Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Thơ Đoàn Minh Châu

Thơ Đoàn Minh Châu
unnamed
Đoàn Minh Châu sinh năm 1984 tại Quảng Nam, học quan hệ quốc tế tại Hà Nội, sống và làm việc tại Đà Nẵng.  Thơ cô thường xuất hiện trên một số tạp chí và website văn học nghệ thuật như: Hợp Lưu, Tiền Vệ, Da Màu… và tập trung chủ yếu trong hai tập thơ cá nhân: M – N & Z (2008); Có Thể (2012) được ấn hành bởi nhà xuất bản Minh Châu – một nhà xuất bản độc lập do cô chủ trương. 

 Tượng hình kín

anh sóng sánh chao nghiêng những cái nhìn
em không dứt được
em cũng không gỡ nổi
tuổi xanh mềm rạo rực cứ quấn quít chân anh
và những ý nghĩ
thơm thơm mùi tóc anh xoã ngợp

giờ làm việc
căn phòng nhỏ giọt tên anh
em giấu vào đâu được gương mặt anh quanh quẩn tìm một góc nhỏ ủ anh thật kín
nỗi nhớ cứ nôn nao sóng

câu chuyện hôm qua
không có em trong đó
và ban tối, em đã chui vào bức tranh tung toé những khát vọng dang dở
tìm anh
giấc mơ tượng hình.


Phố đổi thay

Thật ra, ta chẳng đợi điều gì
Một ngày trống lạ
mưa chợt tạnh
ngày ráo hoảnh trước cơn bão sắp tới
có lẽ những đổi thay cần báo trước
bằng gió bằng lá bay bằng màu nước sông Hàn sáng nay đã chuyển màu đỏ sẫm

Ly café và góc ngồi một mình không ngại sự soi mói
bão cứ chập chờn trước mắt
cơn đau nhức nhối vờn quanh đầu
thành phố rũ áo sương
sáng nay
ta quên mặc áo ấm

Lẽ nào những ước vọng không xác định nổi
cũng nhiều như những thất vọng nhỏ nhặt về những điều vụn vặt
bao quanh bởi núi và sông Hàn đục ngầu mùa lũ
những ý nghĩ bé lại
những thân quen và yêu thương bỗng trở nên lạ lẫm
từ sự hững hờ nhói ngực
trì nặng trong đầu
cơn bão nào có thể thổi tan

Mùa này
phố đổi thay nhiều quá

 Đi

Mất phương hướng trong những ngày tháng bảy
nắng lộng trên đầu
phố nhão dưới chân
có người đã rất xa xôi

đi
như chảy
như mỗi bước rữa tan vào đất
tự trói mình bằng tình yêu xứ sở
cứ đòi cựa quẫy nơi nào
vô lý lạ

những ước mơ thiếu thốn hình hài
gối lên nhau thành chuyến phiêu lưu bất tận
điểm xuất phát từ những điều lạ lẫm
từ hơi thở lạc lõng
từ nghĩ suy rời rã
những chán chường ủ mục dấu chân

xứ sở riêng lẻ tâm hồn
riêng ngóng trông quen lạ
có người đi xa đợi ngày trở lại
em gom tất cả ngày hạ năm nay làm món quà dành sẵn
ấm mùa sau người về

Phần nhận xét hiển thị trên trang

đừng trách người dân coi nhà văn là loài hèn nhát.

Võ Thị Hảo

(1) Trong giới văn học và xuất bản ở Mỹ hiện nay, tuy trong thời đại internet và social media, truyện ngắn không được đánh giá trị cao như truyện dài. Những nhà văn trẻ thường bắt đầu với truyện ngắn như một cách “học nghề,” nhưng sau đó bước chân vào truyện dài như một lẽ dĩ nhiên. Alice Munro, Raymond Carver, Lydia Davis và Lorrie Moore được coi là ngoại lệ, vì đây là những nhà văn nổi tiếng với những cải cách trong thể truyện ngắn. Hiện số mệnh truyện ngắn trong giới văn học Việt trong và ngoài nước như sao? Truyện ngắn có được giới độc giả Việt đánh giá cao hơn truyện dài không? Tại sao?
Tôi nghĩ rằng truyện ngắn mãi còn duyên dù ở VN hay ở nhiều nước trên thế giới. Truyện ngắn gọn nhẹ về hình hài nhưng lại có thể dồn nén một dung tích lớn sự đời, giúp cho người đọc không phải mất nhiều thời gian, nhất là trong thời có quá nhiều thứ quyến rũ người ta ruồng rẫy chữ như hiện nay.
Ở VN, độc giả không đánh giá truyện ngắn cao hơn truyện dài. Mỗi loại có một tài tình riêng. Nhưng để xem sự dài hơi và độ lớn của một tác giả, người đọc và giới phê bình đỏi hỏi tác giả ấy phải thử thách không chỉ qua truyện ngắn mà còn phải bằng tiểu thuyết. Rất nhiều tác giả truyện ngắn đã “ngã ngựa” khi sang thể loại tiểu thuyết vì trong “cuộc chạy đường dài” người viết mới bộc lộ sự “hụt hơi” về vốn văn hóa và tài năng.
(2) Chúng ta có Cung Tích Biền, Trần thị Ngh., Lê thị Huệ, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Xuân Hoàng, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trần Vũ, Nguyễn thị Thảo An, Phạm thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư, Linh Đinh, Lâm Chương (có thể coi Lâm Chương như một nhà văn viết novella – thể truyện giữa “ngắn” và “dài”), McAmmond Nguyễn thị Tú, Lê Minh Hà, Lê Minh Phong, v.v… là những nhà văn đặc sắc ở thể truyện ngắn. Yếu tố nào là yếu tố chung của các nhà văn viết truyện ngắn đã tạo ra sự chú ý từ độc giả? Ngoài ra, yếu tố nào là đã tạo cho họ vị trí cá biệt trên văn đàn? Những yếu tố này có phải cũng là những yếu tố định nghĩa cho sự sinh tồn của truyện ngắn?
Lạ, độc, đa nghĩa, dồn nén nhiều nội dung và tư tưởng trên một tiết diện nhỏ. Theo tôi một truyện ngắn hay không thể thiểu những yếu tố này và đó cũng là những yếu tố định nghĩa cho sự sinh tồn của truyên ngắn.
(3) Có cần nên có ranh giới giữa truyện ngắn và truyện dài? “Ngắn” và “dài” nên là bao nhiêu trang? Một truyện ngắn có thể mô tả một thời gian dài tương đương như truyện dài (10, 20, 50 năm), hay phải ngắn hơn? Nên chú ý việc Alice Munro đã “phá giới” về yếu tố thời gian, không gian, và quan điểm cá nhân của các nhân vật. Trong các truyện “Axis,” The Bear Comes Over the Mountain,” và “Runaway,” Alice Munro cho độc giả trải nghiệm một quãng thời gian dài trong đời sống của các nhân vật chính. Bà không áp dụng một quan điểm (point of view) nhất định trong cách kể truyện, mà di chuyển từ cái nhìn của từng nhân vật, bất kể đàn ông hay đàn bà, làm ta nghĩ đến phim Rashomon của Kurosawa. Trong bối cảnh văn học Việt Nam, đã có nhà văn nào “phá giới” giữa quy luật truyện ngắn và truyện dài chưa? Tại sao chúng ta chưa chịu phá giới thường xuyên hơn?
Một truyện ngắn cũng bình đẳng như bất kỳ thể loại văn học nghệ thuật nào khác, hoàn toàn có thể chơi đủ trò: phi thời gian, phi tuyến tính, và đủ loại chủ nghĩa trong văn học, âm nhạc, điện ảnh và mỹ thuật. Vấn đề là tất cả những trò đó chỉ được thể hiện trên nền tảng ngôn ngữ và phụ thuộc tài nghệ của người viết mà thôi.
(4) Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Paris Review, Alice Munro nói rằng “[Hồi còn trẻ] tôi đã mê đọc Eudora Welty, Flannery O’Connor, Katherine Ann Porter, Carson McCullers. Tôi nghĩ nhà văn đàn bà có khả năng viết về những điều quái dị, hoặc những chuyện bên lề …. Còn tiểu thuyết vĩ đại trong giòng chính về hiện thực là giang sơn của đàn ông.” (“I loved Eudora Welty, Flannery O’Connor, Katherine Ann Porter, Carson McCullers. There was a feeling that women could write about the freakish, the marginal…. [But] the mainstream …. big novel about real life was men’s territory,” http://www.theparisreview.org/interviews/1791/the-art-of-fiction-no-137-alice-munro.) Hiện tượng “nhà văn đàn bà viết về những điều quái dị hoặc chuyện bên lề” và đàn ông “viết về những đề tài vĩ đại” có phản ảnh bối cảnh văn học Việt Nam của ngày hôm nay hay không? Hay hiện tượng này đã được đảo ngược, với một số nhà văn đàn ông Việt viết theo thể magic realism như một cách theo mốt, nhằm tránh bị kiểm duyệt, hoặc do nỗi “cô đơn” trong một thực tại nghiệt ngã của những biến cố xã hội và lịch sử mà Gabriel García Marquez đã đề cập trong diễn văn nhận giải văn chương Nobel năm 1982 của ông?
Theo lịch sử phụ hệ trải dài, do đặc thù cuộc sống của hai giới, đàn ông có rất nhiều lợi thế để tham gia trực tiếp vào các sự kiện, biến cố lớn, những bi kịch cung đình, những câu chuyện chi phối diện mạo thời đại, nên hiện thực văn học đã để lại thực tế chênh lệch lớn về tác phẩm “vĩ đại” giữa người viết nam và nữ như trên đã nói. Không thể là một nhà văn lớn nếu không quan tâm đến những vấn đề lớn của thời đại, mà điều này, thường phụ nữ ít quan tâm hơn nam giới. Sự chênh lệch này theo tôi sẽ còn kéo dài rất lâu, mặc dù càng ngày số phụ nữ viết về “những điều vĩ đại” càng tăng nhanh và vì thể giảm bớt độ chênh.
Đúng như bạn nhận xét, ở VN bây giờ, tôi thấy đa phần đàn ông viết văn tỏ ra quá khôn ngoan và né tránh để được yên thân, suy cho cùng cũng chỉ là lòng tham. Họ biết hết nhưng chỉ để “chém gió” ở quán chè chén hoặc quán bia vỉa hè. Thực ra né tránh như vậy cũng chẳng khác gì việc thấy người đang sắp chết đuối mà không cứu, đã thế còn nói dối rằng tôi không trông thấy không biết có người sắp chết đuối.
Việc hầu hết mọi người đều né tránh không đả động đến thưc tại mỗi ngày đang khiến cho cái ác không được nhận diện và ngăn chặn, người dân ngày thêm càng lầm than khốn khổ, oan khuất ngút trời. Trong hoàn cảnh ấy nhà văn đi vào gậm nhấm nỗi cô đơn hay sự kỳ quái, tình yêu tình dục đơn thuần để gây lạ nhằm nổi danh là quá ích kỷ, cũ mèm, đó chỉ là một cách điệu đàng vờ vịt. Như thế, đừng trách người dân coi nhà văn là loài hèn nhát.
(5) Liên hệ với câu hỏi (4) ở trên. Những điều “quái dị hoặc bên lề” ở vùng Ontario của Alice Munro có còn “quái dị” khi áp dụng vào bối cảnh văn chương Việt Nam hay không? Tại sao một số độc giả Việt Nam nghĩ rằng truyện của Alice Munro có phần “ảm đạm”? Định nghĩa “ảm đạm.” Hiện nay, ai là những nhà văn “ảm đạm” của Việt Nam?
Thực ra tôi chưa thấy nhà văn lớn nào mà không “ảm đạm,” nhất là những nhà văn đã đoạt giải Nobel. Những nhà văn lớn luôn viết về những bi kịch lớn nhất của con người ở mọi thời đại, tìm cách phát hiện nó, phản ánh nó và lý giải nó. Ở VN, những Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp lẽ nào không ảm đạm? Tôi làm sao có thể tránh khỏi ảm đạm, khi con đường của tôi chỉ chăm chăm theo đuổi những bi kịch của đất nước này?!
(6) Yếu tố địa lý – vùng Ontario ở miền Trung của Canada – là bối cảnh chính trong nhiều truyện ngắn của Alice Munro. Yếu tố không gian/địa lý có quan trọng trong truyện ngắn Việt Nam hay không? Tại sao (không hay có)?
Quan trọng hay không, theo tôi tùy cách viết của mỗi tác giả. Nhìn chung là quan trọng, vì chính yếu tố địa lý sẽ quyết định bối cảnh, chi tiết, phong tục, lịch sử và tính cách nhân vật.
(7) Trong cuộc phỏng vấn với Paris Review, Alice Munro cũng thố lộ bà đã bị băn khoăn/phiền não khi đọc D.H. Lawrence lần đầu tiên trong đời. Bà thường bị xáo động bởi cách các nhà văn đàn ông định nghĩa khái niệm tình dục của phụ nữ. (“I was terribly disturbed when I first read D. H. Lawrence. I was often disturbed by writers’ views of female sexuality. “) Bà tự chất vấn “làm sao tôi có thể thành một người viết khi tôi là đối tượng [tình dục] của các nhà văn khác” (“[H]ow I can be a writer when I’m the object of other writers?”). Ta nghĩ sao về những băn khoăn của Alice Munro nếu đối chiếu với đề tài tình dục trong văn học Việt Nam ở hải ngoại và trong nước? Nhà văn nữ viết truyện ngắn về đời sống phụ nữ Việt ở trong và ngoài nước hiện có còn bị coi là “đối tượng” của các cây bút đàn ông khác? Tại sao?
Nhiều đàn ông VN nhìn ngắm và bình luận, hoặc viết về phụ nữ với một sự kẻ cả, tục tĩu và thậm chí thể hiện điều đó một cách rất…khả ố. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến cái nhìn của họ về người viết nữ.
Nhưng cái nhìn của người khác không thể chi phối bản lĩnh của người viết nữ. Nhà văn nữ còn có thể dùng bùa phép nhào nặn ra đàn ông, nhúng họ vào phép màu, và tái tạo họ trong một thế giới khác. Đó là đặc quyền của nghề viết vậy.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHỈ CÒN 4 NGÀY LÀ HẾT THÁNG TƯ ( Trích TT của Thuận )

CHƯƠNG IV

1.

Cả Tòng lẫn Diệu Tư không bao giờ biết rằng ngày hôm ấy, một ngày tháng Tư, 4 hàng nước mắt Ân lao ra đường. Đường Trần Hưng Đạo xe chạy 4 làn, 4 ông xe lam không kịp chửi thề, 4 anh xích-lô máy không kịp chửi thề, 4 chị hon-đa không kịp chửi thề, 4 đoàn người lốc nhốc xe đạp đằng sau cũng không ai kịp chửi thề.
4 tiếng sau, nàng tìm thấy Ân đầu quấn 4 vòng băng trắng, má khô 4 hàng lệ trắng, bất động dưới 4 tấm mền trắng của nhà thương Đồn Đất.
4 tiếng sau nữa, cán bộ y tế nhìn nàng lạnh lùng nhả 4 câu: Thai chết lưu, nhiễm khuẩn ối, rối loạn đông máu, tỷ lệ tử vong 3/4.
Nàng lắc đầu 4 cái. Thai nào? Ai chết? Cán bộ y tế lạnh lùng nhả 4 từ: Muốn chết vô tư. Tai nàng ù đi. Nàng hiểu vô tư là gì. Sau tháng Tư, đó là từ nàng được nghe mỗi ngày ít nhất 44 lần.
Nhưng nàng đâu biết trong bụng Ân là thai nhi đã bằng 4 xăng-ti-mét, bằng nàng trong bụng má ngày ba rời Sài Gòn ra miền Bắc. Cán bộ y tế bỏ đi 4 bước. Nàng chạy theo 4 bước. Nàng không thể để Ân chết. Nàng và Ân như chị em song sinh. Hơn cả chị em song sinh. Nàng và Ân như hình với bóng. Ân chết, nàng biết sống cùng ai? Cán bộ y tế nhún vai 4 cái. Nàng cầu xin 4 lần. Ân có tội tình gì. Nàng có tội tình gì. Nàng và Ân đã làm 4 tự kiểm điểm, đã nộp bí thư, phó bí thư và các tổ trưởng. 4 hàng nước mắt, nàng lảm nhảm.
Cán bộ y tế bỏ đi 4 bước. Nàng chạy theo 4 bước. Cán bộ y tế hất hàm. Nàng lảm nhảm tên ba, chức vụ, quê quán, ngày tập kết. 4 thứ lần đầu tiên nàng nói trong đời, vậy mà không sai, cứ như đã học thuộc lòng từ tháng Tư. Cán bộ y tế giật mình 4 cái. Cán bộ y tế cũng từng tập kết ra Bắc. Cán bộ y tế đã biết thế nào là sức mạnh của các đầy tớ nhân dân.

Họ rời khách sạn thì trời đã tối, khi cả hai đã mệt lả sau 4 lần làm tình không nhớ kéo dài bao lâu, và có cách nổi nhau 44 phút. Cô mặc chiếc váy trắng mỏng lộ rõ vòng eo mà cô từng mặc ở quán Le 44 V. Cô nói với hắn trong 44 tiếng đồng hồ hắn ở đây, cô sẽ chỉ mặc chiếc váy này mỗi khi ra ngoài. 4 tháng đóng phim ở Sài Gòn, cô đã cất hết quần áo xuống đáy va li và cô có cảm giác cô không còn là mình nữa. Ngày nào cô cũng phải xuất hiện 4 lần 44 phút trước ống kính, mặc một trong 44 bộ váy cổ rộng và sặc sỡ mà người phụ trách trang phục của đoàn phim đã chuẩn bị cho vai của cô. Ngày nào cô cũng phải tô son đỏ, đánh phấn trắng, búi tóc cao, bê 44 ly whisky 44° đến 44 cái bàn. Cô bảo chỉ có 4 động tác vậy thôi, mặc váy, đi đi lại lại và tưởng tượng mình làm hầu bàn trong một quán rượu Sài Gòn trước tháng Tư. 4 lần 44 phút quay phim để xuất hiện 44 giây trên màn ảnh vô tuyến Pháp. 44 giây trên màn ảnh vô tuyến Pháp dù sao cũng mang lại cho cô một số thù lao không nhỏ, không nhỏ hơn tiền công 4 ngày, mỗi ngày 4 vòng trung tâm Paris, dẫn 44 phụ nữ đồng hương giàu có đi shopping hàng hiệu. Hắn nắm chặt tay cô. Bàn tay cô hâm hấp hơi nóng. Hắn nhớ lại cảm giác choáng váng lúc nãy khi 4 cánh cửa kính của khách sạn mở ra và khí hậu nóng ẩm xộc vào thân thể hắn, tóc tai hắn, mặt mũi hắn, kẽ tay hắn, y hệt như lúc hắn bước ra khỏi máy bay sáng nay, 6 giờ 44 phút.
Nếu không có 4 tiếng chửi thề như gió rít bên tai thì có lẽ hắn đã đâm đầu vào một trong 44 chiếc xe máy đang bay vù vù trước mặt như 44 con cánh cam khổng lồ. Cô nhìn hắn và cô bật cười 4 tiếng, chiếc váy trắng mỏng chỉ trực bay khỏi thân thể mảnh khảnh của cô, nửa đùi cô lộ ra dưới ánh sáng đèn đường. Đèn đường Sài Gòn rất lạ, cứ 4 giây lại chuyển màu một lần từ vàng sậm sang vàng nhạt, tổng cộng 44 gam của màu vàng. 4 người đàn ông có vẻ đang đi về 4 phía nhưng cùng đột ngột dừng lại và ngó chằm chằm vào mặt cô 4 giây. Ông tứ tuần giật giọng: Con điếm khùng mầy! Cô không đáp lại 4 từ bất nhã đó, không nổi giận, thậm chí còn không quay về phía ông ta. Cô nháy mắt với hắn và cô lại bật cười 4 tiếng. Chiếc váy trắng lại tốc lên và nửa đùi của cô có thêm dịp nữa để gặp 4 trong 44 gam vàng của đèn đường Sài Gòn. Hắn nhìn cô chăm chú. Hắn chợt có ý nghĩ rằng cũng giống như hắn, cô chẳng liên quan gì đến cuộc sống ở đây, những con người này, Sài Gòn không phải là thành phố của cô. Rồi hắn lại tự nhủ hắn cũng chưa bao giờ nghe cô nhắc đến Hà Nội, đến bố mẹ cô hay bất kỳ người thân nào, những người mà căn cứ vào giọng nói của cô thì hắn nghĩ là rất có thể đang sinh sống ở Hà Nội. Phải chăng cô giữ trong lòng một bí mật khủng khiếp, hắn chợt nghĩ và hắn rùng mình 4 cái. Hắn nhớ đến những câu hỏi mà hơn 4 lần cô đã đặt cho hắn về „người con gái Sài Gòn“. Sự quan tâm quá mức của cô, hắn vẫn chưa hiểu lắm. Rồi hắn lại cố xua đi những ý nghĩ này bằng cách tự trả lời rằng cô chưa thể kể cho hắn chỉ vì cô chưa có dịp, vì hắn không hỏi, vì lần nào gặp nhau họ cũng phải tiết kiệm từng 4 giây một để thỏa mãn trước hết cơn thèm khát không sao tả nổi của cả hai. Hắn nắm chặt tay cô và nhận ra 4 vết chai quen thuộc. Hắn cố nghĩ đến món hào sống để có thể mỉm cười ít ra là 4 giây. Nhưng thay vì mỉm cười, hắn cảm thấy có thể ngã vật ra đường bởi mắt díp chặt mà 4 chi thì rã rời. Sức lực hắn đã rủ nhau trốn lại hết trong căn phòng khách sạn, sau hơn 4 lần làm tình không ngừng nghỉ. Cô cũng vậy, đã hơn 4 lần cô phải dừng lại giữ chiếc váy trắng để nó đừng tuột theo những bước chân xiêu vẹo của cô. Suốt đoạn đường sau đó, họ còn phải nắm chặt tay nhau để cùng chống trả 4 nghìn chiếc xe máy Trung Quốc bay vù vù trên đường phố Sài Gòn như 4 nghìn con cánh cam khổng lổ. Nhưng họ chẳng nói với nhau câu nào. Cả một đoạn đường 44 phút chẳng ai nói với ai câu nào.
Đó là một quán ăn rộng 4 trăm mét vuông nằm ngoài trời, ở cổng phía đông của chợ Bến Thành. Quán chỉ mở từ tối đến đêm, lúc các sập bán hàng đã đóng cửa và khách mua hàng đã về hết, để lại một khoảng trống 4 trăm mét vuông. Khi cô và hắn tới nơi thì 44 con người vẫn còn đang dựng sạp, bày bàn, quạt than, chặt thịt, lọc xương, lạng mỡ, thái bì, mổ cá, rửa tôm, buộc cua, khều ốc, xắt mực, chọn ngao, vo gạo, trần mì, cuốn nem, trộn gỏi, đập đá, pha rượu, mở bia, nhặt rau, cắt hành, bóc sả, giã tỏi, lựa ớt, lau ly, dọn chén, so đũa, xếp thìa… Huyên náo và chuyên cần như 44 con ong thợ. 4 khách hàng không may đến sớm 4 phút được yêu cầu đi tìm chỗ khác mà đứng đợi 44 phút.
Hắn nhìn cái tên Tư Thắm trên bảng hiệu được kết từ 4 cành trúc nhựa và hắn nhìn 4 tốp hầu bàn đồng phục áo bà ba cánh sen và guốc gỗ sơn đỏ. Hắn không thấy bị thu hút bởi các cô gái son phấn nặng nề và quyện đẫm mồ hôi, cả cái đề co hương đồng gió nội có vẻ quá đà này, nhưng hắn nghĩ Tư Thắm nói chung là hợp với nhu cầu exotic của du khách phương Tây. Nhưng quán đâu chỉ có du khách phương Tây.
4 chi của hắn rã rời và hắn bất lực chứng kiến những chiếc bàn đôi bị chiếm ngay trước mũi hắn. 4 chi của cô rã rời và hắn bất lực chứng kiến những chiếc bàn đôi bị chiếm ngay trước mũi cô. Các cặp đôi lườm nguýt nhau, cạnh khóe nhau, xô đẩy nhau để giành những chiếc bàn đôi đặt trong 4 góc nhà. 4 bàn dài kê song song ở bên phải lối đi thì bị 4 hướng dẫn viên du lịch không biết đã nấp sẵn ở đâu chạy ra ngồi ngay vào giữa, rồi huýt còi gọi 4 đoàn du khách ngoại quốc có lẽ đã trực sẵn bên ngoài. 44 người đàn ông tứ tuần bụng phệ mặc 44 chiếc quần lửng in 4 bông hoa đỏ và 4 cành lá cọ. 44 người đàn bà tứ tuần bụng phệ mặc 44 chiếc T shirt thùng thình màu nóng với 4 chữ „I love Sai Gon“ in ở chính giữa ngực. Tất cả đều toe toét và rám nắng như 44 cặp bánh mì nướng quá lửa. Tất cả đều ngồi ngả lưng ở mức thoải mái nhất có thể, trong những chiếc ghế tre có tay vịn, thở phì phò và khoe những chiếc vòng cổ được đơm từ 44 loại vỏ sò. 44 phút sau, tất cả đều có trước mặt một đĩa tú hụ giống nhau như đúc gồm 4 chiếc nem thịt lợn, 4 chiếc nem thịt gà, 4 chiếc nem thịt bò, 4 chiếc nem chay, 4 lát khoai tây chiên với dầu chiên nem, 4 lát khoai lang chiên với dầu chiên nem rồi chiên khoai tây, 4 thìa cơm trộn với dầu chiên nem rồi chiên khoai tây và chiên khoai lang, 4 lá rau xà lách kèm 4 cành húng bạc hà kiểu Chinatown Paris. Và tất cả cùng uống bia Sài Gòn với đá cục trong những chiếc ly vại bằng thủy tinh xanh xanh theo kiểu Hà Nội thời bao cấp. Hắn thử tìm xem trong số đó có ai là khách hàng bệnh nhân của hắn, nhưng hắn đã thất bại. Từ khi mở phòng khám, hơn 4 lần khách hàng bệnh nhân mang album du lịch đến khoe với hắn, họ biết hắn gốc Việt và họ nói họ có cảm tình với Đông Dương. Hắn đã xem những bức ảnh họ chụp ở vịnh Hạ Long, Hồ Hoàn Kiếm, Lăng Khải Định hay phố cổ Hội An, hắn nhận ra 4 địa điểm nổi tiếng đó một cách dễ dàng, hắn đã nhìn thấy chúng trên quảng cáo của 44 công ty du lịch, nhưng hắn hầu như không nhận ra họ, chưa lần nào hắn có thể tin chắc một trăm phần trăm cái người hớn hở bận quần lửng in 4 bông hoa đỏ và 4 cành lá cọ trong ảnh chính là khách hàng bệnh nhân đang ngồi trước mặt hắn, tuần vừa rồi 4 lần đến khám, lần thì nhức đầu, lần thì buốt đầu, lần thì xổ mũi, lần thì chảy nước mũi, hôm nay kêu đau xương sườn số 4. Bây giờ thì hắn hiểu người ta có thể thay đổi 44 lần khi đi du lịch đến một nơi không giống môi trường sống của mình.
Trong khi 4 chiếc bàn dài bên phải lối đi bị chiếm gọn bởi 4 đoàn du khách ngoại quốc thì 4 chiếc bàn dài còn lại, 4 chiếc bàn bên trái lối đi, bị xâu xé bởi 4 nhóm người đồng hương của hắn. 4 nhóm khinh khỉnh nhìn nhau, nhổ nước bọt xuống đất, huých cùi chỏ vào mạng sườn của nhau. Hắn không hiểu lắm, ở Pháp hắn từng chứng kiến người ăn xin dùng vũ lực giành chỗ trong những địa điểm cung cấp đồ ăn bố thí. Nhưng ở quán Tư Thắm, khách hàng phải chi tiền, và không hề ít, mà cũng khổ sở chẳng kém. Quả thật là hắn không hiểu lắm. Hơn 4 lần, 4 nhân viên trật tự của quán phải chạy đến can thiệp. Kết quả của 44 phút quát tháo, thậm chí suýt ẩu đả, là 4 nhóm chen chúc nhau quanh 4 chiếc bàn. Tiếng ồn dù sao cũng khiến hắn tỉnh ngủ.
4 mặt bàn sau 44 phút đã phủ kín hải sản. Những con tôm hùm cháy xèo xèo trên than hoa 4 lớp lập lòe. Những con sò điệp bóng nhẫy, thơm lừng mùi sả rưới 4 loại nước sốt khác nhau. Những con cua bể 44 đốm vàng ra sức vùng vẫy trước khi bị ném vào nồi lẩu gồm nước dừa tươi và 44 gia vị. Những con ốc khổng lồ to bằng 4 vốc tay bốc khói nghi ngút bên cạnh những con bạch tuộc 44 vòi đỏ lự. Để quên cơn đói, hắn tự nhủ rằng trước mặt du khách ngoại quốc, các đồng hương của hắn có nhu cầu tỏ ra 44 lần sành điệu hơn với ẩm thực của mình, nhất định đoàn kết tẩy chay món nem rán quê mùa. Sau đó 4 giây, vẫn không quên nổi cơn đói, hắn lại tự hỏi phải chăng cuộc cạnh tranh giữa 4 nhóm đồng hương vẫn chưa thực sự kết thúc mà chỉ ngấm ngầm thay đổi hình thức. Sau đó 4 giây, cơn đói vẫn còn đó, thậm chí còn quằn quại hơn, hắn cố A.Q bằng cách ái ngại nhìn các em hầu bàn mặt sưng như bơm botox, những chiếc áo bà ba màu cánh sen sắp rách làm 4 mảnh vì bị khách hàng thi nhau gọi giật, 4 người này đòi bia Pháp, 4 người kia đòi bia Đức, 4 người khác đòi bia Bỉ, 4 người khác nữa đòi bia Hà Lan, 4 người khác nữa sau khi đã đòi cả 4 loại bia này thì đòi bia Nam Tư, Ba Tư, Mạc Tư Khoa, hay tất cả những nơi dính dáng đến số 4. Chỉ những chiếc điện thoại di động là hồn nhiên nhấp nháy, có lẽ đang cập nhật hình ảnh cho Facebook. Hắn tưởng tượng 4 giây sau, 4 nghìn facebooker cùng tin như đinh đóng cột rằng họ đang theo dõi 4 cuộc thi nấu ăn trực tuyến với chủ đề „Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam“, bài hát mà hắn được nghe trong tắc xi sáng nay, trên đường từ sân bay về khách sạn. 4 trăm facebooker đã share ngay trong 4 giây đầu. 4 trăm facebooker khác lại share lại của 4 trăm facebooker này trong 4 giây tiếp theo. 4 trăm facebooker khác nữa lại share lại của 4 trăm facebooker khác này trong 4 giây tiếp theo nữa. Cứ thế và cứ thế, tổng cộng 4 vạn lượt like đã được bấm trong vòng 4 phút. Trước khi đến Sài Gòn, hắn đã nghe nói Việt Nam nằm trong số 4 quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng facebooker thích bấm nút like. Nhưng nói cho cùng thì bấm nút like, tại sao không? Hắn đã chán xem dân Pháp cãi nhau như mổ bò trên mạng về bất cứ cái gì : từ đám cưới đồng tính đến mũ bảo hiểm 44 ơ của đương kim tổng thống, từ động đất Phillipines đến mũ 444 bảng của công nương Kate, từ tai nạn máy bay Malaysia đến mũ 4 444 lông công của lady Gaga… Hắn đã chán xem người Pháp cãi nhau về những chiếc mũ và hơn 4 lần hắn có ý định lập một tài khoản ở mạng xã hội, để sau một ngày kê đơn thuốc xổ mũi và nhức đầu nhàm chán, hắn có thể thi bấm nút like cùng các đồng hương người Việt. Nhưng không phải lúc này. Nhất định không. Lúc này hắn đang rã rời 4 chi và đói quặn cả ruột.
Từ khi bước vào quán cho đến lúc này, hắn cứ đứng vật vờ ngay giữa lối đi. Và cô cũng thế, chiếc váy trắng mỏng của cô ủ rũ trên đôi chân xiêu vẹo của cô. Họ không biết phải làm gì để có thể chiếm được chỗ ở những chiếc bàn kia. Họ nhìn cảnh tượng xảy ra trước mặt và 4 lần quay sang nhìn nhau, nhưng không sao nhấc nổi chân. Họ nhận được 44 cú va đập từ những người qua lại, đôi khi khá mạnh, nhưng họ không sao nhấc nổi chân. Thực ra thì họ chẳng biết phải tham gia vào đám đông trước mặt như thế nào. Họ cảm thấy bất lực hoàn toàn. Và họ giương 4 mắt ra nhìn. Chẳng ai nói gì với ai.
44 phút sau khi cô và hắn bước chân vào thì quán Tư Thắm biến thành 4 cái chợ vỡ. 44 phút sau nữa, khi chuẩn bị cùng nhau ngã lăn ra đất vì đói và mệt và ù tai thì họ được 4 nhân viên trật tự thương tình hộ tống đến một trong 4 chiếc bàn của 4 nhóm đồng hương. Cô quay sang hôn 4 cái vào má hắn rồi cô nắm tay hắn bước đi, giữa 4 vòng tay bảo vệ của 4 nhân viên trật tự, như thể cô dâu nắm tay chú rể bước vào nhà thờ cùng 4 người bạn làm 4 nhân chứng (tình cờ thế nào hắn cũng mặc áo màu trắng còn 4 nhân viên bảo vệ thì đen tuyền từ đầu đến chân). Hắn bất ngờ. Hắn đỏ mặt khi nhớ lại bộ dạng hắn và vợ hắn hôm đăng ký kết hôn ở tòa thị chính năm ngoái, trong đồng phục quần tây tối màu và áo sơ mi cũng tối màu, cho cả nam lẫn nữ, mà vợ hắn hẳn đã sắm trong đợt đại hạ giá trước đó ở siêu thị Auchan. Hắn rùng mình 4 cái. Rồi hắn tự nhủ rằng lúc này thì hắn nên sung sướng và dù sao xung quanh hắn cũng không có bóng dáng chiếc nem rán nào. Thế là hắn mở miệng nở 4 nụ cười đờ đẫn. Nhưng chẳng ai trong quán buồn để ý đến 4 trạng thái vừa mới nối tiếp nhau phía sau 4 nụ hôn trên khuôn mặt của hắn. 4 nhóm người vẫn mê mải với cuộc cạnh tranh nội bộ. 4 mặt bàn bị hải sản phủ kín thêm lượt nữa và các em hầu bàn mặt xưng như bơm botox lần thứ tư.
Cô chỉ cho em hầu bàn 14 con hào sống trong quyển thực đơn của quán. Và cô nhìn hắn và cô thò một tay xuống gậm bàn. Và cô vuốt ve đùi hắn 4 lần bằng 4 ngón tay. Và 4 lần hắn cong người chặn cơn cương cứng. Hắn tạm quên tiếng ồn được 44 giây. Bất giác hắn nghĩ cô vuốt ve hắn cũng để quên đi tiếng ồn. Giờ đây, một khi đã ngồi vào bàn, hắn có cảm giác so với mệt và đói thì tiếng ồn còn đáng sợ hơn 4 lần. Trong quán ăn này, không ai có thể giữ được giọng nói bình thường của mình, mà nhất định phải nâng nó lên ít nhất là 4 trăm Hz. Các khách hàng quát gọi các em hầu bàn. Các em hầu bàn quát gọi các nhân viên nấu bếp. Các nhân viên nấu bếp quát gọi các phụ bếp. Các phụ bếp quát gọi các nhân viên dọn dẹp. Các nhân viên dọn dẹp quát gọi các em hầu bàn. Các em hầu bàn quát gọi các khách hàng. Các khách hàng quát gọi lẫn nhau và cãi nhau về đá bóng, cá cược, chứng khoán, giá vàng, bất động sản, bệnh tật, tai nạn, ngoại cảm, chùa chiền, bói toán, nhân quyền, biển đảo, thủ tướng, con gái thủ tướng, thứ trưởng công an, đàn bà thì về đàn ông, đàn ông thì về chân dài, ước lượng khoảng 44 chủ đề các loại. 4 đoàn du khách nước ngoài kiên nhẫn cho đến khi giải quyết xong những đĩa nem rán tú hụ, rồi cũng quát gọi nhau và cãi nhau, 4 ngôn ngữ hòa thêm cả tiếng Anh nữa, nhưng chủ đề có vẻ ít hơn rất nhiều, quanh đi quẩn lại vẫn là thất nghiệp, đắt đỏ, bảo hiểm y tế và kỳ nghỉ sắp tới, không biết có nên quay lại Đông Dương lần nữa hay chuyển sang Miến Điện, vừa thoát khỏi chế độ độc tài, còn sơ khai và rất exotic. 4 nhân viên trật tự quát tất cả những người còn lại, đến nỗi á khẩu và đành rút 4 chiếc còi ra thổi. Tiếng còi của họ 4 lần được hưởng ứng bởi tiếng còi của 4 hướng dẫn viên du lịch - theo qui định của công ty du lịch, cứ 44 phút một lần có trách nhiệm kiểm tra sĩ số của du khách trong đoàn.
Hắn giật nảy mình 4 cái khi em hầu bàn bê đến 14 con hào sống. 14 con hào sống nằm im ắng trên đĩa tre tròn, bên cạnh là 4 cục mù tạt wasabi xanh nõn giả dối và 4 trái ớt hiểm thâm độc. Thân hào trắng đục, dày cộp và to gấp 4 lần những con hào hắn vẫn thấy ở Pháp vào dịp Giáng Sinh và giao thừa. Hắn quay sang nhìn cô. Cô nhìn hắn và cô nhún vai 4 lần. Cô không bật cười 4 tiếng mà cô nhún vai 4 lần và hắn có cảm giác cô bỗng nhiên bị câm. Rồi hắn lại nghĩ không phải chỉ lúc này mà ngay từ khi rời khách sạn ra ngoài đường cô đã có những hành động của người câm. Cô bị người đàn ông không quen tuôn cho 4 từ bất nhã mà không nói năng gì. Và cô thình lình trao cho hắn 4 nụ hôn trước mặt mọi người mà không nói năng gì. Và cô chỉ cho em hầu bàn 14 con hào sống trong thực đơn mà không nói năng gì. Và cô bất ngờ thò tay xuống gậm bàn vuốt ve đùi hắn 4 lần mà không nói năng gì. Và trước đó, trước đó, hơn 4 lần cô bật cười 4 tiếng chẳng hiểu tại sao. Và bây giờ cô nhún vai 4 cái thay vì trả lời hắn. Cuối cùng hắn nghĩ, hắn cũng vậy thôi, hắn cũng có mở miệng đâu. Lúc này và trong đoạn đường 44 phút đến đây và suốt thời gian đứng đợi, hắn có 4 trăm điều muốn nói với cô mà hắn cũng có mở miệng đâu. Hắn nhớ lại và hắn rùng mình 4 cái.
Đôi đũa trong tay hắn giơ lên rồi bất động 4 giây. Hắn định gắp con hào thứ 4 từ trái sang phải thì hắn chợt nhớ đến 4 bài viết đăng trong tạp chí y khoa mà hắn đọc hồi tháng Tư. Các nhà khoa học thế giới cảnh báo 4 nghìn độc hại ở mức cao nhất mà nền công nghệ thực phẩm Trung Quốc đang gây ra cho nhân loại, đặc biệt là với 4 nước láng giềng phía Nam nơi mỗi ki lô mét biên giới có 4 trăm nhân viên thuế quan thì cả 4 trăm đều đã bị mua chuộc bằng nhân dân tệ.
Hắn cố chấn tĩnh. Hắn cố thở ra hít vào 4 lần nhẹ nhàng. Hắn có cảm giác những người cùng bàn đang hướng mắt về phía hắn. Cuộc cạnh tranh nội bộ của 4 nhóm đồng hương hình như tạm dừng. Người ta đã cạnh tranh và người ta bắt đầu mệt. Và vì chẳng tìm thấy trong thực đơn Tư Thắm món đét-xe nào đủ sành điệu để trình bày với 4 đoàn du khách ngoại quốc, nên người ta cùng ngồi thở (có những khoảnh khắc hắn cảm giác nghe được ít ra là 44 tiếng phì phò một lúc), và người ta cùng bất chợt bắt gặp hắn đang cầm đũa. Hắn vô tình là người duy nhất cầm đũa trong lúc này. Hắn cũng vô tình là người duy nhất ăn hào sống tối nay. 14 con hào sống nằm im ắng trên đĩa tre tròn, bên cạnh là 4 cục mù tạt wasabi xanh nõn giả dối và 4 trái ớt hiểm thâm độc.
Nhìn đôi đũa của hắn lơ lửng trong không trung, cô lại nhún vai 4 cái và hắn lại càng có cảm giác cô đã bị câm. Cơn đói quặn bụng khiến hắn không nói không rằng cúi đầu nuốt chửng con hào đầu tiên, rồi con hào thứ hai, con hào thứ ba, con hào thứ tư, dưới cái nhìn tập thể của 4 nhóm đồng hương. Người ta chẳng ngần ngại nhìn thẳng vào mặt hắn, tay hắn, những con hào của hắn, những cái vỏ của những con hào mà hắn vừa ăn, cái đĩa của hắn, đôi đũa của hắn, 4 cục wasabi của hắn, 4 trái ớt hiểm của hắn, chiếc khăn lau miệng của hắn. Người ta đứng lên để nhìn hắn cho rõ. Người ta chạy đến gần, đổi chỗ cho nhau, chỉ chỏ cho nhau, quát tháo gọi nhau, để nhìn hắn cho rõ. Hắn là người duy nhất ăn hào tối nay. Chẳng ăn gì ngoài hào sống. Cũng chẳng uống bia Sài Gòn hay bia Hà Nội, bia Pháp hay bia Đức, bia Bỉ hay bia Hà Lan. Và cái áo hắn mặc trên người thì màu trắng, mỗi màu trắng, không 4 kẻ sọc cũng chẳng 4 kẻ ngang. Và tóc hắn thì xù ra 4 phía, không có gel cũng không có sáp. Và cặp mắt hắn thì trốn dưới tóc của hắn, không hiểu thông minh hay cù lần, ba sạo hay không ba sạo. Họ quay ra bàn luận với nhau. Hắn nuốt đến con hào thứ 14 lúc nào hắn cũng không hay. Cô dẫm 4 cái liền lên chân hắn dưới gậm bàn. Và cô đưa tay vuốt ve đùi hắn 4 lần liền bằng 4 ngón tay. Và hắn ngả nửa người ra ghế. Và hắn không nghĩ gì. Vào thời điểm đó, đầu óc hắn trống rỗng. 4 giây sau, hắn tự nhủ nếu trong 4 đoàn du khách nước ngoài cùng ngồi trong quán có 4 khách hàng bệnh nhân của hắn thì hắn tin là cả 4 khách hàng bệnh nhân này cũng sẽ không thể nhận ra hắn, không ai trong số họ có thể nhận ra người đang ăn hào sống duy nhất ở đây, trung tâm của cái nhìn tập thể tối nay là bác sĩ đa khoa vẫn khám bệnh cho họ, vẫn nghe tim bắt mạch cho họ, kê đơn thuốc nhức đầu sổ mũi cho họ. Hắn cảm thấy hắn cũng thay đổi 44 lần khi đến Sài Gòn. Hắn nghĩ thế và hắn ngả hẳn người ra ghế và hắn nhìn cô 4 giây liền. Cô cũng nhìn lại hắn 4 giây liền và cô nhún vai 4 lần. Hắn lại có cảm giác rằng cô đã bị câm. Hắn hoảng hốt và tạm quên đi cái nhìn tập thể của 4 nhóm đồng hương.
Bỗng nhiên hắn như thấy khoang bụng của hắn nhận được 14 cú huých vào 14 vị trí khác nhau, rồi thoảng bên tai hắn 14 tiếng nỉ non. Hắn rùng mình 4 cái và hắn nhớ tới 44 đêm trực khi hắn hãy còn là sinh viên Y khoa cùng 44 chuyện ma rợn tóc gáy được cho là đã xảy ra trong 4 bệnh viện lớn nhất của Paris, không hiểu lý do gì mà chuyện nào cũng có những tiếng nỉ non. Hắn ngó quanh. Những cặp mắt giương lên nhìn hắn từ 4 phía chẳng cặp mắt nào có vẻ là đang khóc lóc. Còn cô thì chắc là không rồi. Cô đang nhìn hắn chăm chú và cô nhún vai 4 lần. Khoang bụng hắn lại tiếp tục nhận được 14 cú huých vào 14 vị trí khác. 14 tiếng nỉ non to dần và biến thành 14 giọng nói, 14 giọng nói kể rằng chúng là 14 con hào mà hắn đã nuốt chửng lúc nãy ở quán Tư Thắm, rằng trước khi xếp chúng nó vào đĩa để mang ra phục vụ hắn, đầu bếp đã ra lệnh cho 4 phụ bếp tiêm vào thân thể chúng nó 4 chất kích thích quỉ quái made in China dành cho đàn ông, và chính vì 4 chất dơ dáy này mà chúng nó không được phép lên thiên đường, và chúng nó nhất quyết sẽ còn khóc lóc nỉ non 4 ngày, 4 đêm, thậm chí hơn cả thế, cho tới lúc hắn chấp nhận lôi chúng nó ra khỏi bụng và tẩy rửa thân thể chúng nó cho đến khi hết sạch 4 chất kích thích made in China. Hắn nghe và lưng hắn ướt đẫm 4 dòng mồ hôi lạnh và bụng hắn trương phềnh gấp 4 lần bụng cóc và đầu hắn đau như bị 4 búa bổ. Hắn rùng mình rồi hắn hét lên 4 tiếng rồi hắn cảm thấy ai đó vỗ vào vai hắn 4 cái rồi hắn vùng vẫy 4 chi rồi 4 giây sau hắn cũng mở được mắt. Cô đang nhìn hắn chăm chú, mắt cô mở to đến nỗi hắn nhìn thấy hắn trong đôi mắt của cô: tóc hắn bết 4 cụm trên trán, má hắn có 4 vết thâm, mắt hắn lờ đờ như người ốm 4 tuần, mũi hắn nở gấp 4 bình thường, miệng hắn nhệch ra tứ phía. Hắn chạy vội vào buồng tắm, dí sát mặt vào la va bô, từ miệng hắn mở to rõ cả 4 chiếc răng sâu mới trám tuôn ra 14 thân hào trắng đục và nhũn nhùn nhùn.
4 phút sau, khi hắn hoàn hồn, cô mới nói với hắn rằng hắn đã bị say bia Sài Gòn ở quán Tư Thắm, rằng ngay từ khi vừa ngồi vào bàn hắn đã được 4 nhóm đồng hương thi nhau chuốc bia, rằng nhóm nào cũng muốn kiểm tra bia lượng của Việt kiều, rằng cuối cùng cô đã phải gọi tắc xi để mang hắn quay trở về khách sạn, vì hắn không thể lê nổi thậm chí 4 bước chân. Hắn muốn nói với cô rằng hắn đã không động đến một giọt bia nào, rằng chẳng một ai trong số khách hàng đồng hương tối qua đã gọi bia Sài Gòn, rằng tất cả những triệu chứng lúc nãy chứng tỏ hắn đã bị ngộ độc hào sống, hắn là bác sĩ hắn không thể nhầm. Nhưng cuối cùng hắn lại thôi. Hắn không muốn mất 4 điểm trong mắt cô. Cô không hề biết rằng 14 con hào sống bổ béo mà cô muốn hắn thử, đã trôi tuột xuống ống dẫn nước thải của la va bô phòng cô rồi theo cống khách sạn ra sông Sài Gòn cách đây 4 phút.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đúng là trứng rồng, hoan hô bác Phan Bội Trân:

Tàu Trường Sa không được thử nghiệm chỉ vì...'cái ghế'?
Tuần Châu mời Tàu ngầm Trường Sa đến thử nghiệm
Ông Phan Bội Trân, hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu, người chế tạo tàu ngầm Yết Kiêu có lý giải về việc Trường Sa phải ra tỉnh khác thử. Lý do tàu Trường Sa không được dự Ngày khoa học VN / Tàu ngầm Trường Sa: Được thử nghiệm nhưng... sang tỉnh khác!
Ông Phan Bội Trân (áo trắng)
Tất cả cũng vì... cái ghế!
Ngày 25/4/2014, ông Nguyễn Quốc Hòa nhận được một văn bản thông báo kết luận về việc xin phép thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa từ phía UBND tỉnh Thái Bình. Theo đó, tàu Trường Sa 1 sẽ không được phép thử nghiệm theo như kế hoạch đặt ra tại phao số 0 cảng Diêm Điền vào chiều ngày 29/4/2014 và phải trông chờ vào một số cơ quan khác để tiếp tục lên kế hoạch.

Cũng theo kết luận này, việc thử nghiệm này bị đẩy từ trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình sang trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Hải quân vùng I.

Trao đổi với ông Phan Bội Trân, hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu, và cũng là người chế tạo chiếc tàu ngầm mini đầu tiên tại Việt Nam mang tên Yết Kiêu tồi ngày 28/4/2014, ông Trân đã bày tỏ những suy nghĩ của mình về quyết định này của UBND tỉnh Thái Bình.

“Việc này là hết sức dễ hiểu, việc thử nghiệm là nguy hiểm, mà ta đã biết những vị quan chức này rồi, mấy ông chỉ lo cái ghế của ông thôi, còn chuyện cái tàu ngầm không dính dáng gì đến ông. Nếu cho phép thử nghiệm mà xảy ra sự cố gì, và đặc biệt với cái tàu ngầm thì sự cố rất dễ xảy ra, thành ra mấy ông sợ lắm.

Nếu thành công các ông chẳng được lợi ích gì, mà không thành công, rồi có sự cố thì cái ghế các ông đang ngồi cũng bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ kết quả gồm hoan nghênh và đùn đẩy trách nhiệm như vậy là... hợp lý!” – Ông Phan Bội Trân nhận định.

“Đặt trường hợp ông Hòa liều lĩnh ra biển thử nghiệm mà không qua xin phép, tức là đã có một con tàu không số hiệu, không đăng ký tham gia giao thông đường thủy. Nếu thử trên sông thì CSGT đường thủy sẽ bắt, nếu thử trên biển thì Cảnh sát biển sẽ bắt. Bởi không bắt ông này, tức là họ làm trái quy định pháp luật, mà trái như vậy biết đâu sẽ là cái cớ để sau này nội bộ lôi ra mà đấu đá. Tựu chung cũng là vì cái ghế. Vì thế ông Hòa lúc này chỉ đành ngậm ngùi làm theo hướng dẫn của tỉnh mà thôi.”

Ông Trân cho biết thêm: “Theo quan điểm của tôi, đến thời điểm này, tôi khẳng định con tàu của ông Hòa hoàn toàn có đủ khả năng di chuyển trên mặt nước hoặc dưới mặt nước. Chỉ có điều ông Hòa nên làm từng bước và đừng mạo hiểm lặn ở độ sâu ngoài tính toán của bản thân.”

Khi được hỏi về hiện trạng của chiếc tàu ngầm Yết Kiêu sau khi thử nghiệm thành công từ cuối năm 2010, ông Phan Bội Trân cho biết từ con tàu phiên bản 1 người lái, hiện tại ông đã phát triển thành phiên bản 2 người lái với cửa ra vào trên nóc tàu, thay vì phải chui từ bụng tàu lên như trước.



Ông Nguyễn Quốc Hòa bên tàu ngầm Trường Sa 1

Không gian trong tàu cũng rộng hơn, cửa sổ lớn hơn, ắc quy nguyên liệu và oxy dự trữ cũng được kéo dài thời gian hoạt động.

“Đây là phiên bản dân sự của tàu ngầm mini Yết Kiêu, hiện tại đã có một nhà kinh doanh người Pháp đặt chúng tôi sản xuất để xuất sang Malaysia, Campuchia, Thái Lan để phục vụ du lịch.

Hãy để những người như ông Hòa nghiên cứu, sáng tạo. Mọi người nên nhớ rằng đây chỉ là phiên bản thử nghiệm, khi thành công rồi nó sẽ có rất nhiều ứng dụng ở các phiên bản tiếp theo. Còn nếu thất bại, dù gì cũng chỉ là mất tiền thôi mà.” – Ông Trân cho biết.

Mách nước tàu Trường Sa thử nghiệm

Từ kinh nghiệm của ông Phan Bội Trân, tàu ngầm Yết Kiêu được thử nghiệm hanh thông như vậy vì ngay từ đầu ông đã cậy nhờ những cán bộ trong Học viện Hải quân TP.HCM cho thử trong bể thử nghiệm của họ.

Trong bể này, ông Trân được 20 chiến sĩ hải quân bơi xung quanh sẵn sàng giải cứu khi gặp sự cố. Trên bờ có một cần trục chờ sẵn để vớt con tàu lên khỏi bể nhanh nhất, và luôn túc trực một bác sĩ cấp cứu. Học viện Hải quân đã chuẩn bị cho ông Trân những điều kiện thử nghiệm tốt nhất.

“Theo quyết định của UBND tỉnh Thái Bình cũng đã mở ra cho ông Hòa một cơ hội, nếu được Hải quân vùng I giúp đỡ, việc thử nghiệm sẽ dễ dàng và an toàn hơn. Hải quân sẽ cử 4 tàu đi theo đội hình chữ nhật, cắm cờ thử nghiệm hoặc tập trận, các tàu thuyền đi qua sẽ tránh xa. Đồng thời chờ sẵn cạnh đó một tàu có cần cẩu lớn để sẵn sàng trục vớt tàu ngầm Trường Sa. Tôi nghĩ như vậy là an toàn nhất.” – Ông Phan Bội Trân nhận định.

Minh Tuệ
http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/tau-truong-sa-khong-duoc-thu-nghiem-chi-vicai-ghe-3036287/

Tuần Châu mời Tàu ngầm Trường Sa đến thử nghiệm

(Quan điểm) - Doanh nhân Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu gợi ý đưa tàu ngầm ra thử nghiệm trong cảng du thuyền tại Khu du lịch Tuần Châu.
Khát vọng tàu ngầm Việt ‘tắc’: Tiền chi ra nhưng...
Tàu ngầm Trường Sa muốn được thử nghiệm vào ngày 30/4

Ngày 30/4, ông Nguyễn Quốc Hòa, người chế tạo tàu ngầm Trường Sa cho biết, sau khi bị cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình từ chối không cho phép ra vùng biển quê nhà thử nghiệm, ông và các cộng sự đang tính phương án đưa tàu ra vùng biển đảo Tuần Châu.

“Sau khi cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình từ chối cấp phép ra vùng biển địa phương thử nghiệm, tôi đã tiếp tục gửi đơn xin phép lên Bộ Quốc phòng. Gần đây, tôi nhận được lời mời của anh Tuyển. Tôi đang xem xét đưa tàu ra Tuần Châu thử nghiệm”, ông Hòa tiết lộ.

Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đã họp bàn và quyết định từ chối việc cho phép tàu ngầm ra biển cách cảng Diêm Điền khoảng 12 km để thử nghiệm. Theo lãnh đạo tỉnh này, lý do khiến tàu ngầm Trường Sa bị từ chối cấp phép là phương tiện cứu hộ địa phương chưa đáp ứng được. Hiện tại, mọi công đoạn chuẩn bị để tàu ngầm Trường Sa ra biển đã hoàn tất.

Trao đổi trên Zing, bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết: “Chiều 22/4, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức cuộc họp để nghe các sở, ngành báo cáo về vấn đề này. Theo đó, mặc dù đã có văn bản báo cáo, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ phía Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh quân khu".

Theo bà Hải, quan điểm của các cơ quan ở tỉnh Thái Bình là ủng hộ chương trình thử nghiệm của tàu ngầm Trường Sa. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lo sợ rằng, nếu thử nghiệm ở Thái Bình, tất cả các phương tiện, tàu cứu hộ của họ không thể đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia.

Mới đây, trả lời báo chí, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam cho biết, rất ủng hộ doanh nhân Hòa nghiên cứu chế tạo tàu ngầm Trường Sa 01.

Cụ thể, Bộ Quốc Phòng đã cử 2 đoàn công tác của Quân chủng về Thái Bình để đóng góp ý kiến cho ông Hòa trong quá trình đóng và thử nghiệm tàu ngầm. Theo ông Hiến, Trường Sa 01 không phải là một con tàu quân sự nên việc thử nghiệm nó nên giao cho một cơ quan dân sự, có thể là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trao đổi với Đất Việt khi biết chuyện của Tàu ngầm Trường Sa, ông Phan Bội Trân, hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu, người chế tạo tàu ngầm Yết Kiêu mách nước từ chính kinh nghiệm của ông trước đây từng thử nghiệm tàu ngầm Yết Kiêu.

Theo đó ông đã nhờ những cán bộ trong Học viện Hải quân TP.HCM cho thử trong bể thử nghiệm của họ.

Trong bể này, ông Trân được 20 chiến sĩ hải quân bơi xung quanh sẵn sàng giải cứu khi gặp sự cố. Trên bờ có một cần trục chờ sẵn để vớt con tàu lên khỏi bể nhanh nhất, và luôn túc trực một bác sĩ cấp cứu. Học viện Hải quân đã chuẩn bị cho ông Trân những điều kiện thử nghiệm tốt nhất.

“Theo quyết định của UBND tỉnh Thái Bình cũng đã mở ra cho ông Hòa một cơ hội, nếu được Hải quân vùng I giúp đỡ, việc thử nghiệm sẽ dễ dàng và an toàn hơn. Hải quân sẽ cử 4 tàu đi theo đội hình chữ nhật, cắm cờ thử nghiệm hoặc tập trận, các tàu thuyền đi qua sẽ tránh xa. Đồng thời chờ sẵn cạnh đó một tàu có cần cẩu lớn để sẵn sàng trục vớt tàu ngầm Trường Sa. Tôi nghĩ như vậy là an toàn nhất.”, ông Phan Bội Trân nhận định.

Phương Nguyên
http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/tuan-chau-moi-tau-ngam-truong-sa-den-thu-nghiem-3036516/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không phải loạn mà là ba đào:


Sưu tầm trên facebook: Xin chép nguyên văn nên các bác thứ lỗi về ngôn ngữ không được dễ nghe cho lắm.

Chuyện ghi chép ở vỉa hè.

-     Ơ cái đcm. Quả này tao bắt ông già nhà tao cho tao đi lớp cảm tình Đảng. Cố làm một suất Đảng viên. Xong đi học tiếp một lớp đại học luật tại chức. Rồi kiếm thêm một cái bằng tiếng Anh, một cái bằng tin học. Đcm. Có mấy thứ ấy trong tay rồi, tao bắt ông già kiếm cho tao một chân phó, trưởng ban công an xã hoặc chân tư pháp xã. Ơ. Cái đcm. Thế là ấm. Cần l...gì lương. Thi thoảng. Đcm. Đi bắt bọn sâm sia, ba cây ba que, xóc đĩa, cờ bạc. Đcm. Tiền trên chiếu có bao nhiêu là bố mày thu. Đcm. Mỗi tháng cần bốn, năm vụ như thế là ấm. Đéo cần phải è cổ kéo cày làm cái l... gì cho nó mệt xác.

Nói đ....phải phét đâu nhé. Đcm. Chỉ cần tao tu chí, đ...chơi bời nữa thì tao muốn xin cái đ...gì mà ông ấy chẳng cho.


Trên đây là phát ngôn của một chú choai choai, tóc nhuộm xanh đỏ, thuộc thế hệ 9x, con của một vị quan chức cấp huyện mà Tín tôi nghe lỏm được ở quán vỉa hè đấy bà con ạ. Cũng bởi vì "con vua thì lại làm vua " nên những thành phần như thế này vẫn lọt vào các cơ quan công quyền thì cái xã hội này không loạn mới lạ.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ai đây?




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nổ ở Tân Cương ngay lúc Tập Cận Bình đòi tăng cường an ninh : Trên 80 người thương vong


Công an thực tập chống bạo động tại Urumqi, Tân Cương ngày 26/04/2014.
Bài đăng : Thứ tư 30 Tháng Tư 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Tư 2014 
Hôm nay 30/04/2014 một vụ nổ đã xảy ra tại nhà ga Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương làm cho 3 người chết và 79 người bị thương. Vụ đánh bom này diễn ra vào lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến viếng thăm bốn ngày được tuyên truyền ầm ĩ, nhấn mạnh đến việc tăng cường an ninh tại đây.

Bản tin mới nhất của Tân Hoa Xã cho biết những kẻ tấn công đã dùng dao đâm chém người khác và sau đó kích hoạt chất nổ. Tổng cộng có 3 người chết và 79 người bị thương. Hãng tin nhà nước dẫn lời của Tập Cận Bình tuyên bố : « Cuộc chiến đấu chống lại bạo động và khủng bố không cho phép được lơi lỏng một giây phút nào, và các hành động dứt khoát phải được thực hiện nhằm diệt trừ tận gốc rễ khủng bố ».


Trước đó trong một bản tin ngắn, Tân Hoa Xã cho biết vụ nổ xảy ra vào khoảng 19 giờ địa phương, trước nhà ga xe lửa ở phía nam Urumqi. Vụ đánh bom này « tập trung xung quanh các hành lý vô thừa nhận giữa một lối ra nhà ga và một trạm xe buýt ». Hãng tin nhà nước nói thêm : « Các xe cấp cứu và xe công an đã vội vã đến nơi ».Trên mạng xã hội Vi Bác, tờ Tân Kinh báo nói rằng có 50 người bị thương, và theo một công an thì các nạn nhân đã được đưa đến các cơ sở y tế.

Rất nhiều thông tin do các báo đưa lên mạng xã hội Trung Quốc, cũng như các lời bình của cư dân mạng về đề tài này đã nhanh chóng bị kiểm duyệt xóa mất, vài giờ sau khi xảy ra vụ nổ. Tương tự, các tấm ảnh được cho là chụp tại khu vực xung quanh nhà ga – trong đó một số tấm cho thấy hàng rào an ninh của công an, hay những mảnh vỡ, một mảng lề đường bị cháy đen gần cửa vào ga, vết máu trên những chiếc vali – cũng nhanh chóng bị biến mất.

Theo Tân Hoa Xã, những người có mặt trên quảng trường trước nhà ga đã được sơ tán. Đến 21 giờ ga xe lửa này được mở cửa trở lại. Đây là nhà ga trung tâm có lượng khách đông nhất Tân Cương. Và ngay ngày mai sẽ có một buổi lễ khai trương các tuyến đường xe lửa mới xuất phát từ nhà ga này, đi đến các thành phố khác.

Việc thông tin về các sự kiện tương tự bị chính quyền Trung Quốc xem là vô cùng nhạy cảm. Kiểm duyệt internet lại càng ngặt nghèo hơn sau hai vụ tấn công tại Thiên An Môn ở Bắc Kinh tháng 10/2013 và tại nhà ga Côn Minh ở Vân Nam tháng 3/2014, được cho là do người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương tiến hành.

Vụ đánh bom trên đây xảy ra trong lúc ông Tập Cận Bình đi thăm Tân Cương, được tuyên truyền hết sức rầm rộ. Từ Khách Thập (Kashgar), ông Tập cho rằng Tân Cương là« tuyến đầu » trong cuộc đấu tranh của Bắc Kinh chống « khủng bố » - theo như báo chí nhà nước cho biết hôm nay. Điều trớ trêu là trước khi vụ nổ diễn ra, Tân Hoa Xã đã rêu rao rằng Trung Quốc sẽ triển khai tại Tân Cương một chiến lược « chống khủng bố » với chủ trương « tiên hạ thủ vi cường » nhằm « làm cho kẻ thù khiếp sợ ». 
Phần nhận xét hiển thị trên trang