Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

ĐỂ SỐNG..


Truyện ngắn của Hồng Giang
Cơn bão Sơn Tinh chưa tràn đến đây. Con bé đang ở chân núi Ba Vì. Ngọn núi có tên thánh, đang được người ta gọi tên cơn bão. Một cơn bão chỉ trước bão San Zi khốc liệt bên Hoa Kỳ vài ngày. Người ta nói, sắp tới có thể mưa kéo dài. Có khi cả vùng còn bị ngập lụt nữa. Mà mưa gió ở xứ này đồng nghĩa với việc đi lại khó khăn, vật giá leo thang và giá cả đắt đỏ. Nhưng lúc này, nó chẳng còn bụng dạ nào quan tâm đến chuyện đó. Ngay dù cả đất có sụt dưới chân, cây có đổ ngay trước mặt nó cũng không còn đầu óc đâu để ý đến. Nó vừa gặp một việc bất ngờ mà nó đinh ninh không bao giờ xảy ra.
Bà chủ công ty vừa bảo:
- Từ ngày mai, mày tìm chỗ khác làm. Chỗ cô dạo này khách ít, chả có mấy việc. Một mình chị Mái làm còn chưa đủ việc. Thêm mày nữa tao lấy đâu tiền trả công? Thông cảm với cô đi, kinh tế hết thời suy thoái, cô sẽ lại gọi mày về.
Nó hỏi lại:
- Sao cô bảo cháu làm dài hạn cho cô kia mà?
- Nói là nói thế, làm ăn kinh tế phải uyển chuyển chứ? Mày học Kinh Tế mà sao đầu óc đơ thế? Hay mày bị “treo máy”? Còn phải tái sản xuất, cơ cấu dự phòng nữa chứ? Làm không có lãi, ai làm làm gì? Thôi đừng nói nhiều, tranh luận là cô cháu dễ mất lòng nhau lắm cháu ạ. Dù cháu có còn làm hay không, cô là cô cứ cốt giữ lấy cái tình cảm. Chả phải như xứ đồng rừng nhà mày, chỉ cốt củ sắn to đâu..
Bà còn nói một thôi, một hồi, những thế này a, thế kia a..
Nhưng tai nó đã ù đi, không còn nghe được mụ đang nói gì.
Từ ngày mai nghĩa là nó đã mất việc. Cái nơi nửa thành phố, nửa núi non này kiếm việc đâu có dễ? Mà hình như người thất nghiệp ngày càng nhiều, ở đâu cũng gặp.
Nó còn hơn một năm nữa mới ra trường. Nhà lại hai chị em đang cùng học, liệu bố mẹ ở nhà có đủ khả năng chu cấp cho cả hai chị em được không?
Chỉ tại mình không chịu nghe lời bố. Mình chủ quan, tin người. Tin vào tình cảm bà chủ ấy quen biết, đồng hương với bố mẹ, từng bạn học với nhau hồi phổ thông. Bà ấy còn nói nhà mình với nhà bà còn là “chỗ họ hàng xa gần” thế nào đấy!
Nếu ngày vào làm yêu cầu bà ta cho cái giấy hợp đồng thì bà ấy không thể đuổi mình vô cớ như thế này? Ít ra cũng phải có trách nhiệm khi làm mình mất việc.
Bố đã dặn “Tin mấy thì tin, làm ăn là phải có hợp đồng chắc chắn, công việc lương hướng phải rõ ràng cụ thể. Công ti công tiếc bây giờ khá nhiều phức tạp con ạ”. Mình bảo bố : “Không lo đâu bố ạ, nhà cô ấy giàu có thế, người ta đại gia thế, không ai lại dối lừa vì mấy đồng công chả đáng gì với nhà cô ấy của con đâu!” Bây giờ mới trắng mắt. Chứ lúc đó đang cần người, có yêu cầu làm hợp đồng chắc bà ấy không nề hà.
Bác Phạm, nhà thơ bạn từ hồi còn ở chiến trường cùng với bố, giờ làm ở phòng văn hóa huyện có câu thật hay:
“ Cứ núi chưa phải là cao
Cứ sông là chảy, cứ ao là tù”
Chả biết bác ấy có trải qua cảnh ngộ như này bao giờ chưa mà thấm thía, mà sâu sắc thế?
Đã cho nghỉ việc, bà còn bớt tiền công. Lúc mình mới vào làm, bà nói ngọt sớt: “ Cháu cứ ăn nghỉ tại đây, khỏi phải lo ở nhà trọ cho tốn tiền. Chỗ ăn chỗ ở nơi cô tha hồ rộng rãi, không phải như nơi khác. Mày có ăn ở đây cũng chỉ như thêm đũa thêm bát, ai tính đếm làm gì? Mỗi tháng cô trả đủ cho cháu hai triệu sáu. Nếu tính gộp cả ăn, ở bằng bốn năm triệu rồi còn gì? Mày có tốt nghiệp ra trường sau này rồi cũng chỉ thế, chứ mấy?
Lúc đó mình cảm động lắm. Thấy bà ấy như mẹ mình ở nhà. Không phải mẹ, ai chăm lo cho chỗ ăn, chỗ làm như con cái trong nhà được như thế?
Giờ bỗng dưng bà này tỉnh queo bảo : “ Mày làm cho cô giờ được sáu tháng, trừ hết các khoản, còn mỗi tháng một triệu..”
Mình chả hiểu là bà trừ những khoản nào? Bà còn ra vẻ tình cảm : “ Về cho cô hỏi thăm bố mẹ cháu ở nhà. Cô biết bố mẹ cháu vất vả lắm, chả biết giúp cách nào?”
Thật là hết chỗ nói!
Thăm với chả nom cái gì nữa cơ chứ khi nó bị bớt đi quá nửa tiền công mình làm? Chắc hẳn bà ấy không nghĩ, vào lúc thóc cao gạo kém thế này, một triệu đồng người ta sống bằng cách nào? Chia ra mỗi ngày là bao nhiêu, có xứng với công mình vất vả chừng ấy tháng trời không?
Nó ức như có quả cam chặn ngang cổ. Bằng vai phải lứa chắc nó không để yên. Nhưng mà thân cô thế cô, chỉ có một mình làm gì được? Đành chấp nhận.
Nó gạt nước mắt mà cầm đồng tiền bà ta đưa. Ra cửa không nói nửa lời, không quay lại. Nghĩ bởi tại mình mới ra nông nỗi này. Dẫu có đói chết cũng không bao giờ bước chân trở lại chỗ này nữa!
Mình cứ ngỡ, thấy đỏ tưởng chín. Tưởng người giàu có thường rộng rãi tử tế, “phú quý sinh lễ nghĩa”. Một chút công trả cho người làm chả là cái gì phải tính đếm đối với họ. Kinh doanh là công việc phải thức thời và hợp lòng người. Không biết “Đắc nhân tâm”, không chút đạo đức doanh nhân là cách kinh doanh thất bại. Nó chưa trải qua, nhưng nó biết qua kiến thức nó được học. Đó chính là sống còn đối với doanh nhân và doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển. Người bị hại chưa hẳn đã là nó, liệu bà chủ Thiên Nga có nghĩ tới điều đó không?
Cũng lại cái bác Phạm ấy nói chuyện với bố mình.. Hôm ấy mình còn định xin phép tranh luận với bác. Bác bảo:
- Tôi xem ra ở Việt Nam mình bây giờ cứ hay gọi đại gia, đại diếc, nghe cứ thấy thế nào ấy? Nước người ta những nhà tư bản, doanh nhân lớn thường tích cóp qua nhiều thế hệ. Nền móng của nó là nhờ sự ưu việt của chất xám, của phát minh, sáng chế, ở khoa học kỹ thuật và sự quản lí tài giỏi, minh bạch..Chứ nước mình số này ít lắm. Ở bắc, thời kì bao cấp, nghèo đồng hạng như nhau, Ở nam, sau giải phóng “Cải tạo công thương”. Tài sản tư nhân gom vào công quỹ hết. Còn có ai giàu có hơn ai? Chỉ thời sau này một số lưu manh lợi dụng kẽ hở cơ chế, kết hợp với một số quan chức hư hỏng, chúng nó mới giàu nhanh như vậy từ bòn rút tiền của nhà nước, đào bới tài nguyên quốc gia.. Có tiền rồi, coi người nghèo như rơm rác! Ai phục thì phục, tôi không coi chúng ra gì..
Bố mình không nói gì. Ông từng va vấp, kinh nghiệm đường đời, những chuyện như vậy ông cho là “nhạy cảm”. Không phải ông sợ, mà là ông khinh, không thích nói.
Phận con ong, cái kiến như ông giá có nói cũng là gió bay lên trời. Ai người ta nghe?
Còn mình thấy cái cách lập luận về thời cuộc của bác Phạm ấy chưa chặt chẽ lắm và chưa đầy đủ, có phần phiến diện. May mà con bé không dại dột tham gia vào câu chuyện thời sự của bác ấy.
Không phải bà ta bây giờ ruồng rẫy mình mà mình nghĩ thế đâu. Rõ ràng bác Phạm có lí, ít nhất trong trường hợp này.
Làm việc ở công ty gần nửa năm nay, dù chẳng tò mò, mình cũng biết con người hoàn cảnh và thân thế nhà bà ấy thế nào.
Vậy mà bà cứ xưng xưng, coi rẻ “cái xứ đồng rừng”, “chỉ biết nhìn bát cơm che khuất mặt”, nói xa nói gần về bố mẹ mình, khiến mình uất ức khó chịu. Như là chỉ có bà ấy mới xứng làm người, ở thế gian này, người khác thì không ..
**
Con bạn thân học cùng khoa với nó vẫn thường ước ao:
- Giá tao có được bà cô như mày thì tốt biết bao? Mày đi học xa nhà mà vẫn như thể ở nhà, ăn ngủ chả phải lo lắng gì. Việc làm ổn định, không nơm nớp lo mất chân như tao này. Chả trách năm nào mày cũng được “Sinh viên tiên tiến”. Chả bù cho tao.. làm ở nhà hàng. Lương tháng chả đáng bao nhiêu ..mà phải chấp nhận bao thứ khó chịu đến bực mình. Mỗi ngày đến làm, là một lần thần kinh căng thẳng như muốn đứt. Chiều ý khách, vừa lòng chủ thì mình tan cuộc đời. Hàng ngày muốn hét lên, mà vẫn phải cười. Mày biết phải cười mà trong bụng không muốn, không vui nó đau đớn, khốn khổ thế nào không?..
Những lúc ấy nó chỉ cười nhạt, cười theo cái kiểu con bạn nó vừa bảo và không nói gì. Bạn nó có ở trong chăn đâu mà biết chăn có rận? Nói ra, bạn nó nào giúp được việc gì? Nó chỉ nói lấp lửng:
- Thôi, cố “khổ học thành tài”. Bây giờ đừng vội kêu ca gì. Cuộc đời có khi là mụ già khó tính, càng kêu nó càng hành, càng lèn cho đau đấy cô ơi!
Nói rồi nó lại cười, cái cười gắng gượng, chua như chanh cuối mùa. Nếu bạn nó tinh, chắc sẽ biết nó cũng không sung sướng, vinh hạnh gì có bà cô hờ như thế.
Nhưng con này vô tư, nói ào qua, xong là thôi.Chả để ý đến người nghe mình nói gì. Vài hôm nữa lại vẫn cái giọng ganh tị như hôm nay.
Bạn nó đâu biết nó phải làm những gì, chịu những gì ở cái “công ty” có tên gọi kêu hơn cả chuông vàng kia của bà chủ?
Bạn nó đâu biết, sáng nào có cũng phải dậy trước bốn giờ sáng. Bắt đầu một ngày thở không ra hơi mà vẫn chưa vừa ý bà ta. Phải giặt cả đống quần áo của vợ chồng con cái nhà chủ. Cái nhà này không hiểu ra làm sao mà ngày ngày chịu khó thay quần áo đến thế? Nhất là bà í, ngày thay không dưới ba bốn bận. Lúc thì váy ngắn, lúc váy dài, đủ màu xanh đỏ. Càng thay bà càng không vừa ý.Vừa ý làm sao được với cái mặt, cái người đã quá xuân? Ăn rõ lắm cao lương mĩ vị mà vẫn khô chân, gân mặt, đằng trước phẳng như đằng sau. Mắt tô mấy lượt chì mà không che hết nếp nhăn. Mặt lúc nào cũng quàu quạu, chả mấy khi tươi tỉnh.
Đám người làm, to nhỏ với nhau rằng: “ Mụ ấy đang ghen. Chàng phi công trẻ của mụ hình như bây giờ đang muốn chán lái máy bay bà già hay sao ấy? Lúc nào gã ấy cũng đầu bóng mượt, áo quần có li, có lai, thơm phức nước hoa Pháp, đi từ sớm, đến khuya mới về. Mụ đang mất ăn mất ngủ vì gã. Có người bạn cùng học với gã ngày xưa hở cho mụ biết gã có cơ sở hai bên Bích Động, Thiên Thai gì gì đấy.. Gã xây cho con bồ bên í tòa nhà mấy tỉ! Chắc toàn là tiền của mụ ấy chứ thằng cha này lấy đâu ra tiền? Gã xuất thân từ đám hạ lưu, chỉ được cái mã bề ngoài. Không lấy con này có đi mướn thợ hồ cũng không đắt. Đâu có nghề ngỗng gì? Giờ.. Sướng quá hóa rồ, muốn lên mây đây!”.
Có lần nó cũng được nghe những chuyện đại loại như thế, khi bà ta nghiến ngầm ông chồng trẻ của mình.
Lại nói cái chuyện giặt giũ ở nhà bà ta.. Chỉ quần áo của vợ chồng con cái bà ấy thôi, dù có chịu khó thay đến đâu nó cũng “nâu” vấn đề. Dù nhà bà có máy giặt, sợ tốn điện không cho dùng cũng chẳng sao. Nó vẫn vò được tuốt. Con nhà nghèo, khổ từ bé ba cái chuyện vặt này đâu đáng kể gì? Đáng sợ nhất là những thứ tội nợ từ khách sạn, trông thì trắng muốt như thế nhưng mà tanh, mà nồng không thể chịu được. Mỗi ngày hàng đống chăn ga, gối đệm phải giặt, phải là như mới.
Gọi là khu du lịch sinh thái, ao vua ao chúa, thực ra là nơi những người như chồng mụ, hoặc như mụ trốn vợ, chốn chồng mà tới đây. Những kẻ có chút địa vị, bọn mờ ám đến đây là phần nhiều. Khách du lịch thực sự chả có là bao, hoặc chỉ có từng đợt, nghỉ hè hay cơ quan tổ chức thăm quan. Ngày thường rất vắng. Người lao động lại càng hiếm thấy khi nào bước chân vào.
Giặt xong cả đống nhơm nhớp ấy, nó vội vàng cắp làn ra chợ. Vợ chồng con cái nhà bà ta còn chưa dậy. Buổi tối nó phải thức hôm nào sớm cũng phải mười, mười một giờ đêm. Cả đống sổ sách, chứng từ, hóa đơn, biểu thuế ..một mình nó phải làm . Sai một con số thì thật tai họa. Bà ta sẽ rất chua: “ Tao lạ gì cái sự học của chúng mày. Toàn là những thứ ngoại khóa, ngoại khiếc vô bổ, học vẹt cả thôi. Kiến thức cũ từ thời ông ông gỉ ông gì.. còn sống, đâu có dễ thực hành? Chẳng qua là tốn cơm tốn của cha mẹ. Thà rằng học may, học vá sau này nó còn có việc làm thiết thực kiếm được miếng cơm cháu ạ”. Nó định cãi, bảo bà biết gì mà nói như vậy?
Nhưng kịp dừng lại. Nếu không, bà ấy nổi đóa lên, cơm chẳng lành canh không ngon ngay!
Bình minh nhà bà chủ vào độ tám giờ, khi mọi nơi, mọi chỗ người ta đã làm việc hàng tiếng đồng hồ rồi. Có dậy sớm cũng chẳng để làm gì, bà bảo thế.
Đến khi nó chợ về mới gặp bà đứng cửa nhà bếp. Bà lật mớ rau, nhấc con cá, xem miếng thịt. Bảo xem có biết đường đi chợ không?
Thực ra chỉ nó mới biết bà đang nghĩ gì trong đầu..
***
Cái cách bảo vệ “Thực phẩm chức năng” của bà ta cũng thật kỳ quái. Nhà có một khu nuôi gà sạch riêng chỉ thịt vợ chồng con cái ăn. Hôm nào thịt gà, bà ấy bỏ hết công việc, có khách ngồi chờ cũng mặc. Chắp tay sau đít, Bà ta không bỏ sót một động tác nhỏ nào của nó. Không phải bà sợ nó không biết làm hay làm thiếu vệ sinh. Chờ nó làm xong đâu vào đấy, cất vào tủ lạnh bà mới rời vị trí “quan sát viên” của mình. Lúc đầu nó không hiểu, tưởng bà ta buồn tình muốn gần gũi đến nói chuyện cho vui, té ra không phải. Hình như bà sợ nó giấu cái chân hay cái cổ gà giấu riêng chỗ khác. Cả khi nấu chín rồi bà cũng chờ đơm hết lên. Trong óc chắc bà nghĩ người ăn, kẻ làm toàn là hạng sắp chết đói hay sao ấy. Đám người đáng bị coi thường, không cần bận tâm. Xử thế nào mà chẳng được?
Chỉ nghĩ thế nó đã tủi thân muốn khóc. Nhà nó nghèo, nhưng nó đâu có cái tính tắt mắt, vụn vặt, hay biết ăn vụng bao giờ?
Ngoài cái nhà hàng, công ty Thiên Nga còn một khu chăn nuôi bò sữa. Những ngày vắng khách, bà chủ thường huy động tất cả người làm trong công ty đi cắt cỏ, dọn chuồng bò để khỏi lãng phí nhân công. Cái lí do bảo không có việc làm nữa, là bà nói thế. Không việc này thì việc kia, như người ta bảo “Xay lúa khỏi phải bế em” Như ở quê mẹ nó hay có câu cửa miệng như thế. Có lúc nào ở không đâu?
Giả dụ có thêm vài người nữa vào làm, việc vẫn rất bộn, vẫn làm tối mặt mới xong. Suy thoái, thất nghiệp ở đâu không nói, với doanh nghiệp của vợ chồng bà này còn lâu tình trạng này mới tới đây!
Kinh tế có khủng hoảng cỡ nào vẫn có những tay vớ được tiền chùa, những kẻ ăn chơi, “càng đục nước, cò càng béo”. Những người ấy vẫn cần chỗ du hí, tiêu tiền, tận hưởng vui thú ngỡ là trời ban cho. Nhưng một khi thích nói thế, thì bà ta cứ nói thế đấy, làm gì bà ấy?
**
Buổi tối hôm đó trăng ở Ba Vì sáng lắm. Mây trắng bồng bềnh trôi. Không khí thoáng đãng và mát mẻ từ trên rừng thông thổi về. Hội đèn kéo quân của các khu dân cư đang rầm rộ ngoài đường. Chỉ là cái tết của trẻ con, nhưng đâu đâu người lớn tham gia rất nhiệt tình. Mấy năm nay, lạ một nỗi, tết của thiếu nhi lại được chú trọng chăm lo hơn cả tết của người lớn!
Như các lần trước nó cùng các bạn ra xem một lúc rồi mới về học bài. Nhưng năm nay tự nhiên mất hết hứng thú. Nó đang tạm ở nhờ đứa bạn vì chưa tìm được chỗ trọ. Vào ký túc xá thì phức tạp, nó ngại. Bạn rủ đi xem rước đèn nó kêu mệt, muốn ở nhà một mình.
Nó nhớ lại buổi làm cuối cùng ở nhà hàng Thiên Nga, nhớ đến bà chủ môi cong, mặt sành, đôi lông mày rất mờ..
Nhớ lại một buổi chiều cách đây mấy ngày..
Nó đang thay bỉm cho lão bố chồng của bà ấy nằm liệt giường ba bốn năm nay. Đôi chân của lão bất động, chỉ còn hai cái tay lòng khòng đưa qua đưa lại trước mặt. Mùi tế bào chết ám vào da thịt lâu ngày, mùi nước tiểu quyện lại thành thứ nồng nặc, ghê người ám vào râu, tóc, vào khuôn mặt nhợt nhạt, da chảy xệ như người ngoài hành tinh trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Đã vậy lão già quái dị không cho nó đeo khẩu trao, không được mang găng cao su. Lão bảo làm vậy là coi thường lão, là khinh lão. “Tao có phải cục phân, hay thằng hủi đâu mà mày ghê bẩn chết được như thế? Mày đeo khẩu trang nom cứ như quân khủng bố ấy, ghét cái mặt”.
Một chân trong mồ rồi lão già mất nết vẫn còn hư tính. Hình như lão biết con dâu hôm nay vắng nhà. Lão bảo:
- Cháu ở đây còn có ông! Muốn gì nó cũng là con dâu của ông mà. Chồng nó mà bỏ, ai dám lấy hạng người này? Cái con mẹ này nó ác nghiệt lắm. Cứ thích hành hạ, làm cho khổ người khác. Bà mẹ nó ở dưới quê cũng thế, ác có nòi, không từ việc gì đâu. Mang tiếng là vợ ông to thật đấy mà tính nết chẳng ra gì.. Ông ấy vì giữ thể diện và giữ ghế mà phải cắn răng chịu đựng. Vậy mà bà ta còn không tha. Có lần bà ta đánh thuốc, định cho ông ấy chết để dễ bề đi đêm về hôm với người khác. May mà ông ấy có chút kinh nghiệm nghiệp vụ lâu năm, nên mới biết đề phòng. Lần nào ông ấy trước khi ăn, cũng gọi con chó vào cho nó thử, chó không làm sao người mới dám ăn. Lần này cũng vậy. Ông ấy gọi con bẹc rê vào.. cháu biết như thế nào không? Con chó ăn được một lúc, nó chạy vội ra vườn, kêu rú lên đau đớn, miệng nó ứa toàn máu tươi, một lúc sau thì chết! Con chó tinh khôn là vậy mà không phát hiện ra chất độc có trong thức ăn, nên chết thảm. Không biết nó dùng thứ thuốc gì, thế mới ghê chứ? Chuyện ông kể mày biết để bụng. Đừng nói với ai nhé. Nó mà biết là khổ thân cháu đấy, nó thù dai lắm.. Biết để phòng thân thôi cháu ạ. Mẹ nào con đấy, cũng phường đá cá, lăn dưa. May mà chó ngáp phải ruồi, nhờ thằng anh ngày xưa bố nó chạy cho một xuất ra nước ngoài về, có tí tiền, lại được bố nó hậu thuẫn dự án dự iếc, kiếm được mấy lô đất ở khu sinh thái này giao cho nó quản, tiền của từ đấy mà ra, chứ đâu phải của ông cha nhà nó để lại, hay bản thân nó có tài cán gi? Giờ cứ làm như quý tộc nhà nòi, coi thường thiên hạ bằng nửa con mắt.. Hay hớm gì đâu? Thỉnh thoảng ông nghe nó mắng nhiếc các cháu mà ông cứ điên hết cả ruột!
Nó vờ như nghe và cố không tỏ ra phản ứng gì.
Dẫu sao cũng là chuyện riêng của gia đình người ta, bố chồng nàng dâu thường nhiều phức tạp, mình sao biết được? Im lặng chưa hẳn là vàng, nhưng trong trường hợp này là cần thiết!
Rồi lão bảo kê cao cho lão cái gối kẻo khó thở. Nó vừa chạm tay nâng đầu lão lên để kê thêm gối cho lão đầu, lão tóm ngay lấy tay nó, cười nhờn nhợt:
- Mày con cái nhà ai mà da mịn và trắng thế không biết? Mông lại tròn, đít cong cong thế này, dễ lấy chồng lắm cháu ạ..
Nó giật mình, gỡ tay lão, bỏ chạy ra ngoài.
Chuyện tưởng không ai biết. Bức vách làm gì có tai, có mắt?
Nó đâu có ngờ phòng này từ lâu đã bị bà chủ bí mật cho người gắn Camera!
Việc này bà ấy không có chủ ý gì với nó. Chỉ là để theo dõi bố con “chàng phi công trẻ” của mụ hàng ngày có bàn bạc, mưu mô những gì với nhau không? Cứ vài hôm “Phi công trẻ” lại đến thăm bố một lần. Con người ăn chơi, chải chuốt ấy còn một chút tử tế, hiếu đạo ít ra với bố trong việc này. Bà chủ biết rất rõ điều đó và có ý canh chừng.
Hàng ngày dù có bận rộn đến đâu, chờ cho tận đến khuya, khi tất cả mọi người đã yên giấc, bà ta mới tua lại cuộn băng, xem từ đầu..Nó vô tình thành kẻ đồng lõa, bêu riếu bà với ông lão bố chồng.
Không phải bỗng dưng mà bà giở quẻ, hất hủi cho dù nó đâu có lỗi gì? Nếu có, chỉ là sự vô tình, hay bắt buộc phải nghe, phải thấy một phần sự thật..
**
Để sống, nó phải làm thêm. Thằng bạn trai của nó bảo muốn giúp đỡ, nó lắc đầu. Tình cảm phải là gì cái trong sáng, vô tư bất vụ lợi. Không muốn quan hệ giữa hai đứa bấy lâu nay thành quan hệ lợi dụng dù khó khăn đến đâu chăng nữa!
Nó không muốn để ai coi thường hoặc coi rẻ mình bởi nó là con gái.
Rời nhà mụ kia, nó đi rửa bát cho một hàng cơm ngoài phố. Những chồng bát cao ngập mặt, lội qua những lối đi ẩm ướt, khói cay xè cả mắt.
Ngày nghỉ thứ bảy chủ nhật nó nhận thêm, làm gia sư cho một gia đình khá giả.
Ông này có chân trong hội đồng quản trị một siêu thị vừa mới mở, bán hàng phục vụ chủ yếu cho sinh viên mấy trường đại học quanh đây.
Biết hoàn cảnh, ông giới thiệu nó vào làm thêm ca từ hai giờ chiều đến chín giờ tối. Công việc không vất vả nhưng eo hẹp, căng thẳng thời gian. Gần như ngoài giờ đi học, đi làm, nó không còn lúc nào rảnh rỗi.
Dầu sao cũng có việc làm đảm bảo và lâu dài, nó có thể yên tâm đến hết khóa theo học. So với bố mẹ nó ở nhà, vất vả ấy chưa là cái gì. Nó đâu có phải dầm mưa dãi nắng, gánh vác vất vả quần quật trên đồng như bố mẹ từ lúc hừng đông đến nhám mặt trời?
Số tiền “bảo tín” đóng cho công ty cũng do ông ấy giúp. Nó sẽ trả dần ông bằng cách trừ vào lương hàng tháng. Vì lí do đó, nó đã từ chối tiền công dạy thêm con ông học. Nhưng ông nhất mực, bắt nó phải nhận. nó cảm động muốn khóc.
Cuộc đời rộng lớn, không phải không có, không còn người tốt, nó nghĩ.
Thậm chí ngay cả những người giàu có, địa vị không phải ai cũng nghiệt ngã, keo kiệt cả!
Người nghèo chưa chắc đã là người ngay, người hay, người tốt cả.
Hai tháng trời sau khi vật lộn kiếm sống ở thành phố sinh viên này, nó ngộ ra điều đó với nhiều hạng người.
Đối với nó, đó như một tất nhiên của cuộc sống này.
Nó cũng đã quên câu chuyện nhà hàng “Thiên Nga”. Không oán hận.
Một buổi sáng, khi nó vừa tan học trên đường về nhà trọ, gặp một chuyện bất ngờ. Nó nhận ra chiếc xe Pho màu kem của bà chủ công ty nó làm hồi trước. Hình như bà ta có ý chờ nó qua đây?
Nó băn khoăn không biết có chuyện gì? Mình có còn vướng mắc gì với nhà bà ta nữa đâu?
Bà ấy gầy và đen hơn hồi nó còn làm ở đấy. Hai nếp nhăn bên khóe miệng sâu hơn. Hàng lông mi giả và lông mày không còn tô đậm như hồi nào. Hẳn bà ta đã trải qua một chuyện không hay. Tuy không mấy thiện cảm, nó cũng thấy tồi tội, ái ngại thay cho bà ấy.
Nét mặt bà buồn buồn, vẻ nanh ác ngày nào như biến mất:
- Mày còn giận cô hay sao mà từ đó đến giờ chả thấy mày lai vãng đến thăm cô lấy một lần?
Nó cười gượng:
- Tại cháu bận học, bận làm thêm. Cuộc sống sinh viên nghèo như cháu cô lạ gì..Để khi nào có thời gian thong thả cháu sẽ đến thăm cô sau..
- Chắc mày còn hận cô lắm có thì phải?
Ngừng một lúc, bà nhìn chằm chằm vào nó như thể thăm dò, rồi mới nói tiếp:
- Cô không bảo cô là người tốt hoàn toàn, người tử tế hoàn toàn. Trên đời này làm gì có ai hoàn toàn như thế hả cháu? Nhưng cô chưa đến nỗi như cháu nghĩ về cô đâu. Chẳng qua cái duyên số cô vất vả nên nhiều khi cô buồn bực trong người, giận cá chém thớt. Mà cũng có chút hiểu lầm mày hồi đó, nên mới thế. Chứ mấy đồng tiền công của mày đâu có nhiều nhặn gì để cô tiếc, không muốn trả cho mày?
Bà ta nói như tự kể với chính mình. Đối với một đứa con gái như nó cần gì bà phải nói những câu này?
Có một chuyện, sau này nó mới biết, ( khi ấy bà không nói ra ). Tay “Phi công trẻ” của bà sau ngày nó đi, đưa về một con bé, nói tốt nghiệp đại học rồi, chưa có việc làm.
Con bé này thế chân nó. Chủ và nhân viên thế nào đó để bà ta bắt được ngay trong nhà mình!
Từ đó hai người li thân, đang chờ ngày li dị..
Nhưng nó mơ hồ đoán ra đã có việc gì không hay xảy ra với bà. Không phải tự nhiên thần thái của bà trở nên thế này.
Bà đưa nó một cái bọc được dán băng keo rất kỹ, bảo nó cầm lấy, hôm nào có thời gian thì đến chơi, bây giờ có việc cô phải đi. Nó hỏi bọc gì, bà cười:
- Cái áo ấm mày để quên lại chỗ cô. Chắc mày ngại không muốn đến lấy. Cô mang cho mày. Sắp rét rồi cháu ạ. Không có áo rét không chịu được đâu!
Nó chưa kịp nói câu gì, xe bà đã lao đi, bỏ lại phía sau làn khói xanh mờ.
Về đến nhà trọ, nó cất cái bọc vào hòm, không chú ý lắm.
Đúng là mình có để quên cái áo ấm chỗ bà ấy thật. Nhưng bà ấy cần gì phải mang đến tận đây cho mình? Mà nó cũng cũ rồi, mình đang định mua cái khác. Linh cảm của nó mách bảo có cái gì đấy trong cách cư xử này. Tối hôm ấy, sau khi làm ở siêu thị về nó lấy cái bọc, giở ra xem..
Bóc mấy lượt giấy bọc bên ngoài được dán băng keo, là một cái áo ấm màu hồng còn mới, lại không phải áo của nó..
- Thế này là sao?
Nó ướm thử vào người. Từ bên trong cái áo, có đến gần chục tờ giấy bạc năm trăm ngàn rơi ra..
*******

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

11 Dự đoán thú vị của người Mỹ về tương lai 20 năm tới


Drone giao pizza, xe tự hành, thực tế ảo, du lịch vũ trụ, người yêu ảo...đó chính là những gì mà người Mỹ nghĩ về năm 2036
“Thế giới ta đang sống sẽ như thế nào trong năm 2036?”. Đó là câu hỏi mà rất nhiều người muốn biết. Trang Discover Magazine vừa đưa ra một kết quả khảo sát thú vị được thực hiện bởi London & Partners, trong đó, họ đã hỏi 2.088 người Mỹ trưởng thành về những gì họ nghĩ sẽ thay đổi trong thế giới tương lai năm 2036.
Hầu hết các câu hỏi là về sự phát triển của công nghệ và tầm quan trọng của chúng trong đời sống. Hãy cùng xem người Mỹ nghĩ gì về tương lai 20 sau.
1. Bánh Pizza sẽ được giao đến khách hàng bằng drone.
66% người tham gia cuộc khảo sát dự đoán rằng drone giao bánh pizza sẽ trở thành chuyện “bình thường”.
Amazon và Google đã tạo ra các chiếc drone có khả năng giao hàng, nhưng tại Mỹ thì việc các doanh nghiệp sử dụng drone để hoạt động là phạm pháp nên chúng vẫn chưa được dùng trong thực tế. Cục Hàng không Liên bang Mỹ hiện đang thảo luận bộ luật mới cho phép sử dụng drone thương mại.
2. Trên đường sẽ đầy xe tự hành.
60% số người được khảo sát nghĩ rằng vào năm 2036 thì số lượng xe tự hành sẽ qua mặt xe thường trên một số tuyến đường chủ chốt.
Rất nhiều công ty công nghệ lớn như Google, Uber, Apple, Tesla,…đều đang dần tham gia vào cuộc đua mang xe tự hành ra thị trường với hy vọng rằng chúng sẽ giúp giao thông an toàn hơn. Theo một báo cáo của Business Insider Intelligence thì dự tính vào năm 2020 sẽ có 10 triệu chiếc xe tự hành được sử dụng.
3. Công nghệ bẻ khóa sinh học trở nên phổ biến.
49% người khảo sát cho rằng các thiết bị giao tiếp sẽ được gắn thẳng vào cơ thể con người.
Cơ thể con người có thể chính là rào cản cuối cùng để kết nối thiết bị. Bẻ khóa sinh học (biohacking) sẽ cho phép gắn các microchip vào dưới da người để tạo ra một loài người thông minh hơn, hạnh phúc hơn.
Việc đưa các thiết bị thông minh vào cơ thể con người đang ngày càng được chú ý hơn. Zoltan Istvan, một biohacker và Transhumanist, đã gắn một chip nhận diện tần số radio (RFID) vào chính bàn tay của mình, giúp ông có thể làm những thứ như mở cửa văn phòng, cửa nhà, cũng như lưu trữ thông tin.
4. Tiền mặt sẽ biến mất.
69% số người được khảo sát nghĩ rằng công nghệ trả tiền thông minh sẽ hoàn toàn thay thế tiền mặt.
Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi thanh toán chi phí qua hệ thống trả tiền bằng điện thoại như Apple Pay và Square. Các ứng dụng như Venmo và Splitwise cho phép bạn bè có thể cùng theo dõi số tiền chung.
Theo các chuyên gia thì những người trẻ tuổi sẽ nhanh chóng thích nghi với việc bỏ ví tiên ở nhà hơn người lớn tuổi vì họ đã quá quen sử dụng điện thoại. Bên cạnh đó theo một số phân tích thì tỷ lệ giao dịch qua hệ thống trả tiền bằng điện thoại sẽ tăng 210% trong năm 2016.
5. Sẽ xuất hiện người được nhân bản vô tính.
52% người Mỹ trong cuộc khảo sát đoán rằng 20 năm nữa thế giới sẽ lần đầu tiên có người được nhân bản vô tính.
Chưa có bất kỳ người nào được nhân bản vô tính, tuy vậy các nhà khoa học trên thế giới đã nhân bản vô tính thành công nhiều loài động vật. Tại Hàn Quốc, có một phòng thí nghiệm Sooam sẽ nhân bản vô tính con chó của bạn với bất kỳ hình dạng, giống loài và kích cỡ nào với giá 100.000 USD.
Viện Nghiên cứu Gen Quốc gia của Mỹ giải thích rằng nhân bản vô tính con người khó hơn các loài vật khác rất nhiều. Thậm chí ngay cả khi công nghệ cho phép thì các chuẩn mực đạo đức cũng sẽ là một trở ngại lớn. Nhân bản vô tính có tỷ lệ thành công rất thấp, chỉ 1% động vật được nhân bản vô tính có thể phát triển bình thường.
6. Bác sĩ sẽ thăm khám bệnh trong phòng khám ảo.
65% người được khảo sát tin rằng các cuộc hẹn với bác sĩ sẽ diễn ra trong môi trường thực tế ảo .
Năm 2016, các bác sĩ đã trò chuyện với bệnh nhân qua điện thoại, email và webcam. Thực tế ảo có thể chính là bước tiếp theo của công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa. Bệnh nhân sẽ dùng các thiết bị thực tế ảo để lắng nghe lời khuyên của bác sĩ mà không cần phải ra đi đâu cả.
7. Các bộ phận của con người sẽ được sản xuất bằng máy in 3D.
54% số người trong cuộc khảo sát tin rằng máy in 3D sẽ được dùng để tạo các bộ phận trên cơ thể người.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển loại máy in 3D có thể dùng các tế bào làm “mực”, cho phép tạo ra bộ phận cơ thể bằng nhiều lớp tế bào hợp lại với nhau. Trường Đại học Wake Forest đã thành công trong việc in sinh học, họ đã cấy ghép các bộ phận như da, tai, xương và cơ bắp nhân tạo và các loài vật thí nghiệm và chúng đã phát triển bình thường.
Điều này rất có tiềm năng trong việc xóa bỏ sự cần thiết của việc hiến tặng các cơ quan sinh học của con người, tuy vậy, theo các nhà khoa học thì phải còn rất lâu nữa ta mới có thể cấy ghép cơ quan đầy đủ theo cách này cho con người.
8. Quần áo và tất tần tật các món đồ mặc, đeo trên người sẽ kết nối với Internet.
58% số người được khảo sát đã nghĩ như vậy.
Trong tương lai không xa, bạn có thể dùng hệ thống định vị để kiếm các món đồ trang sức, giày dép, quần áo của mình.
Hiện tại chúng ta đã có những thứ như đồng hồ thông minh, giày thông minh. Các nhà thiết kế đang nghiên cứu loại chất liệu có thể phát sáng nhờ vào việc tích hợp đèn LED bên trong, các loại nón có khả năng đọc hoạt động của não và thay đổi màu sắc cho phù hợp, hay áo khoác da có khả năng chụp ảnh.
Theo một số dự đoán thì ngành công nghiệp đeo, mặc thông minh sẽ có giá trị đến 70 tỷ USD trong năm 2025.
9. Robot sẽ trở thành đồng nghiệp của con người.
39% người Mỹ trong khảo sát dự đoán rằng vào năm 2036 sẽ có cỗ máy AI đầu tiên hoạt động ở vị trí quan trọng trong tập đoàn lớn.
Một ngày nào đó, các tập đoàn công nghiệp khổng lồ sẽ phải chừa chỗ cho một robot có trí thông minh nhân tạo, ít nhất thì đây là ý kiến của 1/3 tổng số người Mỹ được khảo sát. Tuy vậy, cũng có đến 48% nghĩ rằng chuyện này sẽ không xảy ra.
10. Các chuyến bay thương mại vào vũ trụ sẽ trở thành bình thường
45% số người tham gia khảo sát tin rằng các chuyến bay thương mại vào vũ trụ sẽ được diễn ra tại một số sân bay lớn.
2016 là một năm đầy đột phá với chuyến bay thương mại vũ trụ.
SpaceX của Elon Musk đã trở thành công ty đầu tiên chuyển các món hàng các nhân lên Trạm Vũ trụ Quốc tế bằng tên lửa. NASA đã phối hợp với Boeing để sản xuất phương tiện có khả năng đưa con người đến quỹ đạo Tráo Đất tầm thấp hoặc xa hơn nữa.
Chuyến bay thương mại đến Trạm Vũ trụ Quốc tế có thể diễn ra sớm nhất vào cuối năm 2017.
11. Bạn gái, bạn trai ảo sẽ trở nên phổ biến.
35% số người khảo sát nghĩ rằng người yêu ảo sẽ trở thành chuyện bình thường.
Hiện tại thì có thể nói hầu hết thời gian (hoặc ít nhất là khá nhiều thời gian) chúng ta phát triển mối quan hệ của mình với người yêu qua màn hình điện thoại, vậy nên việc trong tương lai việc xuất hiện các chatbot, cùng với công nghệ thực tế ảo sẽ thay thế người yêu thật cũng được nhiều người tin là sẽ xảy ra.
Công nghệ tương lai có thể tạo ra một phiên nhân bản ảo với tính cách của những người đã mất dựa trên những thông tin được cung cấp.
Nhưng cũng có rất nhiều người tin rằng những gì trong bộ phim “Her” sẽ trở thành hiện thực. Gần một nữa số người khảo sát đã không đồng ý với việc người yêu ảo sẽ xuất hiện vào năm 2036.
Tham khảo: Techinsider

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thế Giới và Việt Nam sau TPP Nguyễn-Xuân Nghĩa - Thanh Trúc


"Diễn đàn Kinh tế"

 Từ quốc tế tới đa phương rồi song phương. Luật chơi mới...

 
* Chống cả TPP lẫn Trump! Nước Mỹ dzui thiệt! * 



Sau khi nhậm chức hôm 20, trong ngày làm việc đầu tiên vào hôm 23 Tháng Giêng, Tổng thống Donald Trump đã thi hành quyết định mà ông chủ trương từ khi còn tranh cử, đó là đơn phương triệt thoái khỏi khuôn khổ đàm phán của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, và chỉ thị cho các cơ quan hữu trách tiến hành đàm phán với từng đối tác thương mại theo thể thức song phương. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hậu quả của quyết định này cho các nước và cho Việt Nam.


Thanh Trúc: Ban Việt ngữ xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình phát thanh đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế vào năm Đinh Dậu. Ngay sau khi nhậm chức thì Tổng thống Donald Trump quyết định ra khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đã ký kết với 11 quốc gia trên vành cung Thái Bình Dương, thường được gọi tắt là TPP. Quyết định ấy không gây ngạc nhiên cho các nước, nhưng thưa ông, hậu quả sẽ là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như mọi khi, tôi xin được trình bày về bối cảnh gần xa dẫn đến biến cố này trước khi chúng ta tìm hiểu về hậu quả cho các nước. Tổng thống Hoa Kỳ có quyền lấy những quyết định cho bộ máy hành pháp qua các sắc lệnh gọi là “executive orders”; song song ông cũng cho các cơ quan hữu trách biết chiều hướng thi hành chính sách qua các chỉ thị, gọi là “bị vong lục” hay memorandum, trong ý nghĩa là “cho khỏi quên”. Trong ngày làm việc đầu tiên, hôm 23, Tổng thống Donald Trump ban hành chỉ thỉ về chính sách đàm phán thương mại của chính quyền mới, là thứ nhất, vì quyền lợi trên hết của người dân Mỹ, thứ hai là sẽ đàm phán với từng nước theo thể thức song phương. Từ nguyên lý ấy, ông ra lệnh cho Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ triệt thoái khỏi khuôn khổ thương nghị với các nước đã ký kết Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP và bắt đầu dàn xếp đàm phán song phương với từng nước để phát huy công nghiệp, bảo vệ công nhân và gia tăng lương bổng cho dân Mỹ.

Thanh Trúc: Đấy là bối cảnh gần của việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước TPP, nhưng qua những gì ông vừa trình bày thì dường như người ta còn thấy ra một điểm mới là việc đàm phán song phương, thưa ông có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì những lý do sau đây, tôi sợ nhiều người hiểu sai quyết định này mà nói là vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã “giết chết” một hiệp ước. Thứ nhất, TPP hoàn thành việc đàm phán sau bảy năm thương thuyết giữa 12 quốc gia vào ngày năm Tháng 10 năm 2015 rồi được đại diện các nước ký kết ngày bốn Tháng Hai năm 2016. Sau đó, theo quy định thì Quốc hội và các cơ quan hữu trách của từng nước phải nghiên cứu toàn bộ văn kiện phức tạp ấy để đề nghị thay đổi nếu thấy cần thiết, trước khi chuẩn bị cơ sở pháp lý cho việc áp dụng, và sau cùng mới phê chuẩn. Khi ngần ấy quốc gia đã thương nghị lại rồi phê chuẩn văn kiện có điều chỉnh thì TPP với thật sự thành hình. Sau khi TPP được ký kết thì giới dân cử Hoa Kỳ trong Quốc hội khóa 114 mới thấy nội dung quá toàn diện và rắc rối của TPP nên đa số bên đảng Dân Chủ bác bỏ và không ít dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa cũng không đồng ý. Các ứng viên tranh cử Tổng thống là ông Donald Trump bên đảng Cộng Hòa và bà Hillary Clinton cúng ông Bernie Sanders bên đảng Dân Chủ cũng chống, dù bà Clinton đã từng cổ võ Hiệp ước này khi làm Ngoại trưởng cho Tổng thống Barack Obama. Chính là vì thiếu hậu thuẫn nên Quốc hội Mỹ không nghiên cứu và phê chuẩn như Tổng thống Obama khẩn khoản yêu cầu, và với Hoa Kỳ thì Hiệp ước TPP coi như đã chết trong trứng nước. Tổng thống Trump chỉ làm đúng chủ trương khi tranh cử, nhưng xác nhận thêm giải pháp thay thế là việc đàm phán song phương.

Thanh Trúc: Nhờ ông nhắc lại bối cảnh, thính giả của chúng ta hiểu ra những rắc rối của chính trường Hoa Kỳ liên quan đến một Hiệp ước giữa 12 nước, trong khi đó người ta cũng chú ý đến việc Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn TPP mà phía Việt Nam thì vẫn chưa. Thưa ông Nghĩa, khi hiểu rõ sự thể, ta thấy được một yếu tố mới là chiều hướng đàm phán song phương của Chính quyền Trump như giải pháp thay thế. Từ đó, ta có thể kết luận thế nào về hậu quả?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu muốn nhìn ra hậu quả trong tương lai thì ta nên ngược về quá khứ và đây là bối cảnh xa mà chúng ta cần nhớ khi Tổng thống Hoa Kỳ nói đến ba mục tiêu của việc đàm phán thương mại theo khuôn khổ song phương là khuếch trương kỹ nghệ, bảo vệ công nhân và nâng cao lương bổng.

- Nhìn trong bối cảnh xa thì người ta thấy được hai ba chuyện. Thứ nhất là sự thất bại của khuôn khổ hợp tác thương mại toàn cầu là Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, khi vòng đàm phán Doha do Chính quyền của Tổng thống George W. Bush đề nghị với WTO từ Tháng 10 năm 2001 mà vẫn bế tắc. Thứ hai là cùng với nỗ lực toàn cầu của một tổ chức có 164 hội viên là WTO thì các nước cũng tiến hành hợp tác cấp vùng, trong từng khu vực. Thí dụ như Hiệp ước TPP Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp ước Xuyên Đại Tây Dương gọi tắt là TTIP giữa Hoa Kỳ và 28 quốc gia thành viên của Liên hiệp Âu châu hay Hiệp ước CETA giữa Liên Âu và Canada. Các hiệp ước cấp vùng ấy cũng thất bại, người ta chỉ nói đến TPP và Mỹ mà quên rằng TTIP hay CETA đều lâm vào bế tắc, lần này do sự chống đối của nhiều nước Âu Châu. Điển hình còn rõ hơn là Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico đã được ba nước áp dụng từ năm 1994 mà nay đang lâm khủng hoảng. Theo hướng đa phương đó, sáng kiến thành lập một khu vực tự do mậu dịch giữa 21 quốc gia trên vành cung Thái Bình Dương gọi là FTAAP được Úc đề xướng từ năm 1989 nay vẫn chưa nhúc nhích. Thứ ba, ngoài nội dung trao đổi tự do về thương mại và đầu tư, ta còn thấy một tham vọng khác  đó là “hợp tác toàn diện”, với sự đồng thuận về tiêu chuẩn cao hơn trong các lĩnh vực môi sinh, xã hội, công đoàn, v.v…. Chính là yêu cầu toàn diện ấy mới khiến Hiệp ước TPP là văn kiện quá phức tạp với nhiều đòi hỏi thay đổi trong từng nước và vi phạm chủ quyền quốc gia nên mới gây phản ứng chống đối. Theo chiều hướng ấy, dự án hợp tác toàn diện do Trung Quốc cố thúc đẩy từ năm 2014 với 10 quốc gia của Hiệp hội ASEAN và năm nước Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc và New Zealand đã qua 15 vòng đàm phán mà chưa có kết quả. Nếu nhìn vào bối cảnh trường kỳ thì việc TPP thất bại không có nghĩa là Hiệp ước Toàn diện và Cấp vùng RCEP sẽ thành công, nhất là khi Bắc Kinh lại muốn đẩy Hoa Kỳ ra ngoài sáng kiến này.

Thanh Trúc: Thưa ông Nghĩa, khi nhìn sự kiện từ giác độ mở rộng như vậy, người ta thấy được vài yếu tố sau đây: từ khuôn khổ hợp tác toàn cầu như với tổ chức WTO, các nước cũng có nỗ lực hợp tác đa phương trong phạm vi địa dư của từng khu vực và từ quy chế tự do mậu dịch, các nước còn có tham vọng hợp tác toàn diện với những yêu cầu thay đổi lớn hơn. Nhưng nói chung thì dường như các nỗ lực ấy đều gặp trở ngại, thậm chí thất bại. Phải chăng vì vậy ta mới thấy một chiều hướng mới là tìm sự thỏa thuận song phương giữa hai nước với nhau?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là vậy. Vì dư luận quá chú ý tới Chính quyền Donald Trump, người ta cứ cho là tất cả đều do Hoa Kỳ mà ra nên chẳng thấy thất bại ở nhiều nơi khác như tại Âu Châu và điển hình không kém là việc Vương Quốc Anh quyết định ra khỏi Liên Âu nay đang chuẩn bị thương thuyết lại với Âu Châu và với Hoa Kỳ về khuôn khổ hợp tác kinh tế. Chúng ta chứng kiến một chuyển động lớn là trào lưu hợp tác toàn cầu đang bị đẩy lui và giải pháp tạm thay thế là các hiệp ước song phương. Chuyện này xảy ra trong 80 năm liền, từ 1860 cho tới Thế chiến II. Sau Thế chiến II, ta mới có các định chế quốc tế trong một trật tự mới làm nền tảng của hợp tác kinh tế toàn cầu. Trật tự ấy đang rã và thế giới lui về giải pháp song phương mà Hiệp ước TPP và lập trường của Hoa Kỳ chỉ là hậu quả, không là nguyên nhân. Khi ấy, ta nên tự hỏi là các nước còn có lợi gì chăng, trong khuôn khổ song phương đó?

Thanh Trúc: Đây mới là câu hỏi chính vì sẽ giúp chúng ta nhìn ra yếu tố quyền lợi sau thất bại của TPP. Thưa ông, tự do giao dịch buôn bán với nhau có lợi hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng câu trả lời thuộc phạm vi kinh tế chính trị lại là câu hỏi: “lợi cho ai”?

- Thời hiện đại từ 500 năm trước, thế giới gọi là tiên tiến gồm các nước Âu Châu đều ra khỏi lý luận “trọng nông” của mấy ngàn năm mà theo trường phái kinh tế “trọng thương”. Trọng thương là coi trọng thương mại và giao dịch để tranh thủ quyền lợi quốc gia, với hàm ý kinh tế bên dưới là bán thì lời hơn mua. Người ta lầm tưởng rằng trong mua bán thì người bán giữ ưu thế theo lối “hơn bù kém” và các nước Âu Châu chinh phục quyền lợi với chế độ thực dân để giành thêm đất đai hàng hóa từ các thuộc địa. Triết lý trọng thương hay nôm na lý tài ấy lại dẫn tới chiến tranh giữa các nước nên từ giữa thế kỷ 19 thiên hạ mới tìm đến các thỏa ước hợp tác theo tinh thần nếu được quyền giao dịch tự do thì đôi bên đều có lợi, chứ chính sách ngăn sông cấm chợ để bảo vệ quyền lợi riêng chỉ dẫn tới thất bại. Chiều hướng ấy phát triển mạnh sau Thế chiến II với hy vọng là khi tự do giao dịch về kinh tế thì mọi người đều giàu có và các nước sẽ ít gây chiến với nhau, kết quả tiêu biểu là tổ chức WTO và Liên Âu. Nhưng ngày nay, tham vọng ấy lại dẫn đến phản ứng dội ngược là điều chúng ta vửa phân tích vì trong trao đổi, một thiểu số lại làm giàu nhanh hơn đa số còn lại. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất càng khiến một số thành phần xã hội không theo kịp đà tiến hóa và thấy bị thiệt thòi, như thiếu tay nghề cho loai công việc mới, bị mất việc hay đành nhận lương thấp.

Thanh Trúc: Chúng ta đi tới phần kết luận về hậu quả của TPP là Việt Nam nên làm những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, TPP vắng mặt nền kinh tế có sức tiêu thụ và nhập khẩu cao nhất là Hoa Kỳ nhưng vẫn còn 11 thành viên kia, kể cả Nhật Bản hay Úc. Đấy vẫn là cơ hội cho Việt Nam cải cách và hội nhập vào một thị trường lớn hơn, có trình độ tổ chức cao hơn. Là một nước nghèo, Việt Nam sẽ có lợi nhiều hơn các nước kia trong sân chơi mới. Thứ hai, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ từ năm 1995, có hiệp ước thương mại song phương từ năm 2000, được quy chế tối huệ quốc một cách thường trực từ 10 năm trước và vẫn có thể khai triển nền móng thảo luận song phương với Mỹ. Nếu xúc tiến cải cách theo yêu cầu của TPP với 11 nước kia thì càng có lợi hơn khi đàm phán với Mỹ. Trong khi ấy, nếu ngả theo hiệp ước RCEP có nội dung lý tài của Bắc Kinh thì càng khó ra khỏi tình trạng lệ thuộc quá tai hại vào kinh tế Trung Quốc. Và sau cùng, bài học từ Hoa Kỳ về hiện tượng Donald Trump là điều rất đáng cho Hà Nội và Bắc Kinh suy ngẫm: đó là sự nổi dậy của quần chúng lao động lầm than chống lại những kẻ có quyền và có tiền. Nên nghĩ đến sự lầm than còn khốc liệt hơn của đa số người dân Việt Nam trước những chuyển động khá mạnh của thế giới chung quanh.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trần Nhật Quang: "Tôi rất mến anh Vũ Quang Thuận" - Ba ti lun & Ba chi khơ!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THƠ TẾT 2017


Chu Hảo


Sương đầu ngõ vẫn miên man
Ngang trời mây khói chưa tan…Thật buồn
Mà sao Khỉ chẳng đi luôn
Không thuận cửa trước thì chuồn của sau
Để Gà nhập cuộc cho mau
Một mùa Xuân mới biết đâu tưng bừng
Gà lên gáy ở đầu bưng
Chớ què ăn quẩn lừng khừng cối xay*
Trước sau rồi cũng có ngày
“Tan sương đầu ngõ, vén mây ngang trời”**

Đà Nẵng Tết Đinh Dậu

*Ca dao: Gà què ăn quẩn cối xay.
** Kiều.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NĂM GÀ ĐINH DẬU, NGHĨ VỀ "KÊ MINH THẬP SÁCH"


Nguyễn Khắc Mai - Chinh Minh


Kê Minh Thập Sách, nghĩa là Mười Chính Sách (dâng) Lúc Gà Gáy Sáng,tương truyền là của Nguyễn Cơ Bích Châu, một vị phi hậu của vua Trần Duệ Tông (1336-1377).

Theo Truyền Ký Tân Phả của Đoàn Thị Điểm: Bà “là con gái nhà quan,tính cách cứng cỏi, tư dung tươi đẹp, thông hiểu âm luật Lê viên, theo đòi văn từ nghệ phố, vua Trần Duệ tông nghe tiếng cho tuyển vào cung.” Nhân thấy chính sự triều Trần, sau khi Dương Nhật Lễ tiếm quyền, ngày càng suy kém, Bà liền thảo bài “Kê Minh Thập Sách" dâng lên.(Kê Minh, tên một bài thơ trong Kinh Thi, nói về một bà hậu, nghe gà gáy sáng liền khuyên nhà vua trở dậy đi dự phiên chầu.Tên bài thơ về sau được dùng để nói việc vợ khuyên chồng lo việc quốc gia).

Các nhà nghiên cứu Kê Minh Thập sách như Vũ Ngọc Khánh, Chương Thâu, Hữu Ngọc…đều khẳng định tiếng gà gáy là hình tượng của sự thức tỉnh. Hữu Ngọc trong một bài viết đăng trên Le Courrier du Vietnam có nhan đề “Tiếng gà gáy vọng về qua nhiều thế kỹ”. Liệu tiếng “Kê minh” đã vang vọng từ bảy thế kỷ nay, có làm thức tỉnh điều gì trong chúng ta, khi bước vào thời kỳ mới của công cuộc chấn hưng và phát triển đất nước hay không? Quả thật mỗi điều là một minh triết. Nó không phải là tư duy duy lý,mà là những chân lý giản đơn, có tính khái quát, phổ cập rât cao. Chúng giống như những công thức, mà mỗi thời đều có thể đem dùng trong những bài toán cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa, dân sinh của thời đại mình, 

Mở đầu, Bà nêu lại một phương châm phòng ngừa từ xa “cư an tư nguy” - ở vào thời yên phải tính lúc nguy, gây nền trị từ khi chưa loạn.

Thập sách của Bà dâng lên gồm bốn chính sách về chính trị, hành chính, hai chính sách về văn hóa, giáo dục, tư tưởng, và bốn chính sách quân sự. Chúng tôi mạo muội gọi là những Minh Triết Trị Nước An Dân

Ở hàng đầu, Bà nêu lên vấn đề có tính nguyên tắc, đạo lý của mọi đường lối chính trị. Đó là đạo lý tôn dân. Bà nói “Phù Quốc bản, hà bạo khử tắc Dân tâm tự an”. Có nghĩa là nâng lên, đề cao gốc nước. Gốc nước, chính là người dân. Trong truyền thống đạo trị nước của Việt Nam từ ngàn xưa, nguyên lý “Quốc dĩ dân vi bản” - Nước lấy dân làm gốc bao giờ cũng được coi như nguyên lý số một. Mà để làm được điều đó thì hàng đầu lại là phải bỏ đi mọi hà khắc bạo ngược trong mọi ứng xử. Từ luật pháp, đên chính sách cụ thể cho đên phương thức, phương châm phương pháp để điều hành xã hội trong mọi mối quan hệ dù ở cấp vĩ mô hay ở cơ sở. Tự nhiên ta nhớ tới một mong ước lớn lao của Nguyễn Trãi:"Sinh đời thái bình ai cũng được ở yên. Gặp thuở thánh minh ai cũng được thỏa sống”. Và “Làm sao trong thôn cùng xóm vắng không còn lời hờn giận oán sầu”. Ta không thể không thử hỏi cái lý tưởng nhân văn ấy, ngày nay ta hành xử thế nào. Bà còn chỉ ra ba vấn đề lớn nữa, là 
(i) Loại bỏ phiền nhiễu để kỷ cương không rối loạn.

(ii) Thải loại bọn quan lại tham nhũng để giảm bớt sự chài vét của dân.

(iv) Đè nén lũ lông quyền để trừ lũ sâu mọt hại dân. Những tệ nạn phiền nhiễu, tham nhũng,lộng quyền đang hoành hành làm băng hoại xã hội hôm nay. Bà dùng chữ rất chuẩn. Với phiền nhiểu thì phải loại bỏ. Với quan lại tham những thi thải, đuổi. Không như ta bây giờ, tham những cấp dưới thì đưa lên cấp trên,cho chức tước cao hơn! Còn với lũ lộng quyền thì đè nén, bọn này có kẻ ỷ công trạng, có kẻ nhiều quyền lực, kể cả quyền lực kinh tế, nên chỉ có thể dùng pháp luật để đè nén, ngăn ngừa,hạn chế. Tham nhũng và lộng quyền đang phá hoại đất nước, xã hội,đang chà đạp lên Dân, lên kỷ cương pháp luật.

Về Văn hóa, Bà nêu hai điều. Một là:”Chấn hưng nho phong để cho ánh đuốc (văn hóa) như mặt trời mặt trăng soi sáng khắp nơi.” Nho phong không chỉ là học hành, còn là vấn đề nhân cách. Một mách bảo sáng suốt cho công việc văn hóa giáo dục hôm nay! Hai là “Hãy cầu lời nói thẳng, khiến cho cổng thành và đường ngôn luận cùng rộng mở.” Lời nói thẳng nghĩa là phê bình, phản biện liên quan với việc mở rộng giao thương và con đường ngôn luận để mở mang trí tuệ, phát triển nhân cách xây dựng xã hội, quả thật là những dự báo thiên tài, một tư duy rất thời sự, hiện đại.

Vế Quân sự, Bà chỉ ra bốn lãnh vực. Kén quân cốt người khỏe mạnh rồi mới tính đến dáng vóc.Tuyển tướng phải chọn người thao lược sau mới tính thế gia.Vũ khí phải bền chắc.Trận pháp phải chỉnh tề.Riêng tư tưởng “tuyển tướng phải người thao lược”. Đó là sự khôn ngoan muôn đời, không chỉ trong quân sự, mà nó phổ biến ở mọi lãnh vực.Riêng việc chỉ chọn người cùng phe cách, chọn người nhà chứ không phải người tài, và ở hầu hết các lĩnh vực không có người thao lược có tầm vóc tổng công trình sư đang là vấn nạn của đất nước tại buổi “kim nhật, kim thì”, thì tiếng gà báo thức xuyên thế kỹ thật rất có nhiều nghĩa cảnh báo.

Không phải ngẩu nhiên mà Lê Thánh Tông đã ca ngợi Bà, truy tôn Bà với mỹ tự: Chế Thắng Phu Nhân (Vị Phu nhân của mọi chiến thắng). Trong sách sử nước ta và của Trung hoa, như Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, hay trong Từ Hải của Trung quốc, “chế thắng” được định nghĩa là, người chế định ra được mưu lược để giành thắng lợi.

Quả thật Kê Minh Thập Sách là những tư tưởng chiến lược,mà bất cứ ai hiểu được,cảm nhận được, và biết tìm mọi cách đẻ đưa vào thực tiễn hành động, sẽ bảo đảm được thắng lợi.

Hồn thiêng của Tổ tiên và Văn hóa Việt đang chỉ cho ta hãy bước vào thời buổi này với một tầm nhìn, một trí tuệ,một quyết chí mạnh mẽ,sáng suốt, đem cái minh triết ấy để giải quyết cho bằng được những bài toán đật ra cho Dân, cho Nước trong thời đại mới. Những ai đang điều hành đất nước,những trí thức đang tìm cách hiến kế, đổi mới thể chế, chính sách, luật pháp,chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức… hôm nay, nên tìm đọc và ngẫm nghĩ về Mười chính sách mà chúng tôi gọi là Minh Triết trị nước an dân của Kê Minh Thập sách.
N.K.M


Chinh Minh

Năm con gà 2017, nhớ về người xưa !

Tiếng gà báo sáng.

Tại xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh , tỉnh Hà Tĩnh , có ngôi đền hơn 600 năm tuổi thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu cung phi của vua Trần Duệ Tông (1336 - 1377 ).

Trước cửa đền có đôi câu đối :
KÊ MINH THẬP SÁCH TRÍ TUỆ THÁNH HIỀN TRUYỀN LƯU PHÙ ĐẤT VIỆT
CHẾ THẮNG PHU NHÂN ƠN MẸ DÀI LÂU GÌN GIỮ ĐẤT PHƯƠNG NAM .

Bên trong có tấm bia đã ghi lại 10 kế sách cho các minh quân trị quốc và chống giặc ngoại xâm .

1. Luôn giữ gốc nước, bỏ lòng tàn bạo thì lòng dân được yên.
2.Giữ nếp xưa , bỏ phiền nhiễu thì kỷ cương không rối .
3. Đe kẻ lộng quyền để trừ bọn sâu mọt .
4.Thải bọn nhũng để trừ bọn đục khoét của dân .
5. Mong chấn hưng văn hoá , khiến lửa đuốc sáng soi cùng mặt trời .
6. Xin cầu lời nói thẳng, để người người được bàn bạc khắp nơi nơi.
7. Tuyển quân trước cốt dũng lực, sau mới kể thân hình .
8. Kén tướng nên trọng thao lược chớ để con ông cháu cha .
9. Khí giới cần sắc bén chứ đừng chuộng hoa hoè .
10. Trận pháp, cốt chỉnh tề đâu cần múa khéo .

Đó là những kế sách của cung phi dâng lên vua sau 3 trận đánh thắng quân Nguyên thì bắt đầu suy thoái 10 điều nói trên để cứu vãn tình thế nhà Trần. Đây là lời cảnh tỉnh nhà vua phải thay đổi, nếu không sẽ sụp đổ.

"Cầu ngôn" cầu người nói thẳng, quan không được kéo bè đảng (lợi ích nhóm) tham nhũng, khai dân trí, khoan sức dân, quân đội phải chọn tướng tài không được chọn con ông cháu cha ......

Soi chiếu 10 điều trên vào tình hình Việt Nam ngày nay thì đi ngược với Kê Minh Thập Sách của bà Nguyễn Thị Bích Châu có từ hơn 600 năm qua.

Mong rằng năm con gà này sẽ có sự thay đổi bước ngoặt cho dân tộc Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam sẽ mở ra trang lịch sử mới cho chính mình.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

VỚI HUẾ, TỪ XA…




Hồi tôi còn nhỏ ở Thanh Hóa, cứ chủ nhật là nhóm đồng hương Thừa Thiên Huế lại tập trung, thường là ở nhà tôi, có lẽ là vì nhà tôi ổn định nhất, dù là ở cái nhà tập thể tranh tre nứa lá, và cũng có thể là do ba tôi là người nhiều tuổi nhất trong số anh em người Thừa Thiên ở đấy. Lúc này, khi tôi đã nhớ được, thì nhà tôi không còn ở thành phố nữa, mà sơ tán về mấy vùng nông thôn mà nhà máy của mẹ tôi chuyển đến để tránh bom. Thế mà đều như vắt chanh, cứ chủ nhật là các chú các cô lại đèo đẽo xe đạp đến. Có khi đến ăn bữa cơm xong là lại lên xe đạp về. Thậm chí có người xe đạp hỏng, đến muộn, cơm đã hết, tôi lại đi cán bột mì rán bánh ăn thay cơm.

Thường thì bao nhiêu người không cần biết, nhưng sẽ có một con gà hoặc ngan được thịt, chỉ một con thôi, công thức chế biến là cổ cánh băm viên, gan lòng nấu miến, bốn chân nấu chè”. Tức chân cổ cánh sẽ nấu canh khoai tây, khoai lang hoặc dọc mùng, lòng nấu miến hoặc xào mướp, thịt luộc hoặc kho tùy lượng khách, nếu ít thì luộc, nhiều thì kho. Và hôm ấy mẹ tôi tháo khoán, được ăn cơm không độn.

Nhưng ăn là phụ. Việc chính là… hồi tưởng. Ba tôi và các chú ngồi kể lại chuyện quê hương. Trong nhóm Thừa Thiên ấy thì có tới 5 người cùng làng Thế Chí Tây với ba tôi. Đủ thứ chuyện về quê, về đặc sản (sau tôi biết các cụ cũng có phóng đại ít nhiều), nhưng vui nhất là phân công nhau chứng nhận cho các chú là… chưa vợ để lấy vợ. Sau năm 75 thì mới té ra là, cũng có vài chứng nhận… nhầm, chính xác là cố tình nhầm. Nói 2 năm, mà cả chục năm rồi, cứ mịt mù thế, người chứ có phải gỗ đá đâu, nên anh em tặc lưỡi chứng nhận cho nhau, sau 75 mới có khối chuyện dở khóc dở cười. Nhưng rồi, tất cả là do chiến tranh, mọi việc cũng êm xuôi hết…


Sau hồi tưởng là đến… hát. Chú Cử hát rất hay, toàn dạy tôi và em tôi hát ru. “Ru con con thét cho muồi/ để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh”. Ba tôi cắt ngang: Con gái Nam Phổ ở lỗ leo cau. Rồi giải thích phương ngữ cho anh em tôi: Thét là ngủ, muồi là say, ở lỗ là ở truồng. Trèo cau mặc quần vướng, mà nhà lại nghèo, lỡ quần rách, thôi thì… cởi quách. Và cả vườn cau như thế chỉ leo lên một lần và xuống một lần, còn di chuyển từ cây này sang cây kia là bằng đường… ngọn cau. Tôi thuộc rất nhiều ca dao, dân ca Huế từ những ngày ấy, nên khi về Huế, học đại học, có món đi sưu tầm văn nghệ dân gian, tôi toàn chép theo trí nhớ của… ngày xưa, như “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong”, như “Mạ ơi đừng đánh con đau, để con bắt ốc hái rau mẹ thời”… 

Rồi ngồi ca ngợi “Thuốc Phong Lai khoai Thế Chí” trong lúc bao thuốc Sầm Sơn trên bàn cứ liên tục được rút… Sau về mới biết, thuốc Phong Lai nặng khé cổ, nhưng ở vùng đấy toàn dân hút thuốc, từ đàn ông tới đàn bà. Lịch sự thì cuộn lại rồi xắt nhỏ quấn giấy bổi, không thì cứ cả lá thế, làm một cuốn to như ngón chân cái, bập bập cả ngày. Người không quen rít một hơi là ngã bổ chửng rồi ôm ngực ho cả buổi, nhưng nghe nói hồi còn lính Mỹ đóng ở đấy, họ nhìn thấy dân hút thuốc kiểu cuộn ấy thì nể lắm, bảo nông dân ở đây toàn chơi… xì gà…

Kiến thức về quê nội của tôi được “trang bị” như thế. Cũng y như bây giờ, hễ có dịp là tôi lại… ký ức với các con tôi, đến nỗi có lần con gái lớn chả nói chả rằng, mua luôn mấy cặp vé: Cả nhà mình về quê cho ba khỏi… ký ức…

Một lần vào Sài Gòn, đang nghĩ làm sao cho hết ngày thì một cuộc điện thoại lạ gọi tới, giọng Huế: A lô, nghe nói anh đang ở Sài Gòn, mời anh cà phê được không? Lại là một nhóm Huế, cứ rỗi là lại tụ tập, chỉ để nghe nhau nói, để nói trạng với nhau, mà dạ mà thưa ngút ngàn như nỗi nhớ. Cuộc ấy sau khi ngồi cà phê với nhau thì tôi đã lênh đênh đến mấy nhà Huế nữa. Cái phong cách Huế trong từng ngôi nhà vẫn không thể lẫn, ấy là bàn thờ luôn trầm mặc khói hương, là phong thái đi lại nhẹ nhàng, là cái cách dạ thưa trong từng câu nói. Tôi để ý đến đôi dép xẹp đi trong nhà cũng… rất Huế. Nó nhẹ và mỏng và êm, không phát ra tiếng động khi đi. Ngăn nắp, nền nếp và mỏng, mỏng đến không nỡ nói to trong ngôi nhà ở giữa thành phố ồn ào nhất nước.

Tôi có một cô em ở Đăk Nông, cô này có một số phận cũng lạ.

Con cô ruột tôi, đến tuổi thì cũng lấy chồng. Chồng là một anh lính Việt Nam cộng hòa đến đóng trong làng. Đẻ 2 đứa con một trai một gái kháu khỉnh thì một đêm, anh này bị bắn chết. Góa chồng, một mình oằn lưng làm ăn kiếm tiền nuôi 2 đứa con trứng gà trứng vịt.  Em tôi và 2 đứa con suốt ngày mặc cái quần cộc may bằng bao cát, thức ăn chủ yếu là khoai vùng cát bở ứ cổ với canh hến nấu rau lang mà nhà ai cũng phải cử người đi bắt. Giờ hến là đặc sản, rau lang cũng thế, thời ấy nhìn thấy hai món ấy là rùng mình. Cái nhà của ba mẹ con cũng… vĩ đại như chủ. Nó là bốn cây tre chôn xuống đất, rồi xung quanh cột tranh, trên nóc lợp tranh, nền toàn cát là cát. Chỉ duy nhất một cái giường cho ba mẹ con, phía trên gác một cây sào giăng đầy quần áo bằng bao cát…

Ba tôi có một ông bạn cùng quê, tên là Hoài, cùng tập kết ra Bắc, ít hơn ba tôi dăm tuổi, kêu ba tôi bằng anh và tôi kêu ông này bằng chú xưng cháu. Ông Hoài ngay sau năm 75 về quê thì nhà chả còn ai, có mỗi ông anh họ xa, còn lại thì đã mất sạch trong chiến tranh. Ông có tham gia làm việc cho xã, có lương hưu. Thế rồi chả biết từ lúc nào, ông chuyển sang gọi ba tôi là… cậu, và tất nhiên tôi lên hàng anh của ông. Tức là ông rổ rá cạp lại với cô em tôi.

Hai vợ chồng 1 suất lương hưu với 2 đứa con, khổ quá, ngày mai xa vời quá, tương lai mờ mịt quá, thế là Gia Nghĩa, Đăk Nông tiến.

Nhớ cái lần tôi đến Gia Nghĩa, đang dự chiêu đãi thì con của cô em ấy lái ô tô đến tận nhà hàng đợi đón bác. Ngoài hai đứa với người chồng trước, em tôi có thêm… 5 đứa với ông Hoài, tất cả đều đã lớn, nhà cửa đàng hoàng, phần lớn chúng cũng là chủ các cửa hàng, garage lớn… Cả 7 đứa cháu này, giờ mỗi đứa mỗi phận, mỗi gia đình riêng, có đứa đã có cháu nội, cô em tôi đã lên hàng bà cố, nhưng cuối mỗi ngày chúng vẫn thường tụ tập về nhà một đứa nào đó, rước mẹ đến, trước là mẹ vui, sau là các con các cháu vui. Thêm một chi tiết này để thấy chúng đã vươn lên từ khốn khó như thế nào. Cái đứa mà cả nhà chọn tụ tập lại đón tôi ấy, 12 tuổi đã phải đi buôn bán. Người nhỏ mà cái xe đạp chất hàng cồng kềnh, lút cả người, ngày nào cũng oằn mông đẩy xe như thế. Gặp chồng nó đi bán kem, tự làm kem đi bán dạo. 1000 đồng một cây nhưng nếu ai mua… 500 cũng bán. Nó lấy dao cắt đôi que kem, lấy báo gói đưa cho người mua, phần còn que bỏ lại vào thùng. Gặp nhau, lấy nhau, giờ nhà là cái garare to nhất thị xã Gia Nghĩa, ngoài garare còn kinh doanh ô tô và bỏ hàng thực phẩm…

Và, ở Gia Nghĩa ấy, tôi còn hàng chục đứa em như thế. Còn người Huế thì đông vô cùng, đến mức, khi ngồi ở cái nhà hàng mang tên Cao Nguyên, một nhà hàng to nhất nhì thị xã Gia Nghĩa, tôi tưởng mình đang ngồi ở… Huế…

Ở Pleiku, có môt hội đồng hương Thừa Thiên Huế hoạt động rất đều, có lệ phí, có các cuộc tổ chức gặp mặt hàng năm. Dưới hội, có các “làng” mà làng Vàng Kế Môn là một tiêu biểu. Cách sinh hoạt thì y như… ở làng. Cũng có cúng làng, có trai làng, có nghĩa vụ, có thưởng phạt, có thức đêm trực bàn thờ ngày cúng tổ, và đặc biệt là hiếu hỉ thì không thể không có sự tham gia rất tích cực theo phong cách làng của “làng”.

Nhớ có lần tôi chụp ảnh anh Hai Dũng, nguyên thường vụ tỉnh ủy, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Kon Tum khi anh đang ngồi ôm ghi ta hát bài “Ngày trở về” của Phạm Duy đăng trên phây búc với lời nhận xét: Đây là người từng rất quyền uy, nhưng cái cách ôm đàn và hát như thế này, tôi tin anh không thể làm điều gì ác, không thể làm gì xấu. Hai ngày sau thì có một cú điện thoại từ Sài Gòn của một cán bộ giảng dạy đại học Ngân hàng, tất nhiên là người Huế, bảo có người bạn anh ở Mỹ, đọc phây búc của tôi muốn xin điện thoại của anh Dũng vì thấy anh Dũng… dễ thương quá. Mà thú vị nhé, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy hai tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum và Đăk Lăk lại đều là người Huế.

Lại vẫn nhớ có lần ngồi với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông bảo: Người Huế có gì đấy gần giống với người… Palestin, đi đâu thì đâu, làm gì thì làm, đều mang theo cốt cách Huế vào đời sống, và đều đau đáu trở về mỗi khi có dịp. Vì thế, tết là lúc hàng đoàn xe chở người Huế đi làm ăn xa, có khi đến mấy đời rồi, trở về…
(Báo Thừa Thiên Huế tết)



Phần nhận xét hiển thị trên trang