Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Cựu Chủ tịch tỉnh mở quán nhậu 15 tỷ đồng cho nữ phó phòng


Sau khi lùm xùm chuyện nữ phó phòng đập xe của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Trần Khiêu, ông Khiêu khẳng định hai người không có tình cảm. Nghỉ hưu xong, ông và nữ phó phòng cùng nhau mở quán nhậu 15 tỷ đồng ở Vĩnh Long...

Năm 2013, dư luận miền Tây “dậy sóng” trước việc nữ phó phòng T.H.L (Phó phòng Quản lý doanh nghiệp - Lao động thuộc Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh) chạy xe vào trụ sở UBND tỉnh Trà Vinh đập xe ông Trần Khiêu - Chủ tịch UBND tỉnh này. Câu chuyện không chỉ xôn xao trong năm 2013 mà còn kéo dài qua 2014 khi nữ phó phòng liên tục tố cáo một số cán bộ cấp trên có tiêu cực.


Ông Trần Khiêu bên công trình đứng tên bà T.H.L
Theo báo cáo của Công an phường 1, thành phố Trà Vinh, khoảng 22 giờ 10 phút ngày 7/1/2013, T.H.L chạy xe Honda SH thẳng vào trụ sở UBND tỉnh. Bà không chấp hành hiệu lệnh yêu cầu dừng xe của lực lượng cảnh sát bảo vệ, sau đó dùng gạch đập kính chiếc ô tô biển xanh 84E-0727 là phương tiện công vụ của ông Trần Khiêu - Chủ tịch UBND tỉnh. Khi lực lượng làm nhiệm vụ đến can ngăn không cho đập phá ô tô, bà L đã dùng gạch đánh lại, làm một chiến sĩ bị thương.
Tiếp đó, bà L lên phòng làm việc của ông Khiêu ở lầu 1, rồi dùng gạch đập vào cửa phòng. Khi lực lượng cảnh sát bảo vệ can ngăn, bà L đã lớn tiếng đe dọa, chửi bới, thóa mạ với những lời lẽ thô tục. Mãi đến 23 giờ 15, bà này mới bỏ về nhưng không chấp hành yêu cầu của Công an phường 1 là về làm việc tại trụ sở. Ngày 8/1, Công an phường 1 đã 2 lần gửi giấy triệu bà L lên làm việc nhưng bà vẫn không chấp hành và cũng chẳng thông báo lý do vắng mặt.
Sau khi sự việc xảy ra, ngày 22/2, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh đã ra quyết định khai trừ bà L ra khỏi Đảng vì những sai phạm trên. Ngoài ra, Đảng ủy khối cũng yêu cầu cơ quan nơi bà L công tác tiến hành buộc thôi việc đối với bà.

Ông Trần Khiêu và bà THL bên công trình đang xây dựng.
Ông Trần Khiêu và bà THL bên công trình đang xây dựng.
Báo chí vào cuộc, ông Trần Khiêu khẳng định, giữa ông và bà T.H.L hoàn toàn trong sáng, chỉ là anh em bình thường, không vượt giới hạn như dư luận đồn đoán. Chuyện bà T.H.L đập xe ông, hay chuyện bà đến nhà ông “quậy” vào ban đêm chỉ là do những chuyện hiểu lầm. Đến tháng 7/2013, ông Trần Khiêu có đơn xin nghỉ hưu sớm vì lý do lớn tuổi, sức khỏe yếu, mất sức lao động.
Ông Khiêu phủ nhận mối quan hệ với bà T.H.L và sự việc cũng chìm vào quên lãng. Vài tháng nay, người dân thành phố Vĩnh Long lại xôn xao khi thấy ông Khiêu thường xuyên chở bà T.H.L đến một công trình xây dựng quán nhậu rất lớn ở Vĩnh Long. Địa điểm này trước đây là Hội quán Bia Sài Gòn, được hai người mua lại và đầu tư mới.
Bà T.H.L cho biết, miếng đất này bà mua hơn 8 tỷ đồng, xây cái nhà phía trước hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, bà cho xây dựng phòng ốc mở nhà hàng, tổng giá trị toàn bộ công trình khoảng 15 tỷ đồng.
Ông Trần Khiêu cho biết, ngoài quán nhậu đang xây dựng, ông và bà T.H.L còn có một nhà hàng ở huyện Duyên Hải (Trà Vinh) và một công ty chuyên đấu giá tài sản. Theo lời ông Khiêu, những tài sản này bà T.H.L đứng tên nhưng cũng là của ông, vì ông là người đứng sau. “Mày thấy báo chí đăng không? Mày đăng đi... Nhầm mẹ gì. L nóng tánh. Tánh bây giờ vẫn nóng” - ông Trần Khiêu nói.
Ông Trần Trí Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết, ông Trần Khiêu đã chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú, không còn sinh hoạt đảng ở cơ quan cũ.
Theo Hữu Danh
Dân Việt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

kiến trúc hùng vĩ kỳ quái bị lãng quên của trường nghệ thuật quốc gia cuba


 
♦ Chuyển ngữ: 

150528_EYE_2.jpg.CROP.original-original[1]
Trường dạy vũ ba lê thuộc Viện Nghệ Thuật Quốc Gia Cuba, ngày nay được biết đến với tên gọi “Instituto Superior de Arte” (mọi hình ảnh – nếu không mang ghi chú khác – đều được cung cấp bởi Dorothea Trufelman)
Lời Giới Thiệu của tạp chí Slate: Kênh phát thanh internet “99% Invisible” của ký giả Roman Mars khai phá những vấn đề thiết kế lớn và nhỏ, từ “Sự quyến rũ của lõi thép gia cường” đến “Lịch sử máy đánh bạc,” rồi đến “Âm mưu loại trừ xe điện Red Car trong thành phố Los Angeles”. Ở đây, tại trang thiết kế “The Eye” của tạp chí Slate, chúng tôi đăng xen kẽ những podcast mới từ kênh phát thanh cùng những trích dẫn song song từ blog “99% Invisible” của ký giả Mars, kèm theo những hình ảnh bổ sung cho mỗi bài.
Đề tài tuần này – về Trường nghệ thuật Quốc gia Cuba, ngày nay được biết đến với tên gọi “Instituto Superior de Arte” có thể được thưởng thức qua podcast dưới đây,
hoặc có thể tiếp tục đọc qua text để tìm hiểu thêm:
Vào ngày 03/01/1961, Che Guevara gợi ý với Fidel Castro là họ sẽ chơi một hiệp đánh gôn. Vào thời điểm đó, họ lái xe đến một câu lạc bộ thể thao ngoài trời sang trọng và ưu tú nhất ở Havana. Nơi đó vắng tanh – hầu hết mọi thành viên đã bỏ trốn trong biến cố chính trị – Castro và Guevara vui vẻ nhẩn nha trên đồng cỏ xanh mướt trong lúc phó nhòm của chính quyền chụp những bức ảnh quảng cáo cho cách mạng. Trong khi chơi, họ nhận ra rằng bãi đất của câu lạc bộ thể thao thật hùng vĩ, đẹp mắt, và họ biết họ cần phải làm điều gì với miếng đất này. Từ nơi đó, với gậy đánh gôn trong tay, họ quyết định sẽ xây dựng một ngôi trường nghệ thuật. Theo một số tường thuật thì đó là sáng kiến của Castro, một số khác thì cho rằng là sáng kiến của Guevara. Dù trường hợp nào thì một trong hai người cũng đã thảo luận với người kia khuynh hướng của mình về một trường nghệ thuật quốc tế. Havana rồi sẽ thu hút sinh viên trên khắp thế giới, một thế giới đang phát triển và mang đến cho họ sự đào tạo nghệ thuật chất lượng bậc nhất, hoàn toàn miễn phí.150528_EYE_1.jpg.CROP.original-original[1]
Trung tâm sân khấu của trường dạy múa ba lê sau thành khu biểu diễn của trường dạy xiếc Nga
Một viễn ảnh đẹp cho một quang cảnh đẹp cần một công trình kiến trúc đẹp. Kiến trúc sư trẻ người Cuba, Ricardo Porro, được thông báo ông chỉ có vỏn vẹn hai tháng để hoàn tất thiết kế cho toàn bộ khuôn viên trường: năm tòa nhà riêng biệt dành cho ba lê, khiêu vũ hiện đại, mỹ thuật, âm nhạc, và kịch nghệ. Porro biết rõ ông sẽ cần yểm trợ, do đó đã tuyển mộ hai người bạn là hai kiến trúc sư người Ý, Vittorio Garatti và Roberto Gottardi. Bên cạnh áp lực thời gian, lệnh cấm vận thương mại khiến cho việc nhập khẩu bê tông và cốt thép trở nên cực kỳ đắt đỏ. Ba kiến trúc sư phải tận dụng những vật liệu có sẵn trong nước bằng cách tiến hành công trình xây cất với gạch địa phương và ngói chế tạo từ đất nung. Với ngói bằng đất nung, Porro, Garatti, và Gottardi quyết định xây dựng ngôi trường theo kiến trúc mái vòm kiểu Catalan –  cấu trúc bởi nhiều lớp ngói tiêu biểu ở vùng tự trị Catalonia, đặc biệt trong những tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Gaudi tại thủ phủ Barcelona. Với sự thống nhất về nguyên liệu gạch và phong cách kiến trúc Catalan, ba kiến trúc sư bắt đầu dựng lên các thiết kế riêng biệt ở khu vực viền quanh sân gôn. Mỗi ngôi trường sử dụng mái vòm với cách thức hoàn toàn khác nhau, các nóc nhà uốn cong giống như đang gợn sóng, nhảy múa, xoắn lại, rồi duỗi dài thành mái hiên và sân trong.
150528_EYE_6.jpg.CROP.original-original[1]
Trường múa hiện đại, thiết kế bởi Richardo Porro
Đằng sau vẻ đẹp của các trường nghệ thuật, mỗi ngôi trường đều bao hàm một nét đặc thù, thể hiện rõ rệt qua biểu tượng. Ý tưởng này được diễn tả thành công nhất qua ngôi trường mỹ thuật của Porro (hay còn được gọi là “nghệ thuật tạo hình” ở Cuba) như một tòa nhà sẽ nuôi dưỡng nghệ thuật và nghệ sĩ, giúp khơi dậy một truyền thống thẩm mỹ đặc sắc của Cuba trong thời hậu cách mạng. Ngôi trường này chính là nơi sẽ khai hoa. Như Porro chia sẻ: “Tôi muốn thể hiện ngôi trường của nghệ thuật tạo hình trong hình ảnh nữ thần sinh sản. Vì thế, tôi thiết kế rất nhiều nhũ hoa trên mái vòm.” Ở hành lang có mái hiên, Porro đặt một hồ phun nước được chạm trổ hình quả đu đủ, loại quả mang ý nghĩa tính dục ở Cuba. Một số quan chức cao cấp cho rằng hồ phun nước này xúc phạm đến công chúng nên cuối cùng hồ phun nước bị ngắt điện. Ngoài sự khêu gợi về tính dục, tòa nhà mỹ thuật của Porro cũng là một bình luận về quá khứ và tương lai của Cuba. Khi bạn đi vòng trên hành lang uốn cong của ngôi trường, bạn không thể thấy nơi bạn đã đi qua hay nơi bạn sẽ tới. Sự mất thời gian và phương hướng là một ẩn dụ về giai đoạn phát triển mới của Cuba. Tòa nhà là hiện thân của sự phấn khích lẫn lo sợ trong cuộc cách mạng mới này.
150528_EYE_5.jpg.CROP.original-original[1]
Trường múa ba-lê
Nếu tinh thần cách mạng chính là động lực thúc đẩy quá trình thiết kế, thì nó cũng là động lực cho quá trình thi công xây dựng. Thi công kiến trúc mái vòm Catalan cần rất nhiều nhân công, vì thế có rất nhiều nhóm công nhân trẻ người Cuba ở trên sân gôn, tất cả đều đóng góp công sức vào xây dựng ngôi trường để thế hệ con cháu của họ có thể đi học sau này. Lợp từng viên ngói, họ tự xây dựng nên tương lai cho chính họ. Công trình này lý thú đến mức những ngôi trường được mở cửa ngay khi vẫn còn đang được kiến thiết. Sinh viên sử dụng phòng họp và phòng khiêu vũ của câu lạc bộ thể thao ngoài trời, cũng như những bãi đất trống khác. Nữ diễn viên múa ba lê xoay tròn trên thảm cỏ xanh, họa sĩ căng vải dầu trong bóng râm, nghệ sĩ vĩ cầm thì luyện tập trong cánh rừng. Sinh viên mang thức uống và đồ ăn cho công nhân xây dựng và chơi trống để vực dậy tinh thần của họ. Đây là cả một sứ mệnh tuyệt đẹp và diệu kỳ  – cho đến lúc nó không còn như vậy. Sau cuộc xâm lược “Vịnh Con Lợn” và khủng hoảng tên lửa Cuba, ngân sách quốc gia bắt đầu ưu tiên để phòng thủ hơn là dành cho phát triển. Đột ngột, ngôi trường gặp vấn đề về tài chính.
150528_EYE_3.jpg.CROP.original-original[1]
Trường múa ba-lê
Vào thời điểm đó, Cuba bắt đầu phỏng theo Liên Xô về cả quan điểm triết lý lẫn nguyên tắc thẩm mỹ. Kiến trúc Sô viết theo hình khối, thực dụng, đồng dạng, phù hợp với mọi nhu cầu – hoàn toàn tương phản với mái vòm có kiến trúc hữu cơ gợi dục và đường cong của ngôi trường nghệ thuật. Chúng bắt đầu bị xem là ngông cuồng quá mức khi một đất nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa mới cần phải thắt lưng buộc bụng. Trong những ngôi trường, nhiều sinh viên là người đồng tính, sùng đạo hoặc bằng cách nào đó bị xem là “chống đối cách mạng” và bị trục xuất. Porro cho họ đến lớp học tại nhà của ông. Porro linh cảm rằng những mục tiêu của cách mạng đã biến chuyển và gấp gáp hoàn thành việc xây dựng những ngôi trường của ông, phòng hờ công trình có thể bị trì hoãn bất cứ lúc nào. Không còn nghi ngờ gì nữa, số lượng nhân công bắt đầu giảm dần cho tới tháng 7/1965, các ngôi trường được tuyên bố là đã tổng hoàn thành bất kể tình trạng kiến trúc.  Một số những tòa nhà của Porro đã gần xong, nhưng nhà hát chỉ mới hoàn thành được 30%. Trường âm nhạc cũng chưa xong trừ vài phòng là có thể sử dụng được. Trường múa ba-lê là còn nhiều thiếu sót sơ đẳng nhất, vì vẫn chưa có sàn hoặc kính cửa sổ.
150528_EYE_4.jpg.CROP.original-original[1]
Trường dạy múa ba lê
Các kiến trúc sư bị phân tán bởi những dự án khác nhau trong Bộ Xây Dựng. Porro bị giao phó những công việc kém phẩm giá như thiết kế chuồng cho đại bàng trong sở thú. Vào năm 1966, ông di cư sang Paris. Kỳ lạ thay, hầu như các ngôi trường chưa bao giờ đóng cửa. Các lớp học vẫn tiếp diễn ngay cả vào những thời điểm khủng khiếp trong lịch sử Cuba, khi mà hàng loạt gia đình chiếm cứ các khu hoang phế của những ngôi trường hầu cướp bòn vật liệu. (Trường dạy múa ba lê là một ngoại lệ vì được dùng làm trường dạy xiếc Nga sô trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó cũng thành một tàn tích bên lề.) Ngày nay, các ngôi trường được biết đến với tên gọi “Instituto Superior de Arte” (Viện Cao học Nghệ Thuật). Lịch sử về những ngôi trường này chưa từng được bàn luận giữa các sinh viên hay giáo sư và không được phổ biến cho đến khi John Loomis, kiến trúc sư và giáo sư tại trường đại học San Jose State, xuất bản một cuốn sách về nó có tựa đề:Cuộc cách mạng về hình thể: những trường nghệ thuật bị lãng quên của Cuba. Khi cuốn sách xuất hiện vào năm 1999, Castro công khai cam kết phục hồi những ngôi trường và cả ba kiến trúc sư được tái tập hợp ở Havana để lên kế hoạch phục hồi ngôi trường. Tuy nhiên, dự án này bị bỏ rơi trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2000.
150528_EYE_Loomis1.jpg.CROP.original-original[1]
Một bức ảnh trong Cuộc cách mạng về hình thể (ảnh cung cấp bởi John Loomis)
Kể từ đó, nhiều nỗ lực phục hồi khác đã được đề xuất và bị bỏ xó. Tuy nhiên, ngay cả trong tình trạng đổ nát hiện tại, kiến trúc của Instituto Superior de Arte vẫn gây ấn tượng sâu sắc. Đây là những ngôi trường không giống bất cứ công trình kiến trúc nào khác trên thế giới, vì chúng hiện thân cho Cuba: sản phẩm, nạn nhân và biểu tượng của một cuộc cách mạng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ai đúng, ai sai?????

NHẦM LẪN HAY VU CÁO

Posted by adminbasam on 29/08/2016
FB Nguyễn Đình Cống
29-8-2016
Qua trang FB tôi nhận được bài viết “Đôi lời với GS Nguyễn Đình Cống” của Công Dân Điện tử An Chiến. Tôi có gửi lời nhắn, xin cho biết địa chỉ Email để trao đổi vài điều trước khi trả lời công khai. Đó là một thiện chí. Nhưng đợi mãi không nhận được, tôi đành viết vài giòng trả lời.
Những bài viết của tôi có nhiều loại, tập trung vào ba chủ đề chính : 1-Một số chuyên đề về nhận thức và xử thế, các câu đố. 2- Vạch ra những sai lầm của Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML). 3-Vạch ra những lỗi ngụy biện, dối trá trong một số lập luận và tuyên truyền trên báo chí . Làm như vậy nhằm chủ yếu vào việc góp phần nhận thức chân lý , góp phần nâng cao dân trí. Tôi cho rằng mình làm khoa học là chính chứ chủ yếu không làm chính trị.
Những bài viết của tôi được khá nhiều bạn đọc hoan nghênh, nhưng cũng không tránh khỏi một số không đồng tình. Tạm bỏ qua những lời chửi rủa, mạt sát cá nhân, bỏ qua những lời phê phán chụp mũ đăng ở nơi nào đó tôi không biết. Tôi quan tâm, xem trọng những nhận xét, phê phán công khai như của bạn An Chiến. Tôi tôn trọng sự thẳng thắn, minh bạch. Tuy vậy công khai, thẳng thắn, minh bạch mới chỉ là điều kiện cần. Phải có thêm điều kiện đủ là luận cứ cần chính xác, đầy đủ, lập luận cần chặt chẽ, tránh suy diễn thiếu căn cứ và ngụy biện. Bài viết của An Chiến gồm hai phần. Xin trích nguyên văn phần đầu và có vài lời trao đổi (phần sau là phản biện các ý kiến về CM tháng 8)
Đôi lời với GS Nguyễn Đình Cống:
« Bộ tóc, hàm râu đều dài và trắng mướt, làn da nhăn nheo, đôi mắt híp lại, tỏ ra những mỏi mệt khi đã gần U80 nhưng vẫn còn ham lắm những chuyện chính trị, GS. Nguyễn Đình Cống đang ngày càng tự mình đánh mất hình ảnh bao năm dày công xây dựng trước mắt thế hệ cùng lứa và thế hệ trẻ hiện nay. Bởi, lúc về già, không biết xuất phát từ nguyên nhân lú lẫn hay vì tư tưởng, lập trưởng không vững vàng, nhiều thứ như tiền bạc, sự ảo tưởng mua chuộc… đã biến một GS. Nguyễn Đình Cống từng là một nhà giáo lão thành, từng được nhiều thế hệ sinh viên ĐH Xây dựng và ĐH Bách khoa mến mộ là vậy, nay tan thành bọt biển.
Dường như không có gì để mất vì đến độ tuổi “thấp thập cổ lai hy”, sau những phát ngôn xuyên tạc và vu khống quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước bị nhiều người lên án, tẩy chay, ông đổ thêm dầu vào lửa bằng việc tuyên bố “xin ra khỏi Đảng” vào đầu năm 2016 vừa qua. Khách quan mà nói, đây là bước đi có chủ ý và ranh mãnh của ông ta, bởi lẽ, với những hoạt động “ăn cháo đá bát”, khi còn đương chức thì ông ta cống hiến cho Đảng, Nhà nước và nhân dân nhưng khi về già, Nguyễn Đình Cống biến chất hoàn toàn như vậy thì việc bị Đảng Cộng sản Việt Nam tước quyền Đảng viên là lẽ đương nhiên (chỉ là thời điểm nào mà thôi). Vậy nên, ông ta khôn ngoan khi chủ động xin ra khỏi Đảng, vừa lập được thành tích với các thế lực phản động trong và ngoài nước và tránh mang tiếng bị Đảng sa thải.
Thực ra, với độ tuổi cận kề U80 – độ tuổi mà giờ đoàn viên, vui vầy bên con cháu, bày dạy cho cháu con những điều hay lẽ phải, chứ không phải là ngồi lẩn thẩn trên bàn phím máy tính cho ra những “sản phẩm lỗi” là những bài viết mà khiến cho dư luận tẩy chay, thậm chí là chửi bới. Gần đây, trong khi cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 71 năm Cách mạng thành công (19/8/1945-19/8/2016) thì GS. Nguyễn Đình Cống đã có bài viết với tiêu đề “Vài đánh giá nhầm trong Cách mạng Tháng 8” sặc mùi chống phá, xuyên tạc và thêu dệt sự thật về sự kiện vẻ vang này của dân tộc. Hài hước hơn, ông ta còn muốn một tay “viết lại lịch sử” khi tôn cờ “quẻ ly”, nói rằng, TD Pháp và phát xít Nhật đã giải giáp, Trần Trọng Kim và vua Bảo Đại là những người “yêu nước” chứ không phải “bán nước”. (hết trích dẫn)
Trong đoạn trên đây có một số điều là sự thật, nhưng những suy luận, kết luận lại là phạm vào ngụy biện, dối trá. Như đầu đề đã nêu, không rõ đó là do nhầm lẫn hay cố tình vu cáo để đánh lừa. Đọc đoạn « đôi mắt híp lại », tôi vội đi soi gương và xem vài bức ảnh chụp, thấy rằng nhận xét đó không thực khách quan. Tuy rằng đôi mắt của ông già 80 tuổi không còn mở to và tinh anh như lúc còn trẻ, nhưng chưa đến mức híp lại. Cho rằng ông Cống đã tan thành bọt biển. Làm gì đã đến mức thế. Đúng là có một số người phỉ nhổ, chửi rủa, nhưng số người đồng tình, ủng hộ vẫn đông lắm. Con số trên 62 ngàn người kết bạn trên FB là một dẫn chứng.
Việc một số người, đặc biệt là các trí thức, lúc trẻ rất tin vào Mác, tin vào cộng sản, khi lớn tuổi thấy được cái sai của Mác, xa rời và chống lại Mác là chuyện bình thường. Có thể kể ra rất nhiều người như vậy chứ có phải một vài người như ông Cống đâu. Nổi tiếng có nhà bác học Bectơrăng Rutxen, có Phó tổng bí thư đáng cộng sản Nam tư Milovan Djilas. Trong nước có Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Trần Đức Thảo, Trần Xuân Bách, Nguyễn Kiên Giang, Nguyễn Hộ, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Trung, Tương Lai, Chu Hảo, Hoàng Tụy… và rất nhiều người nổi tiếng khác. Những người như thế đều bị Đảng quy là phản động, là muốn chống đối và lật đổ chế độ CS.
Với một người có trí tuệ, không bị nhồi sọ, không bị tẩy não quá mức thì nên suy nghĩ: Tại sao như thế. Điều gì đã làm cho những trí thức ban đầu theo CS, sau trở lại phê phán và từ bỏ. Hồi tôi khoảng 30 tuổi, biết nhà khoa học Rutxen lúc trẻ rất mê say Mác, đến ngoài 50 tuổi ông đã không những xa rời mà còn khuyên thanh niên chớ phạm sai lầm như hồi ông còn trẻ là theo Mác. Tôi thắc mắc, bỏ công tìm hiểu mới thấy Rutxen quá đúng, vì cơ bản Mác đã sai. Một số người theo Mác chỉ là bị mắc vào tuyên truyền ngụy biện, tin vào một điều không có thật ( Rutxen là nhà bác học đã lập tòa án quốc tế xét xử tội ác của Mỹ ở VN, được Hồ Chí Minh ca ngợi và tặng thưởng ). Những người trước tin Mác, sau từ bỏ Mác không phải vì lú lẫn, không phải bị tiền bạc mua chuộc, không phải vì tư tưởng không vững vàng mà chủ yếu là vì họ thấy được sai lầm của Mác và sai lầm của mình. Nghĩ rằng ông Cống phản đối Mác là vì lú lẫn, vì bị mua chuộc bằng tiền bạc là một sự xúc phạm cá nhân.Trong xã hội VN hiện nay có khá nhiều người thấy rõ sai lầm của CNML nhưng không dám nói ra, chỉ vì sợ mà thôi. Còn trên thế giới nhiều dân tộc đã vứt bỏ CNML, xem đó chỉ là đống rác của lịch sử.
An Chiến viết : « sau những phát ngôn xuyên tạc và vu khống quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước bị nhiều người lên án ». Xin chỉ ra ý nào, bài nào tôi xuyên tạc và vu khống. Tôi chỉ vạch ra các sai lầm, sự dối trá, ngụy biện của CNML và tuyên truyền công sản. Tôi tin chắc những điều tôi viết là sự thật chứ không xuyên tạc, không vu khống như bị quy kết. Gần đây tôi tiếp các vị khách đặc biệt đến thăm. Đoàn cán bộ của đảng gồm Ủy viên thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy, Bí thư đảng ủy, bí thư chi bộ. Vị khách đặc biệt là Trưởng Công an quận cùng cán bộ tuyên giáo quận ủy. Trước đó tôi cũng có buổi trao đổi thân mật với đại diện Quận ủy và Đảng ủy. Trong các cuộc gặp gỡ đó có vị nói là đã đọc nhiều bài của tôi, không phát hiện thấy các xuyên tạc hoặc kích động, các vị khách đều công nhận tôi là người bất đồng quan điểm với CNML, nhưng là người yêu nước, trung thực, không tham gia một tố chức phản động nào, chỉ nêu quan điểm bất đồng chứ không xuyên tạc, không vu khống, không chống phá. Cán bộ quận ủy và Đảng ủy còn đề nghị tôi tham gia một số công việc trong quy hoạch xây dựng và giáo dục của địa phương. Tôi còn đề nghị với Đảng và Quốc hội được công khai đối thoại về những điều tôi đã viết.

Tôi dám đề nghị như vậy vì tự tin những điều được viết ra đều là sự thật, không hề xuyên tạc, không hề vu cáo. Bạn An Chiến cho rằng tôi đã xuyên tạc, vu khống, xin vạch ra chỗ nào và đưa ra lập luận chứng minh. Nếu không thì bạn đã mắc vào lỗi nhầm lần hoặc vu cáo.
Về việc tôi ra Đảng, bạn An Chiến hoàn toàn không biết bản chất, chỉ suy luận vội vàng rồi quy kết sai lầm. Nguyên nhân sâu xa việc ra đảng tôi đã viết. Nhân đây viết thêm vài điều. Sau ĐH 12 của Đảng, biết chắc rằng Đảng không chấp nhận góp ý và đề nghị của tôi là thảo luận về CNML, tôi thấy để tiếp tục làm người trung thực thì chỉ có cách ra khỏi Đảng. Tôi đã trao đổi với Đảng ủy và Chi ủy, nên họp chi bộ, xét kỷ luật tôi và khai trừ. Tôi sẵn sàng và vui vẻ nhận kỷ luật đó. Thế nhưng các anh cho rằng chưa đủ cơ sở để làm việc ấy. Tôi nói, tôi đã quyết định ra khỏi Đảng, nếu các anh không khai trừ thì tôi sẽ tự tuyên bố từ bỏ Đảng. Tôi đã báo trước cho bí thư chi bộ và Đảng ủy việc tôi sẽ ra đảng trước 1 tháng. Bạn An Chiến cho là tôi khôn ngoan, tôi chỉ nghĩ là mình cố làm người trung thực. Tôi công nhận sự suy luận của bạn An Chiến có dựa vào tâm lý thông thường của một số người đời, chưa đủ trải nghiệm để hiểu được cách xử sự của một số người trung thực.
Những ý kiến về CM tháng 8 xin để bài sau.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THẾ MỚI BIẾT CUỘC ĐỜI THỰC LÀ BẠC BẼO


Nhà thơ Thái Bá Tân từng được biết đến là "kẻ đốt đền" với những vần thơ 5 chữ mà khi mới ra đời nó đã khiến ông trở thành một hiện tượng: Chửi Đảng bằng thể thơ 5 chữ. 
Nhà thơ Thái Bá Tân (Nguồn: Internet). 

Và trước khi thoát thai ra những vần thơ như thế, Thái Bá Tân cũng không quên nói cho những người quan tâm biết được cái tâm thế của ông khi đó: “Tôi nghĩ rằng nhà văn nhà thơ mà cứ im mãi thì không đúng. Phải có trách nhiệm của công dân. Tôi chẳng chống phá gì đâu thậm chí tôi còn ăn lộc của chế độ vì được ăn học tử tế nhưng chuyện nào ra chuyện ấy trách nhiệm công dân thì mình phải nói”. Và có thể kể ra những vần thơ như thế: 
“Mày láo, dám khuyên bố
Mai không đi biểu tình.
Chuyện ấy có nhà nước,
Không liên quan đến mình.Mày nói y như đảng.
Không liên quan thế nào?
Nước là của tất cả,
Của mày và của tao.Mày bảo có nhà nước.
Nhà nước hèn thì sao?
Mà ai cho nhà nước
Quyết việc này thay tao?Chính vì khôn, “biết sống”
Tức ngậm miệng, giả ngây,
Mà thế hệ của bố
Để đất nước thế này.Ừ, bố già, lẩn thẩn,
Nhưng vẫn còn là người.
Mà người thì biết nhục,
Biết xấu hổ với đời.Mai biểu tình, thế đấy.
Bố không bắt con đi,
Nhưng cũng đừng cản bố.
Cản cũng chẳng ích gì.”
Trích: “Mắng con”
“Chứ nói chung là nhục
Nhục phải làm thằng dân
Một nước giỏi nói phét
Lãnh đạo thì ngu đần
Riêng hai chữ Cộng sản
Đã đú nói phần nào
Làm thằng dân Cộng sản
Có gì mà tự hào?”
Rồi tới 04 câu thơ nói về cái khẩu hiệu "Còn đảng còn mình" của lực lượng Công an: “Vứt mẹ cái khẩu hiệu/ Còn đảng là còn mình/ Thế mai kia đảng chết/ Không lẽ mày quyên sinh?”. 

Sau dạo ấy, những bài thơ của ông ra đời cứ thế là sốt xình xịch, được cộng đồng mạng lan truyền với những lời khen có cánh. RFA đã nói về thơ của Thái Bá Tân thời điểm đó như sau: "Từ hơn 5 năm trước thơ Thái Bá Tân được cộng đồng chia sẻ và mức lan tỏa của nó phải nói là khá lớn. Người ta thích thú vì ông viết xoáy vào các chủ đề xảy ra hàng ngày. Tính thời sự trong thơ ông rất rõ, kèm theo đấy ông bày tỏ thái độ của mình và chính điều này đã làm nên Thái Bá Tân". Nghĩa là rất nhiều người đã thích thú, hân hoan và không ngại ngần đưa ra lời khen dành cho Thái Bá Tân. Thậm chí, trước việc Thái Bá Tân bị lên án rất đông đảo cá nhân đã lao vào bênh vực ông (Thái Bá Tân) mặc cho những điều nói ra là hết sức vô nghĩa lý và không chứng minh được cái gì.

Vậy nhưng, trong khi rất đông trong số họ nghĩ rằng, Thái Bá Tân mãi mãi là người đối lập với chế độ, với Đảng Cộng sản thì bỗng một ngày nọ Thái Bá Tân đã tự thoát thai để trở thành một con người khác. Ở đó, Thái Bá Tân không chỉ biết biết ơn Đảng vì đã đổi mới, mà ông còn công khai khen ngợi những nhà lãnh đạo hiện tại: ông Nguyễn Phú Trọng liêm khiết không hề tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết liệt, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng năng nổ và đi đến kết luận: đại cục không phải xấu đi mà đang tốt lên (Những điều trên đây được Thái Bá Tân thể hiện trong stt với tựa "Đôi lời" trên FB cá nhân). 

Có lẽ do bản thân ông cảm thấy chưa đủ nên Thái Bá Tân đã viết thêm một bài thơ để diễn tả cái tâm trạng của chính mình có tên: "Ghi nhận": 
“Các bác thử tưởng tượng,
Nếu đảng ta trước đây
Không mở cửa, đổi mới,
Sẽ thế nào hôm nay?
Hôm nay ta chắc chắn
Như dân Bắc Triều Tiên.
Không được nói, được chửi,
Không cơm ăn, không tiền.
Không có internet,
Không được đi nước ngoài,
Không có chiếc xe đạp,
Không có cả chiếc đài.
Không được mặc quần xoọc,
Cắt tóc theo ý mình.
Không khách sạn, nhà nghĩ,
Không có cả ngoại tình…
Chắc chắn là như thế.
Các bác cứ tin đi.
Nếu đảng không đổi mới,
Hỏi ta biết làm gì?
Và trong khi diễn tả sự "Ghi nhận" của bản thân về Đảng, về chế độ Thái Bá Tân đã không quên nói lên những sự băn khoăn mà chính ông đã từng gặp phải và ông cũng kết luận về những điều băn khoăn đó:
Định vùng lên lật đổ 
Rồi thoát khỏi thằng Tàu? 
Đừng đùa với cộng sản. 
Không có chuyện ấy đâu.
Ông cũng khuyên răn chính ông, những người đã từng như ông và không quên hướng tới những cách ứng xử tích cực, nhân văn và đúng đắn hơn: 
Cho nên chửi cứ chửi,
Nhưng cũng phải phân minh.
Biết lượng sức mà tiến,
Biết người và biết mình.
Đảng có gì không đúng
Thì nói, ta, người dân
Việc mình làm thật tốt
Để mọi cái tốt dần.
Và hình như dự cảm được những điều không hay ho cho lắm đang đến với bản thân mình sau "Đôi lời" nên trong bài thơ "Ghi nhận", Thái Bá Tân đã nói thêm rằng: "Tôi không ưa cộng sản/ Cả xưa và cả nay/ Nhưng đảng đã đổi mới/ Thì ghi nhận việc này”. Nói khác đi, Thái Bá Tân đã chủ động cho những người từng coi trọng ông, những người từng ủng hộ ông biết được rằng, bản thân ông không hề ưa cộng sản, ông không thay đổi tâm thế trước những điều đã đến; và có chăng ông chỉ ghi nhận những cái điểm tốt của chính chủ thể đó chứ không ghi nhận tất cả những gì thuộc về nó. Đó là sự rạch ròi mà ông muốn nói tới. 

Ấy vậy nhưng, cái dự cảm về những điều xấu nhất của Thái Bá Tân đã xảy ra. Và điều đáng nói là tất cả sự phân trần của Thái Bá Tân đã không thèm được để ý đến. Người ta chỉ quan tâm đến những điều Thái Bá Tân nói ra để phản kích lại ông và đổ vấy lên ông những điều xấu xa và tệ hại nhất. Facebooker Dương Hoài Linh đã dùng chính cái thể thể 5 chữ đặc trưng của Thái Bá Tân để chỉ trích sự "vô lý" trong những điều được ông nói ra: 
"Bá Tân ơi Bá Tân 
Chẳng lẻ tôi đã lầm? 
Thì ra cái hai mặt . 
Không của riêng người nào". 
Không chỉ thể hiện sự bực tức trước sự thay đổi của Thái Bá Tân, chủ FB này đã không ngần ngại quy kết, thóa mạ "Đôi lời" của ông là hành động của kẻ hèn: 
Nhẫn nhục mưu việc lớn 
Là việc rất đáng khen. 
Nhẫn nhục để khỏi chết 
Là thứ nhẫn nhục hèn.” 
Ở một góc nhìn khác, nhà báo Võ Văn Tạo dù thận trọng hơn khi cho rằng "khi chưa hiểu tường tận câu chuyện lại đánh giá nặng nề nhà thơ là việc không nên làm": “Tôi rất ngạc nhiên đồng thời tôi cũng thấy có nhiều ý kiến nặng nề thóa mạ bác một cách quá đáng. Theo tôi nghĩ đánh giá một con người thì có cả một quá trình. Mình đã đọc nhiều tác phẩm của bác. Bác là một dịch giả, nhà văn viết rất hay và đặc biệt những bài phê bình thể loại thơ 5 chữ rất dí dỏm mang tính chất phê phán nhẹ nhàng đối với tiêu cực xã hội hiện nay, đột nhiên lại có một status đi ngược với điều đó thì cộng đồng người ta shock là điều dễ hiểu nhưng tôi cho rằng bác là con người tử tế chứ không phải là loại cơ hội sớm đầu tối đánh như một số bạn nóng nảy kết án". Tuy nhiên qua cách nói của mình, nhà báo này cũng không dấu sự bất ngờ và thất vọng về Thái Bá Tân, có điều chưa đủ cứ liệu để đi tới quy kết như Facebooker Dương Hoài Linh đã nói ở trên. 

Đó cũng là lí do dù không nói trắng phớ ra nhưng từ câu chuyện mới xảy ra trong gia tộc Thái Bá Tân, nhà báo Võ Văn Tạo đã đặt ra giả thuyết: Phải chăng Thái Bá Tân "quy hàng”, "chiêu hồi" và là "nạn nhân của an ninh khiến ông phải quay lại chĩa ngòi bút mình vào nhân dân, những người từng nhiệt tình kính trọng ông trước đây?". 

Võ Văn Tạo viết: 
“Tôi xin kể câu chuyện mà tôi là người trong cuộc đó là vụ tháng Năm vừa rồi cá chết. Hôm mùng một tháng Năm cô em họ tôi là Hoàng Thị Minh Hồng, trước đây cô đi Nam cực thám hiểm hai lần cổ có thời gian làm đại sứ cho UNESCO và Trưởng đại diện cho Quỹ bảo vệ động vật hoang dã của thế giới. Cô là người của công chúng cho nên khi ngày 1 tháng 5 cô xuất hiện ở cuộc biểu tình với tấm bảng đề là “con tôi cần nước sạch, không khí sạch, thực phẩm sạch, chính quyền sạch” Cái hình ảnh đó rất ấn tượng và không hiểu sao hai tuần sau, ngày 15 tháng 5 cô ấy xuất hiện với cái bảng “đả đảo Việt Tân”.

Nhiều người dự đoán cô bị sức ép hay có cái gì đấy. Tôi rất ngạc nhiên và gọi cô ấy nhưng rất khó liên lạc cho tới khi liên lạc được thì cô nói thật do bị sức ép của an ninh nên buộc lòng cổ phải làm việc ấy.

Cô kể hết sự tình ra là an ninh đã đe dọa cô ấy thông qua nhân viên của tổ chức cô ấy làm việc, đồng thời gửi e-mail nặc danh dọa giết cháu Giang là con của hai vợ chồng cô. Chúng còn biết cháu học ở trường nào nữa cho nên cô rất sợ cuối cùng đi đến việc làm dở như thế.

Có khả năng chứ không dám khẳng định: bác Thái Bá Tân cũng rơi vào tình trạng đó do có một cái ý mà bác nói “cảm ơn đảng, chính phủ qua cái việc chủ trương đổi mới” bác nói “quá nghèo mà được như thế này là tốt lắm rồi!” Tôi thấy nó giống như giọng lưỡi an ninh mà mỗi lần tiếp xúc làm việc với tôi cũng nói những câu như thế của dư luận viên và tôi không thể tin được đó là cái đầu hay cái cách của bác”. 
Hay nói cách khác, có một thực tế đang xảy ra xung quanh Thái Bá Tân là không ai tin rằng, đó là sự chuyển đổi thái độ có tính tự thân của ông. Từ sự thất vọng, hoang mang, họ đã tiến tới phản kích, bêu rếu ông như một kẻ hèn nhát và không đáng được tôn trọng. Chính RFA trong bài viết "Hiện tượng Thái Bá Tân" dù đã chỉ ra không ít ý kiến trái chiều về Thái Bá Tân song ở đoạn kết cũng không thể thoát ra khỏi những ý nghĩ hết sức tiêu cực, không hài lòng với sự thay đổi của Thái Bá Tân: "Trong xã hội nhiều tầng nấc trái ngược và điều gì cũng có thể xảy ra như hiện nay, nên chăng hãy để câu chuyện Thái Bá Tân ngủ yên với cái nó vốn có. Lịch sử còn dài và trên từng trang viết của nó không ai có thể trốn tránh, nhất là khi đã tự chọn cho mình là người của công chúng". 

Đó có thể xem là cái cách RFA kêu gọi tẩy chay Thái Bá Tân thay vì chờ đợi sự thay đổi ở ông như thuở ông được gọi là "kẻ  đốt đền" trước đó. 

Ở góc nhìn của một người ngoài cuộc, một người đọc rất kỹ những "tuyên ngôn" của Thái Bá Tân trước mỗi vần thơ và từng động thái dù nhỏ nhất. Người viết hoàn toàn cảm thông, hiểu được cái gì đang diễn ra trong con người Thái Bá Tân. Hiểu rằng, cách nhìn của ông về chế độ, xã hội đã thực sự thay đổi khi ông cảm nhận thấy những dấu hiệu "tích cực" của chính chế độ, xã hội đó. 

Và với sự nhạy cảm, bao dung của một người nghệ sỹ, một tâm hồn biết yêu, cảm cái đẹp, Thái Bá Tân đã dũng cảm đón nhận nó, dũng cảm thay đổi dù trước đó là những điều mà có lẽ ở thời điểm hiện tại có mơ ông không dám nghĩ đến, chứ đừng nói là hiện thực. Và cái điểm ông khác với những người lên án ông chính là lòng dũng cảm của một "kẻ sỹ Bắc Hà" như danh xưng ông từng nhận về mình trong một số lần hiếm hoi trò chuyện với báo giới. Người viết cũng tin chắc rằng, cùng với những dự cảm không lành sau "Đôi lời", Thái Bá Tân cũng đã nghĩ đến những gì đã xảy ra trong thời điểm hiện tại và đấy cũng là lí do tôi đặt niềm tin ở ông sẽ không bị lung lay theo chiều gió, bị xu hướng đám đông lôi kéo và trở cờ thêm một lần nữa! 

Sự việc xảy đến với Thái Bá Tân thêm một lần nữa cho thấy, làm một con người bình thường vốn dĩ đã khó, làm một người nổi tiếng và thuộc về phe nhóm nào đó trong xã hội càng khó. Khi Thái Bá Tân đến với họ (những người đối nghịch với chế độ, xã hội đương thời) họ đã tung hê ông, xem ông là một hiện tượng..., một người mà khi về với họ sức mạnh của tổ chức sẽ tăng lên bội phần; sẽ làm cho xu hướng "cấp tiến" thắng thế và nhanh chóng giành được những địa vị trong xã hội. Họ cũng ngợi ca không tiếc lời và mời anh vào những vị trí vốn chỉ dành cho minh chủ, đấng sáng lập... Nhưng mọi thứ sẽ bị đảo lộn, thậm chí sẽ biến dạng đi khi chính ông (Thái Bá Tân) nói khác đi, cảm nhận khác đi dù về bản chất, lập trường ông không có gì thay đổi. Họ đã đưa ông ra đấu tố như thế ông là một tên gián điệp được cài cắm trong tổ chức của chúng. 

Và lúc này đây, Thái Bá Tân đã cảm nhận sự bạc bẽo mà cuộc đời, con người xung quanh đang dành cho mình. Ông cũng hiểu thêm không phải ai tung hê mình, ngợi ca mình cũng đều thực tâm với mình mà có chăng họ đang lợi dụng mình mà thôi. Chính sự vững tin, tiếp tục thể hiện quan điểm dù cho nó không được ủng hộ chính là cách ông giữ cho mình cái khí tiết, sự dũng cảm của một kẻ sỹ trong thời tao loạn này! 

An Chiến

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ÔNG TRỊNH XUÂN THANH ĐI ĐÂU? CÓ CÒN TRONG NƯỚC KHÔNG?


Ông Trịnh Xuân Thanh không ở Hậu Giang
cả tháng nay 


Tuổi trẻ
28/08/2016 13:05 GMT+7 


TTO - Chiều 27-8, ông Đồng Văn Thanh, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết từ khoảng hơn một tháng nay ông Trịnh Xuân Thanh không có mặt ở UBND tỉnh.
Ông Trịnh Xuân Thanh không ở Hậu Giang cả tháng nay
Phòng làm việc của ông Trịnh Xuân Thanh tại UBND tỉnh Hậu Giang luôn đóng kín cửa.

Cho đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo tỉnh chưa nghe bất cứ thông tin gì liên quan đến ông Thanh từ các cơ quan trung ương.

Không rõ ông Thanh ở đâu

“Ông Trịnh Xuân Thanh hiện vẫn còn là tỉnh ủy viên, sinh hoạt Đảng tại chi bộ Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, nhưng từ ngày đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào làm việc, ông Trịnh Xuân Thanh ít có mặt tại Hậu Giang. Riêng hơn tháng nay chúng tôi không rõ ông Thanh ở đâu” - ông Thanh nói.

Trả lời câu hỏi vì sao cán bộ của tỉnh mà cả tháng không có mặt làm việc, đang ở đâu mà UBND tỉnh không biết, ông Đồng Văn Thanh nói hiện ông Trịnh Xuân Thanh không còn là phó chủ tịch UBND tỉnh, nên UBND tỉnh không quản lý phân công công việc nữa.

“Việc anh ấy (ông Trịnh Xuân Thanh - PV) có được Tỉnh ủy cho nghỉ phép hay không tôi không nắm được, việc này do Thường trực Tỉnh ủy quyết định vì anh ấy là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý” - ông Thanh cho biết.   

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, không chỉ vắng mặt trong thời điểm hiện tại mà trước đó tại một số cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, ông Thanh cũng vắng mặt.

Lần duy nhất các cán bộ ở văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang thấy ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện là chiều 13-7, khi đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào công bố kết luận sai phạm của ông Thanh.

Còn từ đó đến nay phòng làm việc của ông Thanh tại lầu 2 trụ sở UBND tỉnh Hậu Giang luôn đóng kín cửa.

“Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng chưa bố trí công việc sau khi ông Thanh không còn giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh mà đang chờ kết luận và chỉ đạo tiếp theo của trung ương” - một nguồn tin cho hay.

Bộ Công an vào cuộc

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh. 

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là phó bí thư Đảng ủy, tổng giám đốc, bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Ông Trịnh Xuân Thanh không ở Hậu Giang cả tháng nay
Ông Trịnh Xuân Thanh trong lần xuất hiện hiếm hoi tại trụ sở UBND tỉnh Hậu Giang (chụp ngày 13-7, sau khi đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào công bố kết luận ban đầu sai phạm của ông Thanh - Ảnh: L.DÂN

Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Tuy nhiên, ông Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân.

Khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Trịnh Xuân Thanh đã dùng biển số xe công gắn vào ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ủy ban Kiểm tra trung ương đánh giá việc làm của ông Thanh là thiếu gương mẫu, vi phạm qui định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”.

Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đánh giá qua kiểm tra nhận thấy trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ...

Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về công tác cán bộ; Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ủy ban Kiểm tra trung ương quyết định và yêu cầu tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh; tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng công ty PVC; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công thương và đồng chí bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2010 - 2015; đề nghị Đảng ủy Công an trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an rà soát, thu hồi biển số xe công (biển xanh) đã được cấp và sử dụng trái quy định.

Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận này Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ các sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh tại Tổng công ty PVC.

H.T.DŨNG - L.DÂN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Donald Trump vẫn thắng lớn nếu không đắc cử tổng thống


Dân trí Chuyên gia cho rằng, kể cả không đắc cử vào tháng 11 tới thì đó cũng không phải là quá tệ đối với ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump nếu xét theo quan điểm kinh doanh.
 >> “Donald Trump không muốn làm tổng thống”
 >> Báo Mỹ cảnh báo hạn chót Trump "cầm cự" trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
 >> Donald Trump thừa nhận có thể thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng



Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ, tỷ phú Donald Trump. (Ảnh: EPA)
Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ, tỷ phú Donald Trump. (Ảnh: EPA)
Kết quả thăm dò dư luận gần đây tại Mỹ cho thấy, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, điều này không phải quá tệ đối với tỷ phú Trump, nhất là khi có thông tin cho rằng ông vốn tranh cử không phải để giành chức tổng thống mà chỉ để nhằm nâng cao danh tiếng của mình trong giới truyền thông. Nhà sản xuất phim tài liệu Michael Moore mới đây tiết lộ, tỷ phú New York này không muốn làm tổng thống và hiện giờ ông ấy tìm cách tự hủy hoại chiến dịch của mình.
Jon Klein, cựu chủ tịch phụ trách hoạt động của CNN ở Mỹ, nhận định: “Thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 có thể là điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra xét theo quan điểm kinh doanh. Nó sẽ chỉ càng khiến những người ủng hộ dốc tình cảm cho ông ấy”.
Mối quan hệ gần gũi của ông Trump với cựu chủ tịch hãng tin Fox News Roger Ailes - người được cho là hiện làm quân sư cho ông Trump, cũng như việc thuê cựu chủ tịch hãng tin Breitbart Steven Bannon làm dấy lên đồn đoán ông Trump đang chuẩn bị cho một kế hoạch đầu tư truyền thông quy mô lớn dựa trên đòn bẩy từ chiến dịch tranh cử.
Hiện chưa rõ liệu ông Trump sẽ mở một công ty truyền thông dạng nào, truyền hình cáp, internet hay một cái gì đó hoàn toàn khác, tuy nhiên theo ông Klein, kinh doanh truyền hình trả tiền có cơ hội thành công cao.
Brian Wieser, chuyên gia phân tích cấp cao về truyền thông tại tập đoàn nghiên cứu Pivotal, cho biết để xây dựng một đài truyền hình thực sự sẽ tốn ít nhất hàng trăm triệu USD. “Ông ấy (Trump) thực sự có bao nhiêu? Bao nhiêu trong số đó là tài sản có thanh khoản cao?”, ông Wieser tỏ ra hoài nghi. Ông Trump nhiều lần tuyên bố sở hữu khối tài sản trị giá 10 tỷ USD nhưng con số này đến nay vẫn chưa thể xác minh.
Nhưng mặt khác, nếu Trump có thể thực hiện các chiến dịch thu hút ít nhất 3 triệu lượt xem, mạng truyền hình của ông sẽ thành công. Điều này hoàn toàn khả thi bởi ông từng được sự ủng hộ của 14 triệu cử tri trong các cuộc bầu cử sơ bộ.
Một điều rõ ràng rằng Trump không chỉ muốn được biết đến là một tài phiệt kinh doanh mà còn là một ông hoàng truyền thông. “Điều làm Trump cảm thấy hạnh phúc nhất không phải là trở thành tổng thống mà là chạy đua tranh chức tổng thống. Nó giúp ông ta trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông”, Robert Thompson, giáo sư tại Đại học Syracuse, nhận định.
Minh Phương

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGÔI NHÀ BÊN CỬA RỪNG.

     Kết quả hình ảnh cho Ngôi nhà nhỏ bên cửa rừng?
                    
                                       Truyện ngắn của Hồng Giang
   
       Chồng cao to, trắng trẻo, đần đơ, đầu óc như để mãi tận thế giới nào xa lắc. Công việc trước mắt cứ như thể làm để làm. Có chút gì đó chủ quan, lơ đãng. Nhưng khi có ai hỏi việc gì lại hết sức nhanh, nhạy. Tôi yêu cầu lắp thêm chiếc bóng đèn cho đủ sáng, chả hỏi lại, làm ngay. Cô vợ đanh đanh người, da ngăm ngăm, môi mỏng, láu táu, giọng lé xé. Dáng cô ta quen quen, gặp ở đâu rồi? Chịu. Không nhớ ra!
Đêm trước có trận mưa to, phông bạt ướt sũng xếp lại từng đống. Hai vợ chồng nhà này đang gỡ ra từng cái đem phơi. Cô vợ cằn nhằn, tự thanh minh với chính mình: “Thời tiết bây giờ thật khó hiểu, khó chịu. Ti vi thì báo rằng không có mưa, đâm chủ quan. Biết thế, tháo ngay từ hôm trước đã không rách việc thế này..” Chồng bảo: “Ướt thì phơi có sao? Trời không mưa, hạn kéo dài thì còn chết ấy.. ấy chứ..” Vợ nói: “Mình có cấy hái, trồng trọt gì mà mong mưa?” “ Rõ là đầu óc đàn bà, chỉ ích kỉ.. Dân làng mất mùa, lại không đói lây cả mình ấy à?”  “ Ồi dào..” Cô vợ lặng im, không nói nữa, đưa mắt nhìn về phía tôi, có ý nhắc chồng. Thằng chồng cười nhen nhen, ngượng ngịu rút bao thuốc ra mời. Cảm ơn, mình không hút.
Tôi nhờ anh ta cắm lại chiếc amli, mở đầu đĩa. Văn hóa đồng rừng, cứ là tiền trao cháo múc. Người ta xem chán xem chê rồi mới chịu trả tiền. Bất luận thế nào cũng chê ỏng chê eo một vài thứ, để tỏ ra vẻ mình hiểu biết, đừng có khinh người miền núi nha, thế giới này phẳng mẹ nó tự bao giờ rồi ấy nha..Bực bội. Cáu. Chỉ muốn nói vài câu cho bớt khùng! Dưng mà làm cái công việc này là làm dâu trăm họ. Bấy lâu tôi còn chịu đựơc, chịu thêm một lần có làm sao?
Được cái vừa mưa xong, mát trời, phần “trả bài” của tôi hôm nay có vẻ thuận lợi.
Chưa rõ nếp tẻ, đẹp xấu thế nào, chủ nhà ban nãy đã bảo:
- Cứ để đấy đã. Làm vài choóc, xem sau.
Nhưng công việc vẫn là công việc. Lừng xừng rượu rồi, lóng ngóng, dễ hỏng. Xem gần xong, nhà chủ không thấy nói gì.. Cô dâu đã về nhà chồng, đương nhiên không thể có ý kiến gì vào lúc này. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm.( Làm nghề nào có nỗi khổ của nghề đó. Dài cổ ra xóa xóa, ghép ghép, biên tập, nâng cao, hiệu ứng hiệu iếc, không khổ bằng cái lúc ngồi đần mặt ra thế này để  nghe lời phán quyết của “thượng đế” ). May mà sự này không xảy ra. Một là video không đến nỗi nào. Hai là “thượng đế” cũng là chỗ quen.. Tưởng vậy đã xong. Đột ngột cô ả phông bạt hỏi:
- Anh làm thế này lấy bao nhiêu tiền một đĩa?
Tôi ngẩn người, sao lại tính đĩa như đĩa ở quán thịt chó, hay lòng lợn tiết canh?
- Ừ thì tôi tính theo đám..
- Cụ thể?
- Ngoài tỉnh người ta tính một, hai triệu một đám. Còn đây nhà quê lấy chút đỉnh xăng xe, công chả đáng bao nhiêu cô ạ!
- Giời đất, lấy thế bằng cả năm cày bừa của nhà quê chúng em à? Hôm trước cái nhà ông gì làm trên suối Triển lấy có hai trăm. Sao ở đây lấy đắt thế?
Lạy giời đất. Hai trăm thì làm cách nào? Có đi thuê nếu mình quay sẵn, ít ra cũng trả công thợ dựng phim hơn hai trăm rồi! Tôi chưa biết nói sao, may mà chủ nhà đỡ lời:
- Chú thông cảm, thím ấy không biết, thật thà hỏi vậy. Tiền tôi trả cơ mà.
Tôi như trút được gánh nặng: “ A, đây là em thím ạ? Không sao, không biết hỏi có gì là sai? Trông cô quen quen, cái ve bên mi mắt trái ..có phải người vùng này?”
- Em là con gái ông Phúng, có lần anh đến nhà em, chắc anh không nhớ?
Ra là vậy. Ông Phúng. Cái  tên nghe ma chay, phúng điếu là tên của ông có căn nhà rất lạ lùng gần cửa rừng, tôi nhớ ra rồi. Đó là một căn nhà kì dị, độc nhất tôi chưa từng gặp ở đâu..
2.
Hồi đó mưa nhiều. Những cơn mưa rừng không ngớt. Suối dâng ngập các tảng đá đầu ông sư hai bên bờ. Từng đám cây đổ ngả nghiêng, bám đen vắt là vắt. Ngoe nguẩy, ngoe nguẩy. Cua đá màu thâm nâu bò ra từng đàn. Có con chim không hiểu vì sao gẫy cánh, mắc kẹt trên ngọn cây. Rắn trắng, rắn xanh chạy lũ trườn loạn xạ ven bờ nước.. Chúng tôi có việc ở sâu trong rừng, vì mưa to quá phải ra đây tìm chỗ trú mưa. Nhưng cái chính vẫn là tìm một chỗ để nấu cơm ăn. Không thể nhịn. Mẻ không ăn cũng chết cơ mà?
Dọc theo suối, mãi rồi cũng gặp một ngôi nhà. Nhà thực sự chứ không phải chòi hay lán thường gặp ven rừng, nơi người ta ở tạm mùa làm nương. Có khi chỉ là trú chân buổi trưa, trú mưa nắng vì ngại về nhà quá xa.
Nhà dựng cột ngoãm, không có vết cưa đục, làm hoàn toàn bằng dao, chả có dấu vết công nghệ nào. Lại thấp bé, dựng chắn ngay giữa tim đường. Trần đời tôi chưa từng thấy nhà kiểu như thế bao giờ. Người ta cứ hay quen mồm kêu “nhà cửa”, “cửa nhà” vì thông thường đã là nhà phải có cửa, to nhỏ mặc lòng. Nhưng ngôi nhà này tuyệt nhiên không có cửa. Bạn sẽ hỏi vậy ra vào bằng cách nào? Đơn giản, cứ theo đường đi chạy dọc giữa lòng nhà qua hai đầu hồi để trống. Gọi là cửa cũng phải, gọi là đường đi cũng phải vì chính nó là lòng đường. Một con đường mòn xuyên qua rừng sâu, dọc theo suối, không mấy khi có người qua lại. Đó là ngôi nhà tận cùng của miền hoang sơ, thưa dấu vết con người. Ai đó có việc qua đây cứ tự nhiên vào, rồi ra dọc theo hành trình không cần xin phép chủ nhân.

Ông này đen, dong dỏng cao, tóc tai lờm xờm vì lâu không có “khái niệm” chải đầu, lược là vật xa xỉ không tìm thấy ở đây. Ở cùng ông còn có một phụ nữ cứng tuổi, với mấy đứa trẻ bẩn, lếch thếch, nhọ nhem. Bà ta tóc tai gọn hơn một chút, nhưng chắc chắn cũng không chải lược bao giờ. Bà nói giọng khê khê vùng biển. Hỏi quê, bảo Hải Hậu, Hải Dương.. gì đó, lâu ngày tôi không còn nhớ. Còn ông người Trùng Khánh, Cao bằng. Một người vùng biên viễn, đèo cao hút gió, một người miền thùy dương làm sao lại cùng nhau ở đây?
Kể: Loạn biên giới, người đàn ông tên Phúng chết mất vợ con, một mình chạy về đây. Ông đau buồn đến nỗi không muốn nhìn thấy bất kì ai, định sống một mình ở Thẳm Hon này cho đến cuối đời. Nhìn thấy cảnh sống gia đình người ta lòng ông lại tái tê, nhức buốt , chịu không nổi. Chỉ có muỗi và chim rừng là niềm an ủi cuối cùng của ông. Coi như đó là cách sám hối tạ tội cùng với vợ con vì sự thiếu chu đáo và quá chủ quan của mình.
Dân làng xôn xao sẽ xảy ra chiến sự, ông một mực: “Không thể có chuyện đó, nếu có cứ chặt đầu tôi đi” Ông không tin là sẽ xảy ra chiến sự. Dân làng nhao nhác tản cư bằng nhiều cách, nhiều ngả. Ông vẫn ung dung như không có chuyện gì.. Không ai chặt đầu ông cả.. Hối hận, căm giận, tủi hổ lương tâm mình. Ông sống như bây giờ..

Một buổi sáng ông Phúng bắt gặp người đàn bà bị cảm lạnh, ngất bên bờ suối. Ông đưa người đó về, đánh cảm, thành vợ ông bây giờ. Cuộc hôn phối ngẫu nhiên tồn tại cho đến lúc họ gặp chúng tôi.
Lúc đó tôi chưa dám hỏi bà là ai, từ đâu đến? hoàn cảnh thế nào? Biết được quê quán, tên tuổi là mãi sau này, khi chúng tôi đã là chỗ thân quen.

Tôi biết bạn sẽ tò mò: Tôi là ai, làm gì chốn rừng xanh, núi đỏ heo hút, xa xôi ấy? Thưa bạn: Đó không phải là ý định của tôi muốn kể trong câu chuyện này. Nó là “liên” chuyện khác, sẽ kể nếu như tôi còn hứng thú. Bằng không, bạn cứ quên nó đi như bao chuyện nhảm nhí, phù phiếm, ngụy tạo người ta đang dựng lên, đầy dẫy thế gian này..
3.
Ngôi nhà đó ông làm một mình, chỉ với một con dao quắm. Thứ dao có mũi cong như một dấu hỏi, chỉ có thể chặt ngang, bổ dọc chứ không khoét, đục được như các dạng dao khác. Khái niệm “kèo” ở ngôi nhà này tuyệt nhiên không có.
Lúc đầu, ngay cả ý nghĩ dựng nhà cũng không hề có với ông. Định tìm một cái hang, hang đất hang đá, kiểu gì cũng được. Miễn là có chỗ chui ra chui vào. Nhưng quanh vùng không có cái hang nào như thế ngoại trừ những cái hang bí ẩn, bé tẹo của lũ chồn cáo, nhím, cầy đà, gì gì đó. Những cái hang như vậy không dành cho con người.
Cuối cùng ông dừng lại chính chỗ này, dựng căn nhà kì quặc này bên cửa rừng. Ông bắt đầu treo những quần áo cũ của vợ con còn sót lại lên liếp nứa che dọc hai bên lối đi. Tự nhiên có cảm giác yên ổn được vài hôm. Mùi của người thân nhắc ông nhớ về cuộc sống, ra khỏi cơn mộng du.
Hai tháng như thế trôi qua cho đến ngày ông gặp người đàn bà lạ gục ngã gần ngôi nhà của mình.
Hình như ông trời còn muốn cho ông gặp một cơ hội nữa, chứ thực lòng lúc đó ông không mong đợi bất cứ điều gì.
Ngoài cái vẻ nhợt nhạt, tiều tụy người ấy chẳng có gì. Bộ quần áo TNXP màu nước dưa bạc đã vá vài chỗ, cái kẹp tóc ba lá han gỉ, đôi tông Lào đứt quai phải nối bằng dây thép, tất cả chỉ có thế. “Vô sản” trăm phần trăm như khái niệm chung thời bấy giờ.
Ông không hỏi người từ đâu đến, thân phận thế nào? Ông đã trải qua nhiều gian khó cuộc đời, mối liên cảm giống như một sợi dây ngầm nối thông cảm tự nhiên, thấy không cần, không nên gợi lại nỗi đau người khác.
Ông lấy bộ quần áo cũ của mình cho cô ấy mặc sau khi đánh cảm xong. Cô thở đều đều, ngủ một giấc dài cho đến sáng hôm sau. Có lẽ chút mật ong rừng đã có hiệu nhiệm. Ông cuống quýt ra phía sau nhà lấy mấy cái bắp non, dùng dao quắm nạo ra, nấu cháo cho cô ăn.
Cô gái tỉnh dần, gượng ngồi dậy. Nước mắt cô ứa ra hai gò má có nhiều vết xây xước do lá cây, do vấp ngã quyệt vào:
- Đây là đâu? Ông là ai?
Ông bảo cô còn yếu, đừng hỏi nhiều. Cứ nghỉ đi, khi nào khỏe muốn về đâu sẽ đưa cô về. Cô lắc đầu:
- Đáng lẽ ông cứ để em chết.. Còn về, em biết về đâu bây giờ?
Tối hôm ấy ông được cô kể về cuộc đời của cô. Một cuộc đời “rất dài và rất xa”, rất buồn..
Có thể “cô chàng phông bạt” tôi kể phần trên được sinh ra từ đêm hôm ấy, hoặc đại loại như đêm hôm ấy về sau..
3.
Số phận là tên bạn phản thùng khốn kiếp nhất, hay là con thú đói rình mồi. Nó không dễ gì buông tha nạn nhân của nó..
Ngôi nhà bên cửa rừng cũng là nơi chứng kiến, chịu đựng những dị biệt, éo le rất ít khi xảy ra nơi những căn nhà khác.
Khả năng của nó chỉ có thể chứa đựng được hai đến ba con người là cùng. Chiều ngang chưa đầy ba mét, dài cũng chỉ nhỉnh hơn một chút. Dung lượng ấy.. hai hay ba đã là quá tải.
Vậy mà có lúc nó phải chứa gần chục con người. Tôi chịu không thể hình dung ra cách người ta ăn nằm, ở, làm vài việc gì đấy.. như thế nào trong không gian chật hẹp, ảm đạm, ám khói đến thế này?
Ngay hôm mưa gió chúng tôi vào đụng mưa, nấu nhờ bữa cơm đã phải bớt hai trong số ba đứa chúng tôi đội nón đứng ngoài mái hiên. Chỉ dựa được mảnh lưng áp vào vách nứa cho đỡ lạnh. Nếu không có mấy mảnh nón mê ai đó vất trên đường đi, hẳn cả hai ướt còn hơn chuột lội nước.
Bạn muốn biết vì sao quân số đột ngột tăng?  Câu chuyện thật giản dị và cũng thật khó hiểu:
Cách chừng hơn năm sau bữa ông Phúng  ( Cái tên ma chạy, hiếu đễ ra làm sao đâu!) gặp người đàn bà bên dòng nước, ngôi nhà này chứng kiến thêm một chuyện. Có một người đàn ông đầu trọc lốc, vùng này chưa ai gặp bao giờ dẫn theo người đàn bà trẻ đẹp nói là vợ, đi tìm người chị gái thất lạc. Người này ôm lấy vợ ông Phúng rồi khóc rống lên:
- Ối chị ơi, chị đi đâu từ đấy đến nay? Em ra trại người ta bảo mẹ chết rồi. Chị ra quân về làng lấy chồng huyện bên. Em sang đến nơi,cái lão chồng chị ấy còn vác thuổng đuổi đánh em.. Thế là làm sao hở chị?
- Lão ấy bảo chị không biết đẻ, lôi con khác về nhà. Chị không đồng ý thế là lão ấy kiếm cớ đuổi chị ra khỏi nhà..
- Thế chính quyền, làng xóm đâu? Chị chịu ra tay không à?
- Làm gì được lão? Lão lấy mình có đăng ký đăng queo gì đâu? Vợ lão đẻ toàn gái, lấy thêm mình, danh nghĩa vẫn là người ăn kẻ ở.. Mà thôi phải tập quên đi những điều khốn nạn mới đủ sức sống được em ạ.
Lão Phúng nói:
- Đúng đấy..quên con mẹ nó đi. Nhớ làm gì cho nặng đầu!
Hai vợ chồng kẻ mới đến không thấy nói chuyện ra đi. Ngôi nhà bên cửa rừng đủ chân tứ trụ triều đình.. Ba năm, thêm hai đứa trẻ ra đời từ vốn tự có của hai cặp vợ chồng này. Nói ngôi nhà này có lúc chứa chấp, chịu đựng gần chục con người là nhẽ ấy..
4.
 Ngày chúng tôi hoàn công công trình nơi rừng sâu, núi đỏ, có ghé qua chào lão Phúng để về xuôi. Cảnh tượng hoang tàn, bi thương đến không ngờ bày ra trước mắt tôi.
Hai bên đầu hồi cách chừng mươi mét có hai ngôi mộ mới, còn chưa xanh cỏ. Lão phúng ngồi ôm bụng phều phào nói: “ Nhà tôi và cậu ấy đi rồi cậu ạ!” Tôi nghe mà chột dạ, không thể tin! Hỏi các cháu đâu lão bảo: “ Hai đứa đi lấy măng bị lũ cuốn, hai đứa người ta nhận làm con nuôi ở ngoài làng Cháy, cách mươi cây. Giờ chỉ còn con bé này..” Lão chỉ tôi đứa bé có cái ve nhỏ mi mắt trái..( Giống hệt cái ve cô chủ phông bạt đầu câu chuyện này tôi đã kể )
Vợ ông em cậu đang lúi húi cào cào cuốc cuốc gì đó trên đồi cao. Bóng chị ta dài ngoằng, vắt qua khe suối, tới mãi đám cây đùm đũm gai sắc như vuốt mèo.
Ra đến đường cái quan còn được nghe nhiều câu chuyện hư hư thực thực về cái nhà ông Phúng này.
Đồn rằng em cậu chết, ông ta có tình ý gì đó với em mợ. Bà vợ uất quá treo cổ tự vẫn. Mấy đứa con thương mẹ, hận bố bỏ nhà tìm nơi khác nương tựa. Bây giờ ông ấy sống như vợ chồng với cô em mợ..
Liệu có hẳn là vậy không?
 Tự nhiên thấy ghê sợ lời đồn thổi vu vơ, ác ý của con người. Không phải trước những cảnh đời không may mắn, ai cũng có lòng trắc ẩn, một chút lòng nhân, một chút hỉ xả, tha nhân.. Không thiếu kẻ xoay lưng, diễu nhại, tội tình người khác!

Chuyện buồn quá. Buồn đến nỗi tôi không dám tìm hiểu thêm, mặc dù sau đó có vài lần qua lại..

5.
Không ngờ lại có ngày gặp được cô “phông bạt” hôm nay.
Thấy hiển hiện ngôi nhà bên cửa rừng, đêm đêm lập lòe ánh lửa. Có những đêm đom đóm nhiều như sao trên trời sa xuống thành một vệt dài bên khe suối. Tiếng bìm bịp hay tiếng con gì đó khắc khoải kêu..Ngôi nhà bé nhỏ sực nức tiếng cười, mùi đàn bà, mùi bắp non, lúa mới..
Nhưng mà thôi, chẳng nên nhắc lại, hỏi em thêm làm gì?
 Em bảo em con ông Phúng.. chỉ cần nhớ vài kỉ niệm vui về ngôi nhà bên cửa rừng.

Chuyện khác quên đi, như bao chuyện trong đời đã, đang và sẽ xảy ra!

                        Thác bản Lan 4/2013



Phần nhận xét hiển thị trên trang