Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

CHỢ HÀ NỘI..




Ra chợ Mơ một chiều buồn
Nắng chang chang phố
Đường tắc
Lố nhố
Ngựa và người
Người và ngựa muốn phân biệt rất khó!
Cụ Nguyễn có sống lại cũng bó tay chấm cơm
Chuyện nhà ai
Nhà nấy tỏ
Chưa có bao giờ người ta phớt lờ
Và quen hóng gió
Để sau đó lập tức quên

Chợ hàng Da bán nhiều hàng giả
Sao trí não nghèo nàn
Phô tô tư tưởng
Ăn cắp bản quyền
Chả cần nhìn,
Sờ.
Nghe,
 cũng rõ..

Ô Chợ  Dừa thấp thoáng mặt mo
Những Ma phia mới nở
Chỉ thương mấy bà nội chợ
Chiều nay mua gì?
Mấy chú sinh viên thập thò kiếm việc
Liệu hy vọng gì chiều nay?

Bây giờ buôn bán gì đây?
Tình người như nhạt
Mặn cay chút lòng..
Buôn người, bán bạn.. như không
Chợ nào bán nắng?
Còn không.. chợ nào?





Phần nhận xét hiển thị trên trang

DVL hay DLV?


Dư nuận viên chăn trâu

Hãy là những độc giả sáng suốt
Thứ bảy, 06/04/2013, 23:41
Năm 2012 vụ án tại Tiên Lãng Hải Phòng của gia đình ông Vươn diễn ra và nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả . Sự vào cuộc quyết liệt của báo chí ở trong và ngoài nước khiến sự việc được tiếp xúc từ nhiều góc độ khác nhau,chủ quan có,khách quan có,đúng đắn có,thêm bớt có. Ví như những người lao động chân nấm tay bùn sẽ thương cảm cho “ bạn đồng nghiệp”, lực lượng chức năng những người trực tiếp bị chĩa “ súng hoa cải”,bom tự chế sẽ “nể phục lắm” óc sáng tạo của người nông dân đất cảng nhưng cũng thấm thía lắm: thế nào là giết người,thế nào là chống người thi hành công vụ. (đoạn này muốnlói gì? hổng hỉu! - TL)
Hãy là những độc giả sáng suốt
Những ý kiến vẫn cứ nổ ầm ầm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng quyết định cuối cùng là do luật pháp. Khi tòa tuyên án trên cơ sở những bằng chứng xác thực và lời thú nhận của các bị cáo thì những ý kiến trái chiêu trước đó đó sẽ chẳng còn “nóng” như đã từng “hot”.
Tôi nhìn nhận sự kiện này khi tòa án chuẩn bị đưa ra những quyết định cuối cùng, chứng kiến sự tập chungcủa bà con bên ngoài tòa án, họ mang theo những khẩu hiệu tiếng Việt, tiếng Anh khi những ống kính tinhsảo của phóng viên còn chụp được sự có mặt của rất nhiều phần tử từng chống đối nhà nước,… Tất cả chỉ làm sự vụ thêm rối ren,đặc biệt sự can thiệp thái quá của các tờ báo nước ngoài…
Vụ án có thể xét xử xong xuôi nhưng dư âm về nó có lẽ chẳng thể nào nguôi,đó là lời răn đe, cảnh cáo những ai có ý định giết người,chống người thi hành công vụ song quan trọng hơn là bài học sâu sắc về khối đoàn kết dân tộc khi thế lực thù địch luôn rình rập lợi dụng sơ hở như vụ việc nhà ông Vươn để kích động quần chúng,đánh đổ niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Vì thế,chúng ta hãy là những độc giả sáng suốt cùng nhau chung sức chung ý kiến để không còn những sự vụ như thế này tiếp diễn.

DLV
Nguồn: Trandaiquang.net
(và các website mang tên Lãnh đạo khác) 
 
Một bài viết kém cỏi của một tác giả dưới danh nghĩa "bạn đọc" có tên viết tắt là DLV (nghi vấn là "NHƯ NUẬN VIÊN"). Chỉ là bài viết ngắn mà ý tưởng khô, cạn; văn phong lủng củng, lẫn lộn văn viết và văn nói với những câu, đoạn tối nghĩa; phát âm địa phương (chân NẤM tay bùn); sai lỗi chính tả (tập CHUNG, tinh SẢO) và sai toàn bộ cú pháp dấu chấm, phẩy... 

Đọc bài viết, tôi có thể suy đoán là trình độ của tác giả chưa vượt quá cấp 2 hoặc có là cấp 3 thì cũng thuộc nhóm đội sổ về môn Văn. Nếu đem so sánh với các bài viết của các tác giả lề trái thì chẳng khác gì đem giun, sán mà so với Phượng, Rồng. Tương xứng và phù hợp nhất có lẽ là ngang bằng với bài viết Hoa cứt lợn (ở đây) cũng đang rất "hot" trên mạng (thậm chí bài Hoa cứt lợn còn đọc được vài đoạn rõ ý và có hồn hơn).

Vậy mà, thật vinh hạnh cho tác giả khi nó lại được "lăng xê" đồng loạt, đăng trang trọng trên các trang tin của nhóm đệ nhất nguyên thủ của Quốc gia, nơi mà mấy chục triệu người dân có thể đọc được phần nào tư cách, tư tưởng, ý chí và hoạt động của các vị đó. (Dẫu biết việc đăng bài không phải do trực tiếp các vị làm nhưng sự tùy tiện và yếu kém sơ đảng như vậy của Ban biên tập chẳng khác gì là bêu xấu, là hạ uy tín của lãnh đạo) 

Độc giả tự cảm nhận cho riêng mình về sự "tuyên truyền" này nhé, tôi không bình luận gì thêm ngoài cái cảm xúc đã thể hiện trong tiêu đề bài viết.
Theo: Thùy Linh
*****


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

The su:



Trung Quốc đổ bộ lên bãi James: Biển Đông nguy hiểm như thế nào?

Trung Quốc vừa bắn cháy cabin tàu cá Việt Nam, vừa cho quân đổ bộ lên bãi James gần bờ biển Malaysia. Trung Quốc đang tiến những bước nguy hiểm khiến Việt Nam và quốc tế không thể lơ là.
Đi liền với hành động bắn cháy  tàu cá Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc ngang ngược huy động lực lượng đặc nhiệm của Hải quân đi trên  tàu Jinggangshan, một trong số 3 con tàu đổ bộ hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc, được hỗ trợ bởi một số thủy phi cơ,  tàu hộ tống tốt nhất và nhiều chiến đấu cơ bảo vệ từ trên không… để triển khai nhiệm vụ “bảo vệ Nam Hải, duy trì chủ quyền quốc gia và phấn đấu đạt ước mơ  Trung Hoa hùng mạnh”. Lực lượng đặc nhiệm này đã  đổ bộ lên bãi cạn James Shoal mà Trung Quốc gọi là  “Tăng Mẫu, điểm cực nam” của CHND Trung Hoa. Theo nhận xét của một Tùy viên quân sự, “việc triển khai lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đã thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền”… Việc họ tiến hành ở “quần đảo Trường Sa là một chuyện, nhưng triển khai ở bãi James, nơi nước này tuyên bố là điểm cực Nam, lại là một chuyện khác”….   Theo đánh giá của TS Trần Công Trục, việc đổ bộ lên bãi James là hành động vô cùng nguy hiểm cho vấn đề Biển Đông. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của ông với Infonet.
TrungQuoc-James
Trung Quốc cho lực lượng hùng hậu đổ bộ lên bãi cạn James Shoal sát bờ biển Malaysia

Thưa ông, sự kiện Trung Quốc cho quân đổ bộ lên bãi James Shoal và sự kiện bắn cháy tàu cá của Việt Nam có gì liên quan đến nhau?
Theo tôi , tất cả động thái gần đây của Trung Quốc đều có liên quan chặt chẽ với nhau. Tất cả đều được bố trí, sắp xếp theo đúng kịch bản: Độc chiếm Biển Đông, sử dụng Biển Đông và thông qua Biển Đông để thực hiện tham vọng trở thành siêu cường quốc tế. Tôi không ngạc nhiên và quá bất ngờ về nhưng gì đã xảy ra gần đây trên Biển Đông. Thậm chí, việc Trung Quốc đã sử dụng đến sức mạnh vũ khí để bắn cháy tàu cá Việt Nam, rồi tiến hành “diễn tập” đổ bộ lên bãi cạn James Shoal ở cách bờ biển của Malaysia khoảng 80km, cách Brunei 200km… Tuy nhiên điều làm tôi băn khoăn, thậm chí còn lo ngại  rằng: Tại sao cho đến bây giờ mà vẫn còn có khá nhiều ý kiến cho rằng: “Sau những lần Hải Quân PLA tuần tra Biển Đông, thì việc đưa lực lượng đặc nhiệm ra khu vực này là một thông điệp đáng ngạc nhiên”… “chúng tôi  chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì tương tự ở khu vực này cả về chất lượng và số lượng…dường như nó thể hiện tham vọng của lãnh đạo mới Trung Quốc” (Ý kiến của Gary Li, nhà  phân tích cấp cao thuộc Trung tâm tham vấn HIS Fairplay ở Luân Đôn, Vương quốc Anh).
Tại sao lại có sự bất ngờ, ngạc nhiên đó? Có lẽ không ai hơn chúng  ta phải có trách nhiệm trả lời câu hỏi này của dư luận.
Sự kiện tàu chiến Trung Quốc bắn cháy tàu đánh cá Việt Nam và sự kiện lực lượng đặc nhiệm thủy quân lục chiến Trung quốc “diễn tập” đổ bộ lên James Shoal, mặc dù rất liên quan với nhau, tuy vậy vẫn  có những điểm giống  nhau và khác nhau. Giống nhau ở chỗ 2 sự kiện này đều được tiến hành bởi lực lượng vũ trang của Trung Quốc và đều sử dụng đến các phương tiện chiến tranh như súng phun lửa, tàu chiến, tàu đổ bộ, thủy phi cơ, máy bay chiến đấu, trực thăng… Khác nhau là về địa điểm, một là diễn ra ở vùng  biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một là diễn ra tại một bãi cạn san hô nằm trên vùng biển và thềm lục địa của Malaysia và điểm khác nhau đáng lưu ý nữa, đó là về quy mô, cách thức thực hiện. Việc Trung Quốc huy động một lực lượng quân sự khá hùng hậu vượt qua hàng ngàn hải lý để  đổ bộ lên một bãi cạn nằm gần bờ biển của Malaysia chắc hẳn không thể gọi đó là một cuộc diễn tập thông thường như Trung Quốc đã nói. Phải chăng đây là động thái mở đầu cho một chiến dịch quân sự đánh chiếm một số bãi cạn nằm trên thềm lục địa của các nước ven bờ Biển Đông như họ đã tiến hành trước đây. Năm 1988 và năm 1995 đối với một số bãi cạn ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa và đá Vành Khăn ở Đông Nam quần đảo Trường Sa; năm 2012 đối với bãi cạn Scaborough nằm trên Thềm lục địa của Philippines?
Tàu cá Việt nam bị bắn cháy cabin cùng sự kiện đổ bộ lên bãi James đã hiện rõ bước đi nguy hiểm của Trung Quốc. Ảnh Tiền Phong
Theo ông, bản chất của sự kiện đổ bộ lên James Shoal là gì?
Như mọi người đều đã biết, để thực hiện chủ trương độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc luôn luôn khẳng định rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với 4 quần đảo nằm giữa Biển Đông, (họ gọi là “Tây Sa”, “Đông Sa”, “Trung Sa”, “Nam Sa”) mà phạm vi của chúng, theo quan niệm của họ, đều bao gồm hết tất cả các bãi cạn, bãi đá san hô nằm cách rất xa các đảo nổi của các quần đảo này, thậm chí kể cả các bãi cạn, bãi ngầm nắm sát bờ biển của các nước ở xung quanh Biển Đông. Đây là một quan niệm hết sức chủ quan, không có căn cứ khoa học, cả về phương diện địa chất, địa mạo, địa lý, lẫn lịch sử, pháp lý. Trung Quốc đã lấy quan niệm phản khoa học về phạm vi các “quần đảo” đó để biện minh cho đường biên giới biển “lưỡi bò” phi lý của họ. Để biến quan niệm phản khoa học và yêu sách phi lý đó thành hiện thực, họ đã tính toán từng bước đánh chiếm các bãi cạn và đầu tư xây dựng các công trình nhân tạo trên đó, biến chúng thành những đảo nổi để đóng quân và hòng gộp chúng vào các “quần đảo” theo quan niệm rất khiên cưỡng của họ. Sự kiện bãi cạn James Shoal không nằm ngoài mục tiêu đầy tham vọng đó!
Vì sao sự xâm phạm của Trung Quốc đã đến sát bờ biển Malaysia mà nước này lại chưa có phản ứng gì?
Đó là thắc mắc của dư luận, ít nhất là cho đến thời điểm này. Nếu khẳng định như vậy thì tôi cho rằng hãy còn quá sớm. Bởi vì, như mọi người đã biết, từ những năm 70 của thế kỷ trước, Malaysia đã từng công bố  bản đồ vẽ ranh  giới  vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa,  trong đó đương nhiên có bãi ngầm James Shoal. Việc Trung Quốc đổ bộ lên bãi ngầm này rõ ràng  là vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Malaysia. Hãy chờ xem! Bài học trong việc bảo vệ bãi ngầm Scaborough nằm trên thềm lục địa của Philippines, một thành viên của ASEAN, có lẽ cũng có ích cho người Malaysia. Lợi ích nào còn có thể so sánh được với danh dự và chủ quyền, lợi ích quốc gia???
Bãi cạn James Shoal cách thành phố biển Malaysia 80km, nằm trong khu vực Malaysia tuyên bố chủ quyền.

Đây có phải là bước đi táo tợn, bất chấp luật pháp quốc tế không, thưa ông?
Hành động của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại Tuyên bố ứng xử trong Biển Đông (DOC) , vi phạm Hiến chương LHQ và vi phạm các quy định của Công ước Luật biển năm 1982. Đấy là bước đi mới, cực kỳ nguy hiểm.
Theo ông, sự kiện Trung Quốc diễn tập đổ bộ lên James Shoal có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?
Theo tôi mọi động thái của Trung Quốc trên Biển Đông đều có ảnh hưởng đến chúng ta. Chúng ta là nước có lợi ích liên quan trực tiếp đến Biển Đông. Chúng ta có chủ quyền với Hoàng Sa. Chúng ta có chủ quyền với Trường Sa. Chúng ta có vùng biển và thềm lục địa mà một số khu vực chồng lấn cần xử lý, giải quyết. Đặc biệt, chúng ta đang phải đối mặt với yêu sách “đường biên giới lưỡi bò” của Trung Quốc “liếm” sát vào bờ biển của chúng ta. Để thực hiện yêu sách vô lý đó, họ đã và đang đẩy mạnh mọi hoạt động, kể cả dùng vũ lực, để biến yêu sách vô lý đó thành hiện thực. Việc Trung Quốc tiến hành “diễn tập” đổ bộ lên James Shoal không phải chỉ gây nguy hại cho riêng Malaysia mà còn gây  nguy hại trực tiếp  đên các nước trong khu vực ASEAN. Đúng như  có ai đó đã từng nhận xét rất xác đáng rằng : Không thể khoanh tay đứng nhìn nhà hàng xóm cháy. Bởi vì ngọn lửa đó trước sau rồi cũng sẽ cháy lan sang  nhà mình. Phải cùng nhau hợp sức để dập tắt ngọn lửa ngay từ khi nó mới bùng lên!
Xin cảm ơn ông!

Theo infonet

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ca thang Tu

                                                  N.D.T
Em gầy ngón dài
anh mập ngón cụt
chiều chúa nhựt buồn
sáng thứ hai zui
niềm zui không tên số năm
vì thoảng mùi chanel no 5
anh ơi
nếu mộng không thành thì sao
anh xin lao động em đi lấy chồng
chồng em mãi tận bên tàu
xưởng anh dù ở nơi nao cũng liều
Ngày lễ lá
trên cái nền đen bi thảm
hãy cùng nhau cắt dán
những con cá tháng tư tứ sắc
dải đất hình chữ S thênh thang
gánh nặng hai đầu nhoi nhúc thị dân
đường ai nấy đi
ngả nào rồi cũng đưa tới ngõ cụt
có vệ binh đứng chờ không lối thoát
ma cô đã mại dâm cả đất tổ quê cha
Đường mòn đã hoá thành đường cái quan
có bóng ma ông nhạc sĩ già tiếp tục hát da cu
tây ba lô đến xem ném cho vài đồng cắc
tôi đi trong nắng thu hè muộn
kinh hãi vì tiếng chó tru buồn
những con chó đã trở thành rựa mận
Tạp chí Times ám ảnh Ginsberg
nhạc trữ tình ám hình sinh viên
tớ không còn là sinh viên nên trọn quyền dị ứng
loại nhạc phản ánh cái thời lãng mạn xưa xa
nhạc sĩ ôm đàn mơ mộng
nội dung không còn thích hợp với hiện tình đất nước
nhứt là do sến divo diva trong nước rên rỉ
Mưa vẫn mưa run trên tầng tháp cổ
ê phên
con bé quàng khăn đỏ nằm trên giường con sói già
khoác da cừu
nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi
chàng có một thằng em qua Mỹ mới đây thôi
vừa tới nơi
nó hồ hởi gởi tức tốc cho chàng tấm bưu thiếp
có hình bà đầm
xoè
cầm đuốc soi gương nga
mỉm một nụ hồng
rất xịn rất tươi
chào đón lãnh tụ..
nhà văn hoá lớn đỉnh cao trí tào tháo
văn hóa cầy tơ
văn hóa đạo văn
văn hóa chửi khách hàng
văn hóa cải tạo
văn hóa hận thù
văn hóa gật, ngồi chơi xơi thịt chó mắm tôm
nhiêu đó đủ thơm rồi
Đất nước ta đẹp quê hương ta giàu
nhưng dân ta vẫn đói meo
nhờ cn chồn mèo
ông trời có mắt nhưng không ngó
gái quê miền trung du không có
vú nhọn
mông tròn
nụ cười sơn cước đã héo tàn
cá tháng tư cắn phải câu thơ
biết đâu mà gỡ
chim tự do lỡ sa vào chuồng gà
biết thuở nào ra
Tao yêu tiếng osin từ khi mới vào đời
mày ơi
bởi trước khi nhập gái làng chơi
vợ hiền tao đã ở mướp khắp nơi
ạ ời ơi
tiếng osin muôn đời.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Tư liệu VH


Làm thế nào để sống

Không biết có phải nhà văn Bảo Ninh bị rơi vào một nông nỗi bồng bột (hay bí bách cảm hứng, hay cơ chế của ký ức của ông bị “mắc cạn” ở một điểm nào đó) mà ông lại đặt tên tập truyện ngắn mới nhất của mình là “Chuyện xưa kết đi, được chưa?” gồm 14 truyện, NXB Văn học ấn hành.

Từ đầu đến cuối cái câu hỏi đặt lên bìa sách này hóa ra lại là một câu hỏi tu từ. Bởi vì người viết ra các truyện ngắn ấy không thực sự tìm cách quên, và cũng còn bởi vì không còn gì để quên nữa cả. Những gì quên được thì đã quên mất rồi (nhiều nhân vật trong tập truyện này thực sự bị rơi vào trạng thái quên, như các nhân vật của truyện “Gọi con” phải lần hồi ráp nối ký ức mới “tìm lại được” một người thân trong gia đình). Những gì để quên đã được viết ra hoặc không cần được viết ra thì cũng tan biến, nhưng còn lại ở tập “Chuyện xưa kết đi, được chưa?” thì toàn điều không thể quên, cũng không thể kết.

Nếu chỉ tập trung vào truyện được lấy làm nhan đề chung cho cả tập, “Chuyện xưa kết đi, được chưa?”, và bị chi phối quá nhiều bởi câu hỏi khó nói được là chính xác cho tập truyện này, hẳn cái nhìn của người đọc sẽ phần nào bị thiên lệch đi: chỉ trong thời điểm hiếm hoi của truyện ngắn ấy Bảo Ninh mới viết về chiến tranh ở tư thế có liên hệ trực tiếp về ký ức với người đang sống hiện nay.

Còn ở phần lớn các truyện ngắn khác, chiến tranh không phải đối tượng chính, thậm chí không phải bối cảnh cơ bản. Cũng như trong “Nỗi buồn chiến tranh”, có các phần trước cuộc chiến đặc biệt quan trọng đối với cốt truyện chung cũng như tiến triển tâm lý các nhân vật, ở đây lại thêm một lần nữa người lính chiến Bảo Ninh không lấy chiến tranh làm trọng tâm cho tác phẩm của mình. Ở nhiều truyện của tập, nhất là những truyện đầu, chiến tranh chỉ giống như là một tiếng vọng; nhân vật của Bảo Ninh ở tập truyện này thuộc vào dạng nhân-vật-tiền-chiến-tranh: họ có thể được “nắm bắt” ở khoảnh khắc chuẩn bị cho cuộc chiến, nhưng họ cũng có thể chuẩn bị để trốn tránh khỏi cuộc chiến. “Nó sẽ đến”, nhưng nó sẽ đến theo cách vuột qua, sát bên cạnh; sự chờ đợi chính vì vậy giống như là một “nhân vật” quan trọng của cả tập.

Những kỷ niệm thuộc loại này (về thời đi học, về sơ tán, tình cảm đầu đời…) không phải là những kỷ niệm gây nên chấn thương tâm lý, nỗi ám ảnh, gọi tắt là nỗi đau, căn bệnh của chiến tranh. Bởi vậy mà thật đáng ngạc nhiên khi Bảo Ninh xếp tất cả các truyện ngắn ở đây vào dưới cùng một cái tên chung là một câu hỏi (tu từ, như đã nói): “Chuyện xưa kết đi, được chưa?” Những câu chuyện này đơn giản là không kết đi được, cũng không quên đi được - nếu quên thì tức là ký ức sẽ có những lỗ thủng nghiêm trọng không thể cứu chữa.

Cứ như thể trí nhớ của Bảo Ninh ở lần này đã vượt qua khoảng trống bao la là cuộc chiến tranh, vòng tránh nó, coi nó như không tồn tại để nhớ và viết về “rìa bên kia của ký ức”, những cuốn “sách cấm” truyền nhau trong ngăn bàn, những cuộc đạp xe chở bạn gái đi chơi (“Cái búng”), những cô bạn Thủy, Hiền, Giang, Loan… rồi các tình huống nhỏ bé tưởng chừng vô nghĩa nhưng làm thay đổi cuộc đời cả một con người (như trong “Mối ngờ”, “Thách đấu”), nơi sự hèn nhát lấn lướt lòng can đảm và dư vị ngậm ngùi là điều còn lại sau khi theo dõi mỗi thân phận. Tình cảm đầu đời ở các cô bé cậu bé học sinh cấp III (và đều lỡ dở) đều được Bảo Ninh miêu tả trong một cảm giác xộc xệch rất đặc trưng: nhân vật có xuất thân lý lịch khác nhau, nhân vật từ thành phố về nông thôn sơ tán, nhân vật có nguồn gốc tôn giáo lệch với nhau… Cảm giác buồn bã buông phủ lên cả tập truyện ngắn, điểm xuyết thêm bởi những câu văn chiêm nghiệm như “Thành phố chiến tranh, như bên bờ vực” hay “Đất nước sau chiến tranh trời đất bao la tiêu điều”.

Đó là những điều chừng nào còn sống, người ta còn chưa “kết” được: ký ức ở tập truyện ngắn của Bảo Ninh là ký ức ở dạng kết tinh, không thu nhỏ hơn được nữa. Đã viết xong một tập truyện về rìa bên này của ký ức (“Lan man trong lúc kẹt xe”) và lần này là về rìa bên kia, không biết lúc nào Bảo Ninh sẽ “kết” những bên lề để quay trở lại ký ức chính của ông?

Nhị Linh

+ Nghe nói NXB Văn học vẫn chồng chất quyển truyện này vì không bán được.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHỢT HIỂU



Mở rộng bài đăng này »
Có cách gì để  chim im tiếng hót?
đem nhà thơ ngâm trong rượu say mềm?
Để người thẳng ngay biết câu nịnh nọt?
để trắng hóa đen..
để ngày biến thành đêm?

Ném đá cho chim bay đi?
hay là giăng bẫy?
Dẫu có là nhà thơ, bếp vẫn cần đỏ lửa ba lần
hết gạo chạy rông..
ở đấy mà bàn thi phú!
Hay khích cho chàng điên lên mà hóa khùng!

Hôm nay đọc một tên khiến ta chán nản
hình như ở đây có chuyện lộn sòng?
không phải góp ý, phê bình
chính là khiêu khích
Rất vô luân và rất tục tằn..

Hóa ra muốn triệt hạ một ai đó có rất nhiều cách
kể cả bỉ ổi, tầm thường..
Có thể người ấy không thèm chấp..
Nhưng mà ta thấy nhói trong lòng!

Chợt con chó nhà tru lên sủa
Ta hiểu ra
chuyện cũng thường..
Đã là chó cần chi tốt xấu?
nó chỉ cần nhớ hàng ngày ai là người cho ăn?








Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Bài học lịch sử:



HẠ KIỆT VƯƠNG - HÔN QUÂN CUỐI ĐỜI NHÀ HẠ 
(
1818-1766 trước Công Nguyên)  
Vua Kiệt họ Tự tên Quý, là một đại hôn quân cuối đời nhà Hạ, vóc người cao lớn, giỏi võ khỏe mạnh, nhưng lại đam mê tửu sắc, sủng ái Muội Hỷ, bỏ phế việc triều chính. Vì làm vui lòng Muội Hỷ, Kiệt đã cho xây Dao Đài bằng bảy báu, vàng ngọc lấp lánh, trên cây treo thịt khô, dưới đất đào ao rượu, mỹ nữ chơi đùa trong đó, ngưỡng lên có thể ăn thịt, cúi xuống có thể uống rượu, ngày đêm đắm chìm trong tửu sắc. Trung thần khuyên can rằng:  “Háo sắc là gốc mất nước”. Vua Kiệt nói :“Trẫm nghe trong hàng thứ dân, người nam thì có bổn phận, người nữ có chỗ trở về, ăn no mặc ấm, ra vào cùng xe, phu phụ theo nhau. Trẫm làm vua của một nước, cùng với Muội Hỷ vui chơi, có gì là háo sắc?” Rồi tự cho mình giống như vầng mặt trời. Cho nên dân gian có câu : “Thời nhật hạt tang, dư cập nhữ hài vong” (Mặt trời kia lúc nào mất, ta sẽ chết theo ngươi). Về sau bị Thành Thang tiêu diệt lưu đày về Nam Sào, tự thiêu mà chết.
 
Lời bình:
   Quốc gia sắp thịnh,
          Ắt có điềm lành.
          Vận nước sắp hết,
          Yêu nghiệt tung hoành.
          Kiệt sủng Muội Hỷ,
          Bỏ việc triều Đình,
          Hoang dâm vô độ,
          Dẫn đến diệt vong.

    Lại nói kệ rằng:
          Hôn quân mất nước Hạ Kiệt Vương,
          Lưu luyến quên về say cảnh mộng,
          Tuy có sức mạnh khó thi thố,
          Lại không trí huệ trị triều cương,
          Rừng thịt rượu ao mãi vui chơi,
          Đài ngọc múa ca quên ngày tháng,
          Làm con nối nghiệp nhà họ Vũ,
          Đến đây giang sơn chốc tiêu vong.
Giảng theo văn Bạch Thoại:
          Hôm nay nói về vị hôn quân đầu tiên ở Trung Hoa. Sao gọi là hôn quân? Vua Kiệt được ở địa vị thiên tử cao quí, lẽ ra  có giang san rộng lớn, có tông miếu để cúng tế, có con cháu để nối nghiệp. Thế nhưng hôn quân này tuy có giang san nhưng không làm cho giang san giàu mạnh; tuy ở địa vị thiên tử tôn quí cũng không xứng là một thiên tử, tông miếu thì không được cúng tế, con cháu cũng không có để nối nghiệp. Vì sao? Bởi rằng vua Kiệt ngu muội, không hiểu được về thiên hạ là "Người có đức mới giữ được, người thiếu đức khó mà giữ được" -  Kẻ có đức thì được trời phò trợ, được người thuận theo; kẻ thiếu đức thì trời không phò trợ, người chẳng thuận theo, chỉ để giang san mất đi.
Hạ Kiệt Vương, họ Tự, tên Quý. Chữ quý này là chữ Quý trong “Nhâm Quý Thủy” (壬癸水), lấy đi chữ “thiên” (天) phía dưới của chữ quý, thay thế chữ “thị” (示) vào, chính là chữ  “tế” (祭). Với cái tên này không tốt lắm, nếu theo Nhâm Quý Thủy mà bàn, Nhâm Thủy là dương thủy, Quý Thủy là âm thủy. Cho nên Kiệt  tuy giỏi võ mạnh khỏe, nhưng không có học vấn gì, thân thể rất cao to, giống con trâu đần độn; trâu thì hung hăng mạnh khỏe, thân thể cũng rất to, nhưng mà rất đần độn.
Lúc Kiệt làm hoàng đế, lơ là quốc gia đại sự, chỉ biết ăn chơi hoan lạc, ra sức hưởng thụ mà chẳng quan tâm đến việc triều chính, hoang dâm vô độ, lại còn chiều chuộng Muội Hỷ quá mức. Cho nên nói người nữ là đầu mối gây ra tai họa,  làm nghiêng thành mất nước. Không chỉ người nữ là đầu mối gây ra tai họa, người nam cũng là đầu mối gây ra tai họa; nếu chỉ nói người nữ là đầu mối gây ra tai họa thì trong xã hội trọng nữ quyền thời nay người ta sẽ nói là không công bằng rồi, cho nên tôi nói người nam cũng là đầu mối gây ra tai họa. Mối họa này ở hai phương diện, người nữ ở phương diện lộn xộn, giả như người nam không lộn xộn cũng không thể trở thành đầu mối gây ra tai họa, cũng đều là cả hai hợp lại, mới biết có những vấn đề này phát sanh. Người ta nói rằng Muội Hỷ tuy rất đẹp, nhưng suốt từ sáng đến tối trên gương mặt không hề có nụ cười, chỉ khi nghe tiếng xé lụa, mới lộ vẻ tươi cười; xé lụa chính là đem tơ lụa ra dùng tay xé, Muội Hỷ vừa nghe tiếng xé lụa thì liền vui vẻ; cho nên vua Hạ Kiệt liền hạ lệnh mỗi ngày chở vô số vải lụa đến để xé cho Muội Hỷ nghe, để có được một nụ cười của Muội Hỷ.
Giảng đến đây, tôi lại nhớ đến một câu chuyện ở vùng Đông Bắc của tôi. Đây là một chuyện có thật, là một câu chuyện về hại người. Vùng Đông Bắc có trạm Đa Hoan, trạm Đa Hoan cách chỗ của tôi ở khoảng chừng mười tám dặm đường; ở đó có một người tên là Minh Ngũ. Tiền của Minh Ngũ có không biết là bao nhiêu, từ Bắc Kinh đến nhà Minh Ngũ hơn một ngàn năm trăm dặm đường, trước kia ông đi xe ngựa, không như bây giờ có xe hơi, xe buýt, xe lửa, máy bay, thì chẳng có gì đáng để nói. Từ Bắc Kinh đến nhà Minh Ngũ một ngàn năm trăm dặm đường, trên suốt quang đường đi Minh Ngũ không uống nước giếng của người khác, khắp nơi trên đường đều uống nước giếng của mình, dọc đường đều là đất của Minh Ngũ. Quí vị thử nghĩ như thế có bao nhiêu thôn trang, có bao nhiêu cái giếng? Số tiên ông có là bao nhiêu!  
Ông ta nhờ vào đâu mà phát tài thế? Đông Bắc là vùng sản xuất nhân sâm, nhân sâm nặng bảy lượng gọi là sâm, tám lượng gọi là bảo, trên tám lượng chính là bảo rồi. Minh Ngũ cùng người anh em kết nghĩa cùng lên núi đi phóng sơn. Phóng sơn ở đây có nghĩa là cầm cây gậy tỏa long, đầu trên cây gậy tỏa long không biết có để phía trên bao nhiêu đồng tiền xanh, vừa nhìn thấy nhân sâm liền la to “Gậy đập!”. Nhân sâm liền kêu gậy đập, nếu như quí vị không la lên như thế, nhân sâm liền ẩn đi; quí vị la lên như vầy giống như niệm thần chú, khống chế thần thông biến hóa của nó, nó biến không được. Cho nên người đi phóng sơn đều hiểu, tay cầm cây gậy tỏa long, vừa thấy nhân sâm, liền lấy gậy dộng mạnh xuống đất phát ra tiếng rồi la to “gậy đập”, mọi người đều hướng mắt nhìn đến chỗ đó, thì nhân sâm chạy không thoát. Người ta bảo rằng nếu quí vị không la lên như thế, thì nó sẽ bỏ chạy, quí vị sẽ không bắt được nó, đặt biệt là nhân sâm loại bảo (quý).
Minh Ngũ và người anh em kết nghĩa hai người đi phóng sơn, đi như thế đã được mấy năm. Có một lần, họ cùng đi phóng sơn, và lần này thì đào được đúng là nhân sâm loại bảo; bảy lượng gọi là sâm , tám lượng gọi là bảo, nhân sâm lần này e nặng hơn mười sáu lượng (một cân). Minh Ngũ vừa thấy được, liền nghĩ đây là loại rất đáng giá, nếu như ta chia cho người anh em kết nghĩa một phần, thế thì ta được không phải là ít đi sao? Thế rồi hai người cùng đi bộ về nhà, đi đến khe núi hiểm trở, Minh Ngũ liền đẩy tay xô người anh em kết nghĩa xuống khe núi làm thân xác nát tan. Do đó mà Minh Ngũ được của báu này, là dùng một mạng người đổi lấy, nhưng mạng người này không phải do tự nguyện, cho nên từ đó nãy sinh ra một luồng khí oán hận.
Cầm củ nhân sâm trong tay, Minh Ngũ muốn đi qua cửa thành Sơn Hải để dâng báu vật ấy cho vua; nhưng sợ nếu như đến cửa thành Sơn Hải, bị người ta đóng cửa kiểm tra, e rằng sẽ bị tịch thu, không thể đưa đến nơi Hoàng Đế được. Vì thế ông ta liền nghĩ ra một cách. Ông ta nghĩ ra cách gì đây? Minh Ngũ đã mua một cổ quan tài, đem củ nhân sâm để trong quan tài, nói là đưa linh cửu xác cha của mình đi về. Lúc Đến cửa thành Sơn Hải, nơi đó kiểm tra cũng rất nghiêm ngặt, nên đã yêu cầu : “Dù là xác người chúng tôi cũng phải xem thử.” Minh Ngũ bấy giờ vô cùng kinh sợ, toàn thân run rẫy. Lính gác bật nắp quan tài ra, quí vị thử đoán xem sự tình sẽ như thế nào? Củ nhân sâm này quả nhiên đã biến thành một ông già râu bạc, nằm trong quan tài. Điều kỳ diệu chính là ở chỗ này! Bởi vì nó là báu vật mà, Minh Ngũ muốn nó thế nào, nó sẽ thành ra thế ấy. Nhờ vậy mà Minh Ngũ lẫn được vào trong thành.
Đến được hoàng cung, Minh Ngũ vào cung dâng báu vật lên hoàng đế, hoàng đế mới hỏi ông ta: “Vật quý báu này của ngươi muốn đổi lại bao nhiêu tiền?” Đây là vật quý vô giá, lúc đó Minh Ngũ cũng không biết phải nói giá tiền là bao nhiêu mới phải; thế là ông ta chẳng biết làm sao, liền nằm xuống đất, hoàng đế bèn nói: “Ồ, ý ngươi là muốn một thảng à!” Vì thế vua cho mở kho, bạc trong kho liền tràn ra ngoài, số bạc tràn ra ngoài thuộc về Minh Ngũ, số còn lại bên trong kho là của vua. Cứ thảng một lần thế này thì biết bao nhiêu là tiền. Thế là Minh Ngũ liền đem số bạc này đi dọc đường mua đất hết; cho nên từ Bắc Kinh đến nhà ông ta, đất dọc đường đều là của Minh Ngũ, không có đất của người khác, mắc rẻ gì ông ta đều mua. Vì có nhiều tiền rồi nên được mọi người tôn xưng là Ông Minh Ngũ
Ông Minh Ngũ xây nhà, nhà của ông xây vào bên trong phải đi qua có đến năm dãy nhà; cách xây nhà của vùng Đông Bắc thời xưa đều có móng cột bằng đá để nâng các cột nhà. Quí vị thử đoán xem ông ta lấy gì làm móng cột? Chính là dùng bạc đấy, bạc Ông ta dùng tiền  có giác ( cẩn ) ngọc, dùng từng miếng bạc, để làm tảng đá kê chân trụ nhà. Lại nói đến chuyện đúc gạch, bên dưới mỗi viên gạch đều có bốn đồng tiền lớn, trước thời nhà Thanh tiền đồng rất có giá trị, nhưng gạch dùng để xây nhà cho Minh Ngũ thì được làm như thế. Điều này cho thấy ông ta là người rất mực giàu có.  Đợi đến lúc nhà cửa sắp xây xong , thì vợ ông ta cũng có thai sắp sanh, Minh Ngũ chợt nhìn thấy người anh em kết nghĩa bị mình xô xuống khe núi từ cửa cổng bước vào. Tay đang cầm điếu xì gà lớn, vừa nhìn thấy người anh em kết nghĩa đến, lần nầy Minh Ngũ biết là chuyện xấu rồi, liền bước ra đón, nhưng vừa đi đến sân nhìn, thì không thấy nữa!
Kết quả như thế nào đây? Trong nhà vợ ông liền sanh con trai, người trong nhà đến báo:  “Ông ơi đại hỷ rồi! Phu nhân đã sanh được một thiếu gia.” Minh Ngũ liền biết rằng: “Ồ ! Là đến đòi nợ đây rồi !” Minh Ngũ biết đây là người anh em kết nghĩa đã đến đầu thai, nhưng cũng không có cách gì, cũng không thể đem nó giết chết, liền nuôi dưỡng nó. Đứa bé này vừa sinh ra thì đã khóc, khóc không nín, chỉ thích nghe gì quí vị biết không? Nó chỉ muốn nghe tiếng đồ đạc bị đập vỡ, ví như cái chén vừa rớt xuống một tiếng lảng rảng vở tan, nó liền ha hả cười, không khóc nữa. Bất cứ món đồ nào vỡ thì nó cười, không vỡ thì nó khóc, từ lúc chào đời cho đến mãi về sau này đều là như vậy, giống như Muội Hỷ thích nghe tiếng xé vải. Đây đều là có nhân quả nghiệp oán ở bên trong, cho nên mới như vậy! Muội Hỷ cũng là đến báo thù Hạ Kiệt Vương, Hạ Kiệt Vương cũng chấp nhận, và ngoan ngoãn trả nợ, cho nên mới như vậy.
Con trai của Minh Ngũ tên là gì quí vị biết không? Nó tên là Tam Thành, có ý là nói nó chỉ cần lấy lại ba phần trăm món nợ cũ là được rồi, về sau Tam Thành lớn lên thì đánh bạc, hút thuốc phiện. Đánh bạc phải có vật thế chấp, chỉ một lúc mà Tam Thành đã đặt hết mấy cái giếng; một giếng xem như là một thôn, mấy cái giếng chính là mấy thôn, đánh bạc kiểu như thế. Khi đánh hắn cứ đứng đó lo hút thuốc phiện, cũng chẳng thèm nhìn; người ta mà nói: “Cậu Tam ơi! Thua rồi” hắn trả lời: “Tốt quá ! Tốt quá!" Người ta mà bảo: "Tam gia ơi, lần này thì cậu thắng rồi nhé." thì hắn liền quát ngay "Mẹ nó, thắng rồi sao chứ!". Cứ như thế này thì quí vị xem đây không phải là con phá nhà thì là gì nữa?
Do đây mà thấy được nhân quả báo ứng dù nhỏ như lông tơ cũng không sai sót, ai giúp ai, ai phá hoại ai, thì có nhất định. Cũng giống như một người chẳng nên trò trống gì như tôi đây, quí vị cùng đều đến giúp đỡ người chẳng nên trò trống này; lại có người còn thích nghe tôi nói chuyện. Thực ra, những gì tôi nói đều là nước lạnh hầm cải trắng, nhạt nhẽo không mùi vị, quí vị nào mà muốn nghe tôi nói chuyện, đều đã bị lừa rồi đó. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, quí vị có thể nói đều là đến trả nợ tôi, đại khái trước đây tôi từng cho quí vị ăn đồ ngon, và từng nói:“Các bạn đừng kén ăn nhé.” Cho nên tôi nói pháp, dù cho nói hay nói dở, các bạn vẫn ngồi đây kiên nhẫn nghe. Hạ Kiệt Vương cũng vì thiếu nợ Muội Hỷ, cho nên vừa rồi cư sĩ Môn Lão chẳng phải nói: “Muội Hỷ là âm kim, Hạ Kiệt Vương là âm mộc, kim khắc mộc.” Quí vị xem, đã lâu như thế, sự tình đã mấy ngàn năm trước, Muội Hỷ vẫn còn như thấy gan phổi của mình vậy, còn biết vua Kiệt là “kim nên khắc mộc, không thể giàu được”, cho nên làm đến thiên tử cũng nghèo. Đây chính vì Kiệt quá chiều chuộng Muội Hỷ, không lo triều chính. Để được Muội Hỷ vui lòng, đã xây Dao Đài bảy báu lấp lánh; rồi trên cây treo thịt khô, dưới đất đào ao rượu, để mỹ nữ vui đùa trong đó, như vậy thì đầu vừa ngẩng lên  thì ăn thịt được, thân vừa cuối xuống lại uống rượu được, Hạ Kiệt sớm tối đắm chìm vào tửu sắc, ngày ngày hoang dâm không biết tự chế, ở nơi đó mãi vui chơi như vậy.
Lúc bấy giờ cũng có trung thần can gián vua Kiệt rằng ham mê nơi tửu sắc là hành vi hại thân mất nước; vua cũng rất thông minh, nói: “Ta nghe nói thường trong trăm họ, người nam thì có bổn phận của mình, người nữ có chỗ trở về của mình, mặc ấm ăn no, ra vào trên cùng cổ xe, chồng vợ bên nhau. Ta chỉ là cùng Muội Hỷ âu yếm, cũng không phải là quá nhiều người nữ, đây có gì là hoang dâm? Uống tí rượu tính làm gì?” Hạ Kiệt ngụy biện như thế. Còn tự cho mình như vầng mặt trời, cho nên lúc đó mới có ca dao: “Lúc nào mặt trời này mới suy vong nhỉ? Bọn ta đều mong ngươi cùng đến chỗ chết.
Kết quả nước mất về Thương Thang.
Thương Thang tên là Lý, ông đem việc thiên hạ làm trọng trách, nên giành lấy chủ quyền thay nhà Hạ. Thương Thang đày Vua Hạ Kiệt đi Nam Sào, kết quả là vua Kiệt đã tự thiêu chết ở đó. Cho nên đầu tiên nói Hạ Kiệt Vương và vị hòa thượng Việt Nam gần giống nhau, vị hòa thượng Việt Nam cũng là tự thiêu mà chết; nhưng kia là hòa thượng, còn vua Hạ Kiệt là hoàng đế, đem ra so sánh lẽ ra thân phận một hoàng đế phải quan trọng một chút. Vị hòa thượng Việt Nam đã chết, về sau đã phải khiến nhiều hòa thượng khác cũng theo đó tự thiêu mà chết, đây đại khái đều là cộng nghiệp chăng? Do cọng nghiệp nên chiêu cảm ra vậy! 

Lời bình
Quốc gia sắp thịnh, ắt có điềm lành:   Lúc quốc gia sắp hưng thịnh, sẽ có các tướng điềm lành. Điềm lành chính là may mắn thuận lợi, thí như cổ tú song hợp, phụng hoàng lai triều.
Vận nước sắp hết,  yêu nghiệt tung hành:  Khi vận nước sắp mất, yêu nghiệt đều hiện ra, không yêu nghiệt này đến, thì cũng có yêu nghiệt kia hiện ra.
Kiệt sủng Muội Hỷ, không lo triều cương: Vua Hạ Kiệt sủng ái Muội Hỷ không lo đại sự quốc gia.
Hoang dâm vô đạo, dẫn đến diệt vong: Bởi vì hoang dâm không biết dừng, cho nên dẫn đến diệt vong, tự thiêu chết.
 
 
Lại nói kệ rằng
 
Hôn quân mất nước Hạ Kiệt hoàng,  lưu luyến quên về say mê cảnh mộng:  Dưới dòng không quay lại gọi là lưu, trên dòng không chảy gọi là liên; từ hưởng thụ không nhàm gọi là hoang, vui lâu không chán gọi là vong. Quên về chính là không biết đường trở về, mỗi ngày đều uống say sưa.
Tuy có sức mạnh khó thi thố, lại không trí huệ trị triều cương:    Hạ Kiệt tuy cao to và có sức lực, cũng không có chỗ dùng cho sức lực ấy, lại không có trí huệ để xử lý kỷ cương triều đình, đại sự quốc gia.
Rừng thịt rượu ao mãi vui chơi, đài ngọc múa ca quên ngày tháng:   Hạ Kiệt cho treo thịt khô trên cây, dưới đất thì cho đào ao rượu, dùng thất bảo xây đài ngọc, vàng ngọc rực rỡ, ở đó chỉ biết vui chơi, đã đến ngày nào, lúc nào, Hạ Kiệt đều quên.
          Làm con nối nghiệp nhà họ Vũ, Đến đây giang sơn chốc bỗng tiêu vong:  Vua Vũ nhà Hạ truyền ngôi cho con tên Khải, vua Vũ là một minh quân, nhưng truyền đến đời vua Kiệt đến đây thì hết, đến đây Kiệt đã làm hỏng hết cả sự nghiệp đế vương. Đây phải nói là đứa con phá nhà, đem cả giang sơn mà hủy hoại hết.
 
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng ngày 18 tháng 9, năm 1987.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang