Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Thế là sao?

Đại Tang .

Chu Cuoi

Trước cổng cơ quan, một bác nông dân thập thò, nghiêng ngó. Thấy vậy, anh bảo vệ quát to:
- Ông kia! Tới có chuyện gì?
- Tôi muốn gặp giám đốc xin cái giấy xác nhận!
- Hôm nay giám đốc nghỉ lo đám tang. Bố giám đốc vừa mất!
- Vậy cho tôi gặp phó giám đốc được không?
- Cũng không được! Vì bố phó giám đốc cũng vừa mất!
Vẻ thất vọng lộ rõ trên gương mặt bác nông dân, nhưng bác vẫn cố hỏi thêm:
- Vậy cho tôi gặp trưởng phòng được không?
- Không được! Bố chồng của trưởng phòng vừa mất.
- Vậy cho tôi gặp phó phòng!
- Không được! Hôm nay phó phòng nghỉ lo đám tang. Ông nội phó phòng vừa mất!
- ĐKM! Anh đùa tôi đấy à? Chết đéo gì mà lắm thế?
- ĐKM! Ông chửi ai đấy hả? Đã không biết thì im mồm đi! Chết mỗi người chứ lấy đéo đâu ra mà lắm! Bố của giám đốc thì cũng là bố của phó giám đốc, thì cũng là bố chồng của trưởng phòng và là ông nội của phó phòng. Vì giám đốc là anh ruột của phó giám đốc, là chồng của trưởng phòng và là bố đẻ của phó phòng. Ông dù chỉ chửi một người nhưng lại là chửi cả cái cơ quan này đó! Ông biết chưa hả? Thôi, về đi cho tôi đóng cổng cơ quan!
- Vẫn sớm mà! Sao đóng vội thế?
- Tôi phải về lo đám tang. Bác tôi vừa mất!
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thằng nào viết về LX như này quá láo: "tiếu lâm Liên Xô". May mà LX đã không còn nữa, nếu không tù mọt gông con ạ!

Thưa ông, ông thích sưu tầm gì? - tổng thống Mỹ hỏi Brezhnev.
- Tôi á? Tôi sưu tầm truyện tiếu lâm.
- Được nhiều chưa ông?
- Ồ, khoảng 2 trại tập trung...

Hỏi: Điều gì khác biệt giữa Hiến pháp của Hoa Kỳ và Liên Xô? Cả hai đều bảo đảm quyền tự do ngôn luận?
Đáp: Trên nguyên tắc, đúng là thế, chỉ có điều Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm quyền tự do sau khi ngôn luận. Luật pháp LX đảm bảo quyền tự do ngôn luận. Nhưng nó không đảm bảo quyền tự do sau khi ngôn luận.

Hỏi: Thế nào là cấm đoán và thế nào là cho phép?
Đáp: Ở nước Anh, cấm đoán là cấm đoán và cho phép là cho phép. Ở nước Mỹ, mọi thứ đều được phép ngoại trừ những gì bị cấm đoán. Ở Đức mọi thứ đều bị cấm đoán trừ những gì là được phép, ở Pháp mọi thứ đều được phép thậm chí cả khi bị cấm đoán. Ở Liên Xô, mọi thứ đều bị cấm đoán, thậm chí cả khi được phép.

Hỏi: - Chủ nghĩa Xã hội là gì?
Đáp: - Chính quyền Xô-viết cộng với điện khí hóa hệ thống dây thép gai toàn quốc!.

Hỏi: - Hai hệ thống nào không thể hòa hợp với nhau?
Đáp: - Hệ xã hội chủ nghĩa và hệ thần kinh.

Hỏi: - Dân chúng Liên Xô được chia thành những nhóm như thế nào?
Đáp: - Hai nhóm: nhóm thỏa mãn và nhóm bất mãn. Nhóm bất mãn do KGB quản, nhóm thỏa mãn do công an kinh tế quản.

Hỏi: - Có thể tồn tại Đảng đối lập ở Liên Xô hay không?
Đáp: - Không, bởi nếu người ta cho phép thêm một Đảng nữa thì tất cả mọi người lại gia nhập Đảng này và thế là lại độc đảng như cũ.

Hỏi: CNCS có thể xây dựng thành công ở Mỹ được không?
Đáp: Được chứ. Nhưng sau đó thì chúng ta sẽ mua ngũ cốc từ đâu?

Hỏi: Đến giai đoạn cuối cùng của CNXH, tức là CNCS, thì có còn trộm cắp không?
Đáp: Không? Vì mọi thứ đă bị lấy sạch trong giai đoạn CNXH rồi.


Hỏi: Sự khác nhau giữa nền thương nghiệp CNXH và CNTB là gì?
Đáp: Thương nghiêp TB: cái gì cũng có bán. Thương nghiẹp XHCN: thấy gì cũng xếp hàng mua.

Hỏi: Có phải Mỹ là nước có những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới?
Đáp: Đúng. Nhưng ngược Liên Xô lại là nước chế tạo được những linh kiện bán dẫn to nhất thế giới!

Hỏi: Có thể sống nổi chỉ với đồng lương chính không?
Đáp: Không biết. Chưa thằng nào trong chúng tôi dám thử cả.

Một sinh viên thi trượt tốt nghiệp chỉ vì anh không nói lên được sự khác biệt giữa kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa và kinh tế Tư Bản Chủ Nghĩa. Anh sinh viên buồn bã kể lại với bố. Ông bố an ủi con:
- Vậy là may đấy con à! Ở cơ quan bố, một cán bộ đã nói ra sự khác biệt này và ông ta không bao giờ trở lại nữa.

Lính Liên xô mở đầu:
- mỗi bữa chúng tao được ăn 2000kalo, đói valuev
Lính mĩ cười hô hố
- muỗi, nhìn chính phủ anh mà học tập, anh được suất 8000kalo nhé
Tới lượt lính Liên xô tròn mắt.
Thế đ' nào chúng mày ăn được ngần đó củ cải trong 1 bữa

Một ông nông dân bị nông trang cướp mất đất liền viết thư khiếu nại gửi cho đồng chí Lê Nin ở Moskva. Một tháng sau chính quyền gọi ông nông dân lên. Tại sao ông lại gửi thư cho đồng chí Lê Nin? Ông không biết đồng chí Lê Nin đã chết rồi sao? ” .
- Mẹ kiếp, tại sao lúc các người cần thì đồng chí Lê Nin sống mãi trong sự nghiệp, còn lúc ta cần thì đồng chí ấy lại chết mất rồi?

Breznep hỏi cháu ngoại:
-Cháu ngoại ơi, lớn lên cháu sẽ làm nghề gì?
-Cháu sẽ làm Tổng bí thư!
Breznep ngạc nhiên:
-Chẳng lẽ đất nước LX này lại cần đến 2 Tổng bí thư.

Hỏi: Sự khác nhau giữa báo Pravda (Sự thật) và báo Izvestia (Tin tức) là gì? (Ghi chú: hai báo lớn nhất của Liên xô)
Đáp: Trong báo “Sự thật” thì không có tin tức, còn trong báo “Tin tức” thì không có sự thật.

Hỏi: Điều gì là vĩnh cửu ở Liên Xô?
Đáp: Những khó khăn tạm thời.

Một người chết đi và bị đẩy xuống địa ngục. Anh ta được chọn giữa địa ngục tư bản và địa ngục cộng sản. Anh ta thấy một hàng người dài xếp hàng trước cửa địa ngục CS, nhưng không có ai xếp hàng trước cửa địa ngục tư bản, liền ra chỗ cửa địa ngục tư bản trước. Ở đó có Adam Smith đứng canh. Khi được hỏi ở đây thế nào, Smith trả lời: anh sẽ bị nướng trên vạc dầu nóng, rồi bị băm thây bằng dao sắc.
Nghe thấy kinh hãi quá, anh chàng liền chạy sang xếp hàng bên cửa địa ngục CS. Khi đến lượt, thấy có Karl Marx canh cửa. Khi hỏi “ở đây thế nào”, Marx cũng trả lời: “anh sẽ bị nướng trên vạc dầu nóng, rồi bị băm thây bằng dao sắc.” Anh chàng thắc mắc: “thế có gì khác với địa ngục TB ? !”. “Ở đây hay thiếu dầu để nướng, và khi có dầu thì cũng thiếu dao”.

Người ta đặt câu hỏi cho đồng chí Khrushchev:
Nikita Sergeyevich, có thật là dưới CNCS, các sản phẩm sẽ được đặt hàng qua điện thoại?
- Đúng vậy, chỉ có điều người ta sẽ nhận được chúng qua Tivi.

Phái đoàn Gruzia đến Kremlin thăm Stalin, khi họ về Stalin thấy mất chiếc tẩu liền gọi trùm mật vụ Beria vào và ra lệnh đuổi theo khám túi các vị khách.
Năm phút sau, Stalin tìm thấy tẩu dưới gầm ghế liền gọi Beria lại. Beria báo cáo: Thưa đồng chí, đã quá muộn, trong đoàn có 10 người thì năm người thú nhận đã lấy cắp chiếc tẩu. Năm tên còn lại đã chết trong lúc bị thẩm vấn.

Brezhnev ngồi trong phòng làm việc, tay cầm cuốn hồi ký "Đất nhỏ" vừa được một giải thưởng văn chương lớn. Suslov lao vào phòng, thở hồng hộc.
- Đồng chí Brezhnev, đồng chí cho gọi tôi ạ?
- Đồng chí đã đọc cuốn sách của tôi chưa?
- Sao lại chưa, tôi đã đọc tới hai lần rồi.
- Được, đồng chí có thể đi.
Một lát sau, Malynovsky đến. Brezhnev cũng hỏi ông ta:
- Đồng chí đã đọc cuốn sách của tôi chưa?
- Sao lại chưa, tôi đã đọc hai lần và rất thích.
Brezhnev lẩm bẩm một mình: "Hừm, bọn chúng bảo thích cuốn sách. Có lẽ ta cũng phải đọc một lần cho biết."

Một ngày nọ, sau bữa sáng, trước khi bắt tay vào giải quyết công việc trong ngày, Stalin nhìn ra ngoài cửa sổ.
Bỗng nhiên, Mặt trời chào:
“Xin chào đồng chí Stalin! Chúc đồng chí mạnh khỏe và nhiều sức lực để làm việc trong buổi sáng nay!”
Stalin rất ngạc nhiên, nhưng ông cũng đáp lại:
Xin chào Mặt trời.”
Stalin làm việc đến trưa, ông nghỉ ăn trưa rồi lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Mặt trời lại cất tiếng chào:
“Xin chào đồng chí Stalin! Chúc đồng chí mạnh khỏe và nhiều sức lực để làm việc trong buổi chiều nay!”
Stalin chào lại:
“Xin chào Mặt trời.”
Buổi tối, trước khi đi ngủ, quen mui, Stalin lại nhìn ra cửa sổ.
Mặt trời đã gần lặn hết, nhưng nó không hề có ý muốn chào Stalin. Không thể tha thứ được, Stalin vặn hỏi:
“Này Mặt trời, sao cậu không chào tôi?”
Mặt trời điềm nhiên đáp:
“Quên đi nhá, tao đã sang đến phương Tây rồi!”

Stalin đi thăm một trại nuôi lợn. Khi tập trung bài vở ở tòa soạn tờ "Sự thật" (Pravda), mọi người hoảng hốt bàn bạc nhau: phải đề thế nào dưới tấm ảnh cỡ lớn sẽ được đưa lên trang nhất. Mọi người thay nhau đưa ra những đề nghị: "Đồng chí Stalin giữa đàn lợn", "Đàn lợn bao quanh đồng chí Stalin"... Ngày hôm sau, tấm ảnh được chú như sau: "Đồng chí Stalin - thứ ba từ bên trái".

Tại Liên Xô, vào thập niên 60. Bộ Văn hóa mở một cuộc thi vẽ, đề tài cố nhiên là cuộc đời của đồng chí Lenin. Tuy nhiên, ban tổ chức muốn thay đổi đôi chút vì dân tình đã quá chán chường những đề tài muôn thuở như "Đồng chí Lenin ở điện Smolny", "Đồng chí Lenin trên chiến hạm Rạng Đông" hay "Đồng chí Lenin tại Đại hội Quốc tế Cộng sản". Vì vậy, họ muốn tìm một cái gì mới mẻ. Một đề tài mới cho cuộc thi được nghĩ ra: "Đồng chí Lenin ở Warszawa". Hàng loạt bức tranh được gửi đến ban tổ chức, các giám khảo phải làm việc rất căng thẳng. Nhưng có một tấm không hề phù hợp với đề tài, thậm chí ban giám khảo cũng không hiểu ý nghĩa của nó, do đó người ta phải triệu tay họa sĩ đến.
Chàng họa sĩ xuất hiện trước Hội đồng, lập tức anh bị hỏi:
“Tấm ảnh này dính gì đến đề tài ‘Đồng chí Lenin ở Warszawa’”?
Trong tranh, một nam và một nữ đồng chí đang trong tư thế âu yếm. Người ta hỏi họa sĩ:
“Nữ đồng chí này là ai?”
Họa sĩ đáp:
“Thưa, là vợ đồng chí Lenin ạ.”
“Tốt. Nhưng đồng chí này không phải đồng chí Lenin! Đồng chí ấy là ai vậy?”
“Dạ, là đồng chí tài-xế của đồng chí Lenin ạ.”
“Thế đồng chí Lenin đâu?”
“Dạ, đồng chí Lenin ở Warszawa ạ.”

Năm 1937, nhân 100 năm ngày mất của Pushkin, người ta tổ chức một cuộc thi thiết kế đài kỷ niệm thi hào. Người ta đề ra 3 giải thưởng.
Giải ba là một tượng Stalin đang đọc thơ Pushkin.
- Đúng về mặt lịch sử - Stalin nói -, nhưng sai trên phương diện chính trị. Đường lối của Đảng để đâu?
Giải nhì là một tượng Pushkin đang đọc sách Stalin.
- Đúng về mặt chính trị - Stalin nói -, nhưng sai trên phương diện lịch sử. Thuở sinh thời Pushkin đã làm gì có sách của tôi?
Cuối cùng, giải nhất được trao cho tác giả tượng đài Stalin đọc sách của Stalin.

Tin Thông tấn xã TASS
- Đêm qua một tàu ngầm nguyên tử Mỹ đã bị chìm trên biển Ba-ren sau khi đâm phải núi băng trôi. Toàn bộ thủy thủ đoàn của núi băng đã vinh dự được trao tặng huân chương Cờ Đỏ!
- Hôm qua, lính của bọn giáo điều Trung Hoa đã vô cớ tấn công một máy gặt đập liên hợp Xô Viết đang tác nghiệp trên bờ sông A mua. Máy gặt đập đã giáng trả đích đáng bằng hỏa lực liên thanh và đạn tên lửa, sau đó bay về căn cứ an toàn.
- Hôm qua một tàu ngầm TQ xâm phạm lãnh hải Liên Xô đã bị trừng trị: Tịch thu toàn bộ mái chèo.
1 ca nô tuần tiễu của Mỹ đã đánh chìm một tàu ngầm TQ. 7 thành viên hải đội và 3 ngàn chèo đò thiệt mạng.

Theo: Lichsuvn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nikkei: Tập Cận Bình đã thua Giang - Hồ trong quan hệ với Hoa Kỳ


(GDVN) - Ông Bình sẽ được nhớ đến như một nhà lãnh đạo chỉ làm xấu đi quan hệ Trung-Mỹ, nói cách khác Tập Cận Bình thấp kém hơn Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào.

Ông Tập Cận Bình và ông Obama trong cuộc họp báo chung, ảnh: Reuters.
Asia Nikkei Review ngày 1/10 bình luận, nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ "nước lớn kiểu mới" trong chuyến công du chính thức Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc đã phá sản. Kết quả chuyến thăm cho thấy Washington không muốn có cùng tầm nhìn với Tập Cận Bình về "quan hệ kiểu mới".
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tung hộ thành tích của Tập Cận Bình trong suốt chuyến đi, nhưng chính quyền Barack Obama lại tỏ ra không chút sẵn sàng hay hào hứng nào. Mặc dù đây là lần đầu tiên Tập Cận Bình thăm chính thức Hoa Kỳ, nhưng hai bên không có một bản tuyên bố chung toàn diện để công bố trong họp báo. Một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh gọi hiện tượng này là "bất thường".
Chuyến thăm của Tập Cận Bình đã bị lu mờ bở một loạt bất đồng nghiêm trọng xung quanh hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp ở Biển Đông, vấn đề nhân quyền "tệ hại" và các hoạt động tấn công mạng Trung Quốc nhằm vào Hoa Kỳ. Tài liệu chính thức mà chính phủ hai nước phát hành sau hội nghị thượng đỉnh là một tuyên bố về biển đổi khí hậu, minh họa cho kết quả nghèo nàn của hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên.
Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm giữa Obama và Tập Cận Bình ở Vườn Hồng, Nhà Trắng đã phát một "tờ" phác thảo nội dung các cuộc thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo. 7 tiếng sau, Tân Hoa Xã cho đăng danh sách các "kết quả" chuyến thăm. Hai văn bản cùng nói về một sự kiện nhưng khác nhau một trời một vực.
"Kết quả" đầu tiên trong danh sách Tân Hoa Xã liệt kê là "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ". Nội dung này nhắc lại nỗ lực của Tập Cận Bình nhấn mạnh hợp tác song phương trong họp báo với ông Obama, trong khi "tờ" thông báo của Nhà Trắng chỉ nói rằng, hai bên đồng ý làm việc cùng nhau để quản lý sự khác biệt. Không có bất cứ điều gì liên quan đến "quan hệ nước lớn kiểu mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ".
Tập Cận Bình đã "chào hàng" tham vọng này của ông trong tháng Sáu năm 2013 khi ông gặp Obama ở Palm Springs, California với câu nói nổi tiếng: Thái Bình Dương đủ lớn để chứa cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thông điệp của Tập Cận Bình xem Trung Quốc là một sức mạnh kinh tế và quân sự hàng đầu, có quyền đòi nắm giữ ảnh hưởng một nửa phía Tây Thái Bình Dương.
Ông Obama và ông Hồ Cẩm Đào, ảnh: The Wall Street Journal.
Ban đầu có vẻ Nhà Trắng đã không hoàn toàn phản đối cách tiếp cận này của ông Tập Cận Bình. Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice tháng 11/2013 đã đề cập đến một "mô hình mới" trong quan hệ Mỹ - Trung. Nhưng việc Bắc Kinh đột ngột đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông đã dập tắt hoàn toàn ý niệm này của Mỹ và Washington không bao giờ nhắc đến "quan hệ nước lớn" với Trung Quốc nữa.
Trong cuộc gặp Obama tại The Hague, Hà Lan tháng Ba năm ngoái, Tập Cận Bình lại một lần nữa chào hàng ý tưởng này, nhưng Barack Obama không đếm xỉa gì tới. Lần này họ Tập tiếp tục trình bày tầm nhìn của mình, Nhà Trắng vẫn từ chối trong im lặng. Thông thường các chính phủ thường tránh làm nổi bật những gì lãnh đạo 2 nước không đồng ý trong 1 chuyến thăm, nhưng chính quyền ông Tập Cận Bình không ngần ngại làm ngược lại điều này. Thậm chí Trung Quốc còn đưa nó lên đầu danh sách "kết quả".
Ngoài những bài ca ngợi trên truyền thông nhà nước Trung Quốc kiểm soát, vẫn có những lời thì thầm của dư luận theo dõi hoạt động ngoại giao của Tập Cận Bình và so sánh với 2 người tiền nhiệm. Trong năm 2011 Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ và gặp Obama, hai bên ra tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh. Giang Trạch Dân thăm Mỹ năm 1997, chuyến đi này hai bên cũng ra tuyên bố chung.
Thời đại Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc phát triển theo chiến lược giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình. Nhưng khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã ném nó váo sọt rác và bắt đầu ra sức ép Hoa Kỳ với chính sách khiêu khích lãnh thổ với láng giềng. Việc thiếu một tuyên bố chung khi thăm chính thức nước Mỹ cho thấy cách tiếp cận hung hăng của họ Tập đã phản tác dụng, ít nhất là đến thời điểm hiện nay.
Nhìn về tương lai, nếu không có gì thay đổi ông Tập Cận Bình sẽ dẫn dắt Trung Quốc đến năm 2023, trong khi ông Obama sắp nghỉ hưu vào tháng Giêng năm 2017. Tập Cận Bình có thể chờ đợi sang đời Tổng thống Mỹ kế tiếp để theo đuổi mục tiêu thiết lập "quan hệ nước lớn kiểu mới". Nhưng nếu thất bại, ông Bình sẽ được nhớ đến như một nhà lãnh đạo chỉ làm xấu đi quan hệ Trung - Mỹ, nói cách khác Tập Cận Bình thấp kém hơn Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, ít nhất là về mặt ngoại giao.
Hồng Thủy

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc lo ngại Việt Nam thể hiện rõ quan điểm Biển Đông ở cộng đồng quốc tế


Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế

Hãng tin AP Mỹ ngày 28 tháng 9 đã đăng bài phỏng vấn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch đã bày tỏ rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, điều này đã gây chú ý rộng rãi của báo chí quốc tế, trong đó có báo chí Mỹ và Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa trả lời phỏng vấn hãng tin AP Mỹ về vấn đề Biển Đông và quan hệ Việt-Mỹ
Đây là quan điểm rõ ràng của Việt Nam trước hành động bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chủ tịch Trương Tấn Sang nói thẳng rằng, các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã “vi phạm luật pháp quốc tế”, vi phạm “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Hành động của Trung Quốc đã “đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải”.
Trước việc Chủ tịch Trương Tấn Sang vạch trần hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 29 tháng 9, Chính phủ Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ có tên là Hồng Lỗi lại giở giọng ném ra những tuyên bố “chủ quyền” cũ rích, lố bịch.
Rằng “Trung Quốc xây dựng đảo để cung cấp dịch vụ sản phẩm công quốc tế, thực hiện trách nhiệm nước lớn của Trung Quốc, có lợi cho tiếp tục bảo vệ tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi hy vọng các bên hiểu đúng”.
Trước đó, trong cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25 tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc cũng ngang nhiên phát biểu tương tự. Như vậy, từ Tập Cận Bình đến phát ngôn viên ngoại giao đều ngang nhiên cho biết, sẽ lấy đất ăn cướp để làm việc nghĩa. Đó là một trò hề, lố bịch đặc sắc Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Trung Quốc - Tập Cận Bình tại cuộc họp báo sau hội đàm ngày 25 tháng 9 năm 2015. Ông Bình đã có những phát biểu hết sức phi lý, lố bịch về vấn đề Biển Đông
Khi đó, Tập Cận Bình còn “mồi chài” Mỹ bằng cách tuyên bố: “Trung Quốc và Mỹ có rất nhiều lợi ích chung trong vấn đề Biển Đông”. Nhưng, trong cuộc họp báo này cũng như tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tối ngày 28 tháng 9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đều đã lên tiếng phê phán hành động Trung Quốc ở Biển Đông.
Tối ngày 28 tháng 9, trước cộng đồng quốc tế, ông Obama yêu cầu Trung Quốc cần chấm dứt ngay hoạt động xây đảo trái phép ở Biển Đông. Ông nói: “Mỹ không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng, cũng như các mọi quốc gia đang có mặt tại đây, Mỹ có lợi ích trong việc tôn trọng các nguyên tắc về tự do hàng hải và thương mại, những tranh chấp cần được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng vũ lực”.
Mỹ và Nhật Bản triển khai hành động
Không chỉ nói, Mỹ đang triển khai hành động. Theo tờ “JoongAng Ilbo” Hàn Quốc ngày 25 tháng 9, để ứng phó với CHDCND Triều Tiên và tranh chấp Biển Đông, Quân đội Mỹ bắt đầu mở rộng hệ thống lực lượng phản ứng nhanh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thủy quân lục chiến Mỹ (ảnh tư liệu minh họa)
Theo báo chí Mỹ, Quân đội Mỹ đã di chuyển lực lượng Thủy quân lục chiến đến các khu vực như Hawaii, bắt đầu tiến hành tái bố trí lực lượng. Đây là một phần của chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ đưa ra và đang triển khai.
Khi tranh chấp lãnh thổ Biển Đông phát triển thành xung đột vũ lực, lực lượng chiến đấu có thể lập tức triển khai ứng phó của Quân đội Mỹ chính là Thủy quân lục chiến. Việc mở rộng lực lượng Thủy quân lục chiến Thái Bình Dương sẽ trở thành biện pháp gây sức ép mang tính thực chất ứng phó Trung Quốc.
Ngoài Mỹ, do Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, đồng thời lo ngại Trung Quốc có thể cắt đứt tuyến đường sinh mệnh của nước này ở Biển Đông, Nhật Bản hiện nay đang rất tích cực can dự vào vấn đề an ninh của Biển Đông.
Gần đây, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với các nước ven Biển Đông, điển hình là với Philippines và Việt Nam. Năm 2015, Hải quân Nhật Bản-Philippines ít nhất đã 2 lần tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở Biển Đông.
Ngoài ra, Lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản và Philippines cũng đã tiến hành diễn tập chống cướp biển ở Biển Đông. Trong một tuyên bố cách đây vài tháng, quan chức Philippines cho biết, Cảnh sát biển Trung Quốc chính là “cướp có vũ trang” ở Biển Đông.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila ngày 6 tháng 5 năm 2015
Theo các nguồn tin, các cuộc diễn tập quân sự giữa Nhật Bản và Philippines có thể sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm và trong tương lai có thể mở rộng cho Mỹ và các nước khác tham gia.
Gần đây, tại một cuộc triển lãm vũ khí trang bị ở London, Anh, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng đã cho biết, Lực lượng Phòng vệ sẽ giữ vai trò răn đe có hiệu quả ở Biển Đông. Nhật Bản sẽ thúc đẩy xây dựng một khuôn khổ hải quân đa phương để các nước tham gia.
Vừa qua, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới, cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể, có thể chi viện quân sự cho Mỹ và các nước khác có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản. Có quan điểm cho rằng, Nhật Bản có thể chi viện quân sự cho Việt Nam, Philippines.
Ngoài ra, nhiều động thái cho thấy, Nhật Bản cũng sẽ điều động Lực lượng Phòng vệ đến Biển Đông tuần tra, giám sát, bảo vệ an ninh hàng hải.
Những động thái an ninh mới nhất của Nhật Bản được Mỹ hoan nghênh và được cho là phối hợp với chiến lược khu vực của Mỹ.
Ngày 5 tháng 8 năm 2015, Nhật Bản bàn giao tàu tuần tra Hayato cho Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam
Điều này đang đặc biệt gây lo ngại cho Trung Quốc. Từ trước đến nay, truyền thông Trung Quốc luôn quấy rối để chia rẽ nội bộ Nhật Bản nhằm ngăn chặn chính quyền Shinzo Abe thực thi chính sách an ninh mới, đồng thời chia rẽ quan hệ Mỹ-Nhật, chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam và một số nước lớn, thực chất là để các hành động bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự của Trung Quốc không bị kiềm chế, ngăn chặn.
Trung Quốc sợ dư luận, Việt Nam cần sức mạnh quốc tế
Trên tờ “Thời báo Hoàn Cầu” – một phiên bản của tờ “Nhân Dân” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29 tháng 9, Phùng Siêu – phó viện trưởng Viện Nam Á-Đông Nam Á, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc cũng đã lộng ngôn xuyên tạc, bôi đen Việt Nam.
Phùng Siêu cho rằng, trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Việt Nam sẵn sàng thực hiện nghiêm túc đồng thuận của hai nước về vấn đề Biển Đông, thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý thỏa đáng vấn đề liên quan.
Theo Phùng Siêu, nhưng sau đó, các quan chức và báo chí Việt Nam đã có nhiều phát biểu và bài viết “chói tai, nguy hiểm”. Ví dụ như Chủ tịch Trương Tấn Sang yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc thúc đẩy giải quyết tranh chấp Biển Đông hay như phó phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa gần đây.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Bài viết cũng tỏ ra đố kị khi cho rằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tỏ thái độ “giận dữ” với Trung Quốc, nhưng lại nói tốt về quan hệ Việt-Mỹ, trong đó có vấn đề Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Phùng Siêu giở giọng xấu cho rằng, Việt Nam thực hiện chính sách “cân bằng ngoại giao” rất dễ gây ảnh hưởng “bất lợi” cho Việt Nam. Rằng “trong thời gian các hội nghị của Liên hợp quốc, nhà lãnh đạo Việt Nam không biết đến xu thế lớn ‘phát triển hòa bình’ của thế giới, đưa ra những phát biểu ‘không hài hòa’, tìm kiếm sự ủng hộ ở diễn đàn quốc tế, thực chất là đã đóng vai trò của kẻ quấy rối. Việt Nam nếu vẫn coi các nước như Mỹ, Nhật Bản làm cây rơm cứu mạng, đã chính là đã mắc bệnh ấu trĩ”.
Những bình luận của Phùng Siêu cho thấy Trung Quốc rất sợ sệt dư luận quốc tế, không muốn để những âm mưu và hành động đen tối của họ ở Biển Đông bị cộng đồng quốc tế biết đến, tìm hiểu, bàn bạc, đánh giá và cuối cùng có thể đi đến phản đối Trung Quốc.
Một sự thật là, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với bằng chứng pháp lý và lịch sử đầy đủ và rõ ràng, được công bố công khai, không như Trung Quốc.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Trong hình là đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp thành đảo và tiền đồn quân sự.
Tờ “Thời báo Trung Quốc” Đài Loan ngày 29 tháng 9 dẫn lời phó giáo sư Khổng Tiểu Huệ - Viện nghiên cứu Đài Loan, Đại học Chiết Giang, Trung Quốc thừa nhận, do yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc có nguồn gốc từ “đường 11 đoạn” (vẽ bậy) của Đài Loan, nếu Đảng Dân Tiến lên cầm quyền (thời gian tới) và từ bỏ yêu sách này thì yêu sách của Trung Quốc sẽ mất đi “cơ sở lịch sử và căn cứ pháp lý nhất định”.
Phùng Siêu nên biết rằng, Việt Nam thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận về vấn đề trên biển với Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là Việt Nam sẽ từ bỏ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình, Việt Nam cũng chưa từng nói với Trung Quốc là Việt Nam sẽ từ bỏ.
Phùng Siêu hay giới bành trướng Trung Quốc không phải không hiểu điều đó, nên chắc cũng chẳng ngạc nhiên khi nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố rõ quan điểm của mình trước cộng đồng quốc tế. Chỉ có điều, giới bành trướng Trung Quốc muốn thông qua cái “loa” ngoại giao và truyền thông để lòe bịp thiên hạ, bào chữa cho hành động đen tối và phi pháp của mình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu thể hiện quan điểm rất đúng lúc và kịp thời, nhất là khi nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vừa có những phát biểu ngang nhiên và lố bịch trong chuyến thăm Mỹ vừa qua.
Quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo đá trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa).
Phát biểu ngang nhiên khi đó của Tập Cận Bình rõ ràng là một tín hiệu mới nhất, ở cấp cao nhất của giới cầm quyền Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đã thể hiện đầy đủ và rõ ràng nhất tham vọng bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh ở khu vực.
Phùng Siêu ăn nói hàm hồ, chính kẻ cướp mới làm gì biết đến hòa bình. Sự thật vẫn là sự thật. Sự thật là giới cầm quyền Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995…
Chính mưu đồ và hành động bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông mới đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của các nước ven Biển Đông, quấy rối sự yên bình vốn có của Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, đi ngược lại xu thế lớn phát triển hòa bình của thời đại hiện nay.
Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam luôn biết mình phải làm thế nào. Phùng Siêu chỉ là một kẻ “học giả” do Bắc Kinh sử dụng, cho lên mặt báo ăn nói lung tung. Phùng Siêu nói cả nhà lãnh đạo hay nước Việt Nam “mắc bệnh ấu trĩ” trong chính sách ngoại giao thì chính Phùng Siêu đã quá “non nớt”.
Việt Nam đã tuyên bố rõ ràng về chính sách ngoại giao, đó là không liên minh, không dựa vào nước này để chống nước kia. Nhưng, đứng trước một kẻ bành trướng có thực lực quân sự mạnh hơn nhiều ở Biển Đông thì ngoài việc dựa vào sức mình là chính, Việt Nam rõ ràng rất cần tới sức mạnh quốc tế và sức mạnh thời đại, cần có sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của mình, cần hợp tác để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, không để bọn bành trướng thích làm gì thì làm.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Quả quýt dày có móng tay nhọn. Việt Nam chắc chắn không đơn độc trong cuộc chiến chống bành trướng, bảo vệ chủ quyền và chính nghĩa. Dù láng giềng là không thay đổi, không thể xê dịch, nhưng không phải để tình trạng kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu được. Trong thế giới hiện đại luôn có những cơ chế, phương thức thông minh, hiệu quả để Việt Nam tham gia, sử dụng bảo vệ mình và đóng góp mang tính xây dựng cho cộng đồng quốc tế.
Việt Nam sẽ không như Trung Quốc, sẽ không ăn cướp lãnh thổ, ăn cướp biển đảo của Trung Quốc, rồi tiến hành quân sự hóa, ra sức mồi chài “cung cấp dịch vụ an ninh công” cho cộng đồng quốc tế. Thủ đoạn lừa đảo để áp đặt chủ quyền này của Trung Quốc sẽ không bao giờ thực hiện được, chỉ phản ánh tính chất lố bịch có một không hai, chứ làm gì có “phong độ nước lớn” như báo chí họ ra sức tung hô.
Trước mưu đồ và thủ đoạn bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã bộc lộ hết sức rõ ràng trong các tuyên bố ngang nhiên của Tập Cận Bình, việc còn lại đối với Việt Nam chính là luôn luôn sẵn sàng ứng phó mọi bất trắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng. 
Đông Bình

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Những “lừa dối hào nhoáng” của Mao Trạch Đông


Mao Trach Dong lua doi
Shihanouk (giữa) và Mao Trạch Đông (bìa trái)
 Mao Trạch Đông đưa Sihanouk bước lên lễ đài Thiên An Môn trong tiếng hô cuồng nhiệt: “đả đảo đế quốc Mỹ” của ngót một triệu người – nhưng cùng lúc đó (5.1970) Mao đã bí mật tìm cách bắt tay Mỹ sau lưng Sihanouk !
Quá trình lừa dối diễn ra nhanh chóng sau “loạt đạn ngoại giao” của tổng thống Mỹ Nixon trong chuyến thăm hữu nghị Pakistan và Romania năm 1969.
Ở cả hai nơi trên, Nixon đều ngỏ lời muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Và dĩ nhiên, tổng thống Yahia Khan (của Pakistan) cùng chủ tịch Ceaucescu (của Roumania) – là hai nhà lãnh đạo thân Bắc Kinh – đã phải lập tức chuyển đến Mao những lời “thu quyến rũ” của Nixon ngay tháng 7 năm ấy.
Để sang năm sau, khi mùa thu tới, khoảng giữa tháng 9 âm lịch Canh Tuất - vào tiết hàn lộ của Trung Quốc (10.1970), Nixon một lần nữa đơn phương lên tiếng. Lần này cũng qua trung gian Ceaucescu nhưng có sức đánh động trái tim Mao hơn hẳn lần trước - như Nixon kể (qua cuốn The memoirs of Richard Nixon):
“Trong buổi tiệc chiêu đãi ông ta (Ceaucescu), tôi (Nixon) lợi dụng lúc nâng cốc chúc mừng (để nhắc đến) và gọi “nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” thay vì nói “Trung Quốc cộng sản” như trước kia. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ nói như vậy (…) và đây cũng là một lời kêu gọi ngoại giao có ý nghĩa” nhắn về Mao (Hồi ký Richard Nixon - nhiều người dịch1370 trang – NXB Công an nhân dân, Hà Nội 2004, tr. 661)
Từ nửa bên kia của múi giờ quốc tế, Mao Trạch Đông nhận được tín hiệu “nhành ô-liu” của Nixon trước khi trời sáng và chỉ thị Chu Ân Lai hãy liên lạc “móc nối Romania” để chuyển đến Kissinger (Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Nixon) một thông điệp (sau khoảng “thời gian im lặng” cần thiết) vào đầu năm 1971; nêu rõ:
“Giữa hai bên (Trung – Mỹ) chỉ có một khác biệt chưa được giải quyết là: sự chiếm đóng của quân đội Mỹ ở Đài Loan. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cố gắng thương lượng với đầy đủ thiện ý về sự khác nhau ấy từ 25 năm nay. Nếu Hoa Kỳ muốn giải quyết và đề ra một giải pháp (nào đó) thì Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ sẵn sàng tiếp đón ở Bắc Kinh một đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ. Bản thông điệp này đã được chủ tịch Mao Trạch Đông và Lâm Bưu thông qua” (Richard Nixon - sđd tr. 663).
Kissinger nhận xét “bản thông điệp không có một lời thóa mạ nào” như thường đọc thấy qua các văn bản ngoại giao phát đi từ Trung Hoa đỏ. Nó cũng không nhắc gì đến sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Việt Nam vẫn đang là một chủ đề nhạy cảm giữa đôi bên thời đó. Điều ấy phải được hiểu là Mao đang muốn ném “cây sào” dài 16.000 dặm (nối từ Washington đến Bắc Kinh) để sứ giả Nhà Trắng thực hiện các chuyến “đi đêm” đến Trung Nam Hải trong một tương lai gần.
Đáp lại, Nixon bắt tay giải quyết một phần “vấn đề Đài Loan” để Mao vui lòng, bằng cách bàn với Kissinger điều động bộ tham mưu của ông ta mở cuộc vận động “một cách bí mật và không có sự tham gia của người ngoài (…) để tránh bị lộ tin tức việc đưa Trung Hoa đỏ vào Liên Hiệp Quốc (loại Đài Loan ra ngoài) !
Kết quả như đã thấy, sau đợt vận động trên, Liên Hiệp Quốc khóa 26 (25.10.1971) đã biểu quyết với 76 phiếu thuận, 35 phiếu chống và 17 phiếu trắng khai trừ Đài Loan của Tưởng Giới Thạch và kết nạp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông là chính phủ duy nhất đại diện cho Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.
Cùng thời điểm trên, Bắc Kinh mở sẵn cửa chào đón Kissinger.
Nixon viết, trước diễn biến bất ngờ đó “các bạn Đài Loan của chúng ta thì xỉu đi (…) – người Nhật bất mãn vì không được thông tin trước”.
Còn Sài Gòn thì sao ?
Chính là thời kỳ tổng thống Thiệu và Nixon đang lục đục “khó ở” với nhau nhất. TS. Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn tổng thống Thiệu, cùng Jerrold L. Schecter - qua cuốnThe Palace File (Hồ sơ tối mật: từ tòa Bạch Ốc đến dinh Độc Lập, Võ Văn Sen, Nguyễn Hoàng Dũng, Vũ Bảo Quốc dịch, 514 trang, NXB Trẻ - TP. HCM 1990) đã ví tổng thống Thiệu như một người tình bị bỏ rơi – ngẩn ngơ nhớ “Thuở ban đầu”(1)“Mỹ đang tìm kiếm một người tình tốt hơn và bây giờ Nixon đã tìm được Trung Quốc. Ông ta (Nixon) không muốn cho người tình cũ (Sài Gòn) nhởn nhơ nữa. Việt Nam đã trở nên già cỗi xấu xí” ! (tr. 17).
Và Sihanouk ?
Cũng chẳng vui gì khi biết đời “lưu vong vàng son” của mình đang bị phai màu sau những “lừa dối hào nhoáng” của Mao, nên ông đã lánh mặt Mao để bỏ Bắc Kinh sang Hà Nội. Ở đó, Sihanouk cũng gặp nỗi niềm tương tự của người Hà Nội. Nhưng khác ở chỗ Hà Nội có thái độ quyết liệt hẳn, tổng bí thư Lê Duẩn nói với Chu Ân Lai:
“Năm đó (1954 - tại hội nghị Genève) người Trung Quốc các anh đã bán đứng chúng tôi trên bàn đàm phán”. Nay đến 1972: “Việt Nam là của chúng tôi; các đồng chí không được bàn với Mỹ về vấn đề Việt Nam. Các đồng chí đã nhận sai lầm năm 1954 rồi, bây giờ không nên sai lầm một lần nữa !” (Xem Cố TBT Lê Duẩn: “Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc!” – Báo điện tử Một thế giới 8.7.2014).
Nhưng Mao Trạch Đông và Nixon với “những con bài đã ném xuống” vẫn tiếp tục cuộc mặc cả trên sòng bạc của họ:
Mao thì tìm cách áp lực để Hà Nội chấp nhận các điều kiện do Mao thỏa hiệp ngầm với Mỹ theo hướng duy trì sự chia cắt lâu dài hai miền Nam – Bắc Việt Nam.
Nixon ép Sài Gòn phải đến hội đàm Paris “bốn bên” và chấp nhận một số điều khoản trong dự thảo hiệp định không được phía Mỹ bàn trước với VNCH.
Rồi ra, cả Hà Nội và Sài Gòn trước sau đều bị phía Mao lẫn Nixon tính sổ nợ nần trong cuộc chiến. TS. Nguyễn Tiến Hưng giải thích với tổng thống Thiệu:
Từ trước tới nay Việt Nam vẫn được coi như một tài sản. (Giờ đây) bằng một động tác mau lẹ, ông ta (Nixon) đổi Việt Nam từ cột tài sản sang cột nợ nần…” (sđd - tr. 18)
Trung Quốc cũng vậy đối với Bắc Việt Nam.
Tổng thống Thiệu đã gật đầu và cười cay đắng (còn nữa).
Giao Hưởng
Chú thích:
(1) Thuở ban đầu: tên một nhạc phẩm của Phạm Đình Chương (sinh Hà Nội 1929- mất Cali 1991?) phổ biến trong giới yêu âm nhạc bốn phương qua giọng ca Duy Trác.
Ca sĩ Duy Trác (tên thật Khuất Duy Trác): quê Sơn Tây, làm luật sư - thẩm phán (trước 1975), học tập cải tạo (sau 1975-1988), qua Mỹ (1992), cộng tác với Đài phát thanh VOVN tại Houston, được yêu mến bởi giọng hát quý phái tự nhiên qua các ca khúc đỉnh cao: Ngày đó chúng mình (Phạm Duy), Trương Chi (Văn Cao) Đường về miền Bắc(Đoàn Chuẩn), Dạ khúc (Nguyễn Mỹ Ca), Tơ sầu (Lâm Tuyền), Tiếng chuông chiều thu và Tạ từ (Tô Vũ), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Chiều tưởng nhớ (Thẩm Oánh),Hương xưa (Cung Tiến), Áo lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên - thơ Nguyên Sa)…
Phần nhận xét hiển thị trên trang