Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Lời người xưa như văng vẳng bên tai

Bùi Hoàng Tám
Thứ Ba, 02/06/2015 - 05:05

Có lẽ trong lịch sử, chưa bao giờ người dân Việt Nam phải chịu nhiều thứ phí và lệ phí như bây giờ. Cách đây hơn 700 năm, khi được vua Trần Anh Tông hỏi về quốc sách giữ nước, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã khuyên: “(Nên) khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”...
>> Phí và lệ phí, cái gì cũng thu, dân chịu sao nổi?
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Những ngày qua, trời Hà Nội nóng như chưa từng thấy. Trong nghị trường, dù máy điều hòa chạy ro ro nhưng cũng trở nên nóng bỏng vì Quốc hội đang thảo luận về một vấn đề nóng không kém thời tiết Thủ đô, đó là Dự thảo Luật phí và lệ phí.

Có lẽ trong lịch sử, chưa bao giờ người dân Việt Nam phải chịu nhiều thứ phí và lệ phí như bây giờ.


Thôi thì đủ loại phí, lệ phí từ việc nhỏ đến việc lớn nâng tổng danh mục lên tới con số gần 100 (chính xác là 90 khoản trong đó 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí).

Tại phiên thảo luận “nóng bỏng” này, nhiều đại biểu đã chỉ ra những loại phí và lệ phí rất vô lý.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, việc thu phí môi trường hiện nay là không phù hợp đối với ngư dân. “Ngư dân chạy ngoài biển sao lại bắt họ phải đóng phí môi trường. Có quá nhiều điều vô lý nhưng chúng ta vẫn cứ làm”. Ông Lịch nói.

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) tỏ ra bức xúc với các loại thuế phí đường bộ. Theo ĐB Khanh, các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT mọc lên rất nhiều nên những người sống trong vùng BOT đang phải “gánh” nhiều “phí chồng phí”. “Người ta đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng giờ cứ đi ra khỏi nhà là phải mất phí. Như thế không phí chồng phí thì là gì”. ĐB Khanh đặt câu hỏi khá gay gắt.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng phải kêu rằng: “Dân nói phí chồng phí là đúng”. Theo bà Mai, đi đâu cũng thấy dân kêu về phí từ các dự án BOT. “BOT hiện xuất hiện nhiều lắm. Tôi nghĩ ở vùng sâu, vùng xa làm BOT hạn chế thôi, để dân đỡ phải đóng phí”. ĐB Mai nói.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Dân trí, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng phải kêu lên: “Các trạm thu phí đặt quá dày đặc”.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt vấn đề về chất lượng các công trình đường bộ: “Người dân đã nộp phí rồi thì phải được hưởng một dịch vụ công tương xứng…”.
Đây là đòi hỏi chính xác bởi cách đây ít lâu, trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói một câu cũng rất… chính xác. Đó là "Không thể vừa không muốn mất tiền vừa muốn đi đường đẹp". Thế nhưng sẽ chính xác hơn, nếu Bộ trưởng đặt thêm một vế ngược lại, đó là “Không thể vừa mất tiền vừa phải đi đường xấu”.

Không chỉ bất hợp lý, chồng chéo, các đại biểu còn chỉ ra trong danh mục có những qui định thiếu tính nhân văn, ví như lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và lệ phí cấp phép nuôi con nuôi chẳng hạn.

ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) đề nghị xem lại qui định này vì hiện nay nhiều gia đình không có con, nhận trẻ mồ côi về nuôi là có tính nhân văn sâu sắc, dù mức lệ phí không lớn nhưng cũng nên bỏ ra khỏi danh mục.

Thế nhưng, càng ngạc nhiên khi đại biểu phát hiện ra những loại phí và lệ phí “buồn cười” mà ngay cả họ cũng không hiểu nổi.

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) than thở: “Lệ phí hoa hồng chữ ký là cái lệ phí gì? Tôi đọc mà không thể hiểu nổi… Liệu có phải đó là hình thức “bo” chữ ký không? Hay “hoa hồng” chỉ là “hoa hồng” dành cho chữ ký của “sếp”?

Chịu! Người viết bài này cũng botay.com vì đại biểu Quốc hội mà còn chả hiểu nữa là cử tri!

Trở lại với việc trong qui định có quá nhiều khoản thu, biết rằng việc thu phí là tất yếu của một xã hội thị trường, song việc điều tiết như thế nào là điều cần quan tâm. Nếu như không thu thuế hoặc thu quá thấp các loại phí và lệ phí sẽ không có nguồn tài chính để tái đầu tư, phát triển. Thế nhưng nếu như “tận thu” thì cũng không khác chuyện đem con gà đẻ trứng vàng ra… mổ lấy trứng.

Và càng đau xót hơn, nếu như những khoản phi, thuế đó không được quản lý chặt chẽ, rơi vào lãng phí, tham nhũng thì mắc tội với nước, với dân.

Cách đây hơn 700 năm, khi được vua Trần Anh Tông hỏi về quốc sách giữ nước, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã khuyên: “(Nên) khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.

Lời người xưa như văng vẳng bên tai…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tiền cà phê hôm nay ông trả nhé.

Uống cà phê với người bạn cùng thời phổ thông. Bạn mình bảo tao luôn theo dõi mỗi bước đi của mày, nhiều khi muốn gặp mày làm vài chai nhưng tao hơi ngại và hơi tự ti.

tán dóc, cuộc sống, chuyện đời

Ngày xưa đi học mày học tệ hơn tao, Vây mà giờ tao với mày cách xa nhau quá. Đời cũng bất công thật. Tao học đại học chính quy ra giờ... Mày thì chả học hành gì, giờ mới đi học quản trị kinh doanh tại chức mà lại thành đạt thế... Đúng là mỗi người có một cái số.
Tôi nói với ông nhé.

- Thứ nhất: Đừng bao giờ cảm thấy tuyệt vọng hay hụt hẫng trước sự hào hoa, sáng lạng của người khác... Vì mỗi người, đều có một giá trị, và giá trị đó không ai có thể sánh bằng, huống chi chúng ta là bạn bè

- Thứ hai: Ông và rất nhiều người mắc một sai lầm rất lớn đó là luôn nghĩ "người này, người kia chả học hành gì mà vẫn thành công". Tôi chưa thấy trên đời này có một ai thành công dù là một chút mà không học cả, trái lại họ còn học rất rất nhiều. Nếu ông nói "họ chả có bằng cấp nào mà vẫn thành công thì tôi còn tạm đồng ý" . Để tôi nói cho ông nghe một sự thật: 8 năm qua số sách mà tôi đọc gấp 100 lần những cuốn sách mà ông biết. Số tiền mà học phí mà tôi trả nhiều gấp 100 lần số tiền mà ông trả để có được tấm bằng ĐH. Và hơn hết những khó khăn, những áp lực tôi vượt qua nhiều hơn 1000 lần những gì mà ông đã trải qua. Ông có biết 1 năm sau ngày ra trường nhiều lúc bạn bè gọi đi cà phê, Hát karaoke tôi luôn từ chối không. Không phải tôi không thích đâu, mà là những khi đó tôi phải xoay sở, vật lộn với công việc để kiếm từng đồng trang trải cuộc sống. Tôi đoán ông chưa trải qua cảm giác 3 tháng liền ăn mì tôm, dắt xe đi bộ 20 km trong đêm vì không có tiền đổ xăng đúng không

Tôi chia sẻ những điều này với ông để ông hiểu rằng cuộc đời mỗi người do chính người đó quyết định. Cuộc sống của tôi ngày hôm nay là kết quả của những gì tôi đã lựa chọn, suy nghĩ, hành động trong suốt 8 năm qua. Và cuộc sống của ông 8 năm sau sẽ là kết quả của những gì ông lựa chọn suy nghĩ, hành động bắt đầu từ ngày hôm nay

Cho dù tôi hay ông có là ai đi chăng nữa chúng ta mãi là những người bạn. Tôi không thể giúp ông về tiền bạc những tôi có thể giúp ông định hướng, tôi không cho ông sự cam kết nhưng tôi sẽ cho ông niềm tin...

Vậy nhé. Tiền cà phê hôm nay ông trả nhé....

Theo TRỊNH THANH KIỆM


Read more: http://forum.vietdesigner.net/threads/vi-sao-may-chang-hoc-hanh-gi-ma-van-thanh-cong-hon-tao.85853/#ixzz3bz0JdL00

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xảy ra vụ như Vinashin, ai chịu trách nhiệm?


TTO - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội câu hỏi từ cử tri khi góp ý kiến vào dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sáng 1-6.

   Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà: "Ngay cả Văn phòng Chính phủ cũng phải cải cách hành chính" - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà: "Ngay cả Văn phòng Chính phủ cũng phải cải cách hành chính" - Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng dự thảo luật dành ra nhiều điều khoản để quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, tuy nhiên quy định như vậy thì quyền hạn và trách nhiệm không tương xứng với nhau.
Quyền lớn, trách nhiệm nhỏ
“Tôi chỉ xin gửi lại ban soạn thảo một câu hỏi trong trường hợp xảy ra vụ việc như Vinashin thì rút kinh nghiệm quy định trách nhiệm như thế nào. 87 nghìn tỉ đồng bỏ ra không ai chịu trách nhiệm. Tôi xin chuyển câu hỏi của cử tri như vậy” - ông Kiên nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng nhận định theo dự thảo luật thì nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng rất lớn nhưng trách nhiệm lại rất nhỏ.
“Nếu chúng ta quy định trách nhiệm của Thủ tướng như thế này thì tôi có thể làm thủ tướng được” - ông Thuyền nói.
Ông Thuyền giải thích dự thảo luật quy định Thủ tướng chỉ có trách nhiệm báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước Quốc hội, trước Chủ tịch nước và vắng mặt thì ủy quyền. Nếu quy định trách nhiệm như vậy là quá nhỏ trong khi Thủ tướng có quyền hạn rất lớn.
Từ cách đặt vấn đề này, ông Thuyền đề nghị phải thiết kế nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ rất rõ trong dự thảo luật, từ đó mới có thể quy trách nhiệm được.
Hiện nay Chính phủ có hẳn một nghị định về trách nhiệm người đứng đầu, ở đây Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, do vậy phải bổ sung trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ: hoàn thành cơ bản nhiệm vụ Quốc hội giao; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Đề cập đến địa vị pháp lý của Văn phòng Chính phủ, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng dự thảo luật cần làm rõ nếu Văn phòng Chính phủ không phải là bộ thì có phải là cơ quan ngang bộ hay không?
Ông Hà bày tỏ quan điểm: “Văn phòng Chính phủ tuy không phải là một bộ nhưng là siêu bộ. Chúng ta quan tâm đến cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục ở các cơ quan hành chính địa phương, tuy nhiên ngay trong Văn phòng Chính phủ cũng phải cải cách hành chính, chứ một chuyên viên Văn phòng Chính phủ to hơn cả thứ trưởng, thậm chí có vị trí cao hơn một ủy viên trung ương là bộ trưởng. Bởi vì nếu trình các dự án, các báo cáo, được trình hay không là do chuyên viên. Ngay cả Văn phòng Chính phủ cũng phải cải cách hành chính để phục vụ các địa phương, phục vụ các bộ cho tốt hơn”.
Giảm 1/3 cấp phó bộ máy vận hành tốt hơn
Trong phiên họp, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về số lượng cấp phó trong Chính phủ, các bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho xác định rõ số lượng tối đa thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá năm, trong đó Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao là không quá sáu, số lượng cấp phó của tổng cục là không quá bốn, số lượng cấp phó của cục, vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là không quá ba.
Nhiều vị đại biểu Quốc hội đồng tình với đề nghị nêu trên. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị bổ sung Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được số thứ trưởng không quá sáu, do đây là bộ quản lý nhiều lĩnh vực chuyên ngành.
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì nên tách ra để phù hợp với yêu cầu quản lý chuyên sâu hai lĩnh vực xây dựng nông thôn mới và thủy sản (biển đảo).
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền một mặt chia sẻ với Chính phủ là ta họp quá nhiều, phải có cấp phó đi họp, mặt khác đề nghị bỏ quy định về “trường hợp đặc biệt”.
Cụ thể, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã bổ sung quy định trong trường hợp đặc biệt do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc tăng số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Đại biểu Thuyền và một số đại biểu khác cho rằng quy định “trường hợp đặc biệt” như vậy sẽ dẫn đến “trên cứng, dưới mềm”, trong khi Quốc hội đã quyết định số lượng cấp phó thì ở đây lại xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tăng số lượng là không phù hợp, do vậy không nên quy định điều này vào Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Từ thực tiễn, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) kể câu chuyện về UBND tỉnh nọ ra quy định mỗi sở không quá ba phó giám đốc, nhưng hiện thời họ có đến 4-5 phó giám đốc.
“Khi hỏi tại sao thì họ bảo trung ương cũng quy định không quá bốn thứ trưởng nhưng mà lên đến chín thứ trưởng có chết ai đâu? Thôi thì mình nói cứ phải nói theo sách, nhưng làm thì vận dụng. Đây là chuyện thật 100%” - ông Khanh nói.
Theo ông Khanh, luật có rồi nhưng trên sai một li thì dưới đi một dặm, tình trạng nhờn pháp luật cũng sẽ diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nữa.
“Kể cả với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao. Báo cáo với Quốc hội, tôi nghe nói quốc phòng của Trung Quốc không phải ít quân nhưng người ta không có thứ trưởng. Ở nhiều nước, bộ ngoại giao không có thứ trưởng mà chỉ có trợ lý, hoặc một số nước dân số gấp ba, bốn lần Việt Nam mà họ chỉ có tổng thống và một phó tổng thống, họ vẫn làm việc tốt. Ở Việt Nam mà cứ giảm 1/3 cấp phó so với dự thảo luật quy định thì tôi chắc chắn bộ máy sẽ vận hành tốt hơn” - ông  Khanh nói.
Theo dự kiến, ngày 19-6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
V.V.THÀNH
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bi kịch của Đan Thiềm thời nay!

ĐỜI, THẾ MÀ VUI: Bi kịch của Đan Thiềm thời nay

Doi_the_ma_vui_-_LMQuoc

Đọc tiểu thuyết hoạt kê Đời, thế mà vui của nhà thơ Lê Minh Quốc - ta sẽ có nhiều phen cười nôn ruột. Các nhân vật vây quanh lấy ta với đủ chiêu trò từ nhăng nhố đến bi hài nhằm khắc họa “sinh hoạt văn nghệ” đã và đang diễn ra trong đời sống này: Đạo diễn nổi tiếng Lắc Lơ của đoàn cải lương Nòng Súng bỗng nhảy sang lĩnh vực hài kịch. Đạo diễn này vừa dựng xong vở hài kịch có tên là Ngã ba chú Ía, 15 màn với 3 diễn viên chính: Rền vang - nhà văn kiêm nhà báo,  Rổn Rảng - nhà đòn kiêm nhà thơ, Robert Tạch - GS.TS. chuyên ngành mông má cho những người đàn bà trời bắt làm thân cá sấu. Hai diễn viên phụ là vợ nhà đòn Rổn Rảng và quí bà sồn sồn đến thẩm mĩ viện Dậy Thì cắt mí mắt. Một số diễn viên quần chúng là các tiếp viên hàng bia…
Nhà văn kiêm nhà báo Rền Vang đã diễn quá xuất sắc vai diễn một nhà báo đầy mánh lới kiếm tiền. Dù có uống bao nhiêu bia rượu, Rền Vang không bao giờ say xỉn. Say là say thế nào, không thể say, phải chờ người khác say để còn cầm cố xe máy, hoặc móc túi của nó trả tiền bia. Và còn để ngủ với vợ của nó.
Rổn Rảng, một thương gia trong lĩnh vực kinh doanh nhà đòn (hòm áo quan) bỗng một ngày đẹp giời trời phú cho làm thơ. Chứ không à, thơ hay thơ dở đều phải trời phú cho mới làm được đấy chứ. Khi tập thơ Ngã ba chú Ía hoàn tất, Rổn Rảng tìm đến nhà văn Rền Vang để nhờ nhà văn hồ (gà) cho nổi tiếng.
Robert Tạch, cha mẹ mất sớm phải ở với ông cậu, bán thuốc dạo kiếm ăn, rồi vượt biên, rồi quay về nước làm ăn. Chẳng học hành gì nhưng cứ tự phong hàm GS.TS. cho nó oai. Cái việc tự phong hàm GS.TS. như Robert Tạch ở cái đất này thiếu gì. Nào có ai kiểm chứng đâu. Robert Tạch có Công ty Lucky và thẩm mĩ viện Dậy Thì mở chui.
Rền Vang là một tay “hồ gà”siêu hạng. Rổn Rảng nghe tên đến cầu thân. Rổn Rảng muốn được thành người nổi tiếng. Rền Vang ra tay gạo xay ra cám luôn. Thơ của Rổn Rảng được phổ nhạc. Lại được đạo diễn Lắc Lơ chuyền thể Ngã ba chú Ía thành kịch với giá một chỉ vàng… Rền Vang phải lòng vợ Rổn Rảng. Quen mui thấy mùi ăn mãi, ngủ được một lần với thị khi chồng thị say, ngủ với thị lần nữa thì chồng thị bắt được…
Đến đây vở hài kịch có chuyển sang bi kịch?
Tôi biết Lê Minh Quốc là một nhà báo gạo cội và là nhà thơ nổi tiếng. Trong làng văn làng báo của chúng ta không hiếm những người đa tài, không chỉ tay trái tay phải đều là tay phải, mà sở trường sở đoản đều là sở trường. Nhưng Lê Minh Quốc lại chọn cách thể hiện khác trong Đời, thế mà vui. Anh đã dùng tiếng cười để gắn người đọc vào con chữ của anh. Các nhân vật trong tiểu thuyết của anh với những thói hư tật xấu nhưng lại không ác, có thể lấy những câu chuyện của họ để cười liên tu bất tận, chẳng phải cười đằng sau lưng mà cười ngay vào mũi. Cười vậy là xong, không thấy ghét.
Ngay cả cao trào ở phần cuối tiểu thuyết Rền Vang ngủ với vợ của Rổn Rảng, cũng chỉ cất tiếng cười đau đớn  và hỏi thầm trong bụng, có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ rơi vào cảnh này? Lê Minh Quốc không khoáy sâu vào những nỗi đau, không nhấn nhá vào mánh lới. Anh như chẳng thêm thắt, cường điệu chút nào. Anh cứ để nhân vật hồn nhiên bộc lộ cái bi hài của mình. Viết được như vậy là rất khó.
Tôi lại tự hỏi, nếu Lê Minh Quốc không là nhà thơ, nhà báo anh có viết được tiểu thuyết này không? Anh có viết được cái cảnh Lắc Lơ cho tay vào túi quần để sờ ít tiền đã nằm im trong túi. Nếu không để cho Robert Tạch đứng tên thì phải nôn tiền trong túi ra. Được tiền thì mất tên mà được tên thì mất tiền?
Phải chăng đó là bi kịch của Đan Thiềm thời nay?

Nhà văn Y BAN
(nguồn:http://nhavantphcm.com.vn/the-gioi-sach/doi-the-ma-vui-tieu-thuyet-le-minh-quoc.html)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lại chuyện chữ với nghĩa.


nguyen-thanh-loi-1


Từ nhiều năm nay, có một ông nọ kinh doanh ngành nghề cà phê. Ông ta cho in hàng trăm triệu bản những quyển sách dịch của nước ngoài như Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Nghĩ giàu làm giàu, Đắc nhân tâm, Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách. Sách này, chỉ dùng để tặng. Nghĩ cho cùng cũng là một cách thực hiện ước mơ của nhà cải cách giáo dục Mỹ Horace Mann (1796 - 1859): “Nếu tôi có uy quyền, tôi sẽ gieo rắc sách khắp mặt đất như người ta gieo lúa trong luống cày vậy”. Việc làm này tốt quá phải không? Vâng, rất tốt, nếu đi kèm với việc tặng sách, ông chủ cà phê không nghĩ ra câu slogan như sau: “Những cuốn sách đổi đời, bên tách cà phê đổi đời”. Nghe chõi tai ở chỗ “tách cà phê đổi đời”. Làm gì trên đời có những tách cà phê đem lại tác dụng này? Trong khi đó, sách thì có thể bởi từ những gì đã học, đã đọc ở sách có thể thay đổi số phận một con người. Nếu mọi sự chỉ dừng lại ở đó, chẳng sao. Đáng tiếc nhất, lại còn có thòng theo một câu cực kỳ kiêu ngạo: “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt”. Đừng quên "chọn giúp", "chọn giùm" hoàn toàn khác với "chọn cho" rất trịch thượng kia. Câu này khi xin giấy phép xuất bản không có, nhưng lại nằm chình ình trên các bìa sách, trên các bảng quảng cáo v.v.... Báo chí mấy hôm nay đã phê phán ầm ầm, không nhắc lại làm gì. Đã có lệnh tháo gỡ các bảng hiệu ghi câu đó, lệnh từ UBND tỉnh Đắk Lắk,  do chữ nghĩa gây hiểu lầm.
Nghĩ rằng, đã có không ít doanh nhân, doanh nghiệp sau khi đã giàu sụ lên thường có nhu cầu quan hệ thân thiết với văn nghệ sĩ, nhà báo, trí thức tiếng tăm... Thích ngao du với những người có chữ nghĩa để bàn luận về các vấn đề triết học, chính trị, văn hóa và nhất là về tôn giáo. Chuyện này cũng bình thường. Có điều, nhiều người đã bị lòe mắt, bịt mắt bằng cách đểu cáng rất êm ái: Hễ một lời nói, một hành động, một bước đi, một cái hắt hơi của doanh nhân đó thốt ra, lập tức chúng hùa vào tán dương, ca ngợi đến chín tầng mây xanh. Dần dà, “lộng giả thành chân”, có doanh nhân ảo tưởng đã trở thành vĩ nhân, có sứ mệnh phải thay đổi số phận của dân tộc lầm than, dốt nát này; hoặc ít ra cũng phải chọn sách đổi đời cho bọn nhải ranh mới chập chững vào đời kiếm sống. Do đó, từ cách phát ngôn đến hình thức bên ngoài cũng phải thay đổi, chẳng hạn, cạo trọc như thiền sư, bước vào quán thịt chó nhai nhồm nhoàm, hễ há mồm ra lại bàn về triết lý Phật giáo; hoặc đội cái mũ bê rê, ngậm điếu xì gà Cu Ba cho ra dáng dấp anh hùng Che Guevara v.v…
Muốn nổi danh, muốn được nhiều người biết đến “cái tên”, “cái tôi” của mình chẳng có gì sai. Nhưng nếu ai đó thèm khát đến độ háo danh, làm mọi cách để có danh, e rằng sẽ khó nhận được sự đồng thuận. Nhìn lại thời gian qua, công luận đã quá chán ngán với những trường hợp tìm danh bằng nhiều cách rất quái đản. Có thể liệt kê một số cách thô thiển đã được “vận dụng” như: tuyên bố gây sốc giữa thanh thiên bạch nhật về những điều thầm kín chỉ có thể phát ngôn ở chốn phòng the; sẵn sàng lột bỏ mọi vật dụng che thân để khoe tất tần tật những gì cần phải che đậy nơi công cộng...Những “thủ pháp” này  “rẻ tiền” quá.
Đã mang danh “trí thức” thì phải có cách “sang trọng” hơn!
Thiên hạ chưa quên tập sách có cái tựa rất “kêu”: Tài năng và đắc dụng của một NXB cấp quốc gia ấn hành do hai Giáo sư - Tiến  sĩ khoa học biên soạn. Chưa nói đến nội dung, chỉ với liên từ “và” ở tựa sách, đã mắc một lỗi sơ đẳng về cú pháp. Nhà nghiên cứu An Chi - một trong những chuyên gia hàng đầu về tiếng Việt phân tích: “Ta gọi từ “và” là “kết từ” hoặc “từ nối” dành cho cho hai từ cùng từ loại (chẳng hạn danh từ/ danh từ; tính từ/ tính từ…). Ở đây “tài năng” là danh từ; “đắc dụng” là tính từ, vì thế sử dụng kết từ “và” ở đây là không chính xác. Muốn chính xác phải là Tài năng và sự đắc dụng”.
Nghĩ cũng lạ, có những chuyện đã rành rọt, minh bạch như ban ngày nhưng rồi nhiều người có học hàm, học vị vẫn nhầm lẫn. Cho đến tận bây giờ vẫn còn nhiều vị đang giảng dạy cho sinh viên vẫn còn rổn rảng những câu như Người Việt cao quý là tác phẩm của nhà văn Ý A. Pazzi, Nguyễn Trãi là tác giả Gia huấn ca, Truyện Kiều là tác phẩm viết bằng chữ Hán v.v… Mới ngày hôm nay thôi, NXB nọ vừa đình chỉ phát hành quyển Phùng Há - Trọn đời trả nợ dâu  cũng vì những sai sót tương tự.
Trở lại với Tài năng và đắc dụng. Cuốn sách này đề cập đến một loạt danh nhân Việt Nam và nước ngoài được đề cập đến (theo thứ tự trong sách): Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh, Chulalongkorn, Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein, Thomas Edison, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ và Bill Gates. Đọc thoáng qua đã thấy sắp xếp này cẩu thả, lộn xộn, hoàn toàn ngẫu hứng. Ai cũng biết, cấu trúc chung của một cuốn sách, tùy theo tầm quan trọng, sự đóng góp của nhân vật mà người viết sử dụng số lượng chữ dành cho các nhân vật khác nhau. Số lượng chữ này cũng được ngầm hiểu là sự đánh giá của người viết về vai trò của từng nhân vật. Ở đây, nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm kỷ lục với 42 trang, trong khi các danh nhân Trần Quốc Tuấn được 15 trang, Nguyễn Trãi có 10 trang, Đào Duy Từ chỉ 6 trang và Chủ tịch Hồ Chí Minh 25 trang!
Một con người bình thường, không hoang tưởng, không có triệu chứng về trí não, khi ai đó vì lẽ gì đó ca ngợi mình, xếp mình “ngồi” chung với các danh nhân thì vì sự tự trọng và liêm sỉ, cũng nên biết cách thoái thác, rút lui. Nếu không, sự háo danh ở đây chỉ có thể gọi là “xú danh”. Cái sự nhàm nhí đó, thời nào cũng có. Mỗi ngày lướt web, đọc vô số thông tin còn nhờm, còn lợm hơn nhiều lắm. Biết thế, càng thêm quý nhiều người không ồn ào, không huênh hoang, khoác lác, không lên mặt dạy dỗ ai, cứ lẵng lặng làm việc. Hữu ích cho đời biết bao nhiêu.
Nghĩ rằng, mẫu người trí thức khiêm tốn, thật sự uyên bác như cỡ cụ Nguyễn Văn Tố, thời buổi này có còn không? Theo hiểu biết hạn hẹp của y, thuở sinh thời, cụ Tố chưa in một tác phẩm nào, hầu hết chỉ công bố trên báo chí. Cụ viết nhiều lắm. Nhưng với y, đáng nể nhất là loạt bài Tài liệu để đính chính những bài văn cổin nhiều kỳ trên Tri Tân. Lầm lũi hết ngày này qua tháng nọ, cụ khảo cứu từng chữ, chép lại từng văn bản, chỉ ra những cái sai mà nhiều người đã nhầm lẫn. Công việc ấy, nếu không say mê, không tâm huyết, không tận tụy, không có một lối làm việc chỉn chu, không có một kiến văn uyên bác có lẽ khó đeo đuổi lâu dài. Mệt mài từng trang viết. Bền bĩ đi qua ngày tháng. Nhẫn nại. Lặng lẽ. Đáng khâm phục quá. Mấy hôm nay, vẫn đọc Kinh Thánh, chép lại câu này: “Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được cất nhắc lên cao”(Lc 14:11).
Vừa nhận thêm được vài quyển sách hay. Hay ở chỗ, nhiều người vẫn lặng lẽ làm việc, không ồn ào. Có thể kể đến vài cuốn liên quan đến Sài Gòn như Từ Bến Nghé đến Sài Gòn (Trần Nhật Vy), Sài Gòn - Chuyện đời của phố I & II (Phạm Công Luận),  Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ (Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh), Ngôn ngữ văn hóa vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ (Lý Tùng Hiếu)… Rồi sáng nay, vừa nhận thêm quyển Sài Gòn đất và người của anh bạn nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi. Mừng vì biết, từ nhiều năm nay, anh đã dành nhiều thời gian viết về vùng đất Sài Gòn. Đọc và thích thú với những địa danh bị viết sai mà nay đã trở thành quen thuộc:
An Thít (Ăn Thịt: vùng này ngày xưa nhiều cọp dữ, hay ăn thịt người); Bến Lức (Bến Lứt: người miền Nam không phân biệt phụ âm cuối -c và -t), Cát Lái (Các Lái: các lái buôn ghe bầu từ miền Trung vào Gia Định);Rạch Chiếc (Rạch Chiết: chiết là thứ cây mọc hoang, thấp nhỏ, lá lớn hay mọc hai bên mé sông vùng nước lợ, thường ra lá non, mùi chát chát, có thể ăn như rau); Gò Vấp (Gò Vắp: gò có nhiều cây vắp, một loại cây cứng như lim), Hàng Xanh (Hàng Sanh: sanh là thứ cây lớn, nhánh có tua, thuộc về cây da, mà lá nhỏ); Rạch Ông(Rạch Ong: mật ong được khai thác nơi này và đem bán vùng bên cạnh, nay còn địa danh Cầu Mật), Dần Xây(Giằng Xây: tên một loại gỗ tạp), Hốc Hươu (Hóc Hươu)/ Hốc Môn (Hóc Môn): Hóc là dòng nước nhỏ; Trao Trảo (Trảo Trảo); Thạnh Đa (Thanh Đa: về sau do bỏ dấu khi in trên bản đồ thời Pháp, nên địa danh Thạnh Đa biến thành Thanh Đa)…
Đọc khoái chưa?
Cứ từ từ mà đọc. Chẳng việc gì vội. Ngày đọc vài ba trang, vậy là vui rồi, phải không?
L.M.Q
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

TẦN THUỶ HOÀNG TÂM SỰ

 Truyện ngắn

Hiếu Tân
Tần Thuỷ Hoàng ngồi ngả người trên một đám mây xốp. Bên cạnh y, Kinh Kha cũng trong tư thế ấy. Hai người đang chăm chú xem những hình ảnh loang loáng trước mặt.
Tần Thuỷ Hoàng ngồi trên bệ rồng, uy nghi lẫm liệt. Phía dưới, ngồi trước án, Kinh Kha đang giở một cuộn giấy (địa đồ). Nét mặt gã căng thẳng. Bàn tay gã ngập ngừng. Giở đến cuối cuộn, nét mặt gã căng thẳng tột độ, gần như hốt hoảng. Bàn tay gã ngưng lại, khoảng độ một thế kỉ. Cuối cùng, con chuỷ thủ hiện ra.
Một tay cầm chuỷ thủ, Kinh Kha đuổi vua Tần chạy vòng quanh, đến một gian phòng trống. Lũ quan hốt hoảng đứng vây quanh nhưng không ai dám làm gì. Vua Tần cuống. Bỗng có tiếng nói “Nhà vua đeo kiếm sau lưng”. Vua Tần tỉnh ra, vội rút thanh kiếm lớn. Kha bị dồn vào chân tường. Nét mặt gã kinh hoảng đến dúm dó. Thuỷ Hoàng đã lấy lại oai vệ. Nét mặt ngài là một khối căm hờn. Ngài cầm kiếm bằng hai tay, đâm Kha chừng nghìn nhát, trút vào từng nhát kiếm lòng hận thù điên dại.
Kinh Kha tủm tỉm cười, hích tay vào sườn Dinh Chính (tên thật của Tần Thuỷ Hoàng. Thật ra, về phương diện sinh học, y họ Lã). Ngươi có thấy thoả mãn không? Ngươi thì uy nghi lẫm liệt, còn ta thì hèn nhát đến khốn nạn, trong giây phút ấy. Ngươi thấy không, chúng ta bất tử, nhưng đâu phải bất tử theo cách ấy.
Tần Thuỷ Hoàng bẽn lẽn:
Ta cũng thấy buồn cười. Có lẽ ta nên xấu hổ một chút, sau khi ngươi đã dạy ta thế nào là liêm sỉ, và mọi thứ khác. Nhưng sao bọn nó, cái bọn hậu thế ấy, có thể đổi trắng thay đen đến mức ấy nhỉ? Ta không hiểu.
Đây là một film (chàng phát âm chữ film thật chuẩn) của bọn hậu duệ ấy đấy. Những kẻ đang muốn kế tục sự nghiệp dở dang của ngươi, Kinh Kha giải thích. Nhưng ngươi hãy nhìn xem ở dưới kia kìa. Chàng chỉ tay xuống dưới, nơi có hàng tỉ cái chấm đen cũng đang như họ: thưởng thức phim. Không có một cái dấu hỏi nào bật ra cả.
Kha trầm ngâm: Cái lũ này! Cách đây 64 năm, nó đứng về phía ta, công khai, dõng dạc lên án ngươi. Bây giờ, nó đứng về phía ngươi. công khai, dõng dạc xỉ vả ta. Hay thật. Có điều ngươi không biết chứ, nó bao giờ cũng vẫn là nó.
Chàng nói thêm, như nói với chính mình: Là nó. Dù cho lưỡi nó quay đảo ngàn vòng.
Hơn hai ngàn năm đã trôi qua. Ta và ngươi vẫn còn đây. Không phải Thiên đường , Địa ngục. Không phải Cực lạc, Âm ti. Chúng ta ở đây trong Miền Nhớ (hay Vùng Ký Ức) của loài người. Khởi từ trang Sử kí của Tư Mã Thiên, ân nhân muôn đời của chúng ta. Và như thế chúng ta là bất tử. Mỗi người một cách.
Tên tuổi ngươi thì gắn với Vạn Lý Trường Thành. Bây giờ người ta nhìn, chụp nó từ trên vũ trụ. Gắn với ba ngàn sáu trăm mỹ nữ cung Tần. Gần đây cũng có kẻ học đòi nhà ngươi chuyện ấy, nhưng lén lút, và bẩn thỉu lắm, chứ không được vương giả như ngươi. Gắn với những núi xương, sông máu. Và trên hết, ngươi đã thành biểu tượng, hiện thân của Bạo Chúa.
Còn tên tuổi ngươi thì biểu trưng cho Can Đảm và Hy sinh. Ta biết lắm. Ngươi phải biết rằng, sau khi giết được ngươi, ta hả hê, nhưng vẫn có tiếc ngươi. Ta thầm phục ngươi, thầm ao ước cái dũng khí của ngươi. Ngươi thấy không, dám thú nhận thế, ta cũng là tay hào hiệp đấy chứ!
Đúng thế! Chàng vỗ vai Chính. Hai người bây giờ là bạn, nhiều lúc cãi nhau, nhưng cũng nhiều lúc tâm sự cùng nhau. Những ân oán, hận thù, họ đã truyền lại cho hậu thế rồi, bây giờ hai người chỉ là hai cái bóng, lâng lâng thanh thoát. Họ đã gặp Phật. Họ đã đàm đạo với Jehovah, Jesus, Mahomet. Và, thật khôi hài, thỉnh thoảng họ lại còn triết lí nữa chứ.
Kinh Kha không phải là Tầm Vũ Dương, một kẻ đâm thuê chém mướn. Chàng là người thâm trầm và ham học. Sau khi đã rửa sạch cái kiếp bạo chúa của hắn, chàng thấy Tần Thuỷ Hoàng cũng chơi được, nên hay lôi hắn đi khắp nơi, chỉ cho hắn nhiều cái đáng xem, và nói với hắn mọi điều chàng nghĩ.
Lịch sử, hừ, kì lạ thật, Dinh Chính lẩm bẩm. Lịch sử là tất cả những gì đã từng xảy ra. Mà không một ai biết đích xác cái gì đã thật sự xảy ra, một cách đầy đủ, trọn vẹn. Người ta cứ tưởng lịch sử là một câu chuyện, có thể kể lại. Lầm!…
Lịch sử không chỉ được kể lại, nó còn được “sáng tác” ra, nói đúng ra là bịa tạc. Ai, những kẻ nào cần đến cái lịch sử bịa tạc ấy? Đoàn đoàn lũ lũ những bạo chúa như ngươi đấy. Để làm gì? Đơn giản thôi: để mãi mãi làm bạo chúa.
Ông (Kha đổi cách xưng hô, thân mật và hiện đại hơn) định vào Oxford lấy bằng tiến sĩ khoa học lịch sử hay sao đấy? Cái mảnh bằng Bạo Chúa đã cũ nát quá rồi phải không?
Nói thật với ông (Chính cũng đổi cách xưng hô cho tương xứng) ta đã cùng ông đi xem nhiều thời và nhiều nơi, thấy bạo chúa bị người ta oán hận, phỉ nhổ cũng lắm. Mà..Mà số người tôn sùng, thèm khát, cũng không hề ít.
Cái đó không có gì lạ. Tôn sùng và thèm khát làm nên bạo chúa. Bạo chúa là tột đỉnh sung sướng ở đời, nên người đời thèm khát. Tôn sùng có hai loại, tự nhiên và cưỡng bức. Cưỡng bức lâu dần thành tự nhiên. Bản thân bạo chúa là hiện thân của lòng thèm khát tột cùng, thèm khát vật chất, quyền uy, danh vọng. Thèm khát được tôn sùng, và có đủ sức mạnh bắt người ta tôn sùng. Nhưng bạo chúa thời nay có nhiều kẻ giấu giếm cái lốt của chúng tài lắm. Tuy vậy cũng không khó nhận ra. Có hai loại người được cả triệu người sùng mộ. Bạo chúa và danh nhân văn hoá. Những Shakespeare, Kant, Einstein..- không sức mạnh nào bức người ta ái mộ các ông. Những người biết đến tên các ông, khâm phục các ông, là những người có học. Họ âm thầm cảm phục các vĩ nhân, khi con tim họ rung động say mê và trí óc họ bừng sáng. Còn những kẻ tung hô ngươi, Chính ạ, đa số là u mê và thất học. Số ít biết rõ ngươi, trong thâm tâm chúng khinh miệt, nhưng run sợ, Họ lăn lộn gào khóc dập đầu thề thốt trung thành đến chết, sùng bái vô cùng, tín ngưỡng vô cùng.. trong cơn điên loạn của đêm dài ngu muội. Không có gì vẻ vang lắm đâu, khi tìm kiếm sự sùng bái trên nỗi sợ hãi và ngu si của kẻ khác.
Ông vua hùng mạnh cuối cùng của đế quốc Tần (tất nhiên là thế, vì đời thứ hai, Hồ Hợi, chỉ là cái xác mềm oặt trong tay bọn gian nịnh Lý Tư, Triệu Cao, đâu phải người, nói gì đến vua) mở lòng tâm sự:
Những trang Sử Kí của Tư Mã Thiên gợi cho ta nhớ lại những ngày cuối đời ta. Ông vừa nói thèm khát đến tận cùng, nhưng nói thật với ông, lúc đó ta cũng chán ngán đến tận cùng. Nhưng cái nghiệp của ta là thế. Vừa khao khát thoả mãn, vừa chán ngán đến tận cùng những của ngon vật lạ, những bạc vàng, gái đẹp, gấm vóc lụa là. Những lời nịnh hót lúc trước ngọt như mật, sau có lúc nghe thật tởm. Mà không sao bỏ được. Mà cứ muốn như thế đến muôn đời.
Kha thông cảm:
Thế tức là trong người ông lúc ấy còn sót lại chút lương tri. Nhờ chút ấy mà lúc sau, về cõi này, ông mới có thể cùng ta tiếp tục suy ngẫm. Nếu không thì tất cả đã nát rồi, chỉ còn lại xú khí mà thôi.
Chàng trầm ngâm.
Nhưng cũng có một sự thật là, bạo chúa cứ còn mãi. Trong phạm vi nhân loại, bạo chúa là bất tử. Người Pháp có câu ‘L’Empereur est mort! Vive l’Empereur!’ Hoàng đế băng hà! Hoàng đế vạn tuế! Bạo chúa thường bị diệt vì tay bạo chúa khác. Nên bạo chúa cứ còn mãi. Bạo chúa cũng có thể bị diệt bởi nhân dân, nếu đẩy nhân dân đến bước đường cùng. Nhưng hỡi ôi, nhân dân diệt tên bạo chúa mà họ oán hận, rồi hân hoan dựng lên một bạo chúa khác, và tận lực tung hô tên bạo chúa mới này. Bạo chúa đóng vai ân nhân, bạo chúa nhân từ, đức độ. Chuỵên này xảy ra nhiều lần, như ta đã chỉ cho ông thấy. Như một vòng tuần hoàn.
Thế có cách nào thoát khỏi vòng không? Tần Thuỷ Hoàng ngây thơ hỏi.
Khó lắm. Để nổi lên diệt bạo chúa đã khó, vì đa phần nhân dân mê bạo chúa như điếu đổ.
Lại có chuyện đó nữa?
Chuỵên này ta đã nói rồi. Có nhiều lí do, khi sống mãi dưới ách một bạo chúa, họ quen đến mức không muốn thay đổi, vì không hình dung nổi nếu không còn kẻ đè đầu thì họ sẽ sống ra sao. Bởi vậy, khi đánh gục bạo chúa rồi, họ phải nhanh chóng lập lên một bạo chúa khác.
Kinh Kha ngẫm nghĩ một lát, rồi cười lớn. Ha ha! Thật hoang đường! Một cựu bạo chúa hôm nay ngồi luận đàm về… bạo chúa!
HT, 2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Journey in Life: Nhật Bản khác ta những gì?

Journey in Life: Nhật Bản khác ta những gì?: Bài viết cách đây 7 năm (2006) của Nguyễn Lân Dũng. Nước ta có 83 triệu người, đứng thứ 13 trong 200 nước trên thế giới, nếu kể cả Việt... Phần nhận xét hiển thị trên trang