Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Định thui không nhập nữa, nhưng bài này rất đáng lưu kho:

Luân Lê: TẦM VÓC VÀ CÁI NỀN VĂN HOÁ


Luân Lê

TẦM VÓC VÀ CÁI NỀN VĂN HOÁ

Tại sao những người giàu nhất thế giới với hàng chục tỷ đô trong khối tài sản khổng lồ họ sở hữu mà họ lại thường sống bình dị như một người nghèo khổ?

Có thể kể ngay đến những con người như Buffet, Bill Gates hay Mark Zuckerberg, và họ không khi nào mở miệng chê người khác nghèo khó, họ cũng không dùng tiền để ăn chơi, truỵ lạc như mua dâm hoa hậu, người mẫu, diễn viên này nọ hoặc xài đồ hiệu xa xỉ, mà họ sống chung thuỷ và hạnh phúc một cách giản dị bên gia đình của mình, hoặc kể cả độc thân họ cũng sống rất chỉn chu và kín kẽ.

Họ sống như thế, bởi họ là những người giàu có bằng trí tuệ thực sự của mình, và hơn thế, họ có một tầm văn hoá nền tảng rất tốt, họ sống có đức tin và thường là Chúa, hoặc nếu là đạo Phật thì càng khiêm nhường và biết chia sẻ với cuộc sống và con người ngoài xã hội. Những người đó sẵn sàng cho đi gần như tất cả, và họ tiếp tục tái đầu tư cũng như xây dựng nên những điều kiện sống cho tương lai như đầu tư vào giáo dục, xây dựng bệnh viện hay tài trợ cho các nghiên cứu tìm ra phương thuốc chữa bệnh, giúp các nhà khoa học phát minh hoặc những người trẻ có niềm tin và động lực để khởi nghiệp.

Những nhà khoa học hay danh nhân thế giới khác cũng đều có cuộc sống giản đơn, khiêm tốn và thậm chí là sơ sài đến mức khó tin. Họ lắm khi là cô đơn, mà đúng hơn là cô độc, chúng ta tìm không thiếu những danh nhân lớn làm thay đổi thế giới hoặc nhận thức của nhân loại có cuộc sống như thế, nào Lev Tolstoy, Victo Hugo, Newton, Einstein, Abraham Lincoln, Gandhi, Alan Turing, Tesla, Elon Musk, Steve Jobs...

Còn ở xã hội chúng ta thì sao? Họ lấy giá trị gì ra để đánh giá một con người? Đó là bằng cấp và trị giá khối tài sản nắm trong tay, và phần lớn đám đông tỏ ra trầm trồ trước đống giấy tờ ghi danh hay những tài khoản bộn tiền ấy mà không mấy khi bận tâm tới tầm mức của nhận thức và cách những kẻ sở hữu nó có được chúng.

Một kẻ giàu bất chính bằng tham nhũng, hoặc bằng câu kết với bọn cường quyền để đục khoét và làm ăn phi pháp, chúng có tài sản, chúng sẽ tìm cách tiêu xài và truỵ lạc, sẽ bao bọc chân dài hay người đẹp nào đó để con người kia cũng lại giàu lên theo, và chúng cùng trở thành kẻ lắm tiền trong sự khen ngợi của xã hội bên ngoài kia.

Sự giàu có, ở hai xã hội khác nhau về cách tạo ra của cải và phông văn hoá, đương nhiên nó tạo ra những nhận thức trái ngược nhau đến mức đối nghịch. Và một đằng thì lệch lạc đến mức suy đồi và khốn cùng, một phía thì tạo nên những giá trị tiến bộ cho nhân loại và con người.

Đó là những dòng trôi chảy về hai hướng nghịch đảo trong cùng một nền không thời gian của cùng một hệ quy chiếu.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

ĐỐT



Đăng ngày 21 thg 8, 2017
6h38' ngày 26/8 đã có 658 lượt đọc bài này.
Khóc, cười.. đốt một đống rơm
ta thui bản thảo
khói thơm lên trời
văn chương mãi chẳng dậy mùi?
vẫn lom lom đứng
chốn người
chốn ma..
véo von mãi bản nịnh ca
biết đâu được nỗi xót xa nhân tình?
mờ nhân ngãi
đắm bình minh..
vu vơ đường nắng
một mình
vu vơ..
Ta khôn ngoan, ta dại khờ?
chen vào nô nức
ngẩn ngơ cõi này!
Quê hương vẫn gọi xứ Đoài
mà như đã khác
như người không quê
Không ăn thuốc lú
bùa mê
mà sao cong mãi kiếp tre cọc còi..
Rượu nồng không uống mà say
Đốt xong dở khóc,
dở cười.
Đốt xong!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

CHÀO GỐC ĐA BÊN ĐƯỜNG!



Thương thời thằng Bợm lên ngôi
người không đắc chí
người ngồi gốc đa
cháo buồn nấu đợi ngày qua
nhớ mùa hoa cũ
nhớ hoa phố gầy..
Lô xô núi
mịt mù mây
người dưng ấm lại hương cây giữa rừng
ngẫm xem thế sự mà thương
ta làm gì được?
ngoài vương vấn lòng!
Cũng may nắng đẹp, thu hồng
nhận ra.
đỡ bước đi vòng, lối quanh
Người đừng vội - Nếu muốn nhanh!
Đừng buông yêu
mới được, thành người ngoan!
Dẫu dù thằng Bợm đa đoan
Thường thôi
là sự thế gian vẫn thường
chào cây đa gục bên đường
lại phăm phăm bước
lại đường trường xa..

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xứ Đoài mưa!

Đường đi không đến..
chưa thể đến.
Ta nợ em ta một nụ cười
ta nợ mẹ ta lời tạ lỗi
nợ núi sông này
phút thảnh thơi

Đường đi không đến. 
nào ai biết?
Điều gì chờ ta phía cuối trời?
nơi những tinh anh chìm trong mộng
mơ cuộc vinh hoa
chua chát cười!

Đường đi không đến.
già vẫn dại
Tự buổi đầu xanh thơm tóc mây
Cứ ngỡ xuân về reo trước cửa
Ai hay đất lở dưới chân người!

Đường đi không đến
Bao giờ lại..?
Tình cũ năm xưa còn mấy người?
Bến cũ ai về thăm người cũ
người cũ nhìn nhau
mặc sông trôi!

Đường đi không đến.
Bao giờ đến?
hồng hoang  cỏ mọc, ám tâm người
Một cơn mơ hão
dài thế kỷ
Ướt sũng ngày mưa 
mây xứ Đoài!

DHG

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Khoa học chứng minh: Nhân cách là thứ quyết định thành công, không phải trí tuệ

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ gần đây đã cho thấy nhân cách có ảnh hưởng lớn tới mức độ thành công của một con người hơn là trí tuệ.

trí tuệ, thành công, nhân cách,
Sự nỗ lực, lòng kiên trì và tính kỷ luật là những đức tính giúp bạn theo đuổi thành công. (Ảnh: wikipedia.org)
Thành công là một cụm từ mà khi nhắc đến, người ta luôn nghĩ về sự cần cù và trí tuệ. Nhưng theo James Heckman – nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, thì vai trò của trí tuệ không thực sự quan trọng.
Ông đã từng thực hiện một nghiên cứu về sự khác biệt giữa thu nhập và trí tuệ (tính bằng chỉ số IQ). Kết quả, trí tuệ chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1% – 2% chênh lệnh mà thôi.
Vậy nếu như IQ không phải là yếu tố quan trọng, thì điều gì sẽ giúp bạn trở nên thành công? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, vì có khá nhiều yếu tố, bao gồm cả may mắn, làm nên sự khác biệt trong thu nhập. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây của Heckman, thì thứ có ảnh hưởng nhiều nhất chính là tính cách, mà cụ thể hơn là các đức tính: siêng năng, kiên trì, kỷ luật.
Để có được kết luận này, Heckman và cộng sự đã nghiên cứu 4 bộ dữ liệu, trong đó xét đến các yếu tố: IQ, điểm số, tính cách, và kết quả một bài thi tổng hợp.
Đây là một bộ dữ liệu khổng lồ, được thu thập từ vài ngàn người thuộc Anh, Mỹ và Hà Lan, trong vòng nhiều thập kỷ từ lúc còn nhỏ. Chưa kể, dữ liệu còn theo dõi cả hồ sơ phạm tội, chỉ số sức khỏe, và mức độ hài lòng với cuộc sống.
Kết quả nghiên cứu cho thấy điểm số và kết quả bài thi là những thứ giúp đánh giá khả năng thành công khi trưởng thành chính xác hơn điểm IQ. Nhưng chẳng phải, IQ và điểm số có liên hệ mật thiết hay sao?
Để cho rõ ràng, Heckman giải thích điểm số cao chưa chắc là do bạn thông minh hơn, mà còn nhờ một số đức tính khác: tính kiên trì, thói quen học tập lành mạnh, và khả năng cộng tác với bạn học. Nói cách khác, tính cách hoặc nhân cách chính là yếu tố quyết định điểm số của bạn, và chúng ảnh hưởng đến thành công sau này.
trí tuệ, thành công, nhân cách,
Điểm số cao chưa chắc là do bạn thông minh hơn, mà còn nhờ một số đức tính khác.
Tất nhiên, trí tuệ vẫn là yếu tố không thể thiếu. Một người có IQ dưới 70 tất nhiên khó có thể làm được những việc giống như một thiên tài có IQ 190.
Tuy vậy, Heckman chia sẻ thực tế rằng có rất nhiều người chẳng thể kiếm nổi việc làm vì thiếu đi những kỹ năng không xuất hiện trong bài kiểm tra IQ. Họ có thể không biết cách cư xử đúng khi đi tìm việc: đi muộn, ăn mặc thiếu chỉn chu… Hoặc kể cả khi có việc làm, họ không thể hiện sự cố gắng, và điều đó khiến cho sự nghiệp bị hủy hoại.
John Erick Humphries, đồng tác giả nghiên cứu thì chia sẻ rằng ông muốn thành quả lần này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một khái niệm đang khá mơ hồ, đó là “khả năng của mỗi người”. Ngay như các bài kiểm tra về IQ, chúng ta đọc kết quả chưa hẳn đã đúng, vì dường như nó được thiết kế để đánh giá nhiều vấn đề hơn là trí tuệ.
Ví dụ như năm 2011, một nghiên cứu do Angela Duckworth – nhà tâm lý học tại đại học Pennsylvania thực hiện đã cho thấy điểm IQ còn thể hiện động lực và sự nỗ lực. Trong đó, những trẻ kiên trì, chăm chỉ sẽ nỗ lực để trả lời các câu hỏi khó hơn trẻ bình thường.
Tuy vậy, cả hai đều cho rằng dạy cho trẻ những đức tính rèn luyện nhân cách không phải là điều dễ dàng.
Theo KHTV


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thơ Vichtor Hugo: Ngụ ngôn hay lịch sử?


( Thơ như lời tiên tri đang ứng nghiệm )

Khỉ gầy nhom, bụng đói cuồng miếng mồi vua chúa
Một bữa kia da hổ tự nó mặc vào người
Hổ xưa nay dữ là một, khỉ độc dữ gấp mười
Quyền ác thú nó thắng bộ vào rồi có khác
Kèn két nghiến răng, nó gân cổ thét lác:
"- Ta đây là chúa rừng hoang, là chúa đêm tăm!"
Mai phục chốn chông gai đúng cốt cách lục lâm
Nó gieo rắc kinh hoàng, nó phóng tay giết tróc,
Tàn phá khắp sơn lâm, chẹn ngang đường cướp bóc,
Trổ hết mọi nghề của bộ lốt nó nương thân
Đóng ở hang sâu, giữa máu thịt quây quần
Thiên hạ nhìn cọp da tin ngay là cọp thiệt
Càng được thể, nó gầm lên lại càng gớm chết
"-Hang động của ta đây, xương trắng chất đầy trời
Ta đi đến đâu, là ở đó, chúng bay coi
Tất cả đều rùng mình, đều rút lui, hoảng sợ
Thấy chưa, phục ta chưa? Ta là ông Hổ đó!"
Thú rừng đều khiếp phục và đều tránh cho xa
Một người đi săn tới, tóm cổ nó lôi ra
Xé toạc bộ lông quẳng đi như mớ giẻ
Bảo thẳng vị yêng hùng: "Mày chỉ là đồ khỉ"


Thế Lữ dịch

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái vẩy mọc ngược của con rồng



Nguyễn Tiểu Ngộc Tam
(Tác giả gửi Blog Hahien)




















Hồi giữa năm 2017, ông Võ Văn Thưởng cho biết đảng sẽ tổ chức trao đổi và đối thoại với các cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương và quan điểm của đảng. Ông cho biết đang chờ ban bí thư thông qua văn bản hướng dẫn thực hiện việc này.
Thông báo của ông Thưởng tạo ra phản ứng khá sôi nổi trong dư luận với sắc thái rất khác nhau, từ vui mừng, hy vọng, dè dặt, thờ ơ…đến ngạc nhiên, nghi ngờ.
Người thì nghĩ ngay đến thành phần tham dự đối thoại, rồi có quan sát viên hay không; người thì đề xuất cách thức tổ chức cuộc trao đổi; người thì soạn sẵn các vấn đề nóng cần nêu ra; lại có người đặt thẳng luôn câu hỏi trong bài viết của mình, yêu cầu được trả lời ngay tắp lự v.v…
Từ ngày ông Thưởng báo tin đến nay đã được mấy tháng rồi. Chưa biết khi nào thì cuộc gặp gỡ trao đổi thảo luận ấy sẽ diễn ra.
Riêng mình chỉ nghĩ đơn giản rằng những chuyện đại loại như xã hội vốn đa nguyên, độc quyền thì sinh ra tha hóa, dân chủ và pháp luật là hai mặt của cùng một vấn đề, quyền sống quyền tự do quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền tự nhiên của con người do tạo hóa ban cho, tam quyền phân lập là kết tinh trí tuệ của nhân loại về quản lý xã hội.
Còn nhà nước pháp quyền khác với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở chỗ nào, kinh tế thị trường có định hướng hay không định hướng, rồi chuyện lấy dân làm gốc, dân chở thuyền và dân lật thuyền v.v… thì mình nghĩ các nhà lý luận của đảng và các bác được gọi là đối lập đều là những người đọc nhiều sách, đi nhiều nơi nên đều thông tỏ như nhau.Có khi những điều họ nghĩ đều giống nhau, nhưng ở vị thế khác nhau thì nói khác nhau và phải quyết chiến trên “mặt trận văn hóa tư tưởng” với nhau thôi.
Thiên “Thuyết Nan” của Hàn Phi cách đây hơn hai nghìn năm có viết rằng:
“Làm du thuyết khó, không phải ở chỗ tri thức của ta kém không biết nói gì, cũng không phải ta không có tài hùng biện để trình bày những điều ta biết…, mà khó ở chỗ ta không biết người đối diện với ta thích nghe gì, muốn nghe gì. Nếu họ nghĩ đến danh mà ta đem cái lợi ra thuyết thì họ cho ta là loại tư cách bỉ lậu, thấp kém mà xa lánh ta. Nếu họ chăm chăm nghĩ về lợi mà ta đem cái danh dự, luân lý thanh cao ra thuyết phục thì họ nghĩ ta là kẻ viển vông không hiểu thời thế, khi đó ngoài mặt thì họ tỏ ra lắng nghe nhưng bên trong họ bỏ ta khi ta vừa mới cất lời. Nếu họ nghĩ đến lợi mà ta đem chính cái lợi ra thuyết thì trong lòng họ dùng lời ta nói mà bên ngoài sẽ xa lánh ta”.
Khó thế đấy.
Nhưng nói như vậy không phải là có ý rằng cuộc tranh biện mà ông Thưởng đề xuất là không tác dụng gì. Nếu nó được phép diễn ra thì sẽ có tác dụng nâng cao hiểu biết cho những người đứng bên ngoài cuộc tranh luận này, giúp họ có cơ hội được quan sát, lắng nghe quan điểm của hai bên, nhận thức được đâu là chân lý, vì thế nó sẽ rất có tác dụng nâng cao dân trí.
Nếu được như vậy thì đây sẽ là một cuộc chơi cống hiến của cả hai bên và mình sẽ cổ vũ nhiệt liệt, nhưng với điều kiện là không có cái mà Hàn Phi ví là “cái vẩy mọc ngược” của “con rồng”.
Ông bảo “rồng là con vật hiền lành, có thể lấn lướt mà cưỡi, có thể đùa vờn, chọc ghẹo. Nhưng ở sau gáy nó có cái vẩy mọc ngược, hễ ai đụng tới cái vẩy ấy là nó cắn chết tươi.”
Hàn Phi trí tuệ siêu việt là thế, mà rồi cũng chết trong ngục tù của Tần Thủy Hoàng Đế. Cũng là bởi vì ông đã chạm vào cái vẩy ngược của nó.
N.T.N.T

Phần nhận xét hiển thị trên trang