Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Báo cáo Việt Nam 2035 – những chuyện hậu trường

Tác giả: Đức Tâm
—————-
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – Ảnh: TL SGT
Sáng 24-2 chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan,một thành viên tham gia thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035, đã có buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) về những câu chuyện hậu trường liên quan đến quá trình thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035. TBKTSG Online lược ghi.
Ý tưởng hình thành Báo cáo Việt Nam 2035
Trước khi Việt Nam có bản Báo cáo Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, ngay từ năm 2000 Malaysia đã có Báo cáo Malaysia 2020 hay như năm 2010, Trung Quốc phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện Báo cáo Trung Quốc 2030.
Với một quốc gia, một báo cáo mang tầm nhìn dài hạn 20 năm như vậy là điều vô cùng cần thiết. Từ góc nhìn như vậy, từ lâu chúng tôi đã có mong muốn làm một điều tương tự cho Việt Nam.
Vào giữa năm 2014, nhân dịp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đến làm Việt Nam, đề xuất làm báo cáo đã được bàn đến và thống nhất thực hiện với sự nghiên cứu đóng góp từ cả hai phía: các chuyên gia World Bank và Việt Nam.
Rút kinh nghiệm từ trường hợp Trung Quốc, khi kết thúc quá trình làm việc, bản Báo cáo Trung Quốc 2030 có nội dung không hoàn toàn thống nhất giữa bản tiếng Trung và bản tiếng Anh, lần này hai bên Việt Nam và World Bank phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu để thống nhất góc nhìn, nội dung trong mỗi vấn đề nghiên cứu.
Đầu tiên phía World Bank đưa ra bức tranh mang sắc hồng với thành tựu nền kinh tế Việt Nam đạt được, trong khi phía ban biên tập Việt Nam muốn đưa ra bức tranh thẳng thắng hơn, toàn diện hơn, nhìn nhận những mặt được và chưa được vì có rõ ràng như vậy thì mới không chủ quan, mới có cơ sở để thay đổi.
Ngay như tiêu đề báo cáo là Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, phía World Bank đề nghị dùng từ “trách nhiệm giải trình – Accountability” thay cho từ dân chủ và ngay trong bản thảo cuối cùng của Báo cáo tổng quan cũng dùng từAccountabiliy vì ngại nhạy cảm nhưng chúng tôi thuyết phục họ thay đổi bởi “trách nhiệm giải trình” chỉ là một phần của “dân chủ” và không thể thay thế hết ý nghĩa của từ này.
Theo trao đổi ban đầu, bản Báo cáo sẽ gồm 12 chương nhưng từ tháng 11-2014, hai bên đồng ý rút ngắn lại còn 7 chương, mỗi chương giao cho các chuyên gia riêng của hai bên phối hợp biên soạn. Kinh phí thực hiện được khoán riêng cho mỗi chương và giao cho người phụ trách thực hiện chương đó quyết định quyền sử dụng.
Thông điệp quan trọng nhất, xuyên suốt khắp báo cáo đó là phải cải cách thể chế nếu không muốn bị lạc hậu. Đó là lý do Báo cáo có một chương dành riêng nói về Cải cách thể chế và các chương còn lại ít nhiều đều có đề cập đến vấn đề này.
Bài toán của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận được câu hỏi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là liệu chúng ta có thể đạt mực tăng trường 9% mỗi năm và duy trì liên tục trong 20 năm để hóa rồng?
Sau khi các chuyên gia World Bank và cả phía chúng tôi thực hiện chạy đủ các mô hình tính toán kinh tế thì câu trả lời là không thể.
Điều tốt nhất ngay khi chúng ta cải cách thể chế và nâng cao năng suất lao động thì cũng chỉ có thể được mức thu nhập trung bình bình quân đầu người hơn 7.000 đô la Mỹ (USD) hoặc 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương, bằng Malaysia năm 2010.
Còn nếu không cải cách, dự báo thu nhập bình quân năm 2035 đạt tối đa 4.500 USD, hoặc 12.000 USD tính theo sức mua tương đương.
Điểm khuyết về ngành công nghiệp mũi nhọn
Theo bản Báo cáo, đến năm 2035 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Tuy vậy chúng tôi chỉ dừng ở mức đưa ra định nghĩa công nghiệp hóa là gì chứ không thể đề xuất đâu là ngành công nghiệp mũi nhọn để tập trung phát triển.
Ba tiêu chuẩn, theo báo cáo, khi nói về đất nước công nghiệp hóa là: tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm từ 90% trong tổng GDP; tỷ lệ lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ chiếm từ 75% và dân cư sống ở đô thị chiếm từ 55% trở lên.
Chúng tôi không tách riêng ngành dịch vụ ra khỏi công nghiệp. Tại nhiều quốc gia phát triển, tỷ trọng ngành dịch vụ còn cao hơn cả ngành công nghiệp.
Về ngành công nghiệp mũi nhọn, chúng tôi có đặt câu hỏi với các chuyên gia World Bank nhưng họ cũng trả lời rằng rất khó để Việt Nam chủ động lựa chọn bởi quyền lựa chọn thuộc về các quốc gia khác có trình độ phát triển cao hơn. Họ mới là người quyết định chọn quốc gia nào làm cứ điểm.
Do vậy, cái Việt Nam cần là chuẩn bị nhân lực, hạ tầng, cơ sở vật chất … để có thể được chọn làm cứ điểm từ các quốc gia khác.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có hỏi các chuyên gia của World Bank về trường hợp Samsung. Liệu câu chuyện điện thoại Samsung rồi sẽ ra sao?
Câu trả lời, theo các chuyên gia World Bank, là không thể nói trước được điều gì. Dĩ nhiên Samsung, phần họ, tự biết sẽ phải thay đổi để thích nghi với thế giới, và Việt Nam nên chuẩn bị thật tốt để họ tiếp tục chọn Việt Nam làm cứ điểm đặt các cơ sở sản xuất, trung tâm nghiên cứu.
Tuy nhiên tin vui là, ở một khía cạnh nào đó, chúng ta đáp ứng tốt yêu cầu của Samsung. Tôi từng nói chuyện với một vị quản lý cấp cao của Samsung tại Việt Nam và được biết ban đầu, tại Hà Nội, Samsung có 300 kỹ sư người Việt thì nay con số này đã đạt 2.000 kỹ sư. Chính số lượng kỹ sư này mới là yếu tố quan trọng. Chất lượng và giá nhân lực nằm ở đây chứ không phải con số hàng vạn công nhân.
Thế sao Samsung ít đề cập đến số kỹ sư mà hay nói nhiều đến con số hàng vạn nhân công khi tiếp xúc với công chúng, truyền thông? Đơn giản vì họ nói những gì Việt Nam thích nghe.
Nông nghiệp: Ít đi để nhiều hơn
Đầu tiên, câu chuyện nông nghiệp sẽ được viết riêng thành một chương nhưng cuối cùng phải rút gọn thành một phần trong chương Kinh tế.
Tuy vậy, nội dung nghiên cứu chuyên sâu về nông nghiệp sẽ được tận dụng để đưa về báo cáo hàng năm của World Bank và chúng ta có thể tham khảo sau.
Khuyến nghị chính trong câu chuyện nông nghiệp là phải gắn với thương mại hóa và hiện đại hóa. Gắn với thương mại hóa thì phải đáp ứng nhu cầu, yêu cầu từ thị trường. Muốn vậy phải biết ít đi để nhiều hơn. Ít đi ở đây là ít đi sự can thiệp của Nhà nước, ít đi một số chủng loại nông sản không có khả năng cạnh tranh để tập trung vào những nông sản khác, qua đó đạt được nhiều hơn về giá trị.
Bản Báo cáo Việt Nam 2035 được công bố vào sáng hôm qua, 23-2, mới chỉ là bản báo cáo tổng quan (Overview). Trong khoảng một tuần tới, chúng tôi sẽ bổ sung thêm để hoàn chỉnh bản báo cáo này.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận được nhiều hỗ trợ qua các báo cáo đầu vào từ các chuyên gia trong nước, quốc tế và đặc biệt có cả bài tham vấn từ nhóm các nhà nghiên cứu Harvard. Đây đều là những tài liệu quý nhưng chúng tôi không thể đưa hết vào bản báo cáo được. Tuy vậy, chúng tôi sẽ cố gắng để có thể đưa những tài liệu báo cáo đầu vào, những bài tham vấn đến cộng đồng.
Cách duy nhất là tăng năng suất lao động
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh trong buổi nói chuyện với các phóng viên tại TPHCM hôm nay rằng muốn đạt được mức thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình – cao của thế giới là hơn 7.000 đô la Mỹ/người/ năm (15.000 – 18.000 đô la Mỹ tính theo sức mua tương đương) vào năm 2035, Việt Nam không còn cách nào khác là phải tăng năng suất lao động.
Bà Phạm Chi Lan nói rằng, nếu đến 2035, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt được mức hơn 7.000 đô la Mỹ như kỳ vọng mà Báo cáo Việt Nam 2035 đề ra thì cũng chỉ mới bằng thu nhập bình quân của người dân Malaysia vào năm 2010.
Và muốn đạt được vậy thì năng suất lao động phải tăng để đóng góp 92% trong tăng trưởng kinh tế. “Nếu năng suất lao động không tăng thì sẽ chắc chắn sẽ không thể có mức thu nhập bình quân kể trên”, bà Lan khẳng định.
Lý do, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, nằm ở chỗ, các yếu tố khác đẩy kinh tế tăng trưởng là vốn, số lượng lao động… như bao năm qua, đến nay đều đã hết. Bà Lan nói: “Các khoản viện trợ ODA không còn, lao động không thể tăng thêm vì dân số Việt Nam đang già hóa. Do đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không có cách nào đạt được nếu không tăng năng suất lao động”.
Cộng với sức ép đó, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, còn có bối cảnh hội nhập, cạnh tranh sau khi Việt Nam mở cửa thị trường sau khi những hiệp định thương mại được ký kết.
Trong Báo cáo Việt Nam 2035, các chuyên gia khuyến nghị hàng loạt giải pháp để tăng năng suất lao động, hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn liền với công tác giáo dục, đào tạo; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và quản trị doanh nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành; doanh nghiệp phải tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu…
Minh Tâm
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Núi lửa lớn nhất thế giới rục rịch hồi sinh


Mauna Loa, núi lửa còn hoạt động lớn nhất thế giới, có thể đang chuẩn bị phun trào trở lại khi dữ liệu theo dõi địa chấn và biến dạng cho thấy những trận động đất nhỏ diễn ra thường xuyên.
Theo International Business Times, hoạt động gia tăng ở núi lửa Mauna Loa trên đảo Big Island, Hawaii, được phát hiện vào năm 2013 và đây có thể là tín hiệu báo trước một vụ phun trào.
Một miệng phun của núi lửa Mauna Loa. (Ảnh: Flickr).
Núi lửa Mauna Loa không phun trào từ năm 1984. Vào ngày 15/9/2015, mức cảnh báo được nâng từ cấp độ bình thường lên cấp cần cố vấn thêm. Các nhà khoa học ở Cục khảo sát Địa chất Mỹ tại Trạm quan sát núi lửa Hawaii (HVO) cho biết sự thay đổi chỉ ra dấu hiệu bất ổn gia tăng nhưng không có nghĩa phun trào chắc chắn đang đến gần.
Hiện, các nhà nghiên cứu không thể dự đoán trước khi nào một ngọn núi lửa sẽ phun trào. Tuy nhiên, những dấu hiệu báo trước như hoạt động địa chấn gia tăng thường xảy ra trước một vụ phun trào.
“Hoạt động địa chấn gia tăng ở Mauna Loa có thể tiếp diễn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm mà không dẫn đến phun trào. Tình trạng bất ổn hiện nay cũng có thể là dấu hiệu báo trước vụ phun trào tiếp theo của Mauna Loa. Nhưng ở giai đoạn đầu, chúng tôi không thể kết luận chính xác khả năng nào cao hơn”, Tina Neal, nhà khoa học ở HVO, cho biết.
Dung nham chảy từ núi lửa Mauna Loa.
Dung nham chảy từ núi lửa Mauna Loa. (Ảnh: R.W. Decker).
Vụ phun trào lớn nhất trong 100 năm qua của Mauna Loa diễn ra năm 1950 khi dung nham phun lên từ một khe nứt dài 20km. Vụ phun trào kéo dài 23 ngày với 376 mét khối dung nham. Dòng dung nham chảy xuống biển trong chưa đầy 4 tiếng. Tuy không gây tổn thất về sinh mạng, vụ phun trào vẫn phá hủy hoàn toàn làng Hoʻokena-mauka.
Các khu vực diễn ra động đất hiện nay tập trung ở nơi cao nhất thuộc đới nứt gãy phía tây nam và đỉnh phía nam của Mauna Loa. Nếu một vụ phun trào diễn ra, nó sẽ ảnh hưởng đến các cộng đồng dân cư sống ở dốc núi.
Theo VnExpress

Từ lưỡi và đầu gối!


Image copyrightAP
Image captionPhóng viên và biên tập của các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc thường được dặn trung thành với Đảng và lãnh đạo
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây bắt đầu chuyến thăm hàng loạt phòng tin, tòa soạn báo, phòng phát thanh của Đảng Cộng sản, bận rộn đưa ra các lời khuyên hữu ích (mà chủ yếu là hãy luôn nghe lời Đảng), một biên tập viên xuất hiện với ánh mắt nhìn lóng lánh ngưỡng mộ hơn ai hết.
Bài thơ của ông Bồ Lập Nghiệp, Phó Biên tập ban thời sự Tân Hoa xã, viết tặng Chủ tịch Tập nhân chuyến thăm, đã lan truyền rộng rãi trên mạng nhưng có lẽ không nên coi đây là dấu hiệu tốt cho sự tán thưởng thơ ca.
Ngược lại, những nỗ lực hết lòng của ông Bồ bị nhiều người coi là tác phẩm kinh điển của loại văn thơ ca ngợi lãnh tụ, thậm chí còn khúm núm và là biểu tượng đáng lo ngại của việc siết chặt kiểm duyệt tư tưởng và tự do biểu hiện dưới thời vị chủ tịch mà ông thần tượng.
Với tên gọi “Tổng Bí thư, tấm lưng người và ánh mắt tôi”, bài thơ với vần điệu thề trung thành trước lãnh đạo vĩ đại.
Nhắc tới tấm lưng của ông Tập, và dù qua biên dịch ý nghĩa của bài thơ phần nào đã bị ảnh hưởng, nhằm cho người đọc bản tiếng Trung thấy hình ảnh đôi vai rộng của người cha dân tộc và những gánh nặng mà vị lãnh đạo phải đảm đương cho thế hệ kế cận.
Chuyến thăm truyền thông của ông Tập được coi là sự khẳng định nhà báo phải tuân theo và dập tắt những gì chính quyền cho là “giá trị phương Tây” nguy hiểm, như tự do ngôn luận.
Image copyrightAP
Image captionÔng Tập Cận Bình cũng tới thăm Nhân Dân Nhật báo dịp đầu năm 2016
Dưới đây là bài thơ do BBC Tiếng Việt tạm dịch từ bản tiếng Anh.
________________________________________
Tổng Bí thư, tấm lưng người và ánh mắt tôi
Bồ Lập Nghiệp, Phó Biên tập Ban Thời sự, Tân Hoa xã
Giờ khắc này, pháo tay vang như sấm
Át tiếng đường phố Tuyên Vũ Môn (nơi đặt trụ sở của Tân Hoa xã)
Hôm nay rồi cũng được nghe lời người sâu sắc
Gần gũi như nghe giọng anh trai
Người chắp tay tôn trọng và mỉm cười
“Chúc mọi người tân niên hạnh phúc và năm Thân tốt lành.”
Tổng Bí thư, tấm lưng người và ánh mắt của tôi
Ánh mắt tôi viết nên bài thơ này
Những ngón tay làm nóng ran điện thoại
Bài thơ tôi nung nấu từ lâu
Đến từ ngực và từ sâu thẳm trong tim
Dâng tràn tâm, huyết
Lên, xuống cùng dòng Hoàng Hà và Trường Giang
Lan theo Trường thành
Theo nhịp nhạc chuông lạc đà treo trên đai lưng dọc con đường
Và luồng gió ấm từ những con tàu khổng lồ và những đoàn tàu cao tốc
Ha ha, ngay lúc này không có những đêm sao
Mà tôi vẫn hay viết
Nhưng nhìn ra ngoài tòa nhà, mắt tôi tràn ngập ánh sáng
Thi từ nhảy nhót trong mạch đập
Tổng Bí thư, tấm lưng người
Người sải bước về phía trước, đầu ngẩng cao
Chúng tôi sẽ giữ lời mình
Và lao về phía trước trên con đường kinh tế giàu có
Tiến gần hơn hết đến mục tiêu của mình
Ngay cả khi có bóng tối và khó khăn trên hành trình
Chúng tôi vẫn an lòng như buổi chiều hôm nay
Tổng Bí thư, tấm lưng người và ánh mắt tôi
Ánh mắt tôn kính của tôi và của nhiều đồng nghiệp Tân Hoa nữa.
Đọc bài viết đầy đủ của phóng viên John Sudworth, BBC News từ Bắc Kinh bằng tiếng Anh tạihttp://bbc.in/1ozm2d8

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

'Bao biện thế nào, vẫn khó chối trách nhiệm'


Việt NamImage copyrightAFP
Image captionNgười dân Việt Nam không quên tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt - Trung (17/2/1979).
Trong lịch sử của nhiều dân tộc, có không ít câu chuyện về khí phách, bản lĩnh của những nhà chép sử vốn chấp nhận cả tù đày, cái chết, mất một phần thân thể... để quyết nói lên sự thật, dù có 'buồn cách mấy' cũng phải thừa nhận rằng thời nay chẳng tìm thấy ai vậy nữa.
Đó là quan điểm của ông Hà Văn Thịnh, nguyên giảng viên và nhà nghiên cứu lịch sử thuộc Đại học Huế, trao đổi với BBC nhân gần đây một số sự thật trong soạn sử, dạy sử ở Việt Nam được các sử gia của nước này tiết lộ với truyền thông, như chuyện soạn sách giáo khoa (SGK) về cuộc chiến Biên giới Việt - Trung (1979), cho tới 'tích hợp lịch sử' trong nhà trường phổ thông, hay chuyện 'dã sử cách mạng' về anh hùng huyền thoại Lê Văn Tám v.v...
Mời quý vị theo dõi sau đây cuộc phỏng vấn qua bút đàm của BBC với sử gia Hà Văn Thịnh:
BBC: Ông bình luận ra sao về cách làm sử ở Việt Nam qua câu chuyện Giáo sư Vũ Dương Ninh mới đây chia sẻ trên trang VnExpress.net về cuộc chiến Biên giới phía Bắc của Việt Nam với Trung Quốc (từ 17/2/1979) khi được phản ánh trong sách giáo khoa, bị cắt từ 4 trang xuống 11 dòng?
Ông Hà Văn Thịnh: “Chuyện” của GS Vũ Dương Ninh vừa cho độc giả biết thực sự gây chấn động với dư luận, thực ra, chẳng có gì mới đối với những người dạy sử, viết sử. Cắt xén, thêm bớt, thổi phồng “tài năng” bên này, bôi xám đối thủ bên kia..., đã là “truyền thống” của một nền sử học luôn nhân danh “lợi ích cách mạng” để “chưa nên công bố” vì nếu công bố sẽ thế này, thế kia...
Nói trắng ra, “người ta” cứ vin vào đủ thứ của cái gọi là “nhạy cảm” để biến hóa khôn lường, làm cho lịch sử không còn là sự thật theo đúng nghĩa của nó nữa...
Dù có bao biện cách nào đi nữa thì những Giáo sư đầu ngành phải chịu trách nhiệm khi cả một cuộc chiến tranh được rút gọn lại chỉ có mươi dòng. Tính chi li, cứ mỗi chữ trong sách giáo khoa, phải đổi bằng cả ngàn mạng người...

Muộn còn hơn không?

Ông Hà Văn ThịnhImage copyrightFB Ha Van Thinh
Image captionÔng Hà Văn Thịnh không chấp nhận cách nói cho huyền thoại Lê Văn Tám là 'dã sử' để được chấp nhận như một 'thông lệ' trong sử học.
BBC: Có người phê phán là những câu chuyện như SGK cắt sự kiện lịch sử còn từ 4 trang giảm 11 dòng này, hay trước đây là chuyện sự thực về huyền thoại Lê Văn Tám đã được tiết lộ quá trễ bởi những người có trách nhiệm và liên quan, thậm chí đặt vấn đề của tư cách người làm sử, nhưng nếu có người đặt lại vấn đề là 'muộn còn hơn không' thì ông thấy thế nào?
Ông Hà Văn Thịnh: Phê phán những người có trách nhiệm trong việc biên soạn lịch sử là điều nên làm, phải làm vì nếu như các nhà sử học chẳng còn bất kỳ chút “dũng khí sự thật” nào thì lịch sử chỉ còn là trò tung hứng của quyền lực!
Còn nói rằng, “muộn hơn không” thì đó là cái “chủ nghĩa AQ” – y như một căn bệnh mãn tính của người Việt. Thời chiến tranh, có câu nói cửa miệng mà ai cũng biết: “Chết vẫn còn may, vì vẫn còn tìm thấy... xác”!
BBC: Bàn về chuyện huyền thoại cách mạng Lê Văn Tám, trả lời BBC từ trước, sử gia, GS Vũ Dương Ninh cho rằng trong sử xưa có chính sử và dã sử, Lê Văn Tám theo ông là một dạng dã sử (ngầm hiểu là nên chấp nhận nó theo cách đó), ông có đồng ý với cách lý giải đó?
Ông Hà Văn Thịnh: Không! Tôi không bao giờ đồng ý với cái cách trượt dài theo bao biện rằng bịa ra lịch sử như Lê Văn Tám lại thuộc về... “dã sử”.
Dã sử kiểu gì đi nữa cũng không thể chấp nhận một con người cụ thể đổ xăng vào rồi châm lửa và... chạy vào kho xăng địch. Phi lý về khoa học, tệ hại về cách dàn dựng. Dối trá như thế rồi lại trách lớp trẻ bây giờ ít trung thực, suy thoái về văn hóa thì quả là chuyện thật buồn...

'Chẳng tìm thấy nữa'

BBC: Năm vừa qua, Việt Nam có vụ việc khá ồn ào về việc nên soạn sách, dạy sử 'tích hợp' hay là để nó như một môn độc lập, đằng sau tất cả mọi tranh cãi, lý lẽ, kể cả việc dường như đã có một chiến dịch các sử gia Hội sử học Việt Nam phản kích rất mạnh mẽ Bộ Giáo dục, câu chuyện này thực sự phản ánh điều gì, theo ông?
Ông Hà Văn Thịnh: Cái chuyện “tích hợp” môn sử dù có giải thích cách nào đi nữa thì vẫn là sự chập choạng của tư duy. Không đủ chứng cứ để nói về ý đồ của những người đề ra “tích hợp” cũng như ai đứng sau cái ý định kỳ quái đó, tôi chỉ muốn lưu ý rằng, một khi người ta “trộn” lịch sử với đạo đức, công dân, an ninh quốc phòng thì các giáo viên tha hồ thả bóng bay ỡm ờ cho học trò hiểu về lịch sử thế nào thì hiểu.
Nói cách khác, hình như có ai đó đã “quên mất rằng” tích hợp là vô hình trung làm mờ lịch sử dân tộc, nếu không muốn nói là các thế hệ sau sẽ QUÊN dần lịch sử nước nhà... Khi đó, ai còn nhớ đến cái gốc, cái nền của bản sắc Việt, Văn hóa Việt?
BBC: Có người nói, dù dưới bất cử lý cớ nào, nếu giảng dạy, chép sử mà 'né tránh' sự thật, 'hy sinh' các nguyên tắc khách quan, trung thực, 'thỏa hiệp' với chính quyền, đổi lấy an toàn, thì đều là hành vi khó chấp nhận với cả dân tộc lẫn khoa học, ông thấy thế nào?
Việt NamImage copyrighttuoitre.vn
Image captionCuộc chiến Biên giới Việt - Trung (1979) đã bị cắt từ 4 trang xuống còn 11 dòng trong sách giáo khoa lịch sử ở Việt Nam, theo tiết lộ mới đây của giới sử gia ở Việt Nam.
Ông Hà Văn Thịnh: Trong lịch sử của nhiều dân tộc, có không ít câu chuyện về khí phách, bản lĩnh của những nhà chép sử: Họ chấp nhận cả tù đày, cái chết, mất một phần thân thể..., để quyết nói lên sự thật. Dù có buồn cách mấy cũng phải thừa nhận rằng thời nay chẳng tìm thấy ai vậy nữa.
Kể cả tôi, khi nói về sự thật cũng chỉ dám đụng chạm vừa phải trong một quá trình tự dặn mình phải tự kiểm duyệt. Nói như thế để biết về một nỗi đau của không ít nhà sử học thời nay. “Lạt mềm buộc chặt” và những “cái lồng vô hình” là kiệt tác về quản lý con người của thời bây giờ. Chính vì thế nên đa số mọi sự phản ánh về sự thật đều xảy ra sau khi... nghỉ hưu. Tôi hay nói đùa là đất nước có một trạng thái đặc biệt: “Sự thật thời hưu trí”...

Làm lại thế nào?

BBC: Cuối cùng, nền sử học trong tương lai của Việt Nam, nếu được tự chủ, độc lập, việc xác lập lại cách làm sử, dạy sử có dễ không sau mấy chục thập niên theo lề lối được cho là 'sử minh họa', 'sử tuyên truyền' như nhiều người nhận xét, khi làm lại, cần bắt đầu từ đâu, từ cái nào là quan trọng, đáng lưu ý nhất?
Ông Hà Văn Thịnh: Chắc chắn rằng nếu lịch sử được chép, kể đúng như nó đã xảy ra thì hấp dẫn, thú vị và cuốn hút vô cùng. Tôi đã từng đọc không ít cuốn sử của các học giả phương Tây: Chúng lôi cuốn từ đầu đến cuối, đọc một mạch không thể dừng được.
Những người có trách nhiệm đã quên mất một điều quan trọng:
Nếu lịch sử cứ mãi chắp vá, sai sự thật thì mọi giá trị đều bị đảo lộn – nhen nhóm, nuôi dưỡng dần “tinh thần dối trá”. Hãy thử hình dung khi không còn cái gì để tin thì con người biết bám víu vào đâu để sống?
Nếu bắt đầu lại theo đúng nghĩa nguyên thủy của lịch sử, tôi chỉ xin lặp lại ý kiến của Hérodotus (480-420 B.C) thuở xưa:
“Kể lại chính xác về những gì đã xảy ra và, cho các nhà sử học bình luận khách quan về tất cả những gì đã xảy ra”!
Ông Hà Văn Thịnh là nhà nghiên cứu, giảng viên ngành sử học từng có nhiều năm làm việc tại Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học, Đại học Huế, Việt Nam.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ sụp đổ?


Các DN địa ốc đang nín thở chờ những quyết sách liên quan đến cơ chế tín dụng. (ảnh: Hiệp hội BĐS Sài Gòn)
Ngân hàng Nhà nước CSVN (NHNN) đang dự thảo sửa đổi thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản từ 150% lên 250%.
Trong buổi họp mặt các chủ công ty bất động sản (BĐS) vào sáng ngày 26-2 tại Sài Gòn, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS tại Sài Gòn chia sẻ với lo lắng chung của giới đầu tư, là nếu dự thảo sửa đổi thông tư 36 của NHNN được thông qua, thì khả năng thị trường BĐS trước tiên là sẽ đóng băng, và tình huống xấu nhất là sớm sụp đổ.
Trong dự thảo sửa đổi này có 2 nội dung khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đứng ngồi không yên. Thứ nhất là mục giảm trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế nguồn cung tín dụng trung và dài hạn vào thị trường bất động sản. Điểm thứ hai mà các DN lo ngại là tăng hệ số rủi ro từ 150% hiện nay lên 250% đối với nhóm tài sản thuộc các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS.
Tổng giám đốc một công ty địa ốc có trụ sở tại quận Tân Bình, Sài Gòn cho hay từ cuối năm 2015 DN theo đuổi, thương lượng mua một dự án có vị trí đắc địa, quy mô 30 hecta. Với pháp lý đầy đủ, dự án sắp hoàn thiện hạ tầng nên đã được một ngân hàng thương mại lớn đánh tiếng sẽ bảo lãnh vốn. Nếu mua quỹ đất này, DN dự kiến vay vốn đối ứng 50% và chuẩn bị nguồn hàng 1,000 nền đất tung ra thị trường. Tuy nhiên, trước thềm Tết Bính Thân đến nay, ngân hàng từ chối xúc tiến cho vay với lý do phải chờ hướng dẫn cụ thể về định hướng kiểm soát tín dụng BĐS.
Có nhiều năm hoạt động trong ngành ngân hàng và tài chính BĐS, ông Trần Khánh Quang, tổng giám đốc công ty Việt An Hòa, dự báo nếu dự thảo sửa đổi thông tư 36 được NHNN áp dụng, các quy định hạn chế dòng tiền ra thị trường này có thể khiến lãi suất cho vay trung dài hạn tăng lên. Hiện lãi suất cho vay cá nhân BĐS khoảng 11%, dự kiến nếu áp dụng sẽ tăng lên 12-12,5%, người mua nhà sẽ chịu lãi suất vay cao hơn. Ngoài ra, theo ông Quang, việc tăng hệ số rủi ro cho vay kinh doanh BĐS từ 150 lên 250% có thể dẫn đến hệ quả là cho vay kinh BĐS bị thu hẹp lại. Nếu điều này được áp dụng, ngân hàng sẽ hạn chế cho vay các dự án BĐS mới. Một kịch bản có thể xảy ra là những dự án mới trong năm 2016 sẽ rất khó vay vốn nhà băng.
Các chủ đầu tư nhà đất ở Sài Gòn đang đưa ra kịch bản cho thị trường BĐS năm nay: Tâm lý thận trọng lấn lướt và đà tăng trưởng của thị trường BĐS bị chậm lại hoặc suy giảm. Những khó khăn, thách thức đầu tiên có thể khiến thị trường chững lại là áp lực tăng lãi suất, thắt chặt cho vay BĐS. Đây là 2 biến số có tầm hưởng rất lớn đến sự thịnh suy của ngành địa ốc. Biến số tiếp theo là kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với áp lực suy giảm tăng trưởng và kinh tế Việt Nam khó có thể chối bỏ sự lệ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế này. Một biến số khác nữa là rổ hàng hóa BĐS đang xô lệch về phân khúc giá cao, đẩy thách thức cân bằng cung - cầu trong thời gian tới.
Ngoài ra bài học về cuộc khủng hoảng năm 2007-2008 vẫn còn nguyên vẹn có thể khiến nhiều người theo chủ nghĩa hoài nghi, cầu toàn quyết định án binh bất động trong năm 2016. Các biến số trên đang chuyển từ trạng thái tiềm ẩn sang lộ diện. Đây chính là nỗi băn khoăn, nghi ngại thị trường địa ốc năm Bính Thân.
Các DN địa ốc đang nín thở chờ những quyết sách liên quan đến cơ chế tín dụng. (ảnh: Hiệp hội BĐS Sài Gòn)
Vũ Minh Ngọc / SBTN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Obama có thể diễn thuyết ở Ba Đình?

Luật sư Vũ Đức Khanh Gửi cho BBC từ Canada/bbc
Tổng thống Obama diễn thuyết trước Quốc hội Hoa Kỳ
Tháng 3 này, một phái đoàn của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể sẽ đến Hà Nội để bàn thảo về lịch trình cụ thể cho chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Obama.Một chủ đề đang được phía Mỹ quan tâm là Tổng thống Obama sẽ đi đâu, gặp ai và nói gì?
Dĩ nhiên những gì là thông lệ ngoại giao thì bắt buộc phải làm không cần bàn cãi vô ích, thí dụ như đi hội kiến với lãnh đạo nước chủ nhà và dự quốc yến.
Nhưng, để đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại và để lại dấu ấn riêng cho mình thì bất cứ vị nguyên thủ quốc gia nào cũng phải suy nghĩ và nhất là Mỹ, một quốc gia đã từng có ân oán, nặng tình một thời với Việt Nam; đồng thời Tổng thống Obama cũng chỉ còn vỏn vẹn vài tháng trước khi rời chính trường.
Tổng thống Obama là vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ ba, dự kiến sẽ đến thăm Việt Nam tháng 5 sắp tới, kể từ khi hai nước chính thức bình thường hoá bang giao năm 1995. Dĩ nhiên, ông không muốn lặp lại những gì mà những người tiền nhiệm như Tổng thống Bill Clinton và George Bush (con) đã làm. Ông nhất định sẽ phải để lại một dấu ấn riêng, đặc biệt và lịch sử.
Tổng thống Obama là người nổi tiếng với tài hùng biện trước đám đông, và ông đã từng diễn thuyết thành công vang dội tại Berlin trước một cử toạ khoảng 200.000 người, vài tháng trước khi ông đắc cử tổng thống năm 2008.
Ông Obama và bà Merkel tại Berlin
Bài diễn văn Berlin này, phần nào đã định hình chính sách ngoại giao Hoa Kỳ của chính phủ ông.
Vì thế, Việt Nam có thể sẽ là nơi mà ông đến, để tổng kết hai nhiệm kỳ của ông cũng như để làm "điểm nhấn" kế tiếp cho chính sách "chuyển trục Á Châu" của ông; đồng thời phác họa đại cương những điều mà ông cho là quan trọng trong thời gian tới cho các vị kế nhiệm.

Cam kết Mỹ ở lại Á Châu - Thái Bình Dương

Tháng 11/2011, trong bài diễn văn trước Quốc hội Úc, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng "Á Châu - TBD là trọng tâm hàng đầu của chính sách an ninh Hoa Kỳ" và ông công bố chiến lược "tái cân bằng" với kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Ông Obama sau bài diễn thuyết tại Dehli, Ấn Độ tháng 12/2015
Ông cũng mạnh mẽ cam kết rằng "khu vực này sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự khó khăn tài chính của Hoa Kỳ sau khi nhấn mạnh Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở lại đây". Chính vì thế mà các lãnh đạo trong khu vực cũng muốn được nghe ông nói lần cuối trước khi Hoa Kỳ có lãnh đạo mới.
Có tin cho biết rằng đã có gợi ý đề nghị chính phủ Việt Nam cho phép ông phát biểu trước công chúng tại sân tiền đình của Dinh "Độc Lập" cũ ở Sài Gòn nhưng phía Việt Nam quan ngại và đưa ra điều kiện chỉ sẽ có thể chấp nhận nếu Hoa Kỳ đồng ý hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm 15/2, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Sunnylands, cũng đã nhắc lại với Tổng thống Obama về điều này, nhưng ở hậu trường, thì phía Mỹ đã cho Việt Nam hiểu rằng sẽ không bao giờ có điều đó khi Hà Nội chưa đáp ứng được "yêu cầu nhân quyền" của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẵn sàng tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, một cách sâu rộng và toàn diện, với Việt Nam.
Trong một diễn biến khác rất đáng chú ý, đó là phát biểu của Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 23/2, ông này khẳng định rằng, "Tôi tin là Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở Đông Á" và ông đề nghị "hải quân Hoa Kỳ cung cấp thêm các tàu ngầm tấn công tới Châu Á, tăng cường hiện đại hóa thiết bị, đầu tư vào các phi đạn thế hệ mới để đối phó với các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc".
Trả lời câu hỏi của Thượng nghị sỹ John McCain, cũng trong phiên điều trần nói trên, liên quan đến việc liệu có nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam hay không.
Đô đốc Harry Harris khẳng định "Tôi nghĩ đây là cơ hội chiến lược quan trọng cho Hoa Kỳ và, tôi cho rằng người dân Việt Nam sẽ hoan nghênh cơ hội làm việc gần gũi hơn với Mỹ như là một đối tác an ninh mà họ chọn lựa... Tôi nghĩ chúng ta nên cải thiện quan hệ với Việt Nam".
Qua trên, chúng ta có thể nhận định rằng, nội bộ chính quyền Obama thời gian gần đây đã có những thay đổi lớn trong tư duy về cách tiếp cận với Hà Nội vì nhu cầu trước mắt và thực tiễn, nhưng nhìn tổng thể quan hệ Việt - Mỹ trong chiến lược lâu dài thì điều kiện "nhân quyền" vẫn là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững và thành công giữa hai quốc gia.
Cho nên việc cung cấp, trang bị và thậm chí chuyển giao một số công nghệ quốc phòng vẫn có thể xảy ra nhưng sẽ giải quyết theo nguyên tắc của từng trường hợp cụ thể một. Tổng thống Obama có thể sẽ sẵn sàng cấp thêm viện trợ quân sự cho Việt Nam và cho phép thỏa mãn một số đơn đặt hàng quân cụ, vũ khí hiện đại cho lực lượng không và hải quân Việt Nam trong chuyến đi lịch sử này.

Quảng trường Ba Đình và Ý chí Độc Lập

Dường như đã có gợi ý phản hồi từ các cơ quan chức năng của cả hai phía là sẽ có một giải pháp thỏa đáng thông qua đàm phán.
Trước tình hình đó, chúng ta thử mạn phép gợi ý Hà Nội nên để Tổng thống Obama có bài phát biểu nêu trên tại quảng trường Ba Đình; nơi đây cũng là nơi cố Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Lãnh đạo TQ, ông Tập Cận Bình đã đọc diễn văn tại QH Việt Nam năm 2015
Đây cũng là thủ đô của Việt Nam hiện nay và nơi đây có thể được cho là "an toàn hơn" cho chế độ.
Đổi lại, Tổng thống Obama, ngoài việc thỏa mãn một số yêu cầu cụ thể về hợp tác quân sự, ông cũng sẽ nhấn mạnh đến ý chí "độc lập" của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Đồng thời qua bài diễn văn này, Tổng thống Obama cũng có thể đưa ra một thông điệp mới, định hình chính sách Á Châu -Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Đây có thể là phép thử cho ý chí "độc lập" của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, cái mà họ đang rất cần để "chính danh" sự cầm quyền của họ.
Bài viết thể hiện quan điểm của luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, Canada.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc “tặng” Campuchia 2 chiến hạm đổi lấy sự ủng hộ ở Biển Đông

(Quốc tế) - Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cho Campuchia một cặp tàu chiến và Campuchia ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
The Diplomat ngày 25/2 đưa tin, trong lúc căng thẳng đang tăng cao trên Biển Đông, tuần này 3 chiến hạm Trung Quốc đã kéo sang Campuchia tập trận chung. Tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng Sihanoukville, Campuchia ngày 22/2 trong một chuyến thăm 5 ngày.
Campuchia cho cả đội múa lân ra đón 3 chiến hạm Trung Quốc cập cảng Sihanoukville, ảnh: China.org.cn.
Đây là lần đầu tiên chiến hạm Trung Quốc đến Campuchia thực hiện hoạt động giao lưu quân sự, đấu bóng giao hữu và tập trận chung. Phó Tư lệnh Hải quân Campuchia Vann Bunneang nói với báo giới, 70 thủy thủ hải quân nước này sẽ tập trận chung với 737 lính hải quân Trung Quốc.
Cuộc tập trận đầu tiên giữa hải quân hai nước diễn ra trong hôm qua và hôm nay 25/2. The Diplomat bình luận, Trung Quốc có một mối quan hệ quốc phòng vững mạnh với Campuchia – đối tác quan trọng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.
Trung Quốc là nhà tài trợ, viện trợ kinh tế – quân sự lớn nhất của Campuchia, quan hệ quốc phòng giữa 2 nước phát triển mạnh những năm gần đây. Phnom Penh có tiền, có vũ khí để nâng cao năng lực quân sự, trong khi Bắc Kinh có được một đối tác ủng hộ mạnh mẽ các lập trường quan trọng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, sự lệ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc đã khiến Phnom Penh buộc phải hỗ trợ Bắc Kinh ngay cả những trường hợp làm suy yếu rõ ràng hòa bình và an ninh trên Biển Đông, The Diplomat lưu ý.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có sử dụng cuộc tập trận chung này như một cơ hội để phô trương sức mạnh quân sự của mình hay không, quan chức quân sự Campuchia nói thẳng:
“Cũng giống như một công ty may mặc. Sau khi họ sản xuất được một sản phẩm mới, họ thường quảng cáo. Vì vậy sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc ở Campuchia hoặc những nơi khác là vì Trung Quốc là một nước lớn, họ muốn thể hiện với thế giới những công nghệ hiện đại của họ”, quan chức này nói.
Trước đó đài RFA ngày 24/2 đưa tin, cuộc tập trận chung hải quân Trung Quốc – Campuchia diễn ra đúng thời điểm Bắc Kinh thông báo sẽ tặng Campuchia 2 chiến hạm. Một quan chức hải quân Trung Quốc đã đến Phnom Penh hôm qua 24/2 để gặp Bộ trưởng Quốc phòng và Tư lệnh Hải quân Campuchia.
Tư lệnh Hải quân Campuchia cho biết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cho Campuchia một cặp tàu chiến và Campuchia ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
RFA bình luận, trong khi Campuchia chỉ có một lực lượng hải quân nhỏ bé, nhưng quốc gia này lại trở thành “cầu thủ quan trọng” ở Biển Đông vì là đồng minh đáng tin cậy nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Phnom Penh đã “chia tay” với ASEAN từ khi làm Chủ tịch luân phiên khối năm 2012.
Với lập trường và ảnh hưởng của Campuchia đối với quyết sách của ASEAN, đặc biệt là đóng vai trò lực cản chống lại sự đoàn kết, thống nhất của cả khối trong vấn đề Biển Đông, Reuters ngày 18/2 bình luận rằng, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia này với Bắc Kinh.
Reuters dẫn lời các nhà phân tích nói rằng Hoa Kỳ lo ngại việc Campuchia trở thành “chư hầu” của Trung Hoa trong việc chống lại sự đồng thuận của ASEAN. Washington đã tìm cách duy trì hợp tác quân sự song phương với Phnom Penh, bất chấp những chỉ trích về nhân quyền của Campuchia.
Trong khi đó, 3 chiến hạm Trung Quốc cập cảng Sihanoukville chỉ 1 ngày sau khi chiến hạm Nhật Bản vừa rời Campuchia. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang duy trì lợi thế cả về tài chính và quân sự trong quan hệ với Phnom Penh.
(Theo Giáo Dục)
Phần nhận xét hiển thị trên trang