Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

“Không Nước – Không Trăng”

Featured Image: Silvia Dura
 2438086a6e93a4689ef9350194940495
“Ni Cô Chiyono đã tu học nhiều năm, nhưng vẫn chưa đạt được gì cả. Một đêm, cô quãy đôi thùng xuống suối múc nước. Khi cô gánh nước trở về tu viện, cô vừa đi vừa ngắm ánh trăng soi rọi xuống mặt nước trong thùng. Bất thình lình, đòn gánh gãy đôi, giây thùng đứt và thùng nước rơi xuống. Nước đổ ào ra, bóng trăng tan biến – không còn – và Chiyono hoát nhiên giác ngộ. Cô đã viết bài thơ:
“Bằng cách này hay cách khác, tôi đã kềm giữ đôi thùng nước,
Mong rằng chiếc đòn gánh dòn yếu kia sẽ không gãy
Bất chợt, giây đứt thùng văng,
Không còn nước trong thùng, không còn trăng trong nước,
Tay tôi rỗng không, chẳng có vật gì,
Tâm tôi rỗng không, chẳng có vật gì.”
Giác ngộ không hẹn mà đến, thật bất ngờ, thật đột ngột. Không có sự tuần tự tiến trình tìm tới sự Giác Ngộ, bởi vì sự tuần tự thuộc về trí óc, và Giác Ngộ không phải là sản phẩm của trí óc. Giác Ngộ vượt qua hàng rào tư duy và nhận thức lô gích của trí óc. Vì thế, chúng ta không thể tiến dần về Giác Ngộ, mà đơn thuần chúng ta nhảy một bước vọt vào trong Giác Ngộ. Chúng ta không đi từng bước từng bước; không, không có những từng bước đó. Một là chúng ta đại ngộ, hai là không. Không có sự chứng đắc từng phần, từng mảnh.
Chân Lý là Chân Lý hoàn toàn, là viên mãn, tròn đầy. Chứng đắc là chứng đắc toàn diện. Hãy nhớ kỹ một điều cơ bản là:” trí óc không thể nào suy lường hiểu thấu được Chân Lý. Trí óc có thể làm công việc phân tích, suy luận, cân nhắc, v.v… những gì chúng ta có thể chia chẻ ra được. Trí óc có thể hiểu tất cả những gì mà chúng ta đem ra cân đong, đo lường, tính đếm. Vì thế, nếu chúng ta nghe theo trí óc, chúng ta không bao giờ đạt tới Chân Lý viên mãn được.
Đó chính là điều mà ni cô Chiyono đã sai lầm. Chiyono đã tu học, đã tư duy nhiều năm và đã bao năm trôi qua, cô vẫn chưa gặt hái được điều gì. Không có một sự cố gì xảy ra cho cô cả.
Trí óc con người có thể nghiên cứu về Thượng Đế, về Giác Ngộ, về Tuyệt Đối. Nó cũng có thể lừa bịp chúng ta là tất cả mọi sự việc trên đời này đều đã được giải thích tường tận, đã cho ra một đáp số trọn vẹn rồi. Ngay cả khi chúng ta nói chúng ta đã hiểu rõ ràng tất cả “về” Thượng Đế, về Chân Lý, về Phật, về Chúa, chúng ta đã tự lừa dối mình vậy.
Trí thức viên mãn là trí thức không phải “về” một cái gì. Khi chúng ta nói “về”, thí dụ như tôi suy nghĩ “về” anh, suy nghĩ “về” cuộc đời, suy nghĩ “về” tình yêu, v.v… chúng ta đã tự đặt mình trong thế nhị nguyên đối đãi. Vì có cái này nên có cái kia, vì có anh nên có tôi, vì có đối tượng nên có người suy nghĩ; chúng ta đang xoay vòng theo một vòng tròn như con kiến bò theo miệng chén; chúng ta không bao giờ nhảy vào được bên trong vòng tròn đó. Vì thế, khi một người nào đó nói rằng: “Tôi đã hiểu được chân lý, tôi đã hiểu được “Thượng Đế”, hắn ta thực ra chẳng hiểu được một tí gì cả.
Phật Tánh, Chân Lý, Thượng Đế, Chúa v.v… là trung tâm điểm; không phải là chu vi, ngoại giới, không phải là cái bên ngoài. Chúng ta phải thể nhập vào Chân Lý, chúng ta với Phật, với Chúa là một; đó là con đường duy nhất, không có con đường nào khác.
Đó là lý do Chúa Jesus đã nói: “Chúa là Tình Yêu – Tình Yêu viết hoa – chứ không phải là sự ái nhiễm của nam nữ. Bạn không định nghĩa được Tình Yêu, bởi vì bạn chưa hội nhập được vào tình yêu; bạn chưa là một với tình yêu. Bạn có thể là một nhà nghiên cứu, một nhà tâm lý, bạn có thể trở thành một học giả vĩ đại, nhưng bạn chưa bao giờ thể nhập vào Tình Yêu, vào Chân Lý Tuyệt Đối.
Tình Yêu chỉ thực sự hiện diện khi bạn trở thành tình yêu. Ngay cả khi người yêu bạn biến mất đi, tình yêu vẫn còn đó, bởi vì tình yêu đơn thuần là tình yêu, không có chủ thể, không có đối tượng. Cả hai chữ “chủ thể” và “đối tượng” đều là cái bên ngoài, là đối đãi. “Có cái này nên có cái kia”, “vì có anh nên tôi có mặt”; nếu còn có sự đối đãi, thì bạn đang đánh mất thực tại.
Khi hai tình nhân đứng bên nhau, cả hai đều vắng bóng. Chỉ có Tình Yêu hiện diện, chỉ có giai điệu Tình Yêu phát ra tiết tấu. Tình Yêu có mặt khi bản ngã con người vắng bóng; Tri Thức có mặt khi đầu óc con người chứa đầy ý niệm. Tri Thức thì thuộc về bản ngã, về cái tôi, và cái tôi đó không thể nào xâm nhập được vào trung tâm điểm cả; nó chỉ là chu vi, là vòng tròn ngoại giới. Với cái Tôi đầy ắp những quan niệm, Kinh Thánh, Kinh Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư hay Kinh Koran, bạn mãi mãi là một kẻ xa lạ.

“Ni cô Chiyono đã tu học nhiều năm… “

Ni cô đó đã tu học nhiều năm hay nhiều kiếp rồi. Bạn cũng đã tu học nhiều năm hay nhiều kiếp rồi. Bạn đang chạy trên một vòng tròn. Bạn tưởng rằng bạn đã tới đích, nhưng không, bạn đang di chuyển trên một vòng tròn lặp đi lặp lại. Vòng tròn đó, người tín đồ Ấn độ giáo gọi là “Samsara”, có nghĩa là bánh xe, là vòng tròn. Bạn di chuyển, di chuyển mãi và không bao giờ tới đích cả. Bạn không bao giờ thấy được cái vòng tròn đó vì bạn chỉ biết một phần của vòng tròn đó mà thôi. Nó mãi mãi là một con đường, một con đường vô tận. Đó là những gì đã xảy ra cho bao kiếp nhân sinh.
“Chiyono đã tu tập và tu tập, nhưng vẫn chưa đạt được chân lý.” Vì sao? Không phải vì chân lý, giác ngộ khó khăn, hóc búa, mà chính vì khi bạn nỗ lực tìm hiểu nghiên cứu chân lý, bạn đã đi lạc hướng rồi. Bạn đã đi trật đường rầy rồi. Điều đó cũng giống như khi một người nào đó muốn đi vào căn phòng lại đâm đầu vào bức tường vậy. Vào căn phòng không phải khó, nhưng phải vào qua cánh cửa, chứ không phải qua bức tường. Nhiều người, rất nhiều người, khi họ bắt đầu cuộc hành trình, họ bắt đầu bằng học hỏi, nghiên cứu, bằng kiến thức, thông tin, triết lý, hệ thống hay lý thuyết. Họ bắt đầu từ “cái… về một cái… gì đó” cho nên họ đã va mặt vào bức tường vậy.
“Hãy là Chân Lý, hãy là Tình Yêu.” Nếu bạn muốn biết Tình Yêu. Nếu bạn muốn biết Thượng Đế, hãy thiền định. Nếu bạn muốn thể nhập vào vô tận, hãy lắng lòng cầu nguyện. Phải tự chính mình là Chân Lý, là Tình Yêu; chứ không phải là người đang cầu nguyện, không phải là người đang thu góp lại những gì người khác nhả ra và nhai lại. Hãy buông bỏ tất cả chữ nghĩa, kinh điển. Chúng nó chỉ là những hàng rào, những bức tường ngăn cản bạn nhảy vọt vào Bản Thể Tuyệt Đối. Cánh cửa Chân Lý sẽ không bao giờ mở ra nếu bạn ôm đồm một mớ Kinh Thánh, Kinh Vệ Đà, Kinh Koran, v.v… cũng như ni cô Chiyono đã tu học nhiều năm nhưng vẫn chưa đạt được gì.
Giác Ngộ là gì? Đó chính là sự tỉnh giác “Ta là Ai?. Giác Ngộ không có gì liên quan với thế giới bên ngoài. Giác Ngộ không có gì liên quan đến những gì người ta nói về nó. Những gì người ta nói đều lạc hướng hay chỉ diễn tả được một phần của Giác Ngộ. “Bạn đang có mặt tại đây, ngay phút giây này”. Tại sao bạn phải đi tìm cầu nơi Kinh Thánh hay Kinh Vệ Đà? Hãy nhắm mắt lại và bạn đang ở đây, trong niềm hoan lạc thiêng liêng vô tận. Hãy nhắm mắt lại và cánh cửa đã mở. Bạn đang có mặt tại đây, ngay phút giây này. Không cần phải hỏi ai hết, không cần một tấm bản đồ chỉ dẫn. Trong thế giới nội tại, không có bản đồ, không cần có bản đồ, bỏi vì bạn không đi về một hướng vô định.

Bạn đang có sẵn trong tâm một “nẻo về của ý”

Thực ra, bạn cũng không di chuyển gì cả. Bạn đang ở đây; bạn là mục đích. Bạn không phải là kẻ tìm kiếm. Bạn chính là “Giác Ngộ”; bạn chính là “Giải Thoát”; bạn chính là “Chân Lý”. Khi bạn chạy rong tìm kiếm cái bên ngoài, bạn là kẻ vô minh. Khi bạn quay ngược về bên trong mình, bạn chính là sự Giác Ngộ. Điều khác biệt duy nhất chính là sự chú tâm, sự quay ngược về.
Trong Kinh Thánh, danh từ “cải hóa” rất đẹp rất hay; nhưng nhiều người vì đã hiểu sai nên đã sử dụng nó không đúng. Sự “cải hoá” không có nghĩa là thay đổi một người Ấn Độ giáo thành một tín đồ Thiên Chúa, cũng không phải biến một người Công Giáo thành một tín đồ Ấn Độ giáo. “Cải hóa” có nghĩa là quay lại. “Cải hóa” có nghĩa là quay về nguồn, quay về bên trong, quay về tâm linh.
Tâm thức của bạn như một dòng sông, có thể trôi về hai phía, bên ngoài hay bên trong; chỉ có hai phía mà thôi, định hướng cho một dòng sông tâm thức. Nếu tâm thức bạn quay ra bên ngoài thì nó sẽ trôi qua nhiều đời, nhiều kiếp, và sẽ không bao giờ đạt tới mục đích; bởi vì mục đích chính là cội nguồn mà bạn đã quay đi, bỏ lại sau lưng. Cội nguồn đó không phải trước mặt, không phải là nơi mà bạn sẽ hướng tìm tới. Cội nguồn chính là nơi mà bạn đã quay lưng. Nếu bạn có thể quay ngược về điểm đầu tiên mà bạn đã xuất phát, bạn đã tìm thấy cội nguồn tâm linh rồi vậy.

Đó, đó là vì sao mà Chiyono đã tu học nhiều năm mà vẫn chưa đạt được gì, bởi vì cô đã chạy về phía trước tìm chân lý

Còn một điều này nữa tôi muốn nói với bạn: “Đừng tìm kiếm Chân Lý trong kinh điển.” Kinh điển chỉ là những xác chết, những thây ma. Đời sống là một dòng linh động, phát triển. Đi hỏi những xác chết về sự sống thì thực đáng buồn cười thay, phải không? (ghi chú của người dịch: Câu nói này có nghĩa là chúng ta không nên chấp trước vào văn tự chữ nghĩa, dù đó là kinh điển, mà hãy thực nghiệm tâm linh để thể chứng; Sự và Lý phải đi đôi, viên dung với nhau thì mới có thể đạt được giác ngộ; nếu chấp vào một bên thì sẽ rơi vào kiến chấp, sơ cứng tâm linh). Thần Krishna hay Chúa Jesus cũng không thể giúp gì cho bạn – trừ phi chính bạn là Krishna hay Chúa Jesus. Nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong kinh điển thì bạn đã sai lầm lớn rồi vậy. Câu trả lời sẽ không bao giờ tìm thấy đâu, bạn ạ. Đó là lý do vì sao các triết gia, các học giả cứ lẩn quẩn, loanh quanh với mớ chủ nghĩa, lý thuyết, hệ thống v.v… Họ đã lạc hướng quá xa rồi.
Không, không có ai trả lời bạn được đâu. Đừng đi đến bất cứ ai để mong được câu trả lời về giác ngộ, giải thoát. Nếu bạn tìm đến vị đạo sư thì tất cả những gì ông ta làm là giúp bạn tìm ra chính bạn, tìm ra con người thật của bạn. Không có một vị đạo sư nào giúp bạn có câu trả lời sẵn; không có ai cho bạn cái chìa khóa đâu. Vị đạo sư chỉ giúp bạn quay về bên trong, nhìn vào bên trong bạn. Tất cả là ở đó; kho tàng là ở đó; chìa khóa là ở đó – bên trong con người bạn.

“Chiyono quãy đôi thùng cũ đầy nước… “

Chúng ta cũng vậy. Chúng ta cũng gánh cái đầu óc cũ kỹ đầy ắp những học thuyết, quan niệm, chủ nghĩa của chúng ta ngày nay qua ngày khác. Cái đầu óc đó đã cũ kỹ rồi, đã sơ cứng rồi, đã chết rồi.
Các thiền sư đã nói: “Quá khứ không truy tìm, tương lai chưa kịp đến, an trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời.” Thực tại là đây, bạn đang có mặt tại đây – nhưng giữa bạn và thực tại là bức màn tri thức. Những gì bạn thấy, bạn thấy qua bức màn tri thức đó. Những gì bạn nghe, bạn nghe qua bức màn tri thức đó. Chúa Jesus đã nói với các tông đồ rằng: “Nếu các người có tai để nghe, hãy nghe ta. Nếu các người có mắt để nhìn, hãy thấy ta.” Nhưng chúa Jesus đã biết là các tông đồ đã mù và đã điếc rồi vậy.
Những gì bạn nghe qua tri thức, những gì bạn thấy qua tri thức, những gì bạn thấy qua tri thức đã bị tri thức tô mầu, thay đổi hay pha trộn. Tri thức đã đánh lừa bạn, đã đưa bạn vào vùng ảo giác, mê hồn trận.
Chúng ta không thể nào đổi mới được với tri thức. Đừng tự lừa dối mình hay người qua lớp vỏ tri thức. Vì thế, nếu bạn muốn làm một cuộc cách mạng tư tưởng, trước hết phải nhìn lại rõ mình. Những người Cộng Sản không thể nào làm cách mạng được, vì họ không bao giờ định tâm thiền định. Chủ nghĩa Cộng Sản mà họ đang tôn thờ đó là sản phẩm của tri thức. Họ không tin vào bất cứ một đấng thần linh nào, họ tin vào Karl Marx hay họ tin vào Mao Trạch Đông (bản sao cuối cùng của Marx); nhưng họ tin. Những người Cộng Sản hay những tín đồ Ấn Độ giáo, Công giáo và Hồi giáo thực giống nhau, bởi vì những người này đều nhắm mắt tin theo những chủ nghĩa, giáo điều hay hệ thống thiết lập trên nền tảng không vững chắc của tư duy và khái luận.
Vì thế, trên thế gian này, chỉ có tôn giáo nào dám lật đổ mọi giáo điều cũ rích, hệ thống tư duy sai lạc để đưa con người quay trở về với bản thể, chân như, giác ngộ; tôn giáo đó mới thực sự làm cuộc cách mạng vĩ đại nhất; tôn giáo đó mới có thể làm một cuộc cách mạng chính xác, đúng đắn và toàn diện nhất. Một khi bạn phá vỡ được thành trì kiến chấp, giáo điều, hệ thống, buông xả được tri thức, bản ngã, thì lúc đó, bạn sẽ nhìn vạn vật vạn sự trên cõi đời này khác hơn, xuyên suốt hơn, mới mẻ hơn. Vạn vật sẽ trở nên tươi thắm, linh động. Bạn sẽ trở thành trẻ thơ trở lại. Mắt bạn ngây thơ hơn, trong sáng hơn, vô tư hơn. Bạn sẽ nhìn vạn vật không xuyên qua một bức màn che phủ nào. Cây cối xanh tươi và tiếng chim hót du dương trên cành cây kia sẽ là điệu nhạc đời muôn thưở.
Cảm giác khinh an đó rất khác với cảm giác mê ly của những người say ma túy. Aldous Huslley (một triết gia, tiểu thuyết gia, phê bình gia, nghị luận gia người Anh) đã sai lầm khi sử dụng ma túy, tưởng rằng sẽ tìm được cảm giác khinh an thoát tục. Thế hệ trẻ bây giờ nghiện cần sa ma túy cũng vì tưởng rằng sẽ tìm được an nhiên giải thoát cho những bế tắc khủng hoảng tâm linh.
Dược tánh trong cần sa á phiện là độc dược. Nó làm tê liệt trung khu não bộ, và gây ra những ảo giác mờ mịt, khoái cảm bệnh hoạn cho người sử dụng nó. Hệ thần kinh của người sử dụng ma túy không còn hoạt động nhạy bén được nữa, và dần dần nếu còn dùng ma túy nhiều thì độc tố trong người càng tăng, mức độ khoái cảm càng bị kích thích cao. Ma túy đã đẩy trí óc qua một bên và chiếm chỗ, và những gì người sử dụng ma túy thấy và cảm giác họ kinh qua đều sai lạc và bệnh hoạn.
Tri thức con người cũng độc hại như ma túy vậy. Nó ngăn che không cho chúng ta nhìn rõ lại chính mình. Nó cũng tạo ra những ảo giác mê lầm, đưa đến bệnh Ngã – Kiến chấp cho chúng ta.
Chỉ có Thiền Định mới có thể giết chết bệnh Ngã – Kiến chấp đó. Chỉ có Thiền Định mới là liều thuốc giải độc tố tri thức của con người. Thiền định giúp người ta khai phóng mắt trí tuệ. Thiền định có nghĩa là nhìn – nhìn sâu vào bên trong.
Danh từ “Darshan” trong Ấn Độ giáo có nghĩa là “Nhìn” (looking at) – vì thế, tín đồ Ấn Độ giáo định nghĩa “Thiền” là “Nhìn” – nhìn sâu vào bên trong ta để tìm ra con người thật của chính mình.
Bạn hãy thử làm một thí nghiệm nhỏ này. Bạn vào phòng, đóng cửa lại, và bắt đầu lấy giấy bút viết ra tất cả những ý tưởng nào chợt đến, chợt đi, chợt thoáng qua trong đầu óc bạn. Hãy viết tất cả, bất cứ một ý nghĩ nào vụt đến. Bạn đừng thay đổi chúng, đừng biến dạng chúng, vì bạn không cần phải đưa mảnh giấy đó cho ai xem cả. Bạn cứ viết như vậy trong vòng mười phút thôi và sau đó nhìn lại: đó là những gì bạn tư tưởng, những gì bạn suy nghĩ. Nếu bạn nhìn kỹ, thì bạn sẽ nghĩ đó là tác phẩm của một kẻ điên loạn, mắc bệnh thần kinh. Những ý tưởng lăng xăng lộn xộn, không ăn nhập vào nhau, có cái thánh thiện, có cái ghê tởm, có cái thuần lương, có cái quỷ sứ, v.v…
Đó, trí óc con người là thế đó, là một cái hộp số chứa đầy những bí ẩn và phức tạp, và chúng ta lại đi che dấu sự điên loạn rối ren đó đằng sau cái mặt nạ con người. Chúng ta luôn luôn ẩn nấp, che dấu, không dám lộ diện con người thật của chúng ta. Đằng sau cái bộ mặt người đó, chúng ta chỉ là một kẻ điên, một người mắc bệnh thần kinh. Nhưng tại sao chúng ta lại đánh giá “tư tưởng” quá cao như vậy? Phải chăng chúng ta đã say mê nó, đã nghiện phải nó.
Tri thức là ma túy, là một chất hóa học đầu độc con người. Trong sự mê loạn đó, con người tưởng rằng có thể quên hết sự đời, buông bỏ lo âu, bổn phận trách nhiệm, hoặc trở thành một mẫu anh hùng lý tưởng nào đó. Đã ngủ quên trong mộng, con người lại chồng chất thêm những cơn mộng huyễn hoặc phù du. Ban đêm họ đã ngủ mơ. Ban ngày, họ cũng nằm mơ. Những cơn mơ đó phủ vây con người và họ đắm chìm trong đó, không thể thoát ra và có lẽ họ cũng không muốn thoát ra.
Con người đã tự giam hãm mình trong cái tù chật hẹp đó, để rồi thống trách bi thương, để rồi đau khổ. Nhưng, mặc dù đã biết rõ như vậy, họ cũng đã ở trong nhà tù tư tưởng đó quá lâu đến nỗi họ đâm ra quen thuộc với nó, ôm ấp nó như ôm tình nhân, cũng giống như những tên tội phạm vì ở tù quá lâu nên đâm ra sợ hãi thế giới bên ngoài, sợ hãi được trả lại tự do.
Thật mâu thuẫn và chua chát, phải không? Biết ở tù là đau khổ, là sợ hãi nhưng vẫn can tâm chịu đựng không muốn giải thoát. Cái sợ “được trả lại tự do” đó bắt nguồn từ nỗi sợ hãi phải đối diện với cái mới, trách nhiệm mới, nếp sống mới, con người mới, xã hội mới v.v… Sự lột xác toàn diện khiến người ta đâm ra sợ hãi phải đối diện, phải chui đầu ra khỏi cái vỏ sò, chui đầu ra khỏi nhà tù quen thuộc.
Con người đã bám víu lấy tri thức như cái bóng của mình; một khi đánh mất nó đi, con người cảm thấy mất thăng bằng, không đứng vững. Krishnamurti đã nói: “Con người cảm thấy như mất thăng bằng nếu không suy nghĩ.” Có lẽ con người cảm nhận là nếu không suy nghĩ thì họ sẽ làm gì bây giờ?
Một bộ óc bình thường có thể chứa đựng tất cả thư viện trên thế giới. Trong cái đầu bé nhỏ của bạn, có 70 triệu tế bào thần kinh, mỗi một tế bào có thể chứa đựng ít nhất là một triệu thông tin. Không có một cái máy vi tính nào có thể so sánh nổi với bộ óc con người. Bạn mang cả một thế giới cồng kềnh trong cái đầu nhỏ bé của bạn, và lẽ dĩ nhiên, sức chuyên chở có hạn, ngày nào đó bộ óc bị quá tải sẽ nổ tung ra, văng hết.
Ni cô Chiyono đã tu học, đã tu học nhiều năm. Cô đã cố chế đầy thêm nước vào thùng cũng như cô đã cố nhồi nhét tri thức vào đầu óc cô, và vừa quẩy đôi thùng đầy nước, Chiyono vừa ngắm ánh trăng phản chiếu xuống mặt nước trong thùng. Đó không phải là chuyện lạ. Không phải chỉ riêng Chiyono mà chúng ta đây cũng vậy. Chúng ta không bao giờ nhìn mặt trăng. Chúng ta luôn nhìn cái bóng của mặt trăng phản chiếu xuống nước, phản chiếu trong tư tưởng, trong đầu óc chúng ta.
Danh từ Ấn Độ “Maya” có nghĩa là “ảo giác”. Tất cả những gì ta thấy, ta nghe đều là ảo giác; có nghĩa là chúng ta chỉ thấy bóng của mặt trăng chứ không phải là mặt trăng thật. Những gì chúng ta thấy, chúng ta nghe; chúng ta thấy nghe qua sự phản chiếu. Mắt chúng ta phản chiếu, tai chúng ta phản chiếu. Tất cả giác quan, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đều là những cái gương phản chiếu sự vật, đưa đến sự sai lầm, ảo giác.
Chân Lý không bao giờ xảy ra khi chúng ta chỉ biết nhìn cái bóng phản chiếu trong gương; Chân Lý chỉ đến khi tấm gương bị đập nát đi, thùng nước vỡ đi, nước không còn, sự phản chiếu biến mất.
Giác Ngộ đến thật đột ngột, bất thình lình. Giác Ngộ có thể ví như một tai nạn xảy đến đột ngột. Chúng ta không thể đoán trước tai nạn sẽ xảy ra lúc nào. Nếu chúng ta có thể biết chắc tai nạn sẽ xảy ra, thì đó là sự sắp đặt, không phải là tai họa. Giác ngộ cũng vậy. Chúng ta không thể sắp đặt chờ đón giác ngộ sẽ đến thế này thế kia. Không, không bao giờ có chuyện như thế cả. Đột nhiên, chúng ta tỉnh thức; đột nhiên, chúng ta giác ngộ. Thế thôi.
Khi Bồ Tát Sĩ Đạt Ta chứng đắc quả Phật, có phải ngài vẫn là con người cũ không? Không, con người cũ không thể chứng đắc. Con người cũ đã hoàn toàn chết đi, thành con người mới, một con người hoàn toàn mới. Thái tử Sĩ Đạt Ta, người đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, từ bỏ vợ đẹp con thơ, không còn nữa. Cái “Tự Ngã” của thái tử Sĩ Đạt Ta không còn nữa. Cái “Tri Thức” của Sĩ Đạt Ta không còn nữa. Con người cũ đã chết, cái thùng nước cũ đã vỡ. Bây giờ, là hoàn toàn một con người mới, một cái tên mới, chúng ta gọi Ngài một cái tên mới – Đức Phật – Bậc Giác Ngộ. Cái tên cũ “Sĩ Đạt Ta” không còn thuộc về người này nữa.
Nhưng hãy cẩn thận coi chừng! Khi tôi ví dụ giác ngộ cũng giống như một tai họa bất ngờ, tôi không có ý nói là bạn không nên làm gì cả. Đó không phải là ý nghĩa xác thực của lời tôi nói. Nếu bạn ngồi yên không làm gì cả, lẽ dĩ nhiên tai nạn không xảy ra, giác ngộ không xảy ra. Ví dụ tai nạn chỉ xảy ra cho những người chạy xe nhanh quá hay ẩu quá; cũng vậy giác ngộ chỉ xảy ra cho những người công phu tinh tấn nhất. Nhưng điểm khác biệt là thế này: cái hành động chạy xe nhanh không phải là cái Nhân của tai nạn mà đó là cái Duyên đưa đến tai nạn; công phu tham thiền miên mật không phải là cái Nhân của giác ngộ.
Vì thế, Đức Phật không thể nói khi nào giác ngộ sẽ đến với bạn. Có nhiều người đến hỏi tôi như vậy, và tôi trả lời họ “sắp tới rồi”. Câu trả lời đó chẳng có ý nghĩa gì; “sắp tới” có thể sẽ là phút tới, có thể sẽ là ngày mai, có thể sẽ xảy ra trong nhiều kiếp sau, vô hạn. Bạn không thể đoán trước được. Bạn cứ việc làm, cứ việc tham thiền, cứ việc tu học. Đừng mong cầu, đừng ngóng đợi, đừng trông chờ. Cái gì đến sẽ đến. Bạn cứ an nhiên sẵn sàng trong tỉnh thức đón nhận cái gì đến với bạn. Vì nếu bạn không ở trong tư thế sẵn sàng, nếu bạn mơ ngủ thì có thể điều kỳ diệu sẽ tới và vụt tới, mất dấu.
Ngay cả khi bạn sẵn sàng, bạn vẫn phải chờ đón. Bạn không thể bắt buộc giác ngộ phải xảy ra, bạn cũng không thể mong giác ngộ tới. Nếu bạn có thể bắt buộc, thì tôn giáo sẽ chẳng khác gì một môn khoa học. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa tôn giáo và khoa học. Khoa học có thể tạo ra những phản ứng hóa học, những kết quả vì nó tùy thuộc vào nguyên nhân. Khoa học có thể tạo ra sự vật vì nó tìm ra được cái nhân, ví dụ như: nếu bạn đun sôi nước lên 100 độ thì nước bốc hơi. Bạn biết chắc chắn rằng khi nước đun sôi tới 100 độ thì nước tự nhiên sẽ bốc hơi hay nếu bạn pha trộn hai nguyên tử oxy và hydro thì bạn sẽ tạo ra nước (H20). Bạn có thể tạo ra những phản ứng hóa học bạn muốn. Khoa học là môn học nghiên cứu tìm ra nguyên nhân vạn vật.
Tôn giáo thì khác, cơ bản rất khác, và tôn giáo không bao giờ trở thành một môn khoa học theo nghĩa đơn thuần của danh từ “khoa học”, bởi vì tôn giáo đi tìm cái không cùng, cái không nhân, tôn giáo đi tìm sự Chuyển Hóa Tuyệt Đối.
Bạn có thể hỏi ngược lại tôi rằng: “Nếu giác ngộ xảy ra đột ngột, không biết trước được lúc nào giống như tai nạn xảy đến đột ngột như lời ông nói thì cần gì phải thiền? Cần gì phải tham cứu? Cứ đơn giản ngồi chờ nó tới!” Không, sự chờ đợi của bạn không phải là sự chờ đợi biếng lười như vậy. Sự chờ đợi của bạn phải là sự chờ đợi tích cực, tươi mát, sống động. Bạn không nên ngồi chờ thụ động như một xác chết được; luôn luôn bạn chờ đợi trong tỉnh thức, trong chánh niệm, sống động và tươi thắm. Chỉ có trong trạng thái hồn nhiên tỉnh thức đó, điều kỳ diệu nhiệm mầu sẽ xảy ra cho bạn.
Có bao giờ bạn quan sát cuộc đời và nhận xét rằng vạn sự vạn vật trên thế gian này đều vô thường, không chắc chắn, duy chỉ có cái chết chắc chắn sẽ đến với tất cả chúng sanh hữu tình không? Tất cả sự sự vật vật đều vô thường, không chắc thật! Tình yêu cũng vậy, không có cái tình yêu bất tử. Chỉ có một điều chắc chắn: đó là cái Chết, và sự chắc chắn thuộc về cái Chết, không phải thuộc về sự sống đâu, bạn ạ. Nếu bạn đang đi tìm Sự Sống Vĩnh Cửu, hãy sống cởi mở, an nhiên, bình dị ngay từ phút giây tỉnh thức này.
Tôi muốn kể cho bạn nghe về ni cô Chyono. Trước khi xuất gia, Chiyono là một giai nhân tuyệt sắc. Sắc đẹp diễm lệ của cô quyến rũ đến nỗi khi cô muốn đi tu, đến nơi nào cô cũng bị từ chối vì các đại sư e ngại sắc đẹp của cô sẽ làm các vị sư khác đắm nhiễm mê say. Cuối cùng, Chiyono quyết định táo bạo là đốt phỏng gương mặt cô thành sẹo để không một ai mơ tưởng nữa. Từ đó, Chiyono sống yên trong một tu viện. Cô đã tinh tấn chiến đấu không ngừng với bản thân. Cô đã tu học tham thiền 10 năm, 20 năm, 30 năm, 40 năm liên tục không mệt mỏi, và đột ngột, một đêm kia, “kẻ lạ mặt” mà Chiyono đã cố công tìm kiếm đến gõ cửa nhà cô.
“Bất thình lình, giây thừng đứt, thùng nước rơi,
Nước đổ ào ra, bóng trăng biến mất – và Chiyono hoát nhiên đại ngộ.”
Chiyono đang ngắm bóng trăng – bóng trăng thật đẹp, vì chúng phản chiếu cái Đẹp Tuyệt Đối. Thế gian này cũng rất đẹp vì nó là cái bóng phản chiếu Thượng Đế, phản chiếu cái Đẹp Thiêng Liêng. Ngoài thế gian, chúng ta không thể nào tìm ra cái Đẹp Tuyệt Đối. Những người đi tìm cái Đẹp Tuyệt Đối hay Chân Lý không bao giờ nhầm lẫn cái Thật và cái bóng phản chiếu. Anh ta không phủ nhận cái bóng, không chối bỏ nó, nhưng anh ta không đắm nhiễm nó, không nhầm lẫn nó với cái Thật. Anh ta mượn nó để tìm đến cái Thật, tìm thấy cái Thật.

“Chiyono ngắm bóng trăng phản chiếu trong thùng nước. Bỗng nhiên, giây đứt, thùng rơi, bóng trăng biến mất.”

Chiyono ngước mắt nhìn lên trời – vành trăng tròn thực sự đang ở trên cao. Hoát nhiên Chiyono trực nhận rằng tất cả những gì cô ta thấy nghe đều là ảo ảnh, sai lầm – vì cô ta thấy nghe qua tri thức.
Nhưng, hãy coi chừng. Đừng đi theo Chiyono. Chiyono không phải là bạn. Bạn không phải là Chiyono. Cái hoát nhiên đốn ngộ đó sẽ không xảy ra cho bạn đâu. Chiyono là Chiyono; bạn là bạn. Mục tiêu giải thoát vẫn là một, nhưng không có phương cách nào giống phương cách nào; không có sự đốn ngộ nào giống với sự đốn ngộ nào. Không ai có thể là Chiyono thứ hai được. Thế giới không bao giờ lập lại. Chiyono chỉ sanh ra một lần, và không bao giờ có một Chiyono nữa. Bạn không thể lập lại hay bắt chước, vì bạn không phải là Chiyono. Mỗi người tu tập một pháp môn; mỗi người tự thân chứng lấy một cách.
Ngay hình tượng Đức Phật cũng vậy. Bạn có thể ngồi kiết già thiền định như Đức Phật, dưới cội cây Bồ đề, y như Phật đã ngồi, mà thậm chí có thể bạn ngồi hay hơn Phật nữa kìa, nhưng mãi mãi bạn không bao giờ trở thành một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thứ hai. (bạn có thể thành Đức Phật X, Đức Phật Y… nhưng không thể là Phật Thích Ca Mâu Ni).
Sự kiện Đức Phật Thích Ca ngồi dưới cội cây bồ đề là một sự kiện ngẫu nhiên. Nếu Phật không ngồi ở đó mà đi thiền hành hoặc ngồi ở cội cây khác thì Phật vẫn đạt ngộ như thường. Chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên Đức Phật đến dưới cội cây bồ đề và thiền định. Hình tướng không quan trọng; cây bồ đề không phải là nguyên nhân giác ngộ, cái dáng ngồi kiết già không phải là nguyên nhân giác ngộ – đó chẳng qua chỉ là những duyên đưa đẩy đến sự giác ngộ của Phật Thích Ca.
Đừng bao giờ mù quáng chạy theo bắt chước một ai, dù người đó là Đức Phật. Không phải bạn ngồi kiết già như Phật mà bạn mà bạn có thể thành Phật. Thực sự là chúng ta nên tu tập theo những lời dạy của Phật nhưng chúng ta vẫn phải tự mình chứng đạt, tự mình tìm ra tự tánh chân thật tự xưa của mình. Mỗi người chứng nghiệm một cách. Đức Phật, Lão Tử, Mahavira, Krishna hay Zarathustra – không có ai gánh nước như Chiyono mà giác ngộ. Trước và sau Đức Phật Thích Ca, không có ai ngồi dưới cây bồ đề mà giác ngộ.
Vì thế, đừng đóng khung trong lề thói, trong kinh điển, v.v… Hãy tỉnh thức và suy nghiệm! Đó là con đường duy nhất để thực hành, để chứng đạt. Tỉnh thức trong từng sát na, tỉnh thức trong từng hành động, ý nghĩ.
“Bất thình lình giây thừng đứt,
Không còn nước, không còn trăng trong nước,
Tay tôi rỗng không, chẳng có vật gì,
Tâm tôi rỗng không, chẳng có vật gì.”
Đó chính là những gì mà Đức Phật chứng ngộ; đó chính là định nghĩa một vị Phật là gì.
“Không – vạn vật giai không.”
“Không” không có nghĩa là không có gì, phủ định. “Không” có nghĩa là “Có” – “Có” có nghĩa là “Không”. “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” (Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc)… (Bát Nhã Tâm Kinh)
“Không” trong tay có nghĩa là suối nguồn giác ngộ trong tay. Vạn vật giai không, không có cái tướng của ta, không có cái tướng của người, không có tướng chúng sanh, không có tướng lãnh thọ của chúng sanh (Kinh Kim Cang).
Và một khi bốn tướng đó đều là Không thì bạn chạm tới bộ mặt thật của Thiền rồi vậy.
Và Chiyono đã tìm ra: “Không Nước – Không Trăng”
“Tay tôi rỗng không
Tâm tôi rỗng không… “

Osho
Dịch giả Thích Nữ Minh Tâm
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Máy bay bà già của Việt Nam


FB Đỗ Hùng
Việt Nam mình hiện sử dụng rất nhiều máy bay thuộc hàng cổ lỗ sỉ. Về phản lực chiến đấu thì có MiG-21 (tiêm kích) và Su-22 (tiêm kích - bom), chủ yếu là mua lại hàng các nước Đông Âu thải ra, giá rất mềm mà hàng lại rất cổ các bác ạ. Lịch sử xung trận của MiG-21 thì rất oách. Hôm rồi có bác nhắc lại là thời đánh Mỹ quân ta cho MiG-17, MiG-21 lên nấp đâu trong mây, chờ quân địch tới thì nhảy ra oánh cho một trận chạy té khói.

Cơ mà cũ kỹ thì đi kèm với không an toàn. Không an toàn do máy bay quá cũ, nhiều bộ phận đáng ra phải về hưu lâu rồi giờ hoạt động không còn chính xác như thiết kế nữa. Nó cũng như xương khớp, răng mồm của con người ta. Khi trẻ thì dẻo dai, linh hoạt. Qua bốn mươi thì bắt đầu trệu trạo, đôi khi không tuân theo ý chí của chủ nhân.

Không an toàn còn do các tiêu chuẩn an toàn, công nghệ vào thời điểm mà dòng máy bay đó ra đời rất thấp so với tiêu chuẩn, công nghệ hiện đại. Một ông anh sau khi chuyển loại lái Su-27/30 giải thích với mình: "Chú cứ hình dung bay con MiG-21 thì giống như đi xe Honda 67, chỉ có cái đồng hồ công tơ mét báo tốc độ lúc chính xác lúc không. Còn lên con Su-27/30 thì có đủ thứ, như đi con Bentley, từ tình trạng xăng nhớt, áp suất lốp, nhiệt độ máy móc cho đến camera de...". Tất nhiên là ông anh ví von có chút cường điệu nhưng như vậy thì một người không biết ất giáp gì như mình mới dễ hình dung.

Bên cạnh phản lực chiến đấu, loại trực thăng chiến đấu (gunship) Mi-24 có hỏa lực rất mạnh, nhưng sau khi đánh Khmer Đỏ xong rồi thì đến nay đã về hưu, không thể nâng cấp được.

Các loại trực thăng như Mi-8 (171), UH-1 cũng rất cao niên. UH-1 do Mỹ bỏ lại từ thời chiến tranh, được phe ta tận dụng, mày mò sửa chữa nâng cấp. Mấy năm gần đây, với quan hệ Việt - Mỹ được cải thiện, UH-1 trong biên chế của Việt Nam được các đồng minh của Mỹ, chẳng hạn Úc, sửa chữa nên chất lượng chắc không đến nỗi nào. Nói vậy thôi chứ bản thân tất cả những chiếc UH-1 đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay đều đã sống ngót nghét nửa thế kỷ rồi, nâng cấp chẳng qua là biện pháp cực chẳng đã của nhà nghèo chứ ở nước khác người ta cho ra bãi rác và mua cái mới rồi.

Mi-8 (171) là loại trực thăng nồi đồng cối đá vào hạng bậc nhất thế giới hiện nay, nhiều nước phương Tây cũng xài, các chiến dịch nhân đạo của Liên Hợp Quốc sử dụng rất nhiều Mi-171/172. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì tuổi đời của Mi-8/171 đã khá cao, sức khỏe phần lớn hư hao. Cũng giống một con Toyota Vios đời 2008 đã chạy 200k cây số với một con đời 2014 mới chạy 20k cây số thì rất khác nhau.

Nói về máy bay bà già không thể không kể đến cụ cánh quạt Antonov AN-26 mà võ sư Nga Pham có lần bay ngắm vịnh Thái Lan. Lúc bạn Nga bay chắc chưa nghe chuyện một chiếc AN-26 đi làm nhiệm vụ đến đâu ngoài Hà Tĩnh thì cửa bung ra, một quân nhân ngồi dựa vào cửa rơi xuống sau vườn chuối nhà dân. Chuyện kể nghe như đùa nhưng nó liên quan tới sinh mạng của con người ta chứ không có gì hài hước cả. Bác nào hay đi về sân bay Tân Sơn Nhất sẽ thấy một bãi toàn máy bay trắng tróc sơn nằm phơi nắng gần đường lăn, chính là AN-26 đấy.

AN-26 quá già nua, nhưng điều đáng kinh ngạc là cụ tổ của cụ ấy, đó là AN-2 vẫn còn hoạt động trong biên chế của Không quân Việt Nam. Cụ AN-2 ra đời ngay sau Thế chiến II (1947, tức chỉ trẻ hơn cụ TBT đương nhiệm của chúng ta 3 tuổi), là loại máy bay một động cơ cánh quạt và 2 tầng cánh. Ở phương Tây ngày nay có một số dân chơi mua loại này rồi độ lại đem ra chỗ đồng không mông quạnh chơi chứ không còn cơ quan đoàn thể nào sử dụng như mình. Thế nhưng tháng 8.2014, trang Soha.vn viết: "Dù đã rất cũ nhưng AN-2 vẫn miệt mài phục vụ trong Không quân Việt Nam với vai trò huấn luyện nhảy dù và bay cảnh báo bão cũng như tìm kiếm cứu nạn. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy “bà già hai tầng cánh” này sẽ sớm được cho nghỉ hưu."

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao Trung Quốc lo sợ khi Việt Nam có tàu ngầm?


Tàu ngầm Việt Nam chỉ hoạt động trong vùng biển Việt Nam thì việc có 3 chiếc, 6 chiếc hay 60 chiếc cũng vậy thôi…cớ sao Trung Quốc phải hằn học? Đương nhiên, tàu ngầm Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam không phải là hoạt động du lịch, khảo sát khoa học mà hoạt động chiến đấu (tác chiến) để bảo vệ vùng biển chủ quyền.

Lợi dụng thế địa lý, phục kích và tập kích là lối đánh của tàu ngầm Việt Nam.
Rõ ràng, về thái độ của những kẻ lên tiếng lo ngại đã có vấn đề, đằng sau đó là một âm mưu lớn với vùng biển Việt Nam, cho nên, không chỉ khi tàu ngầm xuất hiện mà bất cứ loại vũ khí gì cho phòng thủ, thậm chí bất cứ mối quan hệ nào về quốc phòng với lân bang, cũng đều được coi là sự cản trở hoặc là tạo ra sự nguy hiểm không lường được cho âm mưu đến tối của họ.

Tuy nhiên, chỉ về thái độ thôi thì chúng ta không đáng quan tâm, vì thế giới này có nhiều quốc gia không thích, không muốn quốc gia láng giềng khác mạnh lên để dễ bề khống chế, nhưng thái độ đó gắn liền với một âm mưu thôn tính, chiếm đoạt…thì cũng nên phân tích kỹ một chút để thấy được rằng những lo sợ, hằn học, của kẻ có ý đồ độc chiếm biển Đông không phải là không có cơ sở. Vậy đó là những vấn đề gì?

Thứ nhất là lo ngại sự phát triển lực lượng của Việt Nam. 


Khi Việt Nam đã có tàu ngầm tham gia tác chiến trong đội hình phòng thủ thì nhiều hay ít không quan trọng với Việt Nam mà đó chỉ là sự lựa chọn để đáp ứng với nhu cầu chiến thuật mà thôi.

Điều rất quan trọng cần quan tâm là, Việt Nam đã có đủ cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật, để phát triển lực lượng tàu ngầm, đáp ứng tình hình khi cần thiết.

Nên nhớ là để có được tàu ngầm tác chiến là không hề đơn giản cho bất kỳ quốc gia nào, riêng Việt Nam, nếu không nhầm thì đã phải chuẩn bị không dưới 20 năm. Và, các chuyên gia quân sự thế giới đã đánh giá sự xuất hiện của tàu ngầm Việt Nam rằng: “Cuộc chơi trên Biển Đông đã thay đổi” là không cường điệu hóa một chút nào.

Đúng! Một thế lực quân sự mới đã, đang, hình thành và sẽ phát triển trên Biển Đông.

Thứ hai là tàu ngầm Việt Nam trở nên rất lợi hại bởi có lợi thế địa lý.

Việt Nam án ngữ tuyến hàng hải từ Ấn Độ dương sang Thái Bình dương. Đây là tuyến hàng hải quan trọng có tính sống còn của nhiều quốc gia Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Không những thế, về mặt quân sự, tuyến vận tải quân sự của Trung Quốc về phía Nam cũng không ngoài tình thế trên. Do đó nếu xung đột quân sự xảy ra, khi cần phải phong tỏa, có thêm lực lượng tàu ngầm tác chiến thì chiến dịch sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

Hải chiến hiện đại ngày nay, các lực lượng đối địch hiếm khi đối mặt nhau mà chỉ tiêu diệt nhau khi khoảng cách còn rất xa. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, vũ khí có tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn, thường được dùng để phô tương thanh thế…mới chỉ là một lợi thế.

Nhưng, mỗi bên, bằng cách nào đó (chiến thuật), mà đưa tên lửa vào trúng mục tiêu trước, mới quyết định sự thành bại của các trận hải chiến. Vì thế, hải chiến, không chiến, trong phòng thủ từ hướng biển của Việt Nam, vấn đề có tính quyết định trong đòn tấn công là các vị trí đợi cơ, vị trí xuất phát tấn công ở đâu mà khi đối phương phát hiện ra thì chúng cũng đã nằm trong tầm hỏa lực.

Do vậy, yếu tố bí mật trong hải chiến hiện đại được nâng lên một khái niệm rộng hơn, đó là, bí mật không những do thế địa lý tạo ra trực quan, mà bí mật còn do thế địa lý tạo ra bằng công nghệ (radar, thông tin liên lạc) để “che mắt, bịt tai địch”, nhằm đưa lực lượng ta vào gần nhất có thể, trong tầm hỏa lực, để công kích mục tiêu.

Trong khi đó, ai cũng biết, tàu ngầm KILO là lợi hại, là “lỗ đen”…nhưng nó là tàu ngầm Diesel-điện nên thời gian hoạt động ngầm là hạn chế mà cần phải nổi để nạp điện.

Đây là một bài toán rất khó cho không ít quốc gia sử dung tàu ngầm diesel-điện là làm sao khi nổi lên nạp điện hoặc ở vị trí đợi cơ hay ở vị trí xuất phát tấn công có lợi nhất…mà vẫn không bị lộ bí mật.

Với Việt Nam, bài toán trở nên quá đơn giản. Bờ biển Việt Nam dài, có những dãy núi ăn sâu ra biển, cho nên, không những chỉ có cảng Cam Ranh là căn cứ lý tưởng cho tàu ngầm trú đậu, trú ẩn và xuất phát tấn công mà các vị trí khác trên bờ biển Việt Nam cũng có thể là nơi cho tàu ngầm Việt Nam thỏa mãn những điều kiện trên: bí mật, bất ngờ.

Tàu ngầm quốc gia nào, kiểu loại gì cũng đều rất mạnh trong tấn công, nhưng rất yếu khâu phòng thủ tự bảo vệ mình. Do đó, khi bị lộ vị trí bởi đối phương phát hiện (bằng máy bay săn ngầm, tàu săn ngầm) là coi như bị loại, nếu như không được các lực lượng khác hỗ trợ, bảo vệ.

Ở vào một thế ịa lý như Việt Nam, tàu ngầm Việt Nam lại chỉ tác chiến trong vùng biển Việt Nam, cho nên, đối phương dùng các phương tiện như máy bay, tàu mặt nước, để săn KILO của Việt Nam thì gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ, vùng biển, vùng trời Việt Nam không phải là nơi để các loại đó của đối phương “diễn tập”.

Hơn nữa, ở vào một thế địa lý như Việt Nam thì với khả năng của tàu ngầm KILO, tấn công vào sào huyệt đối thủ tiềm tàng cũng không phải là quá khó…

Như vậy thế địa lý đã tạo ra bất ngờ, bí mật, là thế mặc nhiên vốn có, hỗ trợ tự nhiên vô cùng thuận lợi cho tác chiến ngầm của Việt Nam. Rõ ràng, lợi thế địa lý đã tạo ra lợi thế tác chiến, không những với các loại tàu khác mà còn với tàu ngầm cùng loại của đối phương.

Thứ ba là chiến tranh du kích của Việt Nam thăng hoa bởi tàu ngầm.

Tại sao Việt Nam chỉ mua sắm 6 chiếc tàu ngầm KILO mà không là 8, 9…thì như trên đã nói, nhiều hay ít nó phụ thuộc chủ yếu là yêu cầu chiến thuật.

Đó là số lượng ít nhất có thể, để đáp ứng được nhiệm vụ chiến thuật đề ra, đã được cơ quan Tham mưu tính toán kỹ, mà trong đó lợi thế địa lý đã luôn luôn là kim chỉ nam cho tư tưởng quân sự “lấy ít địch nhiều” nói chung và tác chiến ngầm nói riêng của Việt Nam.


Điều này chỉ cho ta thấy mối liên hệ mật thiết của tư tưởng, nghệ thuật quân sự Việt Nam với địa thế Việt Nam mà thời hiện đại, dân tộc Việt đã phát triển lên một tầm cao mới là chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân trong BVTQ…

Thực hiện một cuộc chiến tranh du kích (CTDK) trên đất liền thì không ai bàn cãi, nhưng trên biển, địa hình trống trải…thì chiến tranh du kích hay hải chiến du kích (HCDK) của Việt Nam vẫn tồn tại và phát huy.

CTDK có 2 lối đánh đặc trưng đó là phục kích và tập kích. Hai lối đánh này luôn dựa vào lợi thế địa hình để tổ chức thực hiện, trong đó yếu tố bí mật, bất ngờ, quyết định thành bại của đòn đánh.

Phục kích theo lối truyền thống thì chủ thể là con người, con tàu, ẩn nấp chờ giặc đến (thế tĩnh chờ thế động) đúng tầm là tấn công, nhưng theo lối hiện đại thì máy bay, tên lửa và thậm chí cả pháo binh (luôn ở thế động) vẫn có thể là chủ thể của trận phục kích.

Tập kích là bí mật, bất ngờ, dùng lực lượng cơ động nhanh, uy lực mạnh, tấn công dồn dập vào quân địch khiến chúng tê liệt, tan rã hay thiệt hại nặng. Đây là đòn đánh sở trường của Việt Nam mà bất kỳ lực lượng nào, từ đặc công cho đến không quân, hải quân đều sử dụng.

Nếu như chúng ta có chút kiến thức về địa lý quân sự thì lực lượng phòng thủ biển đảo của Việt Nam sử dụng 2 lối đánh phục kích và tập kích là tối ưu. Sự kết hợp giữa tàu ngầm và không quân luôn tạo ra những quả đấm cực mạnh, cực nhanh, cực hiểm vào tuyến hành lang "bất khả kháng" của kẻ địch.

Sự xuất hiện tàu ngầm Việt Nam giống như một mảnh ghép cuối cùng trong một bức tranh giá trị cao về thẩm mỹ và nghệ thuật-“bức tranh” thế trận phòng thủ biển có chiều sâu, có chiều rộng, có tính liên hoàn của nhiều lực lượng.

Một mảnh ghép cuối cùng làm thăng hoa lối đánh sở trường của Việt Nam đã vốn cực kỳ nguy hiểm cho đối thủ hùng mạnh trong các cuộc chiến tranh trước đây.

Tại sao bạn không cao, nhưng khiến nhiều người phải ngước nhìn? Tàu ngầm KILO của Việt Nam cũng vậy thôi, không nhiều, không hiện đại hơn ai, nhưng khi nằm trong tay một đất nước có lợi thế địa lý như Việt Nam, khi nằm trong tay một đội quân dày dạn trận mạc có truyền thống đánh giặc, sử dụng vũ khí sáng tạo, có một nền nghệ thuật quân sự độc đáo như Việt Nam, thì...đánh giá sức mạnh của nó như thế nào tùy theo sự chủ quan của đối thủ.

Tại sao giới truyền thông Trung Quốc lại lo sợ, hậm hực, bàn tán, trước những chiếc tàu ngầm KILO của Việt Nam mà số lượng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi họ đã có hàng chục chiếc tàu ngầm cũng dạng KILO?

Ở đây không đơn giản là thái độ, mà đằng sau đó, là âm mưu và đặc biệt là nhận thức sự nguy hiểm không lường, luôn tiềm ẩn của chính những chiếc tàu ngầm Việt Nam gây ra khi tác chiến. Xét về mặt quân sự, là không có gì ngạc nhiên, nó phù hợp với logic.
Lê Ngọc Thống
(Đất Việt)
http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/vi-sao-trung-quoc-lo-so-khi-viet-nam-co-tau-ngam-3229745/
Phần nhận xét hiển thị trên trang

(GDVN) - Trung Quốc bố trí DF-21 cả ở đông bắc và đông nam, bao trùm lên Nhật Bản, biển Hoa Đông và Biển Đông - Trung Quốc đang tăng cường khoe mình nhiều vũ khí.


Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc
Tờ “Tin tức Trung Quốc” đưa tin, lữ đoàn tên lửa của Lực lượng Pháo binh 2 ở Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã bố trí tên lửa Đông Phong-21D (DF-21D) mới nhất, có thể sẽ làm cho tình hình chiến lược của châu Á đặc biệt là Biển Đông “có lợi hơn cho Trung Quốc”.
Bài báo dẫn phân tích tình báo của Quân đội Mỹ cho rằng, Quân đội Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong -21D ở Thiều Quan, nằm ở dọc tuyến giao thông quan trọng chủ yếu, giáp đường hầm dãy núi Nam Lĩnh, cơ động theo thời cơ, có thể kiềm chế Biển Đông.
Theo bài báo, năm 2011, khi gặp gỡ với phía Mỹ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã công khai cho biết, Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung mới Đông Phong-21 đánh các mục tiêu di động trên biển. 3 năm sau, tức vào năm 2014, đơn vị đầu tiên triển khai loại tên lửa này là ở Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, phương hướng tấn công là các mục tiêu ở Biển Đông.
Dẫn chuyên gia phân tích cho rằng, Quân đội Trung Quốc triển khai đơn vị cấp lữ đoàn tên lửa mới ở khu vực đông nam, cùng 1 đơn vị tên lửa cấp lữ đoàn khác triển khai ở đông bắc đã cho thấy, năng lực tấn công của Lực lượng Pháo binh 2 đã "hoàn thiện", khả năng cơ động nhanh chóng, có thể cơ động trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc
Trước đó, tờ “Lợi ích quốc gia” Mỹ ngày 6 tháng 1 đăng bài viết của nhà nghiên cứu Peter Matthes – Quỹ Jamestown cho rằng, để bảo vệ cái gọi là “lợi ích quốc gia” của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Quân đội Trung Quốc ít nhất thông qua 3 loại thủ đoạn đe dọa/uy hiếp. Thứ nhất là thông qua tổ chức diễn tập quân sự và tuần tra ở trong và ngoài vùng biển tranh chấp để phô trương hiện diện quân sự.
Thứ hai là khoe khoang thiết bị quân sự để đối thủ tiềm tàng phải “suy nghĩ kỹ” trước khi hành động. Thứ ba là tìm cách để giành lấy sự ủng hộ của công chúng đối với cái gọi là “bảo vệ quyền lợi biển Trung Quốc” (như dùng truyền thông xuyên tạc đánh lừa nhân dân Trung Quốc và đánh lừa dư luận quốc tế trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014?!). Theo số liệu khảo sát gần đây, những nỗ lực không lấy gì làm tốt đẹp, đáng tự hào này của Quân đội Trung Quốc hầu như đã đạt “thành công”.
Quân đội Trung Quốc ra sức thể hiện là họ có khả năng ra vào và (nghênh ngang) hoạt động ở vùng biển tranh chấp, thậm chí cho tàu và quân tới tận bãi ngầm James tuần tra (bất hợp pháp), muốn truyền đi thông điệp rằng Quân đội Trung Quốc có thể tự do hành động ở bất cứ khu vực nào trên Biển Đông.
Quân đội Trung Quốc muốn nhấn mạnh các hoạt động của họ như tuần tra trên không, diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo đá và các hoạt động diễn tập khác cùng với hoạt động chuẩn bị cho đánh thắng chiến tranh cục bộ của họ là để “mài sắc dao kiếm” ở thời bình, tăng cường răn đe các đối thủ.
Tên lửa Đông Phong-21D được cho là "sát thủ tàu sân bay"
Đáng chú ý, lãnh đạo Trung Quốc là động lực quan trọng để Trung Quốc nghiên cứu phát triển ra tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D. Theo báo Mỹ, loại tên lửa này có thể sẽ triển khai ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tại đó, loại tên lửa này có thể vươn tới toàn bộ Biển Đông.
Theo bài viết, bất cứ hệ thống vũ khí mới nào của Quân đội Trung Quốc như tên lửa Đông Phong-21D, máy bay chiến đấu tàng hình J-20, J-31, tàu ngầm lớp Kilo, máy bay chiến đấu Su-27/J-11, tàu khu trục Type 052C… đều có thể răn đe các nước láng giềng, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Gần đây, lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh, vũ khí trang bị là tiêu chí quan trọng của hiện đại hóa quân đội, là nền tảng quan trọng của an ninh quốc gia và phục hưng dân tộc.
Theo báo Mỹ, Trung Quốc đang đẩy mạnh sử dụng các phương tiện truyền thông để khoe cơ bắp tạo hiệu quả răn đe và thể hiện quyết tâm, năng lực của Trung Quốc. Bất kể thế nào, lãnh đạo Trung Quốc đều có thể kiểm soát Quân đội Trung Quốc, mặt khác, Quân đội Trung Quốc hoàn toàn không chỉ sẽ thông qua “lễ nghĩa” và “quyền lợi mơ hồ” để giải quyết vấn đề.
Liên quan đến tên lửa Đông Phong-21D của Trung Quốc, tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 23 tháng 1 còn dẫn lời học giả Học viện ngoại giao quốc gia trên báo Hàn Quốc cho rằng, nếu Trung Quốc triển khai tên lửa Đông Phong-21 ở núi Trường Bạch thì đó là một sự cảnh cáo đối với liên minh quân sự Hàn-Mỹ-Nhật.  
Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc tổ chức huấn luyện tên lửa đạn đạo Đông Phong-21 ở Cát Lâm 
Theo bài báo, Lực lượng Pháo binh 2 đã triển khai một cuộc huấn luyện thường lệ tên lửa Đông Phong-21 ở căn cứ huấn luyện Cát Lâm, đã cung cấp đầy đủ thông tin để phân biệt phiên hiệu đơn vị.
Từ cuối thập niên 1960 trở đi, đơn vị bắn của Trung Quốc luôn huấn luyện ở Cát Lâm. Ngày 15 tháng 1 năm 2015, trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, một chuyên gia phân tích cho rằng, hoạt động huấn luyện lần này ở khu vực núi Trường Bạch.
Theo bài báo, hoạt động huấn luyện này nằm ở Cát Lâm, thông tin địa lý này là chính xác. Việc lựa chọn địa điểm như vậy được bài báo cho là để giữ bí mật cho địa điểm bắn tên lửa thực sự của đơn vị Trung Quốc. Đó chỉ là một cơ sở huấn luyện, không phải là địa điểm bắn thực sự.
Tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc có 1 cơ sở như vậy, đó là căn cứ huấn luyện có điểm bắn tên lửa và đơn vị tổng hợp của Pháo binh 2. Báo Trung Quốc liên tục cho đó là “huấn luyện thường lệ”, hoạt động này được tiến hành từ “thời ông ngoại” của Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản và thời Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-Hee.
Theo bài báo, Lực lượng Pháo binh 2 thực sự có 1 lữ đoàn tên lửa Đông Phong-21 đóng ở Cát Lâm. Nhưng, đơn vị này đã đóng ở đó vài chục năm, do đó thông tin hoạt động huấn luyện nói trên không thể là lời cảnh cáo đối với bất cứ ai – báo Trung Quốc tìm cách giải thích.
Tên lửa Đông Phong-21 tầm bắn 1.700-2.100 km được cho là đưa vào triển khai chiến đấu thực tế sau năm 1991, nhưng tên lửa chống hạm Đông Phong-21D mới nhất đã được cải tiến, tầm bắn tăng lên 3.000 km, được tuyên truyền là để tiêu diệt tàu sân bay Mỹ.
Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc tổ chức huấn luyện tên lửa đạn đạo Đông Phong-21 ở Cát Lâm
Tầm bắn của tên lửa đất đối đất Đông Phong-21 bao trùm toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, trong đó có Okinawa, đầu đạn thông thường của nó là 200-500 tấn, dài 10, 7 m, tốc độ cao nhất 10 Mach. Độ chính xác của tên lửa kiểu cũ là 300-400 m, nhưng độ chính xác của tên lửa mới tăng lên mức 1/10 của tên lửa cũ.
Nếu tên lửa chống hạm Đông Phong-21D triển khai ở núi Trường Bạch thì có thể tấn công các cứ điểm chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương như biên đội tàu sân bay Mỹ ở Guam.
Được biết, Trung Quốc triển khai tên lửa Đông Phong-21 ở Sơn Đông để chuẩn bị cho các cuộc xung đột với Nhật Bản xung quanh vấn đề đảo Senkaku. Nhưng có người cho rằng, tuy Sơn Đông cách biển Hoa Đông rất gần, nhưng khó mà ứng phó được các cuộc tập kích của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, vì vậy, Trung Quốc đã triển khai nó ở núi Trường Bạch.

Một xã hội cởi mở và bao dung


in-god-we-trust-dollar
Có lẽ không có câu viết nào, chỉ có 4 chữ ngắn gọn, nhưng mang cả một thông điệp lớn được quảng bá rộng rãi nhất trên thế giới bằng câu In God We Trust. Vì đây là câu được in trên tất cả các loại giấy bạc hiện tại của Hoa Kỳ.
Là câu viết cô đọng Đức tin của người Hoa Kỳ từ ngày tìm được vùng Đất Hứa để lập quốc!
Ban đầu là cuộc di cư của một số người phản đối sự hà khắc của Thanh giáo ở Anh nên lần lượt tìm cách sang các nước lân cận để thực hiện quyền được tự do thờ phượng Thượng Đế theo đức tin của họ. Từ năm 1607, 1608 họ đã lần lượt đến Hòa Lan, rồi sau đó chuẩn bị cho một cuộc hành trình dài bằng tàu để đi tìm một vùng đất mới, vùng đất mà họ hoàn toàn được Tự do.
Tháng 9 năm 1620 một con tàu nhỏ, tên là Mayflower, rời Plymouth ở Anh mang theo 102 người bắt đầu cuộc hành trình tìm Tự do mà sau nầy sách vở gọi họ là đoàn người Hành Hương (Pilgrims). Họ phó thác mạng sống, vượt đại dương và chỉ trông cậy hoàn toàn vào đức tin. Sau 66 ngày chịu bao khắc nghiệt của thời tiết, giông bão, sóng gió, đói khát để cuối cùng thả được neo ở Cap Cod, cách xa nơi dự rù là Hudson River. Tiếp tục cuộc hành trình, một tháng sau họ đến được Massachusetts Bay và quyết định ở lại đây. Dần dần làng Plymouth, cái tên mang kỷ niệm nơi xuất phát được hình thành. Năm sau đó, tháng 11 năm 1621, nhờ được mùa, chỉ còn 53 người sống sót đã cùng với một số người da Đỏ, những người đã giúp đỡ họ trong những ngày khốn khổ khi vừa đặt chân đến một vùng đất vừa xa lạ vừa gặp lúc thời tiết vô cùng khắc nghiệt, tổ chức lễ Tạ ơn đầu tiên. Cho dù đã hoàn tất cuộc hành trình và số người bị chết gần phân nửa nhưng đức tin vào Thượng Đế của họ vẫn không hề thay đổi. Rồi diễn biến theo thời gian dài đằng đẵng, ngót 3 thế kỷ sau, qua rất nhiều tranh cãi, từng bước, từng bước để cuối cùng, năm 1941, Tổng thống Roosevelt đã ký ban hành đạo luật, quyết định chọn ngày Thứ Năm, tuần lễ thứ tư của tháng Mười Một hàng năm là ngày lễ Tạ ơn của đất nước và dân tộc Hoa Kỳ.
Một ngày lễ đặc biệt, mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng của mọi sắc dân sinh sống trên đất nước nầy.
Câu In God We Trust được khởi đầu từ lá thư ghi ngày 13 tháng 11 năm 1861 của Mục sư Watkinson ở Ridleyville, Pennsylvania gửi ông Bộ trưởng Tài chánh Salmon P. Chase lúc bấy giờ, nói về đức tin và dòng chữ tổng cộng có 13 chữ cái (letter) là God, Liberty, Law trên lá cờ Hoa Kỳ lúc đó, tượng trưng cho con số 13 tiểu bang đầu tiên. Yếu tố quan trọng của dòng chữ nầy là God (Thượng Đế) đứng trước tiên, kế đến là Liberty (Tự do) và sau cùng là Law (Luật pháp) đã diễn tả đúng theo trình tự họ thực hiện được.
Đề nghị của Mục sư Watkinson được nhiều người thảo luận đã đưa đến việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật ngày 22 tháng 4 năm 1864 cho phép đúc 4 chữ In God We Trust (thay cho God, Liberty, Law) đầu tiên trên đồng coin 2 xu và đến ngày 30tháng 7 năm 1956 thì chính thức in trên tất cả giấy bạc đưa vào sử dụng từ năm 1957.
Từ một nhóm người Hành Hương nhỏ bé tiến đến hình thành một quốc gia Hoa Kỳ ngày nay, một đất nước giàu mạnh và văn minh nhất thế giới, thì câu viết In God We Trust không đơn giản chỉ là câu chữ được quảng bá toàn cầu mà chính nó còn mang theo sự thiêng liêng của đất nước và dân tộc Hoa Kỳ kể từ ngày lập quốc!
Tuần trước, một cơ sở lớn mới xây, đã khánh thành khoảng 3 tháng qua, tại thành phố tôi đang ở, tốn 80 triệu, dành cho các ban ngành làm việc. Tất cả được trải thảm màu xanh. Phòng khách khu vực dành cho văn phòng Pinnellas County Sheriff được trải thảm có dệt thêm huy hiệu của cảnh sát, một biểu tượng thật trang trọng, cũng giống như một số cơ sở về an ninh tại Hoa Kỳ, bỗng có người phát hiện trên cái huy hiệu hình tròn đó, sai một chữ. Nhưng chữ sai lại mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đức tin của người Hoa Kỳ (như đã tóm lược bên trên) Câu đó viết đúng phải là In God We Trust nhưng trên tấm thảm dệt là In Dog We Trust! Chữ God là Thượng Đế biến thành Dog là con chó! Trị giá tấm thảm chỉ 500 đô, vì thế cảnh sát thông báo cho hãng dệt thảm. Hãng dệt thảm nhận trách nhiệm và sẽ thay tấm mới. Nhưng chuyện không dừng ở đó khi bên ngoài hay tin nội vụ. Ban đầu cảnh sát dự trù sau khi thay thảm mới họ sẽ đem vứt tấm thảm cũ vào thùng rác nhưng khi bức ảnh chụp tấm thảm với dòng chữ In Dog We Trustđược đưa ra công luận thì có một số người gọi điện thoại và gửi email đòi giữ lại. Họ muốn mua nó thay vì vứt đi, vì họ là những người yêu chó! Rồi nhiều người cũng muốn mua nên sau cùng cảnh sát quyết định rao bán đấu giá tấm thảm trong vòng một tuần. Có 83 người tham dự từ khắp nơi trên thế giới và kết quả là một người, không cho biết danh tánh, đã mua được tấm thảm tình cờ nổi tiếng nầy, với giá 9,650 đô! Cảnh sát cho biết họ sẽ dùng số tiền nầy gửi tặng cho một trung tâm chăm sóc chó mèo bị bỏ rơi hay thương tật mà chưa được người nhận nuôi!
Tờ báo thuộc loại Best Newspaper của Tiểu bang đã có 3 số tường thuật về diễn tiến sự việc nhưng không đưa câu chuyện vừa kể lên trang nhất mà chỉ đăng ở trang giữa của phần tin tức về Tiểu bang và Thành phố với tựa đề rất nhẹ nhàng, “đánh vần sai” (misspelled), cho dù đây là tấm thảm được dệt thành chứ không phải viết tay. Vì nếu là viết tay thì cách giải thích viết sai chính tả có lẽ dễ được đồng ý hơn! Nhưng, “chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ”, nó chỉ là thứ tin tức lặt vặt, không đáng quan tâm! Còn TV hình như cũng muốn phớt lờ.
Liệu tin và ảnh tấm thảm nầy được phổ biến mà có liên quan đến đạo Hồi thì bọn thánh chiến Hồi giáo cực đoan sẽ phản ứng ra sao?
Vì thế, cùng một vấn đề nhưng mức độ hiểu biết­­ của người dân khác nhau sẽ có kết quả khác nhau, đôi khi còn trái ngược đến bất ngờ như đang xảy ra. Một bên là sự thân thiện, cởi mở và bao dung, đã làm lợi cho công ích xã hội, còn bên kia thì máu người vô tội phải đổ! Cực đoan, cho dẫu cực đoan về vấn đề gì thì cũng dễ đưa đến xung đột một cách vô ích. Là bài học mà Charlie Hebdo đã vướng phải tại Pháp với cái giá phải trả trước tiên chính là mạng sống con người.
(Jan 27th, 2015)
© Hồ Phú Bông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trạng Chu


TP - Các nhà văn xúm xít vào nghe Đỗ Chu nói. Chuyện thời sự chính trị nóng hổi trong nước đến chuyện Tây Tầu. Chuyện cung đình ông này lên ông kia xuống đến chuyện Mỹ Nga, Hàn Nhật. Đỗ Chu có tài biện giải những lắt léo lôi thôi của sự việc như trạng, mà anh là trạng thật.

Mới sáng tinh sương mà ông cụ đã đứng dưới cổng gọi với lên ời ời: “Dậy đi! Dậy đi! Dậy đi Bắc Ninh chơi, hôm nay chủ nhật!”.

 
Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng


Rồi ông cười cười: Hôm nay tao có tí việc với mấy đứa quan họ, phải có mày với thằng Chu đi tháp tùng.
Nhìn ông già xách cái túi vải là tôi biết, quà cho chị em quan họ đây mà.
Vâng, bố cứ yên tâm, tôi mau mắn gật đầu.
Đấy là ông già Kim Lân vậy.

Hồi ấy có khi ông cũng chỉ ở tuổi tôi bây giờ. Không hiểu sao bây giờ tôi chả thấy mình già tí nào, vậy mà lúc đó, cả tôi, cả anh Đỗ Chu, và mọi người đều thấy ông cụ thật là già, ra dáng một trưởng lão. Mặc dù nói đến “mấy đứa quan họ” thì tôi cũng biết tỏng ông nói đến “đứa” nào rồi. Tình cảm con người ta kể cũng nhiều lắt léo.

Đã thành lệ, mỗi lần ra khỏi Hà Nội là hai ông con như có một thỏa thuận ngầm thế nào cũng qua Bát Đàn “đánh bát phở” cho ấm bụng. Ông không phải người khảnh ăn, nhưng khá rành cách ăn, cách đánh chén.
Ông bảo Hà Nội xưa ăn phở thanh cảnh chứ đâu có chuyện chém to kho mặn như cái “anh” Bát Đàn hôm nay. Phở Bát Đàn nổi tiếng ngon là nhờ bát to, nhiều thịt, hợp với lối sống thời bao cấp, lấy cái “chất” làm trọng. Xếp hàng một tí, chật chội một tí, nhưng bê bát phở lên là thấy ngay cái sự hào hứng rộn lên từ trong bụng.

Một cuốc xích lô, hai cha con đã có mặt ở bến Nứa. Bến Nứa như là cái trạm trung chuyển lúc nào cũng đông, lúc nào cũng chen chúc. May mà tôi có cái thẻ thương binh mỗi lần mua được hai vé, chúng tôi ung dung lên xe có ghế ngồi phì phèo. Ông bảo bây giờ mình đến Bắc Ninh thì thằng Chu vẫn chưa dậy.

Thằng ấy sớm cũng phải mười giờ. Tao chưa thấy thằng nào có cái tật ngủ trưa xấu như thằng này, khôn nhất hạng. Về Bắc Ninh nó như ông con Trời. Nhà cửa đề huề, vợ con đâu vào đấy, cơm bưng nước rót, có mẹ già, vợ khỏe, con ngoan, lên Hà Nội bốc phét chán mồm, nhoáy một cái “người anh em” đã tếch về Bắc Ninh đắp chăn cười thiên hạ.

Tôi cũng đã có đôi ba bận theo ông về Bắc Ninh chơi với anh Chu, cũng khá thạo cung cách của anh, thạo cả lề thói dân dã nhưng thực ra rất vương giả.

Quả đúng như ông nói, hai cha con về đến sân gần chín giờ mà nhà cửa vẫn vắng hoe. Ông lên giọng: “Chu ơi, Chu à, dậy đi, tao với thằng Đỉnh về chơi này”.

Ngó vào nhà thấy có cái màn xô buông ở gian cạnh bóng ngưòi cọ quậy. Ông Kim Lân bảo: “Thôi, tao với mày đi loanh quanh tí. Thằng này chưa chịu dậy đâu”. Hai cha con vừa quay ra tới cổng thì gặp một người đàn bà trạc ngoài năm mươi, tay cắp nón, tất tả đi vào.

Chị ta xởi lởi: “Con chào ông, chị chào chú. Chắc ông và chú đi thăm bác Chu”. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì chị đã liến thoắng: “Khổ thân bác Nhu nhà cháu ông và chú ạ. Bác giai hình như bị liệt lâu lắm rồi”. Tôi ớn lạnh xương sống, hỏi lại: “Chị nói sao? Anh Chu bị liệt?” - “Dạ vâng” , rồi chị hạ giọng: “Chả là lúc nào cũng thấy bác ấy nằm với cái chăn vắt ngang bụng”.

Trời đất quỷ thần ơi, cắn rơm cắn cỏ lạy thánh mớ bái, phỉ phui cái miệng nhà chị này! Người ta không dậy không có nghĩa là người ta bị liệt. Sao mà cứ nói lấy được thế!

Ông Kim Lân hỏi: “Chị là giáo viên, bạn với cái Nhu à?” - “Cháu dạy khác trường chị Nhu ông ạ, nhưng tuần nào cháu cũng sang đây thuê sách về cho tổ bộ môn đọc. Nhà bác ấy nhiều sách hay”. Tôi nói: “Bác ấy vẫn còn ngủ”. Chị đon đả: “Tôi quen rồi, cứ việc vào lấy sách trong giá rồi gửi tiền thuê vào trong ống bơ, chả hỏi han gì đâu”.

Tôi cảm thấy có một không khí thật thân thương gần gũi. Ông Kim Lân dường như quá quen với chuyện này nên không lấy đó làm điều. Hai cha con lần ra đầu ngõ, chặc lưỡi: ta ra tìm cốc nước chè, “thằng Chu” hay sang đó kéo thuốc lào.
***

Hai ông con uống nước chè, ăn kẹo lạc, nghe dân làng nói chuyện về “bác Chu” đến lắm chuyện khôi hài. Người ta nhắc đến Đỗ Chu đều với giọng yêu mến, trân trọng, cấm thấy ai suồng sã, khó chịu. Áng chừng mười giờ rưỡi, tôi bảo ông Kim Lân, giờ này chắc anh ấy đã dậy. Về đến ngõ, y rằng đã thấy Đỗ Chu đang đứng vạch quần tè vào gốc sấu trước hiên nhà. Sao lại tè lung tung thế, tôi nghĩ trong bụng, chưa kịp nói thì ông Kim Lân đã bảo, chắc nhà không có ai. Nhà quê sướng nhất là đái bậy! Tôi cũng là người nhà quê nhưng tôi không thấy thế.

Đỗ Chu lại quay vào trong cái mùng xô, hồn nhiên nói với ra: “Ông và chú uống nước”. Tôi đành lấy cái phích nước, pha trà cho có việc. Ông Kim Lân thì ngồi kéo thuốc lào, Đỗ Chu vén màn gọi với xuống nhà: “Nhu ơi, Nhu à”. Lập tức chị Nhu nhào lên “chào ông, chào chú” xong đứng chờ.

Đỗ Chu nói: “Bây giờ mình lên chợ mua tôm cua ốc ếch gì đấy về lo bữa trưa cho ông với chú ăn. Mua một con gà để tối nấu cháo, đạp xe lên báo cho mấy đứa quan họ lo chuẩn bị tối lên đây hát cho ông và chú nghe”. Chị Nhu “vâng” một tiếng rồi dắt xe đạp ra đường.

Chiều hôm ấy, sau khi đi thăm mấy nàng quan họ về, tôi và ông Kim Lân được anh Đỗ Chu mời lên xem căn gác nhỏ như cái tổ chim, thiết kế của anh. Một cái bàn gỗ, một cái phản mộc, trên có khuôn cửa sổ rộng mở ra sau vườn. Đây là căn gác đặc biệt nhất thế giới, tôi dám chắc nó có một không hai, dưới sàn sách ném từng đống, không có các thiết bị tối tân, không có sự trang hoàng cầu kỳ, tuyệt nhiên không có ti vi tủ lạnh.
Độc nhất ở góc phòng phía trong được trổ một cái lỗ, lỗ này thiết kế khá tinh vi nhưng cũng dễ nhận ra ngay vì nó được làm bằng một vỏ chai bia Vạn Lực Trung Quốc. Chai bia được đập đáy gắn vào lỗ thủng chĩa ra sau vườn, để khi làm việc mệt, khi mót tiểu, chủ nhân của nó chỉ việc tè vào lỗ chai, nước tiểu phóng thẳng ra bụi cây dưới vườn. Tè xong tác giả của những truyện ngắn thơ mộng chỉ cần đổ một cốc nước lã là rửa sạch.
Một sự tự do đến kỳ quặc không ai nghĩ ra. Vừa thuận lợi lại vừa ích lợi vì dưới kia, đường nước tiểu được căn đúng một cái thùng tro dành để làm phân tuới cây trong tương lai gần.

Chị Nhu là nhà giáo, là một phụ nữ Kinh Bắc truyền thống, lấy việc đảm đang chăm chồng nuôi con là niềm hạnh phúc. Chị không bao giờ tham gia vào chuyện của chồng. Chồng chị là người nổi tiếng, chị biết, nhưng chị không bao giờ lấy điều ấy ra khoe với ai.

Việc của chị là gia đình chồng con, đóng góp với xã hội bằng nghề dạy học. Thế là đủ vui, đủ bận. Vậy mà khi chị bị tai biến, anh Chu một tay chăm lo vợ. Bằng tài thuyết khách của mình, bằng tình cảm riêng, anh đã mượn được tạp chí Văn nghệ quân đội một căn phòng vốn là kho để lặt vặt ở phía sau, dọn sạch, kê một cái giường cho vợ nằm.

Và anh như trở thành một Đỗ Chu khác: Ít nói hẳn. Lầm lũi, cần mẫn, siêng năng, anh không “khiến” bất kỳ ai “nhúng tay” vào, kể cả các con, từ tắm giặt đến cơm nước thuốc men cho vợ. Anh vào tận Văn phòng Trung ương rước được cụ thầy thuốc chuyên lo chăm sóc sức khỏe cho lãnh tụ ra, bắt mạch, kê đơn bốc thuốc cho chị Nhu. Anh đi bốc thuốc, về, sắc thuốc cho vợ hết ngày này sang tháng khác, nâng giấc cho vợ khẽ khàng, đến khi chị Nhu tỉnh dần, tỉnh dần rồi khỏi dần, khỏi dần.

Tôi hồi ấy ở Văn nghệ quân đội nên được chứng kiến từ đầu. Nhìn anh chăm sóc vợ mà thấy cảm phục anh hơn, trước đó, không phải không có chuyện này chuyện kia tức, ghét Đỗ Chu, nhưng qua cái đận này thì chả có cái gì xấu của anh còn đọng lại. Tức ghét bay biến. Nhiều khi tự thấy mình xấu hổ vì cái sự tức ghét kia. Anh chăm chị Nhu cũng kỹ càng như anh chăm sóc những trang văn, những đứa con của đời anh vậy. Tôi nghĩ thế và tự lấy đó làm gương cho cuộc sống của mình.

***
Ở Hội Nhà văn có những nhân vật đặc biệt, nói hay, nói nhiều, chuyện đông tây kim cổ thảy đều am tường. Ngày xưa có Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, thời chúng tôi có anh Đỗ Chu, anh Nguyễn Khắc Phục. Đỗ Chu đến phòng nào lập tức phòng đó biến thành nơi tụ tập. Các nhà văn xúm xít vào nghe Đỗ Chu nói. Chuyện thời sự chính trị nóng hổi trong nước đến chuyện Tây Tầu. Chuyện cung đình ông này lên ông kia xuống đến chuyện Mỹ Nga, Hàn Nhật. Đỗ Chu có tài biện giải những lắt léo lôi thôi của sự việc như trạng, mà anh là trạng thật. Nghe Trạng Chu nói thì đến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra nghe.

Tôi đã từng được chứng kiến một “pha” ngoạn mục, ấy là một hôm, Nguyễn Khắc Phục đang cao đàm khoát luận trong phòng Nguyễn Minh Châu về các triết luận cao siêu của Căng, của Nít, rồi chuyện cụ Xôcrát đến ông Nguyễn Hữu Đang nhà ta đối thoại với các triết gia hàng đầu của Pháp quốc. Chuyện đang cao trào thì Đỗ Chu đến. Nguyễn Khắc Phục coi như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục nói về chủ nghĩa hiện sinh và các nhà tư tưởng trụ cột của trường phái này. Một lúc sau thì Đỗ Chu lặng lẽ giữ ý, biến mất, không để lại dấu vết. Thế mới biết các nhà hùng biện của chúng ta cũng có sự kiêng kị nhau khá rõ ràng.
Ở Hội Nhà văn từ khi được thành lập đến nay, có hai “ông cụ” hoành tráng nhất, ấy là cụ Cơ Chế và cụ Đặc Thù, cả hai cụ ấy đều đứng sừng sững gác hai bên cánh cổng tạo nên vẻ, khi thì nghiêm trang huyền bí, khi thì xáo trộn xuôi ngược. Mà cái sự nghiêm trang thường chỉ diễn vào dịp đại hội Hội Nhà văn. Có cờ đèn kèn trống uy nghi trang trọng, có các vị lãnh đạo quốc gia, các vị đầu ngành của đất nước đến nhiệt liệt chào mừng.

Thậm chí có binh lính nghiêm trang gác bảo vệ, có xe hụ còi mỗi khi đoàn đại biểu đi ra diễu hành trên đường phố. Đấy, không có ngài Cơ Chế và không có “Cụ” Đặc Thù thì làm sao có được sự vinh danh hùng vĩ như vậy? Thế còn cái sự lộn xộn dễ thương của mấy anh nghệ sĩ thì tất nhiên, nghệ sĩ người ta phải khác người đời và luôn được người đời để ý, dựng thành đủ thứ tin đồn, đủ thứ huyền thoại.

Nếu hay thì trong dân gian truyền tụng và nếu dở thì nhân dân thảy đều cho qua vì các nghệ sĩ rất kém tổ chức, làm cái gì quy lát bài bản là y như rằng, trở nên xộc xệch. Nghệ sĩ mỗi người một tính cách, một vòm trời, không ai đại diện cho ai nhưng ngài ấy sẵn sàng đại diện cho cả dân tộc. Không thể bắt nghệ sĩ xếp hàng nghiêm ngắn, càng không thể yêu cầu anh ta mặc đồng phục, hát đồng ca, hô khẩu hiệu. Lãnh đạo văn nghệ sĩ vừa là lãnh đạo cao cấp, vừa là nghệ nhân, một thứ cán bộ lãnh đạo không lãnh đạo gì cả.

Chân dung cụ Nguyễn Đình Thi là bức chân dung điển hình nhất của nhiều thế hệ cán bộ Hội Nhà văn: Sang trọng, tài hoa, dân dã, sắc sảo, hiền hòa, ai cũng nể trọng. Một trong những cán bộ không chức vụ gì cả, nhưng thâu tóm mọi câu chuyện mọi tình hình tình huống của Hội, ấy là anh Đỗ Chu. Anh Đỗ Chu ngất ngưởng ở các quán nước chè, các quán rượu quanh khu vực Hội Nhà văn bao năm nay và ngất ngưởng ở trong cơ quan Hội bấy nhiêu năm, không ông Tổng thư ký nào, không ông Chủ tịch hội nào, không ông Ban chấp hành nào không kiềng nể Đỗ Chu.

Đỗ Chu vừa là nghệ sĩ, nhân sĩ, vừa là cán bộ có đủ “mác” cho một cán bộ lý tưởng của cách mạng: Đã từng kinh qua lính thời chiến tranh, đã từng đoạt đủ các thứ giải thấp cao của Hội Nhà văn và của quốc gia, lan cả sang quốc tế. Hỏi Đỗ Chu giữ chức vụ vai trò gì, tất nhiên chức vụ thì không, nhưng vai trò thì có đấy! Vai trò gì? Ở đây có một thứ nhiệm vụ không nhiệm vụ gì cả. Có một thứ trách nhiệm không trách nhiệm gì cả. Có một thứ vai trò có rất nhiều vai trò, nhưng thực ra, chả vai trò gì cả.

Anh Đỗ Chu ngất ngưởng ở các quán nước chè, các quán rượu quanh khu vực Hội Nhà văn bao năm nay và ngất ngưởng ở trong cơ quan Hội bấy nhiêu năm, không ông Tổng thư ký nào, không ông Chủ tịch hội nào, không ông Ban chấp hành nào không kiềng nể Đỗ Chu.

Đến Hội Nhà văn Việt Nam mà chưa gặp Đỗ Chu coi như chưa làm việc, chưa gặp ai, chưa nắm được tình hình gì! Đỗ Chu là tai là mắt thậm chí là người phát ngôn (không chính thức) nhưng vô cùng quan trọng của Hội. Các nhà văn ở tỉnh xa về Hà Nội, ai may mắn được gặp Đỗ Chu chỉ một lần, một lần vài cốc bia hơi, vài chén rượu lạc, chịu khó nghe, và chỉ có nghe, Đỗ Chu giảng giải, chỉ dẫn, chỉ đạo, đến khi về tỉnh nhà thì tha hồ mà có chuyện với anh em. Tôi lắm lúc lẩn thẩn nghĩ dại, sau này, lỡ bác Chu ra đi thì cái “chân’’ của bác có ai thay thế được không nhẩy.

Chắc là thời thế sẽ khác và cái “chân” của bác Đỗ Chu sẽ chuyển cho một nhà văn có gương mặt mới, chưa rõ hình thù nó sẽ ra làm sao, phải bình tâm mà chờ đợi thôi các bạn ạ.

Hà Nội đêm mùng 6 tháng 8 năm 2014
 
Ảnh: Nguyễn Đình Toán


Ai khiến nhà văn đi gỡ bom nổ chậm…




Tôi chơi với anh Đỗ Chu cũng là vì anh gần gũi với ông Kim Lân và Nguyễn Trí Huân. Mà ông Kim Lân và Nguyễn Trí Huân đều là chỗ thân tình của tôi. Ở đời cứ hay bìu díu với nhau thế. Hình như các cụ gọi đấy là cái duyên. Phải duyên phải số nó vồ lấy nhau. Tôi mãi mãi chơi với anh Đỗ Chu vẫn chỉ là chơi theo, đến khi ông Kim Lân mất, thỉnh thoảng anh em vẫn qua lại với nhau. Chuyện cũ lắm khi thấy vui, lắm lúc thấy xao xác trong lòng. Ví như chuyện anh Đỗ Chu đi thực tế với Nguyễn Trí Huân vào trong tuyến lửa khu Tư.

Lúc ấy hai người đều là nhà văn trẻ của quân chủng Phòng không không quân. Đỗ Chu đã rất nổi tiếng với những truyện ngắn giầu chất thơ, đậm chất Paustovski. 
Giữa thời chiến tranh khốc liệt ùng oàng, truyện ngắn của Đỗ Chu là khoảng lắng dịu dàng khiến người ta phải ngỡ ngàng. Nguyễn Trí Huân còn khá non cả tuổi quân lẫn tuổi nghề.

Với Huân lúc ấy là nhà văn trẻ ra chiến trường tất phải xông xáo. Đến một đơn vị đang làm nhiệm vụ gỡ bom nổ chậm, Huân ta xung phong đi cùng chiến sĩ đến tận nơi những trái bom phát nổ không biết lúc nào ấy, phải “sờ” được vào nó về mới hả.

Bác Đỗ Chu thì biến đi đâu mất. Khi “sờ” được thần chết rồi, về phía sau, Nguyễn Trí Huân hí hửng kể cho Đỗ Chu nghe, tưởng được ông nhà văn liền anh khen, không ngờ lại bị một trận mắng xối xả:
“Sao mày ngu thế? Ai khiến mày vào chỗ ấy, làm cái việc ấy? Mày vào thì làm được gì? Nhà văn thì phải viết chứ không ai khiến nhà văn đi gỡ bom nổ chậm. Mày mà chết thì là cái chết ngu chứ anh hùng gì…”.
                                
Tóm lại là ngu! Việc tháo bom nổ chậm là việc của chiến sĩ công binh, người ta có nghiệp vụ, thằng nhà văn vào đấy chỉ để “sờ” một cái, rồi về, hỏi có ngu không!

Tất nhiên luận về hai sự hèn ngu thì còn nhiều cách luận khác nhau, nhưng đến khi Nguyễn Trí Huân khoác ba lô đi chiến trường miền Nam, ở hậu phương, tết năm nào Đỗ Chu cũng vác một cành đào với cặp bánh chưng, cùng cái phong bao có mấy đồng nhuận bút còm về tận quê Huân biếu bà mẹ có hai con trai đều đang ngoài chiến trận.
                  
Năm nào cũng như năm nào, cho đến sau 1975, gặp nhau ở Sài Gòn, anh Chu nói với Huân: “Tao mừng mày còn sống, giờ tao trả bà cụ cho mày. Viết được gì thì cứ thong thả mà viết, trước mắt là về quê lấy vợ, có cháu cho bà cụ vui”.

Trung Trung Đỉnh
(Nguồn: Báo điện tử Tiền Phong)  

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TIN THAM KHẢO NCBĐ


Theo nhiều phương diện, tình hình tại Đông Á hiện nay giống như Châu Âu trước Chiến tranh thế giới I, khi các cường quốc Châu Âu đang trỗi dậy thách thức các cường quốc cũ. Khả năng một cuộc chiến tranh tại Châu Á liệu có xảy ra?


Các nước Đông Nam Á và Trung Quốc hiện vẫn không thể giải quyết được những tuyên bố chồng lấn của mình tại khu vực vốn được ước đoán có nhiều dầu mỏ và có giá trị chiến lược với trên 5 nghìn tỷ USD thương mại qua lại mỗi năm. Philippines và Việt Nam đã yêu cầu Tòa án trọng tài quốc tế ra phán quyết về những yêu sách vùng Đặc quyền Kinh tế trong khu vực Biển Đông của Trung Quốc, nhưng bất kỳ quyết định nào cũng đều vô nghĩa vì Trung Quốc cho rằng Tòa án không có thẩm quyền.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc lần đầu tiên đã tuyên bố muốn trở thành một cường quốc chi phối tại Châu Á, thông qua khẳng định chủ quyền với các đường biên giới tranh chấp trên bộ và trên biển chưa giải quyết tại Châu Á và dẫn dắt các tổ chức khu vực. Trung Quốc hiện không chứng tỏ sự đe dọa, tuy nhiên các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang bí mật xây dựng một đường băng trên quần đảo Trường Sa cho phép máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh tại quần đảo này trong trường hợp chiến tranh xảy ra.
Bất chấp bầu không khí hiếu chiến gia tăng tại khu vực, một số nhà lãnh đạo và doanh nhân Châu Á cho rằng tăng trưởng và thương mại tại Châu Á - vốn đang ngày càng trở thành đầu tàu của toàn bộ nền kinh tế thế giới - sẽ giúp ngăn ngừa cẳng thẳng gia tăng. Các nền kinh tế Châu Á ngày càng gắn kết chặt chẽ và Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận thương mại tự do với 10 nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, những mối quan hệ thương mại này có lẽ sẽ không ngăn được một cuộc chiến tranh trong tương lai. Theo nhiều phương diện, tình hình tại Đông Á hiện nay giống như Châu Âu trước Chiến tranh thế giới I, khi các cường quốc Châu Âu đang trỗi dậy thách thức các cường quốc cũ. Như đã từng xảy ra tại Châu Âu, bế tắc tại Đông Á hiện nay có thể kết thúc đẫm máu. Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang ngày càng công khai đối nghịch lẫn nhau. Bắc Kinh cảnh báo ExxonMobil và các công ty dầu khí lớn khác không được liên doanh với các nước Đông Nam Á thăm dò Biển Đông; cảnh cáo công khai các nước Đông Nam Á không được thách thức tuyên bố về biển và đất liền của Bắc Kinh...
Môi trường nguy hiểm của Châu Á hiện nay xuất phát một phần từ sự mềm yếu của Mỹ. Mặc dù chính sách xoay trục về Châu Á đầy tham vọng, nhưng nó mới chỉ dừng lại ở những lời cam kết. Nhiều nước Châu Á đang băn khoăn liệu Mỹ có thực sự là người bảo trợ an ninh khu vực trong những thập kỷ tới. Trong bối cảnh đó, giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn về chính trị và mang tính dân tộc chủ nghĩa nhất trong các vấn đề đối ngoại kể từ thời Mao Trạch Đông. Trong 3 năm qua, Tập Cận Bình và nhóm các nhà lãnh đạo quanh mình đã phá vỡ phương châm của Đặng Tiểu Bình và từ bỏ chính sách tấn công ngoại giao với Đông Nam Á. Phong cách hành xử quyết đoán của Tập Cận Bình trong chính sách đối ngoại khiến nhiều nước láng giềng của Trung Quốc dường như ngày càng cảm thấy bị đe dọa. Bên cạnh việc tuyên bố phần lớn chủ quyền với Biển Đông và Hoa Đông, các công ty dầu mỏ nhà nước Trung Quốc dưới thời Tập đã triển khai các giàn khoan dầu, được hộ tống bởi các tàu hải quân hoặc cảnh sát biển, tới các vùng nước tranh chấp. Nhiều nước tại Đông Á hiện nay rõ ràng sợ hãi sức mạnh gia tăng của Trung Quốc cũng như việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó.
Thực tế, Châu Á đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang nhanh chóng. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, mua bán vũ khí tại Đông Á hiện đã tăng hơn 100% kể từ năm 2005. Các cuộc đụng độ tại Biển Đông và Hoa Đông như giữa tàu Trung Quốc và Việt Nam, tàu Trung Quốc và Philippines, tàu Trung Quốc và Nhật Bản hiện xảy ra hầu như hàng ngày.
Nếu chiến tranh xảy ra tại Đông Á, nó có thể dễ dàng lôi kéo Mỹ tham gia. Mặc dù chính quyền Obama không công khai tuyên bố sẽ phản ứng thế nào đối với một cuộc xung đột đột tại Biển Đông hay Hoa Đông, nhưng Mỹ đang có hiệp ước đồng minh với Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc, có trách nhiệm bảo vệ những nước này trước các cuộc tấn công. Mỹ cũng đang tăng cường quan hệ đối tác quân sự gần gũi với Việt Nam, Singapore, Indonesia và các nước Châu Á khác.
Tổng thống Obama chỉ còn hai năm trong nhiệm kỳ và sau đó không có gì bảo đảm một Tổng thống mới của Mỹ sẽ giúp khôi phục lại sự yên tĩnh tại Châu Á. Là Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Obama, bà Hillary Clinton được cho là cứng rắn hơn trong đối đầu với Trung Quốc. Bà Clinton cũng nhiều lần cho rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama là mềm yếu và nếu trở thành Tổng thống, bà sẽ cứng rắn hơn trong các vấn đề an ninh quốc gia. Nhưng bà Clinton cũng không dám mạo hiểm về chiến tranh giữa các cường quốc lớn nhất. Tuy nhiên, mọi người đã nói những điều tương tự như vậy về các nhà lãnh đạo Đức và Anh trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới I.
Joshua Kurlantzick là thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ. Bài viết được đăng trênThe National.
Trần Quang (gt)


Phần nhận xét hiển thị trên trang