Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

TIN BUỒN:

Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm 


Hà Nội ngày 20 tháng 1 năm 2017
KÍNH GỬI: CÁC NHÀ VĂN, BẠN VIẾT VÀ BẠN ĐỌC
Hội Nhà văn Việt Nam trích từ Quỹ đầu tư chiều sâu cho nền văn học mua báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm cho hội viên, đấy là việc đã trở thành thông lệ hơn mười năm trở lại đây.
Do tình hình kinh tế khó khăn, đầu năm nay Hội Nhà văn Việt Nam thông báo, từ 1 tháng 2 năm 2017, Hội sẽ không có tiền để mua báo và tạp chí tặng các nhà văn hội viên nữa. Như thế, Tạp chí NV&TP tự nhiên sẽ mất hơn 1.000 bạn đọc truyền thống trong số hơn 2.000 bản mỗi kỳ, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì nếu Tạp chí chỉ in mỗi số hơn 1000 bản thì chỉ vừa đủ tiền trả nhà in và nhuận bút; Tạp chí sẽ không thể có kinh phí cho hoạt động của Ban biên tập.
Thật buồn.
Nhưng cũng có thể là một điều vui. Vì từ nay hay dở tại mình, lại cũng vì có câu “bĩ cực rồi mới thái lai”; phải tự mình bơi giữa dòng nước xiết, chứ không còn bơi bằng “phao bơi” nữa; sẽ biết ai mới thực là người biết bơi. Vả lại Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm in mỗi số hơn 2.000 bản, Hội mua cho hơn 1.000, chúng tôi vẫn còn hơn 1.000 bạn đọc thủy chung. Có câu: “Duy nhất độc giả trụ bách tác gia” – chỉ 1 độc giả có thể khiến trụ vững 100 tác giả, nhưng có thể 1.000 tác giả chả có ai biết tới. Vì bạn đọc thủy chung ấy, chúng tôi lòng tự nhủ lòng, chúng tôi còn chịu khổ để kiên nhẫn với văn chương đích thực; kiên nhẫn đến lúc tầng lớp trung lưu phải đặt Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm ở nơi trang trọng nhất của phòng khách để chủ nhân sang trọng của nó không bị mang tiếng là chỉ biết có xôi thịt!
Vì hoàn cảnh đã trình bày, Tạp chí đề nghị các nhà văn, bạn viết, bạn đọc và những ai quan tâm đến sự hưng vong của văn chương chất lượng cao hãy hỗ trợ chúng tôi trụ vững, như chúng tôi từng trụ vững mấy năm qua để làm nên tờ TẠP CHÍ NHÀ VĂN VÀ TÁC PHẨM kịp trở nên là một địa chỉ sáng sủa của văn chương nước nhà. Hỗ trợ bằng hai cách: Hoặc đặt mua dài hạn tạp chí hoặc chọn những tác phẩm hay, nóng của mình gửi về địa chỉ:
Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, số 65, Nguyễn Du, Hà Nội
Số điện thoại 0439423111
Email nhavanvatacpham@gmail.com
- Bạn có thể đặt mua trực tiếp với Tòa soạn bằng email, bằng gọi điện đăng ký và chuyển tiền vào:
Số Tài khoản 102010001825358
Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
- Hoặc bạn đặt mua tại Bưu điện gần nhất.
Giá mỗi số 60.000đ, một năm 360.000đ
Một lần nữa, Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm trân trọng đề nghị các nhà văn, bạn viết và độc giả hết lòng hỗ trợ chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn.
THAY MẶT BAN BIÊN TẬP
Tổng Biên tập
NGUYỄN TRÍ HUÂN
Đã ký

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bi kịch Trần Quốc Tuấn

chenxingdaoTrên trang hải ngoại nọ, có câu đối độc đáo, không đề tên tác giả:
地轉我越種居北方,歐洲境內無蒙騎樅橫千萬里;
Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý;
(Đất Việt mà dời sang phương Bắc, cõi Âu châu đã không có kỵ binh Mông Cổ tung hoành vạn dặm)
天生此良材於宋室,中國史前免元朝都護一百年。
Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung quốc sử tiền miễn Nguyên triều đô hộ nhất bách niên.
(Trời sinh tài lành này vào nhà Tống, lịch sử Trung Hoa trước đây đã khỏi phải quân Nguyên đô hộ cả trăm năm).
Câu đối không nêu tên nhân vật, nhưng nghe qua ai cũng đoán được, chính là vịnh Trần Quốc Tuấn, tức Hưng Đạo đại vương. Theo đó mà suy thì dân tộc ta thật may mắn mới sản sinh được bậc thần tướng lỗi lạc dường ấy, nhưng ấy cũng là vận rủi cho đại vương vì phải thác sinh vào đất nước này; giá sinh ra ở Tây Tàu, hẳn công nghiệp ngài còn rạng rỡ không biết ngần nào. Thế kỷ XXI, Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu… danh tướng rồi chăng?
Những lời ca ngợi Thánh Trần thật đã tràn lan xích đạo. Nếu ví Hưng Đạo vương như con rồng thần, thì mây vờn ngũ sắc huyền ảo che phủ mình rồng còn dày hơn cả vảy thực của rồng. 700 năm qua là hơn 30 thế hệ, hết lớp này đến lớp khác liên tục thay nhau vun đắp bát hương cho hình tượng Thánh Trần, mấy ai ngậm ngùi cùng bi kịch lớn của đời ông.
Xuôi theo dòng “lịch sử” Đại Việt, người ta thường lấy làm dễ chịu, vì được thỏa mãn tự ti: dân tộc ta tuy nhược tiểu nhưng được cái là cha ông vĩ đại mã thượng anh hùng. Tán dương ông bà tổ tiên là nguồn chủ đạo cho cảm hứng hoài niệm oai phong rần rật trong huyết quản cộng đồng, mà hình tượng Trần Quốc Tuấn là một minh chứng. Trong bài viết này, tôi thử lật ngược lại để đặt ra vài nghi vấn, xem thử “lịch sử” đã ngụy tạo cho nhân vật Trần Hưng Đạo đến mức nào. Và không viết thì thôi, đã viết là viết cho cạn ý mình nghĩ và suốt mắt mình nhìn, tôi sẽ không quanh co vị nể, hi hi!
Tài liệu tôi lấy làm căn cứ phân tích là Đại Việt sử ký toàn thư, vì nó là văn bản gốc, các “sách sử” khác đều là dựa theo Toàn thư mà tát nước theo mưa, thêu dệt thêm hoa lá cành[1] mà thôi.
I. Thân thế:
Đây là căn nguyên chính của bi kịch. Quốc Tuấn (1228-1300) là con Trần Liễu, Liễu là anh ruột của Trần Cảnh (tức Trần Thái tôn). Trần Thủ Độ lập mưu cho Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng làm vợ để soán ngôi nhà Lý, năm ấy (1225), Cảnh chỉ mới 8 tuổi. 12 năm sau (1237), Trần Cảnh đã 20 vẫn không con, Thủ Độ lại cho Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên[2] lúc ấy đã có mang 3 tháng, “để làm chỗ dựa về sau” (Toàn thư).
Bị cướp vợ, Trần Liễu nổi giận dấy binh làm loạn, khiến nhà vua phải lo sợ kéo theo cung phi lên Yên Tử. Cuộc tạo phản thất bại, những người hùa theo đều bị giết, riêng Trần Liễu được vua đích thân đứng ra che chở.
Sử ghi: Trần Liễu ôm mối hờn mất vợ không nguôi,“cho nên tìm người tài giỏi khắp bốn phương để dạy cho Quốc Tuấn”, đây là một câu vu khoát viết khơi khơi, những “người tài giỏi” có thể đào tạo nên bậc đại anh hùng dường kia há phải vô danh, tại sao không liệt kê ra đặng? Huống chi, sau cuộc nổi loạn của cha, Quốc Tuấn khoảng 10 tuổi đã phải về ở với người cô là Thụy Bà công chúa. Trần Liễu khi ấy lo thân mình chưa xong, có thể lo đến việc dạy dỗ con sao? Và ai cả gan phò Liễu để dạy Tuấn nữa, khi trước đó đã có tấm gương bọn theo Liễu đều bị tru lục?
Có lẽ do ỷ mình là con bậc thân vương, có mẹ nuôi là công chúa; lại thêm tấm gương tiền nhân trước kia từng hiếp dâm được ngầm khích lệ[3], nên Quốc Tuấn buông tuồng tự tác, tư thông với công chúa Thiên Thành, ngang nhiên cướp vợ người.
Đó là việc xảy ra khi Quốc Tuấn đã ngoài 20. Nguyên vua có cô em ruột là Thiên Thành, cho ở trong dinh của Nhân Đạo vương. Rằm tháng Giêng Tân Hợi [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 20 (1251), vua mở hội lớn bảy ngày đêm, định làm lễ cưới cho Thiên Thành với Trung Thành vương (con của Nhân Đạo vương – Toàn thư không ghi rõ họ tên hai cha con vị vương này). Quốc Tuấn bèn lẻn vào dinh chú rể, chui vô buồng cô dâu để động phòng. Đã đành đây là việc trai gái thuận tình, nhưng nếu thật lòng yêu, sao trước đó Quốc Tuấn không hỏi xin nàng, mà phải đợi trước ngày cưới mới bày trò trên bộc trong dâu, đến nỗi phải tốn của nhà vua 2.000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để bồi thường cho họ đàng trai?
Và Thiên Thành kia là ai? – Ông nội Quốc Tuấn là Trần Thừa có mấy người con là Thụy Bà (người nuôi Quốc Tuấn), Trần Liễu (thân sinh Quốc Tuấn), Trần Cảnh (Thái tôn), Trần Nhật Hiệu, Trần Bà Liệt, và Thiên Thành. Công chúa Thiên Thành đó chính là cô ruột của Hưng Đạo vương vậy. Về cuộc hôn nhân nội huyết này, sau này nhiều kẻ bao biện, bảo đó là lệ nhà Trần, nên Quốc Tuấn bị ép vào cuộc hôn nhân lạ lùng. Một vị nhân thần sự nghiệp lẫy lừng mà lại chịu “bị ép”, và ép phải lẻn vào nhà chú rể, leo lên giường cô ruột?
Mối hiềm khích giữa chi thứ của Quốc Tuấn với chi đích của vua Trần, dù ông đã được Thái tôn nhân nhượng cưới vợ cho, vẫn khó thể nguôi ngoai, và sẽ trở lại ám vào suốt cuộc đời Hưng Đạo vương.
II. Vai trò:
Năm 1257, một cánh quân lẻ của Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqadai) chỉ huy xâm nhập nước ta để tìm đường đánh thọc lên Quảng Tây của nhà Tống. Sự kiện này được sử Việt gọi là “Kháng Nguyên lần thứ I”[4].
Trong cuộc chiến đầu tiên với Mông Cổ này, không hề thấy Quốc Tuấn ló dạng, nhưng với ý định gò ép cho trọn vẹn chiến công để tuyên dương, người đời sau thường khiên cưỡng nói lấy được, gọi ông là “anh hùng của ba cuộc kháng chiến”[5]. Trong khiToàn thư chỉ ghi: “Đinh Tỵ, [Nguyên Phong] năm thứ 7 [1257] (…) Tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn”, xong là mất hút, không thấy ông xuất hiện nữa.
Rõ ràng trong đợt này, Quốc Tuấn chẳng hề đóng vai trò gì, Lê Tần mới là nhân vật chính với công hộ giá. Vậy mà Trần Trọng Kim vẫn cãi cố, ráng tưởng tượng thêm rằng khi đó Quốc Tuấn từng ra cản giặc và rút về cố thủ ở Sơn Tây[6]!
Thái tôn Trần Cảnh lúc bấy giờ không thể không nghi ngại ông cháu gọi mình bằng chú này, rất có thể y sẽ thừa cơ có giặc mà trở mặt làm phản. Nguyên do khiến vua nghi ngại là mới năm ngoái đây, em của Tuấn là Trần Doãn đã mưu đào thoát sang Tàu, Toàn thư ghi: “Bính Thìn, [Nguyên Phong] năm thứ 6 [1256] (…) Mùa thu, tháng 7, Vũ Thành vương Doãn đem cả nhà trốn sang nước Tống. Thổ quan Tư Minh là Hoàng Bính bắt lại đưa trả cho ta (Doãn là con Yên Sinh vương do Hiển Từ sinh. Yên Sinh có hiềm khích với vua, đến khi Hiển Từ mất, [Doãn] bị thất thế, nên trốn sang nước Tống). Vua thưởng vàng lụa cho Bính. Do đấy việc giữ phòng quan ải càng thêm nghiêm ngặt”[7]. Ông em vừa bị bắt về tội… vượt biên, thì ông anh bị cách ly điều tra là điều dễ hiểu.
Sau trận đụng độ làm tan tác cả kinh thành, Trần đã biết đá biết vàng, quay đầu thần phục nhà Nguyên, chịu xưng thần, dâng cống phẩm, và để Nguyên đặt một viên chức Toàn quyền xem việc cai trị trên đất nước “nhỏ bằng bàn tay” của mình (lời Trần Anh tôn sau này – Toàn thư, Bản kỷ). Suốt hơn phần tư thế kỷ, Trần chật vật tù túng dưới ách Nguyên triều, cuối cùng đã buộc lòng quyết để kháng.
Suốt thời gian này, trải mấy đời vua, Quốc Tuấn dần được “cất nhắc”, có lần Thánh tôn định phong cho ông chức Tư đồ, nhưng ông từ chối. Toàn thư:
“Trước kia, Thánh tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thái tông gọi Hưng Đạo vương Quốc Tuấn tới bảo: Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Quốc Tuấn trả lời: Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn (Bản kỷ – Anh tôn).
Tư đồ thuở đó là chức quan trông coi việc giáo dục cho hoàng tử cùng con cái của các thân vương, cũng kiêm luôn việc ngoại giao tiếp sứ, và chức này thường được trao cho người làu thông kinh sử, Quốc Tuấn mà dám nhận mới là chuyện lạ lùng. Chẳng qua đó là khi anh em dòng vua đi vắng, họ e ở nhà có loạn từ trong nên mới ướm thử Tuấn mà thôi!
Hãy xem Quốc Tuấn “ngoại giao” thế nào: “Tân Tỵ, [Thiệu Bảo] năm thứ 3 [1281] (…) [Nhân tôn] Sai chú họ là Trần Di Ái (tức Trần Ải) và Lê Mục, Lê Tuân sang Nguyên. Nhà Nguyên lập Di Ái làm Lão hầu, cho Mục làm Hàn lâm học sĩ, Tuân làm Thượng thư, lại sai Sài Xuân [có sách gọi Sài Thung] đem 1.000 quân hộ tống về nước. Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Xuân cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Xuân ra cửa tiễn ông” (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Nhân tôn). Thì ra chỉ là giả làm nhà sư để được sứ giặc tiếp kiến, chừng sứ Sài Xuân/ Thung phát giác sư giả thì Tuấn phải ôm đầu máu. Sài Thung vốn là Lễ bộ thượng thư của Nguyên triều, trong mắt y thì Quốc Tuấn lúc bấy giờ chẳng là gì, tuy nhiên việc cho người dùng vật nhọn chọc vào đầu Tuấn là có thể có, mà cũng có thể… không, chứ còn việc Quốc Tuấn ngồi yên chịu đòn mà vẫn trơ trơ rõ là chuyện bịa, mang hơi hướm tiểu thuyết Tàu. Và tuy Toàn thưkhông chép cụ thể, qua đó cũng có thể đoán ra cuộc tiếp sứ chẳng đạt được thành quả gì.
Ấy vậy mà cuối năm 1284, khi Thái tử Thoát Hoan dẫn quân sang đánh thì Nhân tôn lại phong cho Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh quân đội, chứ không giao chức ấy cho anh em ruột thân tín của mình, ấy là lẽ gì? Câu trả lời chính là: để ông phải giơ đầu chịu báng. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyên sử không ghi thẳng tên Quốc Tuấn, mà chỉ ghi là “Hưng Đạo vương”, họ chép mấy đời vua Trần đều gọi bằng tên cộc lốc: Thái tôn là Quang Bính 光昺, Thánh tôn là Nhật Huyên 日烜, Nhân tôn là Nhật Tốn 日燇, Anh tôn là Nhật Sủy 日㷃, v.v…, mà lại kiêng tên kỵ húy ông tướng kia sao? Đây chính là nhà Trần muốn trút trách nhiệm chống cự thiên triều lên đầu ông, nên mới có sự ngược ngạo lạ đời đó.
Chức danh Tiết chế chỉ là hư danh, quyền chỉ huy tối cao vẫn trong tay Nhân tôn, Thượng hoàng và Quan gia cũng chỉ bàn việc binh với các anh em chú bác ruột Quang Khải, Nhật Duật… Cho nên mới có chuyện ông Tiết chế xin phép ông Thượng tướng thái sư (Quang Khải) chặn đánh cánh quân của Toa Đô ở Nghệ An. Vậy mà Thượng hoàng Thánh tôn vẫn còn nghi kỵ, vờ hỏi “Thế giặc [mạnh] như vậy, ta phải hàng thôi?” để dò tâm ý Quốc Tuấn.
Mối hiềm cũ giữa hai dòng anh em không chỉ gói gọn trong hoàng tộc, mà còn lan truyền ra ngoài. Khi hai vua chạy bán xới bỏ lại kinh thành cả ấn tín lẫn công chúa (An Tư), phải lênh đênh ra đến Quảng Ninh, Quốc công Tiết chế đến hộ giá: “Lúc ấy, xa giá nhà vua phiêu giạt, mà Quốc Tuấn vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của Yên Sinh vương, nên có nhiều người nghi ngại. Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không mà đi, còn nhiều việc đại loại như thế” (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Nhân tôn).
Trách nhiệm của Quốc Tuấn chỉ là giơ đầu chịu báng gánh lấy trọng tội chống lại thiên triều. Nỗi ám ảnh ấy còn đeo đẳng ông mãi đến khi sắp mất: “Khi sắp mất, ông dặn con rằng: Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải [làm sao cho mau phục. Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, người Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau này có thể xảy ra tai họa đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất lại như thế đấy” (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Anh tôn).
Lúc Quốc Tuấn mới cầm quân, có dân hai hương Ba Điểm và Bàng Hà hưởng ứng vâng lời tụ nghĩa theo về hăng hái lập công, sau vì túng thế họ phải ra hàng giặc. Chừng luận công định tội, cả hai hương đều bị xử lưu đày, trai trẻ thì làm lính hầu, gái bị bán làm nô tỳ. Ông tướng thống lĩnh quân đội nhân dân lại không bảo vệ được cho những người lính đầu tiên về dưới cờ mình; xem ra, những ai dính dáng đến cha con ông này đều xúi quẩy, khó bảo toàn tính mạng. Vậy nên chừng ông mang việc cướp ngôi và trả thù cha ra hỏi, bọn Yết Kiêu, Dã Tượng đều chối đây đẩy bàn ra[8].
Một đời Quốc Tuấn quả là bi kịch, luôn thấp thỏm lo lắng vì bị nghi kỵ, là kẻ “phản tặc tiềm năng” của Trần triều, nên chỉ có tước phong mà không được nhận chức quan nào. Giặc đến thì ra đứng mũi chịu sào chịu tiếng cầm đầu, lúc giặc tan ngoe nguẩy đít không, trở về ấp phong Vạn Kiếp. Sắp xuống lỗ thì lo bị đào mả phơi xương, chừng hiển thánh thì lại bị tên dâm thần Phạm Nhan dây máu ăn phần, khiến bậc Đại vương lại ra chuyên trị sản huyết cho đàn bà[9], thương ôi oan nghiệt!
III. Tác phẩm:
Theo các nhà sử học, tác phẩm của Trần Quốc Tuấn có:
– Dụ chư tỳ tướng hịch văn.
– Binh gia diệu lý yếu lược.
– Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
Dụ chư tỳ tướng hịch văn:
Bài hịch này nguyên văn chữ Hán, có đưa vào sách giáo khoa môn ngữ văn, với tên thường gọi là Hịch tướng sĩ. Bản dịch đầu tiên là của Trần Trọng Kim[10]. Đây là lời Trần Quốc tuấn quở mắng bọn tỳ tướng trong đội thân binh của riêng mình. Và khi đổi tên nó ra “Hịch tướng sĩ”, người ta đã cố tình khoác cho nó tầm vóc rộng lớn hơn phạm vi ý nghĩa nó vốn có. Hưng Đạo vương chỉ có thực quyền trên cánh thân binh của mình; ngoài ra, với các cánh quân của các vương hầu khác, ông đều vâng lệnh Bí thư Quân ủy Trung ương Trần Nhân tôn điều động, nên không thể có việc ông ban “huấn thị” cho tướng sĩ cả nước.
Đọc thì thấy ông kể lể ơn đức với những kẻ làm công ăn lương cho mình: Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa… (bản dịch Ngô Tất Tố).
Bài văn này lổn nhổn những điển tích, và dẫn chứng toàn lấy trong sử Tàu, nghi vấn đây là của một tay thầy Tàu nào đó thì phải lẽ hơn (thuở đó có không ít vong thần nhà Tống chạy sang An Nam đô hộ phủ); thật khó tin ông hoàng lêu lỗng Quốc Tuấn có thể viết nên nó. Nhất là không ai cổ vũ tỳ tướng đánh quân Nguyên mà lại lấy… tướng Mông làm gương cả (Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào? Xích Tu Tư tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà xông vào chốn lam chướng xa xôi muôn dặm đánh quỵ quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay còn lưu tiếng tốt – Ngô Tất Tố dịch), đọc câu này, người ta có thể ngờ rằng ngay chính Quốc Tuấn còn chẳng hề ghé mắt xem qua để thẩm tra bài hịch là đàng khác!
Binh thư yếu lược:
Đây là một quyển binh pháp, trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn có nhắc: Nay ta chọn binh pháp các nhà, soạn thành một quyển, gọi là Binh thư yếu lược, tức đây là sách sưu tầm tổng hợp từ binh pháp của Tàu, nhưng sử gia Việt Nam với truyền thống nói vống lấy oai, thường bảo đây là sách “trứ tác”, tức do Quốc Tuấn tự nghĩ mà viết ra.
Sách này được cho là đã bị quân Minh cướp lấy mang về Tàu, và “thất truyền”. Sách dạy đánh giặc của vị thần tướng ba lần đại phá quân Nguyên, mà Tàu họ không thèm gìn giữ nghiên cứu, lại đốt bỏ hay sao mà bị thất truyền?
Khoảng năm 1969, có viên tướng phòng không của Tưởng Giới Thạch, là Mã Nguyên Lương chạy sang Việt Nam Cộng Hòa, để giúp Hộ pháp đạo Cao Đài Phạm Công Tắc ở Tây Ninh dịch kinh sách. Ông tướng Tàu này mang theo một quyển sách trời ơi đất hỡi mà ông ta bảo là “Binh thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo. Bản dịch sách đó (có đính kèm cả“Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ) được nhà xuất bản Khai Trí (Sài Gòn) ấn hành.
Xin đặt thẳng câu hỏi luôn vầy: Đại Việt vào thế kỷ XIII có thể đủ trình để viết binh pháp hay không? Quân hồi vô phèng, mỗi vương hầu cầm một cánh quân gồm những trai tráng nông dân trong thái ấp của mình ra trận, và chiến thuật chủ yếu là bỏ chạy khi giặc đến, đánh vét đuôi khi giặc rút, đúng kiểu du kích, trên một địa hình sông nước bùn lầy, thì việc hội quân đã là khó, mong gì thao luyện mà nói chuyện binh pháp trăng sao?
Điểm lại từ xưa, ngoài Binh thư yếu lược (chỉ có cái tên), thì “binh pháp” Đại Việt vỏn vẹn hai quyển: Hổ trướng khu cơ do Đào Duy Từ (1572-1634) soạn;Kỷ sự tân biên của Thận Trai tiên sinh Lương Huy Bích, người đời Lê Mạt soạn vào năm 1869. Và cả hai đều là sưu tầm tuyển chọn rồi chép lại từ những binh pháp của Tàu, như: binh thư Tôn tử của Tôn Vũ, Ngô tử của Ngô Khởi, Lục thaoTam lượcTư Mã phápUất Liệu tửVệ công binh pháp của Lý Tĩnh, Hồ kiềm kinh của Hứa Động, Kinh thể bát loại toàn biên của Trần Nhân Tích, Kỷ hiệu tân thư của Thích Kế Quang v.v… và phần dị đoan quỷ thần chiếm phần nội dung lớn các sách này.
Nói tóm lại, tới giữa thế kỷ XIX, mà “binh thư” Đại Việt vẫn toàn là chép lại từ sách Tàu, với đủ thứ cầu đảo lâm ly, vậy mà người ta lại cho rằng ở thế kỷ XIII, người mình đã có bộ binh thư trác tuyệt ư? Thiệt là huyễn tưởng mà, he he!
Vạn Kiếp tông bí truyền thư:
Theo Toàn thư thì Quốc Tuấn sưu tập binh pháp các nhà, làm thành Bát quái cửu cung đồ, đặt tên là Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Cuốn này cũng chỉ còn lưu lại có “bài Tựa” của Trần Khánh Dư đề, xin chép ra đây:
Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết (Hi hi, mấy ông tướng Trần thiệt là hài hước, khéo nói giỡn chơi!).
Ngày xưa Cao Dao làm sĩ sư mà không ai dám trái mệnh, đến Vũ vương, Thành vương nhà Chu làm tướng cho Văn vương, Vũ vương, ngầm lo sửa đức, để lật đổ nhà Thương mà dấy nên vương nghiệp, thế là người giỏi cầm quân thì không cần phải bày trận vậy. Vua Thuấn múa mộc và múa lông trĩ mà họ Hữu Miêu đến chầu, Tôn Vũ nước Ngô đem người đẹp trong cung thử tập trận mà phía tây phá nước Sở mạnh, phía bắc uy hiếp nước Tấn, nước Tần, nổi tiếng chư hầu, thế là người khéo bày trận không cần phải đánh vậy. Đến Mã Ngập nước Tấn theo bát trận đồ, đánh vận động hàng ngàn dặm, phá được Thụ Cơ Năng để thu phục Lương Châu, thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua vậy.
Cho nên trận nghĩa là “trần”, là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa, Hoàng Đế lập phép tỉnh điền để đặt binh chế. Gia Cát [Lượng] xếp đá sông làm bát trận đồ, Vệ công sửa lại làm thành Lục hoa trận. Hoàn Ôn lập ra Xà thế trận có vẽ các thế trận hay, trình bày thứ tự, rõ ràng, trở thành khuôn phép. Nhưng người đương thời ít ai hiểu được, thấy muôn đầu ngàn mối, cho là rối rắm, chưa từng biến đổi. Như Lý Thuyên có soạn những điều suy diễn của mình, những người đời sau cũng không hiểu ý nghĩa. Cho nên Quốc công ta mới hiệu đính, biên tập đồ pháp của các nhà, soạn thành một sách, tuy ghi cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm rà, tóm lược lấy chất thực (Sách viết rườm rà chi, rồi dặn người đọc tự ý lược bớt?)
[Sách] gồm đủ ngũ hành tương ứng, cửu cung suy nhau, phối hợp cương nhu, tuần hoàn chẵn lẻ. Không lẫn lộn âm với dương, thần với sát, phương với lợi, sao lành, hung thần ác tướng, tam cát ngũ hung đều rất rõ ràng, ngang với Tam Đại, trăm đánh trăm thắng. Cho nên, đương thời có thể phía bắc trấn ngự Hung Nô, phía nam uy hiếp Lâm Ấp. Rồi dùng sách này dạy bảo [con cháu] làm gia truyền, không tiết lộ ra ngoài. Lại có lời dặn rằng: Sau này, con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí thuật này phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp [thế trận]; không được ngu dốt mà trao chữ truyền lời. Nếu không thế thì mình chịu tai ương mà vạ lây đến con cháu. Thế gọi là tiết lộ thiên cơ đó (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Anh tôn).
Vậy là đủ hiểu, ba mớ binh thư bí truyền này nếu thực có, thì hổ lốn linh tinh tý tèo đến độ nào, thiện tai thiện tai!
_______
Chú thích:
[1] Đơn cử Nam hải dị nhơn của Phan Kế Bính chép về Trần Hưng Đạo:
Khi trước An sinh vương phu nhân, nằm mơ thấy một ông thần tinh vàng tướng ngọc tự xưng là Thanh Tiên đồng tử phụng mệnh Ngọc hoàng xuống xin đầu thai, nhân thế có mang. Đến lúc sinh ra vương, có hào quang sáng rực cả nhà và có mùi hương thơm ngào ngạt.
Vương khôi ngô kỳ vĩ, thông minh sớm lắm, lên 5, 6 tuổi đã biết làm thơ ngũ ngôn, và hay bày chơi đồ bát trận. Khi gần lớn, học rộng các sách, thông hết lục thao tam lược, có tài kiêm cả văn võ.
Đây là lối viết sử bắt chước tiểu thuyết diễn nghĩa của Tàu, nghĩa là rất tào lao và vô bổ, nếu không nói là có tác hại.
[2] Cuộc hôn nhân dây cà ra dây muống này lắm lằng nhằng, trở thành gương mẫu cho các cuộc hôn nhân nội huyết về sau của tôn thất nhà Trần. Nói “lằng nhằng” là bởi không chỉ rắc rối bên đàng trai, mà còn cù cưa cả bên đàng gái.
Nguyên Lý Huệ tôn, ông vua tuyệt tự của triều Lý, có hai cô con gái: chị là Thuận Thiên (1216), và em là Chiêu Hoàng (1218). Lý Chiêu Hoàng mới 6 tuổi thì được vua cha truyền ngôi cho. Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ nhân đó mưu soán ngôi nhà Lý, bèn ép Chiêu Hoàng phải lấy Trần Cảnh; và vẫn chưa yên tâm, vì còn cô chị Thuận Thiên, Thủ Độ mới gả luôn cho Trần Liễu. Hai anh em họ Trần cưới hai chị em họ Lý, vậy là dứt hậu hoạn, không còn ai chen vô. Đến chừng Trần Cảnh rước bà bầu Thuận Thiên về, thì đó vừa là chị dâu vừa là chị vợ, chừng sinh con ra, trong nhà xưng hô lung tung kêu cha gọi chú lùng tùng xèng, thấy vui!
[3] Bính Thân, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 5[1236]… Bấy giờ Hiển Hoàng [Trần] Liễu làm tri Thánh Từ cung, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý liền cưỡng dâm ở cung Lệ Thiên. Đình thân hặc tấu, vì thế mới đổi tên cung Thưởng Xuân, giáng Hiển làm Hoài vương.
Vào chầu nhân tiện cưỡng dâm, mà vẫn được tước vương, hai chữ “Thưởng Xuân” cải tên rõ ràng là có ý lấy việc cưỡng dâm kia làm thích thú. Việc này xảy ra một năm trước khi Trần Liễu bị đoạt vợ, nên ai đó bảo hành vi kia của Trần Liễu là để trả thù việc bị cướp vợ là không đúng. Trần Liễu hiếp dâm là làm theo bản năng, không phải hành vi có chuẩn bị với ý đồ trả miếng.
[4] Lúc đó Mông Cổ chưa diệt Nam Tống để thành lập nhà Nguyên, nên phải gọi trận này là “Kháng Mông” mới đúng.
[5] Trang Wikipedia tiếng Việt nhận định về Trần Quốc Tuấn: Ông là một trong những người chỉ huy chính trong việc đẩy lùi ba lần cuộc xâm lược của quân Mông Cổ và về sau là quân Nguyên-Mông ở thế kỷ 13.
[6] Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim, quyển I, phần III, chương 6, tiết 11.
[7] Đại Việt sử ký Toàn thư, Bản kỷ – Trần Thái tôn.
[8] Toàn thư bênh vực bào chữa bằng cách nói trớ:Lúc sắp mất, Yên Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được!” Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải. “Không cho là phải”, mà lại để bụng đến nửa thế kỷ sau còn mang ra để hỏi dọ ý tùy tùng?
[9] Phụ lục Việt điện u linh tập, Lý Tế Xuyên – Lê Hữu Mục dịch: “Vương trị bệnh tà Phạm Nhan rất linh nghiệm”.
[10] Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim, 1917.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Đại thành”


Le Vinh Huy






“Đại thành” 大成 (thành công/ thành tựu lớn) là bức đại tự mà vị lãnh đạo nọ được tặng. Cả người tặng lẫn người được tặng đều hân hoan phơi phới tươi cười, chắc là lấy làm đắc ý vì ý vị sâu xa của hai chữ ấy lắm!
Phần tôi thì lại giật mình âu lo khôn xiết, vì hai chữ đó là điềm chẳng lành chút nào.
Cứ theo ý tứ mà suy, hẳn người tặng chữ có ý tán dương sự nghiệp người được tặng là đã thành công to tát. Hai chữ Đại thành này lại khiến người ta liên tưởng đến câu danh ngôn bất hủ “Thành công thành công đại thành công”, thiệt là uyên áo thay!
Nhưng điềm bất tường lại ẩn trong câu chúc tụng, hoạ sát thân thảm khốc tiềm tàng trong bức đại tự phượng múa rồng bay.
Theo phép chiết tự, chữ Đại 大 phân tích ra sẽ thành hai chữ nhất nhân 一人 (một người). Và chữ Thành 成 kia sẽ thành Vạn qua 万戈, nghĩa là… 10 ngàn lưỡi mác. Hỡi ơi, thân cốt nhục mà lãnh một mác đã đủ nguy đến tính mạng, ở đây mỗi một thân mình phải chịu đến vạn búa rìu thì thịt nát xương tan chẳng sai; nên mới bảo đây là hai chữ mang điềm dữ trù ẻo đương sự lãnh hoạ sát thân!
Thân làm công bộc phục vụ nhân dân, quý nhất là ở một chữ Thành là thành khẩn, thực lòng chu toàn nhiệm vụ đảng và chính phủ, cũng như nhân dân giao phó, đến trót đời vẫn áy náy vì mình chưa dốc đủ tâm thành, mấy ai đủ gan tự phụ là mình đã thành công đâu nà, phải không ạ?
Cho nên tôi cúi lạy đại nhân bốn lạy, mong ngài hãy mau mau hạ hai chữ Đại Thành ác liệt kia xuống đi thôi, và có thích chơi chữ thì kẻ tiện dân này kính dâng hai chữ Chí Thành 至誠 (dốc hết lòng thành). Tân Đường thư có câu: “Sĩ cảm kỳ thành, giai nhất đương bách” 士感其誠,皆一當百: Kẻ sĩ cảm lòng thành ấy mà đều mạnh mẽ lấy một chọi trăm. Được chữ Thành Khẩn này sức mạnh vây cánh sẽ tăng lên gấp trăm lần, khi ấy ngán gì búa rìu giáo mác nữa!
Lòng thành kính bẩm, mong người soi xét.
Thượng hưởng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THỜI PHI LÝ



Thời buổi lạ lùng
Đáng gói lại mang ra mở
Đáng mở lại đem gói vào..
NHẬP NHOÈ, biết đâu là thấp?
LẰNG NGOẰNG, nơi nào thật cao?
Những người đàn ông comlet, cà vạt,
Dày da, vớ trắng, găng tay..
Chỉ hở bàn tay, khuôn mặt
Vì sao kín đáo nhường này?
Các bà, các cô váy ngắn
Mặc như chưa có mặc gì
Những chỗ đáng ra che kín
Lại phơi
trắng lốp
Chẳng nề!
Chỉ thương mấy người ngay thẳng
Nói năng thật khó trăm bề..
Nhân gian phát rồ lên cả
Lúng túng, khoe ra,
Cất đi..
Điều cần nói, sao không thấy nói?
Vòng vo bao chuyện ngoài lề..
Thôi đành
sự đời nó vậy..
Đâu rồi..
thoảng chút hương quê?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỪNG TRÁCH



Đừng trách ai..
Ta hãy tự trách mình
Đêm tối vỡ ra
bao niềm nghi hoặc
Chỉ mong muốn thôi ư?
Có thể nào đổi khác?
Đừng trách ai,
hãy tự trách mình!
Đừng buồn nhé tôi ơi khi giả dối lộng hành!
Bọn xu nịnh rót vào tai những lời nhảm nhí.
Bạn sẽ hoang mang: Đâu là “chân thiện mĩ”?
Đừng trách ai,
hãy tự trách mình!
Hãy về bến sông, nơi ngày xưa ta gặp người tri kỷ..
Không rõ vì lý do gì, bấy lâu người biệt tăm?
Chỉ còn vạt cỏ ngồi bên nhau ngày nào giờ xanh lại..
Trời đất vẫn như xưa sau “bé cái nhầm” !
Lòng tốt, thiện tâm có khi phải dấu, chôn xuống đất
Chờ những cơn mưa, chờ sấm sét nảy mầm
Bạn với anh giờ chỉ còn cây cỏ,
và phía chân trời..
buồn ánh mắt đăm đăm!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Viên chức và nhà buôn – hai nét tính cách ‘Người Hà Nội’


Còn nhớ, hồi giữa những năm 1960, đám trẻ chúng tôi từ các miền quê ra Hà Nội học đại học, một trong những chuyện khiến chúng tôi thường xuyên để tâm quan sát và luận bàn cùng nhau, ấy là những nét tính cách chung của “người Hà Nội”, người “thị dân” nói chung, điều mà chúng tôi chưa thấy, chưa biết, khi còn sống tại các vùng quê và tỉnh lẻ.
Lại Nguyên Ân
Sau lớp chúng tôi, mỗi năm lại có thêm các lớp học trò khác tới Hà Nội, không chỉ ở đây học hành dăm ba năm, mà thường sau đó còn ở lại làm việc, định cư tại Hà Nội. Vậy là trên đề tài hồi xưa còn có thể luận bàn không chỉ từ sự quan sát những ai ai kia khác đã sống trước mình tại đây, mà còn có thể quan sát lẫn nhau, quan sát chính mình. Bởi mình và bạn bè cùng lứa mình, từ dạo ấy, đã dần dần trở thành “thị dân”, thành “người Hà Nội”.
Trong tiếng Việt, từ “thành phố” gồm hai phần trỏ hai không gian chức năng của cái không gian chung gói trong danh từ đó: “thành” và “phố”. “Thành” là khu vực của vua quan, nha lại, công bộc, binh lính; “phố” là khu vực của thường dân, “thị dân”. Đây là loại thường dân ít nhiều “đặc biệt”: họ không trực tiếp làm ra nông phẩm để “tự sản tự tiêu” như nông dân ở hầu khắp các làng quê, trái lại, họ chủ yếu làm những công việc đáp ứng nhu cầu của lớp người trong “thành”, nói bằng chữ của ngày nay, họ chủ yếu làm “dịch vụ”, bên cạnh đó họ là những người chuyên làm các nghề thủ công, hoặc buôn bán, đáp ứng cả nhu cầu của người trong “thành” lẫn người ở các làng quê.
Thời thế đổi thay, từ trung đại sang cận hiện đại, “thành” và “phố” càng ngày càng bớt tách biệt, càng ngày xen lộn nhau. Công sở, trại binh có khi phình ra tràn ra, lấn chiếm các khu dân cư; nhưng dinh thự đương thời các bậc cha chú quan cao bổng hậu cũng có thể sẽ đến lúc biến thành tư thất của đám “cậu ấm” không thành quan nhưng được hưởng thừa kế. Và tuy “quan” bao giờ cũng tách biệt, khác biệt “dân”, nhưng quan lại và bộ máy phục vụ quan lại lúc nào cũng cần đến các loại dịch vụ của dân ngoài phố, còn dân phố thì cũng cần trông vào các loại nhu cầu của đám người quyền thế kia để có việc làm, trong khi đó, các loại cửa hàng cửa hiệu cũng luôn luôn muốn áp sát các công sở.
Càng sang thời cận, hiện đại, bộ máy cai trị, quản lý càng có xu hướng phình ra, nhu cầu quản lý dường như luôn luôn muốn tăng lên; ở những lĩnh vực nhất định, việc quản lý từ chỗ là việc cai trị dần dần trở thành những loại dịch vụ, nhờ vậy, nghề viên chức được kể như một nghề nữa của thị dân.
Có một lời tục truyền bảo rằng, các gia đình hàng Ngang hàng Đào thời xưa luôn luôn chuyên chú vào hai thứ: phải lo sao cho có một quầy hàng tấm (vải sợi, tơ lụa) đàng hoàng, “ra tấm ra món”, và trong nhà phải có ít nhất một tiểu thư đoan trang hiền thục.
Vì đâu các nhà buôn ấy lại đặt nặng sự “đầu tư” vào con gái thay vì con trai? Là vì con trai nhà giàu dễ thành kẻ phá gia chi tử hơn là kẻ có chí nối nghiệp nhà, bởi thế, người ta phải lo sẵn nong sẵn né chờ các chàng rể quý – những người từ các vùng quê ra đây đỗ ông nghè ông cống, làm quan trong triều ngoài quận, đem lại uy thế cho ông nhạc bà nhạc. Ngay hồi quân chủ, giới thị dân đã biết “săn đầu người”, làm “chảy máu chất xám” của dân quê như thế, đâu phải đến thời hiện đại, khi các cậu nhà quê ra đây học cao đẳng đậu bác sĩ kỹ sư, tiếp tục là đối tượng săn đón của các nhà giàu Hà Nội.
Dạo tôi mới ra trường đi nhận công tác, lần đầu được nghe một vị được coi như đứng đầu làng “báo nói” đến giảng bài, đã thấy thú vị vì một vài chuyện nghề ông đem ra nói hôm ấy, nhưng sau đó còn thấy thú vị hơn nữa khi nghe mấy anh lớn tuổi hơn kể về mối tình thời trẻ của chính con người nổi tiếng kia. Hóa ra thời ông từ một làng quê ra Hà Nội học, chàng sinh viên luật ấy đã say mê một thiếu nữ Hàng Đào. Mẹ chàng từ tỉnh Đông lặng lẽ ra Hà thành như một người qua phố, quan sát xem thử cơ ngơi nhà cô gái ra sao; vậy mà bà mẹ cô gái cũng biết được sự việc, kịp bố trí người làm hắt một chậu nước ra khoảng vỉa hè trước cửa hàng đúng lúc vị lữ khách sắp bước tới, như vô tình mà hữu ý đưa một tín hiệu khinh mạn trước bà điền chủ nhà quê có cậu con trai si tình. Nhưng rồi những kiêu kỳ hay thiện chí của hai phía thông gia tương lai đều không phát huy tác dụng gì, bởi do một sự cố nào đấy, cô gái quyết định trốn nhà đi theo chàng trai. Vậy mà mẹ nàng cũng không phải buồn phiền gì lâu, bởi khi chế độ mới thay chế độ cũ trên đất Hà thành thì chàng rể của bà đã nghiễm nhiên là một cán bộ cao cấp! Có thể bà mẹ vốn là nhà buôn ấy còn phải suy nghĩ rất lâu để hiểu xem con gái bà đã chỉ lãng mạn chạy theo tình yêu hay còn được hướng dẫn bởi một mẫn cảm thời thế nào khác?
Con người lớn lên ở thôn quê, gắn với thôn quê, thường rất mẫn cảm với những đổi thay của thời tiết, thời vụ, mùa màng; nhưng sự cảm nhận những đổi thay xã hội thì người thị dân, người lớn lên ở đô thị dường như lại nhạy bén hơn.
Từ giữa những năm 1950, khi lý thuyết giai cấp và bảng giá trị các thành phần xã hội tương ứng (đề cao công nông binh, kỳ thị địa chủ, tư sản, tiểu tư sản) bắt đầu chi phối cuộc sống con người trên đất Bắc, ngay ở Hà Nội cũng hầu như biến mất hình ảnh nhà buôn, chỉ còn hình ảnh người công nhân, viên chức.
Một số nhà máy mọc lên ngay tại trung tâm, giờ tan ca, màu xanh áo thợ tràn ra các con đường Ngô Quyền, Ngô Thì Nhậm, nơi có nhà máy ô-tô 1/5, nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà, nhà máy dệt kim Đông Xuân, cách đấy không xa là nhà máy rượu…
Làm công nhân trong nhà máy xí nghiệp nhà nước là thợ, làm xã viên trong các hợp tác xã tiểu thủ công, hợp tác xã vận tải, xích lô, ba gác… cũng coi như là thợ, Hà Nội những năm 1960s chỉ thấy những thợ là thợ. Không phải thợ có lẽ chỉ có thành phần cán bộ viên chức thuộc các Bộ của cơ quan trung ương hoặc các Sở trực thuộc thành phố. Những người là “nhân dân”, lĩnh tem phiếu thực phẩm hạng N, hầu như chỉ gồm người già và trẻ em; nhưng ngay trong hạng “nhân dân” ấy vẫn còn một số người mang dáng dấp thợ: ấy là những nhân viên các “tổ phục vụ” ở các phường các ngõ phố, chuyên đun nước bán nước sôi và làm một số tạp vụ khác, dịp tết thì bán thêm củi, lá dong, luộc bánh chưng, luộc giò giúp các nhà trong phố…
Ở cái xã hội bao cấp ấy tưởng như mọi thứ đều được hoạch định sẵn, mọi mặt hàng làm ra đều có địa chỉ tiêu thụ, mọi dịch vụ trù định đều được coi là đã đủ lấp kín các nhu cầu… Với xã hội bao cấp, loại hoạt động thương mại không nhắm địa chỉ cố định là loại hoạt động xa xỉ không đáng có. Thương mại “chính quy” đã được nhà nước hóa, từ những người phụ trách đến nhân viên bán hàng thuộc các tổng công ty điện máy, bách hóa, nông sản thực phẩm,… tất thảy đều là cán bộ viên chức, thì còn đâu chỗ cho những con buôn tự do?
Thế nhưng, mọi sự có vẻ như vậy mà không phải như vậy. Những con buôn tự do vẫn có mặt ở Hà Nội, ngay những năm tháng bao cấp chặt chẽ nhất. Từ những đầu ô luôn luôn có những người gánh rau vào phố. Ruộng rau đã vào hợp tác xã, ở đâu ra gánh rau “tự do”? Xin thưa: rau từ phần ruộng 5%, ăn không hết, đến lứa, “nhà cháu” phải đem đi bán!
Khu vực chợ giời, ngay thịnh thời bao cấp, vẫn họp chợ ngày ngày. Mua bán gì? Xin thưa: đồ cũ đủ loại, đồng nát, giấy vụn, sách báo cũ, đồ gốm sứ cũ, đồ điện máy, trăm thứ giời ơi, nhiều thứ quý hiếm nữa, không dùng thì người ta bán, cấm sao được? Lại còn những hộp sữa, cân đường, chiếc lốp chiếc vành xe đạp, vài mét vải phin vải pô-pơ-lin vải si-mi-li, toàn hàng mậu dịch được mua bằng cắt ô tem phiếu, người ta chưa dùng thì người ta đem bán lại. Có bán ắt có mua, mua để dùng hay để bán lại cho người thứ ba, – là việc không thể quy định và cấm đoán. Thế là lớp “con buôn” tự do (nghĩa là người buôn bán không phải “người nhà nước”) tái xuất hiện; ban đầu họ bị gọi là “con phe”.
Một loại người buôn nữa lần lần tái xuất giữa Hà Nội là chủ các quán cóc, bán nước chè chén, thuốc lá cuộn, rượu “cuốc lủi”, kẹo lạc, kẹo bột… bao giờ ngồi bán hàng cũng là người già hoặc trẻ em trong độ tuổi học sinh. Sau này dân gian tổng kết: đây là loại hình “buôn chết rét, lãi quan viên”: không thể ngờ bà cụ ngồi cạnh cổng trường bán mấy chiếc kẹo vừng với mấy mớ ổi xanh táo xanh lại nuôi nổi một gia đình bốn năm miệng ăn, hơn đứt lương anh công chức ba cọc ba đồng! Nghịch lý nghề buôn có lẽ cũng là sức hấp dẫn của nó, hệt như bí ẩn của những mảnh ruộng 5% đã gợi ý cho “khoán chui”, “khoán hộ”.
Ngồi bán quán thì tất nhiên là có địa chỉ xác định, cán bộ phường biết rõ họ tên; trong khi đó, đám người bị gọi là “con phe” đứng đường thì luôn luôn mang tính chất ẩn danh, – rất khó biết họ thực sự là ai. Tại chỗ họ đứng săn hàng bán hàng, nếu bị hỏi, họ sẽ có vô vàn cách nói, chẳng hạn, làm như mình chỉ tình cờ đứng đây hôm nay, chốc nữa sẽ đi ca, sẽ vào làm ca ba…, tóm lại, mình cũng là dân thợ, không phải con buôn. Tại khu phố, họ vẫn được xem như cán bộ sở A., nhân viên công ty B., nhưng chẳng ai biết đó là vai trò hiện tại hay là vai trò của hai ba năm trước; chỉ một vài người thật sự biết chuyện mới đôi khi lỡ buột mồm: “Vẫn đi làm ở sở ấy à? Sở nào? Có mà sở lừa!”
Nói “con phe” hay chủ quán cóc như là một vài kiểu dễ thấy nhất của hạng con buôn tự do “tiên phong” chui qua đêm dài bao cấp, thật ra chỉ là nói phần nổi, bởi họ có vô số kẻ đồng lõa và tiếp tay, ngay trong giới những người được ưu tiên ưu đãi đương thời. Các cửa khẩu đóng chặt, qua lại biên giới quốc gia chỉ có những người được nhà nước cử đi, vậy mà những thứ hàng ngoại vẫn thường khi xuất hiện chốn chợ giời, – chuyện ai buôn bán qua biên giới là quá dễ trả lời!
Như người ta nói, rồi mọi thứ đều có thời của nó. Sang những năm 1980s, dân “con phe” vừa tăng lên về số lượng – chứng cứ là số tụ điểm của họ tăng hẳn lên – lại vừa như có uy hơn. Ít ai còn nhớ sự việc có thật này: chính “con phe” là nhóm người đã phổ cập thời trang trên vỉa hè Hà Nội thời gian này! Diện các loại áo bay Nga, áo lông Đức, áo Natô… từ châu Âu đưa về, quần bò kính râm từ Thái đưa lậu sang, dám lần đầu khoác lên thân hình người nữ những màu chói gắt, những tấm áo bó chặt khoe đường cong thân thể, v.v… tất cả đều do “con phe” đưa ra khoe hàng trên các vỉa hè, khi mà tại Hà Nội có rất nhiều hội trường, rạp hát rạp chiếu bóng, nhưng hoàn toàn không có địa điểm nào cho trình diễn thời trang. Từ vỉa hè, các thứ mốt lặng lẽ và chậm chạp lan dần vào công sở. Son phấn, các thứ nước hoa, các thứ kem tô má tô môi bôi da, … cũng sống lại trên đất Hà thành theo cung cách đó.
Sau vài năm cao trào đổi mới, đến giữa những năm 1990s, lực lượng “con phe” có nhiều thay đổi; trong số họ có những người từ ẩn danh trở thành hiển danh, trưng họ tên chính cống mở công ty tư nhân, mang các chức danh giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, xuất hiện trước công chúng trong complet cravatte oai vệ như ngầm đua thời trang với các chính khách! – Không, không, nói vậy chứ chẳng dám đua tranh, ngược lại, rất sẵn sàng chụp ảnh cùng quan cỡ bự để in phóng chưng bày tại phòng khách nhà mình. Một số khác không thật hiển danh mà cũng không đến nỗi ẩn danh, tuy từ nay bị gọi chung là “cò”, làm đủ loại dịch vụ phức tạp hơn hẳn công việc của các “con phe” thuở xưa, nào môi giới đưa bệnh nhân đến bác sĩ, đưa người tìm việc đến chủ thuê, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài... Một số nhà báo – thức thời hay xu thời chả biết – vội vã dùng từ “doanh nhân” thay cho từ “doanh gia” vốn đã có từ cuối thế kỷ XIX.
Trong xu thế tự do kinh doanh thời nay, nhà nhà mặt phố đều mở cửa bán hàng, ai ai cũng có thể là nhà buôn, ngoài việc chịu thuế ra chẳng có chuyện gì ngượng ngùng đáng dấu diếm nữa, tưởng như “con phe vô danh” không còn, vậy mà đôi khi lực lượng này vẫn tái xuất hiện, chẳng hạn trước cửa sân vận động, cửa rạp hát khi có trận bóng hay hoặc khi có suất diễn được cho là khá, vé ít nhiều “sốt”…
Có điểm đáng chú ý là xưa cũng như nay, thị dân Hà Nội thường không vì nghề buôn đang thịnh mà quên đầu tư cho tiềm năng về “trí” của con em; đứa nào học được sẽ được học cho đến hết mức cố gắng, nếu được thì cho đi du học, mai sau có danh mà lợi ắt cũng có; đứa nào sức học vừa phải, sẽ được tìm tới những chỗ làm vừa sức; đứa nào sức học yếu, mạnh chân tay hơn đầu óc, thường sẽ vất vả hơn khi tìm việc làm, tìm chỗ đứng, xưa kia đi đạp xích-lô, nay đi chạy xe ôm, làm bảo vệ các cửa hàng cửa hiệu khách sạn đóng tại phường mình hay phường bên cạnh… Một gia đình ba bốn thế hệ họp mặt, thế nào cũng đủ hầu hết các thành phần; ngay khi được hàng phố trầm trồ “nhà ấy đại trí thức đấy” thì nhẩm tính cũng chỉ có người ông nội hay người chú có đỗ bằng cấp gì đó ở nước ngoài, còn lại đều có qua hay chưa qua đại học, cao đẳng trong nước, lại có cả những thành viên chưa qua hết phổ thông.
Dân viên chức ở đô thị ngày nay, tư chức đông không kém công chức. Công chức cấp cao thì coi như quan rồi, thời bao cấp xưa cũng như thời nay đều được ở nhà công, biệt thự hẳn hoi; lương tháng nghe nói không cao lắm, nhưng sinh hoạt cách biệt hẳn với các cấp dưới, đi lại có xe riêng đưa đón, không họp hành, tham quan nước ngoài hoặc công cán tỉnh xa thì cũng đi đánh golf, đi pic-nic, họp mặt chơi bời với các hạng “quan” đồng cấp hoặc doanh gia cỡ đại…
Dân công chức trung cấp trở xuống, thời bao cấp là chuyên viên ở các bộ hoặc cơ quan tương đương, lúc về hưu leo hết 9 bậc chuyên viên là tương đương thứ trưởng, được phân nhà riêng, không phải biệt thự mà thường chỉ là căn hộ trong các khu nhà tập thể. Thời “hậu bao cấp” ngày nay, trong đám thường thường bậc trung này có thêm giới khoa học, giảng viên đại học, chuyên viên tại các viện nghiên cứu,… Quen biết nhiều người trong giới này, tôi dần dà nhận thấy, như một “nguyên lý”: người thị dân loại này, dù mức lương công chức viên chức là tạm đủ cho sự ăn sự mặc, họ vẫn không đoạn tuyệt với “nghề nghiệp” buôn bán!
Thật thế. Thời du học sang Nga hay Đông Âu kiếm tấm bằng “phó tiến sĩ” về nước để có chỗ làm vững chắc, họ đã “vừa học vừa … buôn”, lăn lộn khắp các loại cửa hàng lớn nhỏ nước người để gửi về nhà từng thùng hàng gồm đủ thứ, từ dây may-so đến thuốc lá, quạt điện, phích đá, máy khâu, máy mài, tủ lạnh… tức là tất tật những thứ gì đem bán trong nước sẽ có lãi; bên nhà thì gửi sang quần bò, áo phông, kính râm, túi du lịch, những hàng hóa có nguồn từ Thái Lan,… rồi bột nghệ, túi cói làn cói chiếu cói “đặc sản” quê nhà … tức là tất thảy những thứ có thể bán cho dân Nga và Đông Âu thuở ấy cũng đang thời bao cấp. Đối với anh nghiên cứu sinh nhà nghèo thuở bấy giờ, vợ con bên nhà đang thật sự đói ăn thiếu mặc, thì những việc buôn bán cho dù có làm “chân dung” anh ta và giới anh ta nhếch nhác đi ít nhiều, vẫn là điều có thể hiểu được.
Sang thập niên đầu thế kỷ XXI, phần lớn những người nguyên là nghiên cứu sinh kia đã là cán bộ đầu ngành các khoa các trường các viện trong nước, mỗi dịp từ thủ đô đi tới các tỉnh thành lớn là có vô số học trò kéo đến gặp thăm nom hỏi han, mà học trò của họ không chỉ là học trò: đó có khi là chánh phó giám đốc sở này sở kia, xoàng ra cũng là giảng viên trường cao đẳng, vẫn ngầm chịu ơn thầy đã hướng dẫn hoặc phản biện hoặc tham gia hội đồng chấm cái luận án năm nọ, nhờ tấm bằng ấy mà được giữ những chức này chức khác.
Oai phong, danh giá thật đấy, nhưng trong túi thì cũng vẫn nhẹ tênh. Lương tuy tạm đủ ăn đủ mặc, nhưng chẳng dư giả gì mấy. Mỗi năm hướng dẫn mấy cái luận án sau đại học, mỗi cái theo quy định ngân sách chỉ chi cho thầy hướng dẫn không quá 3 triệu đồng, trải ra trong 3 năm hoặc nhiều hơn; mỗi năm phản biện chừng mươi luận án, mỗi cái được ngân sách cho vài trăm ngàn đồng; có ngồi hội đồng các cuộc bảo vệ luận án tiến sĩ thạc sĩ đi nữa, ngân sách cũng chỉ cho thầy thêm chừng một trăm ngàn mỗi cuộc. Trong số các nghiên cứu sinh, đôi khi có người mang tới biếu thầy chút quà, trị giá từ dăm bảy trăm ngàn đến dăm ba triệu, nhưng cũng có anh học trò nhe răng cười trừ với thầy. Giáo sư H. hay kể chuyện một nghiên cứu sinh vừa viết luận án vừa buôn rượu từ quê ra phố, lúc “bảo vệ” xong cái phó tiến sĩ, bèn xách một can rượu đến phòng thầy, tưởng nó loay hoay cái gì, hóa ra nó bảo, thầy có cái chai nào em rót mời thầy nếm một chút vị men quê em, mà xưa nay mình có uống được đâu! Hẳn đấy là một ca ít nhiều “cá biệt” khiến thầy nhớ lâu đến thế, chứ trong đời hẳn không nhiều kẻ học trò “mắt trắng” thế đâu.
Không đến nỗi “tiếng cả nhà không”, nhưng là viên chức hạng trung thì chẳng giàu có gì, mà nhu cầu tiêu pha thì không hề nhỏ, xét theo tiềm năng phát sinh. Lễ lạt bạn bè họ hàng, đám hiếu đám hỉ, – là chuyện thường ngày; cái quan trọng hơn là phải dự trù những món lớn, khi cần phải “chạy”, chẳng hạn, đứa con sẽ đi du học nước ngoài, hoặc ông chồng sẽ đứng trước cơ may lên chức, – những món phải tính bằng trăm triệu đồng hoặc chục ngàn đô, không trù liệu từ trước thì cầm chắc sẽ bỏ lỡ cơ hội. Tạo nguồn dự trữ bằng cách nào là câu chuyện riêng từng gia đình, nhưng chung quy khó nằm ngoài công việc buôn bán. Không phải buôn bán nhỏ lẻ hàng ngày, nhưng tựu chung vẫn là buôn bán, mà “mặt hàng” thông thường lại chính là nhà ở, đất ở.
Những thanh niên thanh nữ từ vùng xa đến Hà Nội, ban đầu thường ở trong các ký túc xá sinh viên, ra trường đến nhận việc tại một cơ quan nào đó sẽ được bố trí đến ở trong nhà tập thể; lúc lấy vợ lấy chồng, may mắn thì được ở nhờ nhà bố mẹ bên chồng hoặc bên vợ, không được thế thì ban đầu thuê nhà, lần hồi sẽ có nhà riêng, do cơ quan chia cho, hoặc do tự mua lấy. Từ căn hộ nhỏ người ta sẽ đổi sang căn hộ rộng hơn. Cái chu trình thay đổi chỗ ở của người viên chức đô thị gần như đã gợi ý cho mỗi người thuộc giới này chuyện buôn bán nhà cửa.
Trên danh chính ngôn thuận, thời bao cấp, không có chuyện mua bán nhà ở, tuy trong thực tế nó vẫn xảy ra, với những giấy tờ viết tay chỉ có giá trị đối với hai bên liên quan; thời ấy chỉ thường nghe các chuyện phân phối nhà ở, với những từ mô tả “chiến tranh nhà cửa” làm sôi động đời sống một cơ quan mỗi khi có đợt phân nhà. Sang thời “hậu bao cấp”, việc mua bán nhà trở nên công nhiên, và khi chưa xuất hiện các công ty môi giới nhà đất chuyên nghiệp thì tham gia mua bán nhà đất là việc của bất cứ ai; viên chức đang tại chức là một lực lượng đáng kể.
Một ông bạn từng có lúc làm việc cùng cơ quan với tôi, suốt đời là một dịch giả, cả khi làm việc ở nhà xuất bản hay khi ở viện nghiên cứu, vài năm lại có một cuốn sách được in; nhưng có gần anh mới biết ở anh đầy ắp những thông tin nhà đất; thành thử, năm nay nghe nói nhà anh ở phố này, năm sau lại được biết đã chuyển sang phố khác; mua để ở một vài năm rồi bán lại, hoặc mua rồi sửa sang rồi bán lại, chẳng có vẻ gì là buôn bán mà thực ra chính là buôn bán, … mọi thứ diễn ra tự nhiên như kết thúc một đoạn văn dịch rồi đặt bút chấm xuống dòng!
Nói ra thì khó tin, nhưng trải qua mấy năm đầu “hậu bao cấp”, tức là đầu những năm 1990, một loạt cán bộ nghiên cứu viện nọ viện kia mượn cớ dành thời gian viết luận án sau đại học để ít lui tới cơ quan, nhưng thực ra chăm chuyện buôn hơn chuyện nghề. Mươi năm đi qua, họ giàu lên rõ rệt, đổi đời rõ rệt, nhiều người có biệt thự, trang trại, mà cái luận án tiến sĩ cũng hoàn thành, lễ bảo vệ, nếu muốn, sẽ “hoành tráng” với hàng trăm người dự, luôn thể khổ chủ chiêu đãi toàn viện, cũng chẳng đáng là bao!
Vài ba năm trước, một lần tôi đến thăm một anh bạn từng học cùng trường ở tỉnh lẻ, đang bị bệnh nặng. Bên giường bệnh, bọn tôi nhắc lại chặng đường đã qua, anh học xong ở lại dạy ở một đại học miền trong, dăm năm sau mới được gọi về Bộ; nhưng rồi anh không thành một quan chức quản lý, cũng không theo nghiệp nghiên cứu, mà xin về dạy một trường điểm ở thủ đô và đứng vững trong nghề luyện thi; bạn bè có con sẽ thi đại học luôn tin tưởng gửi cho anh. Hôm ấy, hình như anh cảm thấy đang trải qua những ngày tháng cuối đời nên anh “tự bạch” cả những việc ai cũng ngại hỏi. Hạ thấp giọng, anh bảo, vài chục năm vừa dạy vừa luyện thi, bây giờ tạm nằm đây, mình nhẩm tính những thứ mình có: căn hộ đang ở này (căn hộ ở khu tập thể cũ), một căn nữa ở nhà cao tầng Trung Hòa Nhân Chính, hoàn thiện xong sẽ cho thuê này, một mảnh đất gần trăm mét vuông trong làng ven đê La Thành này, với lại chừng 4 tỷ tiền gửi ngân hàng nữa. Tất cả có thế thôi, không có quyển sách nào cả, dù bài vở luyện thi soạn sẵn thì nhiều, cũng có “đứa” bảo sẵn lòng in giúp! – Anh thở dài, chẳng ra mãn nguyện hay chua chát.
So với các vùng làng quê với cư dân ổn định, đời nọ nối đời kia ở yên một chỗ, thì đô thị là nơi cư dân biến động thường xuyên. Một bộ phận đáng kể di dân là những người tới đô thị làm viên chức. Nhưng làm viên chức ở đô thị không phải là nghề có thể “truyền” lại cho con cháu như nghề nông ở làng quê. Khi lương viên chức không đủ nuôi gia đình, người đang làm viên chức đã phải tính kế làm thêm, buôn bán thêm. Đến đời con đời cháu, nếu không tìm được việc làm trong nghề viên chức như cha mẹ, chắc chắn những đứa con sẽ làm những nghề buôn bán gì đó để tiếp tục sống ở đô thị chứ rất ít khi quay về quê cha làm nghề nông.
Thị dân, nhất là thị dân ở những đô thị lớn như Hà Nội, luôn mang trong mình tố chất viên chức và tố chất con buôn, – hai nét bổ sung nhau, làm nên chân dung người thị dân, xưa kia cũng như hiện tại.
Thời báo kinh tế Sài Gòn, số Tết Quý Tỵ 2013


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tôi đã bị lừa!

  Truyện ngắn

Hỡi thiên thần bé nhỏ Yao Si Ting, ai đã ‘lừa dối’ em mà em hát với giọng đau khổ nhất... thế giới như vậy? Và giả sử như anh bị một cú ‘lừa đảo lịch sử thế giới ngoạn mục ngàn năm’ để bị rơi vào ‘vùng trũng trí tuệ của thế giới’, em có biết anh sẽ đau khổ biết dường nào không!

Hồi học lớp 6, lớp 7 gì đó, thằng em họ hỏi tôi:
-Anh ước mơ trở thành gì?
-'Thường sơn Triệu Tử Long'*, tôi trả lời, rồi hỏi lại:
-Thế L. muốn trở thành gì?
-Muốn trở thành Khổng Minh Gia Cát Lượng.
Tôi chọn Triệu Vân vì tính uy dũng phi thường của chàng trên khắp các chiến trường Ngô, Thục, Ngụy (trong ‘Tam quốc chí’). Nhưng, tôi đã bị hố vì trả lời trước, vì Khổng Minh là một quân sư lỗi lạc qua mọi thời đại, nên dĩ nhiên là hơn Triệu Vân! Và mãi sau này tôi vẫn còn ức vì đã không kịp chọn Khổng Minh!, híc..híc…
…Lớn lên, tôi đi TNXP (thuộc một sư đoàn bán vũ trang), còn thằng em tôi đi bộ đội bên Campuchia (các blogger nước ngoài khỏi lấy đó làm ngạc nhiên, vì ở Việt Nam như thế là chuyện bình thường!)... Một thời gian sau, nó gởi thư cho tôi, viết với có vẻ ‘oải’ những chuyện ‘buôn bán mờ ám’ trong quân đội lắm!:
-‘Em không muốn làm Lã Bất Vi hay Vi Tiểu Bảo’,
trong lúc đó tôi lại muốn làm Karl Marx! (cười).

1
Sau này tôi lại được thành công ngoài sức… tưởng tượng (của tôi!), thiệt, đó là đã nắm được những chức vụ quốc tế mà 'rất nhiều người khác mơ 30 năm cũng không nổi', theo một giám đốc sở, hi…; còn đối với tôi, lúc nào tôi cũng luôn sẵn sàng chết không hối tiếc, vì đã hưởng quá nhiều lạc thú ở đời mà môt vị hoàng đế có thể có!, hi…, một trong những ý nghĩa của nó là gặp ông lớn tôi cũng không thèm nhìn, thấy xe-6-tỉ tôi cũng không thèm liếc, gặp đại gia ngàn tỉ tôi cũng chả bận tâm, gặp đại giáo sư-đa tiến sĩ tôi cũng chỉ đùa..., nhưng tôi cũng có một cái thua:
- Thua người đẹp!
Lưu ý rằng tôi không giàu, chỉ đủ tiền đi uống cà phê 8.000đ/ly, và nếu có gặp người đẹp Phạm Băng Băng, nàng ‘Violet siêu đẳng’*, hay diễn viên Kim Tuyến*… thì tôi cũng chỉ có thể mời uống cà phê với mức như vậy thôi, cưng lắm thì mời đi ăn thêm bún riêu, cưng lắm nữa thì rủ đi hát karaoke bình dân tí tí, hi..hi...
*
Thằng em của tôi chả hiểu tại sao sau đó nó lại có cái bằng 'đỏ' tiến sĩ bên Mỹ..., rồi nó làm tổng giám đốc (nước ngoài) gì đó..., mà một hôm chúng tôi hơi bị choáng khi thấy nó xuất hiện trên trang bìa của báo 'Doanh nhân Việt Nam'…, và nó gọi ông Đặng Lê Nguyên Vũ của Cà phê Trung Nguyên bằng... ‘thằng’, hi...
Chúng tôi đã bước vào thời @, mà nó lại là đồng nghiệp của Steve Jobs, nên kỹ thuật vi tính của nó nhạy như tên bắn..., trong đó, bức e-mail đầu tiên mà nó gởi cho tôi là 'Khổng Tử nói rằng', như sau: 'Dư dục vô ngôn, tứ thời hành yên, vạn vật dục yên, thiên hà ngôn tai' (ta không muốn nói nữa, bốn mùa êm trôi, vạn vật đua nở, kìa như trời đất có nói gì đâu);
nó còn giỏi cả tiếng Anh, tiếng Tàu và nhiều tiếng khác (tôi đâu biết!), mà đoạn sau đây là của nó - khi giúp tôi tìm hiểu về cụm từ 'thị dục huyễn ngã’: Con người ta từ cổ đại đến giờ theo đuổi và thậm chí chém giết nhau chỉ vì 5 thứ sau: Fame: ‘danh’, nhà khoa học nhiều khi cũng theo cái này, một số nhà sư đạo cao đức trọng cũng đang theo cái này…; Power: ‘quyền’, có cái này thì chi phối được người khác, ‘quyền’ và  ‘lợi’ là 2 thứ đi liền nhau…; Sex: ‘sắc dục’, vì cái này mà bao nhiêu người ‘khôn ba năm dại một giờ’…; Love: ‘tình yêu’, cái này thì khỏi phải bàn, thiên hạ bàn nhiều quá rồi…; Pleasure: ‘lạc’, ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà sang, nghe nhạc hay, xem phim đã mắt, du lịch bốn phương, được chăm sóc tận chân răng, … là cái này, hiện nay hầu hết các công cụ quảng cáo bán hàng là bán cái này…;
nhưng nó bảo tôi giấu tên, vì nó là một ông… 'Khổng Tử'!, thành thử, khi gặp thằng em tôi, tôi thường thấy một cái bóng Khổng Tử nằm lừ lừ ra đó!, híc...híc...



2
Hồi nhỏ, tôi là một người bị thấm nhập mạnh bởi hệ tư tưởng Tàu (qua cái vụ Triệu Vân, Khổng Minh, Lã Bất Vi, Vi Tiểu Bảo, Lệnh Hồ Xung…) mà tôi hoàn toàn vô tình không biết gì hết!
Mãi sau này, gần đến cái tuổi ‘tri thiên mệnh’, nhờ được học mấy thầy Tây (Hà Lan, Ấn Độ, Anh, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Nepal...) mà do đó tôi cũng được trở thành ‘thầy’, chuyện bình thường thôi!; và rồi tôi có nghề là 'chấm' các tiến sĩ:
- Ở hội trường UBND 63 tỉnh hay các trường đại học, tôi ngồi âm thầm ở một hàng ghế cách biệt, lặng lẽ quan sát, rồi gởi báo cáo đánh giá (evaluation report) về… New York, hehe... Cái này đã làm cho tư tưởng tôi chuyển biến rất mạnh mẽ…
*
Phải nói là tôi ‘rất rất cám ơn những blog.yahoo.360, blogspot, blog Tiếng Việt, facebook’ (và các trang web khác) - những nơi tôi đã từng tham gia, và qua giao lưu với các blogger, quan điểm của tôi đã chuyển biến qua khỏi cái bóng đè của 'ngàn năm để lại'!
…Đọc trên mạng, tôi mới biết là Triệu Vân chỉ là một dũng tướng 'ngu trung' không hơn không kém!; Khổng Minh quả là có tài, nhưng ‘not the such that talented!’ (không tài ghê gớm như người ta tưởng đâu!), mà được giới học giả Tàu đánh giá ‘thực chất’ là thua xa Tư Mã Ý: ‘Người đời lại nhớ nhiều nhất tới một kẻ chẳng được xem là thành công như Gia Cát Lương, tâm can của ông ta không phải là rộng rãi tốt đẹp gì, dùng người cũng không được chuẩn. Có tư liệu chứng minh rằng ông ta là người lộng quyền. Một kẻ như thế này lại được nâng lên một tầm cao có thể dọa người, đây cũng là một bằng chứng cho thấy tâm hồn của dân tộc Trung Hoa chúng ta’ (Thượng tướng Lưu Á Châu, Bộ quốc phòng, TQ); ngoài ra, Khổng Tử đã bị học giả Lưu Hiểu Ba khinh như... chóa!, còn họ Lưu (Á Châu) vốn cũng chả xem Khổng Tử/Lão Tử ra gì!...
Và ngược lại với cái ‘cú lừa ngoạn mục’ của lịch sử, tôi mới vừa phát hiện ra rằng: thế giới, đặc biệt là các học giả Tàu rất coi trọng Trần Hưng Đạo*:
- Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý/Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung Quốc sử tiền miễn Nguyên Triều đô hộ nhất bách niên. (Diễn nghĩa là: Ví như đổi được đất, dân Việt sinh ra ở phương Bắc, châu Âu đã không bị kỵ binh Mông Cổ giày xéo cả vạn dặm/Nếu như trời sinh thiên tài này ở nhà Tống, thì lịch sử Trung Quốc trước đây đâu có chuyện bị triều đại nhà Nguyên độ hộ một trăm năm)…
Ngoài Trần Hưng Đạo, tôi lại càng nghĩ thêm về Dương Vân Nga, Lý Thường Kiệt, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Trần Nhân Tông, Ỷ Lan phu nhân…; thiết nghĩ không có bằng chứng rằng tư tưởng của những Lão, Trang, Khổng, Mạnh… ‘hơn’ Trần Nhân Tông, cũng không có ai chứng minh rằng Trần Nhân Tông hay Nguyễn Bỉnh Khiêm có tư tưởng ‘thua’ Camus, Dalai Lama, Dewey*, Hegel, Krishnamurti, Osho, Sartre…, nhất là, không phải nói như cái thèn choa Thích Tan Hoang (Thích Chân Quang):
- Lý Thường Kiệt là một trong những nhân vật lịch sử thế giới kiệt xuất mà tổng thống Mỹ Obama hằng ngưỡng mộ*!
Thế thì tại sao ta bị… lừa dối bởi ai đó mà không vô cùng ‘tự hào Việt’!

3
Mới đây, rất là vui, đó là có cái vụ bạn Luong Le-Huy đăng một bài phản ứng về cái 'review' (điểm sách) của cái được gọi là ‘giáo sư thỉnh giảng ở Havard’ Nguyen Phuc Anh - kẻ giới thiệu lại nội dung cuốn sách ‘Mạng người đáng kể - Chiến tranh Việt Nam và những người tị nạn bị công cụ hóa’ của nữ tiến sĩ Xã hội học Yen Le Espiritu*...
*
Tất nhiên là tôi không đọc và nàng có cho tôi cũng không đọc!, hi... Nhưng tôi ‘gom’ dưới đây là một ghi chép của Luong Le-Huy:
- Yen Le Espiritu không chủ tâm viết về đời sống hay tâm tình người Việt tị nạn chính trị ở Mỹ, mà như chính tác giả Yen Le nói, viết là để: ‘...Dùng phương pháp ‘juzta boxing’: kết hợp những biến cố lịch sử có vẻ như không liên quan với nhau, với chủ ý để làm rõ điều, nếu không sẽ không ai thấy - trong trường hợp này đó là hình dạng, nội dung, và giới hạn của chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ, những cuộc chiến tranh, và (tội ác) diệt chủng trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương và ngay trên nước Mỹ (trang 47-48)’... Bạn ấy còn nói thêm: 'Cô này là TS Xã hội học, trước giờ viết toàn về các vấn đề xã hội, kiểu như ‘Sex for Life: From Virginity to Viagra, How Sexuality Changes Throughout our Lives’, bỗng nhiên nhảy qua đề tài chính trị, gọi nước Mỹ là ‘đế quốc Mỹ’ và kết tội diệt chủng..., đâu phải chuyện giỡn chơi! Chắc phải có người đỡ đầu. Cũng ngạc nhiên chưa có ‘scandal’...
https://www.facebook.com/luong.lehuy.9?fref=ts
*
Tự nhiên tôi thấy vấn đề có vẻ... hấp dẫn, và tôi cũng chộp được một câu hay nữa:
- Ai cũng có thể mở miệng chê Mỹ thế này thế kia, nhưng giả như tất cả các nước đều chấp nhận cho việc di cư thì quốc tịch Mỹ đứng đâu và quốc tịch VN đứng đâu trong bảng xếp hạng đó? Và sẽ có bao nhiêu người sẽ bỏ VN ra đi? Cái đó mới là thực tế, còn dùng một cuốn sách viết về một góc cạnh nào đó để rêu rao thì chả có nghĩa gì cả. Cả tác giả của cuốn sách đó, vị ấy là một trong bao nhiêu vị ở Mỹ?, bao nhiêu vị ngang hàng đã nghĩ như người đó? Thật ra chả là gì trong cái quốc gia rộng lớn như Mỹ. Thành ra cuốn sách chỉ nên là một tài liệu để tham khảo để có cái nhìn trung thực hơn chứ không phải là cái kính đen mà người khác cố ý tròng vào những người kém hiểu biết... (Mắt Đời)
https://www.facebook.com/notes/mắt-đời/bình-luận-cho-bài-hà-thị-thanh-vi-chia-sẻ/473629803026091
*
Rồi tôi có bình cho bài viết trên của bạn Mắt Đời:
- Thực ra, hình như mình có đồng ý với bạn Luong Le-Huy
 là: 'người viết sách thì có ý khác (nhiều ý), còn người đọc lại khai thác theo một ý khác, mà có thể làm 'méo' đi vấn đề'; và nếu không nhầm thì bạn Mắt Đời cũng nghĩ vậy!... Một ví dụ, chiều nay mình có xem bình luận về 'quân sự thế giới' trên kênh QPAN, thấy mấy ông tướng/tá (quên tên) nói vòng vo nhưng vẫn lộ ý là chê Mỹ chả ra cái quái gì!, ok thôi!, nhưng mình thấy mấy ổng xưa nay chưa hề chê TQ cái gì hết (tức TQ là nhất... vũ trụ!), từ đó mình mới hiểu té ra là họ nói đều có ý 'chỉ đạo' cả, ý gì?, hehe...

***
Tôi tự hỏi: Ai đó cho rằng các nước 'tư bản giãy chết' là 'number ten', ok, không phản đối! Nhưng vậy thì nước nào là 'number one'?, nước của 'Ngụy quân tử Nhạc Bất Quần' à! Cách lập luận này mà cũng gọi là ‘phương pháp tiếp cận’ trong nghiên cứu Lịch sử à?
Vâng, tôi đã bị lừa dối từ nhỏ tới lớn, rồi đến phiên các tiến sĩ 'mù' lừa dối người đọc, chứ nay đối với Lệnh Hồ Xung ta thì còn khuya!, hi… Vâng, là một gã hơi... Lệnh Hồ Xung, đã từng lên Hoa Sơn tu luyện gần gần… tiến sĩ 'Độc cô cửu kiếm', tôi mới nghĩ 'ngạo' là: Một người nghiên cứu về cái 'cục cựt', nhờ chỉ ra các thành phần hóa chất vi mô chưa từng có, chỉ ra trường lượng tử, tương đối trong nó... mà đạt học vị tiến sĩ, thậm chí được giới truyền thông vinh danh thế này thế kia, nhưng đối với tôi không quan trọng, quan trọng là tiến sĩ/nhà khoa học đó đi đến kết luận gì, nếu y kết luận rằng:
-'Cái cục cựt thì thơm phực, hay Trung Quộc là nhất… vũ trụ',
thế thì là tiến sĩ cái… chóa gì!
...Viết đến đây, tôi cảm thấy buồn, mới mở nhạc ra và nghe nàng Yao Si Ting tâm sự: Tình yêu của tôi, em đã xa rồi/Bỏ lại tôi đây, trăm ngày câm lặng/Em chỉ nói rằng em không ở lại/Vì chẳng thể nào đáp lại tình tôi/Câu nói ấy tôi vẫn hằng nghe/Nhưng không thể nào mà tôi diễn nổi/Một màn kịch rất đỗi yêu thương/Em cho tôi hôn bên sự phô bày/Hay đã lừa tôi trong sự bội bạc… (Betrayal*)

https://www.youtube.com/watch?v=TwCH0cSmm_g
Hỡi thiên thần bé nhỏ Yao Si Ting, ai đã ‘lừa dối’ em mà em hát với giọng đau khổ nhất... thế giới như vậy? Và giả sử như anh bị một cú ‘lừa đảo lịch sử thế giới ngoạn mục ngàn năm’ để bị rơi vào ‘vùng trũng trí tuệ của thế giới’, em có biết anh sẽ đau khổ biết dường nào không!

(HẾT)
---------
Chú dẫn:
  1. Các học giả Tàu rất coi trọng Trần Hưng Đạo, xem:http://trithucvn.net/van-hoa/ca-chau-au-va-trung-quoc-deu-muon-co-duoc-nguoi-viet-nay.html?utm_content=bufferdc17c&utm_medium=social&utm_source=facebook.com&utm_campaign=buffer
  2. John Dewey (1859-1952): là nhà triết học người Mỹ, Dewey là một trong những người đầu tiên phát triển triết học về chủ nghĩa thực dụng… Ông là một đại diện tiêu biểu của trào lưu tân giáo dục (progressive education) và chủ nghĩa tự do… Với việc ủng hộ cho dân chủ, Dewey coi hai thành tố nền tảng - nhà trường và xã hội dân sự - là hai chủ đề cần được quan tâm và xây dựng lại nhằm khuyến khích trí thông minh trải nghiệm (experimental intelligence)… (wikipedia)
  3. Lý Thường Kiệt - nhân vật lịch sử thế giới kiệt xuất mà tổng thống Mỹ Obama hằng ngưỡng mộ: Trong bài phát biểu tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình ngày 24/5/2016, Obama nói: ‘…Trong nhiều thế kỉ, vận mệnh của Việt Nam lại nhiều lần bị các thế lực bên ngoài chi phối, những mảnh đất yêu thương đã có lúc thuộc về người khác. Nhưng cũng như cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt Nam đã được thể hiện rõ qua những câu thơ của Lý Thường Kiệt: Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận ở sách trời’… Xem thêm:http://soha.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-thong-obama-tai-ha-noi-20160524163722429.htm
  4. Nàng ‘Violet siêu đẳng’ (Ultra Violet): tức nữ diễn viên Milla Jovovich, sinh 1975, một trong những người có phoọc đẹp nhất trong thế giới điện ảnh phương Tây: ‘Milla Jovovich vẫn đầy sức hấp dẫn mê hoặc khi cô xuất hiện với vẻ quyến rũ tại buổi công chiếu toàn cầu bộ phim bom tấn Resident Evil: Retribution (sự trừng phạt)… (dantri.com.vn), xem phim tại:http://bomtan.org/phim-violet-sieu-dang-3629.html
  5. Khổng Tử đã bị học giả Lưu Hiểu Ba khinh như... chóa: ‘Chó nhà tang’ và ‘chó gác cửa’ ở đây chỉ Khổng Tử. Đề tài này có thể hơi nhạy cảm với ít nhiều trí thức Việt Nam, vì nó đưa ra một cái nhìn hơi lạ về một người quen, và có lẽ cũng vì trong Văn Miếu Quốc Tử Giám hiện nay vẫn có bệ thờ Khổng Tử… Khổng Tử cũng như nhiều trí thức xưa nay lúc thì bị ruồng rẫy, khi thì được ‘phong thánh’, được gán cho nhiều điều mình không có, và trở thành bao tay nhung che cho 'bàn tay sắt'... (procontra.asia)
  6. Kim Tuyến: sinh 1987, được biết đến từ cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21 tổ chức năm 2006, khi cô mới 19 tuổi. Sau chương trình, cô bất ngờ lên xe hoa và đến năm 22 tuổi ly hôn và trở thành bà mẹ đơn thân... Một thời gian dài im hơi lặng tiếng, khi trở lại với vai diễn trong phim ‘Tuổi thanh xuân’, Kim Tuyến dường như ‘lột xác’ hoàn toàn... Hiện tại, cô sở hữu một làn da trắng mịn và gương mặt V-line đẹp hút hồn... (news.zing.vn)
  7. Thượng tướng Lưu Á Châu vốn cũng chả xem Khổng Tử/Lão Tử ra gì: Lão Tử, anh nói xem có phải là tư tưởng gia không? Chỉ dựa vào cuốn sách ‘Đạo Đức Kinh’ hơn 5 nghìn chữ mà cũng trở thành tư tưởng gia? Đó là chưa nói đến ‘Đạo Đức Kinh’ của ông ta có vấn đề. Khổng Tử có thể trở thành tư tưởng gia được không? Hậu nhân chúng ta nên bình luận về ông ta như thế nào? Làm thế nào để đánh giá tác phẩm của ông ta? Tác phẩm của ông ta chưa hề cung cấp cho người TQ chúng ta một hệ thống giá trị để cân bằng quyền lực thế tục cho nội tâm, ông ta chỉ cung cấp một số thứ xoay quanh quyền lực. Nếu Nho học là một thứ tôn giáo, thì nó là ngụy tôn giáo, nếu là tín ngưỡng, là ngụy tín ngưỡng… Xem thêm: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/van-hoa-trung-hoa-va-dong-bac-a/2786-bai-phat-bieu-cua-thuong-tuong-luu-a-chau.html 
  8. Triệu Vân (168?-229): tên tự là Tử Long, người vùng Thường Sơn, nên được gọi là Thường Sơn Triệu Tử Long... 'Trong 'Tam quốc chí’ có ghi chép, Trần Thọ đã liệt ‘Quan, Trương, Mã, Hoàng, Triệu’ cùng với nhau... Một luồng quan điểm khác từ những người ủng hộ thuyết âm mưu thì cho rằng, Triệu Vân là người được Lưu Bị giữ lại bảo vệ Lưu Thiện hoặc được bố trí để không chế Gia Cát Lượng... Theo quan điểm của Lưu Bị, Triệu Vân thiếu năng lực độc lập, dù được trọng dụng nhưng cái gọi là trọng dụng ở đây được giới hạn ở một mức độ nhất định khiến họ Triệu cả đời chẳng thể ‘phất lên’... (soha.vn)
  9. Yến Lê Espiritu: Năm nay 46 tuổi, sinh ra ở VN, cùng gia đình sang Mỹ định cư từ nhỏ... Năm 1990, Yến Lê bảo vệ xuất sắc Luận văn Tiến sĩ Xã hội học tại Đại học UC Los Angeles. Ra trường…, Yến Lê làm công tác giảng dạy sau đại học và nghiên cứu tại Đại học UC San Diego… Chính Yến Lê là người đã sáng lập và là Trưởng khoa Nghiên cứu sắc tộc (Ethnic studies) của Đại học UC San Diego…, đã trở thành một trong năm vị giáo sư của Đại học UC San Diego được trao tặng Giải thưởng Giảng dạy Cao học xuất sắc (Excellence in Graduate Teaching) trong năm 2009... (dantri.com.vn)

Phần nhận xét hiển thị trên trang