Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Người Việt “khoe hàng” từ bao giờ?



Khi các giáo sĩ phương tây sang Việt Nam truyền đạo vào đầu thế kỷ XVII, họ rất ấn tượng với tổ chức gia đình, tục thờ cúng tổ tiên, và nền nếp Nho giáo của làng.

Họ nhận thấy cấu trúc gia đình Việt ràng buộc bởi những chuẩn mực đạo đức được chấp thuận rộng rãi (đạo lý), rằng người đứng đầu gia đình có thẩm quyền giải quyết mọi xung đột bên trong gia đình…

Gia hiến, gia giáo xưa

Alexandre de Rhodes cho rằng một hệ thống (đạo lý) như vậy nếu có ở châu Âu sẽ làm giảm đi tới ¾ số vụ kiện. Những người (Việt) giàu có nhiều vợ và cha mẹ nghèo phải bán con để trả nợ, nhưng gắn bó về (tình cảm và) nghĩa vụ cha con, anh chị em trong gia hệ là vô cùng bền chặt (theo Rome và các sứ mạng truyền giáo, tác giả Chapoulie). 
Nhưng nếu như ở Nhật hơn trăm năm trước, kẻ cắp bị chôn sống cùng với… cả họ (từ Việt: “cả lò”) nhà mình, kể cả đứa bé nằm trong bụng người con dâu, thì ở Việt Nam, hình phạt gọt đầu bôi vôi dành cho phụ nữ có hoang thai.

< Nữ sinh Huế xưa.

Và khoe thân xác, khác với ở châu Âu lúc đó đã có thể xem như “tốt đẹp bày ra”, những cặp ngoại tình Việt tới giữa thế kỷ XX, nếu bị phát hiện, vẫn có thể phải chịu hình phạt lột trần như nhộng giữa làng, rồi trói lên bè chuối thả trôi sông… Họ khó có hy vọng được ai cứu.
Thách thức đầu tiên về một hình tượng “nuy”, nhưng kiểu Tây, có thể là Đấu xảo (Triển lãm thuộc địa) năm 1902. Theo tác giả Jean Ajalbert trong Những định mệnh của Đông Dương (Les destinées de l’Indochine, xuất bản 1911), trong gian Mỹ thuật nước Pháp, đã có cả đám người đứng ngẩn ra, hoặc ngượng ngùng che miệng cười trước tấm hình khoả thân, “Người Annam xem ra còn chưa biết tất cả những gì là cơ thể phụ nữ…”. Thời đó, phụ nữ Việt mặc áo cài tới tận cổ và gấu quần phải chấm mắt cá chân.

< Cô gái xưa bên gian hàng gỗ.

Nhưng tệ nạn DAI BAY (đi vệ sinh ở nơi công cộng) thì cho tới hôm nay vẫn còn dai dẳng, cho dù nó thể hiện chủ yếu ở đàn ông. Người nước ngoài cho tới hôm nay vẫn không “tiêu hoá” được sự công khai và tuỳ tiện này của các công tử “Hà lội”, ở nhiều góc phố tại Thủ đô văn hiến.

Ràng buộc bởi tập quán

Trong tiến trình “Mỹ hoá” ở miền Nam Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ II, các tác giả phương Tây vẫn muốn chỉ rõ sự khác biệt giữa “gái ba” ở các đô thị, và phụ nữ Việt Nam.

Tác giả Richard West trong Thắng lợi ở Việt Nam (Victory in Vietnam) viết rằng không mấy phụ nữ Việt nam, kể cả những ai học tiếng Anh, chấp nhận “lối sống Mỹ”.
West viết:“Phái nữ Việt không hút thuốc, hoặc uống rượu; họ trinh trắng, tiết hạnh; khi khiêu vũ, họ muốn nhảy các điệu tango, rumba cổ, hay foxtrots, hơn là uốn éo một cách lười nhác theo cách mà hiện nay người Mỹ gọi là nhảy (dance). Tất cả những phụ nữ Việt đều nhất quyết mặc áo dài.

Khi tạp chí Playboy ra một số báo về phụ nữ châu Á, trong khi đại diện của nước khác ở châu này hoặc khoả thân, hoặc nửa khoả thân, một phụ nữ Việt Nam (được chụp) vẫn mặc áo dài, kín cổ, dài tay, và chấm đến đầu gối.
< Nét đẹp của phụ nữ Hà Nội xưa.

Sau sự kiện này, diễn viên điện ảnh Kiều Chinh (được thể hiện mặc áo dài dân tộc trên Playboy) nói rằng cô ta đã giận dữ khi thấy ảnh mình xuất hiện cùng trang với các phụ nữ (nước khác) không mặc quần áo. Cùng kỳ với hàng ngàn phụ nữ Việt làm gái mại dâm cho lính Mỹ, Playboy đã không thể thuyết phục được một diễn viên, một người mẫu, hoặc một nữ thư ký người Việt nào thoát y.

Người Việt bảo thủ về trang phục đến mức đề xuất làm trễ cổ áo dài xuống một inch sẽ làm nổ ra một cuộc tranh luận tương đương với tranh cãi ở phương Tây về áo tắm không có nửa trên (topless swim – suit)… Các tranh luận vẫn tiếp tục, nhưng (tới năm 1974), vẫn chưa hề có đề xuất rằng người Việt sẽ chuyển sang mặc các trang phục phương tây”.
< Phụ nữ Thượng trong lễ hội.

Kín là thật kín, tuy nhiên vẫn có nhiều ngoại lệ: phụ nữ người vùng cao ngày xưa vẫn thật tự nhiên ở trần trong công việc hàng ngày hoặc khỏa thân hoàn toàn khi tắm suối. Thậm chí  tại nhiều làng mạc ngày xưa: người ta vẫn vô tư thoát y cạnh giếng nước chung để tắm gội và cho rằng đó là việc rất tự nhiên - người lạ đến, cũng tắm nhưng mặc quần đùi... mới là điều bất thường!

Mà không phải chỉ vùng xa, tại thành thị vào thời Pháp thuộc cũng có những cô gái hơ hớ tuổi xuân khỏa trần tắm sông hay làm mẫu chụp ảnh. Vậy nên ngày nay mới có những cuộc triển lãm ảnh - bưu thiếp xưa về những khía cạnh khác nhau về đời sống và con người thuộc thế hệ cha ông mình từ hơn một thế kỷ trước.
Ví dụ như lần triển lãm tại Hà Nội cùa nhà sưu tập bưu ảnh nổi tiếng người Pháp Philippe Chaplain (của nhiếp ảnh gia người Pháp Pierre Dieulefils - 1862-1937) với những hình ảnh và bưu thiếp những người phụ nữ Việt Nam khỏa thân trong nhiều tư thế, dáng điệu, bối cảnh và cách phục sức khác nhau.

< Người xưa vẫn vô tư tắm giặt.

Hoặc như lần triển lãm ảnh “Ký ức Hà Nội xưa” tại chợ Hàng Da cũng là một cơ hội để người Hà Nội được nhìn lại những hình ảnh về thiếu nữ Hà Nội trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, trong đó cũng có nhiều tấm ảnh khỏa trần.
Nhưng đa phần: sự kín đáo thì phụ nữ VN ngày xưa vẫn kề cận đầu bảng trong quan niệm Á Đông.

Thần “đô la” giáng thế

Tuy nhiên, chỉ thế hệ tới lúc đó đã trưởng thành có cơ đứng vững. Từ năm 1965 chính quyền VNCH cho phép các giải trí trường kinh doanh nghề mại dâm. Nghề tú bà, ma cô từng hình thành từ thời quân đội viễn chinh Pháp, nay công khai phát triển.
Cùng với sự xuất hiện của đồng đô la, lan tràn các quán rượu kiểu Mỹ, hộp đêm, nhà chứa, phòng tắm hơi…

< Vì đô la (ảnh minh họa).

Tại đây công khai trao đổi xác thịt, kể cả kiểu đồng tính, mãi xoá đi những điệu vũ thướt tha và chuyện tình “dị chủng” vụng trộm, hoa lá cành kiểu Pháp, tự truyện Continenetal Saigon (xuất bản 1976) của chủ cũ của Hôtel Cotinental đổi phận thành nhà văn Phillippe Franchini, than thở.

Nhưng tìm gạch nối cho hai phong cách ăn chơi Pháp và Mỹ đâu có thiếu. Chẳng hạn, các quán ba có nhảy go – go khá phổ biến ở miền Nam Việt Nam. Đây là điệu nhảy à gogo tiếng Pháp, có nghĩa là (chơi) hết mình, thoải mái (abudance, galore). Vũ nữ có khi mặc hai mảnh, thậm chí một mảnh (topless).

< Một quán bar ở miền nam thời tạm chiếm.

Theo báo Tiền tuyến, Sài Gòn 11/12/1969 nửa triệu lính Mỹ, như trên trời rớt xuống, tiêu tới 30 triệu USD/tháng (tính trượt giá - khảng hơn 200 triệu USD hôm nay). Đây là hiện tượng được các cơ cấu đánh giá thời cuộc của chính quyền Sài Gòn cho là đã làm “thay đổi bộ mặt xã hội miền Nam”, khi một bộ phận dân cư làm “dịch vụ” tại những nơi quân đội nước ngoài trú đóng kiếm tiền “dễ dàng” hơn .

Trong những thay đổi lớn nhất chắc phải kể đến nhân sinh quan. Từ nay, sắc đẹp, kể cả nhờ đồng tiền (mỹ viện), là “tư bản”, xác thịt là hàng hoá. Khoe xác thịt là quảng cáo, là show hàng. Rải rác trong lưu trữ của Mỹ là các tin, ảnh về “thoát y phục vụ binh lính Mỹ” thời tạm chiếm.

Nhảy với… thần chết
Dịch vụ giải trí, theo các tác gia phương tây, là điểm nhấn của hoạt động kinh doanh ở miền Nam thời tạm chiếm. Nhưng nó còn là sự vỡ oà về nếm trải lạc thú theo kiểu yến tiệc trong nguy nan của cả một số người Việt, như chiêm nghiệm cảm giác mạnh một cách “sành điệu”.

< Một ban nhạc rock ở Biên Hoà thờii tạm chiếm.

Cuốn “Cuộc chiến của Australia ở Việt Nam” (Vietnam The Australian war, NXB Happer Collins, 815 trang), tác giả Paul Ham đã dành cả một chương mang tên “R&R” (rest and relaxation) để nói về nghỉ ngơi - giải trí của quân đội viễn chinh phe Mỹ tại Nam Việt Nam. Sách có đoạn viết về Sài Gòn những năm cuối thập kỷ 60: “Bên những đại lộ lớn, rợp bóng những hàng cây, cánh nhà giàu Việt Nam mở những tiệc tùng phô phang, đàng điếm, với sò huyết, rượu Pháp, gan ngỗng (foie gras), và trứng cá ngập bàn, trong khi dân đen chui rúc trong những ổ chuột dựng từ vỏ hộp Coke đập bẹt, trệu trạo nắm cơm chim.

Bên bờ sông, rạp Majestic và khách sạn Continental, công trình rập khuôn theo thềm lục địa (Continental Shelf), vẫn còn khét mùi của mốt “nhái” theo Pháp (faux - French) đã suy tàn. Chúng là sân chơi của trác táng thâu đêm, với vài xen có thể mua nổi cả một bạn nhảy tango. Tình dục, á phiện, cờ bạc, nhảy đầm và rock’n roll được xài dữ, theo phong cách Hoàng đế Xê za. ‘Tiệc tùng, yến ẩm, hội hè liên miên’, một nữ y tá người Úc thốt lên, ‘cả Sài Gòn như đều ngấu nghiến những thời khắc mông muội giát vàng của cái thành phố hoang dâm vô độ này, dù vẫn cảm nhận được rằng ngày tận diệt (apocalypse) đã cận kề’.
Được bộ máy chiến tranh của Mỹ tài trợ, mọi thứ thú vui đã xả láng đến mức khản giọng. Nam Việt Nam đã có một quá khứ đủ hùng hậu để làm hài lòng ông chủ Mỹ theo cung cách chợ đen, với hối lộ, đút lót là luật chơi phổ biến…”

Các tác giả phương Tây cho rằng dịch vụ thoát y là cung xuất hiện đáp ứng nhu cầu thanh toán được của các cụm quân viễn chinh. Vẫn theo Richard West, người Mỹ nhận thấy phụ nữ Việt “vụ lợi và có khuynh hướng thương mại (mercenary and commercially minded)”.

Tác giả Paul Ham kể “một vũ nữ ‘hàng ngoại’ (exotic) đến ‘khoe hàng’ (strutted her stuff) trên sân khấu ở trại lính Úc (ở Việt Nam). Đột nhiên, cô gái Việt nhỏ nhắn này giật bỏ cái xu chiêng rồi cưỡi lên vai một cảnh sát chiến đấu to như bò mộng, ngả người ra đằng sau hắn, và bắt đầu làm tình giả vờ với cái cổ của tay MP này... Đám đông lính tráng sôi lên, chồm lên phía sàn diễn, để rồi bị cảnh sát chiến đấu và ‘các cha tuyên uý giận dữ’ chặn đứng”.
< Thoát y vũ trong một căn cứ Mỹ tại Đà Nẵng, 1967.

Mới biết một tập thể, từng được dạy dỗ cả về tình dục học và kỹ năng sống, vẫn phải được canh giữ về phần xác, bởi cảnh sát vũ trang, và phần hồn, bởi các linh mục khổ hạnh. Nhưng đám đông lính tráng vẫn “nóng máy”, đến mức súng đạn đã nhiều lần nổ trong các sô diễn này. Truyền thông phương Tây cho hay diễn viên Cathy Wayne đã thiệt mạng trong một vụ như vậy ngay trên sàn diễn.

Năm 1975, Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Nam Việt Nam trên những chiếc trực thăng cuối cùng. “Người Mỹ ra đi, nhưng đồng đô la ở lại”, truyền thông Pháp chiêm nghiệm. Ai đó vẫn tìm cách show hàng không vì nghệ thuật đâu, chủ yếu vì tiền xanh thôi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quê Choa: 'Mỹ đứng sau việc thả Phương Uyên'

Quê Choa: 'Mỹ đứng sau việc thả Phương Uyên': Trần Đông Đức   Đại sứ David Shear trao đổi với cử tọa tại cuộc trao đổi Trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng Việt Nam tại tư gia của b... Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đăng tiếp "Cục gạch"

      ..Bạn hắn đang mắc kẹt giữa “Cơm” và “Phở”. Không biết thông tin rò rỉ từ khâu nào? Kỳ này “Cơm” quyết giành lại chủ quyền của mình bằng được. Bằng bao vây, bằng cấm vận.. Bằng đủ mọi thứ để đi đến chấm dứt hợp đồng hai mang mà “cơm” luôn chiếm ưu thế!
“Phở” đang thời kỳ có nhiều bức súc cả về vật chất và tinh thần. Nếu bạn chậm chân, tuyệt tình là điềm báo trước.
Một nhà thơ vốn khéo léo, giỏi giang. Một thương gia gỏi maketstinh như bạn chưa có phương cách gì?
Người ta dù khôn ngoan, lọc lõi đến đâu vẫn cứ hay mắc phải tình trạng lúng túng “dao sắc không gọt được chuôi”. Vẫn phải cầu cứu đến từ bên ngoài. Thế là bạn nghĩ ngay đến Nỗ. Một thằng bạn ngay từ lúc sinh ra đời, chả hiểu thế quái nào cha mẹ lại đặt tên là Nô. Nghĩa tiếng Anh hay tiếng Việt chưa kịp hỏi thì cụ thân đã qua đời.
Từ ngày tham gia vào “trường văn trận bút” này, Nỗ mới thêm dấu, để “nỗ lực không ngừng”. Thành thử cái tên, nhiều khi cứ ám vào chân mệnh. Gặp không ít rắc rối vì sự cả nể, lụy người!
Đấy là lý do cốt lõi của cuộc gặp gỡ những văn nhân, thơ khách của Hà thành.
Nếu mà Nỗ có “bộ lọc sóng ý thức” như triết gia kia nói, hắn ta đã không vướng phải rắc rối trong “cuộc chiến giữa cơm và phở” của bạn.
Cái đầu chưa được khai hóa của hắn thật là chưa bằng cục gạch.
Chưa có giá trị gì.
Sau đấy Nỗ tự nguyền rủa mình như thế.
Nỗ đã trở nên “đồng sáng tạo” một cách vô tình. Hắn chẳng thể ngờ chi mưu vặt vãnh ấy không qua mặt được “cơm”nhà bạn!
Sáng hôm sau hai chàng đánh xe lên đường.
Bạn cảm động và ân cần hơn hẳn mọi khi. Hai người chia tay  bồi hồi xao xuyến cách nhà mươi cây số, bạn lên đường tìm “phở”. Nỗ mang cái đầu cục gạch về quê và yên trí chẳng xảy ra chuyện gì.
Còn “tự sướng” bởi ý nghĩ là đã giúp được bạn một việc có ý nghĩa. Thế mới đểu và đau!
Hắn không ngờ buổi tối hôm đó “Cơm” thông báo một tin.. nghe xong “buồn hết cả các cơ quan đoàn thể”. Mạng lưới thám tử mà “cơm” dày công đã vô hiệu hóa duyên cớ của hai chàng!
Chưa bao giờ Nỗ cảm thấy xấu hổ, tự ngượng với bản thân như lúc này.
May mắn duy nhất của cuộc tái ngộ hàn huyên với bạn vàng chỉ còn lại tập thơ của người đẹp mới quen. Thêm cuốn sách thuyết “Tâm vũ tru”, “sóng ý thức” và hướng dẫn “thiền toán học” còn rất mới mẻ, khó hiểu kia.
Những thứ đó thực sự chưa thể giúp được Nỗ gì trong lúc này.
Tâm trạng hắn càng thêm bất an. Một nỗi lo lắng, ân hận mơ hồ nào đó choán ngợp tâm trí, khiến cho từng nano giây tồn tại của hắn trên thế gian này thêm nặng nề. Còn cảm thấy đau tê tái nơi buồng tim, cuống phổi chẳng rõ nguyên do?
Tất cả chỉ tại cái cục gạch hắn mang trên cổ mấy mươi năm nay. Hình như đang bắt đầu ngấm nước, mọc rêu và sắp vỡ vụn ra vậy.

Về đến nhà. Lại thêm chuyện nữa khiến Nỗ giận “Cục gạch”của mình.
Nhà cửa bề bộn. Rác rưởi quanh nhà. Con chó Bon không thấy đâu ( đến tối mới biết bọn nghiện đã câu nó mất từ sau khi Nỗ vắng nhà hai hôm ).
Trần lưng ra dọn. Mệt. Cảm giác chán nản.
Đúng lúc ấy hai bố con lão hàng xóm sang. Lão bảo: “Chờ mãi chú mới về”. Hỏi. Lão lại nói:
” Cũng không có gì lớn. Chẳng là chỗ giáp gianh hai nhà, bên này hụt mất một tý. Chú rộng rãi chả đáng gì mấy phân đất, cho cháu cơi thêm xây cái móng, để nó khỏi méo”.
Tấc đất tấc vàng, lão nói cứ như đùa!
Chẳng hiểu sao, “cục gạch” của Nỗ vận động thế quái nào, hắn lại pha trà mời hai bố con uống nước. ( Có lẽ nào mới ít phút ngồi gần Nỗ đã bị ảnh hưởng do “bộ lọc” của tay triết gia dở người kia?? )
Lão hàng xóm có dịp “ôn cố tri tân”. Nhắc lại chuyện ngày xưa bà mẹ hắn mới chân ướt chân ráo lên đây. Bà mẹ lão san sẻ, đỡ đần người mới tới như thế nào?
Nỗ cảm động. Cục gạch của hắn chúa là hay mủi lòng. Nhớ đến chuyện “biết ta biết người”.

Lượn vài vòng câu chuyện thủa hàn vi, hàng xóm trở lại chuyện ban đầu. Lão bảo: “ ý chú thế nào? Tiền nong nếu phải bao nhiêu để bên này lo?”.
Đất cát người ta mua, bán thửa, bán sào, bán mảnh. Ai bán vài phân bao giờ? Thế là xong. Hai bên vác cọc ra cắm lại.
Chẳng qua cũng chỉ là nửa bước chân. Chẳng giàu nghèo gì. Cục gạch của Nỗ nghĩ như thế.
Nỗ không ngờ cách đơn giản trở thành nông nổi ấy của mình lại tự đưa cuộc tranh đấu từ đẩu từ đâu, từ bên ngoài vào nhà mình.
Buổi tối hôm ấy cơm chẳng lành canh chẳng ngon.
Văn sĩ Nỗ bực không nuốt nổi bữa cơm. Thị vợ cứ như vừa mất Hoàng xa, Trường xa ngoài cửa bể, um xùm cả nhà.
Nhân dân vợ ngày thường nhu mì, hiền thục như thế bỗng chốc nổi “hào khí Đông A”, sống chết không chịu! Thế mới chối!
Nhân dân ấy bảo ngay ngày mai phải thu hồi lại dù nửa tấc giang sơn chủ quyền, quyết không chịu.
Không thể nghe hàng xóm ngon ngọt, mánh lới “bành” ra như thế được. Làm người phải có cái đầu chứ?
 Được đằng chân lân đằng đầu là thói xưa nay.
“Cho sói nhờ chân”, nhún nhường, trước sau gì nó cũng bước vào nhà.. chả lẽ đơn giản thế mà không nghĩ ra?
Cái đầu trên cổ để suy nghĩ hay chỉ là chỗ đội nón? Hay chỉ là cục gạch?
Nhân dân ấy nói thế làm sao mà cục tức không chèn lên cổ? Nuốt sao nổi được bữa cơm?

Đi nằm sớm. Nhưng mà nhắm mắt bỏ đấy. Trằn trọc chán mà không ngủ được..Con Thạch sùng tắc lưỡi trên trần nhà cũng làm sĩ khó chịu..
Chợt Nỗ nhớ đến câu chuyện của lão triết gia. Chỉ có cách ấy may ra mới giải quyết nổi những bức súc đang xảy ra trong gia đình này.. Để cái tổ uyên ương của hắn lại thanh bình, êm đềm như ngày nào, khi Nỗ chưa đi trại văn về..
Lão ý bảo đang nghiên cứu một thiết bị giống như con chíp trong máy điện toán. Một con chíp “hình tư tưởng” không nhìn thấy được gắn cho bộ não người. Con chíp này sẽ làm chức năng “lọc sóng ý thức”. Mà theo lão thì bộ não người “nếu không có sự hiện diện của sóng ý thức đã được sàng lọc, nó chẳng khác nào cái xơ mướp, không hơn không kém, hoặc chỉ như một mớ bòng bong ẩn chứa nhiều tai họa mà thôi”.
Ước gì đề tài ấy của lão không phải chuyện nhảm, viển vông mà là có thực. Sẽ bớt đi biết bao phiền toái vô cớ, những đau khổ không cần thiết cho thế giới này. Bớt đi những cục gạch vô giá trị như cục gạch của mình.
Bây giờ là thế kỷ nào rồi mà ước mơ như vậy, thực lòng Nỗ cảm thấy chơi vơi, mung lung quá!


========

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

CỤC GẠCH ( Tiếp theo..)

..Thì ra nhà hàng “cá heo” không phải chỗ nào khác, đối diện ngay bên kia đường. Chỗ một thời là nơi bán hàng cung cấp theo bìa, một nhánh của cửa hàng Tông Đản chuyên phục vụ cán bộ cao cấp. Thời buổi kinh tế thị trường, nó không cần đến nữa, được hóa giá, thành công ty cổ phần.
Vẫn nhà hàng ẩm thực. Khách cả tây lẫn ta chen vai thích cánh. Phía sau xe bốn chỗ xếp từng dãy dài.
Vị trí độc đáo này, bài trí sang trọng, nhưng cửa hàng không được rộng rãi như các nơi khác trong thành phố. Khách đến đây phần nhiều bặt thiệp, ít ồn ào như nhà hàng Nỗ đến nhầm chỗ vừa rồi.
Bạn vàng đang ngồi cùng mấy vị nữa, hai đàn ông và một thiếu phụ không còn trẻ. Họ đang đọc và nghe một bài thơ của thiếu phụ kia.
Màn giới thiệu.
Tòi ra một ông “triết gia” mới nổi ở Hà Thành.
Ông này vừa hoàn thành xong thuyết “Tâm vũ trụ”. Một chủ thuyết mới thách thức cả chủ nghĩa duy tâm và duy vật. Động chạm không chừa một ai. Kể từ chúa Jê su đến Đức Phật Thích Ca màu ni. Từ ông Kac Mac đến Hêgghen, Kan, Beccli, Stre.. Động chạm cả đến các nhà khoa học tự nhiên như Einstein, thuyết tiến hóa của Đac Uyn..
Một khái niệm mới về vũ trụ và xã hội loài người.
Tất tần tật bị xới lên, nhìn ngắm và giải thích lại..
Theo ông này “mọi hiểu biết về vũ trụ của loài người từ xưa đến nay, đều đáng vất đi cả”. Căn nguyên của mọi bất hạnh như chiến tranh, lạc hậu, khủng hoảng và đổ vỡ xã hội đều bắt nguồn từ sự “u minh”, chưa thông tỏ, thiếu giác ngộ của loài người.
Muốn loại bỏ những thứ đấy, con người cần phải có “bộ lọc sóng ý thức”, nâng cao chỉ số IQ và EQ của mỗi cá nhân.
Một ngày nào đó qua “thiền toán học”, sóng ý thức được sàng lọc một cách đầy đủ, thiên tài chỉ là thứ nằm trong túi áo của mỗi người.
Các phát minh khoa học, các giải Nô ben sẽ trở thành hiện thực nếu người ta muốn.
Các cuộc cách mạng, đấu tố, lật đổ, cải cách vv.. sẽ không còn cần thiết.
Con người sẽ nắm tay nhau cùng đến với thế giới của tình yêu và hạnh phúc mà không cần phân chia giai cấp chủng tộc!
Bao nhiêu vướng mắc, khó khăn, mâu thuẫn, phức tạp của cái thế giới bắt đầu xu hướng hỗn độn, suy đồi, đi dần tới bế tắc, tan giã này sẽ được giải quyết thật đơn giản. Chỉ cần “thiền toán học qua bộ lọc sóng ý thức”!
Thật điên rồ và cũng thật quyến rũ, rất cảm hứng và đầy thích thú. Pha chút lãng mạn tràn vào các giấc mơ của những kẻ luôn day dứt tâm can, thích tự làm khổ bản thân mình để tìm tòi, sáng tạo như Nỗ đây!
Mặc dù trong thâm tâm hắn vẫn thấy nó điên điên, rồ dại thế nào? Nhưng mờ từ xưa đến nay có ý tưởng vĩ đại nào lại không bắt đầu từ điên rồ và ảo tưởng?
Nó là cái gì vừa gớm giếc vừa lớn lao. Vừa Vĩ đại lại vừa đểu cáng, mang tính giả dối vì chưa được kiểm chứng qua thời gian thực tại.
Và đặc biệt nguy hiểm nữa, nếu người ta không đi tới thấu đáo, triệt để, minh bạch, chân chính và trung thành đến đáy không vụ lợi..

Nên khi bạn vàng giới thiệu hai người làm quen với nhau, Nỗ cứ có cái cảm giác rất khó tả về người này. Đây là một con người, một thánh nhân hay một tên hoang tưởng, một con bệnh tâm thần?
Dù sao cả hai vẫn ngồi xuống bên nhau, cùng cụng cốc bia to tướng giơ lên ngang mặt:
- Cái này hết, trăm phầm trăm!
Ực.
Nỗ chưa bao giờ uống bia như uống nước trong cơn khát thế này.
“Không nói chuyện chủ thuyết. Giờ là lúc nghe thơ”. Bạn vàng có ý đưa mắt nhìn cô nương đối diện với mình như để nhắc khéo.
Mực và tôm hùm được mang lên.
Thơ sĩ nữ sau màn hỏi thăm gia cảnh, sáng tác của Nỗ, liền rút bút ra đề tặng sách. Một tập thơ bìa dày, màu trắng nét chữ nhã nhặn như con người nàng.
Trong bị của Nỗ số đầu sách tăng thêm một cuốn nữa sau đợt đi “trại văn” này. Nỗ có xem qua đôi bài đầu tiên. Chả biết các bài sau thế nào, hắn có cảm giác tập thơ này của cô ả có thể nói từ “Được” trở lên. Có mấy câu hắn rất thích. Đại loại thế này:
“ Một người ngồi im như cây. Khát –
 Một người buồn theo như mây. Rát..”
Cho dù ý tứ nó thế nào hắn chưa ‘thụ” hết được.
Nói chung, thơ là phải thế. Càng khó hiểu càng đáng là thơ hay. Mốt thời đại, thơ không thế thì còn gì là thơ?


( Còn nữa.. )

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bản chất đa dạng của văn hóa

Trần Đình Sử

 
nay theo thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan Đảng,  Nhà nước ở địa phương cũng như Trung ương đang nhìn lại việc thực hiện 15 năm Nghị quyết trung ương 5 khóa 8 (1998), đánh giá các thành công và bất cập để rút kinh nghiệm. Tôi muốn nêu một nhận xét riêng. Nhìn chung, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân nói chung được tăng lên, internet mở thêm không gian cho đời sống tinh thần, một bộ phận nông thôn có diện mạo mới, nhiều di sản được tôn vinh, nhiều lễ hội được tổ chức hầu như liên tục, nhưng nhìn sâu vào xã hội thì ai ai cũng thấy văn hóa Việt Nam đang xuống cấp nghiêm trọng, mà còn đe dọa đi tới khủng hoảng.
Trong xã hội sự phân hóa gay gắt chưa từng có, chủ nghĩa cá nhân cực đoan hoành hành, lợi ích nhóm chi phối đời sống xã hội, các di tích văn hóa liên tục bị xâm hại, môi trường thiên nhiên bị phá hoại, quan hệ người với người  phổ biến là lãnh cảm. Trong xã hội, cái xấu, cái ác lên ngôi. Hình ảnh Việt Nam có nhiều điều phản cảm trong mắt bạn bè quốc tế. Văn hóa như thế có thể nói chẳng những chưa phù hợp với tiêu chí tiên tiến, mà cũng chưa đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nói về cơ bản, văn hóa Việt Nam thiếu hẳn sự đa dạng.

Sở dĩ thế là vì theo tôi, nghị quyết mang tính chất công thức, áp đặt, xa rời thực tế. Ở đây có nhiều điều cần được suy nghĩ, tuy nhiên ở đây tôi chỉ xin nêu một điểm. Điểm 3 trong 5 quan điểm lãnh đạo văn hóa của Đảng ghi: “Nền vǎn hóa Việt Nam là nền vǎn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.” Đa dạng về dân tộc, sắc tộc là đúng , nhưng đó chỉ là một nội dung quan trọng của đa dạng văn hóa. Bên trong văn hóa mỗi dân tộc cũng đa dạng. Ở đây chưa nói gì về đa dạng xã hội, về tôn giáo, tư tưởng, về các khuynh hướng tư tưởng, các trường phái, các trào lưu văn học nghệ thuật, các phong cách cá nhân. Mà không nói đến các phương diện đa dạng này thì chúng ta khó tránh việc xây dựng một nền văn hóa đơn nhất, đơn điệu theo mô hình xã hội chủ nghĩa của mình, do mình nghĩ ra, hạn chế sự đa dạng vốn có của nó. Nghị quyết cũng khẳng định sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, mà toàn dân là một thể rất đa dạng, không đơn nhất.
Năm 1995 Unesco công bố báo cáo về Tính đa dạng về sức sáng tạo của chúng ta, trong đó đề xuất quan điểm phát triển đa nguyên văn hóa, nhấn mạnh giao lưu đối thoại là nền tảng của cộng sinh. Theo Báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 15/5/2003 cho biết ngày 3/11/2002, Đại hội đồng UNESCO đã raTuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hoá, 188 nước tham dự đã kí, khẳng định, đối với nhân loại tính đa dạng văn hóa cũng giống như tính đa dạng trong giới tự nhiên là một điều kiện không thể thiếu để duy trì sự cân bằng của sự sống. Tính đa dạng là di sản chung của loài người. Ngày 9 tháng 12 năm 2005 Ủy ban Unesco Liên hiệp quốc lại họp đại hội lần thứ 33 kí Công ước bảo hộ và xúc tiến các hình thức biểu hiện văn hóa đa dạng, gọi tắt là Công ước về đa dạng văn hóa. (Convention on the Protection and Promotion of the Diversity of Cultural Expressions ).  Các văn kiện ấy đều nói lên tầm quan trọng của đa dạng văn hóa xét từ nhiều góc độ.
Không biết nước Việt Nam ta có tham gia kí kết các văn kiện ấy không, vì chúng tôi chưa tiếp xúc được với văn bản có các chữ kí ấy. Theo trích dẫn của tài liệu trên, ông F.Moyor, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, nêu định nghĩa văn hóa được nhiều nước chấp nhận là: “Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động đó hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu, những yếu tố các đặc tính riêng của dân tộc”. “Văn hoá nên được xem là một tập hợp các đặc điểm nổi bật về mặt tinh thần, vật chất, trí thức và tình cảm của xã hội hay một nhóm xã hội, và ngoài văn chương và nghệ thuật thì văn hoá còn bao gồm lối sống, cách thức cùng chung sống, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng”. “Đa dạng văn hoá hết sức cần thiết đối với nhân loại, tương tự như sự cần thiết của đa dạng sinh học đối với thiên nhiên”. “Bảo vệ đa dạng văn hoá là điều thiết yếu về mặt đạo đức và không thể tách rời sự tôn trọng phẩm giá con người”. “Các quyền về văn hoá được coi là bộ phận không tách rời của các quyền con người và là sự đảm bảo cho đa dạng văn hoá”. “Mọi người đều được quyền tiếp cận với đa dạng văn hoá” “Di sản dưới mọi hình thức phải được bảo vệ, phát huy và chuyển giao cho các thế hệ tương lai như là một hồ sơ lưu giữ kinh nghiệm và khát vọng của con người, nhằm khuyến khích tính sáng tạo ở mọi hình thức đa dạng của nó và thúc đẩy sự đối thoại thực sự giữa các nền văn hoá”. Các tư tưởng ấy cho thấy, trong xã hội hiện đại quan niệm giá trị của mọi người có xu thế đa nguyên hóa, các loại văn hóa tiêu biểu cho nhu cầu lợi ích của các quần thể khác nhau, vì thế mà văn hóa phát triển có diện mạo đa dạng. Các cá thể, các tầng lớp khác nhau, đoàn thể khác nhau, các lứa tuổi khác nhau cũng có các nhu cầu văn hóa khác nhau. Tính đa dạng văn hóa có hai tầng bậc, một là đa dạng trên phạm vi thế giới, đó là đa dạng về văn hóa các dân tộc. Hai là trong phạm vi một dân tộc văn hóa cũng đa dạng, không chỉ đa dạng về sắc tộc, mà đa dạng về các hình thức biểu hiện đa dạng theo các loại chủ thể. Văn hóa ngoại biên của các quần thể dân cư là biểu hiện nổi bất của tính đa dạng và hình thức biểu hiện trong một nền văn hóa dân tộc.
Có một câu hỏi thường được nêu ra là vì sao chúng ta chưa có các tác giả văn học, các học giả có tầm cỡ khu vực và thế giới? Trong khi đó nhiều người Việt lập nghiệp ở nước ngoài thì lại có khả năng trở thành tác giả lớn như Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Trịnh Xuân Thuận, Ngô Bảo Châu? Có thể nghĩ rằng những người đó, nếu ở trong nước chẳng những thiếu điều kiện cho các giải pháp lớn, thiếu không gian học thuật để cùng sáng tạo, mà về nghệ thuật, chắc chắn sẽ bị phê bình thế này thế nọ, không sát với hiện thực, không thể hiện nhân vật chính diện của thời đại ta. Có thể nghĩ rằng ở trong nước, chúng ta quen “suy nghĩ trong những điều đảng nghĩ”, các ý nghĩ khác đều bị coi là ngoài luồng, phi chính thống. Do vậy chỉ có Đảng là tác giả duy nhất, còn những người khác buộc phải ở vào địa vị, nói theo, nói dựa những điều đảng nghĩ thì mới có lí do tồn tại. Và như vậy là sẽ tự nguyện từ bỏ quyền trở thành tác giả của mình. Một đất nước mà về văn hóa chỉ có một tác giả thì tất nhiên là khó tránh nghèo nàn đơn điệu rồi. Tất nhiên văn học ta vẫn có nhiều người viết văn tài hoa, nhưng đó chủ yếu là hình thức, họ không có tư tưởng thật sự đặc sắc và bút pháp thực sự mới mẻ, hoặc nếu có thì không được thừa nhận. Tài năng của họ vì nhiều lí do mà không được đẩy lên tột độ, tột đỉnh. Nhà văn Nguyên Ngọc trong một bài báo ngắn gần đây nhắc lại lời của ông Trần Độ có nói, muốn có nhà văn lớn thì phải có trường phái mới. Đó quả thật là một tư tưởng sáng tỏ. Chùng nào chúng ta chưa thừa nhận sự đa dạng nhiều mặt của văn hóa như là bản sắc của nó, thì văn học chúng ta khó có đổi thay về chất. Một đặc điểm của các tác giả lớn là họ muốn đi con đường mới, con đường khác, con đường riêng so với con đường đã biết, mà một điều như thế rất khó khó thực hiện ở Việt Nam.
Coi trọng và bảo hộ sự đa dạng văn hóa thì phải thừa nhận văn hóa ngoại biên. Một quốc gia mà chỉ thừa nhận có văn hóa chủ lưu, đánh mất sự đa dạng văn hóa thì cũng có nghĩa là đánh mất năng lực sáng tạo mới của nền văn hóa. Một nền văn hóa đơn nhất, đơn điệu là không thích hợp với sự sinh tồn, phát triển của xã hội hiện đại. Mong rằng nhân dịp tổng kết này các nhà lãnh đạo của đất nước cần kịp thời rút ra kinh nghiệm cần thiết.
Hà Nội, ngày 15 tháng 7, bổ sung ngày 15 tháng 8 năm 2013
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Putin, một Sa hoàng mới

by David Uy
Vladimir Fedorovski
Russia's Prime Minister Vladimir Putin talks with local residents as he visits Verkhnyaya Vereya settlement, destroyed by summer wildfires, to inspect the course of construction of new houses in Nizhny Novgorod region
Lời người dịch: Vladimir Fedorovski là một nhà ngoại giao Liên Xô. Trong những năm 70, ông phụ tá Brejnev trong những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Ả Rập. Từ năm 1985 đến 1990 ông được cử làm cố vấn về ngoại giao cho Gorbatchev trong thời gian perestroika và glasnost. Năm 1990, bất đồng với chính sách tiền hậu bất nhất của Gorbatchev, ông bỏ ngoại giao, làm phát ngôn viên cho ” Phong trào Cải tổ Dân chủ “, chống lại cuộc đảo chính Cộng sản năm 1991. Năm 1995 ông lấy quốc tịch Pháp và trở thành một nhà văn viết tiếng Pháp xuất bản nhiều sách nhất ở Pháp. Sách ông được dịch ra 28 thứ tiếng. Ông mới xuất bản cuốn “Chuyện những Sa hoàng “. Trong cuốn này ông giải mã những bí mật của các vị vua chúa nước Nga thần thánh, bắt đầu từ Ivan người Khủng khiếp (Ivan le Terrible) đến Pie Đại đế, Catơrin đệ Nhị, Nicola đệ Nhị và người cuối cùng là Putin được ông coi là một Sa hoàng mới, người muốn làm sống lại nước Nga hùng cường. Trong cuốn sách này, ông Fedorovski phân tích và chứng minh những động lực bí ẩn của vị chủ nhân điện Cẩm Linh để kết luận là với vị sa hoàng mới này, nhiều bất ngờ đang chờ đợi người Tây phương.
Ngày 28 tháng Hai vừa rồi, cuộc gặp gỡ giữa François Hollande và Putin được diễn ra trong một bầu không khí băng giá : vị tổng thống Nga không nhượng bộ một chút nào về sự hỗ trợ của ông đối với chế độ Syri và không một hợp đồng thương mại nào được ký kết. Chuyện đó có gì là lạ khi mà nước Nga vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Bachar el-Assad và cái chuyện lố bịch Depardieu (Lnd: một diễn viên điện ảnh danh tiếng Pháp được Putin trọng vọng và cho lấy quốc tịch Nga) vẫn là hàn thử biểu đo lường chính xác nhất nhiệt độ tâm lý giữa 2 vị tổng thống này ? Lại đúng vào năm 2013 kỷ niệm 400 năm triều đại Nga hoàng Romanov,  Mốt Cu thời đại mới chả mong chờ gì những thiện ý đến từ Pari : Putin chả coi ra cái quái gì những lo nghĩ nhân đạo của các người thuộc đảng Xã hội Pháp. Còn những thỏa ước về kinh tế giữa 2 nước : nếu trước những năm 2000, Putin còn có mục đích làm sao cho nước Nga lấy lại được chỗ của mình trên bàn cờ quốc tế bằng cách đổi  dầu khí lấy kỹ thuật Tây phương, từ đó đến giờ, Putin trở nên cứng rắn hơn khi suy luận là : “Chúng ta đã cố gắng nghĩ đến lợi lộc Tây phương trong sự đổi chác, nhưng chúng ta đã không được trả lại bằng một trân trọng nào và, đặc biệt là, hệ thống khiên chống tên lửa nhằm chúng ta vẫn được bảo tồn. Vì vậy chúng ta nên coi sự hợp tác chiến lược với Tây phương là hoàn toàn vô tích sự.”
Trong bối cảnh châu Âu suy nhược, Putin không thấy có một đối tác nào chắc chắn hơn là Đức, đồng thời Putin cũng thấy tốt hơn là nên cùng Trung Quốc xây dựng một thế giới khác. Để đạt được mục đích đó, Putin thấy nên lợi dụng lại những đồng minh cũ của Liên Xô hay, ít nhất là, chơi lại lá bài một vài nước Hồi giáo, một phần cũng để ngăn những nước này có những đường lối chính trị chống Nga quá triệt để. Nhưng đó cũng lại chính là những tham số có thể đưa tới hai cái sai lầm : Con đường chính trị mới này sẽ làm Nga và Tây phương xa cách nhau thêm, nhất là từ trước tới nay Tây phương vẫn chả bao giờ coi Nga là đồng minh cả. Tây phương sẽ vẫn tiếp tục đánh giá thấp mối hiểm nguy đến từ sự tan vỡ lớn lao có tính cách lịch sử giữa 2 phái Hồi giáo Shiít và Sunít đang thành hình trong thế giới Hồi giáo. Đó cũng là một định đề được vị chủ nhân điện Cẩm Linh đặt ra trên nền tảng của kinh nghiệm 13 năm nắm quyền hành tuyệt đối, trên cá tính của mình, trên con đường sự nghiệp của mình, trên sự suy nghĩ về lịch sử của mình. Sự suy nghĩ này được Putin coi là cốt lõi của mọi hành động chính trị tiếp diễn.
Ai chính thật là Putin ?
Cảm tưởng tức thời của tôi vào đầu những năm 1990, khi tôi có dịp quan sát Putin trong một buổi gặp riêng ở Saint-Petersbourg, Putin là người muôn mặt, hay nói đúng hơn, Putin giấu mặt trong nhiều mặt nạ theo truyền thống Byzantin của các vua chúa Nga. Cặp mắt, có khi lờ lững, có khi linh động, cặp lông mày cau lại hay cặp môi mấp máy một cách thiếu kiên nhẫn chứng tỏ một ý chí sắt đá, nhưng cũng nhiều khi lượn lẹo, trơn tuột, khó bắt nắm được. Putin đã tập chơi nhiều vai trò, tuyệt vời trong nghệ thuật đánh lạc hướng. Nhưng có một cái bất di bất dịch :  Putin không phải là một người chịu sống hạnh phúc trong an phận.
Giống như Nicola II ngày xưa, Putin có cái tài là làm những người đối thoại tưởng mình cũng thuộc về phe họ – Putin như một tấm gương mọi người soi vào đều thấy bóng mình – Putin khi cần cũng có thể bắt chước điệu bộ của người mình đối thoại, lấy lại cử chỉ, cách cử động  chân tay, cách nói năng của họ. Kỹ thuật này, được hoàn thiện trong những năm học tập dưới mái trường KGB, đã khiến Putin có thể nhập hình hài mình trong mọi khuôn, hòa mình với mọi chính kiến, chế ngự đủ mọi màu sắc chính trị, đi nước đôi một cách dễ dàng, cáng đáng cùng một lúc, không bao giờ thành vấn đề, cả quá khứ của Liên Xô lẫn lịch sử của đế quốc Sa hoàng : Putin vừa là người quốc gia, vừa là người quốc tế, vừa là người tiến bộ, vừa là người trọng quá khứ, vừa là người theo chủ nghĩa kinh tế nhà nước, vừa là người theo kinh tế phóng khoáng. Putin biến sự khẳng định của mình thành một luận chứng trên hết mọi luận chứng khi quả quyết là dưới sự cầm quyền của mình, nước Nga đã trở thành một nước “giàu mạnh và được tôn trọng “.
Cá tính hai mặt đã in sâu vào Putin từ khi còn trẻ. Sinh ngày 7 tháng 10 năm 1952 ở Leningrad, con một người thợ gương mẫu, cháu một người làm bếp cho Lênin, Putin là một học sinh xuất sắc nhưng ít giao thiệp với bạn bè, rất giỏi Nhu đạo, kín đáo nhưng đầy ý chí, tuy mơ mộng trở thành một gián điệp phục vụ KGB, nhưng cũng có một đam mê đặt biệt làm bộc lộ một bình diện khác của con người : Putin, sinh trong một thành phố còn mang đầy dấu ấn Nga Hoàng, bị quyến rũ bởi cái nơi chốn ảo thuật này với những ngôi nhà màu đất son, màu hồng, màu xanh da trời, xanh lá cây hay màu xám, với phối cảnh những lâu đài, những nhà thờ rộng lớn mênh mông, những con kênh như giải ngân hà và những đêm trắng mặt trời không ngủ. Khi còn ở nhà trường,  Putin đã có ý dò hỏi tìm mọi cách để được chấp nhận vào các cơ quan mật vụ nhưng người ta nói nên ghi tên học luật trước và chỉ đến năm 1975, sau khi tốt nghiệp đại học, Putin mới được KGB tuyển lựa vì là một trong số những sinh viên xuất sắc nhất. Trong thời gian phục vụ KGB, Putin đã giữ một kỷ niệm quá tốt đẹp và cho KGB là tinh túy của đất nước, bảo vệ quyền lợi tối cao của đất nước. Nằm trong chương trình đào tạo của KGB là : làm sao luôn luôn giữ được bình tĩnh, quán thông nghệ thuật che giấu và dàn cảnh, biết nói 2, 3 giọng điệu khác nhau. Những điệp viên KGB có văn hóa chính trị riêng, có tiếng lóng riêng, và ngay cách pha trò cũng được mã hóa để chỉ cười với nhau. Đó là cả một cấu trúc tinh thần, cả một trạng thái tâm lí đã bị khắc sâu dấu ấn của một nền văn hóa mật vụ, trong đó cái gọi là dân chủ không bao giờ được kể đến. Một điệp viên đã nói rõ ràng : ” Đối với chúng tôi, không nơi nào trên trái đất có dân chủ. Chỗ nào cũng chỉ là trò giật dây. Chỉ có giật nhiều hay giật ít..”
Putin khi còn trẻ hay nhắc lại Ivan người Khủng khiếp (Ivan le Terrible) hay Pie đệ Nhất và cho những nhân vật này là tượng trưng của vĩ đại và ý chí. Cùng hàng với những Sa hoàng này, Putin thêm vào KGB và quân đội và cho những lực lượng này là những kế thừa vẻ vang của nước Nga. Bởi vậy không lạ gì mười lăm năm sau, năm 1991, cùng với thượng cấp của Putin khi đó là Anatoli Sobtchak, thị trưởng Leningrad, thuộc phái Canh tân, Putin tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để Leningrad lấy lại tên cũ; Cuộc trưng cầu dân ý này được hiểu như là một sự phủ nhận chế độ cộng sản và như là một bước đi về phía Âu châu. ” Đó là thời kỳ mà Putin biểu lộ một cách công khai sự tha thiết của mình đối với quá khứ Sa hoàng “. Anatoli Sobtchak nói với tôi như vậy. Người chủ nhân tương lai của điện Cẩm Linh  rất thích vị Sa hoàng có óc canh tân là Alexandre II và nhất là vị thủ tướng của Nicola II, Piort Stolypine, người đề xướng chính sách “ thay đổi trong trật tự “. Putin lấy câu này làm phương châm của mình và câu này cũng là công thức gối đầu giường của ông trùm KGB nổi tiếng, Iouri Andropov, một trong những ông thày tư tưởng của Putin. Khi Putin lên cầm quyền đầu năm 2000, Putin áp dụng công thức này : Trở thành một Sa hoàng mới, Putin đuổi bọn “quí tộc” (boyards) mới, bỏ tù những tay đầu xỏ như Mikhail Khodorkovski, chủ tịch hãng Ioukos, người giầu nhất nước Nga, hay đuổi ra khỏi nước. Thông điệp của Putin rất rõ ràng : ” Các ông làm theo ý của điện Cẩm Linh thì người ta sẽ quên cách các ông làm giầu ra làm sao trong thời gian lộn xộn, còn nếu các ông vẫn muốn  chõ mũi vào chính trị thì các ông sẽ tự gánh lấy mọi hiểm nguy đến với các ông… “ Bằng cách xuyên tắt qua chính sách tập trung hóa để các cơ quan mật vụ đặt cán bộ trong toàn thể các cơ cấu nhà nước, vị tổng thống mới của Liên bang Nga đã song song tái lập lại chế độ chuyên chế thời Sa hoàng.
Sự sống lại của đế quốc
” Dân tộc Nga có truyền thống rất lâu dài về những vị Sa hoàng hùng mạnh “, Tổng thống Putin tuyên bố như vậy. Đúng năm nay 2013, năm kỷ niệm triều đại Romanov, Putin chơi một cách tinh vi lá bài đế quốc Nga khi cho Staline là một tượng trưng của nước Nga trật tự và vĩ đại – Putin đã làm như vậy trong dịp lễ kỷ niệm lần thứ 70 trận đánh Stalingrad – Putin coi Staline, người chiến thắng Đức Quốc Xã, như một Sa hoàng đỏ, như một thừa kế của Sa hoàng Ivan người Khủng khiếp. Lấy đế quốc Sa hoàng làm mẫu mực, Putin, với óc độc đoán vẫn còn hận Tây phương và đổ lỗi cho Tây phương đã làm đế quốc Liên xô sụp đổ. Vì vậy mà mọi mô hình dân chủ đến từ phương Tây – bắt đầu bằng tự do phát biểu, minh bạch trong áp phe… đều bị đập tan. Putin và bè phái của mình trở lại cách suy nghĩ máy móc thời Nga hoàng là ” chỗ nào cũng có kẻ thù và nước Nga là một thành trì bị bao vây tứ phía “. Vì vậy mà luôn luôn được lập đi lập lại những lời tố cáo ” âm mưu của Mỹ “, những mưu toan của các tay đầu xỏ và những gián điệp Tây phương, đồng lòng với nhau chia chác kho tàng của đế quốc Nga. Trong bóng tối mờ ám, phe cánh Putin nắm hết mọi ngành : dầu khí, kỹ nghệ vũ khí và viễn thông, những mỏ vàng, những kênh truyền hình, Ngân hàng Trung ương, Quốc hội, quân đội, mật vụ, công an và các miền trong đất nước. Chính ngay Metvêđep, trong cương vị Tổng thống từ năm 2008 đến năm 2012, cũng chả bao giờ thật sự được chút tự lập. Đặc trưng của chuyên chế : giữa bộ ba : điện Cẩm Linh, giới cựu điệp viên KGB và Giáo hội Chính thống, quyền lợi đan xen lẫn nhau đến độ có thể nói đa số những kẻ chơi lá bài poke gian lận này đều cùng một bọn với nhau. Quyền hành theo chiều dọc từ trên xuống dưới được Putin lập ra, đặt cơ sở trên sự liên minh bộ ba này : những ai chống lại đều bị đưa ra cho toàn quốc phỉ nhổ, nhân danh quyền lợi tối cao của đất nước. Lẽ ra sự sụp đổ của chính quyền trước phải đem đến tự do, thì chúng ta lại chứng kiến sự toàn thắng của các phương pháp truyền thống được các triều đình Sa hoàng sử dụng : Đầu độc tư tưởng. Lạm dụng luật pháp gán ghép chuyện này với chuyện kia để kết tội. Làm săng – ta đe dọa tố cáo, phát giác. Sử dụng số tiền khổng lồ đến từ dầu khí để thực hiện những âm mưu trong bóng tối kiểu byzantin, ám sát, thủ tiêu. Sự khôn khéo tột bực của Putin là lấy hình ảnh đế quốc Nga làm tượng trưng để đẩy lui hàng chục năm ngày tới của Dân chủ. Putin biết trở về nguồn (quốc gia-chủng tộc) ở từng sâu nhất trong tâm hồn mỗi người Xlavơ để áp đặt quyền hành của mình. Cũng như những người phiêu lưu khoa học muốn làm sống lại những con đi-nô-zo bằng cấy lại DNA, dự kiến của Putin là tái lập lại đế quốc Nga. Putin luôn luôn bị ám ảnh bởi công trình to lớn này và muốn thực hiện nó theo phương pháp của mình : đi từng chặng một, không có những chuyển động bất thần. Người ta còn nhớ câu châm ngôn của Putin : ” những ai không nhớ Liên Xô là những kẻ không tim, nhưng những ai còn luyến tiếc Liên Xô là  những người không có trí thông minh .” Khi người ta hỏi có những quyết định ngày trước bây giờ nếu có thể sửa lại, Putin có sửa không, Putin trả lời : ” Không.. Nói thật, khi tôi nhìn lại quá khứ, tôi thấy tổng kết những quyết định từ trước tới nay của tôi đã cho phép tôi còn giữ được quyền hành. “ Putin trong ý nghĩ còn trù tính phải tiếp tục cầm quyền 10 năm nữa mới có thể chế ngự được những thách đố khổng lồ để tái lập lại những cơ cấu nhà nước bị phá hủy trong thời gian lộn xộn hậu cộng sản. Người ta thấy ở đây cây cầu lịch sử được vị Tổng thống Liên bang Nga lập ra khi tự coi mình là hóa thân của vị vua đầu tiên của triều đại Romanov, Misen đệ Nhất, cháu của Nữ Sa hoàng Anastasia và con của Fedor, được rước về làm Sa hoàng từ tu viện Ipatiev năm 1613, trong lúc còn đầy những cuộc phân tranh. Triều đại Romanov này kéo dài đến tận Cách mạng 1917. Đó cũng là định mệnh của Putin được Chúa lựa chọn để cứu tổ quốc của Putin sau thời kỳ hậu cộng sản – Ảo ảnh, hay là chiến thuật bí mật của ông chủ điện Cẩm Linh hiện thời…
Liên minh giữa ngai vàng và bệ thờ
Một sự giống nhau nữa giữa Tổng thống Putin và các vị Sa hoàng là sự trọng vọng Ki Tô giáo. Là người Ki Tô hữu theo chủ nghĩa Sa hoàng, Putin coi việc công cộng không phải đặt trên nền tảng một sự đối đầu giữa (các đảng) đa số và đối lập, mà là trên ý tưởng đồng tâm và cùng chung một chính nghĩa. Putin coi đời sống dân chủ ở Tây phương chỉ là một trò chơi : ” người ta chơi trò dân chủ chỉ cốt để làm vui khán giả. “ Putin cho giới đầu sỏ kinh tài Âu – Mỹ còn mạnh thế hơn giới đầu xỏ ở Nga nhiều : khi mà điện Cẩm Linh cố bịp miệng giới đầu xỏ này thì các nước Tây phương mỗi ngày một thêm phụ thuộc sức mạnh của đồng tiền.. Cũng như khi đưa ra đường lối chính trị ở Siri, Putin tự đặt mình trong diễn luận của các vị Sa hoàng là phải hỗ trợ những người ki Tô giáo Phương Đông đang bị Tây phương vì lợi lộc bỏ rơi khi hỗ trợ một cách mù quáng những nhóm quá khích Hồi giáo.
Thực chất của quyền hành ? Tổng thống Putine tạo lại cho dân tộc Nga một căn cước mới dựa trên những dấu vết của một dân tộc đã xây dựng 2 đế quốc – Sa hoàng và Sô Viết – Dân tộc này đã từng bị pha loãng trong căn cước Sô Viết, nhưng lấy lại được sức lực trong chữ  “Trung”  đối với Nhà nước – Một khái niệm xuất phát từ giữa thế kỷ thứ XIX với một quyền hành trung ương, một cơ chế hữu hiệu trong sự truyền ngôi, và sự hiện diện của một lãnh đạo quyền uy. Khái niệm này cộng với ảnh hưởng của đạo Chính thống đã trở thành hệ tư tưởng đầu tiên cho nước Nga hậu Sô Viết.  Như vậy đã được kiến tạo một trục quyền hành giữa điện Cẩm Linh của Putin và Giáo hội Chính thống Nga giống như dưới thời nhũng Sa hoàng Romanov đầu tiên, vị Giáo trưởng cũng là hoa tiêu phụ.
Giống Putin, Giáo trưởng Kyrill cũng sinh trưởng ở Leningrad và cững từ thiên hà KGB ra. ” Không một thày tu nào muốn trở thành giám mục mà không từ KGB mà ra “,  cựu đại biểu Quốc hội Gleb Yakounine chẩn đoán như vậy. Ông này là một thày tu hoàn tục đã đọc được tài liệu lưu trữ của KGB khi Liên Xô sụp đổ. Dưới tên mã hóa “Mikhailov”, Kyrill đã bắt đầu hoạt động cho KGB từ đầu những năm 1970 trước khi được cử làm đại diện Giáo trưởng tại Genevơ. Ông này rất thích phong cảnh Thụy Sĩ và xe hơi loại chiến cho tới một bữa, chạy quá mau trên một con đường núi, xe BMW của ông bị đụng vào sườn núi. Cùng trong xe có một đại tá KGB và người con trai của ông này. Người này bị gẫy xương bả vai. Kyrill vội vã trở về nước và con đường sự nghiệp được lên nhanh như diều. Được lên hàng Tổng giám mục năm 1991, được bầu làm Giáo trưởng ngày 17-1-2009 thay thế Giáo trưởng Alexis II và được tôn phong làm Giáo trưởng Mốt Cu và toàn thể nước Nga  ngày 1 tháng Hai 2009.
Hiện bây giờ không thể chối cãi, Kyrill là một diễn viên chính trị có uy tín lớn lôi kéo được nhiều người và là một quân bài chủ của Putin; ” Đừng nghe những kẻ khích động, hãy trở về nhà và cầu nguyện… Quyền con người chỉ là một cớ được bịa ra để nhục mạ những giá trị quốc gia “, giáo trưởng Kyrill tuyên bố như vậy trên đài truyền hình trước ngày có những cuộc biểu tình chống gian lận trong cuộc bầu Quốc hội tháng Hai năm 2012. Sau hết, sự liên minh giữa ngai vàng và bệ thờ, giáo trưởng thứ 16 của Mốt Cu và toàn thể nước Nga đã nói một câu đầy nghĩa tượng trưng một cuộc họp mặt với Putin : ” Chức vụ tổng thống của ông là một phép lạ của Chúa “… Cách đây 4 thế kỷ, sau cuộc bầu vị Sa hoàng thứ nhất của triều đại Romanov, Giáo hội Chính thống Nga cũng tuyên bố như vậy… Năm 1991 người ta đã nghĩ là “lịch sử đã chấm dứt “, theo câu nói của Hegel được Fukuyama lấy lại. Nhưng với nước Nga, lịch sử các Sa hoàng sẽ không bao giờ chấm dứt. Đó là điều mà mọi người khách nước ngoài đều phải ngẫm nghĩ trước khi đi đến Mốt Cu.

Nguyên Phong dịch
Nguồn: “Le Roman des Tsars”,NxbLes Editions du Rocher. Monaco, France. Tháng 2 năm2013.
Theo VHNA

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hương Ký - nhà nghề, và người bạn của những nhà nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỉ XX


Không khó để tìm lại những bức ảnh cũ do hiệu Hương Ký ở Hà Nội thực hiện từ những năm 20 của thế kỉ XX. Trình độ kĩ thuật của Hương Ký lúc đó hoàn toàn không thua kém gì của người Pháp, hay của người Nhật.
Ảnh của Hương Ký, chụp năm 1926: "Ông Chánh Quang Lang xứ Mường và phu nhân"


Có nhiều tài liệu nghiên cứu (sử học, dân tộc học, khảo cổ học,...) của người phương Tây hay phương Đông đến Việt Nam, cũng như của người Việt Nam, khi đó, cho thấy: có thể họ đã mời Hương Ký tham gia và chương trình nghiên cứu với tư cách là người ghi hình.

Hôm nay, chỉ giới thiệu duy nhất một bức ảnh của Hương Ký trong một tài liệu nghiên cứu về người Mường ở Hòa Bình, bằng tiếng Pháp, đã xuất bản tại Hà Nội năm 1926 (xem ảnh trên). Năm 1926, cũng là năm hãng phim Asia của Hương Ký bấm máy phim Phan Bội Châu tại Huế.

Phần nhận xét hiển thị trên trang