Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Vốn vay từ Trung Quốc: Điều chúng ta không nên chấp nhận


(Tài chính) - Trung Quốc luôn đi tìm ảnh hưởng về mặt chính trị, kinh tế, quân sự ở Việt Nam, thành ra những nguồn viện trợ của Trung Quốc phải hết sức cẩn trọng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh như vậy khi bàn về nguồn vốn ODA Trung Quốc tài trợ cho Việt Nam.
PV: - Nhiều dự án lớn của Việt Nam đang thiệt đủ đường vì vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc, thậm chí có chuyên gia nói rằng Việt Nam đã 'sập bẫy'. Đơn cử như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông từng xảy ra sự cố mất an toàn nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản, chậm tiến độ, đội vốn... Hay dự án bô xít Tây Nguyên đang vấp phải nhiều nghi ngại càng làm càng thua lỗ nặng. Những điều này đã được lường tới khi Việt Nam nhận vốn của Trung Quốc hay chưa thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Việt Nam đang có nhu cầu vốn rất lớn nên dễ dàng chấp nhận nguồn vốn ODA. Nhưng trong quá khứ, nhiều dự án ODA Việt Nam đã không toan tính cẩn thận và cuối cùng, nguồn vốn đó không những không giúp gì nhiều cho vấn đề phát triển kinh tế Việt Nam mà còn có ảnh hưởng đến môi trường.
Do đó, nguồn vốn ODA cần phải suy xét ở nhiều khía cạnh:
Thứ nhất, phải có sự tính toán kỹ lưỡng xem những nguồn vốn đó giúp gì cho vấn đề phát triển kinh tế.
Thứ hai, nó ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của Việt Nam như thế nào.
Thứ ba, nguồn nhân lực tham gia vào dự án ODA phải được tính toán kỹ để giải quyết vấn đề lao động. Có những dự án ODA đòi hỏi phải có chuyên gia nước ngoài là điều cần thiết, tuy nhiên, một số dự án ODA của Trung Quốc đem lao động của họ qua, có lẽ là điều Việt Nam không nên chấp nhận.
Viện trợ ODA có thể mang lợi lại cho nước tiếp nhận nhưng đi kèm với nó là rất nhiều điều kiện. Ngay cả chính phủ Nhật khi tài trợ các dự án ODA cũng có điều kiện, chẳng hạn mua hàng của họ, sử dụng công nghệ của họ... Những điều kiện như thế cần suy xét chặt chẽ chứ không thể vì cần vốn mà dễ dàng chấp nhận.
Dự án bô xít Tây Nguyên do Trung Quốc làm tổng thầu EPC
Dự án bô xít Tây Nguyên do Trung Quốc làm tổng thầu EPC
PV: Bản chất ODA không phải là "tiền chùa" như nhiều người vẫn cố ý hiểu lầm mà là sự ràng buộc vay nợ đi kèm nhiều rủi ro. Đối với ODA Trung Quốc, ngoài những đặc điểm chung, nó còn có điểm gì khác biệt và liệu nó có tác động tiêu cực gì đến những nhận tài trợ?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Nói chung, nguồn tài trợ ODA không phải là nguồn tiền cho không mà luôn luôn đi kèm điều kiện đối với nước nhận tài trợ và có thể được giấu kín dưới hình thức nào đó.
Trường hợp của Trung Quốc, dĩ nhiên khi tài trợ một dự án bằng vốn ODA không bao giờ họ nói rõ hết ý đồ của họ. Nhưng Việt Nam phải hiểu rằng Trung Quốc là nước luôn đi tìm ảnh hưởng về mặt chính trị, kinh tế, quân sự ở Việt Nam, thành ra những nguồn viện trợ của Trung Quốc phải hết sức cẩn trọng.
Như trường hợp Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), nhiều nước đã lên tiếng cho rằng Trung Quốc khởi xướng thành lập ngân hàng này không phải chỉ phục vụ cho quyền lợi của thế giới mà họ có ý đồ muốn nắm quyền chủ động. Không ai biết khi Trung Quốc nắm quyền chủ động thì sẽ đưa một chương trình lớn như thế đi về đâu.
Cùng chiều hướng đó, vấn đề Việt Nam nhận tài trợ ODA của Trung Quốc phải làm rõ mục đích của họ là gì, họ đi tìm tầm ảnh hưởng nào. Không thể loại trừ ý đồ chính trị, thương mại, xã hội... của những quốc gia tài trợ các dự án ODA. ODA là nguồn tài trợ mang lại lợi ích cho nước nhận và nước cung cấp, thành ra đối với Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước khác, chúng ta phải chấp nhận ý đồ của họ nhưng phải làm sao có thể hài hoà nó với mục đích phát triển kinh tế của đất nước, không thể cứ thấy nguồn vốn ODA là nhào vào chấp nhận.
Thường thì các chương trình ODA không kèm theo điều kiện phải sử dụng công nhân của nước họ, có chăng là đòi hỏi phải sử dụng một số trang thiết bị nhập khẩu từ quốc  gia của họ, các chuyên gia... Nhưng bắt buộc phải sử dụng lao động của nước cung cấp ODA thì tôi thấy đây là trường hợp đặc biệt của Trung Quốc.
Theo Đất Việt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nếu Mỹ, Nhật không làm gì, Trung Quốc sẽ xưng hùng xưng bá ở Biển Đông



(GDVN) - "Chúng tôi phải cho Trung Quốc thấy, họ không phải chủ sở hữu của Biển Đông"
Máy bay tuần tra Hoa Kỳ đặt tại Nhật Bản đã và đang tuần tra bầu trời Biển Đông. Ảnh: Bloomberg.
Reuters ngày 29/4 đưa tin, các nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản đang xem xét khả năng tham gia tuần tra chung với Hoa Kỳ trên Biển Đông nhằm phản ứng lại trước các hành động theo thang gay gắt của Trung Quốc để khẳng định yêu sách lãnh thổ hàng hải (bất hợp pháp), nguồn tin giấu tên người Nhật gần gũi với các cuộc đàm phán cho biết.
Cho đến nay các cuộc thảo luận vẫn diễn ra trong nội bộ lãnh đạo quân đội Nhật Bản, nhưng bất kỳ sự triển khai nào để bắt đầu tuần tra sẽ cần sự chấp thuận của chính quyền dân sự. Tuần tra trong khu vực Trung Quốc thúc đẩy yêu sách (bành trướng) lãnh thổ bao gồm cả hoạt động xây dựng cải tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) có nguy cơ làm mất lòng Bắc Kinh.
Nhưng các quan chức quốc phòng Nhật Bản lo rằng nếu họ không làm gì sẽ chỉ khiến Trung Quốc nhanh chóng áp đặt quyền lực của mình ở Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch trọng yếu của các tàu bè Nhật Bản. "Chúng tôi phải cho Trung Quốc thấy, họ không phải chủ sở hữu của Biển Đông", nguồn tin Nhật Bản nói với Reuters.
Trong khi đó một nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, để bắt đầu tuần tra bầu trời Biển Đông, Tokyo có thể yêu cầu Philippines cho phép Nhật Bản truy cập các căn cứ không quân phục vụ mục đích cứu trợ thiên tai và các hoạt động liên kết huấn luyện khác. Điều này sẽ giúp máy bay Nhật Bản có thể tuần tra dài hơi hơn ở Biển Đông.
Ảnh chụp vệ tinh tháng 11/2014 đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp ở đá Tư Nghĩa, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: CSIS.
Hiện tại Philippines chưa có quy chế nào cho việc này, nhưng Tổng thống Benigno Aquino III sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tháng Sáu tới, chắc chắn các vấn đề về Biển Đông sẽ được đặt lên bàn thảo luận. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói với các phóng viên sau hội đàm với ông Shinzo Abe hôm Thứ Ba rằng, hai nước chia sẻ mối quan ngại về các hoạt động xây dựng cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng theo ông Obama, Mỹ và Nhật đã thống nhất cam kết đảm bảo tự do hàng hải, duy trì luật pháp quốc tế. Hướng dẫn hợp tác quốc phòng mới Mỹ - Nhật sẽ giúp lực lượng vũ trang 2 nước linh hoạt hơn và Nhật Bản có thể đảm nhiệm vai trò, trách nhiệm lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trước đó vào tháng Giêng, Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ đã nói với Reuters, Mỹ chào đón Nhật Bản tuần tra chung ở Biển Đông. Bình luận của Thomas đã được chào đón bởi một số quan chức quốc phòng Nhật Bản. Nó giúp phá vỡ rào cản tâm lý bởi lâu nay thảo luận công khai các hoạt động cụ thể ở Biển Đông vẫn là một điều nhạy cảm, cấm kỵ. 
Hồng Thủy

Kiểu nào cũng nhứt


Tiểu phẩm của Tư Bờ Lau

Mấy rày Ba Khía buồn suốt từ tóc tới gót chân, buồn đặc tới mức vẽ ra được dạng hình, hít vào sặc thở ra ho. Bên xóm họ ăn mừng tưng bừng đón nhận bằng chứng nhận vườn có con mương dài nhứt, tiếng đờn ca ong óng vọng qua làm Ba Khía thêm tan nát. Kỷ lục duy nhất mà gia đình Ba Khía nhận cũng đã hai năm, vừa rồi danh hiệu nhà đông con nhứt xóm cũng bị người bên sông lấy mất, khi đứa trẻ thứ mười ba của họ ra đời.

Mà, nhà không có chứng nhận kỷ lục gì thì sao có thể ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ. Cổ nhân cũng dạy, làm người trong trời đất phải có kỷ lục gì với núi sông. Đến chùa là chốn vô vi cũng đua nhau tượng phật lớn nhứt, cột chùa chạm nhiều hình rồng nhứt, mái chùa cong nhứt, chỗ tụng niệm mát nhứt.
Người ta sinh ra có bàn chân bảy ngón, hay mọc đuôi  thì nhẹ lo, kiểu nào cũng được biên vô sách kỷ lục có nhiều ngón nhứt hay đuôi dài nhứt. Nhà Ba Khía không được trời thương, tụi nhỏ ra đời chân tay vừa đủ, muốn kiếm được ngôi số một vợ Khía phải phấn đấu bằng sạch trứng, vậy mà giữ danh hiệu chỉ được một năm.

Bằng chứng nhận bị tháo bỏ rồi, vách nhà trống nổi gai ốc. Ba Khía nghĩ đủ đường, lập đủ kế. Con Hai Mén thấy tía rầu rĩ quá cũng thương, nói thôi để tui lấy bừa một ông già Đài Loan què hết ba chân, biết đâu được công nhận hiếu thảo nhứt xóm. Rõ ràng là hy sinh thân gái để gởi tiền cho tía má, chớ mong gì hổn hển với ông già hút gió hong kêu. Nhưng mới trù tính thì gái trong xóm rủ nhau đi lấy chồng ngoại làm con hiếu thảo cả bầy. Thua me gỡ bài cào, Ba Khía bắt con Đèo nuôi tóc, với hy vọng chừng mười năm thì tóc dài phết đất, đi nhận cái bằng kỷ lục gia treo trong nhà cho đỡ lạnh. Nhưng một bữa con nhỏ bị đánh ghen, vợ thằng bồ xởn rụi mái tóc sắp chấm gót. Những người đứng coi vụ ẩu đả chồng mày chồng tao một phen hú vía khi chí trên tóc Đèo bay vèo vèo như vãi gạo. Mà tụi chí thì cứ gặp đâu xâu đó, làm nên một cuộc lây lan cục bộ, dầu gội trị chí chợ xã cháy hàng.

Ba Khía tự hỏi kiếp trước mình ăn ở sao mà giờ ông trời chơi ác. Kế hoạch lập kỷ lục kiếm mảnh bằng làm thuốc cứ gặp trắc trở khó đỡ. Biểu thằng Út Mười không được tắm để lấy danh hiệu ở dơ thì nó suốt ngày ở ngoài mưa. Cho con Út Chót hai tuổi rưỡi đi thi hát “Thiên tài Việt” mong lấy kỷ lục ca sỹ nhỏ tuổi nhất thì phát hiện ra nó quá già so với đám trẻ tham gia. Có đứa còn chưa biết nói, lủm củm bò ra và ca “ngóe ngoe ngoeeeeeee”. Thằng cha Em Xi giới thiệu đó là bài hát “Nước mắt cho tình đầu”, thiệt vô lý hết sức. Ba Khía uất vợ không thể đẻ thêm để bồng đứa nhỏ ba tháng tuổi đi thi, chắc mẻm về nhứt.

Nhưng có va vấp trên đấu trường kỷ lục gia, mới biết trời cao đất rộng. Vợ Khía nghĩ chị đã là người chịu đòn chồng giỏi chẳng thua ai, đâu hay xóm dưới có bà vợ giỏi hơn, bị ông xã xiên đũa than nóng qua lòng tay mà tuyệt không than thở gì. Ba Khía cũng tưởng anh sẽ giật giải người uống rượu mạnh nhứt huyện, lúc ra đấu với Năm Lít chỉ biết tay trắng ra về. Đối thủ, chỉ với cái tên thôi nói hết trình độ rồi, Ba Khía chừng hai lít tám đế Gò Đen đã nằm dài ra ngáy.

Cả nhà trông vô thằng Còi với tài lặn lâu, mà suốt cả chục năm mò cua bắt ốc nó đã có bề dày kinh nghiệm. Màn biểu diễn vừa rồi thất bại, chỉ vì đối thủ của nó xỉn quá nằm dưới đáy sông đến năm giờ đồng hồ mới trồi lên. Ba Khía vác đơn đi kiện nhưng tòa bảo Trung tâm kỷ lục xóm Ó đâu có viết câu “lặn lâu, với điều kiện vẫn còn sống”, vậy nên họ không sai khi trao bằng chứng nhận cho thằng cha ngỏm củ từ. Đành phải đợi người ta sửa quy chế, nhưng trong cái quãng thời gian dằng dặc đó biết đâu lại có những kiện tướng lặn mới xuất hiện, trong cái thế giới lủ khủ dân bắt ốc mò cua.

Mỗi ngày Ba Khía mỗi già, khát vọng về nhứt vẫn đậm đặc nồng nặc, ti vi vẫn không thôi phát những tin kỷ lục vừa mới bị phá, xã có dây đu qua sông dài nhứt, huyện có nhiều chợ xây để bỏ hoang nhứt, tỉnh có nhà hát dột nhứt, trường có nhiều trò học lớp năm mà hong biết chữ nhứt. Những kỷ lục xướng lên như mũi kim đâm vào trái tim hom hem của Ba Khía.

Và ý tưởng táo bạo đã được nảy ra trong khổ đau.

“Phải làm sân đậu trực thăng. Má tụi nhỏ nhắm coi, xóm mình mai kia không chèo xuồng nữa, đi chợ bằng trực thăng hết, mà chung quanh nhà họ chỉ có ao mương sình bùn, sân đâu mà đậu. Mình được miếng đất rộng, đủ đậu chục chiếc trực thăng. Sẵn đó, sắp nhỏ sẽ làm dịch vụ cho mấy chiếc trực thăng, như bán dây buộc, dán kiếng cho đỡ trầy, rửa trực thăng, bơm vá bánh lăn”. Ba Khía bàn với vợ, trong một bữa căng cao su hứng nước dột từ trên mái lá xuống bàn thờ. Vợ lấy tay áo vá chằng đụp lau mồ hôi, hổn hển hỏi biết lấy tiền đâu. Thì vay, mượn, Ba Khía nói chắc nịch, lấy lại vốn mấy hồi. Chắc chắn sẽ lấy được danh hiệu “sân đậu trực thăng đầu tiên và rộng nhứt xóm”.

Miệng nói tay làm luôn, Ba Khía phát hoang đám lúa đang trổ đòng đòng quanh nhà, trong lúc vợ đi vay nóng vay lạnh nợ ngắn nợ dài. Ai đi qua cũng nghĩ Ba Khía bồi đất lên sân chắc để trồng đậu trồng cà. “Giỡn hoài, sân đậu trực thăng đó cha nội”, Ba Khía cố nén lòng để khỏi nói ra.

Sợ hàng xóm cạnh tranh, nhưng không khỏi. Khi cái sân tráng xi măng chừng phân nửa thì phải bỏ ngang vì hết tiền, mà miếng vàng bịt răng cuối cùng cũng đã cạy bán. Mấy đứa nhỏ lỡ miệng, lộ chuyện Ba Khía làm sân đậu trực thăng, bên xóm bắt đầu rục rịch làm y cái sân của anh. Nhưng họ lấp luôn đám ruộng, nói về rộng thì bãi đậu của Ba Khía không có cửa so đo.

Trong tuyệt vọng, nhìn mấy nhỏ lùa bò ra ăn cỏ ở sân đáp trực thăng xây nham nhở, Ba Khía hình dung cái ngày tận của mình chắc lạnh vô biên độ, vì về đất mà không có chứng nhận kỷ lục nào cặp nách đem theo. Một buổi trưa trời mưa lưa thưa, Ba Khía bất ngờ nhận được giấy mời đi nhận kỷ lục Thiếu nợ nhiều nhất xóm.

Thiệt là trong rủi có may. Biết rằng danh hiệu này khó giữ được lâu, nhưng vui được chút nào hay chút ấy, đâu phải ai cũng may phước có cái kỷ lục cất trong nhà. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lan man về hòa giải tháng 4


Anh Lê Anh Vũ và chị Hoàng Thanh Hà. Ảnh: HM
Anh Lê Anh Vũ và chị Hoàng Thanh Hà. Ảnh: HM
Nhớ ngày 30-4-1975, sáng sớm tôi đang ngủ vùi trong ký túc xá sinh viên Żwirki i Wigury
ở Warsaw, bỗng bạn bè Ba Lan và các nước kéo đến đập cửa ầm ầm, hòa bình cho Việt Nam rồi. Chúng tôi ôm nhau trong nước mắt. Trong niềm vui vô bờ đó, không một ai nghĩ rằng phải hòa giải sau chiến tranh và tới 4 thập kỷ vẫn chưa xong.

Kể từ ngày ấy, một đứa trẻ sinh ra, nay đã ở tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc – tuổi 40 hiểu mọi sự lý trong thiên hạ”, phân biệt được phải trái, hiểu được ai là người tốt hay xấu, biết việc nên làm hay không.
Kỷ niệm 30-4 năm nay có ý nghĩa đặc biệt, đâu đó lại nói về hòa giải. Hòa giải chi mà dài dằng dặc, 40 năm vẫn còn tiếp tục, dường như đất nước này chưa đến tuổi “tứ thập”.
Mấy tháng trước, nhà tôi tiếp anh Lê Vũ, phu quân của chị Hoàng Thanh Hà cũng là người du học cùng anh Nguyễn Thái Bình. Anh kể vui, 7 tuổi theo cha mẹ di cư vào Nam. Năm 1975, cộng sản đuổi chí chết, chạy tuốt chạy sang Mỹ. Hai người cưới nhau một tuần trước 30-4, di tản 2 ngày trước khi xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lâp.
Tôi đùa, nếu cộng sản xây dựng thành công CNXH tại Hoa Kỳ, anh định chạy đi đâu. Anh cười, chỉ còn cách chào đón và hòa nhập. Chả lẽ sang châu Nam Cực.
Anh trai của anh Vũ là tướng Lê Nguyên Khang từng chỉ huy QLVNCH và Lê Anh Tuấn đã tử thủ khi Sài Gòn sụp đổ. Ông tự sát và có phố mang tên ông trong Eden Center, trung tâm buôn bán của người Việt ở Virginia. Ba của chị Thanh Hà là nghị sỹ quốc hội Sài Gòn.
Cả hai gia đình ra khỏi Việt Nam với hai bàn tay trắng. Anh chị thỉnh thoảng về thăm phố cũ, nhà xưa, nay đã có người khác ở. Không phải vì thế mà anh chị thù hận với những gì đã xảy ra.
Khi embargo (1994) được bỏ, anh chị thường xuyên về Việt Nam, giúp đỡ bà con thân thuộc bằng khả năng của mình.
Từng là giám đốc bưu điện SG, rất thạo về CNTT, anh Lê Vũ từng giúp Tổng cục Bưu Điện (TCBĐ – Bộ 4T bây giờ) về những xu hướng công nghệ mới, gặp Thứ trưởng Mai Liêm Trực bàn về chính sách mở cửa internet.
Cổng internet đầu tiên 24/7 mở với thế giới của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng do anh Lê Vũ chỉ đạo tôi lắp đặt.  Chúng tôi mất rất nhiều công sức làm việc với anh Lê Nam Thắng ở bên VTI để kết nối qua nhiều cổng tại nhiều quốc gia trước khi đến Hoa Kỳ.
Sau này WB có dự án đào tạo từ xa, mạng toàn cầu chia sẻ tri thức (GDLN), anh Lê Vũ tác động lên ban lãnh đạo WB giúp hàng triệu đô la cho Trung tâm Thông tin tại Hà Nội và Sài Gòn. Anh vài lần gặp gỡ với ông Nguyễn Thiện Nhân khi đó còn là PCT UBND Tp HCMC để bàn về những xu hướng công nghệ IT trong tương lai, nhất là GDLN.
Anh chị và bà con tại Washington DC. Ảnh: HM
Anh chị và bà con tại Washington DC. Ảnh: HM
Hồi đó (1998), anh Triệu bên TCBĐ nhờ anh Vũ giúp cho cô gái rượu sang Mỹ du học từ lớp 11 trước khi vào đại học. Với tư cách công dân Mỹ, anh chị bảo lãnh, dù chẳng quen thân gia đình anh Triệu. Anh bảo, trông cháu gái thông minh, nhanh nhẹn, thế nào cũng nên người.
Hồi mới sang, chân ướt chân ráo, anh chị lo cho cháu cả năm trời. Khi cháu vào đại học mới thôi. Sang DC công tác, tôi cũng gặp cháu vài lần. Sau này anh Triệu mất do bạo bệnh, cháu đi phương trời nào cũng không rõ.
Tôi sang Mỹ cũng do anh Vũ giúp, từ đường đi nước bước. Thời gian 11 năm công tác bên Mỹ có đôi chút thành đạt xứ người là do anh thân tình chỉ bảo. Có lần tôi định về VN, anh cười, thời toàn cầu hóa rồi, cứ đi xa sẽ học được nhiều.
Anh tâm sự, khi chưa làm được việc lớn, hãy làm những việc nhỏ trước. Kêu gọi hòa giải nhưng chẳng chìa tay thì hòa giải nỗi gì. Tôi rất thích tính thực tế của anh.
Hỏi anh, khi nào đất nước mình hòa giải xong. Câu hỏi khó nhỉ. Cũng tùy người, tùy việc cụ thể.
Đối với người này coi như đã xong. Nhưng với người kia, từng chịu bom đạn mất mát trong chiến tranh, từng bị giam cầm, tra tấn ở nhà tù Côn Đảo, từng lên thuyền ra biển tìm bến bờ tự do… ở cả hai phía, thì có lẽ phải đợi họ ra đi. Vết hằn của cuộc chiến không dễ ai quên. Hòa giải rất khó với thế hệ này.
Điều anh Lê Vũ băn khoăn, thế hệ thứ 2, thứ 3 sống ở nước ngoài, nếu không còn nhớ về cội nguồn, thì sau đó mọi sự hòa giải sẽ thất bại. Thế hệ sau có tri thức toàn cầu, có trình độ và tầm nhìn sẽ giúp đất nước nếu họ còn cảm thấy mảnh đất này còn gắn bó. Nếu họ coi Việt Nam là một đất nước nào đó xa xôi như Senagal, Algeria hay Đông Timor như bất kỳ đứa trẻ nào bên Mỹ thì chẳng có lý do để các cháu quay về nơi cha mẹ, ông bà, từng sinh ra và lớn lên.
Thấy nhà này hay đưa các cháu về hè tại Việt Nam, anh chị vui lắm. Anh bảo, đó là cầu nối tương lai, dù không hề đơn giản khi bay qua nửa bán cầu về thăm bà ốm trước khi mất, bởi phải sắp xếp từ chuyện học hành của các cháu, đến công việc của bố mẹ và kể cả kinh tế cũng khá nặng bởi giá vé đâu có rẻ.
Nhớ chuyên vui về họa sỹ Picasso và bức tranh “Hòa giải” có con chim trong bể nước và con cá trong lồng. Có người hỏi tại sao ngược đời như thế, ông bảo, trong sự hòa giải, tất cả đều có thể xảy ra.
Dinh Độc Lập. Ảnh: HM
Dinh Độc Lập. Ảnh: HM
Khi bàn về 30-4, nếu ai chưa hiểu hòa giải ra sao, hãy bắt đầu như anh Lê Vũ đã làm. Hãy thử suy ngẫm như Picasso cho chim chui vào chậu cá cảnh và cá bay nhảy trong lồng chim, xem có chết đuối hay bị ngạt hay không.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng giảng ở World Bank rằng, hôm qua không thể thay đổi, ngày mai chưa biết thế nào, hãy sống thật tốt đẹp cho ngày hôm nay.
Không làm được điều đơn giản đó, thì dù ở tuổi 40 hay cao hơn, cũng chỉ là đứa trẻ lơ mơ về “Tứ thập nhi bất hoặc”, không biết việc gì cần làm, lúng túng tới mức không phân biệt nổi phải trái, ai là thù, ai là bạn, mà người xưa từng nói đến từ mấy ngàn năm trước
HM. Một ngày tháng 4-2015.
PS. Đang chuẩn bị post bài này thấy Thủ tướng đang phát biểu “Mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi… không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc… tất cả vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh…”
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sân nổ


..Khi mang Sân trong bụng, má luôn nhăn nhó – “ui da”.
- Thằng quỷ, đạp hoài đau muốn chết.
Tò mò, xoa xoa bụng má, cái bụng tròn ủn quặn qua quặn lại quặn tới quặn lui, ôi! nó thọt, nó đá, nó giựt chỏ, nó lên gối – đủ kiểu.
Má nói: “Chưa thấy thằng nào cà giựt như thằng nầy, Ba mầy đâu dây mơ rễ má gì với tụi khỉ”. Lãng, tại sao Má không nghĩ tại do mình?
Biết sắp chui ra hố sâu tâm tối nó khoái chí tưng tưng suốt làm Má không ngủ được, nó quậy đến nỗi ngày sinh, Má không còn hơi sức, è ạch mãi không xong, người ta phải dùng cái máy hút cập đầu lôi ra.
“Cho mầy hết làm trời”, Lem lầm bầm xót xa, chóp đầu của nó dài thoòng loòng lạ lùng, nhìn ớn óc. Cái sọ khỉ đau lắm sao? nó mệt mỏi nhắm mắt chẳng buồn đòi hỏi gì, mặt vàng khè nhăn nheo héo hắt,tình hình thê lương vậy nhưng Má tỉnh bơ ăn uống ào ào, bà nầy quá là lạnh lùng sương gió, chắc đẻ nhiều nên cảm giác chai sạn, Lem lo lắng bực bội mặc dù Bác sĩ bảo không sao.

Sân ngủ li bì mặc kệ thế gian đầy gian trá đau khổ Nhiễu loạn đang xuất hiện trước mặt. Còn Má sau khi no nê nghỉ ngơi đã đời mới móc bình sữa muôn thuở của mình ra nhét vào miệng Sân cho nó tập sự…bú, vất vả thật lâu cái miệng nhỏ xíu của nó mới mở ra đủ để chấp nhận bình sữa bự chành bành kia, khều khều đôi môi bé tí xinh xắn cho nó nhớ nhiệm vụ sinh tồn, nhắm tịt mắt nó uể oải nút nhè nhẹ, đẻ nhiều vậy mà Má vẫn còn sữa hoài vậy ta, hay thiệt.

Vài ngày sau bỗng nhiên Sân động đậy nhiều hơn, đầu tiên là nó cười hoài dù đang ngủ, chiêm bao có gì hay ho mà nó vui quá vậy? Đợi đó, cười được thì cười cho đã đi, mai mốt khi biết được sự thật ê chề lúc đó khóc cũng chưa muộn. Cái nghèo đôi khi đối với chính nhân quân tử là chuyện nhỏ nhưng đối với kẻ tiểu nhân phàm phu tục tử như Lem là chuyện lớn, suy bụng ta ra bụng người, Lem nghĩ Sân giống nó, sẽ dằn dặt đau khổ khi biết được hoàn cảnh hạn hẹp ọp ẹp của nhà mình.

Nhà Lem có 3 đứa con gái đầu, một đứa là chị ả lớn tối ngày xí xọn điệu đà thướt tha ẽo ợt, đứa kế chị Ba bận rộn học hành, cứ chúi mũi vào sách vở tối ngày, chỉ có Lem làm biếng học, làm biếng đủ thứ nên rảnh rang, thế là đương nhiên có trách nhiệm chăm con cho 2 “vợ chồng ấy”, bực mình vì số phận hẩm hiu Lem hay càm ràm – đẻ cho cố bắt người ta bồng chai mông. Người ngợm Lem lúc đó bóc mùi nước đái nồng nàn, hông của nó nổi sải lục cục, mặt mày nhăn nhó tóc tai bù xù – làm sao bây giờ? Thời thế bắt buộc, nó muốn thơm tho tươi tắn đủng đỉnh nhí nha nhí nhảnh ra ngoài cua trai lắm nhưng nào được, ngậm đắng nuốt cay đút cháo em ăn, muốn cải số thì cũng phải đợi Má làm dứt điểm cái chuyện đẻ rồi mới tính. Chăm em mà Lem cứ quạu quọ thở dài, cả nhà thông cảm nên mặc kệ mỗi khi nó nổi khùng quát tháo đá dép đạp bàn, âm thầm ban cho Lem một chút quyền hành thị uy để đánh bóng tự ái và sĩ diện. Nhờ vậy Lem đủ uy tín mà lên mặt dạy dỗ, trấn áp bầy đực rựa hỗn loạn mất trật tự trong nhà.

Sân dễ dàng lớn lên trong nghèo khó, cái gì đút vô miệng nó cũng nhai được, măn ngọt chua cay không hề gì, dễ nuôi nên nó mạnh sông sổng bất chấp không gian thời gian, có điều nó từng tứng tưng quá khiến Lem khờ người.

Ở trong nhà Sân tưởng mình là con khỉ trong rừng, cái nhà rách nầy có gì hay ho mà làm nó thích thú, suốt ngày hí hửng nhảy nhót, nó đu đeo phá phách mọi lúc mọi nơi, đang ngông nghênh trên bàn lại nhảy xuống giường thoắt lại vắt vẻo trên khung cửa sổ, quay qua quay lại thấy nó đu cột ở mái hiên, có khi nó lủng lẳng trên nóc nhà rồi mất biến – thì ra đang ngủ li bì dưới sàn giường, nhờ trời phù hộ nên không sao, nó vẫn còn nguyên vẹn đến giờ phút sau cùng.
Nhà Lem lúc ấy tơi tả, lủng lỗ nầy rách chổ kia sập chổ nọ, Sân càng lớn lên độ tan hoang càng khó chấp vá, cũng may lớn hơn một chút nó dừng lại kịp thời nếu không chắc cả nhà ở nhà như ở bãi rác.

Sân náo động lăng xăng nhắng nhít nhưng cái miệng mím khít rịt, cạy cũng không thèm “tâm sự”, ngôn ngữ của nó là la hét khóc lóc đòi hỏi. Má giao thằng em nầy cho Lem thật là một thử thách, lực bất tòng tâm ghét của nào trời trao của đó nhưng chị em có kiếp nầy không có kiếp sau, Lem chỉ có cách nghiên cứu kế sách đối phó. Sau nhiều lần thử nghiệm rốt cuộc cũng tìm ra điểm yếu nhất của nó mà đánh vào.

Khi nổi điên chịu hết nổi Lem phát vào mông nó mấy cái nẩy lữa, mặc dù nhìn khí sắc chị mình lên cơn bà chằn cũng thấy ghê nhưng Sân đâu phải dạng vừa, nó khóc lóc giãy nảy rùm trời, nó hét lớn đến nỗi rung rinh nóc nhà buộc lòng Lem phải nỉ non ngọt ngào dụ dỗ, tìm mọi cách cho nó yên nếu không muốn hàng xóm sang mắng nhiếc cằn nhằn và từ đó những câu chuyện cổ tích có một không hay ra đời. Khi thấy ánh mắt ngây thơ của Sân nhìn Lem chăm bẫm say sưa, miệng nó há ra nhễu nhão thì Lem biết mình đã tìm ra chân lý.

Cái kho truyện tự chế của Lem như dây cà dây muống nối tiếp tào lao bí đau, mặc dù đầu đuôi lộn xộn, nhân vật biến hóa lãng ồ lãng nhách lắm khi ba trừng bốn trợn nhưng Sân vẫn chăm chú dỏng tai nghe và hao tốn bao nhiêu là nước miếng. Sáng tạo nầy đem lại kết quả vô cùng mĩ mãn, Lem vô cùng tự hào là mình đã có cách nắm bắt được con khỉ vô vàn vô kỉ luật vô vàn mất trật tự nầy.

Má đặt nó tên Sân đúng theo danh sách kế hoạch… hóa đề ra, cũng may thằng Si lòi ra rồi chấm hết, nếu nhà chùa thêm từ nào nữa thì gia đình Lem phải đùm túm nhau lên rừng hái lá đắp đỗi qua ngày hoặc cạp đất ăn, chứ ở thị thành tấc đất là tấc vàng có đâu mà cạp.

Sân không giỏi làm ăn như Ái, không khí khái như Ố không điềm đạm như Tham, nhưng cái miệng nó khi mím lại thì thôi,lúc hở ra thì toàn mìn và lựu đạn, nổ banh nhà lồng, nói thật như bịa và nói bịa như thật. Sân nói với một thần thái rất là thần thánh không thể không chấp nhận. Sân tâm niệm từ nhỏ đến suốt đời là – Cái miệng của nó sẽ làm nên tiền đồ cho nó.

“Ít nói và xạo ke có gì hay”? Lem hay mắng mỏ Sân như vậy sau một thời gian cố chỉnh đốn em theo đường hay nẻo phải thất bại, ngược lại còn bị nó chỉnh đốn lại mới tức. Lem cho Sân là làm chuyện“trái đạo lý” thì Sân chỉ trích Lem chuyên môn làm chuyện khiến cho mình bị“bí”. Càng lớn nó càng giống Lem cái khoản sáng tạo. Nghe Lem vẽ vời những câu chuyện trời ơi đất hỡi nên bị lây nhiễm, chỉ khác là Lem sáng tác chuyện trên trời còn Sân thì sáng tác chuyện dưới đất. Thế mới chết thiên hạ!

Càng lớn Sân có vẻ ngoài đĩnh đạc giống y hệt một hiền nhân trí tuệ, phong thái của nó toát ra làm tràn trề xung quanh một thứ tri thức khác lạ, nó làm người ta dè chừng khi tiếp xúc, nể nang pha tí tò mò, miệng lưỡi nó làm người ta mất phương hướng giữa đúng và sai giữa xạo và thật, cũng có khi làm người ta hoang mang khi tin vào nó còn hơn tin vào chính mình. Vào lớp học Sân là một thủ lĩnh đáng gờm dù nó không là lớp trưởng, sau nầy ra đời nó là một nhà giáo giảo hoạt có có uy còn hơn hiệu trưởng, mục đích lớn nhất của sân là kiếm tiền mục đích lớn nhì là kiếm danh, mục đích lớn ba là mục đích lớn nhất là lớn nhì cộng lại và mục đích cuối cùng là tìm một người vợ có thể bổ sung cho nó mục đích lớn nhất và mục đích lớn nhì.

Với Lem Sân là đứa em có hoài bão và lý tưởng rõ nét nhất, nó tập hợp nhiều đức tính quý báu của loài người và xem kẻ trong đó là những đức tính “quỷ báu” cũng của loài người. “Bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích”, cái cách mà ông bà thường nói với hàm ý xấu nhưng đó là tiêu chí sống của Sân, nó nói nếu như không bất chấp thì có tu 10 kiếp cũng cóc có kết quả như ý, thủ đoạn gọi là xấu hay tốt tùy theo cách nhìn của mỗi người,và thủ đoạn đó mình không làm thì thằng ma khác nó cũng làm. Với Sân không có quan niệm “hại người” chỉ là “loại bỏ”, sự khác nhau giữa thắng và thua là dám và không dám. Chỉ cần liều lĩnh và bất chấp mới thành đại sự. Theo cách sống kỹ thuật cao của Sân tự Lem rút ra kết luận - Nhát và an phận như Lem thì kiếp kiếp sau sau nữa cũng không làm trò trống gì cho ra hồn.

Càng lớn Sân càng chứng minh hùng hồn quan điểm sống của mình – Thế giới nầy có 3 thứ người
- Thứ người gọi là sống – thành công viên mãn, đó là cái áo khoác lộng lẫy che dấu cái mọi thứ hỗn tạp đen trắng thơm thúi bên trong.
- Thứ người gọi là chết – thất bại ê chề, sống mà như chết, bị những người sống “loại bỏ” vì bất tài vô dụng, ngu mà còn bon chen, chỉ có đôi tay để che mặt dấu đi sự những nỗi sầu nhân thế.
- Thứ người gọi là sống dật dờ - đông nhất – sao cũng được với triết lý biết đủ là đủ. Với Sân đây là thứ người chán nhất. Dán trên mình 2 chữ đạo đức để bao che những thứ vô vị nào là: lười biếng ngu si an phận nhát gan ngốc ngếch khờ khạo…
Và hình như Lem là tập hợp hết những đặc điểm của thứ người loại 3 nầy.
Nghe đến đây Lem lên cơn tam bành nhảy lên quát :
- Cho mầy biết, thứ người nầy cũng du côn man rợ lắm nhe mậy. Cho chết cho hết láo.
Lem đánh bốp bốp mấy cái vào đầu Sân. Cũng may là Sân không bị chấn thương sọ não, nhờ Lem sức yếu mà Sân còn tỉnh táo tiếp tục thực hiện “tiền đồ bạc đồ” của nó đến nơi đến chốn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Thượng phương bảo kiếm' dễ thành 'thượng phương bảo...kê'


Minh quân thì đã không có kẻ dám nịnh. Chỉ vua tối (hôn quân) mới có đám nịnh thần bên mình thì thượng phương hay sớ tấu của những người ngay cũng khó làm gì nổi. Đó là bi kịch của quốc gia, muôn đời đều đúng.
Vua Trần Minh Tông với thầy giáo Chu Văn An ra làm việc nước và giao phó việc giáo dục quốc gia cũng như ngôi báu của triều đại mình không phải do đỗ đạt cao trong trong các cuộc thi của triều đình mà chủ yếu do danh tiếng của thầy. Thầy Chu Văn An cũng là người đứng đầu Văn Miếu Quốc Tử Giám mà KHÔNG có danh vị tiến sĩ, một phẩm cấp do triều đình ban. Đó cũng là một nét đặc biệt của nhà Trần trong việc dùng người ở thời thịnh trị.
Ở tòa Đại Bái trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám có một bức tranh phi đại tự khắc 4 chữ Hán "Vạn thế sư biểu". Đó là vinh danh của người trung hoa dành cho Khổng Tử, nhà tư tưởng triết học cũng là người thiết kế cho nền thiết chế chính trị có ảnh hưởng sâu sắc đến thiết chế hình trị có ảnh hưởng sâu sắc đến đế chế Trung Hoa qua các thời và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều quốc gia ở Đông Á và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều quốc gia ở Đông Á, trong đó có Việt Nam ta.
Không phải tự nhiên mà triều đại nhà Lý ngay sau khi định đô ở Thăng Long đã kế thừa và phát triển tới một đỉnh cao mới - nền văn hiến của dân tộc ta đã sớm dựng miếu thờ Khổng Tử tại trung tâm kinh thành và gắn liền với Quốc Tử Giám  nơi đào tạo hiền tài cho quốc gia... Và trong lịch sử nền văn hiến Việt Nam, Khổng Tử cũng như nền văn minh Trung Hoa có một vị trí bền vững trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam truyền thống. Nhưng trong nền văn hiến ấy, nền quốc học của dân tộc ngày càng định hình và trở thành nền tảng sức mạnh dân tộc với sự hình thành các hệ thống giá trị và sự đóng góp của các gương mặt trí thức lớn của dân tộc qua các triều đại trong lịch sử... Một trong những gương mặt nổi bật gắn liền với Văn Miếu - Quốc Tử Giám là thầy giáo Chu Văn An thời Trần.
Chu Văn An, thầy giáo, cáo quan, thất trảm sớ, Dương Trung Quốc
Tượng thầy giáo Chu Văn An tại trường tiểu học Chu Văn An, TP Vĩnh Long. 
Chu Văn An là một người thầy hẳn không đỗ đạt cao. Tiểu sử của Chu Văn An cũng không thấy nói đến việc thi cử hay học vị của thầy. Trong tiểu sử chỉ thấy nói đến thầy từng là thái học sinh (được theo học ở Quốc Tử Giám ) rồi mở trường ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch ở kinh thành Thăng Long. Người xưa có nếp hành sử "tiến vi quan, thoái vi sư " có nghĩa là học hành đỗ đạt thì ra làm quan, coi đó là một cách cống hiến cho đời và vinh danh gia tộc; nếu không đỗ đạt thì trở về với nghề dạy học, đào tạo các lớp học trò nuôi chí làm quan và cũng bổ sung cho nguồn thầy của nền giáo dục nặng tính dân gian nhưng luôn hướng tới nền thi cử của quốc gia.
Thầy Chu Văn An sinh năm 1292 mất năm 1370, không phải vào thời thịnh trị của nhà Trần, một triều đại đã để lại những thành tựu vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với ba lần tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông trong một thời đại từ lần đầu đến lần cuối cách nhau ba thập kỷ (1258 - 1288).
Nói cách khác, Chu An (tên thực) ra đời tại làng quê ven kinh thành Thăng Long, làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm nay là Thanh Trì, Hà Nội, vào thời điểm dư âm của những năm tháng chiến tranh hào hùng mới dứt có 4 năm, vị nguyên thủ quốc gia, cũng là người anh hùng dân tộc của hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông, Trần Nhân Tông, vẫn còn tại vị. Một năm sau (1293), ngài mới nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để lên Yên Tử lập dòng Thiền Trúc Lâm và viên tịch khi thầy Chu Văn An đã 16 tuổi (1308).
Những cái mốc thời gian nay cho thấy tuổi thơ của Chu Văn An vẫn được sống trong cái thời thịnh trị của triều đại nhà Trần mà hình tượng tiêu biểu nhất và có ảnh hưởng nhất cả trong triều và ngoài dân gian là Phật Hoàng - Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông. Nhưng phải chăng, tựa như đã thành một quy luật, sau những chiến thắng huy hoàng của các cuộc chiến tranh vệ quốc, chính sự quốc gia luôn đứng trước những thử thách diễn ra ngay trong lòng những "người thắng cuộc".
Người kế vị Trần Nhân Tông là Trần Anh Tông lên ngôi khi mới 17 tuổi nhưng còn được vua cha, ở cương vị Thái Thượng Hoàng, tuy đã xuất gia những vẫn để mắt tới công việc triều chính của vua con. Và chính vị vua vẫn còn thừa hưởng hào khí "Đông A" của thời chiến tranh vệ quốc vẫn giữ được chính trực, cận dân để hàn gắn vết thương chiến tranh và vẫn trọng dụng trong triều những nhân vật được coi là hiền tài như Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Như Hài.
Trần Anh Tông cũng được trải nghiệm thời đại hào hùng của vua cha nên tâm hồn thi sĩ của ông còn hướng tới những bài vịnh sử hay bàn về đạo Thiền...Và chính nhà vua đã chọn thầy giáo Chu Văn An vào kinh làm Quốc Tử Giám tư nghiệp, nói nôm na là vị hiệu trưởng của nơi đào tạo nguồn nhân lực quan trọng của quốc gia, lại trực tiếp trông coi việc học hành của thái tử Trần Vượng sau này lên ngôi có tên thụy là Hiến Tông.
Cho đến nay, chính sử viết về Chu Văn An như sau: "An (người Thanh Đàm) tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tính tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì thấy mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử Giám Tư nghiệp, dạy thái tử học "(Đại Việt ký sự toàn thư).
Điều đó cho thấy, lý do vua Trần Minh Tông với thầy Chu Văn An ra làm việc nước và giao phó việc giáo dục quốc gia cũng như tương lai ngôi báu của triều đại mình không phải là do đỗ đạt cao trong các cuộc thi của triều đình mà chủ yếu do danh tiếng của thầy. Chu Văn An cũng là người đứng đầu Văn Miếu -  Quốc Tử Giám  mà không có vị tiến sĩ, một phẩm cấp do triều đình ban. Đó là cũng là một nét đặc biệt của nhà Trần trong việc dùng người ở thời thịnh trị.
Vua Trần Anh Tông tai vị 21 năm (1293- 1314) thì noi gương  của cha, lại trao quyền cho con trai Trần Hiền Tông để làm Thượng hoàng nhưng không xuất gia mà chỉ còn vương vấn đôi chút với đạo thiền qua vài áng văn sáng tác. Cái phai nhạt đối với đạo Phật cũng song hành với sự bành trướng của Nho học, nguồn lực để củng cố địa vị thống trị của các triều đại phong kiến. Nhưng với triều Trần thì nó cũng báo hiệu cho một sự suy thoái chỉ diễn ra sau đó không lâu, ngay dưới hai triều đại của hai người con của Trần Anh Tông. Đó cũng là thời kỳ mà thầy giáo Chu Văn An thể hiện được những phẩm chất và tạo nên vị thế lich sử của mình.
Trần Hiến Tông sinh năm 1319, lên ngôi năm 1329 tức là mới lên 10, ở ngôi được trong một giáp 12 năm thì băng hà (1341). Điều đó cho thấy, thầy Chu Văn An ngoài thời gian chăm lo việc học khi nhà vua còn là thái tử hẳn vẫn còn ảnh hưởng và qua lại với học trò của mình khi đã ngôi yên trên ngai vàng(!?). Đương nhiên, dưới triều Hiến Tông ảnh hưởng của Thái thượng hoàng Trần Minh Tông là rất lớn. Do vậy mà trong sử chép đây vẫn là một thời kỳ ổn định của nhà Trần. Và có một đặc điểm là suốt 12 năm cầm quyền, Hiến Tông không mở một cuộc thi nào và năm Đinh Sửu (1337) xuống chiếu ra lệnh cho các quan trong triều hay ngoài các lộ xem xét cân nhắc những người nào siêng năng cẩn thận thì giữ lại còn thì truất bỏ các quan chức không làm được việc.
Cái chết của vị vua thứ 6 của triều đại nhà Trần, buộc Thượng hoàng Trần Minh Tông  phải chọn người con thứ 10 của mình tức là là em của Hiến Tông tên là Trần Hạo lên ngôi vua ( thụy là Trần Dụ Tông). Vị vua thứ 7 nay tại vị được những 28 năm (1341 - 1369) đã từng được sử sách ngợi ca là "tinh thông, học vấn, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục, chính sự tốt đẹp". Đó là đoạn chép gắn liền với giai đoạn đầu cầm quyền của Dụ Tông mang niên hiệu "Thiệu Phong" (1341 -1357), đó cũng là thời mà thượng Hoàng Minh Tông còn sống.
Năm 1357, Thượng hoàng Trần Minh Tông băng hà. Đó cũng là thời điểm Dụ Tông toàn quyền, đổi niên hiệu là "Đại Trị" (1358-1369). Nhưng tiếc thay, đó cũng là thời điểm không  chỉ triều đại của Dụ Tông mà cả triều đại của nhà Trần bước vào thời suy thoái dẫn đến suy vong. Trái ngược hoàn toàn với thới "Thiệu Phong" tất cả các sử sách đều viết "Từ năm đại trị về sau (vua) chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy vong từ đó".
Trong sử sách và trong dân gian ghi chép nhiều điều khác thường ở ông vua nay. Là vua, một mặt vẫn giữ được chất vương giả dân dã lập vườn trồng rau, ban thuốc và phát chẩn cho dân nghèo, tổ chức cuộc thi các trò tạp kỹ v.v...nhưng cũng sa đà vào những thói xấu chốn cung đình xây đắp cung phủ, mở sòng bạc trong cung, ăn chơi sa đọa, ham mê tửu sắc v.v...
Có một chi tiết mà trong sử sách hay dân gian đều nhắc tới như một lời răn lịch sử là sự cảnh giác với những mưu mô từ phương Bắc tới. Với Dụ Tông, câu chuyện liên quan đến việc vua bị ngã xuống Hồ Tây nhân lúc cùng các vương phi cung nữ thưởng nguyệt vào đêm trung thu năm kỷ mão (1339). Vua chết đuối nhưng được một thầy Tàu tên Trâu Canh dùng thuật châm cứu chạy chữa.Vua được cứu sống, nhưng bị một di chứng là liệt dương. Rồi viên thầy thuốc phương Bắc lại dâng một phương thuốc kỳ quặc để chữa bệnh liệt dương là giết trẻ con lấy mật, thông dâm với chị hay em gái ruột sẽ khỏi. Dụ Tông vẫn mù quáng làm theo. Sử chép vì khỏi bệnh mà Trâu Canh càng được vua tin dùng, thăng thưởng rất cao... Vì thế triều đại của Dụ Tông ngày càng mê lạc, đến mức vua đi chơi đêm bị cướp cả ấn báu với gươm báu...
Vì thế mà Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: "Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước. An (Chu Văn An) khuyên can (Dụ Tông) không nghe lời, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng vua nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê".
Thật ra Chu Văn An về Chí Linh, nơi non thiêng mà ông chọn làm nơi vừa ẩn dật với thế sự lại vừa mở trường chiêu tập những lớp người mà ông hy vọng cho tương lai. Vì thế mà trên núi Phượng Hoàng của vùng linh địa Chí Linh năm xua thầy Chu Văn An mở trường và tá túc nay cũng là nơi đặt lăng mộ của ông vẫn còn đôi câu đối bằng chữ Hán dịch Nôm có nghĩa là: "Cuối thời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chăng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?/Núi phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân".
Rõ là cách ngưỡng mộ của người đời sau về thầy Chu Văn An về cách xử thế khi thời Trần đã mạt. Sử chỉ chép đến việc thầy Chu dâng "thất trảm sớ" xin trị bảy kẻ nịnh thần. Người đời sau có luận ra đầy đủ tên bảy người thì sáu người không rõ chứng cớ chỉ có Trâu Canh - là kẻ lung lạc nhà vua nhờ những ngón nghề chữa bệnh đầy mê hoặc của phương Bắc. Chỉ biết rằng bức sớ của bậc hiền nhân vẫn theo thói thường bị những bậc quân vương khi đã bạc nhược bỏ ngoài tai.
Vì thế, sử chép rằng vì lòng trung của một bậc hiền Nho, Chu Văn An vẫn quan tâm đến số phận của vương triều mà thầy đã gắn bó. Mỗi lần về kinh, Dụ Tông ngỏ ý muốn ban cho chức tước nhưng thầy đều từ chối khiến mẹ của vua phải can rằng: "Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta". Vua sai nội thần đem quần áo ban thưởng ông lạy tạ nhưng rồi đem cho người khác hết.
Đến khi nghe tin Dụ Tông băng hà (1369), các quan đến bàn việc lập vua mới, thầy Chu Văn An mừng lắm, chống gậy đến triều, nhưng nhác thấy chính sự cơ đồ không thể cứu vãn vì Dụ Tông đã chọn thái tử kế vị là người ngoài hoàng tộc lại lắm điều mờ ám Dương Nhật Lễ, thì thầy lại trở về núi. Đến năm sau thì thầy cũng mất (1370). Đó cũng là năm Nhật Lễ bị phế truất, Trần Nghệ Tông lên ngôi, nhưng cơ đồ nhà Trần chỉ còn thoi thóp trước khi bị nhà Hồ thay thế.
Người chép sử đời sau là Ngô Sĩ Liên binh nhị thầy Chu Văn An xa lánh chính sự cũng là vận mạng Quốc Gia bởi lẽ: Bậc hiền năng ( như thầy) không nên chỉ làm vì." Chu An đi rồi, không còn ai bảo ban vua đạo hay lẽ phải nữa. Đó thực là " không tin bậc nhân hiền khi nước trống rỗng như không có người vậy".
Bài học ấy đời nào mà không đúng?!
Mới đây thôi, trên diễn đàn Quốc hội nước ta, khi bàn về việc chống tham nhũng khó khăn, nhiều người ước có được thanh "thượng phương bảo kiếm" như trong phim cổ trang Trung Quốc: Bao Công được vua trao rồi Bao Công trao lại cho người tâm phúc là Triển Chiêu mang đi trị bọn quan lại tham nhũng. Có người bình nghị rằng, ở ta thì "thượng phương bảo kiếm" cũng dễ thở thành "thượng phương bảo...kê". Bởi lẽ ít người biết được ngọn ngành sự tích.
Thanh gươm ngự dụng được tạo tác bởi Cục "Thượng phương" chuyên sản xuất đồ ngự dụng có từ thời Tần bên Trung Quốc, tồn tại cho đến nhà Minh, được các đấng quân vương trao cho người tâm phúc không phải để trị đám quan lại tham nhũng  mà sâu sa hơn là chỉ để chém kẻ nịnh thần. Những kẻ gần vua nhất, dễ xúc xiểm, xui kiến vua làm những điều chỉ mang lợi cho mình, cho bè đảng của mình hay nói như ngôn ngữ ngày nay là cho những "nhóm lợi ích" của mình. Và những kẻ nịnh thần theo cách nhìn hiện đại tức là những người tác động vào chính sách để lợi cho mình và hại cho dân, cho nước.
Chu Văn An cũng nhằm vào kẻ nịnh thần trong triều Dụ Tông, nhưng không có bảo kiếm mà chỉ có kế sách nên mới dâng sớ "thất trảm" chỉ rõ những người quanh vua đang làm hại dân, hại nước cũng là hại vua. Những chỉ có vua sáng mới nghe thấu. Phàm đã làm minh quân thì đã không có kẻ dám nịnh. Bởi thế nên chỉ nhưng vua tối (hôn quân) mới có đám nịnh thần bên mình thì thượng phương hay sớ tấu của những người ngay cũng khó làm gì nổi. Đó là bi kịch của quốc gia một khi đã lâm và cảnh trạng "nước trống rỗng" như sử gia Ngô Sĩ Liên bàn về sự thịnh suy của quốc gia, là điều muôn đời đều đúng.
Ngày xưa, sau khi thấy Chu Văn An mất, ngài được tòng tự (thờ thêm) ở Văn Miếu. Ngày nay, tượng ngài cùng các bậc quân vương nước nhà có công với Nho học được trang trọng thờ trong nhà Thái Học tại khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám để tôn vinh nền quốc học. Ngài cũng xứng đáng với vinh danh là người thầy của muôn thuở (vạn thế sư biểu) dùng cái tiết tháo, cương cường của người thầy dạy chữ làm cái gương khích lệ cho các thế hệ tri thức nước nhà muôn đời phải chống lại những kẻ đưa đất nước, đồng bào vào chốn suy vi chỉ vì lợi ích của một nhóm người tự cho là cột trụ của quốc gia.
Dương Trung Quốc
Theo Lao Động
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại
Phần nhận xét hiển thị trên trang