Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Hoàng Đình Quang chộp:


"Đường xa nghĩ đến sau này mà kinh!
(Kiều - Nguyễn Du)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trích TT ( phần tiếp theo..)


Khách từng qua nhiều bến sông, nhưng chưa thấy ở đâu có loại thuyền nan lớn như bến bến sông này. Bề dài của thuyền dễ đến mười hai thước, ngang bốn thước năm phân. Cạp thuyền kép to bằng bắp chân lực điền, nước sơn ta đã cũ, có chỗ bắt đầu bắt rêu, nhưng nom khá chắc chắn. Lái đò nét mặt gân guốc, bắp chân bắp tay nổi từng búi, đôi mắt hơi sếch dưới đôi lông mày rậm, đôi bàn chân chân bàn cuốc, hai ngón cái choãi theo lối Giao Chỉ. Dáng vẻ ông ta có phần dữ tợn, nhưng giọng nói ôn tồn, có cái cười dễ gây thiện cảm. Sau này khách được biết ông ta từng có chân trong hội kín, từng bị phát vãng sáu năm mới được về.
Cùng chuyến đò cuối cùng hôm ấy còn có hai cô gái trẻ, chít khăn mỏ quạ để răng trắng, không nhuộm đen như hầu hết các bà các cô trong vùng. Hai cô đi hái dâu về chăn tằm nên về muộn. Tằm là giống vật kén ăn. Lúc nắng gắt, lá dâu hay bị héo, nên phải chờ muộn muộn một chút để dâu được tươi. Xuống thuyền một lúc hai cô ghé tai nhau rì rầm gì đấy, mắt đảo nhanh về phía người cùng chuyến với mình. Khách quay lại, hai cô vội quay đi mặt đỏ bừng. Anh ta định cất lời làm quen, nghĩ thế nào lại thôi. Cái thời của anh đang sống vẫn còn chú trọng câu thành ngữ “Nam nữ thụ thụ bất tương thân”. Có khi ngồi cạnh nhau chả dám hỏi han trò truyện. Với lại lúc này tâm trí anh còn đang bận việc khác. Là việc gì thì ngay thằng bé đi cùng cũng chưa được cho biết. Bây giờ nó đang ngồi giữa lòng thuyền, hai cái bồ đặt hai bên, nhưng đôi mắt vẻ nghịch ngợm đang dõi về phía bờ sông bên kia.
Đang thì ngô non, phía bờ sông bên ấy xanh rượi một màu. Giữa màu xanh miên man ấy nổi lên phía nền trời màu lam màu hoa gạo cuối mùa đỏ rực, tán cây che khuất một góc phần nhô lên của mái đình. Ngôi đình có thời Lê Hy Tông, dân làng lập nên để tưởng nhớ một lần vua Hùng Vương cùng con gái của Ngài dừng chân bên bến sông này. Tự nhiên khách thấy lòng mình thanh thản. Anh cùng thằng bé theo con dốc đi về phía ngôi làng có hình lá sen, mà cuống lá là con đường trải từ đấy tới đây, sát mé sông này.

Tối hôm đó, ở nhà lý Chẩn có khách. Không ai khác là người qua sông lúc hồi chiều. Chiếc đèn ba dây treo ở gian giữa ngôi nhà gỗ năm gian. Chỉ có hai người ngồi trên chiếc sập gụ.
Thằng bé đi theo ngồi phía ngoài cánh cửa bức bàn. Nó làm ra vẻ như chăm chú để ý đám trẻ con trong nhà nhảy lò cò ngoài sân gạch. Nhưng thực ra nó vẫn nghe loáng thoáng chủ khách chuyện tới gần khuya.
Cậu chủ của nó đang phàn nàn chuyện gì đó. Không phải tâm sự riêng. Hình như về lời của ai đó lâu lâu rồi. Cuối cùng nghe lý Chẩn bảo:
- Cụ Phan nói đúng. Nhưng thời bây giờ không mấy người nghe ra. Thậm chí người ta còn không bằng lòng, còn tự ái khi cụ nói đến “mười điều bi ai của dân Việt”. Nhưng mà thôi, chuyện ấy khi nào có thời giờ ta lại nói. Cái “lý” ở đời bao giờ cũng cần phải thiết thực. Tôi nhắn thầy sang đây là muốn cậy nhờ thầy một việc. Dù gì cũng không thể để bọn trẻ ở đây thất học. Thầy làm thuốc chỉ cứu được một số người, thày dạy chữ chắc chắn là cứu được nhiều người hơn. Không thiếu gì căn bệnh từ dốt mà sinh ra..
- Quan bác để em thư thư ít thời gian đã. Cũng cần phải có trường ốc, sách vở mới mở lớp, không làm ngay được.
- Việc ấy thày không lo. Các cụ tiên chỉ, hào mục của làng đã bàn chín cả rồi. Cốt nhất là thày đồng tình và giúp cho.
Chợt có tiếng ồn ào ngoài ngõ, đèn đuốc sáng trưng. Lý Chẩn đi ra ngoài một lúc lâu mới trở vào nói:
- Có thuyền cướp dưới Giang Hạ. Tuần phiên vừa tóm cổ đưa về đình làng. Tôi bảo anh em cứ trói lại đấy, canh giữ cẩn thận, mai sẽ hay. Ở đây an ninh lâu lâu xảy ra một vụ. Cũng từ túng quẫn, đói kém, dốt nát mà ra. Nhưng thày đừng lo. Từ ngày tôi lên làm lý trưởng, tôi có cách của tôi.. Trước đây loạn lắm. Người có chức sắc mà thông đồng với tặc khấu, thời nào không loạn?
Tú Ất, trầm ngâm không nói gì. Có lẽ anh nhớ ra lời bà lão kể về xóm Liều hồi chiều ở bến sông.

( Còn nữa..)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHỚ CỤ PHAN VỚI 10 ĐIỀU BI AI CỦA DÂN TỘC


HNC

Nhớ Cụ Phan Chu Trinh với 10 điều bi ai của dân tộc Việt Nam
Trần Kinh Nghị

 Lời tiên tri của Cụ xuất phát từ 10 nhận xét vô cùng tinh tế và chính xác về đặc điểm con người Việt Nam mà đối chiếu thực tế ngày nay vẫn còn nguyên thâm căn cố đế (xem dưới đây). Tiếc thay các thế hệ nối tiếp nhau đến nay vẫn chưa thực hiện đúng theo lời lời giáo huấn của Cụ. Dẫu sao,chậm còn hơn không bao giờ, mỗi người Việt Nam chúng ta dù sống ở đâu và làm việc gì, còn trẻ hay đã già hãy chiêm nghiệm những lời dạy trên đây của bậc Tiền bối đáng kính của dân tộc-Sinh ngày 9/9/1872 tại Tây Lộc, Tiên Phước, Tam Kỳ (nay là Tam Lộc, Phú Ninh) tỉnh Quảng Nam, mất ngày 24/3/1926, Cụ Phan Chu Trinh là người Việt Nam đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) nhìn thấy trước cảnh “dịch chủ tái nô” (đổi chủ nhưng dân vẫn là nô lệ)…Để tránh điều này, Cụ đã chỉ ra con đường giành độc lập – tự do cho dân tộc là phải bắt đầu từ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh
                                         Phan Chu Trinh  và Phan Bội Châu

10 điều bi ai của dân tộc Việt Nam
                                                                        

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.

 2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.

 3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

 4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.

7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.

10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

T.T CHƯA ĐẶT TÊN. ( Bạn nào có nhã ý đặt dùm nha )


PHẦN I
 
1.   

 Một buổi chiều năm Bính Tý, sau cái chết của cụ Phan Chu Trinh mười một năm, có người khách lạ sang sông. Lúc bấy giờ mặt trời đang khuất dần sau đỉnh Nghĩa Lĩnh, hắt lên nền mây dát bạc những tia nắng hình dải quạt. Cảnh vật vừa mơ hồ vừa lấp lánh tạo bởi vô vàn con sóng trên mặt sông làm khách dãn dần vẻ tư lự, mệt mỏi đường xa. Anh sửa lại chiếc khăn đóng đội đầu, kéo tà áo dài cho ngay ngắn. Cử chỉ ấy cho thấy anh không có vẻ gì của người đang vội vã hay nóng ruột. Thằng bé đi theo chạc mười bốn, mười lăm tuổi, tóc cắt ngắn, chỉ để ba cái chỏm. Một trước thóp thở, hai cái hai bên phía trên thái dương. Đôi bồ nó mang theo không giống các loại bồ người vùng này hay dùng. Đôi bồ nhỏ sơn bằng sơn ta đen bóng. Chiếc đòn gánh bằng gỗ nom hình cánh cung cũng đen bóng gần như vậy.
Khách gập cái ô lục soạn, đưa tay chỉ về phía cây gạo còng  giáp bờ sông bảo thằng tiểu đồng:
- Chưa có đò, ta vào quán đó nghỉ chút.
Thằng bé nhanh nhảu:
- Cậu để con gọi?
Người khách lạ gạt đi:
- Thôi hãy còn sớm, ta cũng không muốn sang đó sớm quá. Cứ nghỉ thong thả, khi nào đò sang hãy đi.
Có lẽ mới qua đây lần đầu, thằng bé có vẻ háo hức trước phong cảnh của vùng này. Nhà nó ở mãi trên Bắc Giang trùng điệp núi đồi, đâu có bằng phẳng, quang đãng, rộng mênh mang như ở đây. Phía sau lưng nó dãy Tam Đảo một màu tím ngát, xa xa phía trước mặt là dãy Ba Vì mây trắng bồng bềnh. Cậu chủ bảo với nó vùng này là nơi “Tàng long, tụ thủy”, nới gặp gỡ của mấy con sông. Nó nghe thì biết vậy, chứ tàng long tụ thủy là nghĩa thế nào nó chưa biết.
Nó mới theo chần cậu tú được nửa năm nay. Sau ngày bố nó bị sở liêm phóng bắt ngoài Hà Nội vì tội liên quan đến “bình dân, dân chủ” gì đấy. Mẹ nó gửi nhờ cậu chủ vừa nuôi vừa dạy nó sau này trở nên người. Giờ nghe cậu ấy nói, chỉ biết vậy, toàn những tên núi tên sông nó mới nghe lần đầu, nó thắc mắc lắm, nhưng lại không dám hỏi.
Trẻ con thóc mách nhiều, là trẻ con hư, mẹ nó nói thế.

Quán bà lão bán hàng nước ngay sát gốc cây. Lưng bà còn còng hơn cả cây gạo làm nơi mở quán của bà.
Quán lợp rạ còn mới, áng chừng vừa mới thay lại mái sau vụ gặt vừa rồi. Hàng quán chẳng có gì nhiều. Mấy cái bát sành úp trên chiếc chõng tre để bày hàng. Một lọ kẹo bột. mấy cái bánh tẻ, bánh chưng be bé. Dễ thường khi đói, một người có thể ăn hết chừng ấy thứ bày lên. Chồng bánh đa chưa quạt treo lơ lửng ngay phía trên. Hồi đó chưa có túi Politilen như bây giờ, nên bánh không nướng trước vì sợ ỉu. Khi nào có người hỏi mua bà lão mới nhóm chậu than để quạt.
Thấy khách bà lão cười móm mém:
- Ông dùng gì ạ?
- Dạ không dám, con còn ít tuổi, xin cụ đừng gọi thế, không phải ạ!
- Vậy cậu với cháu đây cần gì? Mở hàng cho bà lão lấy may. Thời buổi khó khăn, buôn bán khó lắm cậu ạ!
Bà lão hay chuyện. Bù cho cái lưng còng của bà, đôi mắt vẫn còn tinh, tai chưa bị nghễnh ngãng. Được cái tính ưa sạch sẽ. Chỉ nhìn qua mấy thứ bày biện khéo léo trên mặt chõng bán hàng, biết bà là người cẩn thận.
Bà bảo: “mấy tháng trước tôi chưa bị đau lưng như hồi này. Cứ hai ba ngày là tôi lại may được cái yếm đũi, các bà các cô con nhà khá giả thích yếm của tôi lắm! Người tận bên Lủ, bên sông Chanh cũng sang tận đây để đặt. Cái yếm dễ mà khó. Người không biết cắt vừa tốn vải, lại dúm dó nom chẳng ra làm sao..”
- Ý chết để để tôi rót cho cậu bát nước. Nước vối hay chè xanh?
- Cụ cho con nước vối.
- Thứ này uống lành, lại mát, nghe bảo còn là vị thuốc nữa đấy!
- Con biết. Người mắc trĩ uống thứ này rất tốt. Hơn cả thuốc đấy cậu ạ. Ở bên xóm Liều có ông cai Kèn. Thuốc chữa bao nhiêu năm không khỏi. Sau tôi bày cho cứ nụ vối sao khô, tán thành bột bôi vào chỗ trĩ lòi ra, rồi thì nước lá vối uống kèm. Chỉ độ ba tháng thì khỏi..
Thằng bé đi theo người khách bụm miệng cười. Khách mắng nó:
- Hư nào, với người già như vậy là không được, vô lễ!
Thằng bé khịt mũi, lấy lại vẻ mặt nghiêm trang. Ông Khách bảo:
- Mày muốn mua gì bảo bà bán cho?
Bà lão vui vẻ:
- Có chuối, lạc luộc, kẹo bột..cháu lấy thứ nào?
Nó không nói gì, vẻ e dè. Khách bảo:
- Bà cho cháu ba xu kẹo.
- Kẹo trẻ con đứa nào cũng thích. Ba xu thì hơi nhiều, ăn hết không kẻo để lâu chảy nước cháu ạ - Bà lão hàng nước nói. Đúng là bà lão thật thà, bán hàng người ta ai chả muốn bán được nhiều? Có ai sợ người mua dùng không hết đâu?
Người khách chờ cho bà lão lấy kẹo bày ra đĩa nung bằng đất xong, lại hỏi:
- Con từng qua đây vài lần, chưa từng nghe ai nói có nơi nào gọi là xóm Liều cả? Vì sao lại có tên như thế hả cụ?
- Chuyện lâu rồi, nhiều người giờ không biết cũng phải.. Bà cụ chợt hạ giọng, quay sang một bên lấy vạt áo đũi lau khóe mắt
Khách đồ chừng câu chuyện này có gì đó liên quan đến bà lão. Không dưng bà xúc động đột ngột như thế?
Bà lặng đi một lúc. Khách cũng không hỏi thêm. Ông ta trầm ngâm nhìn ra lối bờ sông. Nơi có bãi thầu dầu cao hơn đầu người, lá rộng bằng bàn tay xòe, thân và cành tim tím, mọc ra gần tới mép nước. Thứ cây này trồng để ép dầu, người Nhật dùng chạy máy, đang được trồng nhiều ở vùng này. Tiếp đến là những nương dâu xanh rờn. Thấp thoáng bóng người đội nón lá rộng ẩn hiện trong ánh nắng chiều. Khung cảnh đẹp đến nỗi bất giác khách thở dài..
Bất chợt bà lão kể:
- Vùng này là ngã ba sông, đồng non bãi nổi, nhiều chỗ ngập nước thành ra đi lại không thuận lắm. Vào các năm sau năm cụ Đề Thám bị hại, tiếp đến sự biến Yên Bái không thành. Nghĩa quân ở các nơi ấy có một số tản về đây ẩn mình. Những người này gan góc lắm. Dân trang Khả Lãm ngày xưa vốn lành hiền, rút rát, ít chữ nghĩa, chỉ biết lo làm, lo ăn.. Chỉ từ khi các ông ấy về dạy chữ, dạy võ nghệ, một số mới bạo dạn hơn trước. Cũng kể từ đấy quan quân triều đình, kể tây tà cũng không dám lộng hành như trước. Muốn qua lại vùng này phải qua sông, qua đò, bãi sậy, lau lách nhiều nên chúng e ngại, không dám nghênh ngang như ở nơi khác. Từng có nhiều vụ đánh đắm thuyền, phục kích trong bãi sậy giết không ít quan quân. Cái tên xóm liều có từ cái tích này.. Nhưng mấy năm nay tạm tạm yên. Cậu đừng lo..mình là người lương thiện chắc không xảy ra chuyện gì.. Những năm trước, cữ này tôi đã dọn hàng về rồi. Khách cũng chẳng ai qua sông vào khoảng này đâu.
Lại hỏi:
- Cụ có phải người gốc gác vùng này không ạ?
- Già vừa mới nói. Ông nhà này trước ngày làm bếp cho cụ Đề. Sau theo ông Nắm một thời gian. Còn tôi người Nhã Nam, theo chồng chạy giặc về đây.
- Con cái của cụ có đông không ạ?
- Có một cô con gái. Nó đầy tuổi thì ông nhà tôi bị người ta báo quan bắt, đày đi Lao Bảo một thời gian, ốm bệnh mất rồi..
Bà lại lấy bàn tay răn deo nâng vạt áo lau khóe mắt.
Khách thấy không nên hỏi thêm nữa. Nỗi bi thương không phải là chỗ người ta nên đụng vào.
Bà cụ sắp lại mấy cái bát, mặc dù nó vẫn ngay ngắn, chưa ai đụng tới. Một hồi. Lại chính bà lão kể:
- Nó mới lấy chồng bên kia sông mấy năm nay. Vợ chồng nó cứ bảo về đấy nó nuôi, không nên ở đây một mình. Vừa không yên trí, ngộ nhỡ ốm đau.. Nhưng tôi chưa muốn phiền. Một mình ở đây cũng có cái thoải mái, tuổi già thích thế, ngại va chạm nhờ vả kể cả con cái mình.. Nó cho đứa con đầu của nó ra ở đây với tôi. Nhà nó hôm nay có việc, nó về mai sớm mới sang.. Già hỏi khí không phải, cậu sang sông là đi qua đây hay có việc gì?
- Con sang ông lý Chẩn cất thuốc của ông ấy. Sống tạm bằng nghề này cụ ạ. Đi chữa dạo, ai cần thì giúp. Thuốc hết lại về đây cất thêm.
- À ra thế. Hẳn nào tôi nom cậu cứ ngờ ngợ, quen quen. Già lẩm cẩm thế đấy.Chuyện đời nào đời nào thì nhớ, ngay giờ lại hay quên. À mà nãy già lỡ lời, cậu có sang bên ấy gặp ai cũng đừng kể lại chuyện “Xóm Liều” vừa rồi. Kẻ ác khẩu gọi thế, chứ có ai liều với ai? Có liều thân liều mình là với giặc dã, cướp trộm thôi. Cũng là bất đắc mới phải làm như vậy. Thời buổi hư loạn này, lành hiền quá dân tình cũng không sống nổi, phải không cậu? Biết thì biết thế, nhưng nói chuyện này trước mặt người ta là không nên, cậu nhỉ?
- Vâng!
Khách đáp ngắn như vậy, nhưng trong lòng anh xốn xang, áy náy bao điều. Cái nơi anh đến còn có câu loan truyền cả nước: “Chơi với Xốm, không ốm cũng què” nói về cái “xóm Liều” bà cụ vừa kể. Nghe còn e ngại hơn nhiều. Nhưng mà miệng lưỡi thế gian, yêu ghét nhiều khi  vì nhiều lẽ, nhiều khi chưa công bằng, chưa minh xác. Dù sao có chút thận trọng vẫn hơn, anh nghĩ vậy. Cũng là lúc chiếc thuyền nan từ bờ bên hữu đang từ từ tiến vào bờ. Hai thày trò từ biệt bà lão xuống đò. Trên dải cát bờ sông từng đàn bồ nông vừa hạ cánh xuống  gần mép nước. Nước sông màu hồng đục, có lẽ vừa có mưa lớn ở thượng nguồn. Núi Nghĩa Lĩnh trong chiều đứng uy nghi. Từ nơi đó đang từng đàn cò trắng bay về. Sắc trắng bộ lông của chúng chốc chốc lại hòa lẫn trong mây.

( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thích ngắn, có ngắn:


Màu lạ

SGTT.VN - Bức không ảnh đầu tiên mà vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 gửi về khiến ai nấy bối rối. Trên dải đất chữ S bên bờ Thái Bình Dương, màu xanh của rừng giờ chỉ còn vài đốm nhỏ. Trong khi mọi người buồn rầu, một nhà khoa học an ủi: 
– Thôi, không sao đâu, khi 500 sân golf xuất hiện thì nước mình lại xanh rì ấy mà!
Nghe thế cũng an lòng, mọi người tiếp tục nghiên cứu bức không ảnh. Một tiếng kêu mừng rỡ:
– Vàng, vàng choé! Mỏ vàng lộ thiên vừa xuất hiện!
– Bé cái lầm. Đó là mấy chục tấn vàng được đem ra đấu giá đó.
Nhà nghiên cứu kia tẽn tò tiếp tục xem xét, lát sau lại la lên:
– Chết cha, sao trên mặt nước mình lại có… nốt ruồi đen? Tính theo tỷ lệ thì cái cục này phải lớn bằng hòn núi chứ không ít!
Một nhà khoa học già nhíu mày suy nghĩ rồi phán:
– To như thế mà màu đen thì đích thị là hòn… nợ xấu!
Săm soi tiếp, lại có tiếng kêu:
– Trời, Biển Đông đầy những chấm đỏ như hòn than. Núi lửa xuất hiện hồi nào sao bọn mình không biết cà? Chà, đủ thứ màu lạ thế này thì chắc phải nhờ nhạc sĩ Trần Tiến, tác giả bài Sắc màu giải đáp hộ.

– Nhưng câu trong bài Sắc màu là “Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng”, còn đằng này là chấm thêm… đỏ đỏ! Quý vị theo dõi báo chí có thấy nói gì về tình hình Biển Đông hổm rày không?
– Theo báo chí trong nước thì Biển Đông vẫn yên tĩnh.
– Thế theo báo chí nước ngoài?
– Để xem… A, có rồi: hàng chục tàu láng giềng xâm nhập vùng biển Việt Nam, thậm chí có ảnh tàu họ xịt vòi rồng đuổi tàu cá người ta nữa. Thế thì rõ rồi.
– Rõ cái chi?
– Nộ khí xung thiên đã tới trời: mấy cái chấm đỏ đỏ đó là… cục tức của ngư dân đấy!
Người già chuyện
*****



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bạn thích ngắn phải không?


Nhân vật biết bay
TH. NH 
Khác với kẻ thức giấc thấy mình biến thành một con sâu, tôi đi uống rượu về, mở máy tính, thì phát hiện mình có cánh.
Thoạt đầu, tôi nghĩ ngay rằng mình bị chơi khăm, bị xô vào một tình huống hoàn toàn thụ động. Tôi bị biến thành nhân vật chính trong cái truyện có 680 chữ, của một gã — tác giả của cái truyện đó — tôi quen. Tôi bị gọi đích danh, bị gã gọi thẳng tưng đúng ngay tên, chứ gã không do dự ẩn dụ, ám dụ gì cả.
Chuyện gì đây? Không chừng mình là nạn nhân của một vụ chơi đểu nữa chăng? Tôi phải xem xét.
Trước hết là phải xét đến động cơ. Động cơ nào đã khiến gã viết truyện này. Ừ, thì cứ cho là do sự thôi thúc của cảm hứng sáng tạo đi, nhưng tại sao lại chọn tôi làm nhân vật? Có hơn bảy tỉ người đang sống trên trái đất, sao gã không chọn, lại chọn tôi? Với gã, tôi có gì đặc biệt hơn bảy tỉ con người còn lại?
Tôi có ân oán gì với gã không? Dường như là không. Thậm chí có lần tôi và gã còn có thể ngủ chung giường trong căn phòng tôi trọ. Giường chật, phải nằm ngược đầu. Chúa biết đấy, và tôi cũng biết, không ai có ý định bóp cổ hay bóp một bộ phận nào khác trên thân thể kẻ kia. Thế thì tại sao?
Gã bảo rằng tôi có cánh, một cách khẳng định “Hắn có cánh đấy” ngay ở nhan đề của truyện, nhưng suốt 676 chữ còn lại thì không hề nói đến động từ “bay”, hay một động từ nào tương tự như “bay”, hoặc thậm chí động từ “bơi”, chẳng hạn. Có cánh và có khả năng bay là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Có cánh mà không bay được thì có để làm gì cơ chứ? Thử tưởng tượng mình phải na thêm hai cái của nợ to đùng đằng sau lưng, đi lạch bạch như loài chim cánh cụt ở Bắc cực, thì ra thể thống gì? Mà gã cũng không miêu tả cánh như thế nào. Mấy cánh. Màu gì. Có lông hay không có lông. Hay chỉ là thứ vật thể như mẩu xương cụt, một thứ bộ phận bị thoái hoá trong tiến trình phát triển và thích nghi với môi trường sống của động vật. Nếu cánh có lông, thì lông vũ hay lông tơ?
Ờ, tại sao gã lại cho tôi có cánh mà không là có đuôi, hay có sừng, hay có vây? Gã muốn ám chỉ điều gì với việc nhấn mạnh rằng tôi có cánh?
À, gã viết ở dòng thứ nhất: “Đến là một cách nói rất đỏng đảnh của chàng.” Ai cũng biết “đỏng đảnh” không hề là một tính từ mang ý tốt! Và nghiêm trọng hơn: nó thường được sử dụng cho giống cái. Vậy là rõ rồi đấy, rõ ràng là một ám chỉ thâm độc có liên quan, dù mơ hồ, đến giới tính.
Ở đây nữa này: “Những gã du ca chơi guitar ở Úc cũng khiến cho chàng lao vào những điệu vũ trong giấc mơ không bờ bến với rượu vang. Và đôi khi, chàng nghĩ, có những giấc mơ dài hơn cả những hơi thở đầy mùi men của chàng trên gối.” Không phải là gã đang cho rằng tôi là một kẻ mơ mòng hoang tưởng, và nghiện ngập say sưa, hay sao?
Có lần, tôi rủ gã về chỗ tôi trọ với đầy thiện ý. Vậy mà thay vì mô tả những thứ tài sản khác, những thứ hiếm quý và đáng được lưu ý, thì gã lại chọn những vật xoàng xĩnh: “Một bức tranh vẽ chân dung của chàng, hai chiếc gối, một chiếc giường bằng sắt, một đôi kiếng chàng mang tới từ Mỹ.”, còn nhẫn tâm gọi nơi đó là “cái không gian chật hẹp”.
Đây nữa này, gã cố tình sử dụng động từ “trình báo” — một động từ đầy tính khủng bố và đe doạ — trong câu này: “Bà ấy cũng sẽ trình báo nếu chàng bật đèn hoặc hát trong đêm.”
Trình báo thế nào? Tôi vi phạm việc bật đèn hoặc hát ư? Trình báo với ai? Chắc chắn gã biết rằng cái động từ đó là một đòn hiểm, một cú dứt điểm, có thể làm tôi choáng váng và bất tỉnh vì kinh sợ.
Đây nữa này: “Điều làm bà ấy phấn khởi nhất là việc chàng thủ dâm.” Gã có thâm ý gì khi cho rằng việc tôi thủ dâm lại làm cho bà chủ nhà — một người phụ nữ đã đứng tuổi — phấn khởi? Có phải gã muốn phê phán về phạm trù đạo đức khi nói đến hành vi thủ dâm của người đàn ông sống một mình? Mẹ kiếp, tôi có đủ chứng cứ khoa học để nói thẳng với gã rằng đó là một hành vi bình thường và lành mạnh nếu được thực hiện một cách có ý thức và điều độ.
Đây nữa này: “Chàng cũng rất thích ngắm những cái mạng nhện đầy xác muỗi trên trần nhà. Bầy kiến bò đi một cách lộn xộn trên tường cũng khiến chàng thấy thú vị. Bông hoa héo chàng mang đến từ Ái-nhĩ-lan giờ đây cũng khiến chàng nhớ nhung về những ngày ca hát đó. Tiếng mọt trong bốn cái chân ghế bằng gỗ sầu đông cũng vây lấy chàng. Có một việc mà chàng không thể nào ngủ được nếu chàng không thực hiện nó, đó là việc giết chết những con muỗi đã chui vào mùng của chàng trước khi chàng bò vào đấy để ngủ.”
Không phải với đoạn văn đó gã đã mô tả tôi như một kẻ có tâm lý và những sở thích bất thường sao? Gã thừa biết người ta sẽ suy luận rằng cái gì bất thường thì luôn đi cùng, hay dẫn đến, sự nguy hiểm. Không phải gã hàm ý rằng tôi là một mối nguy hiểm cho cộng đồng sao?
Gã đâu biết rằng tôi đã dọn đi, không còn ở chỗ trọ đó nữa.
Gã biến tôi thành một nhân vật của gã, khiến tôi mắc kẹt, khiến tôi từ từ lún vào trong cái không gian 680 chữ, không thể rút chân ra được. Gã là con nhện giăng lưới và tôi là con ruồi.
Một người mẫu có cảm giác như thế nào khi ngồi yên cho hoạ sĩ mô tả mình? Tôi sẽ hỏi cô người mẫu mà tôi quen để xem cô có cảm giác như tôi có lúc này hay không.
Gã biến tôi thành nhân vật của gã, làm tôi nhồn nhột ngứa ngáy, một chứng ngứa, một thứ bệnh lý tinh thần, mà tôi chưa từng trải nghiệm. Nhưng nói thật nhé, gã đừng hòng làm tôi hoang mang vì không biết gãi ở đâu.
Gần đây, tôi không còn thấy văn chương là trò chơi thú vị của nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và là trò khiêu vũ của trí tưởng tượng, như trước đây nữa. Tôi thường thấy vô bổ và nhạt nhẽo. Tôi viết một tiểu thuyết và bị kẹt ở giữa chừng. Để trốn cái việc phải cần cù ngồi gõ chữ thì tôi bỏ đi chơi, như tối qua.
Gã thách thức, lôi tôi lại ngồi trước máy tính, bắt tôi suy nghĩ, cân nhắc từng tình tiết, từng con chữ, bắt tôi chơi lại trò chơi cũ.
Gã bắt tôi có cánh.
Nhưng tôi sẽ bỏ gã vào danh sách những kẻ cần lưu ý đặc biệt. Danh sách này sẽ được giữ nguyên cho tới ngày tôi tắt thở.

11/05/2013



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Thơ tí:



HẾT XUÂN.

Sao những cơn mưa buồn
Cứ nhằm xuống khu vườn ta trống trải?
Nắng đỏ đồi cao
sao nắng mãi
Nắng có bao giờ nghĩ:
Có khi mình cô đơn?

Người gặp ta sao người bồn chồn?
Hôm nay hôm qua,
hôm nào cũng vậy
Có điều gì đó không thể thốt ra bằng lời nói?
Chỉ nghẹn ngào trong mắt
 rưng rưng

Hết một xuân rồi
Sớm nay hè sang
Không phải một mùa hè háo hức
Của thủa đeo khăn
 phượng về đỏ rực
Mà là hè chói chang
Chói chang..

Hết xuân là lúc hè sang
Hết vui
Em cởi nhụy vàng bến sông
Hết chờ..
Là anh khỏi mong
Hết xuân là đến bòng bong kiếp người!

Bao giờ ta gặp xuân ơi??



Phần nhận xét hiển thị trên trang