Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Cách Putin đỡ đòn cuối của Tổng thống Obama


''Các bước đi tiến tới khôi phục quan hệ Nga-Mỹ sẽ được xây dựng dựa trên nền tảng chính sách mà chính phủ Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện''
 >> Tổng thống Putin không muốn trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ
 >> Phản ứng của ông Trump sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với Nga

Mục đích cuối cùng
Theo Reuters, ngày 30/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hoan nghênh Tổng thống Nga Vladimir Putin vì kiềm chế không trả đũa, trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ.
''Bước đi trì hoãn này thật ý nghĩa. Tôi luôn biết ông ấy rất thông minh!'', ông Trump viết trên Twitter.
Động thái này diễn ra sau khi, Tổng thống Putin tuyên bố ông sẽ không trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ, ít nhất đến khi ông Trump nhậm chức ngày 20/1/2017.
''Chúng ta sẽ không trục xuất ai cả. Các bước đi tiến tới khôi phục quan hệ Nga-Mỹ sẽ được xây dựng dựa trên nền tảng chính sách mà chính phủ Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện'', Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 29/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra sắc lệnh hành pháp trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga có khả năng là điệp viên Nga. Tổng cộng sẽ có 96 công dân Nga phải rời khỏi Mỹ, bao gồm 35 nhà ngoại giao và người thân.
Ông Obama cũng tuyên bố trừng phạt nhiều cá nhân và cơ quan Nga vì cáo buộc Nga tấn công mạng, can thiệp bầu cử Mỹ. Ngoài ra Mỹ còn đóng cửa hai khu phức hợp của Nga tại Mỹ được cho là tiếp tay cho hoạt động tình báo của Nga.
Trong khi đó, ông Trump trước nay luôn bác bỏ cáo buộc từ CIA và các cơ quan tình báo rằng Nga đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng, can thiệp bầu cử Mỹ.
CNN dẫn lời bà Kellyanne Conway - cố vấn hàng đầu của ông Trump cho rằng, quyết định của chính phủ Obama có thể nhằm hạn chế chính sách của ông Trump đối với Nga.
Bà Conway là người quản lý tranh cử của ông Trump và sẽ đảm nhận chức cố vấn Nhà Trắng. Theo bà này, việc Tổng thống Obama ra quyết định trừng phạt Nga chỉ ba tuần trước khi hết nhiệm kỳ là nhằm bó tay bó chân người kế nhiệm Trump.
''Tôi sẽ nói với quý vị rằng thậm chí những người đồng cảm với Tổng thống Obama về hầu hết các vấn đề đi nữa cũng có thể nhận ra lý do mà ông ấy hành động như hôm nay là nhằm bó tay bó chân Tổng thống đắc cử Trump'' -bà Conway nói với CNN.
Ngoài ra, hồi tháng 11, đương kim Tổng thống Mỹ Barak Obama cũng kêu gọi Tổng thống đắc cử Donald Trump hãy đương đầu với Nga trong thời gian tại nhiệm.
Theo tường thuật của truyền thông phương Tây, ông Obama đã kêu gọi ông Trump ''sẵn sàng đương đầu với Nga ở những nơi họ làm lệch lạc các giá trị và chuẩn mực quốc tế''.
Tổng thống Obama đã lấy cuộc xung đột tại Ukraine và cuộc nội chiến tại Syria để cảnh báo ông Trump về sự nguy hiểm của nước Nga. Ông Obama cho rằng, Nga là một siêu cường quân sự với ảnh hưởng khắp toàn cầu, vì vậy lưu ý ôngTrump cần chống lại các cám dỗ để có thể cắt bớt một số thỏa thuận với Nga, bởi điều đó có thể làm tổn thương những quốc gia nhỏ bé khác.
Điều ông Obama lo sợ
Có lẽ điều khiến ông Obama lo lắng chính là việc, giới phân tích cho rằng ông Trump sau khi nhậm chức có thể sẽ thay đổi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Obama trừng phạt Nga và cho phép các quan chức tình báo Nga quay lại Mỹ.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi mà mối quan hệ giữa ông Trump và Tổng thống Putin đang hết sức gần gũi. Việc ông Putin kiên nhẫn trước lệnh trừng phạt mới đây của ông Obama chính là để chờ đợi cũng như bày tỏ sự tin tưởng vào những quyết định của ông Donal Trump sau lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống sắp diễn ra.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng, ông Trump sẽ thay đổi sắc lệnh này của Tổng thống Obama, tuy nhiên đó không phải là bước đi khôn ngoan. Theo Reuters, một khi ông Trump tìm cách hàn gắn quan hệ với Nga ông có thể sẽ gặp phải sự kháng cự từ Quốc hội, nơi đảng Cộng hòa đang chiếm đa số.
Ngày 30/12, nghị sĩ Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình 1+1 của Ukraine khi đang trong chuyến thăm Kiev rằng, Nga cần phải bị trừng phạt vì tấn công mạng, và Mỹ có thể áp nhiều trừng phạt lên Nga... Bên cạnh nghị sĩ McCain, nhiều nghị sĩ cả Cộng hòa lẫn Dân chủ đều đề nghị cứng rắn với Nga.
Trong khi đó, nhà phân tích tình báo cấp cao Mỹ Eugene Rumer, Giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu tại Viện chính sách Carnegie (Mỹ) cho rằng, để thay đổi một sắc lệnh được thông qua dựa trên kết luận chung, được nhất trí cao giữa các cơ quan tình báo Mỹ là một chuyện rất khó khăn.
Tuy nhiên, ông Rumer nhấn mạnh, những cản trở này sẽ không ngăn được ông Trump cải thiện quan hệ với Nga. Theo ông ''Nếu ông Trump muốn bắt đầu làm mới quan hệ, tôi không nghĩ ông ta cần thu hồi các đòn trừng phạt. Ông ta có thể chỉ cần nói đó là quyết định của ông Obama''.
Thực tế đã chứng minh rằng, ông Trump luôn là người tạo ra những bất ngờ, với ông không có bất kỳ một quy tắc nào. ''Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn'' vị Tổng thống đắc cử Mỹ đang chứng minh cho cả thế giới thấy rõ điều này.
Theo Trương Lương
Đất Việt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thương Đoàn Tử Huyến


NGUYỄN HUY HOÀNG (nhà thơ, cựu sinh viên K17)

Lần nào về Hà Nội, tôi cũng đều ghé thăm Đoàn Tử Huyến.

Hai tháng trước, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Tuyết Nga và tôi mời cơm Đoàn Tử Huyến. Con trai anh chở bố ra bằng xe máy. Đoàn Tử Huyến cao lêu nghêu ngồi sau xe, con anh thấp đậm ngồi trước, trông như minh họa “bút thép” và “bóng nhựa” trên báo Thiếu niên tiền phong trước đây.

Đoàn Tử Huyến ăn uống bình thường, tự gắp cho mình, chọn thức ăn hợp với khẩu vị. Thậm chí Nguyễn Trọng Tạo còn cho phép Huyến uống phần nửa lon bia.

Trong những câu chuyện không đuôi đầu, Đoàn Tử Huyến diễn đạt không mạch lạc, nhớ gì kể nấy. Huyến không gọi được tên tôi, không gọi được Nguyễn Trọng Tạo và những người quen biết.
Ngồi suốt bốn tiếng, chia tay. Tôi để Đoàn Tử Huyến đi trước, tôi theo sau canh chừng, để xem Huyến có biết đường về không. Huyến đi bộ, lê loẹt quẹt đôi dép cao su men theo lề đường, biết tự về đúng nhà, ngoài dự đoán của tôi.

Tuần trước, tôi và đạo diễn điện ảnh Quốc Trọng đến tận nhà riêng thăm Đoàn Tử Huyến. Huyến kể lại các câu chuyện, các hồi ức trôi chảy, chúng tôi như đang xem một cuốn phim miên man hình ảnh. Huyến tâm sự cho tôi và Quốc Trọng những câu chuyện đầy bí mật riêng tư, điều này chỉ có những ai có đầu óc minh mẫn mới nhớ và nói ra được. Huyến bảo rằng “tôi nhớ hết nhưng không nói ra được. Ví dụ, tôi nhớ ông, tôi biết ông mới về, nhưng tên ông tôi không gọi ra thành tên được”.


Huyến không nói được tên ai thành lời, trừ tên con, tên vợ và đứa con dâu. Dường như chưa có sự khớp nối giữa tâm thức và ngôn từ.

Giờ đây, Huyến không đọc được một chữ Việt và một chữ Nga nào, mặc dù Huyến ôm ra cả một chồng sách. Tôi biết Huyến hiểu sách đó là sách gì.

Nói chuyện với tôi chừng hơn một giờ. Khi chia tay, Huyến bật khóc. Thương lắm, một người có đầu óc mẫn tiệp đến nhường ấy mà một cơn bạo bệnh đã đưa đến nông nỗi này.

Khi tôi vừa đặt chân xuống sân bay Nga, A.Xocolov đã gọi điện cho tôi: Anh có gặp Đoàn Tử Huyến không? Anh ấy thế nào? Tôi trả lời là sức khỏe anh Huyến đang tốt lên!

Hy vọng đợt tới về, gặp nhau, thì chí ít ra, Đoàn Tử Huyến cũng sẽ gọi được tên tôi.

29.12.2016
Nguyễn Huy Hoàng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tranh Tết Đinh Dậu


Tác giả: Tạ thị Ánh Hồng.
một-hong
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Từ bê bối của PVN, nhớ lại số phận bi thảm của một kỹ sư trường kỳ chống tham nhũng


QUỐC PHONG (nhà báo, cựu Phó tổng biên tập báo Thanh Niên)

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chủ trì phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng hôm 28.12 và chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ Hà Văn Thắm cùng giai đoạn 2 của các vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo... Đây không phải là tín hiệu mới nhưng xem như là một động thái hối thúc các cơ quan pháp luật phải khẩn trương hơn trong công cuộc chống tham nhũng.

Nó phần nào thể hiện thái độ kiên quyết của Đảng, sẽ không dung tha các hành vi tham nhũng của những người có chức có quyền trong xã hội ta.

Trong số các vụ nổi cộm đó, đáng lưu ý có vụ Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Oceanbank hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bằng cách góp vốn rồi cùng nhau (cá nhân) hưởng chênh lệch lãi suất cũng như cho vay trái nguyên tắc khiến nhiều chục người "dính đòn".

Từ câu chuyện bị vỡ lở này cùng với vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc PVN, do việc đi xe biển xanh trái quy định mà từ đó bung bét ra quá nhiều những tệ hại không mấy ai hình dung nổi trong ngành dầu khí suốt nhiều năm qua, tôi bất giác nhớ lại một nhân vật mà tôi đã từng nhiều lần tiếp xúc. Nay nghĩ đến chuyện cũ mà có phần xấu hổ và thầm cảm phục anh. Đó là kỹ sư xây dựng Đỗ Văn Hải, người suốt nhiều năm đi kiện PVN để rồi có lúc bị mất việc làm, thậm chí còn bị bắt tạm giam...

Chính bản thân tôi cũng thấy ngượng với kỹ sư Đỗ Văn Hải nếu nay mà có dịp gặp lại anh, bởi tôi cũng đã từng là một trong những người rất quý anh, giúp đỡ anh nhưng đến lúc cần lại né tránh, xa lánh anh, thậm chí xem anh như một anh chàng "lẩn thẩn" vì quanh năm suốt tháng cứ đeo đẳng gửi đơn đi kiện khắp nơi để rồi gặp biết bao điều cay đắng, ngang trái, khổ ải cũng vì nó.
Vào năm 2002, kỹ sư Đỗ Văn Hải đã nhiều lần gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng trung ương về những tiêu cực xảy ra tại một số dự án lớn của ngành dầu khí. Năm 2004, sau một thời gian tìm hiểu sự việc, báo Thanh Niên có bài viết Một kỹ sư thiết kế không ký hồ sơ nghiệm thu cấp cơ sở. Tác giả, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã cho biết: Một vấn đề khá nghiêm trọng xảy ra trong quá trình thi công Dự án 2 triệu mét khối khí/ngày đêm, là việc kỹ sư Đỗ Văn Hải (một trong những chủ nhiệm đồ án) đồng thời cũng là một trong những kỹ sư trực tiếp lập hồ sơ thiết kế lắp đặt tuyến ống dẫn khí LPG Thị Vải, Bà Rịa-Phú Mỹ. Khi phát hiện việc thi công sai thiết kế, anh đã cương quyết không chịu ký nghiệm thu vào hồ sơ nghiệm thu cấp cơ sở. Thế nhưng không hiểu sao, lại có người ký thay anh rất tùy tiện dù sau đó công trình gặp sự cố và phải chi cả tỉ đồng khắc phục mà cũng không sử dụng được, thậm chí còn gây nguy cơ mất an toàn về cháy nổ nếu khí bị rò rỉ.

Để chống chế trước những sai phạm trên, lãnh đạo PVN ngày đó đã cố ý nói dối cấp trên, rằng đã khắc phục tốt. Kỹ sư Hải lại tiếp tục lên tiếng phản bác, cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu công trình đi vào vận hành. Cuối cùng, để vận hành được đường ống trên, PVN đã chi đến 4,24 triệu đô la Mỹ và 50,2 tỉ đồng để khắc phục và đó cũng đồng thời là việc chi sai nguyên tắc, gây thất thoát ...

Từ đó, cuộc sống của người kỹ sư có trách nhiệm ấy gặp muôn vàn sóng gió với 2 lần bị mất việc. Anh Hải kiện ra Tòa Hành chính nhiều lần mà họ vẫn không bố trí công việc cho anh. Thế rồi sau đó, lãnh đạo Công ty Thiết kế và xây dựng dầu khí (PVEC) cùng thuộc cấp bị bắt tù vì sự cố lún sụt này, gây tốn kém cho nhà nước về mọi phương diện, cả kinh tế lẫn thời gian do chậm trễ...

Những tưởng sự tố cáo đúng của anh Hải sẽ được Nhà nước khen thưởng, nào ngờ anh không hề được gì ngoài cái quyết định cho thôi việc.

Số phận cay đắng của anh Hải là ở chỗ, anh đã bị đơn vị nọ trả thù và không bố trí cho anh việc làm... để rồi anh lại phải tiếp tục tố cáo lên nhiều cấp. Từ đây, họ mới có cớ đề nghị pháp luật vào cuộc. Tóm lại, phần thua vẫn lại là... người có công với đất nước, người đã ngăn chặn tai họa cháy nổ đường dẫn khí nếu vận hành. Một lần nữa, họ lại biến anh thành người "có tội" và anh bị đơn vị sa thải... "Phần thắng", thật trớ trêu, lại thuộc về những người có quyền, có thế, có tiền. Đó là ban lãnh đạo PVC, PVN và các chủ thể liên quan khác...

Hồi đó, tôi cũng tò mò hỏi chuyện gia đình anh giờ sống thế nào khi anh bị sa thải và vẫn đi "kiện củ khoai" mãi vậy? Cũng nhờ thế, tôi hiểu thêm về con người anh: Cha của Đỗ Văn Hải, ông Đỗ Khiêm, là một trong những thầy/cán bộ đầu tiên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (thời kỳ trên Việt Bắc), Phó giáo sư về kinh tế chính trị và chủ nghĩa Mác-Lênin, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Ông Khiêm cũng là thầy dạy của biết bao nhà lãnh đạo đất nước (trong đó có Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông Kiệt đang là Phó bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu…). Anh trai của anh, một GS-TS rất nổi tiếng trong giới lý luận trung ương và khoa học xã hội, là ông Đỗ Hoài Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 8, 9, 10, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Thảo nảo, khi đọc kỹ những lá đơn của anh gửi đi các nơi, dù là tố cáo hay kêu cứu thì tôi hay thấy có những dòng chữ đầu tiên: "Việc tôi (Đỗ Văn Hải, kỹ sư) viết để báo cáo (.......) xuất phát từ:

- Trách nhiệm của công dân theo quy định của pháp luật;

- Mong muốn bảo vệ chế độ, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Kế tục truyền thống cách mạng của gia đình.

Nay tôi xin báo cáo những nội dung sau đây:...".

Nhiều lúc, tôi thấy thương cho anh Hải và mình thì cũng bất lực vì không giúp gì được cho anh như xưa nữa. Nếu trước đây, chúng tôi có thể đeo bám sự việc nếu thấy cần làm thì dù có thể phải viết cả chục bài cũng là chuyện thường. Nay, việc làm báo đã khác xưa, viết đến bài thứ 3 là rất khó vì "mất đất" của phóng viên mà báo cũng đâu có bán thêm được và có khi người viết còn bị nghi ngờ.

Có lần anh tìm tôi, do có cảm giác anh đã có phần tuyệt vọng và hơi" lẩn thẩn" thì phải, tôi "bàn lùi" với anh: Tôi không thể giúp anh được nữa đâu, đừng ngồi đây cả giờ đồng hồ như thế, tốn công anh ra! Anh cứ nghiệm như thằng tôi đây (Nguyễn Quốc Phong, từng bị cách chức Phó tổng biên tập báo Thanh Niên vì duyệt đăng bài vụ PMU18) và anh Nguyễn Việt Chiến, người đã viết bài vì anh ngày đó thì rõ. Hồi chúng tôi lâm nạn vì viết bài đấu tranh chống tiêu cực về vụ PMU18 năm 2006 và 2008 là do có phản ứng thái quá bởi tự tin trước những chứng cứ mình có trong tay như anh biết. Vậy thì hỏi anh, chúng tôi đúng - sai ra sao, có đến mức bị xử lý kỷ luật (tôi) hay phải vướng lao tù (Nguyễn Việt Chiến) như thế chưa? Thôi, Hải ơi! Chúng mình đều là dân thấp cổ bé họng mà "chân lý lại thuộc kẻ mạnh". Cho nên hãy tìm việc khác mà làm để nuôi vợ con. "Thành đổ đã có Chúa xây/ Việc gì gái góa lo ngày lo đêm?"...

Hồi đó, anh Hải gặp tôi như muốn thuyết phục tôi nghĩ cách giúp anh đi tìm chân lý. Nhiều khi anh đến tìm tôi, tôi biết nếu tiếp anh, có khi mất vài tiếng là chuyện thường nên cũng đành né gặp anh.

Một chút hy vọng đã đến với anh khi Trưởng ban Nội chính Trung ương là ông Nguyễn Bá Thanh đã chịu nghe anh trình bày và có những chỉ đạo một số cơ quan vào cuộc. Tiếc thay, một chút hy vọng le lói vừa hé ra thì lại vụt tắt khi ông Bá Thanh ra đi đột ngột...

Anh Đỗ Văn Hải lại kiên trì gõ cửa các cơ quan pháp luật và thượng cấp, tố cáo những hành vi tiêu cực của PVC và một lần nữa lại bị quy tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ" và bị bắt tạm giam. Sau gần 3 tháng nằm trong trại T16, anh được họ tha vì đã “ăn năn hối cải”. Có những lần, vì "ngồi lì" ở chốn kín cổng cao tường lâu quá, người ta dọa anh, nếu không ra ngoài sẽ cho bảo vệ vào bắt anh (trong đó có cả người nguyên là lãnh đạo cấp cao, là học trò của cha anh). Nghe mà thật não lòng...

Tai nạn nghề nghiệp trong cuộc đời làm báo của tôi đã khiến tôi có phần mệt mỏi và ít nhiều giảm sút lòng tin và nhiệt huyết trong đấu tranh chống tiêu cực trên mặt báo. Và đó là điều làm tôi thấy xấu hổ trước anh. Gần đây tôi cũng muốn gặp lại anh để hỏi han thêm tình hình bây giờ mà cũng không dám vì biết đâu, anh biết tôi đã nghỉ hưu rồi thì còn làm gì nữa mà đến. Ấy là chưa kể, anh sẽ mỉm cười nhìn tôi bằng con mắt khác rồi thầm nói: "Các nhà báo như anh hèn lắm! Từ chuyện của tôi, các anh đã sáng mắt ra chưa?".

Tôi thấy trân trọng anh, nể phục anh và quý anh hơn cũng chính là sau cái vụ Trịnh Xuân Thanh "phát lộ" khiến hầu như cả ban lãnh đạo PVC bị triệu tập lấy lời khai hoặc đã bị bắt tạm giam. Tôi thầm nghĩ, giá như từ lâu rồi mà các vị lãnh đạo cấp cao, các cơ quan pháp luật hồi ấy chịu tin anh, nghe anh trình bày thì đâu đến nỗi thế này.

Chỉ an ủi rằng, trong xã hội chúng ta hôm nay, vẫn luôn còn những con người tâm huyết với đất nước, nhân dân như anh.

Quốc Phong

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Trích TC "Gió bay về trời ":

H.G

..Mạng mất..
Điện thoại “ Không liên lạc được..”
Lại trò khỉ gì đây ?
Mình là công dân kỷ mới
mà sao lúng túng chuyện này ?
Chỉ biết nhắn cùng bạn hữu :
Hình như có chuyện không hay !
Tôi vẫn là tôi dẫu thế nào chăng nữa
và tôi tin :
Chắc chắn mai này
sẽ không còn chuyện đó :
Đang vui
khi đàn đứt dây !!
5.
Tìm một nơi tâm tình thật khó
nơi đến dễ dàng thì không duyên nợ,
nơi khó ra đi lại không tình ..
Vào rừng
nơi nhiều hoa
thiếu cỏ
nơi thừa cỏ
không hoa..
Bạt ngàn những dây cắc cớ
Chăng ngang khu rừng hanh khô
Những con suối từ lâu không chảy nữa
Những tảng đá đầu ông sư
phơ phếch rêu mầu..
Tốt nhất nên quay trở lại
tìm tiếng cười trên phố
tiếng mái chèo khua nhẹ bến sông
tiếng bé con gọi mẹ
hoặc chua chua như tiếng vợ hờn chồng..
Âm thanh
ồn ào
vô kể..
Tiếng tâm tình tôi đâu ?
“..Em nói với tôi:
- Em không thích chuyện buồn,
những chuyện buồn
quá đủ
Mỗi ngày em ra ngõ
Em thường gặp nỗi buồn đầu tiên
Và chẳng hay gì chuyện đó!
Em lại bảo:
-Thôi đừng than thở,
Trời gọi ai người ấy dạ thôi mà
thôi thì chuyện của người ta
vận vào mình làm chi cho khổ ?
Và chuyện trái ngang kia nữa..
Có gì đâu
chỉ là chuyện hàng ngày,
bình minh
và đêm tối
Chẳng qua “trong một mà hai”
Thiện ác song sinh từ thủa có loài người.
Có ích gì đâu
những nhiệt tình vô vọng ?
Sao không như tất thảy mọi người ?
Kể toàn chuyện vui
kể cả chuyện bông phèng nhảm nhí
có khi những ngôn từ vô vị
Lại giúp ta sống được dễ dàng?
Người ta chẳng cần ưu tư mà vẫn sống đàng hoàng
sao cứ hành hạ mình khốn khổ?
Hỏi vì sao
Chính tôi không biết nữa
Nhưng tôi từng nghe nói rằng:
“Đã cùng với nhân dân,
Thì thơ không thể khác”
Lời này đóng đinh vào ký ức
Làm thế nào để gỡ ra?
Em làm sao hiểu được?
Vậy thì thôi, ta nói qua chuyện khác:
- Chuyện nắng hồng,
mây mưa
chuyện giấc mơ..
Tôi đóng vai hoàng tử
dắt em đi trên cánh đồng tungbừng hoa nở
Kể cho em nghe chuyện xứ thiên đường..
Ở đấy ngọt ngào yêu thương
tị hiềm không còn nữa!
Em bằng lòng chưa em?..”
6.
 Một ngày tháng tư
Hôm nay một ngày xấu
trời hăm he màu chì
vài ba câu chuyện hão..
Đường người
người ta đi..
Đường lên dốc
xuống dốc
bụi che mờ bánh xe
Tháng ba qua rồi nhỉ?
Không nhớ hoa màu gì?
Mùa xuân chỉ chớp mắt
như là xuân chưa về!
Có cách gì giữ lại
cho một ngày em về ?
Có cách gì tránh được ?
ngày xấu trời
em đi !
7. Khái niệm
Thời gian là gánh nặng kinh người
Lại có lúc nhẹ như hơi thở..
Nhiều lúc vô tình ta không biết nữa :
Thời gian đang đi?
Hay là ta đang đi?
Anh chỉ biết nói với em
Đừng băn khoăn
Và đừng e sợ
Thời gian ở hay đi thường rất vô tình
Như nước chảy dưới sông
Như lá đậu trên cành
Và những chú chim cứ sáng ngày ra líu lo ca hát
Điệu gì chính chim không hề biết ?
( Hoặc là ta chẳng biết
nỗi vui buồn của chim )
Đi về đâu
Để làm gì ? Mới là điều cần thiết
Khi mặt trời ngang qua
mặt trăng ngang qua
niềm ước vọng ngang qua
cả niềm đau, thất vọng ghé thăm nhà.
Thời gian sẽ là vàng
hay cục đá trơ trơ
Là bất hạnh hay nguồn hạnh phúc
Mọi điều
ở nơi ta !
8.
Em rủ tôi lên núi..
- Núi có gì đâu em?
Những cây lớn hình như đã đổ
đâu như ngày nào lảnh lót tiếng chim
Bao con suối ngày nao trong vắt
giờ khát khô dưới cỏ im lìm
Em rủ tôi xuống biển..
- Biển có gì đâu em?
Những bãi tắm phần nhiều hôi hám
Chỉ lập loè ánh đèn người bắt nghêu đêm đêm
Và hình như biển mỗi ngày một chật
không đủ cho ta con sóng say mềm..
Ta biết đi đâu hè này em nhỉ?
Thành phố bụi chen, thôi đã đành rồi..
Về làng bây giờ làng không còn là làng nữa
Nửa tỉnh nửa quê
người cũ lạ ta rồi!
Thà ta ở yên tình ta còn đó
Nơi ta từng yêu từng say đắm một thời
Nếu đến rồi, em ơi anh sợ:
Bao cảnh bao tình không còn đến hôm nay
Ly rượu nhạt bên bờ sông lở
Anh mời em, thôi ta cạn chén này
Đi thêm buồn
Đi thêm làm chi nữa?
Mở chốn thiên đường trong lòng ta..
ta say !
9. Làm người
Biết tiến
biết lui
Ai chê daị
vâng dại
Ai khen khôn:
daị thôi!
Khôn dại
Phải đâu do người định đoạt
Biết ở trong lòng thế thôi!
Khôn dại thực ra không quan trọng
Chưa nên bằng nghĩa ở đời!
Không may sinh thời tao loạn
Loạn lương
Loạn giá
Loạn người..
Kẻ đáng xách giày ngất ngưởng
người ngoan chịu kiếp tôi đòi
Trách trời éo le chi nhỉ?
Chẳng qua thử người thế thôi!
Tu bao nhiêu đời hưởng phúc?
Lầm lỡ một giây lưu đày!
Không phiền ái, ố, hỉ, nộ..
Biết người biết mình mới hay!
Có kẻ mắng mình rằng: Kiến..
Nực cười chuyện kiến, chuyện voi..
Kiến voi..
chuyện chưa phân định
Cầm lòng vui lòng vậy thôi!!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Đường xa nghĩ nỗi đoạn trường .."

“Đời không có gì cho không!
Sống thì không được ăn không!” 
Nguyễn Trung        
Đấy là kết luận, đúng hơn có lẽ là lời răn cũ kỹ - giờ đây một lần nữa tôi lại phải tự rút ra cho mình trong mấy tuần nay căng mắt lên nhìn xem thế giới đang sang trang như thế nào. Thực ra cả đời tôi luôn cố sống theo lời răn này, thế mà cứ sau mỗi chặng đường, tôi lại phải gồng lên tự răn mình quyết liệt như thế.  
         Quả là vậy: Nhận không của đời cái gì, nếu không chịu ân thì cũng phải mang oán, và mình thì chẳng bao giờ nên người. Còn sống mà lại ăn không trên đời này thì sao thành người? bởi vì chung quy mình chỉ có hai cách: Nếu không đi ăn cướp được, thì phải đi ăn mày. Hệ luỵ của mấy chữ “cho không”, “ăn không” này luôn luôn là vô tận, với mọi niềm đau hay nỗi nhục bất tận! 
         Quan sát mấy tuần nay thế giới đang sang trang, tôi càng nghĩ thế – với con mắt và ý thức được nước mình là một quốc gia đang bị cuốn hút không cưỡng lại được vào bàn cờ mới trên thế giới hôm nay – như tôi đã viết ra trong bài 1 và bài 3 bàn về hiện tượng Trump[i], với nhiều liên tưởng đến nước ta.

         Cả thế giới chứng kiến: Hậu đế chế Nga của Putin đối nội & đối ngoại vốn nhiều năm nay bận rộn lật đật như bị ong đốt khắp người – (nhất là từ sau vụ Krym/Ukraina). Nhưng với chiến thắng Aleppo ở Syrie – gần như bảo tồn được chính quyền Assad và củng cố vị thế chiến lược của mình tại Trung Đông, cùng với thành công được thừa nhận trong chiến tranh cyber can thiệp vào bầu cử ở Mỹ, nước Nga hôm nay đang nổi lên như một người hùng!

-      Người thì coi thắng cử của Trump như một cú đảo chính ngoạn mục, do Nga thực hiện được ở Mỹ nhờ cyber hacks… Qua vụ này nước Mỹ biến thành đồng minh dưới trướng Nga (subordinate ally to Russia - Scott Gilmore - December 12, 2016)...
-      Kẻ cho rằng: Nga đang dần dần lấy lại được vị thế đã mất của Liên Xô cũ trước khi sụp đổ (The Atlantic)… … Quan hệ Nga – Nhật mấy tuần nay cũng đang ấm lên do những thoả thuận quan trọng vừa đạt được giữa Putin và Abe…
Mới đây nhất, việc Trump chọn Rex Tillerson – CEO của ExxonMobil làm ngoại trưởng, người đang làm ăn lớn với Nga và được coi là có mối quan hệ thân thiện với Putin, càng làm cho Nga đắt giá, mặc dù lúc này EU vẫn quyết định duy trì các biện pháp cấm vận trừng phạt Nga... Hiển nhiên trong thế giới sang trang hôm nay, ngoài hiện tượng Trump, đang xuất hiện hiện tượng Nga!
         Trong khi đó, mấy tuần nay vào những lúc có dịp, Trump tiếp tục nhắc lại những gì ông ta đã nói suốt thời gian tranh cử về Trung Quốc. Đại ý: Trung Quốc làm ăn không fair, gây nhiều thiệt hại cho Mỹ, nhất thiết phải đặt lại vấn đề… Trump nhấn mạnh ông ta biết chính sách một Trung Quốc, nhưng lại đặt câu hỏi: tại sao cứ phải trói Mỹ vào vấn đề này?..  Cái mới bổ sung thêm là Trump còn trách Trung Quốc chưa làm hết trách nhiệm của mình trong vấn đề vũ khí A của Bắc Triều Tiên… Báo chí Mỹ còn đưa tin: Đã có lúc Trump nghĩ có thể nói chuyện với Kim Jong Un; ông ta cũng đặt ra câu hỏi tại sao không?.. Ngoài phản ứng cao nhất ngay tức khắc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc chào hỏi điện thoại Donald Trump – Thái Anh Văn, đến nay chính giới Trung Quốc giữ thái độ kiềm chế. Song ngôn ngữ báo chí Trung Quốc rực lửa: Trump là đứa con nít ngu ngốc! Chính sách một Trung Quốc là hòn đá tảng trong quan hệ Trung – Mỹ, nếu đụng vào Trung Quốc sẽ dùng vũ lực chiếm Đài Loan… Trong khi đó đồng Nhân dân tệ đang có những rối loạn mới (liên tục mất giá, tình trạng vốn chạy trốn ra nước ngoài gia tăng, dự trữ ngoại tệ tiếp tục giảm hàng tháng…). Đồng thời dự luận thế giới đang rất quan tâm việc Trung Quốc tăng cường o bế Malaysia, bắt đầu có hiện tượng nắn gân Singapore… Trong khi đó Rodrrigo Duterte của Philippines cũng bắt đầu phải nói nhiều hơn về chủ quyền quốc gia của mình…
         Cho đến nay, vẫn chưa thể phán đoán được rõ ràng tổng thống nhậm chức Donald Trump sau 20-01-2017 sẽ làm gì? Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong hai tuần lễ vừa qua phải chăng cho thấy: Về đối nội Trump sẽ ưu tiên trong phạm vi có thể cho tháo gỡ vấn đề việc làm (theo cách reshoring) và vấn đề nhập cư trái phép; về đối ngoại Trump muốn xây dựng mối quan hệ mới với Nga, có lẽ để có thể tập trung hơn sức lực trong xử lý những vấn đề liên quan đến Trung Quốc (?). Nói cách khác: Trump đang thăm dò và đang từng bước xắp xếp lại bàn cờ thế giới theo tính toán mới của mình; Anh, Đức và rõ nhất là Nhật cũng đang chuyển động theo hướng của Trump. Trong khi đó Trung Quốc ngoài sự giận giữ đã biểu lộ, cũng đang tính những nước cờ riêng của mình – giữa lúc này “một vành đai, một con đường” (“one belt – one road”) và AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank) chưa tạo ra được sự hấp dẫn mong muốn. Riêng Nga, sau chiến thắng Allepo, đang ra sức phát huy lợi thế mới của mình ở phạm vi toàn cầu – giữa lúc nạn di dân từ Bắc Phi vào châu Âu và ISIS tiếp tục gây những căng thẳng mới, thế giới văn minh đang có những bước thoái trào trước thế giới đầu trộm đuôi cướp!..      

Toàn bộ bức tranh nêu trên cho thấy thế giới đang tiếp tục thay đổi quyết liệt – như một cơn sóng thần đang kéo dài nhiều đợt, và hầu như ít nước nào dám khoanh tay đứng yên.
Bức tranh cũng làm rõ: Thế giới sang trang là một thực tế khách quan, đòi hỏi mỗi nước hoặc thích nghi được và tham gia cuộc chơi, hoặc chịu đổ vỡ trước mọi sức ép. Không có sự lựa chọn thứ ba.
Trong khi tôi viết những dòng này, hàng vạn trẻ em và người lớn đang thê thảm tìm cách di cư ra khỏi Alleppo đẫm máu – một nơi được văn minh Trung Đông xây dựng ba bốn nghìn năm, để hôm nay bị huỷ diệt trong vòng vài năm!.. Báo chí thế giới cho rằng: Đây là chỉ một cuộc di cư từ một vùng chiến này sang một vùng chiến khác… Chừng nào các cường quốc và những nước hữu quan tại chỗ không đi tới một thoả thuận chung vãn hồi được hoà bình, cái chảo lửa ở đây ngày đêm sẽ còn tiếp tục huỷ diệt vô vàn sinh linh. Rồi đây lịch sử sẽ lên án cuộc chiến tranh tàn khốc này, lên án sự bất lực của cộng đồng thế giới trước tội ác chống nhân loại này!..
         Tôi không có thời gian và sự kiên nhẫn để chờ xem rồi đây lịch sử sẽ lên án như thế nào. Nhưng nhìn xem cảnh thê lương trên YouTube đang diễn ra ở Aleppo, tôi oặn đau nhớ lại những chặng đường đất nước ta đã đi qua trong suốt bẩy thập kỷ vừa qua. Ruột gan bỗng như bị xé ra! Tôi hiểu sâu sắc: Cái gì phía trước đang chờ đợi nước ta vào lúc thế giới đang sang trang này! Đất nước ta phải làm gì để thích nghi được, để sống sót với tính cách là kẻ cùng tham gia cuộc chơi mới? Hay là đành chịu vùi dập tàn tệ trong cơn sóng thần mới này?
         Tôi càng hiểu ra:

-      Đời không có gì cho không!
-      Sống thì không được ăn không!
Mong lắm sao nỗi lo này được chia sẻ với mọi người!

Hà Nội, hạ tuần tháng 12-2016

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lập gia đình và nửa tập thơ đầu tiên ( Xuân Quỳnh, phác thảo một tiểu sử, chương V)

VTN

Năm 1963, như Đông Mai đã viết trong hồi ký Xuân Quỳnh một nửa cuộc đời tôi, quả là năm có những sự kiện quan trọng đáng nhớ trong cuộc đời Quỳnh: tập thơ đầu tay và đám cưới. Hai sự kiện này xảy ra gần như đồng thời và liên đới chặt chẽ với nhau.
Cẩm Lai là người đã được nhắc nhở nhiều trong kháng chiến chống Pháp, với bài thơ Tơ tằm được phổ nhạc và khắc sâu trong tâm khảm nhiều người.
Khi lớp học Quảng Bá khai mạc Cẩm Lai (cũng như Bích Thuận, Nguyệt Tú) được chọn về học, nhân đó, Cẩm Lai hoàn chỉnh thêm một số bài khác, làm nên tập Tơ tằm.
Để đánh dấu thời gian theo học của Xuân Quỳnh ở Quảng Bá, nhà xuất bản Văn học in cho Quỳnh một số bài, làm nên tậpChồi biếc.
Nhìn theo con mắt ngày hôm nay, có thể thấy hơi trái khoáy: Giữa Tơ tằm và Chồi biếc gần như không có liên hệ gì, sao không tách ra, làm hai tập riêng?
Song thực tình là lúc ấy, cả hai người, Cẩm Lai và Xuân Quỳnh đều chưa có đủ những bài tương đối khá, để ra tập riêng.
 Vả chăng, trong hoàn cảnh việc in thơ hoàn toàn theo chế độ bao cấp -- việc in cho một người cả tập thơ hay nửa tập thơ, cũng đã là một sự định giá của giới chuyên môn về nhà thơ đó.
Xét về tuổi tác, Xuân Quỳnh là tác giả trẻ số một được in nửa tập sớm nhất ( tới 1968 Vũ Quần Phương in chung với Văn Thảo Nguyên, Lưu Quang Vũ in chung với Bằng Việt)
Tổng cộng 39 trang, Chồi biếc gói gọn lại trong 18 bài, phần nhiều  là các bài  Xuân Quỳnh đã viết trong các lần theo đoàn văn công đi biểu diễn ở nơi xa.
Trước khi trích dẫn 4 câu:
Hạt muối mang theo vị đậm đà của biển
Mai, giữa Phần Lan em mang bóng dáng quê ta
Ôi những con đường từ bùn đen đứng dậy
Tung cánh bốn phương trời bay bổng lời ca.
Vân Long đã viết rằng “câu thơ Quỳnh lúc đó lốp xốp những khái niệm“, và nói rõ những bài thơ này “ phần lớn chỉ để dán bích báo của đoàn (văn công)”.
Nhưng cũng có mấy bài hé ra một số chi tiết liên quan đến cuộc đời riêng của Xuân Quỳnh, trong đó có bài thơ tình thuộc loại hay của tác giả, và sẽ vĩnh viễn gắn với tên Xuân Quỳnh như bàiThuyền và biển.
Để hiểu  loại sau này, không thể không trở lại với cuộc đời tình cảm riêng tư của tác giả.
Đến với đoàn văn công đầu năm 1955, Xuân Quỳnh sẽ ở với đoàn cho tới 1962. Đây là thời gian từ một thiếu nữ mới lớn tuổi 15, - tuổi mực tím như cách nói những năm chín mươi -- Quỳnh sẽ chuyển sang tuổi thanh nữ chín đầy, tuổi hai mươi hai.
Lẽ tự nhiên là đây cũng là thời gian trưởng thành của Xuân Quỳnh về phương diện tình cảm.
Có lần, trong câu chuyện với người viết cuốn sách này, vào khoảng những năm 1969 - 70, Xuân Quỳnh bảo:
    --- Thế này mới biết mình già này: Hồi đang ở văn công, tôi có yêu một ông, sau hai người phải chia tay. Tôi đau đớn quá, lúc nào cũng nghĩ đến mối tình vừa trải qua, đến mức đầu óc lúc nào cũng ong ong, không nghĩ được chuyện gì khác. Mỗi đêm chỉ ngủ có hai tiếng. Bây giờ thì khó yêu ai được như thế nữa.
    Câu chuyện dừng lại ở đấy, và tôi cũng không có dịp hỏi thêm nữa song thường vẫn nhớ mỗi  khi cần phải điểm lại những ngô nghê của mình cũng như của bè bạn thuở trẻ.
     Quan sát  Xuân Quỳnh lúc đã trưởng thành, tôi nhận ra một sự thực là có mối liên hệ trực tiếp giữa thơ Quỳnh và đời Quỳnh. Gặp chuyện gì gây xúc động, con người này phải tìm cách ghi bằng được dấu ấn của nó trong lòng mình bằng thơ. Nói cách khác, Quỳnh đã làm thơ cho mình trước khi mang nó đến với mọi người. Qua theo dõi từng bài thơ của Quỳnh - dĩ nhiên là chỉ những bài quan trọng -, người ta có thể lần ra rồi dựng lại tiểu sử nhà thơ.
Nhưng trong trường hợp này -- những năm Xuân Quỳnh mới đến với thơ -- các bằng  chứng thi ca đó hoàn toàn vắng thiếu.
Mọi cánh cửa đều đã khép lại.
Vậy chúng ta hãy tạm bằng lòng với câu  chuyện giữa Quỳnh với Tuấn, người chồng  chính thức đầu tiên.
Như Đông Mai đã nhận xét, Tuấn là một thanh niên đẹp trai song tính tình hoàn toàn trái ngược với Quỳnh. Quỳnh vui nhộn trong khi Tuấn lặng lẽ ít nói. Quỳnh thích một cuộc sống tự nhiên phóng túng trong khi Tuấn còn câu nệ theo nếp sống của các gia đình trung lưu thời ấy. Được cái Tuấn đối với Quỳnh bằng tất cả tấm tình chân thật. Người con gái sớm thấy rõ những nhược điểm của Tuấn: “Anh ấy chỉ là những động tác cơ bản đẹp chứ chưa thành điệu múa, chỉ là một bát phở ngon không có gia vị, chỉ là một cốt truyện hay chưa được viết thành văn...”.
 Đằng sau lối diễn tả hình ảnh mù mờ và không chắc đã chính xác, những dòng thư gửi chị mai này chỉ  cho thấy: Xuân Quỳnh cảm thấy ở Tuấn còn thiếu một cái gì mà mình mong muốn, còn chưa có những phẩm chất để Quỳnh mê mệt.
Nhưng chết nỗi Quỳnh là một người tự tin, tự tin cả trong công việc, lẫn trong tình yêu. Yêu người khác mình, vì mong người đó bổ sung cho mình.
Yêu người còn nghèo, còn đơn giản vì tin khả năng làm cho người đó trở nên giàu có, trở nên phong phú sinh động như mình mong mỏi.
 Thậm chí, có lúc yêu cả người mà Quỳnh cảm thấy chưa tốt, vì tin rằng mình sẽ có khả năng cảm hoá, làm cho người đó cao đẹp, sang trọng hơn.
Lòng tin đó, sẽ theo suốt Xuân Quỳnh trong những tình yêu về sau.
Lúc này đây, ở những bước đường đầu tiên trong đời, lòng tin ấy của Quỳnh clà yếu tố chi phối tất cả. Bởi vậy, sau khi nói với chị Đông Mai , mà cũng tự nhủ, rằng anh ấy (Tuấn) “tốt, rất tốt”, Quỳnh quyết định trao thân gửi phận cho Tuấn (*)
 Theo cách diễn giải của Đông Mai, Quỳnh hy vọng rằng với tình yêu của mình “động tác đẹp sẽ thành điệu múa, bát phở ngon sẽ có gia vị, cốt truyện hay sẽ được viết thành văn”.
Khi lòng Quỳnh đã quyết vậy, thì thơ Quỳnh cũng hướng cả về với Tuấn.
Bài thơ Ghét không phải loại thơ hay ở Xuân Quỳnh. Được cái, nó có giọng kể hồn nhiên và khá nhiều những chi tiết liên quan đến đôi bạn trẻ. Nhân vật chính ở đây cùng một anh kéo đàn và một cô ở đội múa. Hai bên lúc đầu xung khắc, vì chưa hiểu nhau.
 Song dần dần, trong công việc họ nhận ra vẻ đẹp của nhau, và lại đến với nhau một cách hồn hậu. Nhà thơ kết luận:
Ai biết đâu chữ ghét 
Là nhịp cầu nối duyên
Đây cũng là thứ nghịch lý được nhiều bạn trẻ xác nhận.
Chung quanh bài thơ Chồi biếc có một chuyện vui vui. Khi báo in ra, Xuân Quỳnh đến phân trần với Ngô Văn Phú:
- Anh Phú ơi, bài của tôi in rồi đấy. Nhưng ghét quá, đầu đề họ lại in sai là Trời biếc. Cải lương chế thì còn ra quái gì nữa!
- Thế Quỳnh viết Chồi  tr hay ch?
- Tôi viết là Trồi biếc.
- Thế thì họ in sai là phải. Nếu viết đúng là Chồi, người ta không in sai được.
Xuân Quỳnh im lặng không nói gì. Câu chuyện về những sơ xuất như thế này khá phổ biến trong giới, có điều, nó cũng tố cáo rằng Quỳnh phạm những “phốt” rất căn bản.
Tuy nhiên, nội dung chính bài Chồi biếc thì có phần sâu sắc hơn bài Ghét nói trên. Ta gặp ở đây một mô-típ của thơ tình Xuân Quỳnh: đôi ta cũng chỉ là một trong muôn ngàn cuộc tình ở đời này. Rồi cũng có lúc, chúng ta không còn trên mặt đất nữa. Nhưng lúc ấy, lại có những đôi khác:
Và rồi mai sau
Trên đường này nhỉ
Những đôi tri kỷ
Sóng bước qua đây
Lá vàng vẫn bay
Chồi non lại biếc.
Mô-típ này, chúng ta sẽ còn gặp trong phần cuối bài thơ dàiNhững năm tháng không yên  hoặc bài Không đề , cả hai in trong Tự hát 1984, bài Thơ tình cho bạn trẻ, in trong Hoa cỏ may, 1989.
Đây là một đoạn trong Thơ tình cho bạn trẻ:

Vẫn con đường, vạt cỏ tuổi mười lăm
Mặt hồ rộng, gió đùa qua kẽ lá
Lời tình tự trăm lần trên ghế đá
Biết lời nào giả dối với lời yêu

Tôi đã qua biết mấy buổi chiều
Bao hồi hộp lo âu và hạnh phúc
......
......
Người mới đến những nơi tôi từng đến
Lại  con đường vạt cỏ tuổi mười lăm
Lại hàng cây nghe tiếng thì thầm
Lời thành thật, dối lừa trên ghế đá

Nào hạnh phúc, nào là đổ vỡ 
Tôi thấy lòng lo sợ không đâu
Muốn giãi bày cùng ai đó đôi câu
Về tất cả những gì rồi sẽ trải
Mong rút ngắn dặm đường xa ngái
Để cho người tới đích bớt gian truân
Bao khổ đau sung sướng đời mình
Xin tặng bạn làm bước thang hạnh phúc
Nhưng tôi biết chẳng giúp gì ai được
Những vui buồn muôn thuở đi qua

Khoảng cách giữa hai bài thơ là 27 năm.
Sự liên tục giữa hai bài thơ - một sự liên tục song lại có phát triển -- cho thấy sự nhất quán của hồn thơ Xuân Quỳnh trước và sau.
Cũng có thể nhận ra sự nhất quán tương tự khi ta so sánh bàiCon tàu in trong Chồi biếc với nhiều bài thơ sau của Xuân Quỳnh. Con tàu bắt nguồn từ cảm hứng về sự giao hoà giữa những người yêu ở những phương trời xa cách nhau. Và bài thơ kết ở hai khổ cuối:
Tàu sẽ dừng ga cuối
Xin đừng vội ra đi
Cho phút giây gặp gỡ
Đỡ  lo giờ cách chia

Em khác chi con tàu
Nay đây rồi mai đó
Nên cả lúc gần anh
Mà lòng em vẫn nhớ
Mô-típ lo sợ, lo về sự chia ly ngay trong gặp gỡ, cũng như mô-típcả lúc gần nhau vẫn nhớ, sẽ còn trở lại trong nhiều bài thơ khác của tác giả.
Sau hết thành tựu đáng gọi là đỉnh cao của Chồi biếc, phải kể làThuyền và biển.
 Được viết có lẽ là trong chuyến Xuân Quỳnh ra đảo Cô Tô, bài thơ này cũng là một bài thơ tình đặc sệt chất Xuân Quỳnh: tình không bao giờ thoả mãn, tình rất sợ cách xa. Sau khúc dạo đầu hiền lành (Từ ngày nào chẳng biết - Thuyền nghe lời biển khơi - Cánh hải âu sóng biếc - Đưa thuyền đi muôn nơi) và một vài đưa đẩy khác, là đoạn định nghĩa về tình yêu.
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mang nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu
(Không phải ngẫu nhiên, trong bản nhạc phổ thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đưa đoạn này vào ngay phần đầu)
Cao trào của bài thơ là ở tám câu cuối:
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
Thơ tình Xuân Quỳnh là thơ tình của những kẻ không chấp nhận bất cứ sự xa cách này, ngược lại lúc nào cũng muốn kề cận “như chim liền cánh, như cây liền cành”.
Vì vậy, chỉ mới không gặp nhau một ngày mà đã bạc đầu thương nhớ, lòng đau rạn vỡ, và nếu từ giã nhau, thì sóng gió nổi lên. Điều thú vị cần nhớ đây không phải lời người con trai, mà lời tuyên bố của người con gái. Để nói hết sự giận dữ (= tình yêu) ấy, người con gái cảm thấy hình ảnh biển chỉ còn sóng gió chưa đủ, mà phải nhấn thêm hai câu cuối cùng: Nếu phải cách xa anh - Em chỉ còn bão tố.
 Không cường điệu một chút nào cả, bão tố là chuyện có thật trong đời Quỳnh, dù chỉ là bão tố trên những mảnh vườn hẹp.
--------

(*) Đầu 1968, khi tôi mới về Văn nghệ quân đội, người chuyên môn lo việc trình bày tạp chí  là  anh Hà Trì đã vui miệng kể với tôi chính đám cưới Quỳnh là do Quỳnh lo liệu, chứ không phải Tuấn. Một người bạn thân của Quỳnh, biết Quỳnh từ khi mới lập gia đình lần đầu còn nói rõ hơn chỗ khác căn bản của Quỳnh với Tuấn là ở cách sống lối sống. Tuấn kỹ càng chỉn chu rất có trách nhiệm với gia đình , nhưng theo một kiểu hơi cũ. Khi còn chưa lấy nhau có lần, Tuấn rủ Xuân Quỳnh đi xem phim, nhưng tới nơi, thì đã thấy cả bà cụ đẻ ra Tuấn. Và Tuấn xếp đặt để bà ngồi giữa, Quỳnh và Tuấn ngồi hai bên. Nhưng ở Tuấn lại thiếu sự  hào phóng rộng mở về tâm hồn. Tuấn không thể hiểu nổi những nóng lạnh bất thường trong con người Quỳnh. Trong khi Quỳnh quá tự tin ở cái ý tưởng có thể làm cho Tuấn thay đổi  thì càng ngày Tuấn chỉ càng bộ lộ sức ỳ của mình. Chính sự kéo dài không cần thiết của cuộc hôn nhân này lại đã làm hỏng đời Quỳnh. Khi một nỗi khao khát quá lớn không thể thực hiện  nó sẽ là  nguồn gốc của sự phá phách về sau, mà Quỳnh thì trước sau vẫn tự tin ở sức cải hóa đối tượng bằng tình yêu và sự hy sinh vô bờ của minh, đến nỗi trở thành nạn nhân của chính mình mà không hay biết và không bao giờ công nhận (Ghi thêm 12-2016)

Phần nhận xét hiển thị trên trang