Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Nghĩ trước mộ Trần Đông Phong trên đất Nhật


                                             Lê Thị Thanh Tâm

Trước ngày tôi đến Nhật (với tư cách là người nghiên cứu thời gian ngắn), thầy tôi đã căn dặn: Khi đếnTokyo, em nhớ thăm mộ cụ Trần Đông Phong nhé. Tôi nhớ lời và có xin thầy bản đồ hướng dẫn đường đến nghĩa trang có mộ cụ ở Toshima.
Mùa thu đầu tiên ở nước Nhật, đất dậy sóng của phong trào Đông Du cách đây hơn trăm năm, tôi vẫn còn thơ thẩn với bao dự định. Tôi vẫn cứ loay hoay mãi với sách vở, nghĩ suy và sự hòa nhập không dễ dàng với một đất nước Đông á duy nhất từ lâu đã thành cường quốc, tôi chưa thể nghĩ đến việc đi thăm cụ Phong như lời thầy dặn.
Rồi cơ duyên cũng đến. Một hôm, một đồng nghiệp lớn tuổi người Hà Nội (đã làm việc ở Nhật gần 20 năm) tâm sự: vừa rồi con trai bị ốm mãi không khỏi, chắc phải đi xin cụ Phong thôi. Dù đã được thầy nhắc nhở phải cố đi thăm cho được mộ chí sĩ Trần Đông Phong, nhưng tôi cũng không hình dung hết được sự tôn kính và niềm tin đến vậy của những người Việt xa xứ đối với cụ. Nghe câu chuyện các sinh viên Việt Nam kể cho nhau, tôi càng ngạc nhiên hơn. Họ nói: Sinh viên ở đây xin cụ gì cũng được, xin gì cụ cũng cho. Nghe cứ như một truyện truyền kỳ nào đó.
Ngày chúng tôi đến thăm mộ cụ là một buổi sáng nắng ấm, sau những ngày mưa bão dữ dội. Từ ga chính Shinjuki, sau khi bắt tuyến Amanote chạy vòng trung tâm Tokyo, chúng tôi chuyển sang tàu điện nhỏ xíu khá cũ chạy leng keng trên mặt đường phố quận Toshima, gọi là tàu điện tuyến Toden Arakawa. Người đồng nghiệp Hà Nội bâng khuâng bảo: giống tàu điện xưa ở Hà Nội đấy. Không chỉ tàu điện nhỏ, quận Toshima sao cũng buồn vắng như cái không khí có trong mấy tấm ảnh cũ cũ về ba mươi sáu phố phường đất kinh kì.
Đến nghĩa trang Zoshigaya Reien, chúng tôi theo phong tục người Nhật, định mua ngay được hương, hoa và xách một xô nước bằng gỗ có chiếc gáo nhỏ tròn rất xinh, cùng với một cây chổi thanh thanh để quét dọn mộ. Nhưng hôm ấy lại là ngày nghỉ. Chúng tôi đứng ngơ ngẩn. Không ai bán hoa, bán hương, không xô nước, không chổi. Sao thế nhỉ? Đồng nghiệp tôi nói: Biết làm thế nào. Hay là khấn không thôi nhỉ. Vào khấn thôi. Nghĩ thế, tôi thấy thương cụ quá. Con cháu đi thăm mà không có gì để phúng viếng. ít phút sau, bỗng dưng có người phụ nữ Nhật lớn tuổi mở cửa, cười rất tươi. Bà nói hôm nay ngày lễ nghỉ, nhưng nếu mọi người muốn vào viếng thì bà tặng hương, không cần mua. Hoa thì có thể mua cửa hàng bên cạnh (khi ấy cửa hàng bên cạnh cũng tự nhiên hé mở), chỉ còn mấy bó thôi. Xô nước và chổi bà cũng cho mượn. Mừng quá.
Người dẫn đường của chúng tôi không hiểu sao lại nhầm đường. Mãi gần một tiếng mà vẫn không tìm được mộ. Mấy con quạ đen cứ bay nhao nhác. Tôi lỡ thắp hương nên cứ cầm trên tay mãi, vừa cầm hương vừa đi tìm mộ cụ. Thi thoảng hương cứ lóe cháy phừng phừng rất lạ. Đặc điểm thế nào cô? Mộ cụ cũ, không giống mộ người Nhật lắm, trông rất đơn giản; Đường vào có cây thông nhỏ thấp nghiêng nghiêng. Trời, chỗ nào cũng có thể có cây thông nghiêng nghiêng.
Tôi nhớ đến câu chuyện của thầy tôi kể. Khi xưa thầy đến thăm mộ cụ Phong, đi cũng khá đông người, tìm cả ngày không ra mộ. Đến khoảng 6 giờ chiều, tuyệt vọng, tất cả kéo nhau ra về. Nhưng cứ đi ra hướng cổng thì lại lạc vào trong, cứ đi ra lại là đi vào, trời đã tối dần, rồi thầy bảo, tự nhiên như có ma lực, trong bóng chiều sắp tối, tất cả lại đi vào trong nghĩa trang theo một sự hướng dẫn nào đó vô hình, và hơn mươi phút sau đã tìm thấy mộ. Mọi người xúc động quá, trước mắt là bia mộ ghi rõ dòng chữ Hán: Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ. Khấn vái xong, thầy về nhà mà đắp chăn, người cứ ớn lạnh từng cơn. Sao cụ lại thiêng đến thế.
Đến lượt chúng tôi, lát sau cũng tìm được mộ. Mà tìm được là vì vô tình có một bà cụ người Nhật sống lâu ở nghĩa trang chỉ cho. Mộ nằm trên dãy 1-4A-14. Tôi có cảm giác rất lạ khi đứng trước mộ cụ. Tôi nhìn rõ hai bó hoa ai đó viếng còn mới thơm cắm ngay ngắn cùng với hai bó hương đã tàn. Vậy là vừa có sinh viên hay người Việt Namđến viếng. Mọi người đã nói với tôi, mộ cụ lúc nào cũng có hương hoa, lúc nào cũng được dọn sạch cỏ. Trong tôi trào lên một nỗi niềm không sao tả được. Nơi này, từ tên quận, tên đường, tên nghĩa trang, tên khu mộ, đều không có lấy một dòng chữ Việt Nam. Nhưng lại có một “đồng bào chí sĩ” ra đi từ phong trào Đông Du nằm yên đã trăm năm.
Nơi này, một con người đã tuẫn tiết ở tuổi hai mươi với lá thư tuyệt mệnh: “Nhà tôi giàu có, cả tiền với thóc, kể đến hàng vạn, mà gần đây học phí trong trường, chỉ là nhờ Nam Kỳ cấp cho anh em, tôi đã nhiều lần viết thư về nhà, khuyên cha tôi bắt chước làm như ông Trương Tử Phòng, phá sản vì nước, cha tôi không trả lời. Tôi nghĩ tôi là con một nhà giàu, xấu thẹn với anh em quá, nên tôi phải tự vẫn cho cha tôi biết chí tôi, và cũng để tạ tội với anh em”. Những dòng chữ nghĩa khí tiết liệt đã khiến Kỳ ngoại hầu Cường Để kính phục đến mức đích thân người đã xây mộ cho ông ngay trên đất Nhật, và về sau, xương cốt Cường Để một phần cũng nằm trong ngôi mộ của chí sĩ này. 
Chúng tôi cắm hoa, thắp hương cho cụ. Ngôi mộ cực kỳ giản dị, không hề có một nét hoa văn nào. Tường mộ lấm rêu, nhiều phần xi măng mỏng vỡ loang. Cảm giác gặp được người Việt ở nước ngoài bình thường đã khiến tôi cảm động. Nhưng cảm giác tìm được nấm mộ người xưa ở nước ngoài là một kinh nghiệm rất đặc biệt. Nhất là mộ của một chí sĩ đã chết “độc nhất vô nhị” trong lịch sử dân tộc: “Nhà tôi giàu có nhưng đất nước có bị diệt vong cũng không giúp được gì thì tôi còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ nữa...”. Tự sát ở chùa Tohoji nơi xứ người, Trần Đông Phong đã để lại một câu chuyện cảm động kỳ lạ về lòng ái quốc. Một trí thức ưu tú, người làng Di Luân, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, xuất thân từ một gia đình giàu có bậc nhất ở Nghệ An, đã chết theo cách riêng của mình, mà lập luận dai dẳng đắng cay cho đến lúc chết là: có tiền mà vong quốc thì không thể sống được. Ý nghĩ giản dị này ám ảnh tôi mãi, nó sống trong tâm trí tôi hơn vô số những khẩu hiệu quen thuộc được dán đầy ở các cung đường chính nơi quê nhà. Chao ôi, ý nghĩ giản dị và quí giá đó nếu như được nuôi dưỡng trong tâm hồn người Việt bao lâu nay thật mạnh mẽ và sâu sắc thì hẳn mọi sự làm giàu đều chính đáng, đều hướng đến sự sang trọng đúng nghĩa của nó, cái sang trọng đích thực sẽ đẻ ra một nền văn hóa cao cấp, nền văn hóa của tự do (chứ không phải một cơn khát làm giàu đầy ngạo mạn mà vẫn nô lệ).
Có tiền mà vong quốc thì không thể sống được- quan niệm tử sinh gắn liền với quan niệm giá trị của Trần Đông Phong được đảm bảo tính trung thực bằng cái chết. Những dòng chữ cuối cùng để lại của cụ không phải là lời nói suông, không phải là lời thề sáo rỗng. Cái chết của Trần Đông Phong thực sự bất tử, không phải là sự bất tử tự nó, mà lịch sử và những khúc quanh của thời đại ở xứ sở cội nguồn người Việt đã làm cho cái chết ấy càng sáng lên nhiều giá trị, càng bắt người ta phải đối diện lâu dài và bền bỉ với công cuộc “chấn hưng” hồn vía và văn hóa dân tộc.
Cách đây hơn một thế kỷ, người ta sẵn sàng hy sinh mạng sống vì quyền được thoát khỏi “phận dã man”, đời nô lệ; Người ta sẵn sàng bỏ thân vì không chịu nổi sự nhục nhã của cảnh ngộ đồng tiền đang vô tâm ngự trị trong sự khốn cùng của đồng bào, đất nước. Nỗi thao thức về đồng tiền trong cuộc duy tân và hiện đại hóa dân tộc (tuy không được nói nhiều, bàn nhiều, như là đề tài cấm kỵ vô hình) từ những năm đầu tiên của thế kỷ XX của một chí sĩ Việt Nam vẫn là câu chuyện dài của thế kỷ XXI, thậm chí câu chuyện ấy ngày càng nhiều biến thái, nhiều kịch bản hơn… Hẳn những bậc hào kiệt năm xưa khi xuất dương không tưởng tượng nổi 100 năm sau, cũng ở ngay trên xứ sở “đồng bào”, báo chí đăng nhan nhản cái cụm từ tham nhũng là quốc nạn như một thứ tin tức hằng ngày, đến nỗi dường như nó là điều bình thường không có gì phải nghĩ. Ngày nay, người ta cũng có thể nghĩ đến tự sát, có thể chết vì đồng tiền, nhưng chắc chắn không phải với cái nghĩa khí đáng tôn vinh kia, mà chết vì không thể vơ vét được nhiều hơn nữa…
Lịch sử ghi lại hằng hà những tấm gương nghĩa khí, nhưng cái chết của Trần Đông Phong là trường hợp quá đặc biệt: chết vì hổ thẹn, chết không vì lỗi của mình, mà vì gia đình mình không hy sinh của cải cho đất nước. Điều này vượt ra ngoài phạm vi, ngoài hành vi của một con người cụ thể, vượt ra ngoài cái nghĩa khí thông thường. Câu chuyện về lòng ái quốc hòa quyện trong câu chuyện biết xấu hổ, câu chuyện nhân cách. Mà điều ấy, thời xưa đã hiếm, thời nay còn hiếm gấp bội; xảy ra ở nước người cũng là quí, xảy ra ở nước ta còn quí gấp bội… Tôi càng ngẫm nghĩ càng thấy vẻ đẹp cao thượng này của chí sĩ Trần Đông Phong quả thực là một ẩn số của lịch sử. Trong câu chuyện ấy, sao mà có quá nhiều thứ để hậu thế suy gẫm, cái chết ấy là thứ kỷ luật của tâm hồn, đạo đức của tâm hồn, là tấm gương một liệt sĩ-chí sĩ (chết vì suy nghĩ, vì đẳng cấp nhân cách), là niềm tin của hiện tại đối với… quá khứ, là sản phẩm của tinh hoa giáo dục truyền thống (cá nhân chịu trách nhiệm cho gia đình), là câu hỏi về mục đích và ý nghĩa chân chính của sự làm giàu, …
Từ một chí sĩ, cụ Trần Đông Phong giờ giống như vị thần hoàng trong đình làng Việt Nam ở ngay trên đất Nhật. Người ta mặc nhiên cúng tế, sùng tin. Người đi trước mách người đi sau. Kẻ du học cũng như người lập nghiệp. Người ta tin cụ, đến viếng cụ, xin cụ cho học giỏi, cho sức khỏe, cho danh vọng… Có người đến viếng cụ vì thương cảm, cảm phục, cũng có người đến cụ vì nghe nói cụ rất thiêng, cũng có người đến để biết mộ người Việt ở nghĩa trang Nhật Bản thế nào. Tôi trộm nghĩ biết đâu cái xứ Thần Đạo này vì cảm thương linh hồn xa xứ của cụ, cũng để cho cụ nhập vào cái tâm linh mênh mông của họ, nên giờ đây cụ cũng là “vị thần” cho các lưu học sinh, người Việt Nam đang sống và học tập ở nước Nhật này.
Tôi nhìn mộ cụ, không có ảnh, đúng như mộ người Nhật. Cả trăm năm cụ vẫn nằm đấy, lặng lẽ vô hình phù hộ cho những ai là con dân Việt Nam bước chân đến Nhật, không biết có phải vì hồn linh ấy mãi hướng về cố quốc, hay bởi ánh sáng của phong trào Đông Du năm xưa vẫn còn le lói trong một nấm mồ? Tôi nghe nói dường như qua con đường tâm linh nào đó liên quan tới cụ Koyama Katsuzo – người có công thành lập “Hội Giáo dục Việt Nam của thành phố Gunma” tại Nhật - người ta được biết hồn cụ Phong mong được về lại Việt Nam bởi cụ đã biệt xứ đến trăm năm có lẻ.
Nhưng nếu đưa cụ về Việt Nam thì những người đến Nhật như chúng tôi lại thiếu vắng lắm... Cụ đã chết như một võ sĩ đạo, dưới gốc cây một ngôi chùa, khác nào câu chuyện chỉ có trong kịch Nô, trong tiểu thuyết Nhật, nhưng đối với tâm linh và văn hóa Việt Nam, điều cao quí hơn trong cái chết vì đại nghĩa ấy, theo tôi, là sự nhắc nhở âm thầm sâu sắc về sứ mệnh của trí thức đối với giống nòi. Tôi vẫn mãi băn khoăn: nền giáo dục nào, hệ tư tưởng nào, tầng văn hóa nào đã tạo ra những con người khí phách và cao thượng đến dường ấy…
Tôi đứng nhìn ngôi mộ Trần Đông Phong đơn sơ giữa nước Nhật giàu có. Mộ cụ vẫn như ngày chôn cất năm xưa, nước Nhật vẫn là cường quốc Đông á, Việt Nam vẫn còn đang trên đường “hứa hẹn” hiện đại hóa; du học sinh Việt Nam vẫn nhiều, và ngày càng nhiều hơn thế kỷ trước, nhưng khí khái và hoài bão của Đông Du chí sĩ ngày nào chắc phần lớn chỉ còn trong kỷ niệm, bảo tàng, hội thảo. 100 năm trước đây, biết bao chí sĩ từ đất Việt ra đi đến xứ mặt trời mọc với tâm niệm và sứ mệnh cao cả: cứu nước bằng ánh sáng trí tuệ. Mấy chục năm sau, cho đến bây giờ, vẫn ồ ạt những cuộc du học bằng đủ mọi phương tiện hỗ trợ, và “chắc là”, cũng hướng đến văn minh, hiện đại, xây dựng Tổ quốc cách này cách khác... Những chuyến đi vẫn tiếp diễn, các chí sĩ được thay bằng các lưu học sinh đủ mọi lứa tuổi, nguồn tài chính không quá ngặt nghèo như trước nữa, không “bi kịch” như trước nữa… Mọi thứ bề thế hơn, dễ dàng hơn, nhân danh điều này điều khác nhiều hơn, duy chỉ có niềm khát vọng thoát khỏi “phận dã man” của những tâm hồn vì giống nòi thì vẫn cứ là… khát vọng, thậm chí vẫn cứ là… hoài vọng.
Tôi nghĩ đến hoài bão cháy bỏng của lớp thanh niên trí thức hồi đầu thế kỷ của phong trào Đông Du. Rồi lại nghĩ đến hàng vạn người dân trong nước mong ngóng tìm việc làm ở nước ngoài với giá nhân công rẻ mạt và bao rủi ro khốn đốn… Cảm giác “tủi phận dã man” ngày trước có cái gì thật cao cả, bây giờ cũng vẫn cảm giác “tủi phận” đó, chỉ có điều ít nhiều nó được gắn thêm cái tiếp vĩ ngữ “đói nghèo”, “lạc hậu” nữa.
Viếng thăm nấm mộ một anh hùng Việt Nam ngay trên đất Nhật, biết đâu người ta mới đủ cảm xúc và dư chấn để nghe được một cách rõ ràng hơn tiếng vọng hoài bão người xưa, biết đâu từ khoảnh đất được đánh số lạnh lẽo ở nghĩa trang lại dấy lên chí lớn và những nghĩ suy về dân tộc, và biết đâu, nấm mộ đơn sơ lấm rêu này sẽ là một chứng tích vô giá cho những ai có cơ hội vượt qua biên giới xứ sở để hiểu được, dù là một chút, số phận và vinh dự, cái chết và sự sống, lòng ái quốc và đức hy sinh, tình yêu và dự cảm của những anh hùng lưu biệt một thời.
***
Trở về tìm những gì được nói lên từ trái tim, từ khối óc cụ Trần Đông Phong, tôi thấy đủ cả tâm lí họa phúc đắp đổi, bĩ cực thái lai, hùng tâm tráng chí và khát vọng hưng quốc mãnh liệt chưa từng thấy:
Họa hề phúc sở ỷ
Phúc hề họa sở phục”
Gẫm đạo trời khi bĩ có khi hanh
Mở mắt coi thế giới văn minh
Ai cách mạng, ai cộng hòa, ai dân chủ, ai dân quyền
Những ai ấy cạnh tranh thời đại
Năm canh trót nghĩ đi rồi nghĩ lại
Giọt vắn dài riêng tủi phận dã man
Mấy năm nay đứt ruột với giang san
Vua như thế, quan như thế, mà quan sau cũng như thế
Anh em thảy đồng bào tương hệ
Tính răng đây? sao nỡ ngáy khò khò
Trên đã đành giáo huấn không lo
Dưới ta phải tu sinh cho hợp đạo
Bỏ ý gian tham, bỏ lòng kiêu ngạo
Bỏ riêng, bỏ , bỏ vơ, bỏ váo
Bỏ dại, bỏ khờ, bỏ lường, bỏ láo
Bỏ cho hết thói cũ sạch sành sanh
Trên đã đành năm triệu chẳng lành
Của của mình, nhà nhà mình, nước nước mình
Nỡ để ấy ai dành mà ai dỗ
Có khó mới biết khôn, muốn khôn phải chịu khó
Gánh thảo ngay dành để cho ai
Còn non, còn nước, còn dài
Bài ca trù này có thể chỉ được tìm thấy trong sách khảo cứu về thơ ca Đông Du, nhưng thực ra, nó đã sống với anh linh Trần Đông Phong và con đường thăng trầm hiện đại hóa của nước Việt ta suốt cả thế kỷ nay.
                                                                       
 Fuchu-shi, Tokyo, mùa thu 2010
Lê Thị Thanh Tâm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Công lý


TRƯƠNG HUY SAN (Huy Đức, nhà báo)
Dự thảo Luật Tố tụng hình sự đang được thảo luận tại Quốc hội (tháng 5-2015) đã “tiếp thu” được vài nguyên tắc mà “loài người tiến bộ” đã từng áp dụng từ hàng trăm năm qua. Các đại biểu Quốc hội cũng bắt đầu nhận ra, cho dù nhu cầu chống tội phạm lớn tới đâu cũng không thể chấp nhận oan sai. Tuy nhiên, nếu không nhận thấy nguyên nhân sâu xa của oan sai thì không những không thể thiết kế một nền tư pháp có thể mang lại công lý mà trong vài trò chống tội phạm, nó còn có thể trở thành công cụ của từng băng nhóm.
Dân trí hay quan trí
Không ngạc nhiên khi các tướng công an không ủng hộ quyền im lặng của bị can. Quyền ấy chắc chắn sẽ làm khó hơn cho tiến trình điều tra. Chỉ ngạc nhiên, sao các tướng – những người thực thi – lại được đặt ngồi trong cơ quan lập pháp.
Quyền không khai những điều có thể trở thành bằng chứng chống lại mình khi chưa có luật sư được người Mỹ đưa vào Hiến pháp năm 1789 (Tu chính án thứ Năm). Tướng Trịnh Xuyên cho rằng áp dụng nguyên tắc này sẽ không phù hợp với dân trí nước ta. Nói như thế thật là xúc phạm người dân Việt Nam, không lẽ sau 70 năm xây dựng CNXH, dân trí nước ta lại thua dân trí Mỹ 226 năm về trước.

Nếu Quốc hội đã “học Mỹ” khi đưa “quyền im lặng” vào luật Việt Nam chỉ xin quý vị hiểu lại cho rõ nguyên lý “nhà nước của dân”. Năm 2006, khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đến thăm nơi tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln, tôi thấy ông đứng rất lâu trước câu nói của Lincoln: “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Những nhà cách mạng Mỹ không chỉ là tác giả của câu nói này mà còn đã thể chế hóa thành công nguyên tắc này.
Khi giành được độc lập, khi đã cầm quyền thay vì quay lưng với nhân dân như nhiều nhà cách mạng khác, ngay trong đời tổng thống thứ Nhất, các nhà lập quốc Mỹ đã đưa vào Hiến pháp 10 tu chính án ngăn chặn Quốc hội ra các đạo luật ngăn cản các quyền tự do quan trọng nhất của người dân.
Các đại biểu đến từ phía Nam – hai luật sư Trương Trọng Nghĩa và Trần Du Lịch – đã tranh luận khá thẳng thắn với các tướng công an. Nhưng rất tiếc chưa thấy hai ông chỉ ra hai nguyên tắc cơ bản để bảo vệ quyền im lặng: Nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc một người không thể bị coi là có tội khi chưa có một bản án có hiệu lực của tòa. Vì không coi trọng hai nguyên tắc này mà nhiều người dân chỉ cần bị dân phòng bắt đã bị đối xử như tội phạm.
Camera và nhục hình
Nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra sáng kiến dùng camera đặt trong phòng hỏi cung để ngăn chặn điều tra viên sử dụng nhục hình. Camera liệu có tác dụng không khi “phòng hỏi cung” nằm trong tay cơ quan điều tra? Các vị nghĩ rằng các điều tra viên sẽ bật nó lên cho quý vị xem cách họ làm cho những người vô tội ký vào đơn nhận tội?
Có những cuộc tra tấn được điều tra viên trực tiếp tiến hành trong phòng hỏi cung như vụ 7 công dân vô tội bị ép nhận tội giết người ở Sóc Trăng. Nhưng, không phải điều tra viên nào cũng sử dụng nhục hình thô thiển vậy.
Theo tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKS TC, ngay cả con người huyền thoại Tạ Đình Đề – người bảo vệ Hồ Chí Minh thời đang còn là “Lý Thụy ở Vân Nam” – trong hai lần bị “công an ta” bắt (1975-1976 và 1985-1988), nếu không nhận tội, không khai đúng ý” của người thẩm vấn cũng bị “chuyển phòng giam khác, bị giao cho đầu gấu”. Tạ Đình Đề kể với ông Biểu: “Khi nghe lệnh chuyển phòng, người tôi bủn rủn… Sang phòng giam mới, bị nhốt với bọn đầu gấu mới (tôi sẽ phải chịu đủ trò) tinh quái và độc ác”(Tạ Đình Đề – NXB Hội Nhà Văn 2014, trang 254).
Kinh nghiệm của ông Tạ Đình Đề không chỉ là câu chuyện của thập niên 1970s, 1980s. Khi gặp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bị án Hồ Duy Hải vẫn không dám kêu oan mà chỉ xin giảm án vì Ủy ban Tư pháp gặp xong rồi về còn Hải thì phải quay lại trại giam của công an Long An. Một khi hệ thống trại giam, đặc biệt là các trại tạm giam đang nằm trong tay các cơ quan điều tra thì chuyện ngăn chặn bức cung, nhục hình là vô vọng cho dù có gắn bao nhiêu camera trong phòng hỏi cung.
Độc lập giữa các cơ quan tố tụng
Không có nhà nước nào cơ quan lập pháp lại mang các vụ án ra đánh giá sai đúng trong các phiên toàn thể. Không phải tự nhiên mà tố tụng phải bao gồm nhiều định chế độc lập: điều tra, VKS, TA, luật sư. Quyền giám sát tố tụng nằm ở khả năng “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” của các cơ quan thực thi chứ không phải là ở quyền giám sát chính trị của cơ quan lập pháp.
Điều nguy hiểm nhất hiện nay là các công tố viên và thẩm phán bị cơ quan điều tra viên “lôi vào cuộc”, bị “cộng đồng trách nhiệm” ngay trong những ngày đầu. Các thủ tục tố tụng phải dựa trên chứng cứ chứ không phải là suy đoán của điều tra viên. Nếu kiểm sát viên độc lập và không quá sợ cơ quan điều tra, anh ta sẽ không phê chuẩn tạm giam một công dân nếu chứng cứ mà cơ quan điều tra đưa ra không thuyết phục.
Tòa án cũng có khuynh hướng bị lũng đoạn bởi cơ quan điều tra nên cách an toàn nhất trong công tác xét xử của họ là “án tại hồ sơ” và với những vụ phức tạp thì tòa dưới còn tham vấn tòa trên nhằm tránh án bị “cải, sửa” khi phúc thẩm để không “mất điểm thi đua”.
Không phải tự nhiên mà trong suốt nhiều năm ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang kêu oan, VKS lẫn TATC đều im, dù họ không trực tiếp dùng nhục hình bức cung. Vì cả VKS và TA đã “đồng lõa” với cơ quan điều tra ngay từ đầu, đứng chung xuồng ngay từ đầu, nên minh oan cho ông Chấn thì họ sẽ trở thành tội phạm.
Cũng như ông Chấn, 7 bị cáo ở Sóc Trăng được minh oan là vì kẻ thực sự gây án đã ra tự thú. Những người thực sự oan khuất chưa chắc đã nằm trong số được tòa tuyên vô tội. Không ai có thể biết chắc trong số hàng triệu “vụ án đẹp”, trong số hàng triệu bộ hồ sơ án hoàn hảo, hàng triệu bị can nhận tội kia có bao nhiêu thực sự oan sai. Những kẻ gây án thực sự đang ở trong tù hay vẫn ở ngoài vòng pháp luật.
Quyền lực tuyệt đối
Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, thật khó để nhận ra quyền lực cao nhất đang nằm ở đâu. Nhưng rõ ràng không có cơ quan nào có những quyền đáng sợ như Bộ Công an đang nắm.
Trong vụ án Năm Cam và những vụ án tướng Thành sử dụng tay chân ở Tiền Giang, người dân chỉ biết câu chuyện một băng đảng xã hội đen bị đánh tan. Ít ai biết sự lộng quyền của tướng Thành, biết cái cách thức ông ta khống chế TA và VKS không khác gì Năm Cam cả.
Vì tướng Thành đã trở thành “anh hùng của nhân dân”, trở thành “thần tượng của số đông”, nên người ta đã không tống giam ông cho dù những điều tra viên Tiền Giang bắt bớ, chia chác theo lệnh ông đều đã phải vào tù hoặc vào nhà thương điên để tránh vành móng ngựa.
Không tính thứ bậc trong Đảng, TA, VKS không dễ dàng độc lập trước một Bộ có trong tay quá nhiều công cụ. “Quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối”(Lord Acton). Không chỉ trong hệ thống tư pháp, không có nhà nước nào nuôi dưỡng nguy cơ chính trị bằng cách tạo ra một siêu bộ nếu không muốn các chính trị gia trở thành con tin của bộ ấy.
Chưa kể sự khuynh loát của quyền lực, không ai có thể một lúc hoàn thành quá nhiều chức năng. Vậy nhưng, Bộ Công an hiện nay đang nắm trong tay vai trò điều tra, cảnh sát và cả an ninh, tình báo.
Tình báo phải là một cơ quan độc lập và chỉ nhắm vào kẻ thù bên ngoài chứ không phải nhắm cả vào bên trong (Có thể có an ninh nội địa nhưng đến khi có một nhà nước thực sự của dân thì không cần cơ quan an ninh kiểu như hiện nay). Và, ngay trong vai trò cảnh sát thì cũng nên tách ra: Cảnh sát quốc gia và cảnh sát địa phương.
Cảnh sát địa phương phải thuộc thẩm quyền của các địa phương ; quy mô và phương thức hoạt động tùy từng nơi mà tổ chức khác nhau. Không nhất thiết một huyện ngoại thành cũng có cảnh sát như một huyện ở vùng nông thôn. Những thành phố quá an ninh chỉ cần có vài ba trăm cảnh sát cho vui thay vì cũng nhiều tướng tá như nơi đầy trộm cướp.
Cảnh sát giao thông nên là một lực lượng riêng. Nếu cơ quan điều tra không cùng một mẹ với cảnh sát giao thông thì chắc sẽ mạnh tay hơn với nạn mãi lộ mà không sợ ngành tai tiếng.
Cảnh sát quốc gia thiết lập trật tự và sự thống nhất trên toàn quốc ở những vấn đề cảnh sát địa phương không với tới và nắm những lực lượng như cảnh sát cơ động, cảnh sát chống bạo động. Cảnh sát địa phương đảm trách vai trò giữ gìn trật tự và điều tra những án thuộc về trị an như cướp giật, trộm cắp, kể cả những vụ giết người thuần hình sự xảy ra trên địa bàn.
Nên lập cơ quan điều tra quốc gia để điều tra những vụ án có yếu tố băng đảng, những vụ tham nhũng và những vụ liên quan đến trách nhiệm thi hành công vụ.
Tòa ba cấp
Nên thiết lập hệ thống tòa án theo ba cấp xét xử: sơ thẩm, phúc thẩm và tòa phá án. Không tòa nào là cấp trên của tòa nào; các cấp xét xử chỉ tuân theo pháp luật. Không thể để chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp ủy, “nằm trên tòa án”. Các ứng cử viên thẩm phán phải chủ yếu nằm trong số các luật sư giỏi và uy tín nhất.
Tòa nên xét xử bằng tranh tụng: công tố buộc tội; luật sư bào chữa; hội thẩm nhân dân quyết định có tội hay không; thẩm phán lượng hình nếu hội thẩm nhân dân tuyên có tội. Với thủ tục này, mỗi phiên sơ thẩm chỉ cần một thẩm phán và 5-7 hội thẩm viên. Để đảm bảo khách quan, thẩm phán có thể không cần đọc trước hồ sơ, riêng hội thẩm thì không được đọc trước hồ sơ vụ án.
Vấn đề băn khoăn nhất là luật sư. Tuy nhiên ngay cả với bị cáo không có tiền “chạy” và thuê luật sư giỏi thì tình trạng pháp lý cũng không thể xấu hơn với cách tiến hành tố tụng hiện nay. Chỉ cần yêu cầu mỗi luật sư hàng tháng phải tham gia bào chữa miễn phí một số vụ theo chỉ định của tòa. Chỉ cần cho xã hội dân sự phát triển sẽ có nhiều luật sư tình nguyện bào chữa cho người nghèo và sẽ có nhiều tổ chức hỗ trợ pháp lý cho người nghèo.
Nhà nước cũng có thể dùng một ngân khoản để trả cho luật sư trong trường hợp đặc biệt. Đây là khoản chi cho công lý chứ không phải đơn giản cho bị cáo.
Đừng sợ mất vai trò của Đảng. Một đảng tốt là một đảng đảm bảo có một hệ thống tư pháp có thể cung cấp công lý chứ không phải là một đảng khi muốn thì thọc tay vào vụ án. Các tướng lĩnh cũng không nên cố công bảo vệ đặc quyền cho công an. Quan nhất thời. Hãy nhìn gương tướng Quắc, tướng Trần Văn Thanh. Rất có thể có ngày quý vị trở thành nạn nhân của hệ thống tư pháp mà quý vị đang thiết kế.
29.5.2015
Huy Đức
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trong 50 năm tới, tên gọi bãi biển Nha Trang sẽ không còn

Trong 50 năm tới, tên gọi bãi biển Nha Trang sẽ không còn

Mai Khuê

Dân Việt - Chỉ hơn 2 tháng, sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) cho Công ty TNHH Dewan International Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa đã cấp lại lần 2, thay đổi thời hạn dự án. Và Dewan Việt Nam sẽ được độc quyền tên gọi Bãi biển Phượng Hoàng trong hơn 50 năm nếu chủ đầu tư có nhu cầu.
Vốn 2.100 tỷ làm dự án 26.250 tỷ
Chiều 25.5, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã cung cấp cho Dân Việt hai bản sao giấy CNĐT do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp cho Công ty TNHH Dewan International Việt Nam.

Theo đó, giấy CNĐT lần 1, cấp ngày 20.8.2014 theo đề nghị của Sở KHĐT Khánh Hòa trước đó 1 ngày. Công ty TNHH Dewan International Việt Nam (gọi tắt là Dewan Việt Nam) được thành lập với 2 thành viên là Công ty Dewan International Limited và thành viên thứ hai là chính Tổng Giám đốc của công ty này, ông Dewan Bipan Kuldip. Công ty mới Dewan Việt Nam cũng do chính ông này làm Tổng giám đốc. Ngành nghề kinh doanh bao gồm các ngành nghề phục vụ cho phát triển xây dựng, hoàn thiện và điều hành quản lý mọi hoạt động của dự án phát triển bãi biển Phoenix (tiếng Việt là bãi biển Phượng Hoàng).
Vốn điều lệ của Dewan Việt Nam là 2.100 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Dewan International góp 1.995 tỷ đồng (95% tổng vốn điều lệ), 5 tỷ còn lại do ông Dewan Bipan Kildip góp. Tiến độ vốn góp lần đầu 20% vốn điều lệ, tương ứng 420 tỷ đồng vào trước ngày 20.11.2014; và 80% còn lại được cam kết góp hoàn thành trước tháng 8.2017.
Chủ đầu tư được thực hiện dự án phát triển toàn bộ khu vực bãi biển chính của thành phố Nha Trang trên diện tích 74,16 ha (gồm diện tích mặt đất và mặt nước liền kề) với vốn đầu tư thực hiện dự án 26.250 tỷ đồng, tương đương 1,250 tỷ đô la. Trong đó vốn góp của chủ đầu tư là 2.100 tỷ (10%) trong khi vốn vay 21 ngàn tỷ (90%).
Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của NTNN, đến nay, Dewan Việt Nam vẫn chưa góp đủ 20% vốn điều lệ theo tiến độ cam kết (420 tỷ đồng). UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều cuộc họp xem xét việc xin giãn, hoãn tiến độ góp vốn.
Độc quyền tên gọi Bãi biển Phượng Hoàng
Trên toàn dải bờ biển trung tâm thành phố Nha Trang dài hơn 4,5km, Dewan Việt Nam sẽ đầu tư 20.727 tỷ vào các hạng mục kinh doanh (chiếm gần 79%), đầu tư 3.003 tỷ vào các công trình công cộng (có thu tiền, chiếm 11,4%) và 2.520 tỷ vào các hạng mục phi lợi nhuận (9,6%).
Theo giấy CNĐT lần 1, thời hạn hoạt động của dự án Bãi biển Phượng Hoàng là 50 năm, dự kiến khởi công vào tháng 9.2017 và hoàn tất các hợp phần tháng 9 năm 2022. Nhưng ngày 6.11.2014, chỉ sau hơn 2 tháng, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp lại Giấy CNĐT với mọi điều khoản giữ như cũ, chỉ thay đổi một điều duy nhất đó là: Thời hạn thực hiện dự án 50 năm và lâu hơn nữa nếu chủ đầu tư có nhu cầu. Và điều làm dư luận bức xúc là Giấy CNĐT của UBND tỉnh Khánh Hòa ghi rõ “Dự án phát triển bãi biển Phoenix, công ty Dewan Việt Nam được độc quyền sử dụng tên gọi “Phoenix Beach” (Bãi biển Phượng Hoàng). Đồng nghĩa với việc, tên gọi bãi biển Nha Trang từ bao đời nay sẽ biến mất.
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 20.8.2014 UBND tỉnh Khánh Hòa đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Dewan xây dựng Bãi biển Phượng Hoàng nhưng ngày 17.10.2014, trước khi thông qua ý kiến thường vụ tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh hòa đã phê duyệt quy hoạch 1/2000 nơi thực hiện dự án. Theo đó, Dewan Việt Nam được phép thực hiện nhiều công trình bê tông trên bãi biển Nha Trang với hơn 1 triệu mét vuông sàn. Ngày 11.2.2015, thường vụ tỉnh ủy đã yêu cầu điều chỉnh lại quy hoạch, không cho phép xây nhà hàng, khách sạn, vila, công trình nổi trên bờ biển Nha Trang. Tháng 4.2015, Dewan Việt Nam đã cho cắm 11 tấm bảng ghi “Vui lòng cấm xâm phạm” trên dọc bãi biển Nha Trang đồng thời quảng cáo rầm rộ về dự án trên trang web với 4 khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng cà phê trên cây, vila bê tông… Ngày 22.5, toàn bộ 11 tấm biển “cấm xâm phạm” bãi biển Nha Trang đã được gỡ bỏ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TQ nhằm cái gì với động thái này???



Cách Trung Quốc trao vũ khí quân sự cho Campuchia
(Quan hệ quốc tế) - Mối quan hệ Trung Quốc - Campuchia đang ngày càng nồng ấm nhờ những khoản vay ODA và viện trợ quân sự.  
Cho không và cho vay
Theo The Cambodia Daily ngày 25/5, Trung Quốc vừa bàn giao một loạt vũ khí hạng nặng và các thiết bị quân sự cho Bộ Quốc phòng Campuchia.
Đại diện quân đội Campuchia cho biết, họ sẽ sử dụng vũ khí khí tài Trung Quốc cho tặng vào mục đích huấn luyện, bao gồm cả hệ thống phụ tùng và xe tải gắn bệ phóng tên lửa.
Buổi lễ bàn giao được diễn ra tại Học viện Quân sự Campuchia tại tỉnh Kompong Speu. Tham dự lễ bàn giao có Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc, bà Bố Kiến Quốc.
Phát biểu tại buổi tiếp nhận, Trung tướng Chao Phirun, Cục trưởng Cục Trang bị - kỹ thuật Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết: "Việc tiếp quản các vũ khí khí tài quân sự đặc biệt ngày hôm nay từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc là một thành tựu lịch sử trong sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc đã dành cho Bộ Quốc phòng Campuchia".
"Đối với các hiện vật viện trợ nhận được trong đợt này, các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia sẽ sử dụng nó cho việc huấn luyện tăng cường năng lực phòng thủ", Tướng Chao Phirun nói đồng thời tiết lộ thêm, gói viện trợ lần này bao gồm 44 xe gồm có xe jeep, xe tải gắn bệ phóng tên lửa và ít nhất 6 hệ thống súng máy phòng không di động.
Lô xe quân sự Trung Quốc viện trợ cho Campuchia.
Lô xe quân sự Trung Quốc viện trợ cho Campuchia.
Không chỉ viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự, Trung Quốc cũng viện trợ cho Campuchia 20 xe bốc dỡ, 4 xe bếp di động, 2 tấn hóa chất không xác định và khoảng 10 tấn phụ tùng. Một trung tâm đào tạo rộng 500 mét vuông cũng nằm trong danh sách viện trợ.
Tướng Chao Phirun cho biết, sẽ có 3 đơn vị đặc biệt được nhận các vũ khí, khí tài trang thiết bị quân sự Trung Quốc tặng lần này, nhưng ông không nói rõ đơn vị nào.
Hiện nay, các hợp đồng vũ khí và viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Campuchia cũng đang gia tăng đáng kể.
Năm 2013, Campuchia đã tiếp nhận 12 trực thăng Harbin Z-9 mua bằng khoản vay 195 triệu USD của Trung Quốc. Trong năm 2015 này, quân đội Campuchia cũng sẽ tiếp nhận 26 xe tải và 30.000 bộ quân phục từ Trung Quốc.
Dù Trung Quốc tuyên bố những trợ giúp về mặt quân sự cho Campuchia không kèm theo các điều kiện chính trị, song giới phân tích chỉ ra điều ngược lại.
Viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia hiện nay lớn hơn nhiều so với viện trợ của Mỹ. Hồi năm 2010, Mỹ đã hủy việc bàn giao 200 xe quân sự cho Campuchia sau khi Phnôm Pênh trục xuất một nhóm người xin tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc vào năm 2009.
Hai ngày sau vụ trục xuất, Trung Quốc và Campuchia đã ký các hợp đồng trị giá khoảng 850 triệu USD. Tiếp đến, vào năm 2013, Phnôm Pênh đã tuyên bố ngừng một số hợp tác quân sự với Mỹ sau những chỉ trích của các nghị sĩ Mỹ về cuộc bầu cử tại Campuchia.
Campuchia tiếp nhận lô trực thăng Z-9 từ Trung Quốc.
Campuchia tiếp nhận lô trực thăng Z-9 từ Trung Quốc.
Chuyên gia chỉ mục đích của Trung Quốc
Trong bài viết có tiêu đề "Vì sao Trung Quốc quyến rũ Campuchia", giáo sư Heidi Dahles, Trưởng khoa Nghiên cứu châu Á (ĐH Griffith, Australia) cho rằng, do Campuchia là một trong những vị trí địa chính trị chiến lược của Trung Quốc. 
Theo chuyên gia này, Campuchia có tầm quan trọng chiến lược, là một trong những viên ngọc trai trong “chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc đang muốn tạo ra trong khu vực Đông Nam Á – vị trí đảm bảo quyền tiếp cận Vịnh Thái Lan và Biển Đông một cách thuận tiện nhất.
Trong bối cảnh có sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giành ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương, Campuchia là một mắt xích đảm bảo lợi thế địa chính trị khu vực sẽ thuộc về bên nào thân thiết hơn với nước này.
Các chương trình hợp tác quân sự - quốc phòng giữa Mỹ và Campuchia, được thiết lập từ năm 2006, sắp hết hạn. Vấn đề cấp bách hiện nay là liệu sự hợp tác này có bị bỏ rơi hay không khi đã có một liên kết quân sự gần gũi hơn giữa Campuchia với Trung Quốc. Trung Quốc, đất nước có ít bạn bè trong khu vực Đông Nam Á, sẽ  chào đón một Campuchia ngừng thỏa thuận với Mỹ.
Điều khiến Trung Quốc sẽ phải lo lắng chính là những vấn đề chính trị hiện đang tiềm ẩn trong xã hội Campuchia. Những xáo trộn này có thể khiến Trung Quốc mất đi lợi thế tiếp cận với Campuchia, bị cắt đi những đặc quyền hiện đang rất dồi dào.
Có thể lịch sử năm 1996 sẽ lặp lại, khi Trung Quốc sẽ tạo ảnh hưởng kinh tế - chính trị lên Campuchia, với bất kỳ lực lượng chính trị nào lãnh đạo chính quyền ở Phnom Penh.
Vì với Trung Quốc, ai đứng đầu Campuchia không quan trọng, quan trọng là những gì Bắc Kinh đã làm vẫn sẽ có sức ảnh hưởng với chính quyền Phnom Penh.
     Hòa Sơn



 Trung Quốc tìm kiếm ảnh hưởng tuyệt đối ở Campuchia? 

(Tin tức 24h) - Thông qua các hình thức tài trợ, đào tạo quân sự, viện trợ vũ khí... Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tới quốc gia Đông Nam Á này
Tháng 3/2015, khi tham dự lễ tốt nghiệp Học viện Quân đội danh tiếng của Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng nước này là Đại tướng Tea Banh đã trực tiếp cám ơn một đoàn khách - những người này mặc quân phục của quân đội Trung Quốc.
Suốt bài thuyết trình tại Học viện Quân đội ở tỉnh Kampong Speu này, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia ca ngợi trang thiết bị hiện đại mà Trung Quốc viện trợ cho họ. “Chúng tôi biết ơn vì họ đã thấu hiểu cho hoàn cảnh khó khăn của chúng ta hiện nay”  - Đại tướng Tea Banh nói.
Bản thân học viện được xây dựng năm 1999, cách Phnom Penh 80km này cũng là sự viện trợ của Trung Quốc. Việc viện trợ quân sự thông qua tài trợ đào tạo, viện trợ vũ khí và đầu tư hàng tỉ USD nhằm tăng cường ảnh hưởng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia. Các nhà phân tích xem đây như một phần trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng khu vực, kể cả trong tranh chấp biển Đông của Trung Quốc.
Theo ba quan chức Campuchia giấu tên cho biết, từ năm 2009 đến nay, có khoảng 200 học viên thi đỗ vào học viện trên hằng năm. Các học viên được đào tạo 4 năm dưới sự giám sát của Bộ quốc phòng và cố vấn Trung Quốc, giáo viên địa phương giảng dạy. Chương trình đào tạo cũng bao gồm khóa thực tập 6 tháng bắt buộc ở các học viện quân sự tại Trung Quốc.
Các cố vấn quân sự Trung Quốc rời học viện quân sự ở Campuchia sau lễ tốt nghiệp của các học viên.
Các cố vấn quân sự Trung Quốc rời học viện quân sự ở Campuchia sau lễ tốt nghiệp của các học viên.
Tháng 3 vừa qua, 190 học viên thuộc khóa đào tạo thứ 3 đã tốt nghiệp. “Sinh viên tốt nghiệp được đưa vào vị trí quan trọng, có ảnh hưởng bao gồm cả chỉ huy lữ đoàn. Họ nắm giữ những vị trí mà họ có thể đưa ra quyền quyết định trong lực lượng chiến đấu” – một quan chức chính phủ cấp cao giấu tên vì vấn đề nhạy cảm phát biểu.
Người này thêm rằng Trung Quốc chi trả phần lớn tiền xây dựng và vận hành học viện. Ngoài ra, học viện này còn nhận 200 sinh viên mỗi năm để đào tạo các khóa ngắn hạn trong 6 tháng.  
Carl Thayer, một nhà nghiên cứu danh tiếng về an ninh Đông Nam Á thuộc Học viện quốc phòng Úc, cho rằng học viện trên là bước đi đầu tiên để Trung Quốc xây dựng các cơ sở lớn tương tự ở khắp Đông Nam Á.
“Với Trung Quốc, đây là khởi đầu cho chiến lược dài hạn nhằm gia tăng ảnh hưởng trong quân đội Campuchia thông qua hình thức viện trợ đào tạo này. Trung Quốc còn nắm giữ hồ sơ chi tiết về từng người đã qua đào tạo. Hiện tại, không có nơi nào tại Đông Nam Á mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn nơi đang được nói đến” - ông Carl Thayer cho biết.
Bên cạnh sự phát triển của học viện, Trung Quốc còn tăng những họp đồng bán vũ khí và viện trợ quân sự cho Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư hàng tỉ USD vào kinh tế nước này.
Trong năm 2013, Campuchia đã mua 12 trực thăng Harbin Z-9 bằng nguồn tiền 195 triệu USD vay từ Trung Quốc. Năm 2014, Campuchia được nước này viện trợ 26 xe tải và 30.000 quân phục.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia (bên phải) trong một buổi lễ ký kết hợp tác với Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia (bên phải) trong một buổi lễ ký kết hợp tác với Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Các quan chức tại Bộ Quốc phòng Campuchia từ chối bình luận trong khi phía Bộ Quốc Phòng Trung Quốc trả lời Reuters bằng văn bản tuyên bố sẽ tiếp tục tăng mức hỗ trợ cho học viện, giúp Campuchia nâng cao chất lượng giảng dạy và trình độ đào tạo. Viện trợ này không có điều kiện chính trị kèm theo và không gây bất kỳ tổn hại nào đến lợi ích của bên thứ ba.
Ngoài những viện trợ về quân sự, Trung Quốc cũng tích cực gửi tới Campuchia những món quà về vấn đề kinh tế có trị giá nhiều tỷ USD và công khai ủng hộ về chính trị với chính quyền đang nắm quyền ở quốc gia Đông Nam Á này.
Việt Dũng (Tổng hợp NLĐ, GDVN)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cường hào, ác bá là ai?

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời.
Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.

Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất.
Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng khiếp.
Họ, những “cán bộ tiền tỉ” đó làm giàu bằng cách nào vậy? Xin thưa, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ đã chỉ rất rõ: “lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng”. Và cay đắng hơn, vị Thiếu tướng, Đại biểu Quốc hội này còn thẳng thắn bày tỏ, rằng những “công bộc” này “cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.
Có lẽ do bức xúc với tệ nạn tham nhũng nên tại phiên thảo luận này, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự không đồng tình với việc bỏ tử hình đối với tội tham nhũng. 
Trên báo Tiền phong, bài “Không để “hi sinh đời bố, củng cố đời con”, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, tướng Nguyễn Đức Chung bày tỏ: “Người nghèo đi buôn ma túy bị lĩnh án tử hình, không cớ gì người có chức vụ, kiến thức mà tham ô, tham nhũng lại không bị tử hình”.
Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối caoTrần Văn Độ cho rằng cách hành xử “không được bao nhiêu” đối với tham nhũng càng làm mất lòng tin của người dân:
“Tội tham ô, nhận hối lộ chúng ta quy định hình phạt tử hình nhưng thực tế không xử lý được bao nhiêu cả. Dân bảo các ông hô hào thôi chứ có làm được đâu? Nghiêm minh tức là tham ô 4-5 tỷ đồng trở lên phải tử hình, nhưng chúng ta có làm được đâu. Thậm chí có những người tham ô nhưng về mặt Đảng chỉ cảnh cáo thôi. Tức là có độ chênh giữa quy định và thực thi trên thực tiễn …
Chúng ta chỉ xử lý những vụ tham nhũng vặt, dăm ba chục triệu, vài ba trăm triệu. Quy định thật nặng, thật to nhưng không thực hiện được thì càng làm mất lòng tin của người dân”. Ông Độ nói.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng cho rằng “Tội tham nhũng nếu bảo bỏ (tử hình - NV) người ta lại bảo không đấu tranh chống tham nhũng nữa. Điều này chưa thuyết phục”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền còn bày tỏ không đồng tình với việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người già từ 70 tuổi trở lên. Theo ông Quyền hiện nay tuổi thọ đã được nâng cao, trong khi đó nhiều đối tượng ở độ tuổi này lại “phạm tội kinh khủng”, với tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Trở lại với những phát biểu của Thiếu tướng, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ, chỉ có 51 chữ, bác Tỷ đã chỉ ra một thực trạng tham nhũng “khủng khiếp” lên tới “vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng” nhưng lại bằng cái cách còn… “khủng khiếp” hơn, đó là “cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.
Và có lẽ vì vậy bác Tỷ bày tỏ: “Tôi đề nghị giữ nguyên mức tử hình, nếu bỏ mức án này thì về không biết trả lời với cử tri thế nào”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chết muộn!

Tướng Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa qua đời

Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã) 
(GDVN) - Hãng tin nhà nước Tân Hoa xã Trung Quốc đã tuyên tuyền về cuộc chiến xâm lược đẫm máu quần đảo Hoàng Sa khi kẻ chỉ huy cuộc chiến đó qua đời.
Luu_Hi_Trungchi_huy_bien_doi_xam_chiem_Hoang_Sa_1974

Lưu Hỉ Trung - kẻ từng chỉ huy biên đội xâm chiến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Tân Hoa xã – hãng tin nhà nước Trung Quốc ngày 28 tháng 5 đưa tin, Lưu Hỉ Trung - nguyên Phó tư lệnh Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc – người từng chỉ huy biên đội tàu chiến tham gia chiến tranh xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đã bị bệnh qua đời vào ngày 19 tháng 4 ở Quảng Châu, thọ 85 tuổi.
Lưu Hỉ Trung được biết tới là người Tụ Nham, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ông này đi lính từ năm 1947, đến năm 1950 vào Đoàn thanh niên chủ nghĩa dân chủ mới Trung Quốc, năm 1953 vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong đời, Lưu Hỉ Trung từng làm lính thông tin, cảnh vệ, tiểu đội trưởng, giáo viên, tham mưu, chỉ huy tàu, phó trưởng khoa, đại đội trưởng, chủ nhiệm cái gọi là "khu tuần tra Tây Sa" (Tây Sa là cách gọi của Trung Quốc đối với Hoàng Sa của Việt Nam);
Rồi làm Tư lệnh cái gọi là "Khu thủy cảnh Tây Sa", Phó tư lệnh căn cứ Quảng châu, Tư lệnh căn cứ Du Lâm – Hạm đội Nam Hải, được bài báo cho có đóng góp cho xây dựng quân đội cách mạng, hiện đại, chính quy (Trung Quốc).

Tàu chiến số hiệu 502 Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974
Bài báo còn cho hay, Lưu Hỉ Trung là đại biểu Đại hội 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đại biểu Nhân đại toàn quốc Trung Quốc khóa 6. Năm 1988, Lưu Hỉ Trung được gắn vào vai lon thiếu tướng hải quân.
Ngoài ra, bài viết còn "hồi tưởng" lại một trang sử Trung Quốc triển khai cuộc chiến tranh xâm lược đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, bất chấp luật pháp quốc tế. Lưu Hỉ Trung đã tham gia cuộc chiến phi nghĩa này, khi đó, ông ta chỉ huy biên đội 128.
Được biết, trong cuộc chiến tranh xâm lược này, Trung quốc đã sử dụng 2 tàu quét mìn 396, 389 (lượng giãn nước mỗi chiếc chưa đến 400 tấn), các tàu săn ngầm 271, 274. Chỉ huy trên biển khi đó của Trung Quốc được biết tới có tên là Ngụy Minh Sâm. Trong khi đó, Quân đội Việt Nam cộng hòa (Nam Việt) đã sử dụng 4 tàu chiến (lượng giãn nước mỗi chiếc 1.700 tấn), trong đó có 1 tàu được đặt tên là Lý Thường Kiệt, ngoài ra còn có 4 máy bay.
Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng dân quân trang bị súng máy hạng nhẹ, lựu đạn tham gia cuộc chiến tranh xâm lược này. Sau đó, Trung Quốc còn điều thêm biên đội các tàu săn ngầm 281, 282 từ Sán Đầu đến quần đảo Hoàng Sa chi viện xâm lược, biên đội này do Lưu Hỉ Trung chỉ huy.

Tàu chiến số hệu 281 Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974
Theo thuật lại của bài báo, tối ngày 17 tháng 1 năm 1974, biên đội 281 từ Sán Đầu chạy đến Du Lâm, khi đó Lưu Hỉ Trung làm đại đội trưởng. Sau đó, ông ta nhận nhiệm vụ ở phòng tác chiến căn cứ Du Lâm, nhận lệnh từ Tư lệnh hạm đội. Cuộc chiến sau đó diễn ra khốc liệt.
Theo bài báo, sau khi nhận được tin đã bắn chìm 1 tàu chiến của Quân đội Việt Nam cộng hòa, vào lúc 15 giờ ngày 19 tháng 1, tại phòng trực ban tác chiến của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc ở Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc khi đó có tên là Đặng Tiểu Bình đã vui mừng, nói: "Chúng ta nên ăn cơm thôi".
Để mở rộng chiến tranh xâm lược, Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình còn đồng ý với đề nghị của Chính ủy Hải quân Trung Quốc khi đó là Tô Chấn Hoa về việc điều thêm thuyền máy lắp ngư lôi đến tham chiến, nhưng giữa đường đã gặp sự cố, nên không làm gì được.
Sau này, Tô Chấn Hoa tỏ vẻ tự hào về thành tích xâm lược Hoàng Sa, cho rằng: "Từ khi hải quân nhân dân (Trung Quốc) được thành lập đã ở tuyến đầu phòng thủ trên biển, luôn ở trong môi trường chiến tranh (xâm lược), không ngừng tôi luyện trong chiến đấu (xâm lược). Cuộc chiến này, đơn vị trước tiên không được chuẩn bị đầy đủ... nhưng đã tiêu diệt được đội quân nước ngoài được vũ trang bằng tàu chiến Mỹ…".
Tàu chiến số hiệu 396 Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974
Trong cuộc chiến tranh xâm lược này, Hải quân Trung Quốc đã bắn chìm 1 tàu  pháo, bắn bị thương 3 tàu khu trục của Quân đội Việt Nam cộng hòa, làm cho hơn 200 binh sĩ Việt Nam cộng hòa bị thương vong. Trong khi đó, binh sĩ Hải quân Trung Quốc có 18 người chết, 68 người bị thương, tàu quét mìn 389 bị trọng thương.
Sau đó, do sợ bị tàu chiến của Việt Nam cộng hòa báo thù, Quân ủy Trung ương Trung Quốc khi đó đã ra lệnh cho các tàu chiến của họ "nhanh chóng sơ tán, nếu có tình huống thì lập tức tập trung".
Khi cuộc chiến này chưa kết thúc, Chính ủy Hải quân Trung Quốc Tô Chấn Hoa còn tích cực thuyết phục Trung Nam Hải tận dụng cơ hội “thừa thắng” xâm chiếm thêm nhóm Lưỡi Liềm. Thông qua Chu Ân Lai, báo lên Mao Trạch Đông phê chuẩn, Quân đội Trung Quốc đã nhận được lệnh thừa cơ xâm chiếm (họ gọi một cách mỹ miều là "thu hồi") đảo Hoàng Sa, đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ảnh.
Theo bài báo, ngày 20 tháng 1, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đã chở binh lính lục quân đến vùng biển nhóm Lưỡi Liềm, máy bay tiêm kích của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc bay đến yểm trợ trên không. Lực lượng quân đội Việt Nam cộng hòa đã buộc phải đầu hàng.

Binh lính bành trướng xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974
Như vậy, rõ ràng, đây là một cuộc chiến tranh xâm lược có sự chỉ đạo trực tiếp của toàn bộ ban lãnh đạo cấp cao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa khi đó, từ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai cho đến Đặng Tiểu Bình, Tô Chấn Hoa… - PV.
Mưu đồ và hành động bành trướng xâm lược này đã gây ra một cuộc chiến đẫm máu, đã xâm phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, gây ra tranh chấp phức tạp hiện nay trên Biển Đông - PV.
Hành vi chiến tranh xâm lược này cùng với các loại hành động bành trướng tiếp theo sau này của Trung Quốc sẽ không đem lại chủ quyền cho Trung Quốc và chắc chắn rằng, kẻ gieo gió thì phải gặt bão. Trung Quốc đừng bao giờ coi thường ý chí và quyết tâm kiên định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của dân tộc Việt Nam! - PV.
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

TỄU - BLOG: Nhà biên khảo THÁI DOÃN HIỂU LÊN TIẾNG VỀ NK ĐẶNG ...

TỄU - BLOG: Nhà biên khảo THÁI DOÃN HIỂU LÊN TIẾNG VỀ NK ĐẶNG ...: TRẢ LỜI CÁC CƯ DÂN MẠNG CÓ THAM GIA “BÌNH LOẠN”  VỀ BÀI “NHỮNG PHÙ THỦY CỦA VĂN NÔ”  . Thái Doãn Hiểu   (Văn Nghệ và Cuộc sống) ... Phần nhận xét hiển thị trên trang