên. Những cuốn sách văn học cũ nát, đã được cậu đọc đi đọc lại nhiều lần. Những câu thơ như ám vào đời Thiên Sơn một nỗi buồn: “Biển không khóc mà mênh mông đầy nước/ Mặt biển gầy thương đau”. Nhạc sĩ Văn Cao sinh thời đã từng đọc những câu thơ này của chú bé con hay theo chân bác Sơn Tùng đến chơi với nhạc sĩ. Văn Cao nhận xét: “Thằng bé này có tuệ căn, nó già hơn tuổi”.

“Thằng bé có tuệ căn” khởi đầu là người làm thơ. Nhưng những tập thơ trong trẻo đầu tiên của Thiên Sơn ra đời đúng vào thời điểm thơ ca đang bị bạn đọc xa rời. Anh học chuyên ngành lý luận phê bình văn học, rồi học luật, rồi chuyển sang viết văn xuôi. Vì anh nhận ra rằng, chỉ có văn xuôi mới bao chứa hết những gì mình nung nấu. Tập truyện Người bên lề của Thiên Sơn được tái bản nhiều lần, và được những người trong nghề đánh giá cao.

Ở đó, Thiên Sơn chỉ quan tâm đến số phận của những người “bên lề” cuộc sống. Anh kể chuyện từ những người chưa có tâm lý, như người đàn bà đẹp bị điên, những đứa trẻ mất mẹ lang thang cơ nhỡ trong cuộc đời, bị hắt hủi, xa lánh, chỉ còn biết chơi với bầy chó, đến những cô gái điếm, những tên trộm, và cả những nhà hiền triết bị xã hội bỏ rơi…

Mỗi số phận, mỗi cuộc đời đều gợi cho người đọc rất nhiều suy nghĩ về đời sống mình đang trải qua mỗi ngày. Ánh sáng của cái gọi là văn minh, tiến bộ, giống như chiếc đèn pha rọi vào con đường. Vệt sáng đó soi được vào trung tâm con đường, thì cũng có nghĩa là nó để lại hai bên lề đường rất nhiều bóng tối, cùng với rất nhiều phận người lẩn khuất trong bóng tối ấy. Và Thiên Sơn viết về những mảnh đời khuất lấp ấy, với nỗi niềm xót xa, chát đắng, với mong muốn tìm cho họ chút ánh sáng của tình người.

Nhưng truyện ngắn với Thiên Sơn vẫn là chưa đủ. Anh mê những thứ dài hơi như tiểu thuyết. Anh nghiên cứu cấu trúc tiểu thuyết, phương pháp viết, và đặc biệt là trang bị kiến thức cuộc sống để sẵn sàng cho những cuộc leo núi hiểm nguy. Mỗi cuốn tiểu thuyết lấy của Thiên Sơn rất nhiều tâm sức. Sau Dòng sông chết gây được tiếng vang, Thiên Sơn bỏ ra năm 5 trời cho một bộ sách về đề tài mà bấy lâu anh ấp ủ. Đó là những bi kịch đời sống bắt nguồn từ dục vọng, lòng tham, sự khát thèm địa vị. Những cuộc đổi chác giữa đại gia và chân dài, giữa tiền bạc và quyền lực đang diễn ra đầy rẫy trong xã hội.

Thiên Sơn chia sẻ: “Bối cảnh chính của cuốn sách là cuộc đại khủng hoảng kinh tế và lạm phát trong nước. Có những kẻ siêu giàu trong và ngoài nước móc nối với một số kẻ cầm quyền tha hóa để tư lợi trên những dự án béo bở. Tôi chủ trương xây dựng nhân vật điển hình về tầng lớp thương gia mới trong xã hội. Cảnh báo về sự vô luân, về sự lũng đoạn quyền lực, về con đường tăm tối của những kẻ chỉ vì lợi nhuận mà hủy hoại mạng sống và nhân cách con người. Một sự cảnh báo lớn từ góc độ kinh tế, để nói về nhân cách và những dấu hiệu hiểm nghèo của một thực tại đầy bừa bộn và những luồng chuyển động cuộn xoáy”.

Để hoàn thành bộ tiểu thuyết, Thiên Sơn đã đọc và nghiên cứu hàng ngàn trang tư liệu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chính trị, xã hội đến kinh tế, đến pháp luật và tâm lý con người. Thiên Sơn tự tin rằng, bạn đọc có thể nói cuốn sách anh viết chưa hay, nhưng không thể bắt lỗi anh về mặt kiến thức, vốn là cái nền để kiến tạo nên một bộ tiểu thuyết với tuyến tính thời gian cũng như nhân vật rất phức tạp, đa chiều.

Lại nói về kiến thức, hay còn gọi là vốn sống, sự trải nghiệm. Người ta thường hay phàn nàn rằng những người viết trẻ hôm nay ít chịu đọc, nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống. Họ có chút vốn liếng bản năng và cứ gặm mãi vào cái bản năng ấy. Nên họ không thể viết dài hơi, không đi xa được. Những điều họ viết cũng chỉ loanh quanh những câu chuyện cá nhân mình, những vấn đề nhỏ, vụn vặt. Nhưng Thiên Sơn thì không nằm trong số các nhà văn trẻ ấy. Anh xác định mình sẽ đi con đường của người cầm bút, suốt đời. Và có ý thức chuẩn bị hành trang cho cuộc đi dằng dặc ấy…

Có không ít người đến với văn chương chỉ là một cuộc đi dạo, nếm trải rồi có thể bỏ đấy đi làm việc khác. Thiên Sơn không chấp nhận cách nghĩ này. Anh chán cảnh mỹ miều áo sống, lấy văn chương làm son phấn, trang sức cho cuộc đời, để đạt được những mục tiêu khác, như quyền lợi, địa vị. Đối với anh, con đường của người viết là con đường quyết liệt nhất, không thể có sự nửa vời. Đó là con đường một khi ta đã chọn đi là phải bầm gan tím ruột, phải chấp nhận mọi khổ sở, hệ lụy. Nhà văn phải nhìn thấy những thứ chìm khuất trong ký ức cộng đồng, lưu giữ những vẻ đẹp thuộc về đời sống tinh thần của dân tộc, hiểu thấu cả những thô bạo, ngổn ngang của đời sống đang bày ra, cũng như những tầng ngầm sâu bên dưới cái hiện thực ấy. Phải nhận lấy sứ mệnh của người thắp lên một ngọn đuốc, cứu chuộc lại lòng tin đã mất, tìm lại những gì đẹp đẽ đã bị phôi phai.

Sách của Thiên Sơn thường không dễ đọc. Anh cũng chưa khi nào là tác giả ăn khách. Những vấn đề anh đặt ra trên trang viết chỉ hấp dẫn những ai thực sự quan tâm đến vấn đề cốt lõi của đời sống, như mất niềm tin, băng hoại đạo đức, sự thờ ơ vô cảm giữa con người với con người. Đó không phải là những câu chuyện mang đến sự hiếu kỳ hay phục vụ thị hiếu nhất thời cho một số đông độc giả nào đấy. Và nó không hướng vào mục tiêu giải trí.

Nên đọc anh dễ mệt, thậm chí dễ nản nếu không có một lượng kiến thức đủ giàu có để hiểu về vấn đề anh đề cập. Dự định sắp tới của Thiên Sơn, là sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về nạn đói 1945. Anh cho rằng, đất nước càng giàu, càng văn minh, chúng ta càng không được phép quên những ngày tháng như vậy. Rất nhiều người đã chết vì không có miếng ăn. Đó là bài học lớn về sự tồn vong, sự yêu thương, đùm bọc, sự sẻ chia vốn là truyền thống quý báu của người Việt.

Như một lẽ hiển nhiên, tác phẩm lớn chỉ có thể được sinh ra bởi những nhà văn có tài năng lớn và tấm lòng với con người, với cuộc đời. Thiên Sơn đã chọn con đường khó để đi, và nghiêm cẩn với nghề, anh chắc chắn sẽ nhận được thành quả xứng đáng…/.


Hội Quân


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện Văn, chuyện đời!

Đại Gia và Vinas : Lần đầu tiên nội dung thực của tác phẩm được điểm (bài Lương Kháu Lão)

Hôm trước, Đại gia của Thiên Sơn được xem là có chứa hình bóng đại già Kiên đầu bạc ở trong đó. Bây giờ, đã thấy bạn đọc nhìn ra các đại gia khác, trực tiếp là của tập đoàn nhà nước là Vinashin.Bài trên Lương Kháu Lão (tôi đọc đầu tiên qua Phuocbeo), vốn có tên là "Tiên sư cha thằng cơ chế !". Có hai điểm đáng khen. Một là, tên tập đoàn Đại Á đã được viết đúng (các chỗ khác, không hiểu đọc vội hay đọc theo lối tai nọ ra tai kia, nên thành là "tập đoàn Bắc Á" - thế mới hiểm, vì bà chủ của Bắc Á lại là chị đồng hương của tác giả bộ tiểu thuyết !). Hai là, lần đầu tiên nội dung tác phẩm được điểm. 

Từ đây trở xuống là trích nguyên (có biên tập thuần kĩ thuật, và đánh dấu bằng bút mực ở vài chỗ).

---
Tiên sư cha thằng cơ chế !


Hơn một nghìn trang sách. Ngồn ngộn các sự kiện. Đại gia thực sự là món quà quý và hấp dẫn mà nhà văn Thiên Sơn đã chuyển đến bạn đọc. Càng bị cấm đoán, càng nhiều người tìm đọc. Trên các hiệu sách ở Bờ Hồ, rất nhiều sách in lậu đã được bày bán. Bìa sách không được in nổi chữ mạ vàng như bản chính mà thậm chí màu sắc từ màu đen cũng chuyển thành màu xanh và in ấn vội vàng để kịp phục vụ thị hiếu của người đọc. Thiên Sơn từ một nhà văn trẻ ít người biết đến bỗng thành nổi tiếng, thành một hiện tượng cho dù anh chả có thêm đồng nhuận bút nào từ các sách in lậu
Xuyên suốt tác phẩm là ba tuyến nhân vật :
Các đại gia lắm tiền, lắm mưu mô thủ đoạn , tàn bạo mà điển hình là nhân vật Tấn Đạt, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Á.
Các quan chức đầy quyền lực, thoái hóa biến chất bị các đại  gia biến thành con tin buộc phải kí các quyết định đầu tư theo “chỉ thị” của các đại gia mà điển hình là Lê Đức, một nhân vật phụ trách kinh tế sống trong một  biệt thự ở phố Phan Đình Phùng. Mà ai là người được ở đó thì cả nước đều biết.
Má mì chuyên cung cấp gái đẹp để mua chuộc các quan chức lớn nhỏ , một thủ đoạn quen thuộc để “chăn voi” , điển hình là nhân vật Vân Chi.
Ba thế lực này xoắn quyện vào nhau trong tác phẩm của Thiên Sơn làm nổi rõ sự hoành hành của mạng lưới mafia đầy cạm bẫy giăng mắc khắp nơi.
Điều khá lạ là có hàng trăm nhân vật trong tác phẩm nhưng không tìm thấy một nhân vật nào gọi là chính diện. Nếu có thì nó cũng bị bôi đen hoặc chết yểu dưới bàn tay của tội ác. Tất cả đều là các nhân vật phản diện đầy màu sắc mà nếu dựng thành phim thì đạo diễn tha hồ có đất dụng võ.
Cái ngày xưa không xa lắm khi Thuyết “buôn vua” là nhân vật có thật nổi đình đám trong vụ án Năm Cam đã tha hóa cả ủy viên Trung ương Đảng thì nay Tấn Đạt nêu thành chủ thuyết dùng tiền và gái đẹp chăn cả đàn voi kể cả con voi đầu đàn và đã thành công mĩ mãn.
Ngày xưa không xa lắm, chúng ta đã say sưa xem “Một mình chống lại mafia”, đã kinh sợ bàn tay giết người như ngóe của các thế lực tội phạm Italia thì trong Đại gia, bàn tay của mafia Việt Nam còn ghê tởm , tàn ác và nguy hiểm hơn nhiều.
Tất cả chỉ là tiểu thuyết hư cấu . Nhưng vì tác giả đã đưa ra nhiều thông tin rất nóng bỏng , đụng chạm đến nhân vật chịu trách nhiệm trong vụ đổ vỡ của tập đoàn kinh tế Vinashin mà trong tác phẩm đổi tên thành Oceanship nên sách bị thu hồi vì phạm thượng và không có lợi trong khi chúng ta đang chủ trương “tái cơ cấu”. Trong khi các đại gia đã nắm bắt chủ trương này để hớt váng làm giầu nhờ “tái cơ cấu”theo kiểu lấy mỡ nó rán nó.
Phải nói Thiên Sơn tuy là nhà văn, hiện đang công tác tại Tạp chí Điện ảnh nhưng rất am hiểu các vấn đề kinh tế. Các ý kiến của các nhân vật về điều hình kinh tế vĩ mô có thể nói rất chuẩn xác, chuẩn xác đến dễ sợ. Thiết nghĩ các quan chức đương quyền đọc những điều này cũng sẽ giật mình.
Nhưng có một chi tiết rất tài tình khi tác giả cho nhân vật Lê Đức từ chỗ lo lắng mất ăn mất ngủ cho trách nhiệm của mình trong việc làm ăn thua lỗ của các tập đoàn kinh tế đã cười khầng khậc khi tìm ra thủ phạm đã giải thoát cho mình cũng như cho cả hệ thống đó là “lỗi ở cơ chế”. Tiên sư cha thằng cơ chế !
---


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Truyện ngắn Thùy Linh:

MỘT NGÀY


     Họ ngồi trong một quán vắng, ở cuối con phố vắng, chạy dọc thị xã vắng. Thiên hạ chưa muốn tỉnh để nhìn ngày mới mà phần lớn chẳng biết có gì đang đợi mình hôm nay, ngày mai...Trong từng chiếc giường, ẩn kín trong từng góc nhà, có lẽ giờ này người ta mới đang uể oải vươn mình trong chăn ấm sực. Còn vài phút nữa... 

Đôi khi một phút cho đam mê còn khiến người ta nhớ suốt đời cơ mà. Hôm qua để chuông đồng hồ hơi sớm hơn thì phải... Mọi người đến nhiệm sở mấy khi đúng giờ. Cổ nhân nói rồi, thức dậy đừng bất thần chồm lên như bị ong đốt. Hãy ngẫm nghĩ một lúc trước khi rời khỏi giường, rời cái  níu kéo cuối cùng của ngày qua, rời bỏ quá khứ. Bước chân đầu tiên đặt xuống đất là đặt vào ngày mới, vào tương lai. Cũng có thể là bước chân đầu tiên đặt vào miền tai hoạ đang chờ đợi rình rập. Bớt một ngày nhàm trong đời, thêm một chút lo lắng phía trước. Dứt ngày mong đêm. Vứt gối mong ngày. Ngày trôi. Bớt một hơi thở hắt. Chờ ngày mai. Hồi hộp, bâng khuâng...Vì lẽ gì? Đâu biết! Nhưng nếu một ngày không bắt đầu từ nỗi dâng dâng, mang mang, thử hỏi người ta biết bắt đầu từ cái gì? Từ đâu?
            -Sáng nay em thả chân nào xuống đất? - Người dàn ông hỏi.
            -Điều ấy quan trọng không ? - Thiếu phụ cười khẽ, cúi mặt nhìn lòng mình.
            -Phải hay trái?
            -Cái giường của em đầu quay về huớng bắc nên chân phải luôn luôn thò ra màn đầu tiên. Còn anh?
            -Anh hay mất ngủ nên thường xuyên xoay các phía. Các cụ bảo nếu mất ngủ phải đổi đầu mới ngủ được.
            -Anh có tin không?
            -Chẳng biết, nhưng vẫn làm đúng như vậy.
            -Thế có ngủ được không?
            -Lúc được, lúc không.
            -Sao mà thị xã này vắng lặng thế? Từ ga về không một bóng người. Họ đã cướp mất sáu tiếng của ngày mới.
-Ở tỉnh lẻ người ta không cần đếm đo thời gian. Mà cũng khó đong đo lắm vì nó bị vữa ra như nước chảy đi.
-Nhưng họ vẫn già bằng người thành phố đấy thôi?
            -Già hơn em ạ!
            -Sao lại thế? Em nghĩ thời gian chỉ trôi vượt qua đây, không để lại gợn gì.
            -Thời gian quên lãng nơi đây. Và con người ở đây trở nên tai hại trong thờ ơ, lãng  quên. Họ trở nên trì độn.
            -Cả anh nữa?
            -Nếu anh mất nốt em thì anh còn khốn nạn hơn mọi người.
            -Anh buộc tội em đấy à?
            -Em sợ ư?
            -Em biết mọi cái đang trôi trượt. Cả anh cũng đang trôi khỏi em, nhưng em không còn cố gắng nữa.
            Chủ quán ngồi ngáp dài vì bị họ đánh thức dậy sớm. Đầu anh như từ từ để ngật ra phía trước. Một lát sau tiếng ngáy cất lên. Anh ta bắt đầu ngày mới bằng một giấc ngủ sót.
            -Em  có thấy cafe hơi chua không?
            -Em uống theo anh, không có cảm giác gì.
            -Cafe pha từ hôm qua đun lại.
            -Chẳng sao!
            -Ừ  thì có sao. Em sẽ ở đây bao lâu?
            -Sáng mai em về.
            -Một ngày?
            -Ít hay nhiều?
            -Anh không có quyền nói ít hay nhiều.
            -Sao anh cứ lành lạnh với em thế? Hay vẫn còn ngái ngủ vì phải ra đây sớm?
            -Thật thế à? Xin lỗi em. Hôm nay em thích đi đâu?
-Ơ đâu có anh.
            -Cả dưới địa ngục.
-Nếu có thì chúng mình đã bị đày xuống đó từ lâu rồi.
            -Vì lẽ gì?
            -Một tình yêu dù vì lẽ gì trong cuộc đời bất bình thường này đều trở nên quái gở và không chấp nhận nổi.
            -Chúng ta bắt đầu từ đâu? Đến đâu?
            -Từ đây. Từ đáy ly cafe cạn khô của anh.
            Tiếng cười bật khe khẽ. Người đàn ông hơi co người lại trong tiếng cười ấy. Chị nghiêng người để nghe và có cảm giác tiếng cười giờ cũng đã ngả chiều. Hai ly cafe đứng chỏng chơ giữa bàn, trên miệng ly vẫn còn viền đen cáu két.
            Chiếc xe máy lao vút.
            Đại lộ duy nhất chia đôi thị xã, một bên nhà cửa xây nham nhở, một bên đất đỏ lở sói như máu đất ứa ra.
            Đồi. Đồi gục vào nhau thành một đoàn dài như những con voi đang thủng thẳng đi. Con đường đất đỏ chơi vơi, nhấp nhô. Trước mặt chắn ngang một đồi bạch thơ lơ. Sát đến chân đồi, con đường lại bất ngờ ngoặt sang một hướng  khác. Và cũng bất ngờ mở ra một vũng không gian hình ống. Gió núi bị hút theo sườn đồi bỗng bị lèn chặt vào cái ống không gian, sau đó tung toé ra ở phía đầu bên kia, sục sạo tốc ngược các bờm cây dại đứng mép đồi .
            - Em có thích ngồi đây không?
            Tiếng cười dàn ông theo gió sạt qua tai thiếu phụ, rớt lại phía sau.
 -Đi thêm một đoạn nữa. Em đang thích tốc độ.
            Chiếc xe bị tăng ga đột ngột chồm lên. Thiếu phụ ngã dúi vào lưng người đàn ông. Bờ mi khẽ rung lên khép hờ. Thoáng giây được thả lỏng trong sự êm ấm, chở che.
            Lại đồi, thung lũng, ruộng rạ...Những con quạ đen sà xuống gốc rạ, ngơ ngác tìm quanh, rồi bất ngờ như bị bốc lên khỏi mặt đất, chấp chới lao vào bầu trời vô sắc.
            Lại vẫn con đường đất đỏ chơi vơi, nhấp nhô...
            Chiếc xe bỗng dừng lại đột ngột. Thiếu phụ vuốt tóc im lặng chờ đợi. Người đàn ông vẫn ngồi trên xe, thờ thẫn nhìn con đường đất đỏ tưởng bị cắt cụt sau một quả đồi, bỗng lại hiện ra trước mặt kéo dài về phía xa xa, giống một cẳng tay khô héo cháy nắng hờ hững choàng qua bờ đồi trọc.
            -Sao vậy?
            -Anh sợ!
            -Cái gì làm anh sợ?
            -Sự không cùng.
            Chiếc xe dựa bên đường. Họ men theo đồi bạch đàn đi sâu vào bên trong. Bên kia cũng là một đồi thông xanh mướt, câm lặng. Vẻ đẹp trơ trơ giữa một vùng đồi trọc hoang dại. Một vẻ đẹp ít thay đổi và nhạt nhẽo. Một vẻ đẹp không ai cần đến.
            Rạch ngang dãy đồi là một  lũng hẹp. Giữa mùa hanh khô xứ bắc mà vuông ruộng bên  dưới vẫn bập bềnh nước, chẳng khác gì miếng vải diềm  bâu nhuộm bùn.
            Mật nắng trong suốt xuyên qua những tán thông nghiêng đổ xuống lũng, chảy vào nương ruộng. Vuông ruộng bềnh đen nhóng nhánh phơi giữa trời chờ sự vuốt ve của nắng. Nhưng nắng không tới. Chúng không cần đến nắng nữa.
            Một tiếng chim rơi ra, tan trong thinh không. Cũng chẳng biết là loài gì. Làm sao nhớ nổi tiếng chim rừng!
            Một làn khói bốc ra từ mái cọ trên mỏm đồi gần đấy. Khói bay lên trời, có đi được mười phương tám hướng không nhỉ?
            Một người đàn bà lúp xúp dưới cái nón tướp vành đang bị con bò còi lôi đi sau cái bừa. Từ trên cao nhìn xuống người đàn bà như bị dính bẹt vào bùn đất. Cái nón đang trôi trên ruộng bềnh. Nó trôi từ bờ ruộng này sang bờ ruộng kia. Rồi lộn lại. Rồi quay trở về...Có lẽ đất ruộng được bừa nát ra thành nước, lọt qua được kẽ tay mà bà ta vẫn bừa. Không làm như vậy thì bà ta còn biết dùng một ngày vào làm gì?
            -Không biết bà ta đi được bao nhiêu vòng ở cái vuông ruộng lúa trong một ngày? -Thiếu phụ cất tiếng.- Và trong một đời là bao nhiêu cây số đất ruộng đ• được cày tung lên nhỉ?
            -Sao không hỏi trong đời bà ta làm được những gì?
            -Bà ta chả quan tâm! Bà ta hạnh phúc vì không nhạy cảm.
            -Không nhạy cảm nên không còn khả năng đau khổ, đúng không?
            -Đúng vậy!
            -Nếu không đau đớn thì họ không biết yêu cuộc sống à?
            -Họ không có khái niệm yêu ghét cuộc sống như cái cách chúng ta hay nghĩ, nhưng họ gắn bó với nó hơn chúng ta nhiều...Phút này em tự hỏi, có khi nào người đàn bà kia trèo lên đồi thông trước mặt  để nghe gió và nhìn ra bốn phía hay không?
            -Bản năng người đều muốn đi xa hơn một chút, vượt khỏi chính mình. Anh nghĩ bản năng đó ở người đàn đang cày ruộng kia đã chết hoặc ngủ yên đâu đó trong vô thức. Chính bà ta cũng chẳng biết, chẳng nhớ là có lần nào đó bà ta đ• từng ước mơ hay chưa?
            -Anh bây giờ cũng thế. Một con quỷ cô độc và hoa râm, lầm lầm cái mặt canh giữ những ước mơ không để nó bay ra khỏi búi tóc rối bù.
            -Giờ đây chỉ để sống anh đã thấy tốn nhiều nghị lực. Còn được yêu thương, vuốt ve trở thành thứ xa xỉ đối với anh và thật hy hữu mới có. Cũng như em, anh không còn cố gắng nữa.
            -Em biết. Từ lâu em đã biết. Thực ra em bị lây căn bệnh đó ở anh. Em từ bỏ mọi tin tưởng vào tương lai. Còn anh không muốn có sự thay đổi nào nữa. chúng ta giống nhau quá và khiến chúng ta xa nhau quá.
            -Anh biết mình là kẻ bất đắc trí quá rụt rè, đã bỏ qua cơ hội cho phép thu xếp để anh và em có một cuộc đời trong nguyện vọng được phép.
            -Đừng ân hận. Ân hận hay làm người ta sợ hãi và lùi bước.
            -Không, anh chỉ đổi lấy mẩy vàng cho riêng mình từ những ngày qua...
            -...Và để anh mang theo xuống mồ. Nhưng anh hãy nhớ chúng ta hôm nay không phải là chúng ta ngày hôm qua. Bởi thế  tình yêu vĩnh cửu không dài lâu. Và chẳng có đâu!
            Người đàn bà dưới lũng vẫn bì bõm theo sau con bò. Đầu con bò ngúc ngắc lên mặt ruộng bùn. Chưa một lần con bò và chiếc nón  tướp vành ngẩng lên. Dường như bùn đất và nước dưới chân họ là tất cả, còn trời cao và không gian thoáng đ•ng xung quang chẳng có nghĩa gì.
            -Từ nãy em nói gì thế nhỉ?
            -Ơ hay, sao lại hỏi anh?
            -Thực lòng em không hiểu đã nói gì với anh?
            -Em bất ổn quá?
            -Em hỏi anh, trong chúng ta có cái gì được bảo đảm chắc chắn nào? Chúng ta chỉ sống cho giây phút này, cho hiện tại. Chúng ta chọn hiện tại chứ không phải sự vĩnh cửu, chọn sự thay đổi chứ không phải bất di bất dịch.
            -Em nói đúng. Vì thế mà mỗi đứa đều buông mình cho những khuynh hướng của riêng mình. Người ngoài nhận thấy chúng ta không còn  chung tình nữa.
-Những khốn khổ, quẫy đạp mãi mà có thoát ra khỏi đời sống được xây dựng trên nguyên tắc phân cách đâu. Chúng ta muốn có một đời sống bình thường nhưng vẫn khư khư giữ lấy một nơi đen tối, ẩm ướt, cô độc để trú ngụ, chối bỏ mọi thành công vật chất, danh vọng.
            -Anh hiểu! Nhưng một nhân cách bị tách đôi khó sống lắm.
           -Nhưng khốn khổ là chúng ta không tự tạo ra được bản thân mình, chịu để cuộc sống để bị vo viên lại.
           -Hôm nay em làm anh bối rối.
           -Thật à? Thế từ trước tới nay anh nghĩ gì về chuyện của chúng mình? Hay chẳng nghĩ gì cả?
           -Thú thật, anh đã ảo tưởng về một cơ may.
           -Nó đã đến rồi đấy.
           -Cái gì?
           -Ba hôm rưỡi nữa em se đi lấy chồng.
Mật nắng dâng ngang lưng chừng đồi chảy tràn lên những ngọn thông. Dưới đất, từ trong hốc đồi, bụi cây, màu hoàng hôn đang ứa ra, loang ướt.
            -Về thôi anh.
-Nhưng em lấy chồng vì tình yeu ư ?
            -Không!
            -Vậy vì lẽ gì?
            -Điều đó cần cho em.
            -Còn tình yêu của chúng mình?
-Anh đừng quên rằng, tình yêu không cần minh chứng, không cần bày tỏ, nó chỉ cần hiện diện, thế là đủ.
            -Anh xin lỗi!
            -Anh có lỗi à?
            -Em không tin anh?
            -Tin hay không giờ đây còn ý nghĩa gì? Nào, đứng dậy đi anh . Đã đến giờ anh phải có mặt ở nhà rồi.
            Họ đi ngược lại con đường đất đỏ ngoằn nghoèo ban sáng. Vẫn đồi gục vào nhau thành một đoàn như đám voi nối đuôi chạy giật về phía sau. Đàn quạ đen đ• rời bỏ ruộng rạ bay đi mất từ lâu. Mật nắng đã cạn.
            Chiếc xe máy dừng lại trước của khách sạn.
            -Tối nay anh sẽ đến. Bây giờ...
            -Em hiểu. Anh cứ  yên lòng.
            Thiếu phụ nhìn chiếc xe máy hoảng hốt chồm lên và lao vút đi chệch choạng. Gương mặt chị mơ hồ một nụ cười không vui cũng chẳng buồn.
            Buổi tối người đàn ông đến khách sạn. Cô bé lễ tân đưa chiếc phong bì cho anh bằng hai tay nói lí nhí câu gì đó.
            "Anh! Em quyết định ra ga. Có ở lại đến sáng mai thì cũng chỉ góp cùng anh đôi ba câu chuyện rời rạc và thêm một ly cafe đen nơi quán vắng. Giữa những người xa lạ em sẽ là một người đàn bà đẹp đằm thấm, dịu hiền và hạnh phúc như mọi người đàn bà khác. Em sẽ tiếp tục như vậy trong phần đời còn lại. Anh đừng băn khoăn gì về chuyện đ• qua giữa chúng mình. Hôm nay chỉ là một ngày như ba trăm sáu lăm ngày trong năm và như vạn ngày khác trong đời người. Nhớ đến em chỉ cần thêm tiếng thở dài là đủ. Chào anh!"
            Người đàn ông cảm thấy dường như có một ngày như thế này, ở đâu đó, khi nào đó mà không sao nhớ nổi. Một ngày, hai ngày, nghìn ngày... Ngày cắn ngày kéo nhau đi, dằng  dặc, miên man...

                                                          
                                                               

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chỗ Dựa Cuối Cùng




    

Ngày trước, Đỗ Huy Minh mong viết được những kiệt tác văn chương. Tác phẩm của anh sánh được với cổ kim đông tây. Người ta sẽ đọc anh, say mê, hâm mộ anh. Anh sẽ yêu những phụ nữ đẹp nhất trong số những phụ nữ yêu chuộng anh, những cuộc tình giữa thiên tài với mỹ nhân sẽ đem lại hạnh phúc chưa từng có, đồng thời những truyền thuyết.
    Tóm lại, giấc mộng huy hoàng chứa đựng trong đó hạnh phúc hoàn hảo của kiếp người.
    Chính trong lúc đầu óc mệt nhoài vì những ý tưởng lộn xộn không định hình, khi ra biển nghỉ mát, anh đã gặp Bích. Không có chút lãng mạn nào, anh gặp cô chỉ vì phải nhờ cô đính lại chiếc cúc áo đứt.
    Cửa hàng may vá ở phố biển của Bích thật nhỏ bé quá, lèo tèo vài tấm vải, dăm bộ quần áo. Bích không xấu không đẹp. Anh thích vẻ người dân quê ấy, nên ghé qua chỗ Bích mấy lần. Trước khi về Hà Nội, anh cho Bích địa chỉ của mình, hẹn sẽ viết thư.
    Mà Minh viết thư thật. Những lá thư đầy ắp ước mơ của đời anh. Anh đãtrút vào chúng tất cả hy vọng, đam mê, cay đắng và đố kỵ mà anh hàng ngày phải tải vì sự nghiệp của mình. Dòng thác tâm tư dồn nén ấy được Bích quan tâm, đáp lại. Trong thư gửi Minh, cô tỏ ý vui mừng vì có một nhà văn lớn như thế, đầy triển vọng như thế để ý đến cô, một gái tỉnh lẻ. Cô cứ mặc cảm một cách tự nhiên như vậy khi viết thư cho anh. Theo cô, ở phố biển này không có gì lãng mạn, con người ăn sóng nói gió nhưng suy nghĩ cứ cùn mòn đi vì sinh kế, tầm mắt không vượt quá sự mưu sinh thường nhật. Bích hỏi Minh rằng Hà Nội có gì đẹp, mùa này ra sao, dịp hội lễ anh có đi những đâu. Rồi cô mời Minh dịp nào rỗi nhớ qua phố biển thăm cô.
    Bích tự ti, nhưng cô đâu có biết Minh đang cố gắng xây dựng cô thành nàng tiên cá. Anh cố sức từ một số tình tiết nhỏ xây dựng thành thiên diễm tình xứ biển, nhưng chưa thành công.
    Minh làm chân phóng viên báo Thủ đô. Anh mò mẫm khắp nơi, thấy nhiều chuyện. Anh biết, vốn sống đó rất hữu ích. Cũng như nhiều người, anh coi sự từng trải với đàn bà là niềm tự hào. - Minh quan hệ với nhiều cô, anh chia họ làm mấy hạng, nhưng nói chung giới anh gần gũi nhất vẫn là cave.
    Anh muốn làm cái gì đó đại loại như “Trà hoa nữ”
    Không tuần nào anh không tìm thú giải trí.
    Chán ngấy mọi khách sạn, karaoke, nhà hàng, vũ trường với đám gái lọc lõi giả nai, anh nhớ Bích. Phải, hình ảnh biển khơi lại trở về. Khát vọng viết cái gì đó vĩ đại và trong sạch hòa chặt với thèm khát chiếm được tình yêu của người xứ xa.
    Anh tìm đến phố biển cũ. Cô thợ may vẫn ở vị trí xưa, nhưng đã hơi già so với năm trước. Thấy Minh, Bích ngồi lặng bên máy khâu, mặt cô tái mét. Phải hồi lâu sau Minh mới làm Bích hoàn toàn cởi mở. Cô nhận lời đi chơi với anh.
    Trong khi ngồi ở quán karaoke, Minh nói đầy văn hoa:
    - Anh đãsống nửa đời người mà chưa biết thế nào là hạnh phúc. Anh như con thuyền kia, suốt đời lênh đênh can đảm trên biển khơi. Gió bão có thể quật thuyền nhừ tử. Nhưng có những người đàn bà chờ mong, những con thuyền chở những người đàn ông trở về, họ sẽ về với nhau, con thuyền được nghỉ ngơi. Nhưng anh thì kéo dài những ngày buồn lạnh lẽo, không biết thế nào là niềm vui, không biết tình yêu đích thực của một phụ nữ chân chính.
    Bích đắm chìm vào những suy nghĩ riêng tư. Đời cô mới cô đơn làm sao. Bố mẹ cô mất cả, còn mình cô ở lại cõi đời này với người anh trai đã lấy vợ. Người đàn ông đầy ước mơ này thật phù hợp với hình ảnh người đàn ông có ý chí mà cô hằng ấp ủ.
    Cô ngước mắt nhìn Minh.
    Minh hùng hồn nói:
    - Em khác hẳn những phụ nữ anh gặp. Em xem, ngoài bãi biển, đó là thế giới trụy lạc. Chỉ ở bên em, lúc này anh mới thấy ra sự trong sạch của người phụ nữ.
    Sau nhiều lần đến Sầm Sơn theo đuổi Bích, anh mang về phố nhỏ, nơi anh ở, vị mặn mòi của biển trên da thịt, hương vị người đàn bà dâng hiến trong trí nhớ và lại một ý tưởng sáng tác. Anh định viết thiên tiểu thuyết lãng mạn lớn về mối tình giữa hai người xa nhau ngàn dặm. Họ sẽ vượt nhiều khó khăn để tự khẳng định. Anh hy vọng đó là cuốn sách chờ đợi bấy lâu nay.
    Ngọn đèn sáng suốt đêm thanh, rọi lên trang viết. Chữ ì ạch ra. Hình như chữ không thích ra theo ý anh. Đến nỗi buổi sáng thì Minh lại giật mình tỉnh dậy, bơ phờ, mệt mỏi. Anh ăn hối hả ở hàng quà sáng, len qua những người bán rau đứng đầy lối ra để đi làm. Rồi ở cơ quan thì anh ngủ gật, chán chường. Người ta phàn nàn về công việc của anh. Nhưng anh thì ấp ủ dự kiến riêng của mình. Chỉ có một hiện thực, hiện thực của sáng tạo là có thật. Anh có thể hy sinh cho văn chương.
    Giữa lúc anh đang say sưa với mình thì Bích gửi thư lên. Cô cho biết có mang. “Em rất tiếc” - cô viết - “Nhưng không biết làm thế nào. Em không nghĩ nó lại dễ dàng thế”. Cái tin đó làm anh lo ngại hơn là vui. Cái trách nhiệm cứ ngày càng hiện rõ ra, đeo lấy anh. Anh có cảm tưởng bị người ta đòi món nợ anh không hề vay. Anh không muốn có một đứa con nào làm bận mình. Anh viết thư bảo cô phá thai. Nhưng cô không chịu. Cô coi đó là niềm vui lớn lao, niềm hy vọng. Anh nghĩ cô muốn bám vào đứa con để lên Hà Nội với anh. Điều đó nằm ngoài dự định của anh.
    Cô báo sẽ lên Hà Nội.
    Sợ hãi, anh viết thư nói với cô, anh hoài nghi chuyện đứa con đó là của anh. Cô ở đó, xa anh cả mấy trăm cây số, làm gì có chuyện chung tình. Hẳn là cô còn những mối quan hệ khác, khi vắng anh. Trước đây, anh ngờ rằng cô cũng chẳng phải lần đầu tiên đến với đàn ông, khi gặp anh. Rốt cuộc, nếu cô muốn làm ầm ĩ lên để trói buộc anh thì anh cũng chẳng ngán đâu. Anh chỉ sợ kẻ thua thiệt hơn cả, kẻ sai trái, lại chính là cô.
    Bích viết thư trả lời, với giọng văn căm giận uất ức, rằng cô không ngờ anh lại như vậy. “Tôi ghê tởm anh”. Từ đấy cô không thư từ đi lại với Minh nữa.
    Anh như trút được gánh nặng.
    Minh lại quen Thu Phương, diễn viên ngôi sao mới. Thật là trai tài gái sắc trong mơ gặp nhau. Cô trốn chồng để đi chơi với Minh. Họ vào khách sạn ở Quảng Bá, Minh chi đến hết cả số tiền dành dụm suốt năm trời. Trong toa lét, mặt Minh ngơ ngác, tiếc của. Phương mỉm cười tha thứ cho sự hơi dè sẻn của Minh lúc mãn cuộc. Nhưng cũng từ bấy giờ Thu Phương không đi lại với Minh nữa. Cô có người khác.
    Trong cuộc chạy đua với thời gian để tìm kiếm vốn sống và tài năng nghệ thuật, Minh mòn mỏi đi. Nói cho thật đúng ra, anh quan hệ liên tục với đàn bà không hẳn do tính anh, mà vì anh muốn có tri thức về đàn bà. Anh coi đó là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác, cái sáng tác vĩ đại mà anh vẫn không nguôi chờ đợi. Những khoảnh khắc tôn thờ thần nghệ thuật rơi rụng theo tàn thuốc lá.
    Anh vẫn yêu phụ nữ và nghệ thuật, vì thế anh tưởng mình vẫn còn trẻ. Ngay khi mái tóc đãnhiều sợi bạc, thân hình đãnặng nề, anh vẫn không nghĩ đó là cái gì khác ngoài dấu hiệu của tuổi già, chứ bản thân nó chưa phải là tuổi già.
    Và theo năm tháng, mỗi lúc anh nhận thấy phụ nữ một khó tiếp cận hơn. Thay thế những ánh mắt ấm áp năm xưa là ánh mắt khô khan vô cảm. Những người đàn bà quanh anh như lúc nào cũng bận chạy biến về chốn xa nào đó, như họ muốn làm cuộc chạy trốn kỳ quặc trước mặt anh. Họ nói chuyện với anh như thể muốn cho xong đi, như một nghi thức xãgiao bắt buộc.
    Anh đau đớn nhận thấy mình mất sức hấp dẫn đối với đàn bà. Tri thức của anh về bề sâu tâm hồn họ vẫn không có bao nhiêu, những bí ẩn về cuộc đời vẫn không có bao nhiêu, anh chỉ có trong trí nhớ của mình rất nhiều đặc điểm các thể xác đàn bà và những sự phản bội, đổi chác của họ. Anh mệt mỏi và hoài nghi. Giờ đây, yêu đàn bà đối với anh là không thể được. Anh chai lì đến nỗi không thể yêu họ được. Vì thế anh không dám, anh sợ khi nghĩ đến chuyện phải lấy một người đàn bà già làm vợ. Mà anh không lấy đàn bà già thì lấy ai bây giờ?
    Anh đau khổ nhận thấy những người xung quanh đang hạnh phúc bởi đời sống mà trước đây anh coi là tầm thường, buồn tẻ, không xứng đáng với khát vọng lớn của anh. Nay, vinh quang danh vọng vẫn như ảo ảnh, chân trời trước mắt Minh. Minh đãgià quá rồi. Sáu mươi tuổi hơn là quá già để lập nghiệp rồi. ở tuổi ông, người ta đãtrở thành danh nhân nếu có tài. Ông hiểu rõ rằng cuộc đời ông đãtrôi qua hoài hủy. Ông sinh ra không phải để làm những công việc lớn lao vĩ đại. Nàng tiên nghệ thuật không sà xuống với ông. Ông đãảo tưởng vào chính mình. Suốt đời ông, ông đãsống bằng ảo tưởng. Ông bắt hiện thực phải khuôn theo và phục vụ ảo tưởng. Lẽ ra ông đãcó thể hạnh phúc nếu ông bằng lòng với thực tại, căn cứ vào thực tại mà xây dựng cơ đồ.
    Ông đau quặn lòng. Ông tức. Ông nghĩ, giá ngày xưa đi từng bước nhỏ, làm từng việc vừa tầm tay, thì biết đâu ngày nay ông đãkhác.
    Trong niềm hối hận, ông điểm lại mặt những người đàn bà - những niềm hy vọng và nguồn tư liệu từng đi qua đời ông. Ông nhận thấy Bích là một trong những người hiếm hoi đãthực sự cho ông hạnh phúc làm người, mà ông phũ phàng gạt bỏ, coi là chướng ngại vật trên con đường vinh quang hứa hẹn của ông.
    Ông cho đăng và phát thanh mẩu tin nhắn tìm người thân. Ngày ngày ông hồi hộp chờ tin tức. Ông mường tượng cảnh gia đình đoàn viên, ông được một người nào đó gọi cha, một người gọi chồng, tuổi già của ông có chỗ nương thân. Ông sống bằng niềm hy vọng đó.
    Một ngày kia, bưu điện gửi cho ông lá thư mỏng. Ông hồi hộp cắt phong bì. Mặt ông tái mét, hơi thở đứt đoạn, tay chân run lẩy bẩy. Tờ giấy được ông lập cập mở ra. Trong thư, chỉ vẻn vẹn mấy dòng đánh máy:
    Kiếp này chưa trọn lời nguyền
    Hứa sao kiếp khác vẹn tuyền lửa hương
    Người đi mua phấn chao sương
    Người về hàn gắn giữa đường sẩy tay.
    Thơ không hay, nhưng ông hoàn toàn hiểu nó nói gì, ai viết ra. Ông đặt nó lên chót tập bản thảo mỏng manh vô dụng của mình.
    Ông vẫn chờ, nhưng không biết được tin tức người yêu cũ và đứa con của mình. Chỉ trước khi ông mất, trong trận ốm nặng nề, hàng phố mới thấy một người phụ nữ trẻ hao hao giống ông đến nhà thăm. Cô ở lại nhà ông khá lâu. Người ta đồn rằng đó là một trong những người tình của ông.
    Khi ông mất, người đó về làm chủ tang.
    Cô nói rằng bố cô đã ra đi mãn nguyện.

Nguy
ễn Quốc Thái

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kinh Dương Vương- ông là ai?


TS. Trần Trọng Dương


Lời dẫn của Lâm Khang chủ nhân: 
Vừa qua, được biết tỉnh Bắc Ninh đã triển khai một dự án khôi phục và tăng quy mô xây dựng khu di tích thờ "Thủy tổ Kinh Dương Vương - ông nội của Vua Hùng", với vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Thật là hãi hùng về con số chi phí khổng lồ này, trong khi tình hình kinh tế đang hồi bấn loạn, ngân khố cạn kiệt, nhân tâm đang xáo động. 
"Ông nội của Vua Hùng" - chính điều này đã thôi thúc một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước lại cất công truy tìm nguồn gốc của Kinh Dương Vương. Và thật bàng hoàng: Kinh Dương Vương phải chăng chỉ là một sự cóp nhặt của Ngô Sĩ Liên từ nhân vật Kinh Xuyên trong tiểu thuyết truyền kỳ Trung Hoa? Phải chăng, chúng ta đã và đang, và còn mãi về sau thờ một ông vua giả có nguồn gốc của Tàu? - Lâm Khang.
xxx

Như trong bài viết trước đây, chúng tôi đã chứng minh rằng Đại Việt sử ký toàn thư- bộ sử quan trọng nhất của Việt Nam đề cập đến những sự kiện từ khởi thủy cho đến thế kỷ XVII- là một tư liệu được biên soạn trên tư duy đa nguyên "văn- sử- triết" của thời Trung Đại. Trong đó, bộ sử này đã sưu tập nhiều huyền thoại dân gian của đời sau để bù đắp cho những khuyết thiếu của sử liệu. Trong bài này, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra những cứ liệu để làm rõ hơn vấn đề tai hại trên. Đối tượng được đề cập đến ở đây chính là Kinh Dương Vương- một nhân vật được coi là thủy tổ của Việt Nam- phải chăng chỉ là một ảo ảnh diễn hóa từ nhân vật Kinh Xuyên trong tiểu thuyết truyền kỳ của Trung Quốc?

Cổng đền thờ Kinh Dương Vương có bốn chữ Hán đắp nổi THỦY TỔ ĐÀI MÔN,
ảnh: Thọ Bình, Bá Kiên, theo tienphong.vn

Kinh Dương Vương và tín ngưỡng thờ Kinh Dương Vương

Theo như cách trình bày ở Kỷ Hồng Bàng thị trong Toàn thư, Kinh Dương Vương tên là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông, vị vua khai sáng ra nước Xích Quỷ (quỷ đỏ). Vì thế Kinh Dương Vương này được Ngô Sĩ Liên coi như là là vị thủy tổ đầu tiên của người Việt và nước Việt. Chẳng những thế, Kinh Dương Vương còn lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long để sinh ra Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau lấy Âu Cơ- con gái của Đế Lai, sinh ra trăm con trai, 50 con lên rừng, 50 con xuống bể. Vị con trưởng được nối ngôi cha, phong là Hùng Vương. Sử gia Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV đã bình luận đoạn này như sau: "Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?"[1]. Kể từ sau Ngô Sĩ Liên, phần lớn các bộ lịch sử Việt Nam đều công nhận Kinh Dương vương là thủy tổ của nước Việt. Ví dụ như sách Thiên Nam minh giám (thế kỷ XVII) mở đầu như sau:
.
"1- Tượng mảng xưa sách trời đã định,
Phân cõi bờ xuống thánh sửa sang,
Nước Nam từ chúa Kinh Dương,
Tày nhường phải đạo mở mang phải thì.

5- Tới Lạc Long nối vì cửu ngũ,
Thói nhưng nhưng no đủ đều vui,
Âu Cơ gặp gỡ kết đôi,
Trổ sinh một bọc trăm trai khác thường.
Xưng Hùng Vương cha truyền con nối,

10- Mười tám đời một mối xa thư,
Cành vàng lá ngọc xởn xơ,
Nước xưng một hiệu năm dư hai nghìn."[2]

Đến thế kỷ XVII, Kinh Dương Vương đã chính thức được văn hóa dân gian đưa vào thờ làm vị thủy tổ trong đền ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh (ngày nay). Năm 1840, đền cho dựng bia đá "Kinh Dương Vương lăng". Năm 1940, đời vua Bảo Đại, đền làm thêm hai đại tự "Nam Tổ miếu" và "Thần truyền thánh kế". Năm 2000, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã về thăm đền và để lại bút tích gợi ý tỉnh Bắc Ninh có đề xuất lên trung ương nâng cấp cơ sở thờ tự của tổ tiên. Năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã đến thăm đền và để lại những lời kỷ niệm sâu sắc về cội nguồn dân tộc[3]. Năm 2012, các tác giả Trần Quốc Thịnh, Đỗ Văn Sơn, Biện Xuân Phẩm đã xuất bản cuốn sách “Nam Bang Thủy Tổ Kinh Dương Vương” - Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Sách tập hợp các tư liệu từ “Đại Việt Sử ký toàn thư”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Thủy Kinh chú”… từ các truyền thuyết, văn bia, thần phả, thần tích cũng như công trình nghiên cứu, tham luận của các học giả, nhà sử học. Ngày 25 tháng 2 năm 2013, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lễ hội kỷ niệm 4892 năm Đức thủy tổ khai sinh mở nước. Đến dự lễ khai hội có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành, tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, dự án có tổng diện tích gần 40ha, gồm không gian bảo tồn di tích, không gian phát huy giá trị di tích, không gian quản lý và dịch vụ phụ trợ, với nguồn vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng[4]. Như vậy, sau nhiều trăm năm tồn tại, tín ngưỡng thờ Kinh Dương Vương đến nay đã chính thức được sự đồng thuận của nhà nước. 

Kinh Dương Vương- từ nhân vật của truyện truyền kỳ Trung Hoa

Tuy nhiên, như ngay ở đầu bài viết, chúng tôi có ý nghi vấn rằng, Kinh Dương Vương chưa chắc đã là một nhân vật lịch sử có thật, mà có thể đó chỉ là một sự nhầm lẫn của Ngô Sĩ Liên khi ông đã sưu tầm một câu chuyện văn học để mở đầu cho một công trình sử học của nước nhà. Chứng cớ nào đề chúng tôi có thể đi đến nghi ngờ như vậy?

Chứng cứ nằm ngay trong Toàn thư, sau khi viết về lai lịch, cuộc đời của Kinh Dương Vương, Ngô Sĩ Liên đã viết: “Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi”[5]. Nhưng chúng ta còn thấy chuyện này được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái (một tác phẩm văn học sưu tầm những chuyện quái dị ở Lĩnh Nam) của Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV?)[6], rồi sau đó lại được sao chép nguyên vẹn vào trong thần tích của Mẫu Thoải tại Tuyên Quang[7].

Cần nhắc lại ở đây ghi chép về nguồn Đường kỷ của Ngô Sĩ Liên là một gợi ý hữu ích cho những người nghiên cứu sau này. Từ gợi ý đó, một số học giả đã tìm ra cả chục văn bản văn học Trung Quốc có chép câu chuyện này. Lần xa hơn nữa, các học giả đều thống nhất cho rằng, truyện Kinh Dương Vương có sự sao chép từ tiểu thuyết Liễu Nghị truyện (柳毅傳) do Lý Triều Uy sáng tác vào đời Đường[8]. Truyện có thể tóm tắt như sau: Liễu Nghị là một nho sinh thi trượt, trên đường gặp một thiếu phụ chăn dê xinh đẹp nhưng dáng vẻ tiều tụy. Người phụ nữ ấy nói rằng mình là con gái của Long Vương ở hồ Động Đình, vốn lấy con trai thứ của Kinh Xuyên, nhưng bị bạc đãi, bắt đi chăn dê, nên muốn nhờ Liễu Nghị chuyển thư đến cho cha để báo tình cảnh của mình. Liễu Nghị đem thư xuống Long cung. Em trai Long Vương là Tiền Đường giận quá nên giết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu về, rồi định gả cho Liễu Nghị. Nghị từ chối, xin về, được Long vương ban cho nhiều vàng bạc châu báu. Sau Liễu Nghị lấy vợ, lần nào lấy xong vợ cũng chết. Con gái Long Vương thấy vậy bèn nhớ lại duyên cũ, muốn báo đáp bèn hóa làm người con gái xinh đẹp mà lấy Liễu Nghị làm chồng. Sau hai vợ chồng đều thành tiên[9].

Liễu Nghị truyện” được coi là một truyện truyền kỳ sớm nhất của Trung Quốc. Từ cuối đời Đường, truyện được lưu hành rộng rãi trong dân gian. Đến thời Tống trở đi, truyện Liễu Nghị được Thượng Trọng Hiền chuyển thể sang kịch bản tạp kịch với tên “Động Đình hồ Liễu Nghị truyền thư[10]. Liễu Nghị đã trở thành một tích truyện rất được ưa thích trong văn hóa diễn xướng của người Trung Quốc. Hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng đã ra đời, như nhà Tống có Liễu Nghị đại thánh nhạc, nhà Kim có Liễu Nghị truyền thư của Gia Cùng Điệu, triều Nguyên có Liễu Nghị Động Đình long nữ (Nam hí), thời Minh Thanh có Quất bồ ký của Hứa Tự Xương, Long tiêu ký của Hoàng Thuyết, Long cao ký của Dương Ban, Thẩn trung lâu của Lý Ngư, Thừa long giai thoại của Hà Phủ[11].

Cho đến nay, Liễu Nghị truyền thư (còn có tên Thủy tinh cung, Liễu Nghị kỳ duyên) vẫn được người Trung Quốc coi như là một kịch mục kinh điển của hý kịch Trung Hoa. Từ năm 1952, vở kịch này đã nhiều lần được dàn dựng bởi các đạo diễn khác nhau, số lần trình diễn có lẽ là khá nhiều, hiện chưa thể thống kê hết được[12]. Không những thế, tích truyện này đang có xu hướng được áp dụng sang các hoạt động văn hóa khác hiện nay ở Trung Quốc. Ví dụ, người ta lấy đề tài này làm tranh khắc ván, thư họa truyền thống (thủy mặc).

Ngày 17 tháng 7 năm 2004, Bưu cục Quốc gia Trung Quốc đã phát hành seri tem “Dân gian truyền thuyết- Liễu Nghị truyền thư”, gồm 4 con tem với 4 hoạt cảnh: “Long nữ gửi thư”, “Thư gửi Động Đình”, “Cốt nhục đoàn tụ”, và “Nghĩa trọng tình thâm”[13].

Và những nhận định của sử gia đời sau

Đến đây có thể nhận định về nguồn gốc của các mô típ, các nhân vật, cũng như địa danh trong truyện Kinh Dương Vương được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Ngô Sĩ Liên đã tình cờ đem một số chi tiết của truyện Liễu Nghị để ghép với các huyền thoại khác như Lạc Long Quân- Âu Cơ, và coi đó như là nguồn gốc khởi đầu cho sự xuất hiện của Hùng Vương- cái triều đại mà người Việt ngày nay coi như là lịch sử đích thực của mình. Nhưng, với một tác phẩm có ảnh hưởng lớn như vậy, các nhà Nho Việt Nam trong nhiều thế kỷ hẳn cũng phải biết đến. Bằng chứng là nhà thơ nổi tiếng Thái Thuận (Tiến sĩ 1475) cũng đã sáng tác bài thơ Liễu Nghị truyền thư. Nhưng đó là chuyện của văn học.

Còn với tư cách là những người viết sử, không ít sử gia thời Trung Đại đã phản đối cách lắp ghép của Ngô Sĩ Liên. Đầu tiên, phải kể đến những nhận định của Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử kí tiền biên. Ông viết: “Nay xét phần Ngoại kỉ chép: Năm Nhâm Tuất thì bắt đầu Giáp Tí là năm nào? Ghi chép tên húy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân sao riêng lược bỏ Hùng Vương? Thời Ngũ Đế trở về trước thì chưa từng gọi là vương. Xích Quỷ là tên nào, mà lại để làm tên nước. Một loạt hoang đường càn rỡ đều là đáng bỏ đi. Cái lỗi ấy là tại kẻ hiếu sự thấy trong Liễu Nghị truyền thư. Trong truyện nói con gái vua Động Đình gả cho con thứ của Kinh Xuyên Vương, tưởng càn Kinh Xuyên là Kinh Dương. Đã có vợ chồng thì có cha con, vua tôi, nhân đó mà thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua, nhà làm sử theo đó mà chọn dùng, và cho đó là sự thực.Phàm những chuyện lấy từ Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, cũng như Bắc sử lấy ở Kinh Nam Hoa và thiên Hồng Liệt đấy.”[14]

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1856 - 1883) viết: “Vâng tra sử cũ, danh xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong ‘Kỉ họ Hồng Bàng, vốn từ thời Thượng cổ, thuộc thuở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy, lại phụ hội với Liễu Nghị truyện của nhà viết tiểu thuyết đời Đường, lấy đó làm chứng cứ[15] . Chuẩn tâu những lời của sử quan, vua Tự Đức đã nhận định đây là những “câu truyện đề cập đến ma trâu, thần rắn, hoang đường không có chuẩn tắc” và kiên quyết loại Kinh Dương và Lạc Long ra khỏi chính sử bằng cách đưa xuống phụ chú dưới niên kỷ Hùng Vương, để “cho hợp với cái nghĩa lấy nghi truyền nghi”[16].

Qua những trình bày ở trên, độc giả đã phần nào mường tượng ra con đường thu nhận biến đổi tích truyện từ truyện Liễu Nghị đến truyện Kinh Dương. Đây sẽ là những tư liệu thú vị để nghiên cứu về tiếp xúc văn học văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa. Đồng thời cũng là “mẫu sử liệu” thú vị cho giới nghiên cứu khám nghiệm và giám định. Đến đây, chúng tôi xin mượn lời của giáo sư Liam Christopher Kelley (Đại học Hawaii) để kết thúc bài viết này: trải qua nhiều thế kỷ, những truyền thống mà họ [các sử gia] sáng tạo đã trở thành cái tự nhiên thứ hai (second nature). Thực tế, trong nửa thế kỷ qua, dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, những truyền thống được sáng tạo ấy (invented traditions) đã và đang trở thành những sự thực không thể thay đổi[17].

Trần Trọng Dương

[1] Chính Hòa thứ mười tám (1697). Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản. Bản khắc in. Bản dịch. 1998. Tập 1. Ngô Đức Thọ dịch chú, Hà Văn Tấn hiệu đính. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.131-133.
[2] Trịnh thị. (1624-1657). Thiên Nam minh giám. tr.4a. (Thư viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh , ký hiệu HNv.006) trang 1a. Tham khảo phần phiên khảo của Hoàng Thị Ngọ, (1994). Nxb Văn học. Hà Nội.

[3] Thọ Bình - Bá Kiên. Đầu năm thăm lăng Kinh Dương Vương ( ông nội vua Hùng ). Theo tienphong.vn


[4] Việt Cường. Bắc Ninh khai hội Kinh Dương Vương. http://vtv.vn
[5] Chính Hòa thứ mười tám (1697). Đại Việt sử ký toàn thư. sdd. tr.133.
[6] Trần Thế Pháp. (XIV?). Lĩnh Nam chích quái. ký hiệu. A.1200 (Viện NC Hán Nôm), tr.4a-4b.
[7] Nguyễn Thanh Tùng. 2010. Giao lưu tiếp biến văn hoá Trung - Việt trong lịch sử: khảo sát sự tiếp nhận tích truyện Liễu Nghị truyền thư ở Việt Nam thời trung đại. Hội thảo Quốc tế giao lưu Văn hóa Việt Nam Trung Hoa. Tp Hồ Chí Minh.
M. Durrand. 1959. Technique et Pantheon des médiems Vietnamien. BEFEO. Vol.XLV, Paris. [chuyển dẫn Ngô Đức Thịnh. 2009. Đạo mẫu Việt Nam.(Tập 1) Nxb Tôn giáo. Hà Nội. tr.63- 64.
[8] Tiền Chung Liên vcs (tổng chủ biên). tb2000. Trung Quốc văn học đại từ điển (thượng). Thượng Hải từ thư xuất bản xã. Thượng Hải. tr.277.
[9] Tiền Chung Liên vcs (tổng chủ biên). tb2000. sdd. Tr.409.
Bản dịch tiếng Việt có thể tham khảo : Lí Triều Uy, Liễu Nghị truyện, Xuân Huy dịch, in trong “Tuyển dịch một số truyện truyền kì ưu tú thời Đường Tống”, Tạp chí Hán Nôm1990. – Số 2 (9). - Tr.90-109.
[10] Tiền Chung Liên vcs (tổng chủ biên). tb2000. sdd. Tr. 831.
[11] Tiền Chung Liên vcs (tổng chủ biên). tb2000. sdd. Tr. 831.

[12] Quý vị có thể copy chữ Hán “柳毅传书” xem các trích đoạn vở kịch này trên http://www.youtube.com

[14] Ngô Thì Sĩ (soạn), Ngô Thì Nhậm (tu đính). 1800 (khắc in).Đại Việt sử ký tiền biên. Bắc Thành học đường tàng bản. Ký hiệu A2/2-7. Lê Văn Bảy, Dương Thị The, Nguyễn Thị Thảo, Phạm Thị Thoa (dịch), Lê Duy Chưởng (hiệu đính). Nxb KHXH.H.1997. tr.40.
[15] Quốc sử quán triều Nguyễn (1856 - 1883), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển I, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: R.591, tờ 4a- 5b.
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn (1856 - 1883), sdd. R.591, tờ 9b-10a.
[17] Liam C. Kelley. The Biography of the Hồng Bàng Clan as a Medieval Vietnamese Invented Tradition. Journal of Vietnamese Studies Vol. 7, No. 2 (Summer 2012), p. 122.

* Bài đã đăng trên Tia Sáng

Phần nhận xét hiển thị trên trang