Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Chân vung tay quăng


Posted on 5xublog 
Tôi nghĩ việc hòa giải về cơ bản là việc của chính quyền, không phải việc của người dân.
Không thể bắt một gia đình ở Hà Nội có người thân chết vì bom B-52 phải thôi hận thù.
Không thể bắt một gia đình Việt Kiều có người thân chết trong Mậu Thân và còn bản thân họ sau năm 1975 thì vượt biên phải quay về hòa giải.
Với mỗi người dân, hòa giải là lựa chọn và cũng là tình cảm cá nhân của họ. Họ có thể hòa giải, có thể ôm mãi hận thù, ta khó mà có ý kiến.
Nhưng ở Việt Nam, chuyện cá nhân cũng phải được nhà nước cho phép. Nhiều năm trước đây, anh em ruột trong nhà lỡ ở hai chiến tuyến khác nhau, đã hòa giải trong yên lặng để nhà nước không biết. Nay nhà nước đã có chủ trương, ít nhất là ở đằng mồm.
Lễ 30/4 năm nay tôi (và có lẽ là nhiều người nữa) hơi chờ đợi một động tác có tính biểu tượng của chính quyền. Ví dụ như một phút tưởng niệm những người đã chết trong chiến tranh. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Hôm nay nhà nước kỷ niệm chiến thắng của họ, chứ không phải kỷ niệm ngày cuộc chiến tranh tàn khốc kết thúc trên đất nước này.
***
Một chị ở nông thôn, nghèo và thất học, không biết làm gì ngoài việc suốt ngày cạnh khóe hằn học những kẻ hơn mình ở trong làng. Thế rồi chị đi xuất khẩu lao động, qua Đài làm giúp việc, sau vài năm có chút tiền kha khá bèn trở về làng. Về nhà, có tiền, chị tự mãn, đi lại khắp làng, điệu bộ chân vung tay quăng rất hớn.
Những người ngô nghê, ấu trĩ, thô lậu chẳng may có được chiến công thế nào cũng huyênh hoang, đấm ngực tự khen mình giỏi hơn thiên hạ, coi bọn khác như cỏ rác, thái độ hung hăng với những ai khác mình.
Không phải ai sinh ra cũng là quý tộc. Cũng khó học đòi phong cách quý phái. Nhưng có những phẩm chất quý tộc có thể học được: điềm đạm và tôn trọng những người khác mình, nhất là những người thua mình trong một cuộc đấu.
Cùng là dân một nước với nhau mà vẫn sỉ nhục nhau kiểu kẻ trên ngựa người ngã ngựa, sao mà mong thế giới họ tôn trọng nước mình.
Sau bốn mươi năm, người ta vẫn huênh hoang đấm ngực với chiến thắng, vẫn vô tình hoặc cố ý hung hăng hạ nhục những người cùng dòng máu Lạc Hồng mà số phận đẩy vào bên thua thiệt.
Thế mới biết, có no cơm, có ấm cật, có tiền có bạc thì dễ, có sự điềm đạm và biết tôn trọng mình và những người khác mình thì khó khăn thế nào.
***
Bốn mươi năm là khoảng thời gian đủ dài để  chị nông dân đi bộ tới Sài Gòn.
Hôm nay trên đất Sài Gòn, chị đã chân vung tay quăng như trên đường làng mình vậy.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tôi cũng đánh tư sản


Nói thêm nhát nữa về chủ đề 30.4 rồi thôi, đơn giản bởi ngày mai tháng 5 rồi:

Thực ra, tôi cũng tham gia vào việc kìm hãm xã hội này, góp phần để nó vất vưởng đến tận bây giờ. Chả là hồi từ năm 1977 về sau, các giáo viên chúng tôi từ miền Bắc vào đã được huy động cho công cuộc long trời lở đất (xứ mình làm gì cũng long trời lở đất) đánh tư sản. Cứ theo miệng cán bộ, chúng tôi cũng hăng hái lên án kịch liệt bọn "tư sản mại bản ôm chân đế quốc Mỹ" Lý Long Thân, Mã Hỷ, Hoàng Kim Quy, Trương Dĩ Nhiên, Mã Tuyên..., tham gia phong trào đấu tố "bọn bóc lột, đầu cơ tích trữ, phá hoại kinh tế". Chúng tôi cả tin rằng lưới thép do nhà máy của Hoàng Kim Quy sản xuất chủ yếu để bọn đế quốc Mỹ sử dụng ngăn đạn B40, gạo xuất khẩu của Mã Hỷ là chiếm đoạt mồ hôi công sức nông dân đồng bằng sông Cửu Long, sắt thép do Lý Long Thân nhập về chủ yếu đúc súng đạn... Kết quả từ một nền kinh tế đang phát triển, hàng hóa phong phú, sự nghiệp cách mạng kinh tế đã thành công khi nhanh chóng đưa xã hội trở lại mức "mua cái đinh cũng phải giấy", miền Nam mau mắn hòa đồng với kinh tế nghèo nản, thủ công, bao cấp ở miền Bắc.
Gieo gì gặt nấy, chính chúng tôi cũng phải trệu trạo nhai hạt bo bo, củ sắn (mì) thay gạo suốt hơn chục năm trời.

Để một nền kinh tế xuống dốc thảm hại, trì trệ như vậy suốt mấy chục năm, lúc nào đó, các nhà cai trị phải công khai xin lỗi dân chúng về điều này, chứ không thể ù xọe đánh tráo khái niệm biến thành ca ngợi công cuộc đổi mới, đổ hết lỗi cho dân.
Nguyễn Thông
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Văn chương vô dụng


Lê Văn Như Ý
"Tôi yêu thơ bởi vì thơ vô dụng"
Nhưng sự vô dụng của thơ là cái hữu ích cho đời, cho những ai còn giữ một tâm hồn nguyên sơ.
Và phải chăng, tự thân nó, văn chương dưới mắt người đời chỉ là thứ tiểu nhược, mệnh mỏng. "Văn chương vô dụng" (Bashô).

Thực tế bản thân một bài thơ, một thiên truyện ngắn, hay một cuốn tiểu thuyết không đem lại cho người đọc một thứ lợi lộc vật chất trước mắt nào. Thậm chí nó còn giết chết thời gian vô ích.
Văn chương là tiếng nói yếu ớt. Và Nguyễn Du đã làm chúng ta kinh khiếp như những gì đã kinh khiếp trước ông:

"Văn chương tàn tích nhược như ti"

Và người làm chúng ta phải giựt mình là Trung niên thi sĩ Bùi Giáng khi phóng chiếu lại câu thơ thượng thừa của Nguyễn Du:

"Văn chương tiếng thở như lời tơ than"
Nói như Nguyễn Huy Thiệp "trong chữ có ma"!

Văn chương là tiếng nói yếu ớt. Văn chương mỏng manh như "tiếng thở", (nhược như ti - yếu mềm như tơ). Tiếng thở ngắn ngủi, nhẹ nhàng, nhưng nồng ấm và gần gũi làm sao. Tuy vô thường, nhưng có thở chúng ta mới sống được, làm sao có ai sống mà không thở. Sống là thở, như cuộc đời phải có văn chương. Thơ vô dụng, văn chương vô dụng. Nhưng đối với ai yêu nó thì đó là nguồn sống, là hơi thở uyên nguyên.

Có hay không có mối bận tâm của con người hôm nay đối với văn chương?
Y nhảy hoài nhưng chẳng bao giờ vượt qua được cái bóng của y!
Khi là tiếng vọng của Bashô ở xứ Phù Tang. Khi là tiếng vọng của Tuệ Trung đời Trần:

"Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu
Thùy thính cô viên đề xứ thâm"
(Nhân gian nhìn thấy ngàn non sáng
Ai lắng nghe ra tiếng vượn trầm)

Và cũng chỉ có Bùi Giáng mới phóng chiếu tài hoa như vậy thôi!
Văn chương là cái vớ vẩn, vô dụng giữa hội chợ phù hoa này. Vâng! Có rất nhiều người muốn thấy "ngàn non sáng" giữa cõi nhân gian. Nhưng ít có ai để tâm lắng nghe ra tiếng vượn trầm nơi núi thẳm thâm sâu.

Văn chương vô dụng, văn chương tàn tích nhược như ti. Hay cũng có thể nói, văn chương là tiếng vượn trầm giữa ngàn non sáng. Nào ai có hay?

Văn chương là thế giới của cái đẹp. Nó đầy ảo diệu. Mà cái đẹp thì vĩnh cữu. Suy cho cùng cuộc sống con người là vì cái đẹp. Đẹp là nguyên lý của sự sống." Cái đẹp cứu rỗi nhân loại" (Dostoievski).

Cái đẹp phát tiết từ vạn vật, văn chương phát tiết từ vạn vật.
Và văn chương mọc lên từ trái tim người. Đó là cõi người ta, đó là cái thế - giới - người nhất. Rong chơi trong thế giới đó, con người tìm lại được chính mình. "Văn học là nhân học", hẳn đó không chỉ là lời Gorki.

Quẳng gánh đi rồi hãy đến với văn chương. Nó sẽ chắp đôi cánh phượng hoàng vút cao chín tầng trời cho những ai đến với nó bằng tấm lòng và trái tim thuần khiết. "Đọc một tác phẩm hay như cưới thêm một người vợ", có người nói với tôi như vậy.

Con đường văn chương là con đường dấn thân (chữ của Sartre) - chứ không phải tiến thân. Nếu lợi dụng văn chương, thì văn chương đích thực nào đến và nở hoa trên trái tim người.
Đó cũng là sự dấn thân và đó là trái tim thuần khiết. Nơi để văn chương mọc lên.
Và đến với văn chương như đến với mối tình đầu, với nàng thơ còn trinh nguyên diễm tuyệt.

Một tác phẩm văn chương hay như cốc rượu mạnh đầy mê hoặc. Đọc và khám phá tác phẩm như ta thưởng thức cái cay nồng đầy dư vị của nó chứ không như dăm ba cốc nước lã kia, ai uống cũng được. Mà uống rượu thì phải tập, cũng như phải tập thưởng ngọan những trang tuyệt tác.

Và đối diện với tác phẩm như ta đối diện với hệ thống các biểu tượng mà ta cần phải khai mở và giải mã. Cũng như cuộc sống chúng ta tràn đầy các biểu tượng (Symbolique). Nhìn vào đó ta biết nó muốn nói điều gì, tượng trưng ý nghĩa gì.

Biểu tượng trong tác phẩm văn chương cũng vậy. Có thể đó là Lâu đài; Vụ án; Sấm; Linh Sơn hay chỉ có thể là dụ ngôn của Dos...

Và ta phải phơi bày, đem ra ánh sáng những gì tác giải còn để trong bóng tối. Điều này không có nghĩa là chúng ta vượt qua tác giả, mà chỉ đem ánh sáng những gì tác giả, đặc biệt là tác phẩm còn để trong bóng tối; người ta hẳn thường nói tư tưởng tác phẩm lớn hơn tư tưởng tác giải.
Đó là trường hợp của thiên tài và tác phẩm của họ.

Họ là các bi kịch gia vĩ đại Hy Lạp, là Goethe, Kafka, Dostoievski, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...Và tác phẩm của họ là những giọt mật, giọt rượu cay nồng đầy dư vị. Thưởng ngọan văn chương nghĩa là sống cùng những trang tuyệt tác.

Văn chương thì trước hết phải là văn chương. Nghĩa là phải hay, độc đáo, có tư tưởng. Tư tưởng như linh hồn thổi vào tác phẩm, tạo sức sống cho tác phẩm.
Con người hôm nay quá bận rộn với hội chợ phù hoa của mình. Có kẻ thì thấy được tầm quan trọng của văn chương nhưng không biết cái vớ vẩn của văn chương, cái vô dụng của văn chương.
Và, có mấy ai còn giữ được một tâm hồn và trái tim thuần khiết để văn chương mọc lên?

"Ấy chăng là cõi gọi nguồn
Tro tàn Hy Lạp mang buồn hôm nay".
(B.G)

Và văn chương: "ấy chăng là cõi gọi nguồn"!
Lê Văn Như Ý

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vốn vay từ Trung Quốc: Điều chúng ta không nên chấp nhận


(Tài chính) - Trung Quốc luôn đi tìm ảnh hưởng về mặt chính trị, kinh tế, quân sự ở Việt Nam, thành ra những nguồn viện trợ của Trung Quốc phải hết sức cẩn trọng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh như vậy khi bàn về nguồn vốn ODA Trung Quốc tài trợ cho Việt Nam.
PV: - Nhiều dự án lớn của Việt Nam đang thiệt đủ đường vì vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc, thậm chí có chuyên gia nói rằng Việt Nam đã 'sập bẫy'. Đơn cử như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông từng xảy ra sự cố mất an toàn nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản, chậm tiến độ, đội vốn... Hay dự án bô xít Tây Nguyên đang vấp phải nhiều nghi ngại càng làm càng thua lỗ nặng. Những điều này đã được lường tới khi Việt Nam nhận vốn của Trung Quốc hay chưa thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Việt Nam đang có nhu cầu vốn rất lớn nên dễ dàng chấp nhận nguồn vốn ODA. Nhưng trong quá khứ, nhiều dự án ODA Việt Nam đã không toan tính cẩn thận và cuối cùng, nguồn vốn đó không những không giúp gì nhiều cho vấn đề phát triển kinh tế Việt Nam mà còn có ảnh hưởng đến môi trường.
Do đó, nguồn vốn ODA cần phải suy xét ở nhiều khía cạnh:
Thứ nhất, phải có sự tính toán kỹ lưỡng xem những nguồn vốn đó giúp gì cho vấn đề phát triển kinh tế.
Thứ hai, nó ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của Việt Nam như thế nào.
Thứ ba, nguồn nhân lực tham gia vào dự án ODA phải được tính toán kỹ để giải quyết vấn đề lao động. Có những dự án ODA đòi hỏi phải có chuyên gia nước ngoài là điều cần thiết, tuy nhiên, một số dự án ODA của Trung Quốc đem lao động của họ qua, có lẽ là điều Việt Nam không nên chấp nhận.
Viện trợ ODA có thể mang lợi lại cho nước tiếp nhận nhưng đi kèm với nó là rất nhiều điều kiện. Ngay cả chính phủ Nhật khi tài trợ các dự án ODA cũng có điều kiện, chẳng hạn mua hàng của họ, sử dụng công nghệ của họ... Những điều kiện như thế cần suy xét chặt chẽ chứ không thể vì cần vốn mà dễ dàng chấp nhận.
Dự án bô xít Tây Nguyên do Trung Quốc làm tổng thầu EPC
Dự án bô xít Tây Nguyên do Trung Quốc làm tổng thầu EPC
PV: Bản chất ODA không phải là "tiền chùa" như nhiều người vẫn cố ý hiểu lầm mà là sự ràng buộc vay nợ đi kèm nhiều rủi ro. Đối với ODA Trung Quốc, ngoài những đặc điểm chung, nó còn có điểm gì khác biệt và liệu nó có tác động tiêu cực gì đến những nhận tài trợ?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Nói chung, nguồn tài trợ ODA không phải là nguồn tiền cho không mà luôn luôn đi kèm điều kiện đối với nước nhận tài trợ và có thể được giấu kín dưới hình thức nào đó.
Trường hợp của Trung Quốc, dĩ nhiên khi tài trợ một dự án bằng vốn ODA không bao giờ họ nói rõ hết ý đồ của họ. Nhưng Việt Nam phải hiểu rằng Trung Quốc là nước luôn đi tìm ảnh hưởng về mặt chính trị, kinh tế, quân sự ở Việt Nam, thành ra những nguồn viện trợ của Trung Quốc phải hết sức cẩn trọng.
Như trường hợp Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), nhiều nước đã lên tiếng cho rằng Trung Quốc khởi xướng thành lập ngân hàng này không phải chỉ phục vụ cho quyền lợi của thế giới mà họ có ý đồ muốn nắm quyền chủ động. Không ai biết khi Trung Quốc nắm quyền chủ động thì sẽ đưa một chương trình lớn như thế đi về đâu.
Cùng chiều hướng đó, vấn đề Việt Nam nhận tài trợ ODA của Trung Quốc phải làm rõ mục đích của họ là gì, họ đi tìm tầm ảnh hưởng nào. Không thể loại trừ ý đồ chính trị, thương mại, xã hội... của những quốc gia tài trợ các dự án ODA. ODA là nguồn tài trợ mang lại lợi ích cho nước nhận và nước cung cấp, thành ra đối với Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước khác, chúng ta phải chấp nhận ý đồ của họ nhưng phải làm sao có thể hài hoà nó với mục đích phát triển kinh tế của đất nước, không thể cứ thấy nguồn vốn ODA là nhào vào chấp nhận.
Thường thì các chương trình ODA không kèm theo điều kiện phải sử dụng công nhân của nước họ, có chăng là đòi hỏi phải sử dụng một số trang thiết bị nhập khẩu từ quốc  gia của họ, các chuyên gia... Nhưng bắt buộc phải sử dụng lao động của nước cung cấp ODA thì tôi thấy đây là trường hợp đặc biệt của Trung Quốc.
Theo Đất Việt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nếu Mỹ, Nhật không làm gì, Trung Quốc sẽ xưng hùng xưng bá ở Biển Đông



(GDVN) - "Chúng tôi phải cho Trung Quốc thấy, họ không phải chủ sở hữu của Biển Đông"
Máy bay tuần tra Hoa Kỳ đặt tại Nhật Bản đã và đang tuần tra bầu trời Biển Đông. Ảnh: Bloomberg.
Reuters ngày 29/4 đưa tin, các nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản đang xem xét khả năng tham gia tuần tra chung với Hoa Kỳ trên Biển Đông nhằm phản ứng lại trước các hành động theo thang gay gắt của Trung Quốc để khẳng định yêu sách lãnh thổ hàng hải (bất hợp pháp), nguồn tin giấu tên người Nhật gần gũi với các cuộc đàm phán cho biết.
Cho đến nay các cuộc thảo luận vẫn diễn ra trong nội bộ lãnh đạo quân đội Nhật Bản, nhưng bất kỳ sự triển khai nào để bắt đầu tuần tra sẽ cần sự chấp thuận của chính quyền dân sự. Tuần tra trong khu vực Trung Quốc thúc đẩy yêu sách (bành trướng) lãnh thổ bao gồm cả hoạt động xây dựng cải tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) có nguy cơ làm mất lòng Bắc Kinh.
Nhưng các quan chức quốc phòng Nhật Bản lo rằng nếu họ không làm gì sẽ chỉ khiến Trung Quốc nhanh chóng áp đặt quyền lực của mình ở Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch trọng yếu của các tàu bè Nhật Bản. "Chúng tôi phải cho Trung Quốc thấy, họ không phải chủ sở hữu của Biển Đông", nguồn tin Nhật Bản nói với Reuters.
Trong khi đó một nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, để bắt đầu tuần tra bầu trời Biển Đông, Tokyo có thể yêu cầu Philippines cho phép Nhật Bản truy cập các căn cứ không quân phục vụ mục đích cứu trợ thiên tai và các hoạt động liên kết huấn luyện khác. Điều này sẽ giúp máy bay Nhật Bản có thể tuần tra dài hơi hơn ở Biển Đông.
Ảnh chụp vệ tinh tháng 11/2014 đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp ở đá Tư Nghĩa, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: CSIS.
Hiện tại Philippines chưa có quy chế nào cho việc này, nhưng Tổng thống Benigno Aquino III sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tháng Sáu tới, chắc chắn các vấn đề về Biển Đông sẽ được đặt lên bàn thảo luận. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói với các phóng viên sau hội đàm với ông Shinzo Abe hôm Thứ Ba rằng, hai nước chia sẻ mối quan ngại về các hoạt động xây dựng cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng theo ông Obama, Mỹ và Nhật đã thống nhất cam kết đảm bảo tự do hàng hải, duy trì luật pháp quốc tế. Hướng dẫn hợp tác quốc phòng mới Mỹ - Nhật sẽ giúp lực lượng vũ trang 2 nước linh hoạt hơn và Nhật Bản có thể đảm nhiệm vai trò, trách nhiệm lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trước đó vào tháng Giêng, Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ đã nói với Reuters, Mỹ chào đón Nhật Bản tuần tra chung ở Biển Đông. Bình luận của Thomas đã được chào đón bởi một số quan chức quốc phòng Nhật Bản. Nó giúp phá vỡ rào cản tâm lý bởi lâu nay thảo luận công khai các hoạt động cụ thể ở Biển Đông vẫn là một điều nhạy cảm, cấm kỵ. 
Hồng Thủy

Kiểu nào cũng nhứt


Tiểu phẩm của Tư Bờ Lau

Mấy rày Ba Khía buồn suốt từ tóc tới gót chân, buồn đặc tới mức vẽ ra được dạng hình, hít vào sặc thở ra ho. Bên xóm họ ăn mừng tưng bừng đón nhận bằng chứng nhận vườn có con mương dài nhứt, tiếng đờn ca ong óng vọng qua làm Ba Khía thêm tan nát. Kỷ lục duy nhất mà gia đình Ba Khía nhận cũng đã hai năm, vừa rồi danh hiệu nhà đông con nhứt xóm cũng bị người bên sông lấy mất, khi đứa trẻ thứ mười ba của họ ra đời.

Mà, nhà không có chứng nhận kỷ lục gì thì sao có thể ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ. Cổ nhân cũng dạy, làm người trong trời đất phải có kỷ lục gì với núi sông. Đến chùa là chốn vô vi cũng đua nhau tượng phật lớn nhứt, cột chùa chạm nhiều hình rồng nhứt, mái chùa cong nhứt, chỗ tụng niệm mát nhứt.
Người ta sinh ra có bàn chân bảy ngón, hay mọc đuôi  thì nhẹ lo, kiểu nào cũng được biên vô sách kỷ lục có nhiều ngón nhứt hay đuôi dài nhứt. Nhà Ba Khía không được trời thương, tụi nhỏ ra đời chân tay vừa đủ, muốn kiếm được ngôi số một vợ Khía phải phấn đấu bằng sạch trứng, vậy mà giữ danh hiệu chỉ được một năm.

Bằng chứng nhận bị tháo bỏ rồi, vách nhà trống nổi gai ốc. Ba Khía nghĩ đủ đường, lập đủ kế. Con Hai Mén thấy tía rầu rĩ quá cũng thương, nói thôi để tui lấy bừa một ông già Đài Loan què hết ba chân, biết đâu được công nhận hiếu thảo nhứt xóm. Rõ ràng là hy sinh thân gái để gởi tiền cho tía má, chớ mong gì hổn hển với ông già hút gió hong kêu. Nhưng mới trù tính thì gái trong xóm rủ nhau đi lấy chồng ngoại làm con hiếu thảo cả bầy. Thua me gỡ bài cào, Ba Khía bắt con Đèo nuôi tóc, với hy vọng chừng mười năm thì tóc dài phết đất, đi nhận cái bằng kỷ lục gia treo trong nhà cho đỡ lạnh. Nhưng một bữa con nhỏ bị đánh ghen, vợ thằng bồ xởn rụi mái tóc sắp chấm gót. Những người đứng coi vụ ẩu đả chồng mày chồng tao một phen hú vía khi chí trên tóc Đèo bay vèo vèo như vãi gạo. Mà tụi chí thì cứ gặp đâu xâu đó, làm nên một cuộc lây lan cục bộ, dầu gội trị chí chợ xã cháy hàng.

Ba Khía tự hỏi kiếp trước mình ăn ở sao mà giờ ông trời chơi ác. Kế hoạch lập kỷ lục kiếm mảnh bằng làm thuốc cứ gặp trắc trở khó đỡ. Biểu thằng Út Mười không được tắm để lấy danh hiệu ở dơ thì nó suốt ngày ở ngoài mưa. Cho con Út Chót hai tuổi rưỡi đi thi hát “Thiên tài Việt” mong lấy kỷ lục ca sỹ nhỏ tuổi nhất thì phát hiện ra nó quá già so với đám trẻ tham gia. Có đứa còn chưa biết nói, lủm củm bò ra và ca “ngóe ngoe ngoeeeeeee”. Thằng cha Em Xi giới thiệu đó là bài hát “Nước mắt cho tình đầu”, thiệt vô lý hết sức. Ba Khía uất vợ không thể đẻ thêm để bồng đứa nhỏ ba tháng tuổi đi thi, chắc mẻm về nhứt.

Nhưng có va vấp trên đấu trường kỷ lục gia, mới biết trời cao đất rộng. Vợ Khía nghĩ chị đã là người chịu đòn chồng giỏi chẳng thua ai, đâu hay xóm dưới có bà vợ giỏi hơn, bị ông xã xiên đũa than nóng qua lòng tay mà tuyệt không than thở gì. Ba Khía cũng tưởng anh sẽ giật giải người uống rượu mạnh nhứt huyện, lúc ra đấu với Năm Lít chỉ biết tay trắng ra về. Đối thủ, chỉ với cái tên thôi nói hết trình độ rồi, Ba Khía chừng hai lít tám đế Gò Đen đã nằm dài ra ngáy.

Cả nhà trông vô thằng Còi với tài lặn lâu, mà suốt cả chục năm mò cua bắt ốc nó đã có bề dày kinh nghiệm. Màn biểu diễn vừa rồi thất bại, chỉ vì đối thủ của nó xỉn quá nằm dưới đáy sông đến năm giờ đồng hồ mới trồi lên. Ba Khía vác đơn đi kiện nhưng tòa bảo Trung tâm kỷ lục xóm Ó đâu có viết câu “lặn lâu, với điều kiện vẫn còn sống”, vậy nên họ không sai khi trao bằng chứng nhận cho thằng cha ngỏm củ từ. Đành phải đợi người ta sửa quy chế, nhưng trong cái quãng thời gian dằng dặc đó biết đâu lại có những kiện tướng lặn mới xuất hiện, trong cái thế giới lủ khủ dân bắt ốc mò cua.

Mỗi ngày Ba Khía mỗi già, khát vọng về nhứt vẫn đậm đặc nồng nặc, ti vi vẫn không thôi phát những tin kỷ lục vừa mới bị phá, xã có dây đu qua sông dài nhứt, huyện có nhiều chợ xây để bỏ hoang nhứt, tỉnh có nhà hát dột nhứt, trường có nhiều trò học lớp năm mà hong biết chữ nhứt. Những kỷ lục xướng lên như mũi kim đâm vào trái tim hom hem của Ba Khía.

Và ý tưởng táo bạo đã được nảy ra trong khổ đau.

“Phải làm sân đậu trực thăng. Má tụi nhỏ nhắm coi, xóm mình mai kia không chèo xuồng nữa, đi chợ bằng trực thăng hết, mà chung quanh nhà họ chỉ có ao mương sình bùn, sân đâu mà đậu. Mình được miếng đất rộng, đủ đậu chục chiếc trực thăng. Sẵn đó, sắp nhỏ sẽ làm dịch vụ cho mấy chiếc trực thăng, như bán dây buộc, dán kiếng cho đỡ trầy, rửa trực thăng, bơm vá bánh lăn”. Ba Khía bàn với vợ, trong một bữa căng cao su hứng nước dột từ trên mái lá xuống bàn thờ. Vợ lấy tay áo vá chằng đụp lau mồ hôi, hổn hển hỏi biết lấy tiền đâu. Thì vay, mượn, Ba Khía nói chắc nịch, lấy lại vốn mấy hồi. Chắc chắn sẽ lấy được danh hiệu “sân đậu trực thăng đầu tiên và rộng nhứt xóm”.

Miệng nói tay làm luôn, Ba Khía phát hoang đám lúa đang trổ đòng đòng quanh nhà, trong lúc vợ đi vay nóng vay lạnh nợ ngắn nợ dài. Ai đi qua cũng nghĩ Ba Khía bồi đất lên sân chắc để trồng đậu trồng cà. “Giỡn hoài, sân đậu trực thăng đó cha nội”, Ba Khía cố nén lòng để khỏi nói ra.

Sợ hàng xóm cạnh tranh, nhưng không khỏi. Khi cái sân tráng xi măng chừng phân nửa thì phải bỏ ngang vì hết tiền, mà miếng vàng bịt răng cuối cùng cũng đã cạy bán. Mấy đứa nhỏ lỡ miệng, lộ chuyện Ba Khía làm sân đậu trực thăng, bên xóm bắt đầu rục rịch làm y cái sân của anh. Nhưng họ lấp luôn đám ruộng, nói về rộng thì bãi đậu của Ba Khía không có cửa so đo.

Trong tuyệt vọng, nhìn mấy nhỏ lùa bò ra ăn cỏ ở sân đáp trực thăng xây nham nhở, Ba Khía hình dung cái ngày tận của mình chắc lạnh vô biên độ, vì về đất mà không có chứng nhận kỷ lục nào cặp nách đem theo. Một buổi trưa trời mưa lưa thưa, Ba Khía bất ngờ nhận được giấy mời đi nhận kỷ lục Thiếu nợ nhiều nhất xóm.

Thiệt là trong rủi có may. Biết rằng danh hiệu này khó giữ được lâu, nhưng vui được chút nào hay chút ấy, đâu phải ai cũng may phước có cái kỷ lục cất trong nhà. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lan man về hòa giải tháng 4


Anh Lê Anh Vũ và chị Hoàng Thanh Hà. Ảnh: HM
Anh Lê Anh Vũ và chị Hoàng Thanh Hà. Ảnh: HM
Nhớ ngày 30-4-1975, sáng sớm tôi đang ngủ vùi trong ký túc xá sinh viên Żwirki i Wigury
ở Warsaw, bỗng bạn bè Ba Lan và các nước kéo đến đập cửa ầm ầm, hòa bình cho Việt Nam rồi. Chúng tôi ôm nhau trong nước mắt. Trong niềm vui vô bờ đó, không một ai nghĩ rằng phải hòa giải sau chiến tranh và tới 4 thập kỷ vẫn chưa xong.

Kể từ ngày ấy, một đứa trẻ sinh ra, nay đã ở tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc – tuổi 40 hiểu mọi sự lý trong thiên hạ”, phân biệt được phải trái, hiểu được ai là người tốt hay xấu, biết việc nên làm hay không.
Kỷ niệm 30-4 năm nay có ý nghĩa đặc biệt, đâu đó lại nói về hòa giải. Hòa giải chi mà dài dằng dặc, 40 năm vẫn còn tiếp tục, dường như đất nước này chưa đến tuổi “tứ thập”.
Mấy tháng trước, nhà tôi tiếp anh Lê Vũ, phu quân của chị Hoàng Thanh Hà cũng là người du học cùng anh Nguyễn Thái Bình. Anh kể vui, 7 tuổi theo cha mẹ di cư vào Nam. Năm 1975, cộng sản đuổi chí chết, chạy tuốt chạy sang Mỹ. Hai người cưới nhau một tuần trước 30-4, di tản 2 ngày trước khi xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lâp.
Tôi đùa, nếu cộng sản xây dựng thành công CNXH tại Hoa Kỳ, anh định chạy đi đâu. Anh cười, chỉ còn cách chào đón và hòa nhập. Chả lẽ sang châu Nam Cực.
Anh trai của anh Vũ là tướng Lê Nguyên Khang từng chỉ huy QLVNCH và Lê Anh Tuấn đã tử thủ khi Sài Gòn sụp đổ. Ông tự sát và có phố mang tên ông trong Eden Center, trung tâm buôn bán của người Việt ở Virginia. Ba của chị Thanh Hà là nghị sỹ quốc hội Sài Gòn.
Cả hai gia đình ra khỏi Việt Nam với hai bàn tay trắng. Anh chị thỉnh thoảng về thăm phố cũ, nhà xưa, nay đã có người khác ở. Không phải vì thế mà anh chị thù hận với những gì đã xảy ra.
Khi embargo (1994) được bỏ, anh chị thường xuyên về Việt Nam, giúp đỡ bà con thân thuộc bằng khả năng của mình.
Từng là giám đốc bưu điện SG, rất thạo về CNTT, anh Lê Vũ từng giúp Tổng cục Bưu Điện (TCBĐ – Bộ 4T bây giờ) về những xu hướng công nghệ mới, gặp Thứ trưởng Mai Liêm Trực bàn về chính sách mở cửa internet.
Cổng internet đầu tiên 24/7 mở với thế giới của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng do anh Lê Vũ chỉ đạo tôi lắp đặt.  Chúng tôi mất rất nhiều công sức làm việc với anh Lê Nam Thắng ở bên VTI để kết nối qua nhiều cổng tại nhiều quốc gia trước khi đến Hoa Kỳ.
Sau này WB có dự án đào tạo từ xa, mạng toàn cầu chia sẻ tri thức (GDLN), anh Lê Vũ tác động lên ban lãnh đạo WB giúp hàng triệu đô la cho Trung tâm Thông tin tại Hà Nội và Sài Gòn. Anh vài lần gặp gỡ với ông Nguyễn Thiện Nhân khi đó còn là PCT UBND Tp HCMC để bàn về những xu hướng công nghệ IT trong tương lai, nhất là GDLN.
Anh chị và bà con tại Washington DC. Ảnh: HM
Anh chị và bà con tại Washington DC. Ảnh: HM
Hồi đó (1998), anh Triệu bên TCBĐ nhờ anh Vũ giúp cho cô gái rượu sang Mỹ du học từ lớp 11 trước khi vào đại học. Với tư cách công dân Mỹ, anh chị bảo lãnh, dù chẳng quen thân gia đình anh Triệu. Anh bảo, trông cháu gái thông minh, nhanh nhẹn, thế nào cũng nên người.
Hồi mới sang, chân ướt chân ráo, anh chị lo cho cháu cả năm trời. Khi cháu vào đại học mới thôi. Sang DC công tác, tôi cũng gặp cháu vài lần. Sau này anh Triệu mất do bạo bệnh, cháu đi phương trời nào cũng không rõ.
Tôi sang Mỹ cũng do anh Vũ giúp, từ đường đi nước bước. Thời gian 11 năm công tác bên Mỹ có đôi chút thành đạt xứ người là do anh thân tình chỉ bảo. Có lần tôi định về VN, anh cười, thời toàn cầu hóa rồi, cứ đi xa sẽ học được nhiều.
Anh tâm sự, khi chưa làm được việc lớn, hãy làm những việc nhỏ trước. Kêu gọi hòa giải nhưng chẳng chìa tay thì hòa giải nỗi gì. Tôi rất thích tính thực tế của anh.
Hỏi anh, khi nào đất nước mình hòa giải xong. Câu hỏi khó nhỉ. Cũng tùy người, tùy việc cụ thể.
Đối với người này coi như đã xong. Nhưng với người kia, từng chịu bom đạn mất mát trong chiến tranh, từng bị giam cầm, tra tấn ở nhà tù Côn Đảo, từng lên thuyền ra biển tìm bến bờ tự do… ở cả hai phía, thì có lẽ phải đợi họ ra đi. Vết hằn của cuộc chiến không dễ ai quên. Hòa giải rất khó với thế hệ này.
Điều anh Lê Vũ băn khoăn, thế hệ thứ 2, thứ 3 sống ở nước ngoài, nếu không còn nhớ về cội nguồn, thì sau đó mọi sự hòa giải sẽ thất bại. Thế hệ sau có tri thức toàn cầu, có trình độ và tầm nhìn sẽ giúp đất nước nếu họ còn cảm thấy mảnh đất này còn gắn bó. Nếu họ coi Việt Nam là một đất nước nào đó xa xôi như Senagal, Algeria hay Đông Timor như bất kỳ đứa trẻ nào bên Mỹ thì chẳng có lý do để các cháu quay về nơi cha mẹ, ông bà, từng sinh ra và lớn lên.
Thấy nhà này hay đưa các cháu về hè tại Việt Nam, anh chị vui lắm. Anh bảo, đó là cầu nối tương lai, dù không hề đơn giản khi bay qua nửa bán cầu về thăm bà ốm trước khi mất, bởi phải sắp xếp từ chuyện học hành của các cháu, đến công việc của bố mẹ và kể cả kinh tế cũng khá nặng bởi giá vé đâu có rẻ.
Nhớ chuyên vui về họa sỹ Picasso và bức tranh “Hòa giải” có con chim trong bể nước và con cá trong lồng. Có người hỏi tại sao ngược đời như thế, ông bảo, trong sự hòa giải, tất cả đều có thể xảy ra.
Dinh Độc Lập. Ảnh: HM
Dinh Độc Lập. Ảnh: HM
Khi bàn về 30-4, nếu ai chưa hiểu hòa giải ra sao, hãy bắt đầu như anh Lê Vũ đã làm. Hãy thử suy ngẫm như Picasso cho chim chui vào chậu cá cảnh và cá bay nhảy trong lồng chim, xem có chết đuối hay bị ngạt hay không.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng giảng ở World Bank rằng, hôm qua không thể thay đổi, ngày mai chưa biết thế nào, hãy sống thật tốt đẹp cho ngày hôm nay.
Không làm được điều đơn giản đó, thì dù ở tuổi 40 hay cao hơn, cũng chỉ là đứa trẻ lơ mơ về “Tứ thập nhi bất hoặc”, không biết việc gì cần làm, lúng túng tới mức không phân biệt nổi phải trái, ai là thù, ai là bạn, mà người xưa từng nói đến từ mấy ngàn năm trước
HM. Một ngày tháng 4-2015.
PS. Đang chuẩn bị post bài này thấy Thủ tướng đang phát biểu “Mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi… không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc… tất cả vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh…”
Phần nhận xét hiển thị trên trang